Đề tài Nêu tiền đề ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam - Bài tập nhóm môn tư tưởng Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh (1890-1969) - người anh hùng giải phóng dân tộc, đồng thời cũng là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, đã lãnh đạo nhân dân ta đi đến những thắng lợi vĩ đại. Một trong những đóng góp quan trọng của Người trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc là việc thống nhất ba tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930, đáp ứng yêu cầu bức thiết của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ. Để thành lập nên Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh đã trải qua một quá trình chuẩn bị lâu dài về mọi mặt. Để có thể tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, nhóm chúng em xin lựa chọn đề tài “Nêu tiền đề ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam”.
6 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3235 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Nêu tiền đề ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam - Bài tập nhóm môn tư tưởng Hồ Chí Minh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU.
Hồ Chí Minh (1890-1969) - người anh hùng giải phóng dân tộc, đồng thời cũng là vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, đã lãnh đạo nhân dân ta đi đến những thắng lợi vĩ đại. Một trong những đóng góp quan trọng của Người trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc là việc thống nhất ba tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930, đáp ứng yêu cầu bức thiết của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ. Để thành lập nên Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh đã trải qua một quá trình chuẩn bị lâu dài về mọi mặt. Để có thể tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, nhóm chúng em xin lựa chọn đề tài “Nêu tiền đề ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam”.
NỘI DUNG CHÍNH.
Chủ nghĩa Mác - Lênin
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cộng sản Việt Nam bắt nguồn từ học thuyết của Mác về Đảng cộng sản và trực tiếp từ học thuyết về xây dựng Đảng kiểu mới của Lênin. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam đã đưa Hồ Chí Minh đến việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930.
Về việc thành lập Đảng Cộng sản, C.Mác và V.I.Lênin chủ yếu quan tâm đến vấn đề thành lập Đảng Cộng sản ở những nước tư bản chủ nghĩa, mà nhiệm vụ chủ yếu là lãnh đạo giai cấp vô sản và quần chúng nhân dân lao động làm cách mạng nhằm lật đổ chế độ tư bản và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Khẩu hiệu mà C.Mác và Ăngghen đề ra là “vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại”. V.I.Lênin cũng đã nêu ra những cơ sở để thành lập một Đảng Cộng sản, đó là: Đảng Cộng sản là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác với phong trào công nhân phương Tây, bởi vì theo Người: chủ nghĩa Mác là học thuyết xã hội khoa học mang lí tưởng về một xã hội nhân đạo còn giai cấp công nhân phương Tây là giai cấp tiên tiến, đông đảo về lực lượng, đại diện cho phương thức sản xuất tiến bộ, lại được rèn luyện, thử thách trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, có khả năng gánh vác sứ mệnh lịch sử, đó là sứ mệnh giải phóng giai cấp tiến tới giải phóng con người.
Khác với C.Mác và V.I.Lênin thì Hồ Chí Minh lại quan tâm tìm kiếm những cơ sở thực tế để dẫn đến việc thành lập Đảng Cộng sản ở những nước lạc hậu, tiền tư bản, chậm phát triển, phụ thuộc vào những tàn tích phong kiến còn rất nặng nề. Do đó, theo Người, Đảng phải là một tổ chức chính trị tiên phong, vững mạnh, có khả năng đề ra đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn; có khả năng vận động, tập hợp, tổ chức quần chúng và gắn cách mạng giải phóng dân tộc với cách mạng vô sản thế giới. Ngoài ra, Đảng này phải được vũ trang bằng lý luận khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, phải được xây dựng theo những nguyên tắc Đảng kiểu mới của giai cấp vô sản, bởi vì chủ nghĩa Mác- Lênin là học thuyết chân chính nhất, chắc chắn nhất, khoa học nhất. Học thuyết ấy đã chỉ ra con đường tự giải phóng con người và phát triển xã hội. Đồng thời, Đảng phải có nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, thực hiện làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi đến chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, giải quyết triệt để hai mâu thuẫn cơ bản là đánh đuổi thực dân đế quốc giành độc lập, tự do cho dân tộc và lật đổ phong kiến, tư sản đem lại ruộng đất cho dân cày.
Thêm vào đó, ở đây Đảng cộng sản còn phải công khai lập trường, quan điểm của mình là đứng về phía nào? Bênh vực, bảo vệ ai, cái gì và chống lại ai, cái gì? và phải có phương pháp biện chứng duy vật trong đấu tranh cách mạng và vận động quần chúng, nghĩa là phương pháp phải mềm dẻo, linh hoạt, nhạy bén, nắm thời cơ và đưa quần chúng ra đấu tranh tạo thành phong trào quần chúng rộng lớn.
II. Phong trào công nhân và phong trào yêu nước.
Phong trào công nhân.
Dựa trên những quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin về xây dựng Đảng, Hồ Chí Minh đã nghiên cứu sâu sắc về tình hình thực tế của Việt Nam, một nước phong kiến nửa thuộc địa với kinh tế nông nghiệp lạc hậu và nông dân chiếm đa số trong xã hội. Giai cấp công nhân Việt Nam tuy mới ra đời, xong là giai cấp tiên tiến nhất cho lực lượng sản xuất; là giai cấp cách mạng giữ vai trò lãnh đạo, có tổ chức, có kỉ luật và nhạy bén với cái mới. Tuy nhiên bên cạnh những điểm mạnh thì giai cấp công nhân cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định như mỏng về lực lượng, ít về số lượng; chưa được rèn luyện, thách thức trong cuộc đấu tranh.
Vì vậy với điều kiện về xã hội, cũng như điều kiện của giai cấp công nhân với số lượng ít, trong khi phần lớn là nông dân và tiểu tư sản, trí thức yêu nước thì vấn đề cho sự ra đời một Đảng vô sản phải bắt đầu từ đâu và như thế nào? Theo Hồ Chí Minh, không thể chờ cho giai cấp công nhân Việt Nam phát triển với số lượng lớn rồi mới tổ chức Đảng Cộng sản, càng không thể bị động trông cậy vào các yêu tố bên ngòai. Người cho rằng sức mạnh của giai cấp công nhân không chỉ biểu thị ở số lượng, mà cơ bản là ở chất lượng, ở ý thức tự giác và ý thức được sứ mệnh lịch sử của mình. Vì vậy mà ngay từ khi ra đời, dù có những hạn chế, nhược điểm nhất định, xong là giai cấp tiên tiến nhất cho lực lượng sản xuất; là giai cấp cách mạng giữ vai trò lãnh đạo, có tổ chức, có kỉ luật và nhạy bén với cái mới thì phong trào công nhân khi ra đời trở thành tiền đề cho sự thành lập Đảng cộng sản.
2. Phong trào yêu nước.
Phong trào yêu nước là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam đã có từ lâu đời. Mặc dù là một nước thuộc địa, kinh tế lạc hậu nhưng phong trào yêu nước ở Việt Nam vẫn là phong trào rộng lớn nhất, lôi cuốn được mọi tầng lớp nhân dân, chủ yếu là giai cấp nông dân vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, phong kiến. Tham gia phong trào yêu nước còn có những giai cấp và tầng lớp khác như: giai cấp tiểu tư sản, tầng lớp trí thức, tư sản dân tộc, những nhân sĩ yêu nước và một bộ phận quan lại phong kiến có tinh thần dân tộc chống đế quốc thực dân. Như vậy có thể nói phong trào yêu nước là phong trào quy tụ được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Mặt khác phong trào yêu nước được hình thành từ rất sớm trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, trở thành truyền thống của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay, vì vậy qua các cuộc đấu tranh giành và giữ độc lập dân tộc, ông cha đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm cũng như bài học quý báu trong chiến đấu. Tuy nhiên, phong trào yêu nước trong tình hình xã hội lúc cũng này bộc lộ những hạn chế nhất định, đại đa số nhân dân có tinh thần yêu nước nhưng chưa có người dẫn đường; chưa có học thuyết và đường lối đúng đắn, cụ thể.
3. Sự kết hợp giữa phong trào công nhân và phong trào yêu nước.
Qua việc phân tích phong trào công nhân và phong trào yêu nước, Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng nếu kết hợp được phong trào yêu nước với phong trào công nhân thì lực lượng cách mạng sẽ trở thành một lực lượng đầy đủ và hoàn hảo, con đường cách mạng Việt Nam sẽ tìm được người lãnh đạo, dẫn đường, người đồng hành để tiến hành cách mạng, sẽ tạo ra một sức mạnh vô cùng to lớn, đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi cuối cùng.
Sự kết hợp phong trào yêu nước và phong trào công nhân là phù hợp với điều kiện của xã hội Việt Nam; nếu phong trào công nhân không gắn bó chặt chẽ với phong trào yêu nước, không trở thành nòng cốt của phong trào yêu nước thì cách mạng cũng không đủ lực lượng để mở rộng cuộc đấu tranh và đưa nó đến thắng lợi. Nếu phong trào yêu nước không được dẫn dắt bởi giai cấp công nhân với đội quân tiên phong là Đảng Cộng sản thì cuộc đấu tranh của nó cũng không thể đi đến thắng lợi. Như vậy có thể khẳng định: Chủ nghĩa Mác-Lenin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước là tiền đề cho sự ra đời của Đảng công sản Việt Nam.
III. Những hoạt động thực tiễn chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết tiến tới thành lập Đảng.
Từ năm 1911 đến năm 1917, Hồ Chí Minh đã đi rất nhiều nước để vừa tìm hiểu lí luận vừa khảo sát thực tế. Năm 1917, người trở lại Pháp, gia nhập Đảng Cộng sản Pháp và tham gia thành lập“Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp”. Ngày 18/6/1919, Hồ Chí Minh với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, thay mặt những người Việt Nam yêu nước ở Pháp gửi đến hội nghị Vec-xay “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” đòi hỏi chính phủ Pháp và các nước đồng minh thừa nhận các quyền tự do dân chủ và quyền bình đẳng của nhân dân An Nam nhưng không được chấp nhận. Qua đây, Người khẳng định, muốn giải phóng dân tộc không thể trông chờ vào bên ngoài, mà trước hết, phải “đem sức ta phải giải phóng cho ta”.
Tháng 12/1920, sau khi được đọc bản “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin, Hồ Chí Minh thấy tin tưởng, sáng tỏ và vô cùng cảm động. Người đã khẳng định “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng cho chúng ta”. Tại đại hội Tua của Đảng xã hội Pháp, Người đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế cộng sản của Lênin và tham gia sáng lập Đảng cộng sản Pháp. Với sự kiện này, Hồ Chí Minh đã chuyển từ lập trường của người yêu nước sang lập trường của người cộng sản. Đây là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Người mạnh mẽ khẳng định“Muốn cứu nước,giải phóng dân tộc không còn con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”. Với sự lựa chọn đúng đắn này, Hồ Chí Minh đã góp phần giải quyết được sự khủng hoảng về đường lối cứu nước ở Việt Nam kéo dài nhiều thập kỉ.
Sau khi tìm thấy chủ nghĩa Mác - Lênin và lựa chọn con đường cách mạng vô sản, Hồ Chí Minh tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam và chuẩn bị những điều kiện về mọi mặt cho sự thành lập một chính Đảng cách mạng ở Việt Nam. Năm 1921, Người lập ra Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa ở Pari để đoàn kết các lực lượng cách mạng chống chủ nghĩa thực dân. Tháng 6/1923, Người bí mật rời Pháp sang Liên Xô dự hội nghị quốc tế nông dân và ở lại Liên Xô để nghiên cứu, học tập lý luận. Tại Đại hội V Quốc tế cộng sản, Người đã trình bày quan điểm về vị trí chiến lược của cách mạng các nước thuộc địa, về mối quan hệ giữa phong trào công nhân ở các nước đế quốc với phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa. Ngày 11/11/1924, Người đến Quảng Châu (Trung Quốc) để trực tiếp đào tạo cán bộ, xây dựng tổ chức cách mạng, truyền bá lý luận cách mạng giải phóng dân tộc vào Việt Nam. Tiếp sau đó, tháng 6/1925, trên cơ sở tổ chức cộng sản đoàn, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, có Cộng sản đoàn làm nòng cốt, Nguyễn Ái Quốc đã thực hiện đào tạo, bồi dưỡng lớp cán bộ đầu tiên theo chủ nghĩa Mác- Lênin và đường lối cách mạng mới bằng cách mở các lớp huấn luyện tại Quảng Châu từ năm 1925 đến năm 1927. Sau các khóa học, phần lớn họ trở về nước để truyền bá lý luận giải phóng dân tộc và tổ chức nhân dân, còn một số ít được chọn vào Trường Quân sự Hoàng Phố và Trường Đại học Phương Đông học tập để sau đó trở về Việt Nam hoạt động trong phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân khác, làm cho phong trào chuyển dần từ tự phát sang tự giác. Đồng thời Người còn cho xuất bản cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đường Kách mệnh” - đây là hai cuốn sách có giá trị quan trọng đối với những nhà yêu nước Việt Nam lúc đó.
Việc xuất hiện ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam từ giữa năm 1929 đến đầu năm 1930 là sản phẩm tất yếu của phong trào công nhân và phong trào yêu nước dâng cao, mặt khác những người cách mạng cũng đã nhận thấy Hội Việt Nam cách mạng thanh niên không còn đáp ứng được yêu cầu của tình hình, cần phải có Đảng Cộng sản thay thế. Nhưng trong một nước không thể cùng tồn tại ba tổ chức cộng sản có cùng mục tiêu, lí tưởng. Trước tình hình đó, Hồ Chí Minh đã quyết định hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930, đáp ứng được đòi hỏi bức thiết mà cách mạng Việt Nam đặt ra.
Từ những hoạt động thực tiễn của mình trong suốt thời kỳ 1911- 1930, Nguyễn Ái Quốc đã luôn quan tâm chú ý đến việc chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức để tiến tới thành lập một chính đảng cách mạng ở Việt Nam. Về tư tưởng, Người truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về nước, chuẩn bị các bài diễn thuyết, huấn luyện; Về chính trị, Người nêu những nguyên tắc chiến lược và sách lược cách mạng thuộc địa làm cơ sở lý luận cho Đảng ta và các đảng thuộc địa căn cứ vào đó vạch ra đường lối cách mạng của mình. Về tổ chức, Người đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên là tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản.
IV.Tổng kết.
Tóm lại, Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, nắm bắt thời cơ cách mạng, tích cực hoạt dộng chuẩn bị mọi mặt lâu dài cho sự ra đời của Đảng ta. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả của cuộc đấu tranh lâu dài của nhân dân ta, là sự sàng lọc nghiêm khắc của lịch sử trên con đường đấu tranh trong mấy thập kỉ của đầu thế kỉ XX. Việc thành lập Đảng là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Từ đây, cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân ta đặt dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ra đời là sự chuẩn bị tất yếu đầu tiên có tính quyết định cho những bước phát triển nhảy vọt về sau của Cách mạng Việt Nam.
KẾT LUẬN
Có thể khẳng định Đảng ra đời là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước trong thời đại mới, là sự cố gắng, tích cực chuẩn bị về mọi mặt lâu dài của Hồ Chí Minh. Qua đó chúng ta càng thấy rõ hơn công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Nêu tiền đề ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam - bài tập nhóm môn tư tưởng HCM.doc