Xây dựng hoặc sưu tầm có tranh chấp về tổ chức, hoạt động của công ty TNHH và phân tích hướng giải quyết tranh chấp theo pháp luật hiện hành

Công ty TNHH là một loại hình công ty có nhiều ưu điểm và được nhiều người lựa chọn khi bước vào con đường kinh doanh. Nhưng với sự vận động không ngừng của cuộc sống, các tranh chấp quản trị và điều hành công ty TNHH diễn ra ở Việt Nam ngày càng có xu hướng gia tăng và manh tính chất phức tạp. Để tìm hiểu rõ hơn về những tranh chấp này và hướng giải quyết được quy định trong Luật Doanh nghiệp theo pháp luật hiện hành; những vấn đề đã giải quyết triệt để và những vấn đề còn tồn taị Trong bài mình đã xây dựng 1 tình huống nêu ra được 1 số vấn đề trong tổ chức, hoạt động của công ty TNHH. Bạn có thể tham khảo vì mình làm khác chi tiết

doc13 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 2659 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Xây dựng hoặc sưu tầm có tranh chấp về tổ chức, hoạt động của công ty TNHH và phân tích hướng giải quyết tranh chấp theo pháp luật hiện hành, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI MỞ ĐẦU Công ty TNHH là một loại hình công ty có nhiều ưu điểm và được nhiều người lựa chọn khi bước vào con đường kinh doanh. Nhưng với sự vận động không ngừng của cuộc sống, các tranh chấp quản trị và điều hành công ty TNHH diễn ra ở Việt Nam ngày càng có xu hướng gia tăng và manh tính chất phức tạp. Để tìm hiểu rõ hơn về những tranh chấp này và hướng giải quyết được quy định trong Luật Doanh nghiệp theo pháp luật hiện hành; những vấn đề đã giải quyết triệt để và những vấn đề còn tồn tại…Em đã quyết định lựa chọn bài tập số TM1. HK- 27: “Xây dựng hoặc sưu tầm có tranh chấp về tổ chức, hoạt độngcủa công ty TNHH và phân tích hướng giải quyết tranh chấp theo pháp luật hiện hành” để hoàn thiện bài tập lớn học kỳ của mình. Bài tập của em gồm 3 phần: Mở bài, nội dung và kết luận. Trong phàn nội dung em chia làm 3 phần lớn đó là: Xây dựng tình huống Giải quyết tình huống theo pháp luật hiện hành Hoàn thiện các quy định của pháp luật Bài viết của em còn nhiều thiết sót mong nhận được sự đóng góp ý kiến cúa các thầy cô để em có thể hoàn thiện bài tập của mình. Em xin trân thành cảm ơn! DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT TNHH:Trách nhiệm hữu hạn ĐKKD: Đăng ký kinh doanh NỘI DUNG I- Xây dựng tình huống Hạnh, Nhung cùng nhau góp vốn thành lập công ty TNHH Hoa Hồng. để kinh doanh ngành nghề buôn bán mỹ phẩm, quà lưu niệm. Vốn điều lệ công ty là 2 tỉ đồng. Trong đó: Hoa góp 800 triệu tiền mặt Hạnh góp bằng một căn nhà được định giá 500 triệu Hồng góp bằng khoản nợ 800 triệu của công ty cổ phần Thuận Phát, được định giá 500 triệu. Nhung góp bằng tiền mặt 200 triệu nhưng chia làm 2 đợt, đợt đầu góp ngay từ đầu 100 triệu, đợt sau 100 triệu góp sau khi công ty được cấp giấy ĐKKD 1 năm. Trong bản điều lệ được các thành viên soạn thảo và nhất trí thông qua thì Hạnh giữ chức Giám đốc cty, Hoa giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên. Người đại diện theo pháp luật của cty là Chủ tịch Hội đồng thành viên . Các nội dung khác của bản điều lệ tương tự như Luật Doanh nghiệp. Sau khi được cấp giấy chứng nhận ĐKKD ngày 15 tháng 4 năm 2009, do khó khăn về kinh tế và muốn chị gái mình trở thành thành viên của công ty nên Hoa đã nhượng lại phần vốn góp cho Liên( chị gái của bà Hoa) với trị giá 200 triệu. Hoa cho rằng mình là Chủ tịch Hội đồng thành viên, là người đại diện theo pháp luật của công ty và cũng là người góp nhiều vốn nhất nên đã không thông báo việc chuyển nhượng vốn của mình cho 3 thành viên còn lại. Hoa lập một hợp đồng chuyển nhượng vốn, trong đó Hoa ký tên với tư cách là người đại diện theo pháp luật của công ty xác nhận việc chuyển nhượng này. Tháng 10 năm 2009. Công ty làm ăn có lãi 500 triệu và tiến hành phân chia lợi nhuận cho các thành viên. Lúc này tranh chấp giữa các thành viên nảy sinh do không thống nhất về cách phân chia số lợi nhuận Nhung kiện Hoa ra toà vì đã chuyển nhượng vốn của công ty trái pháp luật. Đồng thời, Nhung yêu cầu bác tư cách thành viên của Liên vì cho rằng việc chuyển nhượng vốn của Hoa cho Liên là bất hợp pháp. Vì vậy Liên không được phân chia số lợi nhuận này. Hoa không công nhận tư cách thành viên của bà Nhung vì cho rằng Nhung chưa góp đủ số vốn cam kết ban đầu. Hạnh cho rằng Nhung chưa góp đủ số vốn cam kết góp vào công ty( mới góp 100 triệu trong số 200 triệu cam kết góp)nên tỷ lệ lợi nhuận của chỉ được chia trên số vốn góp thực tế của Nhung là 100 triệu. Nhung không đồng ý và phản bác rằng số vốn đóng góp của Hồng vào công ty bằng giấy nợ là không phù hợp với các quy định của pháp luật. Và cho rằng Hồng chỉ được chia lợi nhuận khi đã bồi thường cho công ty TNHH Hoa Hồng ½ số nợ còn lại không đòi được( trong khoản 800 triệu nợ) của công ty cổ phần Thuận Phát, vì bây giờ công ty Thuận Phát đang tiến hành các thủ tục phá sản doanh nghiệp và công ty TNHH Hoa Hồng không có khả năng để đòi lại ½ số nợ còn lại đó. II- Giải quyết tình huống. Nhận xét chung. Tình huống trên xảy ra 5 tranh chấp trong quá tổ chức và hoạt động của công ty TNHH Hoa Hồng sau 6 tháng kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận ĐKKD: + Tranh chấp về chuyển nhượng phần vốn góp của Hoa cho Liên + Tranh chấp về việc chia lợi nhuận của bà Liên + Tranh chấp về tư cách thành viên của bà Nhung + Tranh chấp về việc chia lợi nhuận của bà Nhung + Tranh chấp về việc chia lợi nhuận của bà Hồng. Giải quyết tình huống. 2.1.Tranh chấp về chuyển nhượng phần vốn góp của Hoa cho Liên 2.1.1 Về việc chuyển nhượng vốn góp của bà Hoa Khi Hoa gặp khó khăn về kinh tế, thì Hoa có quyền chuyển nhượng phần vốn góp theo quy định tại điều 44 Luật Doanh Nghiệp 2005, sửa đổi bổ sung 2009 như sau: “Trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 45 của Luật này, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo quy định sau đây: 1. Phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện; 2. Chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày chào bán” Khoản 6 Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: “ Trường hợp thành viên sử dụng phần vốn góp để trả nợ thì người nhận thanh toán có quyền sử dụng phần vốn góp đó theo một trong hai cách sau đây: a) Trở thành thành viên của công ty nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận; b) Chào bán và chuyển nhượng phần vốn góp đó theo quy định tại Điều 44 của Luật này.” Trong trường hợp bà Hoa không nợ tiền bà Liên thì với tư cách là thành viên của công ty TNHH Hoa Hồng muốn bán phần vốn góp của mình; trước hết bà Hoa cần chào bán số phần vốn đó cho bà Hạnh, bà Hồng và bà Nhung theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty TNHH Hoa Hồng. Cụ thể, nếu muốn chuyển nhượng 200triệu đồng thì bà Hạnh sẽ được chào bán phần vốn góp với giá trị là 84triệu, bà Hồng 84 triệu và bà Nhung là 32 triệu. Nếu các thành viên không mua hoặc không mua hết trong thời gian 30 ngày kể từ ngày giao bán thì bà Hoa mới có quyền giao bán cho người ngoài công ty( bà Liên) Trong trường hợp bà Hoa nợ tiền bà Liên và bà Hoa sử dụng phần vốn góp của mình để trả nợ thì lúc này bản thân bà Liên có quyền trở thành thành viên của công ty TNHH Hoa Hồng nếu được Hội đồng thành viên gồm 4 bà Hoa, Hạnh, Hồng và Nhung đồng ý. Hoặc bà Liên có thể nhân danh mình chuyển nhượng phần vốn góp đó theo trình tự như quy định tại Điều 44 Luật Doanh Nghiệp đã phân tích ở trên. Bà Hoa đã không hề giao bán trong nội bộ công ty, các thành viên trong công ty không hề được thông báo về việc bà Hoa sẽ bán phần vốn góp ra ngoài. Như vậy việc chuyển nhượng phần vốn góp này là vi phạm pháp luật. 2.1.2 Trách nhiệm của bà Hoa khi nhân danh công ty thực hiện giao dịch trái pháp luật. Bà Hoa cho rằng mình là Chủ tịch hội đồng thành viên, là người đại diện theo pháp luật của công ty và cũng là người góp nhiều vốn nhất nên đã nhân danh công ty để thực hiện một giao dịch với chị gái mình là bà Liên, để bà Liên trở thành thành viên của công ty TNHH Hoa Hồng Điều 59 Luật Doanh nghiệp 2005(Hợp đồng, giao dịch phải được Hội đồng thành viên chấp thuận)quy định như sau: “1. Hợp đồng, giao dịch giữa công ty với các đối tượng sau đây phải được Hội đồng thành viên chấp thuận: a) Thành viên, người đại diện theo uỷ quyền của thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty; b) Người có liên quan của những người quy định tại điểm a khoản này; c) Người quản lý công ty mẹ, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ; d) Người có liên quan của người quy định tại điểm c khoản này. Người đại diện theo pháp luật của công ty phải gửi đến các thành viên Hội đồng thành viên, đồng thời niêm yết tại trụ sở chính và chi nhánh của công ty dự thảo hợp đồng hoặc thông báo nội dung chủ yếu của giao dịch dự định tiến hành. Trường hợp Điều lệ không quy định thì Hội đồng thành viên phải quyết định việc chấp thuận hợp đồng hoặc giao dịch trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày niêm yết; trong trường hợp này, hợp đồng, giao dịch được chấp thuận nếu có sự đồng ý của số thành viên đại diện ít nhất 75% tổng số vốn có quyền biểu quyết. Thành viên có liên quan trong các hợp đồng, giao dịch không có quyền biểu quyết. 2. Hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu và xử lý theo quy định của pháp luật khi được giao kết không đúng quy định tại khoản 1 Điều này. Người đại diện theo pháp luật của công ty, thành viên có liên quan và người có liên quan của thành viên đó phải bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó.” Như vậy, Hợp đồng giữa bà Hoa(đại diện theo pháp luật của công ty) và bà Liên(người có liên quan tới người dại diện hợp pháp của công ty) là loại hợp đồng cần có sự thông qua và chấp nhận của hội đồng thành viên(điểm b khoản 1 Điều 59 Luật Doanh nghiệp). Hợp đồng này đương nhiên trở thành hợp đồng vô hiệu. Nếu hợp đồng này phát sinh thiệt hại cho công ty thì bà Hoa và bà Liên phải bồi thường thiệt hại; phải hoàn trả các khoản lợi thu được từ việc thực hiện giao dịch đó. Và đương nhiên bà Liên không có tư cách là thành viên của công ty TNHH Hoa Hồng. Giả sử, các thành viên trong công ty không mua hoặc mua không hết số vốn góp mà bà Hoa muốn chuyển nhượng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán. Bà Liên có quyền mua lại số vốn góp này. Sau đó, bà Hoa với tư cách là người đại diện theo pháp luật của công tyTNHH Hoa Hồng phải gửi đến các thành viên Hội đồng thành viên( bà Hạnh, bà Hồng, bà Nhung), đồng thời niêm yết tại trụ sở chính và chi nhánh của công ty dự thảo hợp đồng hoặc thông báo nội dung chủ yếu của giao dịch dự định tiến hành với bà Liên. Sau 15 ngày kể từ ngày niêm yết nếu được sự đồng ý của các thành viên đại diện ít nhất 75% tổng số vốn có quyền biểu thì bà Hợp đồng của bà Liên và bà Hoa sẽ trở thành hợp đồng hợp pháp. Công ty phải thông báo việc thay đổi số thành viên và ghi tên bà Liên vào sổ đăng ký thành viên. 2.2.Tranh chấp về việc chia lợi nhuận của bà Liên Với những sai phạm về việc chuyển nhượng vốn góp giữa bà Liên và bà Hoa nên bà Liên đương nhiên không phải là thành viên của công ty, vì vậy toà án sẽ bác bỏ tư cách thành viên của công ty, bà Liên sẽ không được chia lợi nhuận của công ty theo yêu cầu của bà Nhung. Khoản 5 Điều 42( Nghĩa vụ của thành viên) Luật doanh nghiệp 2005 có quy định như sau: “Chịu trách nhiệm cá nhân khi nhân danh công ty để thực hiện các hành vi sau đây: a) Vi phạm pháp luật; b) Tiến hành kinh doanh hoặc giao dịch khác không nhằm phục vụ lợi ích của công ty và gây thiệt hại cho người khác; c) Thanh toán các khoản nợ chưa đến hạn trước nguy cơ tài chính có thể xảy ra đối với công ty.” Như vậy, bà Hoa phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với hành vi của mình khi nhân danh công ty tiến hành giao dịch không phục vụ lợi ích của công ty và gây thiệt hại cho bà Liên. Bà Hoa có trách nhiệm hoàn trả cho bà Liên 200 triệu đã nhận và phải bồi thường thiệt hại cho bà Liên theo các quy định tại BLDS 2005. Mặt khác, bà Hoa vẫn được chia số lợi nhuận dựa trên phần vốn góp 800 triệu của mình tại công ty TNHH Hoa Hồng. Vì lúc này bà Liên phải hoàn trả cho bà Hoa tư cách vốn góp 200 triệu mà bà Liên đã nhận của bà Hoa. 2.3 Tranh chấp về tư cách thành viên của bà Nhung Nhận xét về việc góp vốn của bà Nhung: Bà Nhung góp vốn bằng tiền mặt 200 triệu nhưng chia làm 2 đợt, đợt đầu góp ngay từ đầu 100 triệu, đợt sau 100 triệu góp sau khi công ty được cấp giấy ĐKKD 1 năm. Căn cứ theo Khoản 2 Điều 39 Luật Doanh Nghiệp 2005 về thực hiện góp vốn và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp quy định: “Trường hợp có thành viên không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp được coi là nợ của thành viên đó đối với công ty; thành viên đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh do không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết.” Và được quy định cụ thể tại Khoản 1 điều 18, nghị định 102/2010/ NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2010 Về hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh Nghiệp quy đinh: “Thành viên phải góp vốn đầy đủ, đúng tiến độ đã cam kết trong Danh sách thành viên. Nếu việc góp vốn được thực hiện nhiều hơn một lần, thời hạn góp vốn lần cuối của mỗi thành viên không vượt quá 36 tháng, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký bổ sung, thay đổi thành viên và mỗi lần góp vốn thành viên được cấp một giấy xác nhận số vốn đã góp của lần góp vốn đó.” Như vậy, bà Nhung góp vốn thành 2 lần và lần cuối là sau khi có giấy ĐKKD 12 tháng là hợp pháp(không quá 36 tháng) và khi tiến hành chia lợi nhuận bà Nhung có tư cách thành viên. Tranh chấp xảy ra khi công ty được cấp giấy ĐKKD 6 tháng, vì vậy lúc này bà Nhung vẫn có tư cách là thành viên của công ty và khoản vốn mà Nhung chưa góp đủ sẽ là khoản nợ của Nhung trong công ty TNHH Hoa Hồng, và nếu có thiệt hại xảy ra cho công ty do bà Nhung không góp đủ và đúng hạn bà Nhung sẽ phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, yêu cầu của bà Hoa sẽ không được chấp nhận. 2.4.Tranh chấp về việc chia lợi nhuận của bà Nhung Căn cứ theo điểm d khoản 1 điều 41, Luật Doanh nghiệp 2005, quy định về quyền của các thành viên: “ Được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp sau khi công ty đã nộp đủ thuế và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;” Và theo khoản 3 Điều 18, nghị định 102/2010/ NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2010 Về hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh Nghiệp quy đinh: “Trong thời hạn chưa góp đủ số vốn theo cam kết, thành viên có số phiếu biểu quyết và được chia lợi tức tương ứng với tỷ lệ số vốn thực góp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định khác.” Như vậy, Hạnh cho rằng Nhung chưa góp đủ số vốn cam kết góp vào công ty( mới góp 100 triệu trong số 200 triệu cam kết góp)nên tỷ lệ lợi nhuận của chỉ được chia trên số vốn góp thực tế của Nhung là 100 triệu là đúng với quy định của pháp luật. 2.5.Tranh chấp về việc chia lợi nhuận của bà Hồng. * Về việc góp vốn của bà Hồng Nhung không đồng ý và phản bác rằng số vốn đóng góp của Hồng vào công ty bằng giấy nợ là không phù hợp với các quy định của pháp luật. Căn cứ theo khoản 6 Điều 4 Luật Doanh Nhiệp 2005: “Góp vốn là việc đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của công ty. Tài sản góp vốn có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác ghi trong Điều lệ công ty do thành viên góp để tạo thành vốn của công ty” Khi góp vốn vào công ty Hồng góp bằng khoản nợ 800 triệu của công ty cổ phần Thuận Phát, phần vốn góp này đã được các thành viên khác trong công ty được định giá 500 triệu theo khoản 1, khoản 2 điều 30 Luật Doanh Nghiệp 2005. Như vậy các thành viên đã chấp nhận việc góp vốn bằng giấy vay nợ của Hồng,điều này đã được ghi rõ trong điều lệ công ty.Giấy xác nhận nợ có đủ điều kiện để coi là một quyền tài sản theo quy định tại Đều 181 của BLDS 2005, do vậy được coi là một loại tài sản theo quy định tại Điều 163 của BLDS 2005. Việc góp vốn này hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật * Về việc chia lợi nhuận đối với bà Hồng Bà cho rằng Hồng chỉ được chia lợi nhuận khi đã bồi thường cho công ty TNHH Hoa Hồng ½ số nợ còn lại không đòi được( trong khoản 800 triệu nợ) của công ty cổ phần Thuận Phát, vì bây giờ công ty Thuận Phát đang tiến hành các thủ tục phá sản doanh nghiệp và công ty TNHH Hoa Hồng không có khả năng để đòi lại ½ số nợ còn lại đó Như vậy trên thực tế, công ty TNHH Hoa Hồng không đòi được 400 triệu từ cty cổ phần Thuận Phát, tương đương với 250 triệu vốn đóng góp vào công ty TNHH Hoa Hồng. Cho tới khi chia lợi nhuận bà Hồng thực tế đã góp vốn vào trong công ty trị giá 250 triệu . Và theo khoản 3 Điều 18, nghị định 102/2010/ NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2010 Về hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh Nghiệp quy đinh: “Trong thời hạn chưa góp đủ số vốn theo cam kết, thành viên có số phiếu biểu quyết và được chia lợi tức tương ứng với tỷ lệ số vốn thực góp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định khác.”Bà Hồng vẫn được chia lợi nhuận tương ứng với 250 triệu mà bà đã góp( phần nợ đòi được). Mặt khác, bà Hồng chỉ cam kết góp bằng giấy nợ của cty Cổ phần Thuận Phát trị giá 800 triệu và được thẩm định trị giá 500 triệu vốn góp vào công ty TNHH Hoa Hồng chứ không có nghĩa vụ phải đảm bảo sẽ đòi được số nợ này( điều này pháp luật chưa quy định và là điều rủi ro rất lớn cho công ty). Vì vậy bà Hồng vẫn được chia lợi nhuận rằng Hồng chỉ được chia lợi nhuận dù công ty TNHH Hoa Hồng không đòi được ½ số nợ còn lại của công ty Cổ phần Thuận Phát. Việc không thu được số nợ này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vốn điều lệ của công ty TNHH Hoa Hồng do vậy, bà Hồng với tư cách là một thành viên góp vốn có thể thay đổi tài sản góp vốn của mình để đảm bảo cho số vốn điều lệ và hoạt động của công ty được đảm bảo. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 39 Luật Doanh Nghiệp 2005 về thực hiện góp vốn và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp quy định: “Thành viên phải góp vốn đầy đủ và đúng hạn bằng loại tài sản góp vốn như đã cam kết. Trường hợp thành viên thay đổi loại tài sản góp vốn đã cam kết thì phải được sự nhất trí của các thành viên còn lại; công ty thông báo bằng văn bản nội dung thay đổi đó đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày chấp thuận sự thay đổi...” III- Hoàn thiện các quy định của pháp luật Qua tình huống trên em thấy các quy định của pháp luật về công ty TNHH tương đối phù hợp với tình hình thực tiễn nhưng bên cạnh đó vẫn còn có 1 số điểm cần sửa đổi, bổ sung hoặc có những nghị quyết hướng dẫn thực hiện. Và sau đây là 1 số điểm cần hoàn thiện và phương hướng hoàn thiện chúng. 1. Một số điểm cần hoàn thiện của pháp luật 1.1.Các quy định tại điều 59 Luật Doanh Nghiệp 2005 Người đã chấm dứt tư cách của người uỷ quyền, thì giao dịch giữa họ và công ty có phải thông qua hội đồng thành viên hay không? Khi quy định về các hợp đồng, giao dịch phải được hôi đồng thành viên chấp nhận. Pháp luật chưa có quy định cụ thể thế nào gọi là người liên quan. Người liên quan là người có các quan hệ huyết thống, hôn nhân và nuôi dưỡng( theo quy định tại luật Hôn nhân và Gia đình) hay bất cứ ai có liên quan( quen biết) tới những người quy định tại điểm a khoản 1 Điều 59. Và người liên quan với người đã chấm dứt tư cách là người uỷ quyền thành viên khi thực hiện giao dịch với công ty TNHH có phải thông qua hội đồng thành viên không? 1.2. Về quy định góp vốn bằng giấy nợ đối với các thành viên của công ty Đa phần các thành viên khi góp vốn bằng giấy đòi nợ, sẽ được hôi đồng thành viên thẩm định về giá trị, khả năng thu hồi nợ…Và đa phần trị giá vốn góp sẽ nhỏ hơn giá trị thực của giấy đòi nợ. Vậy nếu đòi được hết nợ trong giấy nợ thì phần lời lớn hơn phần vốn góp của thành viên sẽ được sử lý như thế nào? Ai sẽ là người có quyền quyết định? Nếu tiếp tục để kinh doanh thì có cần phải đăng ký lại vốn điều lệ, hay chuyển nó thành lợi nhuận phân chia cho các thành viên? Và nếu không đòi được nợ thì thành viên góp vốn bằng giấy nợ đó có trách nhiệm gì không? Vốn điều lệ của công ty có phải đăng ký giảm đi không? Trường hợp chỉ thu được 1 phần nợ, phần nợ thu được có giá trị thực bằng hoặc hơn trị giá phần vốn góp của thành viên đó vào trong công ty, phần nợ còn lại không thể đòi được nữa thì sẽ xử lý như thế nào? 2. Phương hướng hoàn thiện 2.1 Hoàn thiện quy định tại điều 59 Luật Doanh Nghiệp 2005 Cần xác định người liên quan ở đây là người có quan hệ huyết thống, hôn nhân và nuôi dưỡng. Đối với người đã chấm dứt tư cách uỷ quyền theo pháp luật của thành viên thì khi thực hiện hợp đồng, giao dịch của công ty với họ không cần thiết phải thông qua hội đồng thành viên, những người liên quan của người đã hết tư cách uỷ quyền thì cũng không cần phải thông qua hội đồng thành viên nữa. 2.2 Hoàn thiện quy định về quy định góp vốn bằng giấy nợ. Nếu không đòi hoặc đòi không đủ số nợ ghi trên giấy nợ thì thành viên góp vốn bằng khoản nợ đó phải thay đổi hình thức góp vốn theo quy định tại khoản 1 Điều 39. Và những khoản nợ đã đòi được sẽ được công ty hoàn trả cho người góp vốn bằng giấy nợ đó. Nếu đòi được hết số nợ mà giá trị thực tế lớn hơn giá trị vốn góp của thành viên thì phần dư ra sẽ được xem như là lợi nhuận và có quyền phân chia cho các thành viên theo tỉ lệ tương ứng với số vón góp thực tế của thành viên đó trong công ty. KẾT LUẬN Trên đây là tình huống em xây dựng dựa trên một số tình huống thực tế xảy ra. Qua tình huống trên em đã rút ra được cách xử lý theo pháp luật đối với 1 vài trường hợp tranh chấp trong công ty TNHH. Thiết nghĩ cần có những quy định cụ thể hơn trong việc quy định về góp vốn và chuyển nhượng vốn góp của các thành viên trong công ty cụ thể và chặt chẽ hơn, để tránh những tranh chấp không đáng có. Hà Nội, ngày 8 tháng 11 năm 2010

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docXây dựng hoặc sưu tầm có tranh chấp về tổ chức, hoạt độngcủa công ty TNHH và phân tích hướng giải quyết tranh chấp theo pháp luật hiện hành.doc
Luận văn liên quan