1. Lý do chọn đề tài
2. Đối tượng và mục đích nghiên cứu
3. Phương pháp nghiên cứu
4. Kết cấu của tiểu luận
Chương 1: Lý luận chung về ảnh và chú thích ảnh trên báo chí
Chương 2: Khảo sát mối quan hệ giữa ảnh, chú thích ảnh báo Hà Giang
Chương 3: Nguyên nhân và giải pháp nâng cao chất lượng ảnh trên báo Hà Giang
Kết luận
26 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 9789 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Ảnh và chú thích ảnh trên báo, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
mở đầu
1. Lý do chọn đề tài
ảnh báo chí từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu, có những đóng góp quan trọng cho việc cung cấp thông tin một cách toàn diện, sống động trên báo in - một kênh thông tin quan trọng vào hiệu quả. ảnh báo chí xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX, tuy ra đời muôn hơn nhiều so với các thể loại báo chí khác nhưng nó vẫn khẳng định được vị trí quan trọng của mình.
Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, con người tìm đến các phương tiện thông tin đại chúng với mong muốn làm sao để trong một khoảng thời gian ngắn nhất có thể tiếp nhận được một lượng thông tin nhiều nhất. Trong sự cạnh tranh với phát thanh, truyền hình và báo trực tuyến, báo in ngày càng có xu hướng sử dụng nhiều ảnh. Vai trò của ảnh báo chí và chú thích ảnh vì thế càng trở nên quan trọng trên báo in hiện đại.
Tuy có vị trí quan trọng như vậy nhưng chú thích ảnh lại chưa được quan tâm thoả đáng. Tình trạng chú thích hời hợt, tuỳ tiện trong sử dụng chú thích ảnh trên nhiều tờ báo, tạp chí hiện nay cho thấy các cơ quan báo chí, những người làm báo, đặc biệt là phóng viên ảnh chưa nhận thức đúng tầm quan trọng và hiệu quả của việc sử dụng chú thích ảnh.
Báo Hà Giang, cơ quan của Đảng bộ Tỉnh Hà Giang thành lập từ năm 1964. Báo Hà Giang rất chú ý đến việc sử dụng ảnh trên báo và báo đã thực sự có những tấm ảnh chất lượng. Báo có một số phóng viên và cộng tác viên có chuyên môn cao, những tác giả này đã đem tới tờ báo nhiều bức ảnh phản ánh sinh động, toàn diện mọi mặt hoạt động trên địa bàn tỉnh. Có những bức ảnh đã thực sự tạo được ấn tượng với độc giả. Tuy nhiên, nhiều bức ảnh chưa thực sự thuyết phục và khiếm khuyết của nó chính là sự yếu kém từ những lời chú thích ảnh.
Từ những lý do khoa học và thực tiễn trên tác giả của tiểu luận mạnh dạn chọn vấn đề: “ảnh và chú thích ảnh trên báo Hà Giang” làm đề tài nghiên.
2. Đối tượng và mục đích nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của tiểu luận này là ảnh báo chí. Trong mỗi tác phẩm ánh báo chí bao giờ cũng có hai phần riêng biệt: Phần ảnh và phần chú thích. Trong tiệu luận này tác giả tập trung nghiên cứu về chú thích ảnh, mối liên hệ giữa chú thích ảnh với ảnh và nội dung bài viết và chỉ nghiên cứu trên một tờ báo cụ thể, báo Hà Giang.
Phạm vi nghiên cứu là khảo sát chú thích ảnh trên nguồn tư liệu chính là báo Hà Giang trong năm 2008. Nhìn chung, hiện tại một số báo Hà Giang sử dụng từ 10 đến 15 ảnh trong đó có khá nhiều bức ảnh thực sự mang đến cho bạn đọc những thông tin rất đáng chú ý. Nhưng ở số báo nào cũng có những bức ảnh bộc lộ đầy đủ cả ưu, nhược điểm của loại hình này trên tờ báo lớn nhất của tỉnh.
3. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài, tác giả tiểu luận đã khảo sát báo Hà Giang trong năm 2008 để tổng hợp rồi phân tích những bức ảnh có chất lượng tốt và chưa tốt. Bên cạnh đó, còn sử dụng các phương pháp khảo sát, phân tích, so sánh với một số tờ báo có uy tín khác để đánh giá, đưa ra ý nghĩa của các bức ảnh, rút ra những vấn đề định tính trên cơ sở những định lương được đưa ra trước đó.
Ngoài ra, chỉ ra nguyên nhân của những bức ảnh và những chú thích ảnh chưa đạt chất lượng, đưa ra những giải pháp để nâng cao chất lượng của chú thích ảnh trên báo chí nói riêng và chất lượng ảnh, nội dung của tờ báo nói chung.
4. Kết cấu của tiểu luận
Ngoài phần mở đầu và kết luận, kết cấu tiểu luận này gồm có 3 chương nội dung cơ bản:
Chương 1: Lý luận chung về ảnh và chú thích ảnh trên báo chí
Chương 2: Khảo sát mối quan hệ giữa ảnh, chú thích ảnh báo Hà Giang
Chương 3: Nguyên nhân và giải pháp nâng cao chất lượng ảnh trên báo Hà Giang
Chương 1
lý luận chung về ảnh và chú thích ảnh trên báo chí
1. Khái niệm ảnh báo chí
Bức ảnh đầu tiên trên thế giới mang tính thời sự được ghi lại năm từ năm 1842. Đó là bức ảnh chụp đám cháy lớn ở Hamburg do một nhiếp ảnh người Đức thể hiện. Những mãi đến cuối thể kỷ XIX, những bức ảnh thời sự phản ánh sinh động tâm tư, cuộc sống của con người mới xuất hiện trên những tờ báo và tạp chí. Từ đó đến nay, ảnh luôn có mặt trên báo in và có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện nhiệm vụ thông tin toàn diện của các tờ báo.
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn ảnh báo chí, tác giả tiểu luận xin nêu ra ở đây một khái niệm về “ảnh báo chí” (mang tính chính thức) như sau: “ảnh báo chí là một loại hình thông tin của báo chí, phản ánh khách quan mọi mặt của đời sống xã hội bằng ảnh đơn hay một nhóm ảnh đề làm rõ các vấn đề và sự kiện, có tính định hướng nhằm đem lại cho bạn đọc một lượng thông tin và một giá trị thẩm mỹ”.
Ngày nay, trong điều kiện khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, ảnh báo chí được sử dụng phong phú về số lượng trên báo in, báo trực tuyến. Trong phạm vi tiểu luận này tác giả chỉ đề cập đến chú thích của ảnh trên báo in.
2. Mối quan hệ thổng thể giữa ảnh báo chí và bài báo, tờ báo
2.1. Mối quan hệ giữa ảnh và chú thích ảnh
Có thể hiểu, chú thích ảnh là thuật ngữ chỉ phần chữ đặt bên cạnh tấm ảnh. Phần chữ viết ấy là một bộ phận cấu thành tác phẩm ảnh. Vì vậy chú thích ảnh có vai trò vô cùng quan trọng với nội dung bức ảnh. Vì vậy chú thích ảnh có vai trò quan trọng với nội dung bức ảnh. Nó là một bộ phận không thể thiếu cấu thành của mỗi bức ảnh. Thông thường, chú thích chỉ chiếm lượng diện tích trên báo bằng 20% bức ảnh. Bức ảnh càng lớn thì diện tương quan diện tích in ấn giữa chú thích với ảnh càng lớn. Chú thích ảnh phải luôn luôn gắn liền với nội dung bức ảnh, chú thích ảnh trên báo phải gắn liền với nội dung bức ảnh và một phần phụ thuộc vào vị trí trình bày của chính bức ảnh ấy.
Một yêu cầu tất yếu với một tác phẩm ảnh báo chí là hình ảnh trong bức ảnh phải thể hiện được phần điển hình, phần bản chất nhất của nhân vật, sự việc, sự kiện. Nội dung tư tưởng của tác phẩm ảnh báo chí phải được người đọc nhận biết trước hết thông qua hình ảnh. Ngoài phần “linh hồn” đó, người xem ảnh còn muốn biết cụ thể hơn về đối tượng, bức ảnh được chụp ở đâu, sự việc xảy ra như thế nào, kết thúc ra sao?... Các câu hỏi ấy tất yếu sẽ được nảy sinh trong quá trình tiếp nhận thông tin của người đọc, nhưng thường nằm ngoài khả năng cung cấp của hình ảnh. Nó được đặt ra cho chú thích ảnh - nhiệm vụ cầm đèn soi sáng những góc khuất chưa thấu suốt của thông tin.
Theo tâm lý tiếp nhận thông tin của bạn đọc, trước một bài báo, việc xem ảnh là những động tác đầu tiên, đó là thông tin thị giác. Chú thích ảnh và ảnh là cái “mở” và có thể nói là để khích thích tính tò mò của độc giả xem tiếp nội dung, sự kiện đó. Chú thích ảnh và ảnh sẽ thực hiện nhiệm vụ nêu lên một khía cạnh quan trọng nào đó trong nội dung bài viết. Xem ảnh, đọc chú thích sẽ giúp cho bạn đọc có cái nhìn cơ bản và hấp dẫn người ta tìm hiểu vấn đề cần quan tâm. Giữa hình ảnh và chú thích phải gắn bó chặt chẽ với nhau, hỗ trợ nhau nhằm tái hiện được một phần cốt yếu nhất của sự kiện, sự việc.
Chú thích ảnh bao giờ cũng phải thật đầy đủ, rõ ràng, chính xác và ngắn gọn. Một chú thích thông thường chỉ là một câu. Ngôn ngữ của chú thích ảnh là ngôn ngữ cô đọng, là kết tinh của sự chọn lọc khắc nghiệt và đầy ắp thông tin trong đầy con chữ. Chú thích đòi hỏi phải đáp ứng được những yêu cầu bổ xung thông tin cho những gì ảnh không nói hết được.
2.2. Mối quan hệ giữa ảnh và nội dung bài viết
Nội dung bài viết sẽ tăng được sự chú ý của bạn đọc nếu có bức ảnh có chất lượng cộng với tít dẫn phù hợp, đúng nội dung. Bao giờ ảnh, tít dẫn và nội dung bài viết cũng có mối quan hệ mật thiết tạo nên sức mạnh bổ trợ cho nhau tạo thành một tác phẩm báo chí hoàn hảo, có chất lượng tốt.
Một số báo sẽ không thể không có một bức ảnh nào. Nếu chỉ có chữ không thì số báo đó trở thành một quấn sách khổ lớn chứ không phảI một tờ báo. Qua khảo sát trên báo Hà Giang, bình quân mỗi số báo đều có khoảng từ 10 đến 15 ảnh mang những nội dung thông tin khác nhau, phản ánh những mảng đời sống khác nhau phục vụ cho các bài báo. Nhưng bức ảnh đó sẽ có ít giá trị nếu không có sự đóng góp của nội dung bài báo được đặt ở vị trí xung quanh bức ảnh. Bức ảnh không những góp phần bổ xung thông tin cho bài viết, mà còn góp phần làm tăng giá trị thẩm mỹ của trang báo.
Nhìn chung, ảnh báo chí luôn góp phần quan trọng không những làm hấp dẫn mà còn góp phần vào việc cung cấp thông tin bổ sung cho từng bài viết. Ngày nay, rất nhiều tờ báo luôn sử dụng những bức ảnh “Đinh” trên trang nhất, nhiều khi chiếm tới 1/2 diện tích của trang báo, thậm chí có tờ báo còn in ảnh chàn hết diện tích trang 1. Bên cạnh những tấm ảnh in cỡ lớn đó là những tít dẫn được trau chuốt và độc đáo, gây được sự hiếu kỳ cho độc giả theo dõi số báo như các báo: Lao động, tuổi trẻ, nông nghiệp Việt Nam, tiền phong…
Có thể khẳng định một bức ảnh dù lớn cũng chỉ ghi lại khoảnh khắc ấy chứ không thể mang được sức khái quát cao. Trong thông tin bằng hình ảnh, thông tin tự nó đòi hỏi phải có sự gọi tên. Tít dẫn và nội dung bài viết cùng kết hợp với hình ảnh sẽ giúp người xem hiểu rõ hơn tính nhất quán giữa thông tin bằng hình ảnh và thông tin bằng ngôn từ (bài viết).
2.3. Mối quan hệ giữa chú thích ảnh và nội dung bài viết
ảnh báo chí là sự kết hợp máu thịt giữa hai loại hình ngôn ngữ: Ngôn ngữ hình ảnh và ngôn ngữ văn bản. Hình ảnh chủ yếu thông tin bằng hình. Tít dẫn theo hình ảnh thông tin bằng chữ viết, thông tin văn bản. Mỗi phần có vai trò và lợi thế riêng. Nhờ bức ảnh báo chí sử dụng theo bài báo sẽ phát huy được vai trò. Có được một bức ảnh có chất lượng tốt, độc đáo, bài báo đó coi như đã tìm thấy một giá trị mới.
Hình ảnh của bức ảnh báo chí có vai trò vô cùng quan trọng trong tác phẩm báo chí. Hình ảnh bao giờ cũng có khả năng kèm theo chức năng minh chứng, giải thích, bổ sung hoặc làm thay đổi ý nghĩa ban đầu của thông báo mà người xem thấy trong nội dung bài viết. Nhờ có bức ảnh có chất lượng người ta hiểu sâu hơn được những tính trừu tượng và trả lời những điều cần thiết về thông tin trong nội dung tác phẩm báo chí. Bức ảnh sẽ thực hiện vai trò là minh chứng cho thông tin mà thông tin trong tít và nội dung bài viết đã nêu ra. ảnh phải làm phong phú, làm cho nội dung tăng tính chân thật, tôn thêm tính hấp dẫn và giá trị cho tác phẩm báo chí.
Mối quan hệ giữa ảnh với tác phẩm báo chí là rất quan trọng khi nhìn vào một trang báo hay một tác phẩm báo chí, nếu không có một bức ảnh thì sẽ thật rối mắt, tạo sự khó chịu cho độc giả. Mà đã là ảnh báo chí thực sự có chất lượng tốt đi kèm với nội dung bài báo đó thì bao giờ cũng tôn vinh bài báo đó lên một chân giá trị mới.
2.4. Mối quan hệ giữa chú thích ảnh với trang báo
Xem ảnh và chú thích, người đọc có thể hiểu được sự kiện trong ảnh có ý nghĩa chính trị, xã hội như thế nào. Một bức ảnh thời sự tốt có chú thích ngắn gọn, rõ ràng có thể thay thế cho một mẩu tin, một bài báo, một bài bình luận. Có nhiều trường hợp đăng trên báo một tấm ảnh tốt còn hiệu quả hơn nhiều với việc sử dụng bài viết dài dòng.
Giá trị trước hết của ảnh báo chí là truyền đạt lại cho người xem những hiểu biết quan trọng của đời sống xã hội hiện tại. Mỗi số báo Hà Giang hiện nay bình quân sử dụng từ 10 đến 15 ảnh, phản ánh những mảng hoạt động khác nhau trong phạm vi toàn tỉnh. Từ hình ảnh hoạt động của lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh cho đến hình ảnh hoạt động của những người công nhân, nông dân trên mặt trận mà họ công tác… Nhu cầu nhận thức đòi hỏi con người phải nắm bắt được những thông tin mới nhất, những sự kiện mới nhất trong cuộc đấu tranh chung của thời đại. Báo chí, trong đó có ảnh báo chí luôn đề cập tới nó, phân tích giá trị của nó và truyền đạt tới người xem bằng ngôn ngữ hình tượng của nhiếp ảnh. Một trang báo sẽ hấp dẫn nếu có sự bắt mắt của một chú thích độc đáo, sát thực với nội dung tác phẩm.
3.Tầm quan trọng của chú thích ảnh
Chú thích ảnh có một vai trò quan trọng không thể thiếu đối với bức ảnh báo chí. Mỗi một cấu trúc của ảnh báo chí bao giờ cũng là sự tổng hoà, bổ sung cho nhau của hai yếu tố hình ảnh và chú thích ảnh. Về bản chất, chú thích có nhiệm vụ móc nối với ảnh, xây dựng trên ảnh, làm cho cái mới của đối tượng, bản chất của nó trở thành một thể thống nhất để người xem dễ chấp nhận. Chú thích sẽ đảm nhận chức năng giải thích, bổ sung cần thiết, kịp thời thông tin cho bức ảnh.
Chú thích ảnh có 3 chức năng chính:
Thứ nhất, chú thích bổ sung thông tin cho hình ảnh, hoàn chỉnh bức ảnh báo chí.
Thứ hai, chú thích làm tăng tính cụ thể, làm rõ chủ đề, ý đồ chụp ảnh của phóng viên.
Thứ ba, chú thích nâng cao tầm khái quát của bức ảnh, “chắp cánh” cho bức ảnh bay cao, bay xa trong lòng bạn đọc.
Chú thích ảnh là yếu tố quan trọng không thể thiếu trong mỗi bức ảnh báo chí, giúp cho người đọc nhìn rõ được lối đi. trong mỗi bức ảnh báo chí, chú thích ảnh không những hỗ trợ đắc lực cho phần hình ảnh, mà còn góp phần quan trọng trong việc làm cho bức ảnh hoàn chỉnh hơn. Nó không phải là thành phần phụ của ảnh mà quan hệ chặt chẽ, gắn bó hữu cơ với nhau.
Hình ảnh dù có ghi lại được khoảnh khắc điển hình nhất thì nó cũng chỉ có thể ghi lại duy nhất và trung thực hình ảnh ấy. Trong phương pháp thông tin bằng hình ảnh, thông tin tự nó đòi hỏi phảI có sự gọi tên, địa điẻm xảy ra sự việc, ý nghĩa của sự kiện đó. Chú thích ảnh giúp người xem hiểu rõ hơn tính nhất quán giữa thông tin bằng hình ảnh và thông tin bằng ngôn từ.
4. Yêu cầu đối với chú thích ảnh tốt
Để làm tốt được chức năng của mình chú thích ảnh phải đạt được những yêu cầu thông tin cơ bản của nó là: phù hợp với nội dung ảnh, mang tính cụ thể, cung cấp thông tin mới cho ảnh và độc đáo, hiệu quả, tác động cao.
Phù hợp với nội dung ảnh
Một chú thích ảnh phù hợp với nội dung của ảnh sẽ tăng thêm giá trị của bức ảnh rất nhiều và buộc độc giả phải quan tâm hơn tới nội dung vấn đề mà tác giả muốn truyền đạt trên mặt báo. Đứng ở vị trí được quan tâm thứ 3, sau tít và ảnh, chú thích ảnh cũng không nằm ngoài yêu cầu phải phù hợp với nội dung ảnh để cung cấp cho độc giả lượng thông tin trong một thời gian ngắn nhất. Trong một dung lượng ngôn từ ít ỏi, chú thích cần ăm ắp những thông tin và phù hợp với bức ảnh, đáp ứng nhu cầu thông tin cao nhất của độc giả.
Một đặc điểm đồng thời cũng là yêu cầu của một chú thích ảnh tốt phảI là cụ thể mang đến cho người đọc những thông tin cụ thể ở đâu, bao giờ, khi nào, có những ai tham gia và diễn biến ra sao một cách ngắn gọn nhất. Nếu là phóng sự ảnh hoặc ảnh minh hoạ cho phóng sự thì chú thích lại càng phải cụ thể. Còn là ảnh tư liệu thì chú thích ảnh cũng phải đáp ứng được yêu cầu rõ ràng về mặt tư liệu và chú thích cụ thể là một yêu cầu không phải bàn cãi. Một bức ảnh khác nhau sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng một chú thích cụ thể sẽ là góc định hướng cho ý kiến độc giả tán thành theo.
Cung cấp thông tin mới cho ảnh
Chú thích ảnh có nội dung thông tin mới mà không phải thuật lại ảnh, văn phong ngắn gọn, dễ hiểu, hấp dẫn để thu hút người đọc tiếp nhận thông tin và hiểu đúng bản chât của thông tin đó. Cái mới luôn là yếu tố hạt nhân làm nên sự hấp dẫn của báo chí. Một chú thích ảnh hay, có thông tin mới để gây ấn tượng sẽ tăng thêm giá trị của bức ảnh rất nhiều và buộc độc giả phải quan tâm hơn nội dung vấn đề mà tác giả muốn truyền đạt trên báo chí. Như vậy, yêu cầu của một chú thích ảnh tốt không phải miêu tảnhững gì hình ảnh đã cho người xem biết mà phải tạo ra một lượng thông tin mới, lôi cuốn người đọc. Tuy nhiên, cũng không phải vì thế mà chú thích ảnh đặt người đọc vào thế tiếp nhận thông tin một cách thụ động, mất đi khả năng tư duy độc lập của tác giả.
Chương 2
Khảo sát mối quan hệ giữa ảnh, chú thích ảnh trên báo Hà Giang.
1. Sơ lược về báo Hà Giang
Báo Hà Giang, cơ quan của Đảng bộ tỉnh Hà Giang là tờ báo được thành lập từ năm 1964. Trụ sở báo đặt tại Số 5, đường Nguyễn Huệ, phường Nguyễn Trãi - thị xã Hà Giang. Có thể khẳng định tờ báo này đã đóng góp những thành tích quan trọng vào việc xây dựng tỉnh Hà Giang ngày càng vững mạnh, phát triển. Tờ báo đã thực sự trở thành vũ khí sắc bén trên mặt trận chính trị, tư tưởng của Đảng bộ tỉnh. Trong những năm đầu thành lập, cả toà soạn chỉ có 8 người, vừa làm phóng viên, biên tập viên vừa làm công tác hành chính trị sự. Số lượng phát hành những năm đầu mỗi tuần một số. Sau đó, do củng cố dần về nhân lực nên báo Hà Giang tăng dần về số lượng phát hành, thời lượng phát hành hàng tuần của báo là 2 số.
Đến nay, số cán bộ, phóng viên, biên tập viên đã không ngừng lớn mạnh cả về chất và lượng, nâng tổng số lên 35 người và phần cơ bản đều có trình độ Đại học. Do vậy đến nay báo đã phát hành mỗi tuần 3 số vào các ngày thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy. Bước đầu đủ phục vụ cho 70 vạn người dân trong tỉnh. Để nâng cao nội dung, chất lượng cho tờ Hà Giang, toà soạn mở thêm một số chuyên mục như: Quốc phòng, An ninh, Công đoàn, BHXH, Pháp luật và đời sống… Cùng với tờ Hà Giang khổ rộng phát hành rộng rãi toàn tỉnh, toà soạn còn xuất bản tờ Hà Giang Cực Bắc thay cho tờ Hà Giang bằng tiếng Mông trước đây, khổ 24 x 34cm với thể loại tin ngắn và các bài “Người tốt, việc tốt” chuyên phục vụ cho đồng bào các dân tộc vùng cao, bước đầu nâng cao trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc.
Toà soạn xuất bản cùng một lúc 2 tờ báo đòi hỏi lượng tin, bài nhiều hơn, nội dung, chất lượng phong phú hơn, đa dạng hơn so với trước. Vì vậy phóng viên, biên tập viên ý thức được rằng mỗi người làm báo phải có tính năng động, sáng tạo trong nghề nghiệp sao cho tờ báo xuất bản đúng kỳ, phục vụ kịp thời bạn đọc trong thời kỳ đổi mới. Trong năm 2008 báo Hà Giang đã phát hành 170 số, một số báo Xuân được gộp từ 4 số, số lượng ảnh sử dụng trên báo trong 1 năm qua cũng khoảng 3.000 bức. Báo có một số phóng viên tiêu biểu như: Trung Thu, Ngọc Quỳnh, Đức Dũng, Hữu Thụy, Thiên Thanh… Những tác giả này đã đem tới tờ báo nhiều bức ảnh phản ánh sinh động và toàn diện về mọi mặt hoạt động trên địa bàn tỉnh.
2. Thực trạng của việc sử dụng chú thích ảnh trên báo Hà Giang
2.1. Chú thích ảnh chất lượng tốt, phù hợp với ảnh và nội dung bài viết
- chú thích ảnh phù hợp với nội dung ảnh
ảnh tin “Đảm bảo hệ thống thoát nước trước mùa mưa lũ trên quốc lộ 4C” số ra ngày 31/05/2008, đã mang đầy đủ thông tin, thể hiện một cách cụ thể về những chi tiết với chú thích: “Công nhân Hạt 8 (Đồng Văn) xây rãnh thoát nước trên quốc lộ 4C”. Trong ảnh là hình ảnh rất đông công nhân đang bê đá, xây rãnh để đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Chú thích này đã làm rõ thêm mối quan hệ giữa con người, đối tượng, hành động và toàn bộ sự kiện.
- Chú thích ảnh phù hợp với nội dung tít trong bài
Bức ảnh “Người dân xã Chế Là (Xín Mần) thu hái chè” đăng ngày 14/06/2008. Chú thích này liên quan trực tiếp tới nội dung của tít, bổ sung bằng hình ảnh cụ thể cho ý nghĩa của tít “Cần giải pháp hỗ trợ cho ngành trồng - Chế biến - Xuất khẩu chè”. Phần nội dung sẽ mang lại những thông tin cụ thể cho người đọc.
Số 886, ra ngày 30/08/2008 sử dụng bức ảnh “Những giọt nước mắt sau lũ ở thôn Chất Tiến” của tác giả Huy Toán. Đây là bức ảnh chụp những người dân Cao Bồ khóc người thân bị chết và mất tích ở thôn Chất Tiến. Chú thích ảnh này mang những thông tin về những gì lũ quét đã gây ra, nỗi đau của người bị mất đi người thân vẫn giàn giụa mước mắt trên đống ngổn ngang sau lũ.
- Chú thích ảnh phù hợp với nội dung Sapo
Bài viết “Quy hoạch phát triển công nghiệp - hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế”, số 847, ra ngày 31/05/2008 có đăng bức ảnh về một loại sản phẩm của công ty TNHH Lương Xuân An với lời chú thích “Sản phẩm hàng TTCN do Công ty Lương Xuân An sản xuất đang được tiêu thụ mạnh trên thị trường”. Chú thích ảnh dạng này mang nội dung thông tin khác với nội dung thông tin thể hiện trong bài viết. Bài viết sẽ là nơi cung cấp thêm thông tin cho chú thích ảnh và Sapo.
- Chú thích ảnh xuất phát từ một chi tiết quan trọng nhất của ảnh
Bức ảnh đăng trên báo Hà Giang, ngày 22/07/2008 với lời chú thích “Công nhân Công ty TNHH Hà Trung nâng cấp tuyến đường Phố Cổ, thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn)”. Nội dung chú thích này tập trung vào nội dung quan trọng nhất của ảnh là một số công nhân đang nâng cấp, sửa chữa tuyến đường. Nội dung của bài viết sẽ bổ sung thêm thông tin cho bức ảnh, lời chú thích như vậy cũng tạm thời chấp nhận được bởi nó giúp người ta phân biệt được rõ ràng những gì đang diễn ra.
Bài viết “Yên Cường - tiềm năng bao giờ trở thành động lực?” của tác giả Thiên Thanh, đăng ngày 02/08/2008. Là bài viết khá tốt để đăng trên một tờ báo cấp tỉnh trong đó có sự đóng góp không nhỏ của bức ảnh minh hoạ. Xã Yên Cường (huyện Bắc Mê) là xã có nhiều lợi thế để phát triển hinh tế - xã hội. Nhưng những tiềm năng đó vẫn chỉ là… tiềm năng, chưa trở thành động lực bởi tư duy hàng hoá còn ở đâu chưa đến với mảnh đất này. Tác giả chọn chụp ao cá của gia đình ông Dìm Văn Thỉnh với những con cá bống nặng 4 - 5 kg. Người đọc có thể hình dung được đằng sau hình ảnh áy là sự phức tạp trong việc trao đổi thị trường để trở thành hàng hoá lại rất hãn hữu, cho thấy tư duy của nền kinh tế hàng hoá nơi đây chưa thực sự phát triển vì người dân vẫn quen với tư duy kinh tế tự cung tự cấp, sản phẩm làm ra chủ yếu để tiêu thụ trong dân.
Trên báo Hà Giang có phóng sự ảnh nhưng nó xuất hiện rất thưa. Số báo ngày 02/12/2008, đăng một phóng sự với tựa đề “Tìm lại “bộ mặt” sân vận động C10”. Đây là phóng sự tập hợp 5 bức ảnh có cùng chủ đề về việc người dân lấn chiếm làm mái che sang không gian sân, trực tiếp xả nước, rác thải vào sân hoặc do đường thoát nước hư hỏng làm ô nhiễm môi trường xung quanh. 5 ảnh nhưng chỉ có 03 lời chú thích ngắn gọn như sau: Chú thích thứ nhất dành cho ảnh 1 và 2, ghi “Các hộ dân lấn chiếm không gian sân để cơi nới nhà cửa, làm mái che”. Chú thích thứ hai dành cho ảnh 3, ghi “Đục tường làm nơi thoát nước và rác thải” và chú thích thứ ba dành cho ảnh 4 và 5 ghi “Khu vực cống thoát nước ngoài cổng phụ của sân, đâu rồi nắp cống?!”. Đây đều là những chú thích giản đơn nhưng vẫn làm rõ được thông tin từ những bức ảnh có chung một chủ đề.
2.2. Chú thích ảnh không phù hợp với ảnh và nội dung bài viết
Như phần trên của tiểu luận này tác giả đã phân tích, chú thích ảnh có vai trò vô cùng quan trọng với nội dung bức ảnh. Nó là một bộ phận không thể thiếu cấu thành của mỗi bức ảnh. Những bức ảnh minh hoạ cho sự kiện nếu có chú thích ảnh rõ ràng, trong sáng càng tăng giá trị của bức ảnh đó, ngoài ra nó còn làm tăng thêm tính chân thực của bài viết.
Mặc dù vậy nhưng trên báo Hà Giang hiện nay, bên cạnh những bức ảnh có nội dung tốt, lời chú thích mượt mà, đúng và còn làm tăng thêm thông tin cho những bức ảnh thì vẫn còn có những bức ảnh Ban biên tập dùng những lời chú thích hời hợt, không đúng với nội dung của nó.
Báo Hà Giang số 865, ra ngày 12/07/2008 có sử dụng một bức ảnh chụp mấy người nông dân đang nhìn những cây lúa trên đồng. Bức ảnh có dòng chú thích “Nông dân xã Quyết Tiến (Quản Bạ) nhổ mạ, tích cực cấy lúa vụ mùa kịp thời vụ”. Với bức ảnh như vậy, nên có lời chú thích mang thông tin về tình hình mùa vụ và giống lúa thì tốt hơn. nếu chú thích như trên thì phải chụp người dân đang trực tiếp cúi nhổ mạ, cấy lúa thì độc giả khi nhìn vào bức ảnh sẽ thấy được sự vất vả “một nắng hai sương” để làm ra hạt thóc và như thế bức ảnh mới thuyết phục được họ.
Số 862, ra ngày 05/07/2008 sử dụng bức ảnh chụp với dòng chữ “Thu hoạch lạc ở Thuận Hoà (Vị Xuyên), năng suất đạt 18 tạ/ha”. Trong góc độ của phần tiểu luận này, tác giả xin không nói nhiều về kĩ thuật chụp ảnh hay khoảnh khắc chụp bức ảnh đó, chỉ nói sâu về lời chú thích. Tuy nhiên, để “nâng tầm” cho bức ảnh thì khâu “chế biến” cũng đặc biệt quan trọng. Trong bức ảnh này, nội dung của chú thích nói về việc thu hoạch lạc đạt năng suất cao nên cho độc giả thấy được những hạt lạc mới được thu hoạch lên, chứ không nên chỉ cho thấy toàn lá… lạc.
Theo nhận định, đánh giá của tác giả tiểu luận, bức ảnh đó không nên chú thích như vậy mà nên chú thích với nội dung để lột tả về việc thu hoạch đạt năng suất cao như thế là nhờ cách chăm sóc đúng kĩ thuật nên năng suất ắt sẽ cao thì hợp lý hơn.
Việc tăng cường bác sĩ cho tuyến xã đang được quan tâm chú trọng đến vì đây là vấn đề còn nhiều khó khăn. Báo Hà Giang số 853, ra ngày 14/06/2008 trên trang nhất đăng ảnh bác sĩ đang cho một cháu nhỏ uống thuốc. Đây là bức ảnh khá tốt thể hiện sự yêu nghề và tận tụy với công việc của những người bác sĩ. Tuy nhiên, bức ảnh không hề ăn nhập với chú thích của bức ảnh “Cán bộ y, bác sĩ trạng y tế xã Tân Bắc (Quang Bình) thường xuyên làm tốt công tác khám chữa bệnh”. Nhìn tấm ảnh, bạn đọc thấy rõ ngay bác sĩ đang chăm sóc cho bệnh nhân chứ không phải khám bệnh như nội dung trong chú thích ảnh. Lỗi ở tấm ảnh này là do người biên tập đưa ra lời chú thích không phù hợp với những gì thấy được trong tấm ảnh.
Một tháng có một số Hà Giang Cực Bắc (4 trang) nêu lên những sự kiện nổi bật nhất trong tháng. Nếu một số báo thường ngày ban biên tập chuẩn trong 2 ngày để hoàn thiện nội dung thì Hà Giang Cực Bắc, ban biên tập chuẩn bị đến 10 ngày. Mỗi số sử dụng khoảng 20 ảnh, trong đó có khá nhiều ảnh đẹp. Đây là số báo được in mầu, trình bày hấp dẫn với những bài viết và những bức ảnh được tuyển chọn khá kỹ trong tháng. Mặc dù vậy, trong nó lại chứa đựng khá nhiều sai sót trong việc sử dụng và chú thích những bức ảnh.
Trên tờ Hà Giang Cực Bắc, số 170 ra tháng 7 năm 2008 đăng bức ảnh bà con đang chờ mua phân bón, giống cây trồng nhưng lại có chú thích “Bà con các hộ nghèo xã Mậu Duệ (Yên Minh) vay vốn ngân hàng chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế gia đình”. Đây là một chú thích hoàn toàn khác so với nội dung bức ảnh đưa ra. Độc giả nào cũng có thể dễ dàng nhận thấy nội dung bức ảnh đưa ra và lỗi trong việc chú thích một đằng ảnh một kiểu. Độc giả họ sẽ nghĩ gì với chú thích như thế (?!). Nguyên nhân là do sự ẩu thả hay sự yếu kém trong nghiệp vụ.
Cũng trong số bào này trên trang 3 có sử dụng bức ảnh chụp nhiều lao động đang sơ chế quả bộp. Đây là bức ảnh có chất lượng được gắn với nội dung bài viết như vậy là quá tốt. Nhưng ban biên tập lại chú thích “Nhiều lao động nhàn rỗi tham gia sơ chế quả bộp tại Công ty TNHH Vạn Đạt, thôn Đông Các II, thị trấn Vị Xuyên (Vị Xuyên)”, chú thích như thế độc giả rất dễ hiểu nhầm. Rõ ràng trong ảnh họ đang làm việc, bức ảnh có tầm quy mô để phát triển kinh tế như thế sao có thể là “nhàn rỗi”. Với bức ảnh này, nếu chú thích việc sơ chế quả bộp tại Công ty TNHH Vạn Đạt đã tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động nhàn rỗi địa phương. Chỉ trong 4 trang của tờ Hà Giang Cực Bắc số 170 này mà có đến 3 bức ảnh tác giả tiểu luận này thấy không hợp lý, đó là một con số quá nhiều trong một tờ báo. Vậy, trong một số báo Xuân thì số bức ảnh không phù hợp đó lên tới con số là bao nhiêu (?), tác giả xin không đề cập tới.
2.3 Chú thích ảnh không phù hợp với tít dẫn và nội dung bài báo
Trước tiên, ta phải tìm hiểu mối quan hệ giữa tít dẫn và nội dung bài báo. Ttong mỗi bài báo, tít báo có chức năng tổng kết thông tin trong cả nội dung của bài báo đó. Tuỳ theo ý tưởng của tác giả, đề dùng tít báo phân định mức độ quan trọng của nội dung bài báo đó, nó là những yếu tố nhìn thấy, bắt mắt nhất trong một trang báo hay một bài báo. Nhìn một bài báo hay một trang báo, thường độc giả chỉ cần nhìn tít báo để lựa chọn thông tin cần đọc. Nó có sức mạnh thu hút độc giả xem bài báo đó, bởi nó khái quát tới mức tinh xảo đến từng con chữ, hàm chứa nội dung bài báo đó. Do vậy trong góc độ của phần tiểu luận này, tác giả chỉ cần phân tích chú thích ảnh có phù hợp với tít dẫn hay không, bởi nội dung bài báo cũng không nằm ngoài nội dung của tít dẫn.
Điểm lại báo Hà Giang chúng ta thấy bất cứ sự kiện chính trị lớn nào trong tỉnh cũng đều được thông tin một cách đầy đủ và bao giờ cũng có ảnh đi kèm. Trong những năm vừa qua, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta qua các thời kỳ như: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Trần Đức Lương, Nguyễn Tấn Dũng… đều đã lần lượt về thăm tỉnh và đều có ảnh về hoạt động của các đồng chí trên báo Hà Giang. Có thể khẳng định ảnh minh họa về các hoạt động chính trị đều được sử dụng khá tốt và đúng lúc, đúng chỗ. Rồi những ảnh về hoạt động của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Tỉnh cũng được thông tin đầy đủ.
Mặc dù những ảnh thông tin chính trị báo Hà Giang đăng tải bao giờ cũng rất phù hợp với tít và nội dung của sự kiện đó. Tuy vậy, những tin, bài về hoạt động kinh tế, văn hoá xã hội có ảnh đi kèm lại không được như vậy. Rất nhiều tin, bài về các lĩnh vực này không có ảnh phù hợp đăng kèm.
Số 856, ra ngày 21/06/ 2008 đăng bức ảnh những người nông dân đang chăm sóc cây ngô. Góc bức ảnh có chú thích “Chăm sóc cây ngô vụ đông ở xã Trung Thành (Vị Xuyên)” của tác giả Tứ Cường. Bức ảnh này được minh hoạ vào bài có tít dẫn “Quang Bình khuyến khích nông dân trồng cây vụ đông”. bức ảnh này so với nội dung tin đi kèm nghe chừng hợp chủ đề nhưng đây lại là hai địa phương khác nhau nên mặc dù có hợp về nội dung cũng không thểt cho gộp vào như thế được.
Số 875, ra ngày 05/08/2008 sử dụng bức ảnh “Người dân xóm Chủng Pả, thị trấn Mèo Vạc chăm sóc đợt 1 cho lúa vụ mùa” đi kèm để minh hoạ cho tin “Bắc Quang tích cực chăm sóc lúa mùa”. Nhìn tổng thể trang báo, đây là một trang trình bày có thảm mĩ tốt, xem nội dung của ảnh và nội dung của bài viết cũng rất hợp chủ đề, nhưng lại vẫn ở hai địa phương khác nhau.
Hay trong số báo 857, ra ngày 24/06/2008 đưa tin “Hiệu quả mô hình nuôi ao cá ở thôn Tà Muồng” nhưng lại có ảnh minh hoạ là “Mô hình sản xuất giống dưa chuột tại Thôn Tha, xã Phương Độ (TX Hà Giang). Đó là một cách thể hiện rất vô lý, không hợp với cách trình bày của báo chí hiện nay!
Hiện tượng “Râu người nọ cắm cằm người kia” đã trở thành chuyện thường xuyên xảy ra trên báo Hà Giang. Trên trang nhất, số báo ra ngày 05/08/2008 có đăng bức ảnh “Nông dân xã Bản Rịa (Quang Bình) gieo trồng đậu tương vụ hè - thu”. Nhưng điều băn khoăn là không hiểu sao Ban biên tập lại cho dùng ảnh này làm minh hoạ đi kèm với tin “Đảng bộ Sở Tài chính: Hội nghị Đảng viên giữa nhiệm kỳ 2005 – 2008”. Rõ ràng nội dung của bức ảnh và nội dung bài viết đó là hoàn toàn không có gì khớp nhau nhưng Ban biên tập lại gộp vào một. Điều này làm cho độc giả khi xem báo rất khó hiểu.
Số 930 ra ngày 11/12/2008 trên trang nhất sử dụng một bức ảnh tương đối lớn. Lúc đầu khi xem thoáng qua trang báo tác giả tiểu luận đã cảm thấy mừng vì thẩm mỹ của trang báo có một chút bứt phá, nhưng đến khi xem lại nội dung đã làm cho tác giả thực sự… mất hứng. Bức ảnh chụp hồ treo Há Pống Cáy với chú thích “Hồ treo Há Pống Cáy, xã Sủng Trà (Mèo Vạc) đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô” trên bức ảnh có dòng tít lớn “Thành công ngô vụ 2 nới đá núi”. Nội dung của bài báo và tít báo thì nói một đằng, còn ảnh lại có nội dung một nẻo. Nội dung thì nói về thành công ngô vụ 2 mang hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân nhưng lại đưa bức ảnh minh hoạ về việc xây dựng hồ nước sinh hoạt cho người dân. Đây đúng là hết sức vô lý!
Giả sử, cũng trong chú thích bức ảnh trên, Ban biên tập tổng hợp một chú thích sâu hơn, trong chú thích có thêm một số thông tin, sau đó đóng khung bức ảnh và thông tin đó lại như một dạng tin ảnh độc lập nằm cạnh một bài báo đó thì lại rất tốt. Đó là cách khai thác thông tin và sử dụng trên các báo mà Thông tấn xã Việt Nam vẫn thường làm. Còn nếu như báo Hà Giang đã làm thì bức ảnh đó không thể đứng độc lập mà nó phải minh họa cho bài viết, do vậy xem một cách tổng thể thì không ổn chút nào.
Nhìn chung, cách lựa chọn và sử lý ảnh trên báo Hà Giang được thực hiện chưa bài bản, nếu không dám nói là ẩu. Có quá nhiều bài viết, nội dung đưa về hoạt động của cơ quan, đơn vị này nhưng ảnh lại đưa ở một địa phương khác. Đây là điểm yếu lớn nhất của việc sử dụng ảnh báo chí trên báo Hà Giang từ trước tới nay.
So sánh với báo Tin Tức của Thông tấn xã Việt Nam số 2688 ra thứ Sáu, ngày 25/01/2008 có đăng một bức ảnh khổ lớn về hình ảnh một phụ nữ đẩy một xe than tổ ong. Góc tấm ảnh lớn là một ảnh nhỏ chụp một người nông dân dong chiếc xe đạp chở vài cành đào tết. Chỉ cần nhìn hình bức ảnh thôi, người đọc cũng hiểu ra đây là tầng lớp lao động nghèo đang mưu sinh trong dịp cận kề với cái tết. Trên cùng của bức ảnh lớn còn là một tít bài được in to, rõ ràng với nội dung: “Người nghèo nhọc nhằn lo tết”. Bên dưới bức ảnh còn được in một sapo tóm tắt nội dung bài viết về không khí người dân Thủ Đô mua sắm tết. Mặc dù trong dòng chảy vội vã ấy, vần còn có những lớp người nghèo nông thôn bán hàng dong, đánh giầy cùng những lao động vẫn cần mẫn bám trụ lại nơi phồn hoa phố thị kiếm thêm vài đồng bạc để cho cái tết của gia đình nghèo đỡ đạm bạc. Xem bức ảnh này bên những dòng tít và dòng tóm tắt nội dung, ta thấy nó có sự gắn kết là một, nó bổ trợ thông tin cho nhau nhưng lại không hề thừa tẹo nào, nếu thiếu đi một trong những yếu tố đó, ắt tác phẩm báo chí sẽ kém phần hấp dẫn bạn đọc. Đây là một sự trình bày và sắp xếp nội dung bài báo rất sát với nội dung của bức ảnh nên càng làm tăng tính thuyết phục của tác phẩm báo chí, bạn đọc mới xem qua bức ảnh nhưng cũng có thể hiểu được nội dung bài báo đó nói lên vấn đề gì. Quả là một cách sắp xếp nội dung rất khoa học của Ban biên tập báo.
Tình trạng sử dụng ảnh lẫn lộn lung tung đó khiến cho tính minh họa của ảnh giảm đi rõ rệt. Đã đành là những bức ảnh đó có cùng chủ đề, nhưng đã minh họa cho tin, bài ổ địa phương, đơn vị nào thì nên sử dụng đúng ảnh ở nơi đó. Nguyên tắc này có lẽ báo Hà Giang hoặc đã “quên” mất, hoặc là do thiếu ảnh nên họ chấp nhận chắp vá một cách đại khái như vậy. Hiện tượng đó đã trở thành thông lệ trên báo Hà Giang, điều hạn chế được Ban biên tập chấp nhận nên họ không đưa ra giải pháp để khắc phục.
Chương 3
Nguyên nhân và giải pháp nâng cao chất lượng ảnh trên báo hà giang
1. Nguyên nhân
Nhìn chung, trên các số bào Hà Giang đã phát hành trong năm 2008 vừa qua đã có những sự thay đổi về nội dung cũng như cách trình bày trang báo. Tính thẩm mỹ trên từng trang báo đã được cải thiện đáng kể so với những ngày đầu mới thành lập. Đến nay, trên báo đã xuất hiện nhiều bài viết cũng như những bức ảnh có chất lượng, năm 2008 trên trang báo cũng đã xuất hiện những chùm ảnh hoặc những phóng sự ảnh có chất lượng. Tuy vậy, cách lựa chọn và xử lý thông tin trên ảnh của báo Hà Giang vẫn còn cẩu thả, chưa mang tính khoa học. Rất nhiều bài viết, nội dung đưa một đằng nhưng ảnh lại đưa một nẻo, bài viết viết về hoạt động của cơ quan đơn vị này nhưng ảnh minh họa lại lấy ở một địa phương đơn vị khác. Thậm chí, có những bức ảnh không được Ban biên tập chú thích đúng như nội dung trong ảnh nên hiệu quả mà nó mang lại không cao, có khi còn bị phản tác dụng. Đây là điểm yếu lớn nhất của việc sử dụng ảnh trên báo Hà Giang mà tiểu luận này đã đề cập.
Nguyên nhân của tình trạng này có lẽ do một số vấn đề sau:
- Cả cơ quan báo hiện không có phóng viên chuyên ảnh. Vì vậy việc tác nghiệp, ghi lại nhiều sự kiện là rất khó. Trong một ngày sẽ diễn ra nhiều hoạt động tại nhiều nơi trong tỉnh nên toà soạn phải phân công các phóng viên đi tác nghiệp, các phóng viên ở báo Hà Giang chỉ có trình độ chuyên sâu về viết bài nên khi tác nghiệp ảnh sẽ không có được những bức ảnh có chất lượng cũng là lẽ đương nhiên. Do có ít người chụp trong khi số lượng cộng tác viên ảnh không lớn nên số lượng ảnh báo chí của báo Hà Giang nghèo nàn. Khi chọn ảnh có thể vì những lý do “nghèo nàn” đó mà ban biên tập ít có sự lựa chọn.
- Hiện nay, cả cơ quan báo Hà Giang chỉ có một người được đào tạo chuyên sâu về ngành nhiếp ảnh, nhưng cũng chưa thực sự phát huy được hiệu quả. Vì vậy sẽ còn xuất hiện nhiều bức ảnh có chất lượng không tốt. Người cầm máy không biết chộp lấy những khoảnh khắc xuất thần của nguyên mẫu nên vẫn còn những bức ảnh “vô hồn”, một trong những cái “cần” của ảnh báo chi. Một thực tế thường thấy đa số các tác giả chỉ đi chụp sau đó ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ và nội dung của bức ảnh đó rồi mang về nộp cho toà soạn mà không có những thông tin cần thiết đề cấu thành một tin ảnh đầy đủ. Do cách làm quá dễ dãi của những người cầm máy ở báo Hà Giang như vậy nên những bức ảnh sử dụng trên báo không có những thông tin chiều sâu nên nó nghiễm nhiên trở thành những bức ảnh chỉ có vai trò minh họa cho bài viết.
- Cũng do lượng phóng viên ảnh không có nên không có sự phối hợp về nội dung thông tin giữa bài và ảnh. Phóng viên thực hiện nội dung bài viết nhưng không có phóng viên ảnh tác nghiệp cùng nên không có được những bức ảnh đi kèm với bài viết. Từ những khó khăn đó nên Ban biên tập không có ảnh để sử dụng theo bài. Do vậy đã dấn đến tình trạng “râu người nọ cắm cằm người kia”.
- Mặc dù những thiếu sót như trên vẫn có thể khắc phục được một phần nào nếu Ban biên tập cũng là những người có nghiệp vụ sâu về ảnh báo chí. Nếu thấy phóng viên đi tác nghiệp về nộp những bức ảnh không có đủ những thông tin cần thiết thì sẽ không sử dụng và phải có những biện pháp nhắc nhở hoặc kiểm điểm để những phóng viên đó rút kinh nghiệm. Theo tác giả tiểu luận này, nếu nói về nghệ thuật chụp ảnh báo chí thì mới cần nhiều đến nghiệp vụ chuyên sâu về ảnh báo chí. Đối với người phóng viên đã có nghiệp vụ về báo chí, biết cầm máy ảnh đi tác nghiệp cho ra được những bức ảnh báo chí để sử dụng, lại thiếu đi những thông tin về bức ảnh thì chẳng qua đó là sự cẩu thả, dễ dãi của người cầm máy.
Một minh chứng cho thấy, nhiều bức ảnh lỗi hoàn toàn do Ban biên tập. Qua khảo sát trên báo Hà Giang trong thời gian thực hiện tiểu luận, hầu như số báo nào cũng có những bức ảnh không phù hợp với nội dung của bài viết. Nếu số lượng “râu người nọ cắm cằm người kia” thi thoảng mới xuất hiện thì có thể do khách quan đổ lỗi từ phía phóng viên. Tình trạng này nó đã trở thành hệ thống, bởi trong suốt thời gian dài như vậy thì không có lý do gì để đổ lỗi cho việc không có ảnh đi cùng nội dung bài viết. Có thể đây lại là một cách làm “chẳng giống ai” của Ban biên tập báo Hà Giang.
2. Giải pháp
2.1. Cơ chế chính sách
2.1.1. Đối với phóng viên ảnh
Nhu cầu bức xúc nhất đối với báo Hà Giang hiện nay là cần phải có một bộ máy làm việc chuyên trách về ảnh, có khả năng đáp ứng toàn bộ nhu cầu sử dụng ảnh trong mọi trường hợp. Từ những yêu cầu của công việc hàng ngày đến những yêu cầu cấp bách của toà soạn khi có tình huống đột xuất xảy ra. Tổ chức bộ máy làm việc chuyên trách phù hợp với tình hình hiện nay của báo Hà Giang là thành lập bộ phận ảnh với số lượng từ 2 đến 3 phóng viên ảnh có tay nghề cao trực thuộc Phòng phóng viên và chịu sự quản lý, điều hành trực tiếp của Ban biên tập.
Trong thời gian tới, báo Hà Giang cần có những cơ chế chính sách tuyển bổ sung phóng viên ảnh có trình độ cao không những về ảnh báo chí mà cần phải có cả nghiệp vụ về báo chí. Đó là một nhiệm vụ mấu chốt và rất cần thiết, có như vậy mới đáp ứng được tình hình thực tế hiện nay của công việc. Khi đã ổn định về số lượng phóng viên ảnh, Ban biên tập sẽ phân công mỗi phóng viên phụ trách một mảng cũng như phóng viên báo viết như báo hiện nay đang làm. Sự phân công cụ thể như vậy sẽ tạo cho mỗi phóng viên ảnh có điều kiện bám sát thực tiễn cuộc sống và phát huy tối đa năng lực của mình trong quá trình sáng tạo các tác phẩm ảnh báo chí.
Ngoài chế độ lương và nhuận bút theo quy định của Nhà Nước thì việc khen thưởng và kỷ luật kịp thời với tác giả ảnh cũng là một hình thức để phát huy khả năng trách nhiệm của phóng viên ảnh. Có những trường hợp (không phải ở báo Hà Giang) vì chế độ lương và nhuận bút quá thấp buộc người phóng viên ảnh phải đi chụp dịch vụ để tăng thu nhập. Mặc dù công việc làm thêm đó cũng chính đáng nhưng khả năng của phóng viên ảnh sẽ bị mài mòn, uy tín và tinh thần trách nhiệm bị giảm sút và dễ dẫn đến tiêu cực.
Nên linh hoạt trong việc trong việc trả nhuận ảnh, một thực tế hiện nay chế độ trả nhuận bút lại quá nguyên tắc. Hiện ở báo Hà Giang, chế độ trả nhuận ảnh thường tính trên đầu số lượng ảnh. Do vây không thực sự khuyến khích tác giả đào sâu suy nghĩ để chụp những bức ảnh có chất lượng.
2.1.2. Đối với cộng tác viên
Song song với việc tổ chức bộ máy làm việc của phóng viên ảnh thì việc sử dụng mạng lưới cộng tác viên ảnh cũng hết sức quan trọng khai thác triệt để những cộng tác viên có thân tín, gắn bó cộng tác với toà soạn trong nhiều năm qua. Từ những cộng tác viên này, toà soạn có thể sử dụng họ trong trường hợp thật cần thiết và cấp bách. Bên cạnh đó, cũng cần thường xuyên mở rộng số lượng cũng như “vùng” của những cộng tác viên, bởi một cơ quan báo chí muốn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, mạng lưới cộng tác viên rộng lớn là rất cần thiết. Họ là “tai”, là “mắt” của cơ quan báo chí, họ hàng ngày sống tại cơ sở nên sẽ nắm được những diễn biến thường trực diễn ra ở cuộc sống cơ sở mà không phải lúc nào phóng viên cũng có thể cập nhật ngay được.
Đối với những cộng tác viên đang hoạt động báo chí tại những cơ quan khác cũng vô cùng quan trọng. Chỉ có họ mới hiểu và nắm bắt cặn kẽ, kịp thời tình hình diễn biến của đơn vị hay của ngành nơi mình công tác. Do đo nếu dựa được vào họ, họ sẽ cung cấp những bức ảnh cùng những thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời về những sự kiện, diễn biến hoạt động đơn vị hay ngành của họ.
Cần có một cơ chế, chính sách cho những cộng tác viên, nhất là những cộng tác viên có uy tín đã gắn bó lâu năm. Trước tiên cần nâng cao chế độ nhận ảnh, trả nhận ảnh theo nhu cầu công việc của báo và theo chất lượng bức ảnh. Nếu một bức ảnh không đòi hỏi cao về nghệ thuật nhưng lại có nội dung quan trọng, khai thác được nhiều thông tin để thực hiện một chú thích ảnh hoàn chỉnh mà phóng viên báo không có hoặc không thực hiện được thì cũng cần có nhuận ảnh “hợp lý”. Ngoài ra, những bức ảnh có giá trị cao về nội dung thông tin và nghệ thuật cũng phải được toà soạn trả nhuận bút cao hơn những ảnh khác. Mặt khác, cũng cần có chế độ phụ cấp cho những cộng tác viên đặc biệt, cộng tác viên uy tín và có công lao với toà soạn. Hàng năm, vào những dịp tổng kết hoặc nhân ngày kỷ niệm Báo chí Việt Nam (21/6) cũng cần có những phần thưởng dành cho những cộng tác viên có nhiều đóng góp cho toà soạn để làm chất “gây men” cho họ tiếp tục gắn bó, cộng tác. Có như vậy, những cộng tác viên mới nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc sáng tạo những tác phẩm ảnh báo chí để cung cấp cho toà soạn.
2.1.3. Đào tạo, chuyên nghiệp hoá công tác phóng viên
Đây là một việc làm hết sức quan trọng trong mỗi cơ quan báo chí, nhất là báo Hà Giang. Chuyên nghiệp hoá công tác phóng viên ảnh cần phải thực hiện những việc sau đây:
- Tổ chức thường xuyên các buổi hội thảo trao đổi nghề nghiệp, đánh giá lại quá trình công tác của phóng viên để nêu ra những mặt mạnh và hạn chế của họ, qua đó để chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp cho nhau, giúp nhau cùng hoàn thiện.
- Hội nhà báo - cơ quan quản lý về nghiệp vụ báo chí cần tổ chức những cuộc thi ảnh báo chí hàng năm để các phóng viên ảnh có cơ hội phấn đấu cho ra đời những tác phẩm ảnh báo chí có chất lượng tốt. Đây cũng là một “sân chơi” cho những phóng viên ảnh nói riêng và những người yêu ảnh nói chung.
2.2. Cơ sở vật chất kỹ thuật
Để có được một bức ảnh có chất lượng phụ thuộc rất nhiều vào phương tiện kỹ thuật như: máy ảnh, máy tính và nhiều thiết bị kỹ thuật khác. Việc trang bị đó là cần thiết vì các lý do sau:
- Giá cả của các thiết bị hiện nay đang ở mức rất cao, thu nhập của phóng viên không có khả năng tự trang bị cho mình những thiết bị đó. Nhất là những phóng viên đang công tác tại một tỉnh nghèo như Hà Giang.
- Việc trang bị cho các phóng viên ảnh các phương tiện làm việc phải phù hợp với thực tế công việc nhưng yêu cầu phải có những trang bị tối thiểu như: Máy ảnh, các loại ống kính, đèn Flash, phim, chân máy… Những thiết bị trên đòi hỏi phải mang tính đồng bộ. Phim chụp cho ảnh báo chí yêu cầu phải là loại có độ nhạy cao. Một người phóng viên ảnh đòi hỏi phải có cùng một lúc từ 2 đến 3 máy ảnh trở lên, mỗi máy đều có tính năng riêng biệt đề phù hợp với từng sự kiện và thể loại ảnh báo chí. Đi kèm với nó còn phải chú ý đến các loại ống kính có nhiều tiêu cực khác nhau để phóng viên ảnh có thể tác nghiệp được trong mọi điều kiện.
Kết luận
Từ tất cả những nội dung đã trình bày trong tiểu luận này, tác giả muốn một lần nữa nhấn mạnh đến vai trò của ảnh báo chí nói chung và chú thích ảnh nói riêng trong việc có những đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng của mỗi tờ báo.
Mặc dù viết chú thích là khâu cuối cùng trong quá trình sáng tạo ra bức ảnh báo chí. Vì thế, chú thích không phải là thành phần “thêm thắt” cho ảnh mà là một thành phần cấu tạo thực thụ của ảnh báo chí. Nó liên quan và ảnh hưởng rất lớn đến việc cấu thành một tác phẩm báo chí.
Việc đi sâu nghiên cứu chú thích ảnh như một kiểu ngôn ngữ thông tin báo chí là một vấn đề cần thiết. Chú thích ảnh nằm trong mối quan hệ phức tạp và tinh tế không chỉ với phần hình ảnh, mà còn đối với cả nội dung của bài viết, trang báo, số báo. Chú thích từng thể loại ảnh khác nhau tạo nên tiếng nói riêng trong tiếng nói chung của hệ thống báo chí. Khi khẳng định được vị trí của mình, chú thích ảnh cũng xác định được những đặc trưng riêng biệt trong ngôn ngữ báo chí.
Với mong muốn góp phần nhỏ bé vào lĩnh vực nghiên cứu mới mẻ này, tác giả tiểu luận đã cố gắng xem xét và đưa ra một vài đánh giá, kết luận từ việc phân tích các chú thích ảnh trên báo Hà Giang trong năm 2008. Xung quanh một đề tài và chú thích ảnh không phải là ít vấn đề cần được đề cập, nghiên cứu. Tuy nhiên, trong khuôn khổ tiểu luận, với những hạn chế nhất định về trình độ cũng như thời gian, tác giả tiểu luận chỉ có mong muốn là chủ động nghiên cứu nghiêm túc để tổng kết, khái quát và hệ thống hoá một cách tương đối khoa học về một số mặt của chú thích ảnh, đồng thời nêu ra một vài nhận xét, đánh giá chung về việc sử dụng ảnh và viết chú thích cho ảnh trên báo Hà Giang trong năm 2008.
Cuối cùng, tác giả tiểu luận rất mong được sự góp ý của người hướng dẫn trực tiếp là thầy Sầm Vũ Thắng để tác giả có thể vững tin trong việc trang bị chắc chắn cho mình những kiến thức ảnh và chú thích ảnh báo chí./.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Ảnh và chú thích ảnh trên báo.doc