Đề tài Quần thể kiến trúc cố đô Huế

Cái gì cũng luôn tồn tại tính hai mặt của nó, du lịch cũng vậy. Du lịch phát triển đã giúp đưa hình ảnh của Quần thể di tích cố đô đến với du khách trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao vị thế và giá trị của di sản nhưng cũng vì du lịch mà di sản cũng hư hại xuống cấp nhanh hơn. Nói ở đây không phải là đổ lỗi cho du lịch đã làm hư hỏng các di tích nhưng phải thừa nhận rằng một di tích đã có từ lâu như Quần thể di tích cố đô Huế cộng thêm tác hại của thời gian nếu chỉ biết mở cửa đón du khách tham quan, thưởng ngoạn mà không có những biện pháp ngăn chặn những ảnh hưởng xấu cũng như những hoạt động bảo tồn, trùng tu, sửa chữa thì việc di sản hư hại nhanh chóng cũng là điều dễ hiểu.

pdf49 trang | Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 9616 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Quần thể kiến trúc cố đô Huế, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ức), Nghị đỉnh (vua Kiến Phúc), Thuần đỉnh (vua Đồng Khánh), Tuyên đỉnh (vua Khải Định), Dụ đỉnh, Huyền đỉnh. Chín cái đỉnh này xếp thành một hàng, đỉnh nào cao hơn, nặng hơn thì đặt ngay chính giữa, các đỉnh này có đều có hình dáng to lớn, vững chắc biểu hiện cho sự bền vững của các triều đại. Lớn nhất là Cao đỉnh (cao 2,5m, nặng 2.601 kg), nhỏ nhất là Huyền đỉnh (cao 2,31m, nặng 1.935 kg). Trên thân mỗi đỉnh có trang trí 17 họa tiết, tạo thành 153 hình về phong cảnh, hoa lá, sản vật và cả cảnh sinh hoạt của người Việt Nam. Chín đỉnh này được cho xây dựng trong vòng ba năm từ 1835 – 1837, sử dụng đến 30 tấn đồng. Đây là một trong những thành tựu xuất sắc nhất đại diện cho kĩ thuật và nghệ thuật đúc đồng ở Việt Nam ở thế kỉ XIX, được xem là một bộ bách khoa toàn thư tóm tắt về đất nước và con người Việt Nam. So với các miếu, điện ở Việt Nam Thế miếu là một công trình đồ sộ và to lớn bật nhất và cũng là công trình hiếm hoi còn được nguyên vẹn. o Điện Phụng Tiên Điện này cũng thờ các vua nhà Nguyễn nhưng chỉ dành cho các bà ở nội cung lui tới vì họ là phụ nữ không được phép vào Thế miếu. Trong sân điện Phụng Tiên có trồng một giống vải rất quý, tương truyền là từ Trung Quốc đưa sang lấy tên là vải Phụng Tiên.  Tử Cấm Thành Tử Cấm Thành là nơi làm việc, ăn ở, sinh hoạt của vua và hoàng gia. Đây là vòng thành nhỏ nhất nằm phía trong cùng của kinh thành Huế. Vòng thành này có hình chữ nhật, tường gạch bao quanh cao 3,72m, dày 0,72m, dài 324m, rộng 290m. Tử Cấm Thành có tổng cộng 10 cửa:  Chính giữa hướng nam: Cửa Đại Cung Môn thông với Hoàng thành ở mặt trước. Đây là cửa lớn nhất, nguy nga và đồ sộ nhất, được xây dựng năm 1833 dưới thời Vua Minh Mạng thứ 14.  Hướng bắc: gồm 3 cửa Tường Loan, Nghi Phụng, Văn Phòng.  Hướng đông: gồm 4 cửa Đông An, Cẩm Uyển, Hưng Khánh, Duyệt Thị.  Hướng tây: gồm 2 cửa Gia Tường, Tây An. Trong Tử Cấm thành có khoảng 40 di tích lớn nhỏ nhưng ngày nay hầu như không còn. Có thể kể đến các di tích như: Tả Vu và Hữu Vu, Vạc Đồng, Điện Kiến Trung, Điện Cần Chánh, Điện Càn Thanh, Thái Bình Lâu, Duyệt Thị Đường, Thượng Thiện… o Điện Cần Chánh Được xây dựng vào năm 1804 đời Vua Gia Long thứ ba, sau đó được các đời vua sau cho tu sửa, sơn son thếp vàng và trang trí thêm nhiều cổ vật. Điện được lợp bằng ngói màu vàng (ngói Hoàng lưu ly), trong điện thiết kế đơn giản chỉ có ngai vàng của vua và một cái bàn để trà thuốc. Hai bên điện Cần Chánh có Tả Vu và Hữu Vu là nơi các quan chờ đợi, sửa sang trang phục trước khi thiết triều. Trước điện Cần Chánh có hai Vạc đồng kích thước khá lớn được đúc vào năm 1660 và 1662 thời Chúa Nguyễn Phúc Tần. Mỗi Vạc đồng nặng khoảng 1.515,5kg; có dạng hình trụ, miệng loe, trên miệng có 4 quai xoắn hình bán nguyệt, dưới đáy là 6 chân quì. Trên mỗi Vạc đồng có trang trí bằng những họa tiết nổi hình hoa lá, chim muông. Đây được xem là những di sản quý thuộc loại cổ nhất của nghệ thuật đúc đồng Huế nên có ý nghĩa lớn cả về mặt nghệ thuật lẫn lịch sử. Đáng tiếc hiện nay điện không còn nữa do chiến tranh tàn phá vào năm 1947. o Duyệt Thị Đường Là nơi vua nghe hát, được xây dựng vào năm 1826 thời vua Minh Mạng. Nhà hát này có nền hình chữ nhật, mái cong dạng đình chùa, có nhiều cột lim sơn son chống đỡ. Trên mỗi cột và trần nhà đều trang trí bằng các họa tiết như phong cảnh, mặt trăng, mặt trời… Kiến trúc bên trong của Duyệt Thị Đường cũng rất đặc sắc: giữa sàn nhà là một sân khấu hình vuông, hai bên có hai cửa để cho các diễn viên đi lại, phía sau là một phòng đựng các đạo cụ biểu diễn. Có một đài cao được chia làm hai bậc: bậc thấp dành cho vua ngồi xem hát, bậc cao dành cho các bà hoàng và cung tần mỹ nữ. Giữa sân khấu và đài cao này được ngăn bằng một lớp sáo trúc thưa làm cho người ngồi bên trong nhìn rõ người đang diễn hát ở bên ngoài, nhưng người bên ngoài thì không thể nhìn thấy được người bên trong. Gần vị trí vua ngồi có đặt vài bộ bàn ghế dành cho quốc khách của triều đình. Duyệt Thị Đường được xem là nhà hát cổ xưa nhất còn lại của ngành sân khấu Việt Nam thể hiện lối kiến trúc hài hòa, mang đậm tính dân tộc, không gian bên trong yên tĩnh, mát mẻ góp phần làm nên sự thành công cho các buổi biểu diễn thời xưa. II. Đặc trưng của di sản. Quần thể kiến trúc cố đô Huế được xem là một công trình kiến trúc đặc sắc của Việt Nam vào thế kỉ XIX. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Huế mà còn là của người dân cả nước. Như đã miêu tả ở trên, quần thể là tập hợp của rất nhiều di tích cả trong và ngoài thành, được xây dựng vào nhiều đời vua nên có những điểm khác nhau. Tuy vậy kiến trúc của những di tích này vẫn có những đặc trưng: 1. Mang đậm tính lịch sử, là công trình kiến trúc đại diện cho thời kỳ phong kiến nhà Nguyễn. Kinh thành Huế được xây dựng trong một thời gian khá dài từ năm 1803 đến 1832, kéo dài từ thời vua Gia Long đến vua Minh Mạng. Các di tích nằm trong và ngoài Kinh thành được xây dựng trong suốt thời kì trị vì của các vua chúa nhà Nguyễn nên có thể nói quần thể di tích Cố đô huế là một công trình mang đậm tính lịch sử, đại diện cho một thời kì lịch sử của dân tộc. Với mỗi đời vua thì lại có thêm những công trình mới được xây dựng ghi dấu những sự kiện lịch sử, thể hiện quan niệm về thẩm mĩ, thị hiếu của từng vua. Có nhiều di tích được xem như một cuốn sách viết về lịch sử của các triều đại nhà Nguyễn, cách tổ chức nhà nước, cách vua cai quản đất nước, các phong cảnh, nếp sinh hoạt của con người đều được thể hiện trên các di tích (ví dụ như Cửu đỉnh). Khu Quần thể di tích cố đô Huế được xem là nơi lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa mang tính chất cung đình thời xưa. Đây còn là nơi an nghỉ cuối cùng của các vua triều Nguyễn, các lăng tẩm ở đây có tổng cộng bảy khu, thờ cúng 9 vị vua, kiến trúc rất đa dạng. Cũng bởi tính lịch sử mà công trình này luôn được xem là bức tranh thu nhỏ của thời đại nhà Nguyễn, nhìn vào nó ta có thể hiểu được cả một giai đoạn lịch sử dài của cả dân tộc. 2. Là sản phẩm kết tinh tài năng và trí tuệ của con người Việt Nam. Trong lịch sử Việt Nam thời cận đại, công trình xây dựng Kinh Thành Huế có lẽ là công trình đồ sộ, quy mô nhất với hàng vạn lượt người tham gia thi công, hàng triệu mét khối đất đá, với một khối lượng công việc khổng lồ đào hào, lấp sông, di dân, dời mộ, đắp thành... kéo dài từ thời điểm tiến hành khảo sát năm 1803 đến khi hoàn chỉnh vào năm 1832. Công trình là kết quả lao động và sáng tạo tuyệt vời của cha ông ta. Khi mà thời đại máy móc, dụng cụ chưa có nhiều, phải vận động sức người là chính nên việc xây dựng mất rất nhiều thời gian, công sức thậm chí là máu của không biết bao nhiêu người. Nói vậy để thấy muốn tạo ra một công trình đặc sắc như vậy không phải là việc đơn giản, nó là kết quả của một quá trình lao động và sáng tạo không biết mệt mỏi của dân tộc ta. Những thế hệ ngày hôm nay khi đến tham quan đều rất khâm phục tính sáng tạo và sự tỉ mỉ trong từng chi tiết trang trí nhỏ của những thợ xây dựng xưa kia để tạo nên một công trình được cả thế giới công nhận như vậy. Điều đặc biệt là chúng ta đã biết cách tạo ra những kiểu dáng kiến trúc độc đáo, phù hợp với điều kiện sống. Do là vùng sông nước nên hình ảnh chiếc thuyền ăn sâu vào tâm thức của người Việt Nam, đó cũng là lí do vì sao nhiều ngôi nhà có mái cong vút lên hình một chiếc thuyền. Kiến trúc mái cong mô phỏng hình thuyền, nhiều người cho rằng mái cong này là vay mượn từ kiến trúc Trung Hoa nhưng thật ra là ngược lại. Ngay từ thời Đông Sơn, lúc mà Việt Nam ta chưa hề có sự giao lưu với văn hóa Trung Hoa thì đã có kiến trúc kiểu mái cong rồi. So với các ngôi nhà bình thường thì kiến trúc ở kinh thành Huế làm mái cong cầu kì hơn, độ cong lớn,vút lên như một con thuyền rẽ sóng lướt tới, tạo dáng vẻ thanh thoát đặc biệt và gợi cảm giác bay bổng cho công trình. Ngoài độ cong thì mái còn có một độ dốc lớn giúp thoát nước nhanh, tránh dột, tránh hư mục mái nhất là trong điều kiện mưa nhiều ở Huế. Đây thực sự là một sáng tạo của cư dân người Việt và còn sáng tạo hơn khi họ đã biết ứng dụng vào việc xây dựng một công trình dành cho vua chúa như vậy. 3. Kiến trúc mang đậm tính cung đình, quý tộc, thể hiện rõ tư tưởng độc tôn chuyên quyền của các vua chúa triều Nguyễn. Ngày xưa kinh thành Huế do các vua ra lệnh xây dựng và nó cũng là nơi chỉ dành cho vua chúa và các quan nên kiến trúc của nó mang đậm tính chất cung đình, quý tộc đồng thời thể hiện rõ tư tưởng độc tôn chuyên quyền của vua. Điều này thể hiện rất rõ qua lối kiến trúc ba vòng thành Phòng thành, Hoàng thành, Tử cấm thành lớn ngoài nhỏ trong quy về trung tâm Tử cấm thành cũng như quyền lực tập trung hoàn toàn vào tay vua, vua là “Thiên tử” có quyền lực tối cao, là người nắm quyền triều chính “Vua xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Kiến trúc xây luôn tuân theo nguyên tắc “chính ở giữa, phụ hai bên” nên cổng chính luôn là cổng dành cho vua đi, cung điện có màu vàng là chủ yếu. Theo quan niệm thì màu vàng chính là màu của người, của trung tâm đất trời, là màu chỉ dành riêng cho bậc thiên tử. Các trụ cột trong cung cũng được sơn son thếp vàng rực rỡ thể hiện sự tôn nghiêm cao quý của chốn cung đình. Ngói dùng để lợp là ngói Hoàng lưu ly, có màu vàng rực rỡ. Kinh thành có ba vòng thành và có sự phân chia rõ rệt khu nào của vua, khu nào của cung tần mĩ nữ, khu nào dành cho quan lại hay khu nào thì binh lính được lui tới, bất kì sự đi lại nào không được phép sẽ bị xử rất nặng. Nơi dành cho vua chúa luôn yên lặng tuyệt đối, không khí rất tôn nghiêm. Kinh thành được bao bọc bởi Phòng thành rất vững chắc và cấm mọi thường dân vào. Đặc biệt là Tử Cấm thành, nơi chỉ dành riêng cho vua, Tử Cấm Thành có thể hiểu là Thành cấm màu tím (Tử: màu tím, theo nghĩa thần thoại) nhưng cũng được hiểu theo nghĩa là Thành cấm dân thường vào, nếu vào sẽ bị xử tội chết. Trong các ngôi điện, ngai vàng hay chỗ của vua đều phải cao, ở trung tâm để vua có thể dễ dàng quan sát mọi quan lại của mình, toàn thể quan lại đều phải hướng về một phía chính là Hoàng thượng. 4. Kế thừa và phát triển nét đặc sắc kiến trúc của các triều đại trước Lý, Trần, Lê. Như một lẽ thường là các thành tựu của đời sau đều có sự kế thừa và tiếp thu các nét đặc sắc của thời đại trước. Kiến trúc của quần thể di tích cố đô Huế cũng đã chịu ảnh hưởng từ phong cách kiến trúc của nhà Lý, Trần, Lê trước đó. Dù có tiếp thu nhưng vẫn có sự cách tân, đổi mới và chọn lọc vì thế mà các công trình di tích này vẫn mang màu sắc kiến trúc thời Nguyễn là chủ yếu. Chúng ta có thể nhận thấy sự kế thừa cũng như đổi mới đó qua sự bố trí quần thể kiến trúc cung điện, nghệ thuật điêu khắc, chạm khắc đặc biệt là hình tượng trang trí phổ biến trong các cung điện bấy giờ: Rồng. Rồng của thời Lý không có sừng, vảy lưng có hình tia lửa nhỏ, đều, xếp dày sát nhau, thân dài, thon, nhiều uốn khúc. Sang đến thời Trần con Rồng này sừng đa dạng hơn, vây dài, rộng, thân có phần dài hơn, mập hơn. Đến thời Nguyễn con Rồng này đã có nhiều cách tân trên cơ sở hình tượng Rồng thời trước. Con Rồng này chỉ có một kiểu sừng ổn định là sừng thon dài, hơi cong, vây lưng đều, dài, mảnh, dáng uốn lượn nhưng khá rắn chắc. Ngoài ra còn rất nhiều công trình mà ta dễ dàng nhận ra ảnh hưởng từ kiến trúc các triều đại trước, tuy vậy nét kiến trúc triều Nguyễn vẫn là nổi bật nhất. Ngoài ra, kiến trúc của các di tích trên còn chịu ảnh hưởng của lối kiến trúc Trung Hoa nhưng đã được Việt Hóa thể hiện trong cách trang trí, lối kiến trúc cổ, cách sơn màu… 5. Có sự tổng hòa của kiến trúc Đông – Tây. Không chỉ kế thừa và phát triển các thành tựu về kiến trúc của các triều đại trước, Quần thể di tích cố đô Huế còn là sự tổng hòa của kiến trúc phương Đông và Phương Tây, đặc biệt là kiến trúc Pháp. Dễ nhận thấy là vòng ngoài cùng Phòng thành. Phòng thành ngoài việc được xây dựng theo nguyên tắc địa lý phong thủy phương Đông, thuyết âm dương ngũ hành của Dịch học thì còn chịu ảnh hưởng của kiến trúc quân sự Vauban. Vauban là tên một nhà kiến trúc sư người Pháp cuối thế kỉ XVII, đây là kiểu xây thành rất kiên cố, trên thành sẽ tạo thành những đường dích dắc, gồm hệ thống các lũy, pháo đài, tường bắn, phản pháo, hào…Đây là một loại thành lũy được áp dụng ở nhiều địa phương nước Pháp và các nước lân cận. Tường thành được xây kiên cố như vậy không chỉ thể hiện được uy quyền và sức mạnh của quân đội mà cả sự phồn thịnh, no đủ của đất nước. Le Rey, một thuyền trưởng người Pháp đã từng đến Huế năm 1819 phải thốt lên: “Kinh Thành Huế thực sự là pháo đài đẹp nhất, đăng đối nhất ở Đông Dương, thậm chí so với cả pháo đài William ở Calcutta và Saint Georges ở Madras do người Anh xây dựng”. Đặc biệt càng về sau khi mà mưu đồ xâm lược nước ta của thực dân Pháp càng lộ rõ, chiến tranh leo thang thì những công trình di tích xây trong thời này càng thể hiện yếu tố Tây phương rõ nét. Các công trình di tích do vua Thiệu Trị, Minh Mạng, Tự Đức cho xây dựng đều đại diện cho tinh thần Đông – Tây dung hợp. Có thể kể đến ở đây một ví dụ cụ thể là lăng vua Khải Định. Nhìn tổng thể thì lăng nằm ở thế có núi ở đằng sau, suối nước ở trước, âm dương hòa hợp theo quan niệm phong thủy cổ truyền nhưng lại có xu hướng đặt cao kiểu phương Tây chứ không theo kiểu thấp truyền thống. Kiến trúc lăng vẫn chia thành từng khu rõ ràng liên tiếp nhau nhưng lại không trải theo bề rộng để hòa mình với thiên nhiên như lăng vua Tự Đức, Minh Mạng mà lại gói trọn trong một khu được nối với nhau bằng một hệ thống bậc tam cấp gồm hơn trăm bậc thang. Vật liệu xây dựng lăng ngoài gỗ như truyền thống thì còn có bê tông cốt thép, cột thu lôi, đèn điện…với kĩ thuật xây hiện đại, tạo nên một công trình kiến trúc rất bề thế. Xét về trang trí nội thất thì có sự kết hợp rất hài hòa giữa Tam giáo (Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo) và phương Tây. Các vật dụng đại diện cho văn minh phương Tây như đồng hồ, vợt tennis, rượu sâm banh, kính lúp, hộp đựng thuốc lá… 6. Được xây dựng theo nguyên tắc địa lí phong thủy của phương Đông và thuyết Âm Dương – Ngũ Hành của Dịch học, gần gũi với thiên nhiên. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Thêm thì nghề phong thủy bắt nguồn từ nhu cầu chọn đất để làm nhà, đặt mộ của người dân nông nghiệp sống định cư và kinh nghiệm lao động phong phú của người nông dân.“Phong” và “thủy” chính là hai yếu tố quan trọng nhất tạo nên khí hậu cho một công trình bất kì. Phong là gió, động hơn nên thuộc dương, không có gió thì không tốt nhưng gió nhiều cũng hỏng. Thủy là nước, tĩnh hơn nên thuộc âm, nước đọng thì không tốt nhưng nước chảy mạnh quá cũng không được, chỉ có nước chảy từ từ (âm dương điều hòa) mới thuận lợi. Các kinh đô xưa của nước ta đều xây theo con mắt phong thủy như thành Đại La, thành Thăng Long và Kinh thành Huế cũng không phải là một ngoại lệ. Kinh thành Huế nằm ở miền Trung – trung tâm của đất nước, nhìn rộng thì có biển ở phía trước, núi ở phía sau; nhìn hẹp thì trước có núi Ngự Bình, sông Hương lững lờ bao quanh. Trên sông Hương có hai cồn đất chầu vào là cồn Dã Viên ở bên phải được xem là Bạch hổ, cồn Hến ở bên trái lớn hơn là Thanh Long (vật biểu trong Ngũ hành). Kinh thành Huế đóng vai trò là trung tâm, là minh đường. Vì địa thế có núi, có sông, âm dương hòa hợp tạo ra một môi trường thiên nhiên trong lành thoáng mát, tạo điều kiện để xây dựng non sông vững bền. Một ứng dụng khác của phong thủy trong kiến trúc ở Huế chính là việc hướng của Kinh thành cũng như hầu hết các di tích đều là hướng Nam “Lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng Nam”. Vì khi xây về hướng Nam Kinh thành Huế sẽ tránh được cái nóng từ phía Tây, bão từ phía Đông, gió mùa mùa Đông từ phương Bắc và hơn hết là đón được gió nồm thổi từ phía Nam , tạo không khí mát mẻ vào mùa hè. Đối với các dân tộc phương Đông thì phía Bắc chính là nơi ở của quỷ thần, không may mắn. Dựa trên các nguyên tắc của thuật phong thủy, các vua nhà Nguyễn còn hợp các yếu tố có sẵn trong tự nhiên như sông, núi, đảo, hồ... cùng với bàn tay của con người đã cho tiến hành lấp một số đoạn của sông Bạch Yến và sông Kim Long, đồng thời đào một loạt hệ thống sông, hào ở trong và ngoài Kinh thành để phục vụ cho mục đích xây dựng của mình. Kiến trúc của các khu di tích ngoài tuân theo quy luật phong thủy thì còn chịu ảnh hưởng của triết lí Âm dương – Ngũ hành trong Dịch học. Không có gì là hoàn toàn âm hoặc hoàn toàn dương, trong âm có dương và trong dương có âm, chúng luôn gắn bó mật thiết, chuyển hóa cho nhau. Từ âm dương đến tam tài (Thiên – Địa – Nhân) và từ tam tài đi đến ngũ hành (Thủy – Hỏa – Mộc – Kim – Thổ). Đầu tiên đó là ba tòa thành Phòng Thành, Hoàng Thành và Tử Cấm Thành được bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc đã thể hiện được nguyên tắc coi trọng số lẻ của truyền thống văn hóa nông nghiệp – tam tài. Hoàng Thành có trên dưới 100 tòa nhà lớn nhỏ được sắp xếp theo kiểu bàn cờ tuân theo nguyên tắc “tả nam hữu nữ; tả văn hữu võ; tả trước hữu sau”; “chính ở giữa, phụ ở hai bên”. Cụ thể như cửa Ngọ Môn vào Hoàng Thành là cửa chính chỉ dành riêng cho vua đi, còn “phía hữu” là cửa Chương Đức dành riêng cho các bà và cung tần mỹ nữ. Các công trình chính luôn được nằm ở giữa như Điện Thái Hòa, Đại Cung Môn là những nơi diễn ra các hoạt động quan trọng của triều đình, còn các công trình phụ như Cung Diên Thọ, Cung Trường Sinh, Thái Miếu, Triệu Miếu…nằm ở hai bên. Đặc biệt, Cổng Ngọ môn có dạng hình chữ U, nhìn chính diện có 3 cửa, thêm 2 cửa phụ nữa là 5 tượng trưng cho ngũ hành, trên nóc có 9 nhóm mái cũng thể hiện văn hóa coi trọng số lẻ của người Việt “Ngọ Môn 5 cửa 9 lầu, cột cờ 3 cấp, Phú Văn Lâu 2 lầu”. Lầu Ngũ Phụng nằm ở giữa có 100 cây cột đối xứng nhau, 100 là tổng số của hà đồ và lạc thư thể hiện sự cân bằng âm dương. Các công trình hầu như đều được sơn son thếp vàng không thì trang trí màu vàng vừa thể hiện quyền uy của vua chúa đồng thời màu vàng cũng là màu trung tâm, hành thổ, đại diện cho con người trong ngũ hành. Sự kết hợp phong thủy, âm dương, ngũ hành đã khiến các khu di tích cả trong và ngoài Kinh thành Huế không những không bị mất đi tính tôn nghiêm của chốn cung cấm mà lại rất gần gũi với thiên nhiên, nhiều cây cối, tạo không khí thoáng đãng, thư thái và trong lành. III. Thực trạng khai thác di sản phục vụ cho phát triển du lịch. Với một quần thể kiến trúc đồ sộ như trên cộng với bề dày văn hóa lịch sử, Huế thật sự có những lợi thế lớn để khai thác và phát triển du lịch. Trên thực tế Huế thực sự đã trở thành một điểm đến du lịch lý tưởng không chỉ của miền Trung mà là cả nước. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, trung bình hằng năm Huế thu hút từ 1,5 đến 2 triệu lượt khách, 45% trong số đó là khách nước ngoài (phần lớn là khách đến từ Thái Lan, Pháp, Úc, Nhật Bản, Hà Lan…). Du lịch, dịch vụ đã đóng góp 45% vào GDP của địa phương (Nguồn: cinet.vn). Đặc biệt du lịch Di sản Huế đã có những bước tiến dài kể từ khi Quần thể di tích cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế đươc UNESCO công nhận là Di sản của thế giới. Từ năm 1996-2005, trung bình mỗi năm các di tích ở Huế đón hơn 1,5 triệu lượt khách tham quan tạo được nguồn thu trên 270 tỷ đồng. Riêng 10 tháng năm 2006 đã đạt doanh thu 50 tỷ đồng (Nguồn: www.daibieunhandan.vn). So với các công trình khác thì Quần thể di tích cố đô Huế đã được khai thác khá nhiều để phục vụ cho phát triển du lịch. Nếu xưa kia Kinh thành chỉ là nơi dành cho vua chúa, dân thường tuyệt đối không thể vào thì ngày nay Kinh thành Huế mở cửa để đón du khách đến tham quan, tìm hiểu. Đến với di tích du khách sẽ được đi tham quan, nghe giới thiệu về lịch sử cũng như kiến trúc của các di tích. Nghe để hiểu về một thời kì lịch sử của dân tộc-thời kì phong kiến nhà Nguyễn. Ngoài Kinh thành Huế, thì còn có rất nhiều di tích trong và ngoài thành, mỗi di tích được xây vào những thời điểm có thể khác nhau phục vụ cho mục đích của các vua, tất cả đều có kiến trúc rất đặc sắc và có giá trị lịch sử rất lớn. Ngoài việc vào tham quan trực tiếp thì du khách cũng có thể sử dụng dịch vụ chèo thuyền trên sông Hương ngắm nhìn toàn cảnh Kinh thành. Dòng sông êm dịu hiền hòa cộng với khung cảnh đồ sộ của cố đô, con người và thiên nhiên hài hòa khiến ta có cảm giác thật thanh thản, thư thái. Ngoài ra du bằng thuyền khách còn được đến thăm chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén, lăng Minh Mạng…những di tích không nằm trong khu vực Kinh thành Huế. Như vậy du khách có thể yên tâm và thỏa mãn vì không bỏ sót việc tham quan bất kì di tích nào trong toàn bộ quần thể. Không chỉ khai thác lợi thế về kiến trúc để phát triển du lịch mà Huế còn biết cách lồng ghép các lễ hội vào du lịch ở Kinh thành Huế. Đầu tiên có thể kể đến là Festival Huế được tổ chức hai năm một lần vào các năm chẵn. Từ cuối năm 1998, đầu năm 1999 tỉnh Thừa Thiên Huế đã chính thức đề nghị Chính phủ cho phép tỉnh phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Festival Huế 2000. Đây được xem là lễ hội văn hóa nghệ thuật, du lịch có quy mô quốc gia và tính quốc tế đầu tiên ở Việt Nam. Nhiều chương trình trong Festival được tổ chức tại Kinh thành như Quảng trường Ngọ Môn, khu vực Đại nội, cung An Định, Hồ Tịnh Tâm… với nhiều hoạt động đặc sắc. Đặc biệt về đêm có tổ chức nhiều chương trình đặc sắc của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế với nhiều sân khấu nghệ thuật đa dạng, nhiều chương trình hấp dẫn, sang trọng và thú vị như: Đêm Hoàng cung, những buổi yến tiệc và những trò chơi cung đình, lễ hội, diễn xướng, ca nhạc, nhã nhạc... Festival Huế thực sự là một sự kiện văn hóa lớn mang tầm quốc tế. Vì vậy năm du lịch Việt Nam 2012 gắn liền với Festival Huế, đây sẽ là một cơ hội tốt để giới thiệu hình ảnh của Quần thể di tích cố đô Huế đến với du khách trong và ngoài nước. Ngoài Fetival Huế thì Kinh thành cũng là nơi diễn ra các hoạt động quan trọng nằm trong khuôn khổ chương trình Festival làng nghề Huế được tổ chức vào các năm lẻ. Festival làng nghề này có lịch sử muộn hơn Festival Huế, bắt đầu từ 2005, hai năm một lần, xen kẽ với Festival Huế. Các hoạt động được tổ chức trong khu Quần thể di tích như trưng bày các di sản quý hiếm còn lại ở triều Nguyễn ở Tả Vu, thả diều nghệ thuật ở Ngọ Môn, chương trình “Vẻ đẹp Việt” ở Duyệt Thị Đường và sân trước Điện Thái Hòa…Trong thời gian diễn ra Festival làng nghề không chỉ trong Kinh thành mà các đền đài, lăng tẩm thuộc Quần thể nằm ngoài Kinh thành cũng diễn ra nhiều hoạt động văn hóa – du lịch, lễ hội đa dạng thu hút nhiều sự quan tâm của khách du lịch. Nếu như Festival 2000 có khoảng 50.000 lượt khách đến Huế, trong đó có 20.000 lượt khách nước ngoài đến tham dự lễ hội thì đến Festival 2004, 2006, 2008 đã có trên 100.000 lượt khách, trong đó có hơn 30.000 lượt khách nước ngoài (Nguồn: Cinet.vn) Chính nhờ những chương trình Festival như trên mà Quần thể di tích cố đô Huế đã được nhiều du khách cả trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn, họ thể hiện sự thích thú rất lớn khi vừa được tham gia vào lễ hội văn hóa vừa được tham quan các di tích trong quần thể. Điều này thể hiện ở số lượng du khách đến với Kinh thành Huế luôn tăng lên rất đáng kể vào mỗi dịp tổ chức Festival. Đây cũng được xem là một trong những chính sách thu hút du lịch đến với di sản thế giới này. Điều đặc biệt là ở Huế có tới hai di sản được thế giới công nhận, ngoài Quần thể di tích cố đô Huế thì còn có Nhã nhạc cung đình Huế. Huế cũng là xứ sở của các làn điệu dân ca trữ tình, mượt mà. Tận dụng điều này các công ty du lịch đã xây dựng chương trình nghe nhã nhạc, nghe ca Huế trên sông Hương. Sông Hương nằm ngay trước mặt Thành Huế cũng là điều kiện để du khách có thể vừa nghe nhạc vừa được ngắm toàn cảnh các di tích của Kinh thành, còn gì bằng khi được thưởng thức Nhã nhạc cung đình tại đúng nơi mà nó được biểu diễn xưa kia. Ngoài những hoạt động chủ đạo như trên thì Huế cũng đã có nhiều chính sách khác nhau thu hút khách du lịch, tăng cường chất lượng phục vụ dể giữ chân khách vào những lần sau. Tuy vậy có một thực tế đáng buồn là hơn 2/3 di tích thuộc Quần thể di tích cố đô Huế đã bị hư hại hoặc biến mất hoàn toàn do ảnh hưởng của thời gian và chiến tranh. Số liệu thống kê năm 1982 cho thấy hơn một nửa trong tổng số 147 công trình ở khu vực Đại Nội, nơi tập trung các cung điện nguy nga tráng lệ nhất, đã trở thành phế tích; hầu hết các kiến trúc gỗ còn lại đều bị mối mọt hủy hoại. Hiện nay, hơn 45.000 m2 mái lợp bị thấm dột, khung chịu lực của hơn 60% hạng mục công trình không còn giữ được vai trò liên kết; 10.000m tường của Kinh thành và Phòng thành đang bị lở và lún nghiêng; 15km trong tổng số 42km đường trong các di tích không sử dụng được; 30 trên 46 chiếc cầu bị hỏng mố, lở vòm; 20 trên 40 hồ trong các di tích bị lấp cạn; 8.000m kè các hồ bị lở sập làm cho việc cấp thoát nước bị tắc nghẽn; 60 khu vườn bị hoang phế, cảnh quan nhiều khu vực bị xâm hại, nhiều chi tiết bằng gỗ đang bị mối mọt tàn phá rất nhiều…. Các công trình hiện tại phần lớn là được sửa chữa hay xây dựng lại với mục đích bảo tồn, giữ gìn về mặt kiến trúc. Ngoài việc hư hại các công trình di tích thì vấn đề ô nhiễm môi trường khu vực tham quan cũng rất đáng quan tâm, nhất là những khu vực có bán hàng rong thì rác bẩn do du khách mua hàng thải lại rất nhiều, gây mùi hôi và mất đi mĩ quan khu vực di sản. Việc bảo tồn di tích là hết sức cần thiết. Chỉ đạo công tác bảo tồn, trùng tu là Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, chịu trách nhiệm thực hiện là Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế. Trung tâm này đã cho trùng tu lại nhiều công trình, trong đó nhiều nơi thu hút rất nhiều du khách. Cụ thể đã cho trùng tu lại Duyệt Thị Đường – nơi được xem là nhà hát cổ nhất còn lại của nền sân khấu Việt Nam. Một năm sau thì Minh Khiêm Đường cũng đã được sửa chửa để làm nơi tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống cung đình Huế. Những nhà hát cổ của Huế đã sáng đèn, sống lại một không gian xưa với tiếng đàn, tiếng hát, với những giá trị tuyệt vời của âm nhạc truyền thống Huế. Tuy vậy vì muốn giữ gìn sự nghiêm trang cho nhà hát Minh Khiêm Đường và để cho mọi du khách đều có thể nhìn ngắm nhà hát cổ xưa nhất của Huế, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã chuyển vị trí biểu diễn âm nhạc truyền thống Huế về Xung Khiêm Tạ - một công trình kiến trúc trên hồ Lưu Khiêm. Ở đây có không gian thoáng mát, phong cảnh nên thơ, tiếng đàn tiếng hát của các nghệ sĩ, ca sĩ thuộc Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế vang lên đã đem đến cho du khách những giây phút tuyệt vời, hoà mình cùng thiên nhiên trong lời ca, tiếng đàn. Ngoài ra Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế còn cho tu bổ các lăng tẩm của các vua, hồi phục các tranh trang trí trên tường trong cung cùng nhiều di tích khác. Bên cạnh những mặt được như trên thì công tác bảo tồn di tích ở đây cũng còn nhiều vấn đề bất cập, nhiều di tích bị hư hỏng hoàn toàn không thể phục hồi, lại có di tích bị sử dụng sai mục đích làm mất đi tính lịch sử và giá trị vốn có của nó. Sự thật là các cơ quan chức năng vẫn chưa giải quyết tốt nhất việc khai thác Quần thể kiến trúc Cố đô Huế phục vụ cho du lịch, làm lu mờ đi nét độc đáo của các di tích. Tiêu biểu có thể kể đến Lầu Tứ Phương Vô Sự, trước kia là nơi dành riêng cho vua ngắm cảnh, các hoàng tử công chúa học tập, dù đã tốn nhiều thời gian và kinh phí để tôn tạo lại nhưng thay vì giữ vững và phát huy nét văn hóa của nó thì lại biến nơi đây thành quán cà phê phục vụ cho kinh doanh. Được biết việc kinh doanh buôn bán trong khi vực di sản là điều cấm kị, chưa kể đây là nơi linh thiêng, thờ cúng vì thế mà quán cà phê trên mọc lên đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận xã hội mà trước hết là đánh mất đi sức thu hút đối với du khách. Lầu Tứ Phương Vô Sự đã được cho thuê trong vòng 3 năm, mỗi năm là 200 triệu đồng, nhiều du khách tỏ ra phẫn nộ khi muốn vào tham quan di tích cũng không thể. Đây được xem là một vấn đề khá nhạy cảm, gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều, bên cho thuê thì bảo rằng mở quán cà phê chỉ là muốn đáp ứng nhu cầu của du khách, không gây tổn hại đến di tích trong khi bên phản đối thì cho rằng đây là hành động không thể chấp nhận, đã lạm dụng di tích đánh đổi lợi ích văn hóa để lấy lợi ích kinh tế. Được biết công trình này do ảnh hưởng của chiến tranh vào năm 1968 mà đã bị xuống cấp nghiêm trọng nên Trung tâm bảo tồn di tích Huế đã cho tu sửa trong thời gian từ cuối năm 2008 đến 9/2010, kinh phí là hơn 9 tỉ đồng. Thiết nghĩ 9 tỉ đồng không hề là một con số nhỏ, 3 năm thuê để mở quán cà phê là 600 triệu đồng nhưng liệu rằng sau 3 năm kinh doanh, buôn bán như vậy Lầu Tứ Phương Vô Sự có còn được “yên ổn”, phải chăng cần đến chục tỉ đồng nữa để trùng tu lại? Việc kinh doanh trong di sản thế giới có được phép, kinh doanh tại chốn cung đình xưa cổ có là điều nên làm? Quả thật, giữa bảo tồn và lợi ích kinh tế luôn là một xung đột khó giải quyết. Một di tích khác là hồ Tịnh Tâm - trước kia là nơi thượng uyển của vua Gia Long, được xem là một thành tựu tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc cảnh quan Việt Nam, được công nhận là một di sản văn hóa năm vào 1999 thì giờ đây lại trở thành ao trồng rau muống, Hổ Quyền - Voi Ré là đấu trường hổ duy nhất còn sót lại của Châu Á thì nay cũng xuống cấp nghiêm trọng, nhiều bậc thang bị gáy, thành bị nứt… không chỉ do sự thay đổi theo thời gian mà ngay đến cả người dân cũng lấn chiếm đất trái phép vào khu vực này. Ngoài ra còn có Võ Thánh Miếu, Bia Quốc Học cùng nhiều công trình khác cũng đang xuống cấp nghiêm trọng, nhiều khu vực cỏ lên um tùm, nắng mưa bào mòn. Nhiều du khách khi đến thăm những địa danh trên không khỏi bàng hoàng, ngạc nhiên khi phải chứng kiến những di tích bị xuống cấp hay bị lấn chiếm vô tội vạ như vậy nhất là với du khách nước ngoài, họ hoàn toàn “sốc” và không chấp nhận được cảnh tượng đó. Phải thấy được rằng Quần thể di tích cố đô Huế là một di sản mang tầm thế giới và cũng đã được thế giới công nhận về giá trị thẩm mĩ, kiến trúc, lịch sử…Điều mà du khách cảm thấy hào hứng nhất khi đến đây chính là được tham quan các công trình kiến trúc ghi dấu ấn một thời kì dài trong lịch sử phong kiến, được tìm hiểu về cuộc sống của các vua chúa, quan lại thời xưa, được quan sát, tìm hiểu về những nét đặc sắc trong lối kiến trúc cung đình xưa cổ…Vì vậy cũng không có gì lạ khi hệ thống di tích ở đây khi bị xuống cấp, hư hỏng, công tác trùng tu tốn kém nhưng không hiệu quả, tính văn hóa lịch sử bị mất đi như vậy thì sức hút du lịch của di sản cũng vì thế mà giảm hẳn. Việc các di tích thuộc Quần thể di tích cố đô Huế đang bị hư hại, xuống cấp ngoài lí do thời gian và ảnh hưởng của chiến tranh thì còn nhiều lí do khác nữa. Việc khai thác di sản phục vụ cho phát triển du lịch bên cạnh những mặt tích cực thì cũng có những mặt trái khó tránh khỏi. Hàng ngày các di tích đều mở cửa đón du khách tham quan, mặc dù có tại nhiều nơi có ghi rõ là không được leo trèo, chạm vào di tích nhưng tình trạng đó vẫn diễn ra làm hư hại các di tích rất nhiều. Có nhiều trường hợp chọc phá, không có thái độ tôn trọng nơi linh thiêng hay giữ gìn di tích, ý thức trách nhiệm không có. Chỉ cần mỗi người leo trèo, chạm phá một chút, ngày nào cũng vậy, đoàn khách này đến đoàn khách khác thì chỉ cần thời gian ngắn thôi các di tích sẽ xuống cấp không kiểm soát và cứ hư lại tu sửa thì biết bao nhiêu kinh phí mới đủ. Nói ở đây để thấy thực trạng khai thác di sản để phục vụ du lịch Huế vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm xem xét, nhất là công tác bảo tồn di tích. Được biết nhờ nỗ lực của chính quyền, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế mà công tác bảo tồn, trùng tu cũng đã có một số kết quả đáng khích lệ như hơn 80 công trình di tích và cơ sở hạ tầng có mức độ hư hỏng khác nhau đã được tu bổ, Di sản văn hóa Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp. Việc bảo tồn và phát huy Di sản Văn hóa Huế không còn là việc riêng của những người làm công tác văn hóa mà trở thành trách nhiệm chung, sự quan tâm chung của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và cộng đồng. Thực tế hoạt động của di tích Huế cho thấy, đầu tư cho văn hóa, cho di tích chính là đầu tư cho phát triển; di sản văn hóa không những là tài sản tinh thần vô giá đối với đất nước mà còn là một nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững. Có thể thấy việc khai thác một di sản để phục vụ phát triển du lịch nhưng vẫn phải đảm bảo việc bảo vệ, trùng tu không phải là chuyện dễ dàng. Ngoài vấn đề bảo tồn khỏi ảnh hưởng thời gian thì các di tích của quần thể di tích cố đô Huế còn chị sự tàn phá của mưa lũ miền Trung. Mỗi đợt mưa lũ như vậy hầu như các hoạt động du lịch đều bị đóng băng vì phải tiến hành che tủ các di tích như Phu Văn Lâu, Ngọ Môn, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị… để tránh bị hư hại. Những tưởng việc mưa nhiều và kéo dài của khí hậu Huế sẽ gây khó khăn cho du lịch ở Kinh Thành Huế nhưng các công ty du lịch ở đây đã biết cách tận dụng mùa mưa và biến nó thành một trong những hình thức du lịch thu hút ở Huế. Nhiều người rất thích cảm giác đắm mình trong trời mưa, ngắm bức tranh cố cung trầm mặc để trở về với những hoài niệm ngày xưa, để chiêm nghiệm, triết lí. Các du khách phương Tây đến vào mùa này cũng rất nhiều bởi họ cũng muốn trải nghiệm những cơn mưa của xứ nhiệt đới trong lúc ngắm cảnh. Các công ty du lịch ở Huế cũng đã sớm nắm bắt nhu cầu du khách và tổ chức nhiều hoạt động vào mùa mưa tại khu Quần thể di tích cố đô Huế. Vì mưa nên các hoạt động tham quan ngoài trời sẽ khó tổ chức hơn, ngược lại các hoạt động trong nhà lại rất phong phú như thiền định, tĩnh tâm, thưởng thức âm nhạc, thơ ca, kịch… Ngọ Môn, Phú Văn Lâu, Duyệt Thị Đường… lất phất trong mưa luôn tạo nguồn cảm hứng cho du khách thưởng ngoạn, chụp ảnh…Có thể thấy các công ty du lịch đã biết cách khắc phục mùa “ảm đạm” của du lịch Huế bằng những hoạt động rất thú vị và thu hút, khai thác tối đa tiềm năng du lịch của di sản. IV. Giải pháp bảo tồn và khai thác di sản phục vụ cho phát triển du lịch. Như đã nói ở trên việc bảo tồn các di sản là một công việc quan trọng và mang tính cấp thiết, bởi đây không chỉ đơn thuần là di sản trong nước nữa mà đã vượt ra mang tính toàn cầu, là niềm vinh dự và tự hào của người dân Việt Nam. Phải thừa nhận rằng việc một di sản được UNESCO công nhận là một niềm vinh dự lớn, di sản đó sẽ được quan tâm, chú trọng nhiều hơn ở công tác bảo tồn nhưng đồng thời cũng sẽ khai thác nhiều hơn phục vụ cho mục đích du lịch. Việc khai thác như vậy không có gì là xấu nếu chúng ta vừa khai thác vừa tôn tạo, trùng tu, có ý thức bảo vệ di sản. Đối với quần thể di tích cố đô Huế kể từ khi được công nhận là di sản văn hóa thế giới vào 11/12/1993 đã thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan, chiêm ngưỡng, cũng chính vì vậy mà di sản có nguy cơ hư hại nhanh chóng hơn. Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cũng đã thực hiện nhiều biện pháp để có thể bảo tồn di tích này. Cụ thể Trong giai đoạn từ 2006-2010, trung tâm đã tiến hành tu bổ nhiều công trình trọng điểm có giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc tiêu biểu và có quy mô lớn với tổng kinh phí từ các nguồn trong nước và tài trợ quốc tế trên 202 tỉ đồng. Điển hình là công trình hệ thống Trường Lang, tổng thể lăng Đồng Khánh, lăng Gia Long, lăng Thiệu Trị, cung Trường Sanh, nội thất cung An Định, Hiển Đức Môn, lầu Tứ Phương Vô Sự, điện Long An…Trung tâm cũng đã chủ động đẩy mạnh quan hệ hợp tác với trên 20 tổ chức quốc tế và phi chính phủ. Qua đó tiếp nhận được sự ủng hộ giúp đỡ nhiều mặt về tài chính, phương tiện kỹ thuật, tri thức khoa học như: Trùng tu Ngọ Môn do chính phủ Nhật Bản tài trợ, Thế Miếu do Chính phủ Ba Lan tài trợ, chương trình nghiên cứu di tích Huế và nghiên cứu phục nguyên điện Cần Chánh phối hợp với Viện Di sản Đại học Waseda - Nhật Bản, dự án bảo tồn phục hồi nội thất ở cung An Định phối hợp với Hiệp hội Trao đổi Văn hóa Leibniz ( Đức) …Bên cạnh việc đạt được những thành công đáng khích lệ như vậy thì tình trạng xuống cấp, hư hại các di tích vẫn diễn ra. Đứng trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010- 2020”, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 13/5/2011 đã bắt đầu triển khai thực hiện đề án này. Mục tiêu cụ thể được đặt ra ở đây là bảo tồn, tôn tạo hệ thống các di tích trong quần thể cố đô Huế, nhằm phát huy tối đa các lợi thế và tiềm năng, tạo sự hấp dẫn cho khách tham quan du lịch; trùng tu, tôn tạo và phục hồi những công trình di tích có giá trị tiêu biểu. Về cơ bản, đến năm 2020 phục hồi hoàn nguyên toàn khu vực Đại Nội theo kiến trúc Hoàng Thành trước kia; cải thiện, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên khu vực Kinh Thành, các Lăng tẩm và các công trình thuộc quần thể di tích Cố đô Huế; xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng những điểm di tích; di dời giải toả các hộ dân ra khỏi khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích. Kế hoạch trên được chia thành 3 giai đoạn cụ thể và thực hiện lần lượt : Giai đoạn I (từ năm 2010 đến năm 2012), Giai đoạn II (từ năm 2013 đến năm 2017), Giai đoạn III (từ năm 2018 đến năm 2020). Có rất nhiều giải pháp bảo tồn, tôn tạo di tích đã được đề cập đến trong kế hoạch trên như:  Thực hiện việc thống kê, kiểm soát số lượng di tích hiện còn tồn tại và cả những di tích đã mất, cắm mốc khoanh vùng khu vực các di tích để tránh tình trạng nhà dân chen lấn đất di tích trái phép. Song song với đó là thống kê số hộ dân hiện đang ở gần các khu di tích để có các biện pháp tuyên truyền về việc bảo vệ di tích, thực hiện công tác dãn dân tại một số khu vực trọng điểm.  Bảo quản tất cả các di tích bị xuống cấp. Tiếp tục hoàn thành việc tu bổ các công trình đang dở dang, đặc biệt là các công trình trong khu vực Đại Nội và lăng tẩm các vua. Thực hiện công tác bảo quản và trùng tu này không hề đơn giản bởi cần có sự nghiên cứu, tìm hiểu thật kĩ về kiến trúc, vật liệu xây dựng, các họa tiết trang trí, thời gian xây dựng di sản…để có những phương pháp thực hiện hợp lí nhất. Công tác tìm hiểu nghiên cứu này rất quan trọng, bởi nếu làm bừa, làm ẩu không những không phục hồi được di tích mà còn khiến tình trạng hư hại trở nên nghiêm trọng hơn. Để làm tốt trước hết cần có sự phối hợp của các nhà khảo cổ học và các nhà bảo tồn di tích, hai lực lượng này phải liên kết mạnh mẽ với nhau, có trách nhiệm lập các kế hoạch phát triển địa phương nhằm đảm bảo việc bảo tồn di sản, xem đó là một phần trong công tác quy hoạch phát triển của thành phố và đất nước. Tiếp đến là các chính sách bảo tồn, phát triển di tích của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cũng như chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế, cần có những chính sách, biện pháp tích cực hơn nữa để bảo tồn di sản. Việc thực hiện các biện pháp ấy phải được tính toán, cân nhắc kĩ lưỡng và có kế hoạch rõ ràng.  Đặc biệt, việc bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đòi hỏi đội ngũ người thực hiện phải có trình độ chuyên môn, trình độ kỹ thuật và tay nghề cao có kiến thức về lịch sử, về mỹ thuật, tâm huyết, lòng kiên trì nhẫn nại, sự cẩn trọng trong quá trình bảo tồn di tích. Nó cũng rất cần lời động viên, tính khách quan và sự chia sẻ từ phía công luận.  Nên thành lập một đội thợ ổn định, có tay nghề cao và nhiều kinh nghiệm tiến hành bảo dưỡng thường xuyên và định kỳ các di tích đã được tu bổ. Có như vậy mới kéo dài được tuổi thọ của cá di tích và không lãng phí công sức, tiền bạc của lần tu sửa trước.  Xã hội hóa công tác bảo tồn di sản. Điều này có nghĩa rằng trách nhiệm bảo tồn di sản không chỉ của riêng chính quyền, của trung tâm bảo tồn, của các nhà khoa học, nhà khảo cổ mà là của cả xã hội. Toàn xã hội cần chung tay góp sức để bảo tồn niềm tự hào của đất nước, đơn giản chỉ cần thực hiện đúng các quy định như không trèo lên di sản, không sờ mó, đạp phá, không buôn bán, lấn đất trái phép vào khu vự di sản thì cũng đã góp công vào công tác bảo tồn di sản. Có thể tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về di tích Huế trong học đường, thi thiếu nhi vẽ tranh về di tích Huế, khuyến khích sưu tầm các tài liệu, hiện vật liên quan đến di tích…Nhiều tổ chức cá nhân cũng đã có nhiều đóng góp về mặt kinh phí để hỗ việc trùng tu, sửa chữa, đó cũng là một cách rất hiệu quả và thiết thực.  Thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học, tuyên truyền giáo dục, hợp tác đối ngoại, đào tạo nguồn nhân lực nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đặc biệt trong đó công tác tuyên truyền giáo dục có vai trò hết sức quan trọng. Thông qua tuyên truyền sẽ giúp mọi người có ý thức hơn trong vấn đề bảo vệ di sản, đánh giá được tầm quan trọng của di sản đối với dân tộc và đất nước.  Xây dựng hoàn chỉnh và nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các điểm di tích đồng thời cải thiện và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên trong khu có di sản.  Thường xuyên tổ chức các lễ hội trong khu vực có di tích như các kì Festival và một số lễ hội dân gian khác như lế hội Điện Hòn Chén, lễ tế miếu, lễ Vạn Thọ… điều này sẽ giúp thu hút khách du lịch đến với Quần thể kiến trúc cố đô Huế đồng thời là cơ hội để quảng bá hình ảnh di sản đến với du khách.  Công tác bảo tồn, tôn tạo di tích nên gắn với du lịch, bởi du lịch là ngành sử dụng di sản như một nhân tố không thể thiếu để phát triển du lịch. Du lịch làm cho di sản được biết đến nhiều hơn, được quan tâm nhiều hơn nhưng nếu không có những biện pháp bảo vệ tôn tạo đi kèm thì sẽ là nguyên nhân chính khiến cho di sản bị hư hại.  Có biện pháp ngăn ngừa và xử lí nghiêm minh đối với những trường hợp buôn bán, lấn đất trái phép vào khu vực di sản. Giải quyết vấn đề chia sẻ lợi ích trong phát triển du lịch.  Để huy động và phát huy có hiệu quả cao các nguồn lực trí tuệ và vật chất một cách có hiệu quả trong công tác bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh, vừa giữ gìn được di sản của dân tộc, vừa phát huy tác dụng giá trị của các di sản vào đời sống đương đại, thiết nghĩ cần nâng cao hơn nữa vai trò quản lý của các cơ quan công quyền, năng lực chuyên môn và ý thức trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn và ý thức pháp luật của mọi công dân, trước hết là những người trực tiếp làm công tác bảo vệ di sản.  Tổ chức thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế, đặc biệt là với tổ chức UNESCO, tranh thủ sự trợ giúp của quốc tế, của các chính phủ, các tổ chức phi Chính phủ và cá nhân người nước ngoài, quản lý và sử dụng đúng mục đích có hiệu quả mọi nguồn vốn đầu tư theo quy định của Nhà nước trong việc trùng tu, tôn tạo di tích Trên đây là những giải pháp mà chúng tôi nghĩ rằng sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, tôn tạo và giữ gìn những nét đặc sắc, văn hóa của Quần thể di tích cố đô Huế. Có giải pháp ở tầm vĩ mô nhưng cũng có giải pháp ở tầm vi mô, nghĩa là mỗi người chỉ cần có ý thức hành động đúng nhất là khi tham quan tại các di tích là cũng đã góp phần vào bảo vệ di sản của chúng ta rồi. Ở mức độ cảm tính, chúng ta có thể nhận thức được giá trị của việc bảo vệ di sản quan trọng và cần thiết như thế nào, nhưng thực tế khắc nghiệt của những gì đang xảy ra quanh chúng ta sẽ khiến chúng ta ngừng lại. Vấn đề gia tăng dân số, sự phát triền kinh tế xã hội, ô nhiễm môi trường, phát triển du lịch ồ ạt tại các di tích lịch sử… là những nguyên nhân gây nên tình trạng đáng báo động hiện nay về sự tồn tại lâu dài của các nguồn tài nguyên du lịch nhất là tài nguyên du lịch nhân văn. Làm sao để sử dụng di sản như một tài nguyên phục vụ cho phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hôi nhưng đồng thời không làm giảm đi những giá trị của di sản hay tệ hơn là làm di sản biến mất vẫn còn là một bài toán nan giải cho chính quyền, cơ quan quản lí và các bên hữu quan. Di sản của chúng ta là tất cả những gì chúng ta có được từ quá khứ, những gì mà chúng ta sống trong hiện tại và những gì mà chúng ta sẽ để lại cho các thế hệ tương lai. Nhưng di sản còn là cái hơn cả giá trị tồn tại giữa các thế hệ. Nó cũng là nguồn để phát triển tương lai và là công cụ cho sự phát triển kinh tế xã hội. Nó như là một đặc điểm để nhận biết một vị trí đặc biệt, một di sản văn hóa không chỉ là sự hiện thân của lịch sử mà còn là "nét đặc trưng" của cộng đồng, hàm chứa một tính cách độc đáo và một diện mạo riêng của mỗi vùng trong hệ thống thế giới ngày càng bị đồng hóa. Một nơi không có sự bảo tồn các di tích, di sản, không có môi trường xây dựng truyền thống và cảnh quan văn hóa, nơi đó có thể phát triển về mặt kinh tế nhưng sự phát triển này sẽ không bền vững lâu dài được và không có giá trị về mặt tinh thần. V. Đánh giá, nhận xét Quần thể di tích cố đô Huế là một trong những công trình kiến trúc đồ sộ nhất của thời kì phong kiến nhà Nguyễn. Giá trị của công trình này được đánh giá cao ở kiến trúc, lịch sử và cả văn hóa. Nó được xem là hiện thân của một thời kì lịch sử dân tộc, là công trình kết tinh của trí tuệ và tài năng của con người Việt Nam, thể hiện sự giao hòa giữa văn hóa Đông và Tây. Thực sự việc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của thế giới là một điều hoàn toàn xứng đáng. Trước kia, khi chưa được công nhận thì Quần thể di tích cố đô Huế gần như bị quên lãng, người ta chỉ nhắc tới nó như là những công trình còn sót lại từ thời nhà Nguyễn, hầu như không có ai đến thăm trừ những nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Nhưng từ khi được công nhận, Di sản này như được hồi sinh, nó đã được không chỉ du khách trong nước mà cả du khách quốc tế biết đến rất nhiều. Di sản đã trở thành một trong những điểm thu hút du lịch không chỉ của riêng Huế mà còn là của cả nước. Chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung vào việc khai thác di sản phục vụ cho mục đích phát triển du lịch, Quần thể di tích cố đô Huế đã góp phần thúc đẩy nghành du lịch của Huế phát triển, du lịch giờ đây là một trong những ngành đóng góp nhiều nhất cho GDP của tỉnh Thừa Thiên Huế. Cái gì cũng luôn tồn tại tính hai mặt của nó, du lịch cũng vậy. Du lịch phát triển đã giúp đưa hình ảnh của Quần thể di tích cố đô đến với du khách trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao vị thế và giá trị của di sản nhưng cũng vì du lịch mà di sản cũng hư hại xuống cấp nhanh hơn. Nói ở đây không phải là đổ lỗi cho du lịch đã làm hư hỏng các di tích nhưng phải thừa nhận rằng một di tích đã có từ lâu như Quần thể di tích cố đô Huế cộng thêm tác hại của thời gian nếu chỉ biết mở cửa đón du khách tham quan, thưởng ngoạn mà không có những biện pháp ngăn chặn những ảnh hưởng xấu cũng như những hoạt động bảo tồn, trùng tu, sửa chữa thì việc di sản hư hại nhanh chóng cũng là điều dễ hiểu. Hiện nay việc làm thế nào để thu hút du lịch tới tham quan di sản nhưng đồng thời phải bảo tồn và không làm giảm đi giá trị của di sản là một vấn đề được cả xã hội quan tâm. Quần thể di tích cố đô Huế vì có tới 300 di sản, phân bố trên một diện tích khá rộng lại bị hư hại do ảnh hưởng của thời gian và chiến tranh nên công tác bảo tồn gặp rất nhiều khó khăn. Thiết nghĩ chính quyền, đội ngũ các nhà khoa học, nhà khảo cổ, các kiến trúc sư ... cần có những biện pháp tích cực hơn nữa để tăng hiệu quả cho việc bảo tồn di tích. Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới không chỉ là niềm tự hào của riêng Huế mà của cả Việt Nam. Nó đem đến những cơ hội để phát triển du lịch cho nước nhà nhưng đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt cho vấn đề bảo tồn, trùng tu và gìn giữ nét nguyên bản của di tích. Di sản không đơn thuần là những cái đẹp mà đó còn là kết tinh của những truyền thống dân tôc, của lịch sử, của văn hóa…Giữ gìn di sản là giữ gìn phần hồn tốt đẹp cho những thế hệ tương lai, lưu giữ những kí ức lịch sử quý giá của cả một dân tộc. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Vũ Thế Bình (CB), Non nước Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, 2008 2. Lê Tuấn Anh (CB), Di sản thế giới ở Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, 2005 3. PGS.TS.Lê Thông – PGS.TS.Nguyễn Minh Tuệ, Địa lí du lịch Việt Nam, NXB Giáo dục Việt Nam, 2010. 4. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Giáo Dục, 1999. 5. Báo cáo “Bảo tồn bền vững, phát triển vững chắc cho di sản văn hóa thế giới Huế”, tác giả Phùng Phu và Nguyễn Văn Phúc thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. 6. Các trang web:  www.khamphahue.com.vn  www.go news.com  www.tapchisonghuongonline.com  www.mientrung.com  www.hue360.com  www.huedisan.com  www.kenhdulichvietnam.com PHỤ LỤC  Một số hình ảnh về Quần thể di tích cố đô Huế: Hình 1: Hoàng thành Huế Hình 2: Cổng Ngọ Môn Hình 3: Tử Cấm Thành Hình 4: Phu Văn Lâu Hình 5: Quốc Tử Giám ở Huế Hình 6: Chùa Thiên Mụ Hình 7:Bảo tàng Mĩ thuật cung đình Huế Hình 8: Sân Đại Triều Nghi Hình 9: Điện Voi Ré Hình 10: Điện Thái Hòa Hình 11: Cung Diên Thọ Hình 12: Cung Trường Sanh Hình 13: Xưng Khiêm Tạ Hình 14: Ứng lăng ( thờ vua Khải Định) Hình 15: Hưng Miếu (thờ song thân vua Gia Long) Hình16: Hiếu lăng (thờ vua Ming Mạng) Hình 17: Hổ quyền Hình 18: Điện Phụng Tiên Hình 19: Thái miếu (thờ 9 chúa Nguyễn) Hình 20: Kinh thành Huế về đêm Hình 21: Bên trong lăng Khải Định BẢNG PHÂN CÔNG LÀM VIỆC NHÓM  Thành viên nhóm G6: 1. Võ Thị Thủy (Nhóm trưởng) 0956080173 2. Đặng Thị Dạ Thảo 0956080150 3. Nguyễn Thu Thảo 0956080158 4. Trần Thụy Thùy Trang 0956080191 5. Huỳnh Nguyễn Thùy Linh 0956080080 6. Lê Thi Bích Trâm 0956080195 Công việc Thành viên thực hiện 1. Thảo luân, phát thảo đề cương bài làm Cả nhóm G6 2. Đọc, tìm kiếm thông tin trên mạng Internet Thu Thảo, Dạ Thảo, Thùy Trang 3. Đọc, tìm kiếm thông tin từ sách báo thư viện Võ Thị Thủy, Bích Trâm, Thùy Linh 4. Tập hợp tài liệu từ nguồn mạng Dạ Thảo 5. Tập hợp nguồn tài liệu từ sách báo Võ Thị Thủy 6. Tìm kiếm hình ảnh Dạ Thảo, Thùy Trang, Bích Trâm 7. Thực hiên Powerpoint Thùy Linh 8. Chỉnh sửa Word Võ Thị Thủy

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfqug6_7231.pdf