Về mô hình cấu trúc nhân cách trong tâm lý học

Mô hình HB2010 cũng cho phép hình dung chiến lược, con đường và cách thức tác động, can thiệp đến nhân cách. Muốn thay đổi nhân cách thì phải tác động được đến tầng sâu nhất của nhân cách, đến các giá trị của nó. Một sự thay đổi dừng lại ở tri thức, cảm xúc hay ngay cả ở tầng năng lực cũng tỏ ra hời hợt vì chưa làm thay đổi được yếu tố quy định hành vi của chủ thể. Sự thay đổi giá trị chỉ được thực hiện trên cơ sở “tự phá vỡ” bản thân, tức là thay đổi tự ý thức. Con đường khái quát để đi đến giá trị cá nhân, hình thành hay thay đổi, là đi từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới theo gợi ý của mô hình.

pdf8 trang | Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 6213 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Về mô hình cấu trúc nhân cách trong tâm lý học, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 6(35).2009 112 VỀ MÔ HÌNH CẤU TRÚC NHÂN CÁCH TRONG TÂM LÝ HỌC ON PSYCHOLOGICAL PERSONALITY STRUCTURE Lê Quang Sơn Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng TÓM TẮT Cấu trúc nhân cách là luận điểm trung tâm của bất kỳ lý thuyết nhân cách nào. Trong các lý thuyết tâm lý họ c, do chỗ các nhà nghiên cứu khi đề xuất mô hình cấu trúc nhân cách đều xuất phát từ nhiệm vụ cụ thể mà họ giải quyết, nên tồn tại nhiều mô hình khác nhau. Trong điều kiện của công tác tham vấn tâm lý và giáo dục nhân cách ngày nay cần thiết phải nghiên cứu và đề xuất các mô hình mới về cấu trúc nhân cách. Bài viết, trên cơ sở phân tích các mô hình đã có, và xuất phát từ góc nhìn phương pháp tác động đến con người, đề xuất mô hình mới về cấu trúc nhân cách – mô hình HB2010. Mô hình HB2010 có khả năng gợi mở phương hướng, cách thức tác động và nhận định, đánh giá hiệu quả tác động lên nhân cách. Mô hình được kỳ vọng góp phần tạo thêm những công cụ mới cho tâm lý học trên con đường khám phá và can thiệp vào đời sống tâm lý đầy bí ẩn của con người. ABSTRACT Personality structure is the central issue of any personality theory. In popular psychological theories, each theorist designed a model of personality structure according to his concrete tasks; therefore, different models came into being. In recent conditions for personality education and psychological counseling, there has been a pressing need for new models of personality structure. This research , based on the analysis of existing models, suggests a new model, called HB2010, with the orientation on personality intervention and educational methodology. The HB2010 model of personality structure is used for suggesting strategies and directions on intervention as well as assessing intervention effects on personality. It is hoped that the HB2010 model will serve as an effective means for researching and intervening in the human mysterious psychological world. 1. Đặt vấn đề Nhân cách và phát triển nhân cách, nói như L.X.Vygotxky, nhà tâm lý học kiệt xuất người Nga, là vấn đề tập trung cao nhất của toàn bộ tâm lý học. Ở đây tổng hợp và hợp nhất những luận điểm có tính nguyên tắc của tất cả các lĩnh vực khác của tâm lý học. Chính trong việc nghiên cứu nhân cách các nhà nghiên cứu kết hợ p các lĩnh vực của tâm lý học lại trong nỗ lực hiểu con người với tư cách một thể trọn vẹn mang tính tổng hợp. Trong nghiên cứu nhân cách, vấn đề cấu trúc nhân cách luôn là vấn đề trung tâm do lẽ nó chỉ ra những yếu tố tương đối ổn định trong tâm lý con người, và chỉ ra cách mà các yếu tố này liên kết với nhau, tác động qua lại với nhau và chi phối hành vi của con người. Cấu trúc nhân cách, do đó, tạo ra công cụ thao tác trong tư duy và hành động thực tiễn. Nhà nghiên cứu, dựa trên mô hình cấu trúc nhân cách thu thập, mô tả, lý giải TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 6(35).2009 113 các hiện tượng tâm lý đa dạng của con người và cũng trên mô hình cấu trúc nhân cách đưa ra các định hướng, chiến lược và biện pháp can thiệp, tạo thay đổi tro ng tâm lý và hành vi cá nhân. Hầu hết các nhà nhân cách học đều đề cập đến vấn đề cấu trúc nhân cách. Trong các lý thuyết tâm lý học tồn tại nhiều mô hình cấu trúc nhân cách do chỗ các nhà nghiên cứu khi đề xuất mô hình đều xuất phát từ mục đích riêng của mình. Mỗi mô hình, do đó, đều gắn với mục đích và nhiệm vụ cụ thể mà nhà nghiên cứu giải quyết. Trong điều kiện của công tác tham vấn tâm lý và giáo dục nhân cách ngày nay, việc nghiên cứu và đề xuất các mô hình mới về cấu trúc nhân cách có ý nghĩa quan trọng góp phần tạo thêm những công cụ mới cho tâm lý học trên con đường khám phá và can thiệp vào đời sống tâm lý đầy bí ẩn của con người. 2. Mô hình cấu trúc nhân cách trong tâm lý học Cấu trúc nhân cách là luận điểm trung tâm của bất kỳ lý thuyết nhân cách nào [8]. Nó gắn với các đặc điểm tương đối bất biến mà con người thể hiện trong các tình huống khác nhau ở các thời điểm khác nhau. Các đặc điểm ổn định này đóng vai trò những khối kiến tạo cơ bản tạo nên tâm lý người. Với ý nghĩa này chúng tương tự như những khái niệm “nguyên tử” và “tế bào” trong các khoa học tự nhiên – cái kiến tạo nên các sự vật và các cơ thể sống. Tuy nhiên các luận điểm cấu trúc nhân cách về bản chất mang tính giả định ngặt. Không thể nhìn thấy chúng qua kính hiển vi như những tế bào thần kinh. Để dễ thao tác các nhà nghiên cứu đề xuất luận điểm cấu trúc nhân cách dưới dạng những mô hình cấu trúc nhân cách. Mô hình cấu trúc nhân cách, như vậy, là sự giả định về các yếu tố tương đối ổn định trong tâm lý con người, về cách mà các yếu tố nà y liên kết với nhau, tác động qua lại với nhau và chi phối hành vi của con người. Mô hình hướng đến lý giải những sự kiện xác định được quan sát từ hiện thực và làm cơ sở cho việc đưa ra các can thiệp vào hiện thực. Về bản chất, tất nhiên, mô hình luôn mang tính suy đoán, và do đó không thể là “đúng” hay “không đúng”. Mô hình được đánh giá ở góc độ phù hợp nhiều hay ít đối với việc lý giải các sự kiện quan sát được từ thực tiễn trong khi vẫn tuân thủ tính nhất quán bên trong, và từ góc độ tính hiệu quả của các biện pháp can thiệp vào hiện thực xuất phát từ mô hình. Trong các lý thuyết tâm lý học ngày nay có thể chỉ ra một số kiểu xây dựng mô hình cấu trúc nhân cách sau. Mô hình “tranh ghép” Để mô tả nhân cách các nhà nghiên cứu đề xuất một kiểu tranh ghép từ các khái niệm – các nét nhân cách. Nét nhân cách được xem xét như một chất lượng ổn định hay một khuynh hướng cư xử theo một cách nhất định trong các tình huống khác nhau. Ở đây có một sự tương đồng với những định nghĩa thông thường khi người ta nói về những hành vi ứng xử đặc trưng của một người nào đó. Những ví dụ phổ biến về nét nhân cách là: tính xung động, tính trung thực, tính nhạy cảm, tính e thẹn. Gordon TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 6(35).2009 114 Allport, Raymond Cattell, Hans Eysenck - ba đại diện nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu các nét nhân cách, - cho rằng tốt nhất nên trình bày bằng sơ đồ cấu trúc nhân cách dựa trên các chất lượng giả định - những chất lượng tạo cơ sở cho hành vi. G.Allport, R.Cattell và H. Eysenck phân biệt 16 cặp nét nhân cách bao gồm: 1) đóng – mở; 2) duy lý – phi lý; 3) không ổn định về cảm xúc - ổn định; 4) quy thuận – lãnh đạo; 5) nghiêm túc – cạn nghĩ; 6) có tính toán, tháo vát - thực hiện tận tâm; 7) thận trọng – tìm kiếm phiêu lưu; 8) thô lậu - nhạy cảm; 9) cả tin – đa nghi; 10) thực tế - mơ mộng; 11) thẳng thắn – ranh mãnh; 12) tự tin – hay lo sợ; 13) bảo thủ - thích thử nghiệm; 14) phụ thuộc người khác - độc lập; 15) không điều khiển được – có thể điều khiển được; 16) thư thả - căng thẳng. Dựa theo 16 cặp nét nhân cách này có thể vẽ được “chân dung tâm lý” của từng con người cụ thể [2]. R.Cattell sau này còn đề cập đến loạt 16 cặp nhân tố cấu thành – được coi là nét đặc trưng của nhân cách gồm các nhân tố được ký hiệu: A, B, C, E, F, G, H, I, L, M, N, O, Q1, Q2, Q3 và Q4 [4]. Mô hình kiểu nhân cách Ở một mức độ phân tích khác, cấu trúc nhân cách được mô tả nhờ vào luận điểm kiểu nhân cách. Kiểu nhân cách được mô tả dưới dạng một tập hợp nhiều nét khác nhau tạo thành một phạm trù độc lập với các giới hạn phân định rõ ràng. So với các luận điểm xem xét cấu trúc nhân cách từ góc độ các nét nhân cách thì các luận điểm này hàm chỉ những đặc điểm hành vi ổn định và khái quát hơn. Do lẽ con người có nhiều nét khác nhau, thể hiện ở nhiều mức độ khác nhau, nên họ được mô tả như là thuộc về một kiểu nhất định. W.H.Sheldom, E.Kretschmer, C.G.Jung đi theo hướng nghiên cứu này. Ví dụ, C. G. Jung chia con người làm 2 phạm trù: hướng nội và hướng ngoại. E.Spranger, dựa trên định hướng giá trị của cá nhân, nói đến 6 kiểu nhân cách: người lý thuyết, người chính trị, người kinh tế, người thẩm mỹ, người vị tha và người tôn giáo. P.Drucker phân biệt: người tâm linh, người trí tuệ, người tâm lý, người kinh tế và người hùng. C.Horney, theo định hướng giá trị trong quan hệ người - người, phân biệt : người nhường nhịn, người công kích và người hờ hững [12]. Đáng chú ý là trong các tư tưởng cổ đại về nhân cách cũng đã thấy tồn tại kiểu tư duy này. Chẳng hạn thuyết Ngũ hành phân biệt các kiểu người : Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ trong đó mỗi kiểu có hai loại vượng và suy [1], hay Hypocrat phân biệt các kiểu người theo khí chất của họ. Mô hình tầng bậc Các lý thuyết nhân cách được phân biệt với nhau theo các luận điểm được sử dụng để mô tả cấu trúc nhân cách. Một số nhà lý luận đưa ra những cấu trúc được xây dựng đặc biệt phức tạp và cặn kẽ trong đó các bộ phận cấu trúc liên kết với nhau bởi vô số con đường. Cấu trúc nhân cách do S.Freud đề xuất gồm 3 tầng: Id (cái Nó), Ego (cái Tôi) và Super Ego (cái Siêu Tôi), là một ví dụ về cách mô tả cấu trúc nhân cách theo tầng bậc đặc biệt phức tạp [13]. Eric Berne, tương tự, phân biệt các tầng trong nhân cách gồm: Cha mẹ (P) - Người lớn (A) - Trẻ con (E) [3]. Mô hình các thành phần nội dung Nhiều nhà lý luận khác, ngược lại, lại đề xuất những hệ thống tổ chức đơn giản TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 6(35).2009 115 hơn, với một số lượng giới hạn các bộ phận và chỉ một số các liên hệ giữa chúng. Ví dụ: luận điểm về các cấu trúc nhân cách do đại điện của tâm lý học nhận thức George Kelly đề xuất [9]. A.G.Kovaliev đề xuất cấu trúc nhân cách gồm bốn thuộc tính: xu hướng, khí chất, năng lực, tính cách. X.L.Rubinstein thì phân biệt: nhận thức (tri thức và năng lực trí tuệ); tình cảm; ý chí, hành động ý chí. K.K.Platonov cố gắng kiên kết mô hình tầng bậc và mô hình các thành phần nội dung trong một giả định khá phức tạp. Theo ông cấu trúc nhân cách bao gồm 4 tiểu cấu trúc khác nhau đồng thời cũng là những trình độ của nhân cách. Đó là: 1) tiểu cấu trúc có nguồn gốc sinh học (khí chất, giới tính, lứa tuổi, bệnh lý...); 2) tiểu cấu trúc về các đặc điểm của quá trình tâm lý (trí nhớ, cảm giác, tư duy, cảm xúc…); 3) tiểu cấu trúc về vốn kinh nghiệm, tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, năng lực; 4) tiểu cấu trúc xu hướng nhân cách. Tương tự, Fridman và Volkov phân biệt : 1) thái độ với thế giới; 2) những khả năng; 3) hành vi; 4) tự ý thức; 5) các quá trình và trạng thái tâm lý [11]. Ở Việt nam khi bàn về nhân cách phần lớn các nhà nghiên cứu sử dụng mô hình Đức (các phẩm chất đạo đức) – Tài (các năng lực của nhân cách). Sự đa dạng của các cách tiếp cận và mô hình cấu trúc nhân cách phản ánh một thực tế là nhân cách là một cấu tạo rất phức tạp. Các hình thức, phương pháp và con đường làm bộc lộ nhân cách rất đa dạng và diễn ra trên nhiều bình diện. Mặt khác, nói như E.V.Shorokhova, “trình độ của những công trình nghiên cứu tâm lý học cụ thể cho đến nay còn chưa cho phép mô tả có logic chặt chẽ và có luận chứng thực tế về cấu trúc của nhân cách” [5]. Mô hình tranh ghép đặt ra nhiệm vụ đo lường khách quan các thông số cơ bản của nhân cách, và điều này gợi ý việc sử dụng các phương pháp đo lường khách quan trong tâm lý học. Mô hình tranh ghép, ở một mức độ nhất định, khi đặt vấn đề về tính thứ bậc của các nhân tố - nét nhân cách, b ị nhập vào lập trường của mô hình kiểu nhân cách. Mô hình kiểu nhân cách cho phép quy tính đa dạng của các hình thức cá thể vào một số lượng không lớn các nhóm được thống nhất lại xung quanh một kiểu đại diện (tiêu biểu). Điều này làm cho việc nhận diện từng cá nhân được dễ dàng. Tuy nhiên, cách làm này lại không cho phép thu được một biểu tượng chính xác về cấu trúc của nhân cách. Cả hai mô hình, tranh ghép và kiểu nhân cách, về nguyên tắc, đều có tính thống kê. Các nét nhân cách hay kiểu nhân cách đều chỉ có thể giải quyết nhiệm vụ mô tả hình thức của nhân cách. Mô hình tầng bậc chú ý đến những động lực mà sự tác động qua lại của chúng với nhau và với môi trường bên ngoài đã tạo nên cấu trúc của nhân cách. Từ góc độ phương pháp tác động đến cá nhân, với việc chỉ ra các cơ chế hình thành nhân cách, đây là mô hình đáng chú ý. Đáng tiếc, các tác giả theo lập trường này ít nhiều đều xuất phát từ quan điểm phân tâm học về tính quy định của các yếu tố sinh học đối với nhân cách, và do vậy khó có thể được sử dụng như nền tảng có triển vọng để xây dựng các đường hướng can thiệp vào sự hình thành và phát triển nhân cách. Mô hình cấu trúc theo các thành phần nội du ng là một gợi ý quan trọng trong việc thiết kế các nội dung TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 6(35).2009 116 giáo dục hình thành và phát triển nhân cách, nhưng lại không gợi mở hướng ứng dụng từ góc độ phương pháp tác động đến nhân cách. Tóm lại, từ góc nhìn phương pháp tác động đến con người, bao gồm cả tác động giáo dục và tác động tham vấn, cần thiết phải có một mô hình cấu trúc nhân cách chuyên biệt, có khả năng gợi mở phương hướng, cách thức tác động và nhận định, đánh giá hiệu quả tác động lên nhân cách. Dưới đây là mô hình đề xuất của tác giả với tên gọi mô hình cấu trúc nhân cách HB2010. 3. Đề xuất mô hình HB2010 Mô hình cấu trúc nhân cách HB2010 (hình 1) có dạng hình nhân (giống như búp bê неваляшка của người Nga) trong đó yếu tố trọng tâm là giá trị cá nhân (khối giá trị). Theo thứ tự mở rộng từ hạt nhân lần lượt các yếu tố cấu thành là: tự ý thức; năng lực; cảm xúc, tri thức, kỹ năng, kỹ xảo; ngoài cùng là các cảm giác. Giá trị cá nhân (hay các định hướng giá trị cá nhân) được hiểu như những thái độ có ý nghĩa của nhân cách đối với mình và với thế giới trong quá khứ, hiện tại, tương lai, được kết tinh lại trong các rung động và biểu tượng của nhân cách. Giá trị cá nhân được xem xét với tư cách kết quả của sự tiếp nhận bởi chủ thể những giá trị cội nguồn (những định hướng xã hội-lịch sử của nền văn hóa mà trong đó con người phát triển và hành động), những giá trị có ý nghĩa về mặt xã hội, và với tư cách kết quả của sự tạo dựng bởi chính chủ thể hệ thống giá trị riêng của mình. Từ góc độ này có thể nói đến những cấu trúc chung đặc trưng cho toàn bộ loài người trong hệ thống giá trị của nhân cách. Những cấu trúc này được xác định bởi những giá trị xuất hiện có tính quy luật trong bất cứ hệ thống quan hệ xã hội nào của con người, và tạo thành hạt nhân cấu trúc tự ý thức của nhân cách [14]. Giá trị, trong cấu trúc nhân cách, xuất hiện với tư cách yếu tố tạo hệ thống, liên kết các thuộc tính nhân cách, các dạng hoạt động khác nhau của con người, quyết định sự phát triển lĩnh vực động cơ-nhu cầu, tạo ra xu hướng nhân cách, đồng thời là một trong những cơ chế tự điều khiển quan trọng nhất của nhân cách. Giá trị thực hiện chức năng thúc đẩy và điều khiển hoạt động của con người. Giá trị bao hàm trong nó sự đánh giá và tự đánh giá của nhân cách, mà mọi sự tự đánh giá đều xuất hiện trong quá trình hoạt động, trong quá trình chủ thể ý thức kết quả hoạt động của mình, và định hướng vào tương lai. Như vậy giá trị chính là khởi nguồn của hành vi tương lai. Nếu như một lý thuyết nhân cách tìm kiếm những phương diện ổn định, bất biến của hành vi của con người, phương diện có ảnh hưởng quyết định đến sự vận động của cá thể thì đó chính là giá trị của cá nhân [6]. Đó cũng là lý do để giá trị đứng ở vị trí trọng tâm của mô hình HB2010. Tự ý thức được xem xét với tư cách một cấu trúc tâm lý phức hợp có tính lịch sử và tính xã hội, hiện hữu ở mọi cá thể đã được xã hội hóa. Cấu trúc của tự ý thức bao gồm một hệ thống các đơn vị. Các đơn vị này tạo nên nội dung của những trải nghiệm cơ bản của nhân cách và xuất hiện với tư cách yếu tố bên trong của sự phản ánh bởi TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 6(35).2009 117 nhân cách những thái độ của nó đối với bản thân và thế giới xung quanh. Đây là điều kiện tâm lý bên trong cần thiết cho sự tự đồng nhất của nhân cách, cho tính ổn định của nó [7]. Năng lực với tư cách là một thuộc tính tâm lý có tính tổ hợp bao hàm trong nó cả tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm lẫn cảm xúc, ý chí và các nét nhân cách khác. Năng lực được hình thành trong hoạt động của con người trên nền tảng vận dụng các tri thức, kinh nghiệm, nỗ lực ý chí và các trải nghiệm cảm xúc khác nhau. Cấu trúc này tương đối ổn định so với các yếu tố cấu thành nên nó như tri thức hay cảm xúc. Bìa ngoài của mô hình là các cảm giác – các yếu tố giản đơn nhất, nguyên liệu hình thành nên những cấu trúc bề sâu phức tạp hơn. Ở phần cấu trúc này diễn ra sự trao đổi nội dung giữa nhân cách và thế giới bên ngoài. Xét từ góc độ tính ổn định của nhân cách mô hình HB2010 cho phép hình dung một cách trực quan mức độ ổn định của các yếu tố cấu thành của nhân cách. Cái dễ thay đổi nhất là các cảm giác, sau đó là tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, các cảm xúc. Khó thay đổi hơn là năng lực, sau đó là tự ý thức. Khối ổn định nhất là giá trị. Đây là khối có trọnglượng lớn nhất và có chức năng giữ thăng bằng cho toàn bộ hình nhân. Khi có tác động từ bên ngoài hình nhân có thể chao đảo những chính khối giá trị sẽ giúp hình nhân trở lại vị trí trí ban đầu. Giống như búp bê неваляшка của người Nga, khi bạn kéo nó ngã thì nó lại tự động đứng lên được mà không cần bất cứ sự can thiệp nào. Cảm giác Cảm xúc, tri thức, kỹ năng, kỹ xảo Năng lực Tự ý thức Giá trị Hình 1. Mô hình nhân cách HB2010 Từ góc độ quá trình hình thành nhân cách, các yếu tố tầng sâu ở bên trong được hình thành từ sự kết tinh, sự lắng đọng của các yếu tố tầng nổi bên trên thông qua quá TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 6(35).2009 118 trình hoạt động và giao tiếp. Các cảm giác là cơ sở hình thành tri thức, kỹ năng, cảm xúc. Đến lượt mình tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, cảm xúc là nền tảng hình thành nên năng lực của cá nhân. Tự ý thức và giá trị là những yếu tố hình thành sau cùng, là sự kết tinh những gì là ổn định nhất trong nhất cách. Mô hình HB2010 cũng cho phép hình dung chiến lược, con đường và cách thức tác động, can thiệp đến nhân cách. Muốn thay đổi nhân cách thì phải tác động được đến tầng sâu nhất của nhân cách, đến các giá trị của nó. Một sự thay đổi dừng lại ở tri thức, cảm xúc hay ngay cả ở tầng năng lực cũng tỏ ra hời hợt vì chưa làm thay đổi được yếu tố quy định hành vi của chủ thể. Sự thay đổi giá trị chỉ được thực hiện trên cơ sở “tự phá vỡ” bản thân, tức là thay đổi tự ý thức. Con đường khái quát để đi đến giá trị cá nhân, hình thành hay thay đổi, là đi từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới theo gợi ý của mô hình. 4. Khả năng ứng dụng của mô hình đề xuất Bất cứ cách tiếp cận nào đối với nhân cách, để trở nên hữu ích, cũng phải xem xét câu hỏi: những phương diện ổn định, bất biến của hành vi của con người là gì? Vấn đề cấu trúc và, quan trọng hơn, bản chất tổ chức của cấu trúc và ảnh hưởng của nó đến sự vận động của cá thể là yếu tố cơ bản trong tất cả các lý thuyết nhân cách. Một mô hình cấu trúc nhân cách có giá trị điểm tựa cho việc hoạnh định chiến lược, con đường và biện pháp can thiệp vào tiến trình hình thành và phát triển của nhân cách, tạo công cụ thao tác trong tư duy và thực tiễn là thực sự cần thiết. Mô hình HB2010, với nhiệm vụ mô tả nhân cách từ góc nhìn phương pháp tác động đến con người, có thể được ứng dụng trong thực tiễn can thiệp vào nhân cách, bao gồm cả giáo dục và tham vấn tâm lý. Trên thực tế mô hình đang được ứng dụng trong dự án giáo dục giới tính cho sinh viên Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng [10] và bước đầu đem lại các kết quả khả quan. Trong tài liệu của dự án này, mô hình HB2010 là một trong những cơ sở đề xuất các biện pháp can thiệp thay đổi hành vi tình dục của sinh viên. Những kết quả cụ thể sẽ được công bố trong một bài viết riêng. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Ngọc Bích, Tâm lý học nhân cách – Một số vấn đề lý luận, Nxb GD, 1998. [2] Burlachuc L.Ph., Chẩn đoán tâm lý học, Nxb Piter, Moscow, 2002. [3] Denomé J.M., Madeleine R.: Tiến tới một phương pháp sư phạm tương tác, Nxb Thanh niên, T/c Tri thức & công nghệ, 2000. [4] Đào Thị Oanh, Vấn đề nhân cách trong tâm lý học ngày nay, Nxb GD, 2007. [5] Shorokhova E.V.: Những vấn đề lý luận của tâm lý học nhân cách, M., 1974. [6] Lê Quang Sơn, Bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc trong quá trình phát triển kinh tế xã hội miền Trung, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho miền Trung trước thềm thế kỷ XXI, ĐN, 2000. TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG - SỐ 6(35).2009 119 [7] Lê Quang Sơn, Một số đặc điểm tự ý thức sắc tộc của người Việt, Tạp chí Khoa học & công nghệ, Đại học Đà Nẵng, No8, 10/2001. [8] Lê Quang Sơn, Về cấu trúc của một lý thuyết Tâm lý học nhân cách, Thông báo khoa học, Khoa Tâm lý-Giáo dục, Trường ĐHSP-ĐHĐN, 5/2006. [9] Lê Quang Sơn, Nguyễn Văn Lũy, Từ điển Tâm lý học, Nxb GD, 2009. [10] Lê Quang Sơn và các tác giả khác: Hành trình thành niên, Giáo trình điện tử về giáo dục giới tính, tình dục và sức khỏe sinh sản cho sinh viên, Quỹ Dân số thế giới và ĐHSP-ĐHĐN, 2009. [11] Trần Trọng Thủy, Khoa học chẩn đoán tâm lý, Nxb GD, 1992. [12] Nguyễn Quang Uẩn, Tâm lý học đại cương, HN, 1995. [13] Larry A.Hjelle & Daniel J. Ziegler: Personality theories, McGraw Hill, 1997. [14] Ле Куанг Шон, Психологические особенности ценностных ориентаций современной вьетнамской молодёжи, Кандидатская диссертация, Москва, 1998.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfbai_18b_2404.pdf
Luận văn liên quan