Đề tài Nghiên cứu số phận người phụ nữ trong Truyền kỳ mạn lục

MỤC LỤC 1. ý nghĩa của đề tài 2. nhiệm vụ của đề tài: 3. Lịch sử vấn đề: 4. đối tượng, Phạm vi, Phương pháp nghiên cứu Nội dung Chương 1: những vấn đề chung 1.1. nho giáo với người phụ nữ Việt Nam 1.2. Văn học trung đại Việt Nam với đề tài phụ nữ 1.3. Vài nét về thể Truyền kỳ và thể Truyền kỳ trong văn học Việt Nam 1.4. Nguyễn Dữ và Truyền kỳ mạn lục 1.4.1 Nguyễn Dữ và thời đại ông. 1.4.2. Vài nét về Truyền kỳ mạn lục: 1.4.3 Tóm tắt các truyện có đề cập tới nhân vật phụ nữ Chương 2: Số phận người phụ nữ sống theo nguyên tắc đạo đức, lễ giáo phong kiến 2.1. Nhân vật Ngô Chi Lan trong Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa 2.2. Nhân vật Dương thị trong Chuyện đối tụng ở Long cung 2.3. Nhân vật Thuý Tiêu trong Chuyện nàng Thuý Tiêu 2.4. Nhân vật Nhị Khanh trong Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu 2.5. Nhân vật Vũ Thị Thiết trong Chuyện người con gái Nam Xương 2.6. Nhân vật Lệ Nương trong Chuyện Lệ Nương Chương 3: Số phận Người phụ nữ có lối sống vượt ra khỏi lễ giáo phong kiến 3.1. Nhân vật Nhị Khanh trong Chuyện cây gạo 3.2. Nhân vật Đào thị trong Chuyện nghiệp oan của Đào thị 3.3. Nhân vật Thị Nghi trong Chuyện yêu quái ở Xương Giang 3.4. Nhân vật Đào và Liễu trong Chuyện kỳ ngộ ở Trại Tây 3.5. Nhân vật Giáng Hương trong Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên Kết luận

doc90 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 17985 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Nghiên cứu số phận người phụ nữ trong Truyền kỳ mạn lục, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
c cải táng bằng nước thơm, được khen là trinh thuần cương liệt. Sự có hậu ấy còn do một nguyên nhân khác, đấy là sự ảnh hưởng của văn học dân gian đến sáng tác của Nguyễn Dữ. “Môtíp các nàng tiên cứu người chết oan khá phổ biến trong truyện truyền kỳ phương Đông. Tái hợp là nguyện vọng của mọi người.” [25, tr.31] Từ số phận của Ngô Chi Lan, Lệ Nương, Thuý Tiêu, Dương thị, Vũ Nương, Nhị Khanh chúng ta thấy rằng dù họ có sống theo sự chuẩn mực của lễ giáo phong kiến thì số phận của họ vẫn là số phận của những con người đau khổ bất hạnh và bi kịch. Phản ánh về những số phận ấy, một ý nghĩa khách quan vượt ra ngoài cái chủ quan của Nguyễn Dữ: lễ giáo phong kiến khô cứng thật là tai hoạ đối với người phụ nữ và càng sống theo những yêu cầu của lễ giáo phong kiến thì cuộc sống của họ, số phận của họ càng nhiều bi kịch. Chương 3 số phận Người phụ nữ có lối sống vượt ra khỏi lễ giáo phong kiến Tuân theo yêu cầu của lễ giáo phong kiến, hạnh phúc của người phụ nữ trong Truyền kỳ mạn lục đã luôn luôn bị đe doạ, bị tước đoạt, bị biến thành bi kịch hoặc cái chết. Người phụ nữ có thể tìm thấy hạnh phúc ở đâu và bằng cách nào? Đấy là câu hỏi mà Nguyễn Dữ đặt ra và chúng ta cũng đặt ra. Hy vọng trả lời được câu hỏi ấy, chúng tôi tìm hiểu những nhân vật phụ nữ mà chúng tôi xếp ở nhóm thứ hai – tức là những người phụ nữ sống không tuân theo những nguyên tắc của đạo đức lễ giáo phong kiến đã được Nguyễn Dữ miêu tả qua các truyện sau đây: - Chuyện cây gạo - Chuyện kì ngộ ở trại Tây - Chuyện nghiệp oan của Đào thị - Chuyện yêu quái ở Xương Giang - Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên Một vấn đề đặt ra cho chúng ta khi nghiên cứu những truyện trên là liệu những câu chuyện đó có một cơ sở hiện thực nào không? Trong số năm truyện kể trên thì chỉ có Chuyện nghiệp oan của Đào thị và Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên là có phần thực, có phần kì, thực ít, kì nhiều. Còn Chuyện cây gạo và Chuyện kì ngộ ở trại Tây, Chuyện yêu quái ở Xương Giang là hoàn toàn kì ảo. Khi viết lời bình của truyện Từ Thức lấy vợ tiên, Nguyễn Dữ (hoặc một người cùng thời với ông) cho rằng: “Than ôi, nói truyện quái sợ loạn truyện thường cho nên thánh hiền không nói. Nhưng việc Từ Thức lấy vợ tiên cho là thực không ư ? Chưa hẳn là không; cho là thực có ư ? chưa hẳn là có. Có không lờ mờ, câu truyện tựa hồ quái đản… Những bậc quân tử sau này khi để mắt đến sẽ liệu mà thêm bớt, bỏ chỗ quái mà để chỗ thường thì phỏng có hại gì.”[8, tr.130] Về lời bình ấy đã có ý kiến: “chúng ta hãy gạt đi thuyết luân hồi, quả báo, cái thuyết “không thị sắc, sắc thị không” của nhà Phật, chúng ta thấy người viết lời bình đã nói đúng ở chỗ: có một nội dung hiện thực qua một hình thức quái đản”[ 27, tr.251] Nhìn lại tất cả các nhân vật phụ nữ được đề cập trong Truyền kỳ mạn lục ta lại thấy: nếu như các nhân vật ấy là có thực thì dường như nhân vật nào cũng sống theo những nguyên tắc đạo đức lễ giáo phong kiến( các nhân vật ở nhóm sáu truyện trên: Ngô Chi Lan, Lệ Nương, Nhị Khanh, Dương thị, Thuý Tiêu, Vũ Nương). Những nhân vật sống không theo những nguyên tắc đạo đức lễ giáo phong kiến thì chỉ có thể là hoá thân từ những yếu tố không phải là người như từ hồn hoa hoặc là người thì nhất thiết phải sau khi đã chết. Tại sao lại như vậy? Từ các công trình nghiên cứu về Truyền kỳ mạn lục đã cho ta thấy: Viết Truyền kỳ mạn lục, ở mảng đề tài người phụ nữ và tình yêu của họ, Nguyễn Dữ đã thể hiện sự mâu thuẫn trong tư tưởng [31, tr.257]. Là con người của Nho giáo Nguyễn Dữ phải thể hiện quan điểm của mình dưới góc nhìn của Nho giáo, cho nên Truyền kỳ mạn lục có nhiều câu truyện ca ngợi, biểu dương những phẩm chất của người phụ nữ theo quan niệm đạo đức của lễ giáo phong kiến. Nhưng là con người của thế kỉ XVI, khi mà “khuôn khổ lễ giáo phong kiến đã bắt đầu rạn vỡ, quan hệ nam nữ luyến ái đã có phần nào phóng khoáng”[28, tr.257], Nguyễn Dữ có những cảm thông với những mối tình, những tâm sự, tâm trạng, những bi kịch của con người nhất là người phụ nữ. Điều đó giải thích vì sao khi viết về những mối tình trong Chuyện nghiệp oan của Đào thị, Chuyện yêu quái ở Xương Giang, mối tình của Trình Trung Ngộ và Nhị Khanh trong Chuyện cây gạo, Hà Nhân và hai nàng Đào, Liễu, ngòi bút của Nguyễn Dữ có nét “bay bướm”, “uyển chuyển”, “hả hê”, “Nguyễn Dữ đã để cho nhân vật bộc lộ tâm tình một cách say sưa” [28, tr.257]. Cũng vì là con người của Nho giáo, Nguyễn Dữ không thể ca ngợi, chấp nhận hoặc cho phép thứ tình yêu lãng mạn, cái luyến ái có phần phóng khoáng ấy tồn tại như là nó vốn có trong thực tế. Nhà văn phải cho nó và chỉ cho nó tồn tại ở một thế giới khác. Đấy là thế giới của những hồn ma. Đó là nguyên nhân vì sao những nhân vật sống không tuân theo những nguyên tắc lễ giáo phong kiến thì chỉ có thể là những người sau khi đã chết hoặc là hồn ma biến hoá mà thành. Trên cơ sở quan điểm tiếp cận như vậy, chúng tôi đi vào xem xét hành động lối sống của các nhân vật phụ nữ trong bốn truyện nói trên: 3.1. Nhân vật Nhị Khanh trong Chuyện cây gạo Nhị Khanh là một cô gái có nhan sắc và chết khi còn quá trẻ. Nàng chết nhưng cái chết của nàng là cái chết của thể xác. Phần tinh thần của người con gái ấy vẫn còn sống nhưng biến hoá thành một con người khác. Phần tinh thần ấy vẫn nuối tiếc một cuộc sống nơi trần thế với một ham muốn hạnh phúc ái ân. Bởi vậy, ngay từ lúc mới gặp Trình Trung Ngộ, Nhị Khanh đã nói: “Nghĩ đời người ta, thật chẳng khác gì giấc chiêm bao. Chi bằng trời để sống ngày nào, nên tìm lấy những thú vui. Kẻo một sớm chết đi, sẽ thành người của suối vàng, dù có muốn tìm cuộc hoan lạc ái ân cũng không thể được nữa” và sau lần gặp gỡ đầu tiên ấy, trước lúc chia tay Nhị Khanh lại nói “Người ta sinh ra ở đời, cốt được thoả chí, chứ văn chương thời có làm gì, chẳng qua rồi cũng nắm đất vàng là hết chuyện. Đời trước, những người hay chữ như Bàn Cơ, Sái Nữ, nay còn gì nữa đâu. Sao bằng ngay trước mắt, tìm thú vui say, để khỏi phụ mất một thời xuân tươi tốt” Hai lần nói ấy cho thấy một quan niệm sống, quan niệm hạnh phúc, quan niệm về sự ân ái của Nhị Khanh. Quan niệm ấy của Nhị Khanh, đương nhiên là trái với quan niệm đạo đức, lễ giáo phong kiến. Trước thế kỉ thứ XVI, nó bị coi là những hành động tội lỗi. Tuy nhiên, nếu đặt quan niệm ấy vào thế kỉ thứ XVIII và sau này thì nó vẫn là nhu cầu trần thế. Ngay trong Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều) người cung nữ vẫn chờ đợi cái hạnh phúc ái ân nhưng rồi tuyệt vọng, đã thấy cuộc đời trở nên vô nghĩa: Trăm năm còn có gì đâu Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì Vậy thì cái niềm “hoan lạc ái ân”, cái “thú vui say” của Nhị Khanh cũng chẳng có gì là xa lạ đối với con người. Có chăng, nàng đã táo bạo nói ra điều đó với một ham muốn có phần thái quá. Quan niệm như thế và Nhị Khanh đã sống đúng như quan niệm ấy của nàng. Biết Trình Trung Ngộ mê thích mình mà lại thường đỗ thuyền ở dưới cầu Liễu Khê, Nhị Khanh đã cố ý bảo với con hầu gái:“Ta nay rượu xuân quá chén, mê mệt nằm dài, hầu nửa năm trời, chưa lên chơi cầu Liễu Khê lần nào cả. Đêm nay nên thăm qua cảnh cũ để được khuây giải chút tình u uất ở trong lòng, vậy em có đi theo ta không” cốt để Trung Ngộ nghe được và đêm ấy “đến bên cầu chờ sẵn”. Tiếp theo, bằng lời nói, bằng hành động Nhị Khanh đã “cột chặt” anh chàng Trình Trung Ngộ vào mình để Nhị Khanh thoả mãn được những nhu cầu về sự ái ân. Trình Trung Ngộ khi phát hiện ra chân tướng của Nhị Khanh đã phải một phen “sởn gai dựng tóc” may mà chạy thoát về cầu Liễu Khê nhưng lại “như kẻ mất hồn không nói được nữa” rồi sinh ra ốm nặng. Tưởng rằng sau sự kiện ấy, Trình Trung Ngộ có thể thoát được Nhị Khanh. Nhưng không, Nhị Khanh không buông tha cho anh chàng ấy. Nhị Khanh vẫn “thường qua lại, có lúc đứng trên bãi sông gọi eo éo, có lúc đến bên của sổ nói thì thào”. Kết cục cuối cùng bạn bè dã tìm thấy anh chàng Trình Trung Ngộ nằm ôm lấy quan tài Nhị Khanh mà chết, họ “phải thu liệm chôn ngay ở đấy”. Thế là, đối với Trình Trung Ngộ, Nhị Khanh đã “thoả nguyền đồng huyệt”. Để giành lấy ái ân, để giành lấy người tình, Nhị Khanh quả là táo bạo và quyết liệt. Thế nhưng cái ham muốn, cái khát khao của Nhị Khanh cuối cùng vẫn không giữ được. Vì cái tội xúc phạm đến lễ giáo phong kiến, xúc phạm đến đạo đức Nho gia, dám phơi bày thân thể và những ham muốn nhục cảm nên Nhị Khanh và cả Trình Trung Ngộ nữa đã bị trừng phạt, bị đào mả, phá quan tài, vứt hài cốt xuống sông, bị đạo sĩ yểm bùa trừ yêu, tróc quái, bị lính Dạ Xoa gông trói giải về âm phủ. Phần cuối của câu chuyện chắc chắn đã được nhà văn viết ra với tư tưởng và lập trường Nho giáo. Như vậy thì những tội lỗi của Nhị Khanh có thực chăng, không thực chăng? Hay vì để trừng phạt lối sống trái với Nho giáo ấy, nhà văn phải cho nhân vật thêm cái tội “làm tai làm vạ” cho người làng, núp náu ở nơi cây gạo mà “làm yêu làm quái”, thân thể loã lồ mà “gọi hỏi trong chùa”, “mà dắt nhau đi chơi” dưới đêm trăng. Cái mâu thuẫn trong tư tưởng của Nguyễn Dữ thể hiện rõ rệt nhất là ở thiên truyện này. Song, dù như thế nào Nhị Khanh vẫn là nhân vật sống không tuân theo nguyên tắc đạo đức lễ giáo phong kiến. Chính vì vậy mà nàng bị trừng phạt, bị đày đoạ, dẫu là ma thì vẫn phải bị trừng phạt. Số phận của nàng vẫn là một số phận đầy bi kịch. Bởi lẽ ở cõi âm ty kia đang có cây kiếm, núi dao, nước đồng, gậy sắt, dây da, dùi lửa, chim cắt, rắn độc và kiếp trầm luân đợi nàng khi lũ quỷ Dạ xoa mang nàng tới. 3.2. Nhân vật Đào thị trong Chuyện nghiệp oan của Đào thị Chuyện nghiệp oan của Đào thị là một câu chuyện rất cảm động và bi thương về số phận của người phụ nữ. Đào Hàn Than là nhân vật có cuộc sống chia làm hai giai đoạn: giai đoạn làm người và giai đoạn làm ma. ở giai đoạn làm người, Đào thị là một danh kỹ “thông hiểu âm luật và chữ nghĩa” lại có tài ứng khẩu thành chương; từng được vua ngợi khen và đặt cho tiểu tự là Hàn Than. Đào thị được tuyển sung vào làm cung nhân đến khi vua Dụ Tôn mất nàng phải thải ra. Như vậy quãng đường thanh xuân của Đào thị là cuộc đời của một cung nhân. Khi phải thải ra, Đào thị “thường đi lại nhà quan Hành khiển là Nguỵ Nhược Chân” rồi bị “vợ nhà quan Hành khiển không có con, tính lại hay ghen, ngờ Hàn Than tư thông với chồng, bắt nàng, đánh cho một trận rất là tàn nhẫn”. Cái lý do nàng bị đánh thì đã rõ. Nhưng việc nàng thường đi lại nhà quan Hành khiển Ngụy Nhược Chân để tư thông với viên quan ấy hay không thì chưa thể rõ. Đàn bà vốn hay ghen, sự cả ghen có thể dẫn họ tới sự mù loà, lú lẫn. Đến Trương Sinh còn ghen bóng gió để đến nỗi vợ phải quyên sinh thì cái ghen của vợ quan Hành khiển rất có thể là vô cớ. Nàng Hàn Than vốn là một danh kỹ, giỏi âm luật và thạo thơ phú. Vậy thì việc nàng thường đi lại nhà Nguỵ Nhược Chân có thể chỉ là sự “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” của những người có cái sở thích văn chương mà thôi. Cuộc gặp gỡ bởi thú đam mê văn chương của những người “cùng hội, cùng thuyền” như thế, với họ là niềm vui, niềm hạnh phúc, là sự thanh cao và có thể còn là niềm kiêu hãnh nữa. Bởi vậy, khi bị đánh ghen một trận tàn nhẫn, Hàn Than mới “tức tối vô cùng, bèn đem những trâm hoa bằng vàng ngọc để thuê thích khách vào nhà Nguỵ Chân nhằm trả thù”. Sau hành động trả thù không thành, Hàn Than phải cạo trọc đầu và trốn đến tu ở chùa Phật Tích. Vốn thông minh nên việc “giảng kinh, thuyết kệ, chỉ mấy tháng đã làu thông”. Nàng dựng ra am Cư Tĩnh, “mời họp các văn nhân để xin một bài bảng văn”. Đến đây mà xét, thì Hàn Than cũng chỉ là một người “nữ nhi thường tình” mà thôi. Đành rằng, nàng có một hành động không thể tha thứ là thuê người thích khách nhưng cái âm mưu giết người ấy đã không thành và đã phải trốn đến nương nhờ của Phật. Cái tên am Cư Tĩnh ấy cũng nói lên cái ý nguyện ở yên mà tu tâm, niệm Phật của nàng. Cái cây chắc là đã muốn lặng. Song chính từ cái ý muốn xin một bài bảng văn của đám văn nhân mà tai họa lại đến với nàng. Chỉ một câu nói đùa, một lời nói có chút kiêu ngạo mà cuộc đời Hàn Than lại ngoặt sang hướng khác. Một chút kiêu ngạo của nàng cũng dễ hiểu bởi nàng vốn là một cung nhân có tài văn chương đã được vua Dụ Tôn khen ngợi. Những người có tài mà nhất là tài năng văn chương thường cũng dễ kiêu ngông. Hàn Than kiêu ngông với một cậu bé độ tuổi 14, 15 thì có gì là quá. ấy thế nhưng, sau khi hỏi được gốc tích Hàn Than, cậu bé kia lại làm bài văn chế nhạo cái thân thế, tình cảnh của nàng. Cái giọng văn độc địa phơi bày và giễu cợt nàng của cậu học trò kia là sự cố tình gợi lại những ám ảnh bi thương của nàng. Nó cũng là một thế lực ghê gớm dồn đuổi Đào thị. Nếu nàng không có cái năng khiếu văn chương đến thế, nếu nàng chỉ là một dân phụ bình dị thì đâu đến nỗi phải “đương đêm bỏ chùa mà trốn”. Cái luật trời “bỉ sắc tư phong” sao mà nghiệt ngã đối với nàng. Với nàng, thật đúng là “hại thay mang lấy sắc tài” cho nên dù “nước đã đóng phèn” mà “bùn lại vẩn lên”. Chùa Phật Tích lừng danh, nơi có Đức Phật từ bi quảng đại, thấu suốt sáu cõi, cứu vớt chúng sinh thế mà không dung nổi một Hàn Than. Cường quyền và dư luận thật ghê sợ biết chừng nào! Chả trách, trong Truyện Kiều, sư Giác Duyên khi biết chuông vàng khánh bạc “của nhà Hoạn nương cũng đã phải một phen sợ hãi đến rụng rời dành khuyên Thuý Kiều: “ Lánh xa trước liệu tìm đường, Ngồi chờ nước đến nên dường còn quê.”. Đúng là cái xã hội ngày ấy khiến “Phật cũng bó tay, thánh thần cũng vô dụng”. Cái bi kịch mà người phụ nữ tài hoa ấy muốn dấu giếm nơi cửa Phật lại bị khơi lên. Hàn Than phải tìm đến chùa Lệ Kỳ. Cuộc chạy trốn này là nỗi đau đớn, tủi nhục của nàng. Đến Lệ Kỳ, nàng không được sư già Pháp Vân chấp nhận. Cái thanh tịnh, tu tâm diệt dục của sư già đối lập với cái xuân sắc lộng lẫy trẻ trung của Đào thị. Sự không chấp nhận của Pháp Vân chắc hẳn đã làm tổn thương trái tim Hàn Than. Sư già dời lên núi Phượng Hoàng, chùa Lệ Kỳ chỉ còn một sư bác Vô Kỷ ở lại. Sau bằng nấy sự tai vạ, sự dồn đuổi, nàng Hàn Than chắc đã nghiệm rõ về cái thật giả, cái đúng sai, cái được mất của cuộc đời và cái số phận của nàng. Gặp được Vô Kỷ, một tình yêu đã nảy nở và trở nên nồng nàn giữa hai người. Có lẽ đến lúc này, Đào thị mới gặp được người thực sự yêu nàng. Làm cung nhân, nàng chỉ là “cánh én ba ngàn”. Ra khỏi cung, nàng toàn gặp những kẻ hẹp hòi và ghen ghét. Bây giờ gặp Vô Kỷ thì cái tình yêu như “con bướm gặp xuân, trận mưa cửa hạn” cũng là lẽ thường tình. Tình yêu ấy đâu phải là một tội lỗi. Chắc chỉ có ai đứng trên lập trường hẹp hòi, cổ hủ của lễ giáo phong kiến hoặc tu hành đắc đạo như sư cụ Pháp Vân mới có thể lên án mối tình đó. Những ngày ở bên Vô Kỷ là những ngày hạnh phúc của cuộc đời nàng. Cái xuân sắc, xuân tình không bị phí hoài mà cái năng khiếu văn chương cũng có cơ nảy nở. “Hàng ngày hai người cùng nhau làm thơ liên cú, phàm những cảnh vật trong núi, cái gì có thể ngâm vịnh được đều đặt bút để vịnh đề ghi danh thắng”. Những bài thơ của Vô Kỷ và Hàn Than đã thể hiện cái giao cảm của tâm hồn họ với những cảnh sắc u tịch, nhẹ nhàng, thanh khiết ở chốn chùa chiền. Tưởng như cuộc đời Hàn Than đã tìm thấy nơi bến đậu. Họ đắm say trong tình yêu nhưng “vui quá hoá buồn”. Tai hoạ bất hạnh vẫn xảy ra với họ. Nguyên nhân của tai họa ấy là gì? Nguyên nhân trực tiếp Nguyễn Dữ đã nói tới. Nguyên nhân trực tiếp ấy là “năm Kỷ Sửu, Hàn Than có thai rồi ốm lay lắt từ mùa xuân đến mùa hạ… khiến nàng sau phải nằm quằn quại chết trên giường cữ.” Hạnh phúc, tình yêu của nàng đã chấm dứt. Tình yêu chỉ mang lại hạnh phúc ngắn ngủi cho nàng để rồi thay thế hạnh phúc ấy là nỗi bất hạnh. Nguyên nhân sâu xa lại ở chỗ khác. Mới gặp Hàn Than mà sư già Pháp Vân đã khuyên bảo, nhắc nhở, cảnh cáo Vô Kỷ. Lời khuyên vô hiệu và ghê gớm hơn nữa là hai người đã dám yêu nhau say đắm. Xã hội không chấp nhận tình yêu của những kẻ tu hành, càng không chấp nhận cái tình yêu trần tục, đời thường ấy diễn ra ở nơi chùa tự linh thiêng này. Như thế thì cái kiếp sống trên trần gian của Đào thị là phong phú, phức tạp và không giống bất kì nhân vật phụ nữ nào khác trong Truyền kỳ mạn lục. Nếu như cái chết của Nhị Khanh (trong Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu )và của Vũ Thị Khiết ( trong Chuyện người con gái Nam Xương) và của nhiều nhân vật khác chỉ là sự chuyển hoá giữa hai giai đoạn: từ cuộc đời tạm bợ ở cõi trần sang cuộc đời vĩnh hằng ở cõi thần, thì cái chết của Đào thị lại là kết cục bi thảm của con người tài hoa không chịu nhẫn nhục và luôn luôn vùng dậy để giành lấy cuộc sống. Hàn Than chết, ôm theo cả một khối tình chưa thoả nguyện và cả một khối hận chưa trả xong. Nàng đã nuôi chí trả thù: đầu thai vào chính nhà kẻ thù của mình rồi âm thầm chờ ngày báo oán. Oan hồn của nàng và oan hồn của Vô Kỷ dù đã biến thành Long Thúc, Long Quý, mặc dù đã trải qua tám năm nhưng vẫn bị thầy tu phát giác, bị sư cụ Pháp Vân trừng phạt. Nàng Hàn Than thông minh, giỏi dang, nhan sắc ngày nào bây giờ chỉ còn là nắm tro tàn. Nàng chết đến hai lần và cả hai lần cái chết đều rất đau đớn và thảm khốc. 3.3. Nhân vật Thị Nghi trong Chuyện yêu quái ở Xương Giang Nghiệp oan của Đào thị đã quá đớn đau. Nàng Thị Nghi trong Chuyện yêu quái ở Xương Giang cũng là một số phận đầy cay đắng. Là con nhà nghèo, không may bố chết, người mẹ nghèo kiết đã phải bán nàng cho nhà phú thương họ Phạm để lấy tiền đưa ma chồng về quê quán. Chúng ta lại gặp ở câu chuyện này cái nguyên nhân dẫn tới bi kịch của người phụ nữ: đó là nhan sắc. Thị Nghi vì khá có tư sắc nên họ Phạm yêu mến rồi tư thông với nàng. Vợ Phạm biết được bèn mượn cớ khác mà đánh nàng đến chết. Quãng đời ngắn ngủi của Thị Nghi chứa đầy tủi nhục. Có nhan sắc mà sinh ra ở nhà giàu có, người phụ nữ còn có thể có ít nhiều hạnh phúc. Có nhan sắc lại sinh ra ở nhà nghèo khó thì dễ dàng bất hạnh. Nhìn vào những truyện Nôm bình dân Việt Nam, chúng ta đều thấy, với người phụ nữ, nhan sắc luôn là tai hoạ. Đành rằng kết thúc các truyện ấy bao giờ cũng có hậu, các nhân vật phụ nữ có nhan sắc đều tìm lại được hạnh phúc – cái hạnh phúc mà họ phải trải qua sự đấu tranh kiên trì, bền bỉ cả trên trần gian, cả chốn âm ti mới tìm lại được. Cái kết thúc có hậu ấy chỉ là ước mơ của dân tộc, của người phụ nữ khi thấy không thắng được hiện thực đầy bất công và tàn bạo. Bị bán vào nhà phú thương khi còn rất bé, cái sinh mệnh nhỏ nhoi ấy chỉ như là một thứ đồ vật. Lòng yêu mến của họ Phạm đâu phải là lòng yêu mến của con người. Nó chứa đựng ở đó những toan tính, những ham muốn nhục thể - nguyên nhân dẫn tới bất hạnh, tới cái chết bi thương của Thị Nghi. Gã phú thương họ Phạm không che chở được nàng. Vợ họ Phạm ghen tuông tàn nhẫn đến mức đánh chết nàng. Tủi hờn chồng chất khiến cho khi chết Thị Nghi biến thành yêu quái quấy nhiễu một vùng. Hành động phản ứng với đời ấy của nàng chỉ làm gia tăng thêm bi kịch. Người ta đào mả Thị Nghi và quăng hài cốt nàng xuống sông. Thị Nghi không có được cái phản ứng mãnh liệt như Đào thị nhưng cũng không phải là con người buông xuôi. Nàng tiếp tục sống một kiếp khác với nỗ lực tranh lấy hạnh phúc. Nàng gặp viên quan họ Hoàng, một người biết cảm thông chia sẻ, kết bạn với nàng. Cuộc đời Thị Nghi tưởng đã được tạm yên sau bao nhiêu đắng cay tủi hận. ở với viên quan họ Hoàng, Thị Nghi đã tìm thấy hạnh phúc: “Đã thành vợ chồng, tình ái rất thắm thiết. Nàng lại cử động rất hợp lẽ, nói năng biết lựa lời, họ hàng bạn bè ai cũng ngợi khen”. Song cuộc đời không cho nàng hưởng cái hạnh phúc mong manh và muộn mằn ấy. Con người không thể chung sống với ma quỷ dẫu con ma đó đã khác, đã không làm hại một ai. Người đời không để nàng yên. Một vị cao tăng xuất hiện để diệt trừ nàng. Phần mộ của nàng bị quật lên nhưng hài cốt không còn, “chỉ thấy có mấy hòn máu tươi”. Những hòn máu ấy có lẽ là sự kết tụ lại của những oán khổ, những khối căm hờn, khối tình “mang xuống tuyền đài chưa tan” mà Thị Nghi từng gánh nặng. Hy vọng vào sự công bằng ở chốn minh ty, Thị Nghi đã đi kiện. Giờ đối chất giữa nàng và viên quan họ Hoàng lại là phút lâm chung vĩnh viễn của nàng. Bao nhiêu cố gắng vươn lên với hi vọng tìm thấy hạnh phúc của nàng tới đây chấm dứt. Lời cung khai phản nàng của họ Hoàng: Đem môi son má phấn làm tôi say mê Rút nguyên khí chân kinh làm tôi hao tổn Nếu không gặp thần y cứu chữa Sớm đã về chín suối vật vờ và lời phán quyết của Diêm Vương: giam vào ngục cửu u, trừng phạt bằng núi dao, cây kiếm là một kết cục thảm khốc đối với nàng. Cuộc đời của Thị Nghi là một cuộc đời của một con người hết nạn nọ đến nạn kia. Sinh ra trong nghèo khó, từ tấm bé đã bị bán đi để rồi hứng chịu những trừng phạt: bị đánh đến chết, bị hai lần đào mả, bị lên án, bị tống giam trong ngục tối. Kiếp người bị đầy đọa đến thế là cùng. Nhìn lại cuộc đời của các nhân vật phụ nữ trong Truyền kỳ mạn lục, chúng ta thấy tất cả đều bất hạnh. Nhưng trong số ấy thì sự bất hạnh, sự đau đớn đã hội tụ ở hai nhân vật là Đào Hàn Than và Thị Nghi. Người đời đã lí giải sự bất hạnh ấy là do lối sống của các nàng; sự bị trừng phạt cũng là do lối sống của các nàng. Nếu vậy thì nhan sắc và tài hoa phải là tội lỗi. Hàn Than không có nhan sắc và tài hoa thì sao được tuyển vào cung, sao được quan Hành khiển Nguỵ Nhược Chân từng gặp gỡ, để rồi nhận lấy một kết cục cuộc đời đầy đau đớn. Đọc những câu chuyện trên, chúng ta không khỏi băn khăn tự hỏi: vì sao mà những con người ấy lại bất hạnh? Cha ông ta cũng đã từng trăn trở “Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?”. Đức Phật dạy rằng: “Đời là bể khổ”. Vậy thì còn tránh đâu được nữa. Là con người thì hữu thân hữu khổ, là phụ nữ thì càng khổ hơn. Thị Nghi khổ vì nghèo mà lại có nhan sắc. Hàn Than khổ vì tài hoa và nhan sắc, và cùng với Nhị Khanh, cả ba đều khổ vì biết yêu và được yêu. “Trẻ tạo hoá đành hanh” (Cung oán ngâm khúc) cho con người nhiều thì cướp lại của người ta lắm. Tất cả mọi kiếp người đều bị vây bọc trong lớp sương khói mù mịt của cuộc đời. Trong lớp sương khói ấy, trên trần gian thì đầy cạm bẫy và bất trắc, dưới địa ngục thì chỉ có đọa đày, trừng phạt mà thôi. Con người muốn sống yên thân cũng không xong mà tranh đấu để giành hạnh phúc, dù chỉ là thứ hạnh phúc đơn sơ, thì càng bị nhấn sâu thêm vào sự đọa đày đau khổ. 3.4. Nhân vật Đào và Liễu trong Chuyện kỳ ngộ ở Trại Tây ở Truyền kỳ mạn lục còn có những nhân vật phụ nữ mà số phận nhìn qua thì không có gì đặc biệt đấy là số phận hai nàng Đào và Liễu trong Truyện kì ngộ ở trại Tây. Cả hai nhân vật đều có cuộc sống tạm coi là bình lặng. Họ không gặp những tai họa đột ngột, những bi kịch nặng nề. Họ cũng có chút ít may mắn chứ không thể nói là có sự vui sướng hoặc hạnh phúc trọn vẹn. Chàng Hà Nhân, quê ở Thiên Trường đến ngụ ở Kinh sư để tòng học cụ ức Trai. Đường đi học phải qua Trại Tây, dinh cơ cũ của Thái sư triều Trần. “Ngày ngày đi qua, Hà Nhân thường thấy hai người con gái đứng ở bên trong bức tường nhí nhẻm cười đùa hoặc hái những quả ngon, bẻ bông hoa đẹp mà ném cho chàng”. Sau này, trò chuyện với họ, Hà Nhân mới biết đó là Liễu Nhu Nương và Đào Hồng Nương “nguyên là những tỳ thiếp của quan Thái sư”. Từ ngày quan Thái sư qua đời vẫn phòng thu khoá kín, “nay gặp tiết xuân tươi đẹp muốn làm những bông hoa hướng dương để khỏi phí hoài mất xuân quang”. Đào, Liễu vốn là những hồn hoa thác hoá thành người. Cái sự kỳ ảo ấy không cho phép chúng ta suy diễn rằng họ là những tỳ thiếp thật, đã có đời sống thật, để xếp họ và loại những con người của lễ giáo phong kiến mặc dù đã có ý kiến cho rằng họ là những cung nữ triều Trần. Lời giới thiệu về thân thế của họ chỉ là sự đánh lừa anh học trò còn non nớt Hà Nhân. Nhưng điều mong muốn “làm những bông hoa hướng dương để khỏi phí hoài mất xuân quang” lại là những điều nói thật. Điều họ muốn có là hạnh phúc ái ân. Chính vì vậy Hà Nhân mới “rủ rê được hai nàng đến chơi chỗ trọ của mình, chuyện trò đằm thắm”. Tuy hai nàng có “thẹn thò nói rằng: Chúng em việc xuân chưa trải, nhụy thắm còn phong, chỉ e tình hoa run rẩy, tơ liễu điên cuồng, oán lục thẹn hồng làm giảm thú phong lưu đi mất” nhưng rồi “Tựa ngọc kề vàng, gối vừa xô đã khoát sóng đào nghiêng ngả”. Bốn câu thơ của hai nàng: Báo đạo đông phong khoan đả lục, Tiêm yêu bãi loạn bất thăng suy. ( Gió xuân xin nhẹ nhàng nhau, Thân non mềm chịu được đâu phũ phàng ) Và: Phân phó tài lang phan chiết khứ, Tân hồng nhận thủ tiểu đào chi. ( Tài lang mặc sức vin cành, Đào non nhận lấy những nhành thắm tươi. ) đã đủ nói rõ các nàng đã tìm thấy và thoả nguyện cái hạnh phúc ân ái mà họ hằng mong đợi. Từ đó về sau, hai nàng cứ “sớm đi tối đến, ngày nào cũng giống ngày nào”, cũng hờn dỗi, trách móc khiến anh chàng Hà Nhân “ bút nghiêm nản chí, son phấn tình nồng”, con đường thi cử lập danh thành ra trễ bỏ. Hồn hoa mà khao khát hạnh phúc ái ân. Điều đó khiến Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây thành một vấn đề khó lý giải. Mối tình giữa Hà Nhân với hai nàng Đào, Liễu thật là ngắn ngủi. Hai nàng không phải là thứ yêu quái làm hại, làm hỏng cuộc đời Hà Nhân, để rồi phải bị trừng phạt như các nhân vật khác. Đào, Liễu chỉ là biểu tượng cho những nhu cầu ái ân của người phụ nữ trong xã hội phong kiến khi mà nhan sắc và tuổi xuân của họ đang bị bỏ rơi. Tự nhận là tỳ thiếp của Thái sư nhưng Thái sư đã qua đời nên phải phòng thu khoá kín. May mắn được Hà Nhân nhưng “kì hạn thác hoá” lại đến. Những lời vĩnh biệt của hai nàng Đào, Liễu nói với Hà Nhân nghe thật xót xa, thật cảm động: “Ham vui ân ái, ai ai chẳng lòng, nhưng số trời đã định kì về đến nơi biết làm sao được. Rồi đây cánh rã trong bùn, hương rơi mặt đất, ba xuân cảnh sắc, thú vui biết sẽ thuộc về đâu”; và: “Người sinh ở đời như cái hoa trên cây, tươi héo có kỳ, không thể nào gượng được dù chốc lát” Đấy là số phận của những kiếp hoa hay là số phận của những người phụ nữ. Đã có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về hai nhân vật Đào, Liễu cũng như về tác phẩm này của nhà văn Nguyễn Dữ. Chúng tôi cũng thấy rằng đây là một câu chuyện cần phải được xem xét một cách kĩ lưỡng mới có thể hiểu thấu đáo được. Nhân vật thì rõ ràng đã sống không tuân theo những nguyên tắc đạo đức lễ giáo phong kiến nhưng nhà văn cũng không xếp họ vào những nhân vật phải bị trừng phạt. Họ đã tìm thấy thấy ít nhiều hạnh phúc, nhưng cái hạnh phúc ở cõi trần thật ngắn ngủi, bấp bênh. Tác phẩm vẫn là câu hỏi đặt ra với chúng ta: sống như thế nào thì có hạnh phúc, sống như thế nào và nhờ vào đâu mới đảm bảo có hạnh phúc dài lâu đối với người phụ nữ? 3.5. Nhân vật Giáng Hương trong Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên Giáng Hương là một số tiên nữ sống nơi bồng lai tiên cảnh. Với nhân gian thì được thành tiên và sống ở cõi tiên là khát vọng của muôn đời. Cõi tiên, đây là nơi cực lạc. Văn học nhất là văn học dân gian đã từng xây dựng lên một thế giới thật đẹp đẽ, thật sung sướng để nhằm giáo dục con người hướng thiện. Hình ảnh về cõi tiên bao giờ cũng huyền diệu và kì ảo. Con người vẫn có thể được lên cõi tiên nếu lúc sống ở trần gian biết tu nhân tích đức, gạt bỏ lòng tham. Ngay trong Truyền kỳ mạn lục đã có một thiên truyện rất hấp dẫn Phạm Tử Hư lên chơi thiên tào. Người học trò tài năng, đức độ, kính lễ ấy dù chỉ “lên chơi thiên tào” từ buổi đêm tới gần sáng, ít nhiều biết được nơi tiên cảnh mà cũng đã lấy làm thoả nguyện. ấy vậy mà nàng tiên nữ Giáng Hương sao lại xuống trần thế và còn mong ước có cái hạnh phúc bình dị nơi trần thế? Đọc câu chuyện, chúng ta bị cuốn hút bởi trí tò mò về việc Từ Thức đã lấy vợ tiên ra sao và kết cục cuộc tình duyên ấy thế nào. Nhân vật Giáng Hương chỉ như một tác nhân tạo cho Từ Thức một cuộc lên tiên cảnh để rồi câu chuyện dẫn dắt chúng ta tới thế giới thần tiên. Thế nhưng cuối cùng Từ Thức lại về hạ giới đúng là “cõi trần đáng chán làm sao, để cho người đời phải tưởng tượng ra một cõi tiên chăng” nhưng dẫu là cõi tiên người đời vẫn không ở đó mãi được. Từ Thức lấy vợ tiên là câu chuyện không phải chủ đề số phận người phụ nữ nhưng rõ ràng tiên nữ Giáng Hương là một con người, một số phận của người phụ nữ qua câu chuyện này. Trên quan điểm tiếp cận tác phẩm như trình bày ở chương 1, chúng tôi thấy: Giáng Hương là tiên nữ. Chúng ta thật không biết tiên nữ ở cõi tiên thì phải sống ra sao? Cõi ấy có luật pháp, giáo lý hay không? Chắc là phải có. Vậy nên tiên chúa Quỳnh Nương mới bị trích xuống trần gian vì lỗi làm mẻ chén ngọc [11, tr.67] Trong thế giới thần tiên, việc rời cõi tiên xuống hạ giới chỉ có thể xảy ra với một trong hai lý do. Hoặc là theo yêu cầu của Ngọc Hoàng thượng đế (mà thường là thái tử xuống đầu thai để đền bù cho người trần gian hiếu nghĩa) như Thạch Sanh, hoặc là phạm phải lỗi lầm bị đầy xuống hạ giới như tiên chúa nữ thần ở Vân Cát [11, tr.102] Tiên nữ Giáng Hương thì không thế. Nàng được giới thiệu như là một người chủ động xuống cõi trần gian và tham dự vào những hoạt động của người trần thế như một người trần thế. Nàng cũng đến “hội ấy xem hoa”, lại còn “vin một cành hoa” và làm nó gãy. Việc xuống trần gian của Giáng Hương, xét đến cùng, cũng là một hành động bất tuân khuôn phép cõi tiên. Sở dĩ cái việc phối ngẫu giữa cõi tiên với cõi trần không bao giờ đi tới hạnh phúc vĩnh hằng bởi lẽ cõi tiên vẫn là cõi tiên, cõi trần vẫn là cõi trần, cũng như người không thể giao kết với ma. Giáng Hương ở cõi tiên, nơi không đau khổ, chẳng buồn phiền, thời gian vô tận, cuộc sống vĩnh cửu. Nàng tự tiện xuống trần gian, lại còn phạm lỗi nơi trần thế may mà được viên tri huyện hiền đức giúp đỡ mới được thoát nạn. Việc làm ấy của Giáng Hương phạm vào cả lễ luật thiên đình và hạ giới. Chính nàng cũng đã thừa nhận rằng mình là người “bảy tình chưa sạch, trăm cảnh dễ sinh, hình ở phủ tía nhưng luỵ vướng duyên trần, thân ở đền quỳnh mà lòng theo cõi dục”. Với nàng, cõi tiên lại là đáng chán. Hạnh phúc, té ra chỉ ở chốn trần gian mới có. Sau này, khi được Từ Thức giải thoát khỏi bị bắt giữ, trở lại cõi tiên, nàng tiên ấy không khỏi buồn phiền, chỉ khi gặp lại Từ Thức nàng mới thật sự được sống, mới có “màu da hồng hào chứ không khô gầy như trước nữa”. Rõ ràng là Giáng Hương đã sống vượt ra khỏi những nguyên tắc của cõi tiên. Đương nhiên, chúng ta không thể coi những nguyên tắc của cõi tiên như của cõi trần nhưng chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ rằng những khát khao hạnh phúc của Giáng Hương chính là những khát khao hạnh phúc của người phụ nữ trần thế. Cõi tiên không phải là bến đậu của mỗi kiếp người, của mọi kiếp người, vì nó chỉ là ảo tưởng và nếu có thực nó cũng không phải thực sự là nơi cực lạc. Thế nên Giáng Hương mới rời cõi tiên để tới cõi trần. Cũng không phải chỉ có một nàng Giáng Hương khát khao tìm kiếm hạnh phúc ở cõi trần. Chỉ qua câu chuyện này, qua cuộc trò chuyện của các vị thần tiên người đọc có thể thấy điều đó: Người bận xiêm lụa nói đùa rằng: Nương tử hôm nay màu da hồng hào chứ không khô gầy như trước nữa. Người ta bảo ngọc nữ không chồng, câu hỏi ấy có tin được không? Quần tiên đều cười, duy người mặc áo xanh buồn rầu không vui mà nói rằng: Mối duyên của cô em đây, thật cũng là tốt đẹp. Song nghĩ cái giá băng ngọc ở trên mây, mà đi kết mối tóc tơ ở cõi thế, vạn nhất tiếng tăm vỡ lở, thiên hạ chê cười, quần tiên chúng ta e không khỏi mang tiếng lây được. Bà Kim tiên nói: Ta ở trong chốn lâu thành trên trời, chầu hầu cạnh Thượng đế, mênh mang trần hải, chưa từng đặt bước xuống bao giờ. Thế mà những kẻ hiếu sự còn bịa ra, nào bảo Dao Trì hội kiến ở đời Chu, thanh điểu truyền tin ở đời Hán, ta còn thế huống chi là lũ các nàng ư? Song tân lang ngồi đây, ta không nên bàn phiếm những câu chuyện khác làm rối lòng dạ người ta. Bà phu nhân nói: Tôi nghe tiên khá gặp chứ khôn tìm, đạo không tu mà tự đến. Những cuộc gặp gỡ hiếm lạ, đời nào mà không có: như đền Bạc hậu, như quán Cao đường, như thần Lạc phố lướt sóng, như nàng Giang Phi cởi ngọc, như Lộng Ngọc lấy Tiêu Sử, như Thái Loan gặp Văn Tiêu, như Lan Hương gặp Trương Thạc. Bao nhiêu những chuyện cũ còn sờ sờ ra đó; nếu thế này mà bị chê cười thì đã có những người trước ấy chịu đỡ tiếng cười cho mình. Vượt qua khỏi khuôn phép của cõi tiên để đi tìm hạnh phúc. Giáng Hương đã tìm thấy nhưng hạnh phúc của nàng không trọn vẹn. Giáng Hương gặp được Từ Thức, mà chỉ với Từ Thức, Giáng Hương mới có ít nhiều hạnh phúc. Từ Thức là ai? Một vị quan huyện khác thường, con một vị đại thần mà lại bị quở trách là không làm tròn bổn phận một chức tri huyện. Con người ấy hay rượu, thích đàn, ham thơ, mến cảnh đã treo ấn từ quan để ngao du sơn thuỷ, gửi hồn vào thắng cảnh núi sông. Sở thích, lối sống của con người ấy rất gần gũi với tiên giới. Hạnh phúc của Giáng Hương cũng thật là ngắn ngủi. Cảnh tiên, cõi tiên và cả nàng tiên Giáng Hương nữa không giữ được chàng Từ Thức, ngăn được khát khao trở về trần gian của chàng. Thế là, hạnh phúc đã tuột khỏi tay nàng. Nàng lại trở về với cuộc đời “ngọc nữ không chồng”. Ngày Từ Thức giã từ cõi tiên, hơn ai hết Giáng Hương biết đó là ngày chấm dứt cái hạnh phúc mà nàng đã có. Cuộc chia tay giữa người của cõi tiên và người trần thế cũng rất bùi ngùi, lưu luyến và có cả nỗi xót xa. Nàng Giáng Hương “bùi ngùi không nỡ dứt” rồi nàng khóc, còn phu nhân thì “tràn nước mắt mà li biệt”.Nàng tiên Giáng Hương đã bỏ cả cõi tiên để đi tìm hạnh phúc ở cõi trần cuối cùng vẫn trắng tay. Bức thư gửi theo Từ Thức là lời tuyệt mệnh “Kết lứa phượng ở trong mây, duyên xưa đã hết, tìm non tiên ở trên bể, dịp khác còn đâu”. Câu chuyện khép lại mà lòng người đọc thì ám ảnh, day dứt khôn nguôi. Những ngày chưa được là vợ chồng với Từ Thức, thân thể Giáng Hương dẫu có khô gầy nhưng ít nhiều nàng còn hy vọng. Từ nay là cuộc chia tay vĩnh viễn. Nàng lại trở về với sự khô gầy nhưng chua xót hơn, vì những tháng ngày tiếp theo chỉ được lấp đầy bằng tuyệt vọng. Từ Thức không bao giờ quay lại được nữa, giữa cõi tiên này chỉ còn lại một nàng Giáng Hương buồn tủi, cô đơn. Thật xót xa cho Giáng Hương – một nàng tiên vĩnh viễn cô độc giữa quần tiên trên thượng giới. Tiểu kết: Nhìn lại số phận của những nhân vật phụ nữ đã được trình bày ở chương 3 này, chúng tôi nhận thấy: Trừ số phận của hai nàng Đào, Liễu, và nàng tiên nữ Giáng Hương, họ ít nhiều tìm thấy hạnh phúc ái ân, bi kịch của họ không mấy nặng nề nhưng cuộc đời của họ lại quá ngắn ngủi và họ không chống lại được số mệnh. Số phận những nhân vật còn lại đều có bi kịch hết sức đau thương, kết cục cuộc đời là vô cùng thảm khốc. Nàng Nhị Khanh (Chuyện cây gạo), nuối tiếc cuộc đời, nuối tiếc xuân sắc, nuối tiếc hạnh phúc ái ân đã cố gắng đi tìm lại nó thì kết cục chẳng những hài cốt không còn mà còn bị quỷ Dạ Xoa gông trói giải về âm phủ. Nàng Đào Hàn Than, muốn trả thù sự tàn nhẫn của người đời, muốn tìm lại tình yêu và hạnh phúc kết cục phải chết đến hai lần và thân xác chỉ còn lại là một nắm tro tàn. Nàng Thị Nghi, từ lúc sinh ra đã trót mang theo hai “tội” là có nhan sắc và nghèo khổ, đã bị đánh đến chết. Nàng cố tìm cách để giành lại hạnh phúc, tìm lấy mái ấm gia đình thì hạnh phúc đâu chẳng thấy, mái ấm đâu chẳng thấy, chỉ có một chỗ dành cho nàng là ngục cửu u nơi âm phủ. Rõ ràng là những nhân vật phụ nữ trên đây, cố gắng đi tìm lấy tình yêu hạnh phúc và sự ái ân - cái mà thượng đế chỉ ban cho con người trong muôn loài - thì may mắn lắm hạnh phúc, ái ân cũng có đến với họ nhưng chỉ thoảng qua rồi lập tức thân phận họ lại tàn lụi và chìm đắm vào bóng tối. Số còn lại vĩnh viễn không bao giờ giành được hạnh phúc ái ân. Thay vào đó, họ chỉ nhận được sự đoạ đầy, sự trừng phạt với những cực hình vô cùng khủng khiếp. Kết luận Từ những kết quả nghiên cứu được tổng hợp và trình bày trên đây, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định Truyền kỳ mạn lục là một sáng tác rất thành công và có giá trị nhiều mặt. Truyền kỳ mạn lục, mặc dù đã trải qua mấy trăm năm nhưng vẫn là một tác phẩm có sức hấp dẫn cao và mãi mãi chiếm được cảm tình của người đọc. Đó là một tác phẩm, tuy mượn hình thức từ nền văn học già Trung Quốc nhưng rõ ràng nó là sản phẩm của người Việt Nam, do người Việt Nam viết, mang đậm nét tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của con người Việt Nam. Trái tim trăn trở trước cuộc đời dâu bể, trước số phận người phụ nữ đã được Nguyễn Dữ thể hiện thành công qua tác phẩm này. Bắt nguồn từ Trung Hoa, nhưng do đặc điểm của thể loại, truyền kỳ đã thâm nhập vào tất cả các nước “đồng văn” (Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản…) và trở thành một loại hình văn học mang tính chất khu vực. Thế kỷ thứ XVI, chế độ phong kiến Việt Nam bước vào thời kỳ khủng hoảng. Ngọn cờ độc lập dân tộc với tư tưởng yêu nước thân dân do Lê Lợi khởi xướng và nền tảng của chế độ phong kiến tập quyền do Lê Thánh Tông xây dựng trên cơ sở học thuyết Nho giáo đều đã bị đẩy lùi vào quá khứ. Những biểu tượng đẹp đẽ, những ước muốn của bao thế hệ trí thức phong kiến và của cả dân tộc về một chế độ “vua sáng tôi hiền” không còn nữa. Hiện thực trước mắt chỉ là chế độ xã hội đang lụi tàn: các vua Lê Uy Mục, Lê Tương Dực… hoang dâm vô độ; nội chiến Lê – Mạc bùng lên; cuộc Trung hưng cơ nghiệp của nhà Lê tương lai còn mờ mịt… nhân dân đói khổ, cướp bóc hoành hành. Tất cả những cái đó khiến tầng lớp trí thức hoang mang, ngơ ngác. Nho giáo vốn đã không chiếm lĩnh được toàn bộ tâm hồn một nhà nho mà cũng không khống chế được toàn bộ một xã hội [18, tr.53] giờ đây càng suy giảm thêm quyền lực của nó. Họ do dự giữa “xuất” và “xử”, “hành” và “tàng”. Đấy là cơ hội tốt cho loại hình truyền kỳ ra đời. Nếu như không kể Thánh Tông di thảo thì Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ là tác phẩm sáng tác theo phương thức truyền kỳ đầu tiên của Việt Nam hiện còn văn bản. Vừa ra đời, Truyền kỳ mạn lục đã chiếm được ngay cảm tình của người đọc, và được coi là một “thiên cổ kỳ bút”. Tiến sĩ Trung Quốc học bà I.K. Gô-lư-ghi-na khi so sánh Truyền kỳ mạn lục với Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu Trung Quốc, Kim ngao tân thoại của Kim Xi Xứp Triều Tiên, Trăng trong sương mờ của Nhật Bản, đã khẳng định tính độc đáo của tác phẩm Nguyễn Dữ và chỉ ra rằng, sỡ dĩ Truyền kỳ mạn lục độc đáo bởi, tác giả của nó khi tiếp thu văn học Trung Hoa, đã biết dựa vào truyền thống văn học dân tộc, đặc biệt là văn học dân gian để sáng tạo nên những truyện mang màu sắc Việt Nam. Đôi cánh tưởng tượng của thể lại truyền kỳ đã đưa bạn đọc phiêu diêu trong thế giới kỳ ảo. Người đọc được chu du trong các cõi: thượng thiên, thuỷ phủ, âm ti, tiên giới…; được tiếp xúc với thiên tào, địa phủ…; gặp gỡ những con người sống trước chúng ta hàng nghìn năm, hàng trăm năm như Hạng Vương, Phạm Tăng, Kim Hoa, Nguyễn Trung Ngạn… Chính vì thế, thể loại truyền kỳ nói chung, Truyền kỳ mạn lục nói riêng luôn hấp dẫn mọi người ở mọi thời đại. Tuy nhiên, đôi cánh tưởng tượng của thể loại truyền kỳ luôn luôn được Nguyễn Dữ hướng về một mục tiêu, đó là hiện thực cuộc sống. Cho nên tác phẩm dù dẫn dắt người đọc vào một thế giới khác, dù nuôi dưỡng trí tưởng tượng của người đọc đến đâu thì vẫn đưa họ trở lại giữa cuộc đời. Người đọc vẫn thấy một hiện thực, hiện thực của xã hội Việt Nam thế kỷ XVI. Vì thế, dù bay bổng đến đâu, người đọc cũng không bao giờ bật khỏi quỹ đạo cuộc sống và bao giờ cũng trở về mảnh đất mà mình đang đứng. Nhìn vào Truyền kỳ mạn lục, chúng ta có thể thấy bức tranh toàn cảnh về xã hội phong kiến Việt Nam. Có thể nói, trừ Câu chuyện ở đền Hạng Vương là bức tranh về xã hội Trung Quốc thời xưa, còn lại tất cả các truyện trong Truyền kỳ mạn lục là hiện thực xã hội phong kiến Việt Nam. Đấy là xã hội mà vua chúa thì trễ nải chính sự, ham mê săn bắn. Quan lại thì tâm thuật bất chính, ghen người hiền, ghét người tài, tham lam vô độ, càn rỡ không còn chừng mực nào. Bọn người ấy, nếu không là tướng quân họ Lý thì cũng là Trụ quốc họ Thân…Quan lại như vậy nên ma quỷ mới dám đùa bỡn. Lại thêm nữa, trộm cắp nổi lên khắp nơi, thần quyền không còn là nơi con người trông cậy, ngược lại, lại là tai họa của dân. Sống giữa xã hội ấy, số phận con người nói chung đều hết sức bấp bênh mà số phận người phụ nữ thì lại càng bấp bênh hơn. Những con người vốn từ ngàn đời đã là nạn nhân của xã hội thì giờ đây cuộc sống của họ càng thêm đắng cay và tủi nhục. Cho nên, Truyền kỳ mạn lục tuy đề cập đến nhiều vấn đề xã hội rộng lớn nhưng vấn đề nổi bật nhất vẫn là số phận người phụ nữ. Truyền kỳ mạn lục có bao nhiêu nhân vật phụ nữ thì có bấy nhiêu cảnh đời, bấy nhiêu số phận. Tất cả đều bất hạnh, bi kịch và cay đắng. Người nghĩa phụ ở Khoái Châu, người con gái Nam Xương, những người con dâu lí tưởng, những người phụ nữ có những năng lực tuyệt vời để làm vợ và làm mẹ lại là nạn nhân của xã hội, nạn nhân của gia đình, nạn nhân của những năng lực tuyệt vời ấy. Những người tài hoa, tài sắc như Đào Hàn Than, như Lệ Nương, như Ngô Chi Lan lại là nạn nhân của chính tài hoa, tài sắc ấy. Sống tuân thủ theo những nguyên tắc đạo đức lễ giáo phong kiến, họ lại là nạn nhân của chính lối sống ấy. Sống vượt ra khỏi những nguyên tắc đạo đức lễ giáo phong kiến họ vẫn không tìm thấy hạnh phúc, thậm chí bị trừng phạt, có người bị trừng phạt thật vô cùng thảm khốc. Cái điều khát khao của họ, cái mong ước của họ, cái quan niệm về hạnh phúc của họ thì lại thật giản đơn. Đó là cái mong ước, cái khát khao, cái quan niệm đã, đang và mãi mãi thuộc về con người: có gia đình, có chồng con, yêu và được yêu – tức là những cái lẽ ra họ đương nhiên phải có. Xã hội ấy đã tước đoạt hết thảy của họ và dù họ có sống theo cách nào thì hạnh phúc cũng không bao giờ đến với họ. Nếu họ cố đấu tranh để giành lại hạnh phúc thì chỉ ít người dành được. Hạnh phúc mà họ giành được chỉ có thể nhờ vào một sự may mắn kì lạ hoặc nhờ vào một lực lượng thần thánh giúp đỡ và nhiêù khi nó chỉ tồn tại trong khoảnh khắc. Với nhiều nhân vật, cái phút huy hoàng ấy thật ngắn ngủi và lập tức họ bị nhấn chìm trong bóng đen vĩnh cửu của sự trừng phạt trong ngục tối. Với đặc trưng bút pháp của thể loại truyền kỳ, Nguyễn Dữ đã thể hiện rõ ràng, sinh động số phận người phụ nữ Việt Nam đầu thế kỷ XVI. Đó là những Vũ Nương, Nhị Khanh, Lệ Nương, Đào Thị, Thị Nghi … Cuộc đời họ luôn gặp những đắng cay, tủi nhục. Xã hội và kể cả gia đình, chồng con, dù cố ý hay vô tình đều dồn họ đến bước đường cùng. Cái chết là kết cục cho kiếp phụ nữ. Có nhân vật bị cái chết đeo đuổi, giết họ đến hai lần như Thị Nghi, Đào Hàn Than, Nhị Khanh ( Chuyện cây gạo). Một điều đặc biệt là tất cả những người phụ nữ trong Truyền kỳ mạn lục khi chết đi đều mang theo những nỗi đau, nỗi hận. Họ bế tắc trước cuộc đời, bởi cuộc đời không bao giờ để cho họ con đường đến với hạnh phúc. Nguyễn Dữ cũng như những nhà văn đồng thời với ông và cả những nhà văn sau ông nhiều thế kỷ nữa không có cách nào giúp được họ, cứu được họ.Nhưng với một trái tim thương yêu con người đằm thắm, Nguyễn Dữ đã cảm thông, đau xót cho mọi kiếp phụ nữ. ông đã vẽ nên một ảo ảnh ở thế giới bên kia cho họ: Vũ Nương thành tiên ở thuỷ phủ, Nhị Khanh được chầu hầu ở bên Thượng Đế, Lệ Nương gặp lại Phật Sinh, Dương thị được phép thần cho trở về cõi trần sống với chồng, Thuý Tiêu được xã hội trả lại cho sự công bằng. Tuy nhiên, tình thương vẫn chỉ là tình thương, tình thương ấy không thể biến thành một lực lượng vật chất đủ sức đánh đổ cái xã hội cường quyền, thần quyền kia để giải thoát cho người phụ nữ. Mặt khác, chính bản thân Nguyễn Dữ cũng không thể vượt lên trên thời đại của mình để làm được một cái gì thật lớn lao, thật vĩ đại giải thoát cho họ. Ông cũng chỉ có thể bày tỏ niềm cảm thông ấy của mình qua ngòi bút. Vì vậy Truyền kỳ mạn lục vẫn có nhiều nhân vật phụ nữ mãi mãi bất hạnh. Người thì chìm vào nỗi buồn thương như Kim Hoa nữ sĩ, như Giáng Hương. Người thì cuộc đời, hạnh phúc tan tác chia lìa như Nhu Liễu, Hồng Đào….Số còn lại thì bị trừng phạt, bị truy đuổi, bị tiêu diệt đến cùng như Nhị Khanh ( Chuyện cây gạo), Đào Hàn Than, Thị Nghi … Nhiều cuộc đời nhân vật nữ trong Truyền kỳ mạn lục khép lại trong nước mắt ngậm ngùi, để lại nơi người đọc bao nỗi xót xa, thương cảm. Một vấn đề được các nhà nghiên cứu cũng thường bàn đến, đó là màu sắc sắc dục trong truyện của Nguyễn Dữ. Quả thật đó cũng là vấn đề được tác giả nói tới nhiều trong tác phẩm. Theo chúng tôi, Nguyễn Dữ không hẳn đã ca ngợi các cuộc tình sắc dục nhưng ông cũng không dấu nổi sự đồng tình, mà điều này, xét đến cùng, nó vẫn là những yếu tố thuộc về con người, nó vẫn là một nhu cầu trần thế. Truyền kỳ mạn lục được viết bằng cả ba lối văn: tản văn, biền văn và vận văn, lối nào cũng hay. Vượt lên trên Lý Tế Xuyên và Trần Thế Pháp, Nguyễn Dữ không bị phụ thuộc vào những bản ghi thần tích hoặc ảnh hưởng nặng nề của cách kể truyện dân gian. Nhà văn đã phóng tác với phong cách riêng của mình. Truyền kỳ mạn lục kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa văn tự sự, văn trữ tình, giữa ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ tác giả. Lời văn cô đọng, súc tích, chặt chẽ, có nhịp điệu, có âm thanh làm cho câu văn cân xứng, hài hoà. Song, chúng ta cũng thấy, mặc dù Truyền kỳ mạn lục là một tác phẩm được nhiều thế hệ đánh giá rất cao, đã trải qua sự thử thách của thời gian nhưng Truyền kỳ mạn lục không tránh khỏi những hạn chế nhất định bởi chính Nguyễn Dữ cũng vẫn bị những điều kiện xã hội ở thời đại ông chi phối. Đó là những bế tắc về giải pháp xã hội mà Truyền kỳ mạn lục đã đặt ra thông qua hình tượng các nhân vật nữ. Một hạn chế nữa của tác phẩm là hình thức văn tự bằng chữ Hán. Trong xã hội xưa, một sáng tác văn học bằng chữ Hán không thể phổ cập cho bạn đọc rộng rãi. Người ta chỉ có thể kể về Truyền kỳ mạn lục, nhưng nếu Truyền kỳ mạn lục được phổ biến dưới hình thức truyền miệng, thì nó sẽ bị mất đi rất nhiều tính sinh động, cụ thể của một sáng tác văn học viết. Tuy nhiên, vượt lên trên những hạn chế không cơ bản đó, Truyền kỳ mạn lục là tác phẩm hay và có giá trị nhiều mặt. Càng ngày người ta càng khám phá, khẳng định điều đó. Truyền kỳ mạn lục thật xứng đáng là một thiên cổ kỳ bút, áng văn hay của bậc đại gia với lời lẽ thanh tao, tốt đẹp. Nghiên cứu Truyền kỳ mạn lục luôn luôn là một điều hấp dẫn và có ý nghĩa. Bước đầu tìm hiểu Truyền kỳ mạn lục ở một góc hẹp qua đề tài: Nghiên cứu số phận người phụ nữ, chúng tôi hy vọng có những đóng góp khiêm tốn sau: - Góp phần làm sáng tỏ những đặc điểm cơ bản của Truyền kỳ mạn lục và những đóng góp của tác phẩm đối với sự phát triển của văn xuôi trung đại cũng như đối với văn học Việt Nam nói chung. - Góp phần chứng minh những thành công đặc biệt của Nguyễn Dữ trong việc phản ánh về số phận người phụ nữ cũng như vai trò của nhà văn về đề tài này trong những thành tựu của văn học nước nhà. Vì thời gian và trình độ có hạn, luận văn không thể tránh khỏi những sai sót về nội dung, phương pháp nghiên cứu và diễn đạt. Kính mong nhận được sự chỉ giáo của các thầy cô giáo, các nhà khoa học và các bạn đồng nghiệp. Tài liệu tham khảo Phạm Tú Châu (1987), “ Về mối quan hệ giữa Tiễn đăng tân thoại và Truyền kỳ mạn lục” , Tạp chí Văn học( số 3). Nguyễn Đổng Chi (1958), Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, Nxb Văn - Sử - Địa, Hà Nội. Nguyễn Thị Chiến (1992), “Tính bi kịch xã hội qua hình tượng phụ nữ trong thơ ca thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX”, Tạp chí Văn học ( số 2). Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm (1987), Chinh phụ ngâm khúc, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội. Nguyễn Văn Dân (1984), “Về thể loại văn xuôi huyễn tưởng”,Tạp chí Văn học (số5). Nguyễn Du (1984), Truyện Kiều, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Nguyễn Dữ ( 1957), Truyền kỳ mạn lục, Nxb Văn hoá, Hà Nội. Nguyễn Dữ (1999), Truyền kỳ mạn lục, Nxb Văn học, Hà Nội. Nguyễn Thị Dương (1988), Số phận người phụ nữ và các phương thức biểu hiện số phận ấy trong Truyền kỳ mạn lục, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội. Quang Đạm (1994), Nho giáo xưa và nay, Nxb KHXH, Hà Nội. Trần Xuân Đề (1965), Tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, tập I, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Đoàn Thị Điểm (1962), Truyền kỳ tân phả, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Lê Quý Đôn (1977), Kiến văn tiểu lục, Nxb KHXH, Hà Nội. Dương Quảng Hàm (1993), Việt Nam văn học sử yếu, Nxb Tổng hợp Đồng Tháp. Đặng Thị Hảo(1986), “Ngô Chi Lan: Một nhà thơ nữ thế kỷ XV”, Tạp chí Văn học (số 2) Nguyễn Phạm Hùng (1987), Tìm hiểu khuynh hướng sáng tác trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ ,Tạp chí Văn học (số7). Nguyễn Phạm Hùng (1989), “Sự xuất hiện khuynh hướng trong văn học Việt Nam cổ”, Tạp chí Văn học (số 1). Trần Đình Hượu (1995), Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội. Nguyễn Huy Khánh (1995) Khảo luận tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa, Nxb Văn học, Hà Nội. 1991. Vũ Ngọc Khánh (1995), Kho tàng truyền kỳ Việt Nam, Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội. Đặng Thanh Lê (1990), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX, tập I, II, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội. Ngô Sỹ Liên (1993), Đại Việt sử ký toàn thư, tập IV, Nxb KHXH, Hà Nội. Nguyễn Lộc (1976), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII - nửa đầu thé kỉ XIX, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội. Nguyễn Đăng Na (1987), Sự phát triển văn xuôi Hán – Việt từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, Luận án phó Tiến sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội. Nguyễn Đăng Na(1999), Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Nguyễn Đăng Na (2005), “Chuyện người con gái Nam Xương”, Văn học và tuổi trẻ, (số 10). Bùi Văn Nguyên (1968), “Bàn về yếu tố văn học dân gian trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ”, Tạp chí Văn học (số11) Bùi Văn Nguyên (1978), Lịch sử văn học Việt Nam, tập II Nxb Giáo dục, Hà Nội. Vũ Quỳnh - Kiều Phú(1990), Lĩnh Nam chích quái lục, Nxb Văn học, Hà Nội. Nguyễn Hữu Sơn (1988), “Đặc điểm văn học Việt Nam thế kỷ thứ XVI các bước tiếp nối và phát triển”, Tạp chí Văn học (số 5 – 6). Nguyễn Hữu Sơn(1993), “Vấn đề con người trong văn học cổ nhìn từ góc độ lý thuyết”, Tạp chí Văn học (số 3). Trần Đình Sử (1987), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Bùi Duy Tân (2001), Văn học Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Bùi Duy Tân (1992), “Mối quan hệ giữa văn học Trung Quốc và văn học Việt Nam thời trung đại: Tiếp nhận, cách tân và sáng tạo”, Tạp chí Văn học (số 1). Bùi Duy Tân (1999), Khảo và luận một số thể loại - tác gia tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Vũ Thanh (1994), “Những biến đổi của yếu tố kỳ và thực trong truyện ngắn Việt Nam”, Tạp chí Văn học (số 6). Nguyễn Gia Thiều (1987), Cung oán ngâm khúc, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội. Tiền Chung Thư (1997), Lịch sử văn học Trung Quốc, tập I, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Lê Thánh Tông (1977), Thánh Tông di thảo, Nxb Văn hoá, Hà Nội. Lê Trí Viễn(1963), Lịch sử văn học Việt Nam, tập IV, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Lê Trí Viễn(1982), Những bài giảng văn ở đại học, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Lý Tế Xuyên (1960), Việt điện u linh tập, Nxb Văn hoá, Hà Nội. Lê Thu Yến ( Chủ biên) (2002), Văn học Việt Nam trung đại - Những công trình nghiên cứu, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docNghiên cứu số phận người phụ nữ trong Truyền kỳ mạn lục.doc
Luận văn liên quan