CHƯƠNG 1 GIỚI THIỆU VỀ MẶT HÀNG QUẾ VÀ THỊ TRƯỜNG QUẾ TRÊN THẾ GIỚI I. ĐẶC ĐIỂM MẶT HÀNG QUẾ
Vài nét về cây quế và sản phẩm quế
Cây quế tên khoa học là Cinnamomum Cassia. BL thuộc họ long não Lauraceae. Tên tiếng anh là Cinnamon, tên thông thường là cây quế, ở Việt Nam, nhân dân ta gọi với tên gọi khác nhau theo từng địa phương như Quế Thanh, Quế Quỳ, Quế Quảng, Quế Yên Bái, Quế Bì, Mạy quế.
Cây quế là loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cây trưởng thành có thể cao trên 15 mét, đường kính thân cây có thể đạt 1,3 m. Quế có lá đơn mọc cách hay gần đối lá, có ba gân gốc kéo dài đến tận đầu lá và nổi rõ ở mặt dưới của lá, các gân bên gần như song song, mặt trên lá xanh bóng, mặt dưới lá xanh đậm. Quế lá to trưởng thành dài từ 18-20 cm, quế lá nhỏ từ 6-8 cm, cuống lá dài khoảng 1 cm. Quế có tán lá hình trứng, thường xanh quanh năm, thân cây tròn đều, vỏ cây màu xám và hơi nứt rạn theo chiều dọc. Các bộ phận của cây quế như vỏ, lá, hoa, gỗ, rễ đều có chứa tinh dầu, trong đó vỏ cây có chứa nhiều tinh dầu nhất. Tinh dầu quế có màu vàng, thành phần chủ yếu là Aldehyt Cinamic chiếm khoảng 70-90%. Cây quế sinh trưởng đến 8 hoặc 10 tuổi thì ra hoa, hoa quế mọc ở nách lá đầu cành, hoa ra thành từng chùm, hoa nhỏ bằng nửa hạt gạo, màu trắng hay phớt vàng.Quế ra hoa vào tháng 4, 5 và quả chín vào tháng 1, 2 năm sau. Quả quế chưa chín có màu xanh, khi chín chuyển màu tím than, mỗi quả chứa một hạt hình bầu dục, một kg hạt chứa khoảng 2500-3000 hạt. Quế có bộ rễ phát triển mạnh, rễ cọc cắm sâu vào lòng đất, rễ bàng đan rộng và đan chéo vào nhau, vì vậy cây quế có khả năng sống tốt ở những vùng đồi núi dốc. Cây quế lúc nhỏ ưa bóng râm, khi lớn thì cần nhiều ánh sáng và khi trưởng thành thì hoàn toàn chịu sáng. Tinh dầu quế có vị cay, thơm, ngọt nên rất được ưa chuộng.
90 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3967 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Đề tài Thực trạng và một số giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu quế của Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ây là một dấu hiệu tốt bởi vì các doanh nghiệp của chúng ta đã tìm được người có nhu cầu thực sự mà không cần thông qua trung gian để tìm bạn hàng nữa. Điều đó cho thấy sau hơn 15 năm đổi mới, chúng ta đã từng bước mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước bạn, từ đó thúc đẩy xuất khẩu không chỉ có mặt hàng quế mà còn nhiều mặt hàng khác nữa.
Trong các nước nhập khẩu quế thì Mỹ là một nước có khối lượng nhập khẩu lớn nhất. Tuy nhiên mỗi năm thị trường này mới chỉ nhập khẩu của chúng ta khoảng từ 500 đến 1.000 tấn. Khối lượng quế xuất khẩu vào thị trường này không ngừng gia tăng kể từ khi chúng ta bình thường hoá quan hệ với Hoa Kì năm 1995. Đây là một thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng không ít những khó khăn, những rào cản thương mại và phi thương mại mà bài học về vụ kiện cá Tra, cá Ba Sa năm vừa rồi là một ví dụ. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp, các nhà xuất khẩu của chúng ta phải rất am hiểu thị trường này cả về thị hiếu, nhu cầu cũng như luật pháp Mỹ. Trong tương lai, chúng ta cần đẩy mạnh xuất khẩu quế vào thị trường này bởi như chúng ta đều biết, Hoa Kì là một thị trường khổng lồ, sức tiêu thụ các sản phẩm có thành phần từ quế rất lớn mặt khác ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, mỹ phẩm để xuất khẩu cũng rất phát triển.
Xét về cơ cấu thì Đài Loan là nước nhập khẩu lớn nhất quế 5% của ta. Do nhu cầu về tinh dầu chất lượng cao ở thị trường này rất lớn. Hàn Quốc thì lại là bạn hàng lớn nhất của chúng ta về các loại quế 4%, 3,5% hay 3% chủ yếu dùng vào công nghiệp chế biến mỹ phẩm. Còn các thị trường khác như thị trường Malaysia, Nga, Ấn Độ, Irắc, Iran... nhập khẩu chủ yếu các loại quế phẩm cấp thấp dùng cho công nghiệp thực phẩm, đồ uống. Vì vậy trong thời gian tới chúng ta cần tiếp tục tăng cường hơn nữa xuất khẩu quế chất lượng cao vào hai thị trường này.
Thông thường các nước nhập khẩu quế phẩm cấp cao với số lượng ít còn các nước nhập khẩu quế phẩm cấp thấp 3% và 0,8% thì lại nhập với số lượng lớn. Điều này rất thuận lợi đối với ngành sản xuất quế của nước ta hiện nay. Tuy nhiên trong tương lai chúng ta cần hạn chế xuất khẩu quế phẩm cấp thấp mà tăng cường đẩy mạnh xuất khẩu quế phẩm cấp cao vì giá của loại hàng này thường cao hơn loại phẩm cấp thấp vài lần.
MỘT SỐ ĐÁNH GIÁ VỀ CÔNG TÁC SẢN XUẤT VÀ XUẤT KHẨU QUẾ
Một số đánh giá về công tác sản xuất và xuất khẩu quế của Việt Nam những năm qua
1.1 Đánh giá về công tác sản xuất.
Cũng giống như các ngành sản xuất lâm nghiệp khác, ngành sản xuất quế có đặc điểm là cần thời gian dài, diện tích sản xuất lớn, vốn đầu tư và lao động cần nhiều. Trong thời gian qua, các hộ gia đình trồng quế trong cả nước đã có nhiều cố gắng phát huy kinh nghiệm, trí tuệ, khắc phục khó khăn, có nhiều sáng tạo trong sản xuất, tận dụng tối đa những những ưu đãi của thiên nhiên và những thuận lợi mà các cấp, các ngành tạo điều kiện giúp đỡ. Chính vì vậy mà trong ngành sản xuất lâm nghiệp nói chung và sản xuất quế nói riêng đã có nhiều bước phát triển vượt bậc. Kể từ sau năm 1975, diện tích quế cả nước mới chỉ có khoảng 6000 ha, đến những năm 80 con số này đã lên đến khoảng hơn 10.000 ha. Riêng về sản lượng cuối thập kỉ 70 chúng ta mới chỉ sản xuất được khoảng 1.000 tấn vỏ quế khô nhưng hiện nay con số này đã là hơn 6.000 tấn.
Kể từ năm 1990 trở lại đây, tốc độ phát triển của ngành trồng quế nước ta khá nhanh. Nếu năm 1990 cả nước ta mới có khoảng hơn 10.000 ha quế thì đến nay con số nay đã lên đến khoảng 15.000 ha. Về sản lượng thu hoạch qua các năm tuy có sự biến động nhưng vẫn theo xu hướng đi lên. Kim ngạch xuất khẩu tuy có bất lợi là giá quế không thuận lợi nhưng vẫn có chiều hướng đi lên. Điều này cho thấy các hộ nông dân cũng như các nhà xuất khẩu quế của chúng ta đã có những nỗ lực đáng kể trong việc đấy mạnh sản xuất và xuất khẩu quế.
Chính sách giao đất, giao rừng cho các hộ dân của Đảng và Chính Phủ đã phát huy hiệu quả tích cực, được nhân dân ủng hộ nhiệt tình. Việc này đã tạo ra một động lực thúc đẩy bà con nhân dân hăng hái sản xuất tạo ra nhiều của cải cho xã hội. Chính sách trên có thể nói đã làm biến đổi căn bản diện mạo của rất nhiều vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nó không chỉ ngăn chặn được nạn phá rừng bừa bãi, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho bà con các đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần bảo vệ môi trường, môi sinh, bảo vệ nguồn gen quí mà còn tạo ra một đời sống mới cho nhân dân đồng thời góp phần mang lại nguồn thu ngoại tệ cho đất nước và tạo điều kiện cho Việt Nam mở rộng mối quan hệ với bè bạn năm châu. Mặt khác khi nhân dân thực hiện tốt chính sách trên là cũng góp phần vào thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn của Đảng ta.
Một thực tế cho thấy, khi người dân đã được giao đất giao rừng trong thời gian 50 năm thì cây quế đã được gây trồng nhiều trong các vườn của các hộ gia đình một cách ổn định. Quế được trồng thuần nhất hoặc hỗn giao với nhiều loại cây ăn quả khác hoặc cây lấy gỗ khác. Trong hơn mười năm qua, với sự khởi sắc của kinh tế hộ gia đình, cùng với sự quan tâm phát triển kinh tế- xã hội của các cấp, các ngành nhất là vùng cao đồng bào dân tộc thiểu số, cây quế thực sự đã mang lại nhiều cơ hội đổi đời cho hàng nghìn hộ dân trong cả nước. Xét về một mặt nào đó, cây quế đã là một phần không thể tách rời của kinh tế hộ gia đình.
Đối với khâu thu hoạch, chúng ta cũng có khá nhiều tiến bộ. Từ năm 1995 đến nay, tỷ lệ hao hụt trong quá trình phơi sấy vỏ quế đã giảm đáng kể. Nếu trước đây trung bình một héc ta quế sau khi thu hoạch thường có tỷ lệ hao hụt trung bình là 1/2 thì hiện nay con số này chỉ còn lại 1/3. Điều đó cho thấy không chỉ chất lượng mà giá trị sản phẩm của chúng ta cũng được nâng cao và các hộ sản xuất đã có sự đầu tư đáng kể vào khâu chế biến, phơi sấy mặc dù còn khiêm tốn. Tuy chúng ta chưa có nhiều nhà kho riêng để bảo quản vỏ quế sau thu hoạch nhưng những cố gắng của các hộ gia đình trong việc giữ gìn, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch để làm giảm tỷ lệ hư hao xuống thấp như hiện nay là rất đáng khích lệ.
Trong công tác điều hành sản xuất và xuất khẩu, chúng ta chưa có một Hiệp hội gia vị chung, mới chỉ có Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam (thành lập năm 2001). Do đó trong công tác sản xuất và xuất khẩu gia vị nói chung và xuất khẩu quế nói riêng chưa có một tiếng nói thống nhất, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các nhà xuất khẩu, điều này nhiều khi gây thiệt hại cho chính chúng ta. Bởi vì nhiều khi các nhà sản xuất có tư tương “mạnh ai người ấy làm” nên việc kiểm soát sản xuất gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, sự chỉ đạo của các cấp, các ngành ở địa phương trong công tác vận động, tuyên truyền cho ngành sản xuất quế còn gặp nhiều khó khăn nên ngành sản xuất quế những năm vừa qua còn có nhiều hạn chế.
1.2 Đánh giá về công tác xuất khẩu
Trước đây mặt hàng quế của Việt Nam chủ yếu chỉ xuất khẩu sang các nước XHCN theo các Hiệp định kí kết ở cấp Chính phủ. Trong giai đoạn 1991- 1995, khi xuất khẩu sang các nước SNG và Đông Âu giảm mạnh, Việt Nam đã tăng cường xuất khẩu quế sang các nước khác nhưng phần nhiều là qua các trung gian, chủ yếu là qua mạng lưới tiêu thụ của các doanh nhân Singapore và Hông Kông. Từ năm 1995 đến nay, xuất khẩu qua trung gian của Việt Nam đã giảm dần và đã bắt đầu xuất khẩu trực tiếp sang các nước có nhu cầu tiêu thụ trực tiếp.
Thị trường mua gom gia vị trong nước phụ thuộc chặt chẽ vào thị trường quốc tế và hoạt động xuất khẩu quế. Khi thị trường quốc tế thuận lợi, giá tăng, hoạt động mua gom quế trông nước sôi động tạo điều kiện cho tiêu thụ quế trong các hộ gia đình. Trong tình hình mấy năm qua, thị trường quế thế giới diễn biến không mấy thuận lợi về giá nhưng xuất khẩu quế của chúng ta vẫn tăng. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp của chúng ta hoạt động rất có hiệu quả.
Các doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong xuất khẩu gia vị nói chung và xuất khẩu quế nói riêng với tỷ trọng khoảng 85% tổng lượng xuất khẩu của cả nước. Các công ty xuất khẩu gia vị ngoài quốc doanh thường mua vỏ quế khô từ các doanh nghiệp địa phương, các doanh nghiệp địa phương này lại đi thu gom từ các hộ sản xuất. Việc làm này một mặt là huy động được tối đa nhiều nguồn lực trong công tác xuất khẩu quế tuy nhiên nhiều khi người thu gom lại ép giá bà con nông dân gây thiệt hại cho họ. Trong điều kiện sản xuất còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì việc khắc phục tình trạng trên không phải là một việc dễ.
Hiện nay do quế là một mặt hàng được xuất khẩu với số lượng không nhiều nên thường được các Tổng công ty xuất nhập khẩu tổng hợp đảm nhiệm. Các công ty này thường cùng một lúc xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm sản. riêng mặt hàng quế thường được xuất khẩu kèm với các loại gia vị khác như hạt tiêu, gừng, hành, tỏi… theo các đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu nước ngoài.
Về mặt thị trường xuất khẩu của chúng ta cũng đã được mở rộng tới gần 30 nước trên thế giới. Nhiều nhất vẫn là châu Á hai đối tác lớn nhất là Hàn Quốc và Đài Loan. Chất lượng quế của chúng ta vẫn được đánh giá là tốt hơn so với quế của các nước khác.
Mặc dù còn có nhiều khó khăn nhất định nhưng ngành sản xuất và xuất khẩu quế của chúng ta những năm qua đã đạt được những thành quả nhất định như đã trình bày ở phần trên.
1.3 Một số tồn tại hạn chế
Tuy nhiên chúng ta cũng cần chỉ ra một số tồn tại hạn chế trong công tác sản xuất và xuất khẩu quế để có thể rút ra bài học kinh nghiệm từ đó phục vụ tốt hơn các công tác sau này. Xin được liệt kê ra đây một số tồn tại, hạn chế mà chúng ta gặp phải qua thực tiễn một số năm vừa qua:
Thứ nhất là diện tích trồng quế không ổn định, và không đều mặc dù có tăng. Có những năm chúng ta trồng rất nhiều nhưng cũng có những năm chúng ta trồng rất ít. Điều này làm cho khối lượng quế xuất khẩu của chúng ta tăng giảm thất thường (xem Bảng 10). Tâm lí bà con trồng các loại cây lâm sản thường không ổn định, khi thấy giá cao thì đua nhau trồng, đến khi rớt giá thì lại chặt phá đi trồng cây khác. Điều này nhiều khi gây thiệt hại rất lớn cho chính họ.
Thứ hai là chúng ta còn thiếu dự báo về thị trường. Chúng ta mới bước vào nền kinh tế thị trường nên cả Nhà nước, người nông dân, các nhà kinh doanh, chế biến đều chưa có kinh nghiệm và rất yếu trong công tác dự báo thị trường. Cụ thể là về phía doanh nghiệp chủ yếu là hoạt động xuất nhập khẩu nên thường lấy lãi làm chính, sự nghiên cứu về thị trường còn yếu và hầu như ít được quan tâm. Về phía nông dân, phần lớn là sản xuất nhỏ, trình độ thông tin còn lạc hậu, tiếp xúc ít, gặp nhiều trở ngại trong tìm hiểu thị trường. Nên nhiều khi họ phát triển theo kiểu “phong trào”, thấy người khác làm có lãi thì cũng làm theo, không tính toán tới hiệu quả lâu dài cũng như sự ổn định của mặt hàng đó.
Thứ ba là chính sách bảo hiểm nông sản còn yếu. Quế cũng giống như các mặt hàng nông sản là loại hàng rất nhạy cảm, phụ thuộc nhiều vào diễn biến thời tiết và các yếu tố khác nhưng nhiều năm qua chính sách bảo hiểm cho các mặt hàng này hầu như bị lãng quên. Đây cũng chính là yếu tố làm các nhà xuất khẩu e ngại không dám gắn bó chặt chẽ với các loại hàng hoá này. Nhiều khi độ rủi ro rất cao, có thể làm cho các nhà xuất khẩu bị thua lỗ. Cũng chính vì điều này mà các công ty bảo hiểm không mấy mặn mà lắm với lĩnh vực này. tại Việt Nam hiện nay chỉ duy nhất có một công ty Groupama (100% vốn nước ngoài, cấp phép năm 2001) là dám kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Nhưng phạm vi bảo hiểm rủi ro cũng rất hạn chế, chủ yếu là những rủi ro có thể kiểm soát được hoặc xảy ra với tần suất thấp. Nhìn chung ở Việt Nam chưa có quĩ bảo hiểm về năng suất cây trồng cũng như về giá các mặt hàng gia vị. Thời gian qua, nhà nước đã có một số chính sách để bảo hiểm và trợ giá cho một số mặt hàng nông sản nhưng mới tập trung vào một số mặt hàng có kim ngạch lớn như gạo, cà phê còn các mặt hàng khác hiện chưa được hưởng chính sách này.
Thứ tư là chưa có hợp đồng bao tiêu sản phẩm hoặc tính khả thi trong thực hiện hợp đồng giữa người sản xuất và người xuất khẩu còn thấp. Phần lớn việc mua các mặt hàng gia vị trong nước các doanh nghiệp đều thông qua các đầu mối tư nhân nên còn bị động nhiều trong số lượng và giá cả. Hợp đồng có thể được kí kết nhưng việc phá vỡ hợp đồng xảy ra thường xuyên do bị tác động bởi tư tưởng “ai trả giá cao thì bán cho người đó”. Có hiện tượng trên là do sản xuất của chúng ta còn khá manh mún, để thu được đủ lượng cho xuất khẩu, các doanh nghiệp thường phải kí kết hợp đồng với nhiều hộ gia đình nên gây ra lãng phí thời gian và chi phí. Mặt khác doanh nghiệp chỉ có thể kí hợp đồng lâu dài với người sản xuất khi họ có đầu ra ổn định. Nhưng trong bối cảnh kinh doanh hiện nay việc có được hợp đồng thường xuyên và ổn định là rất khó. Đã thế, trên thực tế thường xảy ra chuyên người sản xuất không thực hiện đúng theo hợp đồng đã cam kết, sản xuất hàng không đúng chất lượng, hoặc từ chối giao hàng cho doanh nghiệp mà bán thẳng ra thị trường khi thấy giá cao hơn, bỏ qua những đầu tư đã nhận trước của doanh nghiệp như giống, công nghệ chăm sóc, phân bón khiến nhiều doanh nghiệp bị thua thiệt hàng trăm triệu đồng và không có hàng để giao cho các đối tác dẫn đến mất bạn hàng là điều khó tránh khỏi.
Thứ năm là chúng ta thường ở thế bị động trong hoạt động kinh doanh. Do chúng ta mới chỉ xuất khẩu một lượng quế chỉ chiếm khoảng 6% thị phần thế giới nên nhiều khi ta thường bị động về giá cả cũng như số lượng trong buôn bán quốc tế. Bên cạnh đó chúng ta cũng chưa tạo ra được một thương hiệu riêng cho mặt hàng quế Việt Nam. Xuất khẩu quế của chúng ta vẫn còn chưa tương xứng với chất lượng của chính mặt hàng này.
Thứ sáu là chúng ta thiếu các cơ sở chế biến. Từ trước tới nay chúng ta chủ yếu xuất khẩu sản phẩm vỏ quế thô mà chưa chú ý đến xuất khẩu tinh dầu bởi vì chúng ta chưa có công nghệ chế biến tinh dầu hiện đại. Gần đây chúng ta có phát triển các làng nghề sử dụng các phụ phẩm từ cây quế nhưng mới chỉ giới hạn ở một số địa phương mà chưa được nhân rộng ra nhiều nơi. Các sản phẩm được làm từ cây quế còn chưa phong phú nên thị trường xuất khẩu còn chưa nhiều, chỉ mới giới hạn ở một số nước nhất định.
Hiệu quả kinh tế của việc sản xuất và xuất khẩu quế thời gian qua
Hiệu quả kinh tế của hoạt động kinh doanh là sự so sánh giữa kết quả đầu ra và các chi phí dùng cho hoạt động đó. Hiệu quả đó có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp. Riêng đối với ngành sản xuất và xuất khẩu quế, hiệu quả trực tiếp thì đã rõ ràng, tuy kim ngạch không mang lại hàng trăm triệu USD như những ngành sản xuất khác nhưng những hiệu quả gián tiếp hay còn gọi là hiệu quả kinh tế- xã hội mà nó mang lại cho nước ta thì rất lớn. Những năm qua, ngành sản xuất và xuất khẩu quế đã góp phần không nhỏ vào việc thực hiện thành công chính sách dân tộc, miền núi của Đảng ta.
2.1 Hiệu quả trực tiếp
Trong kinh doanh ngoại thương nói chung, người ta thường lấy các chỉ tiêu Lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận và tỷ suất ngoại tệ để làm thước đo hiệu quả kinh doanh. Thông thường người ta thường coi lợi nhuận là mục đích cuối cùng tuy nhiên chỉ tiêu quan trọng không kém đó là tỷ suất lợi nhuận. Chỉ tiêu này được xác định bằng cách lấy lợi nhuận đầu ra chia cho chi phí đầu vào. Đây mới chính là chỉ tiêu chính để làm căn cứ đánh giá hiệu quả kinh doanh ngoại thương. Bên cạnh đó chỉ tiêu tỷ suất ngoại tệ cũng là một nhân tố để có thể giúp người kinh doanh ngoại thương đánh giá hiệu quả mà các hợp đồng mang lại cho đất nước.
Cũng giống như các sản phẩm khác, mặt hàng quế có giá cả phụ thuộc vào chất lượng của nó. Đối với loại hàng này, tuy giá mua của nó có cao hơn so với các mặt hàng khác nhưng lợi nhuận mà nó mang lại thì khá cao.
Bảng 17: Hiệu quả kinh doanh quế (Số liệu bình quân trong 10 năm)
Loại quế
Giá mua (đ/kg)
Giá bán (đ/kg)
Chỉ tiêu
Lợi nhuận
Tỷ suất (%)
5%
100.000
140.000
40.000
28
4,5%
70.000
95.000
25.000
26
4%
45.000
60.000
15.000
25
3,5%
28.000
35.000
7.000
20
3%
19.000
22.000
3.000
20
0,8%
15.000
17.000
2.000
8,8
Nguồn: Công ty XNK tổng hợp 1 HN
Trong đó giá mua được xác định bằng cách lấy giá mua thực tế cộng với thuế và các phụ phí. Giá bán thực tế được qui đổi theo tỷ giá ngoại tệ của Ngân hàng Ngoại thương công bố tại thời điểm ấy.
Qua bảng trên chúng ta có thể thấy hiệu quả kinh doanh của ngành xuất khẩu quế là rất cao, trong đó loại quế 5% cho lợi nhuận cũng như tỷ suất lợi nhuận cao hơn cả và loại quế 0,8% cho hiệu quả thấp nhất. Qua đó chúng ta có thể thấy xuất khẩu quế là một trong những ngành mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho không chỉ người sản xuất mà cả người xuất khẩu.
Hiệu quả kinh tế của ngành hàng này còn được thể hiện qua sự so sánh với một số mặt hàng nông lâm xuất khẩu của cả nước. Lấy một ví dụ để minh hoạ. Theo đánh giá tổng kết sơ bộ của Vụ Quản lí xuất nhập khẩu Bộ thương mại năm 2000 thì hiệu quả kinh tế của các ngành xuất khẩu gỗ, quế, chè như sau:
Xuất khẩu gỗ: 17,8% lợi nhuận
Xuất khẩu quế: 15,3% lợi nhuận
Xuất khẩu chè: 9,1% lợi nhuận
Như vậy có thể thấy so với hai ngành khác thì ngành xuất khẩu quế cho người kinh doanh lợi nhuận khá và ổn định. Những năm trước đây, khi giá cả ổn định, quế Cassia BL của Việt Nam bán được khoảng trên 2000 USD/tấn qui đổi ra tỷ giá ngoại tệ được khoảng 24 triệu đồng, trong khi đó giá bán vỏ quế khô trong nước cao nhất chỉ mới đến 12 triệu đồng/tấn. Từ năm 2000 trở lại đây, tuy giá quế trên thị trường thế giới có biến động bất lợi nhưng ngành xuất khẩu quế vẫn mang lại hiệu quả kinh doanh cao.
Đối với xuất khẩu thì cây quế mang lại hiệu quả như vậy, còn xét về mặt sản xuất thì loại cây lâm sản này cũng mang lại hiệu quả rất cao. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì mỗi năm một ha quế có thể cho từ 80 đến 100 triệu đồng tiền bán vỏ quế thô. Nếu tính thêm cả rễ, cành, lá và gỗ thì thu hoạch có thể lên đến con số 110- 120 triệu một ha một năm. giá trị này bằng 2 lần so với sản xuất dứa, gấp 2- 3 lần so với sản xuất chè, 7- 8 lần so với sản xuất cà phê hay so với một số cây lâm đặc sản khác thì thu nhập từ cây quế cũng gấp 2 lần so với cây hồi, 9- 10 lần so với cây bồ đề, 10- 11 lần so với sản xuất nhựa thông.
Khi so sánh như trên thì chúng ta có thể thấy rằng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích là rất lớn. Vì vậy ở những vùng có điều kiện sản xuất quế thì chúng ta nên mở rộng diện tích cây trồng cũng như chế biến sao cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của từng vùng. Tuy nhiên trong nền kinh tế thị trường hiện nay chúng ta không nên chạy theo lợi nhuận mà nhanh chóng mở rộng diện tích một cách lãng phí. Việc tìm kiếm một hướng đi mới cho các vùng đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa là rất đáng khuyến khích tuy nhiên không nên chạy theo nhu cầu nhất thời của thị trường mà mỗi sự đầu tư cần phải có tính toán kĩ lưỡng. Chính vì vậy mà chính quyền và nhân dân cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng với các công ty kinh doanh xuất khẩu quế để tránh tình trạng người sản xuất làm ra những sản phẩm không đạt yêu cầu để xuất khẩu và tình trạng người dân không thực hiện hợp đồng hay nhà sản xuất ép giá nông dân.
2.2 Hiệu quả gián tiếp
Đối với các nhà sản xuất và xuất khẩu thì hiệu quả trực tiếp hay hiệu quả tài chính là mối quan tâm hàng đầu của họ. Nhưng đối với nhà nước thì hiệu quả lâu dài mà mỗi ngành kinh tế mang lại cho đất nước, cho xã hội thì mới đáng quan tâm. Đó chính là hiệu quả gián tiếp hay còn gọi là hiệu quả kinh tế –xã hội. ở Việt Nam, diện tích đồi núi chiếm khoảng 3/4, đây quả là một thuận lợi rất lớn cho ngành lâm nghiệp trong đó các mặt hàng như quế, hồi, tiêu, điều, sa nhân… từ lâu đã được coi là một mặt hàng quan trọng có giá trị xuất khẩu cao, góp phần rất lớn vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá của nước ta hiện nay.
Những năm qua, ngành xuất khẩu quế của nước ta không chỉ mang lại một phần đáng kể ngoại tệ để phục vụ nhập khẩu các thiết bị máy móc phục vụ cho các ngành sản xuất khác mà nó còn góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn, miền núi nước ta. Có thể nói cũng như các loại cây lâm đặc sản khác, cây quế đã làm cho giá trị địa tô của đất tăng lên đáng kể. Cây quế ngoài việc bản thân nó mang lại những lợi ích kinh tế cho người trồng, nó còn giúp cải tạo bảo vệ môi trường sống, chống sói mòn, lũ lụt. Khi tiến hành sản xuất quế, người ta còn trồng xen các loại cây nông nghiệp ngắn ngày như ngô, sắn, khoai… hoặc kết hợp trồng lúa nương vừa có tác dụng bảo vệ đất, vừa có tác dụng xen canh, gối vụ tăng nguồn thu cho nông dân.
Bên cạnh đó cây quế là một loại cây cần nhiều lao động chăm sóc nhất là khi cây còn non. Vì vậy những năm qua nó đã góp phần đáng kể vào việc tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động dư thừa trong những lúc nông nhàn. Nhờ đó có thể giảm được các tệ nạn xã hội như nghiện hút, trộm cắp… giữ gìn trật tự an toàn xã hội. ở nhiều địa phương hiện nay đang xem xét đưa cây quế vào trồng để có thể thay thế việc trồng cây thuốc phiện của bà con các dân tộc Mông, Thái… ở các tỉnh như Lai Châu, Sơn La.
Nếu như ai có dịp đến các địa phương có cây quế như Trà Bồng (Quảng Nam), Văn Yên (Yên Bái)… thì sẽ thấy bộ mặt ở đó đổi thay như thế nào nhờ cây quế. Đường sá được đầu tư mở rộng, điện nước đến với từng làng bản, trường học, trạm xá… được đầu tư xây dựng khang trang. Những nhà trồng quế đều có ti vi, đài radio… để có thể học tập, xem, nghe những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Như vậy rõ ràng là cây quế mạng lại hiệu quả kinh tế xã hội rất lớn.
Do đặc điểm cây quế chỉ thích nghi với đất đồi rừng nên chỉ có bà con các dân tộc ít người mới có phong tục trồng quế. Các dân tộc này trước đây thường sống du canh, du cư, đốt phá rừng làm nương rẫy nên tình trạng hàng nghìn héc ta rừng nguyên sinh của chúng ta bị tàn phá trong những năm qua là điều dễ hiểu. Kể từ khi Đảng và Nhà nước ta coi trọng phát triển kinh tế- xã hội ở các vùng miền núi có đồng bào các dân tộc thiểu số thì tình trạng trên giảm hẳn. Diện tích rừng nước ta từ con số che phủ 28% đến nay đã lên đến khoảng 40%. Đây là một con số rất đáng tự hào và điều quan trọng là trong các loại cây đóng góp vào con số kể trên có cây quế.
Như vậy có thể nói hiệu quả kinh tế- xã hội lâu dài mà cây quế mang lại cho không chỉ các đồng bào dân tộc thiểu số mà cả toàn bộ xã hội là rất đáng kể. Vì vậy chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc trồng và bảo vệ rừng quế vừa để thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc, miền núi, vừa là một trong các giải pháp phát triển kinh tế- xã hội đồng thời để cây quế có thể phát huy hết những ưu điểm vốn có của nó.
CHƯƠNG 3
MỘT SỐ GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ NHẰM ĐẨY MẠNH
SẢN XUẤT VÀ XUẤT KHẨU QUẾ CỦA VIỆT NAM
ĐỊNH HƯỚNG SẢN XUẤT VÀ XUẤT KHẨU SẢN PHẨM QUẾ GIAI ĐOẠN TỪ NAY ĐẾN NĂM 2010
Qui hoạch vùng và đổi mới phương thức trồng quế
Như đã trình bày ở trên, cây quế là một loại cây gắn bó mật thiết và lâu đời với bà con một số dân tộc ít người. Nguồn lợi mà cây quế mang lại cho họ là rất lớn. Chính vì vậy cây quế vẫn đang được coi là một cây “xoá đói, giảm nghèo” của một số địa phương vùng đồng bào dân tộc khó khăn. do đó mà trong tương lai cây quế vẫn tiếp tục được coi trọng và có điều kiện để phát triển.
Bảng 18: Dự kiến diện tích và sản lượng quế qui hoạch đến năm 2010
Vùng quế
Đến năm 2005
Đến năm 2010
Diện tích
(ha)
Sản lượng (tấn/năm)
Diện tích
(ha)
Sản lượng
(tấn/năm)
Yên Bái
8.000
3.000
11.000
4.000
Quảng Ninh
4.000
1.500
7.000
2.000
Q. Nam- Q Ngãi
8.000
2.500
13.000
4.000
Thanh Hoá- Nghệ An
5.000
1.000
9.000
2.500
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì từ nay đến năm 2010, diện tích trồng quế của chúng ta sẽ vẫn chủ yếu tập trung các địa phương chính là Yên Bái (11.000 ha) với sản lượng khoảng 4.000 tấn chủ yếu là quế Đơn, Quảng Ninh (7000 ha) với sản lượng khoảng 2.000 tấn quế Thanh, Thanh Hoá và Nghệ An (9.000 ha) với sản lượng ở vào mức 2.500 tấn, Quảng Nam, Quảng Ngãi (13.000 ha) cho sản lượng 4.000 tấn quế loại tốt. Tuy nhiên Bộ cũng có chủ trương mở rộng vùng trồng quế và tăng diện tích trồng quế lên. Hiện nay các địa phương như Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Bình Định, và khu vực Tây Nguyên đang có các dự án trồng thí điểm cây quế trên những vùng đất có khả năng cho cây quế sinh trưởng. Trong vài năm tới, nếu dự án trồng thí điểm này thành công thì triển vọng đối với cây quế ở nước ta là rất lớn. Khi đó chúng ta không chỉ tạo ra công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động ở các địa phương mà còn mở ra cho ngành xuất khẩu quế những thuận lợi vô cùng to lớn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng khuyến khích các hộ nông dân nên đổi mới nhiều hơn nữa phương thức trồng quế truyền thống. Tuy nhiên vẫn phải sử dụng lao động dôi dư trong thời kì nông nhàn. các hộ trồng quế hiện nay vẫn chủ yếu sử dụng sức lao động chân tay là chủ yếu trong canh tác. Việc làm này tuy tận dụng được tối đa nguồn lao động có sẵn nhưng năng suất lao động không cao dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp. Vì vậy trong thời gian tới các hộ nên đầu tư nhiều hơn nữa để từng bước đưa máy móc, thiết bị vào áp dụng cho sản xuất. Nhất là trong các khâu làm đất, tưới nước và đầu tư cho phân bón đặc biệt là trong thời kì đầu. Hiện nay mỗi héc ta quế bà con chỉ đầu tư khoảng 600 USD, đây là một con số thấp so với việc trồng cao su là 2250 USD, cà phê 1650 USD. Do đó Nhà nước và nhân dân cần phải cố gắng hơn nữa, cùng chung sức với nhau để cho cây quế được phát triển xứng đáng với tầm vóc của một loại cây lâm đặc sản có giá trị cao.
Theo truyền thống, bà con các dân tộc thiểu số thường sản xuất giống quế bằng cách vào rừng tìm những cây con mọc xung quanh gốc cây mẹ rồi đem về trồng trong vườn nhà. Cách làm này tuy tiết kiệm được chi phí sản xuất nhưng các vườn quế thường không đều nhau về độ tuổi dẫn đến chất lượng quế không tốt nên giá trị không cao. Khi thu hoạch thường phải thu hoạch chọn lọc làm cho sản lượng không nhiều. Chính vì vậy mà trong thời gian tới chúng ta nên tiến hành sản xuất giống một cách đồng loạt để có thể cung cấp ngay một lúc nhu cầu cao về giống quế của nhân dân. Muốn làm được việc này đòi hỏi phải có sự trợ giúp về kĩ thuật của nhà nước, của các doanh nghiệp và các ban ngành địa phương.
Định hướng về sản phẩm
Như đã trình bày ở phần trên, mặt hàng quế xuất khẩu của chúng ta chủ yếu vẫn là vỏ quế thô mà chúng ta chưa chú trọng đến các sản phẩm khác có giá trị cao như tinh dầu quế. Trên thị trường thế giới hiện nay tinh dầu quế có giá rất cao, gấp hàng chục lần so với giá vỏ quế thô mà lại ít thay đổi do nhu cầu về loại sản phẩm này rất ổn định. Thế nhưng do nước ta công nghệ chưng cất tinh dầu còn rất lạc hậu nên mặc dù tiềm năng về sản xuất tinh dầu của chúng ta rất lớn nhưng chúng ta mới chỉ xuất khẩu một lượng không đáng kể.
Do đó trong thời gian từ nay đến 2010, đối với ngành sản xuất và xuất khẩu quế chúng ta phải chuyển hướng một phần sang xuất khẩu tinh dầu quế. Muốn làm được như vậy chúng ta cần phải nhập khẩu ngay công nghệ chưng cất tinh dầu tiên tiến của các nước phát triển. Tốt nhất là chúng ta nên nhập khẩu thiết bị từ Hàn Quốc bởi vì công nghệ của nước này cũng khá hiện đại mặt khác giá cả lại phải chăng không đắt như công nghệ chưng cất của Nhật Bản nhưng lại tốt hơn công nghệ của Trung Quốc. Việc xây dựng các cơ sở chưng cất tinh dầu hiện đại gần các khu nguyên liệu cũng cần phải thực hiện ngay. Và các công việc trên cũng cần phải được thực hiện một cách đồng bộ tránh tình trạng đầu tư không hiệu quả.
Ngoài ra chúng ta cũng nên phát triển các ngành nghề truyền thống như làm hàng thủ công mỹ nghệ, làm đồ mộc xuất khẩu, các mặt hàng khác như lót giày tẩm quế, tăm tre tẩm quế, dép vải đi trong nhà tẩm quế… Đây không chỉ là những sản phẩm rất được ưa thích bởi thị trường trong nước mà các nước khác như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc… cũng rất ưa chuộng các loại hàng hoá trên. Triển vọng của các loại hàng hoá kể trên là rất tốt đẹp. Vì vậy đẩy mạnh phát triển sản xuất các mặt hàng thủ công, mỹ nghệ có nguồn gốc từ vỏ quế, gỗ quế là một hướng đi mà bà con nhân dân ta cần phải phát huy. Muốn làm được việc này đòi hỏi phải có sự giúp đỡ tích cực của Nhà nước, ngành ngân hàng, tài chính trong việc cấp tín dụng cũng như sự giúp đỡ của các Ban ngành khác trong việc tìm kiếm thị trường đầu ra cho các sản phẩm trên.
Định hướng về thị trường
Hiện nay mặt hàng quế của chúng ta xuất khẩu chủ yếu sang 3 thị trường chính là Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản với số lượng và kim ngạch gần 60%. Trong thời gian tới, một mặt chúng ta vẫn tiếp tục giữ vững các thị trường này để có thể giảm con số tương đối xuống dưới 50%, mặt khác chúng ta cũng cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc tìm kiếm thị trường mới cho mặt hàng quế để có thể đưa cây quế của Việt Nam không chỉ đến với 29 nước như hiện nay. Bên cạnh đó chúng ta cũng cần đẩy mạnh thâm nhập thị trường Mỹ, một thị trường có sức tiêu thụ quế cao nhất thế giới để từ nay đến năm 2010 số lượng quế Việt Nam xuất khẩu nước này có thể chiếm trên 20%. Trong khoảng 10 năm tới, thị trường Đông á và Mỹ vẫn được coi là thị trường trọng điểm của ngành xuất khẩu quế Việt Nam.
Về phía thị trường Đông Âu, đặc biệt là thị trường Nga, đây là một thị trường lớn và đặc biệt đối với Việt Nam từ hơn 40 năm qua. Nga cũng là thị trường có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phần nhiều sản phẩm xuất khẩu của nước ta. Mặt khác thị trường này lại không đòi hỏi chất lượng cao, nhu cầu lớn nên trong tương lai vẫn hứa hẹn một triển vọng tươi sáng cho không chỉ ngành xuất khẩu quế của Việt Nam.
Đối với thị trường các nước Trung Đông, chúng ta cũng nên quan tâm nhiều hơn đến thị trường này bởi vì đây là một thị trường có truyền thống tiêu thụ các loại gia vị trong đó có quế. Chúng ta cũng không nên bỏ qua thị trường các nước ASEAN và Trung Quốc bởi đây là những bạn hàng truyền thống của chúng ta. Sức tiêu thụ của họ cũng rất lớn, nhất là Trung Quốc. Về phía thị trường Nam á là Ấn Độ, chúng ta gặp khó khăn vì nước này nằm gần nước xuất khẩu quế lớn nhất hiện nay là Srilanca, nhưng bằng nỗ lực của các doanh nghiệp, chúng ta có thể từng bước thâm nhập thị trường đầy tiềm năng này bằng chất lượng sản phẩm và uy tín của của mình.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ
Trong thời gian tới, tuy tình hình xuất khẩu gia vị còn gặp nhiều trắc trở nhưng với dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế thế giới sau những sự kiện 11-9, chiến tranh I- rắc… thì thị trường quế của chúng ta vẫn có khả năng phát triển. Muốn cho mặt hàng quế của chúng ta đáp ứng được khả năng tăng lên của nhu cầu quế trên thế giới, chúng ta cần phải thực hiện các biện pháp sau:
Giải pháp và kiến nghị đối với sản xuất
1.1 Tổ chức lại sản xuất theo hướng kinh tế trang trại, qui hoạch vùng sản xuất quế tập trung
Để có thể xuất khẩu quế với khối lượng, chất lượng ổn định và thuận tiện trong ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ thì không thể tổ chức trồng quế như hiện nay hoặc khoanh vùng theo địa giới hành chính nào đó rồi tuyên truyền vận động bà con nhân dân trồng quế theo hợp đồng hay các đơn đặt hàng của các công ty chế biến xuất khẩu hoặc các nhà thu gom cung ứng xuất khẩu. Phương thức này trên thực tế không còn phù hợp với những điều kiện xuất khẩu hiện nay nữa. Bởi vì sản phẩm sản xuất ra không đảm bảo chất lượng, không đồng đều, không đáp ứng được các yêu cầu về độ sạch cũng như độ an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguyên nhân của tình trạng này là do các hộ gia đình còn khá tự do trong việc chọn giống, chăm bón, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu và ý thức tôn trọng các cam kết đã ghi trong hợp đồng còn rất kém. Hơn nữa việc sản xuất còn manh mún như hiện nay sẽ rất khó cho việc ứng dụng máy móc thiết bị và khoa học công nghệ vào việc trồng trọt, chăm bón.
Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần phải đưa ra các định hướng phát triển cây quế cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh từng vùng, từng thời điểm ngành sản xuất như đã trình bày ở phần trên nhất thiết chúng ta phải có định hướng về diện tích sản xuất thì việc quản lí mới có hiệu quả. Bên cạnh đó nhân dân cũng nhất thiết phải theo sự chỉ đạo sát sao của các Bộ, ban, ngành có liên quan để có thể thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chúng ta hết sức tránh tình trạng đua nhau, ồ ạt trồng loại cây mà khi nhu cầu của nó tăng cao, đến khi được thu hoạch thì lại bị rớt giá khiến cho bà con bị thiệt hại nặng nề.
Vì vậy, trên cơ sở 4 vùng trồng quế truyền thống nêu trên, cần qui hoạch một cách chi tiết, rõ ràng để có thể tập trung sản xuất và áp dụng các tiến bộ của công nghệ sinh học vào ngành trồng quế.
1.2 Xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng các vùng trồng quế.
Về phía Nhà nước, cần có sự đầu tư nhiều hơn nữa cho cây quế thông qua các chương trình phát triển kinh tế- xã hội miền núi trong đó có các địa phương trồng quế. Các địa phương cần phải tích cực phát huy hiệu quả của chương trình 135- xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn của Chính Phủ. Trên thực tế các địa phương này còn rất khó khăn về kinh tế nên rất cần sự trợ giúp của Nhà nước. Cụ thể hơn, Nhà nước quan tâm đầu tư các dự án xoá đói giảm nghèo bằng cách phát triển các loại cây công, nông nghiệp có giá trị kinh tế cao trong đó có cây quế. Việc làm này phải đi đôi với các chương trình định canh, định cư để hạn chế hiện tượng chặt phá rừng bừa bãi. Nhà nước cần đầu tư hơn nữa các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng đồng bào dân tộc khó khăn để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa đối với giao thông ở các địa phương trồng quế.
1.3 Chính sách tài chính
Nhà nước cần phải có các chính sách khuyến khích đầu tư cả trong nước và ngoài nước đối với ngành sản xuất và xuất khẩu quế. Song song với việc này là việc miễn giảm thuế sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất, ưu đãi về thuế suất thế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm thuế đối với việc nhập khẩu máy móc thiết bị dùng cho ngành sản xuất và xuất khẩu quế...
Bên cạnh đó Nhà nước cũng nên có chính sách miễn giảm thuế sử dụng đất lâm nghiệp cho bà con dân tộc. Bởi vì ngành sản xuất quế đòi hỏi thời gian sản xuất dài, nếu không được sự hỗ trợ về tài chính của Nhà nước thì bà con sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa đồng bào các dân tộc thiểu số hiện nay có tình trạng chung là thiều vốn để sản xuất. Nguồn tín dụng ở các địa phương trồng quế còn hạn chế. Do đó việc hỗ trợ của Nhà nước là rất cần thiết. Thực tế cho thấy các chương trình cho vay xoá đói giảm nghèo, chương trình 327 phủ xanh đất trống đồi núi trọc… của Nhà nước những năm qua đã phát huy hiệu quả rất tốt. Trong thời gian tới, Nhà nước vẫn tiếp tục triển khai và có thêm các trương trình, dự án tương tự để giúp đỡ nhân dân, đồng bào dân tộc thiểu số. Mặt khác Nhà nước cũng nên có chính sách hỗ trợ nhân dân từ việc mua vất tư sản xuất đến khi bán sản phẩm, tránh tình trạng bất lợi cho nông dân. Có như thế người nông dân mới yên tâm sản xuất. Đồng thời nên thành lập một quĩ bình ổn giá quế để đề phòng những trường hợp bất lợi đối với ngành sản xuất quế.
Hiện nay Chính phủ đang có chương trình trồng 5 triệu ha rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Vậy nên cây quế rất có điều kiện để trở thành một trong các loại cây phủ xanh đất rừng. Cùng với các chương trình dự án trên, Nhà nước cần phối hợp với các tổ chức tín dụng để cho nhân dân, các tổ chức kinh doanh vay vốn có điều kiện sản xuất và xuất khẩu quế. Một điều quan trọng không kém để có thể thực hiện tốt các chủ trương, chính sách trên là chúng ta cần phải thực hiện một cách đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng giữa các ngành, các cấp có liên quan. Làm được như vậy chúng ta có thể tránh được tình trạng vốn đầu tư không đủ mạnh lại bị phân tán nên hiệu quả sản xuất còn thấp như hiện nay.
1.4 Đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ và đào tạo lao động trong ngành sản xuất quế
Công tác nghiên cứu chọn giống cần được các ban ngành chức năng thực hiện một cách thường xuyên để đảm bảo cho chúng ta có được những giống quế tốt, năng suất và chất lượng cao vừa xác định được loài vừa bảo tồn được nguồn gen quí giá cho đất nước. Việc trồng quế với nhiều loại giống như hiện nay sẽ làm cho chất lượng sản phẩm không đều vì vậy cần qui hoạch rõ ràng mỗi khu vực nhất định trồng một loại quế nhất định để khi xuất khẩu chúng ta có thể chủ động về nguồn hàng. Hơn nữa việc sản xuất giống cũng cần triển khai rộng khắp để có thể phục vụ tốt hơn việc sản xuất quế của nhân dân.
Bên cạnh đó chúng ta cũng phải coi cây quế là một trong các loại cây mũi nhọn để có thể đầu tư một cách thích đáng trong các khâu từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến, bảo quản. Hiện nay vỏ quế của chúng ta sau khi thu hoạch thường được bà con đóng vào bao đay và tự cất trữ trong nhà nên tình trạng sản phẩm quế bị mất mùi, bị mốc rất hay xảy ra làm giảm chất lượng quế xuất khẩu. Vì vậy trong thời gian tới chúng ta cần phải quan tâm hơn nữa tới điều kiện bảo quản vỏ quế sau thu hoạch.
Hiện nay, theo thống kê của các cán bộ kiểm lâm, nước ta còn khoảng trên 20% diện tích là rừng quế cũ. Việc trước mắt mà Nhà nước và nhân dân cần làm ngay là phải cải tạo lại vườn rừng. Nhà nước nên hỗ trợ chi phí để có thể hoàn thành sớm việc cải tạo các rừng quế. Chúng ta cần phải tiến hành cải tạo xong trước năm 2005 và tiến hành đưa các giống quế có chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn (8 năm), ít bị sâu bệnh vào trồng đại trà ở các rừng quế đã cải tạo, tận dụng tối đa quỹ đất ở các khu vực này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngoài việc cần phải nghiên cứu qui hoạch chi tiết và tập trung các vùng trồng quế để có thể quản lí tốt hơn thì cũng cần phải tập trung nghiên cứu các giống quế cho năng suất, chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Làm được như thế chúng ta sẽ tránh được sự sản xuất phân tán như hiện nay và có thể tận dụng tối đa điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng ở các vùng trồng quế. Như vậy chúng ta sẽ tiết kiệm được đáng kể chi phí sản xuất. Bộ cũng nên nghiên cứu, cải tạo các giống quế chất lượng thấp để có thể giảm số lượng quế chất lượng thấp từ 17- 20% như hiện nay xuống còn khoảng 10% vào năm 2010. Do đó nhà nước cần phải có sự đầu tư thích đáng cho công tác nghiên cứu khoa học. Việc đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cao trong ngành lâm nghiệp nói chung và ngành trồng quế nói riêng là việc làm cần thiết để có thể góp phần nâng cao năng suất và chất lượng quế.
Các Bộ, ban, ngành và các địa phương cũng cần thực hiện các chương trình phổ biến kiến thức về lựa chọn giống, làm đất, kĩ thuật trồng và chăm sóc quế, kĩ thuật chế biến bảo quản tiên tiến đến với bà con các địa phương trồng quế. Một mặt chúng ta cũng cần phải có một trung tâm nghiên cứu các loại sâu bệnh hại cây trồng để có thể chủ động đối phó với những tác nhân gây thiệt hại cho các vườn quế, tránh tình trạng các khu rừng bị các loài sâu bệnh tàn phá như hiện tượng sâu róm hại quế và thông ở các tỉnh miền Trung thời gian vừa qua. Mặt khác chúng ta cũng cần phải xây dựng các đại lí cung cấp phân bón, thuốc trừ sâu rộng khắp trong các vùng trồng quế để làm giảm bớt phần nào nỗi khó nhọc của bà con nông dân trong sản xuất.
Bên cạnh đó bà con cũng cần phải áp dụng các biện pháp sản xuất giống tiên tiến như chiết cành để có thể giảm được thời gian cây con sinh trưởng, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản xuất. Việc làm này cần có sự hướng dẫn của các cán bộ khuyến nông, khuyến lâm.
Một thực tế hiện nay là ở các địa phương có cây quế thì lực lượng cán bộ khuyến lâm còn rất thiếu và rất yếu. Trong khi đó thì trình độ hiểu biết về khoa học kĩ thuật của các hộ dân trồng quế còn rất thấp, chủ yếu là bằng kinh nghiệm của cha ông để lại. Vậy nên ở các tỉnh trồng quế nên có chính sách thu hút nhân tài đặc biệt là các kĩ sư lâm nghiệp để có thể tăng cường đội ngũ cán bộ cơ sở. Những cán bộ này sẽ là những chuyên gia hướng dẫn nhân dân cách thức chọn giống, sản xuất giống, trồng rừng, chăm sóc rừng đúng cách. Có như vậy thì năng suất và chất lượng của ngành sản xuất quế mới được nâng cao. Nếu làm được như vậy chắc chắn việc sản xuất quế của bà con các dân tộc thiểu số sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn.
1.5 Tăng cường khâu quản lí việc thu gom quế xuất khẩu
Nhà nước cần tăng cường hơn nữa việc quan lí khâu thu mua vỏ quế thô để tránh tình trạng xuất khẩu nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu quế, nhà nước nên xem xét chỉ cho phép các doanh nghiệp lớn xuất khẩu quế bởi vì mặc dù chúng ta khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu nhưng việc có nhiều các công ty nhỏ, xuất khẩu với số lượng nhỏ sẽ làm cho chất lượng và giá cũng quế không đều. Điều này gây thiệt hại cho cả người sản xuất lẫn người xuất khẩu.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu quế, khi thu mua nên kết hợp lại để cùng nhau xuất khẩu thành một đầu mối, có sự quản lí chặt chẽ về chất lượng quế xuất khẩu để đảm bảo uy tín cho cây quế Việt Nam. Khi đó chúng ta có thể kiểm soát được giá cả cũng như chất lượng, giảm chi phí giao dịch mang lại hiệu quả thương mại cao.
Một việc nữa cũng không kém phần quan trọng mà chúng ta cần làm ngay là phải củng cố lại hệ thống lưu thông, phân phối và buôn bán quế trong cả nước để có thể quản lí tốt hơn nữa nguồn hàng sao cho mỗi khi có nhu cầu xuất khẩu thì chúng ta có thể chủ động.
* Đối với chế biến, cần đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu sản xuất tinh dầu quế để trong tương lai không xa chúng ta có thể xuất khẩu loại sản phẩm này với khối lượng lớn đem lại kim ngạch cao. Việc nhập khẩu công nghệ chưng cất tinh dầu và xây dựng các nhà máy chế biến sản phẩm quế ở các khu vực trồng quế là việc làm cần thiết.
Nhà nước cũng nên hỗ trợ tài chính xây dựng các kho dự trữ đủ tiêu chuẩn để những khi giá quế xuống thấp, bà con không bán mà đem gửi vào đó chờ giá lên. Bởi vì hiện nay việc bảo quan vỏ quế khô của bà con nông dân ở nhà thường làm cho quế giảm chất lượng.
Biện pháp đối với xuất khẩu
2.1 Biện pháp tín dụng, Bảo hiểm
Để mở rộng thị trường sang các nước Châu Phi, các nước SNG nơi mà tiềm năng của thị trường quế khá lớn, các doanh nghiệp xuất khẩu quế đã bán hàng theo phương thức trả chậm nếu tiềm lực tài chính đủ mạnh hoặc họ đề nghị Nhà nước hỗ trợ bằng cách mua lại các khoản tín dụng này hoặc có thể bảo lãnh các khoản nợ này để các doanh nghiệp có thể chiết khấu chứng từ. Biện pháp tín dụng này mở ra khả năng xuất khẩu mặt hàng quế sang các thị trường mới mà ở đó gặp khó khăn về tài chính.
Khi tiếp cận thị trường mới hoặc bạn hàng mới, người xuất khẩu thường rất quan tâm tới khả năng thanh toán của bạn hàng. Thông thường rủi ro không thanh toán là một trở ngại lớn đối với nhà xuất khẩu trong việc tiếp cận thị trường mới. Vì vậy nhiều công ty bảo hiểm đã thiết kế các sản phẩm bảo hiểm riêng để bảo hiểm loại rủi ro này. Ví dụ như vương quốc Anh còn lập hẳn ra một tổ chức công là Export Credits Guarantee Department để cung ứng dịch vụ bảo hiểm rủi ro không thanh toán cho các nhà xuất khẩu. Trong thời gian tới, để đẩy mạnh xuất khẩu không chỉ mặt hàng quế sang các thị trường mới các nhà xuất khẩu thường mua bảo hiểm rủi ro không thanh toán ở các công ty bảo hiểm như trên. Nhà nước nên khuyến khích các công ty bảo hiểm Việt Nam tiếp thị các sản phẩm bảo hiểm tương tự để có thể làm yên lòng các nhà xuất khẩu.
2.2 Biện pháp về thị trường và xúc tiến thương mại
Hiện nay chúng ta chưa có riêng một thị trường giao dịch về gia vị mặc dù nước ta xuất khẩu hạt tiêu số một thế giới, xuất khẩu quế đứng thứ năm thế giới. Biện pháp trước mắt và lâu dài là chúng ta đang xem xét để sớm có một sàn giao dịch gia vị để nông dân và các doanh nghiệp có một sự bảo đảm chắc chắn hơn về giá cả và cơ hội tiêu thụ hàng hoá. Hiện nay chúng ta đã có sần giao dịch thuỷ sản và hạt điều. Sàn giao dịch gia vị nên tham khảo kinh nghiêm của hai sàn giao dịch trên để hoạt động tốt hơn. Khi có được sàn giao dịch gia vị chắc chắn chúng ta sẽ không bị thụ động về giá xuất khẩu như hiện nay.
Trên thế giới hiện nay các nước đang thực hiện những rào cản thương mại hết sức tinh vi mà chúng ta khó lòng nhận biết được. Một số tiêu chuẩn không mang tính chất thương mại như tiêu chuẩn lao động, tiêu chuẩn vệ sinh môi trường… ngày càng được sử dụng nhiều hơn. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn mác hàng hoá, thương hiệu… được một số nước như Mỹ, Nhật Bản, EU vận dụng một cách thái quá để tạo thêm rào cản thương mại. Vì vậy trong thời gian tới cần có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các doanh nghiệp đặc biệt là giữa Bộ Ngoại Giao và Bộ Thương Mại để nâng cao khả năng nhận biết và có biện pháp đối phó với các hàng rào phi thuế quan kiểu mới. Biện pháp lâu dài là chúng ta cần phải đào tạo được một đội ngũ luật sư có trình độ, am hiểu ngoại ngữ, luật pháp quốc tế để có thể tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp.
Chính phủ cần có chủ trương và cơ chế để thực hiện có hiệu quả việc xúc tiến thị trường theo hướng phân loại để thích ứng, giữ vững thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới, chú ý thị trường ngách. Chính phủ cũng nên tích cực tìm kiếm và kí kết các hợp đồng ở cấp Chính phủ đối với các loại hàng nông sản trong đó có mặt hàng quế. Tạo cơ chế và hỗ trợ doanh nghiệp có điều kiện vươn ra tiếp cận thị trường kì hạn nhằm góp phần loại bỏ những rủi ro, những biến động của giá cả trong ngắn hạn gây ra bằng việc thông qua thoả thuận trước mức giá sẽ giao dịch trong tương lai. Đây là một trong những biện pháp phân tán rủi ro, hạn chế mức thấp nhất rủi ro về giá cho người sản xuất cũng như người xuất khẩu. Tuy nhiên muốn thực hiện tốt biện pháp này đòi hỏi công tác dự báo thị trường phải chuẩn xác.
Nhà nước cũng cần phối hợp với các tổ chức hỗ trợ thương mại và các doanh nghiệp tổ chức và tham gia các hội chợ quốc tế chuyên ngành về gia vị thực phẩm như ANUGA- Đức, SIANL- Pháp, AGF- Hà Lan, FOODEX- Nhật Bản... để tạo điều kiện thương mại và mở rộng thị trường.
Trong xu thế giảm giá hiện nay của các sản phẩm nông, lâm sản nói chung, việc đẩy mạnh xuất khẩu quế là một việc không đơn giản. Do đó các doanh nghiệp không nên ỷ lại vào Nhà nước mà phải tự thân vận động, tích cực tìm kiếm bạn hàng để kí kết hợp đồng bán hàng. Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, khi mà việc giao dịch thương mại giữa các quốc gia có xu hướng áp dụng thương mại điện tử thì một giải pháp mang lại hiệu quả tiếp thị cao là việc các doanh nghiệp nên xây dựng một Website riêng về mặt hàng quế Việt Nam. Muốn làm được việc này cần có sự trợ giúp của Nhà nước và các cơ quan chức năng khác. Tuy việc xây dựng trang Web không đơn giản và chi phí cao lại phải cần sự bảo mật nhưng hiệu quả của nó mang lại là rất lớn mà ví dụ cụ thể là một cô gái ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tự xây dựng cho mình một trang Web riêng giới thiệu về cây bưởi Năm Roi. Khi xây dựng được một trang Web riêng cho mặt hàng quế Việt Nam, bạn bè quốc tế có thể hiểu rõ hơn về một loài cây đặc sản của Việt Nam. Như vậy chắc chắn công việc tìm kiếm bạn hàng của chúng ta sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn. Cũng thông qua trang Web này mà chúng ta có thể xây dựng thương hiệu cho mặt hàng quế Việt Nam.
Về phía các nhà quản lí và hoạch định chính sách, cần phải làm tốt công tác thông tin về thị trường. Hiện nay chúng ta chưa có một Hiệp hội các nhà xuất khẩu gia vị riêng nên nhiều khi chúng ta gặp khó khăn về thị trường và giá cả. Cho nên trong thời gian càng sớm càng tốt chúng ta cần phải thành lập ngay Hiệp hội các nhà xuất khẩu gia vị để họ có thể chia sẻ với nhau kinh nghiệm xuất khẩu cũng như hỗ trợ nhau khi cần thiết về tình hình thị trường, giá cả… Mặt khác họ có thể tập trung hàng hoá lại để thành một lô hàng lớn chứ không như hiện nay xuất khẩu của chúng ta còn manh mún, khó kiểm soát được số lượng, chất lượng, giá cả và thị trường cũng như bạn hàng. Ở tầm vĩ mô, các doanh nghiệp xuất khẩu quế trong nước nên liên kết với các nhà xuất khẩu quế của các nước Srilanca, Indonasia và Trung Quốc để có thể cùng nhau kiểm soát thị trường, giá cả cũng như việc trao đổi thông tin khi cần thiết.
Trên đây là những biện pháp chủ yếu nhằm mục đích đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu mặt hàng quế của nước ta trong những năm tới. Để thực hiện được mục tiêu đã đặt ra, các hộ sản xuất, các nhà xuất khẩu cũng như các cấp các ngành có liên quan cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa thực hiện tốt và đồng bộ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và đặc biệt cần phải liên kết chặt chẽ với nhau.
Kết luận
Mặc dù cây quế là một loại cây lâm đặc sản có giá trị kinh tế cao nhưng hầu như chúng ta chưa chú ý đến nó lắm. Trên các phương tiện thông tin đại chúng như ti vi, đài, báo… chúng ta chỉ thường xuyên nghe nói đến các loại cây như cà phê, cao su, thông nhựa, hạt tiêu… mà chẳng mấy khi nghe nói đến quế. Điều đó cho thấy những năm qua, cây quế chưa được quan tâm đúng mức. Như trên đã trình bày, những lợi ích mà cây quế và các sản phẩm của nó mang lại cho người trồng là rất đáng ghi nhận.
Việt Nam là một trong số không nhiều nước có điều kiện thuận lợi để sản xuất quế, chất lượng quế lại được coi là tốt hơn nhiều so với các sản phẩm cùng loại của các nước khác nhưng thị phần của chúng ta cho đến nay vẫn còn quá khiêm tốn. Phải chăng chúng ta vẫn chưa coi trọng cây quế hay là ngành sản xuất, xuất khẩu quế nước ta vẫn còn quá lạc hậu so với thế giới? Đây là một câu hỏi đặt ra không chỉ cho các hộ trồng quế mà cho nhiều ngành, nhiều cấp có liên quan.
Tuy nhiên phải khẳng định một điều là cây quế Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi để có thể khẳng định vị trí của mình trong các loại cây nông, lâm nghiệp. Với những lợi ích thiết thực và lâu dài mà cây quế đã mang lại cho đồng bào một số dân tộc ít người từ hàng trăm năm qua nhất là kể từ khi nước ta tiến hành đổi mới, mở cửa, cây quế cần phải được Đảng, Nhà nước và các Bộ, ban, ngành quan tâm nhiều hơn nữa để cây quế có một vị trí xứng đáng trong nền kinh tế.
Một điều mà chúng ta cũng cần ghi nhận là trong hàng chục năm qua, nhờ có cây quế mà hàng nghìn đồng bào ta đã có đủ cơm ăn, áo mặc. Nền kinh tế đã có những đóng góp đáng kể từ việc xuất khẩu các sản phẩm từ cây quế. Bộ mặt nông thôn, miền núi đã được cải thiện đáng kể một phần cũng là nhờ cây quế.
Cũng phải công nhận rằng cây quế của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trên con đường trở thành một cây mũi nhọn, một cây có khả năng xoá đói, giảm nghèo cho hàng trăm nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số các vùng khó khăn, nhưng với nỗ lực và sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ và các Ban ngành, các địa phương, hy vọng rằng trong một tương lai không xa cây quế sẽ được quan tâm phát triển đúng mức.
Hết
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Thực trạng và một số giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu quế của Việt Nam.Doc