Di sản thừa kế - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn

Thừa kế và di sản thừa kế là vấn đề mang tính kinh tế, mang tính xã hội truyền thống nhưng cũng là vấn đề phức tạp về mặt pháp lý. Có thể nói, di sản thừa kế là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc làm phát sinh và thực hiện quan hệ dân sự về thừa kế. Đích cuối cùng của tranh chấp thừa kế chính là xác định đúng khối tài sản thừa kế và phân chia di sản thừa kế theo đúng kỷ phần mà người thừa kế có quyền được hưởng, việc xác định đúng di sản thừa kế có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết các án kiện về thừa kế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc xác định di sản thừa kế- yếu tố quan trọng hàng đầu đối với việc giải quyết các án kiện về thừa kế còn nhiều nan giải cả về mặt lý luận và trong thực tiễn áp dụng. Trong bối cảnh hội nhập, với thực trạng của nền kinh tế thị trường và xây dụng Nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay thì vấn đề tài sản thuộc quyền sở hữu của cá nhân ngày càng trở nên phức tạp và đa dạng Vì vậy, vấn đề di sản thừa kế và xác định di sản thừa kế cũng đặt ra nhiều hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn cần giải quyết. Trước những tình hình đó, em quyết định lựa chọn đề tài “Di sản thừa kế- một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, qua đó, mong muốn có thể làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về vấn đề di sản thừa kế ở nước ta hiện nay, để từ đó đem lại nhận thức đúng đắn về di sản thừa kế- yếu tố quan trọng hàng đầu đối với việc giải quyết các án kiện về thừa kế.

doc22 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 4610 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Di sản thừa kế - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Lời mở đầu Thừa kế và di sản thừa kế là vấn đề mang tính kinh tế, mang tính xã hội truyền thống nhưng cũng là vấn đề phức tạp về mặt pháp lý. Có thể nói, di sản thừa kế là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc làm phát sinh và thực hiện quan hệ dân sự về thừa kế. Đích cuối cùng của tranh chấp thừa kế chính là xác định đúng khối tài sản thừa kế và phân chia di sản thừa kế theo đúng kỷ phần mà người thừa kế có quyền được hưởng, việc xác định đúng di sản thừa kế có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết các án kiện về thừa kế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc xác định di sản thừa kế- yếu tố quan trọng hàng đầu đối với việc giải quyết các án kiện về thừa kế còn nhiều nan giải cả về mặt lý luận và trong thực tiễn áp dụng. Trong bối cảnh hội nhập, với thực trạng của nền kinh tế thị trường và xây dụng Nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay thì vấn đề tài sản thuộc quyền sở hữu của cá nhân ngày càng trở nên phức tạp và đa dạng Vì vậy, vấn đề di sản thừa kế và xác định di sản thừa kế cũng đặt ra nhiều hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn cần giải quyết. Trước những tình hình đó, em quyết định lựa chọn đề tài “Di sản thừa kế- một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, qua đó, mong muốn có thể làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về vấn đề di sản thừa kế ở nước ta hiện nay, để từ đó đem lại nhận thức đúng đắn về di sản thừa kế- yếu tố quan trọng hàng đầu đối với việc giải quyết các án kiện về thừa kế. I. Một số vấn đề lý luận về di sản thừa kế 1. Quan niệm về di sản và di sản thừa kế. 1.1 Quan niệm về di sản. Trên phương diện triết học, trong thế giới không ở đâu có tận cùng cả bề rộng lẫn bề sâu, cũng như không ở đâu lại ngừng trệ, không biến đổi và không có sự tiếp nối, kế thừa của các quá trình, của các sự vật và hiện tượng, tỏng đó có kế thừa tự nhiên và kế thừa chủ động. Sự kế thừa, tiếp nối là biểu hiện của “cái” có trước và “cái” có sau; cái để lại từ thời trước, của xã hội trước, của người trước…cho thời sau; cho đời sau và cho người sau đang tồn tại. Để chỉ những gì mà thời trước hay người trước để lại, người ta thường dùng hai từ “di sản”. Thuật ngữ “di sản” là một từ ghép Hán Việt dược tách ra làm hai từ để hiểu. Trước hết “di” trong Từ điển tiếng Việt được hiểu ở các khía cạnh sau: - “Di” biểu hiện sự chuyển động ra khỏi vị trí nhất định thông qua sự tác động nào đó lên một vật để lại dấu vết nhất định. - “Di” còn được hiểu là dời đi nơi khác, thoát khỏi vị trí ban đầu, biểu hiện của sự chuyển động từ nơi này đến nơi khác, từ điểm này đến điểm khác trong không gian và thời gian (không gian là điều kiện căn bản của sự tồn tại của vật chất, còn thời gian là điều kiện căn bản của sự biến đổi trạng thái của vật chất). - “Di” với nghĩa khác là sự truyền lại, lưu lịa, để lại cho đời sau, thế hệ sau, người “đi” sau, như: “di bản”, “di cảo”. “Di” với nghĩa để lại lời dạy, lời căn dặn của một người trước khi chết, như “di huấn”, “di chúc”. Với các nghĩa trên đây, “di” có thể hiểu một cách chung nhất là sự dịch chuyển sự vật, hiện tượng làm thay đổi vị trí của chúng trong không gian và thời gian. Sự thay đổi vị trí của chúng bao giờ cũng thể hiện yếu tố “trước” và “sau”. Nó có thể diễn ra trong một thời gian ngắn hoặc trong một thời gian dài. Từ “sản” trong tiếng Việt được hiểu ở các khía cạnh sau: - Sinh ra, làm ra, tạo ra sản phẩm để sinh sống; - Cái do con người tạo ra là kết quả tự nhiên của quá trình lao động, sản xuất; - Là từ dùng để chỉ gia tài, sản nghiệp mang tính tổng thể của những tài sản trong một khối. Với các nghĩa trên đây, “sản” được hiểu một cách chung nhất là tài sản hoặc khối tài sản nằm trong sự chiếm hữu và sử dụng để mang lại lợi ích cho con người. Từ “di” được ghép với từ “sản” thành “di sản” nhằm để chỉ của cải, gia tài, sản nghiệp, cái mà thời trước để lại cho đời sau. Trong Từ điển tiếng Việt thì “di sản” được hiểu với nghĩa là: - Tài sản của người chết để lại - Cái của thời trước để lại: ví dụ như di tích lịch sử, di vật lịch sử…v.. Hiểu theo nghĩa rộng, nghĩa thông thường thì “di sản” là tài sản của người chết để lại hoặc những cái mà thời trước để lại cho đời sau, bao gồm: - Các giá trị vật chất là các tài sản đáp ứng nhu cầu nào đó của con người. - Các giá trị tinh thần thuộc về đời sống nội tâm, những tư duy, ý tưởng, ý nghĩ định hướng cho hoạt động của con người. Thuật ngữ “di sản” được dùng trong rất nhiều lĩnh vực hoạt động của con người. Chúng được dụng phổ biến nhất là trong lĩnh vực văn hóa, kinh tế, khảo cổ học..và đặc biệt là pháp luật. 1.2 Di sản thừa kế. Di sản thừa kế là một vấn đề hết sức phức tạp, khi nói về di sản thừa kế, vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này chính là do còn nhiều vấn đề tranh cãi liên quan đến di sản thừa kế. Một trong những vấn đề còn có nhiều ý kiến tranh cãi đó là di sản thừa kế có bao gồm nghĩa vụ tài sản của người chết để lại hay không. Về vấn đề này, hiện nay, trong khoa học pháp lý, vấn đề di sản thừa kế vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm thì cho rằng di sản thừa kế bao gồm tài sản và các nghĩa vụ tài sản của người chết để lại; có quan điểm lại cho rằng, di sản thừa kế bao gồm tài sản và nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản của người chết để lại; và có quan điểm lại cho rằng di sản thừa kế chỉ bao gồm các tài sản của người chết để lại mà không bao gồm các nghĩa vụ tài sản… Tán thành quan điểm thứ ba, theo tôi, di sản thừa kế chỉ bao gồm các tài sản của người chết để lại mà không bao gồm các nghĩa vụ tài sản. Tồn tại một thực tế hiển nhiên là khi còn sống, một người cần đến tài sản của mình để sản xuất và sinh sống. Tài sản đó có được dựa trên nhiều căn cứ hợp pháp, họ hoàn toàn có quyền sở hữu đối với tài sản đó. Bên cạnh đó có thể còn có các nghĩa vụ tài sản đối vơi các chủ thể khác. Các nghĩa vụ này phát sinh từ những giao dịch dân sự, từ hành vi gây thiệt hại hoặc từ các quan hệ pháp luật khác, chưa kịp thực hiện thì khi người này chết, toàn bộ tài sản cũng như các nghĩa vụ tài sản sẽ được để lại là tất yếu. Thậm chí xét rộng ra người chết còn để lại cả những kinh nghiệm, tiếng tăm, danh dự.. có nghĩa là để lại các giá trị nhân thân, những ý nghĩa định hướng cho hoạt động của con người.. Tất cả các yếu tố này của người chết để lại gọi là “cái” của thời trước, của người trước để lại, được xác định là “di sản” chứ không chỉ là “di sản thừa kế”. Ủng hộ quan điểm này, theo tôi, nghĩa vụ tài sản của người chết không phải là di sản thừa kế, bởi lẽ: Về mặt ngữ nghĩa: thì thừa kế là thừa hưởng gia tài của người đi trước một cách kế tục. Theo nghĩa này, từ điển Tiếng Việt đã định nghĩa : “Thừa kế là hưởng của người chết để lại cho” mà trong Pháp luật danh từ giải nghĩa thừa hưởng được hiểu là “được ăn, được dùng, được tiêu thụ, được hưởng lợi, được giữ, được dùng làm của mình”. Với nghĩa này thì không thể tư duy theo hướng người thừa kế sẽ “được hưởng nghĩa vụ tài sản” hay “hưởng tài sản nợ của ông bà, cha mẹ để lại, nếu di sản chỉ có nghĩa vụ tài sản” Về phương diện pháp lý: nếu quan niệm di sản thừa kế mà người chết để lại không chỉ bao gồm tài sản, quyền tài sản mà còn bao gồm cả các nghĩa vụ tài sản của người đó để lại, thì vấn đề thanh toán và phân chia di sản thừa kế được hiểu như thế nào Theo quy định tại Điều 637 BLDS 2005, thì việc thực hiện nghĩa vụ tài sản thuộc về những người được hưởng di sản thừa kế: “Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại..” Quy định này cần được hiểu là người hưởng thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại không phải với tư cách là chủ thể mới “bước vào quan hệ nghĩa vụ”, có nghĩa là họ không thay thế vị trí chủ thể, họ thực hiện nghĩa vụ tài sản bằng tài sản của người chết để lại, nợ của người chết không phải là nợ của người hưởng di sản. Sau khi thanh toán toàn bộ nghĩa vụ của người chết để lại và những chi phí liên quan đến di sản thừa kế, nếu tài sản không còn thì khi đó không còn tài sản để chia thừa kế và như vậy thì không có quan hệ nhận di sản thừa kế. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 642 BLDS năm 2005 thì người thừa kế có quyền nhận hoặc từ chối tiếp nhận di sản. Nếu nhận di sản thì phải thực hiện việc trả nợ thay cho người để lại di sản; nếu từ chối nhận di sản cũng có nghĩa từ chối thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết, họ không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết. Điều này chứng tỏ, người thức kế không buộc phải nhận di sản để rồi phải thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết cho chủ nợ, nếu quan niệm nghĩa vụ tài sản là di sản thừa kế thì trong mọi trường hợp chủ nợ đều có quyền yêu cầu người thừa kế thực hiện việc trả nợ. Nghĩa vụ tài sản của người chết thực sự là món nợ của người đó lúc còn sống phát sinh từ những hành vi pháp lý của họ. Vì thế, phải coi nghĩa vụ đó là của chình bản thân người chết, phải dùng di sản của người chết để thanh toán. Nếu sau khi thanh toán nghĩa vụ tài sản và các chi phí khác liên quan đến di sản mà vẫn còn di sản để chia cho người có quyền hưởng di sản, thì phần di sản còn lại này mới được gọi là di sản thừa kế. Như vậy, di sản thừa kế không bao gồm nghĩa vụ tài sản của người chết mà chỉ bao gồm tài sản, các quyền tài sản được xác lập trên những căn cứ hợp pháp mà người chết để lại cho những người hưởng thừa kế. Hiểu một cách tổng quan nhất thì di sản thừa kế là toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của người chết để lại cho những người có quyền hưởng thừa kế, mà không bao gồm các nghĩa vụ tài sản của người đó. Khi bàn đến vấn đề di sản thừa kế thì còn có một vấn đề cần xem xét đó là thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với di sản thừa kế. Quyền hưởng di sản và thực hiện quyền hưởng di sản được diễn ra ở hai thời điểm khác nhau. Nếu quyền hưởng di sản và thực hiện quyền hưởng di sản diễn ra cùng một thời điểm (mở thừa kế) chỉ đúng trong một phạm vi rất hẹp, đó là di sản “đang nằm trong tay”, “đang nằm trong sự chiếm hữu một cách hợp pháp của người hưởng di sản” và loại tài sản này không bị phân chia và không phải đang ký quyền sở hữu. Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người hưởng thừa kế có quyền hưởng di sản, tuy nhiên, thời điểm này những người thừa kế chưa có quyền sở hữu đối với di sản thừa kế. Mặc dù về nguyên tắc, người có quyền hưởng di sản có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế bất cứ lúc nào, kể từ thời điểm mở thừa kế, nhưng việc chia thừa kế thực tế không thể diễn ra ngay sau khi người có tài sản chết vì những lí do như: phải có thời gian để tổ chức tang lễ cho người chết, để bàn bạc các vấn đề liên quan, giải quyết các tranh chấp..v.. Bên cạnh đó, có những di sản thừa kế thuộc phạm vi đăng kí quyền sở hữu thì chỉ khi hoàn tất thủ tục pháp lý mới xác lập quyền sở hữu đối với di sản cho người hưởng di sản. Tóm lại, tại thời điểm mở thừa kế, người thừa kế cũng như người được di tặng (nếu có) có quyền thừa kế (có quyền nhận tài sản). Từ thời điểm mở thừa kế, những người này chưa có quyền sở hữu đối với di sản thừa kế, di sản thừa kế chưa thuộc về họ, di sản thừa kế sẽ thuộc quyền sở hữu của họ kể từ khi nhận được hoặc từ khi hoàn thành thủ tục đang ký quyền sở hữu đối với di sản thừa kế (nếu pháp luật quy định) Về di sản thừa kế, một vấn đề quan trọng có liên quan đến việc xác định di sản thừa kế là những tài sản phát sinh sau khi người có tài sản chết, có thuộc di sản thừa kế hay không? Về nguyên tắc, di sản thừa kế được xác định tại thời điểm mở thừa kế. Vì theo nguyên lý chung, một người phải còn sống mới xác lập thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong các quan hệ pháp luật, trong đó có quan hệ pháp luật về sở hữu. Tuy nhiên, quan hệ thừa kế là quan hệ có tính đặc thù của nó, chỉ phát sinh khi có cái chết của một con người. Ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc làm chấm dứt sự tồn tại của người đó. Các nhà làm luật đá lấy khoảnh khắc đó làm mốc thời gian để xác định sự phát sinh thừa kế và các quan hệ thừa kế và xác định di sản. Có quan điểm cho rằng, tất cả các tài sản, kể cả hoa lợi, lợi tức từ di sản mà phát sinh sau thời điểm mở thừa kế thuộc quyền sở hữu của người hưởng thừa kế. Cách hiểu này cũng có tính hợp lý của nó vì “di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại” di sản thừa kế phải là tài sản được xác lập quyên sở hữu cho người chết trước khi mở thừa kế. Khi người này chết thì chấm dứt mọi khả năng thực hiện quyền của họ. Tuy nhiên, vấn đề này cần được hiểu là, mặc dù những tài sản này phát sinh sau khi người có tài sản chết, nhưng tài sản này có được từ các quan hệ pháp luật mà khi còn sống họ tham gia với tư cách là chủ thể mang quyền, hoặc là những tài sản này gắn liền, phát sinh từ những tài sản của người chết. Khi người hưởng thừa kế đã nhận di sản và xác lập quyền sở hữu thì từ thời điểm đó, mọi sinh lợi từ di sản thừa kế mới thuộc quyền sở hữu của họ. Vì thế không thể xác định đó là di sản mà người chết để lại. Lúc này các khoản lợi là hệ quả trực tiếp của quyền sở hữu chứ không phải là hệ quả của quyền thừa kế. Trong thực tế, có khá nhiều trường hợp, di sản thừa kế được xác định sau khi người có tài sản chết: - Tiền trúng sổ xố là thu nhập hợp pháp của người mua vé số. Có thể người này mua vé số trước khi mở thưởng là 5 ngày nhưng lại chết trước khi mở thưởng 1 ngày. Nếu trúng thưởng thì khoản tiền này là khoản thu nhập hợp pháp, nếu người đã chết đã có vợ (chồng) thì một nửa thuộc quyền sở hữu của người còn sống, nửa kia là di sản thừa kế của người chết - Các khoản tiền bảo hiểm tình mạng cho hành khách, người thừa kế của hành khách bị chết đó sẽ được hưởng khoản tiền mà cơ quan bảo hiêm phải chi trả.. Những tài sản phát sinh sau thời điểm mở thừa kế được xác định là di sản thừa kế có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định chính xác khối di sản mà người chết để lại, đảm bảo đúng phần di sản mà từng người thừa kế được hưởng theo di chúc hoặc theo pháp luật, đồng thời xác định được ai là người thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại nếu di sản gây thiệt hại… Di sản thừa kế là yếu tố vật chất của thừa kế, khoa học luật Dân sự thừa nhận về mặt nội dung của thừa kế là quá trình dịch chuyển di sản thừa kế từ người chết sang cho những người còn sống. Sự biểu hiện của nó là việc để lại và nhận di sản thừa kế mà đối tượng là tài sản thuộc quyền sở hữu của người đã chết. Pháp luật dân sự Việt Nam từ trước đến nay chưa có văn bản nào đưa ra khái niệm về di sản thừa kế mà chỉ hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp quy định về thành phần của di sản thừa kế. Từ lập luận của các khía cạnh trên đây, theo tôi, khái niệm di sản thừa kế có thể được xây dựng trên các phương diện sau đây: - Xét trên phương diện đạo đức: Di sản thừa kế là của cải vật chất (tài sản), là phương tiện thực hiện bổn phận của người chết, nhằm gây dựng và chăm lo cho tương lai đối với những người hưởng thừa kế - Xét trên phương diện kinh tế: Di sản thừa kế là của cải vật chất (di sản) của người chết để lại cho những người khác còn sống để dùng vào mục đích sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và tiêu dùng. - Xét trên phương diện khoa học luật dân sự: Di sản thừa kế là toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của người chết để lại, là đối tượng của quan hệ dịch chuyển tài sản của người đó sang cho những người hưởng thừa kế, được Nhà nước thừa nhận vào bảo đảm thực hiện. 2. Mối quan hệ giữa quyền sở hữu tài sản và di sản thừa kế. Di sản thừa kế là một bộ phận của chế độ tài sản, vì thế, nó chịu sự chi phối bởi những quy định của pháp luật về tài sản và quyến sở hữu trong BLDS, đồng thời chịu ảnh hưởng rất nhiều của các chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước. Di sản là yếu tố căn bản trong quan hệ nhận và để lại di sản, được biểu hiện thông qua sự dịch chuyển di sản của người chết để lại sang cho những người hưởng di sản. Sự biểu hiện này chứng tỏ rằng, thừa kế là kết quả tất yếu của những quyền năng trong quyền sở hữu, là mối liên hệ phụ thuộc giữa thừa kế và sở hữu, có sở hữu mới có thừa kế. Di sản thừa kế có mối quan hệ hữu cơ với quyền sở hữu tài sản của cá nhân hay nói cách khác, quyền sở hữu cá nhân là cơ sở chủ yếu để xác định di sản thừa kế cá nhân sau khi qua đời. Quyền sở hữu tài sản của công dân Việt Nam trong mỗi giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội khác nhau cũng có những thay đổi và được quy định khác nhau, theo đó di sản thừa kế cũng có những thay đổi theo những quy định khác nhau về phạm vi và thành phần tài sản mà cá nhân có quyền sở hữu qua mỗi thời kì. Những cơ sở pháp lý về quyền sơ hữu tài sản của công dân được quy định tại Điều 58 Hiến pháp. Nhà nước luôn khuyến khích công dân làm giàu chính đáng. Những điều kiện khách quan mà pháp luật quy định cho phép công dân phát huy mọi khả năng, mọi nỗ lực để lao động, sản xuất kinh doanh trong các ngành nghề, lĩnh vực, trong các thành phần kinh tế…để có thu nhập hợp pháp. Tài sản của công dân trong giai đoạn hiện nay bao gồm thu nhập hợp pháp, của cải để dành, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn, hoa lợi, lợi tức và các tái sản hợp pháp khác mà công dân sở hữu với tư cách cá thế, tiểu chủ hay tư bản tư nhân…là di sản của cá nhân sau khi chết. Trong thời kì thự hiện đường lối đổi mới toàn diện ở nước ta, Nhà nước luôn tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho việc phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các chính sách kinh tế đổi mới này đã đáp ứng ngày càng tốt hơn như cầu vật chất tinh thần của nhân dân trên cơ sở giải phóng mọi năng lực sản xuất, phát huy mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế. Những tài sản thuộc quyền sở hữu của cá nhân trong giai đoạn hiện nay càng được mở rộng về phạm vi, thành phần và giá trị; theo đó mà di sản thừa kế của cá nhân nhiều hay ít về giá trị, thành phần, số lượng và tính chất… phụ thuộc vào khả năng chủ quan của người đó tạo ra và phụ thuộc vào những quy định của pháp luật về căn cứ xác lập quyền sở hữu cá nhân. Theo quy định của pháp luật, những tài sản thuộc quyền sở hữu của cá nhân gồm: thu nhập hợp pháp, nhà ở, máy móc, thiết bị, nhiên liệu, nguyên liệu, hàng tiêu dùng, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ bằng tiền mặt, số dư trên tài khoản gửi tổ chức tín dụng bằng tiền Việt Nam, ngoại tệ, các trái phiếu, cổ phiếu, tín phiếu, kì phiếu, chứng chỉ tiền gửi, thương phiếu, các giấy tờ có giá, quyền tài sản phát sinh từ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đòi nợi, quyền nhận số tiền bảo hiểm, các quyền tài sản khác phát sinh từ hợp đồng hoặc từ các căn cứ pháp lí khác, quyền đối với phần vốn góp trong các doanh nghiệp… Những loại tài sản này mà một người khi còn sống có quyền sơ hữu và khi người đó chết thì những tài sản này là di sản thừa kế, được đem chia thừa kế theo di chúc và theo pháp luật. Tuy nhiên, nếu nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại lớn hơn hoặc ngang bằng với giá trị di sản của người này để lại thì khi đó sẽ không còn di sản để chia thừa kế. 3. Quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về di sản thừa kế. Theo quy định tại Điều 634 BLDS thì: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết phần tài sản của người chết, phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác”. Di sản thừa kế là một vấn đề hết sức phức tạp, về vấn đề này có nhiều cách hiểu khác nhau, thậm chí ngay trong pháp luật qua mỗi thời kì cũng quy định khác nhau. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế- xã hội của nước ta sau hơn sáu mươi năm qua, với những chính sách phát đổi mới đất nước, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần… đến nay thành phần, khối lượng, giá trị tài sản thuộc quyền sở hữu tư nhân- nguồn của di sản thừa kế cũng ngày một phong phú, nhiều hơn và lớn hơn. Di sản thừa kế là tài sản thuộc quyền sở hữu của người để lại di sản khi còn sống. Theo quy định tại điêu 164 BLDS: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Như vậy, thành phần di sản bao gồm các loại tài sản khác nhau và không bị hạn chế về số lượng, giá trị. 3.1 Di sản thừa kế là tải sản riêng của người chết. Tài sản riêng của người chết được xác định khi người đó còn sống, có quyền sở hữu tài sản của mình một cách độc lập và tự mình chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản theo ý chí riêng của mình mà không bị ràng buộc vào ý chí của người khác mà chỉ tuân theo pháp luật. Trong quan hệ vợ chồng, tài sản riêng của vợ hoặc của chồng được xác định là tài sản có trước thời kì hôn nhân hoặc có trong thời kì hôn nhân nhưng do được tặng cho riêng, được thừa kế riêng mà người có tài sản riêng đó không định đoạt ý chí sát nhập vào khối tài sản chung của vợ hoặc chồng thì tài sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu chung của vợ hoặc của chồng. Tài sản riêng của vợ hoặc chồng còn xác định được trường hợp vợ, chồng đã thỏa thuận bằng văn bản chia tài sản chung hoặc yêu cầu của tòa án chia khi có lí do chính đang thì phần tài sản của vợ hoặc chồng được chia là tài sản riêng của mỗi người; những tài sản chung của vợ chồng không phân chia thì vẫn thuộc quyền sở hữu chung của vợ chồng. Những tài sản do vợ hoặc chồng tạo ra trong thời kì hôn nhân hợp pháp là tài sản chung của vợ chồng. Tuy nhiê, khi xác định tài sản chung và tài sản riêng của người vợ hoặc người chồng, cần thiết phải phân biệt những trường hợp cụ thể sau đây: Thứ nhất: vợ chồng đã chia tài sản chung theo các căn cứ hợp pháp thì phần tài sản được chia của mỗi người là tài sản riêng, việc khai thác tài sản đó thuộc quyền sở hữu riêng vủa chủ sở hữu là vợ hoặc chồng, theo đó các khoản lợi thu được từ tài sản riêng đó là tài sản riêng. Thứ hai, trước thời kì hôn nhân, vợ hoặc chồng có tài sản riêng là tư liệu sản, sau khi kết hôn, tài sản đó không được nhập vào tài sản chung của vợ chồng thì vẫn là tài sản riêng của người chồng hoặc người vợ có tài sản trước đó. Nhưng tài sản riêng của người chồng hoặc của người vợ được khai thác và thư được những lợi ích nhất định thì các khoản lợi có được từ việc khai thác tài sản riêng đó là của chung vợ chồng. 3.2 Phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác. Người chết là đồng sở hữu chung hợp nhất tài sản chung với vợ hoặc chồng và người chết là sở hữu chung theo phần đối với tài sản chung với người khác. Trong trường hợp này, khi người này chết thì tài sản là di sản thừa kế được xác định trong khối tài sản chung đó như sau: - Đối với sở hữu chung hợp nhất, khi vợ hoặc chồng chết trước, phần di sản của người chết trước là chồng hoặc vợ được xác định là ½ giá trị trong tổng giá trị tài sản chung hợp nhất của vợ chồng. - Đối với trường hợp thứ hai, khi còn sống người chết là đồng sở hữu chung theo phần đối với tài sản, khi người này chết thì phần quyền tài sản của người này tỏng khối tài sản chung là di sản thừa kế. - Các quyền tài sản khác của người chết để lại là di sản thừa kế gồm: quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ (quyền sở hữu công nghiệp và quyền tác giả), các khoản tiền bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tình mạng, tiển bảo hiểm là di sản thừa kế của người đó. Di sản thừa kế của cá nhân được hiểu là toàn bộ tìa sản theo quy định tại Điều 163 BLDS, trong đó có quyền sử dụng đất đai. Di sản thừa kế chỉ bao gồm các thành phần tài sản xác định được từ khối tài sản riêng, phần tài sản của người chết trong khối tài sản chung với người khác, không bị hạn chế về phạm vi và giá trị. Di sản thừa kế có mối quan hệ hữu cơ với quyền sở hữu tài sản sản của cá nhân hay nói cách khác, quyền sở hữu cá nhân là cơ sở chủ yếu để xác định di sản thừa kế của cá nhân sau khi qua đời. Khi xác định di sản thừa kế, sự cần thiết phải xác định đúng loại tài sản nào là di sản thừa kế, loại tài sản nào không phải là di sản thừa kế để tránh những tranh chấp do có sự hiểu lầm bản chất di sản thừa kế. 3.3 Không thuộc di sản thừa kế. Về phong tục, tập quán của đại bộ phận cộng đồng dân cư ở nước ta từ xưa đến nay, theo tinh thần trợ giúp nhau khi gặp những điều không may đối với với cá nhân, gia đình nào đó là tiền phúng, viếng người chết. Khi một người qua đời, những người thân thích của người đó hoặc tổ chức từ thiện làm lễ mai táng cho người đó và những người thuộc quan hệ thân bằng, cố hữu, bạn bè, họ hàng, con cháu của người chết…đến viếng và vĩnh biệt người chết bằng vòng hoa tang, bằng tiền và các lễ vật khác theo phong tục. Khoản tiền phúng viếng của những người đến chia buồn cùng gia đình người có tang, nhiều hay ít cũng là tài sản xác định được như tiền, ngoại tệ, lễ vật…với mục đích chia buồn cùng tang gia. Việc xem khoản tiền phúng viếng đám tang mà tang quyến thu được là di sản thừa kế của người chết là cách hiểu phản ánh ý chỉ chủ quan, trái với pháp luật thừa kế. Dựa trên cơ sở pháp lý bằng việc xác định thời điểm mở thừa kế của người chết để lại di sản. Biết rằng, toàn bộ quyền và nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại chỉ tính đến thời điểm mở thừa kế của người đó. Khoản tiền phúng viếng không thể được coi là di sản thừa kế của người chết. Khoản tiền phúng viếng nhân sự kiện người chết không thể là di sản của người chết để lại. Theo phong tục, tập quán trong nhân dân thì tiền điều phúng đám tang với mục đích chính là để tang chủ mua hương, lễ vật để thờ cúng người chết, đây được xem là một nét đẹp văn hóa của dân tộc ta từ xưa đến nay. Tuy nhiên, không thể coi tiền phúng viếng là di sản và không nên đặt vấn đề chia khoản tiền đó, khoản tiền phúng viếng đó không phải là hoa lợi, lợi tức có từ di sản mà khoản tiền đó có được là do phong tục, tập quán của cộng đồng và trong chừng mực nào đó có thể coi khoản tiền này có được là do các thành viên của cộng đồng thực hiện nghĩa vụ tự nhiên do lương tâm chi phối, không bị ràng buộc về mặt pháp lý. Như vậy, một lần nữa ta có thể khẳng định khoản tiền phúng viếng không phải là di sản thừa kế như nhiều người lầm tưởng 4. Ý nghĩa của những quy định trong pháp luật dân sự về di sản thừa kế. Xuất phát từ tầm quan trọng là đối tượng được dịch chuyển trong quan hệ thừa kế, di sản thừa kế là yếu tố đầu tiên cần được xác định để xem xét các yếu tố tiếp sau trong quan hệ để lại và nhận di sản thừa kế. Pháp luật quy định di sản thừa kế và việc dịch chuyển nó từ người chết sang cho những người còn sống khác là mang tính khách quan, đáp ứng được quyền lợi chính đáng của các chủ thể trong quan hệ thừa kế, qua đó thực hiện được các chức năng điều chỉnh của pháp luật, tạo điều kiện để các chủ thể xử xự theo yêu cầu của pháp luật và phù hợp với đạo đức xã hội. Đặc biệt, nó tạo cơ sở pháp lý về các tiêu chí khi xác định di sản thừa kế. Theo từng trường hợp cụ thể, quy định của pháp luật về si sản thừa kế cho phép xác định nguyên tắc, căn cứ để giải quyết các tranh chấp về di sản thừa kế. Quy định của pháp luật về si sản thừa kế được sử dụng với ý nghĩa là cơ sở pháp lý giải quyết tranh chấp về di sản thừa kế, nhằm để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các chủ thể trong quan hệ thừa kế. Những quy định của pháp luật về di sản thừa kế góp phần điều tiết, ổn định các quan hệ tài sản trong giao lưu dân sự, Những quy định của pháp luật về di sản thừa kế là cơ sở quan trọng cho việc xác định các loại tài sản nào được để lại thừa kế, phạm vi được định đoạt trong tài sản chung, quyền phân định di sản của người có di sản, quyền của người được hưởng di sản thừa kế. Đó cũng là cơ sở pháp lý được áp dụng khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc thừa kế. II. Thực trạng giải quyết các tranh chấp về di sản thừa kế và hướng hoàn thiện quy định của pháp luật về di sản thừa kế. 1. Những thuận lợi và khó khăn trong việc xác định di sản thừa kế. 1.1 Những thuận lợi căn bản trong việc xác định di sản thừa kế. Sự phát triển của pháp luật dân sự Việt Nam nói chung và pháp luật thừa kế nói riêng gắn liền với lịch sử truyền thống đạo đức, với nền văn hóa dân tộc và với quá trình phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của dân tộc Việt Nam. Bước vào nền kinh tế thị trường, để đáp ứng được nhu cầu điều chỉnh các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự..v..v trong điều kiện kinh tế xã hội có những phát triển mới, đồng thời tạo căn cứ đầy đủ và vững chắc về mặt pháp lý cho các cơ quan xét xử khi giải quyết các tranh chấp có liên quan, Nhà nước ta đã rất chú trọng và quan tâm xây dựng một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về các lĩnh vực của đời sống, trong đó có quan hệ dân sự nói chung và quan hệ thừa kế nói riêng. Bên cạnh BLDS năm 1995 và BLDS 2005 thì một loạt các văn bản pháp luật khác mặc dù không trực tiếp quy định về vấn đề di sản thừa kế và việc xác định di sản thừa kế, nhưng một số quy định trong đó được coi là cơ sở quan trọng đối với việc xác định quyền sở hữu của cá nhân để từ đó xác định tài sản của họ trở thành di sản thừa kế khi họ qua đời. Đồng thời, bên cạnh chú trọng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Nhà nước cũng quan tâm đích đáng đối với công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục ý thức pháp luật. Cụ thể các cơ quan chức năng, đoàn thể, xã hội đã tổ chức các cuộc tập huấn, các buổi nói chuyện chuyên đề về các văn bản pháp luật trên, tổ chức các buổi sinh hoạt, các cuộc thi truyền hình về pháp luật ..v.. Các hoạt động đó đã góp phần nâng cao trình độ dân trí về pháp luật, từ đó mỗi người được trang bị kiến thức căn bản, nhận thức được quyền và lợi ích hợp pháp cũng như những nghĩa vụ của mình, đây là điều kiện để giảm thiểu tranh chấp, giảm thiểu độ phức tạp của các vụ việc liên quan đến di sản thừa kế. Về chất lượng cán bộ tòa án, nhiều năm qua, ngành Tòa án đã có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng xét xử các vụ án dân sự nói chung và các vụ án về thừa kế nói riêng. Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ cho các thẩm phán, đồng thời triển khai tổ chức tập huấn kịp thời các văn bản pháp luật mới được ban hành. Các hoạt động đó đã giúp cho đội ngủ thẩm phán ngày càng vững vàng trong công tác chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Đây là thuận lợi về con người và chuyên môn để chất lượng xét xử của Tòa án các cấp ngày một tốt hơn. 2.1 Những khó khăn căn bản khi xác định di sản thừa kế trong thực tiễn xét xử của Tòa án nhân dân. Qua thực tiến cho thấy, các tranh chấp về thừa kế nói chung và tranh chấp về di sản thừa kế nói riêng là loại tranh chấp rất phức tạp, thực tế xác định di sản thừa kế gặp rất nhiều khó khăn và có không ít vướng mắc. Trong quá trình giải quyết tranh chấp về di sản thừa kế tại tòa án, các đương sự đều tìm cách chứng minh có lợi nhất cho mình về kỷ phần, đồng thời phủ nhận hoặc làm giảm bớt quyền lợi của những người thừa kế khác. Bản chất của tranh chấp thừa kế suy cho cùng là xác định kỷ phần khi phân chia thừa kế. Do tình chất phân chia di sản nên việc xác định đúng khối di sản là bước khởi đầu có ý nghĩa quan trọng trong quá trình giải quyết các tranh chấp thừa kê. Di sản thừa kế một mặt mang yếu tố kinh tế, mặt khác mang tính xã hội sâu sắc, phản ánh tài sản được truyền lại từ đời này sang đời khác của gia đình, giòng họ trong sự phát triển kinh tế gia đình và xã hội. Trong quá trình giải quyết tranh chấp về thừa kế bên cạnh những thuận lợi còn có những khó khăn do nhiều nguyên nhân tác động đến: Thứ nhất, về kinh tế xã hội. Khó khăn đáng kể nhất là sự tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường làm cho các tranh chấp không ngừng phát sinh. Trong những năm qua, do có sự biến đổi về giá trị tài sản, nhất là giá trị về nhà ở và quyền sử dụng đất không ngừng tăng lên là một trong những nguyên nhân đáng kể làm phát sinh các tranh chấp về thừa kế. Trước đây, giá trị nhà ở và quyền sử dụng đất không cao nên các tranh chấp về thừa kế liên quan đến các tài sản này không nhiều, các đương sự cũng ít khiếu kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết các tranh chấp về thừa kế cũng ít quyết liệt hơn. Do tác động của nền kinh tế thị trường và do tình hình kinh tế phát triển không đều nên có sự chênh lệch lớn giữa các khu vực, thu nhập quốc dân còn thấp, trình độ dân trí chưa cáo kéo theo các tranh chấp dân sự ngày càng phổ biên hơn Ngoài ra, do một số chính sách của Nhà nước thay đổi như: Chính sách nhà ở, chính sách đãi ngộ người có công với cách mạng, chính sách về đất đai… làm thay đổi chủ sở hữu, người sử dụng…Vì thế, việc thừa nhận ai là người có quyền để từ đó xác định di sản thừa kế gặp rất nhiều khó khăn và lúng túng. Những lý do trên có thể được xem là một trong những khó khăn khách quan có ảnh hưởng đến việc giải quyết các tranh chấp khi xác định di sản thừa kế. Thứ hai, về cơ sở pháp luật. Khi giải quyết tranh chấp về thừa kế, các Tòa án phải căn cứ vào các quy định của pháp luật. Trong những năm qua, trước những yêu cầu của hội nhập quốc tế và nền kinh tế thị trường, Nhà nước ta đã tiến hành sửa đổi nhiều đạo luật quan trong, trong đó có những luật liên quan trực tiếp đến Luật Dân sự như: Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Luật Đất đai năm 2003, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, BLDS năm 2005…Việc sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật thực định là rất cần thiết, nhưng cũng có một thực tế là theo căn cứ quy định của văn bản pháp luật cũ thì án xử không sai, nhưng theo quy định của pháp luật đã sửa đổi, bổ sung thì lại chưa đúng. Đây là một trong những nguyên nhân liên quan đến tính ổn đỉnh định của văn bản và đã có những bản án bị Tòa án cấp trên sửa hoặc hủy án vì đã có sự thay đổi của pháp luật thực định. Một yêu cầu khách quan là sự điều chỉnh của pháp luật phải phù hợp với thực tế cuộc sống xã hội Việt Nam, đồng thời phải phù hợp với quá trình hội, quốc tế và của nền kinh tế thị trường. Tuy các đạo luật đã được bổ sung, sửa đổi, nhưng vẫn còn có những quy định chỉ mang tính chất “khung” nên việc áp dụng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn gặp không ít những hạn chế, thực tế là có nhiều quy định cần phải có hướng dẫn, giải thích cụ thể của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới có thể thực hiện được. Ví dụ: Điều 543 BLDS năm 2005 chỉ quy định chung về di sản thừa kế, gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản riêng và phần tài sản của người đó trong khối tàn sản chung của vợ chồng đã khó khăn, thì khi xác định phần tài sản này trong các doanh nghiệp mà người đó đã góp vốn còn khó khăn hơn. Các loại vụ tranh chấp về di sản thừa kế ngày càng trở nên phức tạp và từng lúc, từng nơi nảy sinh những vấn đề mới đòi hỏi phải có các quy định điều chỉnh cho phù hợp. Song thực tế cho thấy, những quy định mang tính chuẩn mực của Nhà nước ta thường ban hành chậm, một số chính sách, pháp luật tuy đã được sửa đổi, bổ sung nhưng lại có những quy định chưa sát với thực tế, những văn bản quan trong như BLDS, Luật Đất đai, Luật hôn nhân và gia đình…liên quan đến rất nhiều quyền và nghĩa vụ của công dân nhưng một thời gian dài chưa được Nhà nước giải thích một cách cơ bản và thống nhất nên nhân dân nắm vấn đề không tường tận, không chắc chắn. Thứ ba, vấn đề ý thức pháp luật của công dân Đây là một yếu tố ảnh hưởng không nhỏ và là một trong những nguyên nhân làm cho công việc giải quyết các tranh chấp về thừa kế gặp nhiều khó khăn. Có thể thấy rằng để pháp luật phát huy hiệu quả trong việc điều chinh các quan hệ hội nói chung và quan hệ thừa kế noi riêng, cùng với việc ban hành pháp luật, công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật phải được coi trọng. Việc tuyên truyền và phổ biến pháp luật trong những năm qua, tuy đã có nhiều cố gắng và đã được chú ý nhưng vẫn còn hạn hẹp, chủ yếu chỉ được thực hiện ở các thành phố, thị xã. Bên cạnh đó là hệ thống pháp luật còn có những văn bản mâu thuẫn, chồng chéo thậm chí còn phủ định nhau dẫn đến nhận thức của người dân rất hạn chế nên việc thực hiện pháp luật, hiểu biết pháp luật có nơi, có lúc thực sự rất yếu kém. Hơn thế trong xã hội cũng không ít những công dân ý thức chấp hành pháp luật của Nhà nước không nghiêm chỉnh, cố tình vi phạm pháp luật…Trong nhiều trường hợp, điều này làm ảnh hưởng trực tiếp tới việc bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong quan hệ thừa kế. Mặt khác, chính một phần do ý thức pháp luật không cao nên không ít các đương sự khởi kiện hoặc tham gia với tư cách là bị đơn rất lung túng trong việc chứng minh và có tư tưởng ỷ lại, coi đó là trách nhiệm của Tòa án. Tham gia với tư cách là nguyên đơn hoặc bị đơn nhưng họ không hiểu được quyền và nghĩa vụ trong tố tụng phải thực hiện như thế nào, trong khi không mời luật sư làm đại diện hoặc bảo vệ quyền lợi cho họ. Thứ tư, công tác xét xử của tòa án. Là một án kiện có tính chất phức tạp nên ngoài các chứng cứ do đương sụ cung cấp, chứng minh thì Tòa án các cấp vẫn phải tiến hành điều tra, thu thập những tình thiết liên quan đến vụ án. Trong các vụ án về thừa kế thì việc xác định đúng toàn bộ di sản thừa kế để quyết định cách phân chia có ý nghĩa rất quan trọng. Có thể thấy rằng đây là điều kiện tiên quyết liên quan trực tiếp đến việc bản án đó xét xử có khách quan, công bằng và đúng pháp luật hay không. Giải quyết các tranh chấp về thừa kế là một trong các loại án dân sự có tính chất phức tạp nhưng tại các thành phố, thị xã do số lượng các án dân sự thự lý khá nhiều nên mỗi thẩm phán hàng tháng phải xừ từ 8 đến 10 vụ (thậm chí có thể nhiều hơn), điều này cũng có những ảnh hưởng nhất định đến chất lượng xét xử. Ngoài ra các án kiện về dân sự nói chung và án về thừa kế nói riêng thường bị hoãn nhiều lần theo đề nghị của các đương sự, do đó thời gian giải quyết các vụ án thường kéo dài làm ảnh hưởng đến uy tín của Tòa án. Ngoài ra, về yếu tố chủ quan, có yếu tố do trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một số thẩm phán còn nen kém nên việc giải quyết các tranh chấp tại cấp sơ thẩm cũng còn nhiều thiếu sót, chưa thỏa đáng, gây bất bình cho nhân dân. Một trong những sai lầm phổ biến trong việc giải quyết loại tranh chấp này là việc xác định di sản không đúng, bỏ sót di sản hoặc nhập những tài sản mà khi còn sống người đó đã tặng cho người khác vào khối di sản của người để lại di sản… Một nguyên nhân không kém phần quan trọng dẫn đến tranh chấp về di sản thừa kế là vấn đề định giá tài sản. Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có một cơ chế phù hợp cho công tác định giá, điều này có thế dẫn đến giá trị tài sản không được đáp ứng đúng theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết tranh chấp làm cho đương sự không thỏa mán với các quyết định của Tòa án, dẫn tới khiếu kiện kéo dài. 2. Một số ý kiến nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về di sản thừa kế. Qua quá trình phân tích trên, trên cơ sở những bất cập của BLDS và xác văn bản quy phạm pháp luật khác khi quy định về di sản thừa kế, cùng với những vướng mắc trong quá trình giải quyết các tranh chấp về di sản thừa kế, tôi xin đề xuất một số ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện hơn nữa quy định của pháp luật và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về di sản thừa kế. 2.1 Về khái niệm di sản thừa kế Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật dân sự từ năm 1950 (ban hành sắc lệnh số 97/SL) cho đến nay chưa có bất kỳ văn bản quy phạm nào quy định về khái niệm di sản thừa kế, điều này dẫn đến tình trạng thiếu cơ sở khoa học để nghiên cứu và xem xét mọi vấn đề liên quan đến di sản thừa kế. Để xem xét và giải quyết các vấn đề về di sản thừa kế phải dựa trên bình diện chung nhất thể hiện bản chất pháp lý của di sản thừa kế từ khái niệm chung nhất của nó. - Thứ nhất: tính giá trị của tài sản - Thứ hai: Tài sản đó phải thuộc quyền sở hữu của người đã chết. - Thứ ba: Tài sản sẽ được chuyển dịch cho những người có quyền hưởng di sản. - Thứ tư: Sự dịch chuyển nằm trong sự bảo hộ pháp lý của Nhà nước. Từ những yêu cầu trên, có thể xây dựng khái niệm di sản thừa kề theo hướng thể hiện được các yếu tố trên: Di sản thừa kế la toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của người chết để lại, là đối tượng của quan hệ dịch chuyển tài sản của người đó sàn cho những người hưởng thừa kế, được Nhà nước thừa nhận và bảo đảm thực hiện. 2.2 Về thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với di sản của người hưởng di sản Đây là một trong những nội dung có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiến. Điều 636 BLDS quy định: “Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại”, quy định này cho thất, kể từ thời điểm mở thừa kế, những người hưởng thừa kế có quyền hưởng di sản của người chết để lại, thời điểm này những người thừa kế chưa có quyền sở hữu đối với di sản thừa kế. Quyền hưởng di sản và thực hiện quyền hưởng di sản được diễn ra ở hai thời điểm khác nhau trong quá trình thực hiện các bước của quan hệ pháp luật thừa kế. Quyền hưởng di sản là căn cư, là tiền đề cho việc thực hiện quyền hưởng di sản. Theo tôi, BLDS cần phải quy định rõ thời điểm xác lập quyền sở hữu của người hưởng di sản đối với phần tài sản mà họ được hưởng trong khối di sản thừa kế của người chết để lại sẽ thuộc quyền sở hữu của người có quyền hưởng di sản từ khi họ được nhận di sản (đối với di sản mà pháp luật không yêu cầu phải đang ký quyền sở hữu) hoặc từ khi hoàn tất thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với di sản thừa kế (nếu pháp luật yêu cầu). III. Kết luận. Thừa kế nói chung và di sản thừa kế nói riêng là những vấn đề mang tính chất kinh tế, xã hội nhưng cũng là vấn đề phức tạp về mặt pháp lý. Có thể nói, di sản thừa kế là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc làm phát sinh và thực hiện quan hệ dân sự về thừa kế. Thông qua đề tài, tôi rất mang có được một cái nhìn đúng đắn về vấn đề di sản thừa kế, góp phần đóng góp vào việc làm rõ cơ sở lý luận và thựa tiễn của pháp luật về di sản thừa kê- một trong những nhu cầu cấp bách đối với khoa học pháp lý dân sự ở Việt Nam hiện nay. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập I, NXB. CAND, Hà Nội, 2009. Bộ luật dân sự năm 2005. Trần Thị Huệ, Di sản thừa kế trong pháp luật dân sự Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội. Ts. Phùng Trung Tập, Luật thừa kế Việt Nam, NXB. Hà Nội, 2008. Nguyễn Minh Tuấn, Cơ sở lý luận và thực tiễn của những qui định chung về thừa kế trong bộ luật dân sự , Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội. Trần Thị Huệ , Một số vấn đề xác định di sản thừa kế, Tạp chí Luật học, số 6/1999. Ts. Phùng Trung Tập, Thừa kế theo pháp luật của công dân Việt Nam từ năm 1945 đến nay, NXB. Tư pháp, 2004. Trần Thị Huệ ,Một số vấn đề xác định di sản thừa kế, Tạp chí Toà án nhân dân, số 16/2006. Kiều Thanh ,Qui định của pháp luật về di sản thừa kế qua các thời kì, Tạp chí Luật học. Trường Đại học Luật hà Nội, số: 1 Năm 1996 Thông tin từ website: MỤC LỤC

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docDi sản thừa kế- một số vấn đề lý luận và thực tiễn (bài lớn học kì 9 điểm KT33C015).doc
Luận văn liên quan