Không chỉ là một không gian văn hoá, Nhà hát Lớn Hà Nội còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Đó là nơi đã chứng kiến những giây phút hoà bình đầu tiên trên đất nước, là một nhân chứng cách mạng của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến. Kể từ đó đến nay, Nhà hát Lớn luôn là trung tâm của các cuộc hội nghị, mít tinh quan trọng và các buổi biểu diễn nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước.
Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, cũng như nhiều công trình kiến trúc khác và cả những loại hình văn hoá phi vật thể, Nhà hát Lớn Hà Nội đã trở thành minh chứng cho một thời kỳ mà các nền văn hoá giao thoa nhau, giúp Việt Nam hội nhập với thế giới. Chính vì thế, việc bảo tồn, gìn giữ di sản này, làm cho ý nghĩa công trình có giá trị sâu sắc hơn, phong phú hơn là những gì mà cả nước và nhân dân Thủ đô luôn hướng tới.
463 trang |
Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 3523 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Báo cáo Bài tour Xuyên Việt, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ng của Hồ Tây, nên thuộc đất làng Yên Phụ, nơi có ngôi đình thờ thánh. Vào mùa xuân hằng năm dân làng tổ chức đám rước từ đình sang chùa rồi từ chùa về làng.
Chùa Láng
Vị trí: phố Chùa Láng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Đặc điểm: thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh và là một trong những ngôi chùa cổ lớn của Hà Nội.
Chùa Láng có tên chữ là Chiêu Thiền tự và được giải thích trong văn bia tạo dựng năm Thịnh Đức thứ 4 (1656) hiện còn được bảo quản ở chùa như sau: Vì có điều tốt rõ rệt nên gọi là Chiêu. Đây là nơi sinh ra Thiền sư đại thánh nên gọi là Thiền.
Tương truyền chùa được xây dựng từ thời vua Lý Anh Tông (1138 đến 1175). Chùa thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Theo truyền thuyết, nhà sư này đã đầu thai làm con trai một nhà quý tộc Sùng Hiền hầu, em vua Lý Nhân Tông. Vì vua Lý Nhân Tông (1072đến 1127) không có con, nên con trai của ông Sùng Hiền hầu được nối ngôi, tức vua Lý Thần Tông (1128 đến 1138). Do sự tích ấy mà con của Lý Thần Tông là Lý Anh Tông đã cho xây cất chùa Chiêu Thiền để thờ vua cha và tiền thân của Người là thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Chùa Láng là một quần thể kiến trúc rộng lớn, được xây dựng theo kiểu "nội công ngoại quốc", tính ra vừa đủ 100 gian. Chùa nằm trong một khuôn viên rộng và đẹp, có nhiều cây cổ thụ, có một kiến trúc cân đối hoà quyện với không gian và cảnh quan thiên nhiên. Cổng tam quan dẫn vào sân chùa có đôi câu đối viết theo lối Khải thư rất đẹp ghép bằng những mảnh sứ màu xanh làm tăng thêm vẻ trang nghiêm cổ kính và hoành tráng của ngôi chùa. Giữa sân chùa là một kiến trúc độc đáo - nhà Bát giác, nơi đặt kiệu thánh vào đêm trước ngày khai hội. Mái nhà lợp theo kiểu mái chồng, hai tầng, 16 mái trông rất thanh thoát và hài hòa. Phía sau sân chùa là tiền đường, trung đường, nhà thiêu hương, thượng điện, tả hữu hành lang, nhà tổ, nhà mẫu và vườn tháp. Thượng điện được bố trí theo kiểu “tiền Thánh hậu Phật”, với tượng đức thánh Láng đặt ở phía trước, phía sau là các lớp tượng Phật.
Tại chùa xưa kia có quyển sách kinh bằng đồng lá "Bát diệp đồng thư" (nay đã mất) và nhiều di vật có giá trị như tấm bia "Tạo lệ" dựng năm Thịnh Đức thứ 4 (1656) cao 1,4m, rộng 0,8m, hoa văn tinh xảo, bia Phúc điền cùng 13 tấm bia khác từ thời Tự Đức đến thời Bảo Đại. Chùa Láng hiện còn lưu giữ các đạo sắc phong của các triều Lê, Tây Sơn, Nguyễn, 30 bức hoành phi, 31 đôi câu đối, một "đại hồng chung" và một khánh lớn bằng đồng đúc năm Thiên vận Mậu Ngọ (1738). Hiện nay trong chùa còn có tượng Lý Thần Tông bằng gỗ ngồi trên ngai vàng. Dưới mái hành lang có hai dãy thập điện và 18 vị La Hán cùng nhiều tượng thờ có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19 trải dài từ đời Lê đến triều Nguyễn được bàn tay tài hoa của các nghệ nhân tạo tác rất sinh động mang tính nghệ thuật cao. Đặc biệt, trong hậu cung chùa còn có pho tượng Đức Từ Đạo Hạnh theo truyền thuyết được làm bằng mây rút, phủ sơn son thếp vàng. Bức tượng này đã có từ rất lâu, tương truyền có từ thời Lý, đến thời Lê (khoảng năm 1644 - 1646) được tu bổ cơ bản và đến tháng 01/2005, sau hơn 300 năm, bức tượng một lần nữa được tu bổ toàn diện.
Chùa đã được trùng tu nhiều lần, những lần quan trọng nhất là vào các năm 1656, 1901 và 1989. Vì được trùng tu nhiều lần, trong chùa không còn dấu tích của các kiến trúc di vật cổ.
Vẻ bề thế của quần thể kiến trúc hài hòa, cân xứng với không gian thoáng đãng khiến cho chùa Láng đã từng được coi là đệ nhất tùng lâm ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa.
Hội chùa Láng cử hành vào ngày mồng bảy tháng ba âm lịch, là ngày sinh của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Trong ngày hội, kiệu của Từ Đạo Hạnh được rước đến chùa Hoa Lăng ở xã Dịch Vọng, nơi thờ cha mẹ ông.
Chùa Non Nước
Vị trí: Chùa Non Nước nằm trong quần thể di tích đền Sóc thuộc địa phận xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Đặc điểm: Chùa Non Nước (tên chữ là Sóc Thiên Vương Thiền Tự) nằm chính giữa dãy núi hình vòng cung trên độ cao 110m so với mặt biển, tựa như người ngồi trên chiếc ngai hướng nhìn xuống vùng hồ nước trong xanh và những xóm làng trù phú. Đây được coi là một trong những ngôi chùa cổ kính ở Việt Nam với hơn 1000 năm tuổi.
Theo Thuyền Uyển Tập Anh và Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, vị thiền sư đầu tiên trụ trì chùa Non Nước tên là Ngô Chân Lưu (933-1011), hậu duệ của Ngô Quyền. Năm 971, ông được vua Ðinh Tiên Hoàng phong hiệu Khuông Việt Đại sư. Ðó là vị thiền sư đầu tiên được Nhà nước phong kiến phong tặng danh hiệu Quốc sư Tăng Thống, danh hiệu tôn quý nhất của đạo và đời. Lịch sử ghi nhận, vị Quốc sư này cùng Vạn Hạnh Thiền sư đã phù trợ đưa Lý Công Uẩn lên ngôi chấn hưng đất nước. Năm 1010 Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Thăng Long mở đầu cho thời kỳ hưng thịnh nhất của lịch sử Nhà nước phong kiến Việt Nam. Khuông Việt Quốc sư trở thành Việt Nam tam triều Quốc sư (trải ba triều Ðinh - Lê - Lý).
Theo tiến sỹ Phật học Thượng tọa Thích Thanh Quyết, nơi đây từ khi lập nước Đại Việt (938) các Vua Chúa thường đến cử hành nghi lễ cầu nguyện Quốc thái dân an. Trải qua nhiều trăm năm, biến cố thăng trầm của lịch sử và thiên nhiên, tình cờ nền chùa cũ mới được phát hiện gần đây.
Năm 2002, chùa được xây dựng lại trên nền đất chùa cũ từ thời Tiền Lê, theo kiểu kiến trúc chùa cổ 7 gian 2 chái, trang trí những hoạ tiết hoa văn cũng theo nguyên mẫu của thời đó. Sau khi hoàn thành, chùa trở thành một trong những ngôi chùa to, đẹp nhất của Hà Nội, có khuôn viên tôn nghiêm, phong cảnh hữu tình.
Chùa được dựng trên thế long chầu hổ phục. Bức tượng Phật tổ và chùa được đặt trong thế vòng cung, Đức Phật ngự trên ngai tựa lưng vào núi, có 9 ngọn núi lớn nhỏ chầu vào, trong đó có các núi như: Núi Đồng Sóc, núi Đá Đen (trên núi có đến hàng trăm phiến đá lớn nhỏ giống như từng đàn trâu, voi nằm phủ phục), núi Voi Phục, núi Mũi Cày, núi Vẩy Rồng, núi Đá Chồng…
Pho tượng Phật tổ Như Lai này là pho tượng bằng đồng đúc liền khối lớn trong khu vực Đông Nam Á, nặng 30 tấn, cao 6,50m, nếu kể cả bệ đá, chiều cao hơn 8m, được đúc ngày 8/4 Tân Tỵ (2001), đến ngày 8/8 Nhâm Ngọ (2002) được rước từ cơ sở đúc đồng huyện Ý Yên, tỉnh Nam Ðịnh về Sóc Sơn, an tọa tại chùa Non Nước.
Cũng tại đây, trên khu đất nằm trong quần thể "Non nước Thiền tự" dấu tích Phật giáo Thăng Long này, Học Viện Phật Giáo Việt Nam đã được xây dựng, đây là trường đào tạo tăng tài có quy mô lớn nhất của Việt Nam.
Chùa Non Nước Sóc Sơn cùng đền Sóc nơi thờ Thánh Gióng, một trong 4 vị thánh bất tử trong tâm thức người Việt, có công đánh đuổi giặc Ân xâm lược vào đời vua Hùng Vương thứ Sáu và Học Viện Phật Giáo Việt Nam đã trở thành một trong những trung tâm Phật Giáo lớn nhất của Việt Nam. Đây là khu du lịch tâm linh và sinh thái thu hút đông khách thập phương đi hành hương, khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, vãn cảnh.
Bảo tàng Hồ Chí Minh:
Vị trí: Số 3 Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội.
Ðặc điểm: Lưu giữ hiện vật, hình ảnh, phản ánh cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chủ tịch.
Bảo tàng Hồ Chí Minh nằm gần khu vực quảng trường Ba Đình, phía sau Lǎng Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặt chính hướng ra đường Hùng Vương, cách đường Hùng Vương 260m. Công trình được khánh thành ngày 19/5/1990, đúng vào dịp kỷ niệm 100 nǎm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bảo tàng cùng với Lǎng Chủ tịch Hồ Chí Minh và khu di tích Phủ Chủ tịch tạo thành một quần thể kiến trúc, lịch sử, vǎn hoá tưởng niệm vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, chiến sĩ xuất sắc của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Ðây là tòa nhà cao 20,5m gồm 4 tầng với tổng diện tích sử dụng là 10000m². Công trình được thiết kế như một bông hoa sen nở, tượng trưng cho phẩm chất thanh cao, trong sáng của Hồ Chủ tịch. Bảo tàng Hồ Chí Minh có kho bảo quản hiện vật đảm bảo mọi điều kiện kỹ thuật, có tầng trưng bày, gian triển lãm. Bảo tàng còn có thư viện chuyên đề phục vụ công tác nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, có hội trường 400 chỗ ngồi để hội họp và chiếu phim tư liệu về Bác Hồ.
Phần trưng bày của Bảo tàng rộng gần 4000m2 giới thiệu hơn 100 nghìn hiện vật gốc, hình ảnh phản ánh cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn liền với các sự kiện lịch sử quan trọng của Việt Nam và thế giới từ cuối thế kỷ thứ 19 đến nay. Tầng trưng bày gồm 3 không gian chính: gian long trọng, phần trưng bày tiểu sử và phần trưng bày các đề mục mở rộng.
Gian long trọng (gian mở đầu) là trung tâm của toà nhà, trang nghiêm và giản dị. Tại đây có bức tượng đồng toàn thân Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tư thế đứng giơ tay như chào mọi người đến thǎm. Bức tượng cao 3,5m, đặt trên bệ cao 60cm. Trên bức tường phía sau tượng là những bức phù điêu, khắc hoạ truyền thống lịch sử và vǎn hoá của dân tộc Việt Nam.
Từ gian long trọng rẽ tay phải, chúng ta sẽ thǎm phần trưng bày tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mở đầu cho phần trưng bày tiểu sử là bức bình phong chạm gỗ, bằng hình tượng nghệ thuật thể hiện câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Các vua Hùng đã có công dựng nước". Đối xứng qua gian long trọng là bức bình phong thứ hai thể hiện tư tưởng "Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước".
Phần tiểu sử là một thể thống nhất gồm: Vành đai tiểu sử và các tổ hợp không gian hình tượng.
Vành đai tiểu sử trưng bày các tài liệu hiện vật phản ánh cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gồm 9 chủ đề:
Chủ đề 1 (1890-1910) giới thiệu quê hương, gia đình và thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ đề 2 (1911-1920) giới thiệu con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nhiều nước, cuộc sống và quá trình nghiên cứu học tập tìm con đường giải phóng dân tộc.
Chủ đề 3 (1920-1924) giới thiệu những hoạt động quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Pháp và Liên Xô, những cống hiến lý luận của Người về vấn đề dân tộc và thuộc địa.
Chủ đề 4 (1924-1930) giới thiệu công lao truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị về tư tưởng chính trị và tổ chức nhằm sáng lập chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam.
Chủ đề 5 (1930-1945) giới thiệu hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, sáng lập mặt trận Việt Minh và Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, trực tiếp lãnh đạo thành công cuộc cách mạng tháng Tám nǎm 1945, sáng lập nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Chủ đề còn giới thiệu cuộc sống gian khổ của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc Người bị giam cầm ở nhà tù đế quốc Anh ở Hồng Kông và nhà tù của Quốc dân đảng ở Quảng Tây.
Chủ đề 6 (1945-1954) giới thiệu hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua sách lược đúng đắn và tài tình, xây dựng và củng cố chính quyền non trẻ, tiếp đó lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến anh dũng và chính nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược.
Chủ đề 7 (1954-1969) giới thiệu hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhiều mặt đồng thời xây dựng miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa anh em và bè bạn thế giới.
Chủ đề 8 kết thúc bằng sự kiện đau thương: những ngày cả nước để tang Chủ tịch Hồ Chí Minh và thế giới chia sẻ nỗi đau buồn với nhân dân ta.
Chủ đề 9 với tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của nhân dân Việt Nam, giới thiệu sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam theo di huấn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào", giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp, cùng nhau "đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh".
Theo vành đai tiểu sử, mọi người còn được xem 8 phim tư liệu lịch sử giới thiệu những hình ảnh sống động trên những chặng đường hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kết thúc của mỗi chủ đề là những biểu tượng mỹ thuật gợi người xem suy tư về ý nghĩa của từng giai đoạn lịch sử, đó cũng là những điểm ghi dấu những mốc quan trọng trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của cách mạng Việt Nam: tìm ra đường lối cứu nước nǎm 1920, Đảng Cộng sản ra đời nǎm 1930, đất nước độc lập nǎm 1945, chiến thắng Điện Biên Phủ oanh liệt nǎm 1954, những ngày đau thương nǎm 1969, giải phóng miền Nam nǎm 1975.
Các tổ hợp không gian hình tượng là một bộ phận không thể tách rời của phần trưng bày tiểu sử. Trong chu trình tham quan, chúng ta gặp 6 tổ hợp không gian hình tượng: Quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Mảnh đất cách mạng (Pác Bó) - Mảnh đất chiến đấu (1945-1954) - Tang lễ (1969) - Nước Việt Nam thống nhất.
Trên tầng trưng bày còn có phần các chuyên đề và đề mục mở rộng (gọi tắt là các chuyên đề) những chuyên đề này được trưng bày ở 8 gian bao quanh phía sau đai tiểu sử với nội dung sau:
Gian 1: Tình hình thế giới và Việt Nam từ giữa thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20
Gian 2: Ý nghĩa của cách mạng Tháng Mười vĩ đại và ảnh hưởng đối với cách mạng Việt Nam
Gian 3: Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít
Gian 4: Sự hình thành và phát triển của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới.
Gian 5: Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.
Gian 6: Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào cách mạng thế giới
Ngoài ra còn có 2 chuyên đề có tính chất thời sự:
Gian 7: Bác Hồ với thế hệ trẻ
Gian 8: Nước Việt Nam ngày nay
Từ ngày khánh thành Bảo tàng đã đón tiếp hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu và học tập. Với chức nǎng, nhiệm vụ của một thiết chế vǎn hoá, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã trở thành trung tâm nghiên cứu, giới thiệu về cuộc đời của một vĩ nhân thế kỷ 20, một con người đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người; một con người trọn vẹn trong tư tưởng, đạo đức và phong cách, sống cao thượng và giàu lòng nhân ái.
Bảo tàng mở cửa các ngày trong tuần trừ thứ 2:
Sáng: 8:00 đến 11:00
Chiều: 13:30 đến 16:00
Bảo tàng lịch sử Việt Nam
Vị trí: Số 1 Tràng Tiền, gần hồ Hoàn Kiếm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ðặc điểm: Lưu giữ và trưng bày các hiện vật về lịch sử đất nước và con người Việt Nam.
Ở ngay đầu phố Tràng Tiền, số nhà 1, phía sau Nhà hát Thành phố, nơi đây nguyên là nhà bảo tàng của trường Viễn Đông Bác Cổ do người Pháp lập ra nǎm 1932.
Ngày ấy, nhà bảo tàng này là nơi trưng bày những đồ cổ, thu thập được ở các nước Đông Nam Á. Nǎm 1958 người Pháp bàn giao lại ngôi nhà này cho chính quyền cách mạng. Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam được thành lập. Sau nhiều nǎm chỉnh lý, bổ sung, ngày nay viện đã trở thành một trung tâm vǎn hoá, nghiên cứu và giới thiệu lịch sử bằng hiện vật quan trọng.
Trong hai tầng, hàng nghìn hiện vật được trưng bày theo thứ tự thời gian. Gian đồ đá bày những công cụ lao động và chiến đấu bằng đá đẽo, đá mài, chứng tích của thời kỳ "ông tổ loài người" mới vứt bỏ lốt áo thú mà mang bộ áo con người. Chiếc rìu tay bằng đá đẽo chế tác cách đây chừng ba bốn mươi vạn nǎm tìm thấy ở núi Đọ (Thanh Hoá) đã chứng minh rằng Việt Nam là một trong những cái nôi cổ sơ của loài người.
Gian đồ đồng nổi tiếng với những chiếc trống đồng đủ kiểu đủ loại, mà tiêu biểu nhất là trống đồng Ngọc Lũ đường bệ và thanh tú. Đã có biết bao công trình nghiên cứu của học giả Việt Nam và thế giới về trống đồng thông qua tìm hiểu hoa vǎn, chạm khắc, công dụng, kỹ thuật chế tạo... Rồi còn các rìu, mũi lao, dao gǎm, giáo... bằng đồng và nhiều loại vũ khí khác mà niên đại tương ứng với thời các vua Hùng dựng nước. Nơi đây còn có những mũi tên đồng Cổ Loa từ thế kỷ 2 trước công nguyên, thanh mảnh nhưng lắm gai lắm ngạnh từng khiến cho bọn xâm lược phương Bắc khiếp sợ phải gọi là mũi tên thần.
Cũng từ đó, suốt hai nghìn nǎm lịch sử Việt Nam là hai nghìn nǎm liên tục chống giặc ngoại xâm. Các tấm ảnh chụp những đình, miếu, lǎng mộ, thành quách, các chân dung danh nhân, danh tướng, các vǎn kiện, danh ngôn, các hiện vật gốc... tất cả nói lên ý chí quật cường của dân tộc bằng tiếng nói riêng, với sức thuyết phục riêng của chúng.
Bảo tàng lịch sử là pho sử bằng hiện vật, đã kể lại một cách sinh động cho người tham quan hiểu biết thêm về lịch sử giữ nước và dựng nước của người Việt Nam từ thuở ban đầu khai sáng đến ngày ra đời nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà nǎm 1945.
Mở cửa các ngày trong tuần, kể cả dịp lễ, Tết (trừ ngày mồng 1/1 âm lịch):
Sáng: 8:00 đến 11:30
Chiều: 13:30 đến 16:30
Bảo tàng cách mạng Việt Nam
Vị trí: Số 25 Tông Đản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ðặc điểm: Giới thiệu về cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp, Phát xít Nhật, Đế quốc Mỹ (từ giữa thế kỷ 19 đến 1975). Giới thiệu công cuộc xây dựng và bảo vệ nước Việt Nam.
Mặt trước Bảo tàng Cách mạng quay ra đường Trần Quang Khải, mặt sau là phố Tông Đản. Tháng 12 nǎm 1954, Hội đồng Chính phủ quyết định xây dựng Viện Bảo tàng Cách mạng nhằm phục vụ cho việc thu thập hiện vật trên khắp miền Bắc và tới ngày 6/1/1959, Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam làm lễ khánh thành chính thức đi vào hoạt động.
Tại đây, những giá trị truyền thống cách mạng của Đảng, những giá trị văn hóa dân tộc thời kỳ cận – hiện đại được trưng bày thông qua những hiện vật chân thực và sống động. Đó là minh chứng hùng hồn cho những thời kỳ lịch sử trọng đại mang tính chất bước ngoặt của đất nước. Với tổng diện tích 1.500m², Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã trưng bày, giới thiệu trên 2.100 hiện vật, hình ảnh, tư liệu trong 29 phòng. Nội dung trưng bày gồm ba phần:
- Phần thứ nhất: Thời kỳ đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam từ 1858 đến 1945 (từ phòng 1 đến phòng 9)
- Phần thứ hai: Cuộc kháng chiến chống các thế lực xâm lược để bảo vệ độc lập, thống nhất tổ quốc từ 1945 đến 1975 ( từ phòng 10 đến phòng 24)
- Phần thứ ba: Việt Nam trên con đường xây dựng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh từ 1975 đến nay (từ phòng 25 đến phòng 27)
Hai phòng cuối (phòng số 28 và phòng số 29) được sử dụng để trưng bày Bộ sưu tập “Tặng phẩm của nhân dân Việt Nam, nhân dân thế giới tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam” với gần 300 hiện vật nguyên gốc. Điều này thể hiện sự biết ơn sâu sắc của toàn thể nhân dân Việt Nam và sự trân trọng của nhân dân thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người đã làm nên những trang sử vàng chói lọi cho Cách mạng Việt Nam.
Đến Bảo tàng Cách mạng, quý khách còn được xem những tư liệu rất quý như: Bộ sưu tập về những nǎm hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch và các vị lãnh tụ khác; sách báo của Đảng xuất bản vào thời kỳ 1920 – 1945; Những hiện vật quý và hiếm như: cờ Đảng nǎm 1930, cờ đỏ sao vàng nǎm 1941; bộ sưu tập vũ khí có lưỡi mác của đội xích vệ ở Nghệ An nǎm 1930, súng khai hậu của du kích Bắc Sơn (1941), nỏ của nhân dân Trà Bồng (Quảng Ngãi) khởi nghĩa nǎm 1958, bệ phóng tên lửa bắn tan xác máy bay B52 của Mỹ trên bầu trời Hà Nội tháng 12/ 1972...
Hệ thống trưng bày thường trực tại Bảo tàng sẽ cung cấp cho khách tham quan một cái nhìn toàn diện về những chặng đường lịch sử của dân tộc từ khi Pháp xâm lược nước ta lần thứ nhất vào năm 1858 đến khi đất nước bước vào giai đoạn xây dựng và đổi mới. Ngoài ra, vào các dịp kỉ niệm các ngày lễ lớn trong năm, để phục vụ cho các hoạt động văn hóa, chính trị trong nước, Bảo tàng còn tổ chức trưng bày chuyên đề trong thời gian ngắn hoặc mang đi trưng bày lưu động tại các địa phương trong cả nước và cả ở một số bảo tàng các nước có quan hệ hợp tác. Hoạt động này nhằm giới thiệu lịch sử Việt Nam tới bạn bè thế giới và khu vực, nêu cao truyền thống yêu nước và tự hào dân tộc của con người Việt Nam.
Đặc biệt, Bảo tàng Cách mạng còn có những hoạt động rất thiết thực nhằm đưa lịch sử vào trường học, nâng cao kiến thức lịch sử cho học sinh, sinh viên đồng thời cung cấp những dụng cụ trực quan cho các thầy cô giáo trong việc giảng dạy bộ môn lịch sử ở trường học. Bảo tàng đã xây dựng bộ trưng bày lưu động với đề tài Lịch sử cách mạng Việt Nam, Đảng cộng sản Việt Nam - các kỳ đại hội, 56 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh ...trực tiếp đi phục vụ tại các trường đại học và phổ thông trung học trên địa bàn Hà Nội và sau đó mở rộng các tỉnh lân cận và trên cả nước.
Với phương châm đưa Bảo tàng đến với đông đảo quần chúng nhân dân, trải qua 15 năm đổi mới, Bảo tàng đã tăng cường trưng bày lưu động bằng hiện vật gốc tại trên 20 tỉnh thành, theo nhiều đề tài khác nhau về lịch sử cách mạng Việt Nam, phục vụ hàng triệu lượt người xem. Đặc biệt, Bảo tàng Cách mạng còn có một kho lưu trữ hàng trăm ngàn hiện vật, tư liệu quý khác về Cách mạng Việt Nam từ năm 1858 đến nay mà chưa có điều kiện trưng bày.
Giờ mở cửa:
Vào các ngày trong tuần và ngày lễ; trừ thứ hai.
Sáng: 8:00 - 11:45
Chiều: 13:30 - 16:15
Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam
Vị trí:Số 66 phố Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, Hà Nội.
Ðặc điểm: Lưu giữ và trưng bày các tác phẩm, mỹ thuật có giá trị của các hoạ sĩ, nhà điêu khắc của Việt Nam qua nhiều thế hệ. Giới thiệu quá trình hình thành và phát triển của Mỹ thuật Việt Nam.
Ngôi nhà 66 Nguyễn Thái Học từ ngày 26/6/1966 chính thức trở thành Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Có hai khối nhà chính dùng để trưng bày các tác phẩm nghệ thuật. Hệ thống trưng bày được chia thành 5 phần chính:
- Mỹ thuật thời tiền sử - sơ sử, gồm các hiện vật từ thời đồ đá, đồ đồng và sơ kỳ đồ sắt.
Mỹ thuật cổ từ thế kỷ 11 - 19, thuộc các triều đại từ Lý, Trần, Lê đến Mạc, Tây Sơn và Nguyễn.
Mỹ thuật thế kỷ 20, mỹ thuật cận đại (1925 - 1945) và hiện đại (1945 đến nay).
Bên cạch các sưu tập được trưng bày theo tiến trình lịch sử, tại đây còn giới thiệu 2 bộ sưu tập:
- Mỹ thuật dân gian.
- Nghệ thuật gốm Việt Nam.
Bảo tàng Mỹ thuật là một kho báu của nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một địa chỉ văn hoá hấp dẫn du khách bốn phương.
Giờ mở cửa:
8:30-17:00 vào các ngày trong tuần (trừ thứ 2), kể cả ngày lễ và Tết dương lịch; riêng Tết Nguyên Đán sẽ đóng cửa 4 ngày: 30, mồng 1, 2, 3.
Thứ 4 và thứ 7 mở cửa từ 8:30-21:00.
Hướng dẫn khách tham quan bảo tàng bằng: Tiếng Việt, Anh, Pháp.
Bảo tàng phụ nữ Việt Nam
Vị trí:Số 36 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ðặc điểm:- Nơi trưng bày, gìn giữ bảo quản các tài liệu, hiện vật giới thiệu vai trò, thành tựu của phụ nữ Việt Nam trong quá trình phát triển của dân tộc.
- Là nơi giao lưu văn hoá giữa phụ nữ Việt Nam và phụ nữ thế giới.
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam khánh thành ngày 20/10/1995 nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam không chỉ là nơi nghiên cứu, lưu giữ bảo quản, trưng bày những di sản quí giá của Phụ nữ Việt Nam mà còn là trung tâm hoạt động giao lưu văn hoá của phụ nữ Việt Nam và phụ nữ quốc tế vi mục tiêu Bình đẳng - Phát triển và Hoà bình.
Với diện tích trưng bày khoảng 1.200m² trong hai khối nhà lớn liên hoàn, bảo tàng giới thiệu 5 chuyên đề: - Phụ nữ Việt Nam trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
- Phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và sự nghiệp đấu tranh giải phóng phụ nữ.
- Nét văn hoá của phụ nữ Việt Nam qua những sản phẩm thủ công truyền thống.
- Trang phục phụ nữ các dân tộc Việt Nam.
Gian đầu tiên là bức tượng "Mẹ Việt Nam dát vàng, cao 3,6m, do nghệ sĩ Phú Cường thực hiện. Hình ảnh người mẹ khoẻ khoắn, tràn đầy sức sống, dịu dàng và nhân hậu. Bàn tay phải của bà mở rộng thể hiện sự vượt qua mọi thử thách khó khăn; tay trái nâng một em bé hai tay đang vươn về phía trước. Trên trần nhà được bố trí những chùm đèn trắng thể hiện cho dòng sữa mẹ, một nguồn sống bất tận nuôi bao thế hệ. Bức tượng là biểu tượng cho sức mạnh, vẻ đẹp và khát vọng cuộc sống của phụ nữ Việt Nam...Từ khi mở cửa đến nay bảo tàng Phụ nữ đã tạo được sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.
Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long
Vị trí: thuộc địa bàn phường Điện Biên và phường Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Đặc điểm: đây là kinh đô của Việt Nam thời Lý, Trần, Lê và chứa đựng nhiều di tích lịch sử - văn hóa vô giá về kinh thành Thăng Long cổ xưa.
Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long có diện tích khoảng 25ha. Kinh thành Thăng Long xưa có ba vòng (tam trùng thành quách). Thành nhỏ nhất ở trong cùng là Tử Cấm thành, nơi chỉ dành cho vua, hoàng hậu và số ít cung tần mỹ nữ. Cửa duy nhất của Tử Cấm thành là Đoan Môn. Vòng thành thứ hai (ở giữa) là Hoàng thành, là khu triều chính, nơi ở và làm việc của các quan lại trong triều. Thời Lý, Trần, Lê, Hoàng thành có 4 cửa là Tường Phù ở phía đông, Quảng Phúc ở phía tây, Đại Hưng ở phía nam và Diệu Đức ở phía bắc. Thời Nguyễn, kinh đô được chuyển vào Huế, vua Gia Long đã cho phá bỏ tường của Hoàng thành Thăng Long cũ vì cho rằng đây chỉ còn là Trấn Bắc Thành và cho xây thành mới lấy tên là Thành Hà Nội với quy mô nhỏ hơn nhiều.
Thành mở ra 5 cửa là: cửa Đông, cửa Tây, cửa Bắc, cửa Tây Nam và cửa Đông Nam, đến nay chỉ còn lại một cửa Bắc (Bắc Môn), hiện thuộc địa phận phố Phan Đình Phùng. Vòng thành ngoài cùng gọi là Kinh thành, bao quanh toàn bộ kinh đô và men theo 3 con sông: sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, có tác dụng như một con đê ngăn nước. Kinh thành là nơi ở và sinh sống của dân cư. Thời Lê, Kinh thành Thăng Long có 16 cửa ô, đến thời Nguyễn có 12 cửa ô. Đầu thế kỷ 20 vẫn còn năm cửa ô là: ô Chợ Dừa, ô Đống Mác, ô Cầu Dền, ô Cầu Giấy và ô Quan Chưởng. Đến nay chỉ còn lại cửa ô Quan Chưởng (tên cũ là Đông Hà Môn, nghĩa là cửa sông phía đông).
Sau hơn một nghìn năm lịch sử, Hoàng thành Thăng Long đồ sộ và những lầu son gác tía tuy đã không còn nữa, song một số di tích và di vật hiện vẫn còn tồn tại cũng đã tái hiện phần nào diện mạo của Hoàng thành Thăng Long xưa. Qua đó, chúng ta có thể hiểu rõ hơn được sự tồn tại và phát triển của miền đất rồng bay qua hơn 10 thế kỉ.
Đoan Môn là cửa duy nhất của Tử Cấm Thành, quay về hướng nam vì hướng nam là hướng quan trọng nhất trong các công trình kiến trúc cổ truyền xưa của người Việt. Vào thời Nguyễn, Đoan Môn được trùng tu và cho xây dựng thêm hai cửa ở hai bên làm lối đi lại cho dân chúng. Năm 1998, di tích Đoan Môn đã được bộ Quốc Phòng bàn giao cho UBND thành phố Hà Nội với tổng diện tích quản lý là 3681,5m². Công trình được mở cửa đón khách tham quan từ tháng 10/ 2001.
Bắc Môn là cổng duy nhất còn lại của thành Hà Nội thời nhà Nguyễn, nằm trên đường Phan Đình Phùng. Trên mặt tường phía ngoài cửa Bắc Môn có 1 tấm biển đá khắc ngày 25/04/1882 với 2 vết lõm ngay cạnh, là dấu tích hai vết đại bác do pháo thuyền Pháp bắn từ sông Hồng khi Pháp phá thành. Hai cánh cổng bằng gỗ của Bắc Môn nay đã được trùng tu, diện tích mỗi cánh 12m², trọng lượng khoảng 16 tấn, chạy trên bánh xe bằng đồng nặng chừng 80kg. Trên cổng thành là nơi thờ hai vị tổng đốc Hà Nội là Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu, những anh hùng đã tỏ rõ khí tiết kiên trung của mình trước thế lực xâm lăng của thực dân Pháp trong 2 lần đánh phá thành Hà Nội.
Rồng đá điện Kính Thiên là dấu tích còn lại duy nhất của điện Kính Thiên, bao gồm 4 con rồng được tạc vào giữa thế kỉ 15, chia thềm điện thành ba lối lên. Bốn con rồng này tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Lê Sơ, được chạm trổ bằng đá xanh, đầu rồng nhô cao, đầu to, mắt tròn lồi, sừng dài có nhánh, bờm lượn ra sau, miệng há nhỏ, ngậm hạt ngọc. Thân rồng uốn lượn mềm mại thành nhiều vòng cung, nhỏ dần về phía nền điện, trên lưng có đường vây dài nhấp nhô như vân mây, tia lửa. Rồng đá điện Kính Thiên đã phần nào phản ánh được quy mô hoành tráng của điện Kính Thiên xưa.
Nhà con Rồng được thực dân Pháp xây dựng năm 1886 trên nền điện Kính Thiên. Điện Kính Thiên chiếm vị trí trung tâm của Hoàng thành Thăng Long, nằm trên núi Long Đỗ (rốn rồng), được coi là huyệt đạo của Kinh thành Thăng Long xưa. Năm 1010, Lý Thái Tổ sau khi định đô ở Thăng Long đã chọn đỉnh núi này để xây dựng chính điện của kinh đô mang tên Càn Nguyên, lànơi tiến hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình. Năm 1029, vua Lý Thái Tông cho xây dựng trên nền cũ của điện Càn Nguyên tòa chính điện mang tên Thiên An, đến thời Lê được đổi thành điện Kính Thiên. Thời nhà Nguyễn, khi kinh đô được chuyển vào Huế, điện Kính Thiên được đổi thành hành cung Kính Thiên nơi đón các vua quan nhà Nguyễn tuần du ra Bắc. Năm 1886, thực dân Pháp đã phá hành cung Kính Thiên để xây dựng nhà con rồng gồm 2 tầng 7 phòng làm sở chỉ huy pháo binh Pháp. Từ năm 1954, khi bộ đội ta tiếp quản giải phóng Thủ đô, nhà con rồng trở thành tổng hành dinh của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Hậu Lâu (còn gọi là Lầu Tĩnh Bắc) là một toà lầu xây phía sau hành cung điện Kính Thiên, hiện nằm trên đường Hoàng Diệu. Tuy ở sau hành cung, nhưng lầu lại được xây ở phía bắc với ý đồ phong thuỷ, giữ yên bình cho phía bắc hành cung, nên được gọi là Lầu Tĩnh Bắc hay Hậu Lâu (lầu phía sau). Lầu còn được gọi là lầu Công chúa do đây là nơi nghỉ ngơi của các cung tần mỹ nữ trong đoàn hộ tống vua Nguyễn ra ngự giá Bắc thành. Hậu Lâu đã bị phá hủy vào năm 1870, sau đó được người Pháp dựng lại với kiến trúc mang đậm phong cách thế kỉ 18 để làm nơi đóng quân của quân đội Pháp. Hiện nay Hậu Lâu đang được sử dụng để trưng bày một số hiện vật tìm thấy trong cuộc khai quật khu vực xung quanh vào 10/1998 và cũng là nơi trưng bày giới thiệu một số hình ảnh về Hà Nội qua một số thời kì lịch sử.
Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu nằm cách điện Kính Thiên 87m, là nơi xuất hiện dày đặc các dấu tích cung điện thời Lý, Trần, Lê. Khu di tích này có tầng dưới cùng là một phần phía đông của thành Đại La dưới thời Cao Biền, nhà Đường; tầng trên là cung điện nhà Lý và nhà Trần; tiếp theo là một phần trung tâm của đông cung nhà Lê và trên cùng là một phần của trung tâm Thành Hà Nội thế kỷ 19. Trong lịch sử, Hoàng thành Thăng Long trải qua khá nhiều thay đổi, nhưng trung tâm của Hoàng thành, đặc biệt là Tử Cấm Thành thì gần như không thay đổi. Chỉ có kiến trúc bên trong là đã qua nhiều lần xây dựng, tu sửa. Chính đặc điểm này giải thích tại sao trên khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu, các lớp di tích kiến trúc và di vật nằm chồng lên nhau qua các thời kỳ lịch sử. Tại đây, các nhà khảo cổ học đã khai quật được rất nhiều những dấu tích kiến trúc quan trọng cùng một số lượng lớn đồ gốm sứ là những vật dụng dùng hàng ngày trong Hoàng cung qua nhiều thời kỳ. Những khám phá này đã thực sự mở ra một cánh cửa mới cho việc nghiên cứu về gốm Thăng Long và gốm dùng trong Hoàng cung Thăng Long qua các triều đại.
Cột cờ Hà Nội (còn được gọi là Kỳ đài Hà Nội) nằm ở phố Điện Biên Phủ, là một kết cấu dạng tháp được xây dựng cùng thời với Thành Hà Nội dưới triều nhà Nguyễn (bắt đầu năm 1805, hoàn thành năm 1812). Kiến trúc cột cờ bao gồm ba tầng đế, thân cột và đỉnh. Các tầng đế hình chóp cụt, nhỏ dần, chồng lên nhau, xung quanh xây ốp gạch. Tầng một mỗi chiều 42,5m, cao 3,1m; có hai cầu thang gạch dẫn lên. Tầng hai mỗi chiều 27m, cao 3,7m. Tầng ba mỗi chiều 12,8m, cao 5,1m; có bốn cửa, cửa hướng đông trên có đắp hai chữ "Nghênh húc" (đón ánh nắng ban mai), cửa tây với "Hồi quang" (ánh sáng phản chiếu), cửa nam với "Hướng minh" (hướng về ánh sáng), cửa bắc không có chữ đề.
Trên tầng này là thân cột cờ, hình trụ 8 cạnh, thon dần lên trên. Trong thân này có cầu thang 54 bậc xây xoáy trôn ốc lên tới đỉnh. Để tạo sự thông thoáng và ánh sáng lọt qua mỗi mặt trên thân cột cờ có từ 4 đến 5 ô hình hoa thị, vị trí cao nhất mỗi mặt có 1 ô hình dẻ quạt.
Ðỉnh cột cờ được cấu tạo thành một lầu hình bát giác, có 8 cửa tương ứng 8 mặt. Giữa lầu là một trụ tròn,cao đến đỉnh lầu, là chỗ để cắm cán cờ. Toàn bộ cột cờ cao 33,4m. Nếu kể cả trụ treo cờ thì trên 41m.
Cột cờ đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc trải qua bao thế kỷ. Khi cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công mang lại nền dân chủ cộng hoà Việt Nam, lần đầu tiên, trên cột cờ lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới giữa trời.Sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), cột cờ Hà Nội được treo cờ đỏ sao vàng và đón các du khách đến tham quan.
Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào tháng 8/2010.
Thành Cổ Loa
Vị trí: Thuộc huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Ðặc điểm: Là một trong những thành cổ nhất Việt Nam.
Ðây là toà thành cổ vào bậc nhất Việt Nam được vua Thục An Dương Vương xây từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên để làm kinh đô nước Âu Lạc (tên nước Việt Nam thời đó). Nay thuộc huyện Ðông Anh, ngoại thành Hà Nội.
Thành được xây dựng kiểu vòng ốc (nên gọi là Loa thành) tương truyền có tới 9 vòng, dưới thành ngoài là hào sâu ngập nước thuyền bè đi lại được. Ngày nay ở Cổ Loa còn lại 3 vòng thành đất: thành ngoài (chu vi 8km), thành giữa (hình đa giác, chu vi 6,5km) và thành trong (hình chữ nhật, chu vi 1,6km). Thân thành ngày nay còn có chiều cao trung bình từ 4-5m, có chỗ còn cao tới 12m, chân thành rộng tới 20-30m.
Các cửa của 3 vòng thành cũng được bố trí rất khéo, không hề nằm cùng trên một trục thẳng mà lệch chéo đi rất nhiều. Do đó đường nối hai cửa thành ở cùng một hướng đều là một đường quanh co, lại có ụ phòng ngự ở hai bên nên gây rất nhiều trở ngại cho quân địch khi tiến đánh thành.
Từ trung tâm thành phố, đi 18km đến xã Cổ Loa thuộc huyện Ðông Anh, bạn sẽ tìm thấy vết tích còn lại của ba vòng thành xưa bằng đất và nơi các nhà khảo cổ tìm được hàng vạn mũi tên đồng, lưỡi cày, rìu sắt, xương thú vật...
Qua cổng làng, cũng là cổng thành trong là tới đình làng Cổ Loa. Theo truyền thuyết thì đó là nền cũ của điện ngự triều, nơi bá quan triều hội ngày xưa, nên trong đình còn tấm hoành phi "Ngự triều di quy".
Cạnh đình là Am Bà Chúa tức là miếu thờ công chúa Mỵ Châu, nằm nép dưới gốc đa già cổ thụ. Miếu am bé bỏng như cuộc đời ngắn ngủi của nàng công chúa đáng thương "trái tim lầm chỗ để lên đầu". Trong am có một tảng đá hình người cụt đầu. Ai cũng bảo đó là tượng Mỵ Châu.
Qua am Mỵ Châu tới đền Thượng, tức đền An Dương Vương, tương truyền là dựng trên nền nội cung ngày trước. Ðền này mới được làm lại hồi đầu thế kỷ 20, có đôi rồng đá ở bậc tam cấp cửa đền là di vật đời Trần hoặc Lê sơ. Trong đền có tượng An Dương Vương bằng đồng mới đúc cùng dịp làm lại đền. Trước đền là giếng Ngọc, tương truyền là nơi Trọng Thuỷ tự tử vì hối hận. Nước giếng này mà đem rửa ngọc trai thì ngọc sáng bội phần!
Việt phủ Thành Chương
Vị trí: Việt phủ Thành Chương nằm tại dốc Dây Diều, đập Kèo Cà, xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30km về phía bắc.
Đặc điểm: Nơi đây giống như một làng quê bắc bộ thu nhỏ, lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống và giới thiệu, phản ánh nét tiêu biểu về vẻ đẹp của làng quê Bắc bộ Việt Nam.
Việt phủ Thành Chương là cái tên mà nhà văn Kim Lân cùng nhiều bạn bè của ông đặt cho khu nhà vườn rộng khoảng 10.000m² của con trai ông, họa sĩ Thành Chương.
Đến đây, du khách sẽ có dịp được chiêm ngưỡng nét đẹp tổng thể về làng quê bắc bộ Việt Nam có từ hàng trăm năm trước.Quần thể kiến trúc cổ pha chút hiện đại cùng hàng vạn hiện vật văn hoá lịch sử từ các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê… đã khiến Biệt phủ mặc nhiên trở thành điểm du lịch văn hoá hấp dẫn gần chốn thị thành.
Ngay từ cổng vào, đã gợi cho du khách nhớ đến vẻ đẹp cổ xưa của cổng làng Thổ Hà, Đường Lâm. Chiếc cổng gỗ có 3 cửa, một cửa chính và hai cửa phụ, phía trên có một tum nhỏ lợp ngói đỏ, xung quanh được bài trí nhiều tượng đá và hoa văn trạm trổ tinh tế. Khi bước vào bên trong cổng, du khách sẽ gặp những nét thân quen, dân dã của thôn quê: một hồ câu cá với chiếc cầu đá để ngồi câu nằm ở bên phải, một giếng nước cổ được họa sĩ chuyển từ Thanh Hóa về đây nằm ngay phía bên trái và con đường dẫn du khách từ cổng vào tham quan toàn bộ Biệt phủ cũng mang đậm dấu ấn xưa với những hàng gạch bát tràng được lát khá đều đặn.
Một trong những nét đẹp của quần thể kiến trúc tại đây là khu nhà cổ với những kiểu dáng và phong cách sắp đặt khác nhau. Khu nhà cổ này bao gồm 3 kiến trúc nhà đặc trưng khu vực Bắc bộ Việt Nam, trong đó, ấn tượng nhất là ngôi nhà cổ năm gian bằng gỗ lim, rộng khoảng 200m² - đặc trưng kiến trúc nhà cổ khu vực đồng bằng Bắc bộ, đã được chủ nhân chuyển nguyên bản từ Nam Định về đây. Với cái tên rất đỗi thanh bình “Thanh Tĩnh”, ngôi nhà được trạm trổ công phu và trang trí cầu kì với hai bên cửa là hàng câu đối sơn son thiếp vàng; bên trong nhà có trưng bày nhiều loại đồ cổ quý hiếm và những bức tranh sơn mài rất đẹp. Để tạo thêm nét bình dị, dân dã, phía trước ngôi nhà còn có một ao sen, giếng nước, chum, vại nước, cây cối xanh tốt; phía sau ngôi nhà là một kiểu Nhà Tranh Vách Đất - mô phỏng rất chi tiết nhà tranh vách đất của người nông dân thời xưa với cổng vào được trát bằng đất, hai bên tường nhà cũng trát đất, ở phía trước có đặt chõng tre, bàn ghế tre, bộ ấm chén cổ, chum vại, điếu cày, đặc biệt, ở hai bên đầu nhà có để một số nông cụ, vật dụng làm ruộng như: cày, bừa, cuốc, xẻng, liềm,…
Một kiến trúc khác nằm trong khu nhà cổ này cũng ấn tượng không kém đó là ngôi nhà sàn dựa theo kiến trúc nhà sàn của người dân tộc Mường ở Hoà Bình. Đây là một ngôi nhà sàn bằng gỗ với tầng trên để ở và tầng dưới để tiếp khách. Phía trước nhà sàn là một ao sen nhỏ với một chiếc cầu đá cổ, xung quanh cây cối xum xuê, xanh tốt.
Để có dịp nghỉ ngơi, thư giãn tại Biệt phủ mỗi dịp Tết đến và cũng là muốn tập trung khai thác nhiều hơn nữa những nét văn hóa cổ xưa, họa sĩ Thành Chương còn cho dựng trong Biệt phủ của mình một ngôi nhà cổ 5 gian hai chái bằng gỗ lim với diện tích khoảng 120m². Đây cũng là ngôi nhà mang đậm nét kiến trúc nhà ở truyền thống Việt Nam.
Ngoài 3 kiến trúc nhà cổ đặc trưng, nơi đây còn có nhiều công trình kiến trúc rất đẹp khác, điển hình như:
- Tháp Nước cao 5 tầng. Đây là một Tháp Nước nằm ngay bên cạnh ngôi nhà sàn với lối kiến trúc dựa theo kiến trúc chùa Dâu. Ở tầng dưới cùng của Tháp có trưng bày bàn ghế cổ và một chiếc trống lớn được kê trên bục gỗ.
Khu Thờ Phật Tổ ngoài trời. Nơi đây được bài trí trang nghiêm với tượng phạt tổ ở chính giữa, xung quanh là các cây hương bằng đá, hai bên bậc đá dẫn lên chân Phật Tổ có đặt rất nhiều cây cảnh, càng tôn thêm vẻ đẹp của nơi thờ tự.
- Một khu nhà 5 tầng màu trắng có kiến trúc rất tinh tế: ẩn mình dưới những vòm mái cong theo lối đình chùa cổ, khu nhà có cái tên rất thơ mộng Tường Vân, nghĩa là mây lành. Liền đó là nếp nhà Thuỷ Đình mộc mạc với những cánh cửa gỗ đã bạc màu cùng với thời gian.
- Sự tài hoa của họa sĩ Thành Chương còn được thể hiện trong việc xây dựng tại Việt phủ của ông một hội trường rộng lớn với hàng chục bộ bàn ghế cổ. Phía trước hội trường là khu nhà Lò Mạc Hương rất mộc mạc, giản dị với những cây phượng vĩ xum xuê, xanh tốt được trồng ở xung quanh. Cứ vào tháng 5 hàng năm, vẻ đẹp của Lò Mạc Hương càng đẹp lộng lẫy hơn vì nó được tô điểm bởi màu đỏ rực rỡ của hoa phượng. Liền ngay đó là nếp nhà Đại Khoa với những bộ bàn ghế đơn sơ mộc mạc, càng làm tăng thêm nét văn hóa cổ xưa...
Kể từ khi Việt phủ Thành Chương hoàn thành những công trình đầu tiên, hàng năm nơi đây đã đón rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Du khách đến đây được tự do thoải mái chiêm ngưỡng và khám phá những nét tinh hoa của văn hóa Việt Nam. Chính cái nét đẹp thôn dã, điền địa của Việt phủ và sự mến khách, khả năng sắp đăt, bày trí nghệ thuật rất khéo léo, tài tình của chủ nhân đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách mỗi khi có dịp đến đây.
Hồ Thiền Quang
Vị trí: Hồ Thiền Quang nằm lọt giữa bốn phố Nguyễn Du, Trần Bình Trọng, Trần Nhân Tông và Quang Trung thuộc quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Ðặc điểm: Là một trong những "lá phổi xanh" của thành phố.
Trong bản đồ Hà Nội năm 1831 thì hồ có có tên là Liên Thuỷ. Thiền Quang (ánh sáng nhà Phật) chỉ là một làng nằm ở phía đông nam hồ tức nay là khu vực đầu phố Nguyễn Ðình Chiểu. Ngoài làng này ra, ở quanh hồ còn có các làng Liên Thuỷ ở phía bắc và tây, Quang Hoa ở phía tây nam và Pháp Hoa ở phía nam. Cũng theo bản đồ ấy thì hồ này khá rộng, phía tây lan tới phố Yết Kiêu, phía đông lấn sang phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, phía bắc tới phố Trần Quốc Toản, phía nam thông sang hồ Bảy Mẫu.
Ðến thời Pháp thuộc, hồ bị lấp dần để mở phố, tới những năm 1930 mới định hình như diện mạo hiện nay. Cũng do mở phố mới nên các làng ven hồ bị xóa và dân phải chuyển đi. Ba ngôi chùa của ba làng Thiền Quang, Pháp Hoa, Quang Hoa bị dồn tới bờ hồ phía tây vốn thuộc đất làng Liên Thuỷ nay vẫn còn và hiện mang các biển số 31-33 phố Trần Bình Trọng.
Trong chùa Thiền Quang có một tấm bia khắc năm 1882 kể về lai lịch chùa. Chùa Quang Hoa cũng có một tấm bia khắc năm 1880 nói về việc dựng chùa. Bia chùa Pháp Hoa có niên đại 1831. Còn chùa của chính làng Liên Thuỷ thì mãi tới năm 1926 mới bị phá, bây giờ là chỗ số nhà 62 phố Nguyễn Du.
Hồ Thiền Quang nay còn chừng 5ha, là nơi để mọi người hóng gió mát ngày hè, đốt pháo hoa đêm quốc khánh 2/9 và chào mừng năm mới mỗi dịp đầu xuân về. Ở góc tây nam hồ có ngôi nhà nổi nay là câu lạc bộ Thanh niên Hà Nội, nơi biểu diễn nghệ thuật và tổ chức vũ hội.
Hồ Trúc Bạch
Vị trí: Thuộc quận Ba Đình, phía tây bắc trung tâm thành phố Hà Nội.
Đặc điểm: Hồ Trúc Bạch là một thắng cảnh của Hà Nội, nằm kề hồ Tây, cách nhau con đường Thanh Niên rợp mát bóng cây, bốn mùa đều hấp dẫn mọi người đến thưởng ngoạn, nghỉ ngơi.
Xưa kia hồ Trúc Bạch, hồ Tây với cả hồ Cổ Ngựa (ở vào khoảng phố Hàng Than bây giờ, đã bị lấp thành bằng địa từ khi Pháp mới chiếm Hà Nội) đều nối liền nhau. Đó chính là một đoạn dòng cũ của sông Hồng. Về sau, người ta đắp ngăn thành ba hồ.
Sách Long thành dật sự có ghi rõ rằng: Hồ Tây mặt nước rất rộng, đáy sâu và thường có sóng lớn. Riêng có phần hồ thuộc địa phận làng Trúc Yên là nước nóng, ít sóng, nhiều bùn tốt nên lắm cá tụ về. Năm Vĩnh Tộ thứ 2 đời Lê Thần Tôn (1620), dân làng Yên Phụ và làng Yên Quang (khu vực đầu phố Cửa Bắc đến đền Quán Thánh ngày nay) hợp sức với dân làng Trúc Yên, đắp một con đập từ đầu làng Yên Phụ nối với đầu làng Yên Quang để chắn giữ lấy cá làm nguồn lợi cho cả ba làng.
Đập ấy gọi là Cố Ngự Yển, tức đập Cố Ngự, có nghĩa là giữ vững. Để kỷ niệm việc này, người ta có dựng một bia lớn ở phía đầu làng Yên Quang. Đập Cố Ngự mỗi năm lại được đắp rộng ra, thành một con đê, rồi thành đường đi. Sau này, có lẽ do việc viết chữ Pháp hoặc quốc ngữ không có dấu, người ta đọc là Cổ Ngư thay cho Cố Ngự.
Cũng theo sách Long thành dật sự, thì làng Trúc Yên có nghề làm mành trúc, nên các nhà dân đều trồng trúc thành rừng, để làm nguyên liệu. Đời vua Lê Ý Tôn (1735 - 1738), chúa Trịnh Giang lấy một khu đất của làng Trúc Yên cho xây một toà biệt điện làm nơi tĩnh dưỡng, gọi là Trúc Tâm Viện. Chỉ được vài năm, biệt điện này thành một lãnh cung để an trí các cung nữ bị tội. Các cung nữ bị an trí ở đó phải tự làm việc kiếm sống. Họ phần nhiều là người khéo tay, nên dệt lụa khá đẹp, được các nơi rất ưa dùng. Rồi nhân dân gọi thành quen thứ lụa của các cung nữ dệt là "lụa làng Trúc", tức "Trúc bạch". Đã có những câu ca:Lụa làng Trúc vừa thanh vừa bóng. Cũng từ đó, phần hồ Tây phía làng Trúc Yên cũng được gọi là hồ Trúc Bạch. Cũng từ thời ấy, triều chính Lê - Trịnh ngày thêm đổ nát. Số cung nữ ở làng Trúc Yên không còn ai bị kiềm thúc nữa. Năm Chiêu Thống thứ hai (1788) vì muốn báo thù, Chiêu Thống cho đốt hết cung điện của chúa Trịnh, Trúc Tâm Viện cũng bị thành tro tàn...
Nhưng vẫn còn làng Trúc Yên với nghề mành, nghề lụa. Đê Cổ Ngư sau thành đường rộng Cổ Ngư. Những năm sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hoà bình lập lại, đường Cổ Ngư đã được thanh niên Hà Nội và nhân dân cùng góp công sức, qua những ngày lao động xã hội chủ nghĩa, kiến tạo thành con đường Thanh Niên. Ngày nay, các làng Yên Phụ, Yên Quang, Trúc Yên đều đã thành phố xá đông vui.
Hồ Trúc Bạch đã trở thành một địa danh nổi tiếng với vẻ đẹp thơ mộng. Người trong Nam ra, ngoài Bắc về Thủ đô đều muốn đến hồ Tây, hồ Trúc Bạch, đi dạo trên con đường Thanh Niên rợp bóng phượng hồng và bằng lăng tím, thả hồn trải rộng miên man với nước hồ và gió trời. Người xưa đã vớt bùn đất lên, tạo đập Cổ Ngư, thành đường Cổ Ngư xưa và đường Thanh Niên hôm nay... Còn người Hà Nội ngày nay vẫn đang có những việc phải làm cho Trúc Bạch, đó là quy hoạch, giữ gìn cho hồ nước không bị teo hẹp lại và lúc nào cũng thanh sạch, đẹp tươi.
Cung văn hoá Hữu Nghị
Vị trí: Đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Ðặc điểm: Ðược khởi công ngày 5/11/1978, tới ngày 1/9/1985 thì hoàn thành. Cung Văn hóa Hữu nghị là món quà của Hội đồng Trung ương các Công đoàn Liên Xô (cũ) tặng tổ chức Công đoàn và Lao động Việt Nam.
Trên diện tích 3,2ha, cung gồm 3 khối nhà chính: nhà biểu diễn, nhà học tập, nhà kỹ thuật... tổng cộng 120 phòng lớn nhỏ, 20 cầu thang và 2 hệ thống thang máy, Cung Văn hóa Hữu nghị là trung tâm sinh hoạt văn hóa lớn nhất tại thủ đô Hà Nội.
Phía trước là nhà biểu diễn 4 tầng, cao 26m, dài 96m. Tại đây có sân khấu quay, có hai hội trường: hội trường lớn qui mô 1256 chỗ, hội trường nhỏ qui mô 375 chỗ. Phía sau là nhà học tập 3 tầng, có thư viện và các phòng dành cho các câu lạc bộ sinh hoạt thường xuyên theo chủ đề. Nối hai khu nhà trên là nhà kỹ thuật.
Cung Văn hóa Hữu nghị là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa: biểu diễn nghệ thuật, thời trang, các cuộc thi hoa hậu...; các hoạt động khoa học, hội thảo, hội nghị, triển lãm..; tổ chức các cuộc mít tinh hay sự kiện văn hoá lớn; các hoạt động thể thao cho nhân dân lao động thủ đô và cả nước.
Nhà hát lớn Hà Nội
Vị trí: tọa lạc tại số 1 phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Đặc điểm: đây là một trong các trung tâm văn hóa của thủ đô Hà Nội, nơi diễn ra thường xuyên các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, ca múa nhạc, hòa nhạc, giao lưu...
Nhà hát Lớn Hà Nội là một công trình lớn mà người Pháp đã xây dựng tại Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 20. Nhà hát Lớn được khởi công xây dựng ngày 7/6/1901 và hoàn thành năm 1911 theo mẫu của “Nhà hát Opera Paris” (Pháp), do hai kiến trúc sư Harlay và Broyer thiết kế nhưng tầm vóc nhỏ hơn, các vật liệu sử dụng được thay đổi theo những điều kiện kinh tế và khí hậu địa phương, đồng thời mang nhiều màu sắc, đường nét kiến trúc của các Nhà hát ở miền Nam nước Pháp. Cách tổ chức mặt bằng, loại hình móng ngựa cho phòng lớn, lối vào sảnh, cầu thang chính và việc tổ chức các không gian phục vụ sân khấu của Nhà hát lớn Hà Nội đều giống như các nhà hát ở châu Âu đầu thế kỷ 20.
Kết cấu kiến trúc và cả những họa tiết trang trí trong Nhà hát Lớn đều là phong cách kiến trúc phổ biến ở Pháp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Kiểu mái hai mảng lợp ngói đá, đỉnh mái nhọn, mang yếu tố cân xứng hai bên, họa tiết trang trí trên vòm trần, các vòng nguyệt quế và huy chương trên tường đã mang lại một nét độc đáo của kiến trúc nhà hát phương Tây hiện đại giữa những công trình kiến trúc truyền thống của Việt Nam.
Nhà hát lớn Hà Nội có diện tích 2.600m2, chiều dài 87m, chiều rộng 30m, điểm cao nhất của công trình so với mặt đường là 34m. Bên trong nhà hát có sân khấu rộng và một phòng khán giả chính. Cầu thang giữa lên tầng hai là một sảnh chính rộng. Cầu thang phụ và hành lang ở hai bên. Đằng sau sân khấu là phòng quản trị, 18 buồng hóa trang, 2 phòng tập hát, 1 thư viện và 1 phòng họp.
Sảnh chính: Là nơi đầu tiên đón khách đến Nhà hát, được lát đá chất lượng cao của Ý, có màu sắc tạo cảm giác như được trải tấm thảm lớn. Hệ thống đèn chùm nhỏ treo trên tường được mạ đồng theo kiểu cổ. Đèn chùm treo trên cao được mạ một lớp vàng theo công nghệ mới.
Phòng khán giả: Bên trong Nhà hát Lớn Hà Nội có sân khấu rộng và một phòng khán giả rộng 576m2, có tổng số ghế cả ba tầng là 900 ghế. Sàn phòng khán giả được lát bằng gạch chất lượng cao và trải thảm chống cháy. Ghế ngồi được thiết kế theo phong cách cổ điển Pháp thế kỷ 19. Trần bên trên phòng khán giả do các hoạ sỹ Pháp vẽ. Đèn chùm được dát một lớp vàng theo công nghệ mới. Đèn gắn trên tường làm bằng đồng theo kiểu cổ.
Phòng gương: Phòng gương là phòng lễ nghi quan trọng thường xuyên đón tiếp các nhân vật cao cấp của Đảng và Nhà nước, các nguyên thủ quốc gia, nơi diễn ra lễ ký kết các văn kiện quan trọng của Chính phủ. Ngoài ra phòng gương còn là nơi biểu diễn các chương trình nghệ thuật thính phòng, họp báo và tiến hành các Hội nghị có qui mô nhỏ. Sàn Phòng gương được phục chế hoàn toàn theo kỹ thuật Mozaic. Đá lát sàn phòng được đưa từ Ý sang do thợ lành nghề của Ý hướng dẫn ghép từng viên bằng tay để đảm bảo độ tinh tế của công trình. Trần phòng gương được phục chế theo nguyên bản bởi những nghệ nhân từ Vơnidơ. Đèn chùm pha lê và đèn treo các góc mang phong cách cổ điển Pháp.
Không chỉ là một không gian văn hoá, Nhà hát Lớn Hà Nội còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Đó là nơi đã chứng kiến những giây phút hoà bình đầu tiên trên đất nước, là một nhân chứng cách mạng của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến. Kể từ đó đến nay, Nhà hát Lớn luôn là trung tâm của các cuộc hội nghị, mít tinh quan trọng và các buổi biểu diễn nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước.
Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, cũng như nhiều công trình kiến trúc khác và cả những loại hình văn hoá phi vật thể, Nhà hát Lớn Hà Nội đã trở thành minh chứng cho một thời kỳ mà các nền văn hoá giao thoa nhau, giúp Việt Nam hội nhập với thế giới. Chính vì thế, việc bảo tồn, gìn giữ di sản này, làm cho ý nghĩa công trình có giá trị sâu sắc hơn, phong phú hơn là những gì mà cả nước và nhân dân Thủ đô luôn hướng tới.
Chùa Tây Phương
Vị trí: Chùa Tây Phương nằm trên ngọn núi Câu Lậu, thuộc xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Đặc điểm: Chùa Tây Phương được ví như một bảo tàng tượng Phật với nhiều pho tượng cổ độc đáo, sống động, có sức, có hồn.
Chùa Tây Phương đã có từ rất sớm, khoảng thế kỷ thứ 8, nhưng còn tồn tại đến ngày nay và kết quả của sự hòa nhập Phật giáo và Nho giáo (có niên đại năm 1794). Chùa Tây Phương được xây dựng theo kiểu “Nội công ngoại quốc”. Bước lên hơn 200 bậc xây bằng đá ong, đưa du khách tới chùa.
Ba tòa điện Phật theo hình chữ “Tam”, mỗi tòa hai tầng, tám mái với những đầu đao uốn cong, đều gắn tứ linh (Long, Ly, Quy, Phụng) mềm mại, uyển chuyển. Chùa có pho tượng gỗ sơn son thiếp vàng cỡ lớn, trong đó có những bức tượng nổi tiếng như Bát Bộ Kim Cương, Tuyết Sơn, tượng 18 vị La Hán… đều được xếp vào hàng tượng Phật tuyệt tác của điêu khắc cổ Việt Nam. Chùa Tây Phương được ví như một bảo tàng tượng Phật của nước nhà.
----------------µ-----------------
Lời kết
Tôi xin cảm ơn ban lãnh đạo nhà trường, khoa QTKD trường ĐHKTCN, đã tạo điều kiện cho chúng tôi tham gia tour kiến tập bổ ich này.
Đặc biệt, tôi xin chân thành cảm ơn thầy Ngọc Anh đã tận tình hướng dẫn chúng tôi, và truyền cho chúng tôi nhiều kiến thức và kinh nghiệm bổ ích.
Cuối cùng tôi xin cảm ơn những người bạn cùng lớp đã cùng đồng hành với tôi, chia sẻ với tôi nhiều kỷ niệm vui buồn trên đường tour.
.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- bai_bao_cao_xuyen_viet_6769.doc