MỤC LỤC
A. MỞ ĐẦU
B. NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: IMMANUEL KANT VÀ THỜI ĐẠI
1.1. Thời đại
1.2. Tiểu sử của Immanuel Kant
1.3. Hai giai đoạn sáng tạo triết học Kant
CHƯƠNG 2: BẢN CHẤT CỦA CÁI ĐẸP TRONG THẨM MỸ HỌC CỦA IMMANUEL KANT
2.1. Các năng lực thẩm mỹ của con người
2.2. Phán đoán thẩm mỹ
2.3. Bản chất của phạm trù cái đẹp trong mỹ học của Immanuel Kant
2.3.1. Cái đẹp ở phương diện chất
2.3.2. Cái đẹp ở phương diện lượng
2.3.3. Cái đẹp ở phương diện quan hệ
2.3.4. Cái đẹp ở phương diện hình thái
2.3.5. Bản chất của cái đẹp
C. KẾT LUẬN
D. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
15 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 6142 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bản chất phạm trù cái đẹp trong mỹ học của Immanuel Kant, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Bản chất phạm trù cái đẹp trong mỹ học của Immanuel Kant
A. MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Nước ta đang trong quá trình hội nhập với thế giới, điều này làm cho tiến trình quốc tế hóa diễn ra hết sức mạnh mẽ, kéo theo đó là sự giao lưu, xâm nhập của các nền văn hóa. Ngoài những mặt tích cực còn có mặt tiêu cực của nó là có thể dẫn tới sự đồng hóa văn hóa, sự phai nhạt, biến mất của văn hóa dân tộc. Chính vì vậy chúng ta cần phải có những nhận thức đúng đắn về mọi lĩnh vực kinh tế - chính trị, văn hóa nghệ thuật… Trong đó văn hóa nghệ thuật mà cụ thể là thẩm mĩ học đòi hỏi chúng ta phải có một hệ thống tri thức về thẩm mỹ một cách toàn diện để có thể xem xét, đánh giá một cách khoa học, toàn diện về cái đẹp, giá trị đẹp…
Nằm trong hệ thống tri thức mỹ học, mỹ học của Immanuel Kant là một bộ phận không thể tách rời của mỹ học. Đặc biệt với những quan điểm mỹ học, nhất là quan điểm về cái đẹp trong mỹ học. Kant đã được suy tôn là ông tổ của chủ nghĩa lãng mạn. Thậm chí đánh giá về mỹ học của Immanuel Kan, Otfied Hoffe đã đưa ra nhận xét như sau: “Kant đã đặt cơ sở mới mẻ thật sự có ý nghĩa vạch thời đại cho mỹ học, vì đã thiết lập được tính độc lập và tính quy luật riêng của nó trong quan hệ với nhận thức khoa học và thực hành luân lý, chính trị…” Như vậy việc nghiên cứu về mỹ học của Immanuel Kant nói chung và quan điểm về phạm trù cái đẹp của Kant nói riêng là hết sức cần thiết.
Mặt khác trong quá trình học tập bộ môn triết học, em thực sự thấy hứng thú với học phần triết học cổ điền Đức mà cụ thể là triết học của I.Kant, trong đó có thẩm mỹ học của I.Kant. Do đó em đã lựa chọn đề tài về phạm trù cái đẹp trong tư tưởng mỹ học của I.Kant cho niên luận của mình.
2. Tình hình nghiên cứu
Cái đẹp và bản chất của cái đẹp là một đề tài gây nhiều tranh cãi trong khoa học và nghệ thuật. Chính vì thế đã có nhiều người nghiên cứu về cái đẹp và bản chất của nó. Song những nghiên cứu về hệ thống mỹ học nói chung và phạm trù cái đẹp nói riêng của I.Kant chủ yếu đều ở góc độ chúng là một bộ phận trong toàn bộ hệ thống triết học của I.Kant. Những nghiên cứu đó chỉ dừng lại ở mức độ khái quát trong các giáo trình triết học lịch sử, lịch sử mỹ học nói chung và trong các tập bài giảng dùng cho sinh viên chuyên ngành mỹ học.
3. Mục đích, nhiệm vụ của niên luận
Mục đích của niên luận này là: Niên luận muốn đi sâu vào cái đẹp với tư cách là phạm trù chủ chốt của mỹ học I.Kant và nhằm nêu lên một cách khái quát nhất về bản chất của phạm trù cái đẹp trong mỹ học của I.Kant.
Để thực hiện được mục đích đó thì nhiệm vụ đầu tiên và cũng là duy nhất của niên luận đó là :Làm sáng tỏ quan điểm của I. Kant về cái đẹp, thông qua việc trình bày một cách hệ thống những quan điểm của ông về cái đẹp.
4. Cơ sở lí luận và phương pháp nghiên cứu
Cơ sở lí luận của đề tài này chính là những quan điểm về cái đẹp của I. Kant trong tác phẩm “Phê phán năng lực phán đoán”, cùng các đánh giá, luận giải về các quan điểm đó của các nhà nghiên cứu về triết học I. Kant và mỹ học của ông.
Bài viết dựa trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác về lịch sử và phương pháp nghiên cứu biện chứng. Trên cơ sở đó bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu phân tích và tổng hợp.
5. Đóng góp của niên luận
Đóng góp của niên luận này là góp phần làm sáng tỏ bản chất của phạm trù cái đẹp trong mỹ học của I. Kant.
6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn
Về mặt lí luận, niên luận đã trình bày một cách có hệ thống quan điểm về cái đẹp của I. Kant.
Về mặt thực tiễn, niên luận có thể làm tài liệu tham khảo cho các bạn sinh viên có hứng thú với vấn đề cái đẹp trong mỹ học của I. Kant.
B. NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: IMMANUEL KANT VÀ THỜI ĐẠI
1.1. Thời đại
Cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX chủ nghĩa tư bản đã được thiết lập và phát triển ở hầu hết các nước tư bản Tây Âu, và thành quả cuộc cách mạng công nghiệp đã tạo ra những bước nhảy vọt trong sự phát triển của lực lượng sản xuất, khẳng định tính ưu việt của nó. Trong khi đó nước Đức vẫn tồn tại chế độ phong kiến bảo thủ, trì trệ kìm hãm sự phát triển của xã hội. Khắp nước Đức lúc này lúc này bao trùm một không khí của sự bất bình nhất là ở giai cấp tư sản Đức.
Cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX cũng được đánh dấu bởi sự phát triển của các thành tựu khoa học kĩ thuật với các thành tựu khoa học kĩ thuật với các thành tựu như: việc phát hiện và chứng minh được định luật bảo toàn năng lượng, học thuyết tế bào, tìm ra ôxi và bản chất của sự cháy… Những thành tựu mới của khoa học kỹ thuật đã chứng minh rằng phương pháp tư duy siêu hình đã không còn phù hợp, hệ thống lí luận siêu hình của các triết gia thời cận đại như Descartes, Leibniz, Spinoza… đã không thể lí giải được những vấn đề mới của thế giới hiện thực sinh động đang tồn tại, và đặt ra yêu cầu phải có một hệ thống lí luận mới có thể hệ thống và giải thích những hiện tượng của giới tự nhiên, xã hội một cách chính xác, toàn điện và biện chứng.
Cùng với sự thiết lập và phát triển của chủ nghĩa tư bản thay thế cho chế độ phong kiến đã lỗi thời, thì trong triết học cũng diễn ra một quá trình biến đổi sâu sắc. Đó là, lúc này, triết học đã trút bỏ chiếc áo choàng mang màu sắc tôn giáo, thần học để hướng tới một nền triết học duy vật, duy lí khám phá và luận giải cho khả năng khám phá, nhận thức thế giới, những nhu cầu trên đã thúc đẩy I. Kant đưa ra hệ thống triết học phê phán mở đầu triết học cổ điển Đức.
1.2. Tiểu sử của Immanuel Kant
I. Kant sinh năm 1724, mất năm 1804 tại thành phố Konigberg nay là Kaleiningrat Đức, trong một gia đình thợ thủ công.
Năm 1740, I. Kant vào học khoa triết học tại Đại Học Konigrgerg và tốt nghiệp loại xuất sắc vào năm 1745.
I. Kant đã giảng dạy siêu hình học, logic học, triết học đạo đức… tại Konigssberg.
I. Kant đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp triết học. Ba tác phẩm thể hiện toàn bộ hệ thống triết học của Kan là “phê phán lí tính thuần túy” (1781), “phê phán lí tính thực tiễn” (1788) và “phê phán năng lực phán đoán” (1790). Trong đó tác phẩm thứ ba “phê phán năng lực phán đoán” là tác phẩm thể hiện những quan điểm của Kant về mỹ học.
Phê phán năn lực phán đoán được đánh giá là tác phẩm hoàn thiện hệ thống triết học Kant, là “viên đã đỉnh vòm” của tòa nhà triết học Kant [ 3, VII]
1.3. Hai giai đoạn sáng tạo triết học Kant
Triết học Kant là sự kế thừa thành tựu khắc phục những khuyết điểm của nền triết học siêu hình thời cận đại. Chính vì vậy triết học của I. Kant được chia làm 2 giai đoạn là tiền phền phán và phê phán.
Giai đoạn tiền phê phán (1746 - 1770), là giai đoạn I. Kant chịu ảnh hưởng sâu sắc của những quan niệm duy vật siêu hình của Descartes. Newton. Trong giai đoạn này I. Kant đặc biệt đề cao nhận thức lí tính, lí tính được coi như một công cụ vạn năng trong hoạt động nhận thức của con người, ông đã đưa ra luận điểm nổi tiếng khẳng định tính chất duy vật và duy lí trong thế giới quan và phương pháp luận của mình là: “Hãy cho tôi vật chất, tôi sẽ xây dựng thế giới từ nó, nghĩa là hãy cho tôi vật chất, tôi sẽ chỉ cho các bạn thấy thế giới được sinh ra từ nó như thế nào”. Một trong số những thành tựu nổi bật của triết học tiền phê phán của I. Kant chính là thuyết tinh vân giải thích sự hình thành của vũ trụ.
Giai đoạn phê phán (1770-1804), là giai đoạn I. Kant hướng triết học của mình vào việc giải quyết những vấn đề con người. Ông đã đặt ra ba câu hỏi: “Tôi có thể biết được cái ?”, “Tôi cần phải làm gì?” và “tôi có thể hy vọng vào cái gì?”. Và trả lời ba câu hỏi này ông đã viết bộ ba tác phẩm phê phán. Trong đó tác phẩm thứ ba “phê phán năng lực phán đoán”, trả lời cho câu hỏi thứ ba “Tôi có thể hy vọng vào cái gì?”.
Trong cuốn “phê phán năng lực phán đoán”, I. Kant đặt ra vấn đề “không có khoa học về cái đẹp, chỉ có sự phán đoán về cái đẹp”. Như vậy I. Kant đã phê phán việc sử dụng tư duy lí tính để tìm ra quy luật của cái đẹp và cho rằng cái đẹp có tính chủ quan.
“Phê phán năng lực phán đoán” là tác phẩm hoàn thiện hệ thống triết học phê phán của I. Kant, nói một cách khác thì thẩm mỹ học của I. Kant chính là chiếc cầu nối giữa hoạt động lý luận hay triết học lí luận với hoạt động thực tiễn hay triết học thực tiễn. Chính vì vậy mà nó có cơ sở triết học của mình chính là tư tưởng về nguyên lí tính hệ thống và nguyên lí vô cùng tận của đối tượng nhận thức trong triết học phê phán của I. Kant. Biểu hiện của hai nguyên lí này chính là khái niệm về “vật tự nó”.
Khái niệm “vật tự nó” của I. Kant về phương diện nhận thức luận là bản chất của sự vật khách quan. Nó tồn tại tự nó không phụ thuộc vào những hình thức nhận thức và logic của con người. Con người không bao giờ nhận thức được “vật tự nó”. Về mặt đạo đức, thì “vật tự nó” chính là những chuẩn mực đạo đức lí tưởng có tính chất hoàn thiện tuyệt đối mà con người luôn cố gắng vươn tới nhưng không bao giờ đạt được.
Quá trình nhận thức của con người chính là quá trình nhận thức về “vật tự nó”. Con người không thể nhận thức được vật tự nó” mà chỉ có thể nhận thức được những sự vật, hiện tượng do giới hạn của lí tính, giới hạn của năng lực nhận thức con người. Đây chính là hạn chế của nhận thức lý tính.
Để khắc phục hạn chế này I. Kant đưa ra một cách nhận thức mới là nhận thức ngoài khái niệm. Tức là sử dụng các hình ảnh, biểu tượng và năng lực cảm nhận về đối tượng thông qua sự chiêm nghiệm về đối tượng để đưa ra phán đoán về nó. Đây chính là phương pháp của mỹ học và phán đoán đưa ra là phán đoán thẩm mỹ.
CHƯƠNG 2: BẢN CHẤT CỦA CÁI ĐẸP TRONG THẨM MỸ HỌC CỦA IMMANUEL KANT
2.1. Các năng lực thẩm mỹ của con người
Để có thể đưa ra được một phán đoán thẩm mỹ con người cần phải có các năng lực như: năng lực nhận thức thẩm mỹ, năng lực đánh giá thẩm mỹ và năng lực thỏa mãn thẩm mỹ.
- Năng lực nhận thức thẩm mỹ
Năng lực nhận thức thẩm mỹ hay còn gọi là năng lực cảm thụ thẩm mỹ chính là cảm nhận thẩm mỹ của con người. Theo I. Kant năng lực này chính là một cảm nhận phán tỉnh, một loại trực giác của con người. Loại trực giác mang cảm xúc của con người khi con người khát vọng đạt được sự tự do tuyệt đối trong tính hài hòa, hoàn hảo đầy thẩm mỹ. Từ khát vọng ấy con người luôn muốn vươn cao hơn trong những sản phẩm, tác phẩm do mình sáng tạo ra.
- Năng lực đánh giá thẩm mỹ
Năng lực đánh giá thẩm mỹ chính là khả năng khám phá, nhận định về cái đẹp và nó được thể hiện qua thị hiếu thẩm mỹ.
Thị hiếu thẩm mỹ là năng lực tổng hợp những suy tư, cảm nhận… là sự nhạy bén của chủ thể thẩm mỹ khi chiêm nghiệm về một đối tượng thẩm mỹ tạo thành một trình độ và có thể đưa ra một lựa chọn tức thời trong sự cảm nhận về đối tượng thẩm mỹ. Nói một cách khác thị hiếu thẩm mỹ chính là một năng lực “tiên nghiệm” của chủ thể thẩm mỹ.
- Năng lực thỏa mãn thẩm mỹ
Năng lực này chính là sự đáp ứng mục đích, đánh giá về đối tượng thẩm mỹ đang được chiêm ngưỡng thậm chí là chính bản thân mình của chủ thể thẩm mỹ. Đây chính là năng lực thưởng ngoạn trong sự khám phá cái đẹp thẩm mỹ tuyệt đối, để cảm nhận sự tự do tuyệt đối mà con người luôn muốn vươn tới.
2.2. Phán đoán thẩm mỹ
Khi đã có các năng lực về nhận thức, đánh giá và thỏa mãn thẩm mỹ, chủ thể thẩm mỹ có thể đưa ra phán đoán thẩm mỹ về đối tượng thẩm mỹ đang được chiêm ngưỡng. Vậy phán đoán thẩm mỹ là gì?
Theo I. Kant “phán đoán sở thích là một phán đoán thẩm mỹ” [3, 104]. Phán đoán thẩm mỹ hoàn toàn mang tính chủ quan cá nhân và kết quả nó mang lại cho chúng ta là sự thỏa mãn, sự vui sướng hay không thỏa mãn, không vui sướng. Nó hoàn toàn khác với phán đoán tri thức vì nó không xuất phá từ một khái niệm nào cả mà chỉ là một hành vi mang tính chủ quan của chủ thể thẩm mỹ có được từ một năng lực tiên nghiệm “phán đoán dựa trên cơ sở chủ quan/không có hhái niệm nào có thể là cơ sở quy định cho nó được; do đó, cũng không có hhái niệm về một mục đích nhất định” [3; 104].
Vì xuất phát từ chủ quan cho nên phán đoán thẩm mỹ được đưa ra hoàn toàn không dựa trên cơ sở của nhận thức lí tính mà nó chỉ “đơn thuần có tính tĩnh quan chiêm nghiệm” [3; 66].
Nói cách khác cơ sở để cho chủ thể thẩm mỹ đưa ra một phán đoán thẩm mỹ là dựa trên mối quan hệ về tình cảm vui sướng hay không vui sướng giữa chủ thể và đối tượng “Để phân biệt cái gì đấy đẹp hay không, ta không dùng giác tính để liên hệ biểu tượng về nó với đối tượng nhằm có được nhận thức, trái lại liên hệ với chủ thể tình cảm vui sướng hay khôgn vui sướng của chủ thể ấy thông qua trí tưởng tượng, (có lẽ nối kết với giác tính khi hoạt động). Như thế, phán đoán sở thích không phải là một phán đoán nhận thức, do đó không có tính lôgic, mà có tính thẩm mỹ, được hiểu là một phán đoán mà cơ sở quy định của nó không thể là cái gì khác hơn là chủ quan”[3; 57].
Một mặt I. Kant khẳng định tính chủ quan, phi lôgic của phán đoán thẩm mỹ, song một mặt I. Kant cũng cho rằng phán đoán thẩm mỹ còn có tính khách quan, phổ biến. Vì nếu không có tính khách quan phổ biến thì tại sao đứng trước một đối tượng thẩm mỹ mỗi người khác nhau đều có chung một đánh giá đối tượng đẹp hay không? Nói về tính khách quan này I. Kant cho rằng phán đoán thẩm mỹ cũng có tính độc lập với cảm giác chủ quan. Điều này thể hiện ở quan điểm “mọi sự quan tâm đều làm hỏng phán đoán sở thích và tước đi tính vô tư của nó” [3; 97].
Như vậy, phán đoán thẩm mỹ là phán đoán mang tính chủ quan và vô tư của chủ thể thẩm mỹ khi chiêm ngưỡng đối tượng thẩm mỹ, là sự thống nhất giữa lí trí và tình cảm, chủ quan và khách quan.
Phán đoán thẩm mỹ cũng có hai dạng giống như phán đoán tri thức, là phán đoán thông thường và phán đoán thẩm mỹ. Phán đoán thông thường mang tính vị kỉ và chỉ đúng cho một cá nhân, một trường hợp cụ thể. Ngược lại phán đoán thẩm mỹ mang tính phổ biến và đúng cho mọi cá nhân, mọi trường hợp.
2.3. Bản chất của phạm trù cái đẹp trong mỹ học của Immanuel Kant
Với luận điểm được gán cho là “cái đẹp không nằm trên đôi má hồng của cô thiếu nữ mà nằm trong đôi mắt của kẻ si tình” đã cho thấy tính chủ quan trong quan điểm về cái đẹp trong thẩm mỹ học của I. Kant. Tuy nhiên như chúng ta đã biết mỹ học của I. Kant chịu ảnh hưởng sâu sắc của hai khuynh hướng mỹ học là mỹ học duy lí của Baumgerten và mỹ học duy dảm của Burke, thậm chí I. Kant còn muốn dung hòa hai khuynh hướng thẩm mỹ này nữa. Chính vì thế, tư tưởng về cái đẹp của I. Kant không thể chỉ dừng lại ở tính chủ quan.
Trước tiên nói về cái đẹp I. Kant có đưa ra quan điểm “cái đẹp là cái gì đơn thuần làm cho ta hài lòng” [3; 57]. Với tư tưởng này thì cái đẹp chính là cái thỏa mãn những tình cảm của chủ thể, là một cảm năng vì người ta “không thể tranh luận về sở thích của mỗi người”. cái đẹp ở đây hoàn toàn mang tính chủ quan, riêng biệt.
Tuy nhiên trong thực tế ta thấy vẫn có những cái đẹp được mọi người thừa nhận, như vậy có nghĩa là có tồn tại một cái đẹp chung, phổ quát. Theo I. Kant sở dĩ có một cái đẹp như vậy tồn tại là vì cái đẹp trong thẩm mỹ học là cái đẹp hình thức, đánh giá về cái đẹp là đánh giá hình thức của nó.
Xuất phát từ quan điểm nêu trên về cái đẹp I. Kant đã đưa ra bốn phương diện để xem xét cái đẹp.
2.3.1. Cái đẹp ở phương diện chất
Ở phương diện chất I. Kant đã đưa ra định nghĩa về cái đẹp như sau: “Sở thích là quan năng phán đoán về một đối tượng hay về một phương cách biểu tượng bằng một sự hài lòng hay không hài lòng mà không có bất kì sự quan tâm nào. Đối tượng của một sự như vậy gọi là đẹp” [3; 68].
Theo như định nghĩa trên của I. Kant, thì việc ta đưa ra phán đoán thẩm mỹ về đối tượng thẩm mỹ đang được chiêm ngưỡng đưa ra đánh giá thẩm mỹ về cái đẹp là hoàn toàn mang tính chủ quan, cơ sở của nó “không thể là gì khác hơn là chủ quan”.
Tuy nhiên I. Kant lại tuyệt đối tính chủ quan, tính chủ quan được tuyệt đối hóa ở đây là tính vô tư chủ quan trong phán đoán thẩm mỹ Kant cho rằng “phán đoán sở thích là đơn thuần có tính tĩnh quan (chiêm nghiệm), nghĩa là, một phán đoán dửng dưng với sự hiện hữu của đối tượng”. Tức là phán đoán này không hề liên quan đến sự “hiện hữu”, khách quan của đối tượng, và vì thế nó không chứa đựng trong mình một lợi ích nào cả.
Phán đoán thẩm mỹ không liên quan đến sự hiện hữu thực tồn của đối tượng cho nên cái đẹp cũng không có bất kì sự liên quan nào với sự hiện hữu của đối tượng. Nói cách khác cái đẹp không phải là thuộc tính vốn có của đối tượng mà thộc về biểu tượng của đối tượng.
Như vậy bản chất của cái đẹp nằm ở trong biểu tượng của đối tượng mà chủ thể thẩm mỹ tạo ra khi chiêm ngưỡng đối tượng.
2.3.2. Cái đẹp ở phương diện lượng
Ở phương diện chất, I. Kant cũng đưa ra một định nghĩa về cái đẹp. Đó là: “Đẹp là cái gì làm hai lòng một cách phổ biến độc lập với mọi khái niệm” [3, 86].
Trong định nghĩa về phương diện lượng của cái đẹp I. Kant đưa ra tính phổ quát của cái đẹp. Như ta đã biết phán đoán thẩm mỹ không phải là hoạt động nhận thức mà là một hoạt động thuộc về tình cảm, là hành vi mang đậm tính chủ quan của chủ thể thẩm mỹ. Vậy tính phổ biến của cái đẹp ở đây là gì? Tính phổ biến ở đây chính là giá trị chung về cái đẹp ở mọi người trong biểu tượng của đối tượng.
Sự hài lòng mà phán đoán thẩm mỹ mang lại có tính cá nhân, và sự khác nhau ở mỗi người nhưng nó lại có tính lan tỏa phổ biến trong hình tượng về đối tượng trong mọi người chính vì vậy nó mang tính phổ biến. Theo như I. Kant thì tính phổ biến này chính là “sự ý thức rằng sự hài lòng của mình đối với một đối tượng quả thật không gắn với mối quan tâm nào cả, thì người ta không tránh khỏi cho rằng đối tượng ấy phải chứa đựng lí do cho sự hài lòng của tất cả mọi người” [3; 75], tức là khi chủ thể thẩm mỹ ý thức được sự thỏa mãn thẩm mỹ về đối tượng thì đồng thời cũng đòi hỏi một sự thỏa mãn tương tự ở mọi người, hay chính là sự truyền đạt xảm xúc, tâm trạng cá nhân đến mọi người.
Vậy cái đẹp ở phương diện lượng mang bản chất là cái đơn nhất nhưng phán đoán thẩm mỹ về cái đẹp có thể truyền đạt cảm xúc của chủ thể đến mọi người tạo nên tính phổ biến của cái đẹp. Tính phổ biến ở đây là tính phổ biến chủ quan.
2.3.3. Cái đẹp ở phương diện quan hệ
Trước tiên ta cũng cần phải nêu ra định nghĩa cái đẹp ở phương diện quan hệ của I. Kant là “vẻ đẹp là hình thức của tính hợp mục đích của một đối tượng, trong chừng mực tính hợp mục đích ấy được tri giác mà không có hình dung nào về một mục đích (khách quan) nơi đối tượng” [3; 115].
Trong định nghĩa cái đẹp ở phương diện quan hệ I. Kant đưa ra quan hệ về tính phù hợp không có mục đích. Tính hợp mục đích của cái đẹp ở đây là “tính hợp mục đích chủ quan trong biểu tượng về một đối tượng, độc lập với mọi mục đích khác” [3; 95]. Tức là cái đẹp chỉ phù hợp khi nó được chủ thể cảm nhận mọi biểu tượng về đối tượng không mang mục đích. Mục đích là mục đích đơn thuần hình thức “tính mục đích không có mục đích” [3; 102]. Nói cách khác mục đích độc lập với biểu tưởng của đối tượng.
Cái đẹp lúc này độc lập với mọi sự rung động cá nhân là kết quả của phán đoán thẩm mỹ dựa trên cơ sở của những năng lực thẩm mỹ và nó không phụ thuộc vào bất kì một khái niệm nào. Vẻ đẹp cũng không phải là một thuộc tính của đối tượng mà là một vẻ đẹp hình thức đơn thuần, tự tồn.
Ở phương diện này vẻ đẹp được chia làm hai dạng là vẻ đẹp tự do và vẻ đẹp đơn thuần phụ thuộc. Vẻ đẹp tự do không phụ thuộc vào bất kì khái niệm nào và nó tự tồn cho chính nó. Ngược lại vẻ đẹp đơn thuần phụ thuộc gắn với một khái niệm xác định và phục tùng khái niệm về một mục đích nào đó.
Bản chất của cái đẹp ở phương diện này chính là vẻ đẹp tự do, thuần túy tuyệt đối.
2.3.4. Cái đẹp ở phương diện hình thái
Cũng giống như ở phương diện chất, lượng, quan hệ, trong phương diện hình thái I. Kant cũng nêu ra một định nghĩa về cái đẹp là: “Đẹp là cái gì được nhận thức như là đối tượng của một sự hài lòng tất yếu, nhưng độc lập với khái niệm” [3; 134].
Theo như định nghĩa này thì cái đẹp là cái gây thích thú một cách tất yếu nhưng không có hhái niệm. Cái đẹp ở đây không có từ tiên nghiệm hay từ thực tiễn. Nó mang tính tất yếu song không thể nào đưa ra một hhái niệm về nó. Nó chỉ là một phán đoán thẩm mỹ điển hình và là một sự tất yếu của sự tán đồng của mọi người phán đoán được đưa ra khi chủ thể chiêm ngưỡng về đối tượng. Nói một cách khác, ta không thể đưa ra một tiêu chuẩn xác định phổ biến cho cái đẹp mà theo như I. Kant nói là “chỉ là phí công vô ích khi đi tìm một nguyên tắc của sở thích mang lại tiêu chuẩn phổ biến của cái đẹp” [3; 109]
“Cái đẹp là cái được nhận thức như là đối tượng của một sự hài lòng” cho nên ta không thể sử dụng hhái niệm để cảm nhận về nó mà chỉ có thể dùng cảm giác, biểu tượng để nhận thức về nó.
Như vậy tức là cái đẹp ở đây hoàn toàn mang bản chất chủ quan, biểu tượng.
2.3.5. Bản chất của cái đẹp
Trong khi xem xét cái đẹp ở các khía cạnh chất lượng, quan hệ, hình thái, I. Kant cũng đã lần lượt chỉ ra bản chất của cái đẹp ở từng khía cạnh. Tuy nhiên để thực sự hiểu được bản chất của cái đẹp là gì và bản chất đó nằm ở đâu thì ta phải tìm hiểu về antinomi của cái đẹp của I. Kant.
Tư tưởng antinomi của cái đẹp của I. Kant là sự kế thừa, khái quát từ những quan điểm mỹ học từ trước thời đại mình. I. Kant đã đưa ra antinomi về cái đẹp như sau:
Chính đề: Cái đẹp là phạm tù mang tính phổ quát và tất yếu (vì nó là sản phẩm của sự vươn tới tự do, toàn vẹn).
Phản đề: Cái đẹp mang tính cá biệt (vì nó là kết quả thưởng ngoạn của từng cá nhân).
Giải quyết nghịch lí của cái đẹp I. Kant cho rằng cái đẹp không có tính xác định, nó không có cơ sở từ bất kì một khái niệm, luân lý nào. Ngược lại cơ sở quyết định của nó chính là chủ quan. Chính vì vậy nó mang tính cá biệt, phán đoán thẩm mỹ về cái đẹp phải mang tính vô tư, không xuất phát từ bất kì một mục đích nào. Nói cách khác cái đẹp mang tính cá biệt, vô tư chủ quan.
Tuy nhiên cái đẹp vẫn mang tính khách quan phổ biến. Tính khách quan phổ biến ở đây xuất phát từ tính chủ quan. Như ta vừa khẳng định ở trên, cái đẹp là cái mang tính chủ quan, không phụ thuộc vào bất kì hhái niệm nào. Song cái đẹp lại có một đặc tính đó là phán đoán về nó có thể truyền đạt cảm xúc của chủ thể thẩm mỹ khi chiêm ngưỡng đối tượng và đòi hỏi một sự thỏa mãn thẩm mỹ tương tự ở mọi người. Chính điểm này đã tạo nên tính phổ biến cho cái đẹp. Mặt khác phán đoán về cái đẹp là phán đoán hình thức, chỉ quan tâm đến biểu tượng về đối tượng một cách thuần túy do chủ thể thẩm mỹ tạo ra khi chiêm ngưỡng đối tượng, mà không quan tâm đến sự tồn tại khách quan về đối tượng. Chính vì thế cái đẹp là một phán đoán thẩm mỹ đơn thuần không gắn với lợi ích, nó thể hiện một sự hài lòng phổ biến với tư cách là cái đẹp tiên nghiệm, tự do. Nói một cách khác cái đẹp này mang nội dung khách quan, là sự phản tỉnh của chủ thể thẩm mỹ.
Vậy bản chất của cái đẹp là cái đẹp vừa mang tính chủ quan vừa mang tính khách quan. cái đẹp là một phán đoán thẩm mỹ được quy định bởi chủ quan, tình cảm nhưng mang nội dung khách quan.
C. KẾT LUẬN
Cái đẹp là phạm trù trung tâm trong hệ thống thẩm mỹ học của I. Kant, việc hiểu được bản chất của cái đẹp là vấn đề nền tảng để tìm hiểu về thẩm mỹ học của I. Kant.
Để chỉ ra bản chất của cái đẹp là gì I. Kant đã xem xét cái đẹp ở bốn phương diện chất, lượng, quan hệ và đưa ra antinomi về cái đẹp. Ở mỗi phương diện của cái đẹp I. Kant đều đưa ra một định nghĩa cái đẹp. Nhưng trước hết ta cần phải khẳng định để có được cái đẹp trước tiên ta phải có phán đoán thẩm mỹ và các năng lực thẩm mỹ. Nói cách khác cái đẹp là môt hình thức điển hình của phán đoán thẩm mỹ trên cơ sở khả năng, năng lực thẩm mỹ của con người.
Cái đẹp vừa mang tính chủ quan vừa mang tính khách quan nhưng chủ yếu là tính chủ quan. Cái đẹp được đưa ra từ sự cảm nhận về “vật tự nó”. Cái đẹp chính là sản phẩm của chủ thể sáng tạo, là cầu nối trong quan hệ giữa con người với vật tự nó, là cầu nối giữa nhận thức lí tính và nhận thức cảm giác.
Vậy bản chất của cái đẹp là vừa mang tính chủ quan, vừa mang tính khách quan y như câu nói của Nguyễn Du: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Cái đẹp là phạm trù vừa mang tính phổ quát, tất yếu, vừa mang tính cá biệt.
D. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lịch sử triết học Phương Tây, Nguyễn Tiến Dũng, 2006, Nxb thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh.
2. Triết học Kant, Trần Thái Đỉnh, 2005, Nxb văn hóa Thông tin, Hà Nội.
3. Phê phán năng lực phán đoán, Immanuel Kant, Bùi Văn Sơn dịch và chú giải, 2007, Nxb Tri thức, Hà Nội.
4. I. Kant và nhận thức luận hiện đại, Lưỡng quốc Tiến sĩ khoa học Đỗ Văn Khang.
5. Chính luận về I. Kant và Heghen, Lưỡng quốc Tiến sĩ Khoa học Đỗ Văn Khang.
6. Triết học cổ điển Đức, Lê Công Sự, 2006, Nxb Thế giới, Hà Nội.
7. Lịch sử triết học, Nguyễn Hữu Vui, 1998, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
MỤC LỤC
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Bản chất phạm trù cái đẹp trong mỹ học của Immanuel Kant.doc