Qua sự vận động đổi mới về học thuật, giáo dục và phong tục của Đông
Dương Tạp Chí, ta có thể khẳng định rằng tuần báo này xứng đáng với vị trí
là cơ quan văn hóa tiền phong của Việt Nam. Đông Dương Tạp Chí như nhìn
thấy trước các vấn đề trong xã hội. Thực tế đã cho ta thấy rằng, nhiều vấn đề
về văn hóa mà Đông Dương Tạp Chí đã đặt ra và góp phần giải quyết thì cho
đến nhiều thập kỷ sau, thậm chí hàng trăm năm sau người Việt Nam ta vẫn
còn phải đối mặt. Chính sự phân tích khách quan và khoa học cộng với tầm
nhìn xa của những người làm báo đã khiến cho công lao của Đông Dương
Tạp Chí có sự vững bền theo thời gian.
15 trang |
Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 2430 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Cuộc vận động đổi mới văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX qua Đông Dương tạp chí, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nghiên cứu khoa học
Cuộc vận động đổi mới văn hóa Việt
Nam đầu thế kỷ XX qua Đông
Dương tạp chí
Phong tục là những thói quen có từ lâu đời, ăn sâu vào đời sống xã hội, được
mọi người công nhận và làm theo. Hay nói khác hơn, phong tục là cái nết ăn,
nết ở đã thành thói quen của một dân tộc. Phong tục nào cũng có cái hay và
cái dở. Việt Nam ta đầu thế kỷ XX bên cạnh những phong tục truyền thống
đáng bảo tồn thì còn tồn tại rất nhiều những phong tục hủ lậu. Để tiến tới văn
minh, đưa đất nước thoát khỏi lạc hậu, thì cũng cần lắm việc xóa bỏ những
phong tục hủ lậu ấy. Công cuộc Duy Tân đầu thế kỷ XX chú trọng đổi mới
đất nước ở mọi mặt với khẩu hiệu “Khai dân trí - Chấn dân khí - Hậu dân
sinh”. Vậy thì “Khai dân trí” là một phần quan trọng trong công cuộc ấy. Bên
cạnh việc đổi mới học thuật, giáo dục thì việc đổi mới phong tục cổ hủ cũng
là một việc làm trọng yếu trên con đường khai trí dân tộc. Nhận định được
vấn đề ấy, Đông Dương Tạp Chí đã bước vào công cuộc đổi mới phong tục.
Ở vấn đề này thì ông chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh là người có nhiều đóng góp
nhất.
Từ số 6 đến số 29, Đông Dương Tạp chí đăng loạt bài XÉT TẬT MÌNH của
Nguyễn Văn Vĩnh. Ông đã luận bàn về các nết xấu, các hủ tục của dân ta, lấy
câu nói của danh sĩ nước Pháp E. Zola trong cuốn Le Dr. Pascal làm tiêu chí :
“Tout dire, pour tout connaitre, pour tout guérir” (Nói hết, để biết hết, để
chữa hết). Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng “Cái văn-minh Âu-châu cao hơn ta, là
vì người Âu-châu cũng có bấy nhiêu dại, nhưng mà người ta biết dại, mà
cách xét học sự dại sâu sắc vô cùng”, chính vì vậy phải học tập người Âu suy
xét những cái xấu của mình để tìm ra căn nguyên, tìm ra căn nguyên rồi mới
chữa được bệnh. “Ta chớ nên làm như người bệnh quá nặng, mà cứ thẹn thò
đành chết hơn phải dở nơi trọng thương cho thầy xem”. Ông cho rằng những
hủ tục của ta đều sinh ra từ những luật lệ trong “hương thôn, đoàn thể, nó
làm nên một cách giáo dục riêng khiến người ta lớn lên luôn mang tư tưởng
bị thắt buộc về thân phận con người, về xã hội, chứ không dám nói lên hai
tiếng cá nhân”. (Đ.D.T.C,số 6). Rồi từ đó, ông lần lượt nêu ra những hủ tục
còn tồn tại trong xã hội ta. Nào là cái lối hương thôn của ta thật sự thối nát và
hủ bại, quyền hành nằm trong tay bọn tổng lý, kỳ mục, nhưng chúng suốt
ngày đàn đúm, hách dịch (số 7). Đến cái tính ỷ lại của dân ta, một người làm
quan thì cả họ được nhờ, không biết tự lập, “một ông quan lớn, ít ra lúc nào
cũng có mươi người nhờ vả, ăn hại, trong nhà tấp nập, còn những phiên các
cụ đến chơi hỏi thăm, hoặc xin việc không kể, như thế thì trách nào lương
Nhà-nước chi bao nhiêu cũng không đủ, trách nào còn phải trông vào thiên-
lộc”.(số 8). Người Nam ta còn có tính biển lận, hay gian, nói dối: quan lại thì
cầm cán cân công lý, cốt giữ việc cho dân nhưng chuyên đè nén dân mà
hưởng lợi; dân ta thì ngu muội, tới công đường kiện việc công thì ít mà chỉ có
bọn nhà giàu dư tiền đi kiện việc mất trâu mất bò để thỏa thù riêng, quan lại
thì xử kiện nhảm để hưởng lợi (số 9). Ông còn nêu ra lắm tật xấu của người
mình như thói xấu trong ăn uống: “nhà người ta chết cha, tấp nập, người
chết nằm trong quan tài, người sống khóc rên mà chồng cầm trâu bán ruộng,
vợ lo mượn nồi mượn niêu, thân hào kỳ lão thì thứ tự ngồi nhìn nhau đợi
mâm nai rượu cho được” (số 10); nào là tật làm biếng của ta, học cho có học,
làm cho có làm chứ chưa biết hứng thú với công việc (số 11); nào là thói tín
ngưỡng lăng nhăng, mê muội làm cho ta không có một tôn giáo nào mạnh mẽ
nên không có sự tin tưởng nhiệt thành, do đó không có sức mạnh tinh thần để
làm một công cuộc gì lớn lao (số 13); nào là cách ăn mặc khiếm nhã, đi chân
trần, áo quần tả tơi, giữa chợ cứ đường hoàng cho con bú dẫn đến sự kém lịch
thiệp, văn minh (số 14); nào là tật huyền-hồ lý-tưởng : cứ thích bắt chước ở
Tàu mà không biết gầy dựng cái riêng của mình (số 15); nào là có tính ngồi-
thừ, không năng động, không biết ganh đua trong công việc. Bảo là lo cho
vận mệnh mai sau nhưng không biết suy tính phương kế cho việc thành mà
chỉ lo ngồi nghĩ đến những nông nỗi ngổn ngang rồi thấy nó nặng, nó khó,
chưa mó tay vào đã chịu (số 16). Và còn rất nhiều những tật xấu khác nữa
như “Gì cũng cười”, người ta khen cũng cười, chê cũng cười mà không biết
tìm lời đáp lại (số 22); mê tín dị đoan, đến đền thờ Hưng Đạo Đại Vương mà
cúng vái, bắt ma, chữa bệnh cho đàn bà hiếm muộn (số 19); “Vụng nói
truyện”, hay nói những điều thô lỗ, tục tằn, thích khoe khoang (số 21); ham
cờ bạc rồi sinh ra gian lận, chán nản công việc, hại tiền của, hại quốc gia, xã
hội (số 29),v.v…
Mới đọc qua, có vẻ như Nguyễn Văn Vĩnh kể xấu dân ta mà bức xúc, nhưng
suy nghĩ cho cặn kẽ thì những tật xấu ông nêu ra không sai chút nào. Đôi khi
chúng ta tự xét lại bản thân mình, ít hoặc nhiều đều có những tật xấu ấy. Như
vậy thì phải dũng cảm nêu ra để mà sửa, chứ cứ giấu diếm thì càng tệ hại
hơn.
Theo tinh thần đó, từ số 5 đến số 52, Đông Dương Tạp Chí lại mở thêm mục
NHỜI ĐÀN-BÀ cũng là một mục để “xét tật mình” nhưng hướng vào phạm
vi gia đình. Nguyễn Văn Vĩnh đã vạch ra những nết dở, thói ngang của người
vợ, người chồng, nhưng phần nhiều là hướng vào phụ nữ khiến cho gia đình
chẳng mấy khi trọn vẹn. Nào là phụ nữ khi ấy ăn mặc luộm thuộm, không
chăm chút thân hình, nhà cửa dẫn đến tệ “đi hát” của các ông (số 6). Trong
cách dạy con, bà thì la hét inh ỏi, hơi tí là thượng cẳng chân hạ cẳng tay, bà
thì quá âu yếm đến độ không cho con đi học vì sợ nắng, sợ bị bạn đánh đau,
sợ lao lực; còn các ông thấy vợ con nheo nhóc đâm chán nên bỏ bê, tiền
lương hàng tháng chẳng bao nhiêu mà còn đi hát, đi đánh bạc, cho gái; trẻ
con thấy những gương ấy sẽ noi theo (số 7). Trong việc sinh đẻ thì mất vệ
sinh, tin ở mấy bà mụ mà không đi nhà thương, rồi kiêng khem những cái lạ
đời, không dám ăn đồ ăn ngon; đàn ông thì cho việc sinh đẻ là xấu xa, ra
ngoài sợ anh em trêu chọc, chê cười (số 8, 9). Trong cách ăn mặc của phụ nữ
thì chưa nhã nhặn, người xa xỉ thì xa xỉ quá, người xuềnh xoàng thì xuềnh
xoàng quá (số 15). Đàn ông thì ham lấy nhiều vợ, đến lúc sa sút thì con cái
nheo nhóc (số 22). Nước ta thời ấy có một phong tục rất thiệt thòi cho con gái
đó là đánh đồng, một nhà có mấy chị em mà lỡ một người dở dang, hư tánh,
chơi bời thì bao nhiêu con gái cũng hỏng cả. Cha mẹ cũng mang tiếng ở đời,
dẫu những đứa con gái khác trọn vẹn, đứng đắn cũng không chuộc lại được
(số 21). Lại việc cưới xin thì cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, con gái chỉ như đồ
vật vô giá (số 34). Ngoài xã hội thì thiên trọng đàn ông, khinh bỉ đàn bà (số
40), rồi đến cái nết nói bẩn, nói tục “chắc hẳn không người nước nào bằng
nước An nam ta” (số 50),v.v…
Từ những phong tục gia đình cổ hủ ấy, Nguyễn Văn Vĩnh cũng đã đưa ra vài
biện pháp để khắc phục và xóa bỏ nó đi như làm phụ nữ thì phải nên mua
sách bằng quốc ngữ về việc sinh đẻ nuôi con để đọc mà tiếp lấy cái văn
minh(số 12). Phụ nữ phải luôn trau dồi tài, sắc và hạnh để đàn ông không
chán (số 39). Ông còn khuyến khích phụ nữ đấu tranh cho nữ quyền, lập
những tờ báo làm cơ quan văn hóa riêng cho phụ nữ (số 40). Còn đàn ông thì
phải nên học lấy cái nết galanterie của đàn ông Pháp, biết khiêm tốn với đàn
bà, nói lời tao nhã với đàn bà chứ không chỉ biết sợ, biết nể đàn bà không thôi
(số 33). Đàn ông không nên lấy vợ nọ vợ kia mà đàn bà cũng đừng nên chui
vào chốn ấy làm gì (số 52),v.v…
Tiếp đó, trong bài ký sự HƯƠNG SƠN HÀNH TRÌNH (đăng trên Đông
Dương Tạp Chí từ số 41 đến 45) nhân hội chùa Hương, lại một lần nữa ông
Vĩnh phê phán tín ngưỡng An nam ta, “thật là một mớ tín ngưỡng hỗn độn,
nông nổi, nhiều khi lại rất nhảm, rất bậy”. Ông phê phán những việc như cầu
tự, xin con,…Trong thiên ký sự này, lời lẽ của ông có hơi đả kích quá đáng
vào tín ngưỡng của dân ta. Nhưng nhìn nhận ở khía cạnh nhẹ nhàng hơn ta lại
nhận ra sự nhiệt thành của ông trong công cuộc đổi mới phong tục nước
Nam, có lẽ vì nhiệt thành quá nên đôi khi đâm ra quá khích. Đặc biệt, ông
còn viết loạt bài PHẬN LÀM DÂN (từ số 48) để giáo dục quyền công dân.
Ông chỉ lối cho người dân quê mỗi khi tới cửa công thường lúng túng, ngớ
ngẩn, không biết quyền lợi của mình mà đòi hỏi. Ông phân tích những chức
vụ chánh quyền của nhà nước bảo hộ từ trên xuống dưới, cắt nghĩa tổ chức
thôn xã, thủ tục tố tụng từ phủ huyện lên tỉnh, vạch trần những thói đút lót,
tâm lý hiếp đáp của nha lại, tinh thần khiếp sợ của người dân khi đến trước
của công. Ngoài ra, ông còn là tác giả của thiên khảo luận đặc sắc CHỈNH
ĐỐN LẠI CÁCH CAI TRỊ DÂN XÃ (từ số 61). Thiên khảo luận này là
nhằm giải quyết một vấn đề của người Pháp đặt ra cho Hội đồng tư vấn Bắc
kỳ mà Nguyễn Văn Vĩnh là hội viên. Khi bắt tay vào cai trị miền Bắc nước
ta, Pháp vấp phải một tổ chức rất phiền toái, đó là “làng”, làng An nam có
những luật lệ riêng mà ngày xưa triều đình cũng không xâm phạm được.
Trong quá trình giải quyết vấn đề này, Nguyễn Văn Vĩnh tuy chưa đưa ra
được một giải pháp nào những ông đã vạch trần được cái sự hủ bại trong lệ
làng với một bọn kỳ mục hách dịch tranh nhau chiếu dưới chiếu trên, đến nỗi
vì đó mà “cái cổng làng thành ra một cái thành quách vững bền để mà chống
cự với cái văn minh không cho lọt vào đến dân thôn”. Ông cũng phân tích
những tai hại của nó: làm hẹp hòi dân trí và làm nghèo khó dân sinh. Và
chính cái nghèo khó ấy đã làm phát sinh ra đủ điều ngăn cản việc tiến hóa.
Ông nhận định rằng : “Tiến hóa cốt ở việc học hành, việc công nghệ, việc lo
cho cái thân con người được hưởng những cái sung sướng vui vẻ, ở cửa cao
nhà rộng, mặc quần lành áo sạch, ăn uống đồ ngon bổ, chơi bời những cách
thỏa thuê thần trí. Người ta có dư dật thì mới nghĩ đến được những cách ở
cao mặc sạch, ăn ngon, uống mát, chơi bời cho tiêu khiển, luyện tập tâm trí
cho khôn ngoan và biết cảm những tình cao thượng. Nghèo như dân ta thì
quanh năm chỉ lo đổ vào miệng còn chưa xong. Nhà rách vách nát, cơm thì
bữa khoai bữa đậu, quý hồ nuốt trôi cổ để đỡ bụng đói mà làm lụng, đồ ăn
ngon lành còn sợ hao phí, thì phỏng còn học hành gì, còn luyện tập gì đến
tâm trí, còn nghĩ gì đến những việc ích lợi cho xã hội” (số 64). Qua đó, cho
ta thấy được sự am hiểu của ông đối với tình hình xã hội, đời sống dân ta thời
bấy giờ, mới lại thấy được cái tình cảm của ông đối với dân với nước. Ông
nêu toạc ra tất cả những thói xấu của dân mình, tuy có đôi lúc lời lẽ hơi căng
thẳng nhưng xét cho cùng cũng là vì ông lo cho vận mệnh nước nhà, muốn
cải tiến đất nước đi theo con đường văn minh một cách nhanh nhất. Chúng ta
phải biết luôn luôn nhìn lại mình, suy xét mình thì mới tiến bộ được. Ông
Vĩnh đã đứng trên lập trường của một người dân An Nam mà bộc lộ những
tật xấu của mình nên lời lẽ có hơi quá “tự nhiên”. Tuy nhiên, chúng ta nên
thấy được cái lòng nhiệt thành của ông đối với dân với nước, vì bên cạnh việc
nêu ra những tật xấu ấy, ông cũng đã đưa ra một vào biện pháp để khắc phục
chứ không chỉ có biết phê phán, tuy nó chưa triệt để nhưng nó là bước đầu để
dần sửa đổi những hủ tục của ta. Rồi từ việc nêu ra ấy của ông Vĩnh, mỗi
người dân ta ít hay nhiều cũng bắt đầu tự nhìn lại mình, tự xét mình để xem
sao ông Vĩnh lại nói như vậy, ông nói có đúng hay không, hay là ông bài bác
dân mình. Bắt đầu một công cuộc “nhìn lại mình”, vậy thì cái việc làm của
ông Vĩnh há chẳng phải có chút kết quả bước đầu rồi ư!
Bên cạnh ông Nguyễn Văn Vĩnh, ông Phan Kế Bính cũng có những đóng góp
thiết thực cho nền phong tục nước nhà. Từ số 24 đến số 49, Đông Dương Tạp
Chí mở mục VIỆT NAM PHONG TỤC do ông Phan Kế Bính đảm nhiệm,
trích đăng những bài khảo cứu về phong tục Việt Nam ta, bao gồm ba phần:
PHONG TỤC TRONG GIA TỘC (Cha mẹ với con; Anh chị em; Phụng sự tổ
tôn; Đạo làm con; Thần hoàng; Tang ma; Cải táng; Vợ chồng;v.v….),
PHONG TỤC HƯƠNG ĐẢNG (Sự thần; Việc tế tự; Lễ kỳ an; Chùa chiền;
Ngôi thứ; Viên chức; Lễ khao vọng; Lệ kính biếu; Đăng khoa; Thuế khóa;
Binh lính; Tạp dịch; v.v…) và PHONG TỤC XÃ HỘI (Vua tôi; Thầy trò;
Bầu bạn; Quan dân; Chủ, khách; Dâu gia; Nho giáo; Phật giáo; Chính trị;
Văn chương; Đồng cốt; Cô hồn; Nhuộm răng; Ăn trầu; Hút thuốc lào; Hát
tuồng; Hát xẩm;v.v….)
Phan Kế Bính nhận định rằng phong tục của ta phần nhiều là do Tàu mà ra.
Có những tục cũ ngày trước thì hay những bây giờ thì trở nên hủ bại. “Đó
không phải là tổ tiên ta khi trước có vụng dại gì, chỉ là thời thế mỗi lúc một
khác, mà mỗi lần biến cải thì cái trình độ khai hóa lại tấn tới thêm lên một
từng. Ấy cũng là cái lẽ tự nhiên của tạo hóa như thế”. Như ông Nguyễn Văn
Vĩnh, ông cũng cho rằng những cái tục cũ truyền nhiễm đã lâu, không dễ mà
thay đổi ngay được trong một thời gian ngắn. Mà muốn đổi thì cũng phải lựa
dần dần, trước mắt phải xem cái gì quá tệ mà bỏ bớt đi, rồi lâu lâu mới đem
cái tục hay mà bỏ hết cho các tục dở. Còn tục gì hay mà là quốc túy của ta thì
vẫn nên giữ lấy. “Song muốn biết tục nào hay tục nào dở thì lại phải xét tự
gốc tích cái tục ấy”. Theo đó, qua từng bài viết ông đã kê cứu lần lượt và cho
biết nguồn gốc, nguyên thủy của những phong tục ở nước Nam ta. Đồng thời,
ông cũng nêu ra những tục mới, hay và nên theo.
Không những chỉ nghiên cứu phong tục nước mình, Đông Dương Tạp Chí
còn phổ biến những phong tục hiện đại của Tây phương để góp phần bồi bổ
vào những chỗ khuyết của phong tục An Nam ta. Từ số 15 trở đi, Đông
Dương Tạp Chí mở thêm mục LUÂN LÝ HỌC do chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh
đảm nhiệm. Luân lý học là khoa học phong tục. Mục này đăng những bài
dịch của ông Vĩnh trong các sách luân lý triết học của Âu châu về giáo dục
nhân cách và tư tưởng con người như cuốn “Nghĩa vụ” của J. Simon, sách
“Hạnh phúc triết học” của P. Janet, sách “Nghĩa vụ triết học” của Ferraz, sách
“Điều thực, điều đẹp, điều thiện” của Victor Cousin, v.v…Qua đó, góp phần
giới thiệu những phong tục đẹp của Tây phương mà ta nên học hỏi, bổ trợ
cho công cuộc đổi mới, thay thế những phong tục lạc hậu của An nam ta. Qua
sự giới thiệu ấy, chúng ta cũng nên có một chút so sánh giữa phong tục của
Tây và ta để hiểu được tình trạng hiện thời của cái gọi là văn minh: “…một
bên ví như cô con gái mơn mởn đang xuân, áo quần óng chuốt , còn một bên
tựa hồ như người đàn bà đã đứng tuổi, ăn mặc lôi thôi, nói năng giữ gìn.”
(Ngẫm nghĩ vài câu về Âu-Á văn-minh, Thái-kiến-Quang, Đ.D.T.C, số 37).
Nhưng sự so sánh ấy không có nghĩa là xác định được phong tục của bên nào
hơn bên nào, vì mỗi nước đều có những phong tục đặc trưng riêng, làm nên
cái bản sắc dân tộc. Mà chỉ là để xem thử có chọn lọc được những chất tốt
trong hai nền văn minh ấy ra mà phối hợp lại với nhau hay không, điều này
sẽ mang lại ích lợi cho ta. Không phải so sánh như vậy để rồi thay đổi hoàn
toàn theo những phong tục Tây phương, ta phải làm sao để ta vẫn là một
“người đàn bà đứng tuổi” nhưng không còn “ăn mặc lôi thôi”. Đây là vấn đề
rất khó mà Đông Dương Tạp Chí đã đề ra và bước đầu góp phần giải quyết.
“Người ta có ví văn-minh Á như cụm trúc, văn-minh Âu như dây bí. Cụm trúc
ấy lâu nhớn; nhưng mà rễ sâu, cây già chưa lụi, măng non đã mọc. Mà dây
bí thì sức mạnh gớm ghiếc, mọc lan đi xa, lá nhớn, hoa to, quả cực đại, mà
lại mau tốt…ta nên xem trúc có lá nào khô, ta nhặt đi, cành nào gai góc,
vương vít, ta chặt đi, để chỗ cho bí leo. Bí có lan ra ta không nên sợ thương
đến mạng trúc, vì lực trúc mạnh, rễ trúc cứng. Ta cứ để cho bí leo, hoa bí
trang sức cho ta được đẹp, quả bí cho ta được món ăn ngon” (Ngẫm nghĩ vài
câu về Âu-Á văn-minh, Thái-kiến-Quang, Đ.D.T.C, số 38). Theo tinh thần ấy,
Đông Dương Tạp Chí đã bắt đầu chăm lại “trúc” để loại bỏ những “lá khô”,
và đưa “dây bí” leo vào thân “trúc”. Ấy thực là một cái việc làm hữu ích và
đầy ý nghĩa trong công cuộc đổi mới phong tục nước nhà.
Mục đích cao nhất của việc đổi mới phong tục vẫn là đưa xã hội Việt Nam
nghèo nàn, lạc hậu tiến tới văn minh, tiến bộ. Nhưng muốn tiến được đến hai
chữ văn minh không phải là việc dễ. Ông Phan Kế Bính đã từng nhận định
một cách rất sâu sắc rằng : “Đừng nên tưởng người ta cạo đầu là văn-minh,
mà mình cạo đầu cũng là văn-minh! Đừng nên tưởng rằng người ta cách ăn-
mặc lịch-sự là văn-minh, mà mình ăn-mặc lịch sự cũng là văn-minh! Đừng
nên tưởng rằng người ta lên xe xuống ngựa là văn-minh, mà mình lên xe
xuống ngựa cũng là văn-minh! Đừng nên tưởng rằng người ta lầu cao gác
rộng là văn-minh, mà mình lầu cao gác rộng cũng là văn-minh”. Dân ta mở
miệng ra là nói chữ văn-minh nhưng còn không biết bao nhiêu điều hủ lậu :
“Đầu húi tóc đội mũ, giầy tây áo dạ bảnh bao mà hỏi đến chữ thì đặc như
cán mai; tay cầm sách miệng đọc những chữ duy tân mà cờ bạc rượu trè vẫn
thành thánh. Chỗ hương-thôn thì tuy có gội nhuần được ít nhiều tân hóa mà
có kẻ vì khẩu giầu miếng thịt tranh kiện nhau vẫn còn nhiều. Bực sĩ-hoạn thì
tuy đổi thói cổ được nhiều phần mà nết gian tham của dân vẫn có người chưa
dứt. Như thế thì động mồm ra nói chữ văn-minh thì văn-minh cái gì?”. Ông
còn cho rằng : “Gây nên sự văn-minh ắt phải lâu năm chầy tháng, dùng biết
bao nhiêu công trình mồ hôi nước mắt, chớ không phải ngồi không mà tự
nhiên văn-minh nó đến bao giờ…Dân ta bây giờ ví như một cây văn-minh
mới giồng, còn phải vun xới, bón tưới nhiều”. (Thế nào là văn-minh,
Đ.D.T.C, số 35). Và ông cùng với ông Vĩnh và những đồng nghiệp trên Đông
Dương Tạp Chí đã bắt tay vào cái công cuộc “lâu năm chầy tháng” ấy và
bước đầu gầy dựng những công trình nhiệt huyết cho việc đổi mới phong tục,
đưa dân Việt tiến tới văn minh. Đông Dương Tạp Chí với vai trò tiên phong
đã khơi gợi lên cái phong trào ấy để những cơ quan văn hóa đi sau tiếp nối
một cách xuất sắc. Văn minh không bao giờ có điểm dừng thì việc đổi mới
phong tục cũng không bao giờ là kết thúc. Cho đến hiện đại hôm nay, tuy
phong tục ta đã được đổi mới và tiến bộ rất nhiều so với trước, nhưng chúng
ta vẫn cứ phải luôn nhìn lại mình và đổi mới mình để theo kịp đà văn minh
nhân loại. Như vậy thì cái công việc mà Đông Dương Tạp Chí đã làm nó luôn
có giá trị ở mọi đất nước và mọi thời đại.
Qua sự vận động đổi mới về học thuật, giáo dục và phong tục của Đông
Dương Tạp Chí, ta có thể khẳng định rằng tuần báo này xứng đáng với vị trí
là cơ quan văn hóa tiền phong của Việt Nam. Đông Dương Tạp Chí như nhìn
thấy trước các vấn đề trong xã hội. Thực tế đã cho ta thấy rằng, nhiều vấn đề
về văn hóa mà Đông Dương Tạp Chí đã đặt ra và góp phần giải quyết thì cho
đến nhiều thập kỷ sau, thậm chí hàng trăm năm sau người Việt Nam ta vẫn
còn phải đối mặt. Chính sự phân tích khách quan và khoa học cộng với tầm
nhìn xa của những người làm báo đã khiến cho công lao của Đông Dương
Tạp Chí có sự vững bền theo thời gian.
MỤC LỤC
Trang
TÓM TẮT CÔNG TRÌNH 1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài 3
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4
3. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 5
4. Mục tiêu của đề tài 7
5. Phương pháp nghiên cứu 7
CHƯƠNG 1
GIỚI THIỆU TUẦN BÁO ĐÔNG DƯƠNG TẠP CHÍ
1.1. Tình hình văn hóa – xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX 8
1.2. Hình thức, nội dung và chủ trương của Đông Dương Tạp Chí 13
1.2.1. Hình thức và nội dung của Đông Dương Tạp Chí 13
1.2.2. Chủ trương của Đông Dương Tạp Chí 14
1.3. Ban biên tập Đông Dương Tạp Chí 15
CHƯƠNG 2
CUỘC VẬN ĐỘNG ĐỔI MỚI NỀN VĂN HỌC – HỌC THUẬT VIỆT
NAM ĐẦU THẾ KỶ XX TRÊN ĐÔNG DƯƠNG TẠP CHÍ
2.1. Đổi mới văn học 24
2.2. Đổi mới học thuật 35
CHƯƠNG 3
CUỘC VẬN ĐỘNG ĐỔI MỚI GIÁO DỤC VÀ PHONG TỤC VIỆT
NAM ĐẦU THẾ KỶ XX TRÊN ĐÔNG DƯƠNG TẠP CHÍ
3.1. Đổi mới giáo dục 40
3.2. Đổi mới phong tục 47
CHƯƠNG 4
ĐÁNH GIÁ VỀ VẤN ĐỀ ĐỔI MỚI VĂN HÓA VIỆT NAM TRÊN
ĐÔNG DƯƠNG TẠP CHÍ
4.1. Giai đoạn trước năm 1945 56
4.2. Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1975 60
4.2.1. Ở miền Bắc 61
4.2.2. Ở miền Nam 63
4.3. Giai đoạn từ năm 1975 đến nay 65
4.3.1. Tiếp tục xu hướng đánh giá tiêu cực 65
4.3.2. Những đánh giá mới về Đông Dương Tạp Chí 66
KẾT LUẬN – KIẾN NGHỊ 69
TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC
1. Một số hình ảnh của ban biên tập Đông Dương Tạp Chí
2. Hình ảnh về tuần báo Đông Dương Tạp Chí
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- lv_ngon_ngu_hoc_5__3902.pdf