Luận án Thi hành án hành chính ở Việt Nam - Lý luận và thực tiễn

Từ việc làm rõ các quan điểm nâng cao hiệu quả thi hành án hành chính ở Việt Nam, chúng tôi đã đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành án hành chính ở Việt Nam gồm các giải pháp hoàn thiện pháp luật về thi hành án hành chính và các giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật về thi hành án hành chính. Các giải pháp hoàn thiện pháp luật về thi hành án hành chính được đề xuất trên cơ sở sửa đổi các quy định hiện có, đồng thời chúng tôi cũng đề xuất một số giải pháp mang tính đột phá trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước và đặt trong điều kiện, hoàn cảnh ở Việt Nam. Bên cạnh các giải pháp hoàn thiện pháp luật về thi hành án hành chính, các giải pháp tổ chức thực hiện pháp luật cũng được chúng tôi đề xuất cụ thể để nâng cao hiệu quả thi hành án hành chính

pdf272 trang | Chia sẻ: tueminh09 | Ngày: 08/02/2022 | Lượt xem: 322 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận án Thi hành án hành chính ở Việt Nam - Lý luận và thực tiễn, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
sơ không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận theo quy định. Sau đó, ông Hường, bà Liên đã khởi kiện hành vi hành chính về việc trả hồ sơ, không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình. Sau đó, TAND thành phố Vũng Tàu đã xét xử và ra Bản án hành chính số 01/2014/HCST và TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ra bản án số 08/2014/HCPT. Tại hai cấp xét xử của Tòa án tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đều nhận định diện tích đất trên của gia đình ông Hường có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tuyên toàn bộ hành vi hành chính về việc trả hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Vũng Tàu là trái luật, đồng thời hủy bỏ văn bản trả lại hồ sơ của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Vũng Tàu. Về diễn biến quá trình THAHC: Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, ngày 11/8/2014, gia đình ông Hường nộp lại hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 909,8 m2 đất nói trên. Sau khi tiến hành các thủ tục như: niêm yết công khai tại phường, xác minh, thẩm tra thông tin địa chính thì Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Vũng Tàu làm thủ tục chuyển hồ sơ sang cơ quan thuế để tính nghĩa vụ với Nhà nước và vợ chồng ông Hường đã hoàn tất nghĩa vụ thuế. Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau đó được trình lên UBND thành phố Vũng Tàu. Ngày 25/9/2015, Chi cục THADS thành phố Vũng Tàu có văn bản số 729/CCTHA gửi Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành phố Vũng Tàu về việc đề nghị thi hành bản án phúc thẩm hành chính đã có hiệu lực pháp luật số 08/2014/HC-PT. Tuy nhiên, không những bản án vẫn không được thi hành, gia đình ông Hường cũng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà vụ án lại tiếp tục bị chuyển hồ sơ qua Công an thành phố Vũng Tàu để triệu tập ông Hường lên để điều tra xác minh. Công an thành phố Vũng Tàu sau đó có văn bản báo cáo cho UBND thành phố Vũng Tàu. Dựa vào báo cáo này, ngày 20/10/2016, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Vũng Tàu có văn bản đề nghị Chánh án TAND cấp cao và Viện trưởng VKSND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xem xét theo thủ tục tái thẩm đối với Bản án phúc thẩm số 08/2014/HC-PT của TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Sau khi nhận được đơn đề nghị xem xét theo thủ tục tái thẩm của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Vũng Tàu, ngày 14/7/2017, VKSND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có thông báo số 82/VC3-V3 và ngày 14/8/2018, TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh có thông báo số 101/TB-TA thông báo giải quyết đơn đề nghị tái thẩm đều trả lời UBND thành phố Vũng Tàu và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Vũng Tàu. Cụ thể tại thông báo số 101/TB-TA có nội dung: “Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm nhận định đúng về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hường, bà Liên về việc tuyên bố hành vi hành chính của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Vũng Tàu về việc không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Hường, bà Liên là trái pháp luật, đồng thời hủy bỏ công văn số 3326/CV-VPĐKQSDĐ là đúng”. TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xác định, các lý do mà Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Vũng Tàu đưa ra không phải là những căn cứ: “Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà Tòa án, đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án” nên không phải là căn cứ để kháng nghị vụ án theo thủ tục tái thẩm. Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản trả lời về trường hợp của gia đình ông Hường có nội dung: “Gia đình ông Hường, bà Liên là người đang sử dụng nhà, đất tại địa chỉ nêu trên; được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Khoản 2 Điều 101 Luật Đất đai năm 2013”. Cùng với đó Tổng cục Quản lý đất đai cũng có ý kiến và đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kiểm tra, chỉ đạo: “Tiếp nhận, giải quyết thủ tục đề nghị đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật, theo yêu cầu đã giải quyết của Tòa án, Viện Kiểm sát, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người sử dụng đất đối với trường hợp người sử dụng đất đã sử dụng ổn định từ trước ngày 15/10/1993” Dù VKSND cấp cao, TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trả lời rõ như vậy nhưng đến nay, bản án có hiệu lực từ 5 năm trước vẫn không được thi hành. Việc một bản án có hiệu lực của Tòa mà nhiều năm không được thi hành đang làm dấy lên trong dư luận những băn khoăn lẫn bức xúc trong xã hội253. 2. Vụ việc THAHC giữa UBND huyện Núi Thành với ông Nguyễn Tấn Trưng tại huyện Núi Thành – tỉnh Quảng Nam Tóm tắt nội dung vụ việc và quá trình xét xử: Trước năm 2000, ông Nguyễn Tấn Trưng (ngụ tại thôn Định Phước, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) là một trong những hộ có diện tích đất rừng bị thu hồi để giao đất cho các mỏ đá đóng trên địa bàn khai thác. Tuy nhiên, khi huyện Núi Thành thu hồi đất lại không bồi thường thiệt hại cho gia đình ông. Năm 2002, gia đình ông Trưng khởi kiện UBND huyện Núi Thành ra tòa để yêu cầu bồi thường. Đến năm 2005, gia đình ông Trưng được UBND huyện thỏa thuận sẽ bồi thường 11 ha đất rừng tại vùng giáp ranh với tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, khu vực rừng được huyện nói sẽ bồi thường này lại là rừng của dân, đã có chủ sử dụng. UBND xã Tam Nghĩa đã báo cáo lại với UBND huyện Núi Thành, việc bồi thường như vậy không thực hiện được. Vì diện tích đất bồi thường cho ông Trưng quá lớn, đất được huyện chỉ định lại đã cấp cho các hộ dân khác. Với các giải quyết như vậy của UBND huyện Núi Thành, ông Trưng tiếp tục khiếu nại. Năm 2006, chủ tịch UBND huyện Núi Thành đã ra quyết định (số 3868) công nhận gia đình ông Trưng được sử dụng hợp pháp 6,7 ha đất rừng. Quyết định này nêu rõ: “Thừa nhận 6,7 ha đất rừng của ông Nguyễn Tấn Trưng là hợp pháp. Vì vậy, giao Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Núi Thành chủ trì phối hợp với Chủ tịch UBND xã Tam Nghĩa kiểm tra, rà soát quỹ đất của UBND xã Tam Nghĩa chưa bàn giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng để lập thủ tục trình UBND huyện xem xét hoán đổi đất rừng đã bị thu hồi cho ông Trưng”. Sau đó UBND xã Tam Nghĩa chỉ một lô đất để hoán đổi cho ông, nhưng ông phát hiện lô đất trên đã có chủ nên không đồng ý nhận vì sợ sau này bị tranh chấp. Ông có đơn xin hoán đổi đất ở vị trí khác nhưng xã không trả lời. Ông Trưng khiếu nại 253 Vụ việc được tổng hợp từ các nguồn: Bản án hành chính phúc thẩm số 08/2014/HCPT, ngày 25/7/2014 của TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Văn bản số 729/CCTHA, ngày 25/9/2015 của Chi cục THADS thành phố Vũng Tàu về việc đề nghị thi hành Bản án số 08/2014/HCPT, ngày 25/7/2014; Thông báo số 101/TB-TA ngày 14/8/2017 của TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh về giải quyết đơn đề nghị tái thẩm.; Văn bản số 1900/BTNMT-TTr, ngày 26/4/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về xử lý đơn của Công ty trách nhiệm hữu hạn luật NHB; Trung Kiên, “Ngỡ ngàng một vụ hành dân tại thành phố Vũng Tàu”, https://dantri.com.vn/ban-doc/ngo-ngang-mot-vu-hanh-dan- dien-hinh-tai-tp-vung-tau-20190523071530349.html, truy cập ngày 24/5/2019. khắp nơi nhưng vẫn không được giải quyết. Năm 2016, ông Trưng đã làm đơn khởi kiện UBND huyện Núi Thành ra tòa. Ngày 28/8/2017, TAND huyện Núi Thành đã tuyên xử ông Nguyễn Tấn Trưng thắng kiện vụ án, yêu cầu thực hiện hành vi hành chính của UBND huyện Núi Thành, theo bản án này Tòa án đã buộc UBND huyện Núi Thành phải giao 6,7 ha rừng và đất rừng cho ông Trưng theo Quyết định số 3868/QĐ-UBND huyện Núi Thành ngày 12/12/2006. Năm 2018, TAND tỉnh Quảng Nam xử phúc thẩm vụ án của ông Trưng và ra Bản án số 02/2018/HC-PT ngày 8/8/2018 không chấp nhận kháng cáo của UBND huyện, giữ nguyên bản án hành chính sơ thẩm. Bản án có hiệu lực phát luật kể từ ngày tuyên. Về diễn biến quá trình THAHC: Sau khi hết thời hạn tự nguyện thi hành án, UBND huyện Núi Thành vẫn chưa giao đất. Ông Trưng đã làm đơn yêu cầu TAND huyện Núi Thành ra quyết định buộc UBND huyện Núi Thành thi hành án đối với hai bản án trên. Quá 30 ngày kể từ khi có bản án, UBND huyện Núi Thành vẫn không thực hiện giao trả đất rừng cho ông Trưng nên ngày 17/10/2018, TAND huyện Núi Thành ra quyết định số 01/QĐ-THA buộc THAHXC trong đó buộc UBND huyện phải giao 6,7 ha đất rừng cho ông Trưng. Tuy nhiên vụ việc vẫn không được thi hành, ông Trương Văn Trung - phó chủ tịch UBND huyện Núi Thành - cho biết dù tòa tuyên như vậy nhưng theo ông, huyện không thể thực hiện được. Bởi nếu giao lại đất cho ông Trưng thì phải lập dự án, căn cứ theo quy hoạch và Nhà nước không thể lấy đất rừng của người này mà giao cho người kia được. Và hiện nay địa phương không còn đất trống để giao, vì vậy huyện không thi hành án được. Đồng thời theo ông Trung, vụ việc đã có báo cáo với cơ quan THADS để báo cáo lên cấp trên xem xét lại bản án vì huyện thi hành án không được do quỹ đất không còn nữa. Dù tòa đã tuyên rồi nhưng theo quy trình thi hành án mà bản án tuyên, thực hiện không được phải báo cáo, xem xét lại bản án đó. Tháng 11/2018, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn về việc xử lý đơn của ông Trưng, đề nghị huyện Núi Thành kiểm tra nội dung trình bày của ông, xử lý và trả lời vụ việc theo quy định, báo cáo về tỉnh. Đến tháng 1/2019, Hội đồng nhân dân tỉnh lại có văn bản đề nghị huyện này tổ chức thi hành án đã có hiệu lực theo đúng quy định của pháp luật, trả lời cụ thể cho công dân và báo cáo kết quả về thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh. Ngày 3/4/2019, Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam đã có công văn số 637CV/BNCTU gửi Chủ tịch UBND huyện Núi Thành với nội dung, là cơ quan này đã chuyển đơn của ông Trưng đến Chủ tịch UBND huyện Núi Thành xem xét, tổ chức thi hành các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật theo đúng quy định, báo cáo kết quả về Ban Nội chính Tỉnh ủy trước ngày 30/4/2019. Mặc dù các cơ quan có thẩm quyền đã có chỉ đạo như vậy nhưng đến nay chính quyền huyện vẫn chưa có động thái nào giải quyết cho ông Trưng254. 3. Vụ việc THAHC giữa Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà với bà Nguyễn Thị Xuân tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị Tóm tắt nội dung vụ việc và quá trình xét xử: Để thực hiện dự án Đường nối dài cầu Đại Lộc với Quốc lộ 1A, tháng 4/2015, UBND thành phố Đông Hà đã ban hành thông báo thu hồi đất trong đó có phần đất của gia đình bà Xuân. Thực hiện thông báo này, gia đình bà Xuân đã phối hợp với các tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường đóng mốc trên thực địa theo chỉ giới quy hoạch, đồng thời tiến hành kiểm đếm tài sản, vật kiến trúc và cây cối hoa màu trên phần diện tích thực tế bị thu hồi. Ngày 12/11/2015, UBND thành phố Đông Hà ban hành Quyết định hành chính số 2594/QĐ-UBND với nội dung thu hồi 364 m2 tại thửa đất số 39a, trong khi diện tích đất thực tế bị thu hồi của bà Xuân lên tới 652 m2. Như vậy, quyết định này thiếu của bà Xuân 288 m2 đất. Trên diện tích này có một phần nhà ở, quán kinh doanh, vật liệu kiến trúc và cây trồng lâu năm. Cùng với đó, UBND thành phố Đông Hà tiếp tục ban hành Quyết định số 2595/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường cho hộ bà Xuân. Tuy nhiên do quyết định thu hồi đất không đủ diện tích thực tế dẫn đến quyết định này cũng sai theo, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bản thân và gia đình nên bà Xuân đã có đơn khiếu nại. Sau khi nhận đơn khiếu nại, ngày 9/3/2016, Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 333/QĐ-UBND với nội dung chỉ đồng ý bồi thường thêm cho bà Xuân 198m2 đất nông nghiệp. Không đồng ý với Quyết định số 333, bà Xuân khởi kiện ra tòa án. Tại phiên tòa ngày 18/5/2017, TAND tỉnh Quảng Trị xác định có sự việc 288 m2 bà Xuân đang sử dụng (không có tranh chấp, nguồn gốc rõ ràng) chưa có quyết định thu hồi. Việc thu hồi như vậy là không đúng quy định pháp luật, dẫn đến bồi thường chưa đúng với chính sách quản lý đất đai của nhà nước. TAND tỉnh Quảng Trị đã tuyên huỷ Quyết định số 2594, Quyết định số 333 và một phần Quyết định 2595 của UBND thành phố Đông Hà để xem xét giải quyết lại theo quy định của pháp luật. UBND thành phố Đông Hà sau đó đã kháng cáo lên TAND cấp cao tại Đà Nẵng nhưng bị bác vì Tòa án xác định trong vụ án này UBND thành phố Đông Hà không phải là đương sự (đương sự là Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà) nên không có quyền kháng cáo. Tòa 254 Vụ việc được tổng hợp từ các nguồn: Bản án số 02/2018/HC-PT, ngày 8/8/2018 của TAND tỉnh Quảng Nam; Quyết định số 01/QĐ-THA về việc buộc THAHC của TAND huyện Núi Thành; Lê Trung, “Lão nông gian nan đòi tài sản thắng kiện UBND huyện”, https://tuoitre.vn/lao-nong-gian-nan-doi-tai-san-thang-kien-ubnd-huyen- 20190403092410212.htm, truy cập ngày 03/4/2019. Cấp cao cũng quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm VAHC khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai. Về diễn biến quá trình THAHC: Đến ngày 11/7/2018, TAND tỉnh Quảng Trị ra Quyết định buộc THAHC đối với Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà với nội dung yêu cầu huỷ Quyết định số 333, số 2594 và một phần Quyết định số 2595 của UBND thành phố Đông Hà để giải quyết lại theo pháp luật. Ngày 31/10/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng có văn bản số 4885/UBND – NC yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà tổ chức thi hành nghiêm chỉnh các bản án của Tòa án. Tuy nhiên, gần 1 năm nay Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà vẫn chưa thi hành án. Liên quan đến vấn đề này, trả lời báo chí, ông Lê Minh Thiện, Phó Chánh văn phòng UBND thành phố Đông Hà thông tin, thời gian vừa qua, UBND thành phố Đông Hà đã tổ chức nhiều phiên họp có sự tham gia của các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh và các ngành cấp tỉnh nhưng việc thi hành bản án như thế nào còn gặp nhiều lúng túng, khó thực hiện. Hiện đơn vị này đã có văn bản gửi TANDTC, VKSNDTC đề nghị sớm xem xét bản án theo thủ tục giám đốc thẩm. Trong văn bản này nêu rõ: "Quyết định của Bản án hành chính sơ thẩm hủy quyết định số 2594/QĐ – UBND ngày 12/11/2015 của UBND thành phố Đông Hà về thu hồi 321m2 đất của bà Xuân để thu hồi thêm 288 m2 đất theo lời khai của bà Xuân để ban hành một Quyết định thu hồi đất mới, tổng thể (thu hồi 321 m2 + 288 m2) là không đúng quy định pháp luật đất đai. Tại Quyết định 333/QĐ-UBND ngày 9/3/2016 của Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà về giải quyết khiếu nại đã giao cho các cơ quan liên quan xem xét, quy chủ nguồn gốc, loại đất để UBND thành phố ban hành Quyết định thu hồi, bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật, Quyết định 2594/QĐ- UBND và Quyết định số 2595/QĐ-UBND là thu hồi, bồi thường, hỗ trợ đối với 321 m2 đất của bà Xuân không vi phạm pháp luật như Tòa đã nhận xét tại sao phải hủy?". Ngoài ra, theo quy định của pháp luật đất đai, việc thu hồi đất vào thời điểm nào thì bồi thường, hỗ trợ theo bảng giá tại thời điểm thu hồi (năm 2015) nay hủy, ra Quyết định thu hồi, bồi thường đối với 321 m2 đất (năm 2018) sẽ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước. Nếu bồi thường, hỗ trợ theo giá năm 2018 chỉ có 288 m2 đất mới được quy chủ và có quyết định thu hồi. Ngày 11/7/2018, TAND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định buộc Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà phải thi hành quyết định của bản án nói trên. Tuy nhiên, việc hủy Quyết định số 333 là quyết định cá biệt thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND thành phố. “Riêng 2 Quyết định số 2594 và Quyết định số 2595 là 2 quyết định của cơ quan hành chính – UBND thành phố thuộc thẩm quyền chung nhưng trong bản án UBND thành phố không được tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của UBND. Vì vậy, việc thi hành án gặp vướng mắc là Chủ tịch UBND hay UBND?”, ông Thiện nêu vấn đề. Được biết, liên quan đến vụ việc, hiện UBND thành phố Đông Hà đang khẩn thiết đề nghị TAND cấp cao tại Đà Nẵng sớm xem xét theo trình tự giám đốc thẩm đối với bản án đồng thời xin Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho gia hạn thời gian thi hành án đến ngày 20/2/2019255. 4. Vụ việc THAHC giữa Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm với 03 hộ dân tại quận Bắc Từ Liêm – thành phố Hà Nội Tóm tắt nội dung vụ việc và quá trình xét xử: Dự án xây dựng đường vào khu công nghiệp Nam Thăng Long quận Bắc Từ Liêm đã kéo dài nhiều năm do còn nhiều khiếu kiện của người dân liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng... Cụ thể tại dự án này, TAND thành phố Hà Nội ban hành 03 bản án phúc thẩm số 61/2015/HCPT ngày 26/9/2015, số 63/2015/HCPT ngày 29/9/2015 và số 67/2015/HCPT ngày 23/11/2015 yêu cầu UBND quận Bắc Từ Liêm phải lập phương án bồi thường, hỗ trợ... cho 3 hộ là ông Vũ Văn Hiền, hộ ông Vũ Xuân Bình; phê duyệt lại 01 phương án bồi thường, hỗ trợ đối với hộ ông Nguyễn Văn Thời. Về diễn biến quá trình THAHC: Ngày 16/11/2016, TAND quận Bắc Từ Liêm ban hành quyết định buộc THAHC số 01, số 02 và số 03 đối với UBND quận Bắc Từ Liêm. Chi cục THADS quận Bắc Từ Liêm đã có hai văn bản đôn đốc UBND quận Bắc Từ Liêm thi hành bản án hành chính và UBND thành phố Hà Nội đã có 5 văn bản chỉ đạo UBND quận Bắc Từ Liêm về việc thi hành án nhưng UBND quận Bắc Từ Liêm vẫn không thực hiện thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật. Do chậm thực hiện bản án của TAND Thành phố Hà Nội nên ba hộ trên tiếp tục có đơn tố cáo đến UBND thành phố Hà Nội về việc chậm thi hành bản án của ông Đỗ Mạnh Tuấn - Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm. Sau khi nhận được đơn thư của 3 hộ dân trên, ngày 25/10/2017, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ông Nguyễn Quốc Hùng ký Kết luận số 85/KL-UBND về việc kết luận nội dung tố cáo đối với ông Đỗ Mạnh Tuấn – Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm. Nội dung mà công dân tố cáo Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm là có hành vi vi phạm pháp luật, không thực hiện nhiệm vụ, công vụ thi 255 Vụ việc được tổng hợp từ các nguồn: Bản án số 02/2017/HC-ST, ngày 18/5/2017 của TAND tỉnh Quảng Trị; Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm số 160/2017/QĐ-PT ngày 20/9/2017 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng, Quyết định số 01/2018/QĐ-THA về việc buộc THAHC của TAND tỉnh Quảng Trị; Nguyễn Do, “Tòa án tỉnh bị Ủy ban “bắt giò” vì xử sai luật”, https://plo.vn/phap-luat/toa-an-tinh-bi-uy-ban-bat-gio-vi-xu-sai-luat-811817.html, truy cập ngày 18/01/2019. hành ba bản án phúc thẩm của TAND thành phố Hà Nội làm ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân. Kết quả xác minh nêu trong kết luận cho thấy: “Sau khi TAND thành phố Hà Nội ban hành 03 bản án phúc thẩm số 61/2015/HCPT ngày 26/9/2015, số 63/2015/HCPT ngày 29/9/2015 và số 67/2015/HCPT ngày 23/11/2015, UBND quận Bắc Từ Liêm có đơn gửi tới TAND cấp cao và VKSND cấp cao tại Hà Nội khiếu nại 03 bản án, tuy nhiên đến nay các bản án chưa bị kháng nghị. Căn cứ Điều 241 Luật TTHC năm 2010 (nay là Điều 309 Luật TTHC năm 2015), thì Bản án phúc thẩm số 61/2015/HCPT ngày 26/9/2015, số 63/2015/HCPT ngày 29/9/2015 và số 67/2015/HCPT ngày 23/11/2015 của TAND thành phố Hà Nội có hiệu lực pháp luật. Do đó, UBND quận Bắc Từ Liêm có trách nhiệm phải chủ động thực hiện ra quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư lại cho ba hộ dân theo quy định của pháp luật. Căn cứ Điều 39, Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND này 29/3/2017 của UBND thành phố Hà Nội (Quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND thành phố Hà Nội về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội) thì UBND quận Bắc Từ Liêm phải ra quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư lại cho ba hộ dân (hộ ông Thời, ông Bình, ông Hiền) theo quy định. Trong quá trình thực hiện 03 bản án phúc thẩm, UBND quận Bắc Từ Liêm đã có các văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội và các ngành chức năng hướng dẫn thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho 03 hộ dân. Ngày 28/3/2017, Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố có văn bản số 180/BCĐ-NV1 về việc hướng dẫn thực hiện bản án phúc thẩm của 03 hộ, tuy nhiên đến thời điểm ngày 10/9/2017, UBND quận Bắc Từ Liêm chưa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 03 hộ dân, do đó việc các công dân phản ánh việc UBND quận Bắc Từ Liêm chậm thực hiện 03 bản án phúc thẩm số 61/2015/HCPT ngày 26/9/2015, số 63/2015/HCPT ngày 29/9/2015 và số 67/2015/HCPT ngày 23/11/2015 của TAND thành phố Hà Nội là đúng. Hiện nay hộ ông Nguyễn Văn Thời, hộ ông Vũ Xuân Bình và hộ ông Vũ Văn Hiền vẫn đang sử dụng đất, chưa giải phóng mặt bằng do đó các công dân cho rằng Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm không thi hành 03 bản án phúc thẩm của Tóa án nhân dân thành phố Hà Nội làm ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân, là không đúng. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng giao Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm khẩn trương lập lại hồ sơ thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với hộ ông Vũ Văn Hiền, hộ ông Vũ Xuân Bình; phê duyệt lại 01 phương án bồi thường, hỗ trợ đối với hộ ông Nguyễn Văn Thời theo thẩm quyền; tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc chậm thực hiện 03 bản án phúc thẩm". Ông Vũ Văn Hiền đại diện 1 trong 3 hộ dân tỏ ra rất bức xúc: đến nay, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm vẫn chưa thực hiện theo Bản án phúc thẩm và Kết luận số 85 của UBND thành phố Hà Nội256. 5. Vụ việc THAHC giữa UBND thị xã Sơn Tây với ông Mai Lục tại thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội Tóm tắt nội dung vụ việc và quá trình xét xử: Trong quá trình thực hiện dự án nhà ở Phú Thịnh do Công ty Vinaconex 21 làm chủ đầu tư, UBND thị xã Sơn Tây ban hành Quyết định số 511/QĐ-UBND, ngày 18/4/2013 về việc phê duyệt điều chỉnh và bổ sung phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án Khu nhà ở Phú Thịnh giai đoạn 1, trong đó có một phần đối với gia đình ông Mai Lục, ở phố Hàng, phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây và một số hộ dân. Không đồng ý với Quyết định số 511, ông Mai Lục đã làm đơn khiếu nại gửi UBND thị xã Sơn Tây. Ngày 18/12/2013, UBND thị xã Sơn Tây ra Quyết định trả lời khiếu nại số 1973/QĐ-UBND. Không đồng ý với giải quyết khiếu nại, ông Mai Lục làm đơn khởi kiện hành chính ra TAND thị xã Sơn Tây đề nghị hủy Quyết định số 511. TAND thị xã Sơn Tây chấp nhận, xét xử và có Bản án số 05/2014/HCST ngày 18/9/2014, quyết định: “Hủy một phần Quyết định số 511/QĐ-UBND ngày 18/4/2013 của UBND thị xã Sơn Tây về việc phê duyệt, điều chỉnh và bổ sung phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án Khu nhà ở Phú Thịnh giai đoạn 1 đối với hộ gia đình ông Mai Lục”. Về diễn biến quá trình THAHC: TAND thị xã Sơn Tây đã ra Quyết định số 01/QĐ-THA ngày 9/10/2017 buộc THAHC đối với UBND thị xã Sơn Tây. Trong đó, Quyết định trên nêu rõ buộc thi hành án đối với UBND thị xã Sơn Tây với nội dung phải thi hành là “Ra quyết định thu hồi đất đối với từng hộ ông Lục, bà Nghiên, ông Hùng, ông Hiền và có phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ trên theo đúng chính sách pháp luật Nhà nước quy định. UBND thị xã Sơn Tây có trách nhiệm thi hành án ngay sau khi nhận được quyết định này và thông báo kết quả cho Tòa án biết. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm kiểm tra đôn đốc và xử lý trách nhiệm của UBND thị xã Sơn Tây theo quy định của pháp 256 Vụ việc được tổng hợp từ các nguồn: Bản án phúc thẩm số 61/2015/HCPT ngày 26/9/2015, Bản án phúc thẩm số 63/2015/HCPT ngày 29/9/2015 và Bản án phúc thẩm số 67/2015/HCPT ngày 23/11/2015 của TAND thành phố Hà Nội; Kết luận số 85/KL-UBND, ngày 25/10/2017 của UBND thành phố Hà Nội về việc kết luận nội dung tố cáo đối với ông Đỗ Mạnh Tuấn – Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm; Trương Tam, “Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm “chây ỳ” thực hiện bản án của TAND thành phố Hà Nội”, https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/chu-tich- ubnd-quan-bac-tu-liem-chay-y-thuc-hien-ban-an-cua-tand-tp-ha-noi-d58275.html, truy cập ngày 10/07/2019. luật. Cơ quan Thi hành án thị xã Sơn Tây có trách nhiệm theo dõi việc THAHC theo quyết định này”. Mặc dù đã có quyết định THAHC, nhưng một năm qua UBND thị xã Sơn Tây vẫn không thi hành. Song song với việc đó, ông Mai Lục lại có đơn gửi UBND thị xã Sơn Tây xin phép dựng lại gian nhà cấp bốn trên phần đất trước đây đã có nhà nhưng đã tháo dỡ bàn giao mặt bằng. UBND thị xã Sơn Tây không đồng ý dẫn đến đôi bên đã xảy ra xô xát. Phía ông Mai Lục lại tiếp tục khởi kiện để bảo vệ quyền lợi bị xâm hại. Dẫn đến, điểm nóng khiếu kiện tại địa phương kéo dài lại thêm dài. Cũng chính vì điểm nóng đó, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo tại các văn bản số 341/UBND-TNMT ngày 22/1/2016, số 8030/VP-ĐT ngày 25/8/2017 và Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố đã hướng dẫn tại Văn bản số 652/BCĐ-NV2 ngày 31/8/2017. Như vậy, có thể thấy từ TAND, cơ quan THADS, UBND phường Phú Thịnh, UBND thành phố Hà Nội đã quyết liệt vào cuộc nhưng sự chậm trễ thi hành án của UBND thị xã Sơn Tây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện vượt cấp kéo dài, gây mất ổn định trên địa bàn257. 6. Vụ việc THAHC giữa UBND thành phố Hạ Long với ông Phạm Hồng Phương tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh Tóm tắt nội dung vụ việc và quá trình xét xử: Theo trình bày của ông Phạm Hồng Phương: Năm 1998, bố vợ ông đã cất công tôn tạo được mảnh đất tại vị trí tổ 67B, khu 5, phường Cao Xanh, nay là tổ 69D, khu 6, phường Cao Xanh với diện tích hơn 4000 m2. Toàn bộ diện tích đất này đã được chuyển quyền thừa kế hợp pháp cho vợ chồng ông Phương khi bố ông qua đời. Tháng 6/2013, gia đình ông bất ngờ nhận được thông báo của UBND phường Cao Xanh về khu vực đất của gia đình ông và các hộ dân cùng tổ 67B, khu 5 (cũ) nằm trong diện tích quy hoạch tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi sụt lún do khai thác than trái phép gây ra. Vì vậy, chính quyền yêu cầu gia đình ông phải di dời để bàn giao giải phóng mặt bằng. Ngày 31/3/2016, UBND thành phố Hạ Long đã ra Quyết định số 852/QĐ-UBND thu hồi 2950 m2 đất của gia đình ông với phương án bồi thường, hỗ trợ kèm theo là không bồi thường. Cùng đó, còn kèm theo cả quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Sau nhiều đơn khiếu kiện, đến ngày 12/8/2016, UBND thành phố Hạ Long có dự thảo đền bù hỗ trợ tài 257 Vụ việc được tổng hợp từ các nguồn: Bản án số 05/2014/HC-ST, ngày 18/9/2014 của TAND thị xã Sơn Tây; Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm số 160/2017/QĐ-PT ngày 20/9/2017 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng, Quyết định số 01/2017/QĐ-THA, ngày 9/10/2017 về việc buộc THAHC của TAND thị xã Sơn Tây, Hà Nội; Công Biên - Xuân Vũ, “Sơn Tây (Hà Nội): Cần sớm thi hành án để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân – Bài 2: Dân cần nhưng chính quyền chưa vội”, https://baotainguyenmoitruong.vn/ban-doc/son-tay-ha-noi-can-som-thi-hanh- an-de-bao-dam-quyen-va-loi-ich-hop-phap-cua-cong-dan-bai-2-dan-co-can-nhung-quan-chua-voi-1267426.html, ngày truy cập 18/02/2019. sản bổ sung trên đất cho ông Phương với số tiền hơn 558 triệu đồng cho gần 3.000 m2 đất bị thu hồi. Ông Phương quyết định khởi kiện UBND thành phố Hạ Long ra tòa án. Ngày 25/01/2018, TAND tỉnh Quảng Ninh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai VAHC về khiếu kiện quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ sau khi thu hồi đất giữa người khởi kiện là ông Phạm Hồng Phương, người bị kiện là UBND thành phố Hạ Long. Người đại diện theo pháp luật của UBND thành phố Hạ Long là ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long đã vắng mặt. Người đại diện theo ủy quyền của Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long là ông Hoàng Quang Hải, Phó chủ tịch UBND thành phố Hạ Long. Theo Bản án số 04/2018/HC-ST, UBND thành phố Hạ Long và người đại diện theo uỷ quyền của Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long có ý kiến bằng văn bản và bản tự khai vẫn khẳng định việc thu hồi gần 3.000 m2 đất của gia đình ông Phương mà không bồi thường, hỗ trợ phần diện tích đất bị thu hồi, không bồi thường hỗ trợ các công trình trên đất, không hỗ trợ công tôn tạo, không bố trí tại định cư là đúng các quy định pháp luật. Sau khi xem xét toàn diện, khách quan tất cả các bằng chứng, lời khai, tài liệu liên quan sự việc, TAND tỉnh Quảng Ninh kết luận: Quyết định số 853/QĐ-UBND ngày 31/3/2016 của UBND thành phố Hạ Long về việc phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ sau khi thu hồi đất đối với gia đình ông Phương là không đúng pháp luật, không bảo đảm các quyền lợi chính đáng của công dân khi bị nhà nước thu hồi đất. Vì vậy, thay mặt Hội đồng xét xử, Thẩm phán - Chủ toạ phiên tòa Bùi Văn Nhương đã tuyên chấp nhận nội dung và yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Hồng Phương. Tuyên bố: Huỷ toàn bộ Quyết định số 853/QĐ-UBND ngày 31/3/2016 của UBND thành phố Hạ Long về việc phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ sau khi thu hồi đất đối với gia đình ông Phương. Yêu cầu UBND thành phố Hạ Long phải chỉ đạo các cấp có thẩm quyền tiến hành các thủ tục pháp luật để xác định lại thời điểm tôn tạo và quá trình sử dụng đất của ông Phạm Hồng Phương, từ đó vận dụng và áp dụng các quy định pháp luật thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất của gia đình ông Phương. Về diễn biến quá trình THAHC: Sau khi Bản án số 04/2018/HC-ST có hiệu lực thi hành nhưng UBND thành phố Hà Long vẫn không thực thi bản án trong thời gian tự nguyện thi hành. Ông Phương đã làm đơn gửi đến TAND tỉnh Quảng Ninh nhưng đến nay vẫn chưa được thi hành án. Trong một diễn biến khác, dù bản án của TAND tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra những phán quyết rất rõ ràng về quyền sở hữu hợp pháp của ông Phạm Hồng Phương với mảnh đất bị UBND thành phố Hạ Long thu hồi trái luật và bản thân ông Phương vẫn đang kêu cứu, ngày 13/5/2019, UBND phường Cao Xanh vẫn có Thông báo số 90/TB-UBND do ông Phạm Văn Thư, Phó chủ tịch ký yêu cầu gia đình ông Phương phải tự giác tháo dỡ công trình móng gạch xi vì cho rằng công trình không đủ điều kiện xây dựng trên phần đất hợp pháp của ông Phương. Gia đình ông Phương vẫn đang tiếp tục gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan Trung ương và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đề nghị giám sát chặt chẽ việc thực thi bản án của UBND thành phố Hạ Long258. 7. Vụ việc THAHC giữa UBND thành phố Vũng Tàu với bà Trần Thị Hương tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Tóm tắt nội dung vụ việc và quá trình xét xử: Theo hồ sơ thể hiện, ngày 16/5/1991, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Quyết định số 416/QĐ-UB về việc giao 8.532 m2 đất tại đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 3, thành phố Vũng Tàu cho UBND phường 3 xây dựng bãi đỗ xe. Ngày 4/10/1991, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành quyết định phê duyệt thiết kế dự toán và cho phép xây dựng cụm ki ốt tại bãi đậu xe phường 3 và giao cho UBND phường 3 làm chủ đầu tư, nguồn vốn do đơn vị tự cân đối. Tuy nhiên, do UBND phường 3 không có vốn thực hiện dự án nên đã huy động tiền từ các hộ dân, trong đó có hộ bà Trần Thị Hương (sinh năm 1952, ngụ Phường 3, thành phố Vũng Tàu) để thực hiện việc đền bù, san lấp mặt bằng và thiết kế, thi công ki ốt. Bà Hương đã thực hiện đầy đủ việc góp vốn xây dựng công trình và nộp 3,46 triệu đồng tiền đền bù hoa màu, chi phí thiết kế và san lấp mặt bằng diện tích 147 m2 cho UBND phường 3. Tiếp đến bà Hương tự bỏ tiền xây dựng ki ốt theo thiết kế được phê duyệt, sử dụng từ năm 1991 đến nay, thực hiện nghĩa vụ kê khai và đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước theo quy định. Ngày 20/11/1991, UBND phường 3 ban hành quyết định về việc giao quyền sử dụng ki ốt số 17 tại bãi đậu xe phường 3 cho hộ bà Hương. Sau khi có quyết định, bà Hương thực hiện nghĩa vụ đăng ký và vào sổ đăng ký ruộng đất, sổ mục kê và được UBND thành phố Vũng Tàu ký duyệt ngày 20/8/1994, Ban Quản lý đất đai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác nhận ngày 12/6/1995. Ngày 18/10/2006, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành quyết định thu hồi 12.862,7 m2 đất tại đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 3, thành phố Vũng Tàu, trong đó có đất ki ốt của bà Hương để đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại Thái Dương. Gần 3 năm sau, ngày 02/3/2009, UBND thành phố Vũng Tàu tiếp tục ban hành Quyết định số 258 Vụ việc được tổng hợp từ các nguồn: Bản án số 04/2018/HC-ST, ngày 25/01/2018 của TAND tỉnh Quảng Ninh; Thông báo số 90/TB-UBND, ngày 13/5/2019 của UBND phường Cao Xanh về việc yêu cầu hộ ông Phạm Hồng Phương phải tự giác tháo dỡ công trình móng gạch xí, công trình không đủ điều kiện xây dựng thuộc khu phố 6, phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long; Anh Thế, “Vụ thu hồi “trắng” gần 3000 m2 đất của dân: Làm trái luật, chính quyền quyết không sửa?”, https://dantri.com.vn/ban-doc/vu-thu-hoi-trang-gan-3000-m-2-dat-cua-dan-lam-trai-luat- chinh-quyen-quyet-khong-sua-20190523072330828.htm, truy cập ngày 23/6/2019. 958/QĐ-UBND về việc phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ và ngày 5/10/2010 ban hành Quyết định số 10/QĐ-UBND bồi thường, hỗ trợ bổ sung đối với hộ bà Hương, nhưng không bồi thường giá trị quyền sử dụng đất. Cho rằng các quyết định trên không đúng quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bà Hương đã khởi kiện Quyết định số 958 và Quyết định số 10 của Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu ra Tòa án và được cả hai cấp Tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên bà thắng kiện. Tại Bản án phúc thẩm số 16/2013/HCPT ngày 20/6/2013 tuyên: “Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Hương; hủy phần không bồi thường giá trị quyền sử dụng đất của Quyết định số 958 và Quyết định số 10 của Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu về việc phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ và phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ bổ sung cho bà Hương; đồng thời đề nghị Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu giải quyết đúng quy định pháp luật”. Trong bản án phúc thẩm cũng cho thấy, khi tòa án đang thụ lý giải quyết sơ thẩm lần đầu vào ngày 21/5/2009 và đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 6/12/2011 thì 3 ngày trước đó (tức ngày 3/12/2011), Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành phố Vũng Tàu lại ban hành quyết định chỉnh lý tên chủ sử dụng đất từ bà Hương thành UBND phường 3. Trong khi đó, xuyên suốt từ năm 1991 đến đầu tháng 12/2011 không có bất kỳ ý kiến, tranh chấp về việc đăng ký kê khai của bà Hương. Chính điều “bất thường” này đã được TAND Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ ra là không phù hợp với thực tế và trái quy định của pháp luật. Về diễn biến quá trình THAHC: Sau khi bản án phúc thẩm trên có hiệu lực pháp luật, TAND thành phố Vũng Tàu ra Quyết định buộc thi hành án đối với UBND thành phố Vũng Tàu. Bên cạnh đó, Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng nhiều lần có văn bản chỉ đạo giao UBND thành phố nghiêm túc thực hiện bản án và giải quyết việc bồi thường cho bà Hương theo quy định pháp luật. Thế nhưng, UBND thành phố Vũng Tàu còn ban hành nhiều văn bản nhằm cố ý kéo dài vụ việc khiến bà Hương và dư luận bức xúc. Từ năm 2013, bà Hương rất nhiều lần có đơn kiến nghị, yêu cầu UBND Thành phố thực hiện bản án, tuy nhiên, đơn của bà lại được đơn vị này liên tục chuyển giao trách nhiệm cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố và một số cơ quan chức năng khác kiểm tra, rà soát, tham mưu cho UBND thành phố giải quyết và trả lời. Khi bản án phúc thẩm trên có hiệu lực pháp luật và có quyết định buộc thi hành án, lẽ ra UBND thành phố Vũng Tàu phải nghiêm chỉnh chấp hành, thế nhưng vụ việc lại bị nhiều cơ quan chính quyền thành phố Vũng Tàu “xét lại”, gây cản trở thi hành án suốt nhiều năm. Điều khiến bà Hương và dư luận vô cùng bức xúc, đó là mặc dù Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có nhiều văn bản đề nghị UBND thành phố Vũng Tàu nghiêm túc thực hiện bản án, thế nhưng, đơn vị này và cả Thành ủy thành phố Vũng Tàu vẫn mặc nhiên “chống lệnh”. Cụ thể, ngày 9/11/2015, Thành ủy thành phố Vũng Tàu có Thông báo số 57-TB/TU Kết luận buổi tiếp xúc bà Hương ngày 3/11/2015, có sự tham dự của ông Mai Ngọc Thuận – Bí thư Thành ủy và ông Nguyễn Lập - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Vũng Tàu cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan: Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Thành phố, Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố, UBND phường 3, Ban Tiếp công dân Thành phố. Sau khi nghe ý kiến của công dân và trên cơ sở ý kiến của các thành viên dự họp, Thường trực Thành ủy và UBND Thành phố đã thống nhất ý kiến kết luận: “Giao UBND Thành phố: Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố, Phòng Tư pháp, UBND phường 3 và các cơ quan liên quan, rà soát toàn bộ các vấn đề pháp lý chưa rõ ràng, còn thiếu căn cứ đối với hai bản án nêu trên, tham mưu UBND Thành phố thực hiện thủ tục giám đốc thẩm theo quy định”. Sau khi có văn bản của Thành ủy yêu cầu “xét lại” bản án này, ngày 28/12/2015, Trung tâm Phát triển quỹ đất có Báo cáo số 302/BC-PTQĐ gửi UBND thành phố Vũng Tàu về việc thực hiện hai bản án phúc thẩm trên lại tiếp tục có những nhận định, đánh giá thiếu tôn trọng bản án. Cụ thể, tại phần kiến nghị có nêu: “Trung tâm Phát triển Quỹ đất báo cáo nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, việc bồi thường, hỗ trợ, việc giải quyết khiếu nại và những vấn đề pháp lý chưa rõ ràng, thiếu căn cứ theo quy định của pháp luật của hai bản án để UBND Thành phố Vũng Tàu biết và có văn bản xin ý kiến chỉ đạo giải quyết của UBND tỉnh đối với việc thực hiện hai bản án nêu trên”. Tiếp đó, ngày 28/01/2016, UBND thành phố Vũng Tàu có Văn bản số 420/UBND-PTQĐ gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu báo cáo việc thực hiện bản án phúc thẩm của TAND tỉnh, trong đó cũng cho rằng bản án có pháp lý chưa rõ ràng: “UBND Thành phố Vũng Tàu báo cáo nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, việc bồi thường, hỗ trợ, giải quyết khiếu nại và bản án đã tuyên đối với hai hộ bà Trần Thị Hương và bà Nguyễn Thị Miều và những vấn đề pháp lý chưa rõ ràng, thiếu căn cứ theo quy định pháp luật của hai bản án để UBND tỉnh xem xét, có ý kiến chỉ đạo giải quyết đối với việc thực hiện hai bản án nêu trên của TAND tỉnh”. Tiếp đó, ngày 04/5/2017, đơn vị này tiếp tục có văn bản số 2445 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường và đề nghị Sở này xem xét, điều chỉnh tên chủ sử dụng đất trong bộ hồ sơ địa chính phường 3 lập năm 1993, trong đó có bà Hương thành “UBND phường 3” đăng ký sử dụng. Tiếp theo, tại văn bản số 3607/UBND-TNMT ngày 23/6/2017 do UBND thành phố Vũng Tàu gửi UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh vẫn đưa ra lý do, trường hợp sử dụng đất của bà Hương thuộc trường hợp sử dụng đất của Nhà nước (do tên chủ sử dụng đã bị điều chỉnh sang UBND phường 3 như đã nêu), nên không đủ điều kiện bồi thường về đất. Sau khi có báo cáo, đề xuất của UBND thành phố, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản xin ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ngày 23/01/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản số 365/BTNMT-TCQLĐĐ gửi UBND tỉnh này cho biết, trường hợp bà Hương và bà Miều được bồi thường về đất, loại đất được bồi thường là loại đất ghi trong sổ đăng ký ruộng đất. Sau khi có văn bản trả lời và chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 01/02/2018, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục có văn bản số 1082/UBND-VP: “Giao UBND thành phố Vũng Tàu căn cứ hồ sơ vụ việc và ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại văn bản nêu trên để giải quyết việc bồi thường cho bà Trần Thị Hương theo đúng quy định của pháp luật. Báo cáo kết quả cho UBND tỉnh trong tháng 02/2018”. Văn bản trả lời từ Bộ, đôn đốc, chỉ đạo giải quyết từ Tỉnh đã rõ, thế nhưng ngày 10/7/2018, Thành ủy thành phố Vũng Tàu lại tiếp tục có Kết luận số 409-KL/TU của Ban Thường vụ Thành ủy sau cuộc họp ngày 9/7/2018 cho biết, ngày 9/7/2018, Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức họp nghe UBND Thành phố báo cáo việc thực hiện bản án hành chính phúc thẩm của TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đối với hai hộ bà Hương và bà Miều. Theo đó, ông Mai Ngọc Thuận, Bí thư Thành ủy chủ trì cuộc họp. Kết luận cho biết: “Ban Thường vụ Thành ủy Vũng Tàu giữ nguyên quan điểm đã thể hiện tại Báo cáo số 88- BC/TU, ngày 27/7/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Vũng Tàu là: 02 kiot của bà Trần Thị Hương và bà Nguyễn Thị Miều có nguồn gốc đất do Nhà nước giao UBND phường 3 quản lýViệc UBND phường 3 đăng ký đất đai vào Sổ đăng ký ruộng đất đối với 05 hộ dân và giao kiot là không đúng quy định của pháp luật”. Như vậy, bất chấp bản án hành chính phúc thẩm của TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có hiệu lực pháp luật gần 5 năm qua, UBND thành phố Vũng Tàu liên tục ra các văn bản có dấu hiệu trái luật, cố tình “chây ì” không thi hành bản án khiến người dân vô cùng bức xúc259. 8. Vụ việc THAHC giữa UBND thành phố Vũng Tàu với bà Trần Thị Hương tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Tóm tắt nội dung vụ việc và quá trình xét xử: 259 Vụ việc được tổng hợp từ các nguồn: Bản án phúc thẩm số 16/2013/HC-PT, ngày 20/6/2013 và Bản án phúc thẩm số 26/2013/HC-PT, ngày 19/9/2013 của TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Văn bản số 365/BTNMT-TCQLĐĐ, ngày 23/01/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc bồi thường đất đối với bà Trần Thị Hương và Nguyễn Thị Miễu ở thành phố Vũng Tàu.; PV, “UBND thành phố Vũng Tàu “chây ỳ” thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật”, https://congly.vn/chuyen-de/ubnd-tp-vung-tau-chay-i-thi-hanh-ban-an-da-co-hieu-luc-phap-luat-257428.html, truy cập ngày 24/6/2019. Năm 1997, ông Bùi Quang Chức (sinh năm 1965, thương binh ¼, tỷ lệ thương tật 81%) mua mảnh đất 900 m2 tại khu vực xóm Cầu của xã Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh (nay là phường Đậu Liêu) với giá 5 triệu đồng. Sau khi mua đất do không có điều kiện làm nhà nên khu đất để trống, đến năm 2009, ông Chức tới UBND phường Đậu Liêu để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng bị từ chối. Sau nhiều lần đề nghị cấp giấy bất thành, năm 2012, ông gửi đơn kiện UBND phường Đậu Liêu lên TAND thị xã Hồng Lĩnh để yêu cầu cấp giấy chứng nhận. Bản án sơ thẩm số 01 ngày 13/5/2015, TAND thị xã Hồng Lĩnh khẳng định, việc UBND phường Đậu Liêu không lập hồ sơ đầy đủ và không trình hồ sơ lên cấp có thẩm quyền đề nghị phê duyệt về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Chức là trái pháp luật. Tòa yêu cầu UBND phường Đậu Liêu chấm dứt hành vi hành chính trái pháp luật trên, đồng thời buộc UBND phường lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền để xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Chức. Không chấp thuận với bản án, ngày 26/5/2015, người đại diện của bên bị kiện là ông Bùi Chiến Thắng, Chủ tịch UBND phường Đậu Liêu có đơn kháng cáo lên TAND tỉnh Hà Tĩnh. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 24/8/2015, phía bị kiện là UBND phường Đậu Liêu đưa ra lý do để không lập hồ sơ trình cấp chứng nhận cho ông Chức là chưa có biên bản giao đất thực địa. Phường cũng cho rằng, hồ sơ, sổ sách đã mất nên không chứng minh được ông Chức đã nộp tiền, đồng thời nghi ngờ tính xác thực biên lai nộp tiền ông Chức đang giữ. Phường đưa ra thêm lý do, thăm dò ý kiến khu dân cư không đạt tỷ lệ 65% nên không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận đất cho ông. Tuy nhiên, TAND tỉnh Hà Tĩnh đã tái khẳng định như tòa sơ thẩm, trong đơn xin cấp đất ở của ông Chức có bút phê của Chủ tịch, có ghi diện tích, địa điểm, tứ cận có chữ ký của Chủ tịch và đóng dấu của UBND xã. Tuy văn bản chưa phù hợp với văn bản hành chính nhưng xét bản chất, được xem như quyết định hành chính của Chủ tịch xã. Cũng theo bản án, nếu như UBND phường Đậu Liêu cho rằng đất này chưa có biên bản bàn giao thì phải lập hồ sơ, đề xuất phương án xử lý trình cấp trên phê duyệt, chỉ đạo thực hiện đúng quy định. Việc làm thất lạc hồ sơ sổ sách kế toán để không có sổ đối chiếu là lỗi thuộc về chính quyền phường Đậu Liêu trong việc lưu trữ tài liệu. “Ông Chức đã có phiếu thu tiền với đầy đủ chữ ký của những người liên quan và được những người này thừa nhận. Trong đơn xin cấp đất có bút phê của Chủ tịch xã, đóng dấu Ủy ban theo quy định thì không phải lấy ý kiến rộng rãi các hộ gia đình ở khu dân cư. Hơn nữa, quyết định 2005 không bắt buộc phải đạt tỷ lệ nào cả”. Theo Hội đồng xét xử phúc thẩm, việc không trình hồ sơ lên UBND thị xã Hồng Lĩnh là lỗi thuộc về UBND phường Đậu Liêu, việc kéo dài thời gian giải quyết làm hết hiệu lực của quyết định 2005 cũng là lỗi của UBND phường. Hành vi này là trái pháp luật. Với những căn cứ trên, TAND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định không chấp nhận đơn kháng cáo của UBND phường Đậu Liên và giữ nguyên bản án sơ thẩm. Về diễn biến quá trình THAHC: Sau khi bản án hành chính phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, do người bị kiện không tự nguyện thi hành án nên ngày 13/9/2016 Tòa án đã ra Quyết định số 01/2016/QĐ/BTHAHC buộc THAHC đối với UBND Phường Đậu Liên, thị xã Hồng Lĩnh. Tiếp theo đó, trong 2 năm, đã có 7 vản bản của các cơ quan công quyền ở thị xã Hồng Lĩnh đôn đốc yêu cầu thi hành án, song UBND phường Đậu Liêu đã đưa ra nhiều lý do để khước từ. Tại văn bản ngày 30/11/2015, phường cho rằng, bản án của TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên không có căn cứ, không đúng sự thật. Phường đã kiến nghị Viện trưởng VKSNDTC, TANDTC đề nghị xem xét, hủy Bản án số 05 ngày 25/8/2015 của TAND tỉnh. Ngày 29/3/2016, TANDTC đã có văn bản trả lời với nội dung: “Sẽ xem xét đề nghị kháng nghị theo quy định của pháp luật TTHC”. Tuy nhiên gần hai năm nhưng không có bất cứ đoàn làm việc hay văn bản hành chính nào từ TANDTC đề cập đến vụ án này. UBND thị xã Hồng Lĩnh cũng đã nhiều lần yêu cầu cấp dưới thi hành bản án. Tại văn bản số 31 ngày 11/1/2017 do ông Nguyễn Văn Hổ (Chủ tịch thị xã tại thời điểm đó) ký đã khẳng định phường Đậu Liêu chưa chấp hành chỉ đạo của cấp trên. Ông Hổ giao Phòng Nội vụ thanh tra công vụ đối với Chủ tịch phường này. Sau hàng loạt chỉ đạo của cấp trên, đến ngày 15/6/2017 phường Đậu Liêu mới lập hồ sơ trình phòng ban chuyên môn của thị xã Hồng Lĩnh để xem xét cấp giấy chứng nhận đất cho ông Bùi Quang Chức. Tuy nhiên, khi phường Đậu Liêu trình hồ sơ lên thì bị Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Hồng Lĩnh trả về với lý do hồ sơ không đủ điều kiện, tính đến thời điểm hiện nay, ông Chức vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất260. Nhận xét chung về các trường hợp cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước vi phạm nghĩa vụ THAHC kéo dài Qua các vụ việc cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước vi phạm nghĩa vụ THAHC trên có thể nhận thấy như sau: 1. Nhiều trường hợp cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền lấy lí do là đã làm văn bản đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nên không thi hành án. 260 Vụ việc được tổng hợp từ các nguồn: Bản án hành chính phúc thẩm số 05/2015/HC-PT, ngày 24/8/của TAND tỉnh Hà Tĩnh; Quyết định số 01/2016/QĐ-BTHAHC ngày 13/9/2016 của TAND thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh; Công văn số 01/CV-CCTHA, ngày 07/12/2015 của Chi cục THADS thị xã Hồng Lĩnh.; Lê Minh, “Cựu binh thắng kiện phường: Chủ tịch Hà Tĩnh yêu cầu kiểm tra xử lý”, https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/cuu-binh-thang-kien-phuong- chu-tich-ha-tinh-yeu-cau-kiem-tra-xu-ly-386200.html, truy cập ngày 24/6/2019. Lí do này là trái với các quy định của pháp luật về THAHC hiện nay. Bởi lẽ theo quy định tại Điều 261 Luật TTHC năm 2015 về hoãn, tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì chỉ có người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm mới có quyền hoãn thi hành bản án, quyết định để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Đồng thời chỉ có người đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm. Đối với tất cả các trường hợp trên không có trường hợp nào người có thẩm quyền đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm mà đương sự trong THAHC là cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước tự ý không thực thi phán quyết của Tòa án là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. 2. Trong các vụ việc trên, những cơ quan có nhiệm vụ và quyền hạn trong THAHC được pháp luật quy định đã thực hiện tương đối tốt chức năng của mình, ví dụ như: Tòa án đã ban hành ra quyết định buộc THAHC khi hết thời hạn tự nguyện thi hành, cơ quan THADS ra các văn bản để thực hiện việc theo dõi THAHC, thủ trưởng cơ quan quan cấp trên trực tiếp của người phải THAHC đã ra các văn bản đôn đốc, nhắc nhở việc THAHC của cấp dưới, Viện kiểm sát đã ra các văn bản để kiểm sát việc THAHC của người có nghĩa vụ thi hành, thậm chí cấp ủy Đảng cũng có các văn bản chỉ đạo việc thi hành án Tuy nhiên, tình trạng cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước vẫn không thi hành án. Điều này cho thấy cơ chế về thủ tục THAHC theo quy định của pháp luật hiện nay vẫn chưa thật sự hiệu quả, chưa có một cơ chế để bảo đảm cho phán quyết của Tòa án được thi thi trên thực tế. 3. Việc không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự búc xúc của người dân trước những người thực thi công quyền. Thông qua các trường hợp trên có thể thấy nhiều trường hợp việc khiếu nại vượt cấp, tố cáo tràn lan, thậm chí chống đối Nhà nước là do tình trạng không thi hành án của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước. 4. Trong các vụ việc trên, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đã có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ THAHC nhưng việc xử lý vi phạm trong THAHC hầu như không có. Việc xử lý vi phạm chỉ dừng lại ở việc phê bình, nhắc nhở và kiểm điểm. Hiện nay, pháp luật đã quy định một cách tương đối cơ bản về việc xử lý vi phạm trong THAHC như: xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, trách nhiệm vật chất và biện pháp xử lý khác nhưng việc áp dụng các biện pháp này vào thực tiễn rất ít khi thực hiện. Như vậy, để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, làm cho bản án, quyết định của Tòa án được tôn trọng và thực thi trên thực tế thì cần phải tăng cường việc kiểm tra, thanh tra, áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong THAHC.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfluan_an_thi_hanh_an_hanh_chinh_o_viet_nam_ly_luan_va_thuc_ti.pdf
  • pdf2. Tóm tắt Luận án.pdf
  • pdf3. Thông tin tóm tắt Luận án tiếng Việt.pdf
  • pdf4. Thông tin tóm tắt Luận án tiếng Anh.pdf
Luận văn liên quan