I. PHẦN MỞ ĐẦU:
Đánh giá kết quả học tập là quá trình thu thập và xử lí thông tin về trình độ, khả năng thực hiện mục tiêu học tập của học sinh (HS), nhằm tạo cơ sở cho những quyết định sư phạm của giáo viên (GV) và nhà trường, cho bản thân HS, để HS học tập ngày một tiến bộ hơn. Nói cách khác, đánh giá là một khâu, một công cụ quan trọng trong quá trình giáo dục; có chức năng, khả năng điều chỉnh quá trình dạy và học; là động lực để đổi mới phương pháp dạy học (PPDH). Và kiểm tra là phương tiện và hình thức quan trọng, quyết định kết quả đánh giá.
Trước nhu cầu bức thiết phải đổi mới PPDH như hiện nay, việc kiểm tra đánh giá (KTĐG) phải chuyển biến mạnh theo hướng: phát triển tính tích cực, trí thông minh sáng tạo của HS; khuyến khích HS vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học vào những tình huống thực tế, bộc lộ những cảm xúc và thái độ của bản thân trước những vấn đề nóng hổi của đời sống cá nhân, gia đình và cộng đồng. Nói chung là việc KTĐG phải thoát khỏi quỹ đạo dạy và học thụ động để đi vào quỹ đạo dạy và học tích cực, chủ động, sáng tạo.
Môn Ngữ văn với mục tiêu đặc thù là phải rèn luyện cho HS biết cách tư duy hình tượng nghệ thuật, thành thạo kĩ năng đọc – hiểu, cảm thụ tác phẩm văn chương trong hệ thống tích hợp ngang và tích hợp dọc, nên cũng rất cần có sự đổi mới trong KTĐG. Nhưng, việc đổi mới KTĐG như thế nào để dạy và học môn Ngữ văn tích cực hơn, có hiệu quả cao hơn và gợi được sự hứng thú học tập đối với HS thì không phải là vấn đề đơn giản, không thể thực hiện một cách máy móc, rập khuôn, mà đòi hỏi chúng ta phải có quá trình chuẩn bị kiến thức cho HS một cách chu đáo, lựa chọn phương tiện, cách thức kiểm tra sao cho phù hợp với đặc điểm tình hình học tập của HS ở từng địa phương, từng trường, từng lớp. Tất cả nhằm đảm bảo được yêu cầu chung là: “đổi mới mạnh mẽ cách thức kiểm tra, thi với yêu cầu HS phải học thuộc lòng nhiều sự kiện, các bài văn mẫu; tăng cường các câu hỏi đòi hỏi HS suy nghĩ, trả lời theo cách hiểu và vận dụng của riêng mình”.
Trong hơn năm năm qua, tổ Văn trường THPT Phan Đình Phùng ( Phú Yên) đã được hướng dẫn và thực hiện đổi mới cách thức, nội dung KTĐG, để thúc đẩy đổi mới PPDH môn Ngữ văn. Nhìn chung chúng tôi đã đạt được một số kết quả nhất định.Quá trình thực hiện xin được trình bày cụ thể ở phần NỘI DUNG.
10 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 6633 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đổi mới kiểm tra đánh giá, thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học môn ngữ văn trong nhà trường THPT, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO PHÚ YÊN
TRƯỜNG : THPT PHAN ĐÌNH PHÙNG
TỔ : VĂN
ĐỔI MỚI KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ, THÚC ĐẨY ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC MÔN NGỮ VĂN TRONG NHÀ TRƯỜNG THPT
I. PHẦN MỞ ĐẦU:
Đánh giá kết quả học tập là quá trình thu thập và xử lí thông tin về trình độ, khả năng thực hiện mục tiêu học tập của học sinh (HS), nhằm tạo cơ sở cho những quyết định sư phạm của giáo viên (GV) và nhà trường, cho bản thân HS, để HS học tập ngày một tiến bộ hơn. Nói cách khác, đánh giá là một khâu, một công cụ quan trọng trong quá trình giáo dục; có chức năng, khả năng điều chỉnh quá trình dạy và học; là động lực để đổi mới phương pháp dạy học (PPDH). Và kiểm tra là phương tiện và hình thức quan trọng, quyết định kết quả đánh giá.
Trước nhu cầu bức thiết phải đổi mới PPDH như hiện nay, việc kiểm tra đánh giá (KTĐG) phải chuyển biến mạnh theo hướng: phát triển tính tích cực, trí thông minh sáng tạo của HS; khuyến khích HS vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học vào những tình huống thực tế, bộc lộ những cảm xúc và thái độ của bản thân trước những vấn đề nóng hổi của đời sống cá nhân, gia đình và cộng đồng. Nói chung là việc KTĐG phải thoát khỏi quỹ đạo dạy và học thụ động để đi vào quỹ đạo dạy và học tích cực, chủ động, sáng tạo.
Môn Ngữ văn với mục tiêu đặc thù là phải rèn luyện cho HS biết cách tư duy hình tượng nghệ thuật, thành thạo kĩ năng đọc – hiểu, cảm thụ tác phẩm văn chương trong hệ thống tích hợp ngang và tích hợp dọc, nên cũng rất cần có sự đổi mới trong KTĐG. Nhưng, việc đổi mới KTĐG như thế nào để dạy và học môn Ngữ văn tích cực hơn, có hiệu quả cao hơn và gợi được sự hứng thú học tập đối với HS thì không phải là vấn đề đơn giản, không thể thực hiện một cách máy móc, rập khuôn, mà đòi hỏi chúng ta phải có quá trình chuẩn bị kiến thức cho HS một cách chu đáo, lựa chọn phương tiện, cách thức kiểm tra sao cho phù hợp với đặc điểm tình hình học tập của HS ở từng địa phương, từng trường, từng lớp. Tất cả nhằm đảm bảo được yêu cầu chung là: “đổi mới mạnh mẽ cách thức kiểm tra, thi với yêu cầu HS phải học thuộc lòng nhiều sự kiện, các bài văn mẫu; tăng cường các câu hỏi đòi hỏi HS suy nghĩ, trả lời theo cách hiểu và vận dụng của riêng mình”.
Trong hơn năm năm qua, tổ Văn trường THPT Phan Đình Phùng ( Phú Yên) đã được hướng dẫn và thực hiện đổi mới cách thức, nội dung KTĐG, để thúc đẩy đổi mới PPDH môn Ngữ văn. Nhìn chung chúng tôi đã đạt được một số kết quả nhất định.Quá trình thực hiện xin được trình bày cụ thể ở phần NỘI DUNG.
II. PHẦN NỘI DUNG:
Theo quan điểm: KTĐG là một quá trình, theo một quá trình, đánh giá từng nội dung, từng bài học, từng hoạt động giáo dục,...và đánh giá toàn diện theo mục tiêu giáo dục, tổ Văn trường THPT Phan Đình Phùng thực hiện đổi mới KTĐG một cách cụ thể như sau:
1. Thời điểm kiểm tra:
KTĐG không chỉ ở thời điểm cuối cùng ( cuối học kì, cuối năm), mà thực hiện trong cả quá trình học tập bộ môn. Cụ thể là sau khi học xong một tác phẩm, một số tác phẩm hoặc một giai đoạn văn học thì thực hiện KTĐG ngay; lần kiểm tra sau luôn có yêu cầu cao hơn, nội dung mới hơn so với lần kiểm tra trước.
Ví dụ: Dạy các thi phẩm Thơ mới Việt Nam (1932 -1945) ở chương trình lớp 11
( Vội vàng ( Xuân Diệu), Tràng giang( Huy Cận), Đây thôn Vĩ Dạ ( Hàn Mặc Tử),...), chúng tôi KTĐG thường xuyên sau khi dạy xong từng bài bằng hình thức vấn đáp
( KT miệng) với các dạng câu hỏi tái hiện kiến thức, ví dụ như:
- Đọc thuộc khổ đầu trong bài thơ “Tràng giang” của nhà thơ Huy Cận, phân tích
ngắn gọn nội dung, ý nghĩa của khổ thơ đó.
Và sau khi dạy xong một số bài thơ nói trên, chúng tôi KTĐG bằng hình thức vấn đáp hoặc KT viết 15 phút, với những câu hỏi có kiến thức tổng hợp, nâng cao hơn như:
- Trình bày cảm nhận của anh( chị) về nét chung và nét khác biệt về tứ thơ, cảm hứng sáng tác, hình ảnh, ngôn ngữ thơ,... của các bài thơ: Vội vàng ( Xuân Diệu), Tràng giang( Huy Cận),
Đây thôn Vĩ Dạ ( Hàn Mặc Tử),...
2. Phương thức kiểm tra đánh giá:
a/ Kiểm tra thường xuyên: KT vấn đáp và KT 15 phút.
Ở cả 3 khối lớp: 10, 11, 12 , tổ chuyên môn chúng tôi thống nhất số lần KTĐG như sau:
- Kiểm tra vấn đáp ( KT miệng): 1 đến 2 lần trong 1 học kì.
- Kiểm tra 15 phút ( KT viết): 3 lần trong 1 học kì.
b/ Kiểm tra định kì:
- Kiểm tra viết từ 1 tiết trở lên: 3 lần trong học kì I; 2 lần trong học kì II ( theo PPCT)
- Kiểm tra tổng hợp cuối HK I và cuối năm.
Như vậy,có sự phối hợp đan xen giữa KT thường xuyên và KT định kì trong năm học.
3. Mục tiêu và yêu cầu đề KTĐG:
a/ Mục tiêu:
- Đánh giá đúng thực chất trình độ, năng lực đọc – hiểu, cảm thụ, bày tỏ thái độ, cảm xúc của HS trước một vấn đề văn chương.
- Góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học môn Ngữ văn.
- Giảm áp lực thi cử, đảm bảo sự công bằng, khích lệ tinh thần học tập chủ động, sáng tạo và gây sự hứng thú để HS thích học môn Ngữ văn hơn và học tốt hơn.
b/ Yêu cầu:
- Ra đề căn cứ vào chuẩn kiến thức và kĩ năng của từng bài học, từng nhóm bài, từng giai đoạn văn học,...; không hình thức “ đối phó” cũng không gây áp lực nặng nề cho HS.
- Nội dung, yêu cầu, cách diễn đạt đề kiểm tra phải rõ ràng, chính xác, khách quan, công bằng, tích hợp cả 3 phân môn: Đọc văn, Làm văn, Tiếng Việt.
- Đề KTĐG đảm bảo các tiêu chí: tính toàn diện, độ tin cậy, tính khả thi, phân hóa đối tượng HS và đạt hiệu quả cao.
- Đối với những đề KT tự luận , chúng tôi thường xây dựng dạng đề mở, có phần liên hệ thực tế để khuyến khích tính sáng tạo của HS.
4. Mức độ nhận thức trong đề KTĐG:
Tổ chuyên môn chúng tôi đã thống nhất: khi ra đề KTĐG, cần chú trọng 3 lĩnh vực cơ bản: nhận thức, hoạt động (vận dụng) và cảm xúc, thái độ của HS. Từ đó, xây dựng các đề KTĐG với mức độ từ đơn giản đến phức tạp: nhận biết -> thông hiểu -> vận dụng -> phân tích -> tổng hợp -> đánh giá. Cụ thể như sau:
- Đề KTĐG vấn đáp (KT miệng): chủ yếu ở 2 mức độ: nhận biết -> thông hiểu ( vì thời gian KT có hạn).
- Đề KTĐG 15 phút: ở 3 mức độ : nhận biết -> thông hiểu -> vận dụng.
- Đề KT viết từ 1 tiết trở lên: Mức độ nhận thức từ đơn giản đến phức tạp vớ 6 mức độ: nhận biết -> thông hiểu -> vận dụng -> phân tích -> tổng hợp -> đánh giá .
Ví dụ: Vẻ đẹp bi tráng của hình tượng người lính trong bài thơ “ Tây Tiến” của Quang Dũng.
5. Hình thức KTĐG:
Hai hình thức KTĐG cơ bản ( vấn đáp, tự luận) được tất cả các GV trong tổ chuyên môn thực hiện đồng bộ ở cả 3 khối lớp 10, 11, 12 như sau:
a/ Hình thức KT vấn đáp ( KT miệng): vận dụng kiểm tra thường xuyên ở mỗi tiết học ( có thể ở đầu , giữa, hoặc cuối tiết học).
b/ Hình thức KT tự luận:
- Vận dụng ở 3 lần KT 15 phút trong 1 học kì.
- Vận dụng ở các lần KT từ 1 tiết trở lên ( 3 lần KT trong HK I; 2 lần KT trong HK II).
c/ Riêng đề KTĐG tổng hợp cuối học kì I và cuối năm của khối lớp 12:
Xây dựng theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT ( tạo điều kiện cho HS làm quen
với cấu trúc của đề thi TN THPT):
- Phần chung cho tất cả các thí sinh: (5 điểm)
+ Câu 1: (2 điểm)- Tái hiện kiến thức đã học.
+ Câu 2: (3 điểm)- Bài văn ngắn, kiểu bài NL xã hội
- Phần riêng – Phần tự chọn: (5 điểm)
Gồm 2 câu: 1 câu theo chương trình chuẩn, 1 câu theo chương trình nâng cao;
kiểu bài NL văn học, thí sinh chỉ được làm 1 trong 2 câu.
Ví dụ: Đề KTĐG HK I - khối lớp 12 ( Ban cơ bản và ban KHTN) của trường ta, năm học 2009 - 2010:
I. Phần chung cho tất cả các thí sinh: (5 điểm)
Câu 1 (2 điểm):
Hãy nêu những nét chính của phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu.
Câu 2 (3 điểm):
Hãy viết một bài văn ngắn ( không quá 400 từ) trình bày những suy nghĩ của mình
về truyền thống của dân tộc qua câu tục ngữ “ Lá lành đùm lá rách”.
II. Phần riêng – Phần tự chọn: (5 điểm)
Học sinh chỉ được làm một trong hai câu ( câu 3a hoặc câu 3b)
Câu 3a : (5điểm)
Phân tích hình ảnh con sông Đà trong tác phẩm “ Người lái đò sông Đà” của
nhà văn Nguyễn Tuân (Sách Ngữ văn lớp 12 – Tập I – NXB Giáo dục 2008)
Câu 3b : (5 điểm)
Cảm nhận của anh /chị về đoạn thơ sau, trích trong bài: “Đàn ghi ta của Lor- ca” của nhà thơ Thanh Thảo:
“...Không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh đáy giếng
đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lor-ca bơi sang ngang
Trên chiếc ghi ta màu bạc”
( Sách Ngữ văn 12, tập I, NXB Giáo dục, 2008, trang 165)
Đối với môn Ngữ văn, chúng tôi có thể áp dụng kiểm tra theo hướng trắc nghiệm khách quan đối với bài KT 15 phút,một lần trên một học kì, nhằm phát huy được độ “nhạy” trong việc huy động kiến thức của học sinh . Kết quả kiểm tra đánh giá giúp các thầy cô giáo kịp thời điều chỉnh nội dung kiến thức và phương pháp giảng dạy phù hợp.
6. Dạng đề “mở” đối với môn Ngữ văn:
a, Thực tiễn vận dụng:
So với các môn khác, Ngữ văn là môn học có nhiều nét đặc thù. Việc cải tiến, đổi mới trong đề thi, kiểm tra sẽ có tác động đáng kể tới phương pháp dạy - học của giáo viên và học sinh. Thời gian qua, dạng đề “mở” đã xuất hiện ngày càng nhiều trong các tiết kiểm tra môn Ngữ văn ở các cấp học, nhất là bậc THCS và THPT. Đặc biệt, đề thi “mở” đã “góp mặt” trong những kỳ thi quan trọng như: Thi tuyển vào lớp 10, Thi tốt nghiệp THPT, Thi tuyển sinh và ĐH, CĐ.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 vừa qua, câu 2 -phần chung cho tất cả thí sinh
( NL xã hội) được ra theo hướng “mở”:
Hãy viết một bài văn ngắn (không quá 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về
lòng yêu thương con người của tuổi trẻ trong xã hội hiện nay.
Hoặc ở kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học khối C năm 2010, hầu hết các câu ở cả hai phần: phần chung và phần riêng của đề thi đều thuộc dạng đề “mở”:
PHẦN CHUNG:
Câu II (3,0 điểm) (Phần chung)
“Như một thứ a-xit vô hình, thói vô trách nhiệm ở mỗi cá nhân có thể ăn mòn
cả một xã hội”.
Từ ý kiến trên, anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về tinh thần trách nhiệm và thói vô trách nhiệm của con người trong cuộc sống hiện nay.
PHẦN RIÊNG (5,0 điểm)
Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu III.a hoặc III.b)
Câu III.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
(Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử, Ngữ văn 11,
Tập hai, NXB Giáo dục, 2008, tr. 39)
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
(Tràng giang - Huy Cận, Ngữ văn 11, Tập hai,
NXB Giáo dục, 2008, tr. 29)
Câu III.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn văn sau:
(¼) Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân
tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm, Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn
bực bội gì mỗi độ thu về (¼)
(Người lái đò Sông Đà - Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12 Nâng cao,
Tập một, NXB Giáo dục, 2009, tr. 157)
(¼) Từ Tuần về đây, sông Hương vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản để sắc nước trở nên xanh thẳm, và từ đó nó trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách, với những điểm cao đột ngột như Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo mà từ đó, người ta luôn luôn nhìn thấy dòng sông mềm như tấm lụa, với những chiếc thuyền xuôi ngược chỉ bé vừa bằng con thoi. Những ngọn đồi này tạo nên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời tây nam thành phố, "sớm xanh, trưa vàng, chiều tím" như người Huế thường miêu tả (¼)
(Ai đã đặt tên cho dòng sông? - Hoàng Phủ Ngọc Tường,
Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập một, NXB Giáo dục, 2009, tr. 179)
Tương tự, đề thi đại học khối D cũng có những câu theo dạng đề “mở”, như: Câu III.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về chi tiết “bát cháo hành” mà nhân vật thị Nở mang cho Chí Phèo (Chí Phèo – Nam Cao) và chi tiết “ấm nước đầy và nước hãy còn ấm” mà nhân vật Từ dành sẵn cho Hộ (Đời thừa – Nam Cao).
Nắm được mục đích, yêu cầu , sự cần thiết của dạng đề “mở” trong việc KTĐG, tổ Văn chúng tôi trong những năm qua đã áp dụng dạng đề “mở” trong những bài kiểm tra từ một tiết trở lên.
Ví dụ: Bài viết số 2 (NL xã hội) ở tuần 5 trong năm học, mỗi lớp chúng tôi ra một đề, như:
- Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Hoặc: - Hứng thú và hiệu quả của việc tự học đối với học sinh PTTH hiện nay.
Khác với dạng đề “truyền thống” thường kèm theo những “mệnh lệnh”, gợi dẫn về thao tác lập luận như: “Hãy chứng minh…”, “Hãy phân tích…”, “Hãy giải thích…”, “Hãy bình luận”…; hoặc phương thức biểu đạt như: “Hãy phát biểu cảm nghĩ”…, “Hãy kể…”, Đề “mở” là loại đề chỉ nêu vấn đề cần bàn luận trong bài nghị luận hoặc chỉ nêu đề tài để viết văn miêu tả, tự sự.
Chẳng hạn như: Điều kỳ diệu của tình yêu thương; Kỷ niệm ngày tựu trường; Bệnh vô cảm của con người thời hiện đại; Tình yêu thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi; Chất “thép” và chất “tình” trong thơ Hồ Chí Minh v.v… Tuỳ thuộc vào nội dung vấn đề, đề tài được nêu ra trong đề bài mà người viết lựa chọn và quyết định sử dụng các thao tác nghị luận phù hợp. Thông thường là phải kết hợp, vận dụng nhiều thao tác khác nhau trong bài viết.
Có một thực tế là, từ bấy lâu nay việc đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn nói chung, cách thức ra đề thi, kiểm tra môn học có nhiều nét đặc thù này nói riêng diễn ra chưa triệt để, đồng đều ở những ở những giáo viên dạy Ngữ văn, ở những đơn vị trường học khác nhau. Những “ám ảnh” về dạng đề truyền thống vẫn còn khá dai dẳng trong một bộ phận giáo viên hiện nay. Do đó, trước sự xuất hiện của những câu hỏi “mở” trong đề thi ở những kỳ thi có tính chất quan trọng, đã xuất hiện những ý kiến thái độ khác nhau. Nhiều giáo viên, học sinh tỏ ra thích thú, hào hứng. Một số khác lại tỏ ra ngỡ ngàng, lúng túng, băn khoăn. Thậm chí, còn có những phản ánh là “đề thi lạ”, “đề thi khó” hay “đề thi có vấn đề”.
Có người cho rằng: đề “mở” là dạng đề quá mới mẻ, hoàn toàn khác so với đề thi từ trước tới nay, vì thế sẽ gây khó khăn cho học sinh khi làm bài , có thể các em xác định đúng trọng tâm yêu cầu của đề cũng như không biết nên bắt đầu viết từ đâu.
Thực ra, trong chương trình SGK mới, từ cấp THCS, đề thi theo dạng “mở” đã được học sinh tiếp cận từ những năm 2002 – 2003.
Chẳng hạn:
- SGK Ngữ văn 6, tập 1, trang 47 nêu một số đề: “Ngày sinh nhật của em”, “Kỷ niệm ngày thơ ấu”.
- SGK Ngữ văn 7, tập 1, trang 88 cũng giới thiệu một số đề: “Loài cây em yêu”, “Vui buồn tuổi thơ”.
- SGK Ngữ văn 8, tập 1, trang 37, dạng đề “mở” lại tiếp tục xuất hiện: “Tôi thấy mình đã khôn lớn”, “Người ấy sống mãi trong lòng tôi”.
- Tương tự, SGK Ngữ văn 9, tập 1, trang 42 cũng có các đề: “Một nét đặc sắc trong di tích, thắng cảnh quê em”, “Cây lúa Việt Nam”…
Những kiểu đề “mở” như trên cũng đã xuất hiện trong chương trình SGK ở các lớp bậc THPT. Hai năm học 2008 – 2009 và 2009 - 2010 vừa qua, học sinh lớp 12 đã được học chương trình SGK bộ mới, cũng được tiếp xúc với nhưng dạng đề“mở” ở cả hai kiểu bài NL xã hội và NL văn học.
Ví dụ: - “Tình thương là hạnh phúc của con người.
- “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở hành động”.
( SGK Ngữ văn 12, tập 1, trang 35)
Hoặc: Vẻ đẹp bi tráng của hình tượng người lính trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng.
( SGK Ngữ văn 12, tập 1, trang133)
Như vậy, không thể nói: học sinh “chưa quen”, còn “bỡ ngỡ” với dạng đề “mở” .
b, Ưu điểm của dạng đề “mở”:
- Đề “mở” yêu cầu cao ở học sinh sự sáng tạo, linh hoạt, những suy nghĩ, cách cảm thụ độc lập, khó có thể lệ thuộc vào các loại tài liệu tham khảo. - Bên cạnh việc phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, một ưu điểm khác cần được nói đến của dạng đề “mở” là có thể phân hoá được học lực của học sinh. Cùng với các dạng đề nghị luận văn học, những đề văn nghị luận xã hội theo hướng “mở” sẽ tạo cho học sinh cơ hội được bày tỏ nhận thức, suy nghĩ của mình đối với những vấn đề khác nhau của xã hội. từ đó, góp phần hình thành kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử phù hợp đối với những vấn đề đặt ra trong cuộc sống thường nhật. Đây cũng là cách để “kéo” văn chưong về gần hơn với cuộc sống.
- Tạo cho học sinh có điều kiện trình bày những hiểu biết, cảm nhận, vốn kinh nghiệm sống (dù chỉ là ít ỏi )của mình về các lĩnh vực xã hội , văn chương,..., sau đó các em được thầy cô chỉnh sửa, rút kinh nghiệm, hoàn thiện hơn..., từ đó các em sẽ thấy hứng thú hơn trong những giờ học Ngữ văn.
Nhưng điều cần lưu ý là: đáp án đối với dạng đề “mở” cũng cần được soạn theo hướng “mở”. Nghĩa là, không nên ràng buộc người viết vào một số ý nào có sẵn, cho trước mà chỉ cần định hướng về cách giải quyết. Chất lượng của bài viết cũng không nên quá câu nệ vào dung lượng ngắn, dài. Điều quan trọng là học sinh phải xác định đúng trọng tâm vấn đề cần trình bày và thể hiện nó một cách rõ ràng, minh bạch, logic, có chủ kiến, có sức thuyết phục. Giáo viên khi chấm thi cũng phải thật sự “vững tay” để không bỏ qua những suy nghĩ độc đáo, sáng tạo của học sinh (có thể không có trong đáp án) thể hiện trong bài viết.
Trong nhiều năm qua, tất cả giáo viên dạy Ngữ văn trong tổ Văn chúng tôi đã xác định rõ mục tiêu, nội dung dạy học từ đặc điểm bộ môn. Đó là: khắc sâu kiến thức, bồi dưỡng tâm hồn cho học sinh, giúp các em biết hướng tới cái đẹp, cái thiện trong cuộc sống, hoàn thiện nhân cách, có điều kiện lựa chọn hướng phát triển, phát huy năng lực cá nhân, tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động.
7. Sự cần thiết phải kết hợp 2 kiểu bài : NL xã hội và NL văn học trong đề thi tốt nghiệp THPT, thi đại học, cao đẳng:
Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy, từ những năm 2005 trở về trước, các đề thi môn Ngữ văn của kì thi tốt nghiệp THPT (kể cả Đại học, Cao đẳng các khối C,D) hầu như đều rơi vào phần nghị luận văn học,không có phần nghị luận xã hội.Trong khi đó, phân môn Làm văn trong nhà trường PTTH lại có nhiều bài học đề cập đến nghị luận chính trị, xã hội, và trong 7 bài Làm văn ( thời lượng 1-2 tiết) trong một năm ở cả ba khối lớp 10, 11, 12 thì có 2 bài yêu cầu về nghị luận xã hội . Nếu chỉ ra đề kiểm tra, thi về nghị luận văn học, không chỉ thiếu tính toàn diện mà còn tạo ta nghịch lý. Nghịch lý ở chỗ: học sinh sau khi tốt nghiệp THPT, học tiếp Đại học, Cao đẳng hoặc học nghề,… đa số không đi theo con đường văn chương. Do đó, hiệu quả ứng dụng loại văn nghị luận văn học vào cuộc sống của các em rất ít. Trong khi đó, lối nghị luận xã hội lại là những hình thức rất gần gũi, phổ biến và cần thiết với đại đa số học sinh chúng ta. Được học và thực hành kiểu bài văn nghị luận xã hội sẽ có tác động trực tiếp đến vấn đề đạo đức, lối sống, nhân cách, ước mơ, lí tưởng…của học sinh. Vì vậy, việc kết hợp 2 kiểu bài : NL xã hội và NL văn học trong đề thi tốt nghiệp THPT, thi đại học, cao đẳng là hoàn toàn hợp lí.
III. PHẦN KẾT LUẬN:
Như trên đã trình bày, đổi mới KTĐG là động lực để đổi mới PPDH, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo con người theo mục tiêu giáo dục chung, nên nó đã trở thành một nhu cầu cấp thiết cho tất cả các môn học, và môn Ngữ văn cũng không ngoại lệ.
Là giáo viên giảng dạy môn Ngữ văn, chúng tôi hiểu rằng: qua những bài KT của HS, ta sẽ biết được các em đã biết, đã hiểu được những gì về lĩnh vực văn chương; đã trình bày những điều mình mà các em biết, hiểu ấy bằng cách diễn đạt như thế nào, vận dụng vào thực tế ra sao, từ đó chúng tôi kịp thời điều chỉnh PPDH sao cho đạt hiệu quả cao hơn.
Như vậy, kết quả KTĐG là chuẩn mực, là “thước đo” năng lực dạy của thầy và năng lực học của trò, giúp cho thầy dạy tốt hơn, trò học hứng thú hơn. Để “ thước đo” ấy ngày càng chính xác và có hiệu quả , tổ chuyên môn chúng tôi đã cố gắng xây dựng cho mình một ngân hàng đề KTĐG phong phú, đa dạng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc KTĐG, vừa so sánh chất lượng đào tạo các khóa học khác nhau.Tuy nhiên, ngân hàng đề KTĐG phải được thường xuyên bổ sung, đổi mới, sàng lọc những đề có kiến thức chưa toàn diện, thiếu khách quan, kém hiệu quả.
Trên đây là những suy nghĩ và quá trình thực hiện việc đổi mới KTĐG của tổ Văn trường THPT Phan Đình Phùng trong thời gian qua, có lẽ chưa thật hoàn chỉnh. Bởi chúng tôi hiểu, đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn, trong đó có cả việc đổi mới KTĐG là cả một vấn đề nan giải, cần một tư tưởng có tính đột phá, cần có thời gian để triển khai, và nhất là vai trò của những người thực thi. Vì vậy, rất mong có được sự góp ý trao đổi, bổ sung của các đồng nghiệp. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn.
Sông Cầu, ngày 20 tháng 10 năm 2010
Người viết: Lê Thị Kim Ánh
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Đổi mới kiểm tra đánh giá, thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học môn ngữ văn trong nhà trường thpt.doc