Vị trí khu di tích khảo cổ học 18 hoàng diệu trong cấu trúc thành Thăng Long -Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử

Phát hiện này còn cung cấp thông tin cho biết trong lòng đất Cấm thành -Hoàng thành Thăng Long xưa còn bảo tồn nhiều di tích di vật quý. Những khai quật thăm dò khảo cổ học ở Đoan Môn, Hậu Lâu, Cửa Bắc và một số địa điểm khác cũng chứng minh thêm nhận định này. Từ đâycó thể đưa ra khả năng mở rộng diện điều tra, xây dựng quy hoạch bảo tồn một khu vực di tích lịch sử -văn hoá của kinh thành Thăng Long, thành Hà Nội từ thời tiền Thăng Long đến thời Thăng Long, thời Hà Nội và mở rộng qua các di tích thời cận đại đến cácdi tích thời hiện đại tức thời cách mạng và kháng chiến như Hội trường Ba Đình, Lăng và Nhà sàn Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng hành dinh Quân đội nhân dân Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ trong thành Hà Nội và cả khu phố cổ Hà Nội, kéo dài từ thế kỷ thứ VII -IX đến thế kỷ XX. Một di sản văn hoá như vậy sẽ tăng thêm vị thế của thủ đô Hà Nội, phát huy tác dụng sâu sắc trong giáo dục truyền thống dân tộc cũng như trong các hoạt động giao lưu văn hoá và du lịch.

pdf40 trang | Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 2617 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Vị trí khu di tích khảo cổ học 18 hoàng diệu trong cấu trúc thành Thăng Long -Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
cho biết vị trí của chùa: bên trái là sông Tô, bên phải là cửa Đông Hoa, phía Đông là cầu đá. Đình Đông Môn ở 8 Hàng Cân chỉ còn giữ được tên đình là “Đông Môn đình”, nhưng cũng là một chỉ giới quan trọng để xác định vị trí Cửa Đông tức cửa Tường Phù thời Lý, Trần sang thời Lê đổi là cửa Đông Hoa và dân gian quen gọi là Cửa Đông. Hội quán Phúc Kiến ở 40 phố Lãn Ông còn lưu giữ một tấm bia mang niên đại muộn năm Gia Long thứ 16 (1817), nhưng cung cấp một thông tin đáng lưu ý là người Hoa đã mua đất ở xứ Cửa Đông Hoa để xây Hội quán. Thông tin này chứng thực thêm địa điểm Hội quán Phúc Kiến nằm trên đất cửa Đông Hoa tức cửa Tường Phù thời Lý. Với những cứ liệu trên, có thể xác định cửa Tường Phù tức Cửa Đông của Hoàng thành mở ra phía đền Bạch Mã, cửa sông Tô, khoảng gần Cầu Đông bắc qua sông Tô ở 38B Hàng Đường, đình Cửa Đông ở 8 Hàng Cân và Hội quán Phúc Kiến ở 40 Lãn Ông hiện nay. Có thể xác định một cách tương đối, đoạn thành phía Đông của Hoàng thành nằm khoảng phố Thuốc Bắc và cửa Tường Phù/Cửa Đông ở khoảng giao nhau của phố Thuốc Bắc - Lãn Ông ngày nay. Khu cửa Đông cũng để lại dấu ấn trong các địa danh hành chính vùng này. Vào đời Gia Long, huyện Thọ Xương có tám tổng thì trong tổng Hậu Túc có thôn Đông Hoa Môn, Hậu Đông Hoa Môn; tổng Tiền Túc có thôn Hữu Đông Môn, Đông Thành Thị, Đông Thành[16]. Vào cuối thế kỷ XIX, theo Đồng Khánh địa dư chí lược, huyện Thọ Xương có tám tổng, tổng Thuận Mỹ có thôn Hữu Đông Môn, Đông Thành Thị, Yên Nội Đông Thành[17]. Cục Văn thư lưu trữ nhà nước còn lưu giữ địa bạ năm Minh Mệnh thứ 18 (1837) của thôn Hữu Đông Môn, Đông Thành Thị, Yên Nội Đông Thành[18]. Cùng với các tên thôn đó là di tích một số đình, chùa như chùa Đông Hoa Môn ở 38B phố Hàng Đường, đình Đông Môn ở 8 phố Hàng Cân, đình Hậu Đông Hoa ở 2 phố Chả Cá... § Cửa Đại Hưng hay Cửa Nam còn để lại dấu tích qua địa danh và chứng cứ trong các sách địa chí, trong thơ văn và trong sử tích đền Lương Sử. Những địa danh liên quan là vườn hoa Cửa Nam, chợ Cửa Nam còn tồn tại đến nay. Năm 1037 vua Lý Thái Tông phong Thái úy Phạm Cự Lạng đời Tiền Lê làm Hoằng Thánh Đại vương và “dựng đền thờ ở phía Tây Cửa Nam thành”[19]. Đó là đền Hoằng Thánh thờ Phạm Cự Lạng hiện còn dấu tích ở đình Lương Sử tại ngõ Lương Sử A ở khu Cửa Nam. Đình mới xây dựng lại nhưng vẫn giữ nguyên vị trí và hướng đình là hướng bắc. Long Biên bách nhị vịnh của Bùi Cơ Túc sống khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu XIX, trong bài Vịnh lầu Vọng Tiên với lời tiểu dẫn cho biết, lầu Vọng Tiên do Lê Thánh Tông xây dựng, đã bị phá khi Gia Long xây dựng lại thành Thăng Long và “nền cũ cửa Đại Hưng ở phía trong cửa Đông Nam khoảng 20 trượng”, còn “nền cũ lầu Vọng Tiên vốn ở trước cửa Đông Nam, chỗ thành mang cá”[20]. Cửa Đông Nam ở đây là của thành Thăng Long - Hà Nội thời Nguyễn, mặt nam thành mở hai cửa: cửa Đông Nam và cửa Tây Nam. Lầu Vọng Tiên đã bị phá hủy, nhưng vị trí còn lưu dấu tích tại quán Vọng Tiên ở 120 phố Hàng Bông hiện nay. Nguyễn gia phả ký chép rằng năm Canh Tý (năm 1780), Nguyễn Gia Thiều được thăng làm Đô chỉ huy sứ cai quản Thị hầu thị tiền bộ hiệu, có “nhà cũ ở cổng Nam Môn” và tại đây ông xây dựng tháp chùa Tiên Tích[21]. Hà Nội địa dư của Dương Bá Cung cũng xác nhận chùa Tiên Tích do Phủ chúa xây dựng ở vị trí “hơi xế về bên phải cổng Nam Môn,... phía trước hồ Kim Âu”. Chùa Tiên Tích ở 110 đường Lê Duẩn, phía sau chùa vẫn còn hồ Kim Âu. Từ các cứ liệu trên, có thể xác định cửa Đại Hưng hay Cửa Nam (Nam Môn) mở ra phía vườn hoa và chợ Cửa Nam, gần đình Lương Sử, quán Vọng Tiên và chùa Tiên Tích hiện nay. Đoạn Hoàng thành qua cửa Đại Hưng có thể đoán định chạy gần như song song với phố Trần Phú và theo lời tiểu dẫn của Bùi Văn Cơ trong bài Vịnh lầu Vọng Tiên đã trích dẫn ở trên, thì có thể lùi lên phía bắc khoảng 20 trượng (hơn 60 m). § Cửa Diệu Đức là Cửa Bắc, tư liệu rất ít. Căn cứ vào ghi chép của Đại Nam nhất thống chí “cửa Diệu Đức ở phía bắc thì nay bị lở xuống sông”[22], thì có thể nghĩ rằng cửa này ở gần sông Tô Lịch. Mặt bắc của thành Đại La cũng như Hoàng thành chạy theo bờ nam sông Tô và cửa Diệu Đức/Bắc Môn của Hoàng thành dĩ nhiên nhìn ra sông Tô Lịch và ở phía Nam của dòng sông này, có thể khoảng phố Phan Đình Phùng hay giữa phố Phan Đình Phùng và phố Quán Thánh hiện nay. Trên bản đồ Hồng Đức thời Lê, không thấy ghi một cửa thành nào ở phía bắc. Hiện nay chỉ biết quán Trấn Vũ trấn giữ mặt bắc và năm 1427 khi vây hãm thành Đông Quan, Lê Lợi cho quân sĩ “đắp bức lũy từ phường Yên Hoa tới thẳng Cửa Bắc thành”[23]. Như vậy, cửa Diệu Đức hay Cửa Bắc nhìn ra sông Tô Lịch, ở về phía Nam quán Trấn Vũ và gần phường Yên Hoa tức Yên Phụ hiện nay, còn xác định vị trí cụ thể còn phải chờ thêm những cứ liệu mới. § Cửa Quảng Phúc ở phía Tây thì còn nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho Cửa Tây này “mở trước chùa Một Cột, trên hành lang chạy dọc đường Hùng Vương ngày nay”[24]. Có người cho rằng cửa Quảng Phúc là cửa phía Tây của Cấm thành[25]. Có người lại cho rằng Cửa Tây của Hoàng thành phải xa hơn về phía Tây, có thể đến giáp sông Tô Lịch[26]. Khi xác định Cửa Tây Hoàng thành, nhiều người sử dụng văn bia tháp Sùng Thiên Diên Linh (Duy Tiên, Hà Nam) do Nguyễn Công Bật soạn và khắc vào năm 1121, đoạn viết về vị trí chùa Diên Hữu như sau: “Hướng tây Cấm chi danh viên xưởng Diện Hựu chi quang tự” (hướng về vườn nổi tiếng [phía] tây Cấm [Thành] dựng chùa Diên Hựu)”[27]. Câu văn còn có chỗ cần tra cứu thêm, nhưng nếu hiểu chữ “tây Cấm” là “phía Tây Cấm thành” thì chùa Diên Hựu tức chùa Một Cột nằm về phía Tây Cấm thành, chứ không phải Hoàng thành. Do đó không thể căn cứ vào tư liệu này để xác định cửa Quảng Phúc tức Cửa Tây của Hoàng thành mở ra phía chùa Một Cột, chợ Ngọc Hà và coi đường Hùng Vương như đoạn thành phía Tây của Hoàng thành. Quả thật cho đến nay, tôi chưa tìm thấy cứ liệu trực tiếp nào đáng tin cậy để xác định vị trí cửa Quảng Phúc và giới hạn phía Tây của Hoàng thành. Nhưng nếu căn cứ vào Bản đồ Hồng Đức, Hoàng thành thành Đông Kinh trước khi Lê Thánh Tông mở rộng năm 1490 là tương ứng với Hoàng thành thời Lý, Trần vì từ Lý, Trần sang Lê sơ không thấy sử cũ ghi chép một lần thay đổi lớn nào theo hướng thu hẹp hay mở rộng. Theo suy luận này thì Hoàng thành thời Lý, Trần bao gồm cả một vùng phía Tây nằm trong phạm vi phía bắc là đường Hoàng Hoa Thám dọc theo bờ nam sông Tô Lịch, phía Tây là đường Bưởi dọc theo bờ đông sông Tô Lịch cho đến khoảng Cầu Giấy, phía Nam là khoảng đường Kim Mã. Một quan niệm như vậy về Hoàng thành phải đối mặt với hai yêu cầu giải thích là: - Trên khu vực này khảo cổ học chưa tìm thấy di tích của các cung điện thời Lý, Trần. - Theo sự tích ông Hoàng Lệ Mật thì khu vực này vùng nông nghiệp “Thập tam trại” của cư dân khai hoang từ làng Lệ Mật (Gia Lâm, nay là quận Long Biên, Hà Nội). Về vấn đề thứ nhất, cần lưu ý địa hình tự nhiên, vùng đất này tương đối thấp, có nhiều ao hồ, trên bản đồ Hồng Đức ta thấy vẽ một dải hồ rất rộng chiếm khoảng 1/3 diện tích cả vùng. Theo thư tịch và kết quả khảo sát thực địa, trên địa bàn vùng đất phía Tây này cũng có một số gò núi như núi Voi (Phục Tượng hay Tượng Sơn), núi Vạn Bảo, núi Cung (núi Thái Hòa), núi Cờ, núi Chuối, một dải gò liên tiếp mang tên Gò Dài, Gò Giữa, Gò Đất, gò Miếu Ông chạy từ đền Voi Phục đến Núi Bò gần song song với đường Kim Mã... Trong vùng đất phía Tây Hoàng thành, thường là trên những gò đất cao, nhà Lý xây chùa Chân Giáo (năm 1024) trên núi Voi, quán Thái Thanh (năm 1011), cung Cảnh Linh (1088), cung Thái Hòa trên núi Cung, gần Cấm thành xây chùa Diên Hựu (chùa Một Cột, năm 1049)... Nhà Trần tu tạo và xây dựng thêm một số kiến trúc như năm 1248: “làm cầu Lâm Ba ở chùa Chân Giáo, qua hồ Ngoạn Thiềm, đến quán Thái Thanh, cung Cảnh Linh, cực kỳ tráng lệ”[28]. Vùng đất phía Tây do cảnh quan tự nhiên ở đây, vương triều Lý, Trần không xây dựng nhiều cung điện quy mô và dày đặc như trong Cấm thành, mà chỉ xây một số chùa, quán, hành cung, dựng cầu, tu sửa các hồ... làm nơi thờ Phật, cầu cúng và thưởng ngoạn của vua cùng hoàng gia, quý tộc. Khi xây chùa Chân Giáo năm 1024, sử cũ ghi rõ “để vua tiện ngự xem tụng kinh”[29]. Khi dựng chùa Diên Hựu năm 1049, văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh cũng cho biết “để mồng một hàng tháng, để mùa xuân hàng năm, nhà vua thân ngồi xe ngọc, đến mở tiệc chay... Đó là Bệ hạ dựng chùa thờ Phật để cầu phúc thọ”[30]. Trên vùng đất Quần Ngựa, trước đây Viện Viễn Đông bác cổ Pháp (EFEO) đã thu thập được một số gạch ngói và đồ gốm sứ, trong đó có những di vật mang đặc trưng Lý - Trần. Từ năm 1970 đến 1978, các nhà khảo cổ học đã bốn lần khai quật một số địa điểm vùng Quần Ngựa. Tại những hố khai quật này đã tìm thấy một số viên gạch, đồ đất nung trang trí như đầu và thân rồng, vịt... rất giống với những tiêu bản tìm thấy trong các di tích thời Lý, Trần chứng tỏ có một số kiến trúc Lý - Trần nào đó nhưng chưa rõ và không nhiều. Mặt khác lại tìm thấy tầng văn hóa với nhiều di vật gốm sứ và một giếng nước mà thành giếng làm bằng bao nung sành (ở Đồng Gạch) chứng tỏ khu cư trú bình dân từ Lý, Trần sang Lê sơ. Diện mạo khu Quần Ngựa như khảo cổ học phát hiện không có gì mâu thuẫn với nhận định đây là bộ phận phía Tây của Hoàng thành Thăng Long thời Lý, Trần vì theo tư liệu lịch sử thì trên khu vực phía Tây này, triều Lý, Trần chỉ xây dựng một ít kiến trúc chùa quán và cung điện, còn phần lớn diện tích là ao hồ tự nhiên được tôn tạo làm nơi thưởng ngoạn và một số cư dân phục dịch cũng được sinh sống. Về vấn đề thứ hai, những kết quả nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng, vùng “thập tam trại” ra đời chậm, khoảng cuối Lê đầu Nguyễn khi vùng đất này đã bị đưa ra khỏi Hoàng thành[31]. Câu chuyện ông Hoàng Lệ Mật còn lưu truyền phổ biến và được Phan Huy Chú chép vào Lịch triều hiến chương loại chí[32]. Trại Vĩnh Phúc Thượng và trại Liễu Giai thờ ông làm Thành hoàng, trại Kim Mã và Ngọc Khánh phối thờ với các vị thần khác. Trước đình Vĩnh Phúc Thượng có lăng Thái Tể được coi là lăng mộ ông Hoàng Lệ Mật mà theo Ngọc phả đình Liễu Giai, tên là Hoàng Phúc Trung. Những truyền thuyết đó có thể phản ánh một sự thật lịch sử là từ thời Lý, một số cư dân làng Lệ Mật được chọn làm phu phục dịch trong Hoàng thành và được cư trú trong vùng đất phía Tây này. Họ làm việc phát cỏ, dọn dẹp, cắt cỏ cho voi ngựa... và có thể được khai hoang, lập thành một số xóm làng cư trú, tất nhiên dưới sự quản lý và giám sát chặt chẽ của vương triều. Cần lưu ý là vùng đất phía Tây của Hoàng thành vào thời Lý, Trần còn vẻ hoang sơ, tại cạnh chùa Diên Hựu còn có “ruộng rùa” (quy điền) vì có nhiều rùa, năm 1354 có hổ đen xuất hiện trong thành, sau này, năm 1456 lại có hổ xuất hiện ở chùa Diên Hựu. Có thể từ thời Lý, một lớp cư dân làng Lệ Mật đã có mặt tại thành Thăng Long, nhưng công việc khai phá lập thành Thập tam trại diễn ra muộn hơn. Tham gia khai phá không chỉ có cư dân Lệ Mật mà theo gia phả các họ, còn có cư dân đến từ các vùng đất khác, kể cả vùng Thanh Hóa, Nghệ An. Vì vậy khảo cổ học phát hiện những di tích cư trú mang tính bình dân trong khu Quần Ngựa cũng phù hợp với đặc điểm Hoàng thành thời Lý, Trần. 1.5. Vòng thành trong cùng là Cấm thành. Tên Cấm thành xuất hiện vào các năm 1028, 1209, 1212, 1213 trong sử biên niên. Cùng chỉ vòng thành này, còn có lúc gọi là Cung cấm (1148), Cấm nội (1137), Đại nội (1045, 1055, 1063, 1180). Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán chỉ mới xác định Cấm thành ở trong Hoàng thành, trung tâm là điện Càn Nguyên/Thiên An và có chu vi 4.700 thước, chưa đầy 1,5 km[33]. Phạm Hân nghiên cứu kỹ hơn và xác định quy mô Cấm thành hình vuông mỗi bề chừng 700m, nhưng lại đồng nhất với Long Thành và Long Phượng thành[34]. Xác định thật cụ thể qui mô và giới hạn từng tường thành còn có những quan niệm khác nhau, nhưng về cơ bản không có nhiều khác biệt. Khi xác định phạm vi Cấm thành, các nhà khoa học đều thừa nhận có ba vật chuẩn khá cụ thể. Thứ nhất là núi Nùng trên đó xây dựng điện Càn Nguyên sau đổi thành Thiên An và sang thời Lê sơ đổi là Kính Thiên mà di tích còn lại cho đến nay là nền điện và bậc thềm cùng lan can chạm đá thế kỷ XV. Đó là tâm điểm của Cấm thành qua các thời kỳ lịch sử từ Lý đến cuối Lê. Trong quan niệm phong thủy cổ truyền, núi Nùng hay Long Đỗ được coi là nơi hội tụ khí thiêng non sông nên chính điện của vương triều phải xây dựng trên ngọn núi thiêng này. Thứ hai là Đoan Môn, là cửa Nam của Cấm thành đời Lê và theo nhiều tài liệu lịch sử thì vị trí cửa này không thay đổi, dĩ nhiên là qua nhiều lần xây dựng, tu sửa. Năm 1999, Viện khảo cổ học đào thám sát phía bắc Đoan Môn đã tìm thấy nhiều di vật gồm vật liệu xây dựng và đồ gốm sứ từ thời Lý, Trần đến Lê sơ, Lê Trung hưng và một số vết tích kiến trúc như viền đá lát chân tường Đoan Môn, nền lát gạch, đặc biệt một đoạn đường hai bên viền gạch xếp hình hoa chanh đặc trưng thời Trần. Đoạn đường này dài 15,80m, lòng đường rộng 1,30m, chạy từ chính giữa cửa Đoan Môn về phía điện Kính Thiên theo hướng bắc - nam. Theo nhận định của những người khai quật thì Đoan Môn, kể cả con đường lát gạch chạy về phía điện Càn Nguyên/Thiên An, được xây dựng từ thời Lý, với những loại gạch, ngói ống màu đỏ, đầu ngói và gạch lát in hình hoa sen. Sang thời Trần, kiến trúc bị phá hủy và nhà Trần xây dựng lại con đường bằng vật liệu Trần có sử dụng một số vật liệu Lý. Thế kỷ XV, nhà Lê cho san lấp và dựng lên một Đoan Môn mới. Đoan Môn này cũng qua nhiều lần tu sửa nhưng trên nền tảng kiến trúc thời Lê sơ[35]. Như vậy, kết quả thám sát khảo cổ học xác nhận ghi chép của thư tịch cho rằng Đoan Môn hiện tồn xây dựng trên vị trí của Đoan Môn từ Lý, Trần đến Lê sơ và Lê Trung hưng. Thứ ba là chùa Một Cột ở về phía Tây của Cấm thành như văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh đã chép. Nếu như Cấm thành thời Lý, Trần sang thời Lê sơ không thay đổi thì có thể dựa vào bản đồ thành Đông Kinh để hình dung Cấm thành gần như hình vuông. Từ đó có thể xác định Cấm thành có trung tâm là điện Kính Thiên, phía Nam có Đoan Môn, phía Tây gần chùa Một Cột hiện nay. Ngoài ra có thể kể thêm một căn cứ thời Lê góp phần xác định giới hạn phía Tây và phía bắc của Cấm thành. Đó là vị trí của Khán Sơn và Tam Sơn. Khán Sơn thời Lê được phản ánh trong nhiều bản đồ cổ và tư liệu lịch sử. Bản đồ Đông Kinh thời Lê vẽ Khán Sơn hay chùa Khán Sơn (Khán Sơn tự) ở vị trí phía ngoài và gần góc tây bắc của Cấm thành (Hồng Đức bản đồ, A. 2499; Thiên tải nhàn đàm, A. 2716, A.3034, A. 2006; An Nam quốc Trung Đô tịnh thập tam thừa tuyên, A 2531; Thiên Nam tứ chí lộ đồ, A.73; Toàn tập Thiên Nam lộ đồ, A.1081). Nhưng khi nhà Nguyễn xây thành Thăng Long - Hà Nội thì Khán Sơn lại nằm vào góc tây bắc trong thành[36], tức khoảng góc tây bắc phố Phan Đình Phùng và đường Hùng Vương. Như thế giới hạn phía Tây của Cấm thành ở vào khoảng giữa Quảng trường Ba Đình hiện nay, tức khoảng giữa đường Hùng Vương và đường Độc Lập. Tam Sơn là ba gò đất gồm hai gò tự nhiên cách nhau chừng 20 trượng (hơn 60m) và một gò đắp thêm ở giữa, chu vi hơn 30 trượng (gần 100m), nằm về phía bắc thành Hà Nội[37], tức ở vào phía Nam phố Phan Đình Phùng, gần Cửa Bắc hiện nay. Núi Tam Sơn trước đây nằm ở phía bắc Cấm thành. Như thế, giới hạn phía bắc của Cấm thành là ở vào phía Nam phố Phan Đình Phùng hiện nay. Về giới hạn phía Nam của Cấm thành, trong Long Biên bách nhị vịnh, lời tiểu dẫn bài Vịnh Cột Cờ cho biết Cột Cờ thời Nguyễn xây trên nền cửa Tam Môn ở phía trước cửa Đoan Môn, có từ thời Lý. Như vậy giới hạn phía Nam của Cấm thành là khoảng Cột Cờ hiện nay. Trên cơ sở những vật chuẩn và một số giới hạn bổ sung như trên, có thể phác họa một cách tương đối vị trí và phạm vi của Cấm thành thời Lý, Trần. 1.6. Thành Đông Quan thời Minh thuộc. Trong thời Minh thuộc (1407-1427), nhà Minh lập quận Giao Chỉ và dùng thành Đông Đô làm trị sở của chính quyền đô hộ, gọi là Phủ thành Giao Chỉ hay Phủ thành Giao Châu, thường gọi là thành Đông Quan. Tôi chưa tìm thấy một tư liệu nào phản ánh công việc xây dựng quy mô tại Đông Quan, có lẽ nhà Minh vẫn giữ nguyên cấu trúc và quy mô thành Đông Đô thời Trần, Hồ. Trước đây, khi khảo sát di tích Đoài Môn hay Ủng Môn ở Cống Vị, quận Ba Đình, nằm giữa đường Bưởi và sông Tô Lịch, nhân dân thường gọi là “Đấu Đong” hay “Đấu Đong quân”, tôi ngờ là cổng thành phía Tây do nhà Minh xây dựng. Nhưng kết quả khai quật tháng 10-2003 do Bảo tàng lịch sử và Sở Văn hóa thông tin Hà Nội thực hiện, cho biết đây là một tòa thành nhỏ hình chữ nhật gần vuông, dài 54m, rộng 52m, có niên đại khoảng giữa thế kỷ XVIII, dưới là tầng văn hóa cư trú thời cuối Lý đến đầu Lê sơ[38]. Do nhu cầu quân sự, nhà Minh đặc biệt tập trung vào việc xây dựng một “Khu Diễn Võ” bên ngoài về phía Tây Nam Phủ thành (tức thành Đông Quan), chu vi 12 dặm, trong đó dựng đình Diễn Võ ba gian và phía ngoài có một thành đất “chạy dài từ đông sang tây, xuống tây nam, khoảng 5 hay 6 dặm, phía Đông đến góc đông nam Phủ thành [Đông Quan]”[39]. Đây là chỉ huy sở của quân Minh do Tổng Binh đứng đầu, quân sĩ có 12 doanh, mỗi doanh có doanh trại, xung quanh xây tường, mở bốn cửa đông, tây, nam, bắc. Tại đây, Tổng binh chỉ huy 15 vệ quân Minh chia đóng tại các châu, phủ. Hệ thống quân sự này do Trương Phụ lập ra trong thời gian chỉ huy quân Minh tại Giao Chỉ. Khu Diễn Võ này chính là khu Giảng Võ - Ngọc Khánh hiện nay nằm trong phạm vi đường La Thành, phố Giảng Võ và Kim Mã. Thực ra khu quân sự này đã hình thành từ thời Lý, Trần. Năm 1170, vua Lý Anh Tông “tập bắn và cưỡi ngựa ở phía Nam thành Đại La, đặt tên là Xạ Đình, sai các quan võ hàng ngày luyện tập phép công chiến phá trận”[40]. Năm 1253, nhà Trần lập Giảng Võ đường tại đây. 2. Thành Thăng Long - Đông Kinh thời Lê Sơ - Mạc - Lê Trung hưng 2.1. Thành Đông Kinh thời Lê sơ (1428-1527). Năm 1428, triều Lê khôi phục quốc hiệu Đại Việt và năm 1430 đổi tên kinh thành là Đông Kinh. Trong thời Lê sơ, quy mô thành Đại La hầu như không thay đổi và năm 1477 được xây dựng lại. Vòng thành giữa được gọi là Hoàng thành. Trong Đại Việt sử ký toàn thư, tên Hoàng thành xuất hiện đầu tiên năm 1463 và sau đó sử biên niên ghi chép vào các năm 1467, 1514, 1516. Đặc biệt, trong Quốc triều hình luật, việc bảo vệ Hoàng thành được quy định chặt chẽ và nhắc nhiều lần trong các điều 51, 52, 53, 56, 62, 80, 81, 82, 91, 9294, 96[41]. Theo tôi, chúng ta có đủ căn cứ để khẳng định tên gọi Hoàng thành trong thời Lê sơ và từ đó thường được dùng để gọi chung vòng thành giữa của các kinh thành mang cấu trúc “tam trùng thành quách”. Trong thời Lê sơ, thời Mạc và Lê Trung hưng, Hoàng thành còn được gọi là thành Thăng Long. Hoàng thành thời Lê sơ trải qua hai lần mở rộng: Lần thứ nhất vào năm 1490: “[Năm Giáp Tuất, Hồng Đức thứ 21 (1490)] tháng 11, đắp rộng thêm Phượng Thành theo quy mô thời Lý, Trần. Vua cảnh giác về việc Nhân Tông bị hại, nên lấy lính đắp thành đó. Đồng thời phía ngoài Trường đấu võ, mở rộng đến 8 dặm, sau 8 tháng thì đắp xong”[42]. Như vậy, Lê Thánh Tông đã mở rộng Hoàng thành về phía Tây Nam trên cơ sở khu quân sự thời Lý, Trần và Khu diễn võ của thành Đông Quan thời Minh thuộc. Đó là khu Giảng Võ, Ngọc Khánh hiện nay. Lần thứ hai vào năm 1516, vua Tương Dực “[Bính Tý, năm Hồng Thuận thứ 8 (1516)] trước đây vua thích làm nhiều công trình thổ mộc, đắp thành rộng lớn mấy nghìn trượng, bao quanh điện Tường Quang, quán Chân Vũ, chùa Thiên Hoa ở phường Kim Cổ, từ phía Đông đến phía Tây Bắc, chắn ngang sông Tô Lịch, trên đắp Hoàng thành, dưới làm cửa cống, dùng ngói vỡ và đất đá nện xuống, lấy đá phiến và gạch vuông xây lên, lấy sắt xuyên ngang”[43]. Xung quanh việc mở rộng Hoàng thành lần này, các nhà khoa học có những cách hiểu và giải thích khác nhau. Có người cho rằng, với lần mở rộng năm 1516, Hoàng thành phía bắc bao trùm cả sông Tô Lịch và có thể dấu tích là đoạn đường Thụy Khê hiện nay. Xác định cụ thể phạm vi và ranh giới lần mở rộng này còn phải tìm thêm cứ liệu khoa học. Hơn nữa vương triều Lê sơ lúc đó đã suy sụp nghiêm trọng, vua Tương Dực đưa ra kế hoạch mở rộng Hoàng thành vào đầu năm Bính Tý - 1516 thì đến tháng 4, vua đã bị phái Trịnh Duy Sản giết chết, vậy liệu công trình thổ mộc quy mô lớn này có được hoàn thành không? Trong các cửa Hoàng thành thì cửa Nam là cửa Đại Hưng vẫn giữ nguyên tên từ thời Lý, cửa Đông gọi là cửa Đông Hoa, sử liệu còn ghi Cửa Tây, cửa Bắc Thần, cửa Bảo Khánh. Điều may mắn cho việc nghiên cứu thành Thăng Long - Đông Kinh thời Lê là ngoài các loại tư liệu chữ viết, chúng ta có thêm những bản đồ cổ. Đó là bộ bản đồ quen gọi là Bản đồ Hồng Đức vì do vua Lê Thánh Tông hoàn thành trong thời gian niên hiệu Hồng Đức (1470-1497). Năm 1467, nhà vua sai 12 thừa tuyên điều tra địa hình cùng sông núi, sự tích trong vùng rồi vẽ thành bản đồ từng thừa tuyên. Trên cơ sở đó, Bộ hộ tập hợp thành bản đồ cả nước trong đó có bản đồ Đông Kinh, hoàn thành năm 1490. Hiện nay bản đồ năm 1490 không còn nữa, nhưng tại Viện nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ được hơn 10 bản đồ mang ký hiệu và gắn liền với những tên sách khác nhau (chỉ tính những bản đồ có thành Thăng Long - Đông Kinh đầy đủ). Các nhà nghiên cứu đều nhận thấy đây là những truyền bản về sau của Hồng Đức bản đồ mang niên đại thời cuối Lê đầu Nguyễn và có những khác biệt nhất định, thêm vào một số địa danh và kiến trúc sau Lê sơ mà điển hình là Vương phủ[44]. Giám định niên đại từng bản đồ còn là vấn đề văn bản học đang đặt ra và cần tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên, đây là những tư liệu bản đồ cổ rất quý giúp chúng ta hình dung rõ hơn cấu trúc của thành Đông Kinh đời Lê. Theo những bản đồ cổ này thì Hoàng thành thời Lê mở rộng sang phía Tây, mặt bắc và mặt tây dọc theo bờ sông Tô Lịch, đến khoảng Cầu Giấy thì rẽ sang phía Đông theo đường La Thành rồi đường Giảng Võ đến quãng Kim Mã nối với đường thành phía Nam qua cửa Đại Hưng. Cả khu Giảng Võ - Ngọc Khánh được đưa vào phạm vi Hoàng thành. Trên vòng thành này, bản đồ chỉ ghi cửa Đại Hưng, cửa Đông Môn và cửa Bảo Khánh. Cửa Bảo Khánh nằm trên đường La Thành gần ngã ba nối với phố Giảng Võ mà dấu tích còn lại là thôn Bảo Khánh thuộc trại Giảng Võ, tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận thời Nguyễn. Tại cổng làng xây bằng gạch mở ba cửa vào thôn này cho đến những năm 1990 khi chúng tôi đi khảo sát vùng Giảng Võ, còn thấy ba chữ Hán “Bảo Khánh Môn”. Cổng đã bị phá nhưng vị trí ở cổng đình Giảng Võ, gần nhà số 55, ngõ 612 đường Giảng Võ hiện nay. Trong kho địa bạ thời Nguyễn, còn lưu giữ địa bạ thôn Bảo Khánh với niên đại Gia Long 4 (1805)[45]. Dĩ nhiên cổng làng Bảo Khánh Môn không phải là cửa Bảo Khánh của Hoàng thành thời Lê, nhưng địa danh Bảo Khánh còn ẩn chứa thông tin về vị trí tương đối của cửa thành Bảo Khánh xưa. Theo Hình luật chí trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú thì bốn cửa Hoàng thành mang tên Đông Hoa, Đại Hưng, Bắc Thần và Thiên Hựu[46]. Nguyễn Văn Siêu (1799-1872) quê ở Kim Lũ, huyện Thanh Trì, sống vào thời cuối Lê đầu Nguyễn, là một học giả uyên bác hiểu biết sâu sắc về Thăng Long - Hà Nội. Trong Đại Việt địa dư toàn biên hay còn gọi là Phương Đình dư địa chí, có đoạn mô tả khá rõ ràng về Hoàng thành đời Lê: “Căn cứ vào bản đồ thành Thăng Long thời Hồng Đức thì thành này hình như thước thợ mộc. Ba mặt đông, nam, bắc vuông vắn, mặt tây và nam dài bằng một nửa. Đông Môn bắt đầu từ thôn Đức Môn (trước là thôn Đông Môn) tổng Đồng Xuân, theo hướng bắc đến sông Tô Lịch, theo bờ bên tả qua Bắc Môn về phía Tây đến phường Nhật Chiêu, theo về phía Nam là cửa Bảo Khánh, đến trước bên hữu Văn Miếu, lại qua phía tả là Nam Môn, đi thẳng về phía Đông. Đấy là dấu cũ thành Thăng Long”[47]. “Thành Thăng Long” chính là Hoàng thành với quy mô khá rộng và có thể xác định được qua bản đồ cổ và các sử liệu. Hoàng thành Thăng Long thời Lê sơ vẫn gồm phần trung tâm chính trị của vương triều ở phía Đông, trong đó có Cấm thành, và một khu vực phía Tây. Trên vùng đất phía Tây này, lúc đầu vùng Khán Sơn - Ngọc Hà được quy hoạch như một khu vực quân sự. Tại đây, vua Lê Thái Tổ dựng điện Giảng Võ, sau đó, vua Lê Thánh Tông lập thêm đình Giảng Võ và mở sân Giảng Võ. Nhà vua thường lên núi Khán để xem thao diễn quân đội, vì vậy núi này mang tên Khán Sơn. Sử biên niên nhiều lần ghi chép về thi tập võ nghệ của quân Ngự tiền, tập trận của tượng binh... tại sân điện Giảng Võ hay điện đình Giảng Võ (năm 1435, 1467, 1478). Tại khu luyện tập võ nghệ thời Lý, Trần và khu Diễn võ thời Minh thuộc ở vùng Giảng Võ - Ngọc Khánh, sang thời Lê sơ vẫn là Trường thi võ nghệ hay Trường đấu võ, trong đó có Trường bắn, nơi diễn ra những cuộc thao diễn của quân Năm phủ và luyện thi võ nghệ. Năm 1481, Lê Thánh Tông chuyển điện Giảng Võ về khu vực này và năm 1490 đưa cả khu vực này vào bên trong Hoàng thành. Trên núi Khán, vào đời Vĩnh Tộ (1619-1628), dựng chùa Khán Sơn (Khán Sơn tự), có tượng thờ vua Lê Thánh Tông, đến thời Tây Sơn chuyển tượng về chùa Huy Văn[48]. Cũng trong thời Lê Trung hưng, năm 1664 lại mở Trường thi Hội tại khu Giảng Võ. Vì vậy một số bản đồ Hồng Đức, trên khu phía Tây Bắc Cấm thành có ghi “Khán Sơn tự” và trên Giảng Võ - Ngọc Khánh ghi “Giảng Võ điện”, “Hội thí trường”. Hoàng thành thời Lê có một thay đổi quan trọng là mở rộng về phía Tây Nam. Trên một số bản đồ Hồng Đức, trong khu vực phía Tây của Hoàng thành còn một đoạn thành chạy từ đền Linh Lang (đền Voi Phục) theo hướng tây-đông đến Cấm thành, gần vị trí của đường Kim Mã hiện nay (A. 2499, A.2716, A.1362, A.73, A.3034, A.1081, VHt.41). Có lẽ đó là dấu tích đoạn Hoàng thành thời Lý, Trần (?). Cấm thành đời Lê còn gọi là Cung thành. Cấm thành cũng được thể hiện khá rõ trên bản đồ Hồng Đức. Nguyễn Văn Siêu miêu tả Cấm thành tức Cung thành như sau: “ở giữa là Cung thành, trong cửa Cung thành là Đoan Môn, trong Đoan Môn là điện Thị Triều, trong điện Thị Triều là điện Kính Thiên. Bên hữu điện Kính Thiên là điện Chí Kính, bên tả là điện Vạn Thọ. Bên hữu Đoan Môn là Tây Trường An, bên tả là Đông Trường An... Ngoài Cung thành là Hoàng thành, về phía Đông phía trước là Thái Miếu, phía sau là Đông Cung...”[49]. Như vậy Cấm thành gần như hình vuông, theo Nguyễn Văn Siêu không bao gồm Thái Miếu và Đông Cung. Hai vật chuẩn quan trọng để định vị Cấm thành vẫn là Đoan Môn (còn gọi là Đoan Minh) và điện Kính Thiên được xây dựng lại vào thời Lê sơ và di tích còn được bảo tồn cho đến nay, dĩ nhiên qua nhiều lần trùng tu sau đó. Kết quả khai quật Đoan Môn năm 1999 xác nhận di tích Đoan Môn hiện còn là do nhà Lê xây dựng lại vào thế kỷ XV trên nền kiến trúc Lý, Trần. Như vậy, Cấm thành đời Lê sơ hầu như không thay đổi so với thời Lý, Trần, dĩ nhiên các cung điện bên trong thì nhiều lần xây dựng và tu sửa. Theo Hình luật chí thì Cấm thành đời Lê có nhiều lớp cửa, từ ngoài vào có cửa Đoan Minh (Đoan Môn), Hữu Dực, Tường Huy, Đại Định, Trường Lạc, Đại Khánh, Kiến Bình, Huyền Vũ, rồi đến lớp “cửa điện thứ nhất” là Tộ Võ, Văn Minh, Thông Văn, Sùng Hoá, lớp “cửa điện thứ hai” là Gia Hữu, Thái Hoà, và trong cùng là “cửa cung” có cửa Tả Dịch, Hựu Dịch, Vọng Vân[50]. 2.2. Thời Mạc và Lê Trung hưng (1427-1789) Trong thời nhà Mạc, Hoàng thành và Cấm thành hầu như không thay đổi. Nhà Mạc đã nhiều lần xây dựng, tu bổ các cung điện và nhất là lo tăng cường, mở rộng hệ thống phòng vệ để đối phó với những cuộc tiến công của quân Trịnh trong cuộc chiến Nam - Bắc triều. Năm 1587, “họ Mạc sai sửa chữa tầng ngoài thành Thăng Long”[51] và “đắp lũy đất các xứ, trên từ sông Hát xuống đến sông Hoa Đình, kéo dài đến vài trăm dặm”[52]. H.5: Thành Đông Kinh theo Bản đồ Hồng Đức, A. 2499 H.6: Cấm thành theo Hồng Đức bản đồ A. 2499 Năm 1588, “đắp thêm ba lớp lũy phía ngoài thành Đại La ở Thăng Long, bắt đầu từ phường Nhật Chiêu, vượt qua Hồ Tây, qua Cầu Dừa đến Cầu Dền suốt đến Thanh Trì, giáp phía Tây Bắc sông Nhị, cao hơn thành Thăng Long đến vài trượng, rộng 25 trượng, đào ba lớp hào, đều trồng tre, dài đến mấy mươi dặm để bọc lấy phía ngoài thành”[53]. Thành Đại La được mở rộng lên mặt bắc, bao quanh cả Hồ Tây và phía ngoài có ba lớp lũy bảo vệ. Đây là lần mở rộng quy mô thành Đại La lớn nhất nhưng hoàn toàn do nhu cầu chiến tranh và chỉ tồn tại một thời gian ngắn. Đầu năm 1592, quân Trịnh tiến công, chiếm được thành Thăng Long và đã cho “san phẳng lũy đất đắp thành Đại La dài đến mấy ngàn trượng, phá hết bụi rậm gai góc, cào lấp hào rãnh, phá hết thành bằng đất”2. Thành Đại La và hệ thống hào lũy phòng vệ bên ngoài bị phá hủy và từ đó kinh thành Thăng Long chỉ còn lại Hoàng thành và Cấm thành. Trong thời Lê Trung hưng tức thời vua Lê - chúa Trịnh, về mặt cấu trúc kinh thành Thăng Long có một số thay đổi lớn. Chúa Trịnh chuyển trị sở chính quyền ra khỏi Hoàng thành và xây dựng Vương Phủ trên một khu đất ở phía Tây hồ Hoàn Kiếm và phía Nam tháp Báo Thiên (khoảng Nhà thờ lớn). Tại đây mọc lên một quần thể kiến trúc mới gồm nhiều cung điện nguy nga, phía ngoài có tường thành bao bọc. Phủ chúa được thể hiện trên nhiều bản đồ Hồng Đức, thành hình vuông, mở hai cửa: Chính Môn ở phía Nam và cửa Tuyên Vũ ở phía Đông, nhìn ra hồ Hoàn Kiếm. Trong thời Lê Trung hưng, Phủ chúa mới là trung tâm quyền lực của nhà nước quân chủ. Sự chuyển dịch trung tâm chính trị này kéo theo một loạt thay đổi trong quy hoạch kinh thành Thăng Long. Khu vực phía Tây và tây nam Hoàng thành để hoang phế dần. Cấm thành giành cho vua Lê không còn thực quyền và là nơi cử hành những nghi lễ vương triều, tiếp đón sứ thần nước ngoài. Năm 1749, trước mối đe doạ của khởi nghĩa nông dân, chúa Trịnh Doanh cho sửa đắp thành Đại La nhưng thu nhỏ lại, loại bỏ Hồ Tây và khu vực phía Tây ra khỏi phạm vi kinh thành. Đó là thành Đại Đô, mở tám cửa, mỗi cửa đặt hai ô tả và hữu[54]. Trên bản đồ Hà Nội hiện nay, thành Đại Đô phía bắc là Yên Phụ (Yên Hoa) qua đường Thanh Niên, tiếp đường Hoàng Hoa Thám, vòng theo đường Ngọc Hà ôm lấy vườn Bách Thảo, rồi theo phố Giảng Võ, tiếp theo đường La Thành qua ô Chợ Dừa, đường Đại Cồ Việt qua ô Cầu Dền đến ô Đống Mác và theo đê sông Hồng nối với Yên Phụ. Đoạn đê sông Hồng lúc bấy giờ còn nằm sâu vào phía trong so với đê sông Hồng hiện nay vì ô Tây Long (khoảng Nhà hát lớn), chùa Tràng Tín (Hàng Chuối) còn là bến đò. Qui mô của tòa thành Đại Đô còn thể hiện rõ trên các bản đồ Hà Nội thế kỷ XIX như bản đồ năm 1831, năm 1873 với 16 cửa ô. Bên ngoài thành Đại Đô, những đoạn Hoàng thành và thành Đại La xưa vẫn còn di tích nhưng không được tu bổ. Cả một khu vực rộng lớn về phía Tây và tây nam của Hoàng thành bị nông thôn và nông nghiệp hóa. Chính trong bối cảnh đó, khu Thập tam trại ra đời. Trong phạm vi thành Đại Đô, phần còn lại của Hoàng thành và cả Cấm thành không được chăm sóc tu bổ nên bị xuống cấp và sạt lở nhiều, cửa Bắc bị lở xuống sông Tô Lịch, cửa Đại Hưng và cửa Đông Hoa cũng bị hư hỏng nhiều. Năm 1786, quân Tây Sơn đã đắp lại Hoàng thành từ cửa Đại Hưng đến cửa Đông Hoa. Tuy nhiên vị trí và quy mô Cấm thành vẫn không thay đổi. Đoan Môn và điện Kính Thiên vẫn tồn tại qua biết bao biến thiên và sự cố lịch sử cuối thời Lê Trung hưng. Năm 1786, vua Lê Hiển Tông đã tiếp Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ tại điện Kính Thiên và Nguyễn Huệ cùng các tướng lĩnh Tây Sơn theo cửa Đoan Môn vào tiếp kiến nhà vua. 3. Thành Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XIX Từ năm 1788, Quang Trung Nguyễn Huệ đóng đô ở Phú Xuân. Sau khi thành lập, triều Nguyễn (1802 - 1945) cũng đóng đô ở Phú Xuân - Huế. Thăng Long trở thành trị sở của trấn Bắc Thành. Năm 1803 - 1805 vua Gia Long cho xây dựng lại thành Thăng Long theo kiểu Vauban. Năm 1805, trong tên Thăng Long, chữ Long là rồng đổi thành chữ Long là thịnh vượng. Năm 1831 vua Minh Mệnh thực hiện một cuộc cải cách hành chính lớn, lập các tỉnh trong đó có tỉnh Hà Nội. Tên Hà Nội xuất hiện từ đây và thành Hà Nội là trị sở của tỉnh Hà Nội. Quy mô và cấu trúc của thành Thăng Long - Hà Nội đời Nguyễn có thể xác định cụ thể qua các tư liệu thư tịch Hán Nôm và tư liệu của Pháp, nhất là qua các bản đồ thế kỷ XIX của ta và của Pháp. Bản đồ do người Việt Nam vẽ gồm những bản đồ vẽ theo lối cổ truyền, không có tỷ lệ và số đo chính xác (như bản đồ Hà Nội đời Nguyễn còn lưu giữ tại Thư viện quốc gia Paris, bản đồ Đồng Khánh 1886-1888) và những bản đồ vẽ theo phương pháp bản đồ phương Tây như bản đồ năm 1831, 1866, 1873 (H.7, 8). Bản đồ Hà Nội do người Pháp vẽ thì rất phong phú, có đến khoảng 200 bản đồ hiện nay đang lưu giữ tại Trung tâm lưu trữ hải ngoại (CAOM), Thư viện Quốc gia Paris, các thư viện và cơ sở lưu trữ của Pháp và Việt Nam (như bản đồ 1883, H.9; bản đồ 1890, H.10). Những bản đồ có giá trị đã được tuyển chọn và công bố trong Hanoi en plans 1873-1945 và Hanoi, le cycle des métamorphoses. Theo các nguồn tư liệu và bản đồ trên, nhiều người xác định giới hạn của thành Hà Nội là một ô vuông giữa các phố Hùng Vương, Phan Đình Phùng, Phùng Hưng, Trần Phú hiện nay. Nhưng thành xây theo kiểu Vauban nên các pháo đài bố trí trên bốn góc và bốn mặt thành cùng các lớp hào bên ngoài thì lan rộng ra ngoài khá nhiều. Thành mở năm cửa: ba cửa Đông, Bắc, Tây và hai cửa mặt nam là Đông Nam, Tây Nam. Phía ngoài các cửa thành có luỹ bảo vệ nhô ra hình tháp tù (ta quen gọi là mang cá), phía ngoài cũng có hào. Trong các tài liệu của ta, các số đo của thành Hà Nội rất khác nhau. Theo tài liệu của Pháp thì tường thành cao khoảng 5m, mặt trong xây bằng gạch, hào rộng từ 15 đến 18m, sâu khoảng 5m, ngập nước độ 1,2 đến 1,3m, giữa hào và thành có một thềm đất rộng 6-7m[55]. Theo chính sử triều Nguyễn thì thành cao 1 trượng 3 thước, năm 1835 vua Minh Mệnh giảm còn 1 trượng 1 thước 2 tấc[56]. Bác sĩ Hocquard có mặt ở Việt Nam 26 tháng từ giữa tháng 2-1884 đến giữa tháng 4-1886, trong đó có 10 tháng ở Hà Nội, đã cung cấp nhiều miêu tả cụ thể và một số ảnh, bản vẽ quý về Hà Nội, trong đó có những ảnh về thành Hà Nội[57]. Tôi thử dùng phương pháp chồng áp bản đồ cổ Hà Nội lên bản đồ Hà Nội hiện nay để hình dung cụ thể hơn quy mô của thành Hà Nội. Tôi chọn bản đồ thành Hà Nội năm 1890 và bản đồ Hà Nội hiện nay (tạm dùng bản đồ du lịch tuy độ chính xác không cao, nhưng thể hiện rõ các đường phố và một số di tích lịch sử để tiện đối chiếu), quy về cùng tỷ lệ để chồng áp lên và có kết quả như H.11. Theo kết quả này thì tường thành bên trong của Hà Nội hình vuông gần khớp với ô vuông, phía bắc lan xuống mép nam phố Phan Đình Phùng (Cửa Bắc hiện nay), phía Tây ở khoảng đường Hùng Vương (Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trên cửa Tây), phía Nam đến mép nam phố Trần Phú, phía Đông khoảng phố Lý Nam Đế. Mỗi cạnh khoảng 1km và diện tích bên trong khoảng 100ha. Nhưng mặt ngoài thành Hà Nội gồm các pháo đài và hào, lan ra khá rông, góc tây bắc đến mép đường Thụy Khê, góc đông bắc đến đầu phố Hàng Đậu, góc đông nam đến mép phố Hàng Bông, góc tây nam đến mép phố Nguyễn Thái Học. Vì vậy diện tích toàn bộ thành Hà Nội, theo số liệu của chính quyền Pháp, là 160ha. H.11: Bản đồ thành Hà Nội 1890 chồng áp trên bản đồ Hà Nội hiện nay 4. Vị trí và giá trị lịch sử của Khu di tích Hoàng thành 18 Hoàng Diệu (Ba Đình) 4.1. Thành Thăng Long từ khi Lý Thái Tổ định đô đầu thế kỷ XI đến hết thời Lê Trung hưng cuối thế kỷ XVIII, đã trải qua không ít thay đổi Thành Đại La hầu như không thay đổi trong thời Lý, Trần, Lê sơ, nhưng qua thời Mạc và Lê Trung hưng, có một số thay đổi lớn. Năm 1588 nhà Mạc mở rộng thành Đại La lên đến Nhật Chiêu, ôm toàn bộ Hồ Tây, hồ Trúc Bạch vào trong thành và phía ngoài đắp thêm lũy phòng vệ. Năm 1592, thành Đại La bị quân Trịnh phá hủy và năm 1749 chính quyền Trịnh xây lại theo quy mô thu hẹp, loại bỏ Hồ Tây và khu vực phía Tây ra ngoài, đổi tên là thành Đại Đô. Hoàng thành từ thời Lý, Trần sang thời Lê sơ, được mở rộng thêm về phía Tây Nam năm 1490. Đây là quy mô lớn nhất của Hoàng thành không kể lần mở rộng năm 1516 chưa xác định rõ. Nhưng trong thời Lê - Trịnh, khu vực phía Tây của Hoàng thành bị hoang phế và trở lại quá trình nông thôn hóa, năm 1749 bị đưa ra khỏi thành Đại Đô, tức bị gạt bỏ ra khỏi phạm vi Hoàng thành. Nhưng khu vực phía Đông của Hoàng thành, trong đó có Cấm thành thì gần như không thay đổi. Khu vực này giữ vai trò trung tâm chính trị của các vương triều Lý, Trần, Hồ, Lê sơ, Mạc từ đầu thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XVI. Sang thời Lê-Trịnh, quyền lực thực sự tập trung vào tay chúa Trịnh và trung tâm chính trị chuyển sang Phủ chúa thiết lập ở ngoài Hoàng thành. Cấm thành mà trung tâm là điện Càn Nguyên rồi điện Thiên An, điện Kính Thiên trên núi Nùng, thì qui mô và vị trí hầu như không thay đổi qua các vương triều và các thời kỳ lịch sử từ Lý đến hết Lê Trung hưng. Tất nhiên là qua các biến thiên lịch sử, số phận của Cấm thành trải qua nhiều bước thăng trầm, có lúc hưng thịnh, có lúc bị phá hoại nghiêm trọng và các cung điện cũng qua nhiều tu sửa, xây dựng. Thành Hà Nội thời Nguyễn không còn giữ vai trò kinh thành, nhưng vẫn là một trung tâm kinh tế, văn hóa tiêu biểu của đất nước. Thành Hà Nội do nhà Nguyễn xây dựng trên cơ sở Cấm thành mở rộng thêm và trục trung tâm lấy điện Kính Thiên làm tâm điểm vẫn không thay đổi. 4.2. Khu di tích khảo cổ học mới phát lộ ở 18 Hoàng Diệu thuộc quận Ba Đình hiện nay, nằm trong khu vực giữa các phố Hoàng Diệu phía Đông, Hoàng Văn Thụ phía bắc, Độc Lập phía Tây và Bắc Sơn phía Nam, mặt đông cách nền điện Kính Thiên chưa đầy 100 m. Căn cứ vào vị trí đó và đặt trong cấu trúc của thành Thăng Long thời Lý, Trần cho đến Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng, các nhà khảo cổ học và sử học ngay sau khi phát hiện, đã xác định khu di tích nằm trong Hoàng thành và lấy điện Kính Thiên làm tâm điểm thì nằm về phía Tây. Theo tôi, xác định đó hoàn toàn có cơ sở khoa học nếu hiểu Hoàng thành là tên gọi khái quát vòng thành giữa trong cấu trúc ba vòng thành của kinh thành Thăng Long, tuy tên Hoàng thành mới xuất hiện chính thức vào thời Lê sơ. Nhưng kết quả nghiên cứu gần đây thì có thể tiến thêm một bước, xác định khu di tích Ba Đình nằm trong phạm vi Cấm thành hay Cung thành tức nằm trong khu vực trung tâm của Hoàng thành. Trải qua các thời kỳ lịch sử, tuy các cung điện qua nhiều lần xây dựng, tu bổ, nhưng Cấm thành là khu trung tâm chính trị cao nhất của kinh thành và cũng là nơi tập trung những kiến trúc cung đình tiêu biểu nhất của vương triều (trừ thời Lê-Trịnh, trung tâm chính trị chuyển sang Phủ chúa). Trong Cấm thành chỉ có những cung điện, lầu gác dành cho nơi ở của vua và hoàng gia cùng những kiến trúc cử hành các buổi thiết triều và các nghi lễ của vương triều. 4.3. Từ khi vua Lý Thái Tổ định đô ở Thăng Long cho đến nay, Thăng Long - Hà Nội gần như liên tục giữ vị trí kinh thành của đất nước trừ vài gián đoạn ngắn. Thời gian gián đoạn đó là thời Tây Sơn khi Quang Trung đóng đô ở Phú Xuân (1788 - 1802) và thời Nguyễn (1802-1945) khi Gia Long tiếp tục đóng đô ở Phú Xuân - Huế. Trước đó, những năm cuối triều Trần từ 1397 đến 1400, Hồ Quý Ly dời đô vào thành Tây Đô, nhưng Thăng Long vẫn mang tên Đông Đô. Thời Minh thuộc với tên thành Đông Quan, thành Thăng Long là thủ phủ của chính quyền đô hộ, thời Pháp thuộc Hà Nội cũng là thủ phủ của Đông Dương thuộc Pháp. Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, Hà Nội khôi phục vị trí thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà rồi nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến nay. Đấy là một đặc điểm nổi bật của lịch sử Thăng Long - Hà Nội mà hiện nay Hà Nội và cả nước đang chuẩn bị hướng tới kỷ niệm 1000 năm. Hiếm có thủ đô một nước trên thế giới hiện nay có một bề dày lịch sử - văn hoá liên tục với vai trò kinh đô lâu dài như thế. Khu di tích Ba Đình đã phát lộ cả chiều sâu lịch sử - văn hoá của Thăng Long - Hà Nội từ Thăng Long thời Lý, Trần, Đông Đô thời cuối Trần và Hồ đến Đông Kinh thời Lê sơ rồi Lê Trung hưng với tiến trình liên tục từ thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XVIII, tiếp theo là thành Hà Nội thời Nguyễn thế kỷ XIX và ngược lên cả thời Tiền Thăng Long cho đến thành An Nam đô hộ phủ thời thuộc Đường. Các di tích, di vật và tầng văn hoá chồng xếp lên nhau, tuy dày mỏng khác nhau nhưng khá liên tục qua các thời kỳ lịch sử . Thật hiếm có một khu di tích lịch sử - văn hoá trải dài qua nhiều thời kỳ lịch sử như vậy giữa vùng đất trung tâm của thủ đô và cũng thật ít thấy thủ đô một nước có lịch sử lâu đời lại phát hiện một quần thể di tích chảy dài suốt bề dày lịch sử như vậy trong lòng đất. Đây là giá trị đặc biệt của khu di tích mới phát lộ. Các di tích kiến trúc và một khối lượng rất lớn di vật cho thấy một phần qui mô và diện mạo của Cấm thành cùng đời sống cung đình của vua quan, quý tộc qua các thời kỳ lịch sử. Tầng tầng lớp lớp di tích - di vật hiện lên như một bộ sử nghìn năm văn hiến của Thăng Long - Hà Nội, phản chiếu trình độ và bản sắc dân tộc của một trung tâm văn hóa lớn nhất và lâu đời nhất của đất nước, kết tinh và tiêu biểu của văn hóa dân tộc. Phát hiện này còn cung cấp thông tin cho biết trong lòng đất Cấm thành - Hoàng thành Thăng Long xưa còn bảo tồn nhiều di tích di vật quý. Những khai quật thăm dò khảo cổ học ở Đoan Môn, Hậu Lâu, Cửa Bắc và một số địa điểm khác cũng chứng minh thêm nhận định này. Từ đây có thể đưa ra khả năng mở rộng diện điều tra, xây dựng quy hoạch bảo tồn một khu vực di tích lịch sử - văn hoá của kinh thành Thăng Long, thành Hà Nội từ thời tiền Thăng Long đến thời Thăng Long, thời Hà Nội và mở rộng qua các di tích thời cận đại đến các di tích thời hiện đại tức thời cách mạng và kháng chiến như Hội trường Ba Đình, Lăng và Nhà sàn Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng hành dinh Quân đội nhân dân Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ trong thành Hà Nội và cả khu phố cổ Hà Nội, kéo dài từ thế kỷ thứ VII - IX đến thế kỷ XX. Một di sản văn hoá như vậy sẽ tăng thêm vị thế của thủ đô Hà Nội, phát huy tác dụng sâu sắc trong giáo dục truyền thống dân tộc cũng như trong các hoạt động giao lưu văn hoá và du lịch. Với nhận thức về giá trị lịch sử, văn hoá khu di tích khảo cổ học Ba Đình như vậy, tôi tán đồng quan niệm coi đây là một di sản văn hoá vô giá của thủ đô và của dân tộc, cần được bảo tồn toàn bộ và có kế hoạch nghiên cứu, bảo tồn lâu dài trong một quy hoạch tổng thể, đồng thời có những bước triển khai trong từng giai đoạn cụ thể với những giải pháp bảo tồn hiệu quả, phù hợp với điều kiện tự nhiên và những đặc điểm lịch sử - văn hoá của khu di tích. [1] Bài in trong Một chặng đường nghiên cứu lịch sử (2001-2006), Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2006, tr.327-363. [2] Trần Huy Bá, Thử bàn về vị trí thành Thăng Long đời Lý, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 6, 8/1959, tr.79. [3] Trần Huy Liệu (chủ biên), Lịch sử thủ đô Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 1960, tái bản Nxb. Hà Nội, 2000, tr.39. [4] Trần Huy Liệu (chủ biên), Lịch sử thủ đô Hà Nội, Sđd, tr.113. [5] Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán, Hà Nội nghìn xưa, Hà Nội, 1975, tr.150-151. [6] Phạm Hân, Tìm lại dấu vết thành Thăng Long, Nxb. Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2003, tr.81. [7] Philippe Papin, Histoire de Hanoi, Nxb. Fayard, Paris, 2001, tr.69. [8] Đây là kết quả điều tra, khảo sát của bản thân tác giả trong nhiều năm kết hợp với kết quả làm việc của Tổ điều tra khảo sát của một số nhà khoa học trẻ gồm Nguyễn Ngọc Phúc, Phạm Đức Anh, Tống Văn Lợi, Vũ Đường Luân, Nguyễn Thị Bình, Hà Huy Biển do PGS, TS. Nguyễn Quang Ngọc phụ trách trong năm 2004. [9] Hải Thượng Lãn Ông, Ký sự lên kinh, Nxb. Hà Nội, 1977, tr.176. [10] Đại Việt sử lược, Q.2, 5b, bản dịch Việt sử lược, Nxb. Văn Sử Địa, Hà Nội, 1960, tr.79. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, T.I, tr.254. Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1998, T.I, tr.276. [11] Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, T.I, tr.248. [12] Đại Việt sử lược, Q.3, 24b, bản dịch Sđd, tr.189. [13] Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Sđd, T.I, tr.298. [14] Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1960, tr.86. [15] Tuyển tập văn bia Hà Nội, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, T.I, tr.41, dịch là “sông Nhị Hà chầu phía trước..., thành Long Biên ẩn phía sau” là chưa chuẩn xác vì Long Thành là tên thành thời Lý, không phải thành Long Biên. [16] Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX (Các tổng trấn xã danh bị lãm), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1981, tr.14. Tham khảo thêm: Bắc Thành địa dư chí lược, Đại Việt địa dư toàn biên hay Phương Đình dư địa chí của Nguyễn Văn Siêu. [17] Đồng Khánh địa dư chí lược, tỉnh Hà Nội, xem Đồng Khánh địa dư chí, bản chữ Hán và bản dịch tiếng Việt, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2003, T.I, tr.11, 52. [18] Phan Huy Lê (chủ biên), Địa bạ cổ Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 2005, T.I, tr.350- 352, tr.341-342, 380. [19] Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd Q.2, 25b; Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr.217; Đại Nam nhất thống chí, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, T.III, tr.200. [20] Dẫn theo Nguyễn Vinh Phúc, Từ văn liệu có thể biết đôi điều cụ thể về tòa thành Thăng Long đời Lê, báo cáo trong Tiểu ban I nghiên cứu vị trí và giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long 18 Hoàng Diệu do Viện Khoa học xã hội tổ chức, Hà Nội, 2004. [21] Nguyễn gia phả ký (Liễu Ngạn-Bắc Ninh), Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2004, tr.186. [22] Đại Nam nhất thống chí, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, T.III, tr.165. [23] Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, trong Lê Quý Đôn toàn tập, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, T.III, tr.67. [24] Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán, Hà Nội nghìn xưa, Sđd, tr.151. [25] Phạm Hân, Tìm lại dấu vết thành Thăng Long, Sđd, tr.79. [26] Trần Huy Liệu (chủ biên), Lịch sử thủ đô Hà Nội, Sđd, tr.38-39; Nguyễn Quang Ngọc, Góp thêm ý kiến về vấn đề Hoàng thành Thăng Long thời Lý, Trần và lịch sử “Thập tam trại”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 1/1986, tr.25-33. [27] Thơ văn Lý Trần, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, T.I, tr.391; Văn khắc Hán Nôm Việt Nam/Epigraphie en Chinois du Vietnam, Paris, 1998, T.I, tr.137. [28] Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, Q. 5, tr.15b-16a, bản dịch, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, T.II, tr.21. [29] Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, Q.II, tr.9b, bản dịch, Sđd, T.I, tr.247. [30] Văn bia Lý Trần, Sđd, t.I, tr.405. [31] Nguyễn Quang Ngọc, Nguyễn Văn Chính, Khu Thập tam trại: nguồn gốc dân cư, tín ngưỡng Thành hoàng và đặc điểm kinh tế, Tạp chí Khoa học, Đại học Tổng hợp Hà Nội, số 1-1986; Nguyễn Quang Ngọc, Góp thêm ý kiến về vấn đề Hoàng thành Thăng Long thời Lý, Trần và lịch sử “Thập tam trại”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 1-1986, tr.25-33. [32] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Dư địa chí, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1960, T.I, tr.93. [33] Trần Quốc Vương, Vũ Tuấn Sán, Hà Nội nghìn xưa, Sđd, tr.152. [34] Phạm Hân, Tìm lại dấu vết thành Thăng Long, Sđd, tr.95. [35] Tống Trung Tín, Trần Anh Dũng, Hà Văn Cẩn, Nguyễn Đăng Cường, Nguyễn Thị Dơn, Nguyễn Anh Hùng, Khai quật địa điểm Đoan Môn (Hà Nội) năm 1999, Báo cáo của Tiểu ban II nghiên cứu vị trí, quy hoạch và dấu tích kiến trúc Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội, 2004. [36] Tham khảo: Hoàng Việt địa dư chí, Đại Nam nhất thống chí (tỉnh Hà Nội), Thăng Long cổ tích khảo, La Thành cổ tích vịnh, Tây Hồ chí. [37] Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Hà Nội, Sđd, T.III, tr.170; Thăng Long cổ tích khảo. [38] Vũ Quốc Hiền, Nguyễn Văn Đoàn, Nguyễn Ngọc Chất, Di tích Ủng Thành - Đoài Môn qua kết quả thám sát khảo cổ học năm 2003, Báo cáo của Tiểu ban II nghiên cứu vị trí, quy hoạch và dấu tích kiến trúc Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội, 2004. [39] Cao Hùng Trưng, An Nam chí nguyên, mục Quân vệ, EFEO, Hà Nội, 1932. Sách mang tên An Nam chí, nhưng bị in nhầm thành An Nam chí nguyên. Gần đây các học giả Trung Quốc đã xác minh lại tên sách là An Nam chí. Trong thư tịch Việt Nam như Khâm định Việt sử thông giám hay Đại Nam nhất thống chí... đều dẫn đúng tên sách là An Nam chí. [40] Đại Việt sử ký toàn thư, Q.IV, tr.15a. [41] Quốc triều hình luật, Nxb. Pháp lý, Hà Nội, 1991, tr.50-64. [42] Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, T.II, tr.508. [43] Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, T.III, tr.74. [44] Hồng Đức bản đồ, A.2499, VHt.41. An Nam hình thắng đồ, A.3034. Thiên tải nhàn đàm, A.2006, A.30, A.2716, A.1174. Thiên Nam tứ chí lộ đồ, A.73 Toàn tập Thiên Nam lộ đồ, A.1081 Thiên hạ bản đồ, A.1362 An Nam quốc Trung Đô tịnh thập tam thừa tuyên, A.2513. [45] Phan Huy Lê (chủ biên), Địa bạ cổ Hà Nội, Sđd, tr.582-583. [46] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Hình luật chí, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1961, t.III, tr.114. [47] Nguyễn Văn Siêu, Đại Việt địa dư toàn biên, Hà Nội, 1997, tr.178; tham khảo Phương Đình dư địa chí, Sài Gòn 1960, tr.104, có chỉnh lý theo bản chữ Hán. [48] Văn bia Trùng tu Huy Văn điện Dục Khánh tự do Dương Bá Cung soạn năm 1864 tại chùa Huy Văn, xem Tuyển tập văn bia Hà Nội, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, Q.II, tr.10. [49] Nguyễn Văn Siêu, Đại Việt địa dư toàn biên, Sđd, tr.178. [50] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Hình luật chí, Sđd, T.III, tr.114. [51] Đại Việt sử ký toàn thư, Q.XVII, tr.16a, Bản dịch, Sđd, t.III, tr.162. [52] Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Q.XXIX, tr.17a, Bản dịch, Sđd, t.II, tr.179. [53], 2 Đại Việt sử ký toàn thư, Q.XVII, tr.18b, Bản dịch, Sđd, t.III, tr.164, 173. [54] Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Q.XL, tr.33b, Bản dịch, Sđd, t.II, tr.601; Đại Việt sử ký tục biên, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991, tr.217, chép mở 5 cửa là: An Hoa, Vạn Bảo, Vạn Xuân, Thịnh Quang, Thọ Khang; Đại Nam nhất thống chí, Sđd, t.III, tr.183 lại chép mở 12 cửa ô. [55] André Masson, Hanoi pendant la période héroique (1873-1888), Paris, 1939. [56] Đại Nam thực lục, Sđd, t.XVI, tr.126. [57] Docteur Hocquard, Une campagne au Tonkin, Paris, 1892, in lại 1999.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfnghien_cuu_lich_su_34__034.pdf
Luận văn liên quan