MỤC LỤC 1
LỜI MỞ ĐẦU 2
I. Bối cảnh quốc tế của Hội nghị Geneva 4
II. Mục tiêu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi tham gia hội nghị Geneva 5
1. Về chính trị và kinh tế 5
2. Về quân sự 6
III. Thành công và hạn chế của Việt Nam trong Hội nghị Geneva 7
1. Thành công 7
1.1. Về thời hạn tổng tuyển cử ở Việt nam 7
1.2. Lập lại hòa bình ở Đông Dương và giải phóng hoàn toàn Miền Bắc 8
1.3. Một số thành công khác 9
2. Hạn chế 11
2.1. Về vấn đề giới tuyến 11
2.2. Về vấn đề tổng tuyển cử 12
2.3. Vấn đề Lào và Campuchia 13
2.4. Vấn đề trao trả tù bình và thường dân bị giam giữ 14
2.5. Vấn đề vùng sinh sống của dân thường 14
3. Nguyên Nhân 15
3.1. Nguyên nhân chủ quan 15
3.2. Nguyên nhân khách quan: Sức ép và ý đồ của các nước lớn tham gia Hội nghị .17
IV. Quan điểm xung quanh hội nghị Geneva 20
KẾT LUẬN 24
TÀI LIỆU THAM KHẢO .26
27 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 13448 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Việt Nam với hội nghị Giơ Ne vơ, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC
LỜI MỞ ĐẦU
Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Dương Trung Quốc đã nói “ Nếu nhận thức rằng lịch sử là cái tất yếu được định vị bằng thời gian của cái đã qua và ngoại giao là cái tất yếu phản ánh tương quan và lợi ích của những bên tham gia, thì không thể đánh giá sự kiện Geneva 1954 cách đây nửa thế kỷ bằng tâm thức của ngày hôm nay. Không thể đòi hỏi một nền ngoại giao của một quốc gia từ trong rừng sâu của chiến khu lần đầu tiên đến một nghị quốc tế với sự tham dự của những cường quốc lớn nhất của hai khối chính trị đối địch nhau giữa thời chiến tranh lạnh, lại có ngay được một tư thế hoàn toàn độc lập, tự chủ trong mọi quyết định trên bàn đàm phán” . Ý nghĩa to lớn và những bài học quý báu của hiệp định Geneva sẽ trường tồn cùng thế giới, được nhân lên và phát huy hơn nữa trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. E. Smith Gravel đã tuyên bố: “ Hiệp định Geneva là một kết quả tốt nhất mà chúng ta có thể đạt được. Nên nhớ rằng rất hiếm có trường hợp mà ngoại giao có thể giành được trên bàn hội nghị những gì không thể giành được hoặc giữ được trên chiến trường.”. Hội nghị Geneva là một điểm sáng trong suốt tiến trình cách mạng của nhân dân ta, tạo tiền đề và cơ sở pháp lý quan trọng để chúng ta tiếp tục cuộc đấu tranh đi tới thống nhất đất nước năm 1975 sau này. Hội nghị là sự kiện quốc tế quan trọng có ảnh hưởng to lớn đối với quan hệ quốc tế, được các nước và thế giới quan tâm. Mặc dù với những ý nghĩa, những thắng lợi to lớn vĩ đại không thể phủ nhận nhưng vẫn còn những quan điểm cho rằng thắng lợi đạt được ở Geneva chưa trọn vẹn, ta có thể đạt được nhiều hơn”. Các bên đến hội nghị Geneva với những quan điểm và mục tiêu khác nhau nhưng cuối cùng đạt tới hiệp định là do các bên tìm được mẫu số lợi ích chung, cùng nhau thỏa hiệp, mỗi bên có được cái tối thiểu cần đạt được. Như vậy, hiệp định Geneva có thật thỏa đáng không? Có phản ánh đúng thắng lợi của ta trên chiến trường và so sánh lực lượng lúc đó không? Bài tiểu luận “Việt Nam được và mất gì khi tham gia Hội nghị Geneva” sẽ đưa ra bức tranh toàn cảnh bàn về những vấn đề xung quanh hội nghị này.
Bài tiểu luận của chúng tôi được chia thành 4 phần. Bao gồm:
Bối cảnh quốc tế diễn ra hội nghị Geneva
Mục tiêu của Việt Nam trong hội nghị Geneva
Thành công và hạn chế của Việt Nam trong hội nghị Geneva
Những quan điểm xung quanh hội nghị Geneva
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn cô Nguyễn Phú Tân Hương đã giúp đỡ chúng tôi hoàn thành bài tiểu luận này!
Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 2010
Bối cảnh quốc tế của Hội nghị Geneva
Cuối năm 1953, đầu năm 1954, khi chiến tranh lạnh đã đi đến đỉnh cao thì xuất hiện xu thế hòa hoãn giữa các nước lớn. Về phía Liên Xô, sau khi Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Xtalin mất vào tháng 3 năm 1953, ban lãnh đạo mới của Liên Xô điều chỉnh chiến lược đối ngoại, đẩy mạnh hòa hoãn quốc tế nhằm củng cố thực lực trong nước, thực hiện thi đua với Mỹ để giành ưu thế trên tất cả các lĩnh vực. Đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thực hiện năm đầu của kế hoạch phát triển kinh tế năm năm lần thứ nhất nhằm đặt nền móng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc; đẩy mạnh chính sách cùng tồn tại hòa bình, trước hết với các nước châu Á, nhằm phá thế bao vây cấm vận của Mỹ áp đặt để chống Trung Quốc từ năm 1951.
Như vậy, hai đồng minh trụ cột của ta lúc bấy giờ là Liên Xô và Trung Quốc đều muốn hòa hoãn với Mỹ và phương Tây, làm dịu tình hình thế giới để tranh thủ phục hồi và phát triển đất nước. Kết quả lớn nhất của xu thế hòa hoãn này là các nước lớn: Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô đi đến triệu tập Hội nghị Berlin bàn về giải pháp chấm dứt căng thẳng ở Đức, Áo. Đây là cuộc gặp đầu tiên của các nước lớn từ năm 1949. Hội nghị Berlin cũng đi đến thỏa thuận triêu tập tại Geneva hội nghị bốn nước lớn và chính phủ các bên hữu quan, có sự tham gia của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để bàn về chấm dứt tình hình căng thẳng ở Triều Tiên và việc chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình tại Đông Dương. Tình hình thế giới như vậy đã mở ra một con đường mới cho khả năng kết thúc chiến tranh Việt Nam thông qua biện pháp thương lượng hòa bình.
Tiền lệ từ cuộc chiến tranh Triều Tiên cũng thúc đẩy việc giải quyết tình hình Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng bằng phương pháp đàm phán hòa bình. Cuộc đàm phán về chiến tranh Triêu Tiên đã dẫn đến việc ký Hiệp định đình chiến ở Triều Tiên trên cơ sở giữ nguyên trạng hai miền Triều Tiên. Kết cục của chiến tranh Triều Tiên thúc đẩy xu hướng giải quyết xung đột vũ trang ở Viễn Đông bằng thương lượng hòa bình và khởi động quá trình các nước lớn tìm cách giải quyết vấn đề Đông Dương thông qua một giải pháp quốc tế.
Tình hình Đông Dương 1953-1954 đang ở thế có lợi cho Việt Nam khi bước vào vòng đàm phán của hội nghị Geneva.Tình hình chính trị của Pháp rất rối ren do những thất bại quân sự to lớn trên chiến trường Đông Dương và chính sách lệ thuộc vào Mỹ của giới cầm quyền Pháp. Phong trào chống chiến tranh, đòi quân đội rút về nước ngày một lan rộng trong các tầng lớp xã hội khác nhau ở Pháp. Quốc hội Pháp bị phân liệt trong vấn đề Đông Dương và các nước đồng minh phương Tây cũng không thực tâm giúp Pháp.
Tình hình trong nước đang ở thế có lợi cho ta để tiếp tục bước vào hội nghị Geneva. Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ đã đập tan kế hoạch Nava, cố gắng chiến tranh cao nhất và cũng là nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ. Tác động trực tiếp và sâu sắc nhất của chiến trường toàn Đông Dương và chiến dịch Điện Biên Phủ làm rung chuyển nội bộ xã hội và dân tình nước Pháp, thúc đẩy phong trào chống chiến tranh của nhân dân Pháp lên cao trào, tạo phân hóa trong chính giới Pháp, thúc đẩy mạnh mẽ lực lượng chủ hòa trong chính giới, đặc biệt trong Quốc hội Pháp. Chiến thắng Điện Biên Phủ làm thất bại âm mưu kéo dài mở rộng chiến tranh và phá hoại Hội nghị Geneva của Mỹ. Chiến thắng cũng tăng thêm sự đồng tình ủng hộ của nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên phủ tạo thế vững vàng cho đoàn đàm phán Việt Nam. Đoàn ta đã bước vào Hội nghị Geneva với thế thắng, thế mạnh nhờ có thắng lợi quân sự khắp chiến trường Việt Nam.
Mục tiêu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi tham gia hội nghị Geneva
Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng đã trình bày lập trường đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên cơ sở: Hòa bình, độc lập, thống nhất và dân chủ đồng thời đề ra giải pháp 8 điểm cho việc chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương.
Về chính trị và kinh tế
Pháp công nhận độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia
Tổ chức tổng tuyển cử tự do trong ba nước nhằm lập chính phủ duy nhất cho mỗi nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố ý định xem xét việc tự nguyện gia nhập Liên hiệp Pháp và những điều kiện gia nhập đó. Các chính phủ Campuchia và Lào cũng ra những tuyên bố tương tự
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Campuchia, Lào thừa nhận các quyền lợi kinh tế, văn hóa của nước Pháp trong ba nước. sau khi các chính phủ duy nhất được thành lập, các quan hệ kinh tế và văn hóa được giải quyết theo nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi.
Về quân sự
Ký một hiệp định về rút quân đội nước ngoài ra khỏi Việt Nam, Campuchia, Lào trong thời hạn các bên tham gia tham chiến ấn định. Trước khi rút quân, đạt thỏa thuận về nơi rút quân của lực lượng Pháp hay Việt nam trong một số khu vực hạn chế
Hai bên cam kết không truy tố những người hợp tác với đối phương trong thời gian chiến tranh
Trao trả tù binh
Các biện pháp nói trên sẽ được thực hiện sau khi đình chỉ chiến sự. Pháp và ba nước Đông Dương ký hiệp đình về từng nước trên cơ sở dưới đây:
Ngừng bắn trên toàn Đông Dương và đồng thời với việc điều chỉnh các lãnh thổ và khu vực mà các bên chiếm giữ
Ngừng việc đưa quân đội mới, vũ khí đạn dược vào Đông Dương
Thiết lập một hệ thống kiểm soát các uỷ ban liên hiệp gồm đại diện của các bên tham chiến.
Thành công và hạn chế của Việt Nam trong Hội nghị Geneva
Thành công
Sau hai tháng rưỡi đàm phán, Hội nghị đã kết thúc thành công, nhân dân ta đã giành được những kết quả quan trọng. Các bản hiệp định đình chiến ở Việt Nam, Lào, Campuchia được ký kết. Các nước tham gia Hội nghị đã thông qua bản Tuyên bố chung, thừa nhận: Tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia và quy định quân đội Pháp phải rút khỏi các nước Đông Dương và ở mỗi nước Đông Dương sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do để thống nhất đất nước.
Cũng trong lời kêu gọi ngày 22 tháng 7 năm 1954 của Hồ Chủ Tịch nêu rõ “Hội nghị Geneva đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi …Chúng ta giành được thắng lợi to lớn là do nhân dân các nước bạn, nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của ta..” Với hội nghị Geneva, chúng ta đã có những thành công nhất định cả về mặt chính trị, quân sự và ngoại giao góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc và hòa bình thế giới.
Về thời hạn tổng tuyển cử ở Việt nam
Cùng với việc ấn định vĩ tuyến phân vùng, vấn đề định thời hạn tổng tuyển cử là sự thỏa thuận cuối cùng giữa ta và địch. Thời hạn định cho việc tổng tuyển cử để thống nhất việt nam là hai năm sau khi ngừng bắn (20/7/1956). Đó là mức cuối cùng của ba đoàn Liên Xô, Trung quốc, Việt nam thống nhất ở Gieneva,và đưa ra với đối phương ngày 29/7/1954. Phương án này so với sự thỏa thuận giữa nước ta và Trung quốc tại hội nghị Liễn Châu ( tuyển cử trong vòng 6 tháng đến 1 năm) thì thấp. So với điều kiện thỏa hiệp của Măng det Pho răng (15 tháng sau khi ký hiệp định) và dự kiến của chuyên gia trong phái đoàn của Bido trước đó (18 tháng) thì mức đó cũng thấp.
Về địch, chúng buộc phải nhận thời hạn tổng tuyển cử là một thất bại của chúng vì về cơ bản chúng không muốn bàn về vấn đề chính trị và âm mưu chia cắt lâu dài nước ta. Chúng dùng vấn đề này để ép ta phải nhân nhượng chúng về vấn đề phân vùng. Chiều 17/7, 3 ngày trước khi ký kết hiệp định Măng det Pho răng vẫn không chịu định thời hạn tổng tuyển cử.
Về ta, cả Liên xô và Trung quốc đều không nhấn mạnh thời hạn tổng tuyển cử ở Việt nam, họ đều cho rằng vấn đề thời hạn tổng tuyển cử có thể thỏa thuận được nhưng trong một thời gian nhất định không thể thực hiện được. Buộc địch phải định rõ thời hạn tổng tuyển cử để thống nhất Việt nam trong hiệp định Gieneva là một thắng lợi. Thời hạn đạt được từ 1 đến 2 năm không quan trọng nhưng sớm vẫn tốt hơn.
Lập lại hòa bình ở Đông Dương và giải phóng hoàn toàn Miền Bắc
Đánh giá một cách toàn diện và khách quan về Hiệp nghị Geneva 1954, trên cơ sở tham khảo ý kiến của nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tháng 11 năm 1988, Thường vụ Đảng ủy quân sự Trung ương kết luận: “với Hiệp nghị Geneva, tuy ta chưa hoàn thành việc giải phóng cả nước nhưng đã đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng: đánh bại đế quốc Pháp, giải phóng miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành hậu phương vững chắc chuẩn bị điều kiện tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ sau này. Đây là một thắng lợi vĩ đại của một nước nhỏ đánh thắng một đế quốc to, thắng lợi oanh liệt của cuộc chiến tranh nhân dân đầu tiên ở nước ta do Đảng lãnh đạo.”
Với hiệp định Geneva, Pháp buộc phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân và ba nước Lào, Việt, Campuchia không tham gia liên minh quân sự với bên ngoài. Điều đó đã góp phần quan trọng, chẳng những tạo lập được môi trường hòa bình ổn định cho Đông Dương sau chiến tranh mà còn đưa đến thay đổi tương quan lực lượng và cục diện Đông Dương và Đông Nam Á có lợi cho xu hướng chống ách thống trị và lệ thuộc Phương Tây, chống các liên minh quân sự của nước ngoài, vì độc lập tự do hòa bình của mình. Pháp cùng các nước lớn công nhận các quyền độc lập, chủ quyền của Việt Nam điều mà 9 năm về trước, tại hiệp định sơ bộ 6-3-1946, Pháp không chịu công nhận, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng gắn liền với hệ thống XHCN để xây dựng một nhà nước hoàn chỉnh, làm cơ sở cho công cuộc tiếp tục đấu tranh thống nhất đât nước, trở thành căn cứ địa vững chắc cho cuộc đấu tranh hoàn thành cuộc Cách mạng dân tộc dân chủ miền Nam, đồng thời là hậu phương quan trọng để làm nhiệm vụ quốc tế đối với sự nghiệp chống áp đặt ách thống trị của các cường quốc thực dân phương Tây đối với Lào và Campuchia. Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, sau Điện Biên Phủ và Geneva có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế, đặc biệt là trong phong trào giải phóng dân tộc.
Việc lập lại hòa bình ở Đông Dương, hòan toàn giải phóng miền Bắc Việt Nam và đặt cơ sở pháp lý cho việc thống nhất nước ta là một thắng lợi to lớn của nhân dân ta, đồng thời là thắng lợi của phe XHCN, hòa bình dân chủ trên toàn thế giới. Nó phản ánh tình hình lực lượng so sánh ở Đông Dương và trên thế giới lúc bấy giờ và là một thắng lợi của hòa bình, hòa dịu, hạ nhiệt phần nào không khí chiến tranh lạnh
Một số thành công khác
Bên cạnh đó, Đảng và nhân dân ta cũng đã đạt được một số thành công khác qua Hội nghị này. Đó là Hiệp định Gieneva – một văn bản có tính pháp lý quốc tế cho một giải pháp đồng bộ về quân sự chính trị nhằm kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã vượt ra ngoài ý đồ ban đầu của các nước lớn, giới hạn cuộc thảo luận tại Geneva về Đông Dương trong khuôn khổ một hiệp nghị ngừng bắn đơn thuần. Nó tuyệt đối không phải là một thỏa thuận chỉ giới hạn trong việc ngừng bắn của các bên tham chiến. Và đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, các nước lớn phương Tây phải công nhận bằng văn bản pháp lý quốc tế chủ quyền quốc gia sự thống nhất và quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ta.
Hiệp định về cơ bản đã thể hiện được phương hướng, lập trường và mục tiêu cơ bản của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) khi bước vào cuộc thương lượng như trong báo cáo của Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng trước quốc hội 10/4/1953 “hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ”
Thực tiễn lịch sử đã xác nhận những sự kiện lớn đáng ghi nhận như việc hình thành cương lĩnh mặt trận DT giải phóng Miền Nam Việt Nam đấu tranh vì một miền Nam độc lập, hòa bình, trung lập và đường lối trung lập tích cực chống đế quốc Mỹ của vương quốc Lào và Campuchia. Hơn thế nữa, hiệp định đã trở thành cơ sở quan trọng cho việc ký kết hiệp định Geneva về Lào 1962 và là một trong những tiêu chí hàng đầu về chính trị, pháp lý cho cuộc đấu tranh gay gắt trong cuộc đàm phán tại Paris giữa ta với Hoa Kỳ (1968-1973)
Thành tựu đối ngoại nổi bật trong giai đoạn đầu là đã khắc phục hoàn cảnh khó khăn chiến đấu trong vòng vây khi các liên hệ từ thủ đô kháng chiến với thế giới hết sức hạn chế, thiếu thông tin tài liệu để nghiên cứu quốc tế, không có ngoại tệ nhưng đã chủ động, nỗ lực to lớn để phá vòng vây qua hướng Tây Nam, mở các cơ quan đại diện ở Bangkok, Ranggun, tạo được đầu mối ở ngoài nước để hoạt động quốc tế.
Hơn nữa, thắng lợi của hiệp định đã góp phần vào phong trào cách mạng Lào, Campuchia, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc, mở đầu cho phong trào sụp đổ của Chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới.
Tuy vậy hội nghị chỉ là một bước tạm ngừng cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc để ta củng cố thắng lợi đã giành được, chuẩn bị bước sang giai đoạn mới, giai đoạn chống Mỹ cứu nước , giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Ta ký hiệp định Geneva như vậy là đúng lúc, kết thúc kháng chiến chống Pháp như thế là phù hợp, phản ánh đúng so sánh lực lượng của ta và địch trên chiến trường và hoàn cảnh quốc tế lúc đó. Vì lúc này, về phía địch, thực dân Pháp tuy thất bại lớn nhưng vẫn còn lực lượng và còn đằng sau Pháp, đế quốc Mỹ đang có mưu đồ trực tiếp can thiệp vào chiến tranh Đông Dương. Còn ta lúc đó thắng to , nhưng cũng có những khó khăn mới, chưa đủ điều kiện tiếp tục chiến tranh để giải phóng cả nước. Trên trường quốc tế, các nước anh em trong đó có Liên Xô và Trung Quốc đều muốn có hòa bình để xây dựng đất nước và đều muốn cuộc chiến tranh ở Đông Dương đi tới một giải pháp.
Sau 55 năm nhìn lại, vẫn nguyên giá trị những ý nghĩa lịch sử của bản Hiệp định Giơ-ne-va. Hiệp định đánh dấu thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến chống Pháp mà quan trọng nhất là nền độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam được các nước, kể cả nước Pháp, cam kết tôn trọng. Đó chính là cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh tiếp theo chống đế quốc Mỹ xâm lược nước ta. Đó cũng là kết quả của một đường lối đúng đắn - đường lối cách mạng, đường lối kháng chiến, đường lối đối ngoại dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời đó là thành quả của sự kết hợp chặt chẽ giữa ba mặt trận: mặt trận chính trị, mặt trận quân sự, mặt trận ngoại giao trong cuộc đấu tranh chống thực dân, là minh chứng hùng hồn của chính sách đoàn kết-đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế
Hạn chế
Trong bối cảnh phức tạp của hội nghị và tình hình quốc tế lúc đó, việc chúng ta đạt được những yêu cầu cơ bản nêu trên là một thắng lợi đáng trân trọng, nó tạo cơ sở pháp lý cho chúng ta tiến lên giành thắng lợi trọn vẹn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc. Tuy nhiên, do tình hình và tính chất của hội nghị quốc tế nhiều bên, trong đó ngoại giao nước lớn bị chi phối bởi lợi ích riêng của mỗi nước nên chúng ta không được mục tiêu như mong muốn..
Về vấn đề giới tuyến
Trước thái độ của các bên nhanh chóng muốn giải quyết vấn đề, đoàn đại biểu Việt Nam chấp nhận vĩ tuyến 17. “Lùi đến vĩ tuyến 17, Việt Nam có thiệt thòi” vì mục tiêu ban đầu ta đề ra “phương án cao nhất là vĩ tuyến 13, tối thiểu là vĩ tuyến 16”. Vĩ tuyến 16 được coi là hợp lý theo như đánh giá của ta và một số thành viên phía Pháp. Đường giới tuyến Việt Nam liên quan tới vấn đề Lào. Giữ vĩ tuyến 16, nghĩa là Việt Nam làm chủ cửa bể Đà nẵng, Huế và con đường từ Savannakhet đi Quảng Trị là thiết yếu đối với giao thông của Lào đi ra biển. Phải giúp cho Lào độc lập cùng với miền Bắc Việt Nam. Mất vĩ tuyến 16, đồng nghĩa với Pháp có thể dùng cửa bể đó và đường đó để chở thêm quân đội và vũ khí vào Lào. Pháp vẫn có khả năng ảnh hưởng và can thiệp vào Lào và Cam-pu-chia. Theo phó thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm tại hội thảo “ 50 năm hiệp định Genevơ về Đông Dương- ý nghĩa và bài học” , nếu ta nắm rõ tình hình hơn và kiên quyết hơn trong việc thuyết phục thêm Liên Xô, Trung Quốc thì có thể giữ được vĩ tuyến 16 nhưng không có chuyển cảng Hải Phòng là cảng tự do, không có chuyện công quản đường 5 lại càng không có công quản Hà Nội. Nói như vậy để thấy các nước đều có quan điểm riêng của họ nhưng không phải vì thế mà mình chịu theo điều này liên quan đến vấn đề độc lập. Hơn nữa phải thấy tương quan lực lượng trên bàn Hội nghị. Trong 9 đoàn tham gia 3 đoàn đã thống nhất chia cắt Việt Nam còn 2 đoàn là đồng minh lớn của ta cũng thống nhất là phải chia cắt, Mỹ có tính toán riêng.
Về vấn đề tổng tuyển cử
Quan điểm của ta là tổng tuyển cử thống nhất hai miền càng sớm càng tốt. Thời gian là 6 tháng hoặc muộn nhất là 1 năm sau ngày ngừng bắn, Nhưng cuối cùng Trung Quốc đưa ra thời gian là 2 năm, các bên đồng ý, ta chấp nhận. Chúng ta hiểu rằng dù thời gian tổng tuyển cử thống nhất tổ quốc sớm hay muộn, 2 năm, 1 năm hay 6 tháng thì Mỹ và tay sai đều phá bởi mưu đồ của Mỹ nhảy vào thay Pháp thống trị. Tổ chức tổng tuyển cử trong cả nước sau hai năm. theo nhận xét của thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Giới tuyến quân sự chỉ là tạm thời bởi lẽ khi có tổ chức tổng tuyển cử nhằm thống nhất nước Việt Nam thì tất nhiên không còn có giới tuyến này nữa. Pháp cho rằng Việt Nam bị chia cắt càng lâu thì Việt Nam sẽ không bị cộng sản hóa, nên tổng tuyển cử sớm thì những người ở Miền Nam sẽ bỏ phiếu cho Hồ Chí Minh. Đây là điều bất lợi cho Pháp. Chính phủ Sài Gòn cũng cần có thời gian để chuẩn bị trước. Về phía Mỹ,nước này đã công khai bày tỏ e ngại rằng thống nhất có nghĩa là cuối cùng cả Việt Nam nằm dưới sự thống trị của Hồ Chí Minh, và như vậy Mỹ không tiến hành tổng tuyển cử. Khoảng thời gian 2 năm tổng tuyển cử là cơ hội để chuẩn bị các điều kiện cụ thể cho việc thế chân Pháp trực tiếp can thiệp vào Việt Nam. Hơn thế nữa, trong vấn đề này, các bạn đồng minh Liên Xô, Trung Quốc không coi trọng lắm. Trong khi đó với ta, đây là vấn đề chính trị và có ý nghĩa quan trọng trong việc thống nhất nước nhà. Nếu lúc bấy giờ ta hiểu rõ hơn tình hình và có bàn bạc thuyết phục các đoàn bạn thì cũng có thể đạt được mục tiêu đề ra. Song điều khoản hiệp thương tổng tuyển cử bị địch phá hoại, kỳ vọng của cán bộ chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc sau 2 năm về đoàn tụ bị phá hoại. ”. Chính quyền Ngô Đình Diệm khước từ đề nghị hiệp thương tổ chức tổng tuyển cử tự do trong cả nước để thống nhất đất nước. Ngô Đình Diệm lấy cớ không ký không chịu thi hành, Pháp là người ký lại rút lui khỏi miền Nam. Việc rút lui của Pháp tháng 4/1956 đã tạo ra một cuộc khủng hoảng trong việc thi hành Hiệp định Geneva.
Vấn đề Lào và Campuchia
Hiệp định gieneva ký kết nhằm đem lại độc lập thống nhất cho Đông Dương bao gồm Việt Nam, Lào và Campuchia. Chúng ta rất cần có hai đồng minh ủng hộ, giúp sức trong cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán này. Tại phiên họp khai mạc ngày 8/5/1954, đồng chí Phạm Văn Đồng đề nghi mời đại diện hai chính phủ kháng chiến Lào và Campuchia dự hội nghị. Đoàn Liên Xô, Trung Quốc ủng hộ nhưng sau đó lại cho qua đề nghị đó. Theo thông lệ quốc tế và thực tế hoàn cảnh lúc bấy giờ, việc Liên Xô không đề xuất mời hai chính phủ kháng chiến Lào và Campuchia là điều có thể hiểu được. Về so sánh, lực lượng kháng chiến Lào và Campuchia còn non yếu. Về thể chế, lực lượng kháng chiến bạn chưa hình thành nhà nước, chưa có quan hệ quốc tế, chưa được công nhận. Hơn nữa, khi làm việc với Pháp dù Liên Xô có đề ra cũng không được chấp nhận. Khi Hội nghị khai mạc, vấn đề thành phần Hội nghị coi như “việc đã rồi”. Đề nghị của Phạm Văn Đồng cũng không thể đặt lại được vấn đề.
Giải pháp cho vấn đề Lào, Campuchia có hai mặt: quân sự và chính trị. Về chính trị, ngay từ đầu, các nước phương Tây và Liên Xô đều thừa nhận hai chính quyền vương quốc. Từ giữa tháng 6, Trung Quốc cũng đã công nhận với điều kiện không có căn cứ quân sự Mỹ ở hai nước này. Về quân sự, chỉ còn vấn đề khu vực tập kết cho lực lượng kháng chiến của bạn. Về phía Lào, lực lượng kháng chiến được tập kết tại hai tỉnh Sầm Nưa và Phongxaly, nhưng các cơ sở kháng chiến của lực lượng này lại nằm chủ yếu tại Trng và Nam Lào, vì thế họ phải dời bỏ căn cứ địa của mình. Về phía Campuchia, Việt Nam đòi có khu vực tập kết cho lực lượng Khơme Ítsarak tuy nhiên lực lượng kháng chiến này còn yếu tương đối yếu. Vùng giải phóng còn phân tán. Trung Quốc không có lợi ích trực tiếp nên không ủng hộ mạnh mẽ. Việt Nam có phần đơn độc. Đoàn Pháp và vương quốc Campuchia phản đối mạnh mẽ nên cuối cùng không đòi được khu tập kết, các lực lượng vũ trang phải phục viên tại chỗ, Cách mạng phải làm lại từ đầu. Đây có thể là một thiệt thòi cho bạn. Đồng thời làm gia tăng sự hiểu nhầm của nước bạn với nước ta. Điều này không có lợi cho ta vì mất đi Đồng minh của mình.
Vấn đề trao trả tù bình và thường dân bị giam giữ
Ta có chỗ mạnh cơ bản là bắt được nhiều tù binh Âu- Phi, nhiều sĩ quan cao cấp trong đó có tướng Decastries và toàn bộ Bộ tham mưu Pháp ở Điện Biên Phủ. Nhưng chỗ yếu của ta là không nắm được số người của ta bị địch bắt là bao nhiêu, lại càng không nắm được danh sách những người đó. Vấn đề này có liên quan đến sinh mệnh của hàng vạn đồng chí và đồng bào của ta đang bị giam giữ trong các nhà tù của địch. Theo Hiệp định 27/8 là thời hạn hoàn tất việc trao trả tù binh tại chiến trường Bắc Bộ, 11/9 tại chiến trường Nam Bộ. Điều này sẽ bất lợi cho ta trong quá trình thực hiện vì miền Bắc là nơi ta bắt được nhiều tù binh Âu- Phi nhất và nhiều sĩ quan cao cấp nhất, nhưng lại là chiến trường ta phải trả tù binh xong sớm nhất, hơn nửa tháng so với miền Nam, là nơi ta có nhiều đồng chí giữ cương vị quan trọng. Như vậy là sau khi ta đã trả xong tù binh ở ngoài Bắc thì không còn chủ bài để có thể đòi địch thả hết các đồng chí ở Nam Bộ. Hơn nữa, phía Pháp đã đưa một số khá lớn người của ta bị bắt ở Bắc Bộ vào giam giữ ở Nam Bộ, nếu họ trao trả ờ miền Nam thì gây cho ta nhiều khó khăn.
Vấn đề vùng sinh sống của dân thường
Vấn đề phức tạp nhất là vấn đề công giáo di cư vào Nam. Cuối tháng 5/1954, Mỹ và Anh đã trao cho Pháp đề án tối thiểu 7 điểm phải đạt được trong giải quyết vấn đề về Đông Dương trong đó có điểm 6 về việc cho phép người di cư từ miền này qua miền kia: “Trong thời gian kể từ khi hiệp định có hiệu lực đến ngày hoàn thành việc chuyển quân, nếu có những thường dân ở một khu thuộc quyền kiểm soát của bên này muốn chuyển sang vùng giao cho bên kia thì nhà chức trách các khu trên phải cho phép và giúp đỡ sự di chuyển đó”. Lợi dụng điều khoản này, địch đã dụ dỗ, cưỡng ép dưới nhiều hình thức gây nên một phong trào di cư lớn (nửa triệu người công giáo) vào Nam trong cộng đồng theo Đạo Thiên Chúa nhằm gây rối loạn ở miền Bắc, bôi nhọ chế độ ta, tăng them cơ sở dân chúng cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Mỹ chi cho chính quyền Ngô Đình Diệm 55 triệu đô, cho sử dụng 41 tàu và Pháp chi 66 tỷ franc để thực hiện âm mưu này. Bộ máy tuyên truyền Pháp và Mỹ-Diệm đã tung tin bịa đặt rằng “chính phủ Việt Nam cấm Đạo”, “Chúa đã vào Nam”, “Mỹ sẽ ném bom nguyên tử xuống miền Bắc”, “giáo dân ở lại sẽ bị rút phép thông công”, “ở lại với Cộng sản sẽ bị mất linh hồn”. Có nơi chúng vây ráp, đốt nhà đồng bào công giáo để buộc họ phải di cư. Chính quyền Ngô Đình Diệm giúp đỡ những người công giáo vào Nam, Tổng giám mục New York Spelman đêm 24/12 sang Sài Gòn vui Noel với đồng bào công giáo mới vào Nam.
Nguyên Nhân
Bên cạnh những thắng lợi quan trọng ta giành được, Hiệp định Geneva không mang lại cho ta toàn bộ những điều mà ta đã đề ra trước khi tham gia, trở thành “Hiệp định thành công hạn chế”. Nguyên nhân không đơn giản là từ một phía mà đến từ nhiều phía, chủ quan có, khách quan có.
Nguyên nhân chủ quan
Chưa nắm bắt hết được bối cảnh thế giới và tình hình trong nước
Việc nghiên cứu thời cuộc của ta còn chưa được đầu tư, nên ta chưa thấy được bước ngoặt phát triển của tình hình thế giới, đặc biệt là xu hướng hòa hoãn của các nước sau chiến tranh Triều Tiên. Theo Lê Hồng Phấn “Ta còn có hạn chế trong nhận định tình hình và chính sách của các nước lớn. Ta chưa đánh giá hết khó khăn của Pháp về mặt chính trị và quân sự, đặc biệt là sau Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó ta lại đánh giá quá cao cả về ý đồ và khả năng Mỹ can thiệp trực tiếp vào Đông Dương, không thấy được khả năng răn đe của Liên Xô, Trung Quốc và dư luận quốc tế.” Hơn nữa, trong thời gian chuẩn bị cho Hội nghị Geneva về Đông Dương, chiến thắng Điện Biên Phủ mang tính chất quyết định đã mang lại cho Việt Nam rất nhiều lợi thế cả về quân sự lẫn ngoại giao. Nhận thấy sự bất lợi về phía mình nên Pháp đã cố hết sức để tránh những cuộc đàm phán giữa ta – tư thế người thắng cuộc và Pháp, đây là cách “câu giờ” nhằm đạt lợi ích tối đa cho Pháp về sau. Vậy là chúng ta đã đánh mất ưu thế khi trao quyền đại diện đàm phán cho phái đoàn Trung Quốc. Sau khi Quốc hội Pháp đánh đổ chính phủ Laniel-Bidault, chính phủ Mendes France lên cầm quyền ở Pháp, ông này tuyên bố “Mục tiêu của tôi là hòa bình” và đưa ra lời hứa sẽ giải quyết vấn đề Đông Dương trong một tháng nếu không ông và toàn bộ nội các sẽ từ chức. Việt Nam đã không tận dụng cơ hội khi thủ tướng mới với tư tưởng sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với Việt Minh và sức ép một tháng mà chính phủ đã công khai tuyên bố để tạo áp lực với Pháp.
Ta không nhận thức được hết tầm quan trọng cũng như sự phức tạp của cuộc đàm phán, nên chưa dốc hết tâm sức cho cán bộ và cơ quan ngoại giao. Công tác nghiên cứu của ta về lợi ích cũng như hạn chế của các nước lớn chưa nhiều, vì vậy ta không đưa ra được nhiều dự kiến và phương hướng dự bị để có thể tranh cãi và đạt được nhiều lợi thế hơn. “Bộ ngoại giao những năm 50, do Hoàng Minh giám là bộ trưởng, chỉ có độ 20 cán bộ”. Ta cũng coi nhẹ tầm quan trọng của hội nghị Gieneva, công tác chuẩn bị từ vật chất, chỗ ăn ở đến nhân sự đều thiếu chu đáo “Ta chỉ có hai phóng viện trong khi Trung Quốc có tầm 70 phóng viên” (Trích Bộ Ngoại Giao, sdd, tr.20) mà phóng viên là một nguồn quan trọng có thể sử dụng để tuyên truyền đường lối cũng như có thể gieo lòng tin vào nhân dân thế giới về vấn đề của Việt Nam. Hay như việc ta không hề có phiên dịch tiếng Anh, đây là thiếu sót rất lớn vì nó không cho phép ta có cuộc đàm phán riêng với các đoàn Anh hoặc trả lời báo chí quốc tế, khiến cho cộng đồng quốc tế khi nhìn vào sẽ nghĩ Liên Xô và Trung Quốc thay mặt ta để giải quyết các vấn đề quan trọng tại hội nghị.
Quá tin tưởng vào bạn
Vì tin tưởng tới mức ỷ lại vào bạn nên ta không phát huy hết được tính chủ động và thế mạnh trong đàm phán khi ta đang thắng ở chiến trường, công luận đứng về phía ta. Tháng 3/1953, Stalin mất, XHCN có sự chuyển biến rất lớn, các nước lớn, Liên Xô và Trung Quốc đã có hướng đi mới cho riêng mình, đặc biệt là về đối ngoại. Trung Quốc là một trong những nước mà ta phải phụ thuộc rất nhiều trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhất là về vũ khí nên hoạt động đối nội của ta đôi khi là làm theo Trung Quốc, chúng ta luôn tin tưởng vào quốc tế vô sản, trong khi đó Trung Quốc đã chuyển biến lúc nào mà ta không kịp nắm bắt. “Mỹ, Anh, Pháp dần dần đi đến nhất trí về việc chia cắt Việt Nam”. Liên Xô, Trung Quốc rất tán đồng và ép ta đi theo giải pháp này.
Không phán đoán được ý đồ của các nước
Cũng vì bộ phận nghiên cứu tình hình thế giới còn khiêm tốn mà ta không nhận ra được rằng Trung Quốc đã ép ta phải thực hiện những điều không như ta dự định đó là về thời gian, không gian. Ta cũng không lường được mưu đồ muốn hất cẳng Pháp, can thiệp và lật lọng hiệp định Gieneva. Nếu hiểu hơn về Liên Xô thì ta không bị ép trên bàn đàm phán. Biết rõ về Pháp đang tìm cách rút lui khỏi Việt Nam trong danh dự thì ta đã có một Hiệp định như mong muốn và có lợi hơn cho ta.
Nguyên nhân khách quan: Sức ép và ý đồ của các nước lớn tham gia Hội nghị
Tác động của yếu tố quốc tế, nhất là thái độ của các nước lớn đến việc kết thúc chiến tranh ở Đông Dương là rất lớn. GS H. Tơ-trai (Trường đại học Pari I, Pháp) cho rằng: 1953 là năm “thay đổi” chính trị ở Matxcova cùng với sự kiện Xtalin qua đời, là năm tổng thống Aixenhao bước vào Nhà Trắng, sự căng thẳng Đông Tây lần đầu tiên được “hạ nhiệt”. Trong khi Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân công nhận và đặt quan hệ ngoại giao của Nhà nước VNDCCH, giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam nhưng với mục đích riêng của mỗi nước thì Mỹ, Anh và một số nước khác lại công nhận chính quyền Bảo Đại do Pháp dựng ra. Theo L.A Be-le-xa,, “Nếu chúng ta đi sâu vào chi tiết các cuộc thương lượng, chúng ta sẽ nhận thấy rằng các điều khoản của hiệp định chỉ để nhắm làm thảo mãn các cường quốc…, vì muốn bảo vệ quyền lợi của mình ở khu vực Đông Nam Á mà các cường quốc này đã tự quy định phần lớn các điều khoản trong Hiệp định, không cần tính đến phản ứng của các nước Đông Dương. Không còn sự lựa chọn nào khác, các nước Đông Dương phải nhượng bộ trước các áp lực rất lớn này”.
Mỹ
Mỹ đến Hội nghị Gieneva chủ yếu là vì vấn đề Triều Tiên. Sau khi cuộc đàm phán về vấn đề Triều Tiên bị thất bại, chỉ Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao B.Xmít ở lại theo dõi Hội nghị nhằm chuẩn bị cho kế hoạch phá hiệp định và nhảy vào miền Nam Việt Nam.Sau này, Mỹ ủng hộ lập trường của Pháp là chỉ giải quyết riêng vấn đề quân sự, không giải quyết vấn đề chính trị và tách rời vấn đề Lào, Campuchia ra khỏi vấn đề Việt Nam. Mỹ còn có nhiều biểu hiện tẩy chay, phá hoại khiến hội nghị đi vào bế tắc về chương trình nghị sự. Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Mỹ, Bedell Smith, đã được cấp trên trực tiếp của ông ta là John Foster Dulles để lại tại Gieneva để tìm cách ngăn cản việc đi đến một hiệp nghị. Âm mưu của Mỹ rất thâm độc. Sau cuộc đình chiến ở Triều Tiên, Mỹ giúp Pháp và khuyên Pháp chiến đấu đến cùng ở Đông Dương nhằm giữ cho được Đông Dương không rơi vào tay cộng sản. Mỹ và Anh đã thỏa thuận về 7 điều kiện cho giải pháp về Đông Dương theo quan điểm của Mỹ và ép Pháp ký thỏa thuận tán thành 7 điều kiện trên, đó chính là giảm bớt lợi ích của VNDCCH trong hiệp định Gieneva.
Pháp
Pháp đến hội nghị mưu tìm một hiệp định đình chiến để cứu nguy cho quân đội viễn chinh Pháp khỏi bị tiêu diệt và duy trì được quyền lợi của Pháp ở Đông Dương. Đối với Pháp, hội nghị Gieneva là một diễn đàn đa phương để Pháp rút lui khỏi Việt Nam trong danh dự, tránh phải đàm phán trực tiếp với VNDCCH. Ngay từ trước khi Hội nghị bắt đầu, Pháp đã đề nghị mời “ ba quốc gia liên kết” (Vương quốc Lào, Campuchia và Bảo Đại) ở Đông Dương tham gia vào Hội nghị. Việc ba chính quyền bù nhìn thân Pháp được mời là thành viên chính thức nghĩa là ba bên này giành được thế hợp pháp. Ta thì lại mất đi hai đồng minh là Pathet Lào và Khmer Isarak, và thêm ba đối thủ là ba quốc gia liên kết. Mendes France đã tự đưa ra tối hậu thư là một tháng phải giải quyết xong chiến tranh. Đây là thủ đoạn thâm hiểm để ép và đe dọa đối phương. Hơn thế, Pháp còn lôi kéo Liên Xô và Trung Quốc bằng cách nói chuyện với Liên Xô, đàm phán thực sự với Trung Quốc, cô lập Việt Nam.
Anh
Chủ trương của Anh khi đến Hội nghị là để chống lại việc Mỹ và Pháp liên kết với nhau can thiệp vào Đông Dương. Anh muốn ổn định tình hình Đông Dương (để làm gương cho các thuộc địa Anh) trên cơ sở chia cắt Việt Nam, vì Anh cho rằng chia cắt là giải pháp ít xấu nhất. Anh muốn hàng rào đó càng xa về phía Bắc Việt Nam càng tốt. Anh có quyền lợi thuộc địa rất lớn ở Đông Nam Á nên Anh ra sức phản đối ý định của Mỹ trong việc mở chiến dịch “ Chim ưng” để cứu Pháp ở Điện Biên Phủ và không đồng ý vào cuộc đụng đầu với Trung Quốc ở khu vực này. Từ sức ép của các nước đế quốc, thì VNDCCH khó tránh được việc đất nước bị chia cắt, buộc phải chấp nhận lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Nếu Việt Nam giành được lợi thế ở bàn đàm phán thì Anh khó phục hồi lại hệ thống thuộc địa của mình. Vì thế Anh sẽ không dễ dàng để ta đạt được mục đích khi ngồi vào bàn đàm phán.
Liên Xô
Mục đích của Liên Xô khi đến hội nghị là không gây thêm căng thẳng với Mỹ nên Liên Xô không muốn để vấn đề Việt Nam làm ảnh hưởng mục tiêu này. Vì thế Liên Xô luôn thúc ép Việt Nam sớm đàm phán và nhân nhượng với Pháp. Liên Xô một mặt đấu tranh với các nước phương Tây nhưng mặt khác cũng gây sức ép buộc VNDCCH phải nhân nhượng. Để lấy lòng Mỹ, Liên Xô đã không đồng y với đề nghị của Việt Nam về vấn đề chia cắt giới tuyến quân sự và thoi` hạn tổng tuyển cử. Vì Việt Nam nhận được nhiều sự việc trợ của Liên Xô trong kháng chiến chống Pháp nên ta đã phải chấp nhận phần nào đề nghị của Liên Xô mà chưa có sự độc lập, tự chủ.
Trung Quốc
Bước vào những năm 1950, Trung Quốc phải đối phó với cuộc chiến tranh của Mỹ xâm lược Triều Tiên ở phía Bắc và mối đe dọa tới an ninh Trung Quốc ở phía Nam do cuộc chíên của thực dân Pháp ở Việt Nam gây ra. Trong thời gian diễn ra hội nghị Gieneva, Trung Quốc liên tục tiến hành gặp gỡ quan chức Pháp và Anh với nội dung không có lợi cho cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán của Việt Nam. Sau lưng Việt Nam, Trung Quốc đã thảo một dự thảo hiệp định mà chi tiết cuối cùng được hoàn tất tại Bec-nơ đặt Việt Nam vào sự đã rồi. Một vấn đề nữa là Phạm Văn Đồng muốn thời gian tuyển cử ở Việt Nam tiến hành càng sớm càng tốt. Người Pháp thì ngược lại và Trung Quốc ủng hộ Pháp việc này. Những lời phát biểu của Phạm Văn Đồng tại phiên bế mạc hội nghị đã nói lên tất cả ý đồ của Trung Quốc “..Phải nói rằng người Trung Quốc đóng một vai trò cực kỳ nguy hiểm trong suốt cuộc thương lượng... Vì những sự phản bội ở Gieneva, cuộc đấu tranh của chúng tôi đã phải kéo dài thêm 20 năm”.
Quan điểm xung quanh hội nghị Geneva
Hơn năm mươi năm sau, khi chúng ta nhìn lại những diễn biến và nội dung đạt được trong Hội nghị Geneva có rất nhiều ý kiến khác nhau trong đó có cả ý kiến đặt dấu hỏi: “ Hiệp định Geneva có thực là một thắng lợi ngoại giao to lớn hay chỉ là kết quả của một sự thỏa hiệp giữa các nước lớn trên lợi ích của nhân dân Việt Nam?”
Liệu chúng ta có thể đạt được một lợi ích xứng đáng hơn trên bàn hội nghị so với những gì mà ta đã đạt được trên chiến trường sau chín năm kháng chiến anh dũng và kiên cường? Hoặc người ta có thể xem xét đến vị trí của đường giới tuyến tạm thời, có thể mở rộng một không gian lãnh thổ có lợi hơn nhờ sự xê dịch vĩ độ đã được lựa chọn; rồi thời gian tổng tuyển cử là sáu tháng hay một hoặc hai năm…? Một số tài liệu nghiên cứu đã đưa ra ý kiến rằng: trong Hội nghi Geneva, chúng ta "chưa độc lập tự chủ” chịu sức ép và sự dàn xếp của các nước lớn khi ta thỏa thuận những điều khoản chi tiết. Như nhà nghiên cứu lich sử ngoại giao Khắc Huỳnh đã nhận đinh: “ Thực chất Hiệp định Geneva là một thỏa hiệp quốc tế được các nước lớn sắp đặt, trong đó mỗi bên tham gia đều được một phần của chiếc bánh”
. Phần bánh chúng ta được dường như là do Trung Quốc và Liên Xô đem lại. Những cách suy nghĩ ấy đều dựa trên những điều có thực nhưng không thể đánh giá sự kiện Gieneva năm 1954 cách đây hơn nửa thế kỷ bằng tâm thức của ngày hôm nay. Với quan điểm lịch sử đúng đắn và toàn diện thì kết quả của Hội nghị Geneva 1954 là “thắng lợi to lớn về ngoại giao của ta’’ như trong lời kêu gọi ngày 22-7-1954 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ.
Quan điểm cho rằng chúng ta xứng đáng có được những điều khoản có lợi hơn ở Hiệp đinh Geneva là không sai. Chúng ta có thể tự lực đạt được mục tiêu trọn vẹn hoặc đủ sức tiếp tục cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc mà không cần sự viện trợ từ bên ngoài. Nhưng đặt vào hoàn cảnh lúc bấy giờ Hiệp định là thắng lợi to lớn, phản ánh tương quan lực lượng giữa các bên. Có người cũng đưa ra ý kiến nếu lúc đó ta cố gắng đánh thêm một năm nữa, tiêu diệt xong quân ngụy thì miền Nam đã được giải phóng. Ký Hiệp định Giơnevơ năm 1954 trong đó có điều khoản quy định rút quân là một sai lầm, là giải nguy cho địch, là bỏ lỡ cơ hội giải phóng miền Nam. Cứ cho rằng chúng ta có thể giành được chiến thắng từ tay thực dân Pháp nhưng ai đang đứng sau Pháp, ai luôn ủng hộ và giúp đỡ Pháp? Chúng ta có thể thắng Pháp nhưng chúng ta có thể thoát khỏi Mỹ không? Chúng ta có thể giành được độc lập từ tay Mỹ trong điều kiện khó khăn như lúc đó không? Theo quan điểm của Thường vụ Đảng ủy quân sự Trung ương “với hiệp định Giơnevơ , tuy ta chưa hoàn thành giải phóng cả nước nhưng đã đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng: đánh bại đế quốc Pháp, giải phóng miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành hậu phương vững mạnh chuẩn bị điều kiện để tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ sau này. Đây là thắng lợi vĩ đại của đế quốc nhỏ đánh thắng một đế quốc to, thắng lợi oanh liệt của cuộc chiến tranh nhân dân đầu tiên ở nước ta do Đảng lãnh đạo’’. Vũ Quang Hiển, Hiệp định Geneva 1954 về Đông Dương: những bàn luận về hội thảo quốc tế sau hơn 50 năm, tạp chí cộng sản, số 63- 2004.
Sau Hội nghị tứ cường Berlin và Hội nghị Geneva về Triều Tiên, một xu thế mới xuất hiện – xu thế hòa bình – xu thế chung của nhân loại. Cho nên những ai lập luận rằng sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nếu chúng ta đánh thêm và không có ai ngáng trở thì có thể giành được thắng lợi toàn diện…là không tưởng và siêu hình vì Việt Nam là quân bài trong tay các nước lớn.
Về lập luận nói rằng, Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 là một thảm họa đối với nhân dân Việt Nam, thì có lẽ không cần phản bác nhiều. Chỉ có chính quyền Bảo Đại và sau này là ngụy quyền Sài Gòn mới xem ngày 20-7-1954 là Ngày "Quốc hận". Người dân Việt Nam bình thường, bất kể ai có lương tri cũng nhận rõ đó là một thắng lợi ngoại giao lớn của ta.
Phó giáo sư Bùi Đình Thanh đánh giá: "Kết quả của Hội nghị Giơ-ne-vơ chưa phản ánh đúng, đầy đủ thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong kháng chiến, mà đã có những sự nhân nhượng. Nhưng đấu tranh ngoại giao là thế. Việt Nam từ rừng núi đi thẳng tới Giơ-ne-vơ, rất thiếu kinh nghiệm, mất quyền chủ động" Vũ Quang Hiển, Hiệp định Geneva 1954 về Đông Dương: những bàn luận về hội thảo quốc tế sau hơn 50 năm, tạp chí cộng sản, số 63- 2004.
. Ông kết luận: "Đấu tranh ngoại giao là nghệ thuật của cái có thể và giúp ta bài học để tìm cách khắc phục" Vũ Quang Hiển, Hiệp định Geneva 1954 về Đông Dương: những bàn luận về hội thảo quốc tế sau hơn 50 năm, Tạp chí cộng sản, số 63- 2004.
.
Tuy vẫn còn nhiều hạn chế nhưng Hiệp định Geneva vẫn được coi là một thắng lợi to lớn của Việt Nam lần đầu tiên một hiệp định quốc tế với sự tham gia của các nước lớn đã thừa nhận các quyền dân tộc cơ bản của nước Việt Nam. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Đối phương từ chỗ không muốn đã phải chấp nhận thời hạn tổng tuyển cử ở Việt Nam. Ta có nhân nhượng về vị trí địa lý của ranh giới quân sự tạm thời, nhưng không nhân nhượng về tính chất của nó. Đó không phải là đường biên giới chia Việt Nam thành hai quốc gia. Tác giả Lê Hồng Phong viết: “Có thể thừa nhận rằng thắng lợi của ta trên chiến trường. Nhưng bối cảnh quốc tế và trong nước lúc đó chưa cho phép ta giành thắng lợi quân sự cuối cùng” Bộ ngoại giao, Hiệp định Geneva 50 năm nhìn lại, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 2008, tr.145
.
Như vậy những quan điểm xung quanh về những thỏa thuận mà Việt Nam đạt được từ Hiệp định Geneva tuy có khác nhau và nói chung Hiệp định này là thắng lợi hạn chế đối với nhân dân Việt Nam. Nhưng ta không thể phủ nhận vai trò của nó trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam và sự thống nhất đất nước. Hồ Chủ tịch đã nói một cách rất hình ảnh rằng: "Trước đây ta chỉ có rừng núi và đêm, giờ đây ta có cả sông biển và ban ngày" Phan Doãn Nam, Hiệp định Geneva- nhìn lại sau 50 năm, Tạp chí cộng sản, số 63-2004.
. Quan hệ ngoại giao của nước ta không ngừng phát triển. Các nước bạn bè lần lượt đặt sứ quán tại trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của một nước Việt Nam độc lập. Có thể nói, nếu không có Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 thì cũng không có Hiệp định Pa-ri 1973 và Đại thắng mùa Xuân 1975 đưa giang sơn về một mối.
KẾT LUẬN
Hội nghị Geneva là một thắng lợi lớn của Nhân dân Việt Nam và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, đánh dấu bước mở đầu có tính quyết định cho sự sụp đổ hệ thống thực dân thống trị trên quy mô toàn cầu, góp phần quan trọng cổ vũ cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa trên thế giới.
50 năm đã qua nhưng hiệp định Geneva vẫn in đậm dấu ấn trong tâm trí của các thế hệ người dân Việt Nam và loài người tiến bộ. Mặc dù vẫn còn rất nhiều quan điểm cho rằng Việt Nam chưa đạt được những gì xứng đáng thuộc về chúng ta và nếu Việt Nam tiếp tục đánh chắc chắn sẽ giành độc lập và thống nhất đất nước, hai miền Nam Bắc không bị chia cắt bởi vĩ tuyến 17. Tuy nhiên, theo lời chủ tịch Hồ Chí Minh: “ có người thấy thắng luôn, muốn đánh bừa, đánh đến cùng, họ chỉ thấy cây mà không thấy rừng, chỉ thấy Pháp rút mà không thấy âm mưu của chúng, chỉ thấy Pháp, không thấy Mỹ…Họ đề ra những điều kiện quá cao, việc gì họ cũng muốn mau, không biết đấu tranh cho hòa bình là gian khổ và phức tạp..”, chúng ta thấy rằng để đạt thắng lợi hoàn toàn không hề dễ dàng, cần nhìn bao quát tình thế lúc đó cũng như tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch.
Hội nghị Geneva đã đánh dấu mốc lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam, là thắng lợi vĩ đại có tầm thời đại và quốc tế của một nước nhỏ đánh thắng một đế quốc to, là bài học đàm phán, ký kết Ngoại giao đầu tiên làm tiền đề cơ bản và kinh nghiệm quý báu cho đàm phán trong hội nghị Paris sau này. Cho đến nay, hội nghị Geneva vẫn còn giữ mãi giá trị thời sự sâu sắc, ý nghĩa thời sự nóng hổi đối với việc xây dựng và bảo vệ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng bài tiểu luận “ Việt Nam được và mất gì trong hội nghị Geneva năm 1954?” không nhằm nêu lên bất kỳ sự phê bình chỉ trích nào, mọi ý kiến, dẫn chứng, phân tích, bình luận trong bài viết chỉ mang tính chất nghiên cứu học thuật. Chúng tôi hoàn toàn không đồng tình với những ý kiến tiêu cực, xuyên tạc xung quanh hội nghị Geneva và thế hệ trẻ chúng tôi luôn trân trọng những nỗ lực cố gắng của Đảng và Nhà nước ta trong việc thống nhất đất nước.
Do thời gian có hạn và kiến thức còn hạn hẹp, chúng tôi chỉ nêu lên những điểm tiêu biểu về thành công và hạn chế của Việt Nam cũng như nguyên nhân gây ra hạn chế đó, các quan điểm xung quanh hội nghị Geneva để giúp giải quyết những thắc mắc xung quanh vấn đề Hội nghị Geneva. Bài tiểu luận chắc chắn còn nhiều thiếu sót và cần được sửa chữa, rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của thầy cô và các bạn.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ Ngoại Giao, Hiệp định Geneva – 50 năm nhìn lại, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008.
Nguyễn Khắc Huỳnh, Ngoại Giao Việt Nam, Phương sách và Nghệ thuật đàm phán, nxb Chính trị Quốc gia,2006
Bộ Ngoại Giao, Hiệp định Geneva – 50 năm nhìn lại, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008.
Nguyễn Phúc Luân, Ngoại giao Việt Nam từ Việt Bắc đến Hiệp định Geneva, Nxb. Công an nhân dân.
Nguyễn Đình Bin (Chủ biên), Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005
Sự thật về quan hệ Việt Nam- Trung Quốc trong 30 năm qua, NXB sự thật, HNội, 1979.
Tạp chí cộng sản số 63-2004
Nguyễn Phúc Luân , Ngoại giao Việt nam trong cuộc đụng đầu lịch sử - nhà xuất bản Công an nhân dân
Vũ Đoàn Kết, Chính sách đối ngoại Việt nam, tập I (1945-1975), Học viện quan hệ quốc tế
Lưu Văn Lợi, Năm mươi năm ngoại giao Việt nam 1945-1995
Hiệp định geneva – nhìn lại sau 50 năm, Phan Doãn Nam
Đánh giá kết quả:
STT
Họ và tên
Nhiệm vụ
Đánh giá
1
Trương Mỹ hồng nhung
Bối cảnh quốc tế
9,5
2
Trần Thị Thu Hương
9
3
Nguyễn Hồng Quyên
Mục tiêu của Việt Nam khi tham gia hội nghị Geneva
9
4
Hoàng Thị Hải Yến
9
5
Trương Thị Ngọc
Thành công
9
6
Nguyễn Thùy Liên
9
7
Nguyễn Thị Thúy Đào
9
8
Nguyễn Thị Như Trang
Nguyên Nhân +Mở đầu
9
9
Vũ Ngọc Huyền
Nguyên nhân + tham khảo ý kiến cô
9,5
10
Nguyễn Thị Hồng Nhung( nhóm trưởng)
Hạn chế + kết Luận + tổng hợp bài
9,5
11
Trần Thị Thu Thủy
Hạn chế + Mở đầu
9
12
Vũ Hương Giang
Bối cảnh + Hạn chế + tham khảo ý kiến cô giáo
9,5
13
Bùi Minh Nguyệt
Quan điểm
9
14
Lê Thị Nhàn
Quan điểm + kết luận
9,5
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Việt Nam với hội nghị Giơ Ne vơ.doc