[Tóm tắt] Luận án Khảo sát truyện kể dân gian Khơ Me nam bộ (qua thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích)

* Trong nhiều năm qua, lễ hội truyền thống của người Khơ Me Nam Bộ đã được chú trọng, bảo tồn và phát huy. Tuy nhiên, do tác động của nền kinh tế thị trường, lễ hội của người Khơ Me Nam Bộ đang có xu hướng đơn giản hóa dần dần, nhiều giá trị truyền thống trong lễ hội đang bị mai một và có nguy cơ biến dạng. Trước thực tế đó, việc nghiên cứu lễ hội một cách khoa học để đề ra những giải pháp hữu hiệu để làm cho sinh hoạt văn hóa lễ hội giữ được các giá trị văn hóa truyền thống, và phù hợp với nhu cầu của người dân là một việc làm cần thiết. * Khảo sát các sách về văn học dân gian Khơ Me cho thấy việc học ngữ văn Khơ Me vẫn còn nhiều bất cập về chương trình, nội dung và kế hoạch giảng dạy so với nhu cầu thực tế đặt ra. Chính những điều này sẽ làm cản trở việc tiếp thu, và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của người Khơ Me Nam Bộ trong chính cộng đồng của họ. * Khi chúng tôi tiến hành viết luận án thì một số nghệ nhân trong các phum sóc từng cung cấp tài liệu cho chúng tôi đã ra đi. Điều này lại thêm một lần nữa nhắc nhở chúng tôi ý thức về sự không vĩnh hằng của sự sống, về tính cấp thiết của việc gìn giữ truyền thống mà công việc chúng tôi làm trong luận án này hy vọng sẽ góp được một phần nhỏ trên hành trình đi tới tương lai. Những việc chúng tôi chưa làm được do khuôn khổ của luận án, do hạn chế của thời gian và khả năng, sức lực, rất hy vọng sẽ được giải quyết trong những công trình khác.

pdf27 trang | Chia sẻ: builinh123 | Lượt xem: 2587 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu [Tóm tắt] Luận án Khảo sát truyện kể dân gian Khơ Me nam bộ (qua thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích), để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
cứu người Khơ Me Nam Bộ về nhiều mặt, riêng phần văn học dân gian của người Khơ Me thì chưa được chú ý nhiều - Cuốn Văn hoá người Khơ Me ở Đồng bằng sông Cửu Long (1993) do giáo sư Trường Lưu chủ biên là công trình có giá trị trong việc nhận diện sự biến đổi văn hoá của người Khơ Me sau gần 30 năm kể từ công trình của Lê Hương. Trong cuốn sách này, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng đã dành đến 73 trang sách (từ trang 150 đến trang 223) cho phần văn học, trong đó phần văn học dân gian được tác giả viết sâu sắc và có nhiều kiến giải có giá trị. - Đoàn Văn Nô với công trình Người Khơ Me Kiên Giang (1995) có cách tiếp cận văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể của người Khơ Me ở Kiên Giang. Phần viết về văn học (18 trang, từ 91-109) là một tư liệu tham khảo có giá trị cho người viết. 3 - Năm 1999, hai tác giả Sơn Phước Hoan - Sơn Ngọc Sang cho xuất bản một chùm truyện dân gian có tên Chuyện kể Khơ Me. Chùm truyện này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn làm truyện đọc chính thức trong chương trình dạy song ngữ cho con em vùng đồng bào dân tộc. Chúng đã góp phần cung cấp cho luận án này một số tài liệu đáng kể để phân tích và so sánh, đối chiếu và khảo sát diện mạo văn học dân gian của dân tộc này. - Chuyện kể Khơ Me của hai tác giả Sơn Wang và Lâm Es đã đưa vào kho tàng văn học Khơ Me một số truyện khá mới mẻ, việc nghiên cứu về vấn đề này được cung cấp thêm những tài liệu mới. - Khoa Ngữ văn Trường Đại học Cần Thơ công bố bộ sưu tập Văn học dân gian Đồng bằng sông Cửu Long năm 1999. Phần tư liệu điền dã được cũng góp thêm nhiều tư liệu quý báu cho người viết trong việc so sánh, đối chiếu để tìm ra những nét giao lưu văn hoá của 3 cộng đồng tộc người này. - Cuốn Văn học dân gian Sóc Trăng và Văn học dân gian Bạc Liêu của thầy trò Khoa Ngữ văn và Báo chí, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh đã cung cấp thêm nhiều tư liệu về truyện kể dân gian của người Khơ Me Nam Bộ. - Tập chuyên khảo song ngữ Các lễ hội truyền thống của đồng bào Khơ Me Nam Bộ của 3 tác giả Sơn Phước Hoan, Sơn Ngọc Sang và Danh Sên nghiên cứu 8 lễ hội của đồng bào Khơ Me. Cuốn sách này cung cấp cho chúng tôi những tài liệu và gợi ý quý báu khi nghiên cứu mảng truyền thuyết và lễ hội dân gian của người Khơ Me Nam Bộ. Đặc biệt, để viết luận án này, từ 3 năm trước, người viết đã tổ chức cuộc thi Sưu tầm và tuyển chọn văn học dân gian Khơ Me Nam Bộ tại Trà Vinh. Cuộc thi thu hút hơn 5000 sinh viên của các Trường Cao đẳng, các đoàn viên thanh niên, các Huyện đoàn tham gia. Kết quả thu thập được tương đối khả quan.Trong đợt điều tra này, người viết thu thập được một số truyện dân gian hoàn toàn mới so sới các truyện đã từng biết và công bố từ các Mê phum, Mê sóc - từ để chỉ nhựng người lớn tuổi trong các phum, sóc Khơ Me (có nghĩa tương đương với Già làng của Tây Nguyên). Nhưng do điều kiện thời gian, người viết chưa công bố thành sách như hai công trình văn học dân gian Sóc Trăng và Bạc Liêu. Theo chúng tôi tự đánh giá, những tư liệu này là những tư liệu quý trong việc nghiên cứu về người Khơ Me vùng đất Nam Bộ. 4 Những công trình và các bộ sưu tập trên đây cung cấp những tư liệu quý và những gợi ý rất quý báu cho chúng tôi thực hiện đề tài này. 3. Mục đích nghiên cứu Luận án đặt ra các mục đích sau : - Khảo sát những nét cơ bản nội dung và nghệ thuật cơ bản của 3 ba thể loại:thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích. - Phân tích và chỉ ra một số đặc điểm cơ bản những motif cơ bản của ba thể loại trên trong sự lý giải với mối quan hệ tộc người. - Nghiên cứu mối quan hệ giữa 3 thể loại trên với văn hóa dân gian dân tộc Khơ Me. - Bước đầu so sánh văn học dân gian Khơ Me Nam bộ với văn học dân gian người Việt và văn học dân gian một số nước Đông Nam Á. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1. Đối tượng nghiên cứu : Chúng tôi khảo sát trên hai nguồn tài liệu sau : - Các tác phẩm được tuyển chọn in trong 4 tuyển tập văn học dân gian của người Khơ Me Nam Bộ đã xuất bản : Truyện cổ Khơ Me Nam Bộ (do Huỳnh Ngọc Trảng sưu tầm, biên soạn, 1983), Truyện cổ tích Khơ Me (Hồng Điệp sưu tầm và tuyển chọn, 1992), Văn học dân gian Sóc Trăng (Chu Xuân Diên chủ biên, 2002), Văn học dân gian Bạc Liêu (Chu Xuân Diên chủ biên, 2005). - Tài liệu điền dã : Đó là những truyện dân gian của người Khơ Me Nam Bộ mới được chúng tôi sưu tầm và chưa xuất bản (41 truyện và dị bản thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích). Tổng cộng đến thời điểm này, người viết đã có được 195 bản kể của các thể loại thần thoại, truyền thuyết và cổ tích .Trong đó : * Thần thoại : 31 (trong đó tác giả sưu tầm mới 02) * Truyền thuyết : 37 (trong đó tác giả sưu tầm mới 06) * Cổ tích : 127 (trong đó tác giả sưu tầm mới 33 ) 4.2. Phạm vi nghiên cứu : - Tìm hiểu một số phương diện văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng làm cơ sở để hiểu sâu văn học dân gian của người Khơ Me Nam bộ. - Trong luận án này, người viết chỉ khảo sát ba thể loại tự sự dân gian trong sáng tác ngôn từ của người Khơ Me. Đó là: Thần thoại, truyền thuyết và truyện cổ tích. 5 5. Phương pháp nghiên cứu : - Phương pháp điền dã: sưu tầm truyện kể dân gian và tham dự các diễn xướng văn hóa dân gian ở địa phương. - Phương pháp thống kê: thống kê truyện theo thể loại và các tiểu thể loại. - Phương pháp phân tích: Phân tích truyện theo đề tài, type hoặc motif theo đặc trưng của từng thể loại. - Phương pháp so sánh: so sánh truyện dân gian Khơ Me Nam Bộ với truyện dân gian Khơ Me Campuchia và truyện dân gian một số dân tộc ở Việt Nam và Đông Nam Á. - Phương pháp liên ngành : sử dụng những thành tựu của văn hóa học, khảo cổ học, sử học trong phân tích truyện dân gian Khơ Me Nam Bộ. 6. Đóng góp của luận án Qua quá trình sưu tầm, tuyển chọn, nghiên cứu, hệ thống hóa khối tư liệu gồm 3 thể loại: thần thoại, truyền thuyết và cổ tích trong văn học dân gian của người Khơ Me Nam Bộ, luận án đã có những đóng góp sau: - Lần đầu tiên có một công trình khảo sát các thể loại truyện kể dân gian, các type và motif truyện kể dân gian người Khơ Me Nam Bộ. - Bước đầu so sánh truyện kể dân gian của người Khơ Me Nam Bộ với truyện kể dân gian của người Khơ Me ở Campuchia và truyện kể dân gian của một số dân tộc ở Việt Nam. - Khảo sát mối quan hệ giữa văn học dân gian với văn hóa dân gian người Khơ Me Nam Bộ qua một số thể loại, từ đó đề xuất những giải pháp bảo tồn và phát triển vốn văn hóa truyền thống của người Khơ Me trong xã hội đương đại. 7. Bố cục của luận án : Ngoài phần Mở đầu , Kết luận, Tài liệu tham khảo và phụ lục , luận án gồm 4 chương : Chương 1 : Tổng quan về người Khơ Me ở Nam Bộ Chương 2 : Thần thoại Khơ Me Nam Bộ Chương 3 : Truyền thuyết Khơ Me Nam Bộ Chương 4 : Truyện cổ tích Khơ Me Nam Bộ 6 CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ NGƯỜI KHƠ ME Ở NAM BỘ 1.1. Khái lược về vùng đất và con người Nam Bộ: 1.1.1. Quan niệm về vùng văn hoá : Trong phần này, chúng tôi sử dụng khái niệm văn hóa vùng của Ngô Đức Thịnh trong cuốn Văn hoá vùng và phân vùng văn hoá ở Việt Nam, theo đó, Nam Bộ được coi là một trong 7 vùng văn hóa của Việt Nam với những đặc trưng riêng biệt của mình. Đó là “một vùng đất đai màu mỡ được con người khai thác và thuần phục chưa lâu” và là nơi “đã và đang diễn ra quá trình giao lưu, ảnh hưởng văn hóa khá sống động giữa các dân tộc”. Và hoàn cảnh tự nhiên và lịch sử khai thác vùng Nam Bộ cũng đã tôi luyện con người ở đây những tính cách, cá tính tiêu biểu, đó là tính cách Nam Bộ: dũng cảm, hiên ngang, hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài, phóng khoáng, mến khách, bộc trực, nhạy cảm với cái mới”. Việc nghiên cứu văn học dân gian của người Khơ Me trong luận án của chúng tôi sẽ luôn được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với đặc trưng văn hóa vùng Nam Bộ. 1.1.2. Khái lược lịch sử vùng đất: Những khám phá khảo cổ học vùng Nam Bộ cho biết rằng, từ thuở xa xưa, cách ngày nay từ 4000 năm đến 2500 năm, vùng đất này đã có người đến sinh sống. Sự phát triển rực rỡ của cảng thị Óc Eo, tồn tại từ khoảng từ thế kỷ II đến đầu thế kỷ VIII, đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình chinh phục đồng bằng sông Cửu Long. Tư liệu về lịch sử vùng đất Nam Bộ trước thế kỷ X không có nhiều. Sau thế kỷ X, đáng chú ý là những ghi chép của Châu Đạt Quan, sứ thần của triều đình nhà Nguyên được cử đi sứ nước Chân Lạp vào năm 1296. Ghi chép của ông này cho thấy vùng Nam Bộ quả là một vùng đất mới, gắn liền với công khai phá của nhiều dân tộc trong đó có người Khơ Me và người Việt. Từ thế kỷ XVII trở đi, vùng đất Nam Bộ đón nhận các đợt dân di cư của người Việt từ Bắc và Trung Bộ vào, sau đó là người Hoa vào cuối thế kỷ XVII, người Chăm vào thế kỷ XVIII. Cùng với thời gian, người Khơ Me đã có một nỗ lực chinh phục thiên nhiên và càng ngày càng gắn bó sâu sắc với vùng đất mới Nam Bộ; đồng thời, trong quá trình chung sống, người Khơ Me đã dần dần sống thân ái, hòa mục với các tộc người nơi đây. Như vậy, lịch sử Nam Bộ gắn chặt với sự di dân của các tộc người 7 Việt, người Hoa, người Chăm, kết hợp với người Khơ Me; đặc điểm này đã tạo nên một bảng màu đa văn hóa độc đáo của vùng đất này. 1.1.3. Khái lược văn hóa một số dân tộc ở Nam Bộ * Người Kinh Lịch sử và phong tục: Những người Kinh theo chúa Nguyễn vào Nam lập nghiệp là những người từ các vùng Ngũ Quảng (Quảng Nam, Quảng Ngãi,) và những người nghèo khó, cơ cực không chịu nổi sự cai trị hà khắc của chúa Trịnh ngoài Bắc phải đi tìm và tạo lập quê mới. Theo các tài liệu để lại, ta có thể thấy rằng, cũng như những nơi khác, người Việt ở Nam Bộ vẫn giữ tập quán của dân tộc. Ngoài tín ngưỡng thờ phụng tổ tiên, cúng lễ, săn sóc mộ phần ông bà, người Việt mang theo tín ngưỡng thờ thành hoàng vào vùng đất mới. Các làng, xã đều có những ngôi đình hoặc lớn hoặc nhỏ, hoặc còn giữ vẻ cổ kính, hoặc đã được sửa sang tu bổ lại. Đây là nơi do dân làng lập nên để thờ các vị thần hay những nhân vật tài đức, có công lao to lớn đối với dân làng nên được họ xin vua phong sắc để thờ. Việc tế tự ở các đình này thường thực hiện dưới hình thức thắp hương mỗi buổi chiều tại các bàn thờ. Các địa danh, các di tích lịch sử gắn với người Kinh: Kênh Vĩnh Tế, Đồng Tháp Mười, Rạch Gầm - Xoài Mút, chùa Bà Chúa Xứ (núi Sam- Châu Đốc), chùa Đất Sét (thị xã Sóc Trăng)... Các lễ hội, các họat động văn hoá: Lễ hội nghinh ông của cư dân miền biển, Đàn ca tài tử Nam Bộ. * Người Hoa: Lịch sử: Cuối thế kỷ 17 đầu 18, những người phản Thanh, phục Minh đã di cư và đến cư ngụ rất nhiều ở vùng đất Nam Bộ. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều người Hoa từ các tỉnh phía Nam Trung Quốc di cư xuống lập nghiệp ở đây. Đặc biệt, có một nhóm người Minh Hương do Mạc Cửu, vị quan triều Minh dẫn đầu, đã đến sinh cơ lập nghiệp, khai khẩn đất hoang lập nên vùng đất Hà Tiên. Đầu thế kỷ 18, Mạc Cửu quy phục nhà Nguyễn và được chúa Nguyễn phong làm quan tổng trấn Hà Tiên. Cùng với người Khơ Me, người Kinh, người Hoa đã góp phần hình thành bản sắc và tinh cách con người của vùng đất Nam Bộ. Một số danh lam, thắng cảnh, di tích tiêu biển gắn với người Hoa: Lăng Mạc Cửu, Tao đàn chiêu anh các, Thạch động, các ngôi chùa người Hoa còn gọi là chùa Ông Bổn. 8 Các lễ hội, sinh hoạt văn hóa tiêu biểu của người Hoa: Lễ hội chùa Ông, Hội tương tế người Hoa. * Người Chăm: Người Chăm ở Nam Bộ tập trung nhiều nhất tại tỉnh An Giang có nguồn gốc từ người Chăm ở Nam Trung Bộ di cư sang Campuchia. Đến giữa thế kỉ XIX, do chính quyền Campuchia lúc bấy giờ ngược đãi, một số người Chăm và gia đình theo chúa Nguyễn về định cư ở tả ngạn sông Tiền và Châu Đốc, dọc theo hai bờ sông Hậu (tỉnh An Giang ngày nay). Hầu hết người Chăm ở Nam Bộ đều theo đạo Hồi Islam chính thống. Người Chăm Nam Bộ có mối giao lưu văn hóa với người Inđônêxia và Mãlai. Những địa danh, thắng cảnh, di tích độc đáo gắn với người Chăm Nam Bộ: Các thánh đường Hồi giáo, di tích Bờ Đồn và nghĩa địa Hồi giáo Các lễ hội của người Chăm thường gắn liền với Hồi lịch, Tết trẻ em (Mubarom), lễ Cầu an (Talakbala), lễ Giáo chủ thăng thiên (Nabi Nao Mekrat), lễ Đại xá, lễ Tháng ăn chay ( Ramadan), lễ Hành hương thánh địa Mecca... 1.2. Tổng quan về người Khơ Me Nam Bộ : 1.2.1. Về thuật ngữ “người Khơ Me Nam bộ” được sử dụng trong luận án: Theo sự phân chia của tác giả Ngô Đức Thịnh, vùng văn hóa Nam Bộ được chia nhỏ thành 3 tiểu vùng là: tiểu vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiểu vùng Đồng Nai và tiểu vùng Sài Gòn - Gia Định. Mặc dù tư liệu văn học dân gian mà chúng tôi khảo sát chủ yếu là của người Khơ Me sống ở tiểu vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng trong luận án, chúng tôi có tham khảo và so sánh với văn học dân gian của hai tiểu vùng kia. Chính vì vậy, phạm vi khảo sát của chúng tôi là người Khơ Me Nam Bộ chứ không chỉ là người Khơ Me đồng bằng sông Cửu Long. 1.2.2. Vấn đề tộc người Khơ Me : Bằng việc nghiên cứu về tính chất di truyền của máu huyết, các nhà khoa học xác nhận một một nhóm huyết cầu hiện diện ở miền Nam Việt nam nhiều hơn ở miền Bắc Việt Nam. Chứng minh khoa học này cho phép xác định người Khơ Me ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay và người Khơ Me ở Campuchia là cùng một nguồn gốc. 1.2.3. Tên gọi tộc người Khơ Me Nam Bộ qua các thời kỳ lịch sử ở Việt Nam : Thời nhà Nguyễn gọi người Khơ Me ở Nam Bộ là Miên.Thời kỳ đấu tranh chống chế độ thực dân, phong kiến thì Đảng Cộng sản Việt Nam, trong các văn bản chính thức của 9 mình, gọi người Miên, Thổ là người Khơ Me Nam Bộ. Tên này được đồng bào người Việt cũng như giới sư sãi, người Khơ Me đồng tình và hiện đang được sử dụng rộng rãi. 1.2.4. Dân số Khơ Me Nam Bộ qua các thời kỳ : Theo bảng thống kê dân số năm 1945 của phủ thống đốc Nam Kỳ, tộc người Khơ Me có khoảng 242.157 người. Đến năm 1955, dân số của tộc người Khơ Me tăng gấp 4 lần. Hiện nay, người Khơ Me ở nước ta khoảng trên 1,1 triệu và đều cư trú ở các tỉnh Nam Bộ mà nhiều nhất là ở Sóc Trăng, Trà Vinh. 1.2.5. Phong tục: Hầu hết người Khơ Me theo đạo Phật tiểu thừa. Ngôi chùa là nơi tôn nghiêm cũng là nơi gắn bó với đời sống tâm linh của người Khơ Me. Đồng bào Khơ Me thường đi lễ chùa để tích công đức. Người con trai sắp đến tuổi trưởng thành phải vào chùa tu hai năm để báo hiếu cho cha mẹ, ông bà tổ tiên. 1.2.6. Những địa danh, thắng cảnh, di tích độc đáo gắn với người Khơ Me Nam Bộ: Chùa Mã Tộc (chùa Dơi), chùa Chén Kiểu, địa danh Bãi Xàu thuộc Cù lao Dung (tỉnh Sóc Trăng); chùa Âng, chùa Hang, chùa Ông Mẹt, ao Bà Om (tỉnh Trà Vinh). 1.2.7. Các lễ hội tiêu biểu của người Khơ Me Nam Bộ: Lễ hội vào năm mới Chol Chơnăm Thamây (hay lễ chịu tuổi), Lễ Sen Đôn ta (hay còn gọi là lễ cúng ông bà), Lễ Ok Ombok (hay lễ cúng trăng). Ngoài ra, người Khơ Me còn có các lễ hội khác như lễ làm phước, lễ “chotsima” (khánh thành chùa mới), lễ dâng bông, lễ dâng y 1.3. Khái lược văn học dân gian Khơ Me Nam Bộ: Trong luận án, chúng tôi giới thiệu khái quát những thể loại văn học dân gian của người Khơ Me Nam Bộ như: Thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười, thành ngữ tục ngữ, ca dao dân ca và sân khấu dân gian. *Tiểu kết chương 1 : - Nam Bộ là một vùng đất mới, nơi có sự cộng cư của nhiều dân tộc. Cùng với các tộc người khác như người Hoa, người Chăm, người Kinh, người Khơ Me đã có nhiều đóng góp vào đời sống văn hóa chung của các dân tộc trên mảnh đất này. - Một điều khác biệt rõ nét là cuộc sống của người Khơ Me Nam Bộ chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo và Bà la môn giáo. - Khi đến với vùng đất mới là vùng Nam Bộ Việt Nam, người Khơ Me đã mang theo trong hành trang tinh thần vốn văn học dân gian cổ truyền đặc sắc của mình. 10 CHƯƠNG 2 THẦN THOẠI KHƠ ME NAM BỘ 2.1. Giới thuyết chung về thể loại thần thoại: Trong phần này, chúng tôi dựa vào quan niệm về thể loại thần thoại của các nhà nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam để triển khai phần khảo sát và phân tích tư liệu thần thoại Khơ Me Nam Bộ. 2.2. Khái quát về thần thoại Khơ Me Nam Bộ 2.2.1. Giới thiệu chung: Tại thời điểm chúng tôi nghiên cứu, hiện có 31 bản kể thần thoại, trong đó có các truyện giải thích về nguồn gốc vũ trụ, muôn loài và các hiện tượng thiên nhiên, các truyện giải thích về nguồn gốc loài người và những khát vọng của con người trong chinh phục thiên nhiên. 2.2.2. Thống kê: Trong 5 bộ tư liệu nói trên, sau khi loại bỏ các truyện trùng lặp, chúng tôi chọn được 18 truyện để thống kê, khảo sát và phân tích. (Xem bảng thống kê ở phần Phụ lục luận án) 2.3. Nhận xét và phân tích bảng phân loại: 2.3.1. Nhóm truyện giải thích sự sáng tạo vũ trụ và muôn loài : Thuộc mảng đề tài này, văn học dân gian của người Khơ Me Nam Bộ có Nguồn gốc vũ trụ và muôn loài, Ngày tận thế sưu tầm được ở Bạc Liêu, Sự hình thành trái đất và loài người sưu tầm ở Sóc Trăng. Những thần thoại này đã thể hiện được quan niệm của người Khơ Me Nam Bộ về sự hình thành của thế giới, quan niệm này bên cạnh những yếu tố duy vật thô sơ đã thể hiện sự ảnh hưởng sâu sắc của Bà la môn giáo. 2.3.2. Nhóm truyện giải thích nguồn gốc loài người : Thần thoại của người Khơ Me Nam Bộ có một đặc điểm là những truyện giải thích nguồn gốc loài người được lồng vào trong các truyện giải thích về nguồn gốc vụ trụ. Chính vì thế, mảng đề tài giải thích về nguồn gốc loài người có thể tìm thấy trong truyện Nguồn gốc vũ trụ và muôn loài, Sự hình thành trái đất và loài người ở các bản kể. Ngoài ra, thần thoại về nguồn gốc loài người của người Khơ Me Nam Bộ được thể hiện ở một truyện quen thuộc với các truyện kể của Đông Nam Á là truyện Quả bầu mẹ. Chỉ có một điều khác biệt là truyện Quả bầu mẹ do người Khơ Me Nam Bộ 11 kể không gắn motif lũ lụt như trong truyện của các dân tộc khác. Chúng tôi chưa lí giải được nguyên nhân của hiện tượng này. 2.3.3. Nhóm truyện giải thích sự xuất hiện của mặt trăng, mặt trời và các hiện tượng tự nhiên: Thuộc loại này, truyện của người Khơ Me Nam Bộ có Sự tích Mưa, Gió, Mặt trời và mặt Trăng, Chuyện Ria- hu hay sự tích Mặt Trăng, Mặt Trời và hiện tượng Nhật Thực, Nguyệt Thực và Sự tích lưỡi tầm sét. Những truyện này thể hiện sự chi phối của quan niệm Bà la môn giáo rất đậm nét. Ngoài ra, còn có truyện Sự tích hình thỏ trên mặt trăng mang cảm thức Phật giáo sâu đậm. 2.3.4. Nhóm truyện lí giải về cuộc chinh phục thiên nhiên của người Khơ Me Nam Bộ: Ở mảng đề tài này, tiêu biểu là các truyện Sự tích về lửa, Sự tích hạt lúa, Cá thác lác đi xin lúa, Sự tích cơm gạo, Thần Núi và thần Nước, Niếctà Phơnum và Niếctà Tức và Bồpiêl diệt cá sấu khổng lồ. Trong những thần thoại này chúng ta bắt gặp những motif quen thuộc như motif người đàn bà lười biếng trong thần thoại về sự tích hạt lúa, nước dâng cao bao nhiêu núi dâng cao bấy nhiêu trong thần thoại về thần núi, thần nước. hay người anh hùng diệt cá sấu như trong thần thoại của các dân tộc khác ở Việt Nam và Đông Nam Á. 2.4. So sánh: 2.4.1. So sánh thần thoại Khơ Me Nam Bộ với thần thoại Khơ Me ở Campuchia: So với thần thoại của người Khơ Me ở Campuchia mà chúng tôi có được thì thần thoại người Khơ Me Nam Bộ có nhiều truyện gần gũi như Sự tích lưỡi tầm sét và nhiều truyện mới như Nguồn gốc vũ trụ và muôn loài, Qủa bầu mẹ, Sự tích hạt lúa. Những truyện mới này có thể ra đời do sự giao lưu với các dân tộc trên mảnh đất mới Nam Bộ mà có. 2.4.2. So sánh thần thoại người Khơ Me Nam Bộ với thần thoại một số dân tộc ở Việt Nam: Khi so sánh thần thoại Khơ Me với nhiều thần thoại khác của các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, chúng tôi nhận thấy rằng giữa chúng có nhiều motif và type giống nhau một cách kỳ lạ. Sự giống nhau này có thể giải thích bằng hai lý do: thứ nhất là lý do cơ tầng văn hoá bản địa Đông Nam Á, thứ hai là lý do đến từ quá 12 trình cộng cư giao lưu văn hoá của các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay. Chẳng hạn như type sáng tạo ra vũ trụ và muôn loài, motif người đàn bà lười biếng trong thần thoại về sự tích hạt lúa, nước dâng cao bao nhiêu núi dâng cao bấy nhiêu trong thần thoại về thần núi, thần nước. hay motif nhiều mặt trời. 2.4.3. So sánh với thần thoại Đông Nam Á: Dựa vào những tài liệu có được, chúng tôi nhận thấy, so với thần thoại Đông Nam Á, thần thoại của người Khơ Me Nam Bộ có sự tương đồng về ba motif cơ bản là motif lũ lụt - hồng thuỷ, motif nhiều mặt trời - hạn hán và motif trái bầu - quả bầu - quả trứng sinh ra loài người. (Trong khi đó, chúng tôi không tìm thấy những motif này ở các tuyển tập truyện dân gian Campuchia đã xuất bản ở Việt Nam). * Tiểu kết : - Thần thoại Khơ Me Nam Bộ không còn giữ được đầy đủ hệ thống nhưng nhìn chung đã nêu cũng phản ánh được hiện thực xã hội, tư tưởng, tâm hồn của Khơ Me Nam Bộ cổ xưa. Những vấn đề cơ bản thường có trong thần thoại của loài người đều được phản ánh như vấn đề về nguồn gốc vũ trụ, nguyên nhân các hiện tượng tự nhiên, nguồn gốc các loài động vật, thực vật và con người, nguồn gốc dân tộcđều có trong thần thoại của người Khơ Me Nam Bộ. - Ngoài khát vọng giải thích các hiện tượng tự nhiên như mây mưa, sấm chớp, hiện tượng nhật thực, nguyệt thực và chiến thắng các hiện tượng tự nhiên như lũ lụt, hạn hán thần thoại Khơ Me Nam Bộ còn phản ánh ước mơ hồn nhiên, giản dị của mình bằng việc giảm nhẹ sức lao động và có năng suất cao và hướng tới giải thích các đặc điểm của các loài vật và con người. Gorki nói tới “sự nhìn xa” của người nguyên thuỷ trong thần thoại chính là vậy. Và trên thực tế, những phát minh khoa học tân tiến hiện nay một phần là nhờ vào trí tưởng tượng phong phú đó. - Tuy đã thất lạc, vỡ vụn và biến tướng nhiều nhưng thần thoại Khơ Me Nam Bộ vẫn còn giữ lại khá nhiều hình tượng kỳ vĩ, nhiều chi tiết sống động, hấp dẫn, những cảm nghĩ hồn nhiên mà độc đáo, những thủ pháp nghệ thuật có giá trị. Những hình ảnh được miêu tả trong thần thoại Khơ Me Nam Bộ mang đậm dấu ấn của thiên nhiên vùng này rất rõ. Tất cả đều phản ánh trí tưởng tượng dồi dào, độc đáo và giàu chất sáng tạo của những người Khơ Me thời cổ trên vùng đất Nam Bộ ngày nay. - Cũng như thần thoại của các dân tộc khác, thần thoại của người Khơ Me Nam Bộ cũng đã bị tản mác nhiều, vì vậy, để hiểu được thể loại văn học dân gian này, 13 chúng tôi đã thực hiện nhiều đợt điền dã và đã thu thập được nhiều mảnh vụn của thần thoại trong dân gian. Từ việc làm này, chúng tôi cho rằng, việc nghiên cứu văn học dân gian người Khơ Me Nam Bộ cần tiến hành khẩn trương để góp phần lưu giữ di sản văn hóa tinh thần của tộc người này. CHƯƠNG 3 TRUYỀN THUYẾT KHƠ ME NAM BỘ 3.1. Giới thuyết về thể loại truyền thuyết: Trong phần này, chúng tôi dựa vào kết quả của những nhà nghiên cứu đi trước như Kiều Thu Hoạch, Đỗ Bình Trị, Hoàng Tiến Tựu, Lê Chí Quế, Trần Thị An để triển khai sự khảo sát và phân tích của mình. 3.2. Truyền thuyết Khơ Me Nam Bộ 3.2.1.Giới thiệu chung: Chúng tôi thống kê được 37 truyện và dị bản truyền thuyết.Tuy nhiên,có thể thấy rằng, truyền thuyết người Khơ Me Nam Bộ tuy có số lượng nhiều hơn thần thoại nhưng thực ra không thật phong phú về số lượng cũng như đề tài. Nhìn vào danh sách các tên truyện, có thể thấy rõ rằng, truyền thuyết người Khơ Me Nam Bộ chỉ có một truyền thuyết nhân vật đó là truyền thuyết Pôpitxnôka kể về một vị tổ nghề (2,7%), và thiếu vắng hoàn toàn tiểu loại truyền thuyết nhân vật lịch sử. Cũng theo số liệu thống kê của chúng tôi, truyền thuyết của người Khơ Me Nam Bộ có nhiều truyền thuyết phong vật (truyền thuyết giải thích phong tục và lễ hội: 12 truyện, chiếm 32%) và truyền thuyết địa danh (22 truyện, chiếm 59%). Ngoài ra, còn có 2 truyền thuyết về tình đoàn kết của các dân tộc ở Nam Bộ (chiếm 5,4%). 3.2.2.Thống kê : (Xem bảng thống kê ở phần Phụ lục luận án) 3.3. Nhận xét và phân tích bảng thống kê: 3.3.1. Truyền thuyết giải thích phong tục: Tiêu biểu là các truyền thuyết Sự tích Chôl chhnăm thmây gắn với lễ Chôl Chhnăm Thmây (lễ vào năm mới), truyền thuyết về Sự tích Phchum Bân Sen Đônta gắn với lễ Bun Sen Đônta (lễ cúng ông bà), truyền thuyết Sự tích con thỏ và mặt trăng gắn với lễ Bund Thvai Preskhe (lễ cúng trăng), truyền thuyết Sự tích đua ghe ngo gắn với lễ Ok Om BokNhóm truyện này còn cho thấy tín ngưỡng đạo Phật Tiểu thừa và ảnh hưởng của Bà la môn đối với người Khơ Me vô cùng sâu sắc.. 14 3.3.2. Truyền thuyết địa danh : Có thể thấy mật độ dày đặc các truyền thuyết địa danh ở vùng đất người Khơ Me Nam Bộ. Đó là các truyền thuyết gắn với sông, rạch ao, hồ và núi non như: Sự tích Ao Bà Om (Trà Vinh), Sự tích Bãi Xào ( Sóc Trăng, Trà Vinh). Bên cạnh đó, có những truyền thuyết mới xuất hiện sau này nhằm giải thích tên một làng, một ấp như Sự tích Làng Tà Điếp, Sự tích Ấp Bờ Đập (Sóc Trăng) Trong các truyền thuyết về địa danh của người Khơ Me Nam Bộ, có một số môtif : motif đất thiêng.,môtif thi tài..,tuy nhiên không nhiều.Điều này cho thấy rằng, truyền thuyết của người Khơ Me Nam Bộ vẫn đang trên con đường hoàn chỉnh, tuy nhiên, vì truyền thuyết của họ vẫn sống với lễ hội, với cuộc sống người dân cho nên, truyền thuyết của họ vẫn đang tiếp tục sản sinh, tiếp tục được hoàn thiện. Điều này vẫn còn chờ đợi rất nhiều ở những nghệ nhân tài năng của dân tộc Khơ Me. 3.3.3. Truyền thuyết về sáng tạo văn hoá, các vị tổ nghề : Thuộc loại đề tài này, chỉ có truyện Pô - pit - xnô- ka .Đây là một truyện hiếm hoi mà người Khơ Me Nam Bộ ghi lại niềm tự hào về vị tổ nghề của dân tộc mình. , thể hiện sự đan xen giữa tín ngưỡng thờ tổ nghề của nhân dân với Bà La Môn giáo và đề cao tinh thần trọng dụng người tài; chỉ qua một truyền thuyết về việc tôn vinh tổ nghề, chúng ta cũng có thể thấy người Khơ Me đã rất coi trọng những thành tựu lao động sáng tạo của dân tộc mình. 3.3.4. Truyền thuyết về tình đoàn kết của các dân tộc cộng cư ở Nam Bộ: Một nhóm truyện giải thích cội rễ tình đoàn kết của các dân tộc anh em cùng cộng cư vùng Nam Bộ. Đó là các truyện Kinh và Khơ Me là hai anh em, Người Khơ Me và người Hoa là anh em. (có thể nói đây là chủ đề đặc biệt, chủ đề tạo nên sự đặc sắc của thể loại truyền thuyết Khơ Me Nam Bộ. Nhóm truyền thuyết này đã thể hiện sự gắn bó giữa những con người vốn xa lạ trước đây nhưng đã chung lưng đấu cật với nhau trên mảnh đất hoang vu và hiểm trở này suốt một thời gian dài). 3.4. So sánh : 3.4.1.So sánh truyền thuyết Khơ Me Nam Bộ với truyền thuyết Khơ Me ở Campuchia: Điều đầu tiên khi nghiên cứu về truyền thuyết dân gian (cả ở Campuchia và Nam Bộ) mà người viết thấy rõ nhất là: Truyền thuyết Khơ Me ở Campuchia có truyền thuyết về lập quốc, còn ở Khơ Me Nam Bộ thì không. 15 Truyền thuyết của người Khơ Me Nam Bộ đề cao vai trò của con người hơn truyền thuyết của người Khơ Me Campuchia, các vị thần ở đây nếu có cũng là được đặt trong mối quan hệ với con người chứ không đóng vai trò chủ đạo. Điều thứ ba mà chúng tôi nhận thấy khi nghiên cứu, so sánh truyền thuyết của người Khơ Me Nam Bộ và người Khơ Me Campuchia là: có một sự thay đổi về cơ bản không gian của truyện. Nếu không gian chính diễn ra các sự kiện trong truyền thuyết Campuchia là các khu rừng hoặc kinh thành thì khi đến Nam Bộ, không gian đó là cánh đồng ngập nước, hạn hán, hoang vu, thú dữ, là những đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long. 3.4.2. So sánh truyền thuyết Khơ Me Nam Bộ với truyền thuyết của người Việt và truyền thuyết các nước Đông Nam Á Nếu như các truyền thuyết Việt thường lồng vào hai vấn đề chống ngoại xâm và giải thích tên đất, tên sông, chẳng hạn như : Phù Đổng Thiên Vương, Sự tích đồi Đùm đứt quai, đồi vai lọt sọt, Thần thuồng luồng ở Cầu Hang, thì các truyền thuyết của các dân tộc anh em ở Đông Nam Á có nét tương đồng với truyền thuyết người Khơ Me Nam Bộ ở chỗ, chúng đơn thuần chỉ là những truyện giải thích địa danh. Tiểu kết : - Đặc điểm nổi bật của truyền thuyết người Khơ Me Nam Bộ là việc không có chủ đề về lịch sử dựng nước và giữ nước rõ nét như người Việt, hay mang ảnh hưởng khá đậm của tôn giáo như trong các truyền thuyết của người Khơ Me Campuchia hay của các dân tộc Đông Nam Á khác. - Trong các truyền thuyết về địa danh, những hình ảnh về thiên nhiên con người cùng văn hoá địa phương Nam Bộ được phản ánh một cách chân thực, chất phác, trực quan và thật thà như chính bản thân con người của họ vậy. - Đặc điểm nổi bật của nghệ thuật kể chuyện trong truyền thuyết người Khơ Me Nam Bộ là tính ngắn gọn và đơn giản - Truyền thuyết của người Khơ Me Nam Bộ thể hiện ảnh hưởng của các tôn giáo như Phật giáo và Ấn Độ giáo. - Trong các nhóm truyền thuyết của người Khơ Me Nam Bộ mà chúng tôi khảo sát ở trên, chúng tôi nhận thấy nhóm truyền thuyết về phong tục có cốt truyện, có kết cấu khá chặt chẽ và mang nhiều yếu tố huyền ảo hơn. Còn mảng truyền thuyết địa danh và truyền thuyết về tình đoàn kết dân tộc gần với hiện thực hơn. 16 CHƯƠNG 4 TRUYỆN CỔ TÍCH KHƠ ME NAM BỘ 4.1. Giới thuyết về thể loại truyện cổ tích : Những định nghĩa về cổ tích của các nhà khoa học đã dần đi sâu vào bản chất của truyện cổ tích, với tư cách là một thể loại tự sự dân gian, tuy nhiên, theo chúng tôi, đó vẫn chưa là những định nghĩa cuối cùng. Chúng tôi chọn định nghĩa của Chu Xuân Diên làm cơ sở lí luận cho việc khảo sát thể loại cổ tích của mình trong luận án này. 4.2. Truyện cổ tích Khơ Me Nam Bộ: Tổng hợp các công trình sưu tầm của nhiều tác giả, kết hợp với công trình điền dã, chúng tôi thống kê sơ bộ có 127 truyện và các dị bản cổ tích, trong đó, cổ tích thần kì có 64 truyện, cổ tích loài vật có 35 truyện, cổ tích sinh hoạt có 28 truyện. Các bảng thống kê của chúng tôi được chia thành 3 tiểu loại: cổ tích thần kỳ, cổ tích sinh hoạt và cổ tích loài vật. Cơ sở để lập bảng thống kê của chúng tôi là: căn cứ vào phương diện nội dung và nghệ thuật nổi trội của từng thể loại mà chia ra các mục để thống kê. Chúng tôi hy vọng rằng, việc thống kê truyện cổ tích theo các phương diện nội dung, nhân vật, vật thần kỳ, lực lượng phù trợ, type và motif (đối với truyện cổ tích thần kỳ) và nội dung, nhân vật, mục đích của truyện (đối với truyện cổ tích sinh hoạt và loài vật) sẽ góp phần đưa lại cái nhìn tổng quát về diện mạo truyện cổ tích người Khơ Me Nam Bộ cho người đọc (Xem bảng thống kê phụ lục luận án). 4.3. Nhận xét và phân tích bảng thống kê: Được phân tích theo các nhóm truyện sau (đồng thời do đặc điểm thể loại chúng tôi lồng ghép việc so sánh truyện cổ tích của người Khơ Me Nam Bộ với các dân tộc khác ở Việt Nam và khu vực trong các nội dung phân tích): 4.3.1. Truyện cổ tích thần kỳ của người Khơ Me Nam Bộ: Nhóm truyện dũng sĩ diệt yêu quái chiếm số lượng lớn nhất (27/64, chiếm 42%). Nhóm truyện người mang lốt (9/64, chiếm 14%). Tiếp đến là các nhóm truyện về người lấy tiên (5/64, chiếm 7,8%), nhóm truyện về nhân vật người mồ côi, người em út (4/64, chiếm 6,25%). Nhóm truyện về người con riêng chỉ chiếm số lượng ít (3/64, chiếm 4,6%), cùng bằng số lượng với nhóm truyện về loài vật trả ơn. Cuối cùng là truyện đi hỏi số phận (1/64, chiếm 1,5%). Một điều đặc biệt là, trong truyện 17 cổ tích của người Khơ Me Nam Bộ, những truyện cổ tích thần kỳ chưa quy về được kiểu truyện nào chiếm số lượng khá lớn (12/64, chiếm 18,75%). * Kiểu truyện dũng sĩ diệt yêu quái: Trong 27 truyện thuộc kiểu truyện này, các nhân vật thần kỳ thường là: chằn tinh (xuất hiện 18 lần), hoàng tử (xuất hiện 16 lần), nhà vua (xuất hiện 9 lần), lục tà (7 lần), đạo sĩ (7 lần), đại bàng (5 lần), quỷ (1 lần). Nhìn vào tần số xuất hiện của các nhân vật, có thể thấy chằn tinh có số lần xuất hiện nhiều nhất. Đây là nét đặc biệt của truyện cổ Khơ Me Nam Bộ so với truyện cổ tích thần kỳ của các dân tộc khác.Về kết thúc truyện, trong 27 truyện trên, có tới 23 truyện kết thúc bằng việc lên ngôi vua của nhân vật chính, chiếm 85%. * Kiểu truyện người mồ côi, người em út Trong bảng thống kê của chúng tôi, số lượng truyện về nhân vật mồ côi hay em út chỉ có 4 truyện/64 truyện (chiếm 6,25%). Tuy số lượng ít nhưng các truyện thuộc kiểu truyện này của người Khơ Me Nam Bộ có giá trị nội dung sâu sắc và được thể hiện bằng một cách kể chuyện rất hấp dẫn, mang tính tương đồng loại hình cao. * Kiểu truyện người con riêng: Trong bảng thống kê của chúng tôi, chỉ có 3/64 truyện l kể thuộc type truyện này (chiếm 4,6%). Những truyện kể này vừa mang tính tương đồng loại hình sâu sắc, vừa mang tính riêng khá đậm nét. * Kiểu truyện người mang lốt Kiểu truyện người mang lốt ở truyện cổ tích người Khơ Me Nam Bộ có 9/64 truyện, chiếm 14%. 4.3.2. Truyện cổ tích sinh hoạt của người Khơ Me Nam Bộ Khi khảo sát truyện cổ tích sinh hoạt của người Khơ Me Nam Bộ, chúng tôi tiến hành phân chia thành nhóm, theo các chủ đề được phản ánh trong truyện. Và khi tiến hành phân tích, chúng tôi so sánh với truyện của các dân tộc khác theo các chủ đề liên quan mà không tách ra thành các phần so sánh riêng. Qua thống kê, khảo sát, chúng tôi thấy rằng, truyện cổ tích sinh hoạt của người Khơ Me Nam Bộ có thể được phân chia thành các nhóm nhỏ như sau: - Nhóm truyện ca ngợi nhân vật đức hạnh, thủy chung, siêng năng, hiếu thảo (10 truyện) 18 Truyện cổ tích Khơ Me Nam Bộ có nhiều truyện ca ngợi những người có đức tính tốt với dụng ý dựng lên những tấm gương mà người đời cần phải noi theo. - Nhóm truyện phê phán những nhân vật có thói xấu, hành vi độc ác (4 truyện) Nhóm truyện thứ hai trong cổ tích sinh hoạt của người Khơ Me có chủ đề phê phán những thói xấu, những hành vi độc ác của con người trong xã hội. - Nhóm truyện về nhân vật thông minh :(10 truyện) Nhóm truyện người thông minh có số lượng cao bằng nhóm truyện về các nhân vật đức hạnh, tình nghĩa, số lượng truyện của nó là 10/28, chiếm 35,7%. Nhóm truyện về nhân vật ngốc nghếch: (2 truyện) Bên cạnh những con người tài trí thông minh thì còn có những trường hợp ngược lại, đó là truyện kể về những anh ngốc nghếch. Nhóm truyện này thường mang đến nụ cười hóm hỉnh của người kể dành cho anh ngốc (có khi ngốc thật và cũng có khi giả ngốc). Trong bảng thống kê của chúng tôi, nhóm truyện này chỉ gồm có 2/28 truyện, chiếm 7,1%. 4.3.3. Truyện cổ tích loài vật của người Khơ Me Nam Bộ Người Khơ Me Nam Bộ có khá nhiều truyện cổ tích loài vật. Trong khi truyện cổ tích sinh hoạt chỉ có 28/127 truyện (chiếm 22,4%) thì bộ phận truyện cổ tích loài vật chiếm tới 35/127 truyện (27,5%). Truyện cổ tích loài vật của người Khơ Me Nam Bộ, có thể chia thành hai nhóm truyện nhỏ: * Truyện giải thích đặc điểm hình dáng loài vật : Nhóm truyện này khi mô tả đặc điểm hình dáng bề ngoài con vật thường nói đến nguồn gốc các đặc điểm đó: Vì sao chó thấy được ma, Vì sao mèo có thói quen sạch sẽ, Bò và ngựa, Trâu nhà và trâu rừng Người Khơ Me chọn những con vật gần gũi với cuộc sống gia đình con người, với cách kể đơn giản, dễ hiểu đã góp phần làm cho việc tìm hiểu thế giới động vật trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. * Nhóm truyện về tính cách và bản chất loài vật:: Ngoài những truyện cổ tích dùng để giải thích đặc điểm cũng như nguồn gốc các đặc điểm của các con vật thì truyện cổ tích của người Khơ Me Nam Bộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn có một hệ thống truyện kể về những tính cách và bản chất loài vật, trong số đó, nhóm truyện về các con vật thông minh có khá nhiều truyện. 19 Thông qua nhóm truyện này, tác giả dân gian ca ngợi trí thông minh của người bình dân: Con gấu và cây cổ thụ, Bướm và sâu, Thỏ cứu Voi, Cò và Cua, Cóc, Rùa và Hổ * Tiểu kết : - Có thể thấy trong kho tàng cổ tích của người Khơ Me Nam Bộ nhiều type và motif quen thuộc của cổ tích thần kỳ thế giới cũng như những chủ đề của truyện cổ tích sinh hoạt người Việt như truyện dũng sĩ diệt yêu quái, truyện người con riêng, người mồ côi, người em út, trong đó, có một số lượng lớn kiểu truyện dũng sĩ diệt yêu quái. Nhân vật chằn ác phần nào phản ánh cuộc sống đầm lầy và sông nước đặc trưng của người Khơ Me Nam Bộ. - Cũng như truyện cổ tích của các dân tộc khác, yếu tố thần kỳ của truyện cổ tích người Khơ Me Nam Bộ thể hiện ở các chi tiết về vật thần kỳ và lực lượng siêu nhiên và thế giới thần kỳ. - Truyện cổ tích của người Khơ Me Nam Bộ mang đậm dấu ấn Phật giáo ở cả phương diện nội dung và nghệ thuật. Về mặt nội dung, có thể thấy mảng cổ tích Phật thoại chiếm một vị trí không lớn nhưng đáng kể trong truyện cổ tích Khơ Me Nam Bộ. Mảng đề tài về Phật giáo được thể hiện ở nhiều truyện cổ tích. Có điều này là vì tín ngưỡng Phật giáo chi phối mọi mặt trong đời sống của người Khơ Me Nam Bộ. - Một phương diện nghệ thuật khá đặc sắc trong truyện cổ tích của người Khơ Me Nam Bộ là không gian nghệ thuật. Nếu như truyện cổ tích của người Kinh hay một số dân tộc khác đa phần có không gian là chốn dân gian như ở một vùng nọ hay ở chốn khu rừng kia. Ngoài yếu tố không gian phiếm chỉ như phum nọ, sóc kia, khu rừng này...thì truyện cổ tích của người Khơ Me Nam Bộ còn có không gian kinh thành, cung vua... Sự kết hợp này đã tạo nên tính phong phú đa dạng về mặt không gian trong kho tàng truyện kể của người Khơ Me Campuchia, đồng thời còn thể hiện mặt tốt đẹp khác đó là mối quan hệ gắn bó giữa dân tộc Khơ Me với các dân tộc anh em. - Truyện cổ tích của người Khơ Me Nam Bộ, cũng không khó tìm ra những thần thoại, truyền thuyết bị cổ tích hóa, những truyện mà nhà nghiên cứu khó xếp vào cổ tích hay ngụ ngôn, những truyện cổ tích mà trong đó, yếu tố gây cười hết sức đậm đà. Tuy nhiên, truyện cổ tích của người Khơ Me Nam Bộ còn chứa đựng sự đan xen của các tiểu loại cổ tích thần kỳ, cổ tích sinh hoạt. Sự thâm nhập này khiến cho truyện cổ tích của người Khơ Me Nam Bộ nhiều tình tiết và thường không đi theo khuôn khổ của những type truyện mà là xâu chuỗi của nhiều câu chuyện. Sự đan xen này làm 20 cho truyện cổ tích Khơ Me Nam Bộ phá vỡ khuôn khổ cốt truyện thường thấy trong truyện cổ tích, nó làm cho người đọc không tìm thấy lối mòn quen thuộc nên gây bỡ ngỡ nhưng nó lại đưa người đọc đến những lối nẻo mới, mời gọi sự khám phá. - Truyện cổ tích của người Khơ Me Nam Bộ thể hiện “muôn mặt đời thường” của người Khơ Me Nam Bộ một cách sinh động với nhiều chi tiết riêng biệt trong những truyện về các chủ đề quen thuộc. Sự sáng tạo này làm cho truyện cổ tích Khơ Me Nam Bộ mang một diện mạo riêng, với những đặc sắc riêng, chờ đợi những công trình nghiên cứu chuyên biệt để càng ngày, chúng ta càng hiểu thêm một dân tộc có bản sắc văn hóa đậm nét này. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 1. Là một vùng đất mới, Nam Bộ gắn chặt với sự di cư và cộng cư của nhiều tộc người: Kinh, Hoa, Khơ Me, Chăm...Các tộc người này lần lượt đến với vùng đất hoang sơ, trù phú và phóng khoáng này, chinh phục và định cư nơi đây. Trong quá trình cộng cư trên mảnh đất Nam Bộ, mỗi một dân tộc đã góp những nét riêng của mình khiến cho đời sống văn hóa trên vùng đất Nam Bộ trở nên phong phú và đa dạng. Trong các tộc người đó, cuộc sống của người Khơ Me nổi bật bởi ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu sắc của Phật giáo và Bà la môn giáo lên đời sống văn hóa vật thể và phi vật thể của họ. Điều này có thể thấy rõ ở các ngôi chùa, ngôi đền có mặt khắp nơi trên địa bàn người Khơ Me sinh sống, ở các lễ hội mà trong đó, sự đan xen giữa Phật giáo tiểu thừa với Bà la môn giáo là không thể tách bạch, ở các câu truyện cổ mà triết lí nhà Phật sâu đậm đã khuyên nhủ con người cần tu nhân tích đức bên cạnh triết lí của Bà là môn giáo hướng con người tới thế giới của thánh thần nhiệm màu, mà từ đó, vai trò và vẻ đẹp của con người được xác lập và khẳng định. 2. Người Khơ Me Nam Bộ bảo lưu được nhiều lễ hội truyền thống, nhiều phong tục đậm chất tôn giáo và tín ngưỡng dân gian. Trong số các lễ hội của người Khơ Me Nam Bộ, Chôl chnam thmây (Lễ vào năm mới), Sen Đolta (lễ báo hiếu và cúng vong hồn) và lễ Ooc Om Bok (Lễ đút cốm dẹp) hay lễ Bund thvai pres khe (Lễ cúng trăng) là 3 lễ hội tiêu biểu nhất. Các lễ hội này, một mặt vẫn được tổ chức trong cuộc sống của người dân Khơ Me Nam Bộ ngày nay, mặt khác, được người Khơ Me truyền tụng lại trong những câu chuyện của dân tộc mình. Trong truyện kể và trong 21 phần thể hiện của các lễ hội này, có sự đan xen chặt chẽ giữa cảm thức tôn giáo (Phật giáo, Bà la môn giáo), tín ngưỡng nông nghiệp và tín ngưỡng thờ tổ tiên. Mỗi một lễ hội đều có một hay vài truyền thuyết đi kèm để giải thích, để tôn vinh, để gửi gắm niềm tin của cộng đồng vào những gì mà họ tin tưởng trong quá trình sống, chinh phục thiên nhiên và khát vọng hướng thượng của đời sống tinh thần. Luận án của chúng tôi đã đặt thần thoại, truyền thuyết và truyện cổ tích vào trong mối liên hệ qua lại với lễ hội để từ đó, phân tích và nhìn nhận những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của bộ phận truyện kể đặc sắc này. 2. Thần thoại của người Khơ Me Nam Bộ không còn nhiều, nhưng qua số lượng ít ỏi mà chúng tôi có được, thần thoại của họ đã bộc lộ sự hồn nhiên trong cách lí giải tự nhiên, trí tưởng tượng bay bổng đan xen chặt chẽ với chiều sâu triết học về cách lí giải thế giới. Cũng như thần thoại của các dân tộc khác, thần thoại của người Khơ Me Nam Bộ cũng mang khát vọng giải thích nguồn gốc vũ trụ và con người, giải thích các hiện tượng tự nhiên với một khát vọng chinh phục tự nhiên. Bộ phận thần thoại này cũng mang những nét nghệ thuật tương đồng với các bộ phận thần thoại khác như việc sáng tạo nên những hình ảnh các vị thần, việc sử dụng các motif và các biểu tượng thần thoại. Bên cạnh hình bóng của cuộc sống soi bóng vào, thần thoại của người Khơ Me Nam Bộ còn thể hiện nét đặc sắc ở chỗ nó mang ảnh hưởng sâu sắc của Bà la môn giáo và Phật giáo. Hình ảnh các vị thần và thế giới thần thoại vì thế vừa hồn nhiên vừa mang đậm cảm thức tôn giáo. Cũng như thần thoại các dân tộc khác ở Việt Nam, thần thoại người Khơ Me Nam Bộ đã bị tản mát và vỡ vụn, chỉ còn lại một vài truyện và các mảnh vỡ. Ngoài việc căn cứ vào những tài liệu thần thoại được ghi chép lại trong các bản kể đã được xuất bản, việc điền dã sưu tầm đã cung cấp thêm cho chúng tôi một vài tư liệu. Sự khan hiếm của tài liệu càng củng cố trong chúng tôi một nhận thức rằng, cần phải nhìn nhận thực trạng văn học dân gian của người Khơ Me Nam Bộ và phai khẩn trương có những giải pháp kịp thời để sưu tầm và gìn giữ vốn cổ này, khi mà các Mê phum, Mê sóc lớn tuổi đang lần lượt “về với Phật”. 3. Truyền thuyết của người Khơ Me Nam Bộ được sưu tầm khá nhiều, trong số đó, nhiều truyền thuyết vẫn đang tiếp tục được kể, được nghe, và được tin vì chúng thấm sâu vào cuộc sống hàng ngày, vào những thời khắc thiêng liêng của cả cộng đồng trong các lễ hội. Khác với bộ phận truyền thuyết của các dân tộc khác, truyền 22 thuyết của người Khơ Me Nam Bộ không có mảng truyền thuyết lịch sử mà lại có khá nhiều truyền thuyết về lễ hội phong tục và truyền thuyết địa danh. Chính vì vậy, ngoại trừ 1 truyền thuyết tổ nghề duy nhất - truyền thuyết Pô - pit - xno - ka, tất cả những truyền thuyết còn lại của người Khơ Me Nam Bộ mà chúng tôi đang có đều không kể về cuộc đời trọn vẹn của nhân vật mà chỉ là những lát cắt hay một vài sự kiện đơn giản. Chính vì thế, yếu tố hiển linh âm phù, vốn gắn liền với những truyền thuyết nhân vật đã phần nào bị ảnh hưởng bởi cách chép thần tích của vùng Bắc Bộ, đều hoàn toàn vắng bóng trong truyền thuyết của người Khơ Me Nam Bộ. Hầu hết các phong tục và lễ hội của người Khơ Me Nam Bộ đều gắn bó chặt chẽ với các truyền thuyết giải thích chúng. Nhóm truyền thuyết này hấp dẫn ở tính phong phú của các chi tiết, sự đậm nét của yếu tố kỳ ảo, trong đó, thế giới của thánh thần hay Đức Phật là thế giới trung tâm, màu sắc của cuộc sống loài người khá mờ nhạt. Thông qua các lễ hội vẫn được tổ chức thường niên, sự tích về các vị thần vẫn được truyền tụng, được tin tưởng trong những con người hôm nay. Ngược lại, nhóm truyền thuyết địa danh lại có cốt truyện đơn giản, tính kỳ ảo rất mờ nhạt, tuy nhiên, nó lại hấp dẫn người nghe ở cách nhìn tươi mới, ở tính hiện thực gia tăng, ở tình cảm sâu nặng của người Khơ Me Nam Bộ đối với vùng đất mà họ đã gắn bó dài lâu. Là bộ phận dân di cư, cuộc sống của người Khơ Me đã gắn liền với sự chinh phục vùng đất mới. Chính qua trình chinh phục này đã gắn họ với mỗi dòng sông, ngọn núi, với các bãi bồi, với việc dựng xây nên từng ngôi chùa, việc khai khẩn và định cư tại một ngôi làngMỗi một bước thành công trên con đường khai phá, chinh phục và hòa hợp với vùng đất mới không chỉ là một kỷ niệm mà là một phần lịch sử của họ. Lịch sử này không được chép thành sách mà sống trong kí ức của người dân và trong những lời truyền tụng từ đời này qua đời khác của người dân Khơ Me Nam Bộ cho hậu duệ của mình. Chính vì thế, truyền thuyết Khơ Me Nam Bộ là một bộ phận có giá trị để hiểu sâu con người và văn hóa của họ. 4. Truyện cổ tích của người Khơ Me Nam Bộ vừa mang tính thống nhất, vừa thể hiện nét riêng biệt của mình trong các đề tài, các chủ đề và các biện pháp nghệ thuật. Sự tương đồng ấy được thể hiện ở những type và motif truyện cổ tích thần kỳ quen thuộc trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam và thế giới. Các type truyện dũng sĩ diệt yêu quái, người mồ côi và người em út, người con riêng, người mang lốt xuất hiện trong kho truyện cổ tích thần kỳ của người Khơ Me Nam Bộ. Trong các 23 type truyện trên, kiểu truyện dũng sĩ diệt yêu quái với nét đặc trưng nổi bật là truyện về dũng sĩ diệt chằn tinh chiếm vị trí chủ đạo. Sự xuất hiện hình tượng chằn với tần suất cao đã thể hiện những nét riêng của truyện cổ tích thần kỳ của người Khơ Me Nam Bộ trong việc ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ rắn của người Khơ Me Campuchia cùng với những trải nghiệm của người Khơ Me ở vùng đất mới dày đặc kênh rạch và đầm lầy nhiều rắn rết và thú dữ. Không gian kinh thành là môi trường hoạt động phổ biến của các nhân vật cổ tích thần kỳ của người Khơ Me Nam Bộ. Đó là nét hấp dẫn độc đáo của truyện cổ tích thần kỳ của người Khơ Me Nam Bộ. Điều làm cho người đọc cảm thấy hấp dẫn bởi truyện cổ tích thần kỳ của người Khơ Me Nam Bộ là ở cảm giác “quen mà lạ”. Cảm giác này được đưa lại từ cách thức riêng của người kể chuyện ở đây. Cách kể chuyện cổ tích thần kỳ của nghệ nhân Khơ Me Nam Bộ không đi theo các điển phạm, các khuôn khổ có sẵn mà lúc nào cũng sẵn sàng đi chệch, sẵn sàng tìm kiếm những lối nẻo mới. Điều này đặc biệt gây hứng thú cho thính giả và độc giả cổ tích, những người đã quá quen với các công thức kể chuyện được hình thành từ lâu và khắp nơi. Đây quả là một thế giới nghệ thuật cần nhiều công phu khám phá. Truyện cổ tích sinh hoạt của người Khơ Me Nam Bộ đã thể hiện những mảng đời sống của cộng đồng theo tư duy cổ tích. Truyện về người tốt bụng, người độc ác người thông minh, người ngốc nghếch đã được kể theo lối chung ấy. Tuy nhiên, truyện cổ tích sinh hoạt của người Khơ Me Nam Bộ mang sắc thái khác biệt ở dấu ấn sâu đậm của ảnh hưởng Phật giáo. Bên cạnh hai tiểu loại trên, tiểu loại truyện cổ tích loài vật của người Khơ Me Nam Bộ cũng mang nhiều nét đặc sắc trong cách nghĩ, cách thể hiện. Trong nhiều con vật được chọn làm nhân vật cổ tích, Thỏ được coi là con vật tinh khôn nhất, thậm chí là có phẩm chất cao cả nhất, khiến muôn người phải tôn thờ. Tuy nhiên, ở mảng truyện này, sự chuyển hóa qua lại giữa truyện cổ tích loài vật và truyện ngụ ngôn là một thực tế, khiến cho sự minh định thể loại không phải lúc nào cũng dễ dàng. Một số kiến nghị: * Luận án của chúng tôi chỉ mới dừng lại khảo sát ba thể loại thần thoại, truyền thuyết và truyện cổ tích mà chưa có điều kiện đi sâu nghiên cứu các thể loại tự sự còn lại như ngụ ngôn, truyện cười, cũng như các thể loại khác của văn học dân gian nói 24 chung của người Khơ Me Nam Bộ. Giới hạn của sự khảo sát của chúng tôi ở trong luận án này mới chỉ dừng lại ở các chủ đề, các đề tài, một số type truyện, và một số motif. Chúng tôi chưa dám đặt vấn đề phân tích truyện ở cấp độ motif cổ tích bởi biết đó là một đại ngàn rất dễ bị lạc lối với những người đi rừng thiếu kinh nghiệm. Hy vọng sẽ có dịp trở lại những vấn đề thú vị ấy khi có điều kiện. * Tìm hiểu thực trạng văn hóa của người Khơ Me Nam Bộ, chúng tôi cho rằng, việc nghiên cứu văn hóa người Khơ Me, cụ thể là văn hóa Phật giáo tiểu thừa và văn hóa dân gian của họ có một ý nghĩa rất quan trọng đối với các chính sách dân tộc. Chính vì vậy, cần có những chương trình cấp Quốc gia đặt vấn đề nghiên cứu chuyên sâu những vấn đề này. * Trong nhiều năm qua, lễ hội truyền thống của người Khơ Me Nam Bộ đã được chú trọng, bảo tồn và phát huy. Tuy nhiên, do tác động của nền kinh tế thị trường, lễ hội của người Khơ Me Nam Bộ đang có xu hướng đơn giản hóa dần dần, nhiều giá trị truyền thống trong lễ hội đang bị mai một và có nguy cơ biến dạng. Trước thực tế đó, việc nghiên cứu lễ hội một cách khoa học để đề ra những giải pháp hữu hiệu để làm cho sinh hoạt văn hóa lễ hội giữ được các giá trị văn hóa truyền thống, và phù hợp với nhu cầu của người dân là một việc làm cần thiết. * Khảo sát các sách về văn học dân gian Khơ Me cho thấy việc học ngữ văn Khơ Me vẫn còn nhiều bất cập về chương trình, nội dung và kế hoạch giảng dạy so với nhu cầu thực tế đặt ra. Chính những điều này sẽ làm cản trở việc tiếp thu, và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của người Khơ Me Nam Bộ trong chính cộng đồng của họ. * Khi chúng tôi tiến hành viết luận án thì một số nghệ nhân trong các phum sóc từng cung cấp tài liệu cho chúng tôi đã ra đi. Điều này lại thêm một lần nữa nhắc nhở chúng tôi ý thức về sự không vĩnh hằng của sự sống, về tính cấp thiết của việc gìn giữ truyền thống mà công việc chúng tôi làm trong luận án này hy vọng sẽ góp được một phần nhỏ trên hành trình đi tới tương lai. Những việc chúng tôi chưa làm được do khuôn khổ của luận án, do hạn chế của thời gian và khả năng, sức lực, rất hy vọng sẽ được giải quyết trong những công trình khác.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfkhao_sat_truyen_ke_dan_gian_kho_me_nam_bo_qua_than_thoai_truyen_thuyet_truyen_co_tich_3733.pdf
Luận văn liên quan