Đặc trưng thi pháp chủ nghĩa lãng mạn qua tiểu thuyết những người khốn khổ và nhà thờ đức bà paris của victor hugo
A. Mở đầu. 1. Lý do chọn đề tài. Văn học là một loại hình nghệ thuật, một hình thái ý thức xã hội dặc thù luôn vận động, biến chuyển. Tiến trình văn học như một hệ thống với sự hình thành, tồn tại phát triển qua các thời kì lịch sử. Hoạt động nổi bật của tiến trình văn học là các trào lưu văn học.Trào lưu văn học là một hoạt động có tính chất lịch sử, ra đời và mất đi trong một khoảng thời gian nhất định. Đó là một phong trào sáng tác tập hợp các tác giả, tác phẩm gần gũi nhau về cảm hứng, tư tưởng, nguyên tắc miêu hiện thực, tạo thành một “dòng sông lớn” có bề thế trong đời sống văn học của một dân tộc hoặc một thời đại. Trong các trào lưu văn học lớn trên thế giới, không thể không nhắc đến trào lưu chủ nghĩa lãng mạn. Chủ nghĩa lãng mạn vừa là trào lưu văn học, vừa là phương pháp sáng tác, được hình thành ở Tây Âu sau Cách mạng tư sản Pháp năm 1789 với các tác gia tiêu biểu như: Victor Hugo, George Sand, William Blake, Samuel Taylor Coleridge, Alexander Pushkin Chọn đề tài tìm hiểu “Đặc trưng thi pháp Chủ nghĩa lãng mạn qua tiểu thuyết NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ và NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS của Victor Hugo”, tôi muốn hiểu biết thêm về thi pháp chủ nghĩa lãng mạn và đại văn hào Victor Hugo-một tác gia mà tôi yêu thích. Qua đó đưa ra những ý kiến riêng của bản thân cũng như thực hành những kiến thức thu nhận được qua học phần Tiến trình văn học, góp phần nhỏ bé của mình vào kho tàng tri thức văn học nói chung. 2. Mục tiêu đạt được. 2.1. Về lí luận. - Có sự nhìn nhận đúng đắn tổng quát về “ Chủ nghĩa lãng mạn”. - Nắm bắt được đặc trưng thi pháp chủ nghĩa lãng mạn qua tiểu thuyết NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ và NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS của Victor Hugo. - Từ những lí luận chung rút ra một kết luận xác đáng. 2.2. Về thực tiễn. - Tập thao tác nghiên cứu khoa học. - Từ những hiểu biết có được qua đề tài, xây dựng cho bản thân một cơ sở lý luận làm hành trang trên con đường tri thức cũng như trong cuộc sống. - Dẫu biết bài tiểu luận này còn khiêm tốn về tri thức nhưng cũng mong góp phần nhỏ, phần chưa biết về đặc trưng thi pháp Chủ nghĩa lãng mạn, cũng là cơ hội để thực hành, sử dụng những kiến thức đạt được qua học phần Tiến trình văn học để đi vào một vấn đề cụ thể. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu. 3.1 Đối tượng nghiên cứu. - “Chủ nghĩa lãng mạn”. - Đặc trưng thi pháp Chủ nghĩa lãng mạn qua tiểu thuyết NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ và NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS của Victor Hugo. 3.2 Phạm vi nghiên cứu. - Trào lưu Chủ nghĩa lãng mạn nói riêng và tiến trình văn học nói chung. - Đi sâu vào nghiên cứu đặc trưng thi pháp Chủ nghĩa lãng mạn. 4. Phương pháp nghiên cứu. - Phương pháp tổng hợp tư liệu. - Phương pháp lôgic. - Phương pháp so sánh, đối chứng. - Phương pháp phân tích, bình luận. 5. Lịch sử vấn đề. Chủ nghĩa lãng mạn là một trào lưu và là một phương pháp sáng tác có vị trí quan trọng trong tiến trình văn học. Nghiên cứu về Chủ nghĩa lãng mạn và văn hào Victor Hugo đã có nhiều, nó là một đề tài lớn trong văn học. Có thể kể đến các tác tác phẩm nghiên cứu như: - “Văn học lãng mạn và văn học hiện thực phương tây” của tác giả Lê Hồng Sâm, Đặng Thị Hạnh. - Tuyển tập “Victor Hugo ở Việt Nam”- Viện Văn Học Hà Nội. - “Victor Hugo – Một tâm hồn cao cả” của tác giả Nguyễn Hạnh, Trần Thị Thanh Nguyên. - “Cuộc đời và tác phẩm Victor Hugo” của tác giả Đặng Anh Đào. - “Victo Hugo” của tác giả Phùng Văn Tửu. 6. Cấu trúc của bài tiểu luận. Bài tiểu luận này được sắp xếp thành 3 phần theo thứ tự A, B, C. A. Mở đầu: Giới thiệu chung, hoàn thành các mục cơ bản của bài tiểu luận. B. Nội dung: Chương 1: Những vấn đề lý luận liên quan đến đề tài. Chương 2: Đặc trưng thi pháp Chủ nghĩa lãng mạn qua tiểu thuyết NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ và NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS của Victor Hugo. C. Kết luận: Hệ thống lại những luận điểm, nội dung chính của bài tiểu luận. B. Nội dung. Chương 1: Những vấn đề lý luận liên quan đến đề tài. 1.1 Chủ nghĩa lãng mạn. Cuộc Cách mạng tư sản Pháp năm 1789, đánh đổ chế độ phong kiến, là một bước ngoặt vĩ đại không chỉ đối với Pháp mà còn đối với cả Châu Âu. Chính sự sụp đổ của chế độ phong kiến và sự hình thành quan hệ xã hội mới đã tác động sâu sắc đến tư tưởng tình cảm của mọi tầng lớp trong xã hội. Đối với lớp người thuộc ý thức hệ quý tộc (lớp người cũ), họ cảm thấy bất mãn với trật tự xã hội mới, các đặc quyền, đặc lợi của họ trước kia hoàn toàn mất sau cuộc cách mạng này, lo sợ trước các phong trào quần chúng, hoang mang vì tương lai mờ mịt đồng thời luyến tiếc thời oanh liệt không còn nữa. Một bộ phận tầng lớp tiểu tư sản bị phá sản khi cách mạng nổ ra nên họ có tâm trạng bi đát. Đối với lớp người ủng hộ và đặt hy vọng vào cuộc cách mạng thì họ cảm thấy thất vọng trước thời cuộc, cái họ chống đối không phải là lý tưởng cách mạng mà là thành quả thực tế của cuộc cách mạng không như họ mong muốn. Chính những phản ứng đối với xã hội thực tại của họ đã sản sinh ra chủ nghĩa lãng mạn. Cơ sở ý thức của chủ nghĩa lãng mạn là nền triết học và mỹ học duy tâm cổ điển Đức, bên cạnh đó còn có sự tác động của chủ nghĩa xã hội không tưởng và chia làm hai khuynh hướng: Chủ nghĩa lãng mạn tiêu cực: Là sự phản ánh ý thức hệ của giai cấp bị Cách mạng tư sản tước đoạt quyền lợi và đẩy ra khỏi đời sống chính trị. Những nhà văn lãng mạn xuất thân từ tầng lớp quý tộc thường tìm tới thời Trung cổ, thời hoàng kim của chế độ phong kiến, hướng tới lý tưởng về cuộc sống đẹp đẻ êm đềm của thời xưa cũ. Khuynh hướng lãng mạn tiêu cực này mơ ước khôi phục lại chế độ cũ và đức tin đối với nhà thờ để truyền bá thuyết Thần bí về thế giới. Chủ nghĩa lãng mạn tích cực: Chủ nghĩa lãng mạn tích cực gắn liền với tâm trạng quần chúng nhân dân đang bất mãn trước những hệ quả của cuộc Cách mạng tư sản Pháp. Nhưng họ cũng mơ ước một tương lai tốt đẹp hơn thực tại mà họ đang sống, nơi đó con người được giải phóng khỏi mọi áp bức bất công. Chủ nghĩa lãng mạn tích cực chịu sự ảnh hưởng của tư tưởng chủ nghĩa xã hội không tưởng, họ "nhìn vào chiều hướng của sự phát triển thực tại", nhưng thực tế họ đã đi trước sự phát triển của thực tại. Có thể nói chủ nghĩa lãng mạn chính là sự phản ánh những khuynh hướng mâu thuẫn của xã hội và những khuynh hướng tiến bộ của thời đại. Chủ nghĩa lãng mạn đề cao thế giới nội tâm của con người, trước hết là thể hiện những khuynh hướng tự do cá nhân. Họ đã miêu tả những yếu tố khác thường của thế giới tình cảm và yếu tố trữ tình trong nghệ thuật. Các chủ đề về tình yêu, nỗi cô đơn, nỗi buồn, những lý tưởng không đạt, được sử dụng rộng rãi trong nghệ thuật lãng mạn. Họ làm phong phú cho nghệ thuật bằng những hình tượng, những chủ đề mới và xác nhận nhân vật mới không phải là cá nhân hài hòa với tập thể như con người trong thời đại ánh sáng. Song, người nghệ sĩ lãng mạn không phải là người chỉ biết có ước mơ, mà thực tế xã hội đã thức tỉnh người nghệ sĩ tình cảm yêu nước, yêu người tha thiết và sự phản đối với mọi bất công. Trong tác phẩm họ đã đề cập đến các chủ đề có liên quan đến cuộc đấu tranh của nhân dân, đến quá khứ anh hùng, đến các sự kiện và những chiến công anh dũng của nhân dân. Nói chung, chủ nghĩa lãng mạn là dòng nghệ thuật tiến bộ, khai sinh ra những đặc trưng thi pháp mới, đặc sắc. Thẩm mỹ của chủ nghĩa lãng mạn chú ý sự hỗn hợp chặt chẽ giữa các thể loại với nhau, tạo sự sinh động, tự do. 1.2 Đặc trưng thi pháp chủ nghĩa lãng mạn. Ðúng như nhận định của Marx, khuynh hướng lãng mạn là sự phản ứng đầu tiên đối với Cách mạng Pháp và tư tưởng Ánh sáng gắn liền với cuộc cách mạng đó. Văn học lãng mạn đã kế thừa các nhân tố như: Chủ nghĩa tình cảm ra đời nhằm cân đối với tính lý trí của văn học Ánh sáng thế kỷ 18 vốn nặng về lý trí. Về triết học, chủ nghĩa lãng mạn chủ yếu mang tính duy tâm chủ quan. Chủ nghĩa lãng mạn chịu ảnh hưởng khá sâu của học thuyết “chủ nghĩa xã hội không tưởng” của Owen và Furier. Nghệ thuật chủ nghĩa lãng mạn thiên về tính trữ tình yêu thiên nhiên như một phương thức giải thoát, thư giãn, phản ứng với hiện thực xã hội ngột ngạt bon chen. Văn học lãng mạn vẫn có chú ý ít nhiều đến hiện thực đau khổ của người lao động. Nghệ thuật xây dựng nhân vật chưa chú ý xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, nó là cá nhân dị biệt, ngẫu nhiên, bất chấp sự vận động của hoàn cảnh khách quan. Đặc biệt, tính nhân đạo tràn ngập các tác phẩm lãng mạn. Nhìn một cách tổng quát, đặc trưng thi pháp chủ nghĩa lãng mạn được thể hiện rõ nét qua các phương diện sau: Về đề tài Chủ nghĩa lãng mạn tích cực với chủ tướng là Victor Hugo đã chủ trương mở rộng đề tài. Không phân biệt đề tài cao cả hay thấp hèn. Nếu trong chủ nghĩa cổ điển đề tài là cảnh sống giàu có, hành động đấu tranh cho lý tưởng cao cả của những ông hoàng bà chúa hầu như không đề cập đế những khía cạnh đời sống của những tầng lớp dưới-những người bình dân thì ở chủ nghĩa lãng mạn mọi vấn đề của cuộc sống, mọi tầng lớp trong xã hội đều ngang nhau trở thành đề tài cho văn học nghệ thuật. Chủ nghĩa lãng mạn thể hiện tính dân tộc qua việc chủ trương khai thác đề tài lịch sử của dân tộc mình ( Nhà thờ Đức bà Paris của Victor Hugo, Aivanho của Walter Scott ). Ngoài ra, chủ nghĩa lãng mạn còn rất đề cao tính trữ tình trong sáng cũng như rất coi trọng thiên nhiên, coi trọng văn học dân gian. Nói chung, mọi sự quy định, ràng buộc của chủ nghĩa cổ điển đến chủ nghĩa lãng mạn đều bị phá vỡ. Về nhân vật Mọi người dù ở bất kỳ tầng lớp xã hội nào cũng đều được phản ánh qua các tác phẩm của chủ nghĩa lãng mạn, không phân biệt giai cấp, mọi người đều có quyền bước chân vào văn học. Văn học lãng mạn đã thành công khi thể hiện hình ảnh "đám đông" quần chúng với những kiếp người đau khổ. Ví dụ như hình ảnh đám đông trong Nhà thờ đức bà Paris của Victor Hugo. Về thể loại Chủ nghĩa lãng mạn trong văn học không có sự phân biệt thiếu dân chủ như trong chủ nghĩa cổ điển, không phân chia thể loại cao cả và thấp hèn, nhưng thể loại thích hợp và được sử dụng nhiều hơn cả là thơ trữ tình và tiểu thuyết. Về ngôn ngữ Chủ nghĩa lãng mạn ra sức mở rộng phương tiện diễn đạt, phát triển ngôn ngữ đến chỗ rất mực phong phú, câu văn phóng túng nhưng cũng rất uyển chuyển, giàu chất nhạc họa. Các thủ pháp nghệ thuật được sử dụng nhiều hơn và linh hoạt hơn. Có thể nói chủ nghĩa lãng mạn thật sự đã làm một cuộc cách mạng về ngôn ngữ. Chương 2: Đặc trưng thi pháp Chủ nghĩa lãng mạn qua tiểu thuyết NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ và NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS của Victor Hugo. 2.1 Victor Hugo-chủ tướng của chủ nghĩa lãng mạn tích cực. Victor Hugo (1802 -1885) là nhà thơ, nhà tiểu thuyết, nhà soạn kịch lãng mạn nổi tiếng của Pháp. Cha ông là một tướng lĩnh cách mạng, mẹ ông là người có tư tưởng bảo hoàng. Ông ảnh hưởng tư tưởng của mẹ, nhưng sau rời bỏ và trở thành chủ soái của dòng văn học lãng mạn tích cực. Sống trong một thế kỉ đầy những biến cố bão táp, ông trở thành “hiện thân của chủ nghĩa lãng mạn”, là nhà văn của những khát vọng và yêu thương sâu xa nhất của con người. Cuộc đời chiến đấu không ngừng của ông, những tác phẩm văn chương của ông phản ánh trung thành những biến cố lịch sử lớn lao, những cuộc cách mạng của nhân dân Pháp suốt thế kỷ XIX. Tác phẩm của ông tiêu biểu cho ý chí tự do, lòng tha thiết yêu hòa bình, lòng tin tưởng cao cả vào con người lao động. Là lãnh tụ của phái lãng mạn, ông luôn trung thành với những tư tưởng lãng mạn tích cực, chống đối lại xu hướng lãng mạn tiêu cự, thoát ly. Ông chế giễu bọn nhà văn hô hào nghệ thuật thuần túy và đòi cho được nghệ thuật phải phục vụ chân lý, phản ánh thực tế. Hugo đề ra nhiệm vụ của nghệ thuật là phải phục vụ lợi ích của nhân dân, sức mạnh của văn chương là ở mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Chủ nghĩa lãng mạn của Hugo thấm nhuần tinh thần nhân đạo chủ nghĩa. Nó rất gần chủ nghĩa hiện thực, Aragông gọi Hugo là “nhà thơ hiện thực”. và nhận xét rằng: “Tác phẩm của ông ra đời trên đống gạch đổ nát của ngục Baxti và chấm dứt khi những nghiệp đoàn thợ thuyền sắp sửa tuyên bố rằng mùa xuân sẽ thuộc về họ ngày 1 tháng 5 tại Chicago. Victor Hugo là tấm gương phản chiếu cách mạng Pháp”. Các tác phẩm của Hugo phản ánh đời sống cùng cực của nhân dân dưới chế độ tư bản, phản ánh tâm địa xấu xa bỉ ổi của bọn quý tộc, bọn tư sản thống trị của thời đại. Tác phẩm của ông cũng mô tả được những con người lao động vùng dậy làm cách mạng. Hugo đã tiến từ xu hướng quân chủ đến tư tưởng dân chủ xã hội, từ nghệ thuật lãng mạn đến xu hướng hiện thực. Cuộc đời và tác phẩm của ông tiêu biểu cho cuộc phấn đấu không ngừng cho cách mạnh, cho tự do dân chủ, cho hòa bình hữu nghị các dân tộc. Tác phẩm của ông thấm nhuần tư tưởng nhân văn chân chính. Ngày nay chúng ta đều công nhận Victor Hugo là một nhà văn tiến bộ không những của nước Pháp mà còn là của toàn nhân loại. 2.1 Đặc trưng thi pháp Chủ nghĩa lãng mạn qua tiểu thuyết NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ và NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS. Tình yêu thương con người khốn khổ bị đoạ đày như được gieo mầm khắp các tác phẩm để kết thành những rung động âm vang qua các hình tượng lớn trong tiểu thuyết của Hugo. “Những người khốn khổ” và “ Nhà thờ Đức Bà Paris” là hai bộ tiểu thuyết thành công vang dội của đại văn hào Victor Hugo. Sự kết hợp tài tình giữa các yếu tố nghệ thuật và giao hoà tình thương cảm của tác phẩm đã đem lại ấn tượng mạnh mẽ về tấm lòng nhân đạo bao la của nhà văn. Đọc hai bộ tiểu thuyết nếu như không đặt nó vào hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ thì không thể thấy hết những cái hay, cái đẹp cũng như sự tiến bộ lớn về tư tưởng của tác phẩm. Tiểu thuyết của Hugo chứa chất nhiều yếu tố quen thuộc của tiểu thuyết trước và sau giai đoạn lãng mạn. Với tư cách là một cá tính sáng tạo, ông đã giữ khoảng cách với những mẫu mã cũ kỹ của thị hiếu, những lối mòn sáo trong thị hiếu độc giả. Những nét ấy đã ăn sâu trong tiểu thuyết thế kỉ 18 ở phương Tây đồng thời cũng khá phổ biến ở phương Đông. Bởi thế, vượt lên trên cả thơ ca tiểu thuyết của Hugo đặc biệt là “Nhà thờ Đức bà Paris” và “Những người khốn khổ” được bạn đọc trên toàn thế giới yêu thích, là những tác phẩm điển hình, đại diện xuất sắc cho thi pháp chủ nghĩa lãng mạn. Chọn đề tài lịch sử, bằng trí tưởng tượng trác việt, bản tính hóm hỉnh và thông minh, Hugo đã dẫn người đọc đi ngược dòng lịch sử, đến với một trong những nơi linh thiêng nhất: Nhà thờ Đức Bà Paris. Định mệnh cứ bám riết lấy con người, và có những khi con người đã chịu khuất phục trước nó nhưng đó không phải là tất cả. Bằng thiên tài nghệ thuật, đặc biệt với một tấm lòng trân trọng con người, Victor Hugo đã khiến “Nhà Thờ Đức Bà Paris” có được sức quyến rũ mãnh liệt đối với người đọc, mở ra trong cõi lòng họ những sự bừng thức mới, giàu ý nghĩa nhân sinh, và ở tận cùng của chiều sâu tư tưởng, người đọc còn bắt gặp, lắng nghe được tiếng kêu tha thiết về thân phận con người, về sự đấu tranh không ngừng và cả nỗi đau tột cùng của con người trước số phận. Sự đan chéo những yếu tố bi-hài, cái đẹp-cái dị dạng cũng là một nét độc đáo. Kết thúc của thiên tình sử vừa bi đát, vừa hài hước, bên cạnh đám cưới của Foebus đại uý quí tộc là “đám cưới” của Quazimodo và Esmeranda, họ chỉ có thể gặp nhau dưới nấm mồ. Mỗi nhân vật là một sự hài hước bi đát. Nhân vật hoạ sĩ Pierre Gringoie là sự thất bại của ảo mộng trước nhu cầu vặt vãnh của đời sống. Quazimodo cũng là đom đóm yêu một vì tinh tú, sự thiếu hài hoà của anh khiến những con người trần thế hầu như chẳng thể chấp nhận được. Lão linh mục Fraulot là sự bất hoà giữa khổ hạnh và thèm khát. Foebus gã sĩ quan quí tộc là sự đối lập giữa vẻ đẹp bên ngoài và sự xấu xa, trống rỗng bên trong. Một loạt các nhân vật bị quay cuồng trước một xã hội dã man với những trò đùa độc ác của con người và tạo hóa. Nhưng qua đó, bản chất của mỗi người lại được thể hiện, rũ bỏ lớp áo choàng danh vọng, địa vị, thứ cao quý còn lại mà Hugo cho đọc giả thấy là tình yêu thương vượt mọi trở ngại của luân lý đời thường. Bởi ảnh hưởng của chủ nghĩa không tưởng, bản thân là chủ soái của chủ nghĩa lãng mạng, Hugo đã để cho câu chuyện của mình kết thúc đúng như ý định ban đầu khi xây dựng “Nhà thờ Đức Bà Paris”: “Một tác phẩm văn học phải là một công trình của trí tưởng tượng, của các biến đổi và những điều dị thường”. Với cái nhìn mới về cuộc sống, về văn học-nghệ thuật, Victor Hugo đã thay thế những trật tự, những cách điệu, sự quân bình của khuynh hướng cổ điển bằng những điều phóng túng, vô trật tự, thiếu quân bình trong cuộc sống thời đại mình. Ông thiêng về bản ngã, thiên nhiên và Thượng Đế, khoác vào tâm hồn một mối sầu vạn cổ, thể hiện những dự định sáng tạo táo bạo, mới mẻ và thầm kín nhất. Cùng với ngôi nhà thờ thâm nghiêm, huyền bí, những thói tục kỳ quặc, luật lệ man rợ . là đủ các hạng người của một xã hội phong kiến thu nhỏ. Mỗi nhân vật ấy lại là biểu tượng về những giới hạn mà bản thân Hugo đã thể nghiệm, về cá nhân mình và con người nói chung, bởi thế, những nhân vật của Hugo không phải hoàn toàn chết cứng, trừu tượng mà đã có được sự sống và phức tạp trong đó. Nhờ vậy mà cho tới nay, dù trào lưu lãng mạn đã qua, thời Trung cổ của phương Tây càng trở nên xa xôi hơn bao giờ hết đối với độc giả nhiều nước nhưng “Nhà thờ Đức bà Paris” vẫn là một cuốn truyện được dịch và đọc nhiều nhất trên thế giới với tất cả vẻ ngây thơ, tươi mát và tình yêu con người tràn ngập trong đó. “Những người khốn khổ” là câu chuyện về xã hội nước Pháp trong khoảng hơn 20 năm đầu thế kỷ 19 kể từ thời điểm Napoléon I lên ngôi và vài thập niên sau đó. Nhân vật chính của tiểu thuyết là Jean Valjean, một cựu tù khổ sai tìm cách chuộc lại những lỗi lầm gây ra thời trai trẻ. Bộ tiểu thuyết không chỉ nói tới bản chất của cái tốt, cái xấu, của luật pháp, mà tác phẩm còn là cuốn bách khoa thư đồ sộ về lịch sử, kiến trúc của Paris, nền chính trị, triết lý, luật pháp, công lý, tín ngưỡng của nước Pháp đầu thế kỷ 19. Lấy đề tài là xã hội nước Pháp đầu thế kỷ 19 với đầy đủ những nhân vật thiện-ác, sang-hèn nhưng xuyên suốt tác phẩm ta có thể thấy rõ sự ưu ái mà Victor Hugo dành cho những con người bình dân, có địa vị thấp trong xã hội. Bản thân “Những người khốn khổ” có rất nhiều câu chuyện, nhân vật với những cuộc đời khác nhau, nhưng sợi dây nối những mảnh đời riêng biệt này lại là câu chuyện về Jean Valjean, người cựu tù khổ sai, người đang cố gắng sống vì một xã hội tốt đẹp nhưng lại không thể thoát khỏi quá khứ của mình. Những thắt nút những đòn bất ngờ, những tình tiết hỗn hợp xoay quanh vận mệnh của các nhân vật và “nhân vật trung tâm” thực ra là những phố xá lan man của Paris “theo đường bay của chim cú”, tu viện, cống ngầm, dòng sông Sein đều có điểm gặp gỡ: những chiến luỹ của “bản anh hùng ca phố Saint Denis và nhiều cuộc khởi nghĩa khác (1832, 1848) từ tài liệu sử sách và cả những điều nhà văn tai nghe mắt thấy. Những cảnh khốn cùng, những người khốn khổ đều là những nhân vật có gốc tích mà nhà văn gặp trên đường đời. “Cuốn sách này là một tấn bi kịch mà nhân vật đầu tiên là vô biên. Con người là nhân vật thứ hai”. Lời tuyên bố của tác giả tuy có làm rõ thêm tính triết lí của cuốn sách cũng không thể xoá bỏ luận đề xã hội mà cuốn sách nêu ngay từ trang đầu: “Khi pháp luật và phong hoá còn đày đoạ con người, còn xây nên những địa ngục ở giữa xã hội văn minh và đem một thứ định mệnh nhân tạo chồng chất lên trên thiên mệnh ”. Với tư cách là một tác phẩm lãng mạn, bộ tiểu thuyết vẫn là khẳng định thế giới lí tưởng của nhà văn nhưng cũng không hề thiếu những phần phê phán xã hội. Những nhân vật như Jean, Fantine, Cosette, Gavrochee, Azenma không có tên hay là một lai lịch rõ ràng, “đừng hỏi tên họ của một kẻ đi xin chỗ trú thân”, Jean muốn có một cái tên đáng kính thì phải ăn cắp, cho dù cần một cái tên giả để làm việc thiện. Và cuối cùng ông thú nhận cùng Marius “Để sống, xưa kia tôi đã phải ăn cắp một cái bánh, bây giờ để sống tôi không muốn ăn cắp một cái tên, tên tôi chính là Tôi”. Quả vậy, xã hội tư sản mang lại quyền sở hữu ”cái tôi” chỉ cho những ai có sở hữu tiền bạc. Cùng với họ tên, là vấn đề gia đình, Jean nói với Marius “tôi chẳng thuộc gia đình nào, thế đấy. Tôi chẳng thuộc gia đình củaông. Tôi không thuộc về gia đình của con người ( ). Tôi là kẻ khốn khổ, tôi ở bên ngoài”. Do vậy, những nhân vật khốn khổ của Hugo chưa thể gọi là những “điển hình” (tức là mang tính cá biệt), đó cũng là một đặc trưng trong chủ nghĩa lãng mạn. Song, những nhân vật trong tác phẩm vẫn có một ý nghĩa xã hội, họ là những “siêu mẫu” của tiểu thuyết hiện đại, rất gần gũi với điển hình A.Q của Lỗ Tấn, Chí Phèo của Nam Cao “Những người khốn khổ” cũng là tác phẩm ca ngợi tình yêu: Tình yêu đối với các con chiên của linh mục Myriel, tình yêu tuyệt vọng của Fantine và Éponine, tình phụ tử của Jean Valjean với Cosette. Bên cạnh đó, “Những người khốn khổ” cũng là một trong những tác phẩm hay nhất của văn học Pháp khi thể hiện tình yêu tổ quốc. Trong tâm trạng của một người tị nạn, Victor Hugo đã ghi lại từ trí nhớ và trái tim mình những cảnh vật nước Pháp mà ông yêu quý, đặc biệt là những hình ảnh về Paris, phông nền chính cho cả tác phẩm. Tác phẩm đã miêu tả ít nhất ba bức tranh chân thực của lịch sử nước Pháp, đó là trận Waterloo, cuộc nổi dậy của những người cộng hòa ở Paris năm 1832 và cuộc chạy trốn trong cống ngầm của Jean Valjean. Tính sử thi của tiểu thuyết cũng thể hiện qua việc miêu tả những xung đột bên trong tâm hồn con người, đó là sự xung đột giữa cái thiện và cái ác bên trong Jean Valjean, đó cũng là sự xung đột trong suy nghĩ của Javert trước sự tôn trọng luật pháp và sự tôn trọng đạo lý con người. Bạo lực và ôn hoà, cách mạng và tình thương không còn là một thứ ánh sáng phân đôi, mà đan chéo, hoà quyện và giằng xé ngay trong lòng một nhân vật lí tưởng như Jean Valjean-nhân vật trung tâm thể hiện những ảo tưởng lãng mạn biến cải thế giới bằng tình thương, đã có lúc lên chiến luỹ chỉ vì lo hạnh phúc riêng tư của con gái Cosette, nhưng nhà văn vẫn dẫn con người lí tưởng của mình tới chiến luỹ của những người Cộng hoà chứ không phải của quân chính phủ. Còn khi Anjonras phải thay bạn nhằm bắn một tên quốc dân trông giống hệt đứa em trai bạn thì “một dòng nước mắt long lanh chảy trên gò má lạnh như đá của anh”. Mối băn khoăn giày vò giữa “ánh sáng đen” và “ánh sáng trắng” từ tác giả thấm vào nhân vật. Hugo hi vọng giải quyết ba vấn đề “Sự sa đoạ của đàn ông vì bán sức lao động, sự truỵ lạc của đàn bà vì đói khát, sự cằn cỗi của trẻ thơ vì tối tăm”. Những con người bị vùi dập hiện ra trong tác phẩm với những vẻ đẹp cao cả. Những rung động đầy chất thơ và sự suy tưởng khát vọng xoá bỏ nỗi đau khổ của loài người. Nhà văn tin rằng lòng thương yêu tuyệt đối có khả năng tiêu diệt cái ác và mang lại hạnh phúc cho những người khốn khổ. Việc sử dụng ngôn từ một cách hợp lý đã góp phần vào thành công của tác phẩm. Ở đây do sức chứa rộng lớn của cuốn sách, do đề tài và nhân vật huy động một cách tối đa từ những bậc cao tới tận dưới đáy xã hội, ta thấy cất lên tiếng nói đa âm trong cuốn tiểu thuyết. Có những lúc nó mang lại chất thơ cho tiểu thuyết với những chương trữ tình ngoại đề mở rộng, khi lại hùng tráng, bi ai thể hiện tính sử thi của tác phẩm, nhưng hơn cả, đem lại sức sống cho tiểu thuyết “Những người khốn khổ” vẫn là thứ ngôn ngữ đời thường. Bằng tài năng và tâm huyết của mình “Những người khốn khổ” đã cho ta thấy một Victor Hugo với tư tưởng nhân văn cao cả, luôn hướng tới con người lao khổ với một sức mạnh tình thương và lòng nhân ái vô bờ, tác phẩm cũng chính là thông điệp của tình thương, lòng nhân ái và đức tin vào một thế giới tốt đẹp trong mỗi con người. Tóm lại, đặc trưng thi pháp chủ nghĩa lãng mạn đã được thể hiện rõ nét qua tiểu thuyết “ Những người khốn khổ” và “Nhà thờ Đức Bà Paris”. Từ đề tài, thể loại, nhân vật, ngôn ngữ nói riêng đến nội dung và nghệ thuật nói chung đều đã đem lại một cách nhìn mới, cách thể hiện mới trong văn học đương thời, là những đại diện xuất sắc cho chủ nghĩa lãng mạn-một móc xích quan trọng trong tiến trình văn học. C. Kết luận. Qua các tác phẩm “Nhà thờ Đức bà Paris” và “Những người khốn khổ”, Hugo ca ngợi tình thương yêu của những con người bình thường, miêu tả những tình cảm đau lòng dưới đáy xã hội Pháp với cả chiều rộng và chiều sâu. Không còn đẳng cấp, địa vị, không còn tôn sùng lý trí với những quy tắc tam duy nghiêm ngặt, trong chủ nghĩa lãng mạn tình yêu của con người được khai thác ở mọi phương diện, thiên nhiên được phản ánh một cách sinh động nhất, trở thành nơi phản ánh nội tâm và nuôi dưỡng tình cảm của con người, mộng tưởng và tình cảm của con người được đề cao, hướng đến một cuộc sống tự do, thoát khỏi mọi ràng buộc, hướng đến cái khoáng đạt phi thường, tìm kiếm sự tự do tuyệt đối. Xuất phát từ sự tinh tế của tâm hồn, từ tính sâu xa phức tạp của tư tưởng và triết lí, do mối dày vò và băn khoăn trước một thực tế hai mặt đang biến động, và nhất là trước số phận của con người. Chất suy tư sâu thẳm nằm trong những hình tượng nhân vật gần với biểu tượng hơn là điển hình. Ngăn cách bởi một khoảng thời gian khá dài và đầy biến động, hai bộ tiểu thuyết “Nhà thờ Đức bà Paris” và “Những người khốn khổ” là hai cột mốc tiêu biểu cho hai giai đoạn trước và sau những năm 1848 –1852. Hai bộ tiểu thuyết đã chuyển tải một cách đầy đủ và sâu sắc nội dung tư tưởng chứa đựng trong nó: lòng thương yêu con người, mong muốn xây dựng xã hội tốt đẹp bằng giải pháp tình thương Tác phẩm đã để lại âm vang trong lòng người đọc không chỉ ở tài năng viết tiểu thuyết độc đáo mà còn ở tấm lòng yêu thương nhân loại cần lao. Chủ nghĩa lãng mạn đã thể là một canh tân văn học, được chuẩn bị từ lâu do sự tiến hóa tư tưởng và cuộc tuần hành liên tục và cấp tiến của các nhà trí thức hướng về một cái gì mới mẻ xuyên suốt thế kỷ 18. Đó là những tình cảm, đam mê, đặc biệt là những đam mê của tình yêu, và cũng là những ấn tượng của trí tưởng tượng, nhất là của sầu muộn. Sầu muộn đó trong văn học gắn liền với những đam mê của tình yêu cũng như những ấn tượng đến từ những ngoại cảnh thiên nhiên. Tình cảm đó phát xuất từ tâm niệm cho rằng mọi vật trên đời rồi sẽ qua đi, con người là hữu hạn, thiên nhiên gò bó, lạc thú hiếm hoi, và những hạnh phúc lớn nhất rồi cũng tan biến. Suy tư về cái chết gần như luôn luôn đi liền với suy tư về tình yêu. Đam mê và sầu muộn: đó là hai yếu tố chủ yếu mà người ta tìm thấy khắp nơi bên trong nguồn cảm hứng lãng mạn và được thể hiện đầy đủ qua chủ tướng Victor Hugo. Với đặc trưng thi pháp chủ nghĩa lãng mạn, tiểu thuyết “Nhà thờ Đức bà Paris” và “Những người khốn khổ” cho chúng ta nhận thức được nhiều yếu tố mới mà trước đó chưa từng xuất hiện: tình cảm đối với thiên nhiên và mối liên hệ giữa thiên nhiên và cảm xúc của con người, sự diễn tả sắc bén và mãnh liệt của đam mê làm đảo lộn con tim, nỗi sầu muộn, nỗi buồn thăm thẳm, ưu tư thầm kín về hư không và về cái chết pha lẫn với những niềm vui và đau khổ của tình yêu, tính chất trữ tình trong biểu hiện tình cảm, xúc cảm, đam mê. Tất cả những yếu tố, chủ đề, và kỹ thuật đó đã tạo nên đặc trưng riêng cho thi pháp chủ nghĩa lãng mạn. Để ngày hôm nay chúng ta có thể cảm nhận hơi hướng của cả một thời đại trong văn chương - thời đại lên ngôi của chủ nghĩa lãng mạn, nó sẽ được lưu giữ mãi trong tiến trình văn học và được đón nhận như một di sản ngàn vàng của nhân loại. Tài liệu tham khảo. 1. “Văn học lãng mạn và văn học hiện thực phương tây” 1985, Lê Hồng Sâm, Đặng Thị Hạnh, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp. 2. “Lịch sử văn học Phương Tây 2”, 1997, Hoàng Nhân, Nguyễn Ngọc Ban, Đỗ Đức Hiểu NXB Giáo dục. 3. “Văn học Nước ngoài”, 1998, Lưu Đức Trung, NXB Giáo dục. 4. “Văn học Phương Tây giản yếu”, 2002, Minh Chính, NXB Đại học Quốc gia. 5. “Victo Hugo”, 1987, Phùng Văn Tửu, NXB Giáo dục. Trang web: - www.ttvnol.com.vanhoc - www. khoavanhoc-ngonngu.edu.vn - www. vi.wikipedia.org Và các tác phẩm văn học của Victor Hugo đã đề cập trong bài tiểu luận.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Đặc trưng thi pháp Chủ nghĩa lãng mạn qua tiểu thuyết NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ và NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS của Victor Hugo.doc