Một số vấn đề về người không được quyền hưởng di sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự

Trong giai đoạn hiện nay, những vấn đề tranh chấp về thừa kế xảy ra ngày càng nhiều, đòi hỏi sự phát triển sâu rộng của chế định về quyền thừa kế. Việc nghiên cứu về quyền thừa kế có ý nghĩa quan trọng đối với lý luận và thực tiễn. Đặc biệt, để giải quyết các vấn đề tranh chấp về thừa kế, cần xác định được đâu là đối tượng có quyền hưởng thừa kế, đâu là đối tượng không được quyền hưởng thừa kế. Để hiểu rõ hơn về những đối tượng được hưởng hay không được hưởng quyền thừa kế, em xin chọn đề tài: “Một số vấn đề về người không được quyền hưởng di sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự”.

doc17 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 4098 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số vấn đề về người không được quyền hưởng di sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẶT VẤN ĐỀ Trong giai đoạn hiện nay, những vấn đề tranh chấp về thừa kế xảy ra ngày càng nhiều, đòi hỏi sự phát triển sâu rộng của chế định về quyền thừa kế. Việc nghiên cứu về quyền thừa kế có ý nghĩa quan trọng đối với lý luận và thực tiễn. Đặc biệt, để giải quyết các vấn đề tranh chấp về thừa kế, cần xác định được đâu là đối tượng có quyền hưởng thừa kế, đâu là đối tượng không được quyền hưởng thừa kế. Để hiểu rõ hơn về những đối tượng được hưởng hay không được hưởng quyền thừa kế, em xin chọn đề tài: “Một số vấn đề về người không được quyền hưởng di sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự”. Mặc dù đã rất cố gắng, nhưng bài làm của em vẫn không thể tránh khỏi những thiếu sót. Em kính mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các thầy cô giáo để bài làm của em có kết quả tốt hơn. Em xin chân thành cảm ơn. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ ĐỊNH NGHĨA NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢC QUYỀN HƯỞNG DI SẢN Người không được hưởng di sản được quy định trong Điều 643 BLDS 2005 gồm cả những người thuộc diện hưởng di sản theo pháp luật hay theo di chúc. Đó là những người đáng lẽ được hưởng di sản do thuộc hàng thừa kế của người để lại di sản hoặc là người đã được người lập di chúc cho hưởng di sản nhưng bị pháp luật tước quyền hưởng di sản do có hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật hoặc đạo đức xã hội bao gồm: a. Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó; b. Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản; c. Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng; d. Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản. Tính trái pháp luật và trái đạo đức trong hành vi của người được thừa kế phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định bằng một bản án hoặc bằng một quyết định. Mặt khác, một bản án chỉ được thi hành khi đã có hiệu lực pháp luật bởi nó có thể bị sai sót hoặc có thể bị một cấp xét xử khác sửa đổi hoặc hủy bỏ. Vì vậy, hành vi của một người thừa kế dù đã bị kết án bằng một bản án thì vẫn chưa thể kết luận là người đó phạm tội và bị tước quyền hưởng di sản được. Bản án hoặc quyết định đó chỉ được coi là căn cứ để tước quyền hưởng di sản của người có tên trong di chúc khi đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, việc tranh chấp thừa kế trong những trường hợp này chỉ được tiến hành giải quyết chừng nào bản án nói trên đã có hiệu lực pháp luật. CÁC TRƯỜNG HỢP KHÔNG ĐƯỢC QUYỀN HƯỞNG DI SẢN Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe hoặc có hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trong danh dự, nhân phẩm của người đó (Điểm a Khoản 1 Điều 643 BLDS) Điều kiện chính được đặt ra trong trường hợp này đó là phải có một bản án có hiệu lực của pháp luật. Vì vậy, người không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không bị kết án thì sẽ không bị ràng buộc bởi điều này. Mặt khác, nếu một người đã bị kết án, sau đó được xóa án tích thì vẫn không được quyền hưởng di sản theo quy định tại điều này. Người bị kết án về hành vi xâm phạm đến tính mạng của người để lại di sản Hành vi xâm phạm đến tính mạng là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người, chấm dứt sự sống của người đó, mà trong trường hợp này là người để lại di sản. Khi người thừa kế xâm phạm đến tính mạng của người để lại di sản thì họ sẽ bị tước bỏ quyền hưởng di sản dù không vì động cơ trục lợi hay không phải với mục đích để được hưởng di sản. Tuy nhiên, xét về mặt chủ quan thì hành vi đó phải là lỗi cố ý. Nếu họ vô ý làm thiệt hại đến tính mạng của người để lại di sản và dù đã bị kết án hình sự có hiệu lực pháp luật thì họ vẫn không bị pháp luật tước đi quyền hưởng di sản. Tức là, hành vi cố ý xâm phạm đến tính mạng của người để lại di sản phải là hành vi được thực hiện một cách trái pháp luật. Những hành vi cố ý xâm phạm đến tính mạng của người để lại di sản trong trường hợp phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, gây thiệt hại đến tính mạng của người để lại di sản do bị cưỡng bức về thể chất hoặc tinh thần... hay trong trường hợp thi hành án tử hình thì người thực hiện hành vi không bị pháp luật tước đi quyền hưởng di sản. Như vậy, trong trường hợp trên thì việc xem xét hình thức lỗi của người có hành vi xâm phạm đến tính mạng của người để lại di sản có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định người đó có được hưởng di sản hay không. Ví dụ: A và B kết hôn hợp pháp, có ba người con chung là C, D, E. Tháng 1/2006, do muốn nhanh chóng được hưởng di sản, C giết B và sau đó đã bị Tòa án kết án về tội giết người theo Khoản 1, Điều 93 BLHS. Trong trường hợp này, C là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của B. Nhưng C đã có hành vi giết B, nên theo điểm a Khoản 1 Điều 643, C sẽ không được quyền hưởng di sản của B. Cũng trường hợp này, nếu C giết B vì phòng vệ chính đáng (B đang đe dọa và có những hành vi khẳng định rằng B muốn giết A) thì C vẫn được hưởng thừa kế của B. Người bị kết án về hành vi ngược đãi, vi phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người để lại di sản. Sự ngược đãi, hành hạ, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của con người là những hành vi cố ý xâm phạm đến quyền được tôn trọng về nhân phẩm, danh dự, mà trong trường hợp này là người để lại di sản. Đó là những hành vi trái pháp luật, trái đạo đức thường được thực hiện thông qua hành động như: Chửi mắng, nhục mạ, ghẻ lạnh... hoặc cũng có thể là hành động hiếp dâm, mua bán người( Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hình sự, Hà Nội, 2010, tr. 323 ) để lại di sản… làm cho họ đau đớn về mặt tinh thần, danh dự bị xúc phạm, giày vò và khốn khổ về mặt thể xác. Tuy nhiên, như thế nào được coi là nghiêm trọng thì luật dân sự Việt Nam chưa quy định và giải thích cụ thể bằng văn bản. Dù vậy, theo pháp luật quy định thì người có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người để lại di sản chỉ bị tước quyền hưởng di sản khi hành vi đó đã bị kết án bằng một bản án có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, khi những hành vi nói trên thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của cấu thành tội phạm và đã bị kết án thì hành vi đó đã hàm chứa trong nó tính chất nghiêm trọng. Nghĩa là bằng việc truy cứu trách nhiệm hình sự và kết án hành vi nói trên, bản án hình sự kết án người có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người để lại di sản tự nó đã xác định tính nghiêm trọng của hành vi này. Cơ quan có thẩm quyền khi giải quyết việc thừa kế trong trường hợp này không cần xác định tính nghiêm trọng của các hành vi đó nữa mà có quyền tuyên bố những người có hành vi đó không được quyền hưởng di sản. Ví dụ: A có bốn người con là C, D, E, F. Từ năm 2007, do A luôn thiên vị D, E, F nên C luôn xỉ nhục, miệt thị hạ thấp danh dự của A công khai trước hàng xóm. Năm 2008, C bị Tòa án kết án về tội làm nhục người khác theo Khoản 2, Điều 121 BLHS. Trong trường hợp này, C là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của A. Nhưng C đã bị Tòa án kết án về tội làm nhục A, nên theo điểm a Khoản 1 Điều 643, C sẽ không được quyền hưởng di sản của B. Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản (điểm b Khoản 1 Điều 643 BLDS) Quan hệ nuôi dưỡng là quan hệ giữa người để lại di sản với người thừa kế theo pháp luật khi người để lại di sản còn sống. Nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc nhau khi còn sống giữa các thành viên trong gia đình không những là thông lệ của xã hội mà còn được pháp luật hôn nhân và gia đình ghi nhận. Phổ biến nhất là quan hệ nuôi dưỡng nhau giữa cha – mẹ và con; anh, chị, em ruột với nhau; ông – bà nội, ngoại đối với cháu... Người thừa kế bị coi là có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng là người được Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 (sau đây gọi tắt là Luật HNGĐ 2000) xác định là có nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản nhưng họ không thực hiện nghĩa vụ đó. Theo quy định trong Luật HNGĐ 2000 thì người thừa kế được xác định là người có nghĩa vụ cấp dưỡng người để lại di sản trong những trường hợp sau: Người để lại thừa kế là cha, mẹ hoặc con của họ Theo Khoản 1 Điều 36 LHNGĐ 2000: “1. Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”. Như vậy, cha mẹ luôn là người thừa kế theo pháp luật đối với di sản do con để lại. Tuy nhiên, cha mẹ sẽ không được hưởng thừa kế theo pháp luật đối với di sản của con nếu cha mẹ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng con khi người con đó chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Trong trường hợp thừa kế theo di chúc, cha mẹ có thể là người thừa kế của con trong ba trường hợp sau: Con đã thành niên có năng lực hành vi dân sự, con đã tròn 15 tuổi, con đã thành niên nhưng tàn tật (không mất năng lực hành vi dân sự) lập di chúc và chỉ định cha, mẹ là người thừa kế di sản của người con đó. Trong đó, cha mẹ chỉ có nghĩa vụ nuôi dưỡng con (người để lại di sản) trong hai trường hợp là: Con đã tròn 15 tuổi hoặc con đã thành niên nhưng tàn tật (không mất năng lực hành vi dân sự). Như vậy, chỉ có thể tước quyền hưởng di sản theo di chúc của cha, mẹ đối với di sản thừa kế của con trong hai trường hợp này nếu họ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng con. Theo Khoản 2 Điều 36 Luật HNGĐ 2000: “Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ ốm đau, già yếu, tàn tật; trong trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ”. Như vậy, bổn phận của con là phải chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ trong mọi trường hợp. Do đó, nếu con không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng cha mẹ bất kể trường hợp nào thì khi cha, mẹ chết, người con đó không được hưởng di sản thừa kế của cha, mẹ theo pháp luật. Ví dụ: A có một người con là C. Năm 2006, anh C tròn hai mươi tuổi và đang làm việc cho một công ty nước ngoài; còn A – cha của C – sức khỏe đã bắt đầu giảm sút. Do công việc quá bận rộn nên C thường xuyên trốn tránh nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng A. Do không có ai chăm sóc, lại ở một mình nên một thời gian sau, ông A qua đời. Trong trường hợp này, C đã vi phạm nghiêm trọng Khoản 2 Điều 36 Luật HNGĐ. Theo Điểm b Khoản 1 Điều 643, C sẽ không được hưởng di sản của A. Ngược lại, với giả định khác, nếu C bị tàn tật nặng, cần phải có sự chăm sóc của người thân mà A cố tình bỏ mặc C dẫn đến việc C chết thì đương nhiên, A cũng không được hưởng di sản của C. Người để lại thừa kế là anh, chị hoặc em của họ: Theo Điều 48 LHNGĐ 2000: “Anh, chị, em có bổn phận thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có nghĩa vụ và quyền đùm bọc, nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con”. Như vậy, nếu trong trường hợp anh chị hoặc em của người để lại di sản không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng với người để lại di sản trong trường hợp nêu trên thì họ không có quyền được thừa kế di sản do anh, chị hoặc em họ để lại theo di chúc và theo pháp luật (nếu hàng thừa kế thứ nhất không còn ai). Tuy nhiên, nghĩa vụ nuôi dưỡng chỉ được đặt ra trong trường hợp người cần được nuôi dưỡng không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con và người được nuôi dưỡng phải là người chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Người để lại thừa kế là ông bà nội, ông bà ngoại của họ hoặc là cháu của họ Khoản 1 Điều 47 LHNGĐ 2000 quy định: “Ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ và quyền trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu. Trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 48 của Luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu”. Từ đó, nếu người để lại di sản là cháu nằm trong tình trạng trên mà ông, bà là người thừa kế nhưng không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu thì họ sẽ không được quyền hưởng di sản thừa kế của cháu. Tuy nhiên, có những trường hợp cháu có đủ năng lực hành vi dân sự để lập di chúc và trong di chúc đó, ông, bà là người được chỉ định hưởng di sản thừa kế nhưng sau đó người cháu lại lâm vào tình trạng cần được nuôi dưỡng và ông, bà là người có nghĩa vụ đó nhưng lại không thực hiện thì ông, bà cũng không được hưởng di sản theo di chúc của cháu. Ví dụ: A và B kết hôn, có con chung là C. Năm 2005, trên đường về trang trại tổ chức sinh nhật tròn 18 tuổi cho C, không may ôtô chở A, B và C bị tai nạn. A, B chết. C bị thương nặng, đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. G, H là ông bà nội của C, do không ưa cháu mình từ lâu, được tin C bị thương nên đã bỏ mặc C ở viện không chăm sóc, để cháu cho bệnh viện chạy chữa. Trước khi tai nạn xảy ra, C đã lập di chúc định đoạt phần tài sản của mình là 60 triệu chia đều cho ông bà nội và cha mẹ. Sau một năm, do tổn thương quá nặng, C đã qua đời. Sau khi C chết, lẽ ra ông bà nội của C là G, H mỗi người sẽ được hưởng 15 triệu theo định đoạt trong di chúc của cháu; đồng thời mỗi người sẽ được hưởng thêm 15 triệu nữa từ phần di sản đem chia theo pháp luật do bị vô hiệu vì A, B chết trước C. Tuy nhiên, do G, H đã bỏ mặc cháu trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng nên G, H sẽ không được hưởng di sản thừa kế do C để lại. Khoản 2 Điều 47 LHNGĐ 2000 quy định: “Cháu có bổn phận kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà nội, ông bà ngoại”. Như vậy, nếu người thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật là cháu mà không thực hiện nghĩa vụ phụng dưỡng ông bà thì họ không có quyền hưởng di sản do ông bà để lại. à Tóm lại, những người được xác định có nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản được liệt kê trên đây chỉ không được hưởng di sản nếu sự vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng bị coi là nghiêm trọng. Tòa án có thể tước quyền hưởng di sản của người thừa kế đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản dù hành vi đó không bị kết án. Vì thế trước khi quyết định tước quyền hưởng di sản của người thừa kế tòa án phải xác định được vi phạm này là nghiêm trọng hay không? Pháp luật dân sự Việt Nam không quy định cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên thực tế có trường hợp người thừa kế không nuôi dưỡng người để lại di sản làm cho người để lại di sản lâm vào tình trạng khổ sở thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng nhưng cũng không bị coi là sự vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng của họ là nghiêm trọng nếu họ quá khó khăn về mặt kinh tế và hoàn toàn không có khả năng để nuôi dưỡng. Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng (Điểm c Khoản 1 Điều 643 BLDS) Do mưu đồ chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ di sản thừa kế mà người thừa kế khác có quyền hưởng nên người thừa kế này đã có hành vi cố ý giết người thừa kế khác. Người thừa kế khác là người thừa kế có quyền hưởng di sản trong cùng một hàng với người thừa kế có hành vi bị kết án là cố ý giết người thừa kế cùng hàng đó. Tuy nhiên, người thừa kế khác ở đây cũng có thể là khác hàng và ở hàng thừa kế trên liền kề với hàng thừa kế của người có hành vi phạm tội. Trong trường hợp này người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm đến tính mạng của người thừa kế khác bị coi là cố ý giết người thừa kế hàng trên nếu người này giết toàn bộ người thừa kế tại hàng trước đó (từ hai người trở lên hoặc một người duy nhất và trong trường hợp không có người thừa kế thế vị nào). Vì phải giết toàn bộ người thừa kế tại hàng trước đó thì người phạm tội – nếu không bị kết án – mới có khả năng được hưởng di sản của người chết. Giống như ở trường hợp thứ nhất, trường hợp này cũng chỉ có thể tước quyền hưởng di sản của người thừa kế khi hành vi xâm phạm đến tính mạng của người thừa kế khác của họ là hành vi cố ý và đã bị tòa án kết án bằng một bản án có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, dù người thừa kế có cố ý giết người thừa kế khác và đã bị tòa án kết án bằng một bản án có hiệu lực pháp luật thì trước khi tước bỏ quyền hưởng di sản của người thừa kế ở trường hợp này, tòa án phải xem xét xem hành vi phạm tội của họ có động cơ là nhằm hưởng phần di sản mà người thừa kế khác có quyền hưởng hay không. Nếu có động cơ này thì tòa án mới có thể tước quyền hưởng di sản của người đó. Do đó, khi giải quyết các vụ việc này, tòa án cần căn cứ vào việc xác định động cơ của người phạm tội trong bản án hình sự đã có hiệu lực. Ví dụ: A có hai người con C và D. D có hai con là K và H. Tổng tài sản của A có 200 triệu đồng. Trước khi chết, A lập di chúc cho D hưởng 160 triệu đồng và cho C hưởng 40 triệu đồng. C đã thực hiện hành vi giết D nhằm hưởng thêm di sản của A từ việc D chết trước A. Vì D bị giết trước thời điểm mở thừa kế nên phần di sản liên quan đến D (theo di chúc) sẽ vô hiệu và được chia theo pháp luật. Như vậy, hàng thừa kế đó chỉ có 2 suất là C và suất thừa kế thế vị của K, H. Do đó, 160 triệu đồng đáng lẽ D được hưởng (nếu còn sống) sẽ được chia làm hai phần, C được ½ (tức 80 triệu); K và H là hai người thừa kế thế vị của N sẽ được hưởng chung nhau ½ (tức là mỗi người được hưởng 40 triệu). Bởi vậy, lẽ ra C chỉ được 40 triệu đồng thừa kế theo di chúc, nhưng sau khi giết D, C sẽ được hưởng số di sản của A tổng cộng là 120 triệu đồng. Tuy nhiên, hành vi của C thuộc Điểm c Khoản 1 Điều 643 BLDS. Do đó, C không những bị kết án về hành vi giết người theo Khoản 1 Điều 93 BLHS mà còn không được hưởng 40 triệu đồng theo di chúc. Đối với phần di sản mà D được chỉ định hưởng, do D chết trước A nên phần di chúc liên quan đến D vô hiệu, 160 triệu đồng này sẽ được chia cho người thừa kế khác. Trong số những người thừa kế khác ở đây không có C vì C đã bị pháp luật tước đi quyền hưởng di sản theo di chúc và theo cả pháp luật. Do đó, 2 con của D là K và H sẽ được hưởng mỗi người 80 triệu đồng. Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản (điểm d Khoản 4 Điều 643 BLDS) Di chúc là sự định đoạt tài sản của người có tài sản cho người thừa kế của họ sau khi người lập di chúc qua đời. Pháp luật dân sự Việt Nam quy định: ý chí của người lập di chúc phải hoàn toàn tự do, tự nguyện, tự định đoạt tài sản của mình cho người thừa kế được chỉ định. Do đó, người lập di chúc phải trong tình trạng minh mẫn và sáng suốt khi lập di chúc. Tình trạng minh mẫn và sáng suốt được hiểu là người lập di chúc đủ điều kiện về độ tuổi lập di chúc, hoàn toàn làm chủ được suy nghĩ và hành vi của mình, không bị ràng buộc bởi bất kỳ cá nhân nào. Người lập di chúc hiểu được mình định đoạt tài sản như thế nào, cho ai và tại sao lại như vậy. Sự tự do về ý chí trong khi lập di chúc của người có tài sản là một quyền được pháp luật bảo hộ. Do đó, những hành vi cản trở đối với người lập di chúc là hành vi trái pháp luật và những người này rất có thể sẽ bị tước quyền hưởng di sản thừa kế của người để lại di sản. Những hành vi được coi là cản trở người có tài sản lập di chúc trái với ý chí của họ là: Hành vi lừa dối người để lại di sản nhằm hưởng một phần hoặc toàn di sản trái với ý chí của người để lại di sản Hành vi lừa dối người để lại di sản là hành vi cung cấp một thông tin sai sự thật làm cho người để lại di sản tin vào thông tin đó lập một di chúc trái với ý nguyện đích thực của mình. Người thực hiện hành vi này có thể là người thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản, có thể là người ngoài diện thừa kế theo pháp luật và có tên trong di chúc được lập do lừa dối mà có được. Với trường hợp thứ nhất, người thực hiện hành vi lừa dối là người thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản thì tòa án sẽ tuyên bố tước bỏ quyền hưởng thừa kế theo pháp luật của người đó với di sản của người chết. Ở trường hợp còn lại, người thực hiện hành vi lừa dối là người ngoài diện thừa kế theo pháp luật và có tên trong di chúc thì tòa án sẽ tuyên di chúc vô hiệu và di sản được chia cho những người thừa kế theo pháp luật. Hành vi cưỡng ép, ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc Hành vi cưỡng ép, ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc là hành vi tác động đến tâm lý, tinh thần của người để lại di sản buộc họ phải lập một di chúc để định đoạt di sản của mình trái với ý nguyện đích thực của họ. Hậu quả pháp lý của trường hợp này giống trường hợp trên. Hành vi giả mạo di chúc Người có hành vi giả mạo di chúc là người có hành vi lập một di chúc mạo danh người để lại di sản khiến những người khác tưởng rằng người chết có để lại di chúc (mặc dù người chết không để lại di chúc) nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản. Trong trường hợp này, đương nhiên bản di chúc đó vô hiệu và tài sản của người chết sẽ được chia theo pháp luật cho những người thừa kế theo pháp luật của người chết trừ người có hành vi giả mạo di chúc. Người giả mạo di chúc này bị tước quyền hưởng di sản của người chết theo pháp luật. Hành vi giả mạo di chúc còn có thể là hành vi của người lập một bản di chúc theo ý chí của mình nhằm thay thế di chúc của người để lại di sản nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản. Đối với trường hợp này thì bản di chúc mà người này lập theo ý chí của mình sẽ bị hủy và di sản của người chết sẽ được chia theo di chúc của người để lại di sản. Người có hành vi trên bị tước quyền hưởng di sản theo di chúc và theo pháp luật. Hành vi sửa chữa di chúc Hành vi sửa chữa di chúc là hành vi thay đổi một phần hoặc toàn bộ nội dung của di chúc với mục đích nhằm hưởng phần di sản nhiều hơn so với phần di sản mà người lập di chúc định đoạt cho mình hoặc nhằm hưởng toàn bộ di sản của người lập di chúc. Do đó, dù có tên trong di chúc hay không thì người thừa kế này vẫn thực hiện hành vi trên nên họ xứng đáng bị tước quyền hưởng di sản. Hành vi hủy di chúc mà người để lại di sản đã lập Thông thường, người có hành vi hủy di chúc là người thừa kế theo pháp luật của người lập di chúc nhưng trong di chúc đó họ không có tên trong số những người được hưởng di sản theo di chúc. Ngoài ra, cũng có những trường hợp tuy một người là người thừa kế theo pháp luật của người lập di chúc đồng thời có tên trong số những người được hưởng di sản theo di chúc nhưng nếu hưởng thừa kế theo di chúc thì họ sẽ được hưởng phần di sản nhỏ hơn so với phần di sản mà họ sẽ được hưởng theo pháp luật. Vì vậy, những người này thực hiện hành vi hủy di chúc nhằm để việc thừa kế được giải quyết theo pháp luật và họ sẽ được hưởng kỷ phần theo luật định. TRƯỜNG HỢP NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢC QUYỀN HƯỞNG DI SẢN THUỘC KHOẢN 1 ĐIỀU 643 NHƯNG VẪN ĐƯỢC HƯỞNG DI SẢN CỦA NGƯỜI CHẾT Nếu người có tên trong di chúc thực hiện những hành vi được quy định tại Khoản 1 Điều 643 BLDS 2005 thì sẽ bị pháp luật tước đi quyền hưởng di sản nên phần di chúc liên quan đến những người này sẽ không có hiệu lực pháp luật. Do đó, phần di sản đáng lẽ ra họ sẽ được hưởng theo di chúc sẽ được chia cho những người thừa kế khác theo pháp luật của người để lại di sản. Tuy nhiên, khi xác định việc tước bỏ quyền hưởng di sản của người thừa kế trong các trường hợp nói trên, cần phải tôn trọng quyền định đoạt đối với di sản của người lập di chúc. Do đó, pháp luật vẫn cho phép những người có những hành vi nói trên được hưởng di sản của người đã khuất nếu: “người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc” (theo Khoản 2 Điều 643 BLDS). Trong thực tế, để được hưởng di sản theo di chúc thì người có hành vi nói trên phải tự chứng minh được rằng người để lại di sản khi lập di chúc đã biết hành vi trái pháp luật đó của họ mà vẫn cho họ hưởng di sản. Có hai trường hợp mà những người có hành vi thuộc Khoản 1 Điều 643 vẫn được hưởng di sản của người đã khuất: Nếu hành vi trái pháp luật của người có tên trong di chúc xảy ra trước khi người để lại di sản lập di chúc, người lập di chúc đã biết hành vi đó thì người đó vẫn được hưởng di sản theo di chúc. Nếu hành vi trái pháp luật của người có tên trong di chúc xảy ra sau khi người để lại di sản lập di chúc nhưng người để lại di sản đã thể hiện ý chí của mình về việc vẫn cho người đó hưởng di sản theo di chúc đã lập thì những người này vẫn được hưởng di sản thừa kế theo di chúc đó. Như vậy, pháp luật luôn có những quy định tôn trọng quyền tự định đoạt di sản của người để lại di sản. Do đó, ngay cả khi một người có hành vi trái pháp luật, lẽ ra sẽ bị pháp luật tước quyền hưởng di sản; nhưng nếu người lập di chúc đã biết hành vi đó mà vẫn thể hiện ý chí cho người có những hành vi này hưởng di sản theo di chúc thì pháp luật sẽ tôn trọng quyết định của người lập di chúc và cho phép người có hành vi trái pháp luật hưởng di sản. Quy định này là một bài học giúp cho những người có hành vi trái pháp luật nhận ra sự nhân ái của người thân để họ tự tu dưỡng, cải tạo bản thân. MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ NHỮNG MÂU THUẪN TẠI ĐIỀU 643 BLDS Tuy những quy định tại Điều 643 BLDS là hoàn toàn phù hợp với đạo lý, phong tục, tập quán của nhân dân ta nhưng trong điều luật trên còn có những nội dung chưa rõ ràng có thể dẫn đến việc áp dụng giải quyết tranh chấp về thừa kế không thống nhất giữa các toà án. Thứ nhất, Điểm b Khoản 1 Điều 643 BLDS quy định người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản thì không có quyền hưởng di sản. Quy định này có thể dẫn đến hiểu nhầm là cháu phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng cô, dì, chú, bác vì hàng thừa kế thứ ba là cô, dì, chú, bác và cháu gọi người chết là cô, dì, chú, bác. Thứ hai, như thế nào thì được coi là vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng? Không có văn bản nào hướng dẫn việc xác định việc vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng có là nghiêm trọng hay không. Cần phải có một văn bản pháp luật hướng dẫn để có sự thống nhất giữa các tòa án, cũng như minh bạch trong việc đánh giá tính nghiêm trọng của hành vi vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng. Khi pháp lệnh thừa kế năm 1990 ra đời thì theo đó là Nghị quyết 02/NQ/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (hiện không còn hiệu lực) hướng dẫn về việc áp dụng một số quy định của pháp lệnh thừa kế trong đó có nêu: Những người có nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau theo quy định tại các Điều 19, Điều 20 và Điều 27 của Luật hôn nhân và gia đình năm 1986, trong Khoảng thời gian 3 năm trước khi người để lại di sản chết nếu có khả năng thực hiện nuôi dưỡng mà không thực hiện làm cho người cần được nuôi dưỡng lâm vào tình trạng khổ sở hoặc nguy hiểm đến tính mạng thì không có quyền hưởng di sản của người đó. (02/1990/NQ – HĐTP – 2,b). Qua đó, có thể thấy Nghị quyết này là tương đối phù hợp với thực tế nên cần tiếp thu tinh thần đó để ban hành một văn bản hiện hành để Tòa án có cơ sở pháp lý áp dụng khi giải quyết thừa kế. Thứ ba, theo quy định tại Điểm d Điều 643 BLDS thì hành vi lừa dối phải chứa đựng động cơ nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản thì người đó bị tước quyền hưởng di sản. Do đó, có thể suy luận là nếu người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc thực hiện hành vi lừa dối người để lại di sản nhưng không nhằm để mình được hưởng di sản mà nhằm cho người khác hưởng di sản thì họ không bị tước quyền hưởng di sản. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân em thì vẫn phải tước quyền hưởng di sản của những người này vì hành vi của họ dù vì mục đích cho mình hay cho người khác hưởng di sản cũng đều làm ảnh hưởng tới ý chí của người để lại di sản trong việc lập di chúc. Thứ tư, ngoài các hành vi được quy định trong Khoản 1 Điều 643 BLDS cần phải xem xét đến một hành vi nguy hiểm khác của người thừa kế như hành vi che giấu tội giết người để lại (trường hợp không hành động phạm tội). Khi người thừa kế biết rõ ràng người khác giết người để lại di sản nhưng lại không tố giác hành vi đó mà còn thực hiện hành vi che giấu tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Hành vi của người thừa kế không những vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn vi phạm đạo đức xã hội. Người đã thực hiện hành vi che giấu tội phạm xâm hại tính mạng của người để lại di sản thì không xứng đáng nhận di sản. Thứ năm, theo quy định của luật thì trong trường hợp người không được hưởng quyền thừa kế chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản thì sẽ không phát sinh thừa kế thế vị với con của người này. Bởi lẽ, vốn dĩ, người không được hưởng quyền thừa kế sẽ không được nhận bất cứ phần di sản nào để có thế vị. Tuy nhiên, xét trên cả lý luận và thực tiễn thì việc không có quyền hưởng di sản là một chế tài áp dụng đối với riêng người có lỗi. Theo em, người được thế vị nên được hưởng thừa kế thế vị trong trường hợp cha hoặc mẹ của họ là những người không được quyền hưởng di sản. KẾT LUẬN Tóm lại, vấn đề xác định những người không được quyền hưởng di sản của người để lại di sản là vấn đề quan trọng trong khi chia thừa kế đối với di sản của người chết. Nó giúp cho Tòa án, cá nhân có thẩm quyền có những phán xử chính xác đúng với quy định của pháp luật và phù hợp với đạo đức xã hội. Ngoài ý nghĩa trên, quy định của pháp luật về người không được quyền hưởng di sản còn có tính răn đe với mọi người về hậu quả pháp lý mà họ sẽ phải gánh chịu nếu thực hiện những hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Bộ Luật Dân sự năm 2005, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2011. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2010. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2010. TS. Lê Đình Nghị, Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, tập 1, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2009. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hôn nhân và Gia đình, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2002. TS. Phùng Trung Tập, Luật thừa kế Việt Nam, Nxb. Hà Nội, 2008. Nguyễn Minh Tuấn, Pháp luật thừa kế của Việt Nam – Những vấn đề lí luận và thực tiễn, Nxb. Lao động – xã hội, Hà Nội, 2009. Nguyễn Như Quỳnh, Người không được quyền hưởng di sản theo quy định của pháp luật Việt Nam : Luận văn thạc sĩ luật học, Hà Nội, 2011.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docMột số vấn đề về người không được quyền hưởng di sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự (9đ).doc