Trong tố tụng hình sự việc xác định đối tượng chứng minh có vai trò rất quan trọng để có thể phát hiện nhanh chóng, xử lý chính xác, công minh người phạm tội, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội. Đối với vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên phạm tội thì ngoài việc xác định những vấn đề cần chứng minh có tính chất bắt buộc chung như đối với các vụ án hình sự thông thường thì Cơ quan tiến hành tố tụng còn phải chứng minh những tình tiết được quy định tại khoản 2 Điều 302 BLTTHS năm 2003. Những tình tiết này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên bởi nó không chỉ giúp cơ quan có thẩm quyền xác định tội phạm, có các biện pháp xử lý phù hợp mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của người chưa thành niên để từ đó có các biện pháp phòng ngừa.
Lời mở đầu 1
Nội dung .1
I – Một số vấn đề lý luận về thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên 1
1. Khái niệm, mục đích của thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên 1
2. Đặc điểm tâm lí lứa tuổi người chưa thành niên .2
II - Đối tượng chứng minh trong vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên 3
1. Tuổi, trình độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức
về hành vi phạm tội của người chưa thành niên .4
2. Điều kiện sinh sống và giáo dục 5
3. Có hay không có người thành niên xúi giục 6
4. Nguyên nhân và điều kiện phạm tội .7
III – Thực tiễn áp dụng quy định về đối tượng chứng minh
trong vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên .8
1. Thực tiễn áp dụng 8
2. Một số giải pháp và kiến nghị .9
Kết luận .10
Danh mục tài liệu tham khảo 11
12 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 4895 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đối tượng chứng minh trong vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC
Lời mở đầu ……………………………………………………………………………………1
Nội dung ……………………………………………………………………………………….1
I – Một số vấn đề lý luận về thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên………………1
Khái niệm, mục đích của thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên…………..1
Đặc điểm tâm lí lứa tuổi người chưa thành niên …………………………………….2
II - Đối tượng chứng minh trong vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên……..3
Tuổi, trình độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức
về hành vi phạm tội của người chưa thành niên…………………………………….4
Điều kiện sinh sống và giáo dục ……………………………………………………....5
Có hay không có người thành niên xúi giục …………………………………………6
Nguyên nhân và điều kiện phạm tội ………………………………………………….7
III – Thực tiễn áp dụng quy định về đối tượng chứng minh
trong vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên…………………………….8
Thực tiễn áp dụng ……………………………………………………………………..8
Một số giải pháp và kiến nghị ………………………………………………………...9
Kết luận ……………………………………………………………………………………...10
Danh mục tài liệu tham khảo ………………………………………………………………11
LỜI MỞ ĐẦU
Trong tố tụng hình sự việc xác định đối tượng chứng minh có vai trò rất quan trọng để có thể phát hiện nhanh chóng, xử lý chính xác, công minh người phạm tội, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội. Đối với vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên phạm tội thì ngoài việc xác định những vấn đề cần chứng minh có tính chất bắt buộc chung như đối với các vụ án hình sự thông thường thì Cơ quan tiến hành tố tụng còn phải chứng minh những tình tiết được quy định tại khoản 2 Điều 302 BLTTHS năm 2003. Những tình tiết này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên bởi nó không chỉ giúp cơ quan có thẩm quyền xác định tội phạm, có các biện pháp xử lý phù hợp mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của người chưa thành niên để từ đó có các biện pháp phòng ngừa.
NỘI DUNG
I – Một số vấn đề lý luận về thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên.
1. Khái niệm, mục đích của thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên.
Khái niệm người chưa thành niên là một khái niệm phổ biến được sử dụng trong nhiều ngành khoa học nhưng ở mỗi góc độ nghiên cứu khác nhau, mỗi ngành khoa học có một khái niệm người chưa thành niên khác nhau. Trong khoa học pháp lý, khái niệm người chưa thành niên được sử dụng một cách rộng rãi, đó là người đang ở một độ tuổi nhất định. Theo Điều 68 BLHS năm 1999 thì “Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của chương này đồng thời theo những quy định khác của phần chung Bộ luật không trái với những quy định của chương này”.
Theo BLTTHS nước ta thì thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phải được tiến hành theo một trình tự đặc biệt quy định tại chương XXXII của Bộ luật (từ Điều 301 đến Điều 310). Như vậy thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự là thủ tục đặc biệt được áp dụng đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo từ 14 tuổi tròn cho đến dưới 18 tuổi. Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb.Tư pháp, 2006, tr.483
Bộ luật TTHS quy định thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên nhằm mục đích sau:
Khắc phục những thiếu sót trong công tác điều tra, truy tố, xét xử;
Đưa ra những biện pháp xử lý người chưa thành niên phạm tội phù hợp với những quy định của pháp luật;
Kết hợp hài hòa giữa các biện pháp cưỡng chế và giáo dục, thuyết phục, tạo ra những điều kiện cần thiết để người chưa thành niên biết sửa chữa những sai lầm, sớm cải tạo trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội.
Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người chưa thành niên.
2. Đặc điểm tâm lý lứa tuổi người chưa thành niên
Việc tìm hiểu những đặc điểm tâm lý lứa tuổi người chưa thành niên là không thể thiếu được đối với cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng trong vụ án hình sự về người chưa thành niên. Dựa trên cơ sở pháp luật hình sự, lứa tuổi này có thể phân làm 2 nhóm:
Một là, từ 14 tuổi tròn đến dưới 16 tuổi. Nhóm này có đặc điểm:
+ Vừa vượt qua giai đoạn trẻ con;
+ Gần gia đình và sống phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào gia đình.
Hai là, từ 16 tuổi tròn đến dưới 18 tuổi. Nhóm này có đặc điểm:
+ Đang ở giai đoạn sắp bước vào tuổi người lớn;
+ Nhận thức xã hội khá hơn nhóm trước nhưng vẫn chưa tách khỏi gia đình;
+ Kinh tế còn phụ thuộc vào gia đình.
Theo quy định của BLHS năm 1999, tuổi bắt đầu phải chịu trách nhiệm hình sự là 14 tuổi tròn, tùy theo từng loại tội khác nhau. Khi đủ 16 tuổi tròn thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người chưa thành niên có đặc điểm tâm sinh lý khác với người đã thành niên, cụ thể:
- Ở lứa tuổi này, người chưa thành niên đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ về thể lực và tâm sinh lý. Đây là thời kỳ chuyển tiếp từ trẻ con sang người lớn, họ không còn thụ động với vai trò của người được dạy dỗ nhưng lại chưa phải là người lớn. Sự thay đổi về thể chất dẫn đến sự thay đổi về tâm lý, chức năng sinh lý nhưng họ chưa nhận thức được sâu sắc về đời sống xã hội.
- Đây là giai đoạn khủng hoảng của sự phát triển của tâm lý con người. Ở độ tuổi này, năng lực trí tuệ cũng như năng lực tư duy trừu tượng đang phát triển và hoàn thiện trong mối tương quan với sự phát triển về thể chất và tâm sinh lý. Sự vươn lên vị trí độc lập của người chưa thành niên theo xu hướng chung diễn ra rất tự phát.
- Người chưa thành niên thường thích hành động tự do. Tuy nhiên đôi khi lại là tự do tùy tiện. Đối với họ, sự áp đặt chỉ bảo của người lớn trở thành “xiềng xích” cần phá bỏ.
- Quá trình phát triển sinh lý khiến ở lứa tuổi này tâm trạng người chưa thành niên rất thất thường, dẽ bị kích động, lòng kiên trì và năng lực kiềm chế thấp, dễ bốc đồng, dao động…
- Ở lứa tuổi này nhân cách của người chưa thành niên đã được hình thành nhưng chưa ổn định.
- Ở lứa tuổi dưới 18, người chưa thành niên đều rất linh hoạt, nhạy cảm và hiếu động, có trí tưởng tượng phong phú, vì vậy ranh giới giữa đúng và sai dễ bị lẫn lộn.
- Về mặt động cơ, hành vi của người chưa thành niên là dễ chịu ảnh hưởng, tác động của môi trường xung quanh.
Với những đặc điểm tâm sinh lý của người chưa thành niên như vậy cho nên đòi hỏi BLTTHS cần phải có những quy định đặc biệt về thủ tục tố tụng trong những vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên. Có như vậy, mới có thể đạt tới nhiệm vụ của TTHS đặt ra trong giáo dục công dân tuân thủ pháp luật và tôn trọng các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa.
II – Đối tượng chứng minh trong vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên.
Đối tượng chứng minh là tất cả các tình tiết phải được xác định đảm bảo cho việc giải quyết đúng đắn, khách quan, toàn diện vụ án hình sự Giáo trình Luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb.Tư pháp, 2006, tr.166
Đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự được quy định tại Điều 63 BLTTHS năm 2003, theo đó:
“Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải chứng minh:
Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;
Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;
Những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và những đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo;
Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra”.
Đối với vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên thì ngoài những vấn đề cần chứng minh có tính chất bắt buộc chung đối với các vụ án hình sự như đã nêu ở trên và các tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án còn phải chứng minh những tình tiết được quy định tại khoản 2 Điều 302 BLTTHS năm 2003. Đó là:
1. Tuổi, trình độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người chưa thành niên.
Xác định tuổi của người chưa thành niên là một vấn đề quan trọng trong quá trình tiến hành tố tụng của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án nhằm mục đích xác định có truy cứu hay không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đó; quyết định hình phạt thích hợp và đảm bảo chế độ thi hành án đúng quy định của pháp luật đối với người chưa thành niên.
Do đó, khi điều tra, truy tố, xét xử những bị can, bị cáo mà lý lịch của họ chưa được làm rõ thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án chỉ được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử khi có đầy đủ căn cứ kết luận rằng bị can, bị cáo là người đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS và chỉ được áp dụng đường lối xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội khi có đủ căn cứ để kết luận rằng bị cáo chưa thành niên khi phạm tội.
Về xác định tuổi của bị can, bị cáo theo quy định tại Điều 6 thông tư liên tịch 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH thì:
“Việc xác định tuổi của bị can, bị cáo là người chưa thành niên do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác ngày, tháng, năm sinh của bị can, bị cáo thì tuổi của họ được xác định như sau:
1. Trường hợp xác định được tháng sinh cụ thể nhưng không xác định được ngày thì trong tháng đó lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo.
2. Trường hợp xác định được quý cụ thể của năm, nhưng không xác định được ngày tháng nào trong quý đó thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo;
3. Trường hợp xác định được cụ thể nửa đầu năm hay nửa cuối năm, nhưng không xác định được ngày tháng nào trong nửa đầu năm hoặc nửa cuối năm đó thì lấy ngày 30 tháng 6 hoặc ngày 31 tháng 12 tương ứng của năm đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo;
4. Trường hợp xác định được năm sinh cụ thể nhưng không xác định được ngày tháng sinh của bị can, bị cáo thì lấy ngày 31 tháng 12 của năm đó làm ngày sinh của bị can, bị cáo.
5. Trường hợp không xác định được năm sinh của bị can, bị cáo là người chưa thành niên thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi của họ.”
Bên cạnh việc xác định tuổi, đối với vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên, cơ quan tiến hành tố tụng còn phải làm rõ mức độ phát triển về thể chất và tinh thần của họ bởi qua tham khảo các công trình nghiên cứu về y học kết hợp với thống kê về tội phạm học cho thấy, một số khuyết tật về thể chất cũng như một số bệnh tật có thể là những tác nhân rất quan trọng gây nên sự rối loạn về nhân cách đẩy người chưa thành niên vào con đường phạm tội. Mức độ phát triển về tinh thần cũng ảnh hưởng đến hành vi phạm tội của con người như những người mắc bệnh tâm thần nặng, bệnh rối loạn tính tình, bệnh trí tuệ thiểu năng… Những người mắc bệnh này thường dễ bị xúi giục phạm tội hơn so với người bình thường.
Mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người chưa thành niên cũng là một yếu tố quan trọng đối với việc xác định trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên. Bởi vì ở lứa tuổi này, khả năng nhận thức về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội còn hạn chế và họ dễ bị môi trường xung quanh tác động dẫn đến việc thực hiện tội phạm.
Việc làm rõ đặc điểm về tính cách của người chưa thành niên, tình trạng thể chất và tinh thần của họ có ý nghĩa đối với việc đánh giá chứng cứ và xác định mức độ, tính chất trách nhiệm hình sự đối với họ.
2. Điều kiện sinh sống và giáo dục.
Điều kiện sinh sống và giáo dục người chưa thành niên có ảnh hưởng đến việc xác định một số điểm liên quan tới hành vi phạm tội do người chưa thành niên gây ra và khả năng cải tạo, giáo dục họ. Do đó khi tiến hành thủ tục tố tụng đối với vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên chúng ta cần xác định:
Điều kiện sống của gia đình;
Thái độ của cha mẹ đối với việc giáo dục con cái;
Môi trường sinh hoạt xung quanh, nội dung giáo dục của nhà trường, nơi làm việc, nơi cư trú có ảnh hưởng đến hành vi phạm tội của người chưa thành niên hay không.
Đối với người chưa thành niên thì điều kiện sống của gia đình cũng như thái độ giáo dục của cha mẹ là yếu tố ảnh hưởng đầu tiên và quan trọng nhất trong việc đào tạo tư cách và tính cách của người chưa thành niên. Người chưa thành niên bị ảnh hưởng trước hết bởi những yếu tố tiêu cực trong chính môi trường gia đình của họ như thói quen, tật xấu (cờ bạc, rượu chè, các hành vi vi phạm pháp luật…) của các thành viên trong gia đình mà trước hết là cha mẹ. Nó đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành nhân cách lệch lạc của người chưa thành niên.
Những gia đình có cấu trúc không hoàn hảo như bố mẹ chết hoặc ly hôn khiến cho người chưa thành niên trong gia đình thường không được quan tâm, chăm sóc chu đáo và dạy bảo đầy đủ, thiếu thốn tình cảm, thiếu thốn về kinh tế, thiếu điều kiện học tập… dẫn đến không có phương hướng hành động đúng đắn, dễ bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng tiêu cự khác và dễ phạm tội.
Thái độ của cha mẹ đối với việc giáo dục người chưa thành niên cũng có ảnh hưởng lớn đến hành vi của họ. Sự thiếu chăm sóc của gia đình đối với việc giáo dục con cái đã làm cho người chưa thành niên không được uốn nắn kịp thời khi có sai phạm. Việc bố mẹ quá chiều chuộng hay thái độ quá khắt khe trong giáo dục cũng có tác động tiêu cực dẫn tới hành vi phạm tội của người chưa thành niên.
Nếu gia đình là ảnh hưởng đầu tiên và quan trọng nhất thì nhà trường cũng góp phần hết sức quan trọng vào việc hình thành nhân cách của người chưa thành niên. Không chỉ dạy và truyền thụ kiến thức, nhà trường còn giáo dục những phẩm chất nhân cách của học sinh và hoàn thiện những nhân cách ấy. Thực tế cho thấy thường những học sinh bị lưu ban, hay bỏ học, đi lang thang… dễ sa vào con đường phạm tội.
Những hiện tượng tiêu cực ngoài xã hội cũng có ảnh hưởng đến đầu óc nhạy cảm và hiếu động của người chưa thành niên. Môi trường xung quanh không lành mạnh sẽ có tác động rất lớn đến người chưa thành niên, dẫn đến những hành động không lành mạnh của họ.
3. Có hay không có người thành niên xúi giục
Với sự non yếu về kinh nghiệm sống, dễ tin và nhẹ dạ, người chưa thành niên đã trở thành đối tượng dễ bị lôi kéo vào con đường phạm tội từ những người đã thành niên. Thậm chí đôi khi chúng còn ép buộc, đe dọa, khống chế buộc các em phải thực hiện hành vi phạm tội. Thực tế cho thấy người chưa thành niên thực hiện hành vi phạm tội thường có sự tham gia và chỉ huy của người đã thành niên. Đặc biệt những kẻ xấu thường lợi dụng triệt để hoàn cảnh khó khăn của người chưa thành niên để lôi kéo, kích động. Trong nhiều trường hợp nó là nhân tố quyết định sự sa ngã, phạm tội của người chưa thành niên.
Theo điểm i Khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 thì phạm tội vì bị người khác đe dọa, cưỡng bức là một trong những tình tiết giảm nhẹ. Vì vậy trong những vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên cần phải xác định có người lớn xúi giục hay không. Ngoài ra để phát hiện đồng phạm trong vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên đảm bảo không để lọt kẻ phạm tội, không làm oan người vô tội, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng cần xác định xem có người thành niên xúi giục hay không.
4. Nguyên nhân và điều kiện phạm tội
Muốn đấu tranh phòng, chống tội phạm đối với người chưa thành niên phạm tội có hiệu quả, đồng thời đề ra biện pháp khắc phục và ngăn ngừa hợp lý, chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân và điều kiện dẫn họ đến con đường phạm tội. Trong thực tế cũng như trong lý luận có nguyên nhân và điều kiện không thể phủ nhận được đó là:
+ Môi trường gia đình, nhà trường, xã hội là những nguyên nhân;
+ Đặc điểm tâm lý lứa tuổi người chưa thành niên là điều kiện ảnh hưởng và tác động lẫn nhau một cách biện chứng làm phát sinh tội phạm ở người chưa thành niên.
Môi trường gia đình, nhà trường, xã hội luôn gắn bó mật thiết với nhau và tác động trực tiếp đến con người, đặc biệt là người chưa thành niên. Những yếu tố tiêu cực trong gia đình, sự buông lỏng quản lý, giáo dục; nhà trường còn thiếu kiên quyết, chưa làm tròn trách nhiệm trong việc quản lý, dạy dỗ học sinh; tình trạng bất cập trong tổ chức cộng đồng, trong quản lý xã hội…ảnh hưởng không nhỏ đến người chưa thành niên.
Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử với những vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên, cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định nguyên nhân và và điều kiện phạm tội nhằm:
+ Đề ra các biện pháp xử lý phù hợp và đúng đắn theo quy định của pháp luật.
+ Yêu cầu các cơ quan hoặc tổ chức hữu quan áp dụng những biện pháp cần thiết nhằm khắc phục nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm tại các cơ quan hoặc tổ chức đó, góp phần vào việc đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả.
Trong thực tế, để làm rõ nguyên nhân và điều kiện phạm tội cần phải thu thập những tài liệu về gia đình, nhà trường và xã hội để nghiên cứu. Cụ thể là:
+ Nguồn gốc phát sinh những quan niệm, những thói quen phạm pháp như sự giáo dục của gia đình, sự lôi kéo, rủ rê của bạn bè, sự tiêm nhiễm thói hư tật xấu của những người xung quanh;
+ Những tình tiết dẫn đến việc hình thành ý đồ phạm tội và điều kiện dẫn đến việc người chưa thành niên thực hiện tội phạm;
+ Điều kiện tìm kiếm hoặc có được công cụ, phương tiện phạm tội;
+ Động cơ thúc đẩy người chưa thành niên thực hiện tội phạm.
III – Thực tiễn áp dụng quy định về đối tượng chứng minh trong vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên.
1. Thực tiễn áp dụng
Trong những năm gần đây, số lượng người chưa thành niên phạm tội không ngừng gia tăng với tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ án cũng ngày càng tăng. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, chỉ tính riêng trong năm 2010 trên địa bàn cả nước đã có 13.572 đối tượng phạm tội là thanh thiếu niên, tăng nhiều lần so với những năm trước cả về số lượng tội phạm lẫn các vụ trọng án. Về độ tuổi, theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội thì tình hình tội phạm do người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện có chiều hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 60%; từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chiếm khoảng 32% và dưới 14 tuổi chiếm khoảng 8% trong tổng số các vụ phạm tội do người chưa thành niên và trẻ em thực hiện. Về cơ cấu tội phạm, theo thống kê mới nhất của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, thì hành vi vi phạm pháp luật hình sự của người chưa thành niên tập trung nhiều nhất vào các nhóm tội xâm phạm sở hữu; xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm và danh dự con người, một số tội xâm phạm an toàn trật tự công cộng. Trong đó, tội trộm cắp tài sản chiếm 38%, cố ý gây thương tích chiếm 11%, đặc biệt là giết người chiếm 1,4% trong tổng số tội phạm do người chưa thành niên thực hiện
Trước sự gia tăng của tội phạm chưa thành niên và để đáp ứng yêu cầu giải quyết đúng đắn, khách quan, toàn diện vụ án thì các tình tiết cần phải được xác định trong vụ án có vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên trong thực tiễn áp dụng quy định về đối tượng chứng minh trong vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên còn nhiều bất cập:
Còn thiếu các quy định cụ thể, các văn bản hướng dẫn để cơ quan tiến hành tố tụng có thể xác định các tình tiết thuộc đối tượng chứng minh trong vụ án. Trong thông tư liên tịch 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH mới chỉ có một điều luật quy định về xác định tuổi của bị can, bị cáo. Đối với các tình tiết cần phải được xác định khác như trình độ phát triển về thể chất, tinh thần và mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người chưa thành niên; điều kiện sinh sống và giáo dục; có hay không có người chưa thành niên xúi giục; nguyên nhân và điều kiện phạm tội thì chưa có các quy định cụ thể, rõ ràng để cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng một cách dễ dàng và thống nhất.
Đối với vấn đề xác định tuổi của bị can, bị cáo là người chưa thành niên: Trong một số trường hợp, do các chứng cứ, tài liệu như giấy khai sinh, hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân học bạ… chứng minh về độ tuổi (ngày, tháng, năm sinh) của bị can, bị cáo không thống nhất với nhau nên đã xảy ra tình trạng mỗi cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào một tài liệu khác nhau để xác định tuổi của bị can, bị cáo dẫn đến quan điểm xử lý khác nhau đối với người chưa thành niên phạm tội. Đặc biệt đối với những người phạm tội chưa thành niên sống lang thang, không có giấy tờ tùy thân, không có nơi cư trú rõ ràng hay những tội phạm chưa thành niên là người dân tộc, ở những vùng núi cao, điều kiện khó khăn nơi mà công tác quản lý hành chính về hộ tịch,… còn yếu kém thì việc xác định chính xác tuổi của người chưa thành niên gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng.
Thực tế còn nhiều trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh đầy đủ những tình tiết được quy định tại khoản 2 Điều 302 BLTTHS. Xuất phát từ những nguyên nhân khách quan (điều kiện thu thập chứng cứ, tài liệu khó khăn…) và chủ quan (thái độ làm việc thiếu trách nhiệm) mà trong nhiều trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng đã không xác định đầy đủ những tình tiết cần phải chứng minh trong vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên đặc biệt với những tình tiết như điều kiện sinh sống và giáo dục. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc giải quyết đúng đắn vụ án, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo là người chưa thành niên.
2. Một số giải pháp và kiến nghị
Để khắc phục những bất cập còn tồn tại cũng như bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo là người chưa thành niên, trong thời gian tới cần phải:
Trước hết cần hoàn thiện quy định của pháp luật về đối tượng chứng minh trong vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên như: Cần có các quy định cụ thể hướng dẫn việc xác định ngày, tháng, năm sinh một cách thống nhất giữa các cơ quan trong trường hợp có sự khác biệt về ngày, tháng, năm sinh giữa các giấy tờ chứng minh của bị can, bị cáo. Cần phải quy định rõ ràng về việc lấy lời khai của cha mẹ, thầy cô giáo, bạn bè của người chưa thành niên để làm rõ đặc điểm tính cách, tình trạng thể chất và tinh thần của họ…
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống quản lý hành chính cơ sở đặc biệt là quản lý về hộ tịch để tạo điều kiện cho cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xác định tuổi của người chưa thành niên.
Thứ ba, về phía các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải có tinh thần trách nhiệm trong việc thu thập chứng cứ chứng minh trong vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên. Xây dựng mô hình điều tra thân thiện đối với người chưa thành niên. Những người tiến hành tố tụng cần phải có kiến thức, hiểu biết về người chưa thành niên và tâm lí giáo dục .
KẾT LUẬN
Những quy định trong BLTTHS về thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội vừa thể hiện tính khoa học, vừa thể hiện một cách tích cực nhất, cụ thể nhất mặt nhân đạo, tính giáo dục trong chính sách của Đảng và nhà nước ta. Để áp dụng các quy định về thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên thì trước hết cần phải xác định đúng đắn đối tượng chứng minh trong vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên. Điều này không chỉ giúp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người chưa thành niên trong quá trình tiến hành tố tụng mà còn giúp cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các thủ tục tố tụng một cách chính xác, khắc phục những thiếu sót trong công tác điều tra, truy tố, xét xử. Đồng thời thông qua việc xác định các tình tiết như nguyên nhân, điều kiện phạm tội sẽ giúp cơ quan có thẩm quyền tìm hiểu được nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội từ đó có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, không để gia tăng số lượng tội phạm chưa thành niên.
Thuật ngữ viết tắt
BLHS: Bộ luật hình sự
BLTTHS: Bộ luật tố tụng hình sự
Danh mục tài liệu tham khảo
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb.Tư pháp, Hà Nội, 2006.
Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam năm 2003
Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên.
website: www.toaan.gov.vn, www.mps.gov.vn
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Đối tượng chứng minh trong vụ án mà bị can, bị cáo là người chưa thành niên.doc