MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Mỗi một nghệ sĩ chân tài là một cá tính sáng tạo mạnh mẽ. Không giẫm lên trên lối mòn cả trong cảm nhận và biểu đạt. Sự biểu đạt trong văn chương trước tiên đòi hỏi sự dụng công ở ngôn từ. Một tác phẩm hay là tác phẩm phải đi sâu vào lòng người và có tính chất kết tinh. Chất kết tinh ấy là sự sáng tạo độc đáo của người nghệ sĩ. Qua ngôn ngữ, độc giả có thể cảm nhận được vẻ đẹp và sự tinh túy mà người tạo nên tác phẩm muốn truyền đạt.
Victo Huygô từng nhận định: “Ngôn từ, từ ngữ giống như những sinh mệnh, những cổ máy vận hành, những tư tưởng của con người đi xa”. Giữa nghệ thuật kiến tạo ngôn từ và thông điệp nhân văn mà người nghệ sĩ gửi gắm qua tác phẩm luôn có mối quan hệ biện chứng sâu sắc.
Đến với Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng, người đọc sẽ có cơ hội khám phá và đón nhận những tình cảm, cảm xúc trữ tình chân thành của tác giả. Điều này bộc lộ trực tiếp qua những ngôn từ đẹp đẽ, lời lẽ cô đọng, súc tích của nhà văn.
Để có thể giải mã những thông điệp thẩm mĩ mà Vũ Bằng kí thác trong Thương nhớ mười hai, chúng tôi đã đi vào nghiên cứu tác phẩm ở góc độ ngôn ngữ. Việc tìm hiểu, khám phá và lý giải tầng sâu ý nghĩa của tác phẩm sẽ giúp ta hiểu thêm về thế giới nghệ thuật văn chương.
Đề tài “Đặc trưng ngôn ngữ trong Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng” sẽ giúp chúng ta hiểu sâu hơn, cụ thể hơn về tác giả và tác phẩm. Qua đó, chúng ta còn thấy được sự bất diệt của những giá trị nghệ thuật đích thực. Bởi, ngôn ngữ chính là cánh cửa tuyệt vời nhất để chúng ta tiếp cận tác phẩm một cách sâu sắc và toàn diện.
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Hoàng Ngọc Hiến từng nhận định: “Một tác phẩm nghệ thuật thật sự là một tác phẩm nghệ thuật không đáy”. Thật vậy, đối với những bài thơ, những truyện ngắn, những tiểu thuyết, có giá trị thì người nghiên cứu và thẩm bình văn chương không bao giờ vơi cạn cảm xúc để khám phá và đánh giá. Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng là một trường hợp như thế.
Tuy nhiên, trong dòng chảy của nền văn học hiện đại Việt Nam, nhà văn Vũ Bằng là một hiện tượng. Mà là một hiện tượng khá đặc biệt. Bởi thế, việc nghiên cứu, khám phá và khai thác các tác phẩm văn chương của nhà văn không phải là việc dễ làm. Vũ Bằng là một nhà văn tài năng nhưng hình như không gặp may (chữ dùng của Vương Trí Nhàn). Là một trong những người mở đầu cho nền văn xuôi hiện đại Việt Nam với một khối lượng sáng tác đồ sộ. Đặc biệt, tác phẩm Thương nhớ mười hai của nhà văn được đánh giá là hay nhất của nền văn học Việt Nam thế kỉ XX. Thế nhưng, trong những năm gần đây, nhờ sự “công bằng, sáng suốt, viết hay trong phê bình văn học” [18, tr 420 - 421] cũng như trong đời sống mà Vũ Bằng đã được quan tâm, đánh giá ở nhiều phương diện, nhất là trong lĩnh vực văn chương.
Tổng hợp từ các công trình viết về Vũ Bằng của các nhà nghiên cứu tài năng và tâm huyết, chúng tôi nhận thấy xuất hiện hai dạng thức nghiên cứu, đánh giá về nhà văn.
* Những đánh giá, giới thiệu và hồi ức chung về Vũ Bằng:
Có thể nói, ngay khi xuất hiện trên văn đàn với những tiểu thuyết đầu tay: Một mình trong đêm tối, Tội ác và hối hận, cái tên Vũ Bằng đã gây được sự chú ý cho giới nghiên cứu, phê bình văn học.
Vũ Ngọc Phan là người đầu tiên giới thiệu công khai về Vũ Bằng. Trong công trình Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan nhận xét khái quát về văn chương Vũ Bằng: “Tiểu thuyết của Vũ Bằng rất gần với tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan về lối tả cảnh và nhân vật, dù là họ ở vào cảnh nghèo khổ hay cảnh giàu sang, bao giờ Vũ Bằng cũng tả bằng ngọn bút dí dỏm, nhạo đời hơi đá hoạt kê một chút; còn về cảnh, ông chỉ tả sơ sơ, ông chú trọng cả vào hành vi ấy là động tác của cuốn tiểu thuyết và gây nên những cảnh riêng biệt cho nhân vật [14, tr 435].
Trong Mười khuôn mặt văn nghệ, Tạ Tỵ đã giới thiệu Vũ Bằng là một trong mười khuôn mặt văn nghệ nổi bật lúc bấy giờ. Bài viết Vũ Bằng, người trở về từ cõi đam mê đã nói về sự nghiệp của nhà văn với bao chua cay và thăng trầm. Sự đóng góp với nghề, một vài đặc điểm về văn phong, của Vũ Bằng.
Nguyễn Vỹ, tác giả của Văn thi sĩ tiền chiến, giới thiệu về Vũ Bằng: “Vũ Bằng thích viết văn khôi hài, nhưng về miếng ăn, anh ta không khôi hài chút nào cả. Anh thích ăn ngon và rất háu ăn” [20, tr 285]. Tác giả quả quyết: “Người ta phải nói đến Vũ Bằng, trong văn học sử Việt Nam thế kỉ XX, Vũ Bằng phải có một địa vị xứng đáng” [20, tr 286].
Năm 2000, cuộc đời và văn nghiệp của Vũ Bằng mới thực sự được công nhận qua sự xác minh của Bộ quốc phòng. Đây là một dấu son quan trọng đối với bản thân nhà văn và người thân, bạn bè. Mở ra một chặng đường mới cho giới phê bình, nghiên cứu cũng như độc giả có điều kiện rộng rãi hơn trong việc giới thiệu, tìm hiểu về Vũ Bằng.
Trong Lời giới thiệu cuốn Tạp văn Vũ Bằng, tác giả Nguyễn Ánh Ngân kể: “Trong kí ức của các nhà văn đương thời, Vũ Bằng được nhắc đến với lòng trìu mến và ít nhiều tri ân. Đó là một nhà văn mang nặng nỗi niềm xa quê đau đáu, về cuối đời ngậm ngùi an phận mà hồi tưởng quá khứ tung hoành [12, tr 33].
Tác giả Trần Mạnh Thường trong Từ điển tác gia văn học Việt Nam thế kỉ XX nhận định, Vũ Bằng là “một nhà văn tài hoa, nhà báo nổi tiếng lại có những hi sinh, những cống hiến, những chiến tích thầm lặng cho sự nghiệp cách mạng cao cả của Tổ quốc, của dân tộc” [17, tr 1232].
Trong Chân dung các nhà văn hiện đại của nhóm tác giả, Nguyễn Đăng Điệp đã phác thảo về cuộc đời và những nét chính trong tác phẩm của nhà văn. Công trình cũng đề cập đến những đánh giá sai lầm của một số người về nhà văn trước đây. Các trang viết Cuộc dấn thân đẹp đẽ và mang tính phiêu lưu [4, tr 238], Người chung thân với lao động chữ nghĩa [4, tr 243], Lõi trầm đã kết trong cây [4, tr 247] đều góp phần khẳng định tài năng và những đóng góp to lớn của Vũ Bằng cho nền văn học nước nhà.
Năm 2006, Nguyễn Ngọc Thiện với Phong cách và Đời văn đã không ngớt lời khen ngợi: “Trên lĩnh vực văn chương, Vũ Bằng là một nhà văn độc đáo, tài hoa mang dấu ấn phong cách rõ rệt. Ông thành công trên hai thể loại chính là tiểu thuyết và kí, đặc biệt về hồi kí và tùy bút, tạp văn [18, tr 420 - 421].
Cũng trong năm này, nhà văn Triệu Xuân đã ra mắt bạn đọc Vũ Bằng toàn tập. Trong công trình, nhà văn đã bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc của mình trước một nhân cách lớn: “Cả cuộc đời say mê văn chương, cả một đời yêu nước thương nòi, vậy mà Vũ Bằng phải chịu quá nhiều oan ức khổ đau! Thương thay một kẻ lữ hành suốt đời đơn côi ngay trên đất nước quê hương mình” [21, tr 20].
* Các bài viết, công trình nghiên cứu sâu hơn về Vũ Bằng và tùy bút “Thương nhớ mười hai”:
Có thể nói, sự nghiệp sáng tác của Vũ Bằng khá đồ sộ nhưng nổi bật với bộ ba: Bốn mươi năm nói láo, Miếng ngon Hà Nội và Thương nhớ mười hai.
Theo Từ điển văn học (bộ mới), “ Cùng với Bốn mươi năm nói láo và Miếng ngon Hà Nội, Thương nhớ mười hai đã góp phần định hình kiểu hồi kí trữ tình độc đáo. Có thể xem đây là một đóng góp quan trọng của nhà văn Vũ Bằng vào thể kí nói riêng và nền văn học hiện đại nói chung” [11, tr 2020].
Nhà văn Tô Hoài với “Vũ Bằng, Thương nhớ mười hai” đã nêu cảm nhận của mình: “Mỗi trang văn của Vũ Bằng là một u uẩn, một ước mong không nguôi không tới được, không bao giờ tới được, không thể cầu được ước thấy” [9, tr 226].
Với Nguyễn Đăng Điệp, tác giả nhận thấy Vũ Bằng luôn sống trong thế giới hoài niệm trong thời gian rời Hà Nội thương yêu vào Sài Gòn. Theo Nguyễn Đăng Điệp, “Thương nhớ mười hai, Miếng ngon Hà Nội và hàng loạt các tác phẩm khác đi ra từ vòm trời thương nhớ vời vợi ngàn trùng, cô đơn khắc khoải. Trong số đó có thật nhiều trang văn tài hoa, đẹp đến nhói đau. Ông thật sự là một nghệ sĩ lớn đã tấu lên khúc nhạc hồn non nước tâm huyết nhất của đời mình” [4, tr 250].
Triệu Xuân lại rất hào phóng mĩ từ khi nói về Thương nhớ mười hai: “Có người bạn thân, trong lúc đàm đạo văn chương, hỏi tôi: Sắp sang thế kỷ 21 rồi, nếu chỉ được phép mang mười cuốn sách văn học vào thế kỷ mới, ông mang những cuốn nào? Tôi trả lời ngay: Một trong những cuốn tôi mang theo là “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng! ” [21, tr 11].
Năm 2006, trên tạp chí Văn học và tuổi trẻ (số 3), tác giả Tạ Hiếu với bài viết Nghệ thuật so sánh trong tùy bút “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng lại nhìn nhận tác phẩm này ở góc độ nghệ thuật. Tác giả nhận định: “Vũ Bằng vận dụng hết sức linh hoạt, uyển chuyển và biến hóa ( ), Vũ Bằng đã thôi miên người đọc vào mê hồn trận của những so sánh. Những so sánh đẹp với nhiều liên tưởng thú vị như thứ men làm say lòng độc giả, để rồi lúc chợt tỉnh, họ thán phục rằng: Khó có thể so sánh gợi cảm và hay hơn được nữa” [10, tr 11 - 12].
Giáo sư Hoàng Như Mai đã dành tặng cho Thương nhớ mười hai những lời đánh giá thật đẹp trong Lời nói đầu của tác phẩm: “ Chính tấm lòng ấy đã cùng với ngòi bút tài hoa của Vũ Bằng làm nên giá trị văn chương của tác phẩm này. Nó hấp dẫn chúng ta từng dòng, từng trang ” [1, tr 6].
Nhìn chung, các công trình, bài viết chủ yếu tập trung đi vào tìm hiểu cuộc đời và văn nghiệp của nhà văn. Việc nghiên cứu, đánh giá các tác phẩm của Vũ Bằng còn đang ở bước đầu của chặng đường tìm hiểu và chiêm ngưỡng. Đặc biệt, Thương nhớ mười hai hãy còn là một mảnh đất màu mỡ đang chờ người nhiệt tâm khai phá. Có một số công trình đã đi vào đánh giá những cái hay, cái đẹp và giá trị của tác phẩm. Nhưng đến nay, vẫn chưa thể giải mã hết được thế giới bí ẩn và cái đẹp đang hàm chứa trong tùy bút này. Đó là một trong những khó khăn đối với chúng tôi khi tìm tư liệu cho đề tài của mình.
Để hóa giải sự bất lực của bản thân, chúng tôi đã mượn đến chiếc chìa khóa ngôn từ. Cánh cửa của thế giới nghệ thuật dần được hé mở và sự bất lực phần nào được hóa giải.
Với tính chất mới mẻ của đề tài, chúng tôi hi vọng rằng sẽ góp phần nhỏ bé vào việc tìm hiểu cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ trong Thương nhớ mười hai để thấy được sự tài hoa của nhà văn. Thấy được sự giàu - đẹp của ngôn ngữ dân tộc.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: Trong khuôn khổ của đề tài, chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu những đặc trưng về ngôn ngữ mà Vũ Bằng đã thể hiện trong tác phẩm Thương nhớ mười hai.
- Phạm vi nghiên cứu: Đề tài của chúng tôi dựa vào tùy bút Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng do nhà xuất bản Văn hóa - thông tin, Hà Nội ấn hành năm 2006.
4. Phương pháp nghiên cứu
“Đặc trưng ngôn ngữ trong Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng” là một đề tài hấp dẫn và mới mẻ. Song, không mấy dễ dàng để thấu hiểu hết. Việc nghiên cứu đề tài này, chúng tôi tiến hành bằng phương pháp sau:
+/ Phương pháp khảo sát - thống kê
+/ Phương pháp phân tích - tổng hợp
+/ Phương pháp so sánh - đối chiếu
+/ Phương pháp ngôn ngữ học
Việc vận dụng kết hợp các phương pháp nhằm phục vụ tốt cho việc nghiên cứu đề tài một cách sâu rộng, nhiều chiều và đạt được hiệu quả tốt nhất trong hành trình khám phá, làm nổi rõ đặc trưng ngôn ngữ trong Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng.
5. Giá trị khoa học và thực tiễn của đề tài
Trước hết, đề tài đã bước đầu tổng hợp được những nét đặc sắc trong nghệ thuật văn chương của Vũ Bằng qua tùy bút Thương nhớ mười hai ở phương diện ngôn ngữ. Việc nghiên cứu góp một tiếng nói nhỏ vào hành trình khám phá và khẳng định tài năng của Vũ Bằng. Một ngòi bút có vị trí không nhỏ trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam.
Hơn nữa, việc tìm hiểu góp phần phục vụ cho quá trình học tập, nghiên cứu ở trường đại học hiện nay. Giúp người nghiên cứu mở mang kiến thức, nâng cao hiểu biết về tác giả, tác phẩm, Đặc biệt, cảm nhận được sự giàu có và vẻ đẹp vô tận của ngôn ngữ văn chương - ngôn ngữ dân tộc.
Đây là một trải nghiệm quan trọng giúp người nghiên cứu trưởng thành. Là một hành trang để bước vào đời.
6. Bố cục đề tài
Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, đề tài của chúng tôi gồm ba chương:
Chương 1: Chân dung nhà văn Vũ Bằng
Chương 2: Các phương thức nghệ thuật ngôn từ trong Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng
Chương 3: Thương nhớ mười hai - Phong cách ngôn ngữ đặc sắc của tùy bút Vũ Bằng
49 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 5259 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Đặc trưng ngôn ngữ trong Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Hệ thống các từ loại
Thương nhớ mười hai làm say lòng người bằng những ngôn từ giản dị mà tràn đầy cảm xúc. Vũ Bằng viết về cảnh vật, con người quê hương bằng tình cảm yêu mến nồng nàn. Thậm chí là thành kính, thiêng liêng. Cảm xúc của nhà văn được bộc lộ rất thật, ngôn ngữ đa dạng giàu cảm xúc, tài hoa.
2.1.1.1. Tính từ
Đây là một biệt tài của Vũ Bằng trong việc vận dụng sự đa thanh, đa nghĩa, phong phú của ngôn ngữ dân tộc. Tính từ được sử dụng với tần số cao trong Thương nhớ mười hai để chỉ về màu sắc, vẻ đẹp,…của con người và cảnh vật nơi đất Bắc. Việc sử dụng tính từ có hiệu quả đem lại cho trang văn tính biểu cảm, và giàu hình ảnh, giàu chất thơ: “…Ấy vậy mà một buổi chiều trở gió kia, ngồi cúi xuống lòng để hỏi chuyện tim mình, ta cảm như có hàng ngàn, hàng vạn con mọt nhỏ li ti vừa rụng cánh o o vừa đục khoắt con tim bệnh tật…đang đi đến chỗ mọt ruỗng, rã rời tan nát” [1, tr 10], “Mỗi nỗi buồn se sắt xâm chiếm đầu óc ta…” [1, tr 10]. Thậm chí, trong một trang văn, tính từ xuất hiện hơn bốn lần: trời đùng đục, niềm vui sáng sủa, nền trời trong trong, làn sáng hồng hồng,…[1, tr 20].
Ở Vũ Bằng, tính từ chỉ đặc tính, sắc thái,…thường được sử dụng theo cấu tạo “tính từ + từ chỉ mức độ”. Tính từ chỉ mức độ mạnh, tăng cấp mang đến cho trang văn sự sinh động, giàu hình ảnh và sắc thái biểu cảm: rét căm căm, buồn rười rượi, buồn se sắt, đẹp não nùng, nhỏ li ti, cứng quèo quèo, giòn rau ráu, giòn tanh tách, trong văn vắt, thơm lừ, ngọt xớt, …Hệ thống tính từ này làm giàu cho ngôn ngữ của Thương nhớ mười hai, tăng sức gợi, sức sống cho từng trang sách. Hơn nữa, nó lột tả được hết cảm xúc, dụng ý của nhà văn qua lớp ngôn từ. Ngoài ra, lớp tính từ chỉ mức độ nhẹ, không tăng cấp cũng góp phần đáng kể vào sự thành công ở phương diện ngôn ngữ của Vũ Bằng. Tả đúng, tả chính xác tính chất, sắc thái của từng hình ảnh, sự việc: mặn mặn, hăng hăng, lạnh tê tê, thơm ngan ngát,…
Có sức gợi tả, biểu đạt lớn nhất trong Thương nhớ mười hai phải kể đến những tính từ chỉ màu sắc. Về cơ bản, trong tùy bút, tính từ chỉ màu sắc có hai dạng cấu tạo là “danh từ + tính từ chỉ màu sắc” và “tính từ + từ chỉ mức độ (màu sắc)”.
Chúng ta nhận thấy, sau mỗi danh từ là một tính từ chỉ màu sắc đi kèm, biểu đạt sắc thái về màu sắc cho danh từ đứng trước: trăng bạc, chén vàng, sông xanh, núi tím, đêm xanh, cỏ biếc, xoan đào, trầm vàng, vỏ tía, cau xanh, lúa vàng,…Những tính từ đi kèm chỉ rõ đặc trưng của từng sự vật, hiện tượng, mang tính gợi hình và giàu sắc thái biểu đạt.
Với những tính từ có từ chỉ mức độ đi kèm, sắc thái biểu cảm của trang văn rất cao và phong phú, giàu sức sống: vàng hanh hao, xanh mươn mướt, nền trời đùng đục, nền trời trong trong, làn sáng hồng hồng, đêm xanh biêng biếc, trắng toát, xanh mơn mởn, đỏ hây hây,… Từ chỉ mức độ chỉ rõ sự tinh tế, nhạy cảm của nhà văn trong cảm nhận và quan sát. Ở các mức độ khác nhau, tính từ chỉ màu sắc mới lột tả đúng sắc thái của sự vật, hiện tượng, mang lại cho trang văn sức biểu cảm và gợi tả cao: “Xanh mơn mởn” là màu xanh non, xanh của một sức sống đang tràn trề, tơt tươi; “nền trời đùng đục” là đục nhưng không đục lắm, vẫn còn có sắc trong, mức độ ở giữa của trong và đục;…
Mỗi hình ảnh về thiên nhiên Bắc Việt đều gắn với một gam màu nhất định. Liễu ở Hồ Gươm trong hoài niệm của nhà văn là một màu “xanh mươn mướt” [1, tr 12], nền trời “trong trong có những làn sáng hồng hồng rung động như cánh con ve mới lột” [1, tr 20],… “Tôi yêu sông xanh, núi tím…có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh…” [1, tr 18]. Thiên nhiên, đất trời miền Bắc hiện ra trong hoài niệm của Vũ Bằng với đủ sắc màu nhưng màu xanh vẫn là màu chủ đạo.
Khó có thể lí giải được vì sao nhà văn lại ưa dùng tính từ này như thế. Bởi đất trời Bắc Việt luôn tràn đầy sức sống, xanh tốt thế kia hay tại lòng tác giả luôn hoài niệm về một Hà Nội đẹp thơ mộng theo cảm quan của riêng mình. Có phải nỗi nhớ đã nhuộm xanh tất cả mọi thứ để Hà Nội luôn bất diệt trong nhà văn, trong lòng mỗi người con xa xứ? Màu xanh là màu của hi vọng, màu của sự sống. Dù thế nào đi nữa, qua lăng kính của nhà văn, Hà Nội với sắc xanh ở nhiều cung bậc đã đưa người đọc trở về với một không gian Bắc Việt xưa thật êm đềm, thơ mộng thiết tha: “Hà Nội! Bắc Việt của một ngày xa xưa ơi! Bây giờ liễu ở Hồ Gươm có còn xanh mươn mướt như hồi ta bước ra đi?...” [1, tr 12], “Đêm xanh biêng biếc, tuy có mưa dây, nhưng nhìn lên rõ từng cánh sếu bay…” [1, tr 21], “Nhìn lên, lá non xanh màu cám giót dún dẩy đu đưa một cách đa tình…như cây cối giơ những khăn tay bé nhỏ xanh xanh…” [1, tr 57]. Dùng linh hoạt nhất phải nói đến từ xanh biêng biếc, lột tả được cả tâm trạng, nỗi nhớ và tâm can của con người: Đêm xanh biêng biếc [1, tr 21], sầu biêng biếc [1, tr 41], cốm xanh biêng biếc [1, tr 190], bóng tối xanh biêng biếc [1, tr 252],…Một tính từ được dùng chỉ cho nhiều đối tượng nhưng vẫn rất hay, rất sinh động và đặc tả được cái đẹp của mảnh đất Bắc Việt xa xôi.
2.1.1.2. Động từ
Ở Vũ Bằng, việc sử dụng động từ là một màn ảo thuật tài hoa. Động từ trong Thương nhớ mười hai được chắt lọc từ ngôn ngữ của cuộc sống, dùng rất đắt nhưng rất có sức gợi: nhảy nhót (nhảy có ý mừng vui), thấu (thông suốt),…
Thể hiện nỗi nhớ thương trào dâng, tác giả dùng động từ nhớ gần gũi và quen thuộc. Trong tác phẩm (không tính lời đề tặng) có tới 232 lần nhà văn dùng động từ nhớ với nhiều dáng vẻ và sắc thái biểu cảm: nhớ đến, nhớ ngay đến, nhớ lại, nhớ về, nhớ thương, thương nhớ, tiếc nhớ, nhớ tiếc, nhớ nhung, sầu nhớ, nhớ ra, nhớ nhất, nhớ da diết, nhớ day dứt, nhớ ơi là nhớ, nhớ sao nhớ quá, nhớ quá chừng là nhớ,…. Cách diễn đạt ấy cho chúng ta thấy được cảm xúc trào dâng và sự phong phú, tài hoa trong việc sử dụng ngôn từ.
Đọc Thương nhớ mười hai, chúng ta rất dễ nhận, Vũ Bằng sử dụng những động từ rất Bắc Việt. Đó là những động từ được lấy ra từ lời ăn tiếng nói hằng ngày của người dân xứ Bắc. Nó bước ra từ cuộc sống, đi vào trang văn làm cho từng câu chữ giàu sức sống và gắn liền với mạch cảm xúc hoài niệm miên man, tiếc nhớ của nhà văn.
2.1.1.3. Danh từ
Trong hệ thống từ loại được sử dụng trong Thương nhớ mười hai, danh từ cũng chiếm số lượng khá lớn. Trong tác phẩm, nhà văn chủ yếu xoay quanh các danh từ riêng chỉ các địa phận ở miền Nam và Bắc Việt.
Phải nhận thấy một điều, nhà văn biết và đi rất nhiều nơi ở Bắc Việt. Bắc Việt hiện lên trong hoài niệm của Vũ Bằng thật thân thương, thơ mộng. Các thức ngon vật lạ ở mỗi vùng đều khắc sâu trong trí nhớ của nhà văn. Từ Hưng Yên, Vụ Bản, Việt Trì, Sa Pa cho đến ba mươi sáu phố phường (Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Hòm, Hàng Chiếu,…). Nơi nào cũng đáng nhớ, cũng làm cho nỗi nhớ của nhớ văn thêm phần sâu đậm, da diết.
Nỗi nhớ thương da diết đã thôi thúc nhà văn tìm về với Bắc Việt thân yêu. Qua dòng hồi tưởng, nhà văn không quên tìm về và gọi những cái tên đã làm nên nỗi nhớ khôn nguôi: “…nhớ hoa sấu rụng đầu đường Hàng Trống, nhớ quả bàng ở Hải Hậu rụng xuống bờ sông Đào, nhớ sen Linh Đường thơm ngào ngạt cả bầu trời nhớ lên, nhớ nhãn Hưng Yên, vải Vụ Bản, cá anh vũ Việt Trì, na Láng, bưởi Vạn Phúc, cam Bố Hạ, đào Sa Pa, mà nhớ xuống” [1, tr 12] và “…ở vùng Bắc Giang, Hà Đông vào Vân Đình, Hương Tích, Đọi Đệp, chọ Đần, chợ Kẹo,…” [1, tr 125].
Tình yêu với Bắc Việt đã nâng lên thành tình yêu đất nước với một tình yêu rộng lớn, sâu đậm. Vũ Bằng gởi vào trang văn những địa danh gắn liền với những thức ngon, vật lạ của non sông mình: “cam Xã Đoài, xoài Bình Định, bưởi Đoan Hùng, mít Gio Linh, nhót Thanh Chương, tương Nam Đàn, nhãn Hưng Yên, giò Văn Điển, vịt Bầu Bến, gà trống thiến Lạng Sơn…dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét,…” [1, tr 123]. Hàng trăm địa danh, vùng quê của Bắc Việt, của non sông đất nước đã đi vào Thương nhớ mười hai với một tình yêu hồn hậu, sâu đậm của nhà văn - người chiến sĩ cách mạng.
2.1.2. Cách dùng từ láy, từ tượng thanh, tượng hình
2.1.2.1. Cách dùng từ láy
Có thể nói, ngôn từ trong Thương nhớ mười hai đa dạng, phong phú, được lựa chọn theo hướng đơn giản, gần gũi nhưng hết sức tinh tế nhằm biểu đạt tình cảm chân thật nhưng không kém phần mãnh liệt của nhà văn - nhân vật trữ tình.
Thật hiếm có tác phẩm nào đưa đến cho ta vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên vừa hết sức quyến rũ, vừa rất đỗi thân quen, có sức cuốn hút làm say đắm lòng người như Thương nhớ mười hai. Vẻ đẹp ấy được diễn tả qua ngòi bút tài hoa của một tâm hồn nhạy cảm trước thiên nhiên, cuộc sống. Và trên hết, là sự dụng công tài hoa ở ngôn ngữ. Hệ thống từ láy đa dạng, giàu tính nhạc được Vũ Bằng trải đều trên gần ba trăm trang văn lại một lần nữa khẳng định chân tài Vũ Bằng.
Trong Thương nhớ mười hai, Vũ Bằng chủ yếu dùng dạng láy đôi hết sức phong phú, đa dạng với các kiểu láy phụ âm đầu, láy vần và láy toàn bộ. Láy phụ âm đầu: rả rích, man mác, thấp thoáng, long lanh,…Láy vần: lỗ chỗ, li ti, lê thê, đìu hiu, lả tả, tưng bừng, bát ngát, thong dong, tèm lem, la cà, lem nhem, lỉnh kỉnh, êm đềm,…Nhiều nhất và đặc sắc nhất phải kể đến láy toàn bộ: đâu đâu, hơ hớ, mơn mởn, căm căm, mang mang, sâm sẩm, tí ti, hây hây, hồng hồng, mờ mờ, rau ráu, chiều chiều, mơn mởn, lắng lắng, quèo quèo, thanh thanh, mặn mặn, hăng hăng,…
Từ láy góp phần tạo ra ngữ điệu, tiết tấu cho trang văn. Đến với Thương nhớ mười hai, chúng ta sẽ được lạc vào thế giới của thơ, của nhạc với sắc thái biểu cảm ở độ cao nhất. Vũ Bằng dùng láy không phải để có dùng mà dùng với tất cả sự tinh tế của mình. Mỗi sự vật đều gắn liền với những đặc điểm, trạng thái rất riêng tạo nên một tổng thể chung hài hòa, giàu màu sắc. Thật khó để thống kê được hết số lượng từ láy đã được Vũ Bằng sử dụng: đâu đâu, hơ hớ,…[1, tr. 9], li ti, o o, tê tê, dào dạt,…[1, tr 10], lê thê, đìu hiu, rầu rĩ,…[1, tr 11], mơn mởn, rền rền, lả tả, mươn mướt,…[1, tr 12],…Dường như, ở mỗi câu, mỗi đoạn, mỗi trang văn đều chứa từ láy. Thế mới thấy hết được sự tinh xảo trong kĩ thuật ngôn từ của Vũ Bằng. Mật độ dày đặc nhưng không hề gây nhàm chán. Trái lại, trang văn trở nên giàu hình ảnh, giàu sức gợi và cứ thế vút lên như khúc tình ca về Hà Nội với tình thương nỗi nhớ đong đầy.
2.1.2.2. Cách dùng từ tượng thanh, tượng hình
Ngoài từ láy, Vũ Bằng còn rất thành công khi vận dụng tối đa các từ tượng thanh, tượng hình. Tạo tác dụng gợi âm thanh và hình ảnh, tăng tính nhịp điệu, biểu cảm cho trang văn. Người đọc như được sống thực sự trong thế giới của nhà văn, nghe từng âm thanh của sự sống, ngửi - nếm từng mùi vị của món ăn, chạm tay được mọi thứ nhà văn mô tả. Trước mắt, Hà Nội đang hiện hữu như Vũ Bằng chưa hề mộng và mơ. Và, người đọc đang cùng nhà văn tung tăng thưởng ngoạn khắp đất trời Bắc Việt.
Những từ tượng thanh như rền rền, riêu riêu, o o…tạo nên một thứ âm thanh vừa phải, man mác. Không lạc ra ngoài tâm tưởng miên man của nhà văn. Mang đến cho câu văn tính động nhưng vẫn êm ái, trầm trầm. Trầm trầm chứ không trầm hẳn, cũng không thật bổng để gợi được những gì đã xa trong quá vãng của người con xa xứ đang hồi hương bằng tâm tưởng. Những âm thanh của sự sống mà Vũ Bằng đang tìm kiếm, vọng về.
Cũng như từ tượng thanh, từ tượng hình mang đến cho câu văn tính sinh động, giàu hình ảnh. Từ tượng hình được Vũ Bằng vận dụng trong Thương nhớ mười hai như những cây cọ vẽ thần kì. Mỗi từ là một sắc màu, một đường nét: li ti, lê thê,…tất cả quyện vào nhau vẽ nên một bức tranh hoàn chỉnh về Bắc Việt với thiên nhiên, đất trời, con người, phong tục,…Không có từ tượng hình, vẫn có một Thương nhớ mười hai xao động lòng người. Nhưng, có sự góp phần của từ tượng hình, Thương nhớ mười hai trở nên hay đến từng con chữ, câu văn. Nỗi nhớ của nhà văn nhờ thế được tô điểm sâu đậm hơn, kí ức hiện về rõ ràng đến từng đường nét, từng dáng dấp.
“Văn chương là nghệ thuật của ngôn từ”. Thương nhớ mười hai đã khẳng định điều đó. Đã khẳng định với bao thế hệ độc giả một Vũ Bằng bất tử với thời gian. Một Vũ Bằng tinh xảo, tài hoa trong việc vận dụng hệ thống ngôn từ đa dạng, linh hoạt để dệt nên bức tranh Hà Nội với nỗi nhớ niềm thương vĩnh hằng.
2.2. Các kiểu lặp cấu trúc
Quê hương luôn là một hình ảnh vô cùng thiêng liêng khắc sâu vào tâm trí để khi xa quê mỗi người luôn có ý thức hướng về. Bắc Việt vốn đã rất đẹp, nay trong kí ức Vũ Bằng lại càng đẹp, hấp dẫn và quyến rũ hơn. Trong nỗi nhớ thương mòn mỏi của người con xa xứ, không chỉ có thiên nhiên nồng nàn diễm tình mà con người cũng trở nên thanh lịch, đáng yêu.
Thương nhớ mười hai là mười hai tháng thương, nhớ khôn nguôi đất Bắc. Có rất nhiều thứ để nhớ thương. Từ đất trời, thiên nhiên, con người với những phong tục đẹp, đậm chất văn hóa dân tộc,…Đặc biệt là nỗi nhớ thương tha thiết về người bạn đời Nguyễn Thị Quỳ: “Bắt đầu cuốn sách này thì là nhớ. Viết đến câu chót, (tháng chín) thì là thương. Thương không biết bao nhiêu, nhớ không biết ngần nào người bạn chiếu chăn: Nguyễn Thị Quỳ…” [1, tr 7].
Vũ Bằng vốn yêu tha thiết những gì thuộc về Hà Nội. Giờ trở thành người con xa xứ, nhà văn trút vào trang văn của mình những nỗi nhớ, tình yêu Hà Nội qua Thương nhớ mười hai. Nếu như Nguyễn Tuân ca ngợi phương diện kĩ thuật của các thú chơi và nâng phương diện kĩ thuật lên thành phương diện mĩ thuật, phương diện của cái đẹp thì Vũ Bằng trong Thương nhớ mười hai lại dành trọn tâm tư viết về mười hai tháng với thiên nhiên đất trời và con người Bắc Việt. Nhà văn đã dành trọn tác phẩm này để viết về văn hóa Hà Nội với chiều sâu lịch sử và vẻ đẹp của Hà Nội trong nỗi hoài niệm da diết.
Những hồi ức, kỉ niệm của những tháng ngày sống êm đềm bên vợ con trên mảnh đất Bắc Việt thân thương cứ thế dội về trong tâm tưởng của nhà văn. Nỗi nhớ êm đềm nhưng dữ dội cứ thế nhân lên gấp bội. Chính điều này đã tạo nên cách viết rất riêng trong Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng: kiểu lặp cấu trúc.
Điều dễ nhận thấy nhất ở Thương nhớ mười hai là lặp ở cách đặt tựa đề cho mỗi tháng trong năm. Vũ Bằng luôn sử dụng kiểu cấu trúc “thời gian, đặc trưng”: “Tháng giêng, mơ về trăng non rét ngọt” [1, tr 17], “Tháng hai, tương tư hoa đào” [1, tr 34],… “Tết, hỡi cô mặc cái yếm xanh” [1, tr 282]. Kiểu lặp này nhấn mạnh từng khoảng thời gian trong năm với những đặc trưng của từng tháng. Thật không sai khi người Bắc Việt luôn tự nhận rằng, quê hương của họ mùa nào thức nấy. Chúng ta nhận ra tình cảm yêu thương, nhớ nhung vô vàn của nhà văn dành cho quê hương Bắc Việt. Từng ngọn cỏ, hơi thở của quê hương, xứ sở tựa hồ như đã được khắc chạm, ăn sâu vào trong huyết mạch, xương tủy của Vũ Bằng. Nhà văn nhớ rất rõ, kể rất tỉ mỉ từng đặc trưng của các tháng trong mười hai tháng nhớ thương vời vợi về Bắc Việt yêu thương.
Nhớ cảnh, nhớ người. Nỗi nhớ tuy hai nhưng là một. Từ nỗi nhớ vợ con, nhớ những kỉ niệm riêng của đôi vợ chồng tâm đầu ý hợp: “…nhớ không có cách gì quên được cái đêm Trung Thu năm ấy, hai vợ chồng quấn quýt tơ hồng…” [1, tr 173] và “Em ơi, em ơi, nhắc lại như thế thì nhớ quá. Nhớ cũng đúng vào cữ tháng ba như thế này, hai vợ chồng rảnh rang cùng đi về Vụ Bản thuê một căn nhà rơm để nghỉ mát thay vì đi lên núi,…” [1, tr 85 - 86]…Vũ Bằng đã nâng nỗi nhớ riêng thành nỗi nhớ chung. Nhớ Bắc Việt yêu thương.
Nỗi nhớ Bắc Việt trở thành nỗi nhớ thường trực, sâu đậm trong lòng nhà văn. Ở thời khắc nào cũng nhớ, tháng ngày nào cũng nhớ. Nỗi nhớ được lặp đi lặp lại với nhớ và thương tha thiết: “Nhớ ơi, nhớ sao nhớ quá thế này?...cốm giót” [1, tr 85 - 86], “Nhớ quá, bất cứ cái gì của Hà Nội cũng nhớ, bất cứ cái gì của Bắc Việt cũng nhớ,…mà nhớ xuống” [1, tr 12] hay “Nhớ không biết chừng nào là nhớ, nhớ sao nhớ quá thế này!...đều kém người thương mình hết” [1, tr 13]…
Thể hiện nỗi nhớ thương trào dâng, tác giả dùng từ nhớ gần gũi và quen thuộc. Trong tác phẩm (không tính lời đề tặng) có tới 232 lần nhà văn dùng từ nhớ với nhiều dáng vẻ và sắc thái biểu cảm khác nhau (nhớ đến, nhớ ngay đến, nhớ lại, nhớ về, nhớ thương, thương nhớ, tiếc nhớ, nhớ tiếc, nhớ nhung, sầu nhớ, nhớ ra, nhớ nhất, nhớ da diết, nhớ day dứt, nhớ ơi là nhớ, nhớ sao nhớ quá, nhớ quá chừng là nhớ…). Nỗi nhớ thương được lặp lại liên tục như giằng xé tâm can nhà văn. Nỗi nhớ bao trùm lên tất cả. Nỗi nhớ được thốt nên lời: “Hỡi ôi là cái lòng thương nhớ của người ta…” [1, tr 89].
Cách lập luận lặp lại của nhà văn tạo cái riêng về cảm nhận và thể hiện: “Không. Cái đẹp lúc này là cái đẹp thành thực, hồn nhiên, mộc mạc,…mà chính vì cái chất đẹp ở trong người tiết ra” [1, tr 22], “Không. Có ai bỏ em đâu…cả người sống và người chết đều sung sướng” [1, tr 152] và “Không. Ngày tết ở Bắc, rỗi rãi mà đi xem hết hội này đến lễ kia như thế, phải nói thật quả là mình sung sướng như tiên…” [1, tr 293],…
Trong Thương nhớ mười hai, nhà văn còn có cách lặp rất điển hình, tinh tế. Đó là kiểu lặp dạng chia tách từ: Kiết xơ kiết xác, chê ỏng chê eo, bùi ân ngọt ái, như nung như nấu,…Cách dụng công như thế tạo ra hiệu quả cao ở sắc thái biểu đạt và hiệu quả thẩm mĩ ở ngôn từ.
“Tôi ghi lại Thương nhớ mười hai không nhằm mục đích gì cao rộng, chẳng qua chỉ là đánh dấu những ấn tượng hiện ra trong trí óc những buổi mây chiều gió sớm,…” [1, tr 305]. Chính vì thế, Thương nhớ mười hai có cách lặp của trình tự từng tháng qua cách tái hiện của nhà văn. Mỗi tháng với những đặc trưng riêng, rồi cảnh vật, con người, thức ngon từng tháng dần được Tiêu Liêu Vũ Bằng hoài niệm lại qua ngôn từ. Mỗi mùa một tiếng chim, một tín hiệu: tháng tư Tu hú gọi bầy, tháng chín gạo mới chim ngói,…Mỗi mùa một sắc hương: hoa đào rực rỡ, rét nàng Bân thơ mộng,…Tất cả quyện vào nhau thành nỗi nhớ triền miên, vĩnh hằng.
2.3. Các biện pháp tu từ đặc sắc
Trong Thương nhớ mười hai, Vũ Bằng đã sử dụng triệt để thủ pháp nghệ thuật so sánh, ẩn dụ và nhân hóa. Đây cũng là nét đặc trưng về ngôn ngữ mà tác giả đã dày công xây dựng. Sự sành sỏi và sắc sảo toát ra từ ngòi bút tài hoa làm lòng người xao động, luyến lưu theo từng câu chữ.
Các biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ và nhân hóa được nhà văn vận dụng tối đa. Mang lại cho câu văn sự dồi dào về hình ảnh, ngập tràn cảm xúc. Người đọc cảm nhận được biết bao nỗi niềm nhà văn kí thác. Tâm hồn và trí tưởng tượng của con người nhờ thế được nâng lên, vươn xa hơn.
2.3.1. Biện pháp tu từ so sánh
Có thể nói, trong Thương nhớ mười hai, nghệ thuật so sánh đã trở thành thủ pháp nghệ thuật chiếm ưu thế và mang lại nhiều giá trị nghệ thuật nhất cho tác phẩm với số lần sử dụng lên đến hàng trăm.
Thủ pháp so sánh giúp cho tính tạo hình trong tác phẩm đạt đến trình độ cao. Đồng thời, giúp cho người đọc dễ dàng hình dung ra đối tượng được thể hiện. Thông qua so sánh, mọi sự vật, hiện tượng trở nên cụ thể, sống động.
Tùy bút Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng gắn liền với hơi thở của cuộc sống và con người. Bởi vậy, thủ pháp so sánh trong tùy bút chủ yếu xoay quanh các hình ảnh về thiên nhiên - đồ vật - món ăn - con người,…Điều đầu tiên chúng ta có thể nhận thấy ở Thương nhớ mười hai là hình ảnh người con gái luôn được đưa ra làm tiêu chí cho cái đẹp. Cái đẹp của tự nhiên, tạo vật luôn được ví với những chuẩn mực cái đẹp ở con người: “Cái trăng tháng giêng, non như người con gái mơn mởn đào tơ, hình như cũng đẹp hơn các tháng khác trong năm thì phải: sáng nhưng không sáng lộng lẫy như trăng sáng mùa thu,…” [1, tr 29]. Trong đôi mắt của nhà văn, cái đẹp luôn gắn với con người và chỉ gắn với con người, cái đẹp mới thực sự được cảm nhận và chiêm ngưỡng. Và, cái đẹp mới tràn đầy sức sống: “Trên khắp mình đào ưng ửng hồng, có những sợi lông tơ óng ánh như lông trên mắt cô gái dậy thì…” [1, tr 42].
Không phải ngẫu nhiên mà Vũ Bằng dùng các hình ảnh gợi tả vẻ đẹp của người con gái để làm thước đo cho vẻ đẹp của thiên nhiên, vạn vật. Có thể, điều này bắt nguồn từ sự trân trọng, nâng niu những gì thuộc về người phụ nữ Bắc Việt đẹp nhất trong lòng nhà văn - Nguyễn Thị Quỳ. Song, chúng ta còn có thể nhận thấy, Vũ Bằng là một nhà văn hiểu rõ và ý thức được rằng: con người đẹp nhất và căng tròn nhựa sống nhất là ở độ tuổi thanh xuân. Và, người con gái là một hình tượng tiêu biểu. Tác giả ví von thiên nhiên với vẻ đẹp mĩ nhân khiến cảnh quan Hà Nội trở nên hấp dẫn, vừa sang trọng lại vừa tràn đầy sức sống.
Vũ Bằng viết Thương nhớ mười hai trong dòng hồi ức của mình. Kỉ niệm cứ hiện về tự nhiên, da diết nên ngôn ngữ không trau chuốt, cầu kì mà man mác, chân chất như chính cuộc sống đang dần được tái hiện. Qua thủ pháp so sánh, ngôn ngữ được nâng lên một tầm cao hơn, tạo cho trang văn của Vũ Bằng vẻ đẹp, vẻ tài hoa hết mực.
Điểm nổi bật khác trong thủ pháp so sánh của Vũ Bằng là dùng những hình ảnh gợi cảm cụ thể để đặc tả các trạng thái cảm xúc tinh thần. Điều này lôi cuốn người đọc vào thế giới hoài niệm, miên man mà nhà văn đang tha thiết vọng về. Điều này, Tạ Hiếu cũng nhận định rằng: Thủ pháp so sánh của Vũ Bằng khiến người đọc như bị “thôi miên vào mê hồn trận của những so sánh”.
Vũ Bằng trước hết đã tự lấy bản thân ra làm đối tượng so sánh: “Vậy mà không; lòng người xa nhà y như thể là khúc gỗ bị mối ăn, mục nát từ lúc nào không biết…” [1, tr 9], “Con tim của người khách tương tư cố lí cũng đau ốm y như là gỗ mục” [1, tr 9]. Rất nhiều hình ảnh trong Thương nhớ mười hai được nhà văn sử dụng để so sánh đã lột tả đầy đủ, sinh động các trạng thái cảm xúc tinh thần. Chẳng hạn như: “Nhựa sống ở trong người căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai, như mầm non cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải trỗi ra thành những cái lá nhỏ tí ti giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh” [1, tr 19] và “Tôi yêu sông xanh, núi tím; tôi yêu đôi mày ai như trăng mới in ngầm…” [1, tr 18].
Việc sử dụng biện pháp tu từ so sánh trong Thương nhớ mười hai đã giúp cho các hình ảnh, chi tiết trong tác phẩm trở nên đẹp sống động một cách lạ thường. Tâm tư tình cảm của chủ thể nhờ đó cũng được bộc lộ.
Điều đặc biệt ở Vũ Bằng là lối so sánh rất tài hoa, dung dị. Nhà văn sử dụng biện pháp so sánh nhẹ nhàng, giản đơn trong từng câu văn, con chữ. Không gọt dũa, trau chuốt mà như lối trực ngôn, thấy sao phản ánh vậy. Chính sự tài hoa, tinh tế trong cách dụng công ở phương thức nghệ thuật này đã tạo cho ngôn ngữ của Vũ Bằng mang nét đặc sắc rất riêng, không lẫn với ai được. Ngôn ngữ trong Thương nhớ mười hai vì thế từ chỗ dung dị, không kiểu cách, giũa gọt đã trở nên mượt mà, tinh tế. Nhẹ nhàng mà sâu lắng, từng câu chữ đi sâu vào lòng người như mạch suối nguồn tươi mát. Thêm một chút bâng khuâng, chút nhớ nhung và thương yêu cho cõi lòng bao thế hệ người con xa xứ.
Có những vật bình thường trong cuộc sống cũng đã được thơ hoá nhờ hình ảnh so sánh liên tưởng bất ngờ qua lối cảm nhận rất tình tứ, lãng mạn. Nhiều món ăn dân giã được Vũ Bằng quan sát tỉ mỉ và kể lại thật độc đáo: “Ấy là lúc thịt mỡ dưa hành đã hết, người ta bắt đầu trở về bữa cơm giản dị có cà om với thịt thăn điểm những lá tía tô thái nhỏ hay bát canh trứng cua vắt chanh ăn mát như quạt vào lòng…” [1, tr 20]. Và “Vợ ngồi bổ dứa cắt từng khoanh, xếp vào trong đĩa tây trắng bóng ra, rắc đường tây, bỏ nước đá vào,…mà cũng thơm phưng phức như là mật ong!” [1, tr 123 - 124]. Bằng hình ảnh so sánh ấy, Vũ Bằng vừa ngợi ca sự chế tác phối hợp tài tình trong món ăn, vừa đem lại cho món ăn bình dị, dân giã ấy một vẻ đẹp hấp dẫn. Đây là điểm mà Vũ Bằng và Thạch Lam rất gần nhau. Thạch Lam cũng viết rất hay những so sánh diễn tả cảm giác, cảm xúc: “Rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt lại điểm thêm một chút cà cuống thoảng nhẹ như một nghi ngờ”. Nhưng với Nguyễn Tuân thì khác, ông cố gắng phát hiện ra những nét tương đồng chính xác của sự vật hiện tượng rồi thổi vào đó cái thần, cái hồn của sự vật, hiện tượng: “Tay ông lêu nghêu như cái sào, chân ông lúc nào cũng luỳnh khuỳnh ghì lại như kẹp lại một cái cuống lái tưởng tượng, giọng ông ào ào như nước trước mặt ghềnh sông, nhỡn giới ông vòi vọi như lúc nào cũng một cái bến xa xa trong sương mù” (Người lái đò sông Đà).
Những so sánh của Vũ Bằng khiến người đọc có cảm nhận như đang lắng nghe từng hơi thở, từng nhịp tim của người con xa quê hương trong ngàn trùng thương nhớ. Trong thế giới nghệ thuật của Thương nhớ mười hai, quê hương Bắc Việt được miêu tả bằng cảm hứng lãng mạn, bằng tình yêu và nỗi nhớ nên cảnh sắc thiên nhiên, con người nơi đây đều được mĩ lệ hoá. Những so sánh đẹp với khả năng liên tưởng phóng túng tạo bất ngờ như thứ men làm say lòng độc giả, để rồi lúc chợt tỉnh họ thán phục rằng: Khó có thể so sánh gợi cảm và hay hơn được nữa.
2.3.2. Biện pháp tu từ ẩn dụ
Bên cạnh so sánh, thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ cũng được Vũ Bằng sử dụng hết sức khéo léo, tài tình và đạt hiệu quả thẩm mĩ cao. Tiếp cận tác phẩm từ nhan đề, người đọc nhận thấy ngay độ sắc sảo của người cầm bút. Thương nhớ mười hai không đơn thuần là mười hai tháng trong một năm. Đó là cả một trời, một đời thương nhớ về người, về đất, về không gian và thời gian,…của đất Bắc Việt yêu thương: “Nhớ không biết chừng nào là nhớ, nhớ sao nhớ quá thế này! Thì ra cái nhớ Hà Nội, nhớ Bắc Việt cũng như thể chàng trai nhớ gái,…” [1, tr 13].
Ở Thương nhớ mười hai, ta còn bắt gặp những hình ảnh ẩn dụ sâu sắc, sinh động, đó cũng là một cách để biểu hiện cái nhìn của nhà văn với cuộc sống. Ngay cả những hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt đi vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm cũng trở nên đẹp và đáng yêu lạ thường. Cái rét ở miền Bắc được Vũ Bằng gọi là hoa rét: “Hoa rét còn đọng ở lộc cây, ngọn cỏ”, “đến tháng này thấy hoa rét trở về”. Rõ ràng, đấy là cái nhìn tin yêu, mê say của một tâm hồn lãng mạn. Trong Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du đã từng viết “Hoa cười ngọc thốt đoan trang”. Cụ Nguyễn không gọi là “miệng cười” mà cứ phải “hoa cười” bởi đây là miệng xinh tươi của một Thúy Vân đoan trang, phúc hậu. Có lẽ Vũ Bằng là người đầu tiên gọi những luồng gió lạnh miền Bắc là “hoa rét”. “Hoa rét” là cái rét đẹp, rét nhưng làm cho người ta yêu thích, mang lại một hương vị khác cho cuộc sống. Cơ hồ, cái rét cũng nhẹ nhàng, mỏng manh như cánh hoa nên chỉ làm đẹp thêm, tô điểm thêm cho khí trời Bắc Việt. Bởi, cái rét vốn đã là một đặc trưng của mảnh đất Bắc thân thương từ ngàn đời. Sau những hình ảnh ẩn dụ ấy là tình yêu đắm say của Vũ Bằng với quê hương, với thiên nhiên Hà Nội.
Trong những lần trở về không - thời gian thiêng của ngày xưa, nhà văn trải lòng không dứt với bất cứ cái gì dẫu bình dị, nhỏ nhặt nhưng tự bao giờ đã trở nên vô cùng thiêng liêng, xiết bao trìu mến. Bên cạnh ngôn từ hàng ngày tự nhiên, giản dị, đậm chất đời, cả một kho mỹ từ pháp, nhất là biện pháp tu từ ẩn dụ chuyển đổi cảm giác được nhà văn trưng dụng tối đa làm cho câu văn ngập tràn hình ảnh, rưng rưng cảm xúc, chất chứa bao niềm thơ, nâng tâm hồn và trí tưởng tượng con người bay lên.
Thủ pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác thể hiện sự tài hoa của Vũ Bằng. Chính thủ pháp này đã tạo ra sức mê hoặc mãnh liệt cho ngôn từ trong tác phẩm. Người đọc có thể cảm nhận từng hơi thở, từng cử động dù nhỏ nhất của lòng người, của đất trời qua câu chữ: Tháng giêng “mơ về trăng non rét ngọt”, “Đêm xanh biêng biếc, tuy có mưa dây, nhưng nhìn lên thấy rõ từng cánh sếu bay…” [1, tr 21]. Tình yêu sâu đậm với đất thủ đô khiến cảnh và người trong con mắt nhà văn như đẹp hơn, sống động hơn, dồi dào sức sống. Cái rét đem lại cảm giác êm ái, ngọt ngào cho người con đất Bắc nên nhà văn gọi đó là “rét ngọt”. Cái rét có vị. Đó là cái dư vị của quê hương, dư vị riêng của đất Bắc. Chính cái vị đó mang đến những yêu thương cho nhà văn. Nhà văn nhìn thấy ở mảnh đất quê hương, cái gì cũng đẹp, cũng đáng nâng niu. Đêm không mịt mùng bởi bóng tối mà xanh biêng biếc. Sắc xanh tràn đầy tin yêu và sức sống. Xanh của trăng, của ánh sáng ngoài hư không nhưng cũng là sắc xanh trong con mắt đa tình, giàu yêu thương, tinh tế của Vũ Bằng.
Chính những nhận thức tinh tế, nhạy cảm của tác giả và sự tài hoa của người nghệ sĩ ngôn từ, Vũ Bằng đã vận dụng rất thành công biện pháp nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Tạo ra một hiệu quả nghệ thuật to lớn. Mang đến cho tác phẩm sức mạnh biểu cảm thông qua lối nói giàu hình ảnh, kín đáo: “Trăng dãi trên đường thơm thơm, trăng cài trên tóc ngoan ngoan của những khóm tre xào xạc, trăng thơm môi mời đón của dòng sông chảy êm đềm, trăng ôm lấy những bộ ngực xanh của những trái đồi ban đêm ngào ngạt mùi sim chín…” [1, tr 162].
Phải có tâm hồn thật nhạy cảm trước cái đẹp. Phải có vốn ngôn ngữ thật dồi dào và tấm lòng yêu thiên nhiên - đất nước, Vũ Bằng mới phát hiện được hết cái sống động, cái hồn của từng nhánh cây, ngọn cỏ: Trăng tháng giêng “là cái đẹp của nàng trinh nữ thẹn thùng, vén màn hoa ở lầu cao nhìn xuống để xem ai là tri kỉ, mặc dầu không có ai thấy để đoán biết tâm sự mình, nhưng cứ thẹn bâng khuâng, thẹn với chính mình” [1, tr 30].
Nhìn chung, những hình ảnh mà Vũ Bằng đưa vào tác phầm đều là những hình ảnh gần gũi, thân quen với cuộc sống thường ngày. Đó là những hình ảnh đặc trưng của thiên nhiên, đất trời, cảnh vật, con người,…của đất Bắc việt. Qua ẩn dụ, ngôn ngữ trở nên giàu biểu cảm và nhạc điệu. Từ đó, từng con chữ cứ như những nốt nhạc trầm nhẹ nhàng đi vào lòng người. Thật sâu và đầy khuấy động. Ngôn ngữ cứ mang những cảm xúc, những dịu vợi đi thật xa trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người khi lần giở từng trang Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng.
Mỗi hình ảnh mà Vũ Bằng lựa chọn bao giờ cũng độc đáo, sâu sắc và sinh động. Mỗi hình ảnh, chi tiết đều gợi mở về tình yêu, lòng mê đắm về Hà Nội, về Bắc Việt. Nếu không đủ độ chín, độ tinh xảo của ngòi bút, cơ hồ Vũ Bằng viết được những trang văn thơ như vậy!
2.3.3. Biện pháp tu từ nhân hóa
Không chỉ dùng những so sánh, ẩn dụ để định dạng, bình giá hình thức theo cảm thụ có tính chủ quan mà Vũ Bằng còn vận dụng linh hoạt phép tu từ nhân hoá.
Nhân hóa làm cho sự vật trở nên có hồn, sống động, giục giã lòng người: “Trăng dãi trên đường thơm thơm, trăng cài trên tóc ngoan ngoan của những khóm tre xào xạc, trăng thơm môi mời đón của dòng sông chảy êm đềm, trăng ôm lấy những bộ ngực xanh của những trái đồi ban đêm ngào ngạt mùi sim chín… trăng ơi, sao trăng khéo đa tình, cứ đi hoài theo chân cô gái tuyết trinh và lẻn cả vào phòng the của người cô phụ lay động lá màn chích ảnh…?” [1, tr 162]. Còn trăng tháng giêng lại có vẻ đẹp của “nàng trinh nữ thẹn thùng, vén màn hoa ở lầu cao nhìn xuống để xem ai là tri kỉ, mặc dầu không có ai thấy để đoán biết tâm sự của mình, nhưng lại cứ thẹn bâng khuâng, thẹn với chính mình” [1, tr 30]. Ngòi bút tinh tế, nhạy cảm của nhà văn khiến cho Trăng trở thành một tình nhân đa cảm, quyến rũ lạ lùng.
Biện pháp nhân hóa thổi vào thiên nhiên, cây cỏ, những vật vô tri vô giác một sức sống mới. Cơ hồ cây cỏ, đất trời cũng như con người. Biết giận, biết yêu thương, biết dâng lên niềm vui sướng, lạc cảm ở đời: “Người đẹp chỉ còn biết cúi đầu xuống thở dài…vào bóng đêm mịt mù có tiếng dế kêu giun khóc” [1, tr 10 - 11], “Nhang trầm, đèn nến và nhất là bầu không khí gia đình đoàn tụ êm đềm…bướm ra ràng mở hội liên hoan” [1, tr 20]…
Từ nhân hóa, sự sống động, đẹp đẽ trong Thương nhớ mười hai không còn dừng lại ở những cảm xúc khi ăn, khi chơi mà đã hun đúc từ bề dày văn hóa mấy nghìn năm cổ truyền của dân tộc được chắt chiu qua từng bước đi của thời gian, kết tủa vào không gian, vào máu thịt của mỗi con người. Thiên nhiên, cảnh vật đã trở nên có tri giác, biết hờn - giận - buồn - vui để xoa dịu nỗi nhớ của nhà văn: “…một nỗi nhớ đến ứa máu, tràn lệ của một con người yêu đến quay quắt nơi chôn rau cắt rốn của mình” (Vũ Thanh).
CHƯƠNG 3: THƯƠNG NHỚ MƯỜI HAI - PHONG CÁCH
NGÔN NGỮ ĐẶC SẮC CỦA TÙY BÚT VŨ BẰNG
3.1. Giọng văn của Vũ Bằng
Thương nhớ mười hai có sức lay động tâm hồn nhiều thế hệ người đọc cho đến hôm nay là bởi sự chân thành và cảm động mà tác giả đã thể hiện. Đó là tình cảm nhớ thương da diết đối với một nhân vật trung tâm xuyên suốt tác phẩm - nhân vật Quỳ. Người vợ tào khang, người mà lúc ông chia tay lên đường vào Nam nhận nhiệm vụ mới, tưởng sẽ xa cách một thời gian ngắn, nào ngờ mãi mãi biệt ly. Bà không chỉ sừng sững giữa tâm hồn nhà văn qua bao thời gian năm tháng, mà còn là biểu tượng cho tâm hồn Việt, nền văn hóa Việt cổ truyền. Bà là biểu tượng đẹp của tình nghĩa chồng vợ, một tấm lòng nhân hậu và tình yêu lớn lao. Bà còn là biểu tượng của người phụ nữ Việt lam lũ, khéo tay hay làm, suốt đời hy sinh vì chồng con, vì sự nghiệp lớn của đất nước với khát vọng sum họp và ước nguyện không hề chia cắt hai miền.
Đặc biệt, Thương nhớ mười hai là nơi thể hiện rõ nhất giọng điệu văn chương đầy sắc thái biểu cảm, vừa tài hoa, tinh tế, trùng điệp các lớp ngôn từ. Đồng thời, vừa thể hiện sức miêu tả kĩ lưỡng và chính xác những ấn tượng, những cảm xúc của các giác quan vật chất và không vật chất của con người.
3.1.1. Giọng văn đau đáu hoài niệm, tiếc nhớ
Xuyên suốt tác phẩm Thương nhớ mười hai là giọng văn đau đáu hoài niệm và dạt dào nỗi nhớ thương. Đấy là một nét riêng tây của Vũ Bằng. Giọng văn này hiển nhiên trở thành tông chủ đạo dẫn dắt các tình tiết, sự kiện từ đầu đến cuối tác phẩm.
Không ít những câu văn bố trí cân đối, hô ứng nhịp nhàng, mang dáng dấp biền ngẫu đưa lại phong vị cổ điển man mác hợp với típ người lữ thứ tư hương. Trong động hướng tìm về nguồn cội, giọng điệu chủ yếu của hai tập ký là trữ tình hoài nhớ đến nồng nàn, đắm đuối : “Mùa thu ở Bắc Việt xa xưa ơi... Mộng từ ngọn gió, cánh hoa mộng đi, mộng từ tiếng nhạn về én đi mà mộng lại, mộng từ bông sen tàn tạ trong đầm mà mộng lên, mộng từ sắc ố quan hà mà mộng xuống” [1, tr 157].
Giọng điệu này làm cho trang viết của Vũ Bằng trở thành một trời thương nhớ chất chứa bao nỗi niềm tâm sự. Giọng văn này được hình thành trong hoàn cảnh ngày Nam - đêm Bắc, cảm giác đau đáu hoài niệm, tiếc nhớ giăng đầy. Nỗi nhớ thương cố hương như một thứ hơi men bốc lên trong tâm can nhà văn. Nó buột nhà văn phải giải tỏa. Và, Vũ Bằng đã viết. Viết để hòng vơi đi phần nào mối sầu xứ, tiếc nhớ miên man: “Người lữ khách ngày nay, xa cách quê hương, thấy tháng hai trở về, cũng động lòng nhớ tiếc không biết bao nhiêu khuôn mặt, không biết bao nhiêu món ăn ngon, không biết bao nhiêu tình thương yêu đã mất. Nhớ từng con đường mưa bay riêu riêu…” [1, tr 45].
Hầu như bất kì trang văn nào trong Thương nhớ mười hai chúng ta cũng cảm nhận được hơi hướng hoài xứ, thấm đẫm tâm trạng vọng về của nhà văn qua hàng loạt các cụm từ, câu, đoạn văn. Nó lan tỏa thành một giọng điệu chung, bao trùm lên tất cả. Đó có thể là một nỗi nhớ bâng khuâng về những món ăn Bắc Việt do chính bàn tay người vợ đảm đang làm cho mình: “Chao ôi, có ai sầu xứ vào một ngày nào đó, thấy trong người háo quá, thèm cái phong vị chè của nơi nghìn năm văn vật có nhớ đến chè cốm không? Vào tháng tư, củ mài nhiều, vợ thương chồng nấu chén chè củ mài để vợ chồng cùng ăn trước khi đi ngủ…, đố ai quên được chè lam và chè bà cốt?” [1, tr 91]. Nỗi nhớ đau đáu cứ lan tỏa cả một không - thời gian rộng lớn: “Người ta nhớ nhà, nhớ cửa, nhớ những nét mặt thương yêu, nhớ những con đường đã đi về năm trước, nhớ người bạn chiếu chăn…” [1, tr 11 - 12].
Ngay đến những món ăn của đất Bắc cũng được Vũ Bằng gởi vào muôn ngàn nỗi nhớ niềm thương với một giọng văn thiết tha hoài mong: “Thực vậy, một rổ cá rô don ngày trước bán đắt lắm cũng chỉ hai hào…hợp giọng không chịu được” [1, tr 126]. Cái nhớ rất cụ thể nhưng cũng rất bao quát, quay quắt, trải đều lên khắp vùng quê Bắc Việt: “Nhớ quá, bất cứ cái gì của Hà Nội cũng nhớ, bất cứ cái gì của Bắc Việt cũng nhớ, nhớ từ cánh đồng lúa mơn mởn nhớ đi,…cam Bố Hạ, đào Sa Pa nhớ xuống” [1, tr 12].
Có thể nói, những thức ngon của vùng quê Bắc Việt làm cho nỗi nhớ của nhà văn nhân lên gấp bội. Trang văn cứ đẫm nỗi đau đáu hoài niệm của nhà văn: “Có ai ở Bắc Việt vào đây cho hỏi thăm tháng Một mấy năm nay ở Bắc Việt, trời có rét lắm không, mưa vẫn riêu riêu buồn như trước hay thời tiết vì ảnh hưởng bom đạn của Mĩ đã khác xưa?...[1, tr 227].
Vũ Bằng nhớ đất, nhớ người, nhớ cả bầu trời đất Bắc ngập tràn yêu thương vốn đã hằn sâu trong tim mình. Mọi thứ có lẽ vẫn còn hiện hữu, tưởng chừng như rất gần nhưng nhà văn cứ chới với mà không sao chạm được. Hoài niệm cứ hiện về ngay trước mắt nhưng lại rất xa xôi. Chính vì thế mà nỗi nhớ cứ thôi thúc, giằng xé khiến nhà văn đau đáu hướng về xứ sở thương yêu: “Nhớ không biết chừng nào là nhớ, nhớ sao nhớ quá thế này!...” [1, tr 13]. Nỗi nhớ day dứt tim gan khiến nhà văn phải khỏa lấp để mong vơi bớt phần nào. Nhưng, “…thương nhớ cách mấy đi nữa thì có níu quá khứ lại được đâu?...Lịch sử không đứng yên một chỗ bao giờ” [1, tr 13].
Trong nỗi hoài niệm là sự tiếc nhớ những kỉ niệm ngọt ngào về Bắc Việt. Nhà văn tiếc thương điên cuồng: “Tôi yêu Hà Nội quá, tôi nhớ Bắc Việt nhiều nên bao nhiêu cái đẹp, cái hay ở trước mắt, tôi thấy mất cả ý nghĩa đi” [1, tr 13]. Là sự tiếc nhớ những ngày xưa cũ: “Tôi nhớ lại những buổi chiều vô liêu tháng Chín, trời lạnh, gió tê tê buồn, không đi ra ngoài, ăn cơm xong, tráng miệng bằng cam…hồi hộp lạ” và “Tiếc không biết bao nhiêu những đêm lạnh nằm chung một chăn đơn với vợ ăn hạt dẻ, nói đôi ba câu chuyện buồn vui thế sự; tiếc những buổi chiều mưa rươi hai đứa dắt nhau đi trên những con đường vàng ẩm ướt có hoa sấu rụng…” [1, tr 201].
Nỗi nhớ khắc khoải khiến người lữ thứ như bất lực. Biết bao giờ về? Và cảm thấy vô vọng: “Nằm ở đây bây giờ, người chồng bỗng nhiên thấy tủi thân vì cảm thấy chìa khóa để mở cái tháp vàng đã mất rồi, ngày vui không hi vọng trở lại nữa,…” [1, tr 201]. Xen vào bức tranh ngôn ngữ tâm trạng đó là rất nhiều những câu tự vấn xen lẫn hoài cảm. Tất cả hòa vào giọng văn hoài vọng để bật lên những tiếng nấc nghẹn ngào, xót xa: Bao giờ về?, Phải, bao giờ về?, ngày ấy bao giờ đâu, Biết đến bao giờ, thương biết bao nhiêu, Nhớ sao nhớ quá thế này!,…
Giọng văn buồn thương, tha thiết đã liên tục đưa người đọc đi suốt Bắc Việt bằng con đường hoài niệm của nhà văn. Những cuộc hồi cố bằng tâm tưởng được thể hiện qua những giấc mộng về Bắc Việt: “Mùa thu Bắc Việt xa xưa ơi, ta buồn da diết khi nghĩ đến kiếp chúng sinh hệ lụy trong biển trầm luân…mộng từ sắc ố quan hà mà mộng xuống” [1, tr 157]. Mộng để rồi thêm tiếc thương, thêm đau đáu về xứ sở mà nhà văn luôn ước mơ quay về.
3.1.2. Giọng văn da diết yêu thương, ngọt ngào trìu mến
Đọc Thương nhớ mười hai, chúng ta nhận ra một tình yêu lớn lao bao trùm lên cả tác phẩm. Từ ngôn từ, giọng điệu, đều hàm chứa một tình cảm chứa chan của nhà văn về Bắc Việt: “Bắc Việt mến thương ơi! Nhớ Bắc Việt ngày trước quá, nhớ sao nhớ quá thế này! mà càng nhớ lại càng yêu…” [1, tr 109 - 110], “Càng nhớ như vậy lại càng yêu Hà Nội biết bao nhiêu, lại càng say đắm Bắc Việt biết bao nhiêu!” [1, tr 12].
Dưới ngòi bút của nhà văn, Bắc Việt hiện ra như một bức tranh hoàn mĩ với một giọng điệu thật ngọt ngào, trìu mến. Mười hai tháng nhớ thương quy tụ thành một bức tranh bốn mùa với đủ sắc màu, hương vị: “Tháng giêng, mơ về trăng non rét ngọt” [1, tr 17], “Tháng hai, tương tư hoa đào” [1, tr 34],…”, Tết, hỡi cô mặc cái yếm xanh” [1, tr 282]. Nhà văn yêu đất Bắc - Bầu sữa ngọt nuôi dưỡng tâm hồn mình xiết bao: “Đẹp quá đi, mùa xuân ơi - mùa xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến. Nhưng tôi yêu mùa xuân nhất là vào khoảng sau ngày rằm tháng giêng,…” [1, tr 20].
Vũ Bằng yêu Bắc Việt là một tình yêu lớn lao. Trong tình yêu chung, có một nỗi niềm da diết nhà văn yêu - nhớ về người bạn đời: “Tội nghiệp cho người vợ bé nhỏ đầu tắt mặt tối, miễn sao làm cho bạn chồng và chồng được vui vẻ là mãn nguyện” [1, tr 39]. Với người vợ giàu hi sinh, giọng văn Vũ Bằng bao giờ cũng chùng xuống một nốt với bao yêu mến, cảm phục. Nhất là khi người vợ qua đời, nhà văn đã dành những trang viết thiết tha yêu thương nhất cho người phụ nữ mình yêu: “Khóc thì yếu thật nhưng anh ta khóc, khóc âm thầm…và lo lắng miếng ăn giấc ngủ cho chồng từng li từng tí” [1, tr 205 - 206].
Viết về người bạn đời chung thủy sắc son, Vũ Bằng luôn dành những lời thương mến ngọt ngào nhất: “…thương không biết ngần nào là thương. Thương nhất là người vợ bé nhỏ yêu chồng, mùa nào thức nấy,…Người chồng không cần biết gì lôi thôi, chỉ có tháng hai ăn cá anh vũ nướng chả thì ngon thực…[1, tr 45 - 46].
Những gì thuộc về đất Bắc, dù là nhỏ nhất cũng được Vũ Bằng dành cho một tình yêu lớn với giọng văn tha thiết yêu thương, trìu mến: “…nhưng tôi lại yêu hơn cái thú la cà, chậm rãi của Bắc Việt xưa cũ, đi hát thì phải đi hát cô đầu,… nấu cho mình” [1, tr 90] hay “Yêu quá, cái đêm tháng hai ở Bắc; thương quá cái đêm tháng hai ở Bắc, thành ra cái gì cũng thấy qua đi nhanh quá…” [1, tr 36].
Nhà văn đã dành tặng cho Hà Nội những mĩ từ đẹp nhất. Với giọng văn đầy yêu thương, trìu mến, nhà văn đã đưa chúng ta đến gần hơn với Hà Nội. Chúng ta cảm nhận được rất rõ tình cảm tha thiết chứa chan của nhà văn dành cho quê hương xứ sở. Để rồi, mỗi chúng ta cũng yêu hơn Hà Nội - yêu hơn từ chính tình yêu quá lớn lao, sâu sắc của Vũ Bằng.
3.2. Tùy bút pha lẫn hồi ký
Như đã nói, Thương nhớ mười hai là một tác phẩm có sự đan xen giữa nhiều thể loại. Nhưng, rõ rệt nhất là sự pha lẫn giữa tùy bút và hồi kí. Chính sự pha lẫn này đã đưa đến sự thành công và độc đáo riêng cho tác phẩm.
Bất kì một tác phẩm văn học nào cũng in dấu ấn cái tôi của tác giả. Đối với tiểu thuyết, truyện ngắn,…cái tôi rất khó xác định. Trong Thương nhớ mười hai thì lại khác, sự pha trộn hai thể loại đã chuyển tải được những cung bậc tình cảm chân thành, da diết yêu thương của tác giả lên câu chữ. Người đọc rất dễ nhận ra và đồng cảm với những cảm xúc của cái tôi được nhà văn tái hiện qua dòng hồi ức.
3.2.1. Cảm xúc theo dòng hồi ức
Đọc Vũ Bằng, chúng ta nhận thấy ngòi bút của nhà văn có sự kết hợp giữa cảm xúc tinh tế với vốn văn hóa dồi dào. Những gì thuộc về văn hóa Bắc Việt, văn hóa Kẻ Chợ luôn hiện hữu trong trang viết của nhà văn các tri thức về văn hóa dân gian như lễ hội, phong tục, ẩm thực,…được huy động vào tác phẩm với tất cả những cảm xúc tinh tế đã chứng tỏ được vốn sống phong phú của Vũ Bằng. Tất nhiên, điều này không phải chỉ mình Vũ Bằng mới có, song cách thể hiện của nhà văn lại khá đặc biệt. Vũ Bằng nhìn nhận, trình bày vấn đề gắn với một không gian văn hóa rộng lớn: “Nhớ quá, bất cứ cái gì của Hà Nội cũng nhớ, bất cứ cái gì của Bắc Việt cũng nhớ,…Trên con đường Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai các đồn điền cam quýt ở hai bên bờ sông Thao vẫn còn tốt tươi như cũ…” [1, tr 12 - 13]. Đó là không gian Bắc Việt quá vãng mà ở đó, từ những câu chuyện đời thường trong cuộc sống cho đến những món ăn ngon hay những cảnh sắc diễm tình của thiên nhiên Bắc Việt và nhiều khi là những kỉ niệm ngọt ngào thời xưa cũ…đã trở thành hoài niệm: “Nhưng nuối tiếc không phải chỉ có thế mà thôi. Người ly hương còn nuối tiếc không biết bao nhiêu cái không khí của chùa chiền ở Bắc vào dịp lễ Trung Nguyên,…” [1, tr 141], “Nói đến chè Bắc Việt, người xa quê tự nhiên thèm lại mấy thứ chè bây giờ không còn nữa,…từ đêm hôm trước” [1, tr 94].
Dòng hồi ức cứ thế dội về trong tâm tưởng nhà văn. Cảnh sắc, mây nước, con người,…hiện lên trong nỗi nhớ thương vô vàn: “Tháng Tư của miền Bắc ngày xưa, tháng Tư yêu dấu, có nóng, có oi, có dế kêu,…như là có cánh” [1, tr 77], “Thương biết bao nhiêu, nhớ không có cách gì quên được cái đêm Trung Thu năm ấy…ở Gia Lâm sang cầm trịch” [1, tr 173],…Cảm xúc cứ theo dòng hồi ức trào dâng. Lúc xót xa, lúc miên man nhưng có khi thảng thốt, ngỡ ngàng,…
Dòng sông hoài niệm cứ như thế trôi đi, lúc êm đềm: “Tháng Chín là tháng cuối cùng của mùa thu,…có gió lạnh mới về chạy xào xạc trong lau lách” [1, tr 186] nhưng cũng không ít khi gợn sóng: “Nhớ không biết bao nhiêu, nhớ bát canh rau sắn chùa Hương,…có những cánh hoa đào lả tả nơi vai áo…” [1, tr 12], “Nhớ không biết chừng nào là nhớ, nhớ sao nhớ quá thế này!... và đem ra so sánh thì bao nhiêu người đẹp trước mắt đều thua kém người thương mình hết” [1, tr 13]. Cứ như vậy, lần theo dòng hồi ức, mạch cảm xúc liên tục tuôn trào. Với những sắc thái, cung bậc khác nhau nhưng lúc nào cũng chìm trong miên man nỗi nhớ thương, hoài vọng vô vàn: “Có ai ở Bắc Việt vào đây cho hỏi thăm tháng Một năm nay ở Bắc Việt, trời có rét lắm không, mưa vẫn riêu riêu buồn như trước hay thời tiết vì ảnh hưởng bom đạn của Mĩ đã khác xưa!...” [1, tr 227].
3.2.2. Ghi chép theo từng sự kiện, từng khoảng thời gian, từng vấn đề
Với những trang văn chứa chan ân tình, Vũ Bằng hiện lên như một nghệ sĩ có trái tim nhạy cảm, tinh tế với những biến động của cuộc đời. Thiết tha yêu say cái đẹp, ngợi ca nó và cũng yêu ghét rạch ròi. Một Vũ Bằng luôn tha thiết hướng về đất, người, cảnh sắc và văn hóa của quê hương xứ sở với một tình cảm chân thành, nồng hậu.
Qua dòng hồi ức nhớ thương, nhà văn đã ghi lại những kỉ niệm, những ấn tượng về đất Bắc theo một logic hết sức chặt chẽ, tài hoa. Mỗi khoảng thời gian đều tương ứng với từng sự kiện, từng vấn đề không lẫn lộn, chồng chéo nhau, mỗi sự kiện, mỗi vấn đề đều rõ ràng kéo theo những hoài niệm trải dài theo từng ngày tháng yêu thương.
Trong Thương nhớ mười hai, mười hai tháng ứng với những sự kiện, những đặc trưng riêng của mỗi tháng: Tháng Hai, tương tư hoa đào; Tháng Ba, rét nàng Bân; Tháng Tư, mơ đi tắm suối Mường; Tháng Năm, nhớ nhót, mận, rượu nếp và lá móng; Tháng Sáu, thèm nhãn Hưng Yên; Tháng Bảy, ngày rằm xá tội vong nhân; Tháng Tám, ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu; Tháng Chín, gạo mới chim ngói; Tháng Mười, gió bấc mưa phùn; Tháng Một, thương về những ngày nhễ bọng con rận rồng; Tháng Chạp, nhớ ơi chợ Tết,...
Trong từng tháng, Vũ Bằng tái hiện lại rất tỉ mỉ những sự kiện đã xảy ra: tháng Giêng có mưa xuân, cảnh vật trỗi dậy trong một màu xanh bất diệt, lễ hội làng Nội Ninh,…Tháng Hai với hoa đào rực rỡ, thi đánh tam cúc, rút bấc lên ngôi,… Dường như tác giả không phải đang hoài niệm lại mà là đang sống với mười hai tháng của đất Bắc. Bởi từng sự việc, vấn đề hiện lên trên trang văn sinh động quá, chân thực quá. Mọi thứ cứ như đang diễn ra trước mắt người đọc vậy.
Vũ Bằng luôn tâm niệm rằng mảnh đất màu mỡ của văn chương phải là ở hiện thực. Khai phá được mảnh đất hiện thực là sự thành công của nhà văn. Vũ Bằng đã nhìn nhận, bao quát sự vật, hiện tượng xung quanh mình bằng con mắt tinh tế, sắc xảo. Tất cả những điều Vũ Bằng được thấy, được nghe và được tận hưởng đều hiện lên một cách tỉ mỉ qua từng sự kiện, vấn đề.
Việc kết hợp ngôn ngữ đậm chất thơ ca với cách trình bày vấn đề như thế giúp việc chuyển tải được những cảm xúc trữ tình trở nên thuận lợi, cái tôi chủ quan của tác giả được tô đậm một cách triệt để. Tính hiệu quả, tính thẩm mĩ của tác phẩm nhờ đó cũng được nâng cao. Có thể coi Thương nhớ mười hai là tác phẩm tùy bút trữ tình bất hủ về tình cảm của con người. Cái tình cảm ở đây không phải được biểu hiện theo phong cách lãng mạn bay bổng mà là thứ tình cảm rất chân thật và đầy xúc động. Nó tác động sâu vào tâm thức người đọc. Vì thế, nó dễ nhớ, dễ đi vào lòng người cũng như tấm chân tình của người con xa xứ thường dễ được đồng cảm bởi những người cùng cảnh ngộ.
C. KẾT LUẬN
Có thể nói, Vũ Bằng, bằng tài năng và trái tim của người nghệ sĩ, đã cảm nhận và thể hiện tinh tế nỗi nhớ thương với sắc vẻ riêng, nên thơ và hấp dẫn lạ kì. Tùy bút Thương nhớ mười hai của nhà văn đã đạt được những yêu cầu chung mà bất kì tác phẩm văn học chân chính nào cũng cần có: Văn chương là nghệ thuật của ngôn từ (Hoàng Ngọc Hiến)… Cuộc đời cộng hưởng trong cái nhìn, cảm quan người nghệ sĩ tạo nên vốn chất liệu làm thành tác phẩm.
Như vậy giá trị của Thương nhớ mười hai không chỉ ở phương diện nội dung và nghệ thuật mà còn đem đến quan điểm đúng đắn cho văn chương. Đó là vấn đề sáng tạo của người nghệ sĩ.
Vũ Bằng thực sự là một phong cách lớn cho các thế hệ nhà văn noi theo. Sức gợi của Thương nhớ mười hai do đó rất lớn, không chỉ gợi hình, gợi tình mà còn mở ra chân lí đúng đắn cho người nghệ sĩ.
Vậy nên, có những tác phẩm văn học đọc xong gấp sách lại là ta quên ngay, cho đến lúc cầm lại ta mới chợt nhớ là mình đã đọc rồi. Nhưng, cũng có những tác phẩm như những dòng sông chảy qua tâm hồn ta để lại những ấn tượng khắc chạm trong tâm khảm không thể nào quên. Và, Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng là một điển hình như thế!
Với niềm đam mê khám phá những nét đặc trưng của ngôn từ nghệ thuật trong Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng, chúng tôi đã nỗ lực để phát hiện ra toàn bộ vẻ đẹp và giá trị của tác phẩm này. Những tưởng mình đã thành công, nhưng khi chặng đường tìm hiểu đã kết thúc, chúng tôi mới nhận ra rằng nỗ lực của mình là nỗ - lực - không - thành. Bởi lẽ, tác phẩm vẫn cứ còn lấp lánh những thứ ánh sáng khác, khơi gợi những niềm khao khát khác. Con đường khám phá Thương nhớ mười hai vẫn còn dài. Chúng tôi hi vọng sẽ được bước tiếp trên con đường ấy, khi sự trải nghiệm trong cuộc sống, khi những hiểu biết về văn chương, và khi những ý kiến đóng góp của thầy cô và các bạn đã đủ đầy hơn.
D. TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Vũ Bằng (2006), Thương nhớ mười hai, Nxb Văn hóa - Thông tin, H.
[2] Đỗ Hữu Châu (2007), Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb ĐHQG Hà Nội, H.
[3] Văn Giá (2000), Vũ Bằng, bên trời thương nhớ, Nxb Văn hóa thông tin, H.
[4] Nhóm tác giả (2005), Chân dung các nhà văn Việt Nam hiện đại - tập 1, Nxb Giáo dục, H.
[5] Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên, 1998), Dẫn luận ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, H.
[6] Nguyễn Thiện Giáp (2008), Từ vựng học tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H.
[7] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (chủ biên, 1999), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
[8] Nguyễn Thái Hòa (2005), Từ điển tu từ - Phong cách thi pháp học, Nxb Giáo dục.
[9] Tô Hoài (1997), Những gương mặt chân dung văn học, Nxb Hội nhà văn, H.
[10] Tạ Hiếu (2006), “Nghệ thuật so sánh trong tùy bút Thương nhớ mười hai”, Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, số 3 (117) năm 2006, H.
[11] Đỗ Đức Hiểu (chủ biên, 2004), Từ điển văn học bộ mới, Nxb Thế giới.
[12] Nguyễn Ánh Ngân (2003), “Lời giới thiệu”, Tạp văn Vũ Bằng, Nxb Hội nhà văn, H.
[13] Bùi Trọng Ngoãn (2005), Phong cách học Tiếng Việt, ĐHSP - ĐHĐN
[14] Vũ Ngọc Phan (2005), Nhà văn hiện đại, Nxb Văn học, H.
[15]Nguyễn Hữu Quỳnh (2005), Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H.
[16] Nguyễn Quốc Thắng (Sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu, 2007), Văn học Việt Nam nơi miền đất mới - tập 2, Nxb Văn học, H.
[17] Trần Mạnh Thường (biên soạn, 2003), Từ điển tác gia văn học Việt Nam thế kỉ XX, Nxb Hội nhà văn, H.
[18] Nguyễn Ngọc Thiện (2006), Phong cách và Đời văn, Nxb KHXH, H.
[19] Tạ Tỵ (1996), Mười khuôn mặt văn nghệ, Nxb Hội nhà văn, H.
[20] Nguyễn Vỹ (2007), Văn thi sĩ tiền chiến, Nxb Văn học, H.
[21] Triệu Xuân (Sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu, 2006), Vũ Bằng toàn tập, Nxb Văn học, H.
* Trang Web điện tử:
-
-
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Đặc trưng ngôn ngữ trong Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng.doc