Từ hiện trạng khai thác chúng ta có thể thấy nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường. Ngoài tác dụng cung cấp nước cho sinh hoạt, nó còn là tài nguyên có giá trị kinh tế chẳng hạn: phục vụ cho du lịch, giao thông thủy, tưới tiêu, khai thác cát, nuôi trồng đánh bắt thủy sản Tuy nước là một tài nguyên có thể tái tạo nhưng rất dễ bị tổn thương nếu chúng ta khai thác sử dụng quá mức và không có biện pháp quản lí thích hợp.
29 trang |
Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 3529 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đánh giá hiện trạng khai thác và quản lý tài nguyên lưu vực sông tiền đoạn qua cồn Thới Sơn tỉnh Tiền Giang, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM TP.HỒ CHÍ MINH
KHOA MÔI TRƯỜNG VÀ TÀI NGUYÊN
&
ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG KHAI THÁC VÀ QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN LƯU VỰC SÔNG TIỀN ĐOẠN QUA CỒN THỚI SƠN TỈNH TIỀN GIANG
Nhóm 4: Thứ 7, PV333, tiết 012
Họ & Tên MSSV
Lê Huy Cường 10157028
Nguyễn Hoàng Duy 10157033
Nguyễn Vũ Hảo 10157056
Nguyễn Trần Quốc Khánh 10157078
Trần Thị Ni Ni 10157140
Trần Huỳnh Thắm 10157174
Nguyễn Như Trường 10157218
Trà Thị Kim Yến 10157236
Trần Quốc Tuấn 10157239
TP.HỒ CHÍ MINH 11/2012
MỤC LỤC
Giới thiệu
Tài nguyên nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá và là nguồn năng lượng quan trọng trong hoạt động sống của con người và sinh vật. Hầu hết tất cả các hoạt động sống của con người trong các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, giải trí, môi trường…đều gắn liền với tài nguyên nước. Chúng đã trở thành một phần không thể thiếu đối với sự tồn tại và phát triển của toàn bộ sự sống trên trái đất.
Tuy nhiên, nguồn tài nguyên quý giá này đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt, ô nhiễm do hoạt động khai thác và sử dụng quá mức của con người, đây trở thành một mối hiểm họa lớn đe dọa sự tồn tại của sự sống trên trái đất.
Nước ta có hệ thống sông ngòi dày đặc. Trong đó, hệ thống sông Cửu Long là một hệ thống sông lớn ở phía Nam, chảy thành hai nhánh song song: sông Tiền và sông Hậu. Sông Tiền, đặc biệt là đoạn chảy qua cồn Thới Sơn thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, đã hình thành 3 vùng sinh thái tự nhiên, rất thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, thương mại… Cùng với sự phát triển đó, tài nguyên nước cũng dần mất đi chất lượng vốn có của nó. Hiện nay, việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên này vẫn chưa thực sự hiệu quả, công tác quản lý còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc đánh giá hiện trạng sử dụng cũng như tăng cường công tác quản lý là một vấn đề cấp bách.
Ý thức được điều đó nhóm chúng tôi tiến hành thực hiện đề tài “Đánh giá hiện trạng khai thác và quản lý nguồn tài nguyên lưu vực sông Tiền đoạn qua cồn Thới Sơn tỉnh Tiền Giang ” nhằm giúp chúng ta hiểu rõ hơn đoạn sông này, về vai trò cũng như những vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống của người dân, đặc biệt họ đã tác động những gì đến hệ sinh thái miền sông nước và những điều bất cập trong hệ thống quản lý tại địa phương. Từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước.
Tổng quan
Tổng quan về sông Tiền
Vị trí địa lý
Sông Tiền là một nhánh thuộc vùng hạ lưu của lưu vực sông Mêkông. Sông Mêkông bắt nguồn từ vùng núi tuyết trên cao nguyên Tây Tạng ở độ cao 5.000m, chảy qua năm nước: Trung Quốc, Miến Điện, Lào, Thái Lan, Campuchia rồi mới đến nước ta. Đây là con sông dài nhất Đông Nam Á. So với những con sông lớn trên thế giới nó được xếp vào hàng thứ 10 về lượng dòng chảy (475 tỷ m3/năm) và chiều dài (4.200km) đứng thứ 5 về diện tích lưu vực (795.000km2).
Sông Tiền chảy 115km qua lãnh thổ Tiền Giang. Sông có chiều rộng 600 - 1.800m, tiết diện ướt vào khoảng 2.500 - 17.000m2 và chịu ảnh hưởng thủy triều quanh năm. Lưu lượng mùa kiệt (tháng 4) khoảng 130 - 190m3/s .
Sông Tiền chảy thành một dòng thẳng tắp theo hướng Tây Bắc – Đông Nam tới Vĩnh Long nó được tách làm 3 nhánh lớn: nhánh Hàm Luông, nhánh Cổ Chiên chảy qua địa phận của tỉnh Bến Tre và đổ ra biển bằng hai cửa cùng tên. Nhánh Mỹ Tho chảy qua địa phận Tiền Giang và đổ ra biển bởi ba cửa: cửa Tiểu, cửa Đại và cửa Ba Lai.
Đặc điểm
Khí hậu mang tính chất nội chí tuyến - cận xích đạo và khí hậu nhiệt đới gió mùa nên nhiệt độ bình quân cao và nóng quanh năm. Nhiệt độ bình quân trong năm là 27 - 27,9oC. Có 2 mùa : Mùa khô từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11. Lượng mưa trung bình 1.210 - 1.424 mm/năm và phân bố ít dần từ bắc xuống nam, từ tây sang đông; Độ ẩm trung bình 80 - 85%. Gió : có 2 hướng chính là Đông Bắc (mùa khô) và Tây Nam (mùa mưa); tốc độ trung bình 2,5 - 6m/s.
Sông chịu ảnh hưởng mạnh mẽ chế độ bán nhật triều không đều của Biển Đông. Trong 1 ngày có 2 lần nước lớn (triều cao) với một đỉnh thấp và một đỉnh cao hơn và 2 lần nước ròng với một chân thấp và một chân cao hơn. Hàng tháng có 2 lần nước rong (kỳ triều cường) và 2 lần nước kém (kỳ triều kém). Tại Mỹ Tho, biên độ cực đại vào kỳ triều cường xấp xỉ 3,50 m và vào kỳ triều kém là 1,50 m; càng chảy sâu vào các nhánh kinh, rạch biên độ triều càng giảm. Khi thủy triều lên sẽ tạo dòng chảy ngược về phía thượng lưu.
Nếu lượng nước từ thượng nguồn đổ về thấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nước biển lấn sâu vào nội địa. Như vậy mùa cạn, đặc biệt vào tháng 4 dl, là thời điểm mà nước biển dễ dàng xâm nhập sâu về phía thượng nguồn. Thành phố Mỹ Tho, các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo, Châu Thành và phần cực Đông của 2 huyện Cai Lậy, Tân Phước là vùng chịu ảnh hưởng mặn hàng năm từ sông Tiền. Độ mặn, thời gian nước bị nhiễm mặn trong năm tùy thuộc vào vị trí so với cửa sông.
Nếu lượng nước từ thượng nguồn đổ về quá nhiều sẽ gây ra ngập lụt. Những năm có lũ lớn, nước từ thượng nguồn đổ ra biển qua sông Tiền, sông Hậu và chảy tràn vào Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. Trong địa phận tỉnh Tiền Giang, nước từ Sông Tiền ở phía Nam và từ Đồng Tháp Mười ở phía Bắc chảy vào mạng lưới kênh rạch và dâng lên làm ngập gần 140.000 ha của các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, phần phía Tây Quốc lộ 1A của huyện Châu Thành và một phần xã Trung An của thành phố Mỹ Tho. Lũ lụt ngoài những lợi ích như làm sạch đồng ruộng, mang phù sa bồi bổ đất đai... mà còn làm hư hỏng nhà cửa, vườn ruộng của dân và nhiều công trình cơ sở hạ tầng. Trận lũ lớn năm 2000 đã làm thiệt mạng 47 người, thiệt hại hoa màu, tài sản công và tư gần 748 tỷ đồng (gần 53 triệu USD), chiếm 10,58% GDP của cả tỉnh trong năm đó.
Trên 120km, sông Tiền chảy trên đất Tiền Giang, ngoài dòng chính ra còn có một hệ thống phụ lưu phong phú như: Rạch Cái Thia và phụ lưu của nó; rạch Trà Lọt; rạch Cái Bè và phụ lưu của nó; rạch Ba Rài; rạch Trà Tân; rạch Gầm; rạch Bảo Định; rạch Cả Hôn – Cầu Ngang; rạch Vàm Giồng; Sáu Thoàn; rạch Giá, rạch Long Nông; rạch Gốc. Phần lớn các phụ lưu này đều ngắn nhưng khá sâu và rộng. Nó có nhiệm vụ dẫn nước tưới và tiêu cho nhiều vùng đất cổ bọc phía Bắc sông Mỹ Tho.
Sông Tiền đoạn chảy qua Tiền Giang đã tạo nên nhiều cù lao dài, hẹp và trù phú (Ngũ Hiệp, Tân Phong, Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh, Phú Đông).
Tổng quan về đoạn sông Tiền chảy qua cồn Thới Sơn
Vị trí địa lý
Đoạn sông Tiền chảy qua Cù lao Thới Sơn nằm ở hạ lưu sông Tiền, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Đặc điểm
Đoạn sông này đa phần đều có những đặc điểm tương đồng với dòng sông Tiền. Tuy nhiên, mùa mưa thường trùng với gió mùa Tây Nam từ biển Đông thổi vào từ tháng 5 đến tháng 11 dương lịch, mang theo nhiều hơi nước làm cho thời tiết mát mẻ, khí hậu ẩm, lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.430mm.Lượng mưa biến thiên từ 1.400-2.200mm/năm. Tập trung từ tháng 5 đến tháng 11 dương lịch hàng năm. Từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau có số ngày mưa ít nhất, biến thiên khoảng từ 0-6 ngày/tháng. Từ tháng 5 đến tháng 10 dương lịch có số ngày mưa nhiều nhất, biến thiên từ 13-21 ngày/tháng. Có 2 đỉnh mưa: đỉnh thứ nhất vào tháng 6 đến tháng 7 dương lịch và đỉnh thứ 2 là vào khoảng tháng 9 đến tháng 10 dương lịch. Lượng mưa không lớn lắm, thường nhỏ hơn 50mm. Những trận mưa có thời gian từ 1-5 ngày sẽ quyết định mức độ úng lụt nội đồng.
Thời tiết ở đây thuận lợi, ít thiên tai, không có diễn biến đột ngột thất thường thích hợp với nhiều loại cây trồng. Ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm thuận lợi cho sự quang hợp và phát triển của cây trồng, vật nuôi. Điều kiện khí hậu này còn tạo thuận lợi cho việc sinh hoạt, vui chơi và nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài nước, tạo tâm lý thoải mái, mát mẻ khi lưu trú và tham gia các mô hình du lịch làng quê, du lịch sông nước.
Với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc đã tạo nên một mạng lưới giao thông đường thủy liên hoàn, rất thuận lợi cho việc đi lại giao lưu giữa các địa phương trong huyện xung quanh sông, làm tươi đẹp cảnh quan, điều hoà khí hậu của một vùng đất cù lao ba bề sông nước.Mặt khác, đây cũng chính là nguồn cung cấp các loại thủy hải sản khá phong phú cho địa phương, góp phần làm tăng thêm các sản phẩm du lịch.
Hiện trạng khai thác các tài nguyên nước trên sông
Hiện trạng khai thác thủy sản
Đánh bắt thủy sản
Từ những lợi thế về điều kiện tài nguyên sẵn có thì việc đánh bắt thủy sản cũng được phát triển nhưng chủ yếu với quy mô nhỏ, quy mô gia đình. Sản lượng thủy sản( cá, tôm,..) được khai thác hàng năm tương đối thấp. Chủ yếu lượng thủy sản này phục vụ cho nhu cầu ăn uống của người dân, một phần nhỏ được người dân mang ra chợ bán góp phần tăng thu nhập gia đình.
Nuôi trồng thủy sản
Thới Sơn là một cù lao nằm giữa sông Tiền có lợi thế về nuôi tôm cá. Nghề nuôi cá bè phát triển mạnh vài năm trở lại đây góp phần tăng thêm nhiều nông sản hàng hóa có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu xã hội, nâng cao thu nhập gia đình và có tạo thêm công ăn việc làm cho các lao động địa phương.Theo Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trung bình mỗi vụ nuôi cá lồng bè tại đây kéo dài trong quãng thời gian từ 5 - 6 tháng, những người giỏi có thể nuôi 2 năm 5 vụ, sản lượng mỗi vụ thu hoạch đạt đến 5 - 6 tấn/cá/ bè.
Theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi thủy sản là 14.079 ha, trong đó diện tích nuôi thủy sản mặn lợ (chủ yếu tôm, nghêu) là 7.526 ha, diện tích nuôi nước ngọt các loại là 6.553 ha. Số bè cá thả nuôi trên sông Tiền đạt hơn 1.500 bè, xã Thới Sơn (thành phố Mỹ Tho). Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có 1.476 bè cá thả nuôi trên sông Tiền, tập trung ở khu vực cồn Thới Sơn và cồn Tân Long, thuộc thành phố Mỹ Tho và huyện Cai Lậy. Trong số này thì có đến 80% bè nuôi loại cá điêu hồng, còn lại là cá tra, cá rô phi đen.
Hiện trạng khai thac cát
Nhánh sông tiền bờ nam cồn thái sơn, huyện Châu Thành: được khai thác tối đa đến độ sâu: đới cách bờ 200m sâu 15m, đới giữa sông sâu 20m. Đối với các khu vực khai thác với quy mô lớn thời hạn sử dụng giấy phép khai thác là 5 năm, định kỳ kiểm tra hiện trạng mỏ 1 lần/năm, công suất khai thác trên 15000m3/năm. Đối với khu vực khai thác quy mô nhỏ thì thời hạn giấy phép khai thác là 1 năm, công suất khai thác dưới 15000m3 /năm.
Tuy nhiên, mặc dù đã đưa ra những quy định cụ thể nhưng vẫn phát sinh hiện trạng khai thác cát lậu trên sông do chưa có những sự quản lý chặt chẽ từ cơ quan có liên quan.Hằng năm tình trạng khai thác cát lậu vẫn tăng cao, họ thường tập trung khai thác vào ban đêm để tránh sự kiểm soát của dân quân khu vực. Đặc biệt tại khu vực gần cầu Rạch Miễu (P.6, TP Mỹ Tho), tình hình khai thác còn dữ dội hơn. Khoảng 14h, theo sự tìm hiểu của những người dân xung quanh thì bốn chiếc ghe hút cát lậu đang tập kết cạnh cầu Bình Đức trên đường ĐT 864. Đến khoảng 16h số ghe này nổ máy vọt ra giữa sông Tiền, cách cầu Rạch Miễu chừng 200m, thả ống hút xuống sông và hút cát lên ghe dù hoạt động này chỉ cách Sở TN-MT chừng 1km.
Hiện trạng khai thác nước mặt
Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có gần 81% người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Điều này có nghĩa là còn gần 20% người dân nông thôn chưa sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Còn theo kết quả xét nghiệm nước đạt Quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT, chỉ có 53,2% trạm cấp nước và trên 51,5% người dân sử dụng nước đạt quy chuẩn. Hầu hết những đơn vị cấp nước có chất lượng kém đều do các tổ hợp tác quản lý. Có ý kiến cho rằng, thời gian qua, mô hình tổ hợp tác cung cấp nước sinh hoạt nông thôn, góp phần quan trọng trong giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn, nhưng hiện nay, mô hình hợp tác trong lĩnh vực này đã bộc lộ nhiều yếu kém như cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu vốn duy tu sửa chữa, công tác quản lý nhiều yếu kém, bất cập, trong khi chất lượng nước phục vụ sinh hoạt ngày càng đòi hỏi nghiêm ngặt hơn.
Qua 10 năm hoạt động, hệ thống đường ống dẫn nước chính của tổ hợp tác cấp nước sinh hoạt của xã Thới Sơn (TP. Mỹ Tho) đã xuống cấp nghiêm trọng, tỷ lệ thất thoát nước khá cao, trên 25%. Nguyên nhân, tổ hợp tác không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng. Nhiều năm rồi giá bán nước vẫn giữ một mức 1.500 đồng/m3. Tổ hợp tác đề nghị tăng giá nước nhưng tổ viên không đồng ý. Giá như thế chỉ vừa đủ vận hành trạm, không thể khấu hao tài sản, dẫn đến không có kinh phí sửa chữa. Nếu tình trạng này tiếp tục, trạm sẽ không thể tiếp tục duy trì hoạt động.
Hiện trạng khai thác du lịch
Lâu nay, khách du lịch đến Tiền Giang hiếm khi không ghé cồn Thới Sơn, điểm du lịch “xanh” nổi tiếng.Trước đây, từ Mỹ Tho muốn đến cồn này, khách chỉ có cách ngồi đò. Những vườn cây trái xum xuê nằm giữa những con đường quê ngoằn ngoèo, mát rượi... có lẽ lôi cuốn những du khách đã chán cảnh “phồn hoa đô hội”.
Từ khoảng năm 1988, một số hộ dân ở Thới Sơn tập tễnh kinh doanh du lịch, theo kiểu “cây nhà lá vườn”, có gì đãi nấy. Mỗi năm có tới khoảng 200.000 lượt khách đến với Thới Sơn. Người từ TPHCM, rồi cả từ các nước khác cũng ghé vào đây...
Hiện nay cù lao Thới Sơn là trung tâm đón khách du lịch của tỉnh Tiền Giang, mỗi năm đón hơn 300.000 lượt khách trong đó 70% là khách quốc tế. Khu du lịch sinh thái cù lao Thới Sơn đã được qui hoạch với diện tích 77 ha, gồm 7 khu chuyên đề: khu đón tiếp đường bộ, khu cắm trại dã ngoại, khu thể thao dưới nước, khu làng xã Nam Bộ, khu vườn sinh thái và khu nghĩ dưỡng sẽ tạo sản phẩm du lịch sinh thái đặc trưng vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Hoạt động du lịch ở cồn Thới Sơn chủ yếu là tham quan vườn trái cây, làng nghề, thưởng thức đờn ca tài tử, đi đò chèo luồn lách theo kênh rạch, tát mương bắt cá và tham gia các trò chơi vận động như team building, đua thuyền kayak…
Hiện trạng khai thác giao thông vân tải
Trước đây, giao thông đường thủy qua khu vực cầu Rạch Miễu trên tuyến sông Tiền gồm 3 dòng: dòng 1 giữa bờ Tiền Giang và cồn Thới Sơn; dòng 2 giữa cồn Thới Sơn và cồn Phụng và dòng 3 giữa cồn Phụng và bờ Bến Tre.
Tuy nhiên, do thiết kế của cầu Rạch Miễu không yêu cầu về độ tĩnh không của dòng 3 nên Bộ Giao thông vận tải đã có quyết định đóng luồng dòng số 3. Đối với dòng số 2, do luồng có độ sâu hạn chế nên rất ít phương tiện thủy lưu thông; do vậy, các phương tiện thủy khi hành trình qua khu vực cầu Rạch Miễu hầu hết đều chọn dòng số 1.
Hiện nay, mật độ phương tiện thủy lưu thông trên dòng số 1 rất cao, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT ở khu vực này do ùn tắc và tai nạn giao thông. Do vậy, yêu cầu chỉnh trị độ sâu của dòng số 2, tạo điều kiện an toàn, thuận lợi cho các phương tiện thủy vừa và nhỏ được lưu thông theo dòng số 2 khi hành trình qua khu vực cầu Rạch Miễu, góp phần tiết giảm mật độ phương tiện lưu thông và giải quyết ùn tắc giao thông trên dòng 1 là hết sức cần thiết và cấp bách.
Hiện trạng công tác quản lý trên sông
Nuôi trồng, đánh bắt thủy sản
Đánh bắt
Bên cạnh việc nuôi trồng thông qua hình thức nuôi cá bè, hoạt động đánh bắt cũng đang cần được báo động. Để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống, nhiều người dân đã không ngần ngại khai thác đến mức gần như triệt để để thu về lợi ích. Vì thế, cần có sự quản lý của các cơ quan chức năng địa phương.
Từ các hoạt động đánh bắt nhỏ lẻ theo hộ gia đình, theo các phương pháp thủ công. Hiện nay, tình trạng đánh bắt đang ở mức báo động, với các phương thức đánh bắt có khả năng làm mất câng bằng hệ sinh thái như: đánh bắt bằng xung điện, bằng ghe cào điện…Với các phương thức trên, các loài thủy sản, từ lớn đến bé đều bị tiêu diệt.
Các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm đã tiến hành xử phạt đối với các chủ phương tiện đánh bắt, đối với những người dân sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản. Nghiêm cấm khai thác và quản lý chặt chẽ không để tình trạng đánh bắt bừa bãi. Cụ thể như sau:
Theo khoản 1 Điều 188 Chương XVII Các tội phạm về môi trường của Bộ Luật hình sự quy định thì sử dụng điện đánh bắt cá là phương pháp hủy diệt nguồn tài nguyên sinh vật, bị pháp luật nghiêm cấm.
Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc một trong các trường hợp sau đây gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm
Sử dụng chất độc, chất nổ, các hóa chất khác, dòng điện hoặc các phương tiện, ngư cụ khác bị cấm để khai thác thuỷ sản hoặc làm huỷ hoại nguồn lợi thủy sản.
Khai thác thủy sản tại khu vực bị cấm, trong mùa sinh sản của một số loài hoặc vào thời gian khác mà pháp luật cấm.
Khai thác các loài thủy sản quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ.
Phá hoại nơi cư ngụ của các loài thủy sản quý hiếm được bảo vệ theo quy định của Chính phủ.
Vi phạm các quy định khác về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 20 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.
Hiện nay, tình trạng đánh bắt thủy sản đã được kiểm soát, nhưng vẫn còn một số hộ gia đình sống ven sông vẫn đánh bắt thủy sản để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống hằng ngày. Song, mức độ không gây ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái. Nhưng không thể vì thế mà các cơ quan chức năng địa phương không có biện pháp quản lý.
Nuôi trồng
Nằm trong khuôn khổ chương trình nuôi thủy sản tạo nguồn hàng hóa tiêu dùng và chế biến xuất khẩu, giải quyết lao động và thu nhập, tỉnh Tiền Giang coi trọng việc khai thác tiềm năng mặt nước hệ sông Tiền đưa vào nuôi thủy sản lồng bè, chủ yếu là cá điêu hồng và cá rô phi dòng gilf đang được thị trường ưa chuộng.
Tuy nhiên theo nhiều chủ bè cá cho biết, mấy năm nay, tình trạng ô nhiễm nguồn nước do nước thải từ khu công nghiệp Mỹ Tho, nước thải sinh hoạt của thành phố Mỹ Tho xả trực tiếp ra sông Tiền khiến cá nuôi bè bị hao hụt và chậm lớn.Người nuôi cũng khốn đốn vì chất lượng thức ăn cho cá. Ông Trác Bá Diệp phản ánh, bè cá của ông bị hao hụt 60 - 70%, trong khi bè cá người khác vẫn bình thường vì nguồn thức ăn khác nhau.
Nguồn nước bị ô nhiễm là vấn đề cần được các ngành chức năng giải quyết, song vấn đề cần được quan tâm nhất chính là việc quản lý chất lượng thức ăn thuỷ sản đang bị buông lỏng.
Do đó thì chính phủ cũng đã đưa ra một số chủ trương để khắc phục như:
Phát triển thuỷ sản theo hướng quy hoạch các vùng nuôi trồng thuỷ sản, thâm canh tăng năng suất, đa dạng hóa đối tượng nuôi, kết hợp chặt chẽ khâu nuôi, bảo quản chế biến và quản lý bảo vệ môi trường, chú trọng phát triển các loại thuỷ sản có giá trị tiêu dùng nội địa và xuất khẩu như cá, tôm, nghêu, cá bè, sò, cua... trên sông Tiền, các cồn.
Nâng cấp và xây dựng mới các trung tâm sản xuất giống trên địa bàn tỉnh gắn với các trung tâm sản xuất của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Xây dựng mới các chợ đầu mối về thủy sản gắn với phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.
Khai thác cát
Do nhu cầu cát san lấp mặt bằng trong xây dựng đang tăng cao đã khiến hiện tượng khai thác cát trái phép trên tuyến sông Tiền ngày càng gia tăng. Điều này làm người dân ở ven sông Tiền, các xã cù lao không khỏi lo lắng về tình trạng sạt lở đất bởi dòng chảy bị thay đổi do tình trạng khai thác cát lậu.
Mặc dù công tác kiểm tra liên ngành được tiến hành thường xuyên nhưng tình hình khai thác cát lậu trên sông Tiền, tập trung ở các khu vực xã Bình Đức đoạn đầu cồn Thới Sơn, khu vực xã Kim Sơn… vẫn còn phức tạp. Vì lực lượng thanh tra mỏng, đảm nhiệm nhiều công việc nên gặp nhiều hạn chế trong công tác kiểm tra, phát hiện và xử phạt.Theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, hành vi khai thác cát, đất trái phép ngoài việc bị phạt tiền từ 10 triệu đồng, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Nhưng do không có bãi để tạm giữ phương tiện vi phạm nên các ghe này được neo đậu ở bãi đậu của đơn vị.Do đó, đã có không ít trường hợp, chủ phương tiện lén đánh tháo phương tiện đang bị giữ rồi tiếp tục dùng vào việc khai thác cát lậu. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, không ít chủ phương tiện tái vi phạm vì có thể có “bảo kê”.
Trong 6 tháng đầu năm, Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường Tiền Giang đã phối hợp các lực lượng tổ chức thanh tra, phát hiện và xử lý 30 trường hợp vi phạm. Đây chỉ là một con số rất nhỏ so với thực tế, vì việc phát hiện, xử lý các phương tiện hút cát lậu có nhiều khó khăn.
Tình trạng sạt lở ở bờ sông Tiền khu vực xã Thới Sơn, phường Tân Long (TP Mỹ Tho), xã Kim Sơn (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) hiện nay rất nghiêm trọng. Theo các nhà chuyên môn, một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra sạt lở là do tình trạng hút cát lậu bừa bãi làm thay đổi dòng chảy. Cặp theo bờ sông, nhiều đoạn sạt lở có chiều dài từ vài chục đến trăm mét, ăn sâu vào đất liền, “nuốt chửng” nhiều bờ kè, vườn nhãn của người dân.
Qua phản ánh của người dân ở xã Thới Sơn, các đối tượng khai thác cát lậu ngày càng hoành hành. Gần đây, ông Ba Đơ (ấp Thới Thuận) bị một đám đông rượt đuổi, hăm dọa đòi hành hung vì đã ngăn cản một chiếc ghe hút cát lậu gần bờ kè nhà ông. Một cán bộ CSGT đường thủy kể lại đã có không ít chủ ghe còn thách thức lực lượng kiểm tra khi bị phát hiện hút cát lậu!
Để hạn chế tình trạng khai thác cát lậu trên sông Tiền, tránh tình trạng sạt lở ở các xã cù lao, UBND tỉnh Tiền Giang cần có sự chỉ đạo cấp thiết với các ngành chức năng trong việc phối hợp chặt chẽ để phát hiện, xử lý kiên quyết các phương tiện khai thác cát trái phép.Cụ thể, cần có biện pháp mạnh hơn (tịch thu phương tiện) đối với những cá nhân vi phạm nhiều lần (trong đó có chủ phương tiện, người làm công) hoặc xử lý cả những người tiêu thụ cát khai thác trái phép.
Nguồn nước mặt
Sinh hoạt
Trước đây, đa số người dân Thới Sơn sử dụng nguồn nước từ hai trạm cấp nước tập trung. Các trạm cấp nước này chỉ đơn thuần là chỉ “bơm” nước từ các giếng khoan tầng sâu lên đài nước, sau đó theo dẫn đường ống đến từng nhà dân mà chưa qua hệ thống xử lý. Đặc biệt tại ấp Thới Thuận và Thới Thạnh, nguồn nước nhiễm phèn, nhiễm sắt rất cao. Người dân cho biết, nguồn nước thường xuyên màu vàng và hôi tanh bùn…
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Thanh Tâm - Tổ phó tổ nước sinh hoạt xã Thới Sơn cho biết, xã có hai trạm cấp nước với 6 giếng khoan tầng sâu. Các trạm cấp nước này trước đây do các hộ dân góp tiền xây dựng. Thời gian qua mức thu phí nước chỉ có 1.500đồng/m3 . Mức phí này chỉ đủ trả tiền điện nên không có nguồn đầu tư, nâng cấp trạm cấp nước.
Sau một thời gian sử dụng nước từ các trạm cấp nước này thì xảy ra một số vấn đề phát sinh lớn. Ở một số địa bàn dân cư phát sinh bệnh ung thư, tràn lan trên địa bàn. Theo y sĩ Đỗ Hoa Tiên cán bộ y tế ấp Thới Hòa cũng như nhiều người dân xã Thới Sơn quả quyết, bệnh nan y ở đây xuất hiện này do người dân dùng nguồn nước kém chất lượng, tỉ lệ asen quá cao đã làm người dân hoang mang và hạn chế sử dụng nước cấp tại đây.
Hiện nay đa số người dân ở đây đều sử dụng nước lọc hay trữ nước mưa để uống. Còn nguồn nước từ các trạm cấp nước chỉ để tắm giặt, rữa thức ăn… Người dân không còn tin tưởng vào nguồn nước ngầm nữa.Tuy nhiên vẫn có hiện trạng người dân sử dụng nước phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày và xả thải trực tiếp ra sông gây ô nhiễm làm giảm chất lượng nước hiện nay. Đồng thời là tình trạng xả thải từ khu công nghiệp sản xuất thức ăn gia súc, đã phát thải ra sông một lượng chất thải không ít gây ảnh hưởng đến nguồn nước sông đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân làm giảm chất lượng nguồn nước ngầm và gây hại đến sức khỏe của người dân xung quanh khu vực cồn Thới Sơn
Sản xuất
Hiện nay nước sông được sử dụng nhiều cho việc sản xuất kẹo dừa phục vụ cho du lịch tham quan ở cồn Thới Sơn, còn bờ sông bên kia thì người dân sử dụng nước cho việc sản xuất thức ăn gia súc và nuôi trồng thủy sản trên sông.
Trước tình hình trên để giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ông Ngô Thành Đức cho rằng: Cần phải khống chế tải lượng các chất ô nhiễm xả thải ra sông ngòi, kênh rạch. Đây là giải pháp tích cực nhất, hiệu quả nhất đang được một số nước trên thế giới áp dụng. Đồng thời, xây dựng quy chế quy định không cấp phép đầu tư cho các dự án thuộc nhóm ngành có nguy cơ ô nhiễm cao. Bên cạnh đó, cần áp dụng công nghệ tiên tiến trong việc xử lý nguồn nước cấp tại các trạm bơm để bảo đảm chất lượng nguồn nước cấp. Đặc biệt, chúng ta cần nâng cao ý thức người dân trong việc xả thải ra môi trường.Cần phải có các kế hoạch, quy hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ tài nguyên nước, bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông không vượt quá ngưỡng khai thác đối với các tầng chứa nước và có biện pháp bảo đảm đời sống cho dân cư.
Tuy nhiên đã đưa ra một số biện pháp cải thiện nhưng tình trạng xả thải từ các khu dân cư và nhà máy sản xuất vẫn chưa được cải thiện có hiệu quả.
Du lịch
Thới Sơn còn được gọi là cồn Lân là một hòn đảo nhỏ trong quần thể Long, Lân, Quy, Phụng. Hiện nay khoảng 300 trong 1.100 ha của đảo được thu hút vào hoạt động du lịch. Ông Trần Văn Giàu, trưởng phòng kinh doanh Công ty du lịch Tiền Giang nói: Ở đây, người dân gọi công việc của họ là du lịch xanh.Dân cồn Lân ngăn nắp, nhã nhặn. Dọc theo con đường làng là những ngôi nhà vườn bán cây trái , hàng thủ công mỹ nghệ... Việc mua bán nhẹ nhàng, không tranh nhau ào sạt. Ông Giàu cho biết: lúc đầu chỉ có 3 nhà làm vệ tinh, nhưng nay nếu tính lao động, kể cả những cơ sở sản xuất tiểu thủ công , có cả ngàn người "làm" du lịch ở cồn Lân.
Hoạt động du lịch phát triển mạnh mẽ kéo theo việc nảy sinh một số vấn đề về an ninh du lịch như hiện trạng “cò” cấu kết với chủ khu du lịch mặc sức “xẻ” tiền du khách, hướng dẫn viên móc nối với các điểm kinh doanh để làm tiền và lừa khách nua hàng dỏm, giá cao… cũng đang diễn ra ngày một nhiều. Chính vì vậy, hoạt động quản lí chấn chỉnh cần phải được triển khai nhanh chóng.
Chiều ngày 28/5/2012, bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành liên quan để kiểm tra tình hình chấn chỉnh các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khu du lịch Thới Sơn.
Ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cho biết:
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở VH-TT&DL đã phối hợp với các ngành có liên quan tiến hành chấn chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Sở đã triển khai công văn 76 về chấn chỉnh du lịch cho các doanh nghiệp, các hộ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch trong toàn tỉnh, nhất là tại Cù lao Thới Sơn; đã phối hợp với UBND xã Thới Sơn phối hợp với Nghiệp đoàn Honda ôm và tổ đò chèo để chấn chỉnh các hoạt động đi vào nề nếp. Đến nay Nghiệp đoàn mô tô 2 bánh đã được thành lập với 44 công đoàn viên.
Ban Tư pháp xã Thới Sơn cũng đã ký bản liên tịch giữa tư pháp xã và Nghiệp đoàn mô tô 2 bánh trong việc tham gia giữ gìn an ninh - trật tự; đội đò chèo ở xã Thới Sơn được sắp xếp lại còn 240 chiếc với 480 lao động.
Các hộ kinh doanh tại Thới Sơn đã thực hiện niêm yết giá bán cho từng mặt hàng tại các điểm du lịch.
Sở VH-TT&DL đã duy trì hoạt động động 2 trạm hướng dẫn du lịch dưới chân cầu Rạch Miễu, trên Cù lao Thới Sơn và trang bị 2 loa phóng thanh để tăng cường tuyên truyền quảng bá du lịch cho Cù lao Thới Sơn và cảnh báo những mặt tiêu cực cho khách du lịch theo hướng dẫn của cò mồi Honda ôm.
Đồng thời, sở đã chỉ đạo thanh tra sở tăng cường phối hợp kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực du lịch. Trong quý I/2012, thanh tra cùng với đội kiểm tra liên ngành Sở VH-TT&DL, thanh tra giao thông kiểm tra lĩnh vực du lịch; thanh tra sở đã cùng quản lý thị trường tỉnh, Thanh tra Sở Y tế kiểm tra, nhắc nhở việc niêm yết giá và vệ sinh an toàn thực phẩm ở các điểm du lịch trọng điểm trong tỉnh, đã tiến hành kiểm tra được 9 cuộc với 182 lượt, phát hiện 20 vụ vi phạm như:
Hướng dẫn khách du lịch mà không có thẻ hướng dẫn viên theo quy định (6 vụ),
Hướng dẫn khách du lịch lữ hành quốc tế mà không có giấy phép (1 vụ)
Sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn cho khách du lịch (3 vụ)
Xuất trình không đầy đủ giấy tờ có liên quan đến việc kiểm tra (9 vụ)
Phối hợp với Công an Mỹ Tho, Công an xã Thới Sơn chấn chỉnh cò mồi, chèo kéo khách du lịch ở 2 trạm trên Cù lao Thới Sơn.
Nhìn chung, qua công tác triển khai chấn chỉnh hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến khá tốt, đi vào nề nếp, nạn cò mồi, chèo kéo khách du lịch có giảm, hàng hóa được niêm yết giá bán, các lĩnh vực hoạt động kinh doanh lữ hành đã thực hiện tốt các quy định.Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn những hạn chế nhất là ở Cù lao Thới Sơn. Tình trạng chèo kéo khách du lịch có giảm, ít manh động hơn trước, nhưng vẫn còn xảy ra. Một số hướng dẫn viên cò mồi không có thẻ vẫn lén lút hoạt động khi không có người kiểm tra. Việc kiểm tra do các ngành bận công tác chuyên môn nên cũng chưa được thường xuyên, liên tục,...
Trong tương lai cần:
Tiếp tục đảm bảo an ninh trật tự và văn hóa ở các khu du lịch, Sở VH-TT&DL phải rà soát ngay Qui chế quản lý du lịch trên địa bàn tỉnh, để điều chỉnh, bổ sung những qui định cần thiết.
Trước mắt, cần có những qui định tạm thời về giao thông đường thủy, về niêm yết giá bán những mặt hàng chủ lực, về mỹ quan cho khu du lịch,…
Sở VH-TT&DL chủ trì phối hợp với UBND xã Thới Sơn, UBND TP. Mỹ Tho khảo sát các tuyến đường nội bộ, kênh rạch bức xúc cần được đầu tư để đề xuất các cấp xem xét giải quyết.
Tuyên truyền, vận động người dân địa phương thực hiện đúng chỉ đạo của sở VH-TT&DL nhằm tạo được hình ảnh Thới Sơn tốt đẹp trong lòng du khách.
Tăng cường số lượng và chất lượngđội ngũ cán bộ hướng dẫn viên du lịch.
Rà soát lại qui hoạch khu du lịch Thới Sơn để xây dựng “điểm đến du lịch an toàn”,…
Giao thông vận tải
Thời gian qua, UBND tỉnh Tiền Giang đã cho phép Hợp tác xã Tân Phát được khai thác tận thu cát vừa chỉnh trị độ sâu ½ dòng số 2 thuộc địa phận xã Thới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.Nay được sự chấp thuận của Cục Hàng Hải Việt Nam, Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho, căn cứ vào Báo cáo đánh giá tác tác động môi trường Phương án của Công ty TNHH 640 đã được phê duyệt, UBND tỉnh Bến Tre vừa có quyết định phê duyệt Phương án nạo vét luồng sông Tiền, khu vực dòng số 2 (khu vực giữa cồn Thới Sơn và Bến Tre) thuộc các xã Phú Túc, An Khánh, Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre do Công ty TNHH 640 làm chủ đầu tư, nhằm chỉnh trị, đảm bảo độ sâu và tạo điều kiện các phương tiện thủy lưu thông an toàn, thuận lợi.
Phương án nạo vét này bao gồm một số nội dung cơ bản như sau:
Biên giới khu vực nạo vét được giới hạn ranh phía bắc theo ranh giới của 2 tỉnh trên sông, ranh phía Nam theo đường biên cách bờ tối thiểu 150 mét; ranh phía tây ngang đầu cồn Thới Sơn và cồn Huyện Đội, ranh phía đông ngang đuôi cồn Thới Sơn và cồn Phụng (cồn Tân Vinh)
Tổng diện tích khu vực nạo vét rộng trên 87 ha, bao gồm 2 khu, ngăn cách bởi hành lang an toàn 2 bên cầu Rạch Miễu (cách chân cầu 500 mét). Khối lượng nạo vét khoảng 2,5 triệu m3 bùn, cát, sét. Chiều sâu nạo vét là 3,5m. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 10/2010 đến tháng 4/2014 (3 năm rưỡi).
Các giải pháp hạn hạn chế ô nhiễm trên sông
Nuôi trồng thủy sản
Nhà nước cần sớm hoàn thiện quy hoạch nuôi trồng thủy gắn liền với quy hoạch bảo vệ môi trường.
Cần có những nghiên cứu khoa học, công nghệ xử lý môi trường thích hợp.
Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững trên cơ sở phân vùng sinh thái nước ngọt, nước mặn, nước lợ..., các hệ sinh thái phù hợp với các hình thức canh tác và các mô hình nuôi tập trung, phân tán...
Cần có quy chế bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt quan tâm đối với các mô hình nuôi có nguy cơ ô nhiễm cao.
Dùng các chế phẩm sinh học để xử lý triệt để các thành phần độc hại ô nhiễm có trong nước thải, chất thải thành các chất an toàn sinh thái. Các chế phẩm sinh học này là các vi khuẩn yếm khí, hiếu khí, các xạ khuẩn, nấm men... để xử lý lượng thức ăn dư thừa, các thất thải trong ao nuôi, các nguồn bùn cặn đáy ao nuôi.
Công tác quy hoạch, quản lý, tổ chức sản xuất, điều hành vĩ mô, kiểm tra, giám sát nghề nuôi cá tra, cá ba sa xuất khẩu rất cần được tính toán kỹ và thành nền nếp để bảo vệ môi trường nước trong khu vực.
Khai thác cát
Tổ chức quán triệt một cách nghiêm túc Luật khoáng sản, Luật bảo vệ Môi trường và các văn bản của nhà nước hiện hành về công tác quản lý khai thác cát, sạn lòng sông đến các cấp, các ngành liên quan trên địa bàn.
Triển khai công bố rộng rãi quy hoạch khai thác, thăm dò và sử dụng cát, sạn lòng sông đến năm 2010 theo Quyết định số 526/QĐ-UB ngày 19/2/2004 của UBND tỉnh.
Tiến hành cắm mốc phân định ranh giới vùng được khai thác, cấm khai thác và giao trách nhiệm cho các địa phương trực tiếp quản lý. Thực hiện các văn bản của Nhà nước quy định về việc cấm khai thác cát, sạn trên sông trái pháp luật
Quy hoạch, xây dựng các bến bãi tập kết vật liệu trên địa bàn đảm bảo theo yêu cầu quy định của Nhà nước về quản lý đường sông.
Thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện công tác quản lý, khai thác cát, sạn trên địa bàn, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm.
Nguồn nước mặt
Tăng cường giám sát và nâng cao trách nhiệm cộng đồng lên chất lượng nước thải do chính cộng đồng đó thải ra.
Cần có một nghiên cứu mô hình hóa và định lượng các nguồn thải đổ vào sông để có cơ sở khoa học xây dựng chiến lược quản lý môi trường và sử dụng nguồn nước hiệu quả và bền vững hơn.
Nghiên cứu nuôi trồng các loài thủy sinh, thuỷ sinh vật có khả năng chuyển hoá các chất thải, giúp làm giảm ô nhiễm nguồn nước.
Việc kè cứng lòng sông phải được giảm thiểu. Tăng độ thẩm thấu, tiếp xúc của nước với đất, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các loài thuỷ sinh.
Du lịch
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường với nhiều hình thức cho những người làm du lịch và du khách tham quan.
Các cơ sở dịch vụ du lịch phải hoàn thiện xử lý nước thải trước khi thải ra sông.
Bố trí các thùng rác xung quanh khu vực du lịch.
Khuyến khích và dán nhãn du lịch môi trường cho những doanh nghiệp
Quy định trách nhiệm bảo vệ môi trường cho các cá nhân, tổ chức trong quá trình kinh doanh dịch vụ du lịch.
Có chính sách khuyến khích ưu đãi đối với các cá nhân, tổ chức du lịch có những hoạt động bảo vệ môi trường.
Đào tạo hướng dẫn viên có ý thức về môi trường.
Giao thông vận tải
Khuyến khích các chủ phương tiện có ý thức môi trường, không vứt rác, xã thải xuống dòng sông.
Thường xuyên kiểm tra, bảo trì sửa chữa các thiết bị máy móc tránh tình trạng rỉ dầu.
Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng khắc phục và xử lí tốt hậu quả của các vụ tai nạn giao thông đường thủy.
Kết luận, kiến nghị
Từ hiện trạng khai thác chúng ta có thể thấy nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường. Ngoài tác dụng cung cấp nước cho sinh hoạt, nó còn là tài nguyên có giá trị kinh tế chẳng hạn: phục vụ cho du lịch, giao thông thủy, tưới tiêu, khai thác cát, nuôi trồng đánh bắt thủy sản… Tuy nước là một tài nguyên có thể tái tạo nhưng rất dễ bị tổn thương nếu chúng ta khai thác sử dụng quá mức và không có biện pháp quản lí thích hợp.
Vì vậy nhóm chúng em tiến hành đề xuất một số giải pháp:
Hệ thống pháp luật quản lý môi trường cần được thắt chặt, thực hiện nghiêm và mạnh.
Cần có sự phối hợp của chính quyền và người dân địa phương trong công tác sử dụng hợp lí tài nguyên nước.
Tăng cường nhận thức của cộng đồng để bảo vệ nguồn nước. Cần phải nêu cao tính tự giác của của người dân, kiểm soát việc xả rác, gây ô nhiễm.
Các doanh nghiệp phải có trách nhiệm, phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn của nhà nước trước khi thải xuống sông.
Ứng dụng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý) để quản lý tài nguyên.
Xử lý cập nhập các kết quả điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường nước bằng công nghệ sinh học, phục vụ cho quy hoạch tổng thể và quy hoạch từng ngành.
Hợp tác liên vùng trong việc quản lý tài nguyên nước.
Trong tương lai, việc sử dụng và quản lý hiệu quả nguồn nước trong khu vực là điều cấp thiết và quan trọng. Kiến nghị các ngành liên quan quan tâm và có chiến lược dài hạn, thiết thực nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Tài liệu tham khảo
Phòng thanh tra, Sở tài nguyên môi trường tỉnh Tiền Giang
Hạn chế thiệt hại ngành thủy sản trong mùa mưa bão, www.tiengiang.gov.vn ,
Ô nhiễm môi trường tại các điểm du lịch, vnexpress.net,
Chấn chỉnh các hoạt động du lịch trên địa bàn Tiền Giang, www.tiengiang.gov.vn ,
Tiền giang ngăn chặn tình trạng khia thác cát sỏi, Bộ tài nguyên môi trường Việt Nam, www.monre.gov.vn,
Sông Tiền,vi.wikipedia.org,
Tiền giang_ Bến Tre bắt tay quản lí các trên sông, www.baomoi.com,
Tuyến điểm du lịch, diendanbaclieu.net,
Chỉ thị nạo vét luồng sông Tiền- khu vực giữa hai dòng cồn Thới Sơn và cồn Phụng, www.bentre.gov.vn,
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- bao_cao_chuyen_de_nhom_4_5521.doc