Lý do chọn đề tài:
B. Nội dung:
I. Cơ sở pháp lý giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường:
1. Cơ sở pháp luật quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường:
2. Cơ sở pháp luật về xử lý các vi phạm pháp luật môi trường:
3. Cơ chế giải quyết tranh chấp môi trường:
II. Diễn biến vụ việc gây ô nhiễm môi trường của công ty VEDAN và các biện pháp xử lý của cơ quan chức năng có thẩm quyền:
1. Diễn biến vụ việc:
2. Các biện pháp xử lý của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
3. Vấn đề đền bù thiệt hại:
III. Quan điểm cá nhân về quy định và thực tiễn giải quyết tranh chấp vụ việc VEDAN
1. Vụ việc VEDAN cần truy tố trách nhiệm hình sự hay chỉ cần xử lý vi phạm hành chính?
2. Ý kiến về giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại trong vụ VEDAN.
C. Kết bài:
8 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 11329 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vụ việc Vedan - Quy định pháp luật và thực tiễn giải quyết tranh chấp, bồi thường thiệt hại, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Lý do chọn đề tài:
Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường quy định như sau: Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.
Phát triển kinh tế luôn là mục tiêu quan trọng của mọi quốc gia. Đặc biệt là với Việt nam, một nước xã hội chủ nghĩa - một quốc gia mới dành được độc lập 65 năm đang khát khao vươn lên sánh vai với cường quốc năm châu. Với sự cải cách nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chúng ta thật sự đáng mừng khi thấy đất nước đang ngày càng phát triển, đời sống người dân cao hơn, GDP tăng lên đáng kể. Việt Nam vươn lên dẫn đầu thế giới về nhiêu mặt hàng xuất khẩu như gạo, ca phê… Tuy mừng đó nhưng cũng lo đó, lo vì chỉ trong 3 năm gần đây từ Bắc vào Nam, hàng loạt các vụ việc gây ô nhiễm môi trường bị phát hiện. Chúng ta tự đặt ra câu hỏi liệu mình đã phát triển bền vững hay chưa?
Gần đây, vụ việc xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường của Công ty VEDAN nổi lên như một điển hình trong việc phát triển không bền vững. Là một trong những doanh nghiệp lớn trên cả nước, tính từ năm 2000 VEDAN đã góp vào ngân sách nhà nước hơn 8 triệu USD, luôn xuất sắc trong nộp thuế, xây dựng địa phương nhưng đồng thời cũng 14 năm VEDAN xả nước thải không qua xử lý xuống sông, bức tử con sông Thị Vải nói riêng và môi trường 3 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu. Tp Hồ Chí Minh nói chung. Có thể nói vụ việc VEDAN là vụ việc đầu tiên liên quan đến môi trường được dư luận quan tâm và phản ứng dữ dội đến như vậy. Điều này đã được chứng minh khi hàng loạt người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm của VEDAN, các siêu thị đồng loạt không nhập sản phẩm của nhà máy này. Đỉnh điểm là tháng 8/2010, VEDAN đã phải đồng ý với mức đền bù thiệt hại lên đến hơn 220 tỉ VNĐ cho nhân dân 3 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu. Tp Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, vẫn còn những luồng ý kiến trái chiều về quy định pháp luật cũng như giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại trong vụ việc này. Đề tài đã chứng tỏ được tính cấp thiết của nó bằng sự quan tâm của dư luận, việc đi sâu vào tìm hiểu vấn đề các quy định của pháp luật và giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại trong vụ việc VEDAN là đúng đắn và cần thiết.
Nội dung:
Cơ sở pháp lý giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường:
Cơ sở pháp luật quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường:
- Điều 624, Bộ luật dân sự năm 2005 về Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường.
- Mục 2, Chương XIV, luật Bảo vệ môi trường năm 2005 về Bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Cơ sở pháp luật về xử lý các vi phạm pháp luật môi trường:
Chương XVII, Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 về Các tội phạm về môi trường.
Nghị định Số: 72/2010/NĐ-CP Quy định về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường.
Nghị định Sô: 117/2009/NĐ-Cp về Xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Cơ chế giải quyết tranh chấp môi trường:
Nguyên tắc cơ bản:
Nguyên tắc công quyền can thiệp.
Nguyên tắc phòng ngừa.
Nguyên tắc phôi hợp, hợp tác.
Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả giá.
Nguyên tắc tham ván chuyên gia,
Phương thức giải quyết tranh chấp:
Thương lượng
Hòa giải.
Giải quyết tranh chấp tại cơ quan có thẩm quyền.
Trình tự giải quyết tranh chấp:
Kiểm tra, xác minh những nội dung được phản ánh trong các đơn thư khiếu kiện.
Hướng dẫn bên bị thiệt hại thu thập các chứng cứ về sự thiệt hại và xác định yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại.
Tham gia giải quyết tranh chấp, góp phần điều hòa lợi ích giữa hai bên xung đột.
Diễn biến vụ việc gây ô nhiễm môi trường của công ty VEDAN và các biện pháp xử lý của cơ quan chức năng có thẩm quyền:
Diễn biến vụ việc:
Ngày 13.9.2008 Từ phản ánh, bức xúc của người dân địa phương về tình trạng lén lút xả nước thải không qua xử lý ra môi trường, sau hơn 3 tháng theo dõi, đoàn kiểm tra liên ngành đã bắt quả tang Công ty Vedan đóng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai xả một lượng nước thải lớn chưa qua xử lý ra sông Thị Vải. Vụ Vedan xả chất thải ra sông Thị Vải là vụ gây ô nhiễm môi trường được Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam phát hiện.Theo nhận định ban đầu, việc lắp đặt hệ thống xả dịch thải của Công ty Vedan là vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Theo Đại tá Lương Minh Thảo, hành vi vi phạm này là đặc biệt nghiêm trọng. Tại hiện trường, Phó Giám đốc phụ trách văn phòng Công ty Vedan Việt Nam đã thừa nhận hành vi vi phạm của công ty.
Ngày 19.9.2008, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả điều tra 10 sai phạm của Vedan, bao gồm:
Xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ 10 lần trở lên đối với nhà máy sản xuất tinh bột biến tính của công ty.
Xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ 10 lần trở lên đối với các nhà máy sản xuất bột ngọt và lysin của công ty.
Xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ 10 lần trở lên đối với các nhà máy khác của công ty.
Nộp không đầy đủ các số liệu điều tra, khảo sát, quan trắc và các tài liệu liên quan khác cho cơ quan lưu trữ dữ liệu thông tin về môi trường theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Không đăng ký cam kết bảo vệ môi trường với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với trại chăn nuôi heo.
Không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường mà đã xây dựng và đưa công trình vào hoạt động đối với dự án đầu tư nâng công suất phân xưởng sản xuất xút- axit từ 3.116 tấn/tháng lên 6.600 tấn/tháng.
Không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường mà đã xây dựng và đưa công trình vào hoạt động đối với dự án đầu tư nâng công suất các nhà máy bột ngọt từ 5.000 tấn/tháng lên 15.000 tấn/tháng, tinh bột biến tính từ 2.000 tấn/tháng lên 4.000 tấn/tháng, lysin từ 1.200 tấn/tháng lên 1.400 tấn/ tháng, bột gia vị cao cấp 20 tấn/tháng, PGA 700 tấn/năm, phân Vedagro 70.000 tấn/năm (rắn), 280.000 tấn/năm (lỏng).
Thải mùi hôi thối, mùi khó chịu trực tiếp vào môi trường không qua thiết bị hạn chế môi trường.
Quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định về bảo vệ môi trường.
Công ty xả nước thải vào nguồn nước không đúng vị trí quy định trong giấy phép.
Các biện pháp xử lý của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Ngày 6.10.2008, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với Vedan với tổng số tiền phạt là 267,5 triệu đồng, buộc truy nộp phí bảo vệ môi trường hơn 127 tỉ đồng.Bên cạnh đó, VEDAn bị cấm hoạt động xả thải chất lỏng không đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam ra môi trường. VEDAN còn chịu trách nhiệm chi trả chi phí đền bù thiệt hại, chi phí khắc phục hạu quả tình trạng ô nhiễm môi trường sông Thị Vải, đền bù thiệt hại về kinh tế, môi trường cho các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do vi phạm của VEDAN gây ra theo quy định pháp luật.
Ngày 7.10.2008, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Phạm Khôi Nguyên đã có báo cáo chính thức trình Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra. Cùng ngày, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cũng có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu ban hành quyết định đình chỉ hoạt động sản xuất của Vedan Việt Nam.
Ngày 13.10.2008, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương, kiên quyết tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty Vedan.
Chiều 5.11.2008, Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT), UBND tỉnh Đồng Nai, Công ty TNHH Vedan đã nhóm họp về một số nội dung hai quyết định xử phạt hành chính của Thanh tra Bộ TN-MT và quyết định đình chỉ xả thải đối với Công ty Vedan.
Ngày 24.10.2008, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết tỉnh có văn bản trình lên Thủ tướng về những vướng mắc trong việc xử lý vi phạm của VEDAN, đó là vướng mắc trong thẩm quyền ra quyết định đình chỉ hoạt động của công ty.
Vấn đề đền bù thiệt hại:
Ngày 13.4.2009, Vedan đưa ra mức hỗ trợ nông dân 3 tỉnh TP.HCM, BR-VT và Đồng Nai 25 tỉ đồng. Sau đó, HND 3 địa phương đưa ra mức hỗ trợ 569,5 tỉ đồng.
Tháng 5.2009, HND VN có văn bản đề nghị Bộ TN-MT hỗ trợ nông dân trong việc thu thập chứng cứ, đánh giá thiệt hại về môi trường do Công ty Vedan gây ra để làm cơ sở đòi bồi thường.
Ngày 10.6.2009, Tổng cục Môi trường yêu cầu UBND TP.HCM, BR-VT và Đồng Nai chỉ đạo các ban ngành thống kê thiệt hại theo mẫu để yêu cầu Vedan bồi thường.
Ngày 8.7.2009, Tổng cục Môi trường giao cho Viện TN-MT "Báo cáo đánh giá tác động môi trường và thiệt hại kinh tế, môi trường do hành vi Vedan và các DN trên lưu vực sông Thị Vải.
Ngày 4.12.2009 Vedan hoàn thành nộp phí.Tuy nhiên nông dân 3 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Tp Hồ Chí Minh không đồng ý với mức bồi thường mà Vedan Việt Nam đưa ra nên đã quyết định khởi kiện. Sau nhiều lần thương lượng Vedan đã chấp thuận mức bồi thường do đại diện nông dân 3 tỉnh đưa ra và Bộ Tài nguyên môi trường đã xác định.
Ngày 9.8.2010 Bộ TNMT thông báo kết quả cuộc họp về giải quyết bồi thường thiệt hại do Vedan VN gây ra. Theo đó, ngoài số tiền bồi thường cho nông dân 3 tỉnh thì Vedan VN còn phải thanh toán hơn 4,5 tỉ đồng nữa, bao gồm 1,5 tỉ đồng chi phí cho các hoạt động điều tra thống kê thiệt hại của các cơ quan chức năng TPHCM, BRVT, Đồng Nai; hơn 3 tỉ đồng chi phí cho Viện MTTN (thuộc ĐHQG TPHCM) và Viện Hóa học (thuộc Viện KHCN Việt Nam) thực hiện việc điều tra đánh giá và xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường và thiệt hại kinh tế, môi trường do hành vi của Vedan VN gây ra.
Chiều 17.8.2010, Vedan Việt Nam đã chuyển 50% trong số 45,7 tỷ đồng bồi thường cho nông dân Cần Giờ, TPHCM và 500 triệu đồng trả chi phí cơ quan chức năng đã khảo sát môi trường. Theo thỏa thuận, số tiền còn lại sẽ được Vedan chuyển hết trước ngày 14/1/2011.
Ngày 11.8.2010: Vedan ký quyết định bồi thường 119.581.203.000 VND. Theo ông tổng giám đốc công ty Vedan Yang Kun Hsiang, việc bồi thường này đáp ứng 100% yêu cầu tại công văn số 4901/UBND-CNN - ngày 21.6.2010 của UBND tỉnh Đồng Nai đòi bồi thường cho nông dân gần 120 tỉ đồng (con số này căn cứ theo tính toán của Viện MT&TN).Phía Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng dự kiến, từ ngày 13-21/9 tới sẽ bắt đầu chi trả cho người dân, sau khi Vedan chuyển số tiền bồi thường đợt 1 là 26,8 tỷ đồng (50% trong tổng số 53,6 tỷ đồng).
Quan điểm cá nhân về quy định và thực tiễn giải quyết tranh chấp vụ việc VEDAN
Vụ việc VEDAN cần truy tố trách nhiệm hình sự hay chỉ cần xử lý vi phạm hành chính?
a) Công ty VEDAN đã có những hành vi vi phạm sau:
Cố ý xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải với thủ đoạn tinh vi để che mắt cơ quan chức năng.
Trốn tránh nghĩa vụ nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp từ năm 2004 đến nay.
Sau khi có quyết định xử phạt hành chính của cơ quan chức năng, công ty VEDAN vẫn không thực hiện nghiêm túc các quyết định. Kết quả phân tích cho thấy mặc dù đã giảm nhưng lượng nước qua xử lý vẫn chưa đạt mức độ cho phép.
b) Ý kiến về việc xử lý đối với VEDAN của các cơ quan chức năng có thẩm quyền:
Việc xử lý vụ việc Vedan có nhiều quan điểm khác nhau. Người bảo phải truy tố trách nhiệm hình sự, người bảo xử lý hành chính là đúng nhưng còn quá nhẹ, người thì đặt ra vấn đề truy tố trách nhiệm hình sự với cá nhân. Để đưa ra được chế tài xử lý cần căn cứ vào những kết quả phân tích của các cơ quan chuyên môn để xác định tính chất, mức độ hành vi của Vedan và thiệt hại thực tế mà hành vi này gây ra cho sông Thị Vải và người dân.
Tuy nhiên, theo ý kiến của mình, em thấy hành vi của công ty VEDAN chỉ có thể xử lý hành chính, vì hành vi của công ty thỏa mãn dấu hiệu của hành vi vi phạm hành chính. Mặc dù mức độ vi phạm là rất nghiêm trọng nhưng không thỏa mãn dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” trong cấu thành tội phạm về môi trường.
Theo quy định cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự phải bị xử phạt hành chính ít nhất một lần mà vẫn cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục. Công ty Vedan đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Tuy nhiên, theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thì thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính được quy định tại điều 11: “Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu quá một năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính”. Mặt khác quy định của Bộ luật Hình sự là cá thể hóa trách nhiệm hình sự, trong khi công ty Vedan là một pháp nhân. Do vậy không thể truy cứu tách nhiệm hình sự đối với công ty Vedan.
Bên cạnh đó, nếu truy cứu trách nhiệm hình sự với cá nhân thuộc công ty Vedan cũng cần phải xem xét tới yếu tố cấu thành của tội phạm về môi trường. Trong cấu thành tội phạm về môi trường đòi hỏi dấu hiệu cá nhân vi phạm “đã bị xử phạt hành chính về môi trường”. Tuy nhiên, trong vụ việc này, chỉ có công ty Vedan vi phạm, chứ chưa có cá nhân nào trong công ty này bị xử phạt hành chính cả, việc xử phạt đối với công ty cũng đã hết thời hạn để được coi là chưa có hành vi vi phạm. Và vì thế cũng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bất cứ cá nhân nào trong công ty này được.
Ngoài công ty Vedan, hiện nay, nhiều doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam có hành vi vi phạm rất nghiêm trọng nhưng chỉ bị xử lý hành chính dẫn đến tình trạng nhiều hành vi không bị trừng trị thích đáng. Các doanh nghiệp vẫn nộp phạt rồi tiếp tục vi phạm cho thấy tính răn đe của các chế tài hiện nay còn quá thấp. Do đó cần hướng tới việc xử lý bằng chế tài hình sự. Tuy nhiên, nếu muốn xử lý hình sự đối với các công ty này có lẽ thời gian tới phải sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự theo hướng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tổ chức có hành vi vi phạm.
2. Ý kiến về giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại trong vụ VEDAN.
- Xem xét dựa trên cơ chế giải quyết tranh chấp môi trường, ta thấy vụ việc VEDAN đã tuân thủ khá đúng các nguyên tắc, phương thức và trình tự giải quyết tranh chấp của một vụ án môi trường. Các khâu như: Kiểm tra, xác minh những nội dung được phản ánh trong các đơn thư khiếu kiện.Hướng dẫn bên bị thiệt hại thu thập các chứng cứ về sự thiệt hại và xác định yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại.Tham gia giải quyết tranh chấp, góp phần điều hòa lợi ích giữa hai bên xung đột được thực hiện đầy đủ. Dù đã có những lúc chúng ta thấy ở VEDAN một thái độ thiếu hợp tác, trong suốt quá trình thỏa thuận ( tháng 4 – 6/20010), Vedan tỏ ra thiếu thiện chí, dây dưa và tận dụng mọi kẽ hở cố tình lách luật để không thực hiện cam kết bồi thường thiệt hại cho người dân. Ngay những vấn đề Vedan đã thống nhất ý kiến với cơ quan chức năng về mức độ vi phạm nhưng sau đó vẫn chối bỏ trách nhiệm trước công luận về mức bồi thường đối với nông dân 3 tỉnh bị thiệt hại. Tuy nhiên vụ việc đến tháng 8/2010 đã được giải quyết ổn thỏa khi VEDAN chấp nhận 100% mức bồi thường 3 tỉnh đưa ra.
Tuy nhiên, một trong nhưng nguyên tắc khi giải quyết tranh chấp về môi trường là ưu tiên khắc phục những thiệt hại về môi trường thì dường như không ai chú ý đến. Có một số ý kiến cho rằng nhà nước cần đứng ra khởi kiện VEDAN nhằm khắc phục thiệt hại do VEDAN gây ra cho dòng sông Thị Vải. Đây cũng là một ý kiến, tuy nhiên, thời hiệu để khởi kiện đối với VEDAN sắp hết ( 2 năm kể từ ngày bị phát hiện) – tức là ngày 13.09.2010 tới đây. Vấn đề này cũng rất đáng lưu tâm vì để khôi phục lại dòng sông Thị Vải cũng mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, và theo nguyên tắc : người gây thiệt hại phải trả giá, trách nhiệm của VEDAN trong việc khắc phục là không thể chối cãi.
3. Một số giải pháp giúp pháp luật hoàn thiện hơn.
Như đã nhắc đến ở trên, những lý do chính khiến cho khó áp dụng trách nhiệm hình sự với hành vi gây ô nhiễm môi trường một phần là do pháp luật hình sự chưa có quy định xử lý đối với pháp nhân, thêm vào đó là những đặc trưng của tội phạm môi trường là khó xác định hậu quả cũng gây khó khăn nhiều trong quá trình điều tra, xét xử. Vậy em xin đưa ra một số giải pháp góp phần hoàn thiện hơn pháp luật hiện hành.
Một là, đối với các văn bản pháp luật về cưỡng chế tuân thủ pháp luật môi trường: Cần nhanh chóng ban hành văn bản về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường cho phù hợp với những quy định của Pháp luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp luật xử lý vi phạm hành chính về mức phạt tiền tối đa cho mỗi hành vi vi phạm hành chính.
Hai là, trước đây quy định cá thể háo trách nhiệm hình sự gây khó khăn cho nhiều hoạt động xử lý vi phạm pháp luật môi trường đối với các tổ chức. Vì vậy, trong thời gian tới cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự theo hướng áp dụng chế tài hình sự với các tổ chức để có thể xử lý nghiêm những tổ chức có hành vi vi phạm nghiêm trọng. Song, khi áp dụng chế tài hình sự đối với các tổ chức không thể áp dụng tùy tiện. Theo em khi áp dụng chế tài hình sự với các tổ chức do không thể áp dụng hình phạt tù, cải tạo không giam giữ mà cần tăng cường các hình phạt đánh vào kinh tế như hình phạt phạt tiền với mức cao. Bởi hiện nay công cụ kinh tế là một trong những công cụ phát huy hiệu quả rất cao trong công tác bảo vệ môi trường.
Ba là, cần mở rộng các loại tội phạm về môi trường cho phù hợp với thực trạng môi trường hiện nay như tội phạm về đa dạng sinh học bởi tội phạm về môi trường hiện nay ngày càng trở nên tinh vi hơn, đa dạng và khó kiểm soát hơn rất nhiều.
Bốn là, đẩy mạnh xã hội hóa công tác bản vệ môi trường, nhất là trong thu gom, xử lý chất thải, đồng thời xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra môi trường để nhân dân cùng tham gia giám sát đối với những vi phạm của những công ty như Vedan; đảm bảo quyền được biết thông tin về môi trường của mọi tổ chức, cá nhân; phát triển dịch vụ môi trường; khuyến khích tổ chức, cá nhân hợp tác quốc tế về bảo vệ môi tường; đề cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và người dân trong bảo vệ môi trường.
Kết bài:
Chúng ta vẫn ngày ngày nghe báo đài, tivi, tạp chí nói về hiện tượng nhà kính, hiện tượng trái đất nóng lên, Enino… chúng ta đều hiểu rằng môi trường đóng vai trò quan trọng thế nào đối với đời sống con người. Nhưng có lúc nào đó ta nhìn ra xung quanh, bao quanh Hà Nội là con sông Tô Lịch bốc mùi hôi thôi, Tp Hồ Chí Minh là Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè cũng ô nhiễm không kém phần, rồi biết bao con sông trên đất nước Việt Nam này đang chết dần từng ngày vì ô nhiễm. Bài làm chỉ mong góp phần cho người đọc thấy rõ hơn về thực trạng môi trường Việt Nam, thông qua VEDAN, mỗi doanh nghiệp sẽ có ý thức hơn với môi trường mình đang sống. Không chỉ vì lợi nhuận mà tàn phá môi trường. Đồng thời cũng chỉ ra một số điểm còn khiếm khuyết của pháp luật hiện hành, mong các nhà làm luật có thể xem xét và hoàn thiện luật pháp hơn, để Việt Nam có thể từng bước phát triển bền vững, sánh vai với cường quốc năm châu.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Vụ việc Vedan - Quy định pháp luật và thực tiễn giải quyết tranh chấp, bồi thường thiệt hại.doc