Dịch văn học nước ngoài ở Trung Quốc - Shuyu Kong

Shuyu Kong Dịch văn học nước ngoài ở Trung Quốc Lê Quỳnh dịch Việc dịch văn học nước ngoài đã trở thành một công việc văn hoá, văn học quan trọng tại Trung Quốc trong suốt thế kỷ 20. Việc dịch triết học và văn học ở quy mô lớn đầu tiên bắt đầu vào cuối thời nhà Thanh và kéo dài trong giai đoạn đầu của chính quyền Cộng hoà. Đây là thời điểm khi các trí thức đặt câu hỏi về truyền thống Trung Hoa và khuyến khích các giá trị văn hoá mới dựa trên các giá trị của phương Tây hiện đại. Ngay từ đầu, công việc này đã tạo ra những mong chờ khác nhau giữa những người tham gia. Các nhà cải cách và các trí thức dấn thân xem việc dịch văn học nước ngoài, cùng triết học, tuyên ngôn chính trị và tác phẩm lịch sử, là phương tiện thúc đẩy cải cách xã hội và biến đổi văn hoá. Điều này rõ ràng ảnh hưởng đến những nội dung họ chọn dịch. Một số nhan đề phản ánh sự ưa thích ở cuối triều Thanh đối với văn chương chính trị (như loại mà Lương Khải Siêu cổ vũ); những người khác thì tập trung vào “các giai cấp bị đàn áp” ở Đông Âu và Liên Xô. Dạng này được Lỗ Tấn và những nhà văn cánh tả chọn dịch trong thập niên 1920 và 1930 [1] . Cùng lúc đó, một nền văn hoá đô thị mới và các tiến bộ trong công nghệ in ấn đã tạo ra điều kiện kinh tế cho các dịch giả chuyên nghiệp, nhà văn, nhà xuất bản và chủ hiệu sách để họ giới thiệu văn chương phổ thông nước ngoài đến quần chúng. Giống như các bộ phim Hollywood và các sản phẩm nhập từ ngoài khác, văn chương phổ thông nước ngoài là một phương thức dễ dàng để tầng lớp trung lưu đang lên ở đô thị làm quen với phong cách sống phương Tây và thoả mãn sự tò mò của họ về thế giới bên ngoài. Mặc dù rất khác về mục tiêu so với các tác phẩm nghiêm túc mà các nhà cải cách và cách mạng lựa chọn, nhưng các bản dịch này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một cảm thức hiện đại trong giới người Hoa sống ở đô thị. Xem tiếp .

doc16 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 2722 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Dịch văn học nước ngoài ở Trung Quốc - Shuyu Kong, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ệ trẻ hơn, như Ilya Ehrenburg, Konstantin Simonov, Alexander Solzhenitsyn, và Vasily Aksyonov. Tiểu thuyết gây tranh luận của Ehrenburg, Băng tan, được dịch sang tiếng Hoa ngay từ năm 1963; và bốn quyển trong bộ sáu quyển hồi ký của ông này, Con người, Năm tháng, Cuộc đời, xuất hiện từ 1962 đến 1964, rõ ràng bởi vì ảnh hưởng và tiếng tăm của ông ở cả Liên Xô và phương Tây. Nhiều tác phẩm văn học hiện đại quan trọng của phương Tây cũng được dịch rất sớm ngay sau khi bản gốc ra mắt. Trong đó có quyển Buồn nôn và các truyện khác của Jean Paul Sartre (được dịch sang tiếng Hoa năm 1965), Kẻ xa lạ của Camus (1961), Chờ Godot của Samuel Beckett (1965), Phiên toà và các truyện khác của Franz Kafka (1966), Tuyển tập tiểu luận của T. S. Eliot (1962), Trên đường của Jack Kerouac (1962), và Bắt trẻ đồng xanh của J. D. Salinger (1963). Được chính phủ đặt hàng, và do các trí thức, nghiên cứu gia, dịch giả và biên tập viên chọn lựa cẩn thận dịch và chỉnh lý, các tác phẩm này được số ít các nhà xuất bản có đặc quyền in ấn. Trên lý thuyết, chúng nhằm dành cho một nhóm các viên chức cao cấp tại Ban tuyên huấn và các cơ quan văn hoá nhà nước, cùng một số trí thức khác, để giúp họ có kiến thức cập nhật về đời sống và tư tưởng đương thời ở phương Tây và Liên Xô. Nhưng không lâu sau đó, nhiều tác phẩm này đã có lượng độc giả nhiều hơn ý định của nhà nước. Thoạt tiên, điều này chỉ xảy ra khi con cái của các trí thức và viên chức cao cấp – đặc biệt những thanh niên ở tuổi đi học – được tiếp cận với sách của cha mẹ. Các thanh niên này lại chuyền sách cho bạn bè, trong “các cuộc họp mặt ngầm” của họ. Một sự phân phát các ấn bản nội bộ rộng rãi hơn đã xảy ra trong giai đoạn ác liệt nhất của Cách mạng Văn hoá, khi mọi hàng rào và trật tự xã hội đổ vỡ. Bắt đầu từ năm 1966, Hồng vệ binh lùng sục các thư viện và phòng tham khảo ở các cơ quan văn hoá, và nhà của các học giả, viên chức và nhà văn nổi tiếng. Sau khi tịch thu nhiều tác phẩm hạn chế như là bằng chứng của ảnh hưởng tư sản, một số thành viên Hồng vệ binh đã đọc chúng và phân tán sách. Những tác phẩm được ưa chuộng nhất trong số này cũng được phân phát ở dạng viết tay. Sau năm 1968, đa số các thanh niên thành thị dính líu đến phong trào Hồng vệ binh được đưa xuống nông thôn, và một số đem sách đi theo; điều này khiến ảnh hưởng của sách lan rộng hơn trong thanh niên Trung Quốc. Một số các tác phẩm thuộc trào lưu hiện sinh hoặc thế hệ Beat Hoa Kỳ, chúng đem lại một ít ý nghĩa cho cuộc khủng hoảng tinh thần mà các thanh niên này đang trải qua. Trong đó có Trên đường của Jack Kerouac, Bắt trẻ đồng xanh của J. D. Salinger, và Kẻ xa lạ của Camus. Theo nhiều thanh niên của đầu thập niên 1970, sự bất mãn của họ trước nhà nước đã tìm thấy âm vọng trong thế giới tinh thần của sự mất mát và đơn độc mà các sách này mô tả. Ví dụ được nhắc đến thường xuyên nhất là ảnh hưởng của các tác phẩm này lên nhóm thơ Bạch Giang Điền – tiền thân của các nhóm Sương Thi và nhóm Ngày Nay cuối thập niên 1970. Chắc chắn những xuất bản phẩm nội bộ này – đặc biệt là những văn phẩm hiện đại từ phương Tây và Liên Xô – đã cho phép cả một thế hệ văn chương trẻ tách khỏi cái nhìn tri thức hạn hẹp mà 17 năm giáo dục xã hội chủ nghĩa đã truyền cho họ. Các tác phẩm này dạy họ tự chủ động suy nghĩ, và chúng sẽ sẽ có tác động mạnh đến văn học Trung Quốc trong cuối thập niên 1970 và 1980. Tuy nhiên, cùng lúc đó, cả xu hướng bó hẹp quyền lợi văn hoá dành cho thiểu số tinh hoa lẫn việc kiểm duyệt chính trị tiếp tục hạn chế việc dịch và phát hành văn học nước ngoài ở Trung Quốc trước năm 1980. Trong phần lớn thời gian này, việc tiếp cận kiến thức nước ngoài bị kiểm soát nặng nề. Quá trình lựa chọn và dịch tác phẩm nước ngoài được đối xử như một hoạt động nghiêm túc có mục đích chính trị, và không cho phép ý niệm bán sách kiếm tiền. Cho đến tận cuối những năm 1970, các tiệm sách ở Bắc Kinh có bán các “ấn phẩm nội bộ” chỉ được phép tiếp các khách hàng có một chức vụ nhất định trở lên. Đa số dân chúng bị cấm sở hữu hoặc đọc các sách in nội bộ. Khi Trung Quốc tái mở cửa với thế giới từ cuối thập niên 1970, tình hình thay đổi hoàn toàn. Một đợt sóng các tác phẩm phương Tây xuất hiện – văn học, triết học, nhân văn, khoa học xã hội. Có thay đổi đặc biệt sau Đại hội Văn Nghệ lần thứ Tư, tổ chức tháng 10 và 11-1979, khi Đặng Tiểu Bình có bài nói chuyện thúc giục các văn sĩ hiện đại hoá bằng cách học hỏi phương Tây. Nhiều tác phẩm đột ngột xuất hiện trên thị trường, thực ra vốn là các sách nội bộ từng bị hạn chế. Chúng đã được dịch nhiều năm trước đó và nay mới được in lại để bán ra ngoài. Các tác phẩm này tạo ra những tranh luận sôi nổi. Chúng cũng khuyến khích các nhà văn có ảnh hưởng của thập niên 1980 – Wang Meng, Gao Xingjian, Bei Dao, Liu Suola, và Xu Xing – bắt đầu thử nghiệm các kỹ thuật hiện đại. Theo một nghiên cứu, từ 1978 đến 1987, hơn năm ngàn tựa sách nước ngoài được xuất bản trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn – cao gấp 10 lần so với toàn bộ tựa sách dịch của 30 năm trước đó. Một nghiên cứu khác tính toán rằng con số trung bình các tác phẩm văn học dịch đã tăng từ 172 sách mỗi năm từ 1949 đến 1979, vọt lên 657 mỗi năm từ 1980 đến 1986, và chỉ riêng trong năm 1988, số tác phẩm văn học dịch được in là hơn 1000. Các tác phẩm được chọn dịch trong thập niên 1980 cũng độc lập về mặt trí thức hơn và sẵn sàng thách thức các quy chuẩn văn hoá đương thời. Có sự giới thiệu hệ thống các ấn phẩm giáo khoa về văn học nước ngoài, chẳng hạn cuốn Hợp tuyển tác phẩm hiện đại phương Tây do Yuan Kejia biên tập, và Hợp tuyển Thơ Mỹ hiện đại do Zhao Yiheng biên tập. Ngoài ra, nhiều tạp chí chuyên về văn học nước ngoài – đặc biệt văn học đương đại – đã được thành lập mới hoặc phục hồi lại. Trong đó có tạp chí Văn học thế giới (phục hồi lại năm 1977), Văn nghệ nước ngoài, Văn học nước ngoài đương đại và Văn học Sô-viết. Những tạp chí này thường mời các dịch giả hoặc chuyên viên làm biên tập, và các bản dịch có sự đi kèm của những lời giới thiệu và phê bình sâu. Chúng áp dụng các tiêu chí lựa chọn khác nhau – ví dụ, Văn nghệ nước ngoài tạo tên tuổi như một tạp chí của các tác phẩm thể nghiệm tiền phong – nhưng nói chung, tất cả đều tập trung vào văn học nghiêm túc được dịch theo tiêu chuẩn cao. Có lẽ còn quan trọng hơn sự gia tăng tiếp xúc văn học nước ngoài nghiêm túc là sự phát triển vũ bão của việc dịch văn học phổ thông, đặc biệt từ giữa thập niên 1980. Văn học phổ thông đã không được xuất bản ở Trung Quốc từ đầu thập niên 1950. Đa phần loại này bị lên án – ví dụ trinh thám Sherlock Homes, truyện tình kiểu Cuốn theo chiều gió, và tác phẩm câu khách của Erich Segal, Arthur Hiller và Sidney Sheldon. Thế nhưng toàn bộ các truyện này nay được xuất bản và bán rộng rãi. Cùng lúc đó, chính quyền nới lỏng hạn chế đối với việc xuất bản văn học nước ngoài, và nhiều nhà xuất bản, đặc biệt ở các tỉnh, hăng hái nhảy vào khu vực lãi to này. Một số tổ chức nhà nước thậm chí sử dụng đặc quyền chính trị và khả năng tiếp cận thông tin nước ngoài để kiếm lời từ việc dịch văn học phổ thông. Ví dụ, vào cuối thập niên 1970 và đầu 1980, một nhà xuất bản thuộc Bộ Công an bắt đầu xuất bản các tiểu thuyết trinh thám, điệp báo, hồi kí chính trị, và thậm chí một số sách gợi tình, lấy cớ là họ đang giúp nhân dân duy trì cảnh giác với kẻ thù. Các loại sách này trở nên ăn khách, có một số nhan đề bán được hàng triệu bản. Theo một nghiên cứu năm 1993 về thị trường sách ăn khách tại Đại lục, cơn sốt văn học phổ thông nước ngoài bắt đầu từ 1985 và đạt đỉnh điểm từ 1987 đến 1989. Trong vài tháng từ cuối 1987 đến đầu 1988, hơn 80 tiểu thuyết nước ngoài được dịch với số bản in trung bình là 115.600 và giá trung bình là 2,81 Nhân dân tệ. Con số này càng ấn tượng hơn nếu ta biết rằng giá sách trung bình khi đó chỉ là 0,99 Nhân dân tệ. Bìa sách bảo rằng đây là sách do các nhà xuất bản quốc doanh in; trên thực tế, đa số là sự hợp tác giữa các nhà xuất bản quốc doanh và người làm sách tư nhân (đóng vai trò chính). Ngay từ đầu, văn học phổ thông nước ngoài được xem như hoạt động kiếm tiền. Vì thế cách làm sách cũng khác hẳn so với hoạt động in văn học nghiêm túc. Thứ nhất, cả nhà xuất bản lẫn người làm sách tư nhân đều không quan tâm việc dịch một cách có hệ thống; đa số nhan đề được in nhằm thu lãi nhanh chóng. Các nhà xuất bản, mặc dù vui vẻ kiếm tiền từ các sách này, nhưng không xem trọng chúng như các tác phẩm nghiên cứu hoặc văn học khác, và không xem đây là tập trung chính của họ. Họ thường phó mặc việc dịch cho giới tư nhân, những người thuê sinh viên và các dịch giả kém trình độ khác. Kết quả là chất lượng sách không đồng đều. Thứ ba, việc in ấn và phát hành cũng thực hiện theo kiểu rẻ tiền, vì đa số các tựa sách được bán trên đường phố và trong nhà sách tư, mà vào thời điểm này còn thô sơ. Thứ tư, quanh việc chọn sách, một phần lớn các tựa sách thuộc dạng văn chương thấp nhất, tập trung vào bạo lực, tội ác và sex. Ngoài ra, cũng vì có sự tiếp cận hạn chế với văn chương nước ngoài, nhiều người làm sách và nhà xuất bản sẵn sàng chọn bất kì tựa sách nào họ có trong tay, bất kể chất lượng. Một số có khi còn chọn các cuốn sách do người nước ngoài bỏ lại trong khách sạn. Với quá trình lựa chọn như thế, người đọc nghiễm nhiên có ấn tượng hẹp về xã hội phương Tây, coi đó là thừa mứa vật chất nhưng tha hoá về tinh thần. Và cuối cùng, vấn đề bản quyền thường bị bỏ qua. Trong thập niên 1990, có nhiều thay đổi trong cách thức dịch các tác phẩm nước ngoài – cả nghiêm túc lẫn phổ thông. Những thay đổi này dẫn đến việc là hai thái cực này trở nên có nhiều điểm tương đồng. Cải tổ trong khu vực xuất bản quốc doanh – đặc biệt là việc giảm trợ cấp của nhà nước – đã khiến các nhà xuất bản thấy họ cần kiếm tiền ngay cả từ những cuốn sách văn học thuần tuý. Kết quả là nhiều nhà xuất bản và tạp chí bắt đầu tiếp thị, trình bày đẹp, và quảng bá văn học nghiêm túc với những kỹ thuật học hỏi từ thị trường sách ăn khách. Đồng thời, chất lượng văn học phổ thông cũng cải thiện do những người làm sách tư nhân trở nên chuyên nghiệp và học thức hơn. Thay vì ngẫu nhiên tóm các tựa sách phổ thông, thì nay họ để ý nhiều hơn đến thị trường sách nước ngoài. Càng lúc họ càng chọn dịch các tác phẩm đã chứng tỏ giá trị ở các nước khác. Để cung cấp một bức tranh rõ nét hơn về những thay đổi diễn ra trên thị trường sách dịch từ đầu thập niên 1980 đến giữa 1990, trong phần tiếp theo, tôi giới thiệu một trường hợp: tạp chí Yilin (Dịch Lâm). Trong thập niên 1980 và 1990, tạp chí văn học ở tỉnh này đã có danh tiếng là giúp giới thiệu và quảng bá văn học hiện đại nước ngoài. Năm 1988, tạp chí tập hợp tài sản đáng kể của mình – một bộ các tác phẩm đã dịch – để thành lập một nhà xuất bản lấy tên Yilin, chủ yếu in văn học nước ngoài. Việc xem xét cách thức và sản phẩm của tạp chí và nhà xuất bản này sẽ giúp nêu bật nhiều tính chất của thị trường văn học nước ngoài lúc ấy đang phát triển ở Trung Quốc: các nhà xuất bản lựa chọn nhiều dạng sách hơn, đặc biệt là sách ăn khách; nhiều nhà xuất bản, đặc biệt ở tỉnh, bắt đầu tiến vào thị trường văn học nước ngoài; và quan trọng nhất, các tiêu chí nghệ thuật và chính trị bắt đầu nhường chỗ cho động cơ lợi nhuận trong vấn đề chọn dịch và quảng bá sách. 2. Hiện tượng Yilin Yilin được thành lập năm 1979 với tư cách một tạp chí văn học ba tháng một kỳ, trực thuộc nhà xuất bản nhân dân Giang Tô. Việc thành lập tạp chí, với mục đích tập trung cho văn học hiện đại nước ngoài, trùng với chính sách “trăm nhà đua tiếng” trong lĩnh vực văn hoá của chính phủ. Cùng thời điểm này, nhiều tạp chí văn học khác cũng được thành lập hoặc phục hồi trở lại. Nhưng nếu chúng ta nhớ rằng trước đó văn học nước ngoài vẫn là một lĩnh vực đặc quyền với vài nhà xuất bản, thì ta thấy thật đặc biệt khi một nhà xuất bản bình thường ở tỉnh lại cấp giấy phép cho một tạp chí văn học dịch. Năm 1979, chỉ có thêm hai tạp chí khác chuyên về văn học nước ngoài: Văn học thế giới, thành lập năm 1953 và mới được phục hồi, trực thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, và Văn nghệ nước ngoài, thành lập năm 1978, thuộc Nhà xuất bản ngoại văn Thượng Hải, và tập trung nhiều hơn vào thị trường miền nam. Tuy nhiên, hai tạp chí này có xu hướng giáo khoa và chọn lọc hơn trong việc dịch văn học nước ngoài. Yilin là sự báo hiệu cho xu hướng phổ thông hoá trong việc xuất bản sách ngoại văn ở Trung Quốc. Đây là kết quả của một sự thay đổi thái độ cố ý được nhà xuất bản khuyến khích. Vào cuối thập niên 1970, nhà xuất bản nhân dân Giang Tô đã thành công trong việc xuất bản văn học nước ngoài, đặc biệt là các tác phẩm hiện đại thu hút nhiều người đọc. Trong lĩnh vực này, Giang Tô, cùng nhiều nhà xuất bản cấp tỉnh khác, bắt đầu thách thức sự độc bá của Nhà xuất bản văn học nhân dân ở Bắc Kinh. Một phần thành công của nhà xuất bản nhân dân Giang Tô là nhờ nó đặt tại thủ phủ Nam Kinh, nơi có hai đại học với các khoa văn học nước ngoài chất lượng cao có thể cung cấp người dịch và cả nhà nghiên cứu giúp biên tập sách. Doanh thu khá trong việc in văn học nước ngoài khiến các giám đốc tin rằng họ có thể có một tạp chí văn học thành công. Họ cũng tin là điều này sẽ giúp làm tăng danh tiếng của nhà xuất bản như một trung tâm văn hoá và giúp họ kiếm tiền. Trong phần định hướng biên tập của tạp chí, các giám đốc nêu rõ tham vọng của họ: “Mở cửa sổ và nhìn ra thế giới”. Phần định hướng cũng nêu: “Yilin xuất bản các bản dịch phản ánh xã hội nước ngoài hiện đại và các tác phẩm đã ra mắt trong năm năm trở lại”. Tuyên ngôn chào mừng văn học nước ngoài này, mặc dù đã thành bình thường ngày hôm nay, lại rất táo bạo vào lúc ấy. Vì thế không ngạc nhiên khi ngay tức khắc Yilin gặp rắc rối trong vụ Cái chết trên sông Nile. Trong số ra mắt năm 1979, Yilin giới thiệu truyện Cái chết trên sông Nile của Agatha Christie. Đây là một chiến lược khéo léo vì lúc đó bộ phim dựa trên tác phẩm này đang chiếu trên toàn Trung Quốc và hàng triệu khán giả bị cốt truyện mê hoặc. 200.000 bản in của số tạp chí đầu tiên đã bán hết sạch; họ in thêm 200.000 bản khác nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng. Trên thị trường chợ đen, mỗi số tạp chí được bán với giá 2 Nhân dân tệ - gần gấp đôi giá chính thức là 1,2 Nhân dân tệ. Nhà xuất bản nhân dân Giang Tô ăn theo với việc in tác phẩm dưới dạng sách, với số bản in là 400.000. Yilin thu hút sự chú ý của quần chúng nhờ Cái chết trên sông Nile. Nhưng thành công này lại tạo ra tranh cãi trong các nhà nghiên cứu và dịch thuật. Ngạc nhiên là chính giới trí thức, chứ không phải chính phủ, là những người đầu tiên chỉ trích tạp chí. Vào đầu năm 1980, Feng Zhi, một nhà thơ và là dịch giả nổi tiếng về văn học Đức của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, viết thư cho Hu Qiaomu, khi đó đứng đầu Ban Tuyên huấn. Lá thư phê phán Yilin đã xuất bản các tác phẩm “suy đồi” như Cái chết trên sông Nile chỉ để thoả mãn “thị hiếu thấp” của độc giả và để kiếm tiền. Ông này thậm chí tuyên bố: “Lĩnh vực xuất bản chưa bao giờ suy thoái như vậy kể từ phong trào Ngũ Tứ 1919”. Lời phê phán như thế từ một trí thức nổi tiếng đủ để giết đa số các nhà xuất bản, và mọi người trong lĩnh vực dịch văn học xem đây là trường hợp thử thách chính sách mới của chính phủ về dịch và xuất bản văn học nước ngoài. Tuy nhiên, Cục xuất bản của tỉnh Giang Tô đã ủng hộ Yilin, và Yilin cũng khéo léo dùng báo chí để tuyên truyền cho họ. Sự chú ý của truyền thông, cùng với sự ủng hộ rộng rãi dành cho Yilin, khiến lãnh đạo phải tỏ ra thận trọng trong việc này. Tại Hội nghị các tạp chí văn học vào tháng Năm 1980, Wang Renzhong, hiện đứng đầu Ban Tuyên huấn, nói rằng Yilin đã tuân thủ các nguyên tắc của chính sách mở cửa của chính phủ và rằng Cái chết trên sông Nile không có nội dụng độc hại. Vì thế, ông nói, theo sau đề nghị của Đảng uỷ tỉnh Giang Tô, Yilin được cho phép tiếp tục phát hành, mặc dù tạp chí phải tránh các nội dung nguy hiểm trong tương lai. Phản ứng quá khích của nhà thơ Feng Zhi đối với truyện của Agatha Christie được xã hội tiếp nhận nghiêm túc đến mức nó trở thành sự kiện quốc gia; tuy nhiên, quyết định chung cuộc đã cho thấy thái độ chính thống đối với văn học nước ngoài bắt đầu thay đổi. Trong một thập niên sau đó, người ta dễ dàng hơn khi xuất bản văn học nước ngoài mà không có sự can thiệp của chính quyền, ngoại trừ trong một số trường hợp. Yilin tồn tại, và trong thập niên 1980, nó hoạt động khá thoải mái trong thị trường văn học dịch. Tạp chí theo dõi sát các sách ăn khách ở phương Tây, đặc biệt ở Bắc Mỹ, và nhanh chóng thuê người dịch. Các nhà văn Mỹ như Sidney Sheldon, Robin Cook, Michael Crichton, John Grisham, và Mario Puzo đều trở thành tên tuổi quen thuộc ở Trung Quốc nhờ nỗ lực của Yilin. Thành công của Yilin không hẳn phụ thuộc vào chất lượng văn chương của tác phẩm họ chọn, cũng như không phụ thuộc vào chất lượng bản dịch (thường không có gì xuất sắc); thành công của họ chủ yếu nhờ vào khả năng đánh giá xem quần chúng đang quan tâm điều gì. Các nhà xuất bản trong cùng khu vực này chưa có kỹ năng ấy. Ví dụ, Yilin quảng cáo mình là nơi xuất bản các truyện phương Tây mới nhất về cuộc sống đương đại – điều này hấp dẫn người đọc trong một xã hội mà cho đến gần đây còn khép cửa. Và vì Yilin là một tạp chí, họ cũng linh động hơn nhà xuất bản và vì thế thu hồi vốn cũng nhanh hơn. Điều này cho phép họ nhanh chóng cung cấp cho thị trường các tác phẩm mới nhất. Tạp chí thường xuyên in các bản dịch gần như ngay sau khi tác phẩm gốc ra mắt – ví dụ The Evening News của Arthur Hailey (1990) và The Pelican Brief của John Grisham (1992). Yilin cũng nhanh nhạy tận dụng sự yêu thích của người Trung Quốc đối với phim ảnh nước ngoài. Trong năm số đầu tiên, in năm 1979 và 1980, bốn tiểu thuyết được giới thiệu trước đó đều đã có phim chiếu tại Trung Quốc. Yilin thành công đến mức nhà xuất bản nhân dân Giang Tô cũng lấy lại các bản dịch của tạp chí để in thành sách. Để chính thức hoá xu hướng này, năm 1988, ban ngoại văn của nhà xuất bản và ban biên tập của Yilin hợp lại để thành lập nhà xuất bản Yilin. Đây là nhà xuất bản đầu tiên ở một tỉnh chuyên về văn học nước ngoài; đây cũng là nhà xuất bản đầu tiên cạnh tranh với hai nhà xuất bản cấp quốc gia ở Bắc Kinh và Thượng Hải. [1]Có lẽ câu này ám chỉ các tác phẩm ca ngợi hoặc mô tả cuộc sống của những người cùng khổ dưới chế độ cũ, nhưng được viết ở Liên Xô thời 1920, 1930, như những truyện của Gorky, Nikolai Ostrovsky (ND). 3. Yilin quảng bá tiểu thuyết Ulysses Nhà xuất bản Yilin không chỉ in các tác phẩm đã xuất hiện trong tạp chí chị em của nó. Nhà xuất bản có ba sê-ri văn học chính, chia thành hai phạm trù tiếp thị căn bản: tác phẩm cổ điển và sách ăn khách hiện đại. Loạt Văn học cổ điển thế giới tập hợp các kiệt tác trước Thế chiến Hai, nhiều trong số này là dịch lại các tác phẩm từng được Nhà xuất bản ngoại văn Thượng Hải in. Ý tưởng đằng sau loạt sách này là độc giả Trung Quốc thích thú với mọi thứ “cổ điển”; ngoài ra, bản quyền đã hết hạn đối với phần lớn các tác phẩm này, nên chỉ tốn ít tiền để in. Đến năm 2001, hơn 100 tựa sách trong sê-ri này đã được in trong kế hoạch in 200 tác phẩm. Sẽ-ri thứ hai có tiêu đề tương tự: Văn học cổ điển thế giới: Hiện đại và Đương đại. Nó tập trung vào giai đoạn hậu chiến và gồm các tác giả như Graham Greene, Kenzaburo Oe, và Carlos Fuentes. Trong 10 năm qua, hơn 70 tựa sách đã được in trong loạt này. Sê-ri thứ ba và ăn khách nhất là Thư viện sách ăn khách thế giới – chủ yếu gồm các ấn bản vốn ban đầu in trong tạp chí Yilin. Nhà xuất bản Yilin thường xuất bản các ấn bản khác nhau của cùng một tựa sách, và in đồng thời. Cách “tiếp thị đa chiều” này thể hiện khuynh hướng quảng cáo sách đến thật nhiều loại độc giả. Ví dụ, cùng trong sê-ri Văn học cổ điển thế giới, các tựa sách được in thành ba dạng: sách bìa cứng, bìa mềm và phổ thông. Ngoài ra, độc giả còn có thể đặt hàng loại “sách đặc biệt đóng hộp”. Chất lượng giấy và trình bày bìa cũng khác nhau, mặc dù nội dung sách thì vẫn thế. Loại bìa cứng có các tranh minh hoạ của hoạ sĩ nước ngoài, và tên tác giả được in theo lối thư hoạ cầu kỳ. Loại này rõ ràng nhắm đến những người chơi sách giàu có. Loại bìa mềm in các bức tranh sơn dầu thế kỷ 19, trong khi ấn bản phổ thông lại in các bức hình chụp từ các bộ phim dựa theo truyện. Chiến lược “tiếp thị đa chiều” cũng áp dụng cho sê-ri Văn học cổ điển thế giới: Hiện đại và Đương đại. Riêng sê-ri Thư viện sách ăn khách thế giới lại chỉ in theo ấn bản bìa mềm. Bìa sách in các cảnh trong phim Hollywood. Các bìa sách có tính chất dễ gần, thân mật này là một sáng tạo lớn trong việc in ấn sách nước ngoài ở Trung Quốc – mặc dù rõ ràng chúng chịu ảnh hưởng từ các kỹ thuật Phương Tây. Các sách dịch ở Trung Quốc trước đó luôn có các hình bìa đơn giản và điềm đạm. Giá sách rẻ của những ấn bản này cũng là một điểm thu hút. Sự khôn ngoan của chiến lược kinh doanh này trở nên rõ ràng trong thập niên 1990, khi giá sách tăng chóng mặt khiến nhiều độc giả không thể mua các sách có giá thị trường trung bình. Các ấn bản giá rẻ của Yilin cũng khiến các ấn bản in lậu khó cạnh tranh. Giống như tạp chí Yilin, nhà xuất bản Yilin đạt được thành công thương mại nhờ việc xuất bản sách thu hút đông đảo độc giả. Tuy nhiên, nhà xuất bản còn đi xa hơn tạp chí khi họ dùng các kỹ thuật tiếp thị thông minh để đại chúng hoá những tác phẩm “cổ điển thế giới”. Diễn biến này cần được minh hoạ chi tiết hơn, vì nó cho thấy rõ sức mạnh của tiếp thị và quảng bá trong việc tạo nhu cầu trong độc giả đối với các sản phẩm văn học xa lạ. Nhà xuất bản Yilin là người tiên phong trong lĩnh vực này, và trong những năm gần đây, các kỹ thuật của họ đã được các nhà xuất bản khác bắt chước và phát triển tinh tế hơn. Tôi sẽ mô tả cách nhà xuất bản Yilin in và quảng bá cho bản dịch mới của tiểu thuyết Ulysses của James Joyce năm 1995. Thành công của tạp chí Yilin và việc lập nên nhà xuất bản đã không thể xảy ra nếu thiếu Li Jingduan, tổng biên tập của tạp chí Yilin và là giám đốc nhà xuất bản cho đến năm 1999. Trước khi tiến vào ngành xuất bản năm 1975, Li làm việc trong ngành ngoại thương và báo chí; điều này giúp ông có kinh nghiệm kinh doanh nhiều hơn đa số các tổng biên tập ở Trung Quốc thời kì ấy. Đến đầu thập niên 1990, nhà xuất bản Yilin đã xác lập danh tiếng là nơi xuất bản văn học phổ thông nước ngoài và là nơi nhập khẩu lớn nhất các sách ăn khách của Mỹ và châu Âu. Nhưng Li nhận ra rằng để thật sự thách thức các nhà xuất bản lâu đời hơn và tăng thị phần, họ cũng phải lấn sân vào khu vực văn học tinh tuý. Ông quyết định tạo tiếng vang bằng cách “bổ sung cho những lỗ hổng lớn nhất của lịch sử văn học dịch Trung Quốc”; để làm điều đó, ông cho dịch hai tuyệt tác của văn học Phương Tây: Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust và Ulysses của James Joyce. Việc dịch tác phẩm đồ sộ của Proust được 15 dịch giả tiến hành đồng thời, họ dịch các phần khác nhau, và hoàn tất năm 1991. Bản dịch này, tuy không thành một best-seller, đã được in lại bốn lần trong ba năm, bán được tổng cộng 40.000 bản. Quan trọng hơn, dự án đem về một giải thưởng toàn quốc về văn học dịch, và giúp Yilin củng cố danh tiếng là một nhà xuất bản chất lượng cao. Được khuyến khích, Li Jingduan quyết định cho dịch Ulysses, nổi tiếng là vô cùng khó hiểu. Ông tin rằng nhà xuất bản Yilin có thể tạo ra bản dịch hoàn hảo, tin đến mức ông không chịu từ bỏ dự án cả sau khi biết rằng nhà xuất bản Văn học Nhân dân ở Bắc Kinh đã mời học giả nổi tiếng về James Joyce, ông Jin Ti, thực hiện dịch cùng tác phẩm này. Jin Ti, một giáo sư ở Viện Ngoại ngữ Thiên Tân, là một dịch giả kinh nghiệm, đã tự phát triển một lý thuyết dịch của riêng mình. Ông lần đầu dịch Ulysses từ năm 1979, khi ông được mời dịch chương thứ hai của Ulysses để in trong Hợp tuyển tác phẩm hiện đại phương Tây. Sau đó, ông cho in trích đoạn từ chương thứ ba trong tạp chí Văn học Thế giới. Năm 1987, một nhà xuất bản ở Thiên Tân ấn hành bản dịch Ulysses đã rút lược của Jin Ti. Nhà xuất bản Văn học Nhân dân sau đó mời ông dịch toàn bộ tác phẩm trong ba năm. Vì nhiều lý do – bao gồm độ khó của các chương còn lại và chuyến thăm Mỹ kéo dài của Jin Ti vào cuối thập niên 1980 – dự án ̣đến năm 1994 vẫn chưa hoàn thành. Vào lúc đó, chỉ mới có tập một là sẵn sàng để in. Sự chậm trễ này khiến nhà xuất bản Yilin có khả năng vượt lên trước với bản dịch của riêng họ. Ngay từ đầu, dự án được coi là ưu tiên số một. Năm 1990, đích thân Li Jingduan nắm chức điều hành dự án, và bày tỏ quyết tâm tìm ra một dịch giả cũng nổi danh như Jin Ti để thực hiện dự án. Nhiều thế hệ dịch giả văn học tiếng Anh lớn tuổi từ chối nhận một nhiệm vụ khó như thế. Trong số này, Xiao Qian có vẻ là ứng viên số một. Xiao, người cũng là một nhà văn có tiếng, đã học về kỹ thuật dòng ý thức và chủ nghĩa hiện đại khi học tại Cambridge thập niên 1930. Xiao đã hơn 80 và nói ông không có sức khoẻ để làm; tuy nhiên, Li lại thuyết phục được vợ của Xiao, một biên tập viên văn học nước ngoài ở nhà xuất bản Văn học Nhân dân, thực hiện phần dịch căn bản, và Xiao làm công tác trợ giúp. Như Li Jingduan dự đoán, khi công việc đã bắt đầu, ông Xiao càng lúc càng tham gia nhiều hơn, và cuối cùng tuyên bố ông là đồng dịch giả. Khi cuộc cạnh tranh đã thật sự bắt đầu, Li Jingduan nhận ra rằng một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến lợi nhuận sẽ là bản dịch nào ra mắt thị trường trước tiên. Vì lý do này, ông phá bỏ mối quan hệ vốn thường xa cách giữa nhà xuất bản và dịch giả, và dành sự giúp đỡ chi tiết cho Xiao và Wen. Ông giúp họ liên hệ với các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc và nước ngoài, mua cho họ sách tham khảo, các ấn bản in khác nhau của tiểu thuyết, bao gồm cả các bản dịch tiếng nước khác. Ban đầu kế hoạch của nhà xuất bản Yilin là sẽ ấn hành toàn bộ tác phẩm vào cuối năm 1994, chưa đầy bốn năm sau khi hai vợ chồng Xiao và Wen bắt đầu dịch. Tuy nhiên, đầu năm 1994, nhà xuất bản Jiuge ở Đài Loan ấn hành tập đầu tiên bản dịch của Jin Ti. Cùng lúc đó, nhà xuất bản Văn học Nhân dân ở Bắc Kinh loan báo họ cũng sẽ ấn hành tập một vào tháng Năm năm đó, theo lối chữ giản thể. Li phản ứng tức thời, bằng cách đẩy nhanh ngày in tập một bản dịch của vợ chồng Xiao. Sau vài tháng chạy đua, nhà xuất bản Yilin đã ấn hành tập một cũng vào tháng Năm. Lượng in đầu tiên là 80.000. Yilin ấn hành nốt hai tập khác vào cuối năm 1994, đi trước tập hai bản dịch của Jin Ti. Thái độ đủng đỉnh của Jin Ti và nhà xuất bản Văn học Nhân dân ở Bắc Kinh mang tính điển hình cho cho các nhà xuất bản và dịch giả trước giai đoạn giữa thập niên 1990. Không ai quá bận tâm về khả năng lợi nhuận – họ đơn giản cho rằng đã là văn học tinh tuý thì chắc chắn bán ế. Nhưng họ cũng cảm thấy có trách nhiệm phải bảo đảm một bản dịch chất lượng cao. Thái độ này hơi lỗi thời một chút, mặc dù chắc chắn trong hệ thống xuất bản trước đây của Trung Quốc, một hệ thống độc quyền xây dựng trên thái độ coi trọng tính tinh hoa về văn hoá, thì một thái độ như vậy là điều dễ hiểu. Vì thế khi được phỏng vấn vào mùa xuân năm 1995, ngay cả khi bản dịch Ulysses của Yilin đã có trên thị trường và đang thu lời, biên tập viên của nhà xuất bản Văn học Nhân dân phụ trách bản dịch chưa hoàn tất của Jin Ti vẫn bình tĩnh giải thích: “Sau khi tập một được xuất bản [mùa xuân 1994], người đọc trông chờ tập hai. Nhưng bản dịch quá phức tạp, phong cách thay đổi nhiều, và có những vấn đề kỹ thuật. Nói thật, tôi chả quan tâm lắm quyển sách này, và tôi cũng không hiểu nó. Nhưng Jin Ti là một học giả kiểu cổ, rất nghiêm khắc về chất lượng bản dịch, và ông liên tục nhấn mạnh ông sẽ không gấp rút dịch cho xong để in. Vì ông sẽ cảm thấy có tội với cả nhà văn và độc giả. Đến nay vẫn có một chương ông chưa gửi, và vì có nhiều bảng biểu và nốt nhạc trong phần hai tập sách, nên có những vấn đề kỹ thuật. Nên ngay cả tôi cũng không chắc bao giờ tập tiếp theo sẽ xuất bản”. Tập cuối cùng chỉ được xuất bản vào tháng Ba 1996, hai năm sau tập một. Đến lúc này, ấn bản của Yilin đã chiếm phần lớn thị phần của sách. Thành công của cuốn Ulysses của Yilin không chỉ phụ thuộc vào tốc độ in. Thực ra, yếu tố quan trọng nhất là chiến dịch quảng cáo của nhà xuất bản, bắt đầu trước khi bản dịch hoàn tất và còn tiếp tục hai năm sau đó. Trong suốt chiến dịch, Yilin chứng tỏ sự nhạy bén kinh doanh, nhấn mạnh đến hiệu năng, tính chuyên nghiệp và sự thực tế lấy độc giả làm trọng – tất cả trái ngược với phong cách của nhà xuất bản Văn học Nhân dân. Chiến dịch tiếp thị của Yilin bao gồm các chiến lược sau. Thứ nhất, Li quảng bá bản dịch của nhà xuất bản của ông bằng cách nhấn mạnh tiếng tăm của nhà văn và dịch giả. Các tài liệu quảng cáo phân phát trong quá trình dịch thuật cho biết nguồn gốc của “tuyệt tác”, và nhấn mạnh vai trò trung tâm của Joyce trong lịch sử văn học; họ cũng liên tục ca ngợi tài năng dịch thuật và viết văn của Xiao Qian. Cả trước và sau khi sách đã in, Li khuyến khích Xiao tự viết các bài báo giới thiệu tác phẩm, giải thích nội dung, và giải thích độ khó của tác phẩm. Sau khi sách đã ấn hành, Xiao Qian tham gia buổi ký tặng ở nhà sách Tân Hoa ở Thượng Hải. Tháng Năm 1995, nhà xuất bản Yilin tổ chức một hội thảo, “Joyce và Ulysses” với sự tham dự của nhiều học giả và dịch giả nổi tiếng, cùng với đại sứ Ireland và giám đốc Trung tâm Văn hoá Joyce ở Dublin. Diễn biến này được tường thuật trên các báo văn học. Thứ hai, để làm tăng sự hiếu kỳ của độc giả, nhà xuất bản Yilin nhắc lại những tai tiếng quanh việc in tác phẩm này lần đầu tại châu Âu. Năm 1993, Li Jingduan cho in các lá thư trao đổi giữa ông với Xiao Qian, trong đó họ thảo luận liệu tác phẩm – đặc biệt ở chương 18 gây tranh cãi – có bị cấm vì sự mô tả tâm lý tình dục của nhân vật nữ Molly. Xiao kết thúc lá thư với tuyên bố: “Khác với nửa thế kỷ trước ở châu Âu, chính phủ sẽ không đưa chúng ta ra toà vì cuốn sách này”. Sau đó, Li mở rộng bình luận này trong một bài báo: “Một cuốn sách tuyệt vời, một cuốn sách khó, và một cuốn sách bị cấm”. Trong đó, ông kể lại phiên toà xử tội tục tĩu ở châu Âu sau khi sách in, và nhắc đến nội dung tính dục, kỹ thuật dòng ý thức và văn phong hiện đại của sách. Độc giả đã cảm thấy thèm trước khi bản dịch xuất hiện. Thứ ba, nhà xuất bản Yilin rất cố gắng đưa tác phẩm trở nên dễ tiếp thu và hấp dẫn hơn đối với độc giả bình thường. Li Jingduan nhờ Chen Shu, giáo sư môn văn học Ireland ở Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, viết cuốn Hướng dẫn đọc Ulysses, nhắm tới độc giả Trung Quốc; sách được in cùng lúc với bản dịch. Các quảng cáo thì nhấn mạnh tính chất dễ đọc trong bản dịch, đặc biệt nếu người đọc sử dụng cả sách hướng dẫn của Chen Shu. Quả thực, nếu xét đến tính chất thách thức của nguyên bản, thì bản dịch của Yilin tỏ ra thân thiện với độc giả hết mức. Ông Xiao đã dùng các phương ngữ của người Hoa nhiều hơn Jin Ti, và cách dịch của ông rõ ràng uyển chuyển hơn. Sự khác biệt giữa hai người dịch lớn đến mức báo chí tranh cãi bản dịch nào trung thành hơn với nguyên tác. Nhiều người cảm thấy Jin Ti duy trì cốt cách của nguyên tác tốt hơn so với Xiao. Xiao đi xa khỏi nguyên bản rõ nhất trong chương cuối cùng. Dòng độc thoại ý thức của Molly được Joyce diễn tả mà không dùng một sự chấm câu nào. Xiao “đánh dấu chấm câu” bằng cách để khoảng trống giữa mỗi câu. Theo Li Jingduan, chính ông đề nghị kiểu này, biện luận yếu ớt rằng tiếng Anh có chữ hoa và trật tự từ nghiêm chỉnh, và rằng nếu không có chấm câu, tiếng Hoa sẽ không thể cho biết câu văn bắt đầu và kết thúc ở đâu. Cuốn sách khó hiểu này sẽ gần như không thể hiểu nổi nếu Xiao không dùng cách thức trên. Một sáng tạo khác trong bản in của Yilin, cũng nhằm khiến tác phẩm dễ hiểu hơn, là việc họ dùng rất nhiều chú giải ở cuối sách. Bản dịch của Xiao có hơn 6000 chú giải – mỗi chương có hàng trăm giải thích thêm. Ngoài việc giải thích các ẩn dụ, phong tục nước ngoài, tên đặc biệt, thì nhiều dòng chú giải rõ ràng nhắm đến việc giúp người đọc hiểu câu văn. Ví dụ, có dòng chú giải là “Ở đây, anh ta là nhắm chỉ Bloom,” và “Câu này lấy từ dòng thơ trong Hamlet”. Các nhà phê bình đồng ý là Xiao đã hoàn thành một tác phẩm đồ sộ nhưng họ chia rẽ quanh việc liệu các chú giải chi tiết của ông có vi phạm tinh thần của tiểu thuyết hay không – bản thân Joyce không thích việc cung cấp các chú giải như thế. Nhưng ở đây, và trong suốt dự án dịch thuật, Xiao và nhà xuất bản Yilin quyết định đặt nhu cầu của độc giả ở trên sự trung thành toàn diện với tác giả. Cuối cùng, nhà xuất bản Yilin cung cấp thêm nhiều tư liệu tham khảo trong sách, bao gồm lời nói đầu của dịch giả và phần phụ lục so sánh Ulysses và The Odyssey, Niên biểu về James Joyce. Những tư liệu này cung cấp thông tin nền tảng về tác phẩm, cho phép người đọc Trung Quốc trở thành các nhà bình luận thông hiểu chứ không chỉ kính nhi viễn chi. Nhà xuất bản Yilin thậm chí còn kêu gọi độc giả gửi các bài bình luận về sách, và đăng chúng trong tạp chí Yilin từ năm 1996. Họ cũng tổ chức một hội nghị dành cho người đọc Ulysses tổ chức năm 1995 ở Thượng Hải. Cuộc “thi tài” này giữa hai nhà xuất bản và các bản dịch Ulysses trở thành một trong những sự kiện truyền thông được tranh luận nhiều nhất trong năm 1994 và 1995. Báo chí tô vẽ nó thành một cuộc “nội chiến” giữa Bắc (nhà xuất bản Văn học Nhân dân Bắc Kinh) và Nam (nhà xuất bản Yilin của Nam Kinh). Số lượng các bài điểm sách, các đánh giá học thuật về chất lượng bản dịch, và những bình luận khinh thường của các dịch giả về tác phẩm của nhau đã trở thành chất liệu hấp dẫn cho báo chí. Như nhà xuất bản Yilin đã dự đoán khi họ quyết định mở trận chiến, sự tranh cãi đã trở thành quảng cáo miễn phí và giúp tăng doanh số của cuốn sách nổi tiếng khó đọc này. Bằng các kỹ thuật tiếp thị khéo léo, Yilin tranh thủ được vị trí của họ ở thị trường phía nam và phía đông, bán được gần 70.000 bản của tập một trong vòng một tuần tại Thượng Hải, Nam Kinh và Quảng Châu. Những tranh luận cũng giúp cho việc bán tập một của nhà xuất bản Văn học Nhân dân Bắc Kinh, với lần in đầu 10.000 bản bán hết ngay, khiến họ in thêm 40.000 bản khác. Nhưng với lợi thế thời gian khi in toàn tập chỉ trong một năm, và tính chất dễ hiểu của ấn bản đối với độc giả bình thường, Yilin nhanh chóng vượt lên trên về doanh thu. Ulysses bán chạy đến mức năm 1996, Yili in thêm một ấn bản đặc biệt của tác phẩm, và bán được 40.000 bản. Theo một bài báo năm 1996, tổng cộng hai ấn bản của Yilin bán được 150.000 cuốn, đưa tác phẩm vào khu vực sách best-seller. 4. Mở rộng việc dịch sách Quá trình phát triển của nhà xuất bản Yilin minh hoạ cho sự biến đổi đã diễn ra trong hai thập niên trong lĩnh vực văn học nước ngoài. Mục đích của việc dịch, đối tượng độc giả nhắm đến, lựa chọn sách, tiếp thị và thậm chí bản thân quá trình dịch tất cả phản ánh sự biến đổi này. Ngày hôm nay rõ ràng là, giống như các khu vực văn chương khác ở Trung Quốc, tâm lý hướng tới thị trường ngày càng chi phối việc dịch và in văn học nước ngoài. Ngoài ra, do việc cởi trói giúp đưa các lực lượng thị trường vào ngành xuất bản sách ở Trung Quốc, văn học nước ngoài không còn là sự độc quyền của một vài nhà xuất bản. Nhiều nhà xuất bản nay tiến vào thị trường sách ngoại văn, từ các nhà mới hình thành như Yilin, đến những nơi trước đây chỉ xuất bản sách Trung Quốc. Những điều này khiến các nhà xuất bản phải cải tiến chiến lược kinh doanh của họ. Điều này trở nên đặc biệt gấp rút kể từ năm 1992, khi Trung Quốc gia nhập Công ước Berne về bản quyền; kể từ đó, việc in sách ngoại mà không trả tác quyền trở nên khó khăn hơn. Trong hoàn cảnh mới, các nhà xuất bản phải làm việc cật lực hơn để bảo đảm một số tiền lời nhất định khi đầu tư vào các sản phẩm nước ngoài. Vì thế các nhà xuất bản ngoại văn kể từ thập niên 1990 đã có nhiều cách tiếp cận mới để tăng hiệu suất và lợi nhuận. Đầu tiên, công việc dịch và tiếp thị văn học nước ngoài ở Trung Quốc trở nên toàn cầu hơn, theo nghĩa là các nhà xuất bản giờ đây theo dõi danh sách tác phẩm bán chạy ở nước ngoài sát sao hơn trước đây, và đồng thời bắt chước các mô hình kinh doanh phương Tây khi giới thiệu sách ở Trung Quốc. Một văn bản thuộc dạng này là bản dịch tiếng Hoa năm 1988 của cuốn sách best seller: Popular Fiction of the 1970s của John Sutherland. Cuốn sách này được dùng như một thư mục các tác phẩm ăn khách ở nước ngoài, mà các nhà xuất bản tranh đua để dịch. Nó cũng trở thành một dạng kim chỉ nam cho các nhà xuất bản Trung Quốc trong việc ấn hành các cuốn sách “kiểu Mỹ”. Thói quen tìm danh sách các tác phẩm ăn khách càng trở nên thông dụng từ giữa thập niên 1990. Kết quả là các bản dịch tiếng Hoa xuất hiện nhanh hơn – đôi khi chỉ vài tháng sau tác phẩm gốc. Một số ví dụ các bản dịch đã khuấy động thị trường Trung Quốc là The Bridges of Madison County (600.000 bản in); The Horse Whisperer (230.000), và Tuesdays with Morrie (300.000). Đối với hầu hết các nhà xuất bản Trung Quốc hiện nay, việc dịch các best seller là lối đi tắt giúp có lợi nhuận cao. Việc sử dụng các best seller có thể giúp giải quyết việc thiếu các bản thảo ăn khách của Trung Quốc và đồng thời giảm rủi ro của việc giới thiệu các tác giả nước ngoài không quen thuộc. Thập niên 1990 cũng chứng kiến ngày càng có nhiều liên lạc giữa các nhà xuất bản Trung Quốc và nước ngoài thông qua các chuyến thăm, triển lãm sách, và các cơ quan bản quyền đặt tại Trung Quốc và nước ngoài, và có thêm giao tiếp với các nhà xuất bản Đài Loan và Hồng Kông, những nơi cũng in sách dịch phương Tây. Điều này giúp các nhà xuất bản Trung Quốc theo sát thị trường nước ngoài hơn. Một khi nghe về một tác phẩm hấp dẫn, họ có thể trả tiền ngay tức thì bằng Dollar Mỹ - một điều trước đây đòi hỏi thủ tục nhiêu khê. Thường diễn ra các cuộc chiến tranh đua giữa các nhà xuất bản Trung Quốc để giành bản quyền tác phẩm nước ngoài. Các nhà xuất bản cũng áp dụng các chiến lược quảng cáo như ở phương Tây để giúp các tác phẩm dịch thu hút người đọc ở Trung Quốc. Điều này dễ dàng hơn nhờ họ đã quen với ngành công nghiệp xuất bản phương Tây. Một trong những trường hợp gần đây nhất là việc dịch bộ truyện Harry Potter. Ngay khi các cuốn truyện của J. K. Rowling làm rung chuyển thị trường phương Tây, nhiều nhà xuất bản lớn của Trung Quốc cùng tham gia giành giật bản quyền bộ truyện. Nhà xuất bản Văn học Nhân dân Bắc Kinh, với danh tiếng lâu đời và khả năng tài chính, đã chiến thắng vào tháng Tám năm 2000. Nơi này thành lập một Nhóm Dự án Harry Potter để phụ trách việc dịch và quảng cáo bộ sách. Đến tháng Mười, chưa đầy ba tháng sau đó, tập một đã đem ra thị trường. Một loạt các sự kiện khuếch trương được thực hiện trên toàn quốc, trong đó có các buổi trình diễn ở các ngày ra mắt sách, tặng quà lưu niệm Harry Potter khi mua sách. Đến mùa hè năm 2001, khi tập bốn phát hành, tổng cộng ba tập đầu tiên đã bán được 13 triệu bản. Thành công này chắc chắn nhờ vào danh tiếng của cuốn sách ở hải ngoại, nhưng cũng còn nhờ vào sự hoạch định của ban giám đốc mới của nhà xuất bản Văn học Nhân dân, nơi vẫn có truyền thống là bảo thủ và làm ăn kém. Các bản dịch Harry Potter được một nhóm dịch giả nữ hoàn tất với tốc độ nhanh. Nhà xuất bản chọn người nữ để dịch vì họ tin rằng phụ nữ sẽ có thể nắm bắt phong vị của nguyên tác và bắt chước ngôn ngữ thiếu niên thuần thục hơn. Để chống các bản in lậu – vấn đề nghiêm trọng nhất cho các nhà xuất bản sách ăn khách ở Trung Quốc – nhà xuất bản đã đầu tư nhiều cho việc in và trình bày sách. Vì thế sách có bìa mạ vàng, giấy in màu đặc biệt và kèm theo các thẻ đánh dấu trang sách cầu kỳ. Trong việc phát hành, ngoài việc đi qua các kênh chính thức, nhà xuất bản tổ chức một hội nghị đặc biệt của các nhà phát hành sách tư nhân – tại đây, họ giới thiệu sách và kế hoạch quảng cáo. Nhà xuất bản còn dùng công cụ bán hàng mới, internet, nhờ đến các hiệu sách trên mạng của Trung Quốc như BOOK800.com và Bookoo.com quảng cáo và nhận bán sách. Gần đây, nhà xuất bản Văn học Nhân dân đã ký thoả thuận độc quyền với Time Warner để phát triển các sản phẩm Harry Potter ở Trung Quốc. Đây là ví dụ của việc khai thác một sản phẩm ở nhiều thị trường. Khi phim Harry Potter and the Philosophers’ Stone chiếu ở Trung Quốc năm 2001, trước khi phim bắt đầu là một đoạn quảng cáo trên màn ảnh với dòng chữ: “Bản tiếng Hoa của Harry Potter có thể mua từ nhà xuất bản Văn học Nhân dân” và sách được bán ở hàng lang các rạp chiếu. Một khía cạnh thứ hai của việc xuất bản sách ngoại văn trong thập niên 1990 là sự cải tiến chất lượng và vỏ ngoài của sản phẩm, đặc biệt trong lĩnh vực sách phổ thông. Trong thập niên 1980, khi các nhà làm sách tư nhân chủ yếu in các truyện rẻ tiền, vấn đề chất lượng sách rất kém. Kể từ đó, các nhà xuất bản bắt đầu in sách ngoại văn và tiêu chuẩn được nâng lên. Như trường hợp của nhà xuất bản Yilin đã chứng tỏ, các nhà xuất bản sách ngoại văn trong thập niên 1990 bắt đầu xem trọng các tác phẩm phổ thông hơn, và đồng thời cũng mở rộng sức thu hút của văn chương nghiêm túc. Sự thay đổi này là kết quả của các cải tổ chính sách văn hoá và sức ép thị trường. Sau chiến dịch chống xuất bản phẩm bất hợp pháp và khiêu dâm năm 1989-90, khi toàn bộ các nhà xuất bản phải đăng ký lại và nhiều tổ hợp xuất bản phi chính thức bị đóng cửa, cơn sốt xuất bản các truyện giật gân giảm xuống. Các nhà xuất bản quốc doanh nhận ra rằng nếu họ muốn tiếp tục thu lãi từ thị trường sách ngoại văn, và nếu muốn tránh rắc rối với chính quyền, họ sẽ phải cải thiện chất lượng và việc chọn sách dịch. Một số nhà xuất bản tân tiến hơn như Yilin đã giành lấy quyền ấn hành các tác phẩm, thay vì phó mặc cho các nhà làm sách tư nhân. Về phần người đọc, sau khi sự tò mò của họ về nước ngoài đã được thoả mãn trong thập niên 1980, và khi họ đã có hiểu biết tinh tế hơn về các xã hội khác thông qua kinh nghiệm cá nhân và truyền thông, người đọc bớt say mê mua các cuốn sách được in ẩu tả. Họ đòi hỏi các tác phẩm đa dạng và in ấn đàng hoàng hơn giúp soi sáng và cho họ những trải nghiệm mới. Trong phần trên, tôi đã mô tả làm thế nào Yilin thành công trong việc đại chúng hoá Ulysses và đưa tác phẩm khó đọc này thành sách ăn khách. Để minh hoạ cho trào lưu ngược lại – việc nâng một tác phẩm phổ thông lên thành một tác phẩm “kinh điển hiện đại” nhờ tiếp thị thông minh – tôi sẽ mô tả một trong những ví dụ quan trọng nhất, ấn bản tiếng Hoa của cuốn Những cây cầu ở quận Madison. Tiểu thuyết của Robert Waller lần đầu đứng nhất danh sách best seller ở Mỹ vào mùa hè 1993. Sau đó có bản phim của Hollywood, giúp tác phẩm được biết đến nhiều hơn. Nhà xuất bản Văn học Nhân dân mua bản quyền để dịch vào cùng năm đó. Bản in của họ là một sản phẩm chất lượng cao hơn so với đa số các sách ngoại văn được in trước đó. Không giống nhiều bản dịch được thực hiện vội vã, cuốn sách này có văn phong nhuần nhị, đẹp, thể hiện tính chất hồi tưởng lãng mạn của bản gốc. Đây chủ yếu là nhờ người dịch, Zi Zhongyun, một chuyên gia văn học Mỹ tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, một người được lựa chọn cẩn thận. Thứ hai, bản in được trình bày sáng tạo. Ấn bản bỏ túi có bìa mềm màu vàng nhạt điểm xuyết các ngôi sao vàng; hình bìa là một bức tranh sơn dầu vẽ chiếc cầu quận Madison. Góc trên phía trái là dòng chữ quảng cáo màu trắng trên nền xanh, như thế độc giả dễ dàng liên hệ đến lá cờ Mỹ khi họ đối chiếu nó với các ngôi sao ở bìa. Dòng quảng cáo cho hay đây là tác phẩm đã “quấy đảo thị trường Mỹ”. Bìa sau lại cám dỗ hơn: “Tại sao người Mỹ yêu thích tác phẩm này? Nó nói gì về tâm lý người Mỹ hiện đại? Đọc sách này sẽ giúp bạn tìm câu trả lời”. Cách trang trí sách hoà hợp với giọng điệu chung của tiểu thuyết, khai thác tình cảm hồi tưởng của sách. Ví dụ, trước mỗi chương là một trang riêng dùng thư hoạ cổ điển ghi lại nhan đề; mỗi trang này cũng lại đi kèm với một tấm hình đen trắng nhỏ chụp một cây cầu ở quận Madison. Chắc chắn ấn bản của Mỹ đã ảnh hưởng đến một số ý tưởng trang trí; nhưng dù vậy, với Trung Quốc thời kì đó, chúng rất sáng tạo và “trang nhã”. Lượng in đầu tiên năm 1994 là 100.000 – cao bất thường tại một nhà xuất bản bảo thủ như Văn học Nhân dân. Cuốn sách không ăn khách ngay, có lẽ một phần vì chiến dịch tiếp thị không thật nhiệt tình của nhà xuất bản. Tuy nhiên, việc rỉ tai nhau và đặc biệt việc chiếu bộ pihm Hollywood có Meryl Streep và Clint Eastwood – một trong 10 phim nước ngoài được nhập năm 1996 – đã làm doanh số tăng mạnh. Đến cuối 1996, hơn 600.000 bản đã bán hết. Một yếu tố quan trọng khác giúp tăng doanh số là một cuộc tranh luận toàn quốc bất ngờ nhanh chóng lan rộng trên truyền thông quanh giá trị mỹ học và đạo đức của cuốn tiểu thuyết và bộ phim. Nhiều người đọc Trung Quốc cảm thấy các giá trị tình yêu và lòng trung thành gia đình mà họ ghi sâu đang bị thách thức và đảo lộn trong thời kì chuyển tiếp xã hội. Họ muốn có một tình yêu sâu sắc và xứng đáng giữa các nhân vật chính trong truyện, muốn có sự đơn giản cho việc giải quyết mối quan hệ ngoài hôn nhân, và họ đối lập điều này với thực tại trong xã hội Trung Quốc. Độc giả từ mọi nhóm xã hội đã tham gia tranh luận, và trong đa số trường hợp họ ca ngợi cuốn sách là hình mẫu nâng cao giá trị tình yêu và gia đình. Những cây cầu ở quận Madison là một tác phẩm lãng mạn phổ thông điển hình tại phương Tây, không được các nhà phê bình nghiêm túc đánh giá thật cao; nhưng nhà xuất bản Trung Quốc lại có thể tiếp thị nó như một “tác phẩm cổ điển”. Các nhà xuất bản ở Trung Quốc cũng đã quảng cáo các tiểu thuyết phổ thông phương Tây như là tác phẩm kinh điển thật sự, như trường hợp Cuốn theo chiều gió và Tiếng chim hót trong bụi mận gai. Rõ ràng họ khai thác sự yêu chuộng các sản phẩm “kinh điển” của người Trung Quốc và sự kém quen thuộc truyền thống văn học phương Tây để giúp tăng doanh thu bán sách. Một trong những ví dụ đáng chú ý nhất của xu hướng này là loạt sách Các kiệt tác nước ngoài và phần tiếp theo, của nhà xuất bản Dịch thuật Thượng Hải. Loạt sách kết hợp các tác phẩm nghiêm túc và những sách ăn khách ở nhiều giai đoạn và quốc gia khác nhau. Các tựa sách, cộng thêm cả phần tiếp theo của chúng, gồm những sách như Jane Eyre, Kiêu hãnh và Định kiến, Những người khốn khổ, Chuyện tình, và Cuốn theo chiều gió. Đa số các phần tiếp theo không dính dáng gì đến nguyên tác, và nói chung có chất lượng đáng ngờ vì do các cây bút hoàn toàn khác viết ra; tuy nhiên, chúng thường bán chạy không kém nguyên tác. Đặc biệt trong trường hợp cuốn Scarlet – phần tiếp theo của Cuốn theo chiều gió, do Alexandra Ripley chấp bút – nhà xuất bản đã biết tận dụng cơn sốt truyền thông ở phương Tây quanh phần tiếp theo này cũng như bộ phim cổ điển dựa trên nguyên tác. Kết quả là tác phẩm bán được hơn 160.000 bản sau khi ấn hành năm 1996, mặc dù có giá cao lên đến 25,80 Nhân dân tệ. Dĩ nhiên không phải best seller nào ở phương Tây cũng có thể ăn khách ở Trung Quốc. Có những thể loại thường bán rất chậm. Ví dụ, các tiểu thuyết của Stephen King vẫn chưa “cất cánh” được trên thị trường Trung Quốc, có lẽ bởi vì Trung Quốc không có truyền thống truyện kinh dị. Truyện khoa học cũng là một lĩnh vực rủi ro; độc giả bình thường ở Trung Quốc có vẻ thích những câu chuyện “gần với đời sống” hơn. Các sách dịch của Trung Quốc nói chung đã cải tiến cả về chất lượng và sự đa dạng. Tuy nhiên, việc có mặt của cơ chế thị trường trong lĩnh vực xuất bản sách ngoại văn cũng dẫn đến nhiều vấn đề. Hai trong số các than phiền phổ biến nhất ở những dịch giả và độc giả là chất lượng dịch không bảo đảm và việc xuất bản chồng chéo. Hiện nay nhiều nhà xuất bản cùng lấn sân trong khu vực sách dịch, nhưng nhiều nơi không dùng các biên tập viên có trình độ, và họ cũng thường không tiếp cận được các dịch giả chuyên nghiệp. Kết quả là mặc dù số đầu sách ngoại văn tăng lên, nhưng nhiều bản dịch không chuẩn, thậm chí sai lạc. Việc xuất bản chồng chéo là một hiện tượng liên quan khác. Vì thiếu các dịch giả giỏi, và không thể trả quá nhiều tiền cho vấn đề bản quyền, nhiều nhà xuất bản cứ in lại các bản dịch cũ của các tác phẩm cũ không còn thời hạn bảo hộ bản quyền. Xu hướng này thấy rõ nhất trong khu vực sách “cổ điển” trước thế kỷ 20. Việc mua lại hoặc thậm chí “cắt và dán” các bản dịch cũ rất hay xảy ra. Các bản dịch cũ được tái sinh qua những bìa sách và nhan đề khác nhau. Chuyện này khiến thị trường bị bão hoà; nó cũng không cho người đọc có chọn lựa thật sự và khiến họ bị nhầm lẫn mua phải những cuốn mà mình đã có. Shakespeare là một ví dụ điển hình cho việc xuất bản chồng chéo. Trước năm 1995, nhà xuất bản duy nhất in Shakespeare ở Trung Quốc là nhà xuất bản Văn học Nhân dân, với bộ Toàn tập tác phẩm Shakespeare in năm 1978, dựa trên bản dịch của Zhu Shenghao thực hiện hồi thập niên 1930 và 1940. Năm 1996, năm năm sau khi Zhu qua đời và bản quyền bản dịch hết hạn, nhiều nhà xuất bản lập tức ấn hành các bản in khác nhau. Vào tháng Giêng, có hai nhà xuất bản cùng ấn hành bộ Toàn tập tác phẩm Shakespeare – đều chỉ in lại bản dịch của Zhu. Sự khác biệt duy nhất là một bản thì có sự chỉnh lý và sửa đổi đôi chút do một nhóm chuyên viên thực hiện. Đến tháng Ba, nhà xuất bản Nhân dân Nội Mông nhập về bản dịch Shakespeare của Liang Shiqiu từ Đài Loan; ấn bản này gồm cả thơ và kịch, trong bộ tám tập, cũng đặt tựa là Toàn tập tác phẩm Shakespeare. Đến năm 1997, nhà xuất bản Yilin công bố bộ Toàn tập tác phẩm Shakespeare, bốn quyển, dựa trên bản dịch của Zhu nhưng do Qiu Ke’an sửa chữa. Cùng lúc đó, nhà xuất bản Điện ảnh Trung Quốc và nhà xuất bản Văn nghệ Quần chúng cùng ấn hành Tuyển tập Shakespeare, và một nhà khác cho in Toàn tập thơ Shakespeare. Chúng cũng lại chỉ là in lại từ bản dịch của Zhu. Bản dịch thật sự mới duy nhất trong thời kì này là Bản dịch mới các tác phẩm của Shakespeare của nhà xuất bản Giáo dục Hồ Bắc. Thị trường sách dịch, cả sách phổ thông và nghiêm túc, tiếp tục mở rộng trong thập niên vừa qua, và nhìn chung, chất lượng của việc chọn sách và tính hiệu quả trong quảng cáo đã cải thiện nhiều. Việc tiếp thị khéo léo đã giúp các nhà xuất bản bán được các sách khó đọc cho độc giả bình thường với số lượng chưa từng thấy, và việc theo dõi thị trường sách ăn khách và bắt chước các kỹ thuật xuất bản phương Tây đã giúp tăng mức độ thành công khi đưa sách nước ngoài vào Trung Quốc. Giống như các lĩnh vực khác của ngành xuất bản, tuy còn nhiều vấn đề, nhưng việc thương mại hoá thị trường sách dịch nói chung đã có ảnh hưởng tích cực giúp tạo nên sự phong phú đầu sách và có thêm lựa chọn cho những độc giả quan tâm đến thế giới bên ngoài Trung Quốc. Nguồn: Trích từ chương Năm, tác phẩm Consuming Literature: Best Sellers and the Commercialization of Literary Production in Contemporary China của Shuyu Kong (Stanford, CA: Stanford University Press, 2005)

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docDịch văn học nước ngoài ở Trung Quốc - Shuyu Kong.doc