I.khái niệm chung về nuôi con nuôi
ii.nguyên tắc của việc giải quyết nuôi con nuôi.
Iii. điều kiện của người nhận nuôi con nuôi.
Iv.nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.
V. Thủ tục nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.
14 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 5608 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vấn đề nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
I.KHÁI NIỆM CHUNG VỀ NUÔI CON NUÔI.
Theo quan điểm chung, nuôi con nuôi được hiểu là việc trẻ em đi làm con nuôi ở gia đình khác trong cùng một nước hay ở ngoài nước, nhằm mục đích xác lập mối quan hệ cha mẹ và con, giữa người nuôi và con nuôi với mục đích đảm bảo cho người được nhận nuôi được trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp với đạo đức xã hội.
Nôi con nuôi có yếu tố nước ngoài là một loại hình nuôi con nuôi mà trẻ em không còn ở nước gốc mà ra nước ngoài làm con nuôi với cha mẹ nuôi cùng hoặc khác quốc tịch. Trẻ em Việt Nam được công dân nước ngoài nhận làm con nuôi thì được coi là con nuôi quốc tế hoặc con nuôi nước ngoài.
Nuôi con nuôi là hiện tượng đã xuất hiện từ rất lâu đời trên thế giới. Trong Bộ luật Hammurabi, một trong những bộ luật thành văn cổ xưa nhất đã chứa đựng những quy định về nuôi con nuôi, đặc biệt với đối tượng trẻ em bị bỏ rơi. Mục 106 của Bộ luật này đã quy định: Trước khi đàn ông có thể nuôi một đứa trẻ bị bỏ rơi, ông ta phải tìm cha mẹ đẻ của nó, nếu tìm thấy thì phải trả đứa trẻ cho họ. Như vậy, có thể thấy giải pháp tốt nhất mà xã hội giành cho trẻ em ( Từ cổ xưa đến hiện đại) vẫn là “ưu tiên trước hết đối với trẻ là được chăm sóc bởi chính cha mẹ đẻ , được sống trong môi trường gia đình ruột thịt của mình” (Điều 3 Tuyên ngôn Liên Hiệp Quốc).
Trong hệ thống pháp luật La Mã cổ đại thì vì mục đích của nhận con nuôi con nuôi chủ yếu để duy trì dòng họ, thờ cúng tổ tiên và thừa kế tài sản.
Thời kỳ cách mạng tư sản việc nuôi con nuôi đã có ý nghĩa về mặt xã hội. Gia đình nào càng đông con thì càng hạnh phúc.
Vấn đề con nuôi cũng được đề cập đến trong Bộ luật dân sự Napoleon 1804 – Bộ luật ra đời đánh dấu nền lập pháp hiện đại. Theo quan điểm của bộ luật này – điều trái ngược với mong muốn của Napoleon – thì việc nuôi con nuôi bị hạn chế. Nó đã xóa bỏ đối tượng con nuôi là trẻ vị thành niên, chỉ cho phép con nuôi là người đã trưởng thành và đã được chăm sóc trong gia đình cha mẹ nuôi 6 năm. Người nuôi phải từ 50 tuổi trở lên và không có con nối dõi. Như vậy, giải pháp nuôi con nuôi chỉ được thực hiện trong trường hợp cha mẹ nuôi không có người thừa kế. Con nuôi được giữ nguyên tất cả các quyền của chúng trong gia đình gốc, chỉ được quyền thừa kế tài sản và mang tên của người nuôi.
Có thể nói vấn đề nuôi con nuôi đã xuất hiện từ rất lâu đời trên thế giới, nhưng vấn đề này chỉ thực sự trở thành mối quan tâm của công đồng thế giới trong vòng hơn nửa thế kỷ qua, kể từ chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.
Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho người được nhận làm con nuôi được trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp với đạo đức xã hội. Giữa người nhận nuôi conn nuôi và người được nhận làm con nuôi có các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con theo quy định của Luật Hôn Nhân và Gia đình (HNGĐ) năm 2000 (Điều 67, Luật HNĐ).
Nuôi con nuôi có thể được hiểu theo hai góc độ: Là sự kiện pháp lí hoặc là quan hệ pháp luật
Với ý nghĩa là sự kiện pháp lí, việc nuôi con nuôi bao gồm các sự kiện sau:
- Sự thể hiện ý chí của người nhận nuôi con nuôi. Người nhận nuôi con nuôi phải thể hiện ý chí của mình về việc mong muốn nhận nuôi đứa trẻ và thiết lập quan hệ cha mẹ và con với đứa trẻ đó. Ý chí, mong muốn đó của người nhận nuôi phải được thể hiện qua đơn xin nhận nuôi con nuôi;
- Sự thể hiện ý chí của cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của trẻ em được cho làm con nuôi. Ý chí của những người này trong việc cho trẻ em làm con nuôi phải minh bạch, và xuất phát từ sự tự nguyện thật sự của bản thân họ mà không có bất cứ sự tác động, thúc ép, dụ dỗ, hứa hẹn hoặc một áp lực nào. Nói cách khác, ý chí đó phải hoàn toàn độc lập. Nội dung của ý chí đó là đồng ý cho con mình làm con nuôi của người khác. Sự đồng ý đó có thể thể hiện bất cứ lúc nào nhưng nó chỉ có ý nghĩa sau khi đứa trẻ được sinh ra mà còn sống;
- Sự thể hiện ý chí của bản thân người con nuôi. Khoản 2 Điều 71 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định: “Việc nhận trẻ em từ đủ 9 tuổi trở lên làm con nuôi phải được sự đồng ý của trẻ em đó”. Trong trường hợp này đứa trẻ tuy chưa được coi có năng lực hành vi đầy đủ nhưng đã có khả năng nhận thức nhất định về cuộc sống, có thể nhận biết và bày tỏ thái độ của mình mong muốn hay không mong muốn làm con nuôi người khác, cũng như cảm nhận được sự an toàn hay không an toàn khi được cho làm con nuôi người khác, khi phải thay đổi môi trường sống… Do đó, pháp luật quy định đứa trẻ từ đủ 9 tuổi trở lên có quyền thể hiện ý chí độc lập, quyết định vấn đề có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của mình; sự đồng ý làm con nuôi của đứa trẻ từ đủ 9 tuổi trở lên là điều kiện bắt buộc để việc nuôi con nuôi có giá trị pháp lí;
- Sự thể hiện ý chí của Nhà nước. Ý chí của Nhà nước được thể hiện qua việc công nhận (hay không công nhận) việc nuôi con nuôi, thông qua thủ tục đăng kí việc nuôi con nuôi (hay từ chối việc đăng kí nuôi con nuôi). Việc nuôi con nuôi được công nhận tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm phát sinh hiệu lực pháp lí của việc nuôi con nuôi.
Như vậy, việc nuôi con nuôi là tập hợp các sự kiện pháp lí. Nếu thiếu đi một trong các sự kiện cấu thành tập hợp đó thì không làm phát sinh quan hệ pháp luật cha mẹ và con giữa người nhận nuôi và đứa trẻ được nhận nuôi. Do đó, dưới góc độ là sự kiện pháp lí, việc nuôi con nuôi là cấu thành sự kiện – sự kiện pháp lí phức hợp.
Cùng với việc kết hôn, vấn đề nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trong thời gian qua ở nước ta cũng tăng nhanh về số lượng, trong đó trẻ em Việt Nam làm con nuôi tại Cộng hòa Pháp chiếm 1/3 tổng số trẻ em Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài.
Theo nguyên tắc, việc nuôi con nuôi nhằm gắn bó tình cảm giữa người nuôi và người được nhận nuôi trong quan hệ cha mẹ và con, bảo đảm cho người được nhận làm con nuôi được trông non, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp với đạo đức xã hội. Theo quy định tại điều 105 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000:
Người nước ngoài xin trẻ em Việt Nam hoặc trẻ em nước ngoài thường trú tại Việt Nam làm con nuôi phải tuân theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (các điều từ 67 – 78) và quy định trong pháp luật của nước mà người đó là công dân về điều kiện con nuôi.
II.NGUYÊN TẮC CỦA VIỆC GIẢI QUYẾT NUÔI CON NUÔI.
Theo Nghị định 69 NĐ – CP ngày 10/7/2002 sửa đổi bổ xung điều 35 Nghị định 68 NĐ – CP.
“Điều 35. Nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi:
1. Việc cho, nhận trẻ em làm con nuôi chỉ được thực hiện trên tinh thần nhân đạo, nhằm bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em và tôn trọng các quyền cơ bản của trẻ em.
Nghiêm cấm lợi dụng việc nuôi con nuôi để bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục, mua bán trẻ em hoặc vì các mục đích khác không phải mục đích nuôi con nuôi; nghiêm cấm lợi dụng việc giới thiệu, giải quyết, đăng ký cho trẻ em làm con nuôi nhằm mục đích trục lợi, thu lợi vật chất bất hợp pháp.
2. Người nước ngoài thường trú ở nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi được xem xét giải quyết, nếu Việt Nam và nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú cùng là thành viên của điều ước quốc tế hai bên hoặc điều ước quốc tế nhiều bên về hợp tác nuôi con nuôi.
3. Người nước ngoài thường trú ở nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi, mà nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú và Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế hai bên hoặc điều ước quốc tế nhiều bên về hợp tác nuôi con nuôi thì cũng được xem xét giải quyết, nếu người đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có thời gian công tác, học tập, làm việc tại Việt Nam từ 06 tháng trở lên;
b) Có vợ, chồng, cha, mẹ là công dân Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam;
c) Có quan hệ họ hàng, thân thích với trẻ em được xin nhận làm con nuôi hoặc đang có con nuôi là anh, chị, em ruột của trẻ em được xin nhận làm con nuôi;
d) Đối với người nước ngoài tuy không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này, nhưng xin nhận trẻ em khuyết tật, tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, nạn nhân của chất độc hoá học, nhiễm HIV/AIDS, mắc các bệnh hiểm nghèo khác đang sống tại cơ sở nuôi dưỡng được thành lập hợp pháp và trẻ em quy định tại khoản 3 Điều 36 Nghị định này làm con nuôi thì cũng được xem xét giải quyết;
đ) Các trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định.”
III. ĐIỀU KIỆN CỦA NGƯỜI NHẬN NUÔI CON NUÔI.
*)Theo Điều 69 của Luật HNGĐ năm 2000 về điều kiện đối với người nhận con nuôi thì người nhận nuôi con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:
1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
2. Hơn con từ hai mươi tuổi trở lên;
3. Có tư cách đạo đức tốt;
4. Có điều kiện thực tế đảm bảo việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
5. Không phải là người đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc bị kết án mà chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; các tội xâm phạm tình dục với trẻ em; có hành vi xúi dục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
**)Căn cứ nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 quy định chi tiết thi hành một số điều luật của luật HNGĐ về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Theo điều 37 của luật này quy định điều kiện đối với người xin nhận con nuôi như sau:
1. Người nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi phải có đủ điều kiện để nuôi con nuôi theo quy định tại điều 69 của luật HNGĐ của Việt Nam và pháp luật của nước nơi người đó thường trú. Công dân Việt Nam xin nhận trẻ em nước ngoài thường trú tại Việt Nam làm con nuôi phải có đủ điều kiện nuôi con nuôi theo quy định tại điều 69 của luật HNGĐ của Việt Nam và pháp luật của nước mà trẻ em đó có quốc tịch.
2. Trong trường hợp vợ chồng xin nhận con nuôi thì mỗi người đều phải tuân theo quy định tại khoản 1 điều này.
IV.NUÔI CON NUÔI CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI.
Theo quy định của Nghị định 184/CP và các thông tư hướng dẫn thì có bốn trường hợp nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài sau đây:
- Người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam thường trú tại Việt Nam làm con nuôi.
- Người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam cuw trú ở nước ngoại làm con nuôi.
- Người Việt Nam nhận trẻ em là người nước ngoại thường trú tại Việt Nam làm con nuôi.
- Công nhận việc nuôi con nuôi giữa người nuôi là công dân Việt Nam và con nuôi là người nước ngoài đã đăng kí tại cơ quan có thầm quyền của nước ngoài.
Và một trong những trường hợp phổ biến nhất là người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam là con nuôi. Theo pháp luật Việt Nam hiện hành để thực hiện việc nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi thì người nước ngoài cần có một số các điều kiện nhất định.
Theo Điều 35 và khoản 1 Điều 79 Nghị định 68/2002/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung), người xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi bao gồm:
1. Người thường trú tại nước mà nước đó và Việt Nam cùng là thành viên của điều ước quốc tế hai bên hoặc nhiều bên về hợp tác nuôi con nuôi (danh mục các nước kèm Thông tư này). Người thuộc đối tượng này được xin bất kỳ trẻ em nào quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 36 Nghị định 68/2002/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) làm con nuôi.
2. Người thường trú tại nước mà nước đó và Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế hai bên hoặc nhiều bên về hợp tác nuôi con nuôi, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì được xin bất kỳ trẻ em nào quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 36 Nghị định 68/2002/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) làm con nuôi:
a) Người có thời gian công tác, học tập, làm việc tại Việt Nam từ 06 tháng trở lên. Thời gian 06 tháng được tính theo một lần nhập – xuất cảnh Việt Nam; nếu hai vợ chồng xin nhận con nuôi thì chỉ cần một người đáp ứng điều kiện này;
b) Người có vợ, chồng, cha, mẹ là công dân Việt Nam, hoặc người gốc Việt Nam. Người gốc Việt Nam được hiểu theo quy định tại Thông tư số 2461/2001/TT-BNG ngày 5 tháng 10 năm 2001 của Bộ Ngoại giao, là người hiện nay hoặc trước đây đã từng có quốc tịch Việt Nam; người có cha đẻ, mẹ đẻ hoặc ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại hiện nay hoặc trước đây đã từng có quốc tịch Việt Nam;
c) Người có quan hệ họ hàng, thân thích với trẻ em được xin làm con nuôi hoặc đang có con nuôi là anh, chị, em ruột của trẻ em được xin nhận làm con nuôi.
Quan hệ họ hàng được hiểu là quan hệ giữa người xin nhận con nuôi là cô, cậu, dì, chú, bác với trẻ em là cháu được xin làm con nuôi (theo bên nội hoặc bên ngoại). Trường hợp người có quan hệ họ hàng là ông, bà xin nhận cháu hoặc anh, chị em xin nhận nhau làm con nuôi, thì không giải quyết.
Quan hệ thân thích là quan hệ giữa người xin nhận con nuôi là chồng với con riêng của vợ hoặc vợ với con riêng của chồng.
3. Người thường trú tại nước mà nước đó và Việt Nam không cùng là thành viên của điều ước quốc tế hai bên hoặc nhiều bên về hợp tác nuôi con nuôi và cũng không thuộc các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều 35 Nghị định 68/2002/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung), thì chỉ được xin nhận con nuôi là trẻ em khuyết tật, tàn tật, trẻ em mất năng lực hành vi dân sự, trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá học, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em mắc các bệnh hiểm nghèo khác đang sống tại gia đình hoặc tại cơ sở nuôi dưỡng được thành lập hợp pháp tại Việt Nam, hoặc trẻ em mồ côi đang sống tại gia đình.
4. Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được xin bất kỳ trẻ em nào quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 36 Nghị định 68/2002/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) làm con nuôi, không phụ thuộc vào việc Việt Nam với nước ngoài nơi người đó định cư cùng hoặc không cùng là thành viên của điều ước quốc tế hai bên hoặc nhiều bên về hợp tác nuôi con nuôi.
Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được hiểu là người có quốc tịch Việt Nam cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài, không kể người đó đã nhập quốc tịch nước ngoài hay chưa.
*) Ngoài các điều kiện quy định về người nhân nuôi con nuôi của Việt Nam thì các nước có công dân nhận con nuôi người Việt Nam cũng có các quy định về điều kiện của công dân mình.
Thực tiễn trong quan hệ nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài cũng chứng minh rằng, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cũng phải xem xét, điều tra kỹ lưỡng về điều kiện của người muốn nuôi con nuôi trước khi chấp nhận cho họ nuôi con nuôi. Quyết định cho phép nhận nuôi con nuôi dựa trên cơ sở là bản điều tra xã hội về người nuôi con nuôi. Tùy theo quy định của mỗi nước mà cơ quan có thẩm quyền khác nhau có thể thực hiện chức năng điều tra khác nhau.
Ví dụ: Tại Thụy Điển điều 25 đoạn 2 Luật phục vụ xã hội thì cơ quan có chức năng thực hiện điều tra xã hội đối với người xin nuôi con nuôi là ban phúc lợi xã hội, Ủy ban phúc lợi xã hội ở địa phương nơi nhận nuôi cư trú sẽ cử một viên chức xã hội – gia đình và bộ phận gia đình thực hiện hoạt động điều tra xã hội đối với người nuôi.
Bản điều tra xã hội đó là một khảo sát điều kiện thực tế trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể mọi mặt điều tra quy định do Ủy ban Quốc gia phụ trách các vấn đề giao nhận con nuôi Quốc tế Thụy Điển biên soạn.
Nội dung của bản điều tra xã hội đặc biệt chú ý đến các yết tố về mặt tâm lý, gia đình và xã hội. Mối quan hệ gia đình của người nuôi con nuôi.
Trên cơ sở kết luận của người điều tra ủy ban xã hội mới quyết định cho phép nhận nuôi hay không.
Tuy nhiên, quy định này chỉ có ý nghĩa là bằng chứng bảo đảm tư cách của người nuôi con nuôi.
Ở Mỹ việc xác định tư cách người nuôi con nuôi thông qua việc kiểm tra hồ sơ tội phạm của cảnh sát về hành vi lạm dụng tình dục của trẻ em đối với người xin nuôi.
Ở Pháp, cơ quan chấp thuận cho phép người nuôi con nuôi là chủ tịch hội đồng tỉnh quy định dựa vào điều 36 của Luật gia đình và trợ giúp xã hội sau khi đã xin xác định các điều kiện của người nuôi.
Ở Hà Lan, pháp luật Hà Lan con đòi hỏi người muốn nhận nuôi con nuôi phải qua một khó huấn luyện nuôi con nuôi. Bộ trưởng Bộ tư pháp cấp giấy phép đồng trên nguyên tắc (điều 5 Luật nhận trẻ em nước nước ngoài làm con nuôi tại Hà Lan 8/2/1988) có hiệu lực 15/7/1989.
Tất cả các điều kiện về người nhận nuôi đó đều góp phần chắc chắn về nhân cách và khả năng của người nhận nuôi góp phần đảm bảo việc thực hiện một cách đầy đủ quyền và nghĩa vụ của cho nhận con nuôi.
V. THỦ TỤC NUÔI CON NUÔI CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI.
- Trình tự thực hiện:
Bước 1: Cán bộ phòng Hành chính tư pháp hướng dẫn công dân kê khai hồ sơ;
Bước 2: Công dân nộp hồ sơ tại phòng Hành chính Tư pháp;
Bước 3: Cán bộ phòng Hành chính tư pháp nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ.
Bước 4: Giám đốc Sở Tư pháp có văn bản trình UBND tỉnh
Bước 5: Công dân nhận Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi
- Cách thức thực hiện: Nộp hồ sơ tại phòng Hành chính tư pháp - Sở Tư pháp
- Thành phần hồ sơ:
* Hồ sơ của người xin nhận con nuôi:
- Tờ khai đăng ký việc nhận nuôi con nuôi;
- Bản sao có công chứng hoặc chứng thực hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế như giấy thông hành hoặc thẻ cư trú;
- Giấy phép còn giá trị do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người đó nhận con nuôi cấp, cho phép người đó nhận con nuôi;
- Bản điều tra về tâm lý, gia đình, xã hội của người xin nhận con nuôi do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú cấp;
- Giấy xác nhận do tổ chức y tế có thẩm quyền của nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú hoặc tổ chức y tế của Việt Nam từ cấp tỉnh trở lên cấp chưa quá 6 tháng tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó có đủ sức khỏe, không bị mắc bệnh tâm thần, không mắc bệnh truyền nhiễm;
- Giấy tờ xác nhận về tình hình thu nhập của người xin nhận con nuôi, chứng minh người đó bảo đảm việc nuôi con nuôi;
- Phiếu Lý lịch tư pháp của người xin nhận con nuôi do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người đó thường trú cấp chưa quá 12 tháng tính đến ngày nhận hồ sơ;
- Bản sao giấy chứng nhận kết hôn trong trường hợp người xin nhận con nuôi là vợ chồng đang trong thời kỳ hôn nhân.
* Hồ sơ của trẻ em được cho làm con nuôi:
- Bản sao có công chứng hoặc chứng thực giấy khai sinh của trẻ em;
- Giấy đồng ý cho trẻ em làm con nuôi;
- Giấy xác nhận của Tổ chức y tế từ cấp huyện trở lên về tình trạng sức khỏe của trẻ em;
- Hai ảnh màu của trẻ em, chụp toàn thân cỡ 10x15 cm hoặc 9x12cm.
- Bản tường trình sự việc của người phát hiện trẻ em bị bỏ rơi; biên bản về việc trẻ em bị bỏ rơi; giấy tờ chứng minh đã thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng (đối với trẻ em bị bỏ rơi).
- Bản sao có chứng thực giấy chứng tử của cha, mẹ đẻ (đối với trẻ em mồ côi)
- Bản sao có chứng thực quyết định có hiệu lực pháp luật của toà án tuyên bố cha, mẹ đẻ của trẻ em đó mất năng lực hành vi dân sự (đối với trẻ em có cha, mẹ là người mất năng lực hành vi dân sự)
- Bản sao công chứng hoặc chứng thực sổ hộ khẩu hoặc giấy đăng ký tạm trú có thời hạn của cha, mẹ đẻ hoặc người giám hộ đang nuôi dưỡng trẻ em (đối với trẻ em đang sống tại gia đình)
Số lượng hồ sơ: 02 bộ (đối với người xin nhận con nuôi); 04 bộ (đối với trẻ em được nhận làm con nuôi).
- Thời hạn giải quyết: 150 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của trẻ em
- Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân.
- Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Phòng Hành chính tư pháp - Sở Tư pháp
- Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi.
- Lệ phí: 2.000.000 đồng.
- Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:
Tờ khai đăng ký nhận nuôi con nuôi (Mẫu STP/HT-2008-TKNCN)
- Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
+ Việc nhận cho trẻ em làm con nuôi chỉ đước thực hiện trên tinh thần nhân đạo nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em và tôn trọng các quyền cơ bản của trẻ em.
+ Nghiêm cấm lợi dụng nuôi con nuôi để bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục, mua bán trẻ em hoặc vì các mục đích khác không phải mục đích nuôi con nuôi; nghiêm cấm lợi dụng việc giới thiệu, giải quyết, đăng ký cho trẻ me làm con nuôi nhằm mục đích trục lợi, thu lợi vất chất bất hợp pháp.
+ Người nước ngoài thường trú ở nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi được xem xét giải quyết, nếu Việt Nam và nơi nước người xin nhận nuôi thường trú cùng là thành viên của điều ước quốc tế hai bên hoặc điều ước quốc tế nhiều bên về nuôi con nuôi
+ Người nước ngoài thường trú ở nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi mà nước nơi người xin nhận con nuôi thường trú và Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế hai bên hoặc điều ước quốc tế nhiều bên về hợp tác nuôi con nuôi thì cũng được xem xét giải quyết, nếu người đó thuộc một trong các trường hợp sau đây.
Có thời gian công tác, học tập,làm việc tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên;
Có vợ, chồng, cha, mẹ là công dân Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam;
Có họ hàng thân thích với trẻ em được xin nhận làm con nuôi hoặc đang có con nuôi là anh, chị, em ruột của trẻ em được xin nhận làm con nuôi;
Đối với người nước ngoài không thuộc một trong các trường hợp quy định trên, nhưng xin nhận trẻ em khuyết tật, tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, nạn nhân chất độc hoá học, nhiễm HIV/AIDS, mắc bệnh hiểm nghèo khác tại cơ sở nuôi dưỡng được thành lập hợp pháp và trẻ em đang sống tại gia đình cũng được xem xét nếu thuộc tường hợp trẻ em mồ côi; trẻ em khuyết tật, tàn tật; trẻ em mất năng lực hành vi dân sự; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo khác; trẻ em là nạn nhân chất độc hoá học; trẻ em nhiễm AIDS/AIDS, trẻ em có quan hệ họ hành thân thích với người xin nhận con nuôi thì cũng được xem xét giải quyết.
Các trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định:
+ Trẻ em được nhận làm con nuôi là trẻ em từ 15 tuổi trở xuống, trẻ em từ trên 15 tuổi đến dưới 16 tuổi có thẻ được nhận làm con nuôi nếu là trẻ em tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự.
+ Trẻ em chỉ có thể làm con nuôi một người hoặc của cả hai người là vợ chồng, vợ chồng phải là những người khác giới có quan hệ hôn nhân.
+ Trẻ em được nhận làm con nuôi là trẻ em đang sống tại cơ sở nuôi dưỡng được thành lập hợp pháp tạo Việt Nam bao gồm: trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em mồ côi; trẻ em khuyết tật, tàn tật; trẻ em mất năng lực hành vi dân sự; trẻ em bị nhiễm chất độc hoá học; trẻ em nhiễm HIV/AIDS; trẻ em mắc các bệnh hiểm nghèo khác; trẻ em khác đước tiếp nhận váo cơ sở nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật
+ Trẻ em đang sống tại gia đình cũng được xem xét nếu thuộc tường hợp trẻ em mồ côi; trẻ em khuyết tật, tàn tật; trẻ em mất năng lực hành vi dân sự; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo khác; trẻ em là nạn nhân chất độc hoá học; trẻ em nhiễm AIDS/AIDS, trẻ em có quan hệ họ hành thân thích với người xin nhận con nuôi hoặc có anh chị em ruột đang làm con nuôi của người xin nhận con nuôi thì cũng được xem xét giải quyết.
+ Trẻ em khuyết tật, tàn tật, là nạn nhân chất độc hoá học, nhiễm AIDS/AIDS, mắc bệnh hiểm nghèo khác đang được chữa trị ở nước ngoài, nếu được người nước ngoài xin nhận làm con nuôi thì được xem xét giải quyết.
- Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
+ Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.
+ Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.
+ Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 21/7/2006 của Chính Phủ về việc sửa đổi một số điều của Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002.
+ Quyết định số 01/2006/QĐ-BTP ngày 29/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành sổ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch.
+ Nghị quyết số 53/2006/NQ-HĐND ngày 8/12/2006 của HĐND tỉnh Nam Định về việc quy định mức thu lệ phí hộ tịch.
VI. KẾT LUẬN.
Vấn đề nuôi con nuôi là vấn đề rất quan trọng được pháp luật việt nam quy định trong rất nhiều các văn bản, thông tư, nghị định và ngay cả trong hiến pháp. Tất cả các quy định đó của phấp luật nhằm một mục đích duy nhất là mang lại cho thế hệ trẻ tương lai một cuộc sống tốt đẹp hơn, khẳng định tấm lòng nhân ái của con người. Vấn đề nuôi con có yếu tố nước ngoài cũng là một vấn đề rất đáng quan tâm và cũng không thể thiếu trong việc nhận nuôi con nuôi. Nó còn giúp cho thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc quốc gia. Làm cho quan hệ giữa các nước ngày càng trở nên tốt đẹp hơn từ đó góp phần xây dựng hòa bình cho nhân loại.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Vấn đề nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.doc