Tình huống xoay quanh vấn đề thỏa thuận trọng tài của các bên trong hợp đồng

Công ty cổ phần M do bà P, phó Giám đốc làm đại diện (được ông Q, Giám đốc kiêm chủ tịch Hội đồng quản trị chấp thuận ủy quyền qua điện thoại) ký hợp đồng số 01/HĐ bán vật liệu xây dựng cho công ty TNHH N. Ngoài những nội dung chi tiết khác, trong hợp đồng các bên có thỏa thuận: "Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết tại Trung tâm Trọng tài thương mại có thẩm quyền tại Việt Nam theo quy định của pháp luật". Sau khi hợp đồng đã được ký kết, ông Q gửi công văn thông báo cho công ty N với nội dung công ty M sẽ không thực hiện hợp đồng số 01/HĐ, với lý do: hợp đồng này vô hiệu toàn bộ (do phó Giám đốc công ty M ký hợp đồng không có giấy ủy quyền bằng văn bản của Giám đốc công ty). Công ty N yêu cầu công ty M phải thực hiện hợp đồng theo đúng thỏa thuận, nhưng công ty M không thực hiện. Sau khi thương lượng không thành, công ty N đã làm đơn khởi kiện công ty M tại Tòa án. Yêu cầu: Anh (chị) hãy cho biết: - Việc giao kết hợp đồng số 01/HĐ của bà P có đúng thẩm quyền hay không? Tại sao? - Thỏa thuận trọng tài của các bên trong hợp đồng số 01/HĐ có giá trị pháp lý hay không? Tại sao?

doc11 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 6200 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tình huống xoay quanh vấn đề thỏa thuận trọng tài của các bên trong hợp đồng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TM2.NT2.8. Công ty cổ phần M do bà P, phó Giám đốc làm đại diện (được ông Q, Giám đốc kiêm chủ tịch Hội đồng quản trị chấp thuận ủy quyền qua điện thoại) ký hợp đồng số 01/HĐ bán vật liệu xây dựng cho công ty TNHH N. Ngoài những nội dung chi tiết khác, trong hợp đồng các bên có thỏa thuận: "Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết tại Trung tâm Trọng tài thương mại có thẩm quyền tại Việt Nam theo quy định của pháp luật". Sau khi hợp đồng đã được ký kết, ông Q gửi công văn thông báo cho công ty N với nội dung công ty M sẽ không thực hiện hợp đồng số 01/HĐ, với lý do: hợp đồng này vô hiệu toàn bộ (do phó Giám đốc công ty M ký hợp đồng không có giấy ủy quyền bằng văn bản của Giám đốc công ty). Công ty N yêu cầu công ty M phải thực hiện hợp đồng theo đúng thỏa thuận, nhưng công ty M không thực hiện. Sau khi thương lượng không thành, công ty N đã làm đơn khởi kiện công ty M tại Tòa án. Yêu cầu: Anh (chị) hãy cho biết: - Việc giao kết hợp đồng số 01/HĐ của bà P có đúng thẩm quyền hay không? Tại sao? - Thỏa thuận trọng tài của các bên trong hợp đồng số 01/HĐ có giá trị pháp lý hay không? Tại sao? Mục Lục Việc giao kết hợp đồng số 01/HĐ của bà P có đúng thẩm quyền hay không? Tại sao? Để xem xét việc giao kết hợp đồng số 01/HĐ của bà P có đúng thẩm quyền hay không, ta cần làm rõ các vấn đề sau đây: (1) việc giao kết hợp đồng thương mại của công ty cổ phần M do ai có thẩm quyền ký kết ? và (2) việc giao kết hợp đồng thương mại của công ty có thể được ủy quyền hay không, nếu có thì thủ tục, hình thức ủy quyền ký kết hợp đồng phải được thực hiện như thế nào để đảm bảo tính hợp pháp ? Thứ nhất, về thẩm quyền ký kết hợp đồng. Như đã biết, đại diện của pháp nhân nói chung, của doanh nghiệp nói riêng là việc một người nhân danh và vì lợi ích của pháp nhân hay doanh nghiệp xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện (căn cứ các Điều 91, 139 và 141 Bộ luật Dân sự năm 2005 (gọi tắc là BLDS)). Theo quy định tại khoản 1, Điều 116 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định: “ Hội đồng quản trị bổ nhiệm một người trong số họ hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật thì Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty”. Như vậy, trong trường hợp này dù Điều lệ có quy định hay không thì ông Q là Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị thì đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần M. Với tư cách là người đại diện theo pháp luật của công ty thì ông Q có quyền nhân danh doanh nghiệp xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự vì lợi ích của doanh nghiệp và có quyền ký kết các loại hợp đồng phù hợp với quy định của Điều lệ và pháp luật. Thứ hai, về việc đại diện ủy quyền ký kết hợp đồng. Đối với chức vụ Phó Giám đốc của bà P, theo nguyên tắc chung, trước hết ta phải căn cứ vào các văn bản Điều lệ công ty, Quy chế hoạt động của công ty và Quyết định bổ nhiệm bà P làm phó Giám đốc cũng như các văn bản liên quan khác của công ty để xem xét rõ thẩm quyền của bà P cụ thể là gì, được ký những văn bản nào, khi nào được ký,… Nếu trong các văn bản này có quy định phó Giám đốc (bà P) có quyền ký hoặc thay mặt Giám đốc ký các hợp đồng bao gồm cả các loại hợp đồng bán vật liệu xây dựng của công ty thì đương nhiên, trong tình huống được nêu, hợp đồng số 01/HĐ của bà P là đúng thẩm quyền. Nếu trong các loại văn bản trên không có quy định cụ thể nào về thẩm quyền của bà P trong vấn đề này, ta sẽ phải căn cứ vào các quy định của pháp luật để xem xét. Cụ thể, theo quy định của pháp luật, giám đốc là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nên giám đốc mới có tư cách đứng ra ký các hợp đồng kinh tế, hợp đồng dân sự nhân danh doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, pháp luật dân sự cũng như pháp luật doanh nghiệp cũng quy định về chế độ ủy quyền. Theo đó, người nhận ủy quyền sẽ được thực hiện các công việc thuộc về quyền hạn của người ủy quyền. Trong doanh nghiệp, nếu giám đốc ủy quyền cho phó giám đốc thì phó giám đốc sẽ có một số quyền mà giám đốc đã giao phó. Điều 142 BLDS có quy định về trường hợp đại diện theo ủy quyền như sau: “1. Đại diện theo uỷ quyền là đại diện được xác lập theo sự uỷ quyền giữa người đại diện và người được đại diện. 2. Hình thức uỷ quyền do các bên thoả thuận, trừ trường hợp pháp luật quy định việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản.” Như vậy, hình thức ủy quyền có thể do các bên thỏa thuận, có thể bằng văn bản, lời nói hay hành vi cụ thể. Đến đây, để giải quyết vấn đề việc giao kết hợp đồng số 01/HĐ của bà P có đúng thẩm quyền hay không, thì cần xét hợp đồng ủy quyền giữa ông Q và bà P có hiệu lực hay không, tức hình thức có hợp pháp hay không (nội dung ủy quyền coi như đã hợp pháp). Cụ thể cần xét đến các trường hợp sau: Hình thức ủy quyền không hợp pháp: đây là trường hợp mà: (1) Điều lệ hoặc các văn bản của công ty có quy định việc ủy quyền trong trường hợp như này cần phải bằng văn bản; hoặc (2) việc ủy quyền là vì lí do ông Q đi nước ngoài trên 30 ngày, trường hợp này luật quy định bắt buộc ông Q phải “uỷ quyền bằng văn bản cho người khác theo quy định tại Điều lệ công ty để thực hiện các quyền và nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty” (Điều 95 Luật Doanh nghiệp 2005 và Điều 16 Nghị định số 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp). Như vậy, trong cả hai trường hợp này, nếu ông Q chỉ ủy quyền cho bà P qua điện thoại (hợp đồng ủy quyền bằng lời nói) thì rõ ràng đã vi phạm các quy định của Điều lệ và pháp luật. Do đó, hợp đồng ủy quyền không có hiệu lực, nên xét theo quy định của khoản 1, Điều 145 BLDS thì giao dịch dân sự do bà P (không có quyền đại diện) xác lập, thực hiện sẽ không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với công ty M (người được đại diện). Nói cách khác, bà P không có thẩm quyền giao kết hợp đồng số 01/HĐ. Hình thức ủy quyền hợp pháp: nếu như hợp đồng ủy quyền giữa bà P và ông Q không vi phạm hai trường hợp nêu trên, thì có thể khẳng định rằng bà P hoàn toàn có thẩm quyền giao kết hợp đồng số 01/HĐ. Thỏa thuận trọng tài của các bên trong hợp đồng số 01/HĐ có giá trị pháp lý hay không? Tại sao? Khẳng định thỏa thuận trọng tài của các bên trong hợp đồng số 01/HĐ không có giá trị pháp lý, kể cả trong trường hợp tranh chấp này xảy ra trước ngày 01/01/2011 hay sau ngày 01/01/2011. Giải thích: Trước hết, cần khẳng định rằng, việc thỏa thuận áp dụng cơ chế trọng tài để giải quyết tranh chấp thương mại giữa các hai công ty M và N là hoàn toàn hợp pháp. Bởi lẽ, căn cứ vào Điều 317 Luật Thương mại 2005 về các hình thức giải quyết tranh chấp, thì tại khoản 3, pháp luật hoàn toàn cho phép các bên lựa chọn các cơ quan trọng tài để giải quyết tranh chấp thương mại. Thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng trọng tài các vụ tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh trong hoạt động thương mại. Như vậy, các bên có thể thỏa thuận trọng tài trước khi có tranh chấp hoặc sau khi có tranh chấp. Trong trường hợp này thỏa thuận trọng tài đã được xác lập trước khi có tranh chấp - là một điều khoản trong hợp đồng được ký kết giữa Công ty cổ phần M và Công ty TNHH N. Trước hết, xét trường hợp vụ tranh chấp trên đây xảy ra trước ngày 01/01/2011 (khoảng thời gian Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003 vẫn còn hiệu lực thi hành), như vậy cần áp dụng Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003 để giải quyết tranh chấp này: Theo quy định tại Điều 10 Pháp lệnh Trọng tài thương mại thì thoả thuận trọng tài vô hiệu trong 6 trường hợp, trong đó có một trường hợp liên quan đến tình huống này đó là: “…4. Thoả thuận trọng tài không quy định hoặc quy định không rõ đối tượng tranh chấp, tổ chức trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp mà sau đó các bên không có thoả thuận bổ sung;” Trong tình huống nêu trên, hai bên trong hợp đồng đã thỏa thuận rằng “mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết tại Trung tâm Trọng tài thương mại có thẩm quyền tại Việt Nam theo quy định của pháp luật”. Như vậy, có thể khẳng định rằng đây là một thỏa thuận trọng tài mà hai bên đã không rõ tổ chức trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp và đồng thời các bên cũng không có thoả thuận bổ sung (mà một bên – công ty N – thậm chí đã kiện thẳng ra Tòa). Có thể thấy, thỏa thuận trọng tài này chưa giúp các bên xác định chính xác một tổ chức trọng tài cụ thể nào có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp phát sinh. Do đó, chiếu theo khoản 4, Điều 10 nêu trên, thỏa thuận trọng tài giữa công ty M và công ty N bị vô hiệu. Trong trường hợp này, căn cứ quy định tại Điều 5 Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003 thì một trong các bên có thể đưa tranh chấp ra Toà án giải quyết (đây là việc mà bên công ty N đã làm). Tóm lại, nếu vụ tranh chấp nêu trên xảy ra trong khoảng thời gian Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003 đang có hiệu lực, thì có thể kết luận rằng thỏa thuận trọng tài của các bên trong hợp đồng số 01/HĐ không có giá trị pháp lý. Xét trường hợp vụ tranh chấp xảy ra sau ngày 01/01/2011 – ngày Luật Trọng tài thương mại 2010 bắt đầu có hiệu lực: Theo Điều 18 Luật Trọng tài thương mại 2010, thỏa thuận trọng tài vô hiệu trong những trường hợp sau đây: “1. Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài quy định tại Điều 2 của Luật này. 2. Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. 3. Người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự. 4. Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 của Luật này. 5. Một trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu. 6. Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật”. Như vậy, có thể thấy so với Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, trong các quy định về những trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 đã không còn trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu khi thoả thuận trọng tài không quy định hoặc quy định không rõ đối tượng tranh chấp, tổ chức trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp mà sau đó các bên không có thoả thuận bổ sung. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho các bên, tại khoản 5, Điều 43 luật có quy định thêm: “trường hợp các bên đã có thỏa thuận trọng tài nhưng không chỉ rõ hình thức trọng tài hoặc không thể xác định được tổ chức trọng tài cụ thể, thì khi có tranh chấp, các bên phải thỏa thuận lại về hình thức trọng tài hoặc tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp. Nếu không thỏa thuận được thì việc lựa chọn hình thức, tổ chức trọng tài để giải quyết tranh chấp được thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn”. Đây là một quy định rất tiến bộ của luật so với pháp lệnh cũ, sẽ ngăn chặn và giảm bớt được tình trạng thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu hoặc tình trạng không có cơ quan nào giải quyết tranh chấp. Như vậy, theo các quy định mới của Luật Trọng tài thương mại 2010, thỏa thuận “mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết tại Trung tâm Trọng tài thương mại có thẩm quyền tại Việt Nam theo quy định của pháp luật” của hai bên công ty sẽ không bị coi là vô hiệu giống như quy định của Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003 nữa. Tuy nhiên, luật mới quy định các bên phải tiến hành thỏa thuận lại về hình thức trọng tài hoặc tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp. Còn nếu không thỏa thuận được thì việc lựa chọn hình thức, tổ chức trọng tài để giải quyết tranh chấp được thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn – tức theo yêu cầu của công ty TNHH N. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, trường hợp hợp đồng giữa hai công ty bị vô hiệu do vi phạm thẩm quyền kí kết như phân tích ở câu a, thì các điều khoản thỏa thuận trọng tài vẫn giữ nguyên hiệu lực. Bởi theo quy định tại Điều 19 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì: “thoả thuận trọng tài hoàn toàn độc lập với hợp đồng. Việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng vô hiệu hoặc không thể thực hiện được không làm mất hiệu lực của thoả thuận trọng tài”. Danh mục tài liệu tham khảo Bộ luật Dân sự năm 2005 Luật Doanh nghiệp năm 2005 Luật Thương Mại năm 2005 Luật trọng tài thương mại năm 2010 Nghị định số 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp Nghị định 63/2011 quy định chi tiết hướng dẫn một số điều của Luật trọng tài thương mại 2010 Nghị định 25/2004 quy định chi tiết một số điều của pháp lệnh trọng tài thương mại 2003 Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003 Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC số 05/2003/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Pháp lệnh trọng tài thương mại. Trung tâm thương mại quốc tế và Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, Trọng tài và các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn, Hà Nội, 2003. Nguyễn Thị Khế (chủ biên), Luật thương mại và giải quyết tranh chấp thương mại, Nxb. Tài chính, Hà Nội, 2007. Một số vấn đề về thỏa thuận trọng tài trong các hợp đồng thương mại. Tạp chí doanh nhân và pháp luật. 2010. Kỹ năng soạn thảo hợp đồng thương mại, Đỗ Đăng Khoa, tạp chí luật học số 11/2008.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docTình huống xoay quanh vấn đề thỏa thuận trọng tài của các bên trong hợp đồng.doc
Luận văn liên quan