LỜI NÓI ĐẦU Gia đình là tế bào của xã hội, sự ổn định và phát triển lành mạnh của gia đình sẽ góp phần vào sự phát triển chung của toàn bộ xã hội. Mỗi gia đình được xây dựng dựa trên những sợi dây liên kết của hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng trong đó quan hệ hôn nhân có thể xem là quan hệ nền tảng của mỗi gia đình.
Nhận định được vị trí của gia đình trong xã hội, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng quan tâm đến việc xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc. Biểu hiện ở việc, Nhà nước ban hành các quy phạm pháp luật, điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình cho phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Trong quan hệ vợ chồng, bên cạnh đời sống tình cảm, tình yêu thương lẫn nhau không thể không quan tâm tới đời sống vật chất. Quan hệ tài sản giữa vợ chồng là một vấn đề hết sức quan trọng, nó là một trong những tiền đề giúp cho vợ chồng xây dựng cuộc sống hạnh phúc, đáp ứng những nhu cầu về vật chất tinh thần cho gia đình. Xuất phát từ bản chất của quan hệ hôn nhân và gia đình là các yếu tố nhân thân và tài sản gắn liền với các chủ thể nhất định, không thể tách rời và không có tính đền bù ngang giá. Chính sự ràng buộc này làm nảy sinh các quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa họ với nhau mà chia tài sản chung của vợ chồng là một vấn đề không thể thiếu trong pháp luật hôn nhân và gia đình .
Không phải là quy định mới trong Luật HN&GĐ năm 2000 nhưng trên cơ sở sự kế thừa Luật HN&GĐ năm 1986 (Điều 18), quy định này đã dần có những bước thay đổi tích cực cho phù hợp với sự phát triển của xã hội. Kể từ khi Luật HN&GĐ năm 2000 có hiệu lực, các quy định về chia tài sản chung của vợ chồng đã từng bước đi vào cuộc sống, phát huy được hiệu quả điều chỉnh, góp phần xây dựng củng cố chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam .
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc áp dụng các quy định trên vào thực tiễn không tránh khỏi những vướng mắc, khó khăn trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến tài sản ở các cấp Tòa án I. Khái quát về chế độ tài sản của vợ, chồng
a. Tài sản chung của vợ, chồng
b. Tài sản riêng của vợ, chồng
II. Những vướng mắc, bất cập và hướng hoàn thiện quy định của Luật HN&GĐ về chế độ tài sản của vợ, chồng.
1. Những vướng mắc, bất cập của Luật HHN&GĐ về chế độ tài
sản của vợ, chồng
a. Tài sản chung của vợ, chồng
* Vấn đề tài sản chung của vợ, chồng
* Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.
* Chia tài sản chung khi một bên vợ, chồng chết trước,
* Về nguyên tắc chia đôi tài sản chung của vợ, chồng
b. Tài sản riêng của vợ, chồng
II. Hướng hoàn thiện
3. Tài sản chung của vợ, chồng
3. Tài sản riêng của vợ, chồng
3. Vấn đề hôn ước
III. Kết luận
22 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 5931 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp luật hiện hành - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
I. Khái quát về chế độ tài sản của vợ, chồng
a. Tài sản chung của vợ, chồng
Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) quy định về tài sản chung của vợ, chồng. Theo đó, Việc xác định tài sản chung của vợ, chồng phải dựa vào nguồn gốc phát sinh tài sản. Cụ thể tài sản chung của vợ, chồng bao gồm những tài sản sau: Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ hôn nhân và những thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ, chồng được tặng cho chung hoặc thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ, chồng thỏa thuận là tài sản chung. Các tài sản mà vợ, chồng mua sắm được bằng thu nhập nói trên; tài sản mà vợ, chồng có trước khi kết hôn hoặc những tài sản mà vợ, chồng được thừa kế riêng hay được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân nhưng vợ, chồng đã thỏa thuận nhập vào khối tài sản chung hoặc theo pháp luật quy định là tài sản chung. Luật HN&GĐ năm 2000 khẳng định quyền sử dụng đất mà vợ, chồng “có được” sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ, chồng; quyền sử dụng đất mà vợ, chồng “có được” trước khi kết hôn hoặc được thừa kế riêng đương nhiên là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ khi vợ, chồng có thỏa thuận là tài sản chung. Đối với những tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ, chồng. Tài sản chung của vợ, chồng là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia.
Pháp luật quy định các quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng đối với khối tài sản chung và mục đích của việc sử dụng tài sản chung là nhằm đáp ứng nhu cầu gia đình, đảm bảo cho vợ, chồng cùng nhau xây dựng gia đình và lao động tạo ra tài sản vì lợi ích chung của gia đình; những lợi ích đó còn là cơ sở trong việc chia tài sản chung của vợ, chồng.
Xuất phát từ tình hình thực tế các quan hệ hôn nhân và gia đình, đồng thời nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của vợ, chồng về vấn đề tài sản, Luật HN&GĐ quuy định các trường hợp chia tài sản chung của vợ, chồng, đó là chia tài sản chung của trong thời kỳ hôn nhân, chia tài sản chung vủa vợ, chồng khi vợ, chồng chết và chia tài sản chung của vợ, chồng khi vợ, chồng ly hôn. Chia tài sản chung của vợ, chồng khi hôn nhân còn tồn tại là quy định mới của Luật HN&GĐ năm 1986 và năm 2000 so với Luật HN&GĐ năm 1959. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là trường hợp chia tài sản đặc biệt và pháp luật chỉ cho phép chia tài sản chung của vợ, chồng khi hôn nhân tồn tại trong trường hợp thật sự cần thiết vì lợi ích của gia đình, của các đương sự hoặc của người thứ ba. Luật HN&GĐ năm 2000 không quy định phương thức chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân mà chỉ quy định “vợ, chồng có thể tự thỏa thuận chia tài sản chung”. Trong trường hợp “không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết”…
b. Tài sản riêng của vợ, chồng
Điều 32 Luật HN&GĐ quy định: “1.Vợ, chồng có quyền có tài sản riêng.
Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng cho vợ. chồng theo quy định tại quy định tại khoản 1 Điều 29 và Điều 30 của Luật này; đồ dùng, tư trang cá nhân.
2. Vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung”.
Luật HN&GĐ năm 1986 (Điều 16) cũng như Luật HN&GĐ năm 2000 đều quy định vợ, chồng có quyền có tài sản riêng và đồng thời quy định vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung. Do vậy việc quy định vợ, chồng có tài sản riêng không làm ảnh hưởng tới tính chất của quan hệ hôn nhân và cũng không làm ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình. Việc vợ, chồng nhập tài sản là nhà ở, quyền sử dụng đất và các tài sản khác có giá trị lớn thuộc sở hữu riêng vào khối tài sản chung của vợ, chồng phải được lập thành văn bản, có chữ ký của cả vợ, chồng. Văn bản đó có thể được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật. Việc nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ, chồng nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thì vô hiệu.
Tài sản riêng của vợ, chồng thì vợ hoặc chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt độc lập không phụ thuộc vào ý chí của người kia. Trong trường hợp vì lý do công tác hoặc bệnh tật mà vợ, chồng không thể trực tiếp quản lý được cũng không thể ủy quyền cho người khác quản lý thì người kia quản tài sản đó.
Người có tài sản riêng phải chứng minh được đó là tài sản riêng của mình. Việc chứng minh có thể được thực hiện bằng sự công nhận của bên kia , bằng các giấy tờ như văn tự , di chúc hoặc chứng cứ khác…Nếu người có tài sản không chứng minh được là tài sản riêng của mình thì tài sản đó là tài sản chung của vợ, chồng. Tài sản riêng của vợ, chồng dùng để thanh toán những nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người. Điều này bảo đảm cho vợ, chồng thực hiện các nghĩa vụ về tài sản độc lập, bảo vệ quyền lợi của người thứ ba là người có quyền.
Như vậy, Luật HN&GĐ Việt Nam đã xác định rõ chế độ tài sản của vợ, chồng gồm sở hữu của vợ, chồng đối với tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất và sở hữu của vợ, chồng đối với tài sản riêng. Đây là chế độ tài sản mà pháp luật đã quy định. Vợ, chồng không thể tự thỏa thuận để làm thay đổi chế độ tài sản của họ.
II. Những vướng mắc, bất cập và hướng hoàn thiện quy định của Luật HN&GĐ về chế độ tài sản của vợ, chồng.
1. Những vướng mắc, bất cập của Luật HHN&GĐ về chế độ tài sản của vợ, chồng
a. Tài sản chung của vợ, chồng
* Vấn đề tài sản chung của vợ, chồng
Luật HN&GĐ năm 2000 cũng như Luật HN&GĐ năm 1986 của Việt Nam thừa nhận sự tồn tại của ba khối tài sản trong thời kỳ hôn nhân của vợ, chồng: tài sản chung của vợ, chồng; tài sản riêng của vợ và tài sản riêng của chồng được nhà làm luật giành nhiều sự quan, bảo vệ.
Theo tinh thần Luật HN&GĐ năm 2000 (tại khoản 3 Điều 27) thì trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng thì nó sẽ được suy đoán là tài sản chung. Vấn đề xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng dù đã được quy định trong Luật HN&GĐ năm 2000, tuy nhiên trong thực tiễn, một khi đời sống chung giữa vợ, chồng càng kéo dài thì các tài sản sẽ có xu hướng không thể tránh khỏi là lẫn lộn với nhau, đặc biệt khi vợ, chồng xác lập nhiều các giao dịch liên quan đến tài sản. Do đó, không phải lúc nào nguồn gốc của tài sản cũng có thể xác định được theo các quy định về việc xác định tài sản chung và tài sản riêng. Quy định về tài sản chung mà nhà làm luật đặt ra trong khoản 3 Điều 27 có ý nghĩa như một nguyên tắc suy đoán có tính chất định hướng trong việc giải quyết các tranh chấp giữa vợ, chồng với nhau về tranh chấp tài sản. Tuy nhiên, với tư cách là một nguyên tắc suy đoán, tác dụng của nguyên tắc này chỉ dừng lại ở chỗ thiết lập một sự suy đoán, không có ý nghĩa khẳng định chắc chắn tất cả tài sản trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung của vợ, chồng. Mặt khác, nguyên tắc này còn có ý nghĩa như một trở ngại không những đối với vợ, chồng trong việc chứng minh tài sản là của riêng, mà còn trở ngại đối với người thứ ba, cụ thể là các chủ nợ riêng của vợ, chồng (các chủ nợ chỉ được đảm bảo thanh toán bằng tài sản riêng) trong việc yêu cầu kê biên tài sản riêng. Các chủ nợ riêng này muốn kê biên tài sản riêng của vợ, chồng mắc nợ, buộc phải chứng minh tài sản mà họ yêu cầu kê biên là tài sản riêng của người mắc nợ.
Như vậy chúng ta thấy vấn đề xác định tài sản chung của vợ, chồng tại Điều 27 Luật HN&GĐ Việt Nam mang tính chất như một nguyên tắc suy đoán tài sản chung, nhưng việc suy đoán tài sản chung ở đây lại chỉ được ghi nhận một cách đơn giản, sẽ dẫn đến sự mơ hồ, khó khăn cho các bên (vợ, chồng và thậm chí cả Tòa án) khi giải quyết về vấn đề chia tài sản chung.
Luật HNGĐ năm 2000 đã khắc phục được phần nào vướng mắc, phức tạp trong vấn đề xác định, phân chia tài sản của vợ, chồng. Khoản 2 Điều 27 quy định: “Trong trường hợp thuộc sỡ hữu chung của vợ, chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sỡ hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sỡ hữu phải ghi tên của vợ, chồng”. Đây là quy định mới khẳng định sự bình đẳng giữa vợ và chồng trong quan hệ về tài sản, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo vệ quyền sở hữu của hai bên vợ, chồng. Qua đó có thể tránh được những tranh chấp phát sinh về quyền tài sản giữa vợ, chồng, đồng thời tạo cơ sở để tòa án giải quyết một cách đúng đắn việc phân chia tài sản, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của phụ nữ. Tuy nhiên, việc áp dụng trên thực tiễn các quy định của pháp luật về chứng minh nguồn gốc của tài sản là tài sản chung hay tài sản riêng cũng hết sức khó khăn, phức tạp.
Thứ nhất, theo nghị quyết số 02/2000, “Trong trường hợp tài sản do vợ, chồng có được trong thời kỳ hôn nhân mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sỡ hữu, nhưng trong giấy chứng nhận quyền sỡ hữu chỉ ghi tên của vợ, chồng, nếu không có tranh chấp thì đó là tài sản chung của vợ, chồng; nếu có tranh chấp là tài sản riêng thì người có tên trong giấy chững nhận quyền sỡ hữu phải chứng minh được tài sản này do được thừa kế riêng, được tặng riêng trong thời kì hôn nhân hoặc tài sản này có được từ nguồn tài sản riêng quy định tại khoản 1 Điều 32” (điểm 3.b). Điều này nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên trong quan hệ hôn nhân vì “thực tiễn cho thấy chỉ có tài sản rất lớn, rất quan trọng đối với đời sống gia đình thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu mới ghi tên của cả vợ, chồng”. Đến nghị định số 70/2001 NĐ-CP ngày 3/10/2001 của chính phủ thi hành Luật HN&GĐ năm 2000 quy định: không buộc vợ, chồng phải đăng kí lại những tài sản chung đã đứng tên một người trước đó (trước ngày Nghị định có hiệu lực); nếu có tranh chấp bên nào đó có tài sản thuộc sở hữu riêng của mình, thì có nghĩa vụ chứng minh (khoản 3 điều 5). Các tài sản thuộc sở hữu chung của vợ, chồng khi đăng ký quyền sở hữu phải ghi tên của vợ, chồng theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật HN&GĐ năm 2000 bao gồm: nhà ở, quyền sử dụng đất và những tài sản khác mà pháp luật buộc phải đăng ký quyền sở hữu (khoản 1 Điều 5),và việc đăng ký các tài sản thuộc sỡ hữu chung của vợ, chồng được thực hiện từ ngày Nghị định này có hiệu lực. Như vậy các quy định hiện nay thể hiện giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, giấy đăng ký tài sản hay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là bằng chứng có giá trị pháp lý cao nhất trong việc chứng minh tài sản của vợ, chồng là tài sản chung hay tài sản riêng của một trong hai bên. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, các quy định của Nghị định số 70/2001 vẫn chưa được áp dụng một cách đồng bộ và hiệu quả trong việc ghi tên chung cho các giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản chung, việc đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản chung. Điều này cho thấy, giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam chưa được xem là loại bằng chứng có giá trị pháp lý cao nhất để chứng minh việc tài sản tranh chấp là tài sản chung hay tài sản riêng của vợ,chồng. Do vậy, trong việc chứng minh nguồn gốc tài sản chung, các thẩm phán thường phải chấp nhận một cách rộng rãi tất cả các loại bằng chứng có thể có một cách hợp pháp. Điều này đã tạo ra cho các bên vợ, chồng nhiều thuận lợi trong việc bảo vệ quyền lợi của mình, đặc biệt trong bối cảnh các loại tài sản có xu hướng lẫn lộn vào nhau.
Trong trường hợp có tranh chấp chung giữa vợ, chồng về tài sản chung hay riêng tồn tại trong thời kỳ hôn nhân của họ thì cần phải đưa ra những loại bằng chứng nào để chứng minh? Pháp luật HN&GĐ lại không quy định rõ. Vì vậy trong thực tiễn có nhiều loại bằng chứng đều có thể được chấp nhận, cả bằng chứng viết (các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu riêng của vợ, chồng với tài sản đang tranh chấp), lời khai của nhân chứng, hóa đơn, chứng từ…thậm chí là cả sự thừa nhận của cả bên còn lại.
Thứ hai, theo khoản 1 Điều 5 nghị định số 70/2001 thì tài sản thuộc sở hữu chung của vợ, chồng khi đăng kí phải ghi tên cả vợ và chồng, bao gồm: “nhà ở, quyền sử dụng đất và những tài sản khác mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu”. Hiện nay các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện quy định này đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và giấy đăng ký ô tô, xe máy ghi tên vợ, chồng, những người đã được cấp giấy chứng nhận có thể yêu cầu cấp lại giấy tờ ghi tên cả vợ và chồng. Tuy nhiên ngoài những tài sản nói trên thì “những tài sản khác” là những tài sản gì vẫn chưa được quy định rõ. Hơn nữa, trên thực tế, chúng ta cũng thấy một điều rằng không phải tài sản thuộc sở hữu chung nào của vợ, chồng cũng được ghi tên cả vợ, chồng khi đăng ký, mà có những trường hợp khi đăng ký những loại tài sản kể trên hoặc tài sản khác chỉ có tên của chồng hoặc vợ. Vậy phải chăng ở đây các nhà làm luật đã ít quan tâm đến thực tế, dẫn đến luật quy định một đàng, trên thực tế nhiều trường hợp diễn ra lại theo một đàng khác.
* Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.
Chế độ tài sản chung của vợ, chồng được quy định tại các Điều 27 và 28 Luật HN&GĐ năm 2000 là chế độ tài sản pháp định với hình thức chế độ cộng đồng tạo sản. Nghĩa là tài sản mà vợ, chồng có được trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung, trừ những tài sản theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng. Về nguyên tắc, khi hôn nhân còn tồn tại thì tài sản chung vẫn còn tồn tại. Chế độ tài sản này chỉ chấm dứt khi hôn nhân chấm dứt về mặt pháp lý. Tuy nhiên, trên thực tế vì các lý do khác nhau mà nhiều cặp vợ, chồng muốn được chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Khoản 1 Điều 29 Luật HN&GĐ năm 2000 quy đinh: “khi hôn nhân tồn tại, trong trường hợp vợ, chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ, chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung, việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản, nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết”. Như vậy, theo quy định của luật, trong trường hợp có lý do chính đáng, việc chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kì hôn nhân có thể được thực hiện thông qua thỏa thuận bằng văn bản giữa vợ và chồng, hoặc quyết định của Tòa án; còn quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng không thay đổi. Việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân dựa trên những cơ sở sau:
Thứ nhất, trong cuộc sống gia đình, nhiều cặp vợ, chồng đã có những mâu thuẫn bất hòa nhưng vẫn chưa muốn ly hôn hoặc chưa thể ly hôn vì nghĩ đến lợi ích của con cái, danh dự, uy tín của cá nhân hoặc gia đình…Việc chia tài sản được coi là biện pháp giảm bớt những xung đột của vợ, chồng trong quan hệ tài sản.
Thứ hai, quy định như vậy vừa nhằm đảm bảo quyền tự do kinh doanh của cá nhân, quyền tự chủ của vợ, chồng khi tham gia vào các quan hệ kinh tế, xã hội, vừa để tránh những hậu quả không tốt có thể xảy ra ảnh hưởng đến kinh tế chung của gia đình.
Thứ ba, quy định này cũng góp phần bảo đảm quyền lợi của người thứ ba khi tham gia giao dịch liên quan đến tài sản của vợ, chồng. Qua đó người thứ ba có thể biết được quyền sở hữu của vợ, chồng đối với tài sản để xác định phạm vi giao dịch, mức độ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ về tài sản của vợ, chồng.
Quy định về tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân là điều cần thiết, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn đời sống kinh tế, xã hội, phù hợp với ý chí, nguyện vọng vủa nhân dân. Tuy nhiên, Luật HN&GĐ năm 2000 chưa quy định cụ thể nguyên tắc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, gây khó khăn trong thực tiễn áp dụng giải quyêt các tranh chấp phát sinh. Luật cũng chưa quy định rõ về trách nhiệm của vợ, chồng đối với các tài sản được sử dụng vào mục đích chung của gia đình sau khi hai bên đã chia tài sản chung. Bên cạnh đó, Luật HN&GĐ năm 2000 quy định các trường hợp chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân mà không có lý do chính đáng thì bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu. Tuy nhiên, luật lại chưa đề cập ai là người có quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân trong trường hợp thỏa thuận đó vi phạm các điều kiện quy định tại Điều 29 Luật HN&GĐ hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống gia đình, đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên hoặc con đã thành niên mất năng lực hanh vi dân sự, không có khả năng lao động, không có thu nhập, không có tài sản để tự nuôi mình. Khi chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân hoặc khôi phục chế độ tài sản chung của vợ, chồng pháp luật lại không quy định cần phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, vì vấn đề này liên quan trực tiếp đến quyền lợi của những người khác khi kí kết các hợp đồng liên quan đến tài sản vợ, chồng và lợi ích của gia đình.Tất cả những vấn đề này cần được quy định trong luật.
Mặt khác, chúng ta thấy ở Khoản 1 Điều 29 này quy định về điều kiện chia tài sản chung đó là vợ, chồng chỉ có thể chia tài sản chung khi có lý do chính đáng như đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng…tuy nhiên khi vợ, chồng tự thỏa thuận chia tài sản chung thì không có cơ chế nào được Luật nêu ra để kiểm soát được lý do chia tài sản chung của vợ, chồng là có chính đáng hay không, mà chỉ có quy định về sự vô hiệu của bản thỏa thuận chia khi nó được lập ra nhằm để trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ về tài sản.
Về cách thức chia, khác với cách thức chia tài sản chung trong trường hợp vợ, chồng hoàn toàn tự do thỏa thuận về cách thức chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, thậm chí không có quy định nào không cho phép vợ, chồng chia toàn bộ tài sản chung cho một người, hay chỉ chia một phần tài sản riêng còn khối tài sản còn lại vẫn là tài sản chung. Việc cho phép vợ, chồng tự thỏa thuận về cách thức chia có thể tạo kẻ hỡ cho việc lách luật trốn thuế hoặc dẫn đến việc vợ, chồng chia toàn bộ tài sản khiến cho không bất cứ tài sản chung nào trong khi tiêu dùng cho gia đình lại là tiêu dùng chung. Ví dụ: Chị A và anh B là vợ, chồng, có tài sản chung là ngôi nhà, khi bán cho em trai của em rể của A thì vợ, chồng sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân, nhưng nếu A và B thỏa thuận chia tài sản riêng rồi A tặng cho em gái, em gái lại chia cho em rể, em rể lại tặng cho em trai của em rể thì sẽ không ai phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
Về hậu quả pháp lí của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân (là sự thay đổi của các khối tài sản), thì theo quy định của Điều 30 Luật HN&GĐ thì hậu quả của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là “hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia thuộc sỡ hữu riêng của mỗi người, phần còn lại không chia vẫn thuộc sở hữu chung của vợ, chồng”. Như vậy, quyền sỡ hữu tài sản riêng của vợ, chồng được mở rộng phạm vi đó là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng sẽ thuộc sỡ hữu riêng của vợ, chồng , phần tài sản chung chưa chia vẫn thuộc sỡ hữu chung của vợ, chồng. Nghị định 70 hướng dẫn chi tiết Luật HN&GĐ đã quy định thêm về hậu quả chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân như sau:
“Thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng trừ trường hợp vợ, chồng có thỏa thuận khác” (Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP, 3/10/2001).
Tuy nhiên, quy định trên thực tế đã làm thay đổi chế độ tài sản vợ, chồng. Theo quy định này thì chỉ có những tài sản được tặng cho, thừa kế chung, tài sản vợ, chồng thỏa thuận là tài sản chung và những hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản chung mới thuộc khối tài sản chung, còn những tài sản là thu nhập hợp pháp của vợ, chồng như lương, tài sản mà một người tạo ra trong thời kỳ hôn nhân thuộc khối tài sản riêng của vợ, chồng…do đó nếu như vợ, chồng quyết định chia tất cả tài sản chung thì khối tài sản chung sẽ gần như không còn có thể tồn tại nếu không có tài sản thừa kế chung, tặng cho chung hay vợ, chồng không khôi phục lại chế độ tài sản chung. Có ý kiến cho rằng quy định này thực chất đã là chấp nhận chế độ biệt sản của vợ, chồng (TS. Nguyên Văn Cừ, Chế độ tài sản vợ, chồng theo pháp Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam, tr.253), có ý kiến cho rằng quy định này là trái luật và phải bị vô hiệu hóa (TS. Nguyễn Ngọc Điện, Một số vấn đề lý luận và các phương pháp phân tích luật viết, NXB Tư pháp 2006, tr.123).
Việc pháp luật HN&GĐ chỉ công nhận vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng có quyền yêu cầu Toà án chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, quyền khởi kiện của người thứ ba trong trường hợp này không được thừa nhận (Điều 29 Luật HN&GĐ năm 2000), là hoàn toàn phù hợp về mặt nguyên tắc. Tuy nhiên, nếu áp dụng qui định này vào thực tiễn vẫn còn vấn đề bất cập cần phải có sự vận dụng linh hoạt hơn. Theo luật hiện hành, khi vợ, chồng có nghĩa vụ tài sản riêng thì nghĩa vụ tài sản đó được thực hiện bằng tài sản riêng của họ, tài sản chung của vợ chồng không sử dụng cho việc thanh toán các khoản nợ này trừ khi vợ chồng có thoả thuận (Điều 33 Luật HN&GĐ năm 2000). Vấn đề đặt ra là, rất có thể người có nghĩa vụ tài sản không có hoặc không đủ tài sản riêng để thanh toán các khoản nợ và vợ chồng đã không có thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án chia tài sản chung để trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản. Trong trường hợp này, nếu không thừa nhận quyền yêu cầu của người có quyền (chủ nợ) về chia tài sản chung của vợ chồng để lấy phần tài sản của người có nghĩa vụ thanh toán nợ, thì quyền lợi của họ được đảm bảo như thế nào? Luật cũng chưa quy định rõ.
* Chia tài sản chung khi một bên vợ, chồng chết trước,
Cũng như việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, Luật HN&GĐ năm 2000 chưa có quy định cụ thể về nguyên tắc chia tài sản chung khi một bên vợ, chồng chết. Nghĩa là, trường hợp vợ, chồng bị Tòa án tuyên bố chết mà sau đó lại trở về (Điều 26 Luật HN&GĐ năm 2000; Điều 93 bộ Luật Dân sự), pháp luật mới chỉ dự liệu quan hệ hôn nhân được khôi phục (nếu người chồng người vợ khi chưa kết hôn với người khác); còn vấn đề tài sản chung của vợ, chồng xác định như thế nào thì pháp luật còn chưa quy định. Đây là một thiếu sót của Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000, nó hạn chế hơn so với Luật HN&GĐ năm 1986 ở điểm này.
* Về nguyên tắc chia đôi tài sản chung của vợ, chồng: Khác với Luật HN&GĐ năm1986; tại các Điều 29, Điều 30, Điều 31, Điều 95 của Luật HN&GĐ năm 2000 chỉ quy định nguyên tắc chia đôi tài sản chung của vợ, chồng khi ly hôn, Luật không dự liệu nguyên tắc chia đôi tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân hoặc khi một bên vợ, chồng chết trước. Đây cũng là một điểm còn thiếu sót của Luật…
b. Tài sản riêng của vợ, chồng
Tài sản là đồ dùng, tư trang cá nhân được ghi nhận là tài dản riêng của vợ, chồng (khoản 1 Điều 32 Luật HN&GĐ). Đây là quy định phù hợp với thực tế cuộc sống, bởi mọi cá nhân trong xã hội đề cần có sự độc lập về những đồ dùng thiết yếu phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày hoặc phục vụ cho nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên việc quy định đò dùng, tư trang cá nhân là tài sản riêng mà không giải thích cụ thể sẽ có nhiều quan điểm khác nhau về loại tài sản này. Với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội, đời sống của vợ, chồng không ngừng được nâng cao, đồ dùng tư trang cá nhân trở nên rất đa dạng, phong phú về hình thức, giá trị. Với thói quen của người Việt Nam, thường chuyển những thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc các thu nhập hợp pháp khác thành các tư trang cá nhân là các đồ trang sức để tích lũy thì nhiều đồ dùng, tư trang cá nhân sẽ có giá trị rất lớn. Nếu xác định đó là tài sản riêng của vợ, chồng thì sẽ ảnh hưởng đến lợi ích chung của gia đình, của người có đồ dùng, tư trang cá nhân đó. Vì vậy, vấn đề này cần được quy định cụ thể hơn.
Theo Khoản 3 Điều 33, nghĩa vụ riêng về tài sản riêng của mỗi bên vợ, chồng được thanh toán từ tài sản riêng của người có nghĩa vụ. Tuy nhiên, quy định này còn quá chung chung, chưa có căn cứ cụ thể để xác định loại nghĩa vụ tài sản này. Nếu Luật không quy định cụ thể thì sẽ dẫn đến khó khăn cho cả vợ, chồng xảy ra tranh chấp và cả Tòa án khi xét xử…
II. Hướng hoàn thiện
Thực tiễn xét xử các vụ án hôn nhân gia đình cho thấy vấn đề xác định và phân chia tài sản của vợ, chồng là một trong những vấn đề quan trọng và phức tạp. Để phân chia được, Tòa án phải xác định được đâu là tài sản chung của vợ, chồng, đâu là tài sản riêng của mỗi người và đâu là tài sản của người thứ ba mà vợ, chồng đang quản lý. Chế định tài sản giữa vợ và chồng cần phải được hoàn thiện ở một số quy định sau:
3. Tài sản chung của vợ, chồng
Thứ nhất, về hình thức thỏa thuận chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân (có thể) do vợ, chồng tự thỏa thuận với nhau nhưng dứt khoát phải được Tòa án công nhận hoặc phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật, nhằm hạn chế tối đa hành vi của vợ, chồng lợi dụng việc chia tài sản chung để tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ đối với tài sản khác. Quy định này nhằm kiểm soát chặt chẽ các trường hợp chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân. Bên cạnh đó, những lý do chính đáng để vợ, chồng chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là bao gồm những lý do nào, cũng cần được xác định rõ ràng trong luật.
Thứ hai, về hậu quả pháp lí: Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân có làm chấm dứt chế độ tài sản vợ, chồng hay không vẫn còn là một vấn đề gây tranh luận. Bởi lẽ các quy định về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân không thể trả lời cho câu hỏi này, hơn nữa các quy định về hậu quả của chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân trong Nghị định 70 lại cho rằng mâu thuẫn với Luật HN&GĐ. Kiến nghị ở đây là chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân không làm chấm dứt quan hệ vợ, chồng trước pháp luật. Có trường hợp vợ, chồng tự thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung. Có trường hợp sau khi đã chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân, vợ, chồng vẫn cùng sống chung hoặc đã ở riêng. Luật cần dự liệu về nghĩa vụ của vợ, chồng đối với nhau, đối với con chung và nghĩa vụ đóng góp tài sản chung nhằm bảo đảm đời sống chung của gia đình. Mặt khác, luật cần dự liệu trường hợp sau khi đã chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân, một thời gian sau vợ, chồng mới có yêu cầu ly hôn hoặc một bên vợ, chồng chết trước, những tài sản nào thuộc khối tài sản chung của vợ, chồng thì mới chia (Điều 95, Điều 31 Luật HN&GĐ năm 2000).
Thứ ba, Luật HN&GĐ cần quy định: Khi chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân hoặc khôi phục chế độ tài sản chung của vợ, chồng cần phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Việc chia tài sản chung hoặc khôi phục chế độ tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân phải được ghi chú bên lề giấy chứng nhận kết hôn và giấy khai sinh của vợ, chồng. Bởi như đã nêu ở phần hạn chế, vấn đề này liên quan trực tiếp đến quyền lợi của những người khác khi kí kết các hợp đồng liên quan đến tài sản vợ, chồng và lợi ích của gia đình…
Thỏa thuận về tài sản của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân với những quy định chặt chẽ hơn là một giải pháp cần thiết và phù hợp với thời điểm hiện nay.
Thứ tư, bởi Luật HN&GĐ không quy định gì về các loại bằng chứng được sử dụng để chứng minh trong tranh chấp tài sản giữa vợ và chồng và như quy định tại Điều 27 Luật HN&GĐ Việt Nam mang tính chất như một nguyên tắc suy đoán còn rất đơn giản về tài sản chung nên trong thực tiễn tất cả các loại bằng chứng đều có thể được chấp nhận. Để bảo vệ được tốt hơn quyền của quyền của chủ sở hữu tài sản riêng đồng thời làm đơn giản hóa việc tìm các chứng cứ chứng minh trong tranh chấp, pháp luật HN&GĐ Việt Nam có thể tham khảo thêm trong luật dân sự Pháp như sau: “mọi tài sản, dù là động sản hay bất động sản, đều được coi là tài sản chung của vợ, chồng, nếu không chứng minh được đó là tài sản riêng của vợ hoặc của chồng theo quy định của pháp luật”, “nếu không có chứng cứ hoặc dấu vết về nguồn gốc của tài sản thì khi có tranh chấp, quyền sở hữu riêng của vợ, chồng phải được chứng minh bằng văn bản. Trong trường hợp không có bản kiểm kê tài sản thì khi có tranh chấp, quyền sở hữu riêng của vợ, chồng phải được chứng minh bằng văn bản. Trường hợp không có kiểm kê tài sản hoặc không có chứng cứ nào được xác lập từ trước, thẩm phán có thể xem xét mọi loại giấy tờ, đặc biệt là các loại giấy tờ, sổ sách của gia đình cũng như các loại tài liệu của ngân hàng và các hóa đơn thanh toán. Thẩm phán cũng có thể chấp nhậ lời khai của nhân chứng hoặc suy đoán nếu nhận thấy vợ, chồng không có khả năng cung cấp chứng cứ bằng văn bản” (Điều 1402). Có thể thấy, các loại bắng chứng chứng minh trong luật Dân sự Pháp được liệt kê tương đối cụ thể, trong đó giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản có giá trị pháp lý cao nhất trong thủ tục chứng minh nguồn gốc của tài sản.
Đối với việc đăng ký tài sản chung, Luật cũng cần quy định cụ thể “những tài sản khác” cần đăng ký tên cả hai vợ, chồng là những loại tài sản nào để có sự áp dụng thống nhất trong thực tiễn thi hành. Và trên thực tế, không hiếm trường hợp tài sản đăng ký chỉ có tên vợ hoặc chồng, vậy ở đây Luật cũng cần phải có một cơ chế rõ ràng về việc hạn chế giá trị pháp lý của loại bằng chứng chứng minh tài sản riêng là giấy đăng ký tài sản chỉ có ghi tên vợ hoặc chồng này, tránh tình trạng cho rằng tài sản có tên đăng ký của ai thì đó là tài sản của riêng người đó.
Thứ năm: Về việc xảy ra mâu thuẫn giữa Luật và Nghị định 70 của chính phủ về hậu quả pháp lí của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, về căn bản, qui định về thỏa thuận chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân đã làm thay đổi một phần căn cứ xác lập tài sản của vợ, chồng mà không kéo theo sự thay đổi về quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng một cách phù hợp. Theo quy định về thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, chế độ biệt sản có thể được xác lập mà khi đó không hề có một quy định nào bảo vệ lợi ích chung của gia đình ngoại trừ quy định về trách nhiệm liên đới về trách nhiệm của vợ, chồng với các loại giao dịch do một bên thưc hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiêt yêu của gia đình song các nhu cầu cần thiết không phải lúc nào cũng được xem là thiết yếu, kiến nghị ở đây pháp luật cần quy định thêm hệ quả về quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng khi căn cứ xác lập tài sản của vợ, chồng đã bị thay đổi.
Thứ sáu, theo quy định, vợ, chồng có thể yêu cầu Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân nếu không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được. Tuy nhiên Luật HN&GĐ chưa quy định cụ thể nguyên tắc chia tài sản chung trong trường hợp này, gây khó khăn trong thực tiễn áp dụng giải quyết các tranh chấp phát sinh. Quay trở lại với điều 18 Luật HN&GĐ năm 1986 thì: “khi hôn nhân còn tồn tại, nếu một bên yêu cầu và có lý do chính đáng, thì có thể chia tài sản chung của vợ, chồng theo quy định tại Điều 42 (nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn) của Luật này. Vì vậy, trên cơ sở kế thừa quy định của Luật HN&GĐ năm 1986 thì khi chia tài sản chung, Toà án cần căn cứ vào lý do, mục đích chia tài sản chung để quyết định phạm vi tài sản chung được chia. Việc chia tài sản chung căn cứ vào các nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn qui định tại Điều 95 của Luật HN&GĐ; nếu tài sản là nhà ở và quyền sử dụng đất thì áp dụng các qui định tại các điều 97, 98 và 99 của Luật HN&GĐ.
Thứ bảy, việc chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân theo quy định của pháp luật không làm thay đổi quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng và quan hệ giữa cha mẹ và con. Tuy nhiên, luật chưa quy định rõ về trách nhiệm của vợ, chồng đối với các tài sản được sử dụng vào mục đích chung của gia đình sau khi hai bên đã chia tài sản chung. Do đó luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm của vợ, chồng đối với tài sản chi tiêu trong gia đình dựa trên cơ sở thỏa thuận của vợ, chồng bằng văn bản, nếu không thỏa thuận được thì hai bên có thể yêu cầu Tòa án giải quyết, trên cơ sở nhu cầu thực tiễn của gia đình và khả năng kinh tế của các bên.
Sự độc lập về tài sản sau khi chia có thể dẫn đến các bên lẫn tránh trách nhiệm đối với gia đình, với việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên hoặc con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động, không có thu nhập, không có tài sản để tự nuôi mình. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp giữa các con, Luật nên quy định rõ: Việc giải quyết tranh chấp liên quan đến con áp dụng tương tự quy định về quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con khi ly hôn. Trường hợp vợ, chồng thỏa thuận hoặc đã yêu cầu Tòa án chia hết tài sản chung thì vợ, chồng vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng và có lý do chính đáng.
Thứ tám, trong trường hợp nếu không thừa nhận quyền yêu cầu của người có quyền (chủ nợ) về chia tài sản chung của vợ chồng để lấy phần tài sản của người có nghĩa vụ thanh toán nợ và điều này khiến quyền lợi của họ không được đảm bảo,do đó pháp luật có thể qui định rõ: Trong trường hợp người có quyền có đủchứng cứ cho rằng, vợ chồng không có thoả thuận hoặc không yêu cầu Tòa án chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản, thì người có quyền có thể yêu cầu Toà án chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân để lấy phần tài sản của người vợ hoặc người chồng có nghĩa vụ thực hiện thanh toán các khoản nợ. Yêu cầu của người có quyền sẽ không được Toà án công nhận, nếu việc chia tài sản chung ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích gia đình của người có nghĩa vụ hoặc bản thân vợ, chồng có nghĩa vụ có đủ tài sản riêng để thanh toán các khoản nợ.
Thứ chín, đối với việc chia tài sản chung khi một bên vợ, chồng chết trước, Luật HN&GĐ có thể quy định trên cơ sở kế thừa Điều 17 Luật HN&GĐ năm 1986: “Khi một bên chết trước, nếu cần chia tài sản chung của vợ, chồng thì chia đôi. Phần tài sản của người chết chia theo quy định của pháp luật về thừa kế”. Đồng thời, ở đây, việc Luật cho“đương nhiên” phục hồi quan hệ hôn nhân khi Tòa án phán quyết tuyên bố vợ, chồng chết đã có hiệu lực pháp luật mà vì một lý do nào đó mà người vợ, chồng bị tuyên bố chết trở về cũng không hợp lý. Mà ở đây, nếu vợ, chồng muốn tái hợp chung sống với nhau thì họ phải đăng ký kết hôn theo thủ tục chung; tức là sẽ phát sinh qua hệ hôn nhân mới, thời kỳ hôn nhân mới, dù chủ thể vẫn là vợ, chồng đó; và chế độ tài sản mới giữa vợ, chồng được phát sinh theo luật định, áp dụng trong thời kỳ hôn nhân mới này; chỉ có như thế mới đảm bảo tính hiệu lực của phán quyết của Tòa án, thể hiện đúng tinh thần của luật.
Thứ mười, Việc Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000 chỉ quy định nguyên tắc chia đôi tài sản chung của vợ, chồng khi ly hôn mà đã không dự liệu nguyên tắc chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân hoặc khi một bên vợ, chồng chết trước thì kiến nghị ở đây là: để có quan điểm thống nhất khi áp dụng, Luật HN&GĐ năm 2000 cần dự kiệu cụ thể nguyên tắc chia đôi tài sản chung của vợ, chồng trong cả ba trường hợp chia tài sản chung của vợ, chồng theo luật định. Nguyên tắc này xuất phát từ đặc điểm của sở hữu chung hợp nhất, tài sản chung của vợ, chồng được tạo dựng không phụ thuộc bởi công sức, mức thu nhập cao, thấp, nhiều, ít khác nhau giữa vợ, chồng và nguyên tắc bình đẳng khi thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản chung, trong đó tỷ lệ phần quyền sở hữu của vợ, chồng đối với tài sản chung luôn được tính là bằng nhau.
3. Tài sản riêng của vợ, chồng
Tài sản là đồ dùng tư trang cá nhân được ghi nhận là tài sản riêng của vợ, chồng (khoản 1 Điều 32 Luật HN&GĐ). Tuy nhiên, việc quy định đồ dùng tư trang cá nhân là tài sản riêng mà không giải thích cụ thể sẽ có nhiều quan điểm khác nhau về loại tài sản này. Vì vậy, khi xác định là tài sản riêng cần xem xét nguồn gốc và giá trị của đồ dùng, tư trang cá nhân đó so với giá trị của khối tài sản chung và thu nhập của vợ, chồng. Nếu giá trị đó khá lớn và tài sản được sử dụng với mục đích chung của gia đình thì không nên coi đó là tài sản riêng. Do đó, Luật cần quy định cụ thể nguồn gốc tài sản là đồ dùng tư trang cá nhân bao gồm những gì thuộc tài sản riêng của vợ, chồng. Vậy, ở đây chúng ta có thể hiểu: đồ dùng tư trang cá nhân là tài sản riêng với nguồn gốc phát sinh từ tài sản chung hay tài sản riêng của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân, phục vụ trực tiếp cho công việc, nghề nghiệp, nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của cá nhân vợ, chồng; mặt khác khi có tranh chấp về loại tài sản này, theo từng trường hợp cụ thể mà xem xét đồ dùng, tư trang cá nhân có nguồn gốc và giá trị như thế nào so với khối tài sản chung của vợ, chồng và mức thu nhập thực tế của vợ, chồng để xác định chính xác và hợp lý tài sản riêng của vợ, chồng.
Đối với những đồ nữ trang mà cha mẹ cho con trong ngày cưới (các loại đồ trang sức có giá trị như vàng, bạc, đá quí…) thì cần được xác định theo nguyên tắc : nếu cha mẹ tuyên bố cho riêng thì cũng được coi là tài sản riêng của vợ, chồng; nếu cha mẹ tuyên bố cho chung cả hai vợ, chồng thì đó là tài sản chung. Nếu giữa vợ, chồng có tranh chấp thì chia cho người đang sử dụng những đồ trang sức đó . Quy định này là cần thiết và bảo đảm được tính nhất quán khi Tòa án giải quyết các tranh chấp về tài sản là những đồ nữ trang mà cha mẹ tuyên bố cho con trong ngày cưới.
Việc quy định một cách chung chung tại Khoản 3 Điều 33 (rằng: nghĩa vụ về tài sản của mỗi bên vợ, chồng được thanh toán từ tài sản riêng của người có nghĩa vụ), Luật có thể xác định một cách cụ thể hơn nghĩa vụ về tài sản của vợ, chồng bao gồm các nghĩa vụ như: nghĩa vụ trả các khoản nợ mà vợ, chồng đã vay của người khác từ trước khi kết hôn mà không vì nhu cầu đời sống chung của gia đình; nghĩa vụ trả các khoản nợ mà vợ, chồng đã vay của người khác trong thời kỳ hôn nhân sử dụng vào mục đích riêng, không đáp ứng nhu cầu thiết yếu và lợi ích chung của gia đình; nghĩa vụ trả các khoản nợ phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp phát sinh khi vợ, chồng đã tiến hành khai thác các hoa lợi, lợi tức đó vẫ thuộc tài sản riêng của vợ, chồng; nghĩa vụ bồi thường khoản tiền cấp dưỡng mà vợ, chồng là người được quản lý nhưng đã làm tiêu tán hoặc sử dụng không đúng mục đích…
3. Vấn đề hôn ước
Pháp luật của các nước phương Tây khi điều chỉnh tranh chấp về tài sản giữa vợ và chồng cho phép áp dụng hôn ước. Hôn ước có thể hiểu là sự thỏa thuận giữa vợ và chồng về việc lựa chọn chế độ quản lý và thanh toán tài sản trong gia đình để áp dụng trong suốt thời kỳ hôn nhân của họ. Hôn ước có thể được các bên lập ra trong thời kỳ trước khi tiến hành kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân. Nội dung hôn ước thường đề cập tới các vấn đề về tài sản và nhân thân phi tài sản giữa các bên.
Ở Việt Nam, trong giai đoạn đất nước bi chia cắt, ba đạo luật đã được lần lượt ban hành ở miền Nam để điều chỉnh các quan hệ dân sự, gia đình, đó là Luật gia đình (2/1/1959), Luật 15/64 (23/7/1964) và Bộ dân luật (20/12/1972). Cả ba đạo luật này đều thừa nhận quyền tự do lập hôn ước của vợ, chồng và chế độ tài sản chung theo luật định chỉ được áp dụng khi vợ, chồng không lập hôn ước. Bộ dân luật năm 1972 quy định: “Vợ, chồng có thể tự do lập hôn ước tùy ý muốn, miễn không trái với trật tự công cộng và thuần phong mỹ tục”. (Điều 145), “Luật pháp chỉ quy định chế độ phu phụ tài sản khi vợ, chồng không lập hôn ước” (Điều 144).
Luật HN&GĐ năm 1986 và Luật HN&GĐ năm 2000 đều chỉ tập trung quy định về một chế độ tài sản pháp định, vấn đề hôn ước không được đặt ra. Do đó, việc giải quyết quan hệ tài sản giữa vợ và chồng phải căn cứ vào quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Nghị định số 70/2001 quy định về trường hợp xảy ra sự kiện chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân thì: “Thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ, chồng có thỏa thuận khác” (khoản 2 Điều 8). Các quy định tại điều 9 và 10 về “khôi phục chế độ tài sản chung của vợ, chồng” đòi hỏi vợ, chồng đã chia tài sản chung mà sau đó muốn khôi phục lại chế độ tài sản chung thì phải lập thành văn bản có người làm chứng hoặc được công chứng, chứng thực. Kể từ ngày văn bản thỏa thuận khôi phục chế độ tài sản chung có hiệu lực, việc xác định phần tài sản thuộc sở hữu riêng của mỗi bên, phần tài sản thuộc sở hữu chung căn cứ vào sự thỏa thuận của vợ, chồng. Như đã đề cập ở phần chia tài tài sản trong thời kỳ hôn nhân, đã có quan điểm cho rằng các quy định này mâu thuẫn với điều 27 Luật HN&GĐ năm 2000, việc vợ, chồng có quyền chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, đồng thời có quyền khôi phục chế độ tài sản chung mà không cần có sự xem xét của Tòa án đã đưa Điều 27 Luật HN&GĐ năm 2000 trở thành hình thức, chế độ tài sản pháp định không đảm bảo đúng bản chất pháp lý của nhà làm luật đề ra.
Nội dung của nghị định số 70 đã tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các tranh chấp quan hệ tài sản trong ly hôn và đời sống hôn nhân, tuy nhiên còn có chỗ vẫn chưa rõ ràng. Bởi vậy, nếu các bên trong quan hệ hôn nhân thỏa thuận xác lập hôn ước sẽ giảm bớt một phần việc cho các cơ quan nhà nước trong việc làm thủ tục cho việc xác nhận tài sản cho các bên. Do đó, pháp luật về HN&GĐ của nước ta cần xem xét tới vấn đề này.
Có thể thấy, quy định tại Nghị định số 70 thực chất đã tạo ra một sự mềm dẻo trong việc thừa nhận chế độ hôn sản theo thỏa thuận của vợ, chồng trong những trường hợp cần thiết. Nếu sau khi chia hết tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, vợ, chồng vẫn có thể thực hiện một chế độ tách riêng tài sản . Việc thiết lập những quy định về hôn ước trong luật HN&GĐ có thể dựa trên những cơ sở sau đây:
Quyền tài sản của vợ, chồng là quyền gắn với nhân thân vợ, chồng. Vì vậy nên để chính họ cùng nhau thỏa thuận, quyết định lựa chọn một hình thức thực hiện hợp lý. Không nhất thiết tất cả các cặp vợ, chồng đều cần phải thực hiện một chế độ tài sản chung nhất.
Khi đời sống ngày càng phát triển, mỗi bên vợ, chồng cần có sự chủ động về tài sản để tham gia tích cực vào nền kinh tế xã hội, nếu không có quyết định nhanh nhạy sẽ bỏ lỡ cơ hội của mình.
Những người vợ, chồng làm nghề kinh doanh thường muốn tách riêng tài sản để tạo điều kiện cho họ chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh của mình, hạn chế việc đưa ra những tài sản chung của vợ, chồng vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh mang nhiều rủi ro, có thể dẫn đến nguy cơ tiêu tán tài sản của gia đình.
Do đó, pháp luật về HN&GĐ của nước ta cần xem xét tới vấn đề này theo hướng thừa nhận quyền tự do của vợ, chồng trong việc chọn chế độ tài sản áp dụng.
III. Kết luận
Những quy định về chế độ tài sản trong Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000 đã bổ sung, khắc phục được nhiều hạn chế so với Luật HN&GĐ năm 1959 và 1986; đó là cả một quá trình áp dụng pháp luật trên thực tế, quá trình nghiên cứu, phân tích đánh giá của các nhà khoa học và nhà làm luật. Tuy nhiên, với sự vận động không ngừng của cuộc sống, sự tác động của nền kinh tế thị trường ngày càng sâu tới mọi mặt của đời sống, sinh hoạt hằng ngày của các gia đình Việt Nam, đồng thời việc trù liệu hết tất cả các khả năng xảy ra trên thực tế của nhà làm luật khó có thể đạt được thì Luật HN&GĐ Việt Nam sẽ còn không ngừng được bổ sung, chỉnh sửa để phần nào theo kịp nhu cầu cần sự can thiệp của Luật đối với các quan hệ về tài sản giữa vợ chồng. Đây là một nhiệm vụ cấp bách của pháp Luật Việt Nam, đòi hỏi sự quan tâm nghiên cứu, theo giõi, đánh giá…của không chỉ các nhà làm luật mà tất cả mọi công dân có ý thức pháp luật, am hiểu về pháp luật…
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp luật hiện hành - một số vấn đề lý luận và thực tiễn.doc