Về chấm dứt hợp đồng lao động và hợp đồng lao động
Theo chúng tôi, quy định việc ký kết HĐLĐ còn phải
căn cứ vào điều kiện thực tế (công việc, đơn vị, địa
phương ) để thỏa thuận các điều khoản trong
HĐLĐ cho phù hợp với pháp luật và khả năng của
mỗi bên. Vì thế, chỉ cần quy định HĐLĐ phải có
những nội dung chủ yếu và nội dung đó phải phù hợp
với pháp luật, thỏa ước lao động tập thể của doanh
nghiệp (nếu có) theo tinh thần Điều 29 BLLĐ là đủ.
Quy định như vậy không ảnh hưởng đến sự quản lý
của Nhà nước mà còn đảm bảo nội dung HĐLĐ, đảm
bảo được quyền tự chủ của các bên phù hợp với sự đa
dạng của quan hệ lao động trong nền kinh tế thị
trường ở nước ta.
16 trang |
Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 3007 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Về chấm dứt hợp đồng lao động và hợp đồng lao động, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
VỀ CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VÀ
HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
BÙI THỊ KIM NGÂN
ThS. Giảng viên Khoa luật Dân sự - Đại học Luật TP.
HCM
Bộ luật lao động (BLLĐ) 1994 ra đời đánh dấu một
bước phát triển về mặt lập pháp của hệ thống pháp
luật lao động Việt Nam. Chế định hợp đồng lao động
(HĐLĐ) được coi là “xương sống” của BLLĐ đã
phát huy mạnh mẽ trong thực tiễn, góp phần thúc đẩy
sự phát triển của thị trường sức lao động, tạo điều
kiện cho các bên giao kết, thực hiện; hưởng quyền và
gánh vác những nghĩa vụ trong quan hệ lao động.
Tuy nhiên, sau một thời gian vận dụng các quy định
về HĐLĐ và chấm dứt HĐLĐ vào thực tiễn, chúng
đã bộc lộ những vấn đề bất hợp lý cần bổ sung, sửa
đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các bên thực
hiện quyền và nghĩa vụ, hạn chế tranh chấp lao động
xảy ra.
Ở đây chúng tôi muốn đề cập tới những hạn chế của
pháp luật lao động trong các quy định về chấm dứt
HĐLĐ cũng như hướng hoàn thiện các quy định về
chấm dứt HĐLĐ và HĐLĐ nói chung.
I. Về chấm dứt HĐLĐ:
1. Trong Điều 36 khoản 5 của BLLĐ quy định
HĐLĐ chấm dứt khi người lao động bị tòa án tuyên
bố mất tích. Theo chúng tôi nên bỏ quy định này, bởi
lẽ tại Điều 88 Bộ luật Dân sự quy định “thời hạn mà
tòa án có quyền tuyên bố mất tích đối với một người
là 2 năm tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về
người đó, nếu không xác định được tin tức cuối cùng
thì thời hạn là 2 năm được tính từ ngày đầu tiên của
tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng, nếu không
xác định được ngày tháng có tin tức cuối cùng thì
thời hạn được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo
năm có tin tức cuối cùng”.
Như vậy, thời hạn này vượt quá xa thời hạn mà người
sử dụng lao động có quyền sa thải người lao động
(Điều 85, khoản 1, điểm c – người lao động tự ý bỏ
việc 7 ngày trong 1 tháng hoặc 20 ngày trong 1 năm
mà không có lý do chính đáng). Trong trường hợp
này người sử dụng lao động không cần đợi tòa án
tuyên người lao động mất tích mà có quyền đơn
phương chấm dứt HĐLĐ.
2. Trong Điều 38 khoản đ có quy định: “Do thiên tai,
hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác…” thì
người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm
dứt hợp đồng lao động. Như vậy, trường hợp “bất khả
kháng” được hiểu như thế nào? Đây là quy định chưa
rõ ràng dễ bị người sử dụng lợi dụng để cho người
lao động nghỉ việc. Thực tế hiện nay có nhiều công ty
xí nghiệp đưa ra lý do “bất khả kháng khác” để đơn
phương chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn với nhiều
người lao động. Những lý do bất khả kháng khác mà
người sử dụng lao động đưa ra thường là làm ăn thua
lỗ, không ký kết được hợp đồng, không có đơn đặt
hàng hoặc thu hẹp sản xuất…
Những lý do “bất khả kháng khác” cũng gây tranh cãi
trong việc giải quyết tranh chấp lao động của các cơ
quan có thẩm quyền. BLLĐ đã có hiệu lực hơn 6 năm
qua, thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền (cụ thể là Bộ
Lao động - Thương binh xã hội) cần có văn bản
hướng dẫn cụ thể quy định trên nhằm bảo vệ quyền
và lợi ích hợp pháp của các bên (đặc biệt là người lao
động) và tháo gỡ khó khăn cho cơ quan giải quyết
tranh chấp lao động khi có tranh chấp về lĩnh vực
này.
3. Về đối tượng không được hưởng trợ cấp thôi việc:
Theo khoản 1 Điều 10 NĐ 198/CP 31-12-1994 thì
người lao động chấm dứt HĐLĐ mà đủ điều kiện để
hưởng chế độ hưu trí hàng tháng quy định tại Điều
145 BLLĐ thì không được hưởng trợ cấp thôi việc.
Đây là một quy định bất hợp lý. Bởi lẽ bản chất, mục
đích của nguồn quỹ chi trả của hai chế độ này hoàn
toàn khác nhau. Người lao động khi tham gia quan hệ
lao động, đồng thời họ tham gia quan hệ BHXH (có
đóng phí BHXH hàng tháng). Khi đủ điều kiện
đương nhiên quỹ BHXH phải chi trả cho họ. Còn quỹ
trợ cấp thôi việc do người sử dụng lao động lập ra
(Đối với doanh nghiệp được hạch toán vào giá thành
hoặc phí lưu thông; đối với cơ quan, tổ chức cá nhân
thì tự lo nguồn kinh phí). Và người sử dụng lao động
có trách nhiệm phải trả cho người lao động khi chấm
dứt HĐLĐ (Điều 42 BLLĐ).
Do vậy việc quy định được hưởng chế độ này loại trừ
chế độ kia là bất hợp lý, gây thiệt thòi cho người lao
động. Theo chúng tôi trong trường hợp này người lao
động phải được hưởng trợ cấp thôi việc.
Ngày 9/1/2001 Bộ Lao động -Thương binh xã hội có
ra TT02 hướng dẫn chi tiết về HĐLĐ có quy định:
“Bãi bỏ mục 4 điểm III Thông tư 21/ LĐ TBXH ngày
12-10-1996”. Trong điểm 4 mục III Thông tư 21 quy
định trường hợp người lao động được hưởng trợ cấp
thôi việc khi chấm dứt HĐLĐ đó là:
+ Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải tại điểm c
khoản 1 Điều 85 BLLĐ.
+ Người lao động bị ngược đãi quy định tại điểm c
khoản 1 Điều 37 BLLĐ.
+ Bản thân hoặc gia đình thực sự có hoàn cảnh khó
khăn không thể tiếp tục thực hiện HĐLĐ quy định tại
điểm d khoản 1 Điều 37 BLLĐ.
+ Người lao động thường xuyên không hoàn thành
công việc theo HĐLĐ quy định tại điểm a khoản 1
Điều 38 BLLĐ.
+ Doanh nghiệp cơ quan tổ chức chấm dứt hoạt động
quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 38 BLLĐ.
Như vậy, theo TT02 người lao động chấm dứt HĐLĐ
trong các trường hợp trên không được hưởng trợ cấp
thôi việc. Chúng tôi không đồng ý với TT02 ở điểm
sau:
Trường hợp người lao động bị ngược đãi (được hiểu
là người lao động bị đối xử tàn nhẫn, bị xúc phạm
đến danh dự nhân phẩm). Chẳng hạn như đánh đập,
mắng chửi, làm nhục… người lao động buộc phải
thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo
Điều 37 BLLĐ thì họ lại không được hưởng trợ cấp
thôi việc mặc dầu có đủ điều kiện là phi lý xét về cả
góc độ pháp luật và đạo đức. Danh dự nhân phẩm của
con người là cao quý. Người lao động bán sức lao
động cho người sử dụng lao động không có nghĩa là
họ đã lệ thuộc hoàn toàn vào người sử dụng lao động
cả tính mạng, danh dự, nhân phẩm… mà người sử
dụng lao động chỉ được khai thác, sử dụng sức lao
động phục vụ cho sản xuất kinh doanh… nhưng phải
có nghĩa vụ bảo vệ tính mạng, tôn trọng danh dự,
nhân phẩm của người lao động (Điều 5 BLLĐ quy
định “cấm ngược đãi người lao động…”, Điều 8
BLLĐ “người sử dụng lao động có nghĩa vụ tôn
trọng danh dự phẩm chất và đối xử đúng đắn đối với
người lao động”).
Như vậy chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp này
người lao động phải được hưởng trợ cấp thôi việc
(nếu họ có đủ điều kiện quy định tại Điều 42 BLLĐ).
4.Về đối tượng không được hưởng trợ cấp mất việc:
Khi doanh nghiệp thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ,
người sử dụng lao động được chấm dứt HĐLĐ và
giải quyết chế độ mất việc làm (Điều 17 BLLĐ) cho
những người lao động làm việc thường xuyên trong
doanh nghiệp từ 1 năm trở lên. Còn những người lao
động khác chưa đủ một năm thì không được hưởng
quyền lợi gì. Điều này là bất hợp lý. Việc người lao
động bị chấm dứt HĐLĐ do ý chí của người sử dụng
lao động trong từng trường hợp được pháp luật cho
phép, tức khi quyết định đơn phương chấm dứt
HĐLĐ đối với những người lao động này, người sử
dụng lao động buộc phải dự liệu được tình hình lao
động, nguồn quỹ trợ cấp mất việc để giải quyết hậu
quả khi giảm thải lao động. Theo chúng tôi thì những
người lao động bị chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp
thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ mà chưa đủ 1 năm
làm việc vẫn phải được hưởng trợ cấp mất việc (Mức
được hưởng tương ứng với số tháng làm việc tại
doanh nghiệp).
II. VỀ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG:
1. Về các loại HĐLĐ:
Theo Điều 27 BLLĐ thì có ba loại HĐLĐ. Ở đây
chúng tôi chỉ đề cập tới loại “HĐLĐ xác định thời
hạn từ 1 tới 3 năm”. Theo Nghị định 198CP 31-12-
1994 hướng dẫn đó là loại hợp đồng ấn định được
thời hạn 1 năm, 2 năm, 3 năm… áp dụng cho những
công việc được xác định được thời hạn kết thúc.
Trong thực tế, có những công việc có thể thực hiện
hơn 3 năm có thể 4 năm hoặc 5 năm, 6 năm… Vì thế
theo quy định hiện hành thì cứ 3 năm hai bên lại phải
ký lại HĐLĐ, như vậy sẽ gây phiền hà cho cả hai
phía (Đặc biệt là người lao động dễ bị mất cơ hội có
việc làm). Theo chúng tôi nên sửa quy định này là:
“Hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 năm trở
lên…”. Còn công việc thực hiện được mấy năm thì
do hai bên thỏa thuận tùy theo khả năng và nhu cầu
của mỗi bên.
2. Về HĐLĐ vô hiệu:
Trong chương IV của BLLĐ quy định về HĐLĐ, NĐ
198/CP và TT21/LĐ TBXH hướng dẫn về HĐLĐ
chưa đề cập tới vấn đề HĐLĐ vô hiệu và giải quyết
hậu quả pháp lý khi HĐLĐ vô hiệu.
HĐLĐ vô hiệu là hợp đồng có một phần hoặc toàn bộ
nội dung không bảo đảm các điều kiện theo luật định.
HĐLĐ có thể vô hiệu toàn bộ hay vô hiệu từng phần.
HĐLĐ vô hiệu toàn bộ khi vi phạm một trong các
điểm sau:
- Một bên giao kết không có năng lực pháp luật và
năng lực hành vi lao động (người mất trí, người đang
bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tòa tuyên phạt
cấm không được làm nghề cũ…, người lao động nhỏ
hơn 15 tuổi mà không được cha mẹ hoặc người đại
diện hợp pháp đồng ý…);
- Một bên giao kết HĐLĐ bị ép buộc hoặc lừa dối;
- Có nội dung vi phạm những điều cấm của pháp luật
(chẳng hạn hai bên thỏa thuận công việc mà đã bị
pháp luật cấm lao động nữ hoặc lao động chưa thành
niên thực hiện).
HĐLĐ bị coi là vô hiệu từng phần khi nội dung của
phần đó vi phạm những điều cấm của pháp luật
nhưng phần vi phạm đó không ảnh hưởng đến nội
dung các phần còn lại của HĐLĐ (chẳng hạn trong
nội dung về tiền lương hai bên thỏa thuận mức lương
trong HĐLĐ thấp hơn mức tiền lương tối thiểu do
Nhà nước quy định hay thấp hơn mức lương tối thiểu
trong thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp).
Hiện nay, trong Điều 29 BLLĐ khoản 2 chỉ quy định:
“Trong trường hợp một phần hoặc toàn bộ nội dung
của HĐLĐ quy định quyền lợi của người lao động
thấp hơn mức quy định trong pháp luật lao động, thỏa
ước lao động tập thể, nội quy lao động đang áp dụng
trong doanh nghiệp hoặc hạn chế các quyền khác của
người lao động thì một phần hoặc toàn bộ nội dung
đó phải được sửa đổi, bổ sung”. Trong trường hợp
trên, thanh tra lao động hướng dẫn cho các bên sửa
đổi, bổ sung cho phù hợp nếu các bên không sửa đổi,
bổ sung thì thanh tra có quyền buộc hủy bỏ các nội
dung đó.
Như vậy khi HĐLĐ vô hiệu toàn bộ bị tuyên bố hủy
bỏ thì hướng xử lý các HĐLĐ này như thế nào?
Quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các bên (đặc biệt là
người lao động) được giải quyết ra sao? Đây là vấn
đề mà pháp luật còn bỏ ngỏ. Theo người viết, cần bổ
sung chương IV BLLĐ về HĐLĐ trong đó quy định
HĐLĐ vô hiệu và đường lối xử lý HĐLĐ vô hiệu.
3. Về trường hợp hết hạn HĐLĐ nhưng hai bên vẫn
duy trì quan hệ lao động:
Đây là trường hợp khá phổ biến trong thực tế và
thường gây thiệt thòi cho người lao động nhưng chưa
được pháp luật quy định cụ thể. Về nguyên tắc, khi
hết hạn HĐLĐ, nếu có nhu cầu thì các bên phải ký lại
HĐLĐ. Nhưng trong thực tế, thường là khi hết hạn
HĐLĐ, người sử dụng lao động vẫn sử dụng người
lao động đó, người lao động vẫn tiếp tục làm việc và
hưởng các chế độ theo thỏa thuận trong HĐLĐ đã hết
hạn. Trong trường hợp này, người sử dụng lao động
có quyền cho người lao động nghỉ việc bất kỳ lúc nào
nếu họ muốn với lý do “HĐLĐ đã hết hạn”.
Theo chúng tôi, pháp luật nên quy định: “Nếu hết hạn
HĐLĐ mà quan hệ lao động vẫn duy trì thì HĐLĐ đó
mặc nhiên có giá trị như HĐLĐ cũ”. Có như vậy mới
bảo vệ người lao động tránh tình trạng người sử dụng
lao động lợi dụng kẽ hở của pháp luật để cho người
lao động nghỉ việc tùy tiện.
4. Về mẫu HĐLĐ:
Mẫu HĐLĐ được quy định trong Quyết định 207/LĐ
TBXH ngày 2-4-1993 quy định về việc phát hành và
sử dụng HĐLĐ thống nhất trong cả nước. Và theo
Điều 2 Nghị định 198/CP ngày 31-12-1994 của
Chính phủ thì “HĐLĐ ký kết bằng văn bản phải theo
bản HĐLĐ do Bộ Lao động - Thương binh xã hội ấn
hành và thống nhất quản lý”.
Quy định này nhằm đảm bảo tốt hơn công tác quản lý
lao động thông qua HĐLĐ có đủ nội dung cần thiết
và cả về hình thức. Tuy nhiên, thực tế trong quan hệ
lao động có rất nhiều công việc với nhiều ngành nghề
khác nhau, mang những nét riêng của từng đơn vị,
từng địa phương…, nên buộc khi ký kết hợp đồng lao
động các bên phải tuân theo mẫu quy định tại quyết
định 207/1993 là gò bó, chưa đáp ứng được yêu cầu
thực tiễn.
Theo chúng tôi, quy định việc ký kết HĐLĐ còn phải
căn cứ vào điều kiện thực tế (công việc, đơn vị, địa
phương…) để thỏa thuận các điều khoản trong
HĐLĐ cho phù hợp với pháp luật và khả năng của
mỗi bên. Vì thế, chỉ cần quy định HĐLĐ phải có
những nội dung chủ yếu và nội dung đó phải phù hợp
với pháp luật, thỏa ước lao động tập thể của doanh
nghiệp (nếu có) theo tinh thần Điều 29 BLLĐ là đủ.
Quy định như vậy không ảnh hưởng đến sự quản lý
của Nhà nước mà còn đảm bảo nội dung HĐLĐ, đảm
bảo được quyền tự chủ của các bên phù hợp với sự đa
dạng của quan hệ lao động trong nền kinh tế thị
trường ở nước ta.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 46_9888.pdf