Luận văn Thơ Giang Nam - Tiếng nói trữ tình sâu lắng, chân thành

Thơ Giang Nam phục vụ chính trị, tuyên truyền cổ vũ chiến đấu, đó cũng là giá trị, là điều tất yếu của văn học thời kì chiến tranh. Sáng tác của Giang Nam đã đáp ứng được yêu cầu của thời đại nghĩa là nó đã thực hiện được chức năng xã hội – lịch sử của mình. Đọc thơ Giang Nam, ta lại nhớ câu nói của Sóng Hồng: “Thơ tức là sự thể hiện con người và thời đại” [98, tr.50]. Tuy nhiên, xét đến cùng, chất hiện thực của nhiều bài thơ vẫn chưa vươn tới chiều cao của những vấn đề thời đại. Nhiều lúc chúng ta bắt gặp trong thơ những con người, những sự việc, những tình cảm quá chung chung, hình tượng nhân vật chưa cụ thể, sắc nét. Sự sống chưa ùa vào trong thơ kết tinh lại thành những hình ảnh chân thực và xúc động.

pdf96 trang | Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 2779 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Thơ Giang Nam - Tiếng nói trữ tình sâu lắng, chân thành, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
bút trân trọng, tự hào: Anh đón em: người em gái anh hùng Nắm chặt bàn tay đen đúa nắng bùn Thương quá những đêm cắt rào, nhổ trụ Cho anh trùm lên vai em mảnh khăn rằn Nam Bộ Áo em rách rồi, không có tiền may. (Đội du kích anh hùng) Và chính vì phản ánh được những nét đẹp của người phụ nữ trưởng thành trong cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc bằng cách nói của riêng mình, thơ Giang Nam đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tình cảm mọi người. Đọc thơ Giang Nam, chúng ta nhận thấy một điều là vai trò của người phụ nữ miền Nam khác xưa nhiều lắm. Họ không chỉ đơn thuần là người vợ, người mẹ mà hơn hết họ là một công dân yêu nước, có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc. Từ sau hiệp định Giơ-ne-vơ, những người kháng chiến mà đại bộ phận là nam giới đều tập kết ra Bắc. Vì thế mà “Anh đi rồi nửa đất nước giao em!”. Những người phụ nữ ấy vừa phải chăm lo gia đình, con cái, ruộng vườn, vừa đưa đường, dẫn lối cho cán bộ và làm công tác dân vận… Không gian của người phụ nữ lúc này không còn bó hẹp trong gia đình mà đã mở rộng ra. Đó là không gian của cộng đồng, của dân tộc. Ở miền Nam lúc này rất nhiều người phụ nữ đã tham gia vào cuộc chiến đấu vĩ đại của cả dân tộc, có nhiều chị trực tiếp cầm súng chiến đấu. Cùng với đồng bào miền Nam, chị em phụ nữ đã khẳng định vai trò và năng lực của mình: “Cái đẹp vĩ đại của dân tộc Việt Nam trước hết là của phụ nữ Việt Nam”. Có thể nói nét mới trong tính cách của người phụ nữ miền Nam được tạo nên bởi chính hoàn cảnh lịch sử xã hội. Tình yêu, lòng chung thuỷ của người phụ nữ miền Nam gắn chặt với lòng trung thành cách mạng, trung thành Đảng. Và bổn phận của một người vợ lúc này gắn liền với nhiệm vụ cách mạng: Một nửa quê hương em quyết bảo toàn Trao lại tay anh ngày về thống nhất! (Những người vợ miền Nam) Họ là những cô du kích anh hùng, những cô giao liên dũng cảm vượt đạn bom đưa đường cho cán bộ. Khi đất nước gọi họ sẵn sàng cầm súng. Khi Tổ quốc cần họ cũng dám đứng lên: Sài Gòn hiện nay ngút trời căm giận Bọn con gái chúng em cũng bãi khoá, rải truyền đơn… (Thành phố của chúng ta) Những người phụ nữ ấy nhỏ bé, mong manh là thế: “Ôi đoá hoa thơm lừng và trong trắng - Nhỏ bé mong manh trước giông tố, bão bùng”. Nhưng ở họ có một sức mạnh phi thường: “Tiếng em cất cao, rắn chắc, rạch ròi - Rát mặt quân thù như một làn roi”. Người phụ nữ miền Nam là thế! Điều gì đã làm nên sức mạnh phi thường để những con người nhỏ bé ấy có thể chiến thắng cả những tên đế quốc hung hãn nhất nếu không phải là lòng yêu nước, nỗi căm hờn trước những tội ác dã man mà kẻ thù đã gây ra cho dân tộc. Không chỉ trực tiếp cầm súng chiến đấu mà người phụ nữ miền Nam còn đi đầu trong các cuộc biểu tình quần chúng. Nhà thơ đã ghi lại rất đẹp hình ảnh ấy: Em bước lên trước lũ diều hâu ác độc Như anh bộ đội xuất kích trận đầu. (Em bước lên) Tình yêu của người phụ nữ miền Nam trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt cũng khác trước rất nhiều. Ở họ tình yêu, niềm hạnh phúc lứa đôi hòa chung với niềm vui của cả dân tộc. Khi được hỏi vì sao chưa làm lễ cưới, cô gái có người yêu tập kết ra Bắc đã thẹn thùng: “Việc gì phải vội! Em sợ chúng nó cười… thôi, thống nhất càng vui…” (Cô gái An Thường) Trong hai mươi năm chiến tranh, người phụ nữ miền Nam chịu nhiều đau thương mất mát. Các chị đấu tranh chống kẻ thù để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hạnh phúc, lẽ sống của đời mình. Hai mươi năm ấy có biết bao người vợ chờ chồng, cô gái đợi người yêu. Trong văn học từ trước đến nay, hình ảnh người phụ nữ chờ đợi người yêu có biết bao nhiêu dạng khác nhau. Nhưng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ hình ảnh người phụ nữ miền Nam chờ đợi người yêu tập kết có một nét mới: Có phải Nguyệt Nga xưa từ những vần thơ ánh sáng Đã bước ra cuộc đời: tóc bới gọn, quần xăn? Chị là “con nhỏ giải phóng quân” Của má đưa đò ngang sông Cái Chị là ngôi sao xanh đỉnh núi Thao thức đêm dài soi bóng người thương… (Chị) Người phụ nữ miền Nam chờ đợi, nhớ thương người yêu da diết, mặn mà. Nhưng sự chờ đợi, nỗi nhớ thương ở đây không có cái vẻ ủ dột, sầu muộn mà đã biến thành hành động cụ thể, nhớ thương để giữ vững đấu tranh, để mãi là ngôi sao sáng dẫn đường, soi bóng người yêu trong những đêm dài hành quân ra trận. Người phụ nữ miền Nam kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang là hình ảnh đẹp, nhiều màu sắc và tập trung nhất trong thơ Giang Nam. Nhà thơ đã chuyển tải điều ấy bằng một giọng thơ chân tình, mộc mạc, trữ tình sâu lắng, giàu chất tự sự. Thơ Giang Nam là tiếng nói của trái tim và cũng là tiếng nói của trí tuệ, của lí trí cách mạng. Vì vậy, dễ khơi gợi tinh thần chiến đấu cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ thời chống Mỹ. Như con bồ nông nuôi con bằng máu của mình, Giang Nam đã nuôi dưỡng đứa con tinh thần bằng những hình ảnh đẹp, bằng những kỷ niệm xót đau của đời mình. Nhà thơ đã viết về người phụ nữ miền Nam với những rung động, những cảm xúc chân thành nhất, với thái độ nâng niu, trân trọng, tự hào. Vì vậy, thơ ông mang hơi thở ấm áp của cuộc sống, của những con người đang chiến đấu. Những vần thơ “chan chứa mến thương” (Hoài Thanh) ấy của Giang Nam đã góp phần tôn vinh vẻ đẹp và giá trị của người phụ nữ miền Nam. Cám ơn Giang Nam đã góp thêm một hình tượng đẹp với những nét riêng vào nền thơ Việt Nam hiện đại thời chống Mỹ. 2.1.1.3. Cuộc đời và những năm tháng đấu tranh vì độc lập dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại. Đối với cả nhân loại Người là một vĩ nhân, đối với dân tộc Việt Nam Người là vị cha già vĩ đại, là “sao bắc đẩu”, là “vầng thái dương”. Nhiều tác giả đã có những sáng tác rất thành công về Bác như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Minh Huệ, Viễn Phương. Và đặc biệt hình ảnh của Người Cha già đã in đậm trong thơ ca miền Nam đúng như Viễn Phương đã nhận định: “Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, các nhà thơ sống ở Nam bộ đều có những tác phẩm viết về Bác” [127]. Hòa trong dòng cảm hứng chung ấy, Giang Nam cũng đã có những vần thơ dâng tặng Người. Chính tình cảm sâu nặng đối với Bác là cội nguồn cảm hứng để ông sáng tạo nên hình tượng nghệ thuật tuyệt vời này. Suốt cuộc đời mình, nhà thơ chưa bao giờ được gặp mặt Bác, vì vậy mà hình ảnh Bác được khắc họa chủ yếu bằng trái tim, bằng tình cảm chân thành của người con miền Nam đối với người cha già muôn vàn kính yêu. Giang Nam đã thay mặt cho những đứa con miền Nam dâng lên Bác những vần thơ ngọt ngào, đằm thắm, mượt mà: Mái tóc bạc phơ gian khổ, ân tình Ôi màu áo bà ba Bác mặc hiền lành. (Bác vẫn còn sống mãi) Bác vẫn giản đơn như cuộc đời bộ đội Vẫn đôi dép cao su bốn mùa không thay đổi Vẫn bộ đồ kaki quen thuộc, bạc màu. (Con viết bài thơ dâng Bác) Bằng những cảm xúc khác nhau, nhà thơ đã gợi lên trong tâm trí người đọc những ấn tượng sâu đậm về vị cha già dân tộc. Hình ảnh Bác Hồ với chiếc áo nâu giản dị, màu áo của quê hương đậm đà, chung thủy, với đôi dép cao su quen thuộc là một hảnh ảnh đẹp xuyên suốt trong những trang viết của các nhà thơ, nhà văn. Tâm hồn, tấm lòng nhà thơ luôn hướng về Bác. Cũng như đồng bào miền Nam, Giang Nam luôn khao khát được một lần gặp mặt Bác, được đón Bác vào thăm miền Nam rực nắng như chính lòng Bác ước mong: Ngày mai đẹp nắng, Sài Gòn tự do Sẽ đón Bác giữa sao cờ Với hoa trên tóc, lời ca nghẹn ngào. (Miền Nam có Bác) Niềm ước mong giản dị và tha thiết ấy đã trở thành nỗi canh cánh trong tâm trí nhà thơ. Vì vậy, dù chỉ có thể ngắm nhìn ảnh Bác trên báo nhưng trái tim ông vẫn ngân lên những giai điệu rộn ràng vui sướng: Vui sao giữa những ngày gian khổ Bác bỗng về đây với chúng con Tờ báo mới thơm mùi mực mới Đến với con qua lớp lớp Trường Sơn. (…) Con nhìn Bác nghẹn ngào không chớp mắt Bác Hồ đây. Cha của chúng con đây Bác vẫn khỏe hồng hào, rắn chắc Hơn thuở đầu tiên Bác đứng giữa lễ đài. (Con viết bài thơ dâng Bác) Các chiến sĩ miền Nam dù bị đọa đày giữa chốn ngục tù, dù đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết vẫn kiên gan, bất khuất bởi đơn giản một điều: Bác vẫn luôn ở trong trái tim của họ: Trong xà lim trước lưỡi lê, máy chém Hàng vạn chúng con đã thấy Bác bên mình An ủi, vỗ về, tiếp sức đấu tranh Dù đến cuối cuộc đời chưa gặp Bác Đồng chí Cống, đồng chí Thuần, đồng chí Xuân Thu Và muôn ngàn anh chị khác Trước giờ chết hiên ngang không khuất phục Vẫn hô to: Hồ Chủ tịch muôn năm! (Con viết bài thơ dâng Bác) Hay: Dù xa trăm núi, ngàn sông Bác vẫn đứng bên chúng con từng giờ. (Miền Nam có Bác) Với Giang Nam, Bác là tất cả, Bác là quê hương. Bác ra đi để lại trong lòng chúng ta niềm tiếc thương vô hạn. Trong niềm kính yêu khôn cùng đối với người lãnh tụ vĩ đại, ông không thể nào tin được Bác đã vĩnh viễn ra đi: Có thể nào tin Bác vĩnh biệt chúng ta rồi (…) Bác vĩnh biệt chúng ta rồi! Không, Bác vẫn còn sống mãi Như mặt trời không tắt trên đồng ruộng Việt Nam. Bác thân yêu ơi, chúng con lại hành quân Có Bác cùng đi, phượng đỏ đường ra tiền tuyến… (Bác vẫn còn sống mãi) Hòa cùng với nỗi đau chung của dân tộc, nhà thơ cảm nhận nơi lòng mình một mất mát vô biên. Nỗi đau đớn tột cùng ấy khiến ông không dám đối diện với sự thật: Bác kính yêu không còn! Trong tận cùng sâu thẳm tâm hồn ông, Bác vẫn còn sống mãi với quê hương đất nước, với mỗi con người Việt Nam. Bác như ánh mặt trời chiếu rọi những tia nắng ấm áp, mang lại sự sống cho vạn vật trên thế gian. Hình ảnh “mặt trời không tắt trên đồng ruộng Việt Nam” là hình ảnh biểu trưng: Bác là niềm tin, là lẽ sống của dân tộc Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến trường kì gian khổ. Tóm lại, với những xúc cảm chân thành từ trái tim, hình tượng Bác Hồ kính yêu thật ngời sáng trong thơ Giang Nam. Nhà thơ đã thể hiện tình cảm yêu mến tha thiết đối với Bác – một thứ tình cảm ngưỡng mộ, tự hào. 2.1.2. Thơ ca từ sau năm 1975 đến nay Trở về với cuộc sống đời thường, Giang Nam vẫn “đau đáu” một nỗi niềm với thơ ca. Mạch thơ trong tâm hồn của ông không hề bị ngắt quãng, vẫn viết về những đề tài quen thuộc với chất giọng trữ tình, sâu lắng, nhưng tiếng thơ Giang Nam mới hơn, có chiều sâu hơn về cảm xúc, về nghệ thuật và đầy chất triết lý. Trong kháng chiến chống Mỹ, nhà phê bình Hoài Thanh đã từng nhận định Giang Nam là nhà thơ của quê hương. Và đúng như vậy. Tâm hồn nhà thơ như cùng nhập vào tâm hồn của quê hương đất nước. Hòa bình lặp lại, trang sử vàng của dân tộc lại sang một trang mới, vì thế, hình ảnh quê hương đất nước trong thơ ông vui hơn, tươi sáng hơn, tràn đầy niềm tin tưởng, lạc quan. Mùa xuân tự do đầu tiên đã trở về trên quê hương và nhà thơ hân hoan, reo mừng trước niềm vui chung của Tổ quốc: Xin chào Tổ quốc vào Xuân Nỗi đau xưa với muôn phần vui nay Bồi hồi tay lại cầm tay Mừng nhau không rượu mà say say lòng. Đất trời ta rộng mênh mông Ngọt ngào sao những cánh đồng phù sa Nghe vui tiếng sóng vỗ bờ Khói nhà máy chân trời xa rựng hồng. (…) Bây giờ đường lại nối đường Rất toàn vẹn, cả bốn phương về mình Bây giờ đồng ruộng biển xanh Một hột muối cũng mặn tình Việt Nam. Bây giờ Xuân mới là Xuân Hạnh phúc lớn nỗi băn khoăn kiếp người Tự do làm đẹp cuộc đời Thủy chung làm đẹp mỗi lời của em Bây giờ ta lấp hố bom Vườn sầu riêng lại vui chung nảy mầm Bây giờ máy chạy càng nhanh Đêm đêm điện sáng cho mình, cho ta. (…) Tự do nên má em hồng Trời xanh, nên mắt em trong lạ thường Người thuỷ chung, đất thuỷ chung Tình yêu bỗng đẹp vô cùng, em ơi! (Mùa xuân ơi, rất tuyệt vời) Nhìn thấy cuộc sống đang hồi sinh, tiếng thơ ông dường như thấm cả tiếng cười hạnh phúc. Lời đầu tiên mà tác giả thốt lên ấy chính là lời chào Tổ quốc thân yêu: “Xin chào Tổ quốc vào Xuân”. Lời chào giản dị mà rất đỗi chân thành bởi chứa đựng trong ấy tấm lòng, tình cảm của một con người được tự do trên mảnh đất quê hương vừa mới được giải phóng. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà ông viết hoa từ “Xuân”. Hơn nữa, thể thơ lúc bát truyền thống của dân tộc với âm điệu ngọt ngào, sâu lắng, thiết tha rất phù hợp trong việc diễn tả tâm trạng, tình cảm của nhà thơ. Chất men say ngọt ngào của niềm vui chiến thắng như thấm sâu vào hồn người và lan toả trong không gian: “Mừng nhau không rượu mà say say lòng”. Mùa Xuân đầu tiên con người được làm chủ, được sống một cuộc đời tự do không còn bị nô lệ, áp bức làm sao không khỏi xúc động, bồi hồi. Mạch cảm xúc dâng trào, nhà thơ ca ngợi đất nước tự do với tinh thần say sưa, sảng khoái. Với niềm vui náo nức, với tâm thế của một con người làm chủ, tác giả nhìn đâu cũng thấy đẹp, cũng thấy toàn một màu hồng rạng rỡ: đất trời rộng mênh mông và xanh biếc, những cánh đồng ngọt ngào phù sa, tiếng sóng vỗ bờ nghe thật vui, màu hồng trên đôi má em. Và “Bây giờ Xuân mới là xuân”. Khắp nơi tràn ngập niềm vui và ánh sáng: “Bây giờ máy chạy càng nhanh – Đêm đêm điện sáng cho mình, cho ta”. Đất nước sạch bóng quân thù, non sông từ đây nối liền một dải. Một cuộc sống mới đang nảy mầm từ trên mảnh đất đau thương, mất mát: Áo trắng các em đùa trên sóng nước Phà tươi vui nối những mạch đời. (Qua phà Rạch Miễu) Hình ảnh đẹp, tươi sáng như gói trọn niềm vui, niềm hạnh phúc của nhà thơ trước sự thay da đổi thịt của quê hương đất nước. Con sông chia cắt hai tỉnh Mỹ Tho và Bến Tre giờ đây đã được nối liền bởi những chuyến phà tươi vui, đông khách. Tự do đã thật sự trở về! Đã từng công tác và chiến đấu ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, nên khi trở lại nơi này ông thật ngỡ ngàng trước cuộc sống nơi đây: Đường vào Ấp Bắc, mưa bay trắng Lúa xanh đồng, lúa vẫy người đi Hố bom ngập nước vui đàn cá Rặng cây xa thầm nhắc những ngày. (Về thăm Ấp Bắc) Quê hương vẫn còn đó dấu tích của chiến tranh, nhưng có hề chi. Cuộc sống mới đang hồi sinh! Bức tranh quê hương với gam màu nhẹ xanh mát của đồng lúa, hàng cây gợi sự bình yên cùng niềm hi vọng về một tương lai tươi sáng, tràn đầy niềm vui, niềm hạnh phúc. Và khi đặt chân đến Đà Lạt, nhà thơ cảm nhận về sự đổi thay trên mảnh đất cao nguyên lạnh giá này: Tôi đến đây vượt đèo dốc, sương mù Hồ vẫn đó mà cuộc đời đã khác Thông không buồn mà thông reo, thông hát Nước không còn than thở nỗi riêng tư. (Hồ Than thở) Và: Đà Lạt vui như một bức tranh Thiên nhiên quý người nên cho nhiều đến thế! Những đồi thông rì rào bên cửa sổ Những mặt hồ như mặt gương trong. (Đà Lạt mùa hoa) Đi đến đâu nhà thơ cũng cảm nhận được một cuộc sống khác, một cuộc đời khác. Cuộc đời nô lệ với nỗi đau xưa giờ không còn nữa. Hình ảnh thông, nước tượng trưng cho kiếp người, kiếp đời giờ đây không còn buồn đau, than thở. Động từ “reo”, “hát” đi liền nhau nhấn mạnh niềm vui sướng tột cùng của con người trước cuộc đời mới. Và khi trở về với mảnh đất Khánh Hòa thân yêu, với thị trấn Diên Khánh hiền hòa, ông đã kịp thời ghi nhận những đổi thay nơi đây: Lúa sắp vào vụ gặt, vườn đầy trái non Công trường mới mọc lên ngổn ngang vôi gạch Đôi mắt em cười, ôi đôi mắt miền Trung rất đẹp Nơi ngày xưa máu đổ, nay bát ngát mùa xuân. (Qua cầu Sông Cạn, mùa xuân) Thể thơ tự do được vận dụng thật phù hợp trong việc chuyển tải cảm xúc, tình cảm của tác giả. Mảnh đất ngày xưa, nơi giặc Pháp hồi đầu thế kỷ XX đã xử chém nhà chí sĩ yêu nước Trần Quý Cáp, nơi đã từng thấm máu xương của biết bao thế hệ cha ông, nơi đế quốc Mỹ đã từng khủng bố, đàn áp, huỷ diệt, giờ đây một cuộc sống mới đang nảy mầm: lúa sắp vào vụ gặt, vườn cây đầy trái non, và đặc biệt đôi mắt em cười, ôi đôi mắt quê hương miền Trung ngàn đời vẫn đẹp, vẫn xanh trong. Đất nước hôm nay đang trỗi dậy một sức sống mới, mọi người bắt tay vào lao động, xây dựng làm chủ cuộc đời mình: Cuộc đời lớn đó, tưng bừng Máy cày vạch luống, con đường xe lên (Chiếc nón bài thơ) Từ năm 1978 do yêu cầu công tác, ông mới có dịp được sống giữa Hà Nội yêu thương. Vậy là nỗi ước mong, niềm khao khát bấy lâu nay đã thành hiện thực. Vì vậy, những trang viết về miền Bắc, nhất là về Hà Nội, cũng đậm đà, cụ thể hơn. Hà Nội thời hậu chiến vẫn còn trong cảnh đói nghèo. Bát cơm đón khách từ miền Nam thương nhớ “vẫn độn mì sao em, bát cơm của mỗi nhà” nhưng trên hết ấy là tấm lòng, là tình nghĩa của con người dành cho nhau: Em gạn bớt mì, bới cho anh bát cơm gạo mới Vẻ chắt chiu, đầm ấm, thương sao! (…) Có một điều em không nhận ra đâu: Bát cơm độn mà lòng người đầy đặn Thương Hà Nội còn nghèo sau thắng trận Bồi hồi anh nhìn em quên ăn… (Bữa cơm đầu ở Hà Nội) Và trong cảm nhận của Giang Nam, Hà Nội giờ đây khác trước rất nhiều, khác “từ cái dáng đi, từ mặt trời tỏa nắng”: Từ nơi đây, mặt trời lên đỏ rực (…) Ôi sáng nay, Hà Nội đỏ màu cờ Quảng trường nắng Ba Đình, hàng cây xanh vườn Bác Mặt nước Hồ Tây, đường Thanh Niên gió rì rào ca hát Hà Nội của mình đẹp lắm, em ơi! (Bài thơ về Hà Nội) Đất nước mình vẫn còn nghèo sau thời hậu chiến, nhưng với cái nhìn lạc quan và niềm tin yêu cuộc sống, nhà thơ cảm nhận một cuộc sống mới đang bắt đầu ngập tràn niềm vui, niềm hạnh phúc: Tết ngoài này rộn rã biết bao nhiêu Cờ đỏ Hồ Gươm, sông Hồng áo đỏ Dòng người đi trong mưa phùn, trẻ lại Đôi mắt cười như hạnh phúc tìm nhau (Gởi Huế, xuân này) Hình ảnh quê hương đất nước còn hiện lên qua những điệu dân ca, những câu quan họ, những câu hát bài chòi, tranh Đông Hồ: Đêm Bình Quới nghe em hát dân ca Dòng sông xanh và cù lao đầy gió Lòng rộng mở như đất này rộng mở Câu “lý thương nhau” luyến láy cột chân người. (Đêm Bình Quới nghe hát dân ca) Đêm hội xuân nghìn con mắt đổ về Cô gái hát dân ca Một vùng quê Kinh Bắc Không nón quai thao, không áo tứ thân Không con thuyền buộc chặt Mà vẫn lặng đi: người ở, người về. (Quan họ) Đêm hội mùa xuân, em hát bài chòi Anh lại nghe trăm miền thương nhớ cũ Con sông nhỏ, cát vàng nhìn thấy đáy Người đi hội xuân, soi đuôi mắt làm duyên. (…) Câu hát bài chòi có cô gái làm dâu Có “ông Xã”, “ông làng” Có người trung kẻ nịnh Anh đã mang đi như nỗi lòng canh cánh Dưới đáy ba lô trong giấc ngủ chập chờn. (Nghe em hát bài chòi) Những tưởng mùa xuân đã thực sự trở về, nhưng không, đất nước vẫn chưa được bình yên, người lính vẫn chưa được nghỉ ngơi sau một chặng đường dài vất vả, gian lao. Họ vẫn phải tiếp tục cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương, bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được bởi kẻ thù ở phương Bắc vẫn mang dã tâm chiếm nước ta một lần nữa: Ta lại gặp một kẻ thù ta tưởng đã quên Lịch sử chôn dưới mồ và bây giờ sống lại Những cái đầu hung hăng và tăm tối Giữa thế kỷ văn minh mơ lấy thịt đè người! (…) Những tên chặt đầu người và giết trẻ em Những bản làng chìm trong lửa khói Đau nhức lòng ta đêm mênh mông Hà Nội Càng hiểu tình yêu, hạnh phúc, tự do. Miền Nam ơi, và em ở quê xa Tiền tuyến gọi mai anh lên phía Bắc. (Bài thơ đêm Hà Nội) Yêu thương và căm giận như hai đợt sóng dâng trào trong tâm hồn người lính. Không thể bình yên cho kẻ thù gây tội ác, tất cả lại lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, của Tổ quốc: Đảng đã gọi. Đêm nay dưới mỗi mái nhà Không ai ngủ chờ ngày mai ra trận Đảng đã gọi. Yêu thương và căm giận Cháy lòng ta… Hãy cứu lấy quê hương! (Bài thơ đêm Hà Nội) Lời thơ gợi ta nhớ lại lời hịch năm nào của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và dù ở thời đại nào người Việt Nam vẫn canh cánh bên lòng tình yêu quê hương, xứ sở và sẵn sàng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đâu chỉ bảo vệ Tổ quốc thân yêu mà chúng ta còn giúp nước bạn (Campuchia) diệt trừ bọn ăn thịt người Pôn-Pốt mang lại sự bình yên cho biên giới: Chiều Bảy Núi, biên giới “không bình yên” Người lên tuyến trong khói mù đại bác. (Chiều Bảy Núi) Tự bao đời, biên giới hai nước vẫn bình yên, “Núi bên đó, núi bên này tựa vào nhau mà đánh giặc”. Vậy mà, “có những kẻ hòng quên hạt muối cắn đôi” đang lén lút gây tội ác. Và để giữ cho núi, đồng mãi một màu xanh, người lính lại tiếp tục cầm súng lên đường. “Biên giới không bình yên”, thế mà, lòng người rất đỗi bình yên dẫu biết trước mặt mình là giặc. Đấy là cái bình yên, trầm tĩnh, thấu suốt của người đã từng trải qua chiến tranh bởi họ tin một điều những kẻ gây nên tội ác, những kẻ đang cố giết chết nghĩa tình rồi cuối cùng cũng phải đền tội. Lẽ thường con người ta sống ở hiện tại, mơ ước nhiều ở tương lai và không quên nghĩ về quá khứ. Đặc biệt đối với những người đã từng sống và chiến đấu trong những năm tháng gian khổ, ác liệt nhưng rất đỗi hào hùng của dân tộc thì không thể nào quên được những gì đã diễn ra của ngày hôm qua. Và Giang Nam cũng thế! Những cảnh, những sự việc, những con người vẫn mãi ám ảnh, trăn trở trong thơ ông. Viết về cuộc chiến hôm qua là một cách để trân trọng, ghi nhớ công ơn các thế hệ cha anh đã ngã xuống, đã hi sinh thân mình để làm nên màu đỏ của những chiến công, màu xanh của sự sống hôm nay: “Đất nước đẹp từ đau thương, căm giận – Máu và mồ hôi…để có cảnh, có người” (Đà Lạt mùa hoa). Bản thân Giang Nam luôn tâm niệm một điều càng “trân trọng những ngày qua càng quý hơn những gì ta có”. Và chúng ta không thể không thừa nhận có nhiều bài thơ hay, câu thơ hay lại là trở về với những kỷ niệm, những từng trải của ngày qua. Sống trong hòa bình nhưng Giang Nam vẫn nhớ về chiến trường xưa, nhớ những người bạn đã từng cùng mình vào sinh ra tử nên tiếng thơ ông có sự lắng đọng trong chiều sâu cảm xúc khi nhìn về quá khứ. Vì thế, khi về lại Trường Sơn tác giả không khỏi bồi hồi, xúc động: Lại về Dốc Miếu, Tà Cơn Bánh xe lăn, nắng Trường Sơn bồi hồi Những ai qua đó một thời Bàn chân dẫm nát núi đồi, cỏ tranh Những ai nằm lại một mình Đã về chưa, bước gập ghềnh còn đi. (…) Lại về nắng lửa Trường Sơn Vắt cơm, hạt muối tình thương một thời Bay đi những cánh chim trời Mang nghìn mơ ước của người mà bay. (Về Trường Sơn) Năm tháng rồi sẽ xóa nhòa tất cả nhưng những kí ức về bạn bè, đồng chí thuở nào vẫn hiện hữu trong tâm trí nhà thơ và ông viết về họ với nỗi khắc khoải khôn nguôi. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ do yêu cầu của thời cuộc, nhà văn phải bám sát và phản ánh được cái không khí nghẹt thở của cuộc chiến, phải tuyên truyền cổ vũ tinh thần chiến đấu; văn học phải nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, con người không thể sống với cái tôi riêng của bản thân. Vì thế, phương diện cá nhân, đời tư ít được chú ý. Nếu như trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Giang Nam có đề cập đến tình cảm cha con, tình vợ chồng thì những tình cảm ấy vẫn gắn liền với tình cảm chung của đất nước, của dân tộc. Khi nghe tin vợ con bị kẻ thù bắt và không biết sống chết ra sao, ông đau đớn vô cùng. Ông nói với con nhưng cũng là tự nói với chính mình: “Ba không buồn, không khóc đâu con”. Nhà thơ đã nén tình riêng, biến đau thương thành hành động, mài sắc ý chí chiến đấu để trả thù cho vợ con, cho dân tộc. Giờ đây, khi đất nước đã lặng yên tiếng súng, ý thức về cái tôi cá nhân thức tỉnh, có điều kiện nhìn lại bản thân mình, nhà thơ quay về trò chuyện với trái tim mình. Ông bắt đầu chú ý nhiều hơn đến phương diện đời tư cá nhân, tình yêu, hạnh phúc lứa đôi. Ông nghĩ về quá khứ: Quá khứ là gì, em ơi Là một phần của đời ta không chia cắt Những vụng dại, lỗi lầm, tổn thất Vinh quang và đắng cay Có anh bạn thân bỏ mình mà đi Lại có người không quen yêu mình đến tận cùng cái chết (Nghĩ về quá khứ) Câu thơ mang đậm tính triết lý về cuộc sống, con người. Với Giang Nam những cảnh, những việc và con người trong quá khứ vẫn ám ảnh khiến ông day dứt mãi khôn nguôi. Những kỷ niệm ấy găm sâu vào trong ký ức ông, là một phần của cuộc đời ông không thể chia cắt. Đôi khi, ta bắt gặp người nghệ sĩ lặng lẽ suy tư: Ta hớp buồn vui từng hớp nhỏ Nghe trong mưa từng giọt đắng ngọt ngào (Mưa tháng năm) Khi nói về hạnh phúc, nhà thơ Chế Lan Viên từng cho rằng: “Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp – Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn” (Người đi tìm hình của nước), còn với Giang Nam được đưa con đến trường là điều hạnh phúc: Má bận bao nhiêu là việc Nên dành cho ba Cái hạnh phúc đưa con đến trường Mười bảy tuổi đời con Ba mới có niềm vui của những người cha, người mẹ (…) Có hạnh phúc nào lớn hơn Như sáng mai này ba đưa con đến lớp (…) Cái hạnh phúc trong lành như hơi thở của con Cái hạnh phúc nửa đời người ba mới gặp! (Hạnh phúc) Đưa con đến trường, một công việc thật bình thường của người làm cha làm mẹ nhưng với Giang Nam ấy lại là niềm hạnh phúc lớn lao. Nhìn vào hoàn cảnh của nhà thơ ta sẽ thấu hiểu và trân trọng vô cùng cái hạnh phúc nhỏ bé, giản dị mà rất đỗi thiêng liêng ấy! Suốt những năm dài công tác và chiến đấu ở hai miền Nam Bắc, ông không có nhiều thời gian dành cho vợ con. Giờ đây, ông mới cảm nhận trọn vẹn niềm vui sướng khi lần đầu tiên cầm tay con đến lớp. Vì vậy, nhà thơ nâng niu, trân trọng vô cùng cái hạnh phúc giản đơn, trong lành mà đến nửa đời người ông mới tìm thấy! Và khi nghĩ về nghề văn với tư cách là một nhà văn, ông lại tâm niệm về hạnh phúc: Hạnh phúc là gì? Câu hỏi xoáy lòng đau (…) Hạnh phúc là gì? Nước mắt tôi rưng rưng Câu trả lời nào cũng không nói hết Là nhà nghệ sĩ của nhân dân được đi và viết. (Hạnh phúc) Đó là niềm mong mỏi, là nỗi khát khao của người nghệ sĩ chân chính và đồng thời cho ta thấy được một quan niệm đúng đắn về mối quan hệ giữa văn học và cuộc sống. Văn học phải hướng về cuộc sống, phục vụ cuộc sống, nhất là cuộc sống của quần chúng nhân dân. Và muốn như thế người nghệ sĩ phải đi sâu vào thực tế, bám sát đời sống của quần chúng nhân dân và phản ánh nó vào trong các trang viết của mình. Vẫn là tiếng lòng đằm thắm, thiết tha, Giang Nam gởi trái tim mình đến vạn trái tim khác. Ông viết về những người bạn, những nhà văn, nhà thơ mà ông từng kính yêu, ngưỡng mộ. Đây là những vần thơ ông viết về nhà thơ Yến Lan: Thanh thản một đời thơ Thanh thản một tình yêu đã thành huyền thoại Để lại bến My Lăng con đò đợi mãi Ngơ ngác chiều, gió thổi lá sang sông. (Mùa thu chợ huyện) Giang Nam viết về nhà thơ Quách Tấn, tác giả Mùa cổ điển, với những câu thơ thật xúc động: Anh sống trọn tình với thế kỷ hai mươi Mỗi ngọn núi, dòng sông với anh là lịch sử Mãi không phai niềm say câu thơ cũ Chùa Hàn San tiếng chuông vọng, con thuyền… (…) Buổi mừng thọ anh mới đó đã xa xôi Nhẹ nhàng anh đi như một nhà hiền triết Chồng bản thảo mấy ngàn trang xếp chật Ấm lòng ai qua Bến chợ chiều mưa. (Bến chợ chiều nay) Tình cảm của Giang Nam dành cho Quách Tấn, người “đã khép lại một thời đại trong thi ca Việt Nam” (Hoài Thanh), thật nồng thắm. Nhà thơ đã cô đọng tấm lòng mình rất chân thật trong mười hai câu thơ tám chữ để tưởng nhớ nhà thơ Quách Tấn. Và thơ khi ra đi từ trái tim sẽ dễ dàng nhận được sự đồng điệu, đồng tình từ hàng vạn trái tim khác. Cũng có lúc ông lặng im nhìn sâu vào nỗi cô đơn của người nghệ sĩ: Đó là nỗi cô đơn làm nên những thiên tài Nỗi cô đơn của một người và của ngàn người khác Hạnh phúc, tình yêu, tự do, sự nghiệp Rất riêng mà rất chung. Nỗi cô đơn của Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Tú Xương là nỗi cô đơn của người nghệ sĩ tài hoa nhưng bất đắc chí. Người đời không thấu hiểu, không đồng cảm với họ. Vì vậy, họ gởi tấm lòng mình vào trang viết mong nhận được tiếng nói tri âm của người đời sau. Đó là nỗi cô đơn của người nghệ sĩ cách ta ba thế kỉ. Còn thời đại hôm nay khác xưa nhiều lắm! Đời đã thay đổi rồi, đời đang có mùa xuân: Nỗi cô đơn đã có người chia sẻ Không phải nỗi cô đơn kiêu căng, ích kỷ Mà nỗi cô đơn giục giã những tấm lòng. (Về nỗi cô đơn của người nghệ sĩ) Nghĩ về tình yêu, người đọc nhìn thấy ở ông một sự hi sinh thầm lặng. Ông giành về phần mình nỗi nhớ thương, đau đớn. Ông nhìn thẳng vào bi kịch cuộc đời mình và tự vượt: Gần không giữ được người thương lại Thì xa tim vẫn đập trong nhau Bao nhiêu thương nhớ mình anh chịu Thức trọn đêm nay đủ bạc đầu. (Đêm) Giờ đây câu thơ của Giang Nam không chỉ đơn giản dừng lại ở mạch tình cảm, cảm xúc mà còn lấp lánh chất trí tuệ: Đất nào cũng đất quê hương Cũng là nơi em bé ra đời và cụ già nằm xuống (Đường về An Đức) Câu thơ thể hiện một triết lý sống. Đâu chỉ đơn giản là tình yêu quê hương mà ở đó còn chứa đựng cả lẽ sinh tồn, gắn bó về mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Vậy đó, dù cách nói, cách thể hiện khác nhau nhưng bao giờ thơ Giang Nam cũng ánh lên tình yêu đất, yêu quê tha thiết. 2.1.3. Đôi nét về nghệ thuật 2.1.3.1. Về giọng điệu Thơ là tiếng nói đi ra từ trái tim một người và hướng đến trái tim của vạn người. Như vậy để có được sự đồng cảm, đồng điệu trong tâm hồn và tác phẩm có sức sống bền lâu trong tâm hồn con người, thì tất yếu người nghệ sĩ phải có cách diễn đạt riêng và nhất là có một giọng điệu riêng cho chính mình. Giọng điệu là điểm phân biệt các nhà văn, nhà thơ. Giọng điệu “phản ánh lập trường xã hội, thái độ, tình cảm và thị hiếu thẩm mỹ của tác giả, có vai trò to lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và có tác dụng truyền cảm cho người đọc. Thiếu một giọng điệu nhất định nhà văn chưa thể viết ra tác phẩm” [130]. Bàn về vấn đề này, trong Điển luận, Tào Phi cho rằng: “Văn lấy khí làm chủ, khí có thể trong và có thể đục, không thể dùng sức mạnh mà có được”. Lưu Hiệp trong Văn tâm điêu long cũng đề cập đến phong cốt, khí chất của nhà văn: “Văn cần có cốt cách cũng như thân thể người ta có bộ xương. Tình cảm của ta chứa đựng sẵn cái phong cũng như hình hài ta chứa đựng cái khí chất vậy”[33]. Còn khi bàn về giọng điệu thơ trữ tình, Nguyễn Đăng Điệp viết: “Giọng văn chương vừa cho phép người đọc nhận ra vẻ riêng nghệ sĩ, vừa có ý nghĩa như một tiêu chí xác định tài năng nhà văn. Không có giọng điệu, lập tức tác giả sẽ được liệt vào số người không có tài năng” [19]. Từ việc tìm hiểu các ý kiến khác nhau về giọng điệu, ta nhận thấy giọng điệu là yếu tố bộc lộ chủ thể một cách trung thực, cho phép ta nhận ra nét riêng, sự độc đáo của người nghệ sĩ. Giọng điệu là yếu tố cơ bản tạo thành phong cách nghệ thuật. Tuy nhiên, không thể có giọng điệu nếu không có những rung động sâu sắc, những nỗi đau, những xót xa trước quê hương đất nước, trước thân phận con người, không xẻ chia với họ nỗi đau, niềm vui và tình yêu cuộc sống [19, tr. 34]. Nghiên cứu về giọng điệu thơ Giang Nam, chúng tôi nhận thấy thơ Giang Nam mang giọng điệu trữ tình – cách mạng (Nguyễn Công Lý) nghĩa là ông chuyên chở những vấn đề của dân tộc, của đất nước bằng tiếng thơ mượt mà, trữ tình, sâu lắng, và đấy cũng là cái điệu chung của thơ ca cách mạng miền Nam. Giọng điệu thơ Giang Nam gắn liền với mạch cảm xúc tình cảm xuất phát từ trái tim chân thành, từ chiều sâu suy nghĩ và ý thức thẩm mỹ của một thanh niên sống hết mình vì quê hương đất nước, vì lý tưởng cách mạng. Viết về nỗi đau riêng của bản thân cũng như nỗi đau chung của cả dân tộc, lời thơ bật ra thật nghẹn ngào, đau xót: Giặc bắn em rồi quăng mất xác Chỉ vì em là du kích, em ơi! Đau xé lòng anh, chết nửa con người… Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm Có những ngày trốn học bị đòn, roi Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất Có một phần xương thịt của em tôi. (Quê hương) Những năm dài kháng chiến, mang quê hương xanh biếc bên mình ra đi chưa một lần về lại, nhà thơ nói về nỗi nhớ quê với âm điệu buồn tha thiết: Hăm ba năm rồi Ba chưa về quê nội Nơi ba lớn lên Giữa những cây xoài, cây ổi Nơi ba biết yêu Tiếng nội hát buồn buồn “À ơi, con mèo con chuột có lông Ống tre có lỗ, nồi đồng có quai!” (…) Con có về thăm nơi ấy thay ba Có thấy nội con đêm đêm còn khóc? Bông bưởi vẫn còn rơi trên tóc Hay chỉ là mảnh pháo sắc như dao. (Con có về thăm quê nội) Tâm trạng của người lính ngụy trong buổi đi càn được nhà thơ tái hiện bằng giọng thơ trầm buồn, da diết, khắc khoải: Anh nín thở nép mình sau gò đất Mắt căng lên trong bóng tối chập chờn Làng nào đây? Ồ cũng những đụn rơm Con mương nước, gốc dừa xiêm Và chiếc cầu tre gập ghềnh như sắp đổ Anh nghe tiếng trẻ thơ nô đùa trước ngõ Tiếng chày khua và cả tiếng xa quay Anh cắn môi. Trời, những tiếng xa quay Sao khắc khoải như tiếng người thương nhớ. (Tiếng xa quay) Giọng thơ tâm tình mang âm hưởng ngọt ngào của những lời ru. Vì tiếng thơ ra đi từ trái tim chân thành, nhạy cảm nên thơ Giang Nam có sức sống bền lâu trong lòng bạn đọc. Chính giọng điệu đã góp phần lý giải vì sao trong những năm tháng đấu tranh gian khổ, người đọc cả hai miền Nam Bắc tìm đến thơ Giang Nam như một chỗ dựa tinh thần để vững tin và mài sắc ý chí chiến đấu. Một số bài thơ của Giang Nam đã trở thành những bài binh vận như: Quê hương, Bài ca tháng tám, Tiếng xa quay… Sau ngày đất nước đổi mới, Giang Nam đã tự làm mới mình nên tiếng thơ của ông có sự lắng đọng trong chiều sâu cảm xúc và có thêm chất triết lý. Tình cảm trong thơ cô đọng hơn chứ không dàn trải như trong thơ kháng chiến nhưng tựu trung lại chất giọng trữ tình vẫn giữ vai trò chủ đạo. 2.1.3.2. Về thể thơ Thơ tự do vốn xuất hiện từ trong phong trào Thơ Mới và được sử dụng rộng rãi trong thơ hiện đại. Đây là một thể thơ được các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ, trong đó có Giang Nam, sử dụng một cách nhuần nhuyễn. Khi bàn về thơ tự do, Hà Minh Đức đã nhận định: “Thơ tự do không phải là một hình thức định trước của nhà thơ khi sáng tác mà là một hình thức đã được nhà thơ tìm đến với độ chín của tâm hồn, phù hợp nhất để diễn tả đối tượng, tâm đắc nhất để diễn tả các trạng thái tinh vi của tình cảm” [85, tr. 353]. Thống kê 235 bài thơ, chúng tôi nhận thấy Giang Nam chủ yếu sử dụng thể thơ tự do để chuyển tải tư tưởng, tình cảm của mình. Thể thơ này chiếm tỷ lệ 60,42%. Đặc biệt là những sáng tác theo thể thơ này xuất hiện khá cao trong giai đoạn kháng chiến. Sở dĩ thơ tự do chiếm ưu thế trong thơ Giang Nam bởi nó có thể tiếp nhận một dung lượng cuộc sống thực tế lớn hơn. Mặt khác, với thể thơ tự do, nhà thơ có điều kiện phát triển mạch cảm xúc thoải mái mà không bị lệ thuộc vào một luật lệ nào. Ở thể thơ này, ông đã có những câu thơ từ 3 đến 15 tiếng nhưng tập trung nhiều nhất là những câu thơ 6, 7, 8, 9 tiếng (Những người vợ miền Nam, Mạnh hơn súng gươm và án tử hình, Sau ngày chiến thắng, Người con gái Kiến Phong, Con có về thăm quê nội, Thăm quê Nguyễn Huệ, Bài thơ đêm Hà Nội, Hạnh phúc…). Nhà thơ đã có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các loại câu thơ trong một bài thơ: Chúng nó trói anh vào cột Mắt anh vẫn sáng ngời ngời Anh Trỗi ơi! Anh không khóc mà sao lòng nức nở? Quê chúng mình khu năm – Anh còn nhớ Chuyến đò ngang trên sông nước Thu Bồn Và Sài Gòn – Sài Gòn trăm mến nghìn thương Bà Chiểu, Thị Nghè, Cầu Bông, Khánh Hội (Mạnh hơn súng gươm và án tử hình) Em Nguyễn Thị Bé ơi! Em không còn nữa Chúng nó giết em rồi Những thằng côn đồ mặt chó Chúng nó giết em, người con gái Kiến Phong Của quê ta, của Nam bộ thành đồng. (Người con gái Kiến Phong) Theo bạn về Hà Tĩnh Bàn chân NGUYỄN còn hằn trên đá sỏi Câu thơ quặn lòng nỗi bất hạnh trăm năm: “Nàng thì cõi khách xa xăm Bạc phau cầu giá đen rầm ngàn mây” Bãi lau còn đó hơi may Hình như tôi đã quên một Tiền Đường xa lắc Có phải Kiều đã qua đây Nước mắt thấm vào từng hạt cát Hà Tĩnh ơi! (Về Hà Tĩnh nhớ Nguyễn Du) Lục bát là một thể thơ “diệu kỳ” có giá trị nhất định trong đời sống văn học cũng như trong tâm hồn của công chúng yêu thơ. Thơ lục bát được ca ngợi như một hình ảnh đẹp: “Lục – Bát là Lục – Bát ơi/ Em duyên dáng vậy làm tôi say lòng/ Con sáo thì đã sang sông/ Ai thì vẫn bắc cầu vồng mộng mơ (…) Lục – Bát là Lục – Bát ơi/ Ước gì Lục – Bát là tôi với nàng” (Nguyễn Thị Kim Quy – Báo Văn nghệ ngày 21/1/1993). Khảo sát thơ lục bát, chúng tôi nhận thấy thơ lục bát có khoảng 29 bài trong tổng số 235 bài chiếm tỷ lệ 1,23 %, một tỷ lệ tương đối khiêm tốn trong sáng tác của Giang Nam và xuất hiện nhiều trong các sáng tác sau năm 1975. Thơ Giang Nam là tiếng thơ thốt ra từ trái tim chân thành, đằm thắm. Ông nói về những vấn đề lớn lao của dân tộc, thời đại bằng giọng thơ trữ tình, sâu lắng. Vì vậy, việc ông tìm đến thể thơ lục bát để diễn tả tình cảm của mình đối với quê hương đất nước, con người là một điều tất yếu. Nhìn chung, số khổ trong thơ và số câu trong một khổ được phân chia khá đa dạng. Hầu hết các bài thơ gồm nhiều khổ. Số câu trong một khổ có sự thay đổi tùy theo nội dung, cảm xúc của tác giả, ví dụ như: khổ thơ gồm 2 câu (Câu hát cũ), 4 câu (Bài ca chiến trường), 6 câu (Về Trường Sơn), 8 câu (Hàng tre Giồng nhỏ), 10 câu (Mẹ Củ Chi), 18 câu (Đất nước còn mang hình bóng Bác)… Về cách ngắt nhịp thơ lục bát, đôi khi, ông không theo nhịp chẵn quen thuộc mà đã có sự thay đổi, chẳng hạn: Cách ngắt nhịp ở câu 6 tiếng: + Nhịp 1/2/3: Mẹ/ giao con/ mảnh đất này (Mẹ Củ Chi) + Nhịp 3/3: Đông hay Tây/ cũng bản làng (Về Trường Sơn) + Nhịp 1/2/3: Người/ còn đợi/ đến bao giờ (Dưới chân núi Mẹ bồng con) + Nhịp 1/3/2: Đá/ không trở lại/ làm người (Dưới chân núi Mẹ bồng con) Cách ngắt nhịp ở câu 8 tiếng: + Nhịp 3/3/2: Câu hát cũ,/ em nhớ gì/ không em? (Câu hát cũ) + Nhịp 3/1/4: Ba Đình nay/ nhớ/ Ba Đình ngày vui (Đất nước còn mang hình bóng Bác) + Nhịp 1/3/4: Không,/ ngàn cặp mắt/ dạt dào yêu thương (Tiễn cháu qua đường 4) + Nhịp 3/5: Tình của bạn/ cũng là tình Bác xa (Bài ca chiến trường) Dù sử dụng thể thơ truyền thống nhưng thơ lục bát của Giang Nam đã có những biến đổi về khổ thơ, câu thơ và nhịp thơ để cho chúng trở nên mới lạ và phong phú hơn. Thể thơ 5 tiếng có số lượng khá ít (19/235 bài thơ, chiếm tỷ lệ 0,8%). Các khổ thơ của thơ 5 tiếng thường có 4 câu. Tuy nhiên, có bài khổ thơ lên đến 10 câu thơ 5 tiếng như bài Thức giữa mùa xuân, Mở đường hoặc có bài đoạn kết lại xen các khổ thơ 7 tiếng như bài Chị em. Đáng chú ý là số lượng khổ khá cao trong mỗi bài thơ như: Mừng bạn mùa xuân (9 khổ), Những vết bầm trên má (11 khổ), Bởi ngày mai giặc đến (13 khổ), Chị em (14 khổ), Gặp anh du kích miền Tây (27 khổ)… Riêng về cách ngắt nhịp, đôi khi, ông có những câu thơ vượt ra ngoài cách ngắt nhịp thông thường 2/3 hoặc 3/2, chẳng hạn như: + Nhịp 2/1/2: Chị cười/ và/ chị khóc (Thức giữa mùa xuân) + Nhịp 1/1/3: Nắng/ rung/ cành phượng đỏ (Bởi ngày mai giặc đến) + Nhịp 1/2/2: Mà/ thương em/ muốn khóc (Chị em) Về thể thơ, Giang Nam ít có sự bứt phá, cách tân mà dấu ấn của thơ ca truyền thống vẫn còn in đậm trong sáng tác của ông. Tuy nhiên, cách ngắt nhịp thơ có những sáng tạo vượt thoát khỏi những quy luật thơ truyền thống đã chứng minh cho sự miệt mài và cố gắng thể nghiệm trong quá trình sáng tác của nhà thơ. 2.1.3.3. Về ngôn ngữ thơ Nhà văn khi sáng tạo nên tác phẩm bên cạnh việc sáng tạo hệ thống nhân vật, hình tượng, thế giới nghệ thuật… thì cũng đồng thời sáng tạo ngôn ngữ bởi “Thơ phải làm say đắm hồn người bằng hồn vía của chữ nghĩa” [139]. Giang Nam đã vận dụng ngôn ngữ của đời sống hàng ngày trong thơ một cách tự nhiên, bình dị, sinh động. Những từ ngữ địa phương, đậm sắc thái Nam Bộ được ông đưa vào thơ góp phần tạo nên chất hiện thực với sắc thái riêng độc đáo. Và đó cũng chính là đặc điểm của thơ ca kháng chiến. Về ngôn ngữ thơ Giang Nam, chúng tôi sẽ tìm hiểu những nét đặc sắc trong cách dùng từ ngữ, các biện pháp tu từ và hình ảnh trong thơ. Giang Nam có sự kết hợp nhuần nhuyễn các động từ, tính từ tình thái: Cô bé nhà bên (có ai ngờ) Cũng vào du kích Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích Mắt đen tròn thương, thương quá đi thôi (…) Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn, ngậm ngùi Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng (Quê hương) Chính sự kết hợp các động từ, tính từ tình thái làm câu thơ đậm sắc thái biểu cảm và trở nên gần gũi hơn: Đêm thương nhớ một con đường cỏ ướt Bến nước xôn xao mái tóc, mảnh khăn rằn (Đường về) Các động từ được sử dụng liên tiếp còn để nhấn mạnh niềm vui sướng tột cùng của con người được tự do, được làm chủ: Sung sướng quá tôi muốn cười, muốn nói Muốn thét to lên như thuở ấy ra đường (Bài thơ tháng Tám) Đặc trưng của thơ là giàu sức gợi nên thơ Giang Nam được cô đúc bằng những từ ngữ tạo hình, gợi tả, gợi cảm: Thương biết mấy những bờ vai nhỏ hẹp Áo bà ba trắng thon thon (Những người vợ miền Nam) Anh vẫn là cây cổ thụ rễ sâu Bám chặt xóm thôn, ăn vào lòng đất. (Đi để trở về) Em vẫn đẹp như mùa xuân chín tới Má vẫn hồng và mái tóc vẫn xanh (Thành phố của chúng ta) Họ như mùa xuân chín ngọt trên cành Hoa nở đầu môi, sông cười trong mắt Tuổi mười chín, áo chưa sờn đã chật Bước vụng về nhưng rắn chắc, hăng say (Hoa mùa xuân Nam bộ) Biện pháp tu từ ngữ nghĩa so sánh được Giang Nam sử dụng một cách sáng tạo, độc đáo: Môi em cười như hoa bưởi, hoa sen Tươi mát những dòng sông mùa mít ngọt (Chiến thắng) Chị đứng đó: nhỏ bé, mong manh nhưng tràn đầy sinh lực Như mạ non chị cấy, như bụi chuối chị trồng (Chiếc áo cuối cùng) Giang Nam còn sử dụng cấu trúc so sánh đảo với những câu thơ đầy ấn tượng: Bàn tay mềm thon thon Ôm cổ ba nũng nịu Như một cánh chim non Như một cành sậy yếu. (Bởi ngày mai giặc đến) Như vú mẹ không cạn nguồn sữa quý Như dòng sông vô tận chẳng ngừng trôi Gói trọn tâm tình trên đôi cánh nhẹ Làn sóng đi mang nắng khắp phương trời (Tiếng nói Việt Nam) Biện pháp tu từ so sánh được Giang Nam sử dụng rất nhiều, không chỉ dùng liên từ “như” để so sánh hai vế, nhà thơ còn sử dụng từ “là”: Em là ngọn lửa tháng năm đốt cháy cánh đồng Em là ngôi sao sáng giữa trời. (Đội du kích anh hùng) Song hành với so sánh, điệp ngữ cũng là một phép nghệ thuật được nhà thơ vận dụng khá nhiều nhằm nhấn mạnh suy nghĩ, cảm xúc qua một số từ ngữ: Một vùng lũ trắng không bờ Lại xanh …tranh thủ từng giờ mà xanh (Hội xuân vùng lũ) Tôi về quê biển miền Trung Nghe sóng nói những lời thương nhớ Nghe gió gọi những tên người quen cũ Nghe rì rầm ghềnh đá nhấp nhô Nha Trang ơi, biển đêm sóng vẫn vỗ bờ Ánh đèn câu mực tuổi thơ sáng trong kí ức. (Biển miền Trung) Trời Bến Tre xanh như vườn Bến Tre xanh (Đất anh hùng) Anh vẫn thương em son sắt, vẹn toàn Dù đã nát cả cuộc đời trinh trắng! Đã trinh trắng em càng thêm trinh trắng! Đã thương nhiều, càng thương lắm em ơi! (Những người vợ miền Nam) Chính sự phong phú trong cách sử dụng từ ngữ, các biện pháp nghệ thuật đã giúp thơ ông chạm đến những xúc cảm sâu lắng trong hồn người. Dù chiến tranh khốc liệt, sự sống và cái chết cận kề, thơ Giang Nam vẫn ánh lên cái nhìn lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống và con người thể hiện một niềm tin vào tương lai tươi sáng. Vì thế, thơ ông thiên về các hình ảnh tươi sáng, gam màu nóng. Ông hay nhắc đến màu đỏ, màu xanh, ánh sáng cũng như các dạng biểu hiện của chúng, chẳng hạn ánh sáng: ánh sáng, sáng chói, mặt trời, nắng mới, ánh đèn, chấm lửa, đốm lửa, biển lửa…; màu xanh: bóng dừa xanh, trời thăm thẳm một màu xanh, biển xanh, xanh màu áo, đồng xanh, ; màu đỏ: áo đỏ, ngôi sao đỏ, hoa chuối đỏ, đôi môi đỏ, máu đỏ, ráng đỏ, ngói đỏ, nắng đỏ, bông hồng đỏ… Những màu sắc và ánh sáng biểu hiện ý niệm về cuộc sống và những khát vọng ẩn chứa trong tâm hồn nhà thơ. Màu xanh, màu đỏ, ánh sáng tượng trưng cho sức sống, sức trỗi dậy mãnh liệt của vùng đất, con người Nam Bộ đồng thời thể hiện niềm tin tưởng, lạc quan của tác giả. Lấy chất liệu từ hình ảnh, màu sắc thực trong cuộc sống đưa vào thơ là một hướng khai thác đầy cá tính của các nhà thơ. Giang Nam hay sử dụng các gam màu xanh, màu đỏ: Con có về thăm nơi hoa toàn màu đỏ Con có về thăm nơi thắm thiết điệu ru hời (Con có về thăm quê nội) Ôi mùa xuân tôi đi dọc sông Đà Hoa chuối đỏ như rất nhiều chấm lửa (Sông Đà, mùa xuân) Cô gái áo xanh quai chèo nhè nhẹ Nắng gió mơn man đôi cánh tay tròn (Qua sông Vàm Cỏ) Đồng giải phóng màu xanh mát mắt Nơi em nằm lúa vàng trĩu hạt (Viết ở Đại Điền) Ngoài ra, những gam màu “trắng”, “hồng”, “tím”, “vàng” cũng được ông đưa vào trong thơ một cách tự nhiên, dung dị: Mảnh đất đồng bằng ngọt mía, vàng cam Gợi nhớ, gợi thương những chân trời cũ Đuốc rừng Ba tơ – đắng, lạt canh đu đủ Đêm Hàm Luông, cá nhảy trắng khoang xuồng. (Một mặt trời đỏ rực) Hậu phương, hậu phương Đỏ dải lụa sông Hồng Xanh những cành cam có bầy ong về hút mật Sao vàng bay trên nơi Bác đọc tuyên ngôn. Trắng cánh cò bay lả mênh mông Một thung lũng Điện Biên tím màu hoa mua bình dị Năm sắc cầu vồng đã làm nên Tổ quốc ta hùng vĩ… (Giữ cho tôi màu sắc nước non này) Cũng như nhà thơ Lê Anh Xuân, Giang Nam đã đưa phương ngữ Nam Bộ, tên địa danh, tên các nhà văn, nhà thơ vào trong thơ mình. Đây cũng là một cách nhằm tạo ra sắc thái biểu cảm trong thơ: Em còn sống đấy, quê hương Vẫn đôi mắt của đồng, bưng cuối trời (Hàng tre Giồng nhỏ) Lại về với đất mùa xuân Lòng người như suối trong ngần hát ca, Con dao vạch lối rừng xa Rẫy cách mạng, đuốc mò o bập bùng. (Đất mùa xuân, đất tiến quân) Việc sử dụng phương ngữ Nam Bộ cho ta thấy được tình cảm gắn bó của nhà thơ với mảnh đất mình từng sinh sống. Không chỉ dừng lại ở đó, Giang Nam còn đưa tên đất, tên người vào thơ mình: Bác vốc vào đôi tay Từng giọt nước trong vắt Chiếc áo nâu Bác mặc Thấm mồ hôi đường dài (Rừng trưa) Bác không ngủ năm nào rừng Việt Bắc “Nỗi nước nhà” giờ chắc Bác chưa yên Trường Dục Thanh con nghe từng chiếc lá Khe khẽ rơi như ngại động bậc thềm (Nghe thơ Bác ở Phan Thiết) Cầu Sông Cạn ta chưa về thăm nơi cụ Nghè ngã xuống Ôi Nguyễn Huệ đã phá giặc mấy lần Trên dòng Cù Huân mịt mù khói sóng Những năm ba mươi, cờ đỏ búa liềm Mọc trên đỉnh Ổ Gà mẹ còn nhớ như in Đất lịch sử, ru nôi người từ tuổi nhỏ Hòn Dữ, Hòn Hèo, Đá Bàn, Dốc Mỏ. (Khánh Hòa, Nha Trang ơi!) Có sông Hồng, sông Lô, có Hồ Gươm, Đống Đa Có cả thơ Nguyễn Du và Nguyễn Trãi Có mười hai cô gái Truông Bồn mở đường trong đêm tối Và có miền Nam, có miền Nam! (Giữ cho tôi màu sắc nước non này) Các địa danh quen thuộc, tên nhân vật lịch sử được Giang Nam đưa vào trong thơ như là một cách để gợi nhớ về quá khứ hào hùng, về cội nguồn dân tộc. Ngoài ra, nhà thơ còn dành riêng từng bài thơ để nhắc đến tên cụ thể của từng người như: Về Hà Tĩnh nhớ Nguyễn Du, Đêm xuân Quy Nhơn đọc Hàn Mặc Tử, Mùa thu chợ huyện, Cháy trong lửa, Bài thơ ấy, Thăm nhà E. Hemingway, Vội thế sao anh,… Thơ Giang Nam phục vụ chính trị, tuyên truyền cổ vũ chiến đấu, đó cũng là giá trị, là điều tất yếu của văn học thời kì chiến tranh. Sáng tác của Giang Nam đã đáp ứng được yêu cầu của thời đại nghĩa là nó đã thực hiện được chức năng xã hội – lịch sử của mình. Đọc thơ Giang Nam, ta lại nhớ câu nói của Sóng Hồng: “Thơ tức là sự thể hiện con người và thời đại” [98, tr.50]. Tuy nhiên, xét đến cùng, chất hiện thực của nhiều bài thơ vẫn chưa vươn tới chiều cao của những vấn đề thời đại. Nhiều lúc chúng ta bắt gặp trong thơ những con người, những sự việc, những tình cảm quá chung chung, hình tượng nhân vật chưa cụ thể, sắc nét. Sự sống chưa ùa vào trong thơ kết tinh lại thành những hình ảnh chân thực và xúc động. Có một số bài thơ rơi vào kể lể dài dòng mà vẫn thiếu cụ thể [20, tr.47]. Còn với thơ ca sau 1975, cảm hứng sáng tạo chưa gắn liền với thực tế mà gắn liền với khát vọng về tương lai với niềm vui tràn đầy khi được tự do [54, tr.36]. Nhưng đó là nhiệt tình, là tấm lòng của ông đối với quê hương đất nước, với dân tộc. Vì thế, tiếng thơ Giang Nam tác động mạnh đến người đọc, cổ vũ tinh thần chiến đấu của thế hệ trẻ. Hơn nữa, trong điều kiện chiến tranh ác liệt, chúng ta không thể đòi hỏi quá nhiều ở nhà thơ, bởi ông đâu có thời giờ gọt giũa từng câu chữ, tìm tòi những cái độc đáo. Nhưng dẫu sao chúng ta vẫn trân trọng tiếng thơ Giang Nam! MỤC LỤC MỞ ĐẦUError! Bookmark not defined. 1. Lý do chọn đề tàiError! Bookmark not defined. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đềError! Bookmark not defined. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứuError! Bookmark not defined. 4. Phương pháp nghiên cứuError! Bookmark not defined. 5. Đóng góp mới của luận vănError! Bookmark not defined. 6. Cấu trúc của luận văn:Error! Bookmark not defined. Chương 1: GIANG NAM – CUỘC ĐỜI VÀ QUÁ TRÌNH SÁNG TÁCError! Bookmark not defined. 1.1. Cuộc đờiError! Bookmark not defined. 1.2. Những chặng đường sáng tácError! Bookmark not defined. 1.3. Quan niệm nghệ thuậtError! Bookmark not defined. Tiểu kết Error! Bookmark not defined. Chương 2: THƠ VÀ TRƯỜNG CA GIANG NAM-TIẾNG NÓI TRỮ TÌNH SÂU LẮNG, CHÂN THÀNHError! Bookmark not defined. 2.1. ThơError! Bookmark not defined. 2.1.1. Thơ ca kháng chiến chống MỹError! Bookmark not defined. 2.1.2. Thơ ca từ sau năm 1975 đến nay51 2.1.3. Đôi nét về nghệ thuật 72 2.2. Trường caError! Bookmark not defined. 2.2.1. Trường ca trước năm 1975Error! Bookmark not defined. 2.2.2. Trường ca sau năm 1975Error! Bookmark not defined. Tiểu kếtError! Bookmark not defined. Chương 3: VĂN XUÔI CỦA GIANG NAM – NHỮNG SÁNG TẠO TỪ NGUỒN HỒI ỨCError! Bookmark not defined. 3.1. Truyện ngắnError! Bookmark not defined. 3.1.1. Những cảm hứng, chủ đề chínhError! Bookmark not defined. 3.1.2. Thế giới nhân vậtError! Bookmark not defined. 3.2. KíError! Bookmark not defined. 3.2.1. Bút kíError! Bookmark not defined. 3.2.2. Hồi kíError! Bookmark not defined. Tiểu kếtError! Bookmark not defined. KẾT LUẬNError! Bookmark not defined. TÀI LIỆU THAM KHẢOError! Bookmark not defined. PHỤ LỤC

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdflv_ngon_ngu_hoc_28__4894.pdf
Luận văn liên quan