Đối với hình thức thuê tài chính:
Bên thuê ghi nhận tài sản thuê tài chính là tài sản và tương ứng nợ phải trả trên Bảng cân đối kế toán với cùng một giá trị bằng với giá trị hợp lý của tài sản thuê hoặc giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu tại thời điểm khởi đầu thuê
Các khoản tiền thuê phải trả từng kì sẽ được chia làm hai phần: phần gốc và phần lãi. Phần gốc sẽ được hạch toán giảm dần số nợ dài hạn phải trả, còn phần lãi sẽ được tính vào chi phí tài chính tương ứng của từng kì
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Quyết định thuê hay mua tài sản, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ
KHOA TÀI CHÍNH
BÀI TẬP NHÓM
MÔN: TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP
Đề tài:
QUYẾT ĐỊNH THUÊ HAY MUA TÀI SẢN
Giáo viên hướng dẫn : PGS.TS NGUYỄN HÒA NHÂN
Nhóm sinh viên thực hiện : Nhóm 8
Đặng Thị Xuân Thùy – 40k24
Bùi Thị Út Hậu – 40k15
Đỗ Thị Ngọc Duyên – 40k15
Đoàn Thị Kim Trinh – 40k07
Nguyễn Thị Thanh Trúc – 40k07
Võ Thị Thanh Tuyền – 40k07
Đinh Thị Thu Uyên – 40k07
Đà Nẵng, tháng 10 năm 2016
MỤC LỤC
LỜI MỞ ĐẦU
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam đã “thay da đổi thịt”, ban đầu là sản xuất theo dây chuyền công nghệ cũ lạc hậu thì ngày nay họ đã bắt kịp với thời đại công nghệ; những dây chuyền sản xuất mới hiện đại được đưa vào sản xuất, giảm lao động chân tay, nâng cao hiệu quả cho doanh nghiệp. Đó là một ví dụ về quyết định đầu tư tài sản cố định của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với nguồn vốn hạn chế và việc huy động vốn khó khăn thì không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ khả năng sở hữu và tiếp cận công nghệ mới. Để giải quyết vấn đề đó, thuê tài sản đã ra đời. Thuê tài sản là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ nhưng đây là một phương thức tài trợ vốn thích hợp, góp phần đa dạng hóa các loại hình tín dụng trung, dài hạn của doanh nghiệp, góp phần tháo dỡ những khó khăn về vốn, thúc đẩy nhanh quá trình đổi mới máy móc, thiết bị và công nghệ, thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Với đề tài “Quyết định thuê hay mua tài sản” nhóm 8 sẽ giúp các bạn hiểu được lợi ích của việc thuê tài sản, phân biệt được các loại thuê tài sản và làm rõ sự lựa chọn nên mua hay thuê tài sản thông qua việc tính toán lợi ích cụ thể và chi phí cũng như chú ý thêm các lợi ích khác của việc thuê tài sản thay vì mua.
Khái niệm thuê tài sản
Thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa bên cho thuê và bên đi thuê về việc bên cho thuê chuyển quyền sử dụng tài sản cho bên thuê trong một khoảng thời gian nhất định để được nhận tiền cho thuê một hoặc nhiều lần.
Về mặt pháp lý, thuê tài sản được thể hiện qua hợp đồng thuê phản ánh quyền và nghĩa vụ của mỗi một bên; như bên thuê có quyền sử dụng tài sản và bảo quản tài sản.
Về mặt kinh tế, một hợp đồng kinh tế sẽ mang lại lợi ích cho các bên; bên cho thuê sẽ thu được lợi ích kinh tế từ việc thu tiền cho thuê; bên thuê hy vọng sẽ thu được lợi ích (lợi nhuận) từ việc sử dụng tài sản và xem đây như là một giải pháp huy động vốn.
MUA TÀI SẢN
Nhà sản xuất tài sản
DN
Sử dụng tài sản
Sở hữu tài sản
DN A sắp xếp tài sản và mua tài sản từ nhà sản xuất
Bên cho thuê
Sở hữu tài sản
Không sử dụng tài sản
Bên thuê (DN)
Sử dụng tài sản
Không sở hữu tài sản
Bên cho thuê sắp xếp nguồn lực và mua tài sản
DN A thuê tài sản từ bên cho thuê
Nhà sản xuất tài sản
THUÊ TÀI SẢN
Với hợp đồng thuê, công ty sẽ có một phương án khác để có tài sản sử dụng thay vì mua sắm tài sản. Hơn thế nữa, với việc thuê tài sản công ty cũng một lúc ra hai loại quyết định đầu tư và quyết định nguồn vốn. Điều kiện này giúp công ty đạt được mục tiêu có tài sản sử dụng trong điều kiện hạn chế nguồn vốn. Chúng ta có thể so sánh giữa việc mua và thuê tài sản qua hình sau:
Phân loại
Thuê tài sản được phân loại là thuê tài chính nếu nội dung hợp đồng thuê tài sản thể hiện việc chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền quyền sở hữu tài sản. Thuê tài sản được phân loại là thuê hoạt động nếu nội dung của hợp đồng thuê tài sản không có sự chuyển giao phần lớn lợi ích rủi ro gắn liền với quyền sở hữu tài sản.
Thuê hoạt động
Thuê hoạt động là thuê tài sản mà bên cho thuê không có sự chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu tài sản. Một hợp đồng thuê hoạt động là một hợp đồng thuê ngắn hạn và bên thuê được quyền kết thúc hợp đồng trước thời hạn.
Các đặc điểm của hợp đồng thuê hoạt động.
Thứ nhất phần tiền trả cho thuê hoạt động thường không đủ bù đắp lại chi phí đã mua tài sản. Một nguyên nhân trước hết cho việc này là thuê hoạt động thường chỉ trong ngắn hạn. Vì vậy, thời gian thuê sẽ ngắn hơn rất nhiều so với tuổi thọ kinh tế của tài sản và tiền thuê chỉ thanh toán một phần nhỏ chi phí ban đầu của tài sản. Bên cho thuê trong hợp đồng cho thuê hoạt động mong muốn cho thuê tiếp tài sản hoặc bán tài sản khi hợp đồng thuê kết thúc.
Thứ hai, bên cho thuê vẫn bảo dưỡng tài sản. Bên cho thuê cũng chịu trách nhiệm về nộp thuế và bảo vệ tài sản, cùng mọi rủi ro và sự sụt giảm giá trị của tài sản.
Mặt khác, bên cho thuê được hưởng tiền thuê và sự gia tăng giá trị của tài sản hay những quyền lợi do quyền sở hữu tài sản mang lại như: những ưu đãi giảm thuế lợi tức, thuế doanh thu và những khoản khấu trừ do sự sụt giảm giá trị tài sản mang lại
Thứ ba, có lẽ đáng quan tâm nhất đó là quyền lựa chọn có thể kết thúc hợp đồng thuê hoạt động. Quyền lựa chọn này cho phép bên đi thuê có thể kết thúc hợp đồng thuê trước thời hạn. Nếu quyền này được thực hiện thì bên đi thuê sẽ trả lại tài sản cho bên cho thuê và ngừng trả tiền thuê. Giá trị của điều khoản kết thúc hợp đồng phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế và kỹ thuật mà làm cho giá trị của tài sản trong hợp đồng thuê thấp hơn hiện giá của các khoản tiền thuê tương lai.
Thứ tư, khi kết thúc thời hạn thuê, bên cho thuê tài sản toàn quyền quyết định việc sử dụng tài sản của mình, như có thể nhượng bán, cho người khác thuê hoặc kéo dài, gia hạn hợp đồng thuê với người đang thuê theo yêu cầu.
Quyền và nghĩa vụ các bên liên quan
Bên cho thuê
Nắm quyền sở hữu tài sản và đem cho thuê trong thời hạn ngắn.
Cung cấp toàn bộ các dịch vụ vận hành và mọi chi phí phục vụ sự hoạt động của tài sản.
Chịu mọi rủi ro và thiệt hại liên quan đến tài sản cho thuê.
Có thể gia hạn hợp đồng và định đoạt tài sản khi kết thúc thời hạn thuê.
Bên thuê
Trả các khoản tiền thuê đủ để bù đắp các chi phí vận hành, bảo trợ.
Không chịu rủi ro và thiệt hại đối với tài sản đi thuê.
Có quyền hủy bỏ thỏa thuận bằng một thông báo ngắn gửi người cho thuê.
Thuê hoạt động là phương thức đã được sử dụng phổ biến trong đời sống kinh tế - xã hội và hoạt động kinh doanh của nước ta. Tuy nhiên, trong hợp đồng thuê hoạt động không dự kiến chuyển giao quyền sở hữu tài sản khi hết hạn thuê. Do vậy, thuê hoạt động không phải là giải pháp tài trợ cho việc mua tài sản cho tương lai. Một giải pháp tài trợ quan trọng cho việc mua tài sản của doanh nghiệp trong tương lai đó là thuê tài chính.
Thuê tài chính
Điều kiện
Một hợp đồng thuê tài sản là thuê tài chính nếu nội dung hợp đồng thuê tài sản thể hiện việc chuyển giao phần lớn lợi ích và rủi ro gắn liền với quyền sở hữu tài sản.
Một hợp đồng thuê tài sản được xếp vào thuê tài chính khi thỏa mãn một trong bảy tiêu chuẩn sau:
Chuyển giao quyền sở hữu tài sản:
Bên cho thuê chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho bên thuê khi hết thời hạn thuê hoặc nếu hợp đồng thuê hàm chứa một điều khoản về quyền lựa chọn mua tài sản với mức giá hợp lý của bên thuê.
Thời hạn thuê:
Thời hạn thuê phải đủ dài để bên thuê sẽ thu được lợi ích từ việc sử dụng tài sản thuê. Thời hạn thuê tài sản chiếm phần lớn thời gian sử dụng kinh tế của tài sản cho dù không có việc chuyển giao quyền sở hữu.
Thu hồi vốn đầu tư:
Bên cho thuê cần được đảm bảo sẽ thu hồi vốn đầu tư trong một hợp đồng thuê tài chính và đảm bảo sinh lời từ hoạt động cho thuê.
Tài sản thuê phải phù hợp với mục đích sử dụng của bên thuê:
Tiêu chuẩn này nhằm đảm bảo lợi ích của bên thuê, đảm bảo bên thuê thu được phần lớn lợi ích gắn liền với quyền sử dụng tài sản thuê.
Nếu bên thuê hủy hợp đồng thì đền bù tổn thất phát sinh liên quan đến việc hủy hợp đồng cho bên cho thuê:
Giá trị đền bù phải được xác định tương xứng với giá trị tổn thất mà bên cho thuê phải gánh chịu. Tiêu chuẩn này nhằm đảm bảo lợi ích của bên cho thuê. Bên thuê phải gánh chịu rủi ro một khi lợi ích và rủi ro đã được chuyển giao từ bên cho thuê cho bên thuê.
Thu nhập và tổn thất do có sự thay đổi hợp lý của giá trị còn lại của tài sản thuê gắn liền với bên thuê. Tiêu chuẩn này muốn nói rằng, bên thuê phải gánh chịu rủi ro này.
Bên thuê có thể lựa chọn tiếp tục thuê tài sản sau khi hết hạn hợp đồng thuê lần đầu với số tiền thuê thấp hơn giá trị thị trường. Tiêu chuẩn này nhằm bảo đảm lợi ích của bên thuê.
Như vậy, có thể thấy thuê tài chính cũng là một hình thức vay vốn, cũng là một phương thức tài trợ. Khi ký kết một hợp đồng thuê tài chính thì công ty sẽ nhận được tài sản mong muốn nhưng không bỏ ra khoản tiền nào để mua tài sản. Tuy nhiên, người đi thuê cũng phải cam kết trả các khoản tiền thuê định kỳ được quy định cụ thể trong hợp đồng thuê. Khoản tiền thuê này cũng giống như việc trả gốc lẫn lãi cho một khoản tiền đi vay. Vì vậy, dòng tiền của hợp đồng thuê tài chính và vay nợ cũng tương tự nhau.
Đối với các doanh nghiệp phi tài chính, việc sử dụng thuê tài chính có những điểm lợi sau:
Thuê tài chính là công cụ tài chính giúp doanh nghiệp tăng thêm vốn trung hạn và dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Sử dụng hình thức thuê tài chính giúp cho doanh nghiệp không phải huy động tập trung tức thời một lượng vốn lớn để mua tài sản do vậy với số vốn hạn chế doanh nghiệp vẫn có khả năng mở rộng hoạt động kinh doanh.
Sử dụng phương thức thuê tài chính giúp doanh nghiệp có thể dễ dàng trong việc huy động và sử dụng vốn vay.
Do đặc thù của thuê tài chính là người cho thuê không đòi hỏi người đi thuê phải thế chấp tài sản. Đây là một ưu thế rất lớn của thuê tài chính so với tín dụng thông thường.
Sử dụng thuê tài chính giúp doanh nghiệp thực hiện nhanh chóng dự án đầu tư, nắm bắt các thời cơ trong kinh doanh.
Trong phương thức thuê tài chính, người thuê có quyền chọn tài sản, thiết bị và thỏa thuận trước hợp đồng thiết bị với nhà sản xuất hay người cung ứng, sau đó mới yêu cầu bên cho thuê tài trợ, vì vậy sẽ rút ngắn thời gian tiến hành đầu tư vào tài sản, thiết bị. Mặt khác, các công ty cho thuê tài chính thường có mạng lưới tiếp thị, đại lý rộng rãi và có đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên sâu về thiết bị, công nghệ nên có thể tư vấn hữu ích cho bên đi thuê về kỹ thuật, công nghệ mà bên đi thuê cần sử dụng, đảm bảo cho các tài sản thuê phát huy tác dụng cao nhất trong hoạt động kinh doanh.
Giúp doanh nghiệp đi thuê nhanh chóng đổi mới thiết bị công nghệ.
Thông thường các tài sản cố định thuê tài chính có thời gian thu hồi vốn trong khoảng thời gian từ 60-70% thời gian sử dụng hữu ích của tài sản. Điều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đi thuê có thể thu hồi vốn nhanh, phục hồi kịp thời nhu cầu đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao không ngừng hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Thuê tài chính có khả năng thu hút nguồn vốn lớn từ bên ngoài thông qua việc vay vốn và nhập khẩu máy móc thiết bị.
Các doanh nghiệp khi muốn mua máy móc thiết bị của nước ngoài theo phương thức trả chậm thường phải đáp ứng nhu cầu của nhà cung cấp là phải có một ngân hàng đứng ra bảo lãnh. Đây là điều kiện không dễ thực hiện đối với nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu thông qua công ty cho thuê tài chính thì việc này được giải quyết một cách dễ dàng hơn. Ngoài ra, việc thu hút nguồn vốn từ bên ngoài dưới hình thức máy móc thiết bị thông qua công ty cho thuê tài chính sẽ hạn chế được việc nhập các thiết bị lạc hậu do có sự thẩm định của các chuyên gia trong công ty cho thuê tài chính.
Thuê tài chính là một phương thức tài trợ tín dụng trung và dài hạn, vì vậy nó cũng bộc lộ những hạn chế, đó là doanh nghiệp đi thuê phải chịu chi phí sử dụng sử dụng vốn ở mức tương đối cao so với tín dụng thông thường. Ngoài ra, do thời hạn thuê dài và không được phép hủy ngang hợp đồng, vì vậy bên thuê phải gánh chịu nhiều rủi ro như rủi ro về tài chính (sự biến động của tỷ giá hối đoái, lạm phát, lãi suất...); rủi ro về tài sản (sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, sự kết thúc chu kì sống của sản phẩm), về sự biến động của cơ chế chính sách của Nhà nước.
Quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan:
Bên cho thuê:
Có quyền yêu cầu bên thuê cung cấp đầy đủ, toàn bộ các báo cáo quý, năm về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh và các vấn đề liên quan đến tài sản thuê.
Được quyền sở hữu và đính ký hiệu sở hữu trên tài sản thuê tỏng suốt thời hạn cho thuê.
Được quyền sở hữu và đính ký hiệu sở hữu trên tài sản thuê trong suốt thời hạn cho thuê.
Có quyền yêu cầu bên thuê bồi thường mọi thiệt hại phát sinh do bên thuê không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo quản sữa chữa, thanh toán tiền bảo hiểm tài sản thuê trong thời hạn cho thuê.
Được quyền chuyển nhượng các quyền của mình trong hợp đồng cho một công ty cho thuê tài chính khác mà không cần sự đồng ý của bên thuê. Trong trường hợp này, công ty cho thuê tài chính phải thông báo trước bằng văn bản cho bên thuê.
Có quyền yêu cầu bên thuê đặt tiền ký quỹ bảo đảm cho hợp đồng hoặc yêu cầu có người bảo lãnh đối với bên thuê.
Có trách nhiệm đăng ký hợp đồng, làm thủ tục mua bảo hiểm đối với tài sản cho thuê.
Chịu trách nhiệm ký hợp đồng mua hàng, thanh toán tiền mua tài sản để cho thuê với bên cung ứng theo các điều kiện đã được thoả thuận trong hợp đồng mua hàng, công ty cho thuê tài chính không chịu trách nhiệm về tài sản không được giao hoặc giao không đúng với các điều kiện do bên thuê thoả thuận với bên cung ứng. Trường hợp tài sản thuê được nhập khẩu, công ty cho thuê tài chính có nghĩa vụ hoàn tất mọi thủ tục nhập khẩu cần thiết.
Thực hiện các nghĩa vụ của mình và phải bồi thường mọi thiệt hại cho bên thuê, trong trường hợp tài sản thuê không được giao đúng hạn cho bên thuê do công ty cho thuê tài chính vi phạm hợp đồng mua hàng.
Bên thuê:
Có quyền lựa chọn thương lượng và thoả thuận với bên cung ứng tài sản thuê về đặc tính kỹ thuật, chủng loại, giá cả, việc bảo hiểm, cách thức và thời hạn giao nhân, lắp đặt và bảo hành tài sản thuê.
Được trực tiếp nhận tài sản thuê từ bên cung ứng.
Trường hợp hợp đồng bị huỷ bỏ trước khi tài sản thuê được giao cho bên thuê do lỗi của bên thuê bên thuê phải hoàn trả mọi thiệt hại cho công ty cho thuê tài chính.
Phải sử dụng tài sản thuê theo đúng mục đích đã thoả thuận trong hợp đồng;
Phải chịu mọi rủi ro về mất hỏng đối với tài sản thuê và những rủi ro mà tài sản thuê gây ra cho bên thứ ba.
Phải chịu trách nhiệm bảo dưỡng, sữa chữa tài sản thuê trong thời hạn thuê;
Không được chuyển quyền sử dụng tài sản thuê cho bên thứ ba nếu không được công ty cho thuê tài chính đồng ý trước bằng văn bản;
Không được dùng tài sản thuê để cầm cố, thế chấp;
Bên thuê có nghĩa vụ trả tiền thuê đúng thời hạn được quy định trong hợp đồng và về nguyên tắc phải chịu các khoản chi phí có liên quan đến tài sản thuê như : chi phí nhập khẩu, thuế , chi phí đăng ký hợp đồng và tiền bảo hiểm đối với tài sản thuê.
Có nghĩa vụ hoàn trả tài sản thuê cho công ty cho thuê tài chính khi kết thúc thời hạn thuê và chịu mọi chi phí liên quan đến việc hoàn trả tài sản thuê, trừ trường hợp được quyền sở hữu, mua tài sản thuê hoặc tiếp tục theo quy định trong hợp đồng.
Ưu và nhược điểm của thuê tài chính
Ưu điểm:
- Cho thuê tài chính cho phép bạn sử dụng linh hoạt đồng vốn của mình vào mục đích khác, nhằm mang lại lợi ích nhiều hơn thay vì phải đầu tư vốn để mua tài sản cố định, giúp bạn tận dụng được cơ hội kinh doanh.
- Sử dụng cho thuê tài chính sẽ không làm ảnh hưởng tới hạn mức tín dụng của doanh nghiệp khi doanh nghiệp đi vay vốn ngân hàng.
- Cho thuê tài chính có phương thức thanh toán tiền thuê linh hoạt phù hợp với chu chuyển vốn của doanh nghiệp.
- Phí thuê tài chính được hạch toán vào giá thành sản phẩm giúp doanh nghiệp giảm nghĩa vụ đối với Ngân sách Nhà nước.
- Sử dụng tài sản thuê không nhất thiết phải có tài sản thế chấp.
- Cho thuê tài chính giúp bạn có nhiều cơ hội chủ động trong lựa chọn thiết bị, dễ dàng đổi mới công nghệ, tiếp cận và sử dụng những máy móc, thiết bị hiện đại nhất.., từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp tận dụng được cơ hội kinh doanh.
Nhược điểm:
- Doanh nghiệp đi thuê phải chịu chi phí sử dụng vốn ở mức tương đối cao so với tín dụng thông thường.
- Bên thuê phải gánh chịu nhiều rủi ro về tài chính: sự biến động tỷ giá hối đoái, lạm phát, lãi suất, rủi ro về tài sản: sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, sự kết thúc chu kì sống của tài sản, sự biến động của cơ chế chính sách Nhà nước.
Dưới đây là bảng so sánh giữa thuê hoạt động và thuê tài chính:
Tiêu thức so sánh
Thuê hoạt động
Thuê tài chính
Thời hạn thuê
Ngắn hạn
Trung và dài hạn
Quyền hủy ngang hợp đồng
Được phép
Không được phép
Trách nhiệm bảo trì, đóng bảo hiểm, thuế tài sản
Thuộc bên cho thuê
Thuộc bên đi thuê
Mức thu hồi vốn của một hợp đồng thuê
Tổng số tiền thuê của 1 hợp đồng nhỏ hơn nhiều so với giá trị tài sản
Tổng số tiền thuê ít nhất tương đương với giá trị tài sản
Chuyển quyền sở hữu hoặc bán tài sản
Không có thỏa thuận chuyển quyền sở hữu hoặc bán tài sản cho bên đi thuê
Có điều khoản thỏa thuận chuyển quyền sở hữu hoặc bán tài sản hoặc cho thuê tiếp
Trách nhiệm rủi ro liên quan đến tài sản
Bên cho thuê chịu phần lớn các rủi ro, chỉ trừ rủi ro do lỗi của bên đi thuê gây ra
Bên đi thuê chịu phần lớn các rủi ro.
Các loại tài sản thường dùng trong giao dịch
Máy photocopy, máy vi tính, ô tô, đồ đạc trong nhà, văn phòng
Bất động sản, xe lửa, tàu điện, máy bay, thiết bị văn phòng
Các lợi ích của việc thuê tài sản:
Lợi ích về thuế
Lợi ích về thuế của thuê tài sản tồn tại bởi vì những doanh nghiệp có những vị thế nộp thuế khác nhau. Lá chắn thuế nếu không được sử dụng hiệu quả ở doanh nghiệp này có thể chuyển sang một doanh nghiệp khác thông qua thuê tài sản.
Bất kỳ một lợi ích về thuế nào từ việc thuê tài sản có thể bị chia giữa hai doanh nghiệp bằng cách đặt ra những khoản trả tiền thuê ở những mức độ thích hợp và các cổ đông của cả hai doanh nghiệp có thể hưởng lợi về thuế thông qua sự sắp xếp này. Một công ty ở nhóm đóng thuế cao sẽ mong muốn là người cho thuê tài sản. Những công ty ở nhóm nộp thuế thấp sẽ là những người thuê bởi vì họ không có khả năng sử dụng lợi ích về thuế của chính họ.
Đối với thuê hoạt động, công ty thuê sẽ được một khoản lợi thuế vì chi phí thuê được tính vào chi phí trước khi xác định lợi nhuận nộp thuế. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là công ty chỉ được hưởng lợi từ lá chắn thuế khi công ty có lợi nhuận. Ngược lại công ty không thể giảm được chi phí thuê nhờ vào lá chắn thuế khi công ty bị lỗ.
Đối với thuê tài chính, công ty cho thuê hưởng lợi từ thuế do chi phí khấu hao tài sản được khấu trừ thuế, trong khi công ty đi thuê không được hưởng lợi từ điều này. Còn công ty đi thuê sẽ phải trả tiền thuê và như vậy được hưởng lợi từ tiết kiệm thuế do tiền thuê được khấu trừ trước khi nộp thuế. Như vậy cả hai bên đều nhận được lợi ích từ lá chắn thuế.
Giảm thiểu sự không chắc chắn
Chúng ta biết rằng bên đi thuê sẽ không sở hữu tài sản trong thời hạn thuê. Giá trị của tài sản lúc này gọi là giá trị còn lại (hay là giá trị thu hồi). Khi hợp đồng thuê được ký kết, sẽ có những sự không chắc chắn đáng kể về giá trị còn lại của tài sản là bao nhiêu. Một hợp đồng thuê tài sản là phương pháp chuyển sự không chắc chắn từ người đi thuê sang người cho thuê.
Việc chuyển giao sự không chắc chắn về giá trị còn lại của tài sản cho người cho thuê có ý nghĩa khi bên cho thuê là người có khả năng chịu đựng rủi ro tốt hơn. Chẳng hạn nếu bên cho thuê là nhà sản xuất thì bên cho thuê có khả năng đánh giá và quản lý rủi ro liên quan đến giá trị còn lại của tài sản tốt hơn. Việc chuyển giao sự không chắc chắn cho bên cho thuê chẳng khác nào là một dạng bảo hiểm cho bên đi thuê tài sản. Vì vậy, cho thuê tài sản còn cung cấp nhiều thứ khác bên cạnh tài trợ tài chính dài hạn. Dĩ nhiên bên đi thuê trả tiền cho khoản bảo hiểm này hoàn toàn, nhưng người đi thuê có thể xem khoản bảo hiểm này như một món hời.
Việc giảm thiểu sự không chắc chắn là một động lực cho thuê tài sản được nhiều công ty lấy làm lý do. Điều này đặc biệt quan trọng nếu ngành kinh doanh của bạn phải dựa nhiều vào các công nghệ tân tiến như thế hệ máy tính mới nhất, các công cụ truyền thông, dây chuyền công nghệ mới hoặc các thiết bị khác có thể bị lỗi thời nhanh chóng. Nhiều hợp đồng thuê ngắn hạn có thể sẽ tiết kiệm hơn là việc sau một hai năm lại mua thiết bị mới.
Chi phí giao dịch thấp
Những chi phí của việc thay đổi chủ sở hữu của một tài sản thường cao hơn nhiều so với chi phí của việc ký hợp đồng thuê. Chi phí giao dịch thấp chỉ có thể là nguyên nhân chính trong thuê tài sản ngắn hạn (hay thuê hoạt động).
Cụ thể như khi một doanh nhân sống ở Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh công tác trong hai ngày, thì việc thuê một phòng khách sạn trong hai ngày đó sẽ rẻ hơn việc mua một căn hộ trong hai ngày rồi bán lại nó.
Tính linh hoạt và có quyền hủy bỏ hợp đồng thuê
Các hợp đồng thuê tài sản với các điều khoản có thể hủy ngang giúp người đi thuê có thể phản ứng nhanh chóng trước những thay đổi của thị trường. Người đi thuê có thể thay đổi tài sản một cách dễ dàng hơn so với việc sở hữu tài sản. Điều này là đúng trong trường hợp đi thuê hoạt động. Còn đối với hợp đồng thuê tài chính thì việc hủy ngang hợp đồng thường dẫn tới việc phải trả các khoản tiền phạt.
Quyết định mua hay thuê tài sản
Khi nhu cầu về tài sản của một doanh nghiệp xuất hiện, nhà quản trị tài chính của doanh nghiệp cần cân nhắc giữa quyết định mua hay thuê tài sản này. Xét về bản chất, các quyết định này chính là sự so sánh giữa chi phí thuê tài sản và chi phí mua tài sản để từ đó đưa ra được quyết định phù hợp. Do đó, trong phần này chúng ta sẽ xem xét đến các chi phí khi đi thuê và mua tài sản. Bởi vì thuê hoạt động không ảnh hưởng nhiều lắm đến doanh nghiệp nên trong phần này chúng ta chủ yếu xem xét đến thuê tài chính.
Chi phí khi đi thuê tài sản
Giả sử tài sản thuê tài chính với:
Rt: khoản tiền thuê phải trả từng kì
n: số kì thuê
T: thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp
Kd: chi phí sử dụng nợ
Chi phí thuê tài chính là tổng giá trị hiện tại của chuỗi tiền thuê Rt mà công ty phải trả trong n kỳ với suất chiết khấu là chi phí sử dụng nợ. Bởi vì phần tiền thuê tài sản là một khoản chi phi phải trả cố định đối với công ty, nó được xem như một khoản thanh toán cố định cho một món nợ, vì vậy rủi ro của chi phí thuê tài sản được xem tương đương với rủi ro của một khoản nợ vay. Chi phí thuê tài chính được xác định bởi công thức sau:
Chi phí thuê TS=t=1nRt(1-T)(1+Kd)t
Ví dụ 1: Một công ty A cần một hệ thống máy tính mới. Hệ thống máy tính này có thể được thuê với với chi phí là $21.000 mỗi năm, tiền thuê được thanh toán ngay khi bắt đầu thuê, thời gian thuê 7 năm. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22%, chi phí sử dụng nợ sau thuế là 8%. Hãy xác định chi phí thuê thiết bị đó.
Trong ví dụ trên, ta có :
Rt=$21.000, n=7, T=22%, Kd=8%.
Chi phí thuê thiết bị=t=1721000(1-22%)(1+8%)t=$85280
Chi phí mua tài sản
Giả sử:
Vt: giá trị thanh lý của tài sản
V0: chi phí mua tài sản ban đầu
Dt: chi phí khấu hao từng giai đoạn
Mt: chi phí sửa chữa định kì
T: thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp
Kd: chi phí sử dụng nợ
K: chi phí sử dụng vốn trung bình của doanh nghiệp
Chi phí mua tài sản là tổng hiện giá của dòng tiền chi ra khi mua tài sản, chi phí bảo trì sửa chữa sau thuế trừ phần tiết kiệm thuế nhờ khấu hao (lá chắn thuế của khấu hao) và trừ khoản thu từ giá trị thanh lý tài sản.
Chi phí phát sinh trong quá trình sử dụng tài sản đã điều chỉnh lá chắn thuế của khấu hao được chiết khấu mức rủi ro thấp nhất là bằng chi phí sử dụng nợ. Giá trị thanh lý của tài sản vào cuối thời gian là một khoản thu có rủi ro gắn với hoạt động của công ty nên được chiết khấu với tỷ suất bằng chi phí sử dụng vốn trung bình có trọng số của công ty.
Chi phí mua tài sản=V0+t=1nMt1-T-TDt(1+Kd)t-(1-T)Vt(1+K)n
Ví dụ 2: Công ty A trong ví dụ 1 có thể mua một hệ thống máy vi tính với giá $100.000 để sử dụng ngay vào đầu năm. Hệ thống có tuổi thọ kinh tế 7 năm, thời gian khấu hao 5 năm, chi phí khấu hao hàng năm là $20.000. Giá trị thanh lý tài sản dự kiến sau khi trừ thuế thu được vào cuối năm 7 là $20.000. Nếu A mua hệ thống này, chi phí bảo trì công ty phải theo hợp đồng cố định vào cuối mỗi năm là $6.000 trong vòng 6 năm. Chi phí sử dụng nợ sau thuế là 8%, chi phí sử dụng vốn bình quân là 12%. Xác định chi phí khi mua tài sản này.
Trong ví dụ trên, ta có:
Vt=$20.000, V0=$100.000, Dt=$20000, Mt=$6000, T=22%, Kd=8%, K=12%
Chi phí mua tài sản=100.000+t=166000*1-22%(1+8%)t-t=1520000*22%1+8%t-200001+12%7=$95.020
Chi phí mua tài sản thể hiện trong bảng sau: (Đơn vị tính: USD)
Năm
0
1
2-5
6
7
Giá mua tài sản
100.000
CP bảo trì sau thuế Mt(1-T)
4.680
4.680
4.680
Lá chắn thuế của khấu hao Dt*T
4.400
4.400
Giá trị thanh lý ròng
20.000
Ngân lưu ròng
100.000
280
280
4.680
-20.000
Chi phí mua: 95.020
Quyết định mua hay thuê tài sản
Để phân tích quyết định mua tài sản, ta phải so sánh chi phí mua với chi phí thuê. Nếu chi phí cho việc mua tài sản lớn hơn chi phí thuê tài sản thì công ty nên thuê tài sản vì đi thuê có lợi hơn và ngược lại.
Lợi ích của việc thuê tài sản = Chi phí mua - Chi phí thuê
Trong hai ví dụ trên, lợi ích của việc thuê tài sản = $95.020 – $85.280 = $9.740
Như vậy công ty A nên thuê tài sản vì thuê tài sản có chi phí thấp hơn mua tài sản là $9.740
Trong trường hợp lợi ích của việc thuê tài sản bằng lợi ích của việc mua tài sản thì quyết định nên mua hay thuê tài sản phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng công ty. Vậy ta thử xác định ở mức tiền thuê tài sản là bao nhiêu thì lợi ích của việc thuê tài sản so với mua tài sản là như nhau, lúc này ta có chi phí mua bằng chi phí thuê.
Để chi phí đi thuê tài sản bằng chi phí đi mua tài sản thì:
t=1nRt(1-T)(1+Kd)t=V0+t=1nMt1-T-TDt(1+Kd)t-(1-T)Vt(1+K)n
Giải phương trình trên, ta tìm được Rt, đây chính là chi phí tiền thuê đưa đến chi phí thuê bằng với chi phí mua.
Trong ví dụ trên, để chi phí mua bằng với chi phí thuê tài chính thì ta có
t=1nRt(1-T)(1+Kd)t=$95.020⇒Rt=$23.398
Nếu chi phí thuê là $23.398, thì liệu doanh nghiệp có thuê không? Câu trả lời là sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể của từng doanh nghiệp.
TÁC ĐỘNG CỦA THUÊ TÀI SẢN ĐẾN BÁO CÁO TÀI CHÍNH
Ảnh hưởng của thuê tài sản, không phân biệt thuê tài chính hay thuê hoạt động, đều ảnh hưởng giống nhau đối với dòng lưu chuyển tiền tệ, bởi dòng tiền thuê tài sản đối với bên thuê chính là một khoản chi phí phải trả cố định, nó được xem như một khoản thanh toán cố định cho một món nợ. Nhưng thuê tài chính và thuê hoạt động sẽ có ảnh hưởng khác nhau đối với các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính, cụ thể là Bảng cân đối kế toán và Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
Đối với hình thức thuê tài chính:
Bên thuê ghi nhận tài sản thuê tài chính là tài sản và tương ứng nợ phải trả trên Bảng cân đối kế toán với cùng một giá trị bằng với giá trị hợp lý của tài sản thuê hoặc giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu tại thời điểm khởi đầu thuê
Các khoản tiền thuê phải trả từng kì sẽ được chia làm hai phần: phần gốc và phần lãi. Phần gốc sẽ được hạch toán giảm dần số nợ dài hạn phải trả, còn phần lãi sẽ được tính vào chi phí tài chính tương ứng của từng kì
Đối với hình thức thuê hoạt động:
Bởi vì thời hạn thuê thường là ngắn hạn nên bên đi thuê sẽ không ghi nhận tăng giá trị của tài sản mà chỉ theo dõi trên một tài sản ngoài. Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam quy định, chi phí thuê phải trả từng kì được tính theo phương pháp đường thẳng và không cần phải quy đổi về hiện giá. Chi phí thuê được hạch toán như là một khoản chi phí chung của hoạt động sản xuất kinh doanh
Ví dụ cho thấy sự khác biệt giữa mua tài sản, thuê hoạt động và thuê tài chính tác động lên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp
Giả sử có 3 tình huống xảy ra khi doanh nghiệp có nhu cầu mua một thiết bị mới với trị giá 10.000 USD để mở rộng sản xuất kinh doanh:
Tình huống 1: Doanh nghiệp vay nợ dài hạn để mua tài sản đó
Tình huống 2: Doanh nghiệp thuê hoạt động đối với thiết bị đó
Tình huống 3: Doanh nghiệp kí một hợp đồng thuê tài chính với công ty sản xuất ra thiết bị đó
Vậy bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp trong 3 tình huống sẽ như sau
Đơn vị tính: USD
Chỉ tiêu
Mua tài sản
Thuê hoạt động
Thuê tài chính
Thiết bị
Các tài sản khác
10.000
100.000
0
100.000
10.000
100.000
Tổng tài sản
110.000
100.000
110.000
Nợ phải trả
Vốn chủ sở hữu
10.000
100.000
0
100.000
10.000
110.000
Tổng nguồn vốn
110.000
100.000
110.000
Đối với Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, chi phí thuê tài sản có tác động cuối cùng đến lợi nhuận của công ty là như nhau, nhưng thể hiện chi tiết trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là khác nhau. Trong trường hợp thuê hoạt động, chi phí thuê được ghi nhận toàn bộ vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty phù hợp với bộ phận sử dụng tài sản. Trong trường hợp thuê tài chính, chi phí thuê được tách ra thành hai bộ phận là chi phí khấu hao và chi phí trả lãi. Chi phí khấu hao được ghi nhận vào chi phí sản xuất kinh doanh phù hợp với bộ phận sử dụng tài sản, còn chi phí trả lãi tính vào chi phí tài chính.
KẾT LUẬN
Đối với từng doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế, khả năng có được các công cụ tài chính nhằm tăng lượng vốn cho doanh nghiệp trên cơ sở mức rủi ro ít là một vấn đề rất đáng quan tâm. Do đó, việc nghiên cứu và phát triển hơn nữa về vấn đề thuê tài sản đóng vai trò quan trọng. Để hoạt động này diễn ra một cách có hiệu quả và là động lực phát triển kinh tế - xã hội thì đòi hỏi Việt Nam cần phải dần hoàn thiện hành lang pháp lý để phù hợp với tình hình trong nước. Điều đó không chỉ là công việc có thể hoàn thành trong ngắn hạn mà nó cần một thời gian dài để sửa đổi và hoàn thiện.
Do kiến thức và thời gian còn hạn chế, bài thuyết trình sẽ không tránh khỏi những sai sót. Nhóm rất mong nhận được những phản hồi tích cực từ phía thầy và các bạn, giúp cho bài của nhóm được tốt hơn. Xin chân thành cảm ơn!
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- quyet_dinh_thue_hay_mua_tai_san_tcdn_1492.docx