Bài tập cá nhân Tố tụng dân sự đề 14
ĐỀ BÀI 14
Công ty xi măng B có trụ sở tại huyện K tỉnh HN bán xi măng cho công ty V có trụ sở tại quận B thành phố H. Theo thỏa thuận trong văn bản hợp đồng công ty xi măng B sẽ phải giao xi măng tại công trình xây dựng tại quận C thành phố H và mọi tranh chấp phát sinh từ hợp đồng sẽ do tòa án huyện K tỉnh HN giải quyết. Nay công ty xi măng B khởi kiện công ty V đòi số tiền 200 triệu đồng còn thiếu chưa thanh toán hợp đồng. Công ty V cho rằng số tiền này công ty không thanh toán là để bù vào thiệt hại do việc giao hàng chậm của công ty B gây ra và theo pháp luật tố tụng dân sự thì vụ việc phải do Tòa án quận B giải quyết
4 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3152 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài tập cá nhân Tố tụng dân sự đề 14, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐỀ BÀI 14
Công ty xi măng B có trụ sở tại huyện K tỉnh HN bán xi măng cho công ty V có trụ sở tại quận B thành phố H. Theo thỏa thuận trong văn bản hợp đồng công ty xi măng B sẽ phải giao xi măng tại công trình xây dựng tại quận C thành phố H và mọi tranh chấp phát sinh từ hợp đồng sẽ do tòa án huyện K tỉnh HN giải quyết. Nay công ty xi măng B khởi kiện công ty V đòi số tiền 200 triệu đồng còn thiếu chưa thanh toán hợp đồng. Công ty V cho rằng số tiền này công ty không thanh toán là để bù vào thiệt hại do việc giao hàng chậm của công ty B gây ra và theo pháp luật tố tụng dân sự thì vụ việc phải do Tòa án quận B giải quyết
1. Theo anh (chị) quan điểm của công ty V về thẩm quyền của Tòa án là đúng hay sai? Tại sao?
2. Giả sử sau khi Tòa án huyện K thụ lý vụ án trên thì công ty V có văn bản chuyển vụ án cho Tòa án tỉnh HN giải quyết với lí do Chánh án của Tòa án huyện K là người thân thích với giám đốc của công ty B. Anh (chị) hãy cho biết, trong trường hợp này, Tòa án tỉnh HN có thẩm quyền giải quyết vụ án hay không? Tại sao?
BÀI LÀM
1. Theo anh (chị) quan điểm của công ty V về thẩm quyền của Tòa án là đúng hay sai? Tại sao?
Thỏa thuận luôn được coi là nguyên tắc căn bản của luật dân sự nói chung và luật thương mại nói riêng, và trong chế định hợp đồng thì nguyên tắc này càng thể hiện được vai trò của nó. Sự thỏa thuận được coi như “luật của các bên” trong quan hệ hợp đồng. Các bên trong quan hệ có nghĩa vụ thực hiện một cách trung thực, thiện chí theo những gì đã thỏa thuận trong hợp đồng nếu các thỏa thuận đó không trái với các quy định của pháp luật và đạo đức xã hội…
Theo đề bài công ty B và công ty V có thỏa thuận trong hợp đồng là “mọi tranh chấp phát sinh từ hợp đồng sẽ do Tòa án huyện K tỉnh HN giải quyết”, đây là một thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành do đó các bên có nghĩa vụ thực hiện theo những gì đã thỏa thuận. Bởi lẽ:
Thứ nhất, tranh chấp phát sinh giữa công ty B và công ty V là một tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 29 BLTTDS 2004: “Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng kí kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận bao gồm: mua bán hàng hóa…”.
Thứ hai, Luật Tố tụng dân sự năm 2004 đã cho phép các bên có thể thỏa thuận về vấn đề Tòa án nơi cư trú của nguyên đơn có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh. Cụ thể, tại điểm b, khoản 1, Điều 35 BLTTDS năm 2004 đã quy định: “Các đương sự có quyền tự thoả thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Toà án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này”
Điều luật này đã quy định rất rõ ràng quyền của các đương sự được tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản để yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn giải quyết vụ việc. Đây cũng là điểm mới so với quy định tại Điều 14 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế. Quy định này đã tháo gỡ vướng mắc để Tòa án không phải lúng túng khi giải quyết tranh chấp của các đương sự.
Do đó, theo thỏa thuận bằng văn bản trong hợp đồng thì Tòa án huyện K tỉnh HN sẽ giải quyết và tranh chấp này hoàn toàn phù hợp với thẩm quyền của Tòa án huyện K tỉnh HN. Vì vậy, quan điểm của công ty V là Sai.
2. Giả sử sau khi Tòa án huyện K thụ lý vụ án trên thì công ty V có văn bản chuyển vụ án cho Tòa án tỉnh HN giải quyết với lí do Chánh án của Tòa án huyện K là người thân thích với giám đốc của công ty B. Anh (chị) hãy cho biết, trong trường hợp này, Tòa án tỉnh HN có thẩm quyền giải quyết vụ án hay không? Tại sao?
Trước hết, cần phải thấy rằng theo quy định của pháp luật thì Tòa án tỉnh HN có thể có thẩm quyền giải quyết vụ việc nêu trên nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 34, BLTTDS. Tại điều luật này đã nêu rõ “Toà án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện quy định tại Điều 33 của Bộ luật này mà Toà án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết”. Thêm vào đó, có thể thấy rằng Tòa án tỉnh thường lấy các vụ án của Tòa cấp huyện lên giải quyết khi các vụ án đó có nhiều tình tiết phức tạp, việc giải quyết ở Tòa án tỉnh sẽ thuận lợi hơn…Hơn nữa, việc công ty V cho rằng Chánh án của Tòa án huyện K là người thân thích với giám đốc của công ty B, đây không phải là một căn cứ để Tòa tỉnh lấy vụ án lên để giải quyết…
Trên thực tế có thể thấy, nếu việc đề nghị của công ty V là có cơ sở thì theo quy định tại Điều 46 BLTTDS sẽ phải thay đổi người tiến hành tố tụng. Việc thay đổi người tiến hành tố tụng mà cụ thể là Chánh án Tòa án huyện K sẽ đảm bảo sự vô tư, khách quan khi tiến hành giải quyết vụ án và thủ tục này cũng đơn giải hơn nhiều so với việc Tòa án tỉnh HN lấy vụ án này lên để giải quyết.
Như vậy, có thể kết luận rằng: về mặt lý thuyết thì Tòa án tỉnh HN cũng có thể có thẩm quyền giải quyết vụ việc trên thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 34 BLTTDS. Tuy nhiên, trên thực tế việc công ty V cho rằng Chánh án Tòa án huyện K không đảm bảo sự vô tư khách quan thì Tòa án sẽ tiến hành thay đổi người tiến hành tố tụng theo quy định tại Điều 46 BLTTDS. Đây không phải là một căn cứ để Tòa án tỉnh HN lấy vụ án lên để giải quyết./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Tố tụng dân sự, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2009.
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Bài tập cá nhân Tố tụng dân sự đề 14.doc