Trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm. Một số vấn đề lí luận và thực tiễn.

Về đường lối xử lý, phân hoá TNHS đối với những người đồng phạm, tại Điều 3 BLHS năm 1999 khẳng định: Nghiêm trị đối với kẻ chủ mưu cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. đồng thời tại các Điều 79, Điều 81, Điều 82, Điều 83, Điều 89, Điều 91 BLHS năm 1999 việc xử lý những người đồng phạm được tiến hành theo hướng phân hóa về khung hình phạt, dựa vào vai trò và mức độ thực hiện hành vi của họ. Tuy nhiên những quy định này chỉ thể hiện được quan điểm phân hoá trong việc xử lý những người đồng phạm ở một số tội cụ thể. Sự phân hoá chưa thực sự triệt để, chưa tạo được cơ sở pháp lý riêng biệt để xử lý các tổ chức tội phạm. Vì vậy, bên cạnh đường lối nghiêm trị kẻ chủ mưu cầm đầu, cần có những căn cứ cụ thể để quy định nguyên tắc xử lý đối với những người đồng phạm khác. Về vấn đề này T.S Lê Thị Sơn có quan điểm: “Quy định của pháp luật hình sự hiện hành của nước ta về tội phạm có dấu hiệu có tổ chức chưa đúng yêu cầu đấu tranh với các tổ chức phạm tội và ngăn chặn các tội phạm do các tổ chức thực hiện”. 7. Về các giai đoạn thực hiện tội phạm, BLHS chưa có quy định cụ thể về các giai đoạn thực hiện hành vi của những người đồng phạm. Quan điểm phổ biến hiện nay là việc xác định các giai đoạn thực hiện tội phạm của những người đồng phạm phụ thuộc vào mức độ thực hiện tội phạm của người thực hành [10, tr.143]. Nghĩa là, người thực hành dừng lại ở giai đoạn phạm tội nào thì những người đồng phạm khác cũng phải chịu TNHS cùng với người thực hành ở giai đoạn đó. BLHS ngoài quy định ở Điều 17, Điều 18 về chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt, không có quy định nào khác về các giai đoạn thực hiện hành vi của những người đồng phạm như: Các giai đoạn thực hiện hành vi của người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức. Cần phải có quy định cụ thể về vấn đề này để đánh giá được vai trò, tính chất, mức độ tham gia của từng người đồng phạm đối với hoạt động chung của chúng. T.S Lê Thị Sơn cho rằng: “BLHS cần quy định chính thức về hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt đối với từng loại người đồng phạm và TNHS đối với các hành vi đó”. Từ đó đảm bảo lượng hình cho các bị cáo chính xác, đúng pháp luật. 8. Về vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong đồng phạm, thực tiễn xét xử cho thấy, chỉ người thực hành được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt viêc phạm tội và được miễn TNHS trên cơ sở Điều 19 BLHS 1999 trong trường hợp hành vi mà người đó thực hiện chưa thoả mãn CTTP. Còn đối với những người đồng phạm khác (người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức.). Pháp luật Hình sự hiện hành chưa có sự điều chỉnh cụ thể vấn đề nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của họ. Do đó, cần có những quy định cụ thể và đầy đủ hơn về vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Đảm bảo mọi hành vi phạm tội phải được xử lý nghiêm minh và đúng pháp luật.

doc50 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 14354 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm. Một số vấn đề lí luận và thực tiễn., để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
tội phạm là trường hợp người phạm tội tự mình thực hiện hành vi được mô tả trong CTTP. Đây là trường hợp trực tiếp thực hiện tội phạm thông thường trong thực tế. Tự mình thực hiện có thể là sử dụng công cụ, phương tiện, kể cả sử dụng cơ thể người khác và súc vật như là công cụ, phương tiện hoặc có thể không sử dụng công cụ, phương tiện. Trong vụ phạm tội cố ý có thể có nhiều người cùng tự mình thực hiện hành vi được mô tả trong CTTP. Trong trường hợp này không đòi hỏi mỗi người phải thực hiện hành vi được mô tả trong CTTP, mà có thể mỗi người chỉ thực hiện một phần hành vi đó, nhưng đòi hỏi hành vi tổng hợp của họ phải là hành vi có đủ dấu hiệu của CTTP. Ví dụ: Tại bản án số 05/2006/HSST (ngày 10/03/2006) do Tòa án nhân dân huyện Thanh Chương (Nghệ An) xét xử. Nội dung như sau: Khoảng 18 giờ ngày 11/09/2005, Nguyễn Chí Mạnh, Lê Tiến Tuấn, Trần Viết Tuấn dạo chơi quanh bờ hồ trước trụ sở huyện uỷ huyện Thanh Chương. Cả ba cùng thống nhất, bàn bạc cắt trộm dây điện thoại lấy lõi đồng để bán. Đến khoảng 1 giờ ngày 12/09/2005, cả ba đã tiến hành thực hiện hành vi. Nguyễn Chí Mạnh và Lê Tiến Tuấn dùng dao để cắt cáp còn Trần Viết Tuấn đứng gác. Hậu quả phạm tội của chúng đã gây thiệt hại tổng cộng cho Công ty viễn thông Nghệ An là 6.534.000 đồng. Trong vụ án này, hành vi của mỗi tên chưa thoả mãn hết các dấu hiệu được quy định trong CTTP tội trộm cắp tài sản. Nguyễn Chí Mạnh, Lê Tiến Tuấn đã có hành vi trực tiếp cắt dây cáp điện thoại còn Nguyễn Viết Tuấn chỉ thực hiện hành vi cảnh giới và dịch chuyển dây cáp cắt được tới nơi an toàn. Thế nhưng tổng hợp hành vi của ba đối tượng thì tội trộm cắp tài sản được coi là hoàn thành. Ở đây, Nguyễn Chí Mạnh, Lê Tiến Tuấn bằng chính hành vi của mình đã trực tiếp thực hiện hành vi được mô tả trong CTTP tội trộm cắp tài sản với vai trò là người thực hành. Đối với những tội đòi hỏi chủ thể đặc biệt thì những người đồng phạm thực hiện chỉ có thể là những người có đủ dấu hiệu của chủ thể đặc biệt. Nếu không họ chỉ có thể là người giúp sức hoặc cá biệt có thể phạm tội khác [10, tr.135]. Ví dụ: Nguyễn Thị A là chủ một cửa hàng. Một lần, theo yêu cầu của B (B là khách quen của nhà hàng), A đã dùng vũ lực để ép buộc C, giữ C để B thực hiện hành vi giao cấu. Hành vi của B đã đủ dấu hiệu cấu thành tội hiếp dâm với vai trò là người thực hành. Ta biết rằng đối với tội hiếp dâm, yêu cầu chủ thể thực hiện tội phạm phải là nam giới. Do đó, trong trường hợp này A chỉ giữ vai trò là người giúp sức. Cũng là hành vi trên, nhưng giả sử A là nam giới thì hành vi của A không còn là hành vi giúp sức thông thường mà A sẽ là người đồng phạm cùng thực hành với B trong tội hiếp dâm. Trường hợp thứ hai của người trực tiếp thực hiện tội phạm là những người không tự mình thực hiện hành vi được mô tả trong CTTP như: không tự mình thực hiện hành được mô tả trong CTTP, không tự mình tước đoạt sinh mạng người khác (đâm, bắn, chém...) hoặc không tự mình thực hiện hành vi huỷ hoại tài sản (đốt cháy, đập, phá...). Họ chỉ có hành động (cố ý) tác động đến người khác để người này thực hiện hành vi được mô tả trong CTTP, nhưng bản thân những người bị tác động thực hiện hành vi đó lại không phải chịu TNHS cùng với người đã tác động vì: Họ không có năng lực TNHS hoặc chưa đạt độ tuổi chịu TNHS theo luật định [10, tr.136]. Như đã phân tích ở phần trên, nếu người thực hiện tội phạm chưa đạt độ tuổi luật định thì người đó không phải chịu TNHS về việc làm của mình. Đối với trường hợp không có NLTNHS cũng tương tự như vậy. Nếu người thực hành tác động vào người thuộc trường hợp này để thực hiện tội phạm thì không có đồng phạm, đồng thời người đó phải chịu TNHS độc lập do hành vi của mình gây ra cho người bị hại. Hoặc họ không có lỗi hay chỉ có lỗi vô ý do sai lầm [2, tr.136]. Tại Khoản 1 Điều 20 BLHS 1999 đã quy định: “Đồng phạm là trường hợp hai người trở lên cùng cố ý thực hiện một tội phạm” [3, tr.24]. Yêu cầu “cùng cố ý thực hiện một tội phạm” là dấu hiệu bắt buộc trong đồng phạm. Ở đây, người bị tác động không có lỗi hoặc chỉ có lỗi vô ý do sai lầm. Do vậy không có đồng phạm và TNHS trong trường hợp này cũng chỉ áp dụng đối với người đã có hành vi thông qua sự tác động tới người khác để phạm tội. Ví dụ: A là giám đốc một công ty lớn, trong đợt tổ chức lại Công ty, A đã quyết định sa thải B và C. Từ đó B và C luôn tìm mọi cách để trả thù A. Một lần A bị ốm, B và C đã đến nhà để thăm bệnh A. Nhân lúc vợ A xuống bếp, B và C đã cho thuốc độc vào bát cháo mà vợ A chuẩn bị sẵn để A ăn. Do không biết gì về hành động của B và C nên vợ A đưa cho A ăn hết bát cháo. Do thuốc quá độc, A đã chết. Trong trường hợp này vợ A không có lỗi đối với cái chết của chồng. Còn B và C đã thông qua hành vi của vợ A để giết chết A. Do đó, chỉ B và C là đồng phạm giết người với vai trò là người thực hành. Đối với trường hợp người thực hành ở dạng thứ hai không thể xảy ra ở những tội đòi hỏi chủ thể phải trực tiếp thực hiện như tội hiếp dâm (Điều 111 BLHS năm 1999) hoặc tội loạn luân (Điều 150 BLHS năm 1999). Ở những tội này chỉ có thể có người thực hành ở dạng thứ nhất. Như vậy, hành vi của người thực hành được biểu hiện trong thực tế là rất đa dạng, phong phú. Hành vi của họ luôn được coi là có vị trí trung tâm. Chúng ta có thể dựa vào hành vi trực tiếp gây ra tội phạm của họ để định tội và lượng hình chính xác. Từ đó giải quyết đúng đắn TNHS của từng người đồng phạm cụ thể. b. Người tổ chức Đoạn 2 Khoản 2 Điều 20 BLHS 1999 quy định: “Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm” [3, tr.24]. Người tổ chức có một vai trò rất quan trọng trong vụ đồng phạm, được coi là linh hồn của tội phạm. Người tổ chức được xác định là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Chúng ta sẽ tìm hiểu rõ về từng loại người tổ chức: Người chủ mưu là người đề ra âm mưu, phương hướng hoạt động của nhóm đồng phạm [10, tr.137]. Hoạt động phạm tội của họ thể hiện ở hành vi bày mưu, lập kế, vạch kế hoạch tiến hành tội phạm, đưa ra mưu mẹo, kế hoạch, vẽ đường chỉ lối cho người đồng phạm khác. Những người đồng phạm khác hoặc người thực hành dựa vào những kế hoạch vạch ra đó để thực hiện hành vi phạm tội của mình. Người chủ mưu có thể tham gia trực tiếp vào việc thực hiện tội phạm hoặc cũng có thể không tham gia vào tổ chức mà đứng ngoài tổ chức. Song có một thực tế là người chủ mưu luôn mong muốn đồng bọn thực hiện tội phạm theo những mưu mẹo, kế hoạch của mình và gây ra hậu quả. Trong mọi trường hợp người chủ mưu luôn thực hiện tội phạm bằng lỗi cố ý trực tiếp. Ví dụ: Trong một nhóm tội phạm được tổ chức khá chặt chẽ do Nguyễn Văn A cầm đầu. Nhóm có sự phân công vai trò, nghĩa vụ cho từng người đồng phạm rất rõ ràng nên hoạt động của tổ chức tội phạm này rất chuyên nghiệp. Bên cạnh A luôn có Phạm Quốc B (B là cố vấn cho A). B cũng là người đưa ra mọi sáng kiến thành lập nhóm, vạch kế hoạch chiến lược cho hoạt động của cả nhóm trong thời gian đầu. Người cầm đầu là người thành lập nhóm đồng phạm hoặc tham gia vào việc soạn thảo, phân công, giao trách nhiệm cho đồng bọn cũng như đôn đốc, điều khiển hoạt động của nhóm đồng phạm [10, tr.137]. Trong một tổ chức tội phạm, thông thường chỉ do một tên nhưng cũng có thể do nhiều tên cầm đầu. Nhiệm vụ của chúng là đứng ra thành lập tổ chức tội phạm, lôi kéo người khác vào tổ chức đó. Nếu “chủ mưu ” là người đề xướng, có sáng kiến trong việc thành lập tổ chức tội phạm, làm tham mưu cho tổ chức tội phạm, thì người cầm đầu đứng ra thành lập tổ chức tội phạm, lôi kéo người khác vào tổ chức đó, trực tiếp bắt tay vào việc soạn thảo kế hoạch phạm tội, phân công, giao nhiệm vụ cho những người đồng phạm. Chính vì thế, người chủ mưu có thể đứng trong hay ngoài tổ chức, nhưng người cầm đầu luôn là người đứng trong tổ chức đó để trực tiếp điều khiển hoạt động chung. Người chỉ huy là người điều khiển trực tiếp của nhóm đồng phạm có vũ trang hoặc bán vũ trang [10, tr. 137]. Thông thường chỉ trong đồng phạm phức tạp hoặc trong phạm tội có tổ chức mới xuất hiện nguời chỉ huy. Khi đó người chỉ huy giao nhiệm vụ, đôn đốc, điều khiển đồng bọn thực hiện kế hoạch phạm tội một cách nhịp nhàng và có hiệu quả. Như vậy, sự phân biệt ba loại người “chủ mưu”, “cầm đầu”, “chỉ huy” chỉ là tương đối. Một tổ chức tội phạm có thể tồn tại ba loại người này song có thể cả ba vai trò đó cùng tồn tại trong một người đồng phạm. Trong mối quan hệ với những người đồng phạm khác thì người tổ chức là người giữ vai trò thành lập nhóm đồng phạm hoặc điều khiển hoạt động của nhóm đó. Điều đặc biệt của người tổ chức đó là hành vi phạm tội của họ không được mô tả trong CTTP, người tổ chức phải thông qua hành vi của người thực hành mà gây ra những hậu quả tội phạm. Người tổ chức luôn luôn hành động phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp. Họ biết hành vi của mình là phạm tội, biết được hành vi của từng tên đồng bọn, biết rõ phương thức hoạt động cũng như thành phần tổ chức, biết những hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình và đồng bọn gây ra. Song người tổ chức vẫn đôn đốc đồng bọn hoạt động, vẫn mong muốn hậu quả xảy ra. Với những hành vi như vậy, người tổ chức rõ ràng giữ vai trò rất quan trọng trong tổ chức phạm tội. Luật hình sự luôn coi người tổ chức là đối tượng cần nghiêm trị. Tại Khoản 2 Điều 3 BLHS 1999 khẳng định: “Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng...” [3, tr.15]. c. Người giúp sức Khoản 2 Điều 20 BLHS 1999 quy định: “Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hay vật chất cho việc thực hiện tội phạm” [10, tr.139]. Hành vi của người giúp sức là tạo ra những điều kiện cho người thực hành thực hiện hành vi phạm tội. Những điều kiện đó có thể có tính vật chất hoặc có tính tinh thần. Cũng chính vì vậy mà hành vi của người giúp sức trong đồng phạm có thể là giúp sức về vật chất hoặc giúp sức về tinh thần. Giúp sức về tinh thần có thể là những hành vi cung cấp những gì tuy không có tính vật chất nhưng cũng tạo ra cho người thực hành thực hiện tội phạm được thuận lợi hơn như: Chỉ dẫn, góp ý kiến, cung cấp tình hình. Ví dụ: Tạp chí Tòa án nhân dân số 2 tháng 1 năm 2007 đưa ra ý kiến trao đổi về một vụ án với nội dung như sau: Công ty SG có ký một hợp đồng vận chuyển hàng hóa với Công ty TNHH dịch vụ TS do Hồ Ngọc Sang làm giám đốc với nội dung: Công ty TS mỗi ngày cung ứng cho Công ty SG tối thiểu 5 đầu xe kéo contenner, tối đa không hạn chế. Đến tháng 7 năm 2005, Công ty SG có chủ trương huy động phương tiện sẵn có trong công ty để vận chuyển hàng hóa nhằm tăng thu nhập cho cán bộ công nhân viên nên đã giảm số đầu xe của Công ty TS xuống còn 05 xe như thỏa thuận trong hợp đồng. Do Công ty vừa mua trả góp 05 đầu kéo Contenner để phục vụ cho hợp đồng nêu trên. Đang trong tình trạng nợ nần nay lại bị giảm lượng xe đến mức tối thiểu, doanh thu của công ty TS hàng tháng giảm xuống đáng kể (từ 700 triệu/tháng xuống 400 triệu/tháng). Hồ Ngọc Sang tìm hiểu nguyên nhân của việc giảm đầu xe qua Vũ Xuân Thiên (là đội trưởng đội kéo của công ty SG). Hồ Ngọc Sang cho rằng: Nguyễn Ngọc Chỉnh (là Phó giám đốc công ty SG) đã cản trở công việc làm ăn của Công ty TS. Do vậy, Sang đã nảy sinh ý đồ thuê người đánh cảnh cáo Chỉnh, đánh cho bầm tím mặt mày để anh Chỉnh không cản trở công việc làm ăn của mình nữa. Ý định này Sang đã cho Vũ Xuân Thiên biết và được Thiên đồng ý (vì Thiên đã có mâu thuẫn về công việc với Chỉnh từ trước). Do cùng cơ quan với chỉnh nên Thiên đã cung cấp thời gian đi làm cũng như lịch trực của Chỉnh cho Sang biết. Hành vi cung cấp thông tin và hoạt động đi lại của Thiên đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bọn do Sang thuê thực hiện hành vi theo như chỉ dẫn một cách chính xác, đầy đủ nhất. Cũng có trường hợp hành vi được thể hiện dưới dạng không hành động. Đó có thể là trường hợp những người có nghĩa vụ pháp lý phải hành động nhưng đã cố ý không hành động và qua đó đã loại trừ trở ngại khách quan ngăn cản việc thực hiện tội phạm đến cùng. Ví dụ: A là bảo vệ cơ sở sản xuất hàng gia dụng, khi đang làm nhiệm vụ phát hiện thấy bạn cùng phòng mình là B đang mang tài sản ra khỏi kho chứa hàng, nhưng A không bắt giữ B mà giả vờ như không biết. Kết quả là B đã lấy được số tài sản lớn trị giá 7.500.000 đồng. Một dạng giúp sức đặc biệt nữa đó là giúp sức bằng lời hứa hẹn trước sẽ che giấu người phạm tội, che giấu các tang chứng, vật chứng hoặc sẽ tiêu thụ các vật do phạm tội mà có sau khi tội phạm đã thực hiện xong. Hành vi giúp sức thường được thực hiện trước khi người thực hành bắt tay vào hành động. Nhưng cũng có trường hợp người giúp sức tham gia khi tội phạm đang tiến hành, giúp một người vốn có ý định phạm tội có thêm điều kiện thuận lợi để thực hiện tội phạm hoặc yên tâm hơn khi thực hiện tội phạm. Như vậy, hành vi của người giúp sức là tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bọn thực hiện tội phạm. Tính chất và mức độ của hành vi giúp sức cũng được coi là ít nguy hiểm hơn so với hành vi phạm tội của những người đồng phạm khác. Do vậy, luật hình sự Việt Nam không coi người giúp sức là đối tượng cần nghiêm trị như những người đồng phạm khác. Đó là cơ sở để cơ quan xét xử đưa ra quyết định hình phạt đối với người giúp sức nhẹ hơn so với quyết định hình phạt đối với những người cùng phạm tội trong vụ đồng phạm đó. d. Người xúi giục Đoạn 3 Khoản 2 Điều 20 BLHS quy định: “Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm” [3, tr.24]. Người xúi giục không trực tiếp gây ra tội phạm nhưng đã thực hiện ý định phạm tội của mình bằng cách tác động đến tư tưởng và ý chí của người khác, khiến người này phạm tội. Họ là người đã đề xuất việc phạm tội và thúc đẩy cho việc phạm tội đó được thực hiện thông qua người khác. Với ý thức làm phát sinh ý định phạm tội ở người khác, người xúi giục đã sử dụng nhiều hình thức nhằm thuyết phục người khác phạm tội. Để đạt được điều đó, người xúi giục bằng những hành động tích cực tác động đến người bị xúi giục. Do vậy, có thể người xúi giục là “tác giả tinh thần” của tội phạm. Sự xúi giục có thể được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn như kích động, lôi kéo, cưỡng ép, dụ dỗ, lừa phỉnh. Tuy nhiên, hành vi xúi giục không nhất thiết phải đủ tất cả những thủ đoạn trên. Chỉ cần có một trong những hành vi trên cũng có thể xuất hiện hành vi xúi giục và khi đó người xúi giục phải chịu TNHS. Hành vi xúi giục là hành vi được thực hiện bằng lỗi cố ý. Người xúi giục biết rằng hành vi xúi giục của mình sẽ làm nảy sinh ý định phạm tội ở người khác, khơi dậy ở người khác quyết tâm phạm tội, nhưng người xúi giục vẫn tích cực tác động và mong muốn cho tội phạm xảy ra. Dù bằng hình thức nào thì hành vi xúi giục phải trực tiếp, nghĩa là người xúi giục phải nhằm vào một hoặc một số người xác định. Việc kêu gọi, hô hào mà không hướng tới những người xác định thì không phải là hành vi xúi giục. Hành vi xúi giục phải cụ thể, nghĩa là nhằm gây ra tội phạm cụ thể. Việc truyền bá, gieo rắc tư tưởng xấu cho một người hoặc một số người khiến những người này đi vào con đường phạm tội cũng không phải là hành vi xúi giục trong đồng phạm mà chỉ có thể cấu thành tội độc lập khác như tội dụ dỗ, ép buộc người chưa thành niên phạm pháp. Nếu hành vi giúp sức không có tính chất quyết định trong việc kích động người khác phạm tội thì hành vi xúi giục lại thúc đẩy người khác từ chỗ chưa có ý định phạm tội, không yêu cầu phải thúc đẩy theo một hình thức nào: có thể bằng lời nói hoặc thư viết. Người thúc đẩy người khác phạm tội phải chịu TNHS. Việc xác định rõ TNHS mà người xúi giục phải chịu tuỳ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi cũng như bản chất của người xúi giục và người bị xúi giục. Trong mọi trường hợp hậu quả mà người thực hành gây ra phải là kết quả của hành vi xúi giục. Người xúi giục luôn được coi là tác giả tinh thần của tội phạm. Do đó người xúi giục được coi là loại người nguy hiểm trong đồng phạm, cần phải có biện pháp để trừng trị nghiêm khắc. Như vậy, tội phạm thực hiện dưới hình thức đồng phạm có thể là sự kết hợp đầy đủ của bốn loại hành vi tương ứng với bốn loại người: người thực hành, người tổ chức, người giúp sức và người xúi giục. Hành vi của họ đều ít nhiều góp phần đảm bảo cho tội phạm được thực hiện. Tìm hiểu rõ bốn loại người đồng phạm cùng với hành vi tuơng ứng mà họ đã thực hiện sẽ là cơ sở cho việc cá thể hóa TNHS cho từng người đồng phạm, đảm bảo nguyên tắc xử lí đúng người, đúng tội, giữ vững tính nghiêm minh, nhân đạo của pháp luật hình sự nước ta. 2.2. Nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm 2.2.1. Nguyên tắc chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm Trong đồng phạm, tội phạm được thực hiện là do sự nỗ lực, hợp tác chung của tất cả những người cùng tham gia. Hành vi của mỗi người là bộ phận cần thiết trong hoạt động chung đó. Hậu quả của tội phạm là kết quả hoạt động chung của tất cả những người đồng phạm. Hơn nữa bản thân tội phạm là thể thống nhất, không thể chia cắt tội phạm để buộc mỗi người phải chịu trách nhiệm về một phần của tội phạm. Theo nguyên tắc này, luật hình sự Việt Nam đã xác định: Tất cả những người đồng phạm phải chịu TNHS, bị truy tố, xét xử về cùng một tội danh, theo cùng một điều luật, trong phạm vi những chế tài điều luật ấy quy định. Ví dụ sau sẽ chứng minh điều đó: Tối 17/10/2004, Ngô Văn Nam vào nhà Thái Anh Tú. Nam nói: Tao thấy bà Hoài có dây chuyền đeo ở cổ mà bà ấy lại ở nhà một mình. Nam bàn với Tú: Hôm sau ta cướp dây chuyền bà Hoài, Tú nhất trí. Khoảng 19 giờ ngày 19/10/2004, Nam lấy đôi côn sắt của Tú để ở đầu giường dắt vào người, rút hai sợi dây màu nâu ở đôi giày thể thao của mẹ Tú để sau chân giường, nối hai dây với nhau thành một sợi dây bỏ vào túi quần. Còn Tú lấy một đôi côn gỗ và con dao mà Nam đưa đến hôm trước dắt vào người. Xuất phát từ nhà Thái Anh Tú, theo đường 71 đi ra ngã tư thị trấn Phố Châu. Nam nhìn vào nhà bà Hoài thấy điện không sáng, bọn chúng rủ nhau sang quán đối diện đứng quan sát thì thấy bà Hoài đang đi bộ thể dục trên hành lang đường 8A, trước cổng nhà. Tú và Nam đứng chờ một lúc, sau đó chúng giả vờ vào nhà bà Hoài xin gọi điện thoại nhờ. Bà Hoài cho Tú vào nhưng chặn Nam lại. Không thực hiện được kế hoạch, chúng ra khỏi nhà bà Hoài. Sau đó, chúng xin bà Hoài xin cho gọi lại điện thoại. Bà Hoài mở cửa, Tú đi trước, Nam theo sau. Vào nhà bà Hoài, Ngô Văn Nam vừa đi vừa lấy dây ra, một đầu quấn chặt vào bàn tay phải. Thái Anh Tú đặt mũ cối xuống bàn đi ra gian nhà ngoài nơi có đặt máy để vờ gọi. Bà Hoài đi cạnh Tú để theo dõi. Còn Ngô Văn Nam cầm sẵn dây ở tay, đứng sau lưng bà Hoài, bất ngờ Nam đưa tay phải lên (tay vẫn cầm một đầu dây) quàng qua cổ bà Hoài, khuỷu tay phải của Nam kẹp chặt vào cổ bà Hoài, tay trái cầm một đầu dây vòng qua đồng thời Nam xoay người quật bà Hoài ngã xuống đất. Khi vật lộn, Nam kéo bà Hoài ra gian giữa, chân bà Hoài hướng ra phía ngoài. Nam ngồi quỳ xuống, bàn tay phải vẫn kẹp chặt cổ. Bà Hoài kêu ú ớ, trong khi Nam chưa kịp luồn dây qua cổ bà Hoài, Tú rút mạnh một đầu dây nhưng không siết cổ bà Hoài mà quấn vào tay Nam, dây bị đứt, Tú rút dao giấu ở trong người ra cầm ở tay trái, còn tay phải nắm tóc bà Hoài kéo ngược lên. Thấy Tú cầm dao, Nam thả tay phải đang kẹp cổ bà Hoài để bắt tay trái lên tìm nhẫn vàng nhưng bắt nhầm tay không có nhẫn. Còn Tú cầm dao đặt lưỡi vào cổ bên trái của bà Hoài kéo mạnh về phía người Tú một nhát, hai tên thấy máu ở cổ bà Hoài phun ra, bọn chúng không kịp lục soát nữa, hai tên đi bộ ra ngoài. Hành vi của các bị cáo theo Viện kiểm sát nhận định hoàn toàn thỏa mãn cấu thành tội giết người theo quy định tại Điểm e, Điểm n, Khoản 1, Điều 93 và tội cướp tài sản theo quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 133 BLHS năm 1999. Ngày 14/01/2005, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ra bản án số 01/2005/HSST tuyên Ngô Văn Nam và Thái Anh Tú phạm tội cướp tài sản và tội giết người. Tất cả những người đồng phạm nếu đủ dấu hiệu chủ thể đều phải chịu TNHS. Điều này không có nghĩa mức án áp dụng đối với họ phải như nhau. Khi giải quyết TNHS của những người đồng phạm, Tòa án phải tuân theo các quy định chung về căn cứ quyết định hình phạt được quy định tại Điều 45 BLHS năm 1999: “Khi quyết định hình phạt, Tòa án phải căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự” [3, tr.36]. Trong ví dụ trên, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh khi quyết định hình phạt đối với hai bị cáo đã xem xét đến các tình tiết như thật thà khai báo, hoàn cảnh gia đình khó khăn, Ngô Văn Nam phạm tội khi còn ở tuổi vị thành niên. Theo đó, Thái Anh Tú bị xử phạt tử hình về tội giết người và 10 năm tù về tội cướp tài sản. Tổng hợp hình phạt buộc Thái Anh Tú chấp hành hình phạt chung: Tử hình. Ngô Văn Nam bị xử phạt 18 năm tù về tội giết người, 7 năm tù về tội cướp tài sản. Tổng hợp hình phạt buộc bị cáo Ngô Văn Nam phải chấp hành hình phạt chung là 18 năm tù. Nguyên tắc chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm còn thể hiện ở khía cạnh: Thời hiệu đối với loại tội do những người đồng phạm đã thực hiện được áp dụng chung cho tất cả. Tại khoản 1 Điều 3 BLHS năm 1999 quy định nguyên tắc: “Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật” [3, tr.15]. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp tội phạm đều được phát hiện và có thể vì lý do này hay lý do khác mà không truy cứu TNHS. Đối với trường hợp này nếu người phạm tội đó đã tự mình hối cải, làm ăn lương thiện, không phạm tội mới, không trốn tránh sự trừng trị của pháp luật thì việc truy cứu TNHS là không cần thiết. 2.2.2. Nguyên tắc chịu trách nhiệm độc lập về việc cùng thực hiện vụ đồng phạm Tội phạm được thực hiện dưới hình thức đồng phạm là kết quả hoạt động của tất cả những người đồng phạm gây ra. Bản thân mỗi người đồng phạm đều đủ khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi khi họ có hành động phạm tội. Mặt khác, TNHS là trách nhiệm cá nhân nên việc xác định TNHS cho từng người đồng phạm là cần thiết. Do vậy, luật hình sự Việt Nam đã xác định nguyên tắc thứ hai trong việc xác định TNHS của những người đồng phạm là: Mỗi người đồng phạm phải chịu trách nhiệm độc lập về việc cùng thực hiện vụ đồng phạm. Nguyên tắc này thể hiện ở chỗ: Những người đồng phạm không phải chịu TNHS về hành vi vượt quá của người đồng phạm khác. Hành vi vượt quá của người đồng phạm là hành vi vượt ra ngoài ý định chung của những người đồng phạm khác và hành vi đó có thể đã cấu thành tội khác hoặc cấu thành tình tiết tăng nặng định khung. Hành vi vượt quá thông thường là hành vi vượt quá của người thực hành. Ví dụ: Tại mục trao đổi ý kiến đăng trên tạp chí Toà án nhân dân số 2 tháng 01/2007 (Nguyễn Hữu Minh – Tòa án Quân sự quân chủng Hải quân) đã đưa ra vụ án, và tình huống này được giải quyết như sau: Do thù tức với Nguyễn Ngọc Chỉnh, Hồ Ngọc Sang đã thuê Nguyễn Công tìm người đánh Chỉnh với giá 5.000.000 đồng, sau đó Công có rủ thêm Đoàn Minh Hợp, Cao Mạnh Hải, Đồng Dũng cùng đi đánh anh Chỉnh. Do nhiều lần săn đón anh Chỉnh không thành hải đề xuất phương án dùng dao đâm vào người anh Chỉnh để làm cho anh Chỉnh đi viện vài ngày và được Công, Hợp, Dũng nhất trí. Công đã thông báo lại với Sang về việc dùng dao đâm Chỉnh và cũng được Sang đồng ý. Sang nhắc lại là chỉ được đâm vào đùi anh Chỉnh thôi. Ngày 26/9/2005 cả bốn tên Công, Hợp, Hải, Dũng đến ngõ nhà anh Chỉnh phục đánh, chờ khi anh Chỉnh đi xe máy đi làm, Hợp dùng xe máy chở Hải đuổi theo và ép xe của anh Chỉnh để Hải dùng dao đâm anh Chỉnh, còn Công đi sau cản trở nếu có người đuổi theo. Lần này chúng đã đâm được anh Chỉnh, hậu quả anh Chỉnh bị đâm vào đùi, giám định tỷ lệ thương tật là 2%. Vết thương nhẹ anh Chỉnh đi đến Quân y băng bó và không nói với ai trong công ty. Sáng 27/09/2005 Sang biết anh Chỉnh vẫn đi làm bình thường, Sang cho rằng Công không đánh anh Chỉnh mà chỉ lừa mình để lấy tiền. Sang yêu cầu Công làm lại. Công đồng ý và gọi điện cho Hợp, Hải, Dũng. Đến đầu tháng 10 năm 2005, Hợp gặp lại Nguyễn Quốc Xuân (bạn cũ ở tù) và rủ Xuân đi đánh anh Chỉnh. Đến ngày 05/10/2005 Sang điện cho Công phải làm như thoả thuận. Công nói: Nếu làm lại phải trả 7.000.000 đồng, Sang đồng ý. Ngày 06/10/2005 sau khi được Thiên cho biết lịch trực của anh Chỉnh, Sang đã điện cho Công để chuẩn bị. Đến 20 giờ cùng ngày, cả bọn Công, Hợp, Xuân lại phục đánh anh Chỉnh như lần trước. Lần này, Hải, Dũng đã chủ động không tham gia nữa. Bọn chúng đã bàn bạc phân công Hợp chở Xuân để Xuân đâm anh Chỉnh. Hợp dặn: Khi nào tao ép vào xe nó (anh Chỉnh) thì mày dùng dao đâm như thế này. Hợp vừa nói vừa mô tả bằng hành động (Hợp tay phải dùng dao khua từ trái sang phải, mũi dao hướng ngang tầm đùi) rồi hợp đưa dao cho Xuân cầm, còn Công là người đi sau hỗ trợ khi cần thiết. Nhưng do trời tối, Hợp và Xuân không rõ mặt anh Chỉnh nên khi thấy xe máy đi cùng chiều, Hợp ép xe máy đó xem có phải anh Chỉnh không, tưởng Hợp bảo đâm, Xuân đã dùng dao đâm từ trái qua phải, đâm tầm ngang hông, hậu quả là đã đâm nhầm vào bụng anh Hoàng Anh Tuấn gây thương tích, giám định tỷ lệ thương tật là 17%. Khi đó Công là người đi sau đã hô: đâm nhầm rồi, phát hiện thấy đâm nhầm, bọn chúng tiếp tục đuổi theo, chạy được khoảng 800m thì bọn chúng đuổi kịp xe anh Chỉnh. Hợp lại dùng xe ép anh Chỉnh vào lề đường. Xuân tay phải dùng dao, ngón tay cái đặt dọc theo sống dao đâm ngang từ trái qua phải, đâm vào vùng ngực trái của anh chỉnh. Vết thương xuyên thấu tim, đâm xong cả bọn bỏ chạy. Anh Chỉnh chạy được 200m nữa thì đổ xe. Do vết thương quá nặng anh Chỉnh đã chết trên đường đi cấp cứu. Xung quanh vụ án này có rất nhiều quan điểm khác nhau về việc xác định tội danh cho các bị cáo. Song với quan điểm cho rằng: “Các bị cáo Công, Hợp, Xuân cùng phải chịu TNHS về tội giết người. Còn Hồ Ngọc Sang chỉ phải chịu TNHS về tội cố ý gây thương tích trong trường hợp dẫn đến hậu quả chết người theo Khoản 3 Điều 104 BLHS năm 1999 được coi là hợp lý nhất. Bởi vì, trong vụ án này Hồ Ngọc Sang chỉ là người khởi xướng ra việc thuê đánh anh Chỉnh chứ không tổ chức, bàn bạc, tham gia vào những lần thực hiện tội phạm. Hơn nữa, Sang chỉ biết giao tiền cho Công và thuê Công đánh cảnh cáo, đánh dằn mặt anh Chỉnh với nội dung: “Đánh cho anh Chỉnh bầm tím mặt mày, đánh gây thương tích cho anh Chỉnh, cùng lắm là cho anh Chỉnh đi viện vài ngày”. Khi Công đề nghị là dùng dao để đánh anh Chỉnh, Sang đồng ý nhưng đã nhắc đi nhắc lại là chỉ được đâm vào đùi anh Chỉnh thôi, mục đích của Sang không thay đổi là chỉ được gây thương tích cho anh Chỉnh. Ý thức chủ quan của Sang hoàn toàn không mong muốn hậu quả chết người xảy ra. Điều này cũng phù hợp với diễn biến thực tế của vụ án. Nguyễn Công, Đoàn Minh Hợp, Nguyễn Quốc Xuân phải cùng chịu TNHS về tội giết người theo Điều 93 BLHS năm 1999. Bởi vì, chúng cùng tổ chức đánh anh Chỉnh. Chúng đã thống nhất lựa chọn địa điểm và cách thức thực hiện tội phạm. Hành vi của chúng vượt quá yêu cầu mà Hồ Ngọc Sang đặt ra. Hơn nữa, với kế hoạch đã vạch ra Công, Hợp, Xuân hoàn toàn nhận thức được hành vi của chúng là rất nguy hiểm, hậu quả xảy ra sẽ không lường trước được. Việc miễn TNHS hoặc miễn hình phạt đối với những người đồng phạm này không loại trừ TNHS của những người đồng phạm khác. Điều này có nghĩa là những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, miễn TNHS hoặc miễn hình phạt theo tinh thần quy định tại Điều 25, Điều 45. Điều 46, Điều 47 BLHS 1999 thuộc về người đồng phạm nào thì chỉ áp dụng đối với người đồng phạm đó. Ví dụ như người phạm tội đã tự thú, thật thà khai báo, cố ngăn ngừa để hạn chế hậu quả của tội phạm, phạm tội lần đầu, phạm tội vì hoàn cảnh khó khăn mà không phải do mình tự gây ra. Hành vi của người tổ chức, xúi giục, hay giúp sức dù chưa đưa đến việc thực hiện tội phạm nhưng vẫn phải chịu TNHS. Sự tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của người đồng phạm này không loại trừ TNHS của những người đồng phạm khác. Trở lại ví dụ trên ta thấy Hải và Dũng đã tham gia thực hiện hành vi đâm anh Chỉnh nhưng không thành. Khi bọn chúng thực hiện lại lần thứ hai, Hải và Dũng đã chủ động không tham gia nữa. Hải và Dũng được miễn TNHS về tội định phạm, còn Công, Hợp. Xuân vẫn phải chịu TNHS về hành vi phạm tội của mình. 2.2.3. Nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm Trong một vụ đồng phạm, những người tham gia tuy phạm cùng một tội nhưng tính chất và mức độ tham gia của mỗi người là khác nhau. Cho nên, khi xác định TNHS của những người đồng phạm phải xem xét mức độ và tính chất tham gia của mỗi người. Tính chất tham gia của những người đồng phạm thể hiện vai trò của họ trong đồng phạm. Mức độ thể hiện sự đóng góp thực tế cụ thể của người đồng phạm và việc thực hiện tội phạm. Mức độ tham gia càng lớn thì hậu quả nguy hại cho xã hội càng cao. Do đó TNHS phải tương xứng với mức độ tham gia của mỗi người đồng phạm. Ví dụ: Nội dung vụ án theo bản cáo trạng: Trong khoảng thời gian từ 18/8/2003 đến 17/9/2003, Ngụy Khắc Trường, Phan Việt Đức, Phan Chí Cường, Nguyễn Văn Nam, Lê Tiến Hưng, Phan Thế Anh đã bốn lần thực hiện hành vi cướp tài sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Toà án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã có những nhận định sau: Hành vi phạm tội của các bị cáo là rất nghiêm trọng và nguy hiểm. Trong một thời gian ngắn bọn chúng đã nhiều lần gây án gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Ngụy Khắc Trường là tên nguy hiểm nhất, y đã bốn lần thực hiện hành vi phạm tội trong đó có ba lần sử dụng các loại vũ khí lạnh như dao, kiếm. Giá trị tài sản Trường chiếm đoạt là 774.000 đồng. Vì vậy phải chịu mức án cao nhất. Tuy nhiên khi lượng hình cần xem xét bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, ăn năn hối cải, thật thà khai báo để giảm nhẹ một phần. Phan Việt Đức có vai trò thứ hai, y cũng bốn lần thực hiện hành vi phạm tội, Có hai lần sử dụng hung khí. Giá trị tài sản chiếm đoạt được là 774.000 đồng. Phan Chí Cường thực hiện hành vi phạm tội khi còn ở tuổi vị thành niên nhưng y tỏ ra ngỗ ngược, liều lĩnh. Cường ba lần thực hiện hành vi phạm tội, trong đó có một lần dùng dao, hai lần khởi xướng việc cướp tài sản. Giá trị tài sản y chiếm đoạt được là 237.000 đồng. Khi lượng hình cần căn cứ đường lối xét xử vị thành niên phạm tôi. Nguyễn Văn Nam, Lê Tiến Hưng có vai trò gần như nhau khi cùng tham gia thực hiện tội phạm. Lượng tài sản Nguyễn Văn Nam cùng đồng bọn chiếm đoạt được trị giá 510.000 đồng và Nam tham gia phạm tội trong những lần đồng bọn sử dụng dao, kiếm. Vì vậy, Nguyễn Văn Nam phải truy tố theo Khoản 2 Điều 133 BLHS năm 1999. Còn đối với Lê Tiến Hưng, y đã chiếm đoạt được 207.000 đồng, nhưng chỉ dùng tay không nên chỉ chịu TNHS theo Khoản 1 Điều 133 BLHS năm 1999. Nguyễn Văn Nam có bố là liệt sĩ, thật thà khai báo, cần xem xét để thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước ta. Phan Thế Anh có vai trò sau cùng. Anh cùng đồng bọn một lần thực hiện hành vi chặn cướp với vai trò là người thực hành tích cực. Tài sản chiếm đoạt được trị giá 180.000 đồng. Bị cáo phạm tội khi còn ở tuổi vị thành niên nên sẽ được áp dụng đường lối xét xử đối với vị thành niên phạm tội. Xem xét tinh chất và mức độ tham gia của từng bị cáo, tại bán án số 64/HSST ngày 13/7/2004 Toà án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đưa ra quyết định như sau: Áp dụng Điểm d Khoản 2 Điều 133, Điểm p Khoản 1 Điều 46 (áp dụng Khoản 2 Điều 46 và Điều 47 đối với Nguyễn Văn Nam, áp dụng Điều 69, Điều 74 đối với Phan Chí Cường) của BLHS năm 1999 xử phạt: Ngụy Khắc Trường 9 năm tù giam về tội cướp tài sản Phan Việt Đức 7 năm tù giam về tội cướp tài sản Phan Chí Cường 4 năm về tội cướp tài sản. Áp dụng Khoản 1 Điều 133, Điểm p Khoản 1 Điều 46 (áp dụng Điều 69, Điều 51, Điều 74 đối với Phan Thế Anh) của BLHS năm 1999 xử phạt: Lê Tiến Hưng 2 năm tù giam về tội cướp tài sản Phan Thế Anh 18 tháng tù giam về tội cướp tài sản Thể hiện chính sách này, luật hình sự Việt Nam còn xác định chính sách hình sự của Nhà nước ta “nghiêm trị kết hợp với khoan hồng”. Chính sách này thể hiện đặc biệt rõ nét trong đường lối xét xử vụ đồng phạm các tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia. Bởi vì trong các vụ án này bên cạnh những tên cầm đầu, chủ mưu, những tên hoạt động đắc lực, có ý thức phạm tội sâu sắc còn một số khá đông đã phạm tội do bị lừa phỉnh, ép buộc. Chính sách nghiêm trị kết hợp với khoan hồng cũng được thể hiện rõ nét trong vụ đồng phạm các tội khác, nếu trong vụ đồng phạm đó có sự phân hoá rõ rệt hai loại người: Một bên là những tên cầm đầu thuộc phần tử xấu và một bên là những tên nhất thời phạm pháp. Như vậy, nguyên tắc xác định TNHS thể hiện rõ đường lối xử lí của Đảng và Nhà nước ta đối với tội phạm nói chung và từng người đồng phạm nói riêng. Đây sẽ là cơ sở đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng của pháp luât, giúp cơ quan điều tra đưa ra quyết định xử phạt phù hợp với hành vi phạm tội đã thực hiện trên thực tế. 2.3. Một số vấn đề liên quan đến trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm 2.3.1. Vấn đề chủ thể đặc biệt trong đồng phạm CTTP của tất cả các tội phạm đều đòi hỏi chủ thể phải có hai dấu hiệu là có năng lực TNHS và độ tuổi chịu TNHS. Có một số trường hợp CTTP đòi hỏi chủ thể phải có thêm dấu hiệu đặc biệt khác, vì chỉ có dấu hiệu này mới có thể thực hiện được hành vi phạm tội mà CTTP đó phản ánh. Chủ thể đòi hỏi phải có thêm dấu hiệu đặc biệt như vậy được gọi là chủ thể đặc biệt. Tính chất bắt buộc mà người thực hành phải có đối với những tội mà CTTP đòi hỏi chủ thể đặc biệt phải là những đặc điểm liên quan đến chức vụ quyền hạn, đặc điểm liên quan đến nghề nghiệp, nghĩa vụ phải thực hiện: Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự (Điều 259 BLHS năm 1999), tội không chấp hành bản án (Điều 223 BLHS năm 1999). Các đặc điểm liên quan đến độ tuổi: Tội giao cấu với trẻ em (Điều 115 BLHS năm 1999). Các đặc điểm về quan hệ gia đình, họ hàng: Tội loạn luân (Điều 158 BLHS 1999) Đối với chủ thể đặc biệt trong đồng phạm, theo giáo trình luật hình sự của Trường Đại học Luật Hà Nội: “Đối với những tội đòi hỏi chủ thể đặc biệt chỉ cần người thực hành có những đặc điểm của chủ thể đặc biệt”. Ví dụ: A là thủ kho một Doanh nghiệp Nhà nước, A có hành vi tham ô tài sản của Nhà nước. A bàn với môt nguời lái xe taxi tải chở hộ hàng. Người lái xe biết rõ là tài sản tham ô nhưng vẫn chở. Trường hợp này A là người thực hành và là người có chức vụ quyền hạn (thủ kho). Người lái xe taxi tải là người giúp sức. Trong mọi trường hợp nếu trong vụ đồng phạm CTTP yêu cầu chủ thể đặc biệt thì người thực hành thực hiện tội phạm phải có đủ dấu hiệu chủ thể mà điều luật đó quy định. Đồng thời họ phải là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Đối với tội hiếp dâm CTTP luôn yêu cầu phải là nam giới. Giả sử thị A có hành vi giúp B giữ tay chân K để B thực hiện hành vi giao cấu với K. Ở đây A chỉ có thể là người giúp sức cho B trong tội hiếp dâm được quy định tại Điều 111 BLHS năm 1999, vì A không thoả mãn dấu hiệu chủ thể thực hiện tội phạm (nam giới). Như vậy để kết tội cho những người đồng phạm ở những tội đòi hỏi chủ thể đặc biệt thì người thực hành đó bắt buộc phải có các dấu hiệu mà cấu thành tội phạm đó yêu cầu. Điều này cho phép Tòa án phân định được một cách chính xác vai trò của người thực hành so với những người đồng phạm khác. 2.3.2. Vấn đề xác định giai đoạn thực hiện tội phạm trong đồng phạm Luật hình sự Việt Nam hiện hành chưa có điều luật nào trực tiếp quy định về các giai đoạn thực hiện hành vi đồng phạm. Trên thực tế chúng ta chỉ có thể dựa vào những quy định của pháp luật về các trường hợp phạm tội riêng lẻ để xác định các giai đoạn thực hiện tội phạm trong đồng phạm. Các giai đoạn thực hiện tội phạm là các mức độ thực hiện tội phạm cố ý bao gồm: Chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành. Theo luật hình sự Việt Nam, vấn đề các giai đoạn thực hiện tội phạm chỉ đặt ra đối với tội cố ý gián tiếp mà không đặt ra đối với tội có lỗi cố ý gián tiếp hay lỗi vô ý. Khi hành vi được thực hiện với lỗi cố ý gián tiếp hay lỗi vô ý, người phạm tội không muốn tội phạm xảy ra. Vì thế, không thể xác định có việc chuẩn bị hay chưa đạt để buộc họ phải chịu TNHS. Đối với tội có lỗi vô ý, người phạm tội không có mục đích phạm tội, không có sự chuẩn bị nên không thể có giai đoạn chuẩn bị. Người phạm tội cũng không mong muốn cho hậu quả xảy ra. Hậu quả không xảy ra thì vấn đề TNHS không đặt ra và chỉ khi hậu quả xảy ra mới coi là có tội. Đối với tội được thực hiện với lỗi cố ý gián tiếp có thể có mục đích. Nhưng mục đích mà nó hướng tới có thể không phải là tội phạm đang thực hiện, nên không có sự chuẩn bị. Như vậy, vấn đề các giai đoạn thực hiện tội phạm cũng không được đặt ra. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng vẫn đặt ra các giai đoạn phạm tội ở loại tội có lỗi cố ý gián tiếp. Bởi vì: “Khi quyết định thực hiện hành vi chủ thể đã nhận thức được rằng hậu quả do hành vi đó có thể xảy ra, tuy hậu quả không phải là điều mà chủ thể hướng tới nhưng đã chấp nhận việc nó xảy ra. Như vậy, chủ thể thực hiện hành vi và đương nhiên quá trình thực hiện tội phạm phải được tính từ khi có quyết định thực hiện hành vi, qua chuẩn bị, bắt đầu thực hiện và thực hiện hoàn thành tới khi tội phạm thực sự chấm dứt. Quá trình này cũng phải phân định thành các giai đoạn chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành” [22, tr.29]. Tội phạm được thực hiện dưới hình thức đồng phạm là loại tội được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý và vấn đề xác định các giai đoạn thực hiện tội phạm trong đồng phạm cũng đương nhiên đặt ra. Việc xác định các giai đoạn thực hiện tội phạm trong đồng phạm chủ yếu dựa vào mức độ thực hiện tội phạm của người thực hành, nghĩa là “nếu những người đồng phạm không thực hiện tội phạm được đến cùng do những nguyên nhân khách quan thì người thực hành thực hiện đến giai đoạn nào, họ phải chịu trách nhiệm hình sự đến giai đoạn đó” [10, tr.143]. Theo đó thì người thực hành giữ vai trò trung tâm trong vụ đồng phạm. Hành vi và mức độ thực hiện tội phạm của người thực hành là cơ sở phân định giai đoạn phạm tội trong trường hợp đồng phạm. Ví dụ: Khi A đi qua một cửa hàng ăn, thấy một số người đang ăn uống. Phía ngoài ngõ có dựng hai chiếc xe môtô của khách. A nảy sinh ý định lấy trộm xe máy đem đi bán. A gặp B đang đi chơi. A rủ B cùng vào lấy trộm xe, B đồng ý. Chiếc xe được khóa cổ càng cẩn thận. A đang cố phá khóa thì bị bắt. Trường hợp này hành vi của A chỉ dừng lại ở giai đoạn phạm tội chưa đạt và như vậy cả A và B cùng phải chịu TNHS về tội trộm cắp tài sản ở giai đoạn phạm tội chưa đạt. Việc xác định tội phạm hoàn thành hay phạm tội chưa đạt là cơ sở để xác định TNHS cho những người đồng phạm được chính xác. Nếu coi hành vi của người thực hành có vai trò trung tâm tuyệt đối thì sẽ không thấy được vai trò của những người đồng phạm khác bởi vì có một số trường hợp mặc dù hành vi của người thực hành chưa thỏa mãn hết dấu hiệu của một CTTP cụ thể nào đó. Tuy nhiên, trong trường hợp hành vi của những người đồng phạm khác như người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức đã hoàn thành và hành vi phạm tội của từng người đồng phạm dừng lại ở các giai đoạn khác nhau thì tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội là khác nhau. Như vậy, nếu hành vi của những người đồng phạm khác chỉ bị truy cứu ở giai đoạn phạm tội chưa đạt là không phản ánh chính xác tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mỗi người. Trong trường hợp người bị xúi giục không nghe theo, sự xúi giục không có kết quả thì chỉ riêng người xúi giục phải chịu TNHS về tội đã xúi giục. Trên thực tế nếu sự xúi giục không có kết quả thì cần phải có sự cân nhắc rõ ràng vì ở đây chưa có sự tiếp nhận ý chí giữa người xúi giục và người bị xúi giục, người xúi giục chưa đạt được mục đích của mình. Vì vậy, trong trường hợp này, TNHS phải xem xét giảm nhẹ so với trường hợp người xúi giục đã thúc đẩy người thực hành thực hiện tội phạm. Nếu một người mong muốn giúp người khác thực hiện tội phạm nhưng người thực hành không thực hiện tội phạm đó hoặc không sử dụng sự giúp sức thì người giúp sức phải chịu TNHS về tội định giúp sức. Ví dụ: B biết A có ý định trộm cắp tài sản của công ty, B đã hứa sẽ vận chuyển giúp A mà không lấy tiền công. Đến khoảng 22 giờ 30 phút, B đánh xe chờ sẵn trước cổng công ty. A vì lo lắng sợ bị phát hiện nên đã không thực hiện hành vi trộm cắp tài sản nữa. Trong trường hợp này A đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Còn B với vai trò là người giúp sức phải chịu TNHS về tội trộm cắp tài sản (Điều 138 BLHS năm 1999). Như vậy, việc xác định các giai đoạn thực hiện tội phạm trong đồng phạm là cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện nguyên tắc xác định TNHS của những người đồng phạm, đảm bảo nguyên tắc những người đồng phạm chịu trách nhiệm độc lập về việc cùng thực hiện vụ đồng phạm. Tạo điều kiện thực hiện chính sách hình sự của Nhà nước ta, ngăn ngừa các vụ đồng phạm ngay từ khi có biểu hiện tội phạm ban đầu. 2.3.3. Vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong đồng phạm Điều 19 BLHS năm 1999 quy định: “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản”. Vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được đặt ra khi trường hợp những người đồng phạm chưa thỏa mãn một CTTP cụ thể. Khi có sự tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của một người hay một số người thì việc miễn TNHS chỉ được áp dụng đối với bản thân người đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Đối với người thực hành, vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội giống với trường hợp phạm tội riêng lẻ. Người thực hành được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội khi tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản. Ví dụ: A vì có thù tức với B nên đã rủ C và D đánh B. A cùng C và D lập kế hoạch để dạy cho B một bài học. A theo dõi hoạt động đi lại của B, còn C và D tìm dao, côn để thực hiện hành vi theo kế hoạch. Sau một thời gian theo dõi B, A thấy B là người con duy nhất trong gia đình, nếu B bị tàn phế thì mẹ B sẽ không có người chăm sóc. A từ bỏ ý định đánh B, đồng thời A bàn với C và D từ bỏ ý định đánh B. Cả bọn nghe theo A. Trong trường hợp này, hành vi của A được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Hoạt động lập kế hoạch, theo dõi hoạt động đi lại, chuẩn bị công cụ đã làm xong. Chưa có ai biết được ý định phạm tội của A, C, D và cũng không có gì cản trở A, C, D thực hiện hành vi gây thương tích cho B. Song A đã lựa chọn xử sự không đánh B nữa. Đồng thời A khuyên đồng bọn không đánh B nữa. Do đó A được miễn TNHS về tội định phạm là tội cố ý gây thương tích cho người khác. Nếu trong vụ đồng phạm có người thực hành thì hành vi phạm tội của từng người có quan hệ mật thiết với nhau. Việc xác định thời điểm được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội phải căn cứ vào hành vi thực tế của mỗi người đồng phạm. Trong trường hợp tổng hợp hành vi phạm tội của tất cả những người đồng phạm đã thoả mãn đầy đủ dấu hiệu của một CTTP cụ thể thì vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội không được đặt ra. Trong số những người đồng thực hành đó nếu có một hoặc một số người thôi không thực hiện tội phạm nữa thì cũng được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Đối với người đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội yêu cầu họ phải có những hành động tích cực nhằm ngăn chặn việc thực hiện tội phạm hoặc ít nhất phải hạn chế hậu quả xảy ra. Đối với người tổ chức, người xúi giục và người giúp sức thì vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội có nhiều điểm khác so với người thực hành. Họ không tự mình mà phải thông qua người thực hành để thực hiện hành vi được mô tả trong CTTP. Hoạt động của họ luôn là tiền đề, là điều kiện hỗ trợ cho hoạt động phạm tội của người thực hành. Những người này có thể từ bỏ ý định phạm tội trong khi người thực hành vẫn thực hiện tội phạm đến cùng theo kế hoạch đã vạch ra. Chính vì thế người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức chỉ được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội khi thoả mãn hai điều kiện: Thứ nhất, họ phải chấm dứt việc phạm tội trước khi người thực hành bắt tay thực hiện tội phạm. Thứ hai, họ phải có những hành động tích cực làm mất tác dụng của những hành vi trước đó của mình, để ngăn chặn việc thực hiện tội phạm. Như vậy, khi được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thì hành vi đã mất đi tính nguy hiểm cho xã hội. Khi đó những người đồng phạm được miễn TNHS về tội định phạm. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử nếu xét hành vi trước đó của chúng đã cấu thành tội độc lập nào khác thì cần phải có biện pháp xử lý đúng đắn, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo chính sách hình sự của Nhà nước ta. KÕt luËn vµ kiÕn nghÞ 1. Đồng phạm là hình thức phạm tội đặc biệt được thực hiện với sự cố ý cùng tham gia của nhiều người. Mỗi người đồng phạm bằng hành vi cụ thể của mình đều góp phần đảm bảo cho tội phạm được thực hiện trên thực tế. Sự hỗ trợ phối hợp cùng hành động của những người phạm tội giúp họ củng cố quyết tâm phạm tội đến cùng. Chính vì vậy, tội phạm được thực hiện dưới hình thức này thường có tính nguy hiểm cao và gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. 2. Chế định đồng phạm trong pháp luật hình sự một số nước trên thế giới ra đời từ rất sớm và mỗi nước đều có những quy định khác nhau về đồng phạm. Ở Việt Nam, đến thời kỳ phong kiến chế định đồng phạm được đề cập đến. Sự phát triển của khoa học luật hình sự đã đưa ra định nghĩa khoa học, thống nhất về đồng phạm: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cùng thực hiện tội phạm” ( Khoản 1, Điều 20 BLHS năm 1999). Định nghĩa là cơ sở pháp lý quan trọng, chủ yếu để xác định những vấn đề liên quan đến đồng phạm trong thực tiễn 3. Từ những nghiên cứu về mặt khách quan và chủ quan ở phần trên thì trong đồng phạm những dấu hiệu bắt buộc phải có gồm: Dấu hiệu hành vi, NLTNHS và độ tuổi thuộc mặt khách quan của tội phạm; dấu hiệu lỗi, động cơ và mục đích thuộc mặt chủ quan của đồng phạm. 4. Nhìn lại tình hình tội phạm ở nước ta trong những năm gần đây, có một thực tế là các loại hình tội phạm không ngừng gia tăng, đặc biệt là tội phạm được thực hiện dưới hình thức đồng phạm (tội phạm có tổ chức). Việc giải quyết TNHS đối với từng người đồng phạm trong những vụ án đó là phức tạp, bởi vì không phải trong mọi trường hợp vai trò của từng người tham gia thực hiện tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội như nhau. Vấn đề đặt ra là cơ quan điều tra, truy tố, xét xử cần có những biện pháp cần thiết để xác định các hình thức đồng phạm, các loại người đồng phạm. Bởi đó là cơ sở xác định hành vi, tính chất và mức độ tham gia của mỗi người, là căn cứ quan trọng để đảm bảo nguyên tắc cá thể hoá TNHS trong đồng phạm. Những nghiên cứu trên đây giúp chúng ta phần nào hiểu được bản chất pháp lý của vấn đề đồng phạm. Căn cứ quy định của pháp luật, tổng hợp ý kiến của nhiều học giả khác nhau tôi xin đưa ra một số kiến nghị đề xuất như sau: 5. Khái niệm đồng phạm được quy định tại Khoản 1 Điều 20 BLHS năm 1999 đưa ra khái niệm thống nhất về đồng phạm: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Việc sử dụng thuật ngữ “cố ý cùng thực hiện” mới chỉ nêu lên được hành vi của một loại người đồng phạm, đó là người thực hành. Có nghĩa là nó mới chỉ đề cập đến hình thức đồng phạm giản đơn, với sự phạm tội của những người cùng thực hành mà không có những người đồng phạm khác. Như vậy bản thân khái niệm vẫn chưa thể hiện đúng, đầy đủ và toàn diện bản chất pháp lý chung của đồng phạm. 6. Về đường lối xử lý, phân hoá TNHS đối với những người đồng phạm, tại Điều 3 BLHS năm 1999 khẳng định: Nghiêm trị đối với kẻ chủ mưu cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. đồng thời tại các Điều 79, Điều 81, Điều 82, Điều 83, Điều 89, Điều 91 BLHS năm 1999 việc xử lý những người đồng phạm được tiến hành theo hướng phân hóa về khung hình phạt, dựa vào vai trò và mức độ thực hiện hành vi của họ. Tuy nhiên những quy định này chỉ thể hiện được quan điểm phân hoá trong việc xử lý những người đồng phạm ở một số tội cụ thể. Sự phân hoá chưa thực sự triệt để, chưa tạo được cơ sở pháp lý riêng biệt để xử lý các tổ chức tội phạm. Vì vậy, bên cạnh đường lối nghiêm trị kẻ chủ mưu cầm đầu, cần có những căn cứ cụ thể để quy định nguyên tắc xử lý đối với những người đồng phạm khác. Về vấn đề này T.S Lê Thị Sơn có quan điểm: “Quy định của pháp luật hình sự hiện hành của nước ta về tội phạm có dấu hiệu có tổ chức chưa đúng yêu cầu đấu tranh với các tổ chức phạm tội và ngăn chặn các tội phạm do các tổ chức thực hiện”. 7. Về các giai đoạn thực hiện tội phạm, BLHS chưa có quy định cụ thể về các giai đoạn thực hiện hành vi của những người đồng phạm. Quan điểm phổ biến hiện nay là việc xác định các giai đoạn thực hiện tội phạm của những người đồng phạm phụ thuộc vào mức độ thực hiện tội phạm của người thực hành [10, tr.143]. Nghĩa là, người thực hành dừng lại ở giai đoạn phạm tội nào thì những người đồng phạm khác cũng phải chịu TNHS cùng với người thực hành ở giai đoạn đó. BLHS ngoài quy định ở Điều 17, Điều 18 về chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt, không có quy định nào khác về các giai đoạn thực hiện hành vi của những người đồng phạm như: Các giai đoạn thực hiện hành vi của người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức. Cần phải có quy định cụ thể về vấn đề này để đánh giá được vai trò, tính chất, mức độ tham gia của từng người đồng phạm đối với hoạt động chung của chúng. T.S Lê Thị Sơn cho rằng: “BLHS cần quy định chính thức về hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt đối với từng loại người đồng phạm và TNHS đối với các hành vi đó”. Từ đó đảm bảo lượng hình cho các bị cáo chính xác, đúng pháp luật. 8. Về vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội trong đồng phạm, thực tiễn xét xử cho thấy, chỉ người thực hành được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt viêc phạm tội và được miễn TNHS trên cơ sở Điều 19 BLHS 1999 trong trường hợp hành vi mà người đó thực hiện chưa thoả mãn CTTP. Còn đối với những người đồng phạm khác (người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức...). Pháp luật Hình sự hiện hành chưa có sự điều chỉnh cụ thể vấn đề nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của họ. Do đó, cần có những quy định cụ thể và đầy đủ hơn về vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Đảm bảo mọi hành vi phạm tội phải được xử lý nghiêm minh và đúng pháp luật.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docTrách nhiệm hình sự của những người đồng phạm Một số vấn đề lí luận và thực tiễn.DOC
Luận văn liên quan