Bình luận các quy định và thực tiễn giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại trong vụ việc VEDAN

Mười bốn năm lén lút xả thải trực tiếp xuống dòng sông Thị Vải, hàng trăm nghìn m3 chất thải không qua xử lí đã được thải xuống dòng sông, hai năm liền chối cãi trách nhiệm, dây dưa tiền bồi thường, cuối cùng Vedan cũng đã phải chấp nhận bồi thường 100% yêu cầu của nhân dân ba tỉnh thành phố Bà rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh. Có người đã nói “Cái thiện đã chiến thắng cái ác”, “Nhân dân đã chiến thắng Vedan”, tiền bồi thường đã được chi, Vedan đã phải nhượng bộ, thế nhưng, trong “chiến thắng” đó, còn bao nhiêu vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ, bao câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời, bao thiếu sót vẫn đang chờ đợi phải khắc phục. Dưới góc nhìn của một sinh viên Luật, trong phạm vi một bài tiểu luận cuối kì, với đề tài “Bình luận các quy định và thực tiễn giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại”, em xin đưa ra một số ý kiến của em xung quanh vấn đề tranh chấp bồi thường thiệt hại xung quanh vụ Vedan, qua đó mong muốn đóng góp vào việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về vấn đề tranh chấp bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường nói riêng cũng như pháp luật bảo vệ môi trường nói chung

doc12 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3084 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bình luận các quy định và thực tiễn giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại trong vụ việc VEDAN, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Lời nói đầu Mười bốn năm lén lút xả thải trực tiếp xuống dòng sông Thị Vải, hàng trăm nghìn m3 chất thải không qua xử lí đã được thải xuống dòng sông, hai năm liền chối cãi trách nhiệm, dây dưa tiền bồi thường, cuối cùng Vedan cũng đã phải chấp nhận bồi thường 100% yêu cầu của nhân dân ba tỉnh thành phố Bà rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh. Có người đã nói “Cái thiện đã chiến thắng cái ác”, “Nhân dân đã chiến thắng Vedan”, tiền bồi thường đã được chi, Vedan đã phải nhượng bộ, thế nhưng, trong “chiến thắng” đó, còn bao nhiêu vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ, bao câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời, bao thiếu sót vẫn đang chờ đợi phải khắc phục. Dưới góc nhìn của một sinh viên Luật, trong phạm vi một bài tiểu luận cuối kì, với đề tài “Bình luận các quy định và thực tiễn giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại”, em xin đưa ra một số ý kiến của em xung quanh vấn đề tranh chấp bồi thường thiệt hại xung quanh vụ Vedan, qua đó mong muốn đóng góp vào việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về vấn đề tranh chấp bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường nói riêng cũng như pháp luật bảo vệ môi trường nói chung. I. Vấn đề nguyên đơn trong vụ việc Vedan- lỗ hổng pháp lý hay sự lúng túng của cơ quan chức năng 1. Hơn 8000 đơn kiện- mở 8000 phiên tòa xét xử? Vụ Vedan cho thấy sự yếu kém của hệ thống pháp lý đang vận hành, nói riêng về phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân. Dù vẫn cảm nhận được mối liên hệ nguyên nhân - hệ quả giữa hành vi xả chất thải chưa xử lý và những thiệt hại vật chất nhưng con đường đi tìm công lý của những người bị thiệt hại vẫn cứ gập ghềnh, mấp mô bởi những vật cản do chính cơ chế tạo ra. Trở lại vụ Vedan, theo thống kê có 9.973(1) hộ dân bị ảnh hưởng với những mức độ khác nhau và đã có hơn 8000 đơn kiện, mỗi đơn kiện, mỗi người bị thiệt hại mất một phần tài sản của riêng mình. Trên nguyên tắc, chính người bị thiệt hại phải đi kiện, từng người một, để đòi trả lại cho mình những gì đã mất. Luật hiện hành chỉ mở ra khả năng đó cho các nạn nhân của Vedan. Ngay cả trong trường hợp tất cả nông dân bị thiệt hại ủy quyền cho hội nông dân đi kiện thay mình thì cũng không thể có một vụ kiện chung. Người được ủy quyền không đại diện cho tập thể người ủy quyền mà chỉ đại diện cho mỗi người. Tòa án vẫn phải thụ lý chừng đó vụ án chứ không thể làm khác. Dù, một cách trớ trêu, trong từng vụ chỉ có một người xuất hiện trong tư cách nguyên đơn và cũng chỉ một người ở bên kia trong tư cách bị đơn. Điều 162 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về chủ thể được khởi kiện vì lợi ích công nhưng lại không hề đề cập đến những trường hợp cụ thể như vụ Vedan. Cạnh đó, các quy phạm pháp luật về quyền khởi kiện do thiệt hại bởi ô nhiễm môi trường, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm… cũng rất sơ sài. Trong khi các vụ việc có tính chất tương đồng nhau, thiệt hại do cùng một chủ thể gây ra hoàn toàn có thể gộp lại để xem xét nhằm giảm bớt gánh nặng cho hệ thống tòa, giảm bớt tốn kém cho các bên tham gia tố tụng. Trong thời gian tới, các dạng tranh chấp kiểu này sẽ không còn là chuyện cá biệt. Để giải quyết triệt để, các nhà làm luật cần phải có sự sửa đổi, bổ sung luật. Đó là mở rộng quy định thêm hình thức khởi kiện tập thể trong một số trường hợp đặc biệt như kiểu Vedan. Chỉ có như vậy thì quyền lợi người dân mới được đảm bảo, đúng như mục tiêu và bản chất của một hệ thống luật nói chung mà chúng ta đang hướng tới. Trong vụ Công ty Vedan xả thải, các bên đang cần có hướng dẫn tạm thời của TAND Tối cao để đơn giản hóa các thủ tục tố tụng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tự bảo vệ quyền và lợi ích cho mình. Nhưng do pháp luật tố tụng dân sự chưa có quy định nên chắc chắn sẽ rất khó khăn để hướng dẫn của TAND Tối cao vừa đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật, vừa đảm bảo được quyền lợi của người dân. Trước yêu cầu cấp thiết hiện nay, trước mắt chúng ta nên đưa ngay cơ chế khởi kiện tập thể và ghi nhận chủ thể được khởi kiện tập thể vào trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng có thể được Quốc hội thông qua trong thời gian tới đây. Như vậy, nếu trong thời gian sắp tới có xảy ra các tranh chấp liên quan đến nhà sản xuất và người tiêu dùng thì cơ quan tố tụng có thể vận dụng luật chuyên ngành này để xử lý. Nếu có sự thay đổi cụ thể từ phía cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện các quy phạm pháp luật sẽ tạo rất nhiều thuận lợi trong hoạt động tố tụng của tòa cũng như các bên liên quan. Đối với tòa, khi có cơ chế khởi kiện mới chắc chắn các tòa sẽ giảm được sự quá tải hiện nay, giảm cho ngân sách một khoản chi phí khá lớn trong quá trình giải quyết nhiều vụ án tương tự nhau. Việc áp dụng cũng sẽ phù hợp với Điều 38 Bộ luật Tố tụng dân sự về việc nhập nhiều vụ án có tính chất giống nhau thành một vụ án… Đối với các bên tham gia tố tụng sẽ tránh được việc tốn kém về thời gian, tiền bạc không đáng có, tâm lý ngán ngại kiện tụng cũng sẽ được khắc phục phần nào… Một vấn đề tích cực rất lớn nếu áp dụng cơ chế khởi kiện tập thể là sự đánh động vào ý thức, trách nhiệm đối với xã hội của những tổ chức, cá nhân có thể gây thiệt hại cho số đông người dân. Qua cơ chế kiện tập thể, những người bị thiệt hại sẽ dễ dàng hơn trong việc đòi bồi thường trong khi người gây thiệt hại sẽ phải gánh chịu những tổn thất rất lớn do hành vi của mình gây ra. 2. Người dân đòi quyền lợi cho chính mình! Ai sẽ đứng ra đòi quyền lợi cho dòng Thị Vải- Phải chăng Nhà nước đã quên đòi Vedan bồi thường Theo Điều 74 Hiến pháp (năm 1992), mọi hành vi xâm hại lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân phải được xử lý nghiêm. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường. Cụ thể hơn, Điều 130 Luật Bảo vệ Môi trường (2005), nêu thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường gồm thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường (còn gọi là thiệt hại đối với môi trường tự nhiên). Chủ thể gắn liền với thiệt hại này là nhà nước hoặc các cộng đồng dân cư. Một loại thiệt hại khác là về sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường. Chủ thể gắn với thiệt hại này là các tổ chức, cá nhân cụ thể. Trong đó, thiệt hại thứ hai là thiệt hại gián tiếp, phái sinh từ thiệt hại thứ nhất. Có khi hai loại thiệt hại này trùng lắp như sự suy giảm nguồn lợi thủy sinh tại vùng sông cũng đồng thời là sự giảm sút về thu nhập của người dân ở khu vực đó. Nhưng trong việc Vedan gây ô nhiễm đã xảy ra cùng lúc cả hai loại thiệt hại. Bởi Điều 131 Luật Bảo vệ Môi trường đã liệt kê: thiệt hại về môi trường gồm thiệt hại trước mắt và lâu dài do sự suy giảm chức năng, tính hữu ích; chi phí xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường và chi phí giảm thiểu hoặc triệt tiêu nguồn gây thiệt hại. Trở lại với vụ việc, Vedan cố tình gây ô nhiễm suốt 14 năm và chỉ dừng lại (về lý thuyết, còn thực tế có thể khác) sau khi bị phát hiện quả tang. Sau đó, Vedan đã bị truy thu hơn 127 tỉ đồng phí bảo vệ môi trường. Hiện người dân ùn ùn nộp đơn kiện Vedan ra tòa, yêu cầu bồi thường. Chính quyền các địa phương hỗ trợ tích cực người dân đòi lại một phần công bằng. Tuy nhiên, theo nguyên tắc kẻ gây ô nhiễm phải chi trả (Polluter pays principle), ngay cả khi Vedan tự nguyện (hoặc bị tòa án tuyên) chấp nhận các yêu cầu bồi thường của người dân thì vẫn chưa đủ. Vedan phải bồi thường cho một loại thiệt hại khác, là thiệt hại về môi trường. Nguyên tắc này không xa lạ vì nó đã được cụ thể hóa trong các quy định đang có hiệu lực của nước ta. Cả hai loại thiệt hại đã nêu đều có chung thời hiệu khởi kiện là hai năm kể từ hành vi gây thiệt hại được xác định hợp pháp (theo Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2004). Vedan bị lập biên bản vi phạm vào ngày 13-9-2008, nên ngày cuối cùng mà người dân (chủ thể của thiệt hại thứ hai) và nhà nước (chủ thể của thiệt hại về môi trường) có thể khởi kiện là 12-9-2010. Nhưng hiện nay, chỉ có người dân khởi kiện, đòi bồi thường cho thiệt hại thứ hai mà thôi. Trong khi đó, ngày cuối cùng nộp đơn kiện đòi bồi thường thiệt hại về môi trường đã cận kề nhưng chưa thấy cơ quan nhà nước có trách nhiệm nào lên tiếng, tuyên bố đứng nguyên đơn kiện Vedan. Phải chăng, Nhà nước đang "quên" đòi Vedan bồi thường thiệt hại về môi trường tự nhiên.? Nhà nước đây là ai? Tương tự người dân, nhà nước muốn đòi Vedan bồi thường thì phải có đủ các điều kiện: có thiệt hại xảy ra, có hành vi gây thiệt hại và mối quan hệ giữa hành vi với thiệt hại. Chúng ta không phải phân vân về căn cứ kiện Vedan nữa, mà cần xác định cụ thể chủ thể "nhà nước" có quyền kiện Vedan đòi bồi thường thiệt hại về môi trường là đơn vị nào? Theo Khoản 2, Điều 56 Bộ Luật Tố tụng Dân sự và Phần I, Mục 2 Nghị quyết 02 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ngày 12-5-2006, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án dân sự (tức nguyên đơn), yêu cầu bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước phải có chức năng quản lý nhà nước và lợi ích yêu cầu bảo vệ phải thuộc lĩnh vực do mình phụ trách. Về phương diện quản lý nhà nước, các Điều 121, 122 Luật Bảo vệ Môi trường quy định quyền hạn quản lý nhà nước về môi trường gồm Chính phủ, các bộ và UBND các cấp chứ không phải là Sở Tài nguyên - Môi trường (là cơ quan giúp việc). Tại Điều 62 luật này cũng ghi rõ, khi có thiệt hại về môi trường, UBND tỉnh nơi xảy ra thiệt hại có trách nhiệm phối hợp với cơ quan hữu quan để điều tra, đánh giá thiệt hại và yêu cầu người gây thiệt hại phải bồi thường. Theo Bộ Luật Dân sự, Tố tụng Dân sự thì ba địa phương là Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM đều có quyền kiện, yêu cầu Vedan bồi thường thiệt hại về môi trường. Vedan là thủ phạm số 1 gây ô nhiễm sông Thị Vải khiến nhiều chủ tàu từ chối cập cảng Đồng Nai, khiến doanh thu hoạt động ngành du lịch của Bà Rịa Vũng Tàu bị suy giảm và nhà nước phải tốn kém chi phí tái tạo môi trường tự nhiên... Từng địa phương có thể tính toán được những thiệt hại về môi trường này. Cơ sở pháp lý đã có, căn cứ, trách nhiệm khởi kiện cũng rõ nhưng đến thời điểm này, dường như các địa phương vẫn chưa nhìn thấy nghĩa vụ của mình. Trong đó, đáng chú ý nhất phải kể đến UBND tỉnh Đồng Nai, nơi có trụ sở Vedan và có đoạn sông Thị Vải bị ô nhiễm nghiêm trọng nhất. "Ai đó" nhân danh nhà nước kiện Vedan đòi bồi thường thiệt hại về môi trường sẽ được cho là dũng cảm. Nhưng hết ngày 12-9-2010 mà các chính quyền, nhất là UBND tỉnh Đồng Nai không đòi Vedan bồi thường thiệt hại về môi trường là không làm tròn nghĩa vụ và trách nhiệm. Lúc này, thời hạn cuối cùng đã cận kề thì Bộ Tài nguyên - Môi trường và Chính phủ (Điều 121 Luật bảo vệ Môi trường nêu Chính phủ thống nhất quản lý về bảo vệ môi trường cả nước) cần lên tiếng yêu cầu các địa phương thực hiện theo đúng chức trách, nghĩa vụ pháp định. II. Chúng ta vẫn đang lúng túng trong việc xác định thiệt hại 1. Chúng ta có thể dễ dàng đòi được tiền bồi thường thiệt hại trên tòa Ngày 28-7, Công ty CPHH Vedan Việt Nam (Vedan) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và UBND TPHCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất tăng số tiền “hỗ trợ” người dân bị thiệt hại lên 130 tỷ đồng. Trong đó, tăng mức “hỗ trợ” nông dân TPHCM từ 16 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng, Đồng Nai: từ 30 tỷ đồng lên 60 tỷ đồng và Bà Rịa - Vũng Tàu: từ 10 tỷ đồng lên 40 tỷ đồng. Vedan mong muốn qua việc tăng “hỗ trợ” này sẽ giải quyết dứt điểm vụ việc.  Như vậy, đây là lần thứ 5 Vedan “cò kè” về mức “hỗ trợ”, bồi thường người dân bị thiệt hại. Tuy số tiền đề xuất “hỗ trợ” của Vedan tăng gần 6 lần so với lần đầu tiên (cách đây 1 năm) nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu đòi bồi thường của nông dân TPHCM: hơn 45,7 tỷ đồng, Đồng Nai: 120 tỷ đồng và Bà Rịa - Vũng Tàu: hơn 53 tỷ đồng. Do đó, nông dân vẫn kiên quyết kiện Vedan ra tòa đòi bồi thường thiệt hại. Các bên vẫn không thể tìm được một tiếng nói chung trong việc xác định mức thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm của Vedan gây ra. Và chỉ đến khi hệ thống siêu thị trên toàn quốc đồng loạt tẩy chay sản phẩm của Vedan, sau gần 2 năm bị phát hiện xả thẳng chất thải không qua xử lý ra sông Thị Vải, gây ô nhiễm môi trường, làm thiệt hại về kinh tế cho nông dân khu vực thì phía Vedan mới đồng ý thanh toán 100% mức bồi thường cho nhân dân ba tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh với số tiền là 220 tỷ đồng. Và một câu hỏi đặt ra là liệu nếu như không có sức ép từ phía người tiêu dùng, sức ép từ việc tẩy chay hàng hóa Vedan của hệ thống các siêu thị trên toàn quốc thì người dân ba tỉnh thành phố của chúng ta có thể chắc chắn thắng kiện như lời ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kiêm Trưởng ban chỉ huy thống kê thiệt hại kinh tế và môi trường vụ kiện Vedan hay không? Hay sẽ lại là một vụ kiện dây dưa kéo dài khi mà việc xác định thiệt hại còn rất nhiều điểm cần phải bàn 2. Liệu 120 tỷ có cứu được một dòng sông Vedan đã chấp nhận bồi thường 220 tỷ đồng cho nhân dân ba tỉnh và thành phố Vũng Tàu, Đồng Nai, TP Hồ Chi Minh, người dân đã được bồi thường thiệt hại., 120 tỷ đồng tiền phí bảo vệ môi trường đã được truy thu. Thế nhưng, đó chỉ là thiệt hại về kinh tế mà chúng ta tính ra được, thế nhưng, hình như các nhà chức năng đã quên đi một thiệt hại vô cùng lớn mà hành vi gây thiệt hại của Vedan đã gây nên đó chính là có thêm một dòng sông đã “chết”. Mười bốn năm xả thải độc hại vào dòng sông, cần bao nhiêu tiền để có thể trả lại cuộc sống trước đây cho dòng Thị Vải, cho môi trường thiên nhiên, liệu 120 tỷ tiền phí bảo vệ môi trường kia có thể trả lại cuộc sống cho dòng Thị Vải hay không, câu hỏi vẫn đang bị bỏ ngỏ, chưa có câu trả lời. III. Thời hiệu khởi kiện Vedan là hai năm kể từ ngày 12/9/2008 Vấn đề thời hiệu khởi kiện vụ Vedan cũng đang là một vấn đề gây nhiều tranh cãi hiện nay, có ý kiến cho rằng thời hiệu sẽ được tính từ ngày 12/9/2008- thời điểm cơ quan chức năng phát hiện, bắt quả tang hành vi của công ty Vedan. Điều 159 BLTTDS, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là 2 năm, kể từ ngày quyền lợi của cá nhân bị xâm hại. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng thời hiệu vụ kiện là 2 năm từ ngày ngày 16/3/2010- ngày đại diện công ty Vedan và Viện Tài nguyên - Môi trường (ĐH quốc gia TP HCM) ký biên bản xác định lại mức độ thiệt hại do Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải.(1) Về vấn đề này, em cũng xin trình bày quan điểm của em như sau Em phản đối ý kiến cho rằng thời hiệu khởi kiện vụ Vedan được tính từ ngày 16/3/2010- ngày đại diện công ty Vedan và Viện Tài nguyên - Môi trường (ĐH quốc gia TP HCM) ký biên bản xác định lại mức độ thiệt hại do Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải. Theo quan điểm này, một số Luật gia cho rằng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 162 Bộ Luật Dân sự quy định về việc bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự: “1. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây: Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện” Các Luật gia này cho rằng sự kiện Ngày 16/3/2010, đại diện công ty Vedan và Viện Tài nguyên - Môi trường (ĐH quốc gia TP HCM) ký biên bản xác định lại mức độ thiệt hại do Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải. Đại diện công ty Vedan, thừa nhận họ đã gây thiệt hại môi trường sông Thị Vải là 77% chính là sự kiện “bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện” theo điểm a khoản 1 Điều 162. Vì vậy thời hiệu khởi kiện vụ Vedan sẽ là hai năm kể từ ngày 16/3/2010. Tuy nhiên, theo ý kiến của em, việc xác định thời hiệu khởi kiện như vậy là chưa chính xác. Vedan bị xử phạt ngày 12/9/2008 và truyền thông đã đưa tin. Ngày quyền lợi của người nông dân bị xâm phạm được tính từ ngày 12/9/2008; thời hiệu khởi kiện là hai năm, đến hết ngày 12/9/2010 là hết quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường Thời điểm ngày 16/3/2010, Vedan thừa nhận hành vi gây thiệt hại của mình với Viện Tài Nguyên- Môi trường không thể xác định là trường hợp được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 162. Viện Tài nguyên- Môi trường không phải là người khởi kiện , vì vậy không thể lấy đây là mốc để tính lại thời hiệu khởi kiện. Trong trường hợp này, nếu Vedan đưa ra mức bồi thường mà nếu người nông dân không đồng ý mức bồi thường thì có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường tính trên thiệt hại thực tế. Thời gian khởi kiện đến hết ngày 12/9/2010. Đến hết ngày 12/9/2010, người nông dân không kiện yêu cầu bồi thường tức là đã đồng ý với mức bồi thường mà Vedan đã đưa ra. Người nông dân có quyền yêu cầu Vedan trả khoản bồi thường này, nếu không trả thì khởi kiện ra tòa yêu cầu trả buộc Vedan trả khoản tiền bồi thường đã cam kết. Thời hiệu khởi kiện trả khoản tiền này hai năm kể từ ngày Vedan có văn bản đồng ý trả, tức là đến năm 2012. Vậy cho đến năm 1012 nông dân chỉ có quyền khởi kiện đòi "nợ" số tiền Vedan đã cam kết chứ không phải kiện đòi bồi thường thiệt hại thực tế như lúc đầu. Vì vậy, một lần nữa, ta có thể khẳng định, thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường vụ Vedan là hai năm kể từ ngày 12/9/2008- thời điểm cơ quan chức năng phát hiện, bắt quả tang hành vi của công ty Vedan IV. Kết luận Qua vụ Vedan vừa qua, một lần nữa chúng ta lại thấy được sự thiếu sót trong các quy định của pháp luật cũng như sự lúng túng trong công tác xử lí xung quanh vấn đề giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường. Với những bài học rút ra từ Vedan, một lần nữa, chúng ta cần tích cực hoàn thiện các quy định của pháp luật về chấp bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường nói riêng cũng như pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung, để chúng ta không còn phải khó khăn lúng túng trước những vụ việc như thế này trong thời gian tới. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật môi trường, Nxb. CAND, 2006 Trường Đại học Huế, Giáo trình Luật môi trường, Nxb. CAND, 2007 Hiến pháp năm 1992 Luật môi trường năm 2005 Bộ Luật Dân sự năm 2005. Vũ Thị Lương, Vụ việc Vedan và những vấn đề pháp lý về cưỡng chế tuân thủ pháp luật môi trường, Khoá luận tốt nghiệp, Đại học Luật Hà Nội, 2009. Thông tin từ website: Thông tin từ website: Thông tin từ website: MỤC LỤC Lời nói đầu 1 I. Vấn đề nguyên đơn trong vụ việc Vedan- lỗ hổng pháp lý hay sự lúng túng của cơ quan chức năng 1 1. Hơn 8000 đơn kiện- mở 8000 phiên tòa xét xử? 1 2. Người dân đòi quyền lợi cho chính mình! Ai sẽ đứng ra đòi quyền lợi cho dòng Thị Vải- Phải chăng Nhà nước đã quên đòi Vedan bồi thường 3 II. Chúng ta vẫn đang lúng túng trong việc xác định thiệt hại 6 1. Chúng ta có thể dễ dàng đòi được tiền bồi thường thiệt hại trên tòa 6 2. Liệu 120 tỷ có cứu được một dòng sông 7 III. Thời hiệu khởi kiện Vedan là hai năm kể từ ngày 12/9/2008 8 IV. Kết luận 9 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 11

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docBình luận các quy định và thực tiễn giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại trong vụ việc VEDAN ( bài 9 điểm, rất tâm đắc ).doc
Luận văn liên quan