MỞ ĐẦU
NỘI DUNG
I, Lý luận chung
1. Khái niệm và đặc điểm của cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế .
1
2. Điều kiện để thực hiện cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế .
2
II, Pháp luật quản lý thuế tạo cơ sở pháp lý cho việc thực thi cơ chế
tự khai, tự tính, tự nộp thuế .
3
1. Về tự khai, tự tính thuế
3
2. Về tự nộp thuế .
5
III, Thực trạng thực thi cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế ở Việt Nam
hiện nay
7
1. Thành tựu đạt được
7
2. Hạn chế còn tồn tại
9
3. Giải pháp hoàn thiện
9
KẾT LUẬN
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
12 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3188 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chứng minh pháp luật quản lý thuế tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho việc thực thi cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế ở nước ta hiện nay, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU
Mở rộng thị trường, thu hút nhiều vốn đầu tư từ bên ngoài, được đối xử bình đẳng trên trường quốc tế là những mục tiêu hàng đầu của nước ta trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực. Để quá trình hội nhập được nhanh chóng Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và xây dựng nhiều hệ thống luật mới trong đó phải kể đến việc cải cách hành chính về thuế. Trong năm 2004 và những tháng đầu năm 2005 ngành thuế đã có những bước đi đột phá trong cải cách hành chính thuế và được tổ chức lại bộ máy cơ quan thuế các cấp, triển khai áp dụng thí điểm cơ chế cơ sở kinh doanh tự kê khai, tự nộp thuế. Với mục đích muốn tìm hiểu sâu rộng hơn về ngành thuế, với những quy định của pháp luật, những cải cách của ngành thuế trong việc quản lý thuế, nhóm N1- H2 xin chọn đề tài: “ Chứng minh pháp luật quản lý thuế tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho việc thực thi cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế ở nước ta hiện nay”. Mặc dù đã cố gắng song bài viết không tránh khỏi những thiếu sót. Kính mong thầy cô góp ý để bài viết được hoàn thiện hơn!
NỘI DUNG
I. Lý Luận chung
1. Khái niệm và đặc điểm của cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế
1.1 Thế nào là cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế:
Cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế “là cơ chế quản lý thuế trong đó các đối tượng nộp thuế tự giác căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh trong kì kê khai của mình và căn cứ vào những quy định của pháp luật tự xác định nghĩa vụ thuế của mình, kê khai, tính và nộp thuế vào ngân sách Nhà nước, và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác của việc kê khai”.
Như vậy, theo cơ chế này thì các tổ chức, cá nhân nộp thuế căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh trong kỳ kê khai của mình và căn cứ vào các quy định của pháp luật về nghĩa vụ thuế tự tính ra số thuế phải nộp ngân sách Nhà nước, từ đó tự kê khai và tự thực hiện nghĩa vụ nộp số thuế đã kê khai vào Ngân sách Nhà nước theo đúng thời hạn qui định của pháp luật.
1.2. Đặc điểm
Cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Trước hết, cơ chế này là một phương thức quản lý thuế được xây dựng dựa trên nền tảng là sự tuân thủ tự nguyện của đối tượng nộp thuế, quản lý thuế dựa trên kỹ thuật quản lý rủi do.
Bên cạnh đó, cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế đòi hỏi các tổ chức, cá nhân nộp thuế phải nâng cao trách nhiệm vì tờ khai là do tổ chức, cá nhân nộp thuế tự lập trên cơ sở sản xuất kinh doanh của mình và chính sách chế độ về thuế mà không cần có sự xác nhận của cơ quan thuế. Tổ chức, cá nhân nộp thuế phải chịu trách nhiệm về kết quả của việc tính thuế, kê khai thuế của mình trước pháp luật.
Theo cơ chế này, cơ quan thuế không can thiệp vào quá trình kê khai, tính và nộp thuế của tổ chức, cá nhân kinh doanh nhưng cơ quan thuế sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra và áp dụng các biện pháp xử phạt, cưỡng chế theo luật định đối với những trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật về thuế như không nộp thuế, trốn thuế, gian lận về thuế,…
Ngoài ra, áp dụng cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế, cơ quan Thuế phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và giải đáp các vướng mắc về chính sách, chế độ, thủ tục về thuế mà các tổ chức, cá nhân thường gặp trong quá trình kê khai nộp thuế để đối tượng nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ thuế của mình đối với Nhà nước.
Cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế là cơ chế quản lý thuế hiện đại, hiệu quả, được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng, nó cho phép các cơ quan thuế phân bổ nguồn lực theo hướng chuyên môn hóa, chuyên sâu trong quản lý cải tiến các quy trình quản lý rõ ràng làm tăng sự minh bạch trong quản lý thuế, đồng thời giảm bớt chi phí quản lý, thúc đẩy cải cách hành chính thuế.
2. Điều kiện để thực hiện cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế
Việc thực hiện cơ chế tự kê khai, tự tính, tự nộp thuế đòi hỏi các điều kiện áp dụng như sau:
Thứ nhất, hệ thống luật thuế phải thực sự minh bạch, người dân có thể dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu chính sách thuế.
Thứ hai, trình độ dân trí cao, sự hiểu biết và tuân thủ pháp luật của người dân tốt, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đạt hiệu quả thiết thực.
Thứ ba, các cơ quan hành pháp phải có năng lực cao và phối hợp tốt với cơ quan thuế trong công tác quản lý hành chính.
Thứ tư, các thủ tục như đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế,… phải đơn giản. Các chương trình thanh tra thuế và cưỡng chế thuế phải có hiệu quả.
Thứ năm, cần có chế tài pháp luật đủ nghiêm để xử lý, răn đe các hành vi vi phạm.
II, Pháp luật quản lý thuế tạo cơ sở pháp lý cho việc thực thi cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế
Cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế là phương thức quản lý thu thuế tiên tiến, hiện đại với rất nhiều ưu điểm nổi bật như: Tiết kiệm được thời gian, công sức; tiết kiệm chi phí quản lý hành chính về thuế; nâng cao trách nhiệm pháp lý của đối tượng nộp thuế; tạo điều kiện nâng cao hiệu quả công tác của cơ quan Thuế.
Như đã nêu ở mục 2 phần I, một điều kiện quan trọng để thực hiện cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế là điều kiện về hệ thống pháp luật. Cơ chế này đòi hỏi các tổ chức, cá nhân nộp thuế phải tự lập tờ khai thuế trên cơ sở sản xuất kinh doanh của mình và chính sách chế độ về thuế mà không cần có sự xác nhận của cơ quan thuế. Để có thể thực hiện được điều này, các đối tượng nộp thuế phải nắm chắc được quy định của pháp luật thuế, đảm bảo độ chính xác trong khai thuế, tính thuế. Muốn vậy, pháp luật quản lý thuế phải được quy định một cách đầy đủ, rõ ràng, minh bạch và dễ hiểu nhất, tạo ra một hành lang pháp lý thông thoáng, thông nhất cho các đối tượng nộp thuế, tránh tình trạng người dân hiểu theo nghĩa nào cũng được.
Bên cạnh các quy định về nội dung, những thủ tục về thuế cũng phải được pháp luật quản lý thuế đơn giản hóa để các tổ chức, cá nhân dễ dàng hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước.
Pháp luật quản lý thuế Việt Nam từ khi áp dụng thí điểm cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế là Quyết định 197/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thực hiện cơ chế cơ sở sản xuất, kinh doanh tự khai, tự nộp thuế; và hiện nay là Luật quản lý thuể 2006 – áp dụng cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế vào thực tiễn đều đã đưa ra những quy định cụ thể nhằm thực hiện tốt cơ chế này, tạo ra một môi trường thuận lợi cho các đối tượng nộp thuế. Cụ thể như sau:
1. Về tự khai, tự tính thuế
Luật Quản lý thuế năm 2006 có quy định về vấn đề tự khai, tự tính của cơ chế tại Điều 30 như sau:
“1. Người nộp thuế phải khai chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung trong tờ khai thuế theo mẫu do Bộ tài chính quy định và nộp đủ các loại chứng từ, tài liệu trong hồ sơ khai thuế với cơ quan quản lý thuế;
2. Người nộp thuế tự tính số thuế phải nộp, trừ trường hợp việc tính thuế do cơ quan quản lý thuế thực hiện theo quy định của Chính phủ”.
Ngoài ra, Điều 4 Nghị định số 85/2007/NĐ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế năm 2006 tiếp tục quy định cụ thể như sau:
“1. Người nộp thuế có trách nhiệm tính số tiền thuế phải nộp ngân sách nhà nước do mình kê khai, trừ trường hợp cơ quan quản lý thuế ấn định thuế hoặc tính thuế theo quy định tại các Điều 37, 38 và 39 của Luật Quản lý thuế.
2. Người nộp thuế phải khai chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung trong tờ khai thuế và nộp đủ các chứng từ, tài liệu quy định trong hồ sơ khai thuế với cơ quan quản lý thuế.
3. Trường hợp người nộp thuế tự tính thuế thì phải nộp đủ số tiền thuế đã tính và khai với cơ quan quản lý thuế theo thời hạn nộp hồ sơ khai thuế quy định tại Điều 32, Điều 33 của Luật Quản lý thuế.
4. Trường hợp cơ quan quản lý thuế tính thuế hoặc ấn định thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn ghi trên thông báo nộp thuế hoặc quyết định thu thuế của cơ quan quản lý thuế.”
Như vậy, pháp luật thuế quy định đối tượng nộp thuế tự mình và chủ động trong việc khai thuế và tính thuế.
Tại Điều 6 Luật Quản lý thuế năm 2006 có quy định một số quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế tạo điều kiện thuận lợi cho người họ trong việc tự khai, tự tính thuế, làm nền tảng cho việc thực thi cơ chế này như: được hướng dẫn thực hiện việc nộp thuế, cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi về thuế; yêu cầu cơ quan quản lý thuế giải thích về việc tính thuế, ấn định thuế; yêu cầu cơ quan, tổ chức giám định số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Bên cạnh đó, Điều 7 Luật Quản lý thuế quy định các nghĩa vụ của người nộp thuế như: Đăng ký thuế, sử dụng mã số thuế theo quy định của pháp luật; phải khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế. Pháp luật quy định như vậy là nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế trong việc tính thuế cũng như khai thuế qua việc hướng dẫn họ cách thức, trình tự, thủ tục để thực hiện nghĩa vụ thuế của mình.
Không dừng lại ở những quy định chung về cơ chế tự khai, tự tính thuế, Luật Quản lý thuế năm 2006 đi vào quy định cụ thể tại Chương III về nguyên tắc khai thuế và tính thuế; hồ sơ khai thuế (Điều 31) và các vấn đề liên qua như thời hạn, địa điểm nộp hồ sơ khai thuế (Điều 32), gia hạn nộp hồ sơ khai thuế (Điều 33), khai bổ sung hồ sơ khai thuế (Điều 34), trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế, công tác quản lý thuế trong việc tiếp nhận hồ sơ khai thuế (Điều 35).
Hồ sơ khai thuế và thời hạn, địa điểm nộp đều được quy định cụ thể theo cách phân loại thành hồ sơ khai thuế đối với loại thuế khai và nộp theo tháng, hồ sơ khai thuế đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm, đối với loại thuế khai và nộp theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế, đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và đối với trường hợp chấm dứt hoạt động doanh nghiệp, chấm dứt hợp đồng, chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp, tổ chức lại doanh nghiệp..
Đối với việc tự tính thuế: căn cứ vào những quy định của pháp luật về từng loại thuế và thu nhập thực tế của mình mà người nộp thuế có thể tự mình tính toán được số thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước trên cơ sở các quy định về giá tính thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, thuế suất,…
Như vậy, mặc dù người nộp thuế tự tính, tự khai, tự nộp thuế nhưng vẫn phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về mặt thủ tục và thời gian. Đồng thời, quan trọng nhất, người nộp thuế cần phải có ý thức tự giác cao, tính và khai thuế phải trung thực.
Không chỉ dừng lại ở việc quy định quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế, Luật Quản lý thuế năm 2006 còn quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế tại Điều 8, từ đó tạo nền tảng cho việc thực thi cơ chế tự khai, tự tính như sau: Tổ chức thu thuế theo quy định của pháp luật; Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về thuế ; công khai các thủ tục về thuế; Giải thích, cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế; công khai mức thuế phải nộp của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh trên địa bàn xã phường, thi trấn; Giữ bí mật thông tin của người nộp thuế ; Xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế khi có đề nghị theo quy định của pháp luật…
Sở dĩ pháp luật quy định như vậy là vì để người nộp thuế có thể chủ động và dễ dàng thực hiện nghĩa vụ của mình thì cơ quan quản lý thuế, cụ thể là các cán bộ thuế cần tạo điều kiện, hướng dẫn họ hiểu và thực hiện nghĩa vụ đúng pháp luật, đồng thời phải có trách nhiệm bảo mật với những thông tin của người nộp thuế.
2. Về tự nộp thuế
Cùng với việc quy định về cơ chế tự khai, tự tính thì Điều 6 và Điều 7 Luật quản lí thuế cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế. Vì vậy, song song với các quy định hướng dẫn cho việc thực hiện cơ chế tự khai, tự tính thuế, pháp luật quản lí thuế còn có các quy định hướng dẫn cho việc thực hiện cơ chế tự nộp thuế cho các chủ thể nộp thuế. Cụ thể, pháp luật quản lí thuế đã có các quy định về thời hạn nộp thuế, đồng tiền nộp thuế, địa chỉ nộp thuế, thứ tự thanh toán thuế … tại chương V Luật quản lí thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Các quy định hướng dẫn về việc nộp thuế giúp các chủ thể nộp thuế có thể nắm bắt được trình tự, thủ tục nộp thuế cũng như các biện pháp xử lí khi nộp thuế thừa… Qua đó, các chủ thể nộp thuế có thể chủ động trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ nộp thuế của mình.
Điều 42 Luật quản lí thuế có quy định khá cụ thể về thời hạn nộp thuế đối với từng trường hợp tự tính thuế; được cơ quan quản lí thuế tính thuế hoặc ấn định thuế hay thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu… Từ đó, người nộp thuế có thể nhận thức được trường hợp của mình và xác định được cụ thể thời hạn nộp thuế để thực hiện được hoạt động tự nộp thuế được hiệu quả và đúng với quy định của pháp luật.
Về địa điểm và hình thức nộp thuế Điều 44 quy định người nộp thuế có thể thực hiện việc nộp thuế vào ngân sách nhà nước tại kho bạc nhà nước, cơ quan quản lí thuế nơi tiếp nhận hồ sơ khai thuế, thông qua tổ chức được cơ quan quản lí thuế ủy nhiệm thu thuế hoặc thông qua các tổ chức tín dụng khác. Về cơ bản, pháp luật quy định các địa điểm để các chủ thể nộp thuế tương đối đa dạng, tạo điều kiện tối đa cho người nộp thuế có thể thực hiện việc tự nộp thuế đơn giản nhất và tiện dụng nhất.
Đối với thủ tục nộp thuế, thông tư 60/2007/BTC đã hướng dẫn khá cụ thể về thủ tục nộp thuế trong từng trường hợp nộp thuế bằng tiền mặt và nộp thuế bằng chuyển khoản… Đồng thời, Điều 45 Luật quản lí thuế cũng quy định rõ thứ tự thanh toán tiền thuế, tiền phạt. Thông qua đó, người nộp thuế có thể dễ dàng tiến hành các bước nộp thuế cho đúng với các quy định của pháp luật trong từng trường hợp.
Bên cạnh đó, pháp luật quản lí thuế còn quy định về việc gia hạn nộp thuế và các thủ tục gia hạn nộp thuế từ Điều 49 đến Điều 52 Luật quản lí thuế. Việc gia hạn nộp thuế là việc ưu đãi về thời hạn nộp thuế cho người nộp thuế trong trường hợp xảy ra thiệt hại hoặc đang trong tình trạng không có khả năng nộp thuế đúng hạn. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với người nộp thuế, giúp hỗ trợ một phần để người nộp thuế giải quyết khó khăn tạm thời, đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, lao động được tiếp tục phát triển, làm tiền đề để người nộp thuế có ý thức tự nguyện tiến hành nộp thuế khi có đủ điều kiện.
Pháp luật cũng quy định về việc xử lí số tiền thuế nộp thừa bằng việc trừ vào tiền thuế của kì sau hoặc trả lại cho người nộp thuế. Cơ chế này giúp đảm bảo quyền lợi cho người nộp thuế trong việc lựa chọn hình thức xử lí đối với khoản thuế nộp thừa.
Các quy định của pháp luật quản lí thuế đã tạo ra cơ sở pháp lí cho việc thực hiện cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế. Bên cạnh các quy định cụ thể về từng phần khai thuế, tính thuế và nộp thuế, pháp luật quản lí thuế còn có các quy định chung về mặt hành chính giúp việc nộp thuế được tiến hành đơn giản, hiệu quả và đúng pháp luật.
III. Thực trạng thực thi cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế ở Việt Nam hiện nay
1. Thành tựu đạt được
Việt Nam đã và đang thực hiện cơ chế quản lý thuế mới, người nộp thuế tự khai, tự nộp thuế với chủ trương tăng cường tính chủ động, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật trong thực hiện nghĩa vụ thuế của các tổ chức, cá nhân. Cơ chế này được thực hiện thí điểm vào những năm 2002, 2003, và được áp dụng rộng rãi từ năm 2006, từ sau khi Luật Quản lý thuế ra đời. Sau vài năm áp dụng cơ chế này đã tỏ ra có hiệu quả. Cụ thể:
Kết quả đạt được thực hiện thí điểm cơ chế tự khai, tự nộp ở cục Thuế Quảng Ninh và thành phố Hồ Chí Minh như sau: Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh đã lựa chọn 337 doanh nghiệp làm thí điểm, và đến ngày 31/12/2004, 337 Doanh nghiệp đã nộp 11912 tỷ đồng trên 21421 tỷ đồng chiếm 55,6% số thu của cục và đạt 135% so với dự toán năm, nhưng với việc vận hành cơ chế doanh nghiệp tự khai, tự nộp, Cục thuế đã tập trung lực lượng đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra thuế. Quảng Ninh đã chọn 112 doanh nghiệp Nhà nước làm thí điểm trong năm 2004, 112 doanh nghiệp này đã nộp ngân sách nhà nước hơn 660 tỷ đồng, chiếm 40% số thu toàn ngành và đạt 125 % so với dự toán năm. Các doanh nghiệp đều nâng cao ý thức, trách nhiệm, chủ động nộp thuế đúng hạn, hiện tượng tồn đọng thuế đã chấm dứt.
Sau một thời gian triển khai áp dụng rộng rãi cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế, ý thức của người nộp thuế trong việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tốt hơn. Các cơ sở kinh doanh mới được thành lập đều làm các thủ tục đăng ký thuế kịp thời, chỉ tính riêng 4 tháng (từ tháng 7 đến tháng 10/2007) đã có 80.738 cơ sở đăng ký thuế mới 1.221 cơ sở kinh doanh xin đóng mã số thuế, do ngừng hoạt động kinh doanh, giải thể, cũng đã được giải quyết kịp thời.
Bên cạnh đó với sự nỗ lực của toàn ngành tài chính và ngành thuế, sự phối hợp của các ngành có liên quan, UBND các cấp, công tác quản lý thuế đã có chuyển biến tích cực; ý thức của người nộp thuế trong việc kê khai, nộp thuế tự giác và kịp thời hơn, do đó kết quả thu ngân sách ở hầu hết các địa phương chuyển biến tốt hơn. Tổng thu ngân sách 6 tháng cuối năm 2007 tăng 31,5% so với 6 tháng đầu năm 2007 (chưa thực hiện Luật QLT), góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách cả năm 2007 với tốc độ thu tăng 18,5% so với năm 2006, trong đó thu nội địa trừ dầu tăng 32,1% so với năm 2006.
Theo số liệu tổng hợp 3 tháng đầu triển khai Luật Quản lý thuế, đối với thuế ở khâu xuất, nhập khẩu, các doanh nghiệp đã chủ động kê khai và kiểm tra việc kê khai thuế và đã khai bổ sung tăng thuế là 187 tờ khai và khai bổ sung làm giảm số thuế phải nộp là 299 tờ khai. Cơ quan Hải quan đã thực hiện định thuế đối với 7.027 tờ khai với số tiền thuế định 414 tỷ đồng, đã kiểm tra phát hiện 4.345 trường hợp vi phạm về thuế đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu.
Về thủ tục khai thuế, cùng với việc sửa đổi các văn bản pháp luật, các văn bản hướng dẫn về thuế đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện, ngành thuế đã xây dựng và triển khai dự án nộp hồ sơ khai thuế qua internet, giảm được nhiều chi phí về thời gian đi lại, chờ đợi để nộp tờ khai và chi phí in ấn, lưu trữ tờ khai, giảm áp lực cho cơ quan thuế trong những ngày cao điểm tiếp nhận tờ khai thuế và nhập dữ liệu, lưu trữ hồ sơ của người nộp thuế. Từ tháng 8-2009, ngành Thuế đã thực hiện thí điểm nộp hồ sơ khai thuế qua mạng cho gần 1.500 DN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa – Vũng Tàu, Ðà Nẵng và Vĩnh Phúc. Dự kiến đến hết năm 2010 tổ chức triển khai cho khoảng 8.000 DN trên 18 tỉnh/thành phố khác.
Hiện nay, một số tỉnh, thành phố trên cả nước áp dụng cơ chế này đã đạt được kết quả khả quan như: tỉnh Ninh Bình hiện nay đã có hơn 200 doanh nghiệp thực hiện thành công khai thuế qua mạng, tiến tới triển khai ở hầu hết các doanh nghiệp trên đại bàn tỉnh. Trong năm 2010, Cục thuế đã tiếp nhận và giải quyết 15.200 hồ sơ khai thuế, hoàn thuế, cấp mã số thuế… đảm bảo nhanh chóng kịp thời, chính xác, đúng thời gian quy định, không có hồ sơ tồn đọng(() Baoninhbinh.orrg.vn
). Ở tỉnh Thái Bình Các hoạt động về cải cách hành chính thuế như hướng dẫn kê khai nộp thuế, quản lý đối tượng nộp thuế… đã được hiện đại hóa, hạn chế đến mức thấp nhất sự đi lại của nhân dân.
Kê khai thuế qua mạng cũng nhằm mục tiêu tạo điều kiện cho việc thực hiện cơ chế tự khai, tự nộp và đáp ứng yêu cầu quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và thành tựu cần phải kể đến là tính đến cuối kì tính thuế tháng 5/2011 đã có 23.194 người nộp thuế tại 19 tỉnh, thành phố đăng kí khai thuế qua mạng và đã có 18.431 người nộp thuế thực hiện khai thuế qua mạng với tổng số tờ khai điện tử đã nhận vào hệ thống quản lý thuế 259.337 tờ khai. Trong đó 266/345 đoanh nghiệp lớn tại 18 Cục thuế, đạt tỷ lệ 77% doanh nghiệp lớn thực hiện kê khai thuế qua mạng (số doanh nghiệp còn lại thuộc các địa bàn chưa triển khai hệ thống khai thuế qua mạng) (()
)
2. Hạn chế còn tồn tại
Nhìn lại 4 năm thực hiện Luật Quản lý thuế, ngành thuế và hải quan cũng đã nhìn nhận một số hạn chếtrong quá trình thực thi luật. Một số nội dung quy định tại Luật Quản lý thuếchưa đáp ứng mục tiêu cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; chưa tạođiều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.
Thứ hai, vướng mắc lớn nhất hiện nay của cả người nộp thuế và cơ quan thuế là chưa có đủ cơ sở hạ tầng phục vụ việc khai thác thuế điện tử nên người nộp thuế vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế (bản giấy) cho cơ quan thuế. Hơn thế, việc cập nhật, trao đổi hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin hỗ trợ thưc hiện quản lý thuế còn yếu, độ tin cậy chưa cao. Luật quản lý thuế có quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức cá nhân có liên quan trong việc cung cấp các thông tin, trao đổi công tác trong quản lý thế, nhưng trong bước đầu thực hiện chưa có những chế tài cụ thể về từng trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức có liên quan.
Thứ ba, một số quy định của Luật tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế nhưng lại không tạo điều kiện cơ quan quản lý thuế thực thi nhiệm vụ. Ví dụ: trong luật quản lý thuế quy định 6 bước cưỡng chế nhưng thực chất, đó không phải là các bước mà là các phương pháp khác nhau. Cụ thể như: phương pháp qua ngân hàng để cưỡng chế tài sản doanh nghiệp hoặc siết nợ doanh nghiệp. Các phương pháp này không liên quan đến nhau nhưng lại buộc cán bộ phải thực hiện theo tuần tự.
Thứ tư,Một vấn đề cũng rất quan trọng đó là vấn đề về con người. Ở một số nơi, cách nghĩ, cách làm việc của một số công chức, viên chức còn chưa theo kịp với quá trình đổi mới; vẫn làm việc, quan lý theo cách cũ, lạc hậu, chưa đáp ứng được với cơ chế quản lý mới
Thứ năm, công tác hỗ trợ đối tượng nộp thuế, công tác thanh, kiểm tra, công tác thu nợ, và cưỡng chế thuế đạt hiệu quả chưa cao.
3. Giải pháp hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả của cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế ở nước ta.
Khả thi là một trong những nguyên tắc quan trọng của một chính sách thuế, nó đòi hỏi chính sách thuế phải dựa trên nhiều yếu tố như khả năng đóng góp của các đối tượng nộp thuế, trình độ tổ chức, quản lý thu nộp thuế, môi trường pháp lý, ý thức pháp luật và mặt bằng dân trí, … Do vậy, một chính sách thuế dù tiến bộ hay hoàn thiện đến đâu chăng nữa nhưng nếu không dựa trên những điều kiện thực tiễn của nền kinh tế - xã hội thì chính sách thuế đó sẽ không đảm bảo tính khả thi của nó, và do vậy hiệu quả đạt được sẽ không như mong muốn. Xuất phát từ những tồn tại hiện có trong việc thực thi cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế ở nước ta hiện nay cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây để nâng cao hiệu quả của công tác quản lí thuế:
Thứ nhất, cần hoàn thiện pháp luật, chính sách thuế theo hướng đơn giản, minh bạch, các quy định về thu nộp thuế phải rõ ràng, dễ hiểu, các quy định về thuế chỉ nên chứa đựng trong các văn bản thuế, tránh tình trạng muốn thực hiện một quy định trong luật thuế người ta phải tham chiếu trong quá nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Chẳng hạn như hiện nay với thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, để thực thi nó người ta phải đọc tới hàng chục văn bản khác nhau như: Luật doanh nghiệp, luật lao động, và các nghị định, thông tư khác nhau…
Thứ hai, để nâng cao hiệu quả của công tác quản lí thuế cần đẩy mạnh quá trình tin học hóa ngành thuế. Một mặt, viêc tin học hóa, ứng dụng công nghệ thông tin giúp cho cơ quan quản lí thuế theo dõi, kiểm kê quá trình nộp thuế tại các đơn vị, cá nhận tổ chức một cách thuận tiện và nhanh chóng. Mặc khác, việc thực thi nộp thuế qua mạng Internet còn tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức dễ dàng thực hiện trách nhiệm với nhà nước. Từng bước nâng cao ý thức tự kê khai, tự tính, tự nộp của người nộp thuế.
Thứ ba, trong quản lí thuế theo cơ chế tự khai, tự nộp thuế, thông tin về người nộp thuế phải xây dựng có tính hệ thống gọi là thông tin về người nộp thuế. “Thông tin về người nộp thuế trong pháp luật quản lý thuế ở nước ta hiện nay” Ths. Vũ Văn Cương – ĐH Luật Hà Nội, luattaichinh.wordpress.com, ngày 16/06/2009
Thông tin về người nộp thuế là một trong những tiêu chí quan trọng đảm bảo cho cơ quan quản lí thuế theo dõi, tổng hợp, phân tích, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của người nộp thuế. Chính vì vậy, hệ thống thông tin về người nộp thuế phải đầy đủ đáp ứng yêu cầu quản lí thuế, đảm bảo tính chính xác và trung thực, đầy đủ và kịp thời. Thông tin về người nộp thuế cần được phân loại theo các cấp độ khác nhau để có cách thức quản lí phù hợp.
Thứ tư, thông tin tuyên truyền tới các đối tượng nộp thuế về thực hiện cơ chế tự khai, tự nộp. Cơ quan thuế cần chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn thuế cần thực hiện qua nhiều hình thức khác nhau, thông qua nhiều hình thức khác nhau như các chương trình thông tin đại chúng, thực hiện giáo dục pháp luật thuê trong nhà trường.
KẾT LUẬN
Áp dụng cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế mang lại lợi ích cho cả cơ quan thuế và đối tượng nộp thuế. Đây là cơ chế quản lý thu thuế hiện đại, hiệu quả nhằm mục đích tăng tính tự giác, nâng cao trách nhiệm của đối tượng nộp thuế đối với nhà nước. Do đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý thuế là điều vô cùng cần thiết, nó không chỉ giúp người nộp thuế giảm bớt các thủ tục hành chính, chủ động trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế của mình đối với nhà nước mà nó còn giúp cơ quan thuế trong việc đi sâu thực hiện đúng chức năng chuyên môn của mình.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường ĐH Luật Hà Nội – Giáo trình Luật Thuế Việt Nam.NXB Tư Pháp;
2. Luật quản lý thuế năm 2006;
3. Nghị định 85/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quản lý thuế 2006;
4. Quyết định 197/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thực hiện cơ chế cơ sở sản xuất, kinh doanh tự khai, tự nộp thuế;
5. Trần Bình Minh: Đề án “Quản lý thuế theo cơ chế tự khai, tự nộp ở Việt Nam”;
6. Đặng Thanh Hiếu – Trần Thanh Nhàn: Đề án “Quản lý thuế theo cơ chế tự khai, tự nộp ở Việt Nam”;
7.Website:
8. Một số website và tài liệu có liên quan khác.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Chứng minh pháp luật quản lý thuế tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho việc thực thi cơ chế tự khai, tự tính, tự nộp thuế ở nước ta hiện nay.doc