Một vài vấn đề cần được nghiên cứu để xây dựng bộ luật dân sự

Một trong các nguyên lý cơ bản của pháp luật dân sự là phải ổn định. Vì vậy, thông thường người ta chỉ chọn những vấn đề có tính ổn định, ít bị tác động của các quyết định chính trị, nhất là các quyết định chính trị ngắn hạn để quy định trong Bộ luật dân sự. Điều đó có ích lợi lớn lao cho* sự ổn định và phát triển xã hội. 1. Năm 1995, Quốc hội đã thông qua và ban hành Bộ luật dân sự năm 1995. Về nội dung, vẫn còn những vấn đề cần bàn và chắc chắn không bao giờ hết các vấn đề cần bàn, nhưng có thể khẳng định việc ban hành Bộ luật dân sự năm 1995 có một ý nghĩa vô cùng lớn lao đối với chính sách đổi mới của Việt nam. Bộ luật dân sự năm 1995 cần được coi là một trong các tuyên ngôn pháp lý quan trọng nhất của Nhà nước về việc từ bỏ cơ chế quản lý tập trung kế hoặch hoá, phát triển kinh tế thị trường, tôn trọng các nguyên lý cơ bản của đời sống dân sự.[1] 2. Để giải quyết những bất cập của Bộ luật dân sự năm 1995, năm 2004 Chính phủ đã trình Quốc hội việc sửa đổi Bộ luật và Quốc hội đã ban hành Bộ luật dân sự năm 2004, có hiệu lực từ năm 2005. Tuy nhiên, nội dung Chính phủ trình năm 2004 và nội dung Bộ luật dân sự năm 2004 không hoàn toàn giống nhau.[2] Một số đề nghị quan trọng của Chính phủ đã được chấp thuận liên quan đến phạm vi áp dụng, một số vấn đề cụ thể liên quan đến quyền tự do hợp đồng Một số vấn đề khác cũng quan trọng nhưng lại chưa được chấp nhận. Ví dụ như vấn đề hộ gia đình, tổ hợp tác, giá trị pháp lý của hình thức hợp đồng, thời hiệu 3. Việc sửa đổi Bộ luật dân sự năm 2004 đã được đặt ra ngay sau 3 năm thực hiện và công việc đang được dự kiến tiến hành trên quy mô lớn. Việc liên tục sửa đổi Bộ luật dân sự trong 15 năm qua không hoàn toàn đồng nghĩa với chất lượng của Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự năm 2005 không tốt. Về cơ bản, cả hai bộ luật đều được đánh giá cao. Tuy nhiên một số nguyên lý then chốt và xuyên suốt của pháp luật dân sự cũng như một số vấn đề chi tiết cụ thể không có tính khả thi đã dẫn tới việc cần liên tục sửa đổi Bộ luật dân sự. Điều đó có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thuộc về các nghiên cứu cơ bản liên quan pháp luật dân sự. 4. Tham luận này không trình bày những thành tựu cuả nghiên cứu khoa học liên quan đến Bộ luật dân sự đã có mà chỉ đề cập đến một vài hạn chế cũng như thách thức đối với những nhà nghiên cứu về pháp luật dân sự cũng như chính Bộ luật dân sự mới nếu được ban hành. Xây dưng Bộ luật dân sự là một vấn đề lớn đối với mỗi quốc gia, vì vậy việc nghiên cứu cơ bản là hết sức quan trọng. Có tham gia ít nhiều trong nghiên cứu khoa học liên quan đến pháp luật dân sự và ít nhiều được tham gia vào quá trình soạn thảo Bộ luật dân sự từ năm 2003 đến nay, xin nêu một số nguyên lý cơ bản của Bộ luật dân sự mà khoa học pháp lý của Việt nam chưa giành một sự quan tâm thật sự thích đáng. 5. Một trong các nguyên lý cơ bản của pháp luật dân sự là phải ổn định. Vì vậy, thông thường người ta chỉ chọn những vấn đề có tính ổn định, ít bị tác động của các quyết định chính trị, nhất là các quyết định chính trị ngắn hạn để quy định trong Bộ luật dân sự. Điều đó có ích lợi lớn lao cho cho sự ổn định và phát triển xã hội. Việc thường xuyên sửa đổi, bổ sung giúp pháp luật cặp nhật những vấn đề thực tiễn. Tuy nhiên lại thể hiện sự không ổn định của hệ thống pháp luật. Pháp luật trong lĩnh vực dân sự luôn đòi hỏi một sự ổn định nhất định.

doc10 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 2621 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một vài vấn đề cần được nghiên cứu để xây dựng bộ luật dân sự, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỘT VÀI VẤN ĐỀ CẦN ĐƯỢC NGHIÊN CỨU ĐỂ XÂY DỰNG BỘ LUẬT DÂN SỰ 10 CHỦ ĐỀ HOT (Đọc thêm) Toàn cảnh phá vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị đốt: Cuộc đấu trí âm thầm với nghi phạm xảo quyệt Vụ kiện trúng thưởng 1200 tỷ đồng - có thực sự là trúng thưởng hay không? Công dân Việt Nam đánh bạc ở nước ngoài có phạm tội? "Phụ nữ có phạm tội hiếp dâm?" Án lệ, nên hay không nên? Luật sư có thể giấu tội cho thân chủ? Mối quan hệ giữa luật sư và cơ quan tố tụng TS. NGUYỄN AM HIỂU – Phó vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp Một trong các nguyên lý cơ bản của pháp luật dân sự là phải ổn định. Vì vậy, thông thường người ta chỉ chọn những vấn đề có tính ổn định, ít bị tác động của các quyết định chính trị, nhất là các quyết định chính trị ngắn hạn để quy định trong Bộ luật dân sự. Điều đó có ích lợi lớn lao cho* sự ổn định và phát triển xã hội. 1. Năm 1995, Quốc hội đã thông qua và ban hành Bộ luật dân sự năm 1995. Về nội dung, vẫn còn những vấn đề cần bàn và chắc chắn không bao giờ hết các vấn đề cần bàn, nhưng có thể khẳng định việc ban hành Bộ luật dân sự năm 1995 có một ý nghĩa vô cùng lớn lao đối với chính sách đổi mới của Việt nam. Bộ luật dân sự năm 1995 cần được coi là một trong các tuyên ngôn pháp lý quan trọng nhất của Nhà nước về việc từ bỏ cơ chế quản lý tập trung kế hoặch hoá, phát triển kinh tế thị trường, tôn trọng các nguyên lý cơ bản của đời sống dân sự.[1] 2. Để giải quyết những bất cập của Bộ luật dân sự năm 1995, năm 2004 Chính phủ đã trình Quốc hội việc sửa đổi Bộ luật và Quốc hội đã ban hành Bộ luật dân sự năm 2004, có hiệu lực từ năm 2005. Tuy nhiên, nội dung Chính phủ trình năm 2004 và nội dung Bộ luật dân sự năm 2004 không hoàn toàn giống nhau.[2] Một số đề nghị quan trọng của Chính phủ đã được chấp thuận liên quan đến phạm vi áp dụng, một số vấn đề cụ thể liên quan đến quyền tự do hợp đồng… Một số vấn đề khác cũng quan trọng nhưng lại chưa được chấp nhận. Ví dụ như vấn đề hộ gia đình, tổ hợp tác, giá trị pháp lý của hình thức hợp đồng, thời hiệu… 3. Việc sửa đổi Bộ luật dân sự năm 2004 đã được đặt ra ngay sau 3 năm thực hiện và công việc đang được dự kiến tiến hành trên quy mô lớn. Việc liên tục sửa đổi Bộ luật dân sự trong 15 năm qua không hoàn toàn đồng nghĩa với chất lượng của Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự năm 2005 không tốt. Về cơ bản, cả hai bộ luật đều được đánh giá cao. Tuy nhiên một số nguyên lý then chốt và xuyên suốt của pháp luật dân sự cũng như một số vấn đề chi tiết cụ thể không có tính khả thi đã dẫn tới việc cần liên tục sửa đổi Bộ luật dân sự. Điều đó có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thuộc về các nghiên cứu cơ bản liên quan pháp luật dân sự. 4. Tham luận này không trình bày những thành tựu cuả nghiên cứu khoa học liên quan đến Bộ luật dân sự đã có mà chỉ đề cập đến một vài hạn chế cũng như thách thức đối với những nhà nghiên cứu về pháp luật dân sự cũng như chính Bộ luật dân sự mới nếu được ban hành. Xây dưng Bộ luật dân sự là một vấn đề lớn đối với mỗi quốc gia, vì vậy việc nghiên cứu cơ bản là hết sức quan trọng. Có tham gia ít nhiều trong nghiên cứu khoa học liên quan đến pháp luật dân sự và ít nhiều được tham gia vào quá trình soạn thảo Bộ luật dân sự từ năm 2003 đến nay, xin nêu một số nguyên lý cơ bản của Bộ luật dân sự mà khoa học pháp lý của Việt nam chưa giành một sự quan tâm thật sự thích đáng. 5. Một trong các nguyên lý cơ bản của pháp luật dân sự là phải ổn định. Vì vậy, thông thường người ta chỉ chọn những vấn đề có tính ổn định, ít bị tác động của các quyết định chính trị, nhất là các quyết định chính trị ngắn hạn để quy định trong Bộ luật dân sự. Điều đó có ích lợi lớn lao cho cho sự ổn định và phát triển xã hội. Việc thường xuyên sửa đổi, bổ sung giúp pháp luật cặp nhật những vấn đề thực tiễn. Tuy nhiên lại thể hiện sự không ổn định của hệ thống pháp luật. Pháp luật trong lĩnh vực dân sự luôn đòi hỏi một sự ổn định nhất định. Câu nói của Lão tử “Trị đại quốc nhược phanh tiểu tiên” được Nguyễn Hiến Lê chú dịch là “Trị nước lớn như nấu nướng cá nhỏ (nấu cá nhỏ mà lật lên lật xuống, động tới nó nhiều quá, nó sẽ nát; trị nước lớn mà chính lệnh phiền hà, pháp lệnh thay đổi nhiều quá, can thiệp vào việc dân nhiều quá, dân sẽ trá nguỵ, chống đối)”[3]. Hàn Phi Tử giải thích câu này trong mục “Giải lão”: “Nói chung, pháp lệnh mà thay đổi thì việc lợi và hại cũng khác đi, việc lợi và hại khác nhau thì việc làm của dân thay đổi. Việc làm của dân thay đổi gọi là thay đổi nghề. Cho nên cứ lấy lý mà xét thì nếu việc lớn và nhiều mà hay thay đổi thì ít thành công. Giữ cái vật lớn mà hay dời chỗ nó thì sứt mẻ nhiều, nấu con cá nhỏ mà hay lật đi lật lại thì làm cho nó mất vẻ đẹp. Cai trị một nước lớn mà hay thay đổi pháp luật thì dân khó về việc đó. Do đó ông vua có đạo quý trọng sự yên tĩnh, không làm thay đổi pháp luật. Cho nên nói: “Trị nước lớn giống như là nấu con cá nhỏ””. [4] Nếu người dân phải đổi nghề nhiều thì dẫn tới (i.) xã hội không có người lành nghề và (ii.) chi phí xã hội sẽ tăng lên do phải đổi nghề. Như vậy là hơn 2300 năm trước người xưa làm luật đã phải quan tâm đến tính ổn định, đơn giản và kinh tế của pháp luật. Để đạt tính ổn định, có một số nguyên lý cần tuân theo. Thí dụ, theo giáo sư Walter Rolland, các nhà lập pháp Đức đã không quy định những quan hệ xã hội có tính dân sự nhưng có thể thường xuyên bị thay đổi do các quyết định chính trị. Về kỹ thuật, để bộ luật được ổn định, Bộ luật dân sự Đức cũng phải được thể hiện trên nguyên tắc trừu tượng (abstraction)…[5] Dựa trên các nguyên lý chung đó mà người Đức đã giữ Bộ luật dân sự Đức do Hoàng đế ban hành vào ngày 18 tháng 8 năm 1896, có hiệu lực từ 1 tháng 1 năm 1900 với 2 lần sửa đổi Bộ luật dân sự. Lần đầu tiên vào năm 1977, sửa đổi những quy định về hôn nhân, gia đình xuất phát từ sự thay đổi điều kiện xã hội lúc đó, một tác động từ bên ngoài về đấu tranh đòi sự bình đẳng nam, nữ mà Bộ luật dân sự trước đó chưa đề cập nhiều. Trước đó, đàn ông trong gia đình nhiều quyền hơn phụ nữ. Ngoài ra, sự thay đổi trên thế giới cũng có tác động đến pháp luật. Lần thứ hai, sửa đổi luật về trái quyền, bắt đầu từ năm 2000 đến 2002, có hiệu lực từ năm 2003, có tính đến sự phát triển pháp luật của thế giới ảnh hưởng đến pháp luật trong nước, trong đó đặc biệt là pháp luật cộng đồng Châu Âu, kéo pháp luật các nước xích lại gần nhau hơn. Đầu tiên là pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã kéo theo sự sửa đổi pháp luật về trái quyền.[6] Với thẩm quyền giải thích luật, những thẩm phán của Đức có thể xét xử những vấn đề hiện đại trên cơ sở một Bộ luật dân sự cổ điển. Sau khi sửa đổi phần trái vụ, mặc dù phù hợp với thực tiễn hơn nhưng giới luật học của của Đức đã nhận thấy việc sửa đổi đó đang mang đến các rủi ro pháp lý trong thực tiễn vì người dân, các thẩm phán, các luật sư đã quá quen với các điều luật cũ và phải mất một thời gian đáng kể để thích nghi với các quy định mới. Người Pháp đã giữ Bộ luật dân sự năm 1804 mang tên Bộ luật Napoleon hơn 200 năm với rất ít sửa đổi, bổ sung.[7] Hiện nay người Pháp mới đang có ý định nghiên cứu để sưa đổi cơ bản. Tương tự như vậy, người Nhật đã giữ Bộ luật dân sự năm 1896 cho đến ngày nay với sửa đổi bổ sung không lớn “bởi trong Bộ luật Dân sự Nhật Bản, hầu như không thấy bóng dáng của cơ quan nhà nước đối với các giao dịch dân sự. Đây là điểm rất khác biệt giữa Bộ luật Dân sự Nhật Bản và Bộ luật Dân sự Việt Nam”[8] 6. Một trong các yếu tố quan trọng làm cho Bộ luật dân sự của Pháp, Đức, Nhật bản… đã trở thành biểu tượng về sự trường tồn, có ảnh hưởng rộng lớn đến pháp luật dân sự thế giới và cũng trở thành kinh nghiệm quan trọng khi xây dựng Bộ luật dân sự của nhiều nước, đó là mối quan hệ của Bộ luật dân sự và đặc trưng văn hoá của từng quốc gia. Bộ luật dân sự chỉ có thể có tính khả thi và có tính trường tồn nếu nó phản ảnh được đặc trưng văn hoá quốc gia đó. Đây có thể coi là một điểm khá yếu của Bộ luật dân sự Việt nam năm 1995 và Bộ luật dân sự Việt nam năm 2005. Xin đơn cử một ví dụ về vấn đề hộ gia đình. Theo một lãnh đạo của một Sở Tư pháp tại đồng bằng sông Cửu long, tại trụ sở sở tư pháp, một đôi vợ chồng đã phản đối quyết liệt việc khi vợ chồng họ thực hiện một giao dịch tài sản phải có sự đồng ý của con dâu.[9] Phong tục của người Việt không quen với việc bố mẹ quyết định việc gì liên quan đến tài sản lại buộc phải hỏi ý con cái, nhất là khi con cái vẫn sống chung cùng cha mẹ, ngay cả trong trường hợp con cái đã có thu nhập rất lớn hơn cha mẹ. Theo phong tục của người Việt thì “dâu là con, rể là khách”. Con dâu chắc chắn là thành viên của gia đình, nhưng quy định của pháp luật dẫn tới việc bố mẹ chồng phải hỏi con cái, nhất là con dâu thì e rằng phong tục của người Việt không thể chấp nhận. Thông thường cha mẹ chỉ hỏi con cái để chứng tỏ mình tôn trọng con cái khi đã trưởng thành và cũng muốn con cái tự tin hơn trong cuộc sống để đi đến tự lập hoặc hỏi để có thể cân nhắc thêm quyết định của mình. Trong các gia đình có nền nếp, con cái đã trưởng thành vẫn thường hỏi ý kiến cha mẹ về các quyết định quan trọng của mình, ngay cả trường hợp đã có gia đình riêng và ở riêng. Câu hỏi đôi khi chỉ mang tính thể hiện lòng kính trọng cha mẹ, để tham vấn thêm, nhưng đó là một nét văn hoá rất Việt nam. Điều 107[10] giao cho chủ hộ là người đại diện của hộ gia đình nhưng không quy định ai là chủ hộ, xác định chủ hộ theo luật, phong tục, hay theo thoả thuận. Theo pháp luật, khái niệm chủ hộ chỉ tìm thấy trong quyển sổ hộ khẩu.[11] Trong thực tiễn, những người có tên trong một quyển sổ hộ khẩu không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với một gia đình, hoặc ngược lại. Chính sách quản lý hộ khẩu đã dẫn tới tình trạng cho nhập hộ khẩu nhờ như ở Bình dương và nhất là các thành phố lớn như Hà nội và thành phố Hồ Chí Minh, và hậu quả là những người nhập hộ khẩu nhờ có tên trong sổ hộ khẩu, nhưng không phải thành viên gia đình. Chính sách giá điện hiện hành dẫn tới việc một số gia đình đã tách sổ hộ khẩu để giảm tiền sử dụng điện hàng tháng, nhưng vẫn là một gia đình.[12] Mặc dù có những ngoại lệ, nhưng nói chung phong tục của người Việt hiện nay chỉ có khái niệm Chủ gia đình. Chủ gia đình thường là người cao tuổi hơn, có khả năng và phải quán xuyến những việc chung. Phong tục này gần gũi với quan niệm rất quen thuộc của người Việt là: “Kính lão đắc thọ” và: “Khôn không đến trẻ, khoẻ không đến già”. Chủ gia đình không phải một khái niệm pháp lý, đó là một trật tự tồn tại đời này qua đời khác và được mọi người tôn trọng. Gia đình nào để mất điều đó được hiểu là gia phong không còn nữa. Tôn trọng và bảo vệ phong tục này, Quốc triều hình luật, Quyển III, Điều 9 quy định: “Những kẻ hàng dưới còn ít tuổi cùng ở với tôn trưởng, mà tự ý dùng tiền của, thì xử phạt 80 trượng và bắt trả lại tiền của cho người trên”. Quyển III, Điều 20 còn quy định:“Con cháu không có giấy quan cấp cho được thay ông cha, hưởng dân đinh ruộng đất mà tự tiện sai dân đinh cày cấy ruộng đất ấy, thì xử biếm một tư và bắt nộp vào kho gấp đôi số tiền công thuê dân đinh và tiền hoa màu ruộng đất. Người tố cáo được hưởng một phần mười số tiền ấy”[13]. Tương tự như vậy, Bộ luật Gia long quy định: “Phàm không phải ông bà cha mẹ cho phép, mà con cháu lập riêng sổ hộ tịch, chia gia sản, thì phải phạt 100 trượng”[14]. Về vấn đề này, Dân luật bắc kỳ năm 1931 có Thiên thứ VIII – Quyền người gia trưởng.[15] Người gia trưởng là người được quyết định những vấn đề thuộc gia đình. Điều 207 quy định một cơ chế bảo vệ rất rõ ràng: “Người làm con, suốt cả đời phaỉ hiếu thuận cung kính, làm vinh dự cho cha mẹ ông bà. Lại phải cấp dưỡng cho cha mẹ ông bà. Đạo hiếu cấm con cháu không được đem thưa cha mẹ ông bà tại trước toà án. Không có phép cha, thì không được bỏ nhà. Cha mẹ còn sống thì con phải thuộc quyền cha, và cứ lý thì không được có tài sản riêng; trừ khi đã thành niên được phép ra ở riêng, hoặc khi đã thoát phụ quyền được phép tự lập gia thất riêng thì không kể”. Bộ dân luật Việt nam cộng hoà năm 1972 quy định: “Con cái dầu đến tuổi nào cũng phải tôn kính cha mẹ”.[16] “Con cái ở dưới quyền cai quản của cha mẹ cho đến năm 21 tuổi, hay đến lúc đã được thoát quyền”.[17] Điều 109 năm 2005 quy định về nguyên tắc hành xử đối với tài sản chung của hộ gia đình.[18] Các nguyên tắc có vẻ rõ ràng, nhưng không thể thực hiện vì đời sống gia đình cần những sự tiện lợi, hoà thuận trong sự chấp nhận quyết định của người khác. Luật sư Trương thanh Đức có lý khi cho rằng các nhà làm luật đã vô tình “công ty hoá” gia đình của người Việt.[19] Phong tục hay luật cổ không phải khi nào cũng tốt trong một xã hội mới. Tuy nhiên, nếu vấn đề đó không được tham khảo một cách thấu đáo thì chắc chắn pháp luật rất khó khả thi và có thể mang một kết quả ngược lại với những ước muốn tốt đẹp mà đạo luật đó đặt ra. Về vấn đề này, người Pháp và người Đức hay người Nhật đều đã rất thành công, mặc dù họ đã lựa chọn hai phương thức rất khác nhau để xây dựng Bộ luật dân sự. 7. Về phương thức, người Pháp đã chọn phương thức institutiones còn người Đức chọn phương thức patekten để xây dựng Bộ luật dân sự. Đây là hai phương thức cơ bản mà hầu như tất cả các nước đều tham khảo khi xây dựng Bộ luật dân sự. Việt nam hầu như không có nghiên cứu gì về vấn đề này khi xây dựng Bộ luật dân sự.[20] Một kinh nghiệm quý báu mà Việt nam nên tham khảo đó là quá trình ban hành Bộ luật dân sự của Nhật bản. Nhật bản quyết tâm xây dựng bằng được Nhà nước hiện đại văn minh vì Nhật bản nhận thấy cách duy nhất để Nhật bản không trở thành thuộc địa của Châu Âu đó là xây dựng một quốc gia lớn mạnh không khác gì Châu âu. Trong 3 năm, Nhà nước Minh trị đã có nhiều biện pháp như: thuê giáo viên, chuyên gia nước ngoài, cử người trẻ đi học để làm sao cố gắng du nhập tinh hoa của các nước phát triển Châu âu. Do đó nước Nhật đã dịch rất nhiều luật của Châu Âu để cho luật pháp cũng tương đồng với luật Châu Âu. Thời gian đó Nhật bản phải ký rất nhiều thỏa thuận bất lợi, như không được phép xét xử những người Châu âu. Nhật bản nhận ra là cần thiết phải xây dựng các Bộ luật nên đã nhờ một người Pháp cố vấn xây dựng BLDS theo kiểu của Pháp, áp dụng phương pháp institutiones và thuê chuyên gia của Đức để cố vấn xây dựng Bộ luật thương mại như của Đức. Tuy nhiên sau khi Bộ luật dân sự được xây dựng, nếu áp dụng trong thực tế nó sẽ làm mất đi tất cả tính truyền thống, đạo đức, chính trị. Vì có nhiều ý kiến phản đối việc xây dựng Bộ luật dân sự này nên người ta cho rằng những quy định này không phù hợp với văn hoá xã hội Nhật bản. Sau đó, 3 người Nhật bản bắt tay xây dựng Bộ luật dân sự mới. Đấy cũng là thời điểm dự thảo dầu tiên Bộ luật dân sự Đức ra đời (1896). Khi nghiên cứu luật Anh Mỹ thì người ta nhận thấy đó không phải là luật thành văn. Khi nghiên cứu dự thảo đầu tiên của Bộ luật dân sự Đức người ta thấy rằng nó rất phù hợp với xã hội Nhật bản khi đó. Như vậy xét về mặt lịch sử, Bộ luật dân sự Nhật bản đầu tiên đã theo phương thức institutiones của Pháp nhưng sau đó do sự phản đối từ nhiều phía nên Bộ luật dân sự Nhật bản sau này đã theo phương thức của Bộ luật dân sự Đức đó là pandekten. Cấu trúc phần chương của Bộ luật dân sự Nhật bản giống của Đức tuy nhiên nó không phải là bê nguyên xi Bộ luật dân sự của Đức. Ví dụ điển hình là vấn đề đăng ký. Ở Đức cơ chế đăng ký rất chặt chẽ – điều kiện cho giao dịch vật quyền có điều kiện. Trong Bộ luật dân sự Đức người ta phân biệt rõ vật quyền và trái quyền, trong đó chế độ đăng ký là rất quan trọng, thời điểm chuyển giao vật là thời điểm đăng ký. Bộ luật dân sự Nhật bản hoàn toàn không đi theo hướng đó, thời điểm ký hợp đồng chính là thời điểm chuyển giao vật quyền còn chế độ đăng ký chỉ có tác dụng đối kháng với bên thứ ba chứ không phải điều kiện để một giao dịch có hiệu lực. Vì thế trong từng nội dung điều khoản, phần đăng ký lại chịu ảnh hưởng Bộ luật dân sự Pháp chứ không phải của Đức. Có phải người Nhật bản không hiểu quan điểm luật của Đức nên đã theo quan điểm của Pháp hay không? Lý do đó là hành vi vật quyền và trái quyền là khác nhau rõ ràng. Tuy nhiên, người ta cũng nhận thấy năng lực người đăng ký viên và cơ chế đăng ký của Nhật bản chưa đủ cao và phù hợp như ở Đức. Như vậy trong từng điều khoản người ta luôn chú ý đến tình hình xã hội cụ thể. Nếu tìm hiểu sâu hơn có thế thấy có nhiều điều luật trong Bộ luật dân sự Nhật bản theo luật của các nước common law. Như vậy vỏ bề ngoài của Bộ luật dân sự Nhật bản thì như của Đức nhưng nội dung bên trong thì có những điểm khác. Bộ tư pháp Campuchia nhờ chuyên gia Nhật bản thông qua JICA xây dựng giúp Bộ luật dân sự Campuchia, quá trình kéo dài 6 năm. Khi nghiên cứu, các chuyên gia Campuchia thấy rằng Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự của Pháp làm được dịch sang tiếng Khơme và giải thích cho Campuchia trong vòng 3 ngày và kết quả là nó không áp dụng được gì cả. Người Pháp xây dựng Bộ luật hình sự cho Campuchia trên cơ sở xã hội Pháp mà không có điều tra, tìm hiểu cụ thể về đời sống xã hội Campuchia hiện tại. Chuyên gia Nhật bản đã tìm hiểu đời sống xã hội và những mong muốn của người Campuchia, dịch và giới thiệu Bộ luật dân sự của Pháp, Đức. Các chuyên gia cũng trao đổi với những chuyên gia Tòa án, Bộ Tư pháp Campuchia về mong muốn hiện tại và tương lai của họ. Qua qúa trình trao đổi cho thấy rằng Campuchia đã có một luật dân sự trước đó có ảnh hưởng của luật Pháp. Đã có điều tra xã hội học trên quy mô lớn và nhận thấy có những phần nào của những quy định cũ mà ảnh hưởng của luật Pháp vẫn nên được sử dụng. Mặc dù Nhật bản theo phương thức pandekten như của Bộ luật dân sự Đức nhưng do nhận thấy nếu theo phương thức institutiones như của Pháp thì sẽ phù hợp với xã hội Campuchia hơn nên chuyên gia đã đề nghị xây dựng theo phương thức của Bộ luật dân sự Pháp. Bộ luật dân sự Campuchia vừa được ban hành, chưa được kiểm nghiệm nên không thể đánh giá tính khả thi của nó. Tuy nhiên đã có những ý kiến đánh giá khác nhau. Vì vậy, khi đặt vấn đề chuyên gia Nhật bản trực tiếp soạn thảo Bộ luật dân sự cho Việt nam thì các chuyên gia Nhật bản cho rằng không nên làm điều đó vì các chuyên gia Nhật bản cho rằng chuyên gia Nhật bản không thể hiểu văn hoá và xã hội Việt nam bằng các chuyên gia Việt nam được.[21] 8. Tính kế thừa và pháp điển hoá của Bộ luật dân sự. Là một lĩnh vực quan trọng nhất của luật tư, các Bộ luật dân sự thành công đều là các công trình pháp điển hoá vĩ đại và công việc pháp điển hoá bao giờ cũng mang trong nó tính kế thừa các quy định trước đó. Một trong các thành công quan trọng nhất của Bộ luật dân sự Pháp đó là “sức cuốn hút của phương pháp pháp điển hoá kiểu pháp”[22]. Những người làm nên thành công của Bộ luật dân sự Pháp rất ít tự nghĩ ra các quy định mà chủ yếu họ đã pháp điển hoá các quy định, tập quán, thông lệ… sẵn có. Điều đó làm cho Bộ luật gần gũi với đời sống dân chúng, có tính khả thi và trở nên vĩ đại. Tương tự như vậy, Bộ luật dân sự Đức cũng là một công trình pháp điển hoá vĩ đại các đạo luật trước đó cùng các tập quán, thông lệ… trong đó có Bộ luật dân sự Phổ năm 1794 với hơn 17.000 điều.[23] Trong quá trình xây dựng Bộ luật dân sự Việt nam, các luật cổ như Luật Hồng đức, Hoàng Việt luật lệ (Bộ luật Gia long), Dân luật Bắc kỳ 1931, Bộ dân luật Việt nam cộng hoà 1972 hầu như không được tổ chức nghiên cứu một cách hệ thống. Chính vì vậy, tính kế thừa và pháp điển hoá của Bộ luật dân sự Việt nam hiện nay rất bị hạn chế. 9. Việc học tập kinh nghiệm nước ngoài là rất quan trọng trong quá trình xây dựng Bộ luật dân sự. Về vấn đề này, Chính phủ Việt nam đã nhận được sự giúp đở của khá nhiều dự án quốc tế và dự án nước ngoài như UNDP, Nhà pháp luật Việt pháp, JICA, Star Việt nam, GTZ, KAS… Sự hỗ trợ của các dự án rất tích cực, tuy nhiên nhìn từ giác độ nghiên cứu khoa học thì người Việt nam khá thụ động khi tiếp nhận các kết quả. Việc nghiên cứu các Bộ luật dân sự nổi tiếng chủ yếu thông qua sự trình bày của các chuyên gia nước ngoài trong các cuộc toạ đàm và các cuộc trao đổi trực tiếp theo kiểu ad hoc. Hầu như không có các nghiên cứu có tính hệ thống, hàn lâm và vì thế thiếu các luận điểm có tính phương pháp luận. Việc dịch thuật cũng chưa được quan tâm thích đáng. Duy nhất Nhà pháp luật Việt pháp dịch toàn văn Bộ luật dân sự Pháp năm 1995, NXB Chính trị quốc gia xuất bản năm 1998, NXB tư phápxuất bản năm 2005. Bộ luật dân sự Đức không được dịch chính thức và toàn bộ, chỉ có một số phần được dịch do nhu cầu tra cứu của nhóm biên tập. Gần đây, Dự án JICA có dịch Bộ luật dân sự Nhật bản nhưng chưa phát hành và đến năm 2010 khi có yêu cầu thì Vụ pháp luật dân sự kinh tế mới đóng thành quyển cho dễ theo dõi. Việc không dịch thuật đầy đủ này là minh chứng cho nhận định về việc thiếu các nghiên cứu một cách cơ bản pháp luật dân sự ở Việt nam trong những năm qua. Có lẽ vì những lý do đó mà sau khi Bộ luật dân sự Việt nam được ban hành thì người ta rất khó nhận biết Bộ luật dân sự Việt nam chịu ảnh hưởng của Bộ luật sự nào. Nhận xét về vấn đề này TS. Pierre Bezard cho rằng: “Sau khi giành được độc lập, nhiều quốc gia thuộc địa cũ vẫn duy trì những ảnh hưởng sâu đậm của pháp luật Pháp. Thậm chí một số nước còn xây dựng những bộ luật của họ trên cơ sở học tập mô hình pháp luật của Pháp…. Đối với nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam thì sự đoạn tuyệt với pháp luật Pháp là rất rõ nét và sâu sắc”.[24] 10. Nghiên cứu việc tổ chức xây dựng Bộ luật dân sự là một trong những yếu tố quan trọng cho sự thành công của Bộ luật dân sự. Bộ luật dân sự do Nhà nước ban hành, nhưng thực sự nó hình thành của bắt nguồn từ các trường đại học. Bộ luật dân sự Pháp, còn goi là Bộ luật Napoleon không phải do Napoleon viết. Người viết Bộ luật là 4 thành viên của một Uỷ ban của các nhà chuyên môn, đó là Tronchet, Portails, Bigot de Preameneu và Malleville. Đó là các chuyên gia về dân sự. Dự luật được viết trong 2 năm. Toà án tối cao và các toà phúc thẩm là người phản biện. Về cách thức, Bộ luật dân sự Đức và Bộ luật dân sự Nhật bản cũng được xây dựng tương tự. Nhà nước lập ra các uỷ ban phụ trách công việc, nhưng việc soạn thảo là do các chuyên gia. Thường là các giáo sư đầu ngành về dân sự. Họ không phải là các công chức. Ở Việt nam, việc soạn thảo do các công chức thực hiện. Khi đã là công chức thì không thể chuyên nghiệp về phương diện chuyên môn. Mặt khác, những ám ảnh về nhiệm vụ quản lý nhà nước của công chức sẽ làm ảnh hưởng đến tính chất “tư” của Bộ luật dân sự. Hà nội, tháng 2 năm 2011 [1] Nước Nga và Trung quốc sau đổi mới chưa ban hành Bộ luật dân sự sớm bằng Việt nam. Hiện tại, Trung quốc đang ban hành các đạo luật đơn hành như Luật hợp đồng, Luật về tài sản. [2] Có thể tham khảo các Tờ trình của Chính phủ năm 2003 và năm 2004. [3] . Lão Tử – Đạo đức kinh, Nguyễn Hiến Lê chú dịch và giới thiệu, NXB Văn hoá, Hà nội 1998, tr. 251. [4] Hàn Phi Tử, NXB Văn học, Hà nội – 2001, Người dịch Phan Ngọc, Tr. 182 [5] Xem thêm: Tổng thuật kết quả Tọa đàm ngày 21 và 22 tháng 10 năm 2010 một số vấn đề về cấu trúc Bộ luật dân sự và vật quyền, Bộ tư pháp và IRZ tổ chức tại Hà nội. [6] Xem thêm: Tổng thuật kết quả Tọa đàm ngày 21 và 22 tháng 10 năm 2010 một số vấn đề về cấu trúc Bộ luật dân sự và vật quyền, Bộ tư pháp và IRZ tổ chức tại Hà nội. [7] . Xem thêm: Tham luận Hội thảo kỷ niệm 200 năm Bộ luật dân sự Pháp, Hà nội, 3 – 5 tháng 11 năm 2004, Nhà Pháp luật Việt – Pháp. [8] Xem thêm: Nguyễn Văn Cương, Quan điểm của Nhật bản về luật dân sự, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 06/2001 [9]. Sự bất bình này xuất phát từ điều 109 BLDS năm 2005: 1. Các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thoả thuận. 2. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý. [10] Điều 107. 1. Chủ hộ là đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ. Cha, mẹ hoặc một thành viên khác đã thành niên có thể là chủ hộ.Chủ hộ có thể uỷ quyền cho thành viên khác đã thành niên làm đại diện của hộ trong quan hệ dân sự. 2. Giao dịch dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện vì lợi ích chung của hộ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả hộ gia đình. [11]. Tác giả chưa khảo cứu đầy đủ vấn đề này. [12]. Theo chính sách giá điện bậc thang hiện nay (chính sách tiết kiệm năng lương), giá điện sử dụng càng nhiều thì đơn giá càng cao, vì vậy nhiêu gia đình đã tách thành nhiều hộ dùng điện để giảm chi phí cho gia đinh. Để thực hiện tiết kiệm năng lượng, các nước phát triển sử dụng chính sách tính giá điện theo giờ cao điểm giá cao và giờ thấp điểm giá thấp. [13] Xem thêm: Quốc triều hình luật. [14] Bộ luật còn có tên khác là Hoàng việt luật lệ. [15] Dân luật Bắc kỳ 1931, từ điều 204 đến điều 220. [16] Điều 265, Bộ dân luật 1972. [17] Điều 266, Bộ dân luât 1972. [18] Điều 109. 1. Các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thoả thuận. 2. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý. [19]. Xem thêm: Luật sư Trương Thanh đức, Những đám mây bao vây quyên sở hữu”, phát biểu tại Hội thảo ngày 29/9/2010 do Bộ tư pháp và JICA tổ chức. [20]. Xem thêm: Báo cáo kết quả Tọa đàm do Bộ tư pháp và JICA tổ chức từ 27 đến 31 tháng 8 năm 2010 về những vấn đề cần sửa đổi bổ sung trong Bộ luật Dân sự 2005. [21] Xem thêm: Báo cáo kết quả Tọa đàm do Bộ tư pháp và JICA tổ chức từ 27 đến 31 tháng 8 năm 2010 về những vấn đề cần sửa đổi bổ sung trong Bộ luật Dân sự 2005. [22] Xem thêm: Guy Cavinet, Báo cáo dẫn đề Hội thảo kỷ niệm 200 năm Bộ luật dân sự Pháp, Nhà pháp luật Việt pháp, 3-5/11/204. [23] GS. Michel Grimaldi, Tham luận Hội thảo 200 năm Bộ luật dân sự Pháp, Hà nội tháng 11 năm 2004, Nhà pháp luật Việt-Pháp, trang 95. [24] Xem thêm: TS. Pierre Bezard, Hai trăm năm Bộ luật dân sự Pháp và ảnh hưởng tới Bộ luật dân sự Việt nam. Tham luận Hội thảo 200 năm Bộ luật dân sự Pháp, Hà nội tháng 11 năm 2004, Nhà pháp luật Việt-Pháp.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docMột vài vấn đề cần được nghiên cứu để xây dựng bộ luật dân sự.doc
Luận văn liên quan