Có thể nói với những ưu thế của mình, thể loại phỏng vấn ngày càng được sử dụng khá phổ biến, không chỉ dừng lại ở mức độ thông báo về các sự kiện mà còn thể hiện, ý kiến, suy nghĩ, kinh nghiệm và cách đánh giá của người được phỏng vấn. Những bài phỏng vấn hay không dừng lại ở việc cung cấp thông tin đơn thuần mà còn đem lại xúc cảm, thẩm mỹ, mang đậm dấu ấn cá nhân của nhà báo và thể hiện được nét tính cách, văn hoá nổi bậc của người trả lời. Nhằm tái hiện lại sự kiện xảy ra qua lời kể của các nhân chứng, khách quan hoá thông tin, tạo giá trị và mức độ tin cậy cao cho thông tin, khám phá thế giới nội tâm của nhân vật, tạo ra sự độc quyền về thông tin, phỏng vấn được xem là thể loại được đông đảo công chúng đón nhận và tin tưởng.
21 trang |
Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 2905 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Bài tập môn Phỏng vấn, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU
Ra đời trong những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ 20, bài trả lời phỏng vấn trên báo Phụ nữ tân văn số 87 của Phạm Quỳnh (chủ bút tờ Nam phong) đã mở đầu cho thể loại phỏng vấn cho nền báo chí hiện đại Việt Nam. Đến nay, phỏng vấn chính thức trở thành một hệ thống trong các thể loại báo chí và là thể loại cung cấp thông tin khách quan nhất, trung thực nhất được đông đảo công chúng tin tưởng, đón nhận.
Sở dĩ phỏng vấn được đi vào lòng của độc giả bởi đề tài của bài viết phong phú, cách thể hiện đa phần nhẹ nhàng, sinh động và có xu hướng ngắn hơn, trực tiếp giải thích, giải đáp những vấn đề nóng hổi, bức xúc trong dư luận xã hội, thoả mãn nhu cầu, mong đợi của độc giả (thể hiện rõ nhất trên phương tiện truyền thanh, truyền hình). Đối với loại hình báo in, thể loại này xuất hiện ngày càng nhiều và được đặt ở những vị trí đáng chú ý như trên trang nhất, đóng khung hoặc chuyên mục riêng ... đối tượng trả lời phỏng vấn đa dạng từ cán bộ lãnh đạo cấp cao, đến các chuyên gia, các tri thức, dân thường, nông dân, học sinh, sinh viên, mọi cấp ngành nghề, mọi lứa tuổi.
Để sáng tạo một tác phẩm phỏng vấn hay, hấp dẫn người phóng viên không chỉ nắm được đặc trưng của thể loại mà còn phải hiểu cụ thể, sâu sắc từng vấn đề, lĩnh vực của đời sống xã hội, có năng khiếu thẩm mỹ, có con mắt nghề nghiệp, có tâm hồn đạo đức trong sáng “vị dân sinh”... đòi hỏi người phóng viên phải nghiên cứu, tư duy, trau dồi, tích luỹ, đam mê, yêu nghề trong quá trình tác nghiệp thì mới có khả năng hoàn thành tác phẩm như mong muốn và được đông đảo công chúng đón nhận. Bài phỏng vấn hay được thể hiện qua hệ thống câu hỏi và cách khai thác vấn đề dựa trên các câu hỏi của phóng viên, chính từ hệ thống câu hỏi đó đã thể hiện năng lực tư duy, bản lĩnh nghề nghiệp và trí tuệ yên thâm của nhà báo.
Đối với bản thân, chỉ mới bước đầu tiếp cận môn học, thời lượng nghiên cứu và phạm vi có hạn; kiến thức, vốn sống, kinh nghiệm tích tuỹ còn nhiều hạn chế, khả năng thâm nhập, sâu sát với thực tiễn chưa nhiều ... nên bài tập chỉ đáp ứng một phạm vi nhỏ của yêu cầu môn học, chất lượng bài viết chắc chắn sẽ chưa có chiều sâu và còn nhiều thiếu sót.... Kính mong Giảng viên và bạn đọc tận tình đóng góp ý kiến.
Phần thứ nhất:
THỰC HÀNH VIẾT MỘT BÀI PHỎNG VẤN
Mộc bản Chùa vĩnh Nghiêm:
Vượt qua 81 nghìn Mộc bản có niên đại từ thế kỷ XI
của Hàn Quốc
Thạc sĩ, Nguyễn Văn Phong,
Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang
Con đường đi tìm di sản cho Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) phải vượt qua “đối thủ” là bộ Mộc bản với hơn 81 nghìn bản có niên đại từ thế kỷ thứ XI của Hàn Quốc và phải trải qua hai lần đề nghị Uỷ ban UNESCO mới được công nhận là di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Thạc sĩ Nguyễn Văn Phong, Phó giám đốc bảo tàng tỉnh Bắc Giang, người tham gia tư vấn và trực tiếp bổ sung hoàn chỉnh hồ sơ chùa Vĩnh Nghiêm, chia sẻ.
- Xin anh cho biết Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm có những tiêu chí gì phù hợp với các tiêu chí của Uỷ ban UNESCO để công nhận là di sản tư liệu của thế giới?
- Trong bộ hồ sơ đệ trình thế giới, di sản phải có 3 tính: tính độc đáo, tính xác thực và ý nghĩa quốc tế, tức là ảnh hưởng của di sản đối với quốc tế hoặc khu vực. Với hai tiêu chí ban đầu thì mình chứng minh từ đầu rất đơn giản, tiêu chí thứ ba là ảnh hưởng quốc tế, cái đấy mới quan trọng.
Khi đưa ra năm 2012 thì có tất cả 14 hồ sơ trình, sau vòng sơ khảo thì còn lại năm nước, mộc bản được khen ngợi nhiều nhất và có số dòng, số trang nhiều nhất. Khi đưa ra Hội đồng thì có 100% phiếu bầu, ủng hộ mình, không một nước nào bỏ Việt Nam ra ngoài. Được Hội đồng ủng hộ như vậy, nên chủ tịch uỷ ban UNESCO cũng đánh giá đồng thuận.
- Xin anh cho biết rõ thêm về tiêu chí thứ ba là ảnh hưởng quốc tế của mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm?
- Thứ nhất đó là sự ảnh hưởng của Thiền phái Trúc Lâm và ảnh hưởng của mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm đối với thế giới. Sau khi chúng tôi thống nhất cùng Bộ Ngoại giao, gửi công văn đến Đại sứ quán các nước. Thì Đại sứ quán các nước đã giúp tỉnh Bắc Giang và cũng là giúp Uỷ ban UNESCO tại Việt Nam thống kê toàn bộ những nơi thờ tự gắn với Thiền phái Trúc Lâm, gắn với Trần Nhân Tông, gắn với Vĩnh Nghiêm trên toàn thế giới. Và ta thống kê được gần hai ngàn nơi thờ tự trên toàn thế giới và hàng triệu phật tử theo Thiền phái Trúc Lâm. Việc làm thực tế này ta đã chứng minh được ta có địa chỉ rõ ràng, người tu hành rõ ràng, người đại diện rõ ràng, điều đó làm cơ sở và bằng chứng rõ ràng để thuyết phục hội đồng.
Mộc bản chùa Vĩnh nghiêm cơ bản dùng chữ Nôm, trước tác của các vị minh quân nước Đại Việt-Trần Nhân Tông và những đại tri thức của Việt Nam như Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi... đã ghi dấu về lịch sử phát triển của chữ Nôm, lịch sử phát triển của chữ Việt từ thời Trần cho đến nay, đây là độc đáo khác hẳn với bộ Mộc bản Hàn Quốc.
-Ths. Nguyễn Văn Phong-
Thứ hai là tính độc đáo của Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm phần lớn là chữ Nôm, được khắc trên gỗ hoàn toàn truyền thừa tư tưởng Phật giáo Bắc truyền. Mộc thư khố là lịch sử Phật giáo, thể hiện tư tưởng hành đạo, nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm; các lĩnh vực y học, văn học, phong tục tập quán đất nước... Đây còn là chứng cứ lịch sử thể hiện sự phát triển nghề khắc in mộc thư và nghệ thuật chạm khắc gỗ Việt Nam.
- Được biết Mộc bản phải qua lần đề nghị thứ hai mới được công nhận là di sản. Vậy trong quá trình đề nghị Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm là di sản Tư liệu thế giới đã gặp phải khó khăn gì thưa anh?
Tại kỳ họp thứ 5 của Uỷ ban Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) từ ngày 14 đến 16/5, mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận là di sản tư liệu thế giới. Hiện nay, Chùa Vĩnh Nghiêm lưu giữ 3.050 mộc bản được khắc từ thế kỷ 16-19 bằng gỗ thị. Mỗi bản có hai mặt, khắc chữ Hán Nôm âm bản (khắc ngược) gồm nội dung: y học, văn học, bùa chú, luật giới nhà Phật... Bản khắc lớn nhất có chiều dài hơn 1m, rộng 40-50cm, nét chạm khắc hoa văn độc đáo.
- Thực ra là hồ sơ Chùa Vĩnh Nghiêm trình lên lần thứ hai mới được. Lần thứ nhất chỉ có 20 ngày làm hồ sơ, nên ta chưa đủ cơ sở để cung cấp cho thế giới thông tin, tư liệu để thuyết phục. Lần thứ hai ta cung cấp cho thế giới đầy đủ thông tin và có những thông tin rất quý và rất thuyết phục.
Ngay hôm chúng tôi bảo vệ bên Thái Lan, thì nói chung tất cả những vấn đề liên quan đến mộc bản đều được mọi người rất quan tâm, điểm hội đồng đánh giá về mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm rất cao. Nhưng có một vị giáo sư người Hàn Quốc là chuyên gia, thành viên của Hội đồng đã đặt câu hỏi đại khái là “Đất nước Hàn Quốc có ngôi chùa lưu giữ hơn 81 nghìn bản khắc in, từ thế kỷ XI. Trong khi Việt Nam có 3050 với niên đại từ thế kỷ XIVII - XVII thôi. Thế nhưng tại sao Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm lại giá trị đến như vậy?” Thì điều này chính là vấn đề rất khó khăn, rất khó trả lời của Việt Nam.
Nhưng rất may, vì trước kia tôi đã từng tiếp cận được tư liệu của bộ Mộc bản của Hàn Quốc, qua nghiên cứu tôi mới thấy, tất cả những bộ Mộc bản của Hàn Quốc hơn 81 nghìn bản từ thế kỷ XI là rất quý, nhưng nó chỉ là Kinh phật và chỉ viết bằng chữ Hán, mà đó là chữ dùng phổ biến ở các nước Phương Đông. Còn mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm cơ bản dùng chữ Nôm (chữ của người Việt sáng tạo từ thời Nhà Trần - PV), và trước tác của các vị minh quân nước Đại Việt-Trần Nhân Tông và những đại tri thức của Việt Nam như Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi... đã ghi dấu về lịch sử phát triển của chữ Nôm, lịch sử phát triển của chữ Việt từ thời Trần cho đến nay, đây là độc đáo khác hẳn với bộ Mộc bản Hàn Quốc. Lúc này Cụ giáo sư mới được thuyết phục, công nhận.
- Với cương vị là phó giám đốc bảo tàng anh có đề xuất gì với Uỷ ban nhân dân tỉnh và sở văn hoá thông tin để bảo tồn Mộc bản trong thời gian tới?
- Chúng tôi đề xuất rất nhiều, trong đó có đề xuất lớn và quan trong là người dân Bắc Giang cũng như người dân nước Việt Nam phải ý thức được việc này, thế giới công nhận không có nghĩa là thế giới đầu tư, bảo vệ di sản này. Nhưng với mình thì mỗi người phải nâng cao trách nhiệm, xác định đây là tài sản tinh thần quý giá của đất nước, dân tộc, nâng cao ý thức bảo tồn di sản văn hoá của người dân là quan trọng nhất.
Chúng ta không trông chờ vào sự tài trợ, hỗ trợ của UNESCO. Quan trọng nhất là nâng cao ý thức bảo tồn di sản văn hoá dân tộc từ cán bộ, đảng viên đến nhân dân. Các cấp, chính quyền, ban ngành chức năng chú trọng đầu tư cho Vĩnh Nghiêm và biến Vĩnh Nghiêm thành một địa chỉ đỏ cho vấn đề phát triển du lịch.
Xin cảm ơn anh!
Quang Hùng (thực hiện)
Phần II. GIẢI THÍCH MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ BÀI PHỎNG VẤN
I. LÝ DO CHỌN CHỦ ĐỀ
Vấn đề được công chúng tỉnh Bắc Giang nói riêng, cả nước nói chung rất quân tâm trong thời gian gần đây. Qua sự kiện Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được Uỷ ban Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, họp tại Bangkok (Thái Lan) họp từ ngày 14 đến 16/ công nhận là di sản tư liệu thế giới và trở thành di sản thứ ba (cùng với hai di sản là Mộc bản triều Nguyễn và Bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám) của Việt Nam được UNESCO vinh danh là di sản tư liệu thế giới.
Đây là sự kiện quan trọng không những đối với tăng ni, phật tử, nhân dân tỉnh Bắc Giang, mà còn là sự kiện quan trọng của đất nước. Khi nắm được thông tin Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm trở thành di dản văn hoá thế giới, bản thân đã tìm hiểu trên mạng internet và các bài viết trên các báo (như: baomoi.com, báo Bắc Giang online...) trước lúc Lễ khi đón nhận di sản (vào ngày 07/10/2012) đã thông tin khá nhiều về Mộc bản. Đối với thể loại phỏng vấn, khai thác thông tin có liên quan thì chưa có tác phẩm nào. Chính vì vậy, tác giả nghĩ ngay đên việc chọn đề tài này để viết tác phẩm.
II. LÝ DO CHỌN NHÂN VẬT
Trong buổi đi thực tế chùa Vĩnh Nghiêm, tác giả cũng đã có gặp ông Dương Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện. Nhưng do tác giả chưa có chính danh nên bị từ chối khi tiếp cận liên hệ, không khai thác thông tin từ nhân vật này.
Tiếp đón đoàn chúng tôi có Thạc sĩ Nguyễn Văn Phong, phó giám đốc bảo tàng tỉnh Bắc Giang, anh là người trực tiếp tư vấn, bổ sung tư liệu để hoàn chỉnh hồ sơ đệ trình Uỷ ban UNESCO và trực tiếp dự Hội nghị công nhận Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản. Vì vậy, nhân vật vừa có chứng kiến, vừa có kiến thức và am hiểu về bộ Mộc bản nên tôi đã chọn nhân vật là người phỏng vấn.
III. NHỮNG DỰ KIẾN TRƯỚC KHI TIẾP XÚC NHÂN VẬT VÀ ĐẶT CÂU HỎI
Khi tìm hiểu về đề tài này, qua khảo sát một số thông tin trên các báo, bản thân nghĩ ngay đến việc khai thác tính độc đáo của Mộc bản như thế nào để đáp ứng được các yêu cầu của uỷ ban UNESCO và các yêu cầu của tổ chức này về một di sản như thế nào, tiếp theo nữa là việc đề nghị một di sản trở thành di sản thế giới không phải dễ dàng, sẽ chắc chắn có nhiều khó khăn trong quá trình đề nghị, vì vậy bản thân đặt vấn đề ngay đối với những khó khăn gặp phải trong quá trình đề nghị mộc bản. theo đó cũng dự kiến một số câu hỏi thông tin về ai là người (tổ chức nào) đầu tiên đưa ra ý tưởng đề nghị Mộc bản trở thành di sản? từ ý tưởng đó thì chính quyền, tổ chức Phật giáo Việt Nam ... ứng xử (quan điểm) về vấn đề này như thế nào? Kinh phí tổ chức thực hiện được khai thác như thế nào? Sau khi được vinh danh thì chính quyền, tổ chức Phật giáo Việt Nam ... tiếp tục bảo tồn, khai thác, quản bá như thế nào? ...
Tuy nhiên, với góc độ khai thác thông tin đối với anh Nguyễn Văn Phong, thì một số câu hỏi không liên quan thì tác giả không hỏi, chỉ hỏi thăm dò anh có nắm được những thông tin đó không thì anh trả lời “những nội dung đó do các anh ở tỉnh làm, mình chỉ nghiên cứu “giúp việc” thôi”
IV. NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN BÀI VIẾT
1. Thuận lợi:
- Thông tin về sự kiện được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều bài viết với nhiều thể loại. Nhưng đối với thể loại phỏng vấn về đề tài này thì số lượng bài viết trên báo in, báo mạng điện tử, truyền hình, phát thanh còn ít.
- Sự kiện mang tính thời sự, mới, được nhiều công chúng quan tâm và tâm lý của người trong cuộc vẫn muốn quảng bá rộng rãi sự kiện đến với mọi người.
- Khi tiếp xúc nhân vật được đón nhận nhiệt tình, cởi mở, quá trình phỏng vấn nhân vật sẵn sáng hợp tác, tạo thuận lợi mọi mặt và trách nhiệm trong quá trình trả lời các câu hỏi.
2. Khó khăn:
- Kinh nghiệm, vốn kiến thức có hạn nên hệ thống câu hỏi đặt ra chưa khoa học, biên tập bài viết chưa chặt chẽ.
- Chưa có chính danh là nhà báo nên khi tiếp cận với nhân vật quan trọng thì bị từ chối, không khai thác được thông tin từ những người này.
- Bản thân vẫn còn e dè, ngại ngùng khi tiếp xúc với nhân vật có chức danh, địa vị cao.
Phần III. THU HOẠCH VỀ MÔN HỌC
I. NHẬN THỨC VỀ MÔN HỌC
1. Khái niệm phỏng vấn: Có nhiều quan niệm khác nhau về phỏng vấn.
Đối với báo chí nước ngoài, phỏng vấn là một hình thức đối thoại trong đó nhà báo nêu câu hỏi và người được phỏng vấn trả lời. Mục đích chính của bài phỏng vấn là đem lại cho bạn đọc những thôn tin và lý lẽ về một vấn đề thời sự do một nhân vật am hiểu, có thẩm quyền cung cấp.
Theo “Từ điển bách khoa toàn thư mở” Phỏng vấn là một cuộc đối thoại có chủ đích giữa hai hay nhiều người, trong đó câu hỏi được đưa ra nhằm thu thập thông tin từ người trả lời.
Với nhiều quan niệm khác nhau về phỏng vấn, chung quy lại ta có thể hiểu phỏng vấn là hình thức thông tin dưới dạng đối thoại, trong đó nhà báo đặt câu hỏi, đối tượng (người được phỏng vấn) trả lời.
Như vậy, theo cách hiểu này thì phỏng vấn có hai loại hình:
Phỏng vấn dưới dạng khai thác thông tin, tìm kiếm nguồn tin từ những nhân chứng, người am hiểu, chứng kiến vấn đề để có đầy đủ thông tin, chứng cứ phục vụ cho một thể loại báo chí như ghi nhanh, tin, bài phản ánh, phóng sự, ...
Phỏng vấn dưới dạng để hình thành một tác phẩm mà trong đó chỉ bao gồm hệ thống câu hỏi (của nhà báo) và các câu trả lời (của nhân vật) một cách hoàn chỉnh thành bài viết, đây chính là thể loại phỏng vấn.
2. Đặc điểm của thể loại
- Với hình thức đối thoại (hỏi và trả lời), tạo nên nét nổi bật nhất của thể loại phỏng vấn. Thông qua hệ thống câu hỏi và câu trả lời đã tạo nên nhịp điệu và sự sinh động trong một tác phẩm phỏng vấn hoàn chỉnh. Câu hỏi và câu trả lời tự nhiên, sinh động, cuốn hút người đọc với ngôn ngữ mang đậm chất khẩu ngữ, với ngôn ngữ dưới dạng văn nói, thể hiện một cách khá tinh tế qua cách diễn đạt, dùng từ của người trả lời.
- Trong thể loại này, nguồn tin được khai thác và cung cấp một cách trực tiếp, khách quan, rõ ràng, cụ thể. Người trả lời phỏng vấn phải có tên, tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ rõ ràng, cu thể và các thông tin hữu ích khác. Bài viết dựng lại cuộc phỏng vấn một cách trung thực qua những lời đối thoại, kèm theo đó là ảnh chụp của người trả lời tạo sự trực tiếp, khách quan, thuyết phục bạn đọc. Mặt khác tính pháp lý của bài viết luôn được khẳng định, bởi nó được kiểm chứng qua người được phỏng vấn (trước khi được đăng tải, bài viết được người trả lời phỏng vấn thông qua và đồng ý đăng tải) mà đó là những người có tư cách phát ngôn, người có địa vị cao, có tầm ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Không những thế, theo Luật Báo chí, bên cạnh trách nhiệm của phóng viên và cơ quan báo chí, người trả lời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và công chúng những phát ngôn của mình. Từ đó ta khẳng định những thông tin từ bài phỏng vấn luôn luôn chính xác, khách quan và độ tin cậy cao. Khác với thông tin trong các báo cáo, tổng kết, khai thác thông tin trên mạng, mọi nhà báo đều có thể khai thác nguồn tin, đối với phỏng vấn, nhà báo có thể khai thác được những ý kiến riêng tư hay thế giới nội tâm của nhân vật, thông tin từ bài phóng vấn mà phóng viên khai thác được mang tính chất “độc quyền” đối với nhà báo. Thông qua đó, nhà báo “Chia sẻ trách nhiệm” với người trả lời, ngoài việc chịu trách nhiệm với phát ngôn của mình, người trả lời còn tham gia vào cả quá trình hình thành tác phẩm. Câu trả lời của họ là bộ phận quan trọng cấu thành nội dung bài phỏng vấn.
- So với các thể loại báo chí thì đối với phỏng vấn, tình huống và phương pháp sáng tạo phong phú nhất. Bởi lẽ, trong tác phẩm phỏng vấn không “kén” đề tài như phóng sự, điều tra... Có thể nói, bất kỳ một sự kiện, vấn đề có tính thời sự nóng hổi nào diễn ra, bên cạnh tin, ghi nhanh, bài phản ánh, phóng viên có thể thực hiện ngay thể loại phỏng vấn và trực tiếp tác nghiệp thể loại này với nhân chứng. Bên cạnh đó, không giống như các thể loại khác bởi “khuông mẫu” trong thể loại, thì phỏng vấn là thể loại “linh hoạt” hơn, có thể khai thác từ nhiều góc độ, khía cạnh khách nhau ... để làm được điều đó đòi hỏi nhà báo phải có nhiều phương pháp sáng tạo, nhằm thực hiện một cuộc phỏng vấn để khai thác thông tin và chuyển tải trung thành qua câu từ của người trả lời để đăng tải trên mặt báo.
Ngoài ra, pháp luật đã quy định về quyền được thông tin của nhân dân, của quần chúng... thông qua thể loại này, người nắm nguồn tin hoặc công chúng có thể bày tỏ ngay lập tức những hiểu biết, suy nghĩ, ý kiến, tình cảm của cá nhân mình về sự kiện một cách khách quan, chân thực trong việc giải thích và giải đáp các sự kiện và các vấn đề thời sự nóng hổi bức xúc trong dư luận xã hội, điều mà các thể loại khác không thực hiện được. Thể loại này còn thể hiện tính sinh động và hấp dẫn, nhất là phóng viên biết đưa ra những câu hỏi bất ngờ, có tính chất ngẫu nhiên, câu hỏi khiêu khích hoặc câu hỏi “gài bẫy” một cách trật tự, logic, khoa học để người trả lời cắt nghĩa bản chất sự kiện, vấn đề đang bàn tới.
3. Các dạng bài phỏng vấn: Tuỳ vào các hình thức mà có nhiều dạng phỏng vấn khác nhau.
Theo cách thức gặp mặt có phỏng vấn trực tiếp (người hỏi, người trả lời trực diện nhau) và phỏng vấn gián tiếp (người hỏi và người trả lời không trực diện nhau - có thể phỏng vấn qua điện thoại, qua email, tin nhắn, facebook ...)
Thông thường phỏng vấn có 3 dạng chính:
Dạng phỏng vấn thời sự (phỏng vấn tin tức, phỏng vấn sự kiện, phỏng vấn thông tin, phỏng vấn điều tra, phỏng vấn biên bản, phỏng vấn chuyên gia, người có vị trí cao trong xã hội ...). Nội dung của dạng này chủ yếu là những thông tin, ý kiến về các vấn đề thời sự, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội.... Người trả lời có thể là nhân chứng trực tiếp, liên quan đến người có thẩm quyền ... Hình thức thông tin thường là tin tức, sự kiện ngắn gọn, tập trung ý kiến, thông tin về các vấn đề thời sự.
Dạng phỏng vấn chân dung (phỏng vấn nhân vật). Nội dung của dạng này giới thiệu về nhân vật, những nét nổi bậc, cá tính, tính cách, cuộc sống liên qua đến sự kiện của cá nhân nhân vật. Người trả lời là những người nổi tiếng, có thành tích đặc biệt, có đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực đời sống xã hội ... Hình thức sinh động, đa dạng, phong phú, có thể về chuyện đời tư, cá tính, đời sống sinh hoạt ... Tuy nhiên, khi đi vào đời tư cá nhân thì nhà báo cần đặt hệ thống câu hỏi mềm mại hơn, tránh vồ vập, câu hỏi đóng.
Dạng phỏng vấn ăn-két (phỏng vấn đường phố, phỏng vấn vỉa hè, nhiều người cùng một lúc...) có thể xem hình thức gần giống như một cuộc điều tra xã hội học. Nội dung đi vào vấn đề, sự kiện đang có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều khác nhau và có tác động ảnh hưởng đến nhiều người, mang tính chất thăm dò dư luận xã hội, để mọi người bày tỏ quan điểm, chứng kiến của mình trước vấn đề, sự kiện nào đó. Người được trả lời có thể nhiều người (ít nhất từ 3 người trở lên), thành phần đa dạng (chuyên gia, công chức, dân thường, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người trẻ tuổi ...). Hình thức câu hỏi thường ẩn trong chủ đề thể hiện trong tít và sapo.
4. Câu hỏi trong phỏng vấn
Một bài phỏng vấn hay thể hiện qua hệ thống câu hỏi của phóng viên. Câu hỏi phải được đưa ra theo trình tự với từng dạng thích hợp và khéo léo sẽ thể hiện được năng lực của người viết.
* Trình tự đưa ra câu hỏi:
Thông thường đặt câu hỏi từ dễ đến khó (cách này dễ thực hiện nhưng người đọc chờ đợi lâu nếu nhiều câu hỏi sẽ giảm tính hấp dẫn), nếu đưa câu hỏi theo hướng ngược lại sẽ thu hút được sự chú ý nhiều hơn, tuy nhiên dễ gây bất lợi cho người trả lời.
Đối với phỏng vấn chân dung có thể sử dụng cách gợi chuyện từ hiện tại về quá khứ. Nếu những câu hỏi theo hướng từ quá khứ về hiện tại thì người hỏi và nhân vật phải có sự hiểu biết nhất định về nhau.
Ngoài ra có thể sử dụng câu hỏi theo trình tự thu hẹp dần (ban đầu sử dụng câu hỏi chung, tổng quát rồi thu hẹp dần thành các câu hỏi riêng, cụ thể) để đưa độc giả nắm tình hình đến các chi tiết cụ thể. Cách này giúp phóng viên bao quát tình hình nhanh chóng, đánh giá người trả lời, hoặc nhận thêm thông tin mới, đồng thời tạo điều kiện cho người trả lời có thể thăm dò phóng viên trước khi phóng viên chuyển sang những câu hỏi chi tiết, nhạy cảm. Trong một số trường hợp có thể hỏi theo cách mở rộng dần (ban đầu sử dụng những câu hỏi riêng cụ thể dần sang câu hỏi chung mang tính khái quát) giúp phóng viên truyền tải được ý định bao quát vấn đề ở phạm vi rộng lớn hơn.
* Các dạng câu hỏi:
Tuỳ vào góc độ khai thác mà phóng viên đưa ra nhiều dạng câu hỏi khác nhau, thông thường có hai dạng: câu hỏi chính nhằm khai thác nội dung chính của vấn đề (câu hỏi thường được chuẩn bị trước) và câu hỏi phụ nhằm làm rõ, sâu sắc nội dung hơn (câu hỏi này thường phát sinh trong quá trình phỏng vấn). Sự kết hợp giữa hai dạng câu hỏi này giúp người đọc “chứng kiến” cuộc phỏng vấn và cảm nhận được không khí trao đổi, tranh luận của phóng viên và nhân vật.
Tuy nhiên, xét về góc độ khai thác thì có những câu hỏi đóng và câu hỏi mở. Câu hỏi đóng là những câu hỏi khẳng định có - không, đúng - sai, cái gì - ở đâu - khi nào, có tính chất áp đặt, khẳng định từ trước, như: ông có buồn không?, ông có vui không?...) nhằm khẳng định thông tin và khai thác thông tin xúc tích, ngắn gọn. Câu hỏi mở là những câu mang tính chất gợi ý, khơi gợi ý kiến chủ động, mở rộng khả năng quan sát, cho phép người trả lời lời mở rộng vấn đề. Việc sử dụng dạng câu hỏi này giúp phóng viên thu thập thông tin nhanh chóng và chính xác.
Ở một số trường hợp có thể sử dụng câu hỏi gián tiếp và câu hỏi trực tiếp. Câu hỏi gián tiếp thường đưa ra trong trường hợp đối tượng không chấp nhận hoặc những tình huống nhạy cảm, tế nhị phóng viên cần điều tra mà không muốn để lộ mục đích. Câu hỏi trực tiếp là những câu hỏi đi thẳng vào vấn đề quan tâm.
Ngoài ra, trong quá trình phỏng vấn phóng viên có thể sử dụng các loại câu hỏi khác như câu hỏi dẫn dắt, dâu hỏi khiêu khích, câu hỏi kiểm tra, câu hỏi giả định ... để cuộc phỏng vấn diễn ra trôi chảy, thuận lợi.
5. Quy trình sáng tạo tác phẩm
* Giai đoạn chuẩn bị
- Tìm hiểu trước nội dung đặt ra trong cuộc phỏng vấn và tìm hiểu ngưòi trả lời có ý nghĩa quan trọng đối với giúp nhà báo nhanh chóng nhập cuộc, chủ động, tự tin khi phỏng vấn; tạo sự tin cậy với người đối thoại; hỏi được những câu hỏi tốt; xử lý linh hoạt những tình huống bất ngờ có thể xảy ra trong quá trình phỏng vấn; tìm hiểu như thế nào?; nghiên cứu tư liệu trên sách báo, internet (các văn bản tài liệu liên quan, các tin bài đã viết về sự kiện, vấn đề hay nhân vật dự định sẽ phỏng vấn…); hỏi những người am hiểu hoặc người quan tâm đến nội dung sẽ đề cập trong cuộc phỏng vấn; tìm hiểu đối tượng sẽ phỏng vấn qua đồng nghiệp, bạn bè hoặc những người thân của họ.
- Lựa chọn người trả lời: Tuỳ thuộc vào nội dung và mục đích phỏng vấn để tìm người trả lời cho phù hợp. Phóng viên phải trả lời được hai câu hỏi quan trọng: Hỏi ai? Hỏi cái gì?; chọn người tiêu biểu (khách quan, công minh, thú vị, độc đáo…)
- Sắp đặt cuộc phỏng vấn: Báo trước (gọi điện, viết thư…) cho nguồn tin mong muốn (đề nghị) được phỏng vấn (trò chuyện, trao đổi...); giới thiệu tư cách của người phỏng vấn; cho nguồn tin biết mục đích và nội dung cuộc phỏng vấn; thoả thuận địa điểm, thời gian phỏng vấn
- Chuẩn bị đề cương câu hỏi: Dựa vào những thông tin đã tìm hiểu được, phóng viên cần dự kiến một số câu hỏi chính phù hợp với mục đích, nội dung sẽ đặt ra trong cuộc phỏng vấn; tuy nhiên, trong quá trình phỏng vấn phóng viên có thể linh hoạt thay đổi…
- Một số công việc chuẩn bị khác: Chuẩn bị phương tiện phỏng vấn; chuẩn bị tâm lý, tâm thế khi tiến hành phỏng vấn; trang phục phù hợp; đúng hẹn;
* Giai đoạn tiến hành cuộc phỏng vấn
- Giai đoạn nhập cuộc: Giới thiệu bản thân; nhắc lại mục đích của cuộc phỏng vấn; tạo lập cách hiểu đúng về tầm quan trọng và ý nghĩa của cuộc phỏng vấn. Gieo nhu cầu cho đối tượng (họ được lợi gì khi tham gia phỏng vấn?); Tạo sự tin tưởng, cởi mở (đó là chìa khoá mở cánh cửa thông tin); có thể bắt đầu bằng một câu chuyện nhẹ nhàng (nhưng ngắn gọn); không nên đưa những câu hỏi khó ngay từ đầu; nên dùng câu hỏi dẫn dắt; nếu thuận lợi nên đi thẳng vào vấn đề để tranh thủ thời gian;
- Giai đoạn triển khai hệ thống câu hỏi chủ chốt: Nên triển khai các câu hỏi từ dễ đến khó để thu thập thông tin; sử dụng xen kẽ các loại câu hỏi một cách linh hoạt; trong khi hỏi những câu hỏi chính, cần bổ sung thêm các câu hỏi phụ; chú ý lắng nghe, phát hiện và khai thác những điểm quan trọng; nổi bật từ câu trả lời (vấn đề mâu thuẫn, vấn đề mới nảy sinh, chi tiết độc đáo…) để đặt câu hỏi tiếp theo; giữ thế chủ động trong cuộc phỏng vấn; luôn đặt trong đầu câu hỏi: Cần biết cái gì?; quan sát những biểu hiện tâm lý của người trả lời để đánh giá mức độ tin cậy của thông tin và điều chỉnh nhịp độ của cuộc phỏng vấn.
- Giai đoạn kết thúc cuộc phỏng vấn: Kiểm tra xem còn bỏ sót thông tin, chi tiết nào muốn biết; kiểm tra xem những điểm đánh dấu trong sổ ghi chép đã được làm sáng tỏ chưa; hỏi người trả lời xem họ muốn nói thêm điều gì nữa không; nói trước với người trả lời rằng mình có thể sẽ gặp hoặc gọi điện lại cho họ để hỏi thêm một vài điều; nên kết thúc cuộc phỏng vấn đúng thời gian đã giao hẹn. Nếu cuộc phỏng vấn kéo dài quá mức sẽ tạo cảm giác mệt mỏi, lơ đễnh từ phía người trả lời; cảm ơn và bày tỏ mong muốn được gặp lại người trả lời.
III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ RÚT RA TỪ MÔN HỌC
Như chúng ta đã biết, phỏng vấn là một thể loại rất quan trọng đối với nhà báo nói chung và mỗi phóng viên nói riêng. Điều đó được thể hiện ở chỗ nó không chỉ là một thể loại báo chí độc lập, mà còn là một trong những phương pháp thu thập thông tin chủ yếu khi tác nghiệp, nếu thông tin được thu thập từ tư liệu, văn bản, các trang mạng, ... thì mọi người ai cũng sở hữu được, còn đối với phỏng vấn, chính từ cuộc “hội thoại, trao đổi” giữa phóng viên và nhân vật tạo ra thông tin độc quyền, chỉ có người trực tiếp tác nghiệp mới sở hữu thông tin độc quyền đó.
Qua quá trình nghiên cứu và được giảng viên trang bị đầy đủ những kiến thức lý thuyết, kỹ năng cơ bản về thực hiện thể loại phỏng vấn. Đó là tiền đề hết sức quan trọng cho bản thân tác nghiệp sau này. Bản thân tôi rút ra một số vấn đề cơ bản sau:
1. Khi nào thực hiện bài phỏng vấn:
Mỗi thể loại đều có thế mạnh và hạn chế của nó, sử dụng thể loại đúng thời điểm, đúng chỗ sẽ làm tăng năng lực tác động và hiệu quả thông tin, tuyên truyền. Với thể loại phỏng vấn cũng vậy, nó cung cấp thông tin sự kiện và thông tin lý lẽ sự kiện, vấn đề thời sự đã và đang diễn ra. Vấn đề ở chỗ là nhà báo cung cấp nguồn tin cho công chúng từ việc khai thác trực tiếp thông tin từ người trả lời, bên cạnh việc họ bộc lộ những suy nghĩ, thái độ đối với nguồn tin đó. Do vậy, sử dụng thể loại phỏng vấn khi khẳng định, nhấn mạnh tính xác thực, khách quan, trực tiếp cảu thông tin, muốn cho công chúng tiếp xúc với nguồn tin trực tiếp nhất.
Có thể áp dụng một số trường hợp sau:
- Khi sự kiện quan trọng, nóng hổi và bức xúc xảy ra công chúng muốn biết rõ và phóng viên không có điều kiện chứng kiến. Tiến hành phỏng vấn các nhân chứng, những người tham gia vào sự kiện giúp phóng viên tạo dựng lại sự việc, tìm lời giải thích và giải đáp mà công chúng quan tâm. Mục đích là thu nhận những thông tin cơ bản nhất bằng câu hỏi Ai? Cái gì? Khi nào? Tại sao? Như thế nào?
- Phỏng vấn để giới thiệu và giải thích về chủ trương, chính sách mới sắp ban hành mà công chúng quan tâm. Khi khai thác và phản ánh thông tin này bằng các thể loại khác thì thông tin ít thuyết phục hơn so với thể loại phỏng vấn, vì chính lời nói của nhân vật ban bố hoặc chịu trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách đó sẽ mang lại giá trị hơn rất nhiều.
- Phỏng vấn cung cấp thông tin một cách nhanh chóng và trực tiếp về một sự kiện, một vấn đề nào đó đã và đang diễn ra. Trong trường hợp này các câu hỏi dễ rơi vào tình trạng chắp nối các ý, sự kiện với nhau, khi người đọc phần trước có thể đón biết được hướng khai thác thông tin ở phần sau. Nhiều bài phỏng vấn rơi vào khuôn mẫu như: tình hình (thực trạng), giải pháp khắc phục (biện pháp thực hiện), phương hướng.. . để tránh trường hợp trên, phóng viên phải biết tìm ra một góc độ hợp lý, đưa ra những câu hỏi sinh động, bất ngờ, khai thác được những thông tin mới sẽ thu hút nhiều công chúng quan tâm.
- Sự kiện, sự việc gây tranh cãi, thắc mắc, những vấn đề bức xúc trong dư luận xã hội ... có thể sử dụng phương pháp phỏng vấn lấy ý kiến (phỏng vấn ăn - két) hoặc phỏng vấn thời sự làm sáng tỏ sự việc từ những nhân vật có thẩm quyền hoặc chuyên gia trong lĩnh vực nào đó có trách nhiệm hoặc am hiểu sau sắc vấn đề để phỏng vấn.
- Giới thiệu nhân vật nổi tiếng, để khai thác thông tin về cá nhân của họ về chuyện tiêng tư, thầm kín hoặc đời tư của họ có thể sử dụng phương pháp phỏng vấn nhân vật gắn nhân vật ấy với sự kiện nổi bậc. (ví dụ: một nhà văn, nhà khoa học mới nhận giải thưởng khoa học; diễn viên, ca sĩ được nước ngoài mời lưu diễn; vụ scandan của nhân vật nổi tiếng ...)
- Khi cung cấp cho công chúng những tuyên bố chính trị, bày tỏ quan điểm, thái độ trước sự kiện, vấn đề trong hay ngoài nước...
2. Những vấn đề cần chú ý khi tiến hành tác nghiệp phỏng vấn
Mỗi nhà báo phải trang bị những kỹ năng cẩn thiết trong quá trình tác nghiệp, đối với thể loại phỏng vấn, những kỹ năng đó yêu cầu nghiêm ngặc hơn. Để đảm bảo cuộc tiếp xúc của nhà báo và nhân vật không bị “bể” và mọi công việc đều được thực hiện một cách thuận lợi. Để làm được điều đó thì nhà báo cấn chú ý những điểm sau:
Nghiên cứu kỹ chủ đề: Đây là công việc cần thiết của nhà báo, trước khi tác nghiệp cần phải nghiên cứu, tìm hiểu rõ vấn đề, tìm kiếm trước thông tin mới nhất cũng như thông tin nền về chủ đề đó. Từ kho tư liệu của chính tờ báo, các thư viện, trên internet ... hay liên hệ với các nguồn khác.
Xây dựng danh sách hệ thống các câu hỏi: Phải xác định xem mình muốn biết gì từ người được phỏng vấn và sắp xếp sẵn các câu hỏi một cách logic để không bị hỏi xáo trộn, có thể chuẩn bị các câu hỏi ra sổ tay một cách vắn tắt và cụ thể. Nếu muốn mang một tài liệu nào đó cho người được phỏng vấn xem, nên kèm danh sách các câu hỏi liên quan.
Lên kế hoạch trước: Việc thu xếp cuộc phỏng vấn cũng nên tiến hành chu đáo, phải giới thiệu bản thân và mục đích viết bài một cách rõ ràng, cũng như lý do tại sao lại muốn phỏng vấn họ, hẹn chính xác giờ, địa điểm, ngày phỏng vấn, và nên liên lạc lại nếu cuộc hẹn có thời gian dài.
Có tác phong chuyên nghiệp: Nên đến đúng giờ và trang phục phù hợp. Có thể bắt đầu cuộc phỏng vấn bằng một cuộc trò chuyện nhẹ nhàng, ngắn gọn để người được phỏng vấn cảm thấy thoải mái. Cần nhắc lại mục đích của cuộc phỏng vấn, ghi lại chính xác tên, chức danh, địa chỉ ngay lúc bắt đầu cuộc phỏng vấn để khỏi quên, tốt nhất là xin danh thiếp và kiểm tra với người được phỏng vấn xem có thay đổi gì về chức danh, phòng ban họ đang làm và số điện thoại liên hệ hay không. Không cắm cúi ghi chép, hỏi như đọc. Tránh câu hỏi quá dài, câu hỏi không rõ ràng, mơ hồ, khó trả lời, gộp nhiều ý trong một câu hỏi, câu hỏi đã có ý trả lời, câu hỏi chung chung (nội dung và phạm vi đề cập quá rộng), câu hỏi khuôn mẫu, sáo mòn, câu hỏi không phù hợp với đối tượng phỏng vấn (mỗi đối tượng có trình độ và tâm lý khác nhau cần các cách hỏi khác nhau).
Giữ đúng chủ đề của cuộc phỏng vấn: Cố gắng hỏi những câu hỏi đã chuẩn bị sẵn một cách chủ động, lắng nghe người được phỏng vấn nói, và đặt những câu hỏi tiếp theo dựa trên những gì mà người đó đang nói đến. Tránh để người được phỏng vấn đi quá xa chủ đề hay lạc đề, nếu lạc đề nên nhã nhặn trong cách đưa họ quay lại với chủ đề chính.
Hãy để người được phỏng vấn nói: không nên đưa ra ý kiến riêng và tránh hỏi những câu dài dòng, thậm chí khi kết thúc cuộc phỏng vấn cũng tránh đưa ra chủ kiến của phóng viên. Nếu bị buộc phải nhận xét về một điều gì đó, hãy nói với người được phỏng vấn là bạn thấy ý kiến của cả hai phía đều có giá trị (câu hỏi trung lập).
Giải thích rõ ràng những nguyên tắc cơ bản: Khi người được phỏng vấn không muốn một số điều mà họ nói được trích dẫn vào bài viết, hãy giải thích một cách rõ ràng nhưng lịch sự về những nguyên tắc của tờ báo. Không được đề cập đến việc sẽ không trích dẫn thông tin người được phỏng vấn cung cấp, trừ trường hợp người được phỏng vấn yêu cầu. Thông thường, tất cả các thông tin sẽ đều được trích dẫn trong bài báo.
Ghi lại những quan sát riêng: Những chi tiết như vẻ ngoài của phòng làm việc , người được phỏng vấn đang mặc đồ gì, thái độ khi đó ra sao, v,v... đều có thể làm sinh động thêm cho bài viết, nên ghi chép lại cụ thể, đừng dựa vào trí nhớ của mình.
Đừng tự lừa bản thân: Nếu không hiểu một điều gì đó, hãy đề nghị người được phỏng vấn giải thích rõ ràng. Không nên làm ra vẻ biết nhiều hơn những điều mình thực sự biết. Trường hợp nghe không kịp, hãy đề nghị người được phỏng vấn nhắc lại.
Kết thúc cuộc phỏng vấn: Hãy nói với người được phỏng vấn là bạn cần lướt qua các vấn đề đã hỏi xem có quên điều gì không, kiểm tra lại tất cả các số liệu, con số, ngày giờ, hay địa điểm (các chi tiết nhỏ nhưng quan trọng), có thể sử dụng điện thoại liên lạc lại cho họ để nắm thêm một vài điều, tránh phỏng vấn lại.
3. Có đầy đủ phương tiện trong quá trình tác nghiệp: Phương tiện tác nghiệp đối với mỗi nhà báo vô cùng cần thiết từ phương tiện đi lại, vật chất phục vụ ... để tác nghiệp với thể loại này, cần thiết phóng viên phải có máy ghi âm, ghi hình, bút, viết, sổ ghi chép (chú ý sổ nhỏ gọn, sang trang dễ) ...
KẾT LUẬN
Có thể nói với những ưu thế của mình, thể loại phỏng vấn ngày càng được sử dụng khá phổ biến, không chỉ dừng lại ở mức độ thông báo về các sự kiện mà còn thể hiện, ý kiến, suy nghĩ, kinh nghiệm và cách đánh giá của người được phỏng vấn. Những bài phỏng vấn hay không dừng lại ở việc cung cấp thông tin đơn thuần mà còn đem lại xúc cảm, thẩm mỹ, mang đậm dấu ấn cá nhân của nhà báo và thể hiện được nét tính cách, văn hoá nổi bậc của người trả lời. Nhằm tái hiện lại sự kiện xảy ra qua lời kể của các nhân chứng, khách quan hoá thông tin, tạo giá trị và mức độ tin cậy cao cho thông tin, khám phá thế giới nội tâm của nhân vật, tạo ra sự độc quyền về thông tin, phỏng vấn được xem là thể loại được đông đảo công chúng đón nhận và tin tưởng.
Xã hội ngày càng phát triển, những chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước không ngừng được hoàn thiện, những vấn đề mới trong xã hội không ngừng này sinh, các sự kiện, vấn đề mang tính thời sự ngày càng nhiều.... Thể loại phỏng vấn cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của công chúng, nhất là đáp ứng nhanh, kịp thời những tin tức thời sự nóng hổi... Cùng với sự phát triển của thời đại và xu hướng cua báo chí hiện đại thì năng lực tư duy, sự hiểu biết kiến thức và bản lĩnh của phóng viên ngày càng nâng cao, cũng như sự phát triển của thể loại phỏng vấn ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của mình và được đông đảo công chúng đón nhận.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- tieu_luan_mon_phong_van_bao_chi_2048.doc