Hôn nhân thực chất là một loại hợp đồng dân sự, chỉ khác với các loại hợp đồng dân sự thông thường khác ở tính chất “long trọng” trong thiết lập (việc kết hôn phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước hoặc nhà thờ có thẩm quyền theo một nghi thức đặc biệt được qui định trong pháp luật) và trong việc chấm dứt (hôn nhân chỉ chấm dứt khi có sự kiện chết, có tuyên bố của Toà án một bên vợ, chồng đã chết hoặc khi có bản án hoặc quyết của Toà án về ly hôn có hiệu pháp luật, tất cả các trường hợp chấm dứt này phải tiến hành theo những thủ tục hành chính hoặc thủ tục tố tụng tại Toà án được pháp luật qui định). Bên cạnh đó, nhà làm luật ở các nước phương Tây cũng đề cao quyền tự do cá nhân, quyền tự định đoạt đối với tài sản của vợ, chồng. Vì vậy, pháp luật cho phép trước khi kết hôn, hai bên được quyền tự do ký kết hôn ước (hay còn gọi là khế ước). Thực chất là một hợp đồng do hai bên thỏa thuận; miễn sao không trái với các quy định của pháp luật và đạo đức xã hội (trật tự công cộng). Họ muốn lựa chọn chế độ tài sản nào cũng được, pháp luật chỉ can thiệp và qui định chế độ tài sản của vợ chồng khi họ không lập hôn ước. Với quan niệm trên, tự do lập hôn ước đã trở thành một nguyên tắc và là giải pháp đầu tiên khi qui định chế độ tài sản của vợ chồng trong pháp luật về Hôn nhân và gia đình ở hầu hết các nước phương Tây.
12 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 4418 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chế độ tài sản dựa trên sự thỏa thuận của vợ chồng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC
Nội dung trang
MỞ ĐẦU
Kết hôn là một hiện tượng bình thường của đời sống xã hội. Sự kiện kết hôn đã làm phát sinh các quan hệ pháp luật giữa vợ và chồng, cụ thể là các nghĩa vụ và quyền về nhân thân và các nghĩa vụ và quyền về tài sản. Phát sinh từ thực tế của cuộc sống chung, vợ và chồng thực hiện những quan hệ về tài sản nhằm đáp ứng những nhu cầu tồn tại và phát triển của gia đình. Những quan hệ này được pháp luật hôn nhân và gia đình của mỗi nước điều chỉnh, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, truyền thống, tập quán… của quốc gia đó, gọi là chế độ tài sản của vợ chồng. Tổng hợp các qui định của pháp luật về căn cứ xác lập tài sản, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng, nguyên tắc phân chia tài sản vợ chồng là chế độ tài sản của vợ chồng. Giữa các nước khác nhau thường có những qui định khác biệt về tài sản của vợ chồng, tuy nhiên, về cơ bản tài sản của vợ chồng được xác định dựa trên hai căn cứ: Sự thoả thuận bằng văn bản của vợ chồng (chế độ tài sản ước định) và theo các qui định của pháp luật (chế độ tài sản pháp định). Trong khuôn khổ bài viết hôm nay, em xin đi sâu vào nghiên cứu về chế độ tài sản ước định với đề tài: “Hãy trình bày hiểu biết của mình về chế độ tài sản ước định”.
NỘI DUNG
I. Một số khái niệm:
1. Chế độ tài sản ước định
Chế độ tài sản ước định là chế độ tài sản của vợ chồng được xác định trên cơ sở hôn khế.
Như vậy, tài sản của vợ chồng không nhất thiết do pháp luật qui định mà do chính bản thân vợ chồng tự thoả thuận tài sản nào là tài sản chung, tài sản nào là tài sản riêng. Vợ chồng có thể thoả thuận trên cơ sở lựa chọn theo một chế độ tài sản được qui định trong pháp luật hoặc họ có thể chọn một chế độ tài sản riêng biệt, hoàn toàn độc lập với chế độ tài sản theo qui định của pháp luật.
2. Hôn khế
2.1. Định nghĩa:
Hôn khế là văn bản ghi nhận sự thỏa thuận của hai người nam nữ trước khi kết hôn về vấn đề sở hữu tài sản của họ trong thời kì hôn nhân. Văn bản này được lập trước khi hai người nam nữ kết hôn và chỉ phát sinh hiệu lực trong thời kì hôn nhân.
2.2. Đặc điểm của hôn khế:
- Chủ thể trong quan hệ do hôn khế điều chỉnh phải là vợ chồng có quan hệ hôn nhân hợp pháp (thỏa thuận do hai người nam nữ chung sống như vợ chồng lập ra không thể được gọi là hôn khế)
- Hôn khế phải do hai người nam nữ tự nguyện thỏa thuận.
- Hôn khế phải được lập trước khi kết hôn, tuy nhiên nó chỉ phát sinh hiệu lực trong thời kì hôn nhân.
- Hôn khế phải được xác nhận tính hợp pháp bởi cơ quan tư pháp, cơ quan nhà nước, hoặc cơ quan công chứng (tùy theo qui định của pháp luật từng quốc gia)
- Nội dung của hôn khế phải là sự thỏa thuận về vấn đề sở hữu tài sản của vợ chồng. Những thỏa thuận của vợ chồng về nghĩa vụ nhân thân không thể là một phần của hôn khế. Hôn khế trước hết phải qui định rõ cách thức xác định đâu là tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng.
- Trong hôn khế có thể xác định về quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng đối với nhau hay đối với bên thứ ba trong trường hợp có giao dịch với bên thứ ba.
- Hôn khế có tính ổn định cao, nên việc thay thế hủy bỏ nó là phải theo những thủ tục rất chặt chẽ.
II. Cơ sở pháp lí:
1. Chế độ tài sản ước định trong hệ thống pháp luật thế giới
Khi chưa có gia đình vấn đề sở hữu tài sản của một cá nhân khi tham gia các giao dịch không đễn nỗi quá phức tạp : tài sản mang ra giao dịch, kinh doanh là tài sản của cá nhân, hoàn toàn do các nhân tự định đoạt và chịu trách nhiệm. Khi đã kết hôn, mọi việc đã thay đổi. Tài sản sử dụng trong kinh doanh, giao dịch có thể là tài sản chung của vợ chồng, các giao dịch cá nhân tham gia có thể bị vô hiệu do chưa được sự đồng ý của người kia. Pháp luật chuyên ngành (luật doanh nghiệp, luật thương mại, luật đầu tư…) không có qui định riêng cho vấn đề này, luật Hôn nhân và gia đình qui định tương đối khái quát, nhưng tài sản vợ chồng trong hoạt động sản xuất kinh doanh là một vấn đề rất quan trọng. Dù là dưới khía cạnh lợi ích thì đây không chỉ là vấn đề lợi ích của người thứ ba tham gia giao dịch mà còn liên quan đến sự tự do định đoạt tài sản của vợ chồng, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế gia đình. Hôn khế có thể là một phần của giải pháp cho vấn đề này. Hôn khế tạo điều kiện cho vợ chồng được tự do phát triển kinh tế và tránh những tranh chấp phát sinh.
Hôn khế được áp dụng ở rất nhiều quốc gia: không chỉ là các quốc gia theo Thiên chúa giáo mà có cả các quốc gia Hồi giáo (Phi – líp – pin, I – sra – el) hay phật giáo (Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan), không chỉ các quốc gia châu Âu, châu Mĩ, châu Úc mà có cả các quốc gia châu Á (Ai cập, Sing – ga – po, Nhật Bản), châu Phi (Nam Phi, Jam – mai – ca). Trung Quốc một quốc gia có chế độ xã hội tương tự với Việt Nam tuy chưa thừa nhận hôn khế nhưng lại cho phép thỏa thuận về tài sản của vợ chồng, nó chỉ khác hôn khế ở chỗ được lập sau khi kết hôn.
1.1. Bản chất của chế độ tài sản ước định:
Xác định tài sản của vợ chồng dựa trên cơ sở hôn ước được xuất phát từ quan niệm của nhà làm luật ở các nước phương Tây. Theo quan điểm thuần túy của các nhà làm luật tư sản, hôn nhân thực chất là một hợp đồng, một khế ước do hai bên nam nữ thỏa thuận, xác lập trên nguyên tắc tự do, tự nguyện. Các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng được phát sinh và thực hiện trong thời kì hôn nhân cũng giống như các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng đó.
Hôn nhân thực chất là một loại hợp đồng dân sự, chỉ khác với các loại hợp đồng dân sự thông thường khác ở tính chất “long trọng” trong thiết lập (việc kết hôn phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước hoặc nhà thờ có thẩm quyền theo một nghi thức đặc biệt được qui định trong pháp luật) và trong việc chấm dứt (hôn nhân chỉ chấm dứt khi có sự kiện chết, có tuyên bố của Toà án một bên vợ, chồng đã chết hoặc khi có bản án hoặc quyết của Toà án về ly hôn có hiệu pháp luật, tất cả các trường hợp chấm dứt này phải tiến hành theo những thủ tục hành chính hoặc thủ tục tố tụng tại Toà án được pháp luật qui định). Bên cạnh đó, nhà làm luật ở các nước phương Tây cũng đề cao quyền tự do cá nhân, quyền tự định đoạt đối với tài sản của vợ, chồng. Vì vậy, pháp luật cho phép trước khi kết hôn, hai bên được quyền tự do ký kết hôn ước (hay còn gọi là khế ước). Thực chất là một hợp đồng do hai bên thỏa thuận; miễn sao không trái với các quy định của pháp luật và đạo đức xã hội (trật tự công cộng). Họ muốn lựa chọn chế độ tài sản nào cũng được, pháp luật chỉ can thiệp và qui định chế độ tài sản của vợ chồng khi họ không lập hôn ước. Với quan niệm trên, tự do lập hôn ước đã trở thành một nguyên tắc và là giải pháp đầu tiên khi qui định chế độ tài sản của vợ chồng trong pháp luật về Hôn nhân và gia đình ở hầu hết các nước phương Tây.
Các quy định tại Điều 755 và Điều 756 Bộ Luật Dân sự Nhật Bản, Điều 1465 Bộ Luật Dân sự và thương mại Thái Lan, Điều 1387 Bộ Luật Dân sự Cộng hoà Pháp (Luật số 65-570 ngày 13/7/1965)… đều có nội dung: Vợ chồng có thể tự do lập hôn ước, miễn là những thoả thuận trong hôn ước không trái với thuần phong mỹ tục hoặc không trái với các qui định của pháp luật về điều kiện thừa nhận tính hợp pháp của hôn ước.
1.2. Đặc điểm của chế độ tài sản ước định:
- Như vậy, tài sản của vợ chồng không nhất thiết do pháp luật qui định mà do chính bản thân vợ chồng tự thoả thuận tài sản nào là tài sản chung, tài sản nào là tài sản riêng. Vợ chồng có thể thoả thuận trên cơ sở lựa chọn theo một chế độ tài sản được qui định trong pháp luật hoặc họ có thể chọn một chế độ tài sản riêng biệt, hoàn toàn độc lập với chế độ tài sản theo qui định của pháp luật để duy trì và bảo đảm thực hiện trong suốt thời kỳ hôn nhân. Tùy theo chế độ tài sản mà vợ chồng lựa chọn thỏa thuận trong hôn ước, các quyền và nghĩa vụ tài sản của vợ chồng được thực hiện theo chế độ cộng đồng (tài sản chung của vợ chồng) hoặc theo chế độ phân sản (không có tài sản chung).
Nếu lựa chọn chế độ tài sản cộng đồng, vợ chồng thỏa thuận trong hôn ước về các vấn đề: thành phần tài sản chung của vợ chồng, các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung; tài sản riêng của mỗi bên vợ, chồng (nếu có); các trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng và quyền lợi của mỗi bên vợ, chồng được hưởng từ việc chia tài sản chung đó; giải quyết các món nợ phát sinh từ đời sống chung của gia đình; thỏa thuận để lại thừa kế cho một bên vợ, chồng hưởng từ phần tài sản chung của bên kia…;
Nếu lựa chọn chế độ phân sản, giữa hai vợ chồng không có khối tài sản chung, vợ, chồng phải thỏa thuận tùy theo tư lực của mỗi bên đóng góp bảo đảm đời sống chung của gia đình, nghĩa vụ chu cấp lẫn nhau, giáo dưỡng các con…
- Các thoả thuận của vợ chồng trong hôn ước mang tính ổn định cao. Về nguyên tắc, sau khi kết hôn việc thực hiện hôn ước là “bất di bất dịch”, không được thay đổi sau khi hôn nhân đã được xác lập và nó được bảo đảm thực hiện trong suốt thời kì hôn nhân. Khi có những tranh chấp về tài sản giữa vợ và chồng với nhau và với những người khác, theo yêu cầu, Tòa án dựa trên hôn ước (hợp đồng) này để giải quyết. Chế độ tài sản ước định được ghi nhận trong hầu hết các Bộ luật Dân sự của Nhà nước tư sản phương Tây.
Điều 1395 Bộ Luật Dân sự Pháp năm 1804 qui định: Hôn ước không thể thay đổi sau khi đã kết hôn.
Tuy nhiên, nguyên tắc hôn ước không thể thay đổi trong thời kỳ hôn nhân có một hạn chế cơ bản là nó có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt đến lợi ích của gia đình, của bản thân vợ, chồng hay của người thứ ba có quan hệ giao dịch với vợ chồng khi vợ chồng đã chọn lầm một chế độ tài sản hoàn toàn không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình, điều kiện nghề nghiệp, thu nhập; hoặc, chế độ tài sản mà vợ chồng lựa chọn có thể chỉ phù hợp ở giai đoạn đầu, còn sau đó các qui định trong chế độ tài sản đã lựa chọn lại cản trở việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ họ, cũng như lợi ích của gia đình. Để khắc phục hạn chế trên, hiện nay, pháp luật một số nước đã thừa nhận, các thoả thuận trong hôn ước có thể được thay đổi trong thời kỳ hôn nhân với những điều kiện pháp lý chặt chẽ.
Ví dụ: Điều 1397 Bộ Luật Dân sự Cộng hoà Pháp (Luật số 65-570 ngày 13/7/1965, Luật số 89 – 18 ngày 13/1/1989) qui định:
“Sau hai năm áp dụng chế độ tài sản trong hôn nhân theo thoả thuận hoặc theo Luật định, hai vợ chồng có thể vì lợi ích của gia đình, xin sửa đổi hoặc thay đổi hoàn toàn chế độ tài sản trong hôn nhân bằng một chứng thư có chứng thực của công chứng viên và được Toà án nơi cư trú phê chuẩn.”
Bộ Luật Dân sự Nhật Bản không qui định cụ thể về vấn đề này, nhưng theo Điều 758, 759: Tài sản thuộc sở hữu chung có thể được thay đổi hoặc phân chia trong trường hợp vợ chồng có thoả thuận hoặc trong trường hợp vợ, chồng quản lý tài sản của nhau, nhưng người đó thực hiện quản lý tài sản không tốt và người kia đã yêu cầu Toà án Hôn nhân và gia đình tước bỏ việc quản lý nói trên. Việc thay đổi hoặc phân chia tài sản chung không được sử dụng để chống lại người thừa kế hợp pháp của chồng hoặc vợ, trừ khi việc này đã được đăng ký.
Như vậy, theo pháp luật Nhật Bản, những căn cứ xác định tài sản của vợ chồng được qui định trong hôn ước cũng có thể được thay đổi cho phù hợp với thực tế tạo lập, chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản giữa vợ và chồng.
Theo Điều 1467 Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan: “Sau khi kết hôn, bản thỏa thuận trước khi thành hôn không thể bị sửa đổi, trừ trường hợp Tòa án cho phép. Khi có quyết định cuối cùng của Tòa án cho phép tiến hành sửa đổi hoặc hủy bỏ bản thỏa thuận trước khi thành hôn, thì Tòa án phải thông báo cho viên chứa đăng ký kết hôn nội dung quyết định đó để ghi nội dung đó vào sổ đăng kí kết hôn.” Hoặc Điều 1469 của bộ luật này quy định rõ: “bất cứ một thỏa thuận nào giữa vợ chồng trong thời gian hôn nhân cũng có thể bị vợ hoặc chồng bác bỏ bất cứ lúc nào trong thời gian hôn nhân đó; hoặc trong vòng một năm kể từ ngày hủy bỏ cuộc hôn nhân , với điều kiện là điều đó không ảnh hưởng gì đến quyền của người thứ ba hành động có thiện chí.”
Với việc thừa nhận các thoả thuận trong hôn ước có thể thay đổi trong thời kỳ hôn nhân, pháp luật đã tạo cho vợ chồng quyền chủ động hơn trong việc qui định chế độ tài sản của mình. Tuy nhiên, điều đó vẫn không thể khắc phục được một hạn chế cơ bản của chế độ tài sản ước định là quá chú trọng đến lợi ích cá nhân của vợ, chồng, lợi ích của gia đình bị xem nhẹ, hoặc lợi ích của gia đình được xem xét theo ý thức chủ quan “thuần tuý” của vợ chồng, dẫn đến mâu thuẫn bản chất của hôn nhân là tính chất cộng đồng và bản chất của gia đình là “bổn phận và trách nhiệm”. Do vậy, chế độ tài sản này thường không được pháp luật Hôn nhân và gia đình các nước xã hội chủ nghĩa (trong đó có Việt Nam) ghi nhận.
2. Chế độ tài sản ước định trong hệ thống pháp luật Việt Nam
Trong lịch sử lập pháp Việt Nam, hôn khế không phải là chưa từng tồn tại.
2.1. Thời kỳ trước 1975
Trong thời kì Pháp thuộc, hôn khế được qui định ở Bộ dân luật Bắc kì 1931, dân luật Trung kì 1936 (Vận dụng một phần luật phương Tây, Điều 104 Bộ dân luật Bắc Kỳ, Điều 102 Bộ dân luật Trung Kỳ cho phép vợ, chồng khi kết hôn được thỏa thuận về nội dung của các quan hệ tài sản giữa họ trong thời kỳ hôn nhân, nhưng trong mọi trường hợp, các thỏa thuận đó không được đi ngược lại nguyên tắc chồng là người đứng đầu gia đình, là chủ khối tài sản của gia đình) và Dân luật giản yếu nam kì 1883.
Trong giai đoạn đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam-Bắc, pháp luật về vấn đề này ở hai miền thể hiện những nội dung trái chiều. Luật hôn nhân và gia đình (HN-GĐ) ngày 29 tháng 12 năm 1959 ở Miền bắc chỉ quy định về một hình thức của chế độ tài sản pháp định (chế độ cộng đồng toàn sản), và vì thế, không có một quy định nào về quyền lập hôn ước của vợ chồng. Trong khi đó, ở Miền nam, ba đạo luật đã được lần lượt ban hành để điều chỉnh các quan hệ dân sự, gia đình (Luật gia đình ngày 02 tháng 1 năm 1959, Luật 15/64 ngày 23 tháng 7 năm 1964 và Bộ dân luật ngày 20 tháng 12 năm 1972), đều thừa nhận quyền tự do lập hôn ước của vợ chồng và chế độ tài sản chung theo luật định chỉ được áp dụng khi vợ chồng không lập hôn ước. Chẳng hạn, Bộ dân luật năm 1972 quy định: “Vợ chồng có thể tự do lập hôn ước tùy ý muốn, miễn không trái với trật tự công cộng và thuần phong mỹ tục” (Điều 145) và “Luật pháp chỉ quy định chế độ phu phụ tài sản khi vợ chồng không lập hôn ước” (Điều 144).Tuy nhiên việc ghi nhận hôn khế trong các văn bản đó là do ảnh hưởng của dân luật Pháp chứ cũng không do sự biến đổi nội tại của xã hội Việt Nam.
2.2. Thời kỳ đất nước thống nhất
Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 và Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đều chỉ tập trung quy định về một chế độ tài sản pháp định. Nhà lập pháp không dự liệu bất kỳ một điều khoản nào cho phép vợ chồng lập hôn ước, nhưng cũng không ấn định những quy định cấm. Khi luật hôn nhân gia đình năm 1986 ra đời, chế độ tài sản vợ chồng ở Việt Nam là chế độ cộng đồng động sản và tạo sản, vợ chồng có tài sản riêng, luật cũng cho phép vợ chồng được chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân (việc chia tài sản này phải có bản án của tòa án). Trong luật hôn nhân gia đình năm 1986 vợ chồng cũng không được thỏa thuận bất cứ vấn đề gì về sở hữu tài sản trừ vấn đề nhập tài sản riêng có trước hoặc trong thời kì hôn nhân thành tài sản chung. Luật hôn nhân năm 2000 ra đời kèm theo đó là Nghị định 70 đã tạo ra một sự thay đổi cơ bản gây nhiều tranh cãi đó là chế định chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân với hậu quả pháp lí được qui định trong Điều 8 Nghị định 70 (Khoản 2 điều 8 quy định : “Thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thoả thuận khác”). Nhìn lại phần tóm tắt của qui định về tài sản vợ chồng ở Việt Nam và những qui định trong pháp luật hôn nhân gia đình hiện tại, có thể thấy pháp luật tương đối mở cho những thỏa thuận về tài sản của vợ chồng. Đây có thể xem là dấu hiệu tốt cho tương tai của hôn khế tại Việt Nam.
3. Một số kiến nghị:
Để xác định đuợc một cách thức tổ chức hợp lý nhất các quan hệ tài sản của vợ chồng, Luật HN-GĐ Việt Nam cần quan tâm xử lý hai vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, quyền tài sản của vợ chồng là quyền gắn với nhân thân vợ chồng, vì vậy cần phải để cho chính họ cùng nhau thỏa thuận, quyết định lựa chọn một hình thức thực hiện hợp lý, có lợi nhất cho bản thân và cho gia đình. Mặt khác, để bảo vệ lợi ích của gia đình, của con cái, Luật Hôn nhân và gia đình cần tập trung quy định một cách rõ ràng hơn những những nghĩa vụ và quyền về tài sản của vợ và chồng – áp dụng chung nhất cho mọi trường hợp, đồng thời phải đi kèm với những biện pháp đảm bảo thực hiện. Trong bối cảnh luật pháp như vậy, sự tự do thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng sẽ không phá vỡ tính cộng đồng của hôn nhân, mà trái lại, nó sẽ củng cố những quan hệ gia đình một cách thực chất và theo tinh thần tự nguyện hơn.
Thứ hai, thực tế kinh tế-xã hội Việt Nam hiện nay đã có nhiều sự thay đổi. Những quan hệ kinh tế đòi hỏi vợ, chồng phải có những quyết định nhanh nhạy, nhưng muốn vậy họ phải chủ động về tài sản. Mặt khác, việc đưa những tài sản chung của vợ chồng vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng hàm chứa những rủi ro và có thể dẫn đến nguy cơ tiêu tán tài sản của gia đình, đặt cuộc sống gia đình vào trong tình trạng bấp bênh. Vì thế, ở những nước mà luật pháp thừa nhận chế độ hôn sản ước định, những người vợ, chồng làm nghề kinh doanh thường nghĩ đến một chế độ tách riêng tài sản. Chế độ đó vừa tạo điều kiện cho họ chủ động trong hoạt động kinh doanh, vừa tránh được những rủi ro có thể xảy đến cho cuộc sống gia đình.
KẾT LUẬN
Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận không phải là một điều mới lạ đối với xã hội Việt Nam, thậm chí nó đã từng được thực hiện trong một thời gian khá dài. Mặc dù có những hạn chế là quá chú trọng đến lợi ích cá nhân của vợ, chồng, lợi ích của gia đình bị xem nhẹ, hoặc lợi ích của gia đình được xem xét theo ý thức chủ quan “thuần tuý” của vợ chồng, dẫn đến mâu thuẫn bản chất của hôn nhân là tính chất cộng đồng và bản chất của gia đình là “bổn phận và trách nhiệm” nhưng xét thấy với sự thay đổi của xã hội Việt Nam hiện đại, với quá trình hội nhập quốc tế kéo theo đó là sự thay đổi về chức năng kinh tế của gia đình; thêm vào nữa là những vấn đề về tài sản vợ chồng trong quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài, hôn khế sẽ không thể không được thừa nhận trong tương lai.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội, 2008.
TS. Nguyễn Văn Cừ, Chế độ tài sản theo pháp luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, Nxb. Tư pháp, 2008, tr. 28 – 33.
Bộ Tư pháp, Viện Khoa học pháp lý, Đinh Thị Mai Phương (chủ biên), Bình luận khoa học Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2004, tr. 16.
ThS. Bùi Minh Hồng, Chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng liên hệ từ pháp luật nước ngoài đến pháp luật Việt Nam, được lấy về từ website:
Website:
Website:
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Chế độ tài sản dựa trên sự thỏa thuận của vợ chồng.doc