Chu Xuân Giao
Góp thêm một bản dịch tiếng Việt cho bài văn bia tưởng niệm bác sĩ Asaba Sakitaro của Phan Bội Châu
Năm 2005 này, đối với Việt Nam, là một năm có nhiều ngày lễ lớn kỉ niệm những sự kiện trọng đại của đất nước, của dân tộc, một trong số đó là việc tròn 100 năm ngày chí sĩ Phan Bội Châu đặt chân đến Nhật, mở màn cho phong trào thanh niên khắp Bắc-Trung-Nam lên đường Đông Du, tìm con đường độc lập cho tổ quốc.
Trước đó, vào dịp quí đông năm 2004, nhằm chuẩn bị cho hoạt động kỉ niệm tại Việt Nam vào năm nay, biết tôi có chút ít kiến thức về Hán Nôm, một nhà nghiên cứu Việt Nam người Nhật đã nhờ tôi dịch bài văn bia mà cụ Phan soạn bằng Hán văn năm 1918 để kỉ niệm bác sĩ Asaba Sakitaro - người có công lao to lớn trong việc giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần cho phong trào Đông Du buổi hoạn nạn, khi chính phủ Nhật Bản bắt tay với nhà đương cục Pháp bắt đầu trục xuất thanh niên Việt Nam đang học tập tại các trường lúc đó. Trên cơ sở tư liệu về tấm bia dựng trước mộ phần của bác sĩ Asaba mà hiện còn thấy tại thị trấn Asaba tỉnh Shizuoka được nhà nghiên cứu nói trên cung cấp, gồm cả ảnh chụp văn bia và bản khôi phục nguyên văn do các nhà nghiên cứu Nhật Bản thực hiện [3] , kết hợp với những ghi chép trong bản hồi kí Tự phán (tức bản tự dịch cuốn Phan Bội Châu niên biểu của chính Phan Bội Châu), tôi đã hoàn thành bản dịch trong sự cảm động sâu sắc về nghĩa cả của ngài Asaba, cũng như văn tài, khí phách cách mạng, và tấm lòng tri ân nhân hậu của cụ Phan.
16 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 2603 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Góp thêm một bản dịch tiếng Việt cho bài văn bia tưởng niệm bác sĩ Asaba Sakitaro của Phan Bội Châu - Chu Xuân Giao, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Chu Xuân Giao
Góp thêm một bản dịch tiếng Việt cho bài văn bia tưởng niệm bác sĩ Asaba Sakitaro của Phan Bội Châu
Năm 2005 này, đối với Việt Nam, là một năm có nhiều ngày lễ lớn kỉ niệm những sự kiện trọng đại của đất nước, của dân tộc, một trong số đó là việc tròn 100 năm ngày chí sĩ Phan Bội Châu đặt chân đến Nhật, mở màn cho phong trào thanh niên khắp Bắc-Trung-Nam lên đường Đông Du, tìm con đường độc lập cho tổ quốc. Thuật lại việc đến Nhật của mình năm đó, cụ Phan đã viết trong hồi kí như sau: Thượng tuần tháng 3, đến Thượng Hải, gấp muốn tới Nhật Bản ngay, nhưng vì khốn vì lúc bấy giờ, việc Nhật Nga chiến tranh còn chưa bế mạc, những tàu buôn Nhật Bản bị chính phủ thu lưu, Thượng Hải không có tàu Nhật Bản, mà ngoài nữa tàu buôn các nước cũng trở ngại vì việc đánh nhau, chưa có thuyền nào qua Nhật Bản cả. Chúng tôi bất đắc dĩ phải nghỉ lại Thượng Hải hơn 1 tháng. Trung tuần tháng tư, Nhật Nga chiến sự đã xong, mới có thuyền Nhật Bản đến Thượng Hải. Chúng tôi nhờ có ông lưu Nhật học sinh người Trung Quốc tên là Triệu Quang Phục, người tỉnh Hồ Nam làm người chỉ đường cho chúng tôi, chung nhau ngồi thuyền Nhật Bản đi Hoành Tân. Đến lúc đó mới phát sinh một việc rất khốn nạn: Tiếng Nhật đã không thông, mà tiếng Tàu lại ú ớ, nói phô bằng bút, giao thiệp bằng tay, phiền lụy không biết chừng nào! Ngoại giao mà như thế, thiệt đáng xấu hổ! Hạ tuần tháng tư, thuyền đến Thần Hộ (Kobé) bắt đầu bước chân lên đất Nhật Bản, vì chúng tôi hành trang có hơi nặng, ngôn ngữ tập quán Nhật Bản chưa quen thuộc một tí gì, may nhờ Triệu Quân chiếu liệu cho, đem chúng tôi vào nhà hàng nghỉ lại một hôm, mua vé xe sớm đến Hoành Tân, giữa đường trên xe non một ngày một đêm, trăm việc nhu dụng, tất thảy nhờ Triệu Quân biện dùm cho. Hành khách gặp nhau in như anh em, không từ lao, không trách báo, mỹ chất của quốc dân nước lớn, thiệt có như thế, mà cũng nhờ Hán văn làm môi giới đó [1] . Tại Việt Nam, Nhật Bản và một số nước có kiều bào sinh sống khác, đã và đang có nhiều hoạt động với ý nghĩa kỉ niệm 100 năm ngày Phan Bội Châu đến Nhật và phong trào Đông Du. Vào ngày 16 tháng 4, tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo, nơi chúng tôi đang học tập, Hội thảo kỉ niệm tròn một trăm năm phong trào Đông Du đã được tổ chức với sự tham dự của khá đông thính giả người Nhật và người Việt (hiện đang học tập, công tác, và sinh sống tại Nhật Bản) [2] . Trước đó, vào dịp quí đông năm 2004, nhằm chuẩn bị cho hoạt động kỉ niệm tại Việt Nam vào năm nay, biết tôi có chút ít kiến thức về Hán Nôm, một nhà nghiên cứu Việt Nam người Nhật đã nhờ tôi dịch bài văn bia mà cụ Phan soạn bằng Hán văn năm 1918 để kỉ niệm bác sĩ Asaba Sakitaro - người có công lao to lớn trong việc giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần cho phong trào Đông Du buổi hoạn nạn, khi chính phủ Nhật Bản bắt tay với nhà đương cục Pháp bắt đầu trục xuất thanh niên Việt Nam đang học tập tại các trường lúc đó. Trên cơ sở tư liệu về tấm bia dựng trước mộ phần của bác sĩ Asaba mà hiện còn thấy tại thị trấn Asaba tỉnh Shizuoka được nhà nghiên cứu nói trên cung cấp, gồm cả ảnh chụp văn bia và bản khôi phục nguyên văn do các nhà nghiên cứu Nhật Bản thực hiện [3] , kết hợp với những ghi chép trong bản hồi kí Tự phán (tức bản tự dịch cuốn Phan Bội Châu niên biểu của chính Phan Bội Châu), tôi đã hoàn thành bản dịch trong sự cảm động sâu sắc về nghĩa cả của ngài Asaba, cũng như văn tài, khí phách cách mạng, và tấm lòng tri ân nhân hậu của cụ Phan. Dịch xong và gửi văn bản đến cho nhà nghiên cứu trên, rồi lại từ đó, văn bản sẽ được chuyển lên thị trấn Asaba và về Việt Nam chuẩn bị cho một số cuộc trưng bày (tại Hà Nội và Huế), thì tôi tìm được thêm 2 bản dịch nữa về văn bia trên trong điều kiện có thể tra cứu hiện tại của bản thân. Một là của tác giả Vĩnh Sĩnh trong bài “Phan Bội Châu và Asaba Sakitaro” in trong tập tiểu luận Việt Nam và Nhật Bản Giao lưu văn hóa [4] , hai là của một tác giả chưa rõ in trong trang bìa 4 của tập giới thiệu chương trình Kỷ niệm 100 năm (1905-2005) Cụ Phan Bội Châu đến Nhật và phong trào Đông Du [5] . Ở cuối bài viết của Vĩnh Sinh có ghi lại ngày tháng, là “Tháng 8-1990”, nghĩa là bản dịch đó đã được hoàn thành 15 năm trước. Có thể dự đoán là sẽ tìm thêm được một vài bản dịch khác nữa công bố trong các tài liệu về cụ Phan và phong trào Đông Du [6] , nhưng tạm thời chúng tôi có trong tay 4 bản dịch. Để giúp bạn đọc tiện theo dõi, xin tạm đưa ra lược đồ như dưới đây về quá trình hình thành của các bản dịch. Nhân kỉ niệm phong trào Đông Du, chúng tôi có dự định là viết một bài tiểu luận nhỏ khảo về mặt văn bản học, cũng như một số vấn đề mang tính văn hóa dân gian (folklore, dân tục học 民俗学) có liên quan đến bài văn bia, trên cơ sở đó, sẽ cố gắng khuôn định một bản dịch tiếng Việt có thể xem là khả dĩ nhất sau khi đã tham khảo thành quả của các dịch giả trước nay, và góp phần “giải mã” sự kiện lịch sử này dưới góc nhìn folklore. Nhưng bởi hạn chế về mặt thời gian do công việc học tập hiện tại và cả về mặt tư liệu (nhất là tôi chưa có dịp lên viếng mộ ngài Asaba, xem tấm bia bằng mắt thực, và tiến hành những khảo sát folklore cần thiết), nên ở đây chỉ dừng lại ở các phần việc sau. Trước hết là giới thiệu về ngài Asaba Sakitaro và nguyên do dựng tấm bia kỉ niệm, trên cơ sở trích lục hồi kí của Phan Bội Châu và tham khảo những tìm hiểu thêm của Vĩnh Sính [7] . Sau đó là giới thiệu có bình luận sơ lược về các bản dịch theo trình tự từ bản 1 đến bản 4. Cuối cùng là đính kèm thêm ảnh liên quan đến tấm bia, thác bản và bản khôi phục nguyên văn do các nhà nghiên cứu Nhật Bản thực hiện [8] . Chúng tôi mong nhận được ý kiến về các bản dịch từ các độc giả có quan tâm, đặc biệt là các bạn có kiến thức vững về Hán văn. 1. Mấy nét về thân thế ngài Asaba Sakitaro và nguyên do dựng bia kỉ niệm Asaba 浅羽 là họ, Sakitaro 佐喜太郎 là tên (nhân danh của người Nhật chỉ có họ và tên, không có tên lót), được viết thành 6 chữ Hán là 浅羽 佐喜太郎 (hai chữ đầu là họ, bốn chữ sau là tên), và đọc theo âm Hán Việt là Thiển-Vũ Tá-Hỉ-Thái-Lang. Tên này, trong Tự phán thì được ghi là Thiện Vũ. Còn trong bản dịch Phan Bội Châu niên biểu của nhóm tác giả Phạm Trọng Điềm và Tôn Quang Phiệt thì được ghi là Thiển-vũ-tá-hỉ Thái-lang [9] . Trong Tự phán, Phan Bội Châu đã viết về Asaba như sau, chúng tôi xin trích một đoạn dài để giúp bạn đọc có được cảm giác “trực tuyến” với tình hình phong trào Đông Du lúc đó cũng như tiếp xúc với văn phong tiếng Việt của cụ Phan (các đoạn trích dài khác đều với ý nghĩa như vậy): Nghĩa hiệp của một danh nhân Nhật Bản: ông Thiện Vũ. Mùa đông tháng 10 năm Mậu Thân (1908), việc giải tán học sinh đã xong rồi, Công Hiến Hội đã chết rồi, tôi biết Nhật Bản không thể nương cậy được, chuyển khuynh hướng về Trung Hoa cách mạng và hy vọng với những dân tộc đồng bệnh với ta nên lại nhờ đến ông Tôn Trung Sơn, ông Tôn giới thiệu cho tôi một người là Cung Kỳ Thao Thiên. Người ấy là một tay lãng nhân ở Nhật Bản, ôm tư tưởng toàn thế giới cách mạng. Tôi thoạt đầu gặp ông Cung Kỳ Thao Thiên, ông nói với tôi: “Thế lực một mình Việt Nam, tất không đánh đổ được Pháp, thế thì cầu giúp gì được với nước láng giềng cũng là phải. Nhưng Nhật Bản làm gì giúp cho các người được? Nhật Bản chính trị gia, tất thảy giàu về phần dã tâm, mà đói về phần nghĩa hiệp. Ông nên khuyên các thanh niên nên học lấy tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức, giao kết với người thế giới cho nhiều, tuyên bố tội ác nước Pháp, khiến cho người thế giới chắc không thiếu hạng người ấy, mà chỉ duy hạng người ấy mới chịu giúp được các ngài”. Tôi lúc đầu chưa lấy lời nói ấy làm tin; tới nay mới cho là nghiệm, mà tư tưởng liên kết thế giới cũng vì đó mà nẩy ra. Nhưng có một điều rất khốn nạn, bởi vì trong túi đã không có tiền lữ hành được thế giới, mà tiếng Tây, chữ Tây lại không hiểu, chỉ là người mù người điếc trong thế giới, muốn đi rong Âu Mỹ làm sao đi đặng, nên việc kết giao Âu Mỹ, chỉ nghe nói mà nhịn thèm. Phải trụt xuống một bước nữa là trước hết liên kết các chí sĩ ở toàn Á và những dân tộc vong quốc ở Á châu, làm thế nào đoàn kết thành một đảng, sẽ có lúc đồng thời cách mạng cả. Một phương diện đã tính như thế, còn một phương diện nữa chỉ lấy cách mạng tuyên truyền làm môn giáo dục ở trong thời kỳ vong quốc. Nghĩ được như thế, mà vấn đề khốn nạn lại xảy ra, nhưng cũng vì vấn đề ấy mà cám ơn ông Thiện Vũ hơn cha mẹ đẻ. Vì tôi lúc bấy giờ nội khoản cũng không có, lại túi không như xối, trong khoảng mươi ngày vận động được bao nhiêu thảy cung cấp cho học sinh về nước hết, phí quán xá phí ngoại giao, phí in sách, nhất thiết chỉ giơ tay không. Hơn 10 người bạn trong một nhà, cười lạt thay khóc, thấp thoáng lại hát nghêu ngao ít câu: Non cùng sông hết e đường tịt Liễu lấp hoa lòe nứt lối ra (Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ Liễu ám hoa minh biệt hữu thôn) Tình cờ gặp được một người nghĩa hiệp là tức là Thiên Vũ Thái Lang tiên sinh (Miyazaki Torazo) [10] . Thiện Vũ tiên sinh, trước nhân lúc đi đường gặp một người nước ta đương ăn xin dọc đường là Nguyễn Thái Bạt, tiên sinh hỏi đầu đuôi rồi đem về nhà nuôi và dạy cho học, xem như con nhà mình, thiệt là lòng hào hiệp hiếm có. Đến ngày sau, Hiệp Hội Việt Nam Công Hiến thành lập ở Đông Kinh, Nguyễn Thái Bạt được tin, xin với tiên sinh cho lên Đông Kinh tìm chúng tôi, tiên sinh ừ cho, mà lại cấp cho tiền học phí cho được vào Đồng Văn thư viện. Anh em chúng tôi ai cũng lấy việc nghĩa hiệp ấy làm lạ. Tôi lúc bấy giờ nghĩ cảnh quẩn tình bức, tráng sĩ đồ cùng, chỉ còn một chước ăn mày nữa là sách tối hậu, Nhưng ăn mày bằng một cách cao đẳng há dễ dàng đâu! Tất biết sẵn là người nghĩa hiệp mới dám gõ cửa mà cầu cứu giúp. Tôi sực nhớ đến tiên sinh, mới đem ý ấy bàn với Nguyễn Thái Bạt. Nguyễn lấy làm phải, tôi mới viết một bài văn khất ai, cậy Nguyễn quân cầm tới nhà tiên sinh. Than ôi! Ơn người chưa giả mà còn cầu nữa! Huống gì ăn mày to mà lại làm cách ăn mày lịch sự với một người thưở nay chưa biết mặt, mộng tưởng chẳng quá điên hay sao? Ai ngờ giấy tôi gửi lại buổi sớm, mà ngân phiếu tiên sinh gửi lại buổi chiều. Tiên sinh đã gửi lên Đông Kinh cho tôi 1.700 đồng Nhật [11] và lại cho tôi bức thư, trong nói vắn tắt mấy câu: “Hiện nay tôi vơ vét trong nhà chỉ sẵn có bấy nhiêu, chờ sau tôi có kiếm được số bạc như các người còn dùng thì đánh giấy lại mau”. Chỉ có bấy nhiêu lời, ngoài ra không có chữ gì có giọng khách khí. Trong lúc cùng khốn mà được việc may mắn như thế, mừng biết chừng nào! Tôi bây giờ trích ở trong số bạc ấy, chia ra làm 3 khoản: 1. Phí ngoại giao nhiều hơn, 2. Phí in sách, 3. Lữ phí [12] . Theo tìm hiểu thêm của Vĩnh Sính thì Asaba Sakitaro sinh ngày 1 tháng 3 năm 1867 (cùng năm sinh với cụ Phan) tại thị trấn Asaba浅羽町, huyện Iwata磐田郡, tỉnh Shizuoka静岡県 ngày nay, trong một gia đình nối đời làm Shin-kan神官 (thầy cúng) tại ngôi đền Hachiman. Thân phụ của ông đã từng gia nhập vào quân đội của chính phủ mới, sau khi giải ngũ, đã từng làm giám đốc ngân hàng Shiba (Tokyo). Asaba đã tốt nghiệp y khoa ở Đại học Đế chế Tokyo (tiền thân của Đại học Tokyo ngày nay) năm 1894. Ông từng có dự định đi du học ở Đức, nhưng do sức khỏe mà đành thôi, quyết định ở lại Nhật trong bệnh viện tư của mình mở tại một làng đánh cá nghèo và xa trung tâm. Ông nổi tiếng trong vùng là một bác sĩ ưu tú, nhân hậu. Nhờ có số tiền lớn mà Asaba trợ giúp khi cùng đường, Phan đã dựng lại được phong trào. Phan trích một số khoản để đóng góp cho Hội Điền Quế Việt Liên Minh vừa mới thành lập; một khoản dùng làm lữ phí để rời Nhật; và một khoản để in cuốn Hải ngoại huyết thư bằng ba thứ chữ Hán-Nôm-Quốc ngữ với 3000 bản, cuốn Việt Nam quốc sử khảo với 1000 bản, và cuốn Trần Đông Phong truyện. Nhưng rủi thay, khi 3000 cuốn Hải ngoại huyết thư chưa kịp gửi về Việt Nam thì bị nhà đương cục Nhật tịch thu theo yêu cầu của phía Pháp, đem đốt trước sân sứ quán Pháp ở Tokyo, may có người báo nên cụ giấu được 130 cuốn [13] . Về việc này, cụ Phan viết: Tuy nhiên, những việc hành động như trên kia, vẫn là việc thất bại, giở khóc giở cười. Nhưng còn làm ra được những cái thất bại ấy thì cũng gọi bằng thành công. Nếu lúc đó không có người khẳng khái vứt tiền như ông Thiện Vũ thì e muốn làm cái thất bại cũng không thể làm được. Nghĩ thế mà biết ơn ông Thiện Vũ to lớn không biết chừng nào [14] . Phan Bội Châu thuật tiếp: Trước khi toan lìa Nhật Bản, tôi muốn tạ ơn ông Thiện Vũ, đi đến Quốc Phủ Tân [15] yết kiến tiên sinh. Khi mới vào cửa, Thái Bạt giới thiệu tôi với tiên sinh, tôi chưa kịp nói tạ ơn, tiên sinh vội vàng dắt tay tôi, kéo vào cùng nói chuyện, chốc bày cơm rượu ra, không một chút tục khí. (lược một đoạn) Khi tiên sinh nói chuyện với tôi, rất khinh bỉ chính khách Nhật Bản, như Đại Ôi, Khuyển Dưỡng [16] , tiên sinh cũng không xem ra gì, nên nói với tôi rằng: “Bọn nó đối với các ngài chỉ là món ngoại giao của bọn âm mưu dã tâm mà thôi. Tôi từ biệt trở về Tàu, cách nhau 10 năm tôi lại qua Nhật Bản thì tiên sinh đã tạ thế, tôi rất cảm ơn của tiên sinh, chưa kịp đền giả mà lấy làm thẹn, không lấy gì cảm mình với người tri kỷ, bèn trồng một tấm bia ở trước mả tiên sinh, có khắc bài văn [17] . Về nội dung bài văn bia chép lại theo trí nhớ và bản tự dịch của Phan, sẽ đề cập ở dưới đây. Tiếp theo, xin xem về quá trình dựng tấm bia này qua hồi kí của Phan. Việc dựng bia ông Thiện Vũ. Chỉ xem một việc dựng bia dưới này, cũng biết trình độ quốc dân của Nhật Bản, nên chép kỹ vào đây: Lúc tôi mới đến huyện Tịnh Cường (Shizuoka), trù hoạch việc dựng bia, các phí tổn tài liệu và đục chạm vừa hết 100 đồng mà công trình vận tải và kiến trúc còn phải phí tổn 100 đồng nữa mới xong. Thế mà trong túi tôi chỉ có 120 đồng, nghĩ chắc không làm đủ. Nhưng vì đã hứa với người chết thì quyết tính cho xong. Tôi mời người bạn Lý Trọng Bá tới nhà ông thôn trưởng thôn Thiện Vũ là Thiện Vũ Hạnh Thái Lang tỏ ý muốn với ông và thuật chuyện Thiện Vũ tiên sinh cứu giúp ngày trước cho ông nghe cùng việc dựng bia. Lúc bấy giờ mới biết việc tiên sinh làm, chưa nói với ai bao giờ. Thôn trưởng nghe, cảm động vô cùng, rất tán đồng ý với tôi, giục tôi chóng làm xong. Tôi cũng nói thật tình với thôn trưởng vì hiện khoản chưa đủ, xin gửi 100 đồng nơi ông, còn nữa tôi sẽ trở về Tàu trù đủ số khoản phí sẽ trở qua làm xong việc này. Thôn trưởng nói: “Các ngài đã có lòng kỷ niệm đến người thôn tôi, tôi nên giúp thành cái chí các ngài không cần phải lăn lộn cho nhọc”. Tôi nghe quá mừng. Thôn trưởng lại mời tôi nghỉ ở nhà, khiến vợ con trong nhà tiếp đãi. Tới ngày thứ bảy tháng ấy, thông trưởng dắt tôi cùng xem nhà học hiệu trong làng và truyền cáo với các học sinh rằng ngày mai là ngày chủ nhật, mời hết cha anh học sinh nhóm nơi trường học sẽ có lời huấn dụ. Theo hiện quy địa phương tự trị của Nhật Bản, chức thôn trưởng tức là người chủ não hành chính ở trong thôn. Đến ngày ấy, tôi, thôn trưởng đến nhà trường, gia trưởng các nhà ở trong thôn đã nhóm đủ. Thôn trưởng lên đàn diễn thuyết, bắt đầu kể lịch sử nghĩa hiệp của Thiện Vũ tiên sinh, thứ lại giới thiệu tôi và ông Lý Trọng Bá cho thôn dân biết (Lý người nước ta, đỗ công khoa tiến sĩ Nhật), đoạn nói tiếp rằng:”Loài người sở dĩ sinh tồn được lâu dài nhờ có tấm cảm tình thương yêu nhau mà thôi; ông Thiện Vũ người thôn ta đem lòng nghĩa hiệp giúp cho người một nước khác, đã vun trồng danh giá cho người thôn ta nhiều lắm. Người thôn ta há có lẽ chỉ một mình ông làm quân tử rư ? Hiện nay hai ông Phan, Lý xông pha gió sóng, vượt đường bể muôn dặm, quý trọng người thôn ta, mà vì ông Thiện Vũ dựng bia kỷ niệm. Chúng họ đối với thôn ta, nghĩa khí chân tình đến thế. Chúng ta đối với họ lại hững hờ lơ lửng, người trong thôn ta không nhục mà thôi, mà nhục đến quốc nhân Nhật Bản ta nữa”. Nói đến đó thì tiếng vỗ tay dậy như sấm, ở trong đám đông người, có người đứng ra nói: “Chúng tôi thật thà quê kịch, duy thôn trưởng dạy cho” (thôn này là nông thôn, nhiều võ nhân với nông phu, mà văn sĩ phần ít). Thôn trưởng lại nói tiếp: “Ý tôi muốn thế này: Việc dựng bia kỷ niệm đó, tiền mua đá to nhỏ nhiều ít tùy ý chúng họ làm và công thợ họ chịu, duy những công trình vận tống kiến trúc, thôn nhân ta chỉ lấy nghĩa vụ làm giúp; bởi hi sinh tiền lao lực của ta để hoàn thành một kỷ niệm vật cho người nghĩa hiệp, cũng là thiên chức của dân Nhật Bản ta vậy.” Nói chưa dứt, tiếng ừ vang nhà. Sau trong một tuần bia đình dựng thành, cao ước 4 thước rưỡi tây, làm bằng đá thiên nhiên (theo tục Nhật Bản quý trọng đá thiên nhiên), dày 5 tấc, bề ngang ước được 2 thước, chữ lớn như bàn tay trẻ con. Tới ngày hoàn thành, nhóm người cả thôn lại, làm lễ lạc thành, lại góp bạc đặt tiệc rượu để tiếp đãi chúng tôi và khách khứa các làng chung quanh đến. Việc này thảy đều do kế hoạch của thôn trưởng, chúng tôi chỉ tốn hơn 100 đồng mà thôi. Muốn cho đồng bào biết việc nghĩa của người Nhật Bản, nên không sợ rờm bút [18] . Tác giả Shibata thì cho rằng trong gần một tháng thời gian dựng bia, Phan và Lý đã lưu lại ở nhà một người họ hàng của Asaba có tên là Asaba Yoshio. Nhưng dựa theo hồi kí của Phan Bội Châu, tác giả Vĩnh Sính cho rằng trong thời gian đó, có lẽ Phan và Lý ở Nagoya, và chỉ về thăm Asaba Yoshio vào những ngày cuối tuần để theo dõi việc dựng bia hay khi nào có việc cần kíp. Và người đã viết lại bài văn bia của cụ Phan cho thợ khắc vào đá là Lý Huy Lượng, trong nhà cũ của Asaba vẫn lưu được một tấm hình của người này. Rất có thể Lý Huy Lượng chính là Nguyễn Thái Bạt, khi dựng bia cho Asaba thì ở khoảng tuổi 32-33. Về sau, Nguyễn Thái Bạt về hợp tác với chính quyền thuộc địa dưới cái tên mới là Nguyễn Phong Di [19] . 2. Bản dịch 1 - Bản ghi lại bằng chữ Hán dựa vào trí nhớ và bản tự dịch ra quốc ngữ của chính cụ Phan trong thời kì “ông già Bến Ngự” ở Huế (khoảng 1927-29) Theo Tự phán, phiên âm Hán Việt (không kèm theo chữ Hán) và bản tự dịch ra Việt ngữ bài văn bia dựng trước mộ Asaba như sau. Phiên âm Hán Việt [20] : (…) bèn trồng một tấm bia ở trước mả tiên sinh, có khắc bài văn: Dư đảng dĩ quốc nạn, bôn Phù Tang, công ai kỳ chí, chửng trách bất kế sở thù, cái cổ chi kỳ hiệp giả. Kim dư lai thử, công dĩ thệ hỹ, phủ nhưỡng tứ cố, huých kỳ vô nhân, thương mang hải thiên, thử tân thùy tố, viên lắc sở cảm vu thạch. Minh viết: Hào không cổ kim, nghĩa cái Trung quốc, nông thí dĩ thiên, ngã thụ dĩ hải. Ngã chí vị thành, công bất ngã đái, du thử tâm, kỳ ức vạn tái. Việt Nam Quang Phục hội đảng nhân tặc [21] . Dịch Việt: Chúng tôi vì nạn nước, chạy sang Nhật Bản, tiên sinh thương đến khổ tâm, giúp chúng tôi trong lúc cùng khốn, rõ là một người kỳ hiệp. Nay chúng tôi sang thì tiên sinh đã tạ thế, tứ bề hiu quạnh trông không thấy ai, trời biển mênh mông, lòng này ai tỏ! bèn ghi mối cảm nơi viên đá, hào suốt xưa nay, nghĩa trùm trong ngoài, công thời như trời, tôi chịu như biển. Chí tôi chưa thỏa, ông không chờ đợi. Thăm thẳm lòng này, trải muôn ngàn đời. Việt Nam Quang Phục đông nhân ghi [22] . Theo Vĩnh Sính, bản chữ Hán của văn bia được in lại trong bản dịch Phan Bội Châu niên biểu của nhóm Phạm Trọng Điềm và Tôn Quang Phiệt, nhưng sách ấy không có phiên âm Hán Việt, chỉ có bản dịch Việt như sau: Chúng tôi vì việc nước, chạy sang đất Phù Tang, ông thương chí của chúng tôi, giúp khi hoạn nạn, không mong báo đáp lại, ông có thể so sánh với hào kiệt ngày xưa. Nay tôi trở lại đây, ông đã mất rồi. Trông khắp bốn bề, bóng người đã vắng, mênh mông trời bể, lòng này khôn tỏ. Mới khắc cảm tưởng vào đá, ghi rằng: Hào hơn xưa nay, nghĩa đầy trong ngoài, ông giúp như trời, tôi chịu như bể, chí tôi chưa thành, ông không chờ tôi, lòng này đau thương, đến ức vạn năm. Tất cả người của Hội Quang Phục xin ghi lại [23] . Chúng tôi tán thành với nhận định sau của Vĩnh Sính về bản chép lại bài văn bia theo trí nhớ cụ Phan: Thật ra, nguyên văn của bài văn bia do chính cụ Phan viết có vài chỗ khác biệt so với bài trên, nhưng có lẽ vì khi cụ Phan viết tập hồi ký PBCNB mười năm sau khi dựng bia, cụ không có tài liệu bên mình nên phải dựa vào ký ức để ghi lại. Mười năm với bao nhiêu dâu biển, dầu trí nhớ của cụ có siêu việt đến đâu cũng khó tránh những sai lạc [24] . Có nghĩa bản chép lại theo trí nhớ của chính cụ Phan là không hoàn toàn chính xác, mà có nhiều điểm khác với nguyên bản hiện thấy tại Nhật Bản. Hiện chưa rõ bản dịch Việt trong Phan Bội Châu niên biểu có tham khảo bản dịch Việt trong Tự phán hay không (theo hành văn thì có lẽ là không), nhưng chắc chắn là hai dịch giả Phạm Trọng Điềm và Tôn Quang Phiệt chỉ dựa theo bản chữ Hán mà cụ Phan chép theo trí nhớ, do vậy, không thể xem đó là bản dịch đã có đối chiếu với bản gốc tại Nhật [25] . 3. Bản dịch 2 - Bản dịch của Vĩnh Sính (1990) Nhằm cấu trúc lại một nguyên bản đầy đủ và một bản dịch khả dĩ nhất, Vĩnh Sính đã căn cứ vào bản chữ Hán và những phân tích trong nghiên cứu của Okakura Koshiro (xin xem chú thích số 25), và đưa ra một bản phiên âm và dịch Việt mới. Mặc dù viết: Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu lại nguyên bản của bài văn bia để độc giả có đủ tài liệu quý giá về chứng tích của mối tình nghĩa cao quý giữa cụ Phan và Asaba Sakitarô [26] , nhưng ông lại không đưa ra bản chữ Hán mà mình khôi phục. Qua trình bày của Vĩnh Sính, chúng tôi phỏng đoán rằng, ông đã về viếng mộ Asaba, tức là đã có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với nguyên bản của văn bia, nhưng hầu như không có ghi ngờ về bản chép của Okakura (có lẽ ông đã đọc bản đó trước khi tới thực địa), hoàn toàn tin theo bản đó nên không đối chiếu với văn bản gốc tại hiện trường (trên thực tế thì không rõ tác giả có làm việc đối chiếu hay không, nhưng không nhắc đến trong bài viết). Rõ nhất là ông đã hoàn toàn không biết đến mặt sau của tấm bia đó (đề năm tháng theo niên hiệu của Thiên Hoàng và tên các thành viên tán thành việc lập bia). Bản phiên âm và dịch Việt của Vĩnh Sính như sau: Nguyên văn chữ Hán (Dịch theo âm Hán Việt): Thiển-vũ Tá-hỷ-thái-lang công kỷ niệm bi Dư đẳng dĩ quốc nạn, bôn Phù Tang, công ai kì chí, chửng ư khốn, phất kí sở thù, cái cổ chi kì hiệp giã. Ô hô! Kim cánh vô công dĩ, thương mang thiên hải, phủ ngưỡng thùy tố! Viên lặc sở cảm vu thạch. Minh viết: Hào không cổ kim, nghĩa hằng trung ngoại. Công thí dĩ thiên, ngã thụ dĩ hải. Ngã chí vị thành, công bất ngã đái, du thử tâm kỳ ức vạn đái. Mậu Ngọ xuân, Việt Nam Quang Phục Hội đồng nhân cẩn chí. Đại-sâm Húc-lĩnh tuyên. [27] Bản dịch quốc ngữ: Bia kỷ niệm ông Asaba Sakitarô Chúng tôi vì quốc nạn, lánh chạy sang Nhật Bản, ông cảm thương cho cái chí của chúng tôi, giúp chúng tôi lúc cùng khốn, chẳng hề mong báp đáp lại, rõ thật là người kỳ hiệp xưa nay. Hỡi ơi! nay ông không còn nữa, trông khắp bốn bề, biển trời mênh mang hiu quạnh, lòng này biết tỏ cùng ai! Vì thế mới khắc nỗi cảm hoài vào đá. Ghi rằng: Xưa nay không ai hào kiệt bằng ông, nghĩa ông bao trùm trong ngoài. Ông giúp như trời, tôi chịu như biển. Chí tôi chưa thành, ông không chờ đợi. Lòng đau vời vợi, đến ức vạn năm. Ôsugi Kyokurei khắc [28] . Có thể dễ dàng nhận thấy là bản dịch Việt của Vĩnh Sính đã thiếu cả một dòng cuối ghi thời gian và tên Việt Nam Quang Phục Hội so với bản phiên âm do chính ông thực hiện. Trên kia đã nói, là ông đã không biết có sự tồn tại của mặt sau của tấm bia. Như vậy, rõ ràng, điều mà ông mong muốn “để độc giả có đủ tài liệu quý giá về chứng tích” là không đạt được (xin ghi nhận những tìm hiểu thêm của ông về một số điểm và nhân vật có liên quan đến tấm bia qua việc tóm tắt các khảo cứu của các nhà nghiên cứu địa phương). Việc xử lí văn bản, tức sử liệu, ở đây của tác giả Vĩnh Sính không mang lại cho chúng tôi độ tin cậy cần thiết về mặt khoa học của một nhà nghiên cứu lịch sử [29] . 4. Bản dịch 3 - Bản dịch của tác giả chưa rõ (2005) Thực chất thì bản này chỉ là sao chép lại bản tự dịch sang tiếng Việt của chính cụ Phan trong Tự phán, rồi thêm tiêu đề của bia vào với cách đọc theo âm Hán Việt (nhưng không đầy đủ, thiếu chữ “công”, và đọc chệch chữ “bi” theo lối nôm na thành ra “bia”). Có một điểm hay là đã đưa thêm bản chữ Hán vào, gồm có cả mặt trước và mặt sau của bia. Tuy nhiên, đây là bản được khôi phục bởi các nhà nghiên cứu Nhật Bản (giống như với bản mà mà tôi đã nhận được từ nhà nghiên cứu Nhật Bản đã nhắc ở đầu bài viết), bản này vẫn còn thiếu một chữ “du” trong cụm “du du thử tâm” (hiện chỉ là “du thử tâm”) Bản dịch Việt này như sau (không có bản phiên âm Hán Việt): Thiển Vũ Tá Hỷ Thái Lang Kỷ Niệm Bia Chúng tôi vì nạn nước, chạy sang Nhật Bản, tiên sinh thương đến khổ tâm, giúp chúng tôi trong lúc cùng khốn, rõ là một người kỳ hiệp. Nay chúng tôi sang thì tiên sinh đã tạ thế, tứ bề hiu quạnh trông không thấy ai, trời biển mênh mông, lòng này ai tỏ! bèn ghi mối cảm nơi viên đá. Hào suốt xưa nay, nghĩa trùm trong ngoài, công thời như trời, tôi chịu như biển. Chí tôi chưa thỏa, ông không chờ đợi. Thăm thẳm lòng này, trải muôn ngàn đời. Việt Nam Quang Phục đồng nhân ghi 5. Bản dịch 4 - Bản dịch của chúng tôi (2004) Như đã thưa ở phần đầu, để thực hiện việc phiên âm Hán Việt và dịch Việt, chúng tôi căn cứ chủ yếu vào ảnh chụp nguyên văn bia, và có tham khảo với ý nghĩa là tìm hiểu bối cảnh dựng bia đối với những ghi chép trong Tự phán của Phan Bội Châu. Chúng tôi đã không tham khảo các bản dịch của Vĩnh Sính và nhóm Phạm Trọng Điềm như giới thiệu ở trên trong khi thực hiện công việc, sau khi hoàn thành mới biết đến hai bản này. Với ý nghĩa trên, xin được góp thêm một bản phiên âm và dịch Việt bài văn bia của Phan Bội Châu do chúng tôi thực hiện. Phiên âm Hán Việt: Mặt trước: Thiển Vũ Tá Hỉ Thái Lang công kỉ niệm bi Dư đẳng dĩ quốc nạn, bôn Phù Tang, công ai kì chí, chửng ư khốn phất kí sở thù, cái cổ chi kì hiệp dã. Ô hô. Kim cánh vô công hĩ, thương mang thiên hải, phủ ngưỡng thùy tố, viên lặc sở cảm vu thạch. Minh viết: Hào không cổ kim, nghĩa hoàn trung ngoại, công thí dĩ thiên, ngã thụ dĩ hải. Ngã chí vị thành, công bất ngã đái, du du thử tâm, kì ức vạn tái. Mậu Ngọ xuân Việt Nam Quang Phục Hội đồng nhân cẩn chí. Đại Sam Húc Lĩnh thuyên. Mặt sau: Đại Chính thất niên tam nguyệt Tán thành viên Cương Bản Tam Trị Lang Cương Bản Tiết Thái Lang Thiển Vũ Nghĩa Hùng Dịch Việt: Mặt trước: Bia tưởng niệm ngài Asaba Sakitaro Lũ chúng tôi vì nạn nước mà bôn tẩu tới [đất] Phù Tang, ngài cảm thương cái chí ấy mà cứu giúp trong cơn khốn quẫn chẳng màng đến ơn trả ngày sau, thực là nghĩa hiệp xưa nay hiếm có. Than ôi ! Nay [chúng tôi sang] nào đâu thấy ngài, trời xanh biển thẳm, cúi ngưỡng nào biết tỏ cùng ai, đành ghi mối xúc cảm này nơi bia đá. Lời minh rằng: Hào hiệp chưa từng có xưa nay, nghĩa lớn khắp cả trong ngoài, ngài ban thời như trời [lớn], tôi nhận thời như biển [đầy]. Chí tôi chưa thành, mà ngài chẳng đợi, thăm thẳm lòng này, ngàn thu [ghi tạc]. Ngày xuân năm Mậu Ngọ Việt - Nam - Quang - Phục - Hội nhất đồng cẩn chí. Ohsugi Kyokurei khắc vào đá. Mặt sau Tháng 3 năm Đại Chính thứ 7 [tức năm 1918] Các thành viên tán thành [và giúp đỡ việc dựng bia này]: Okamoto Sanjiro Okamoto Setsutaro Asaba Yoshio 6. Hình ảnh và tư liệu liên quan đến tấm bia Việc đính kèm bức hình cụ Phan Bội Châu bên tấm bia kỉ niệm ân nhân trong buổi lễ khánh thành vào một ngày xuân năm 1918, và bản chữ Hán khôi phục nguyên văn ở tiếp theo đây sẽ được coi như là phần kết cho bài viết nhỏ và có phần vội vã do thiếu thời gian này, vì theo chúng tôi nguyên bản có vai trò quyết định đối với việc thẩm định của độc giả với các bản phiên âm và dịch Việt cho đến nay. Xin nhắc lại để lưu ý rằng, mặc dù bản chữ Hán khôi phục nguyên văn (mà chúng tôi đã nhận được, giống như bản mà bản dịch năm 2005 in kèm) đã được các nhà nghiên cứu Nhật Bản làm tốt, nhưng vẫn còn thiếu một chữ. Các chữ Hán trong lòng bia được khắc sâu và tương đối lớn (“chữ lớn như bàn tay trẻ con”), nên các bạn có thể đối chiếu được ngay qua bức hình Phan Bội Châu bên tấm bia [30] . Phan Bội Châu ngồi ở hàng trước, thứ hai tính từ bên phải sang, người bận đồ mùa rét với áo véc, áo len và giầy Tây. Có lẽ hôm đó là một ngày nắng, đẹp trời, nhưng khí lạnh vẫn còn đậm. Ở hàng sau, có lẽ là các nhà sư đã tới tụng kinh trong lễ khánh thành cho tấm bia. Ngài Asaba yên giấc trong khu nghĩa trang của chùa Thường Lâm (Johrin-ji), và trước mộ phần, vẫn còn đó cùng tuế nguyệt là tấm bia kỉ niệm với lời tiếc nuối khôn nguôi, tấm lòng tri ân sâu nặng của nhà đại ái quốc Phan Bội Châu - cây đại thụ vươn lên bao trùm và tỏa sáng, xua đi những bóng đen trên nền trời Việt Nam đầy hắc ám thời mà dân tộc còn rền đau dưới ách nô lệ ngoại bang [31] . Khi viết dòng cuối cùng thì câu hỏi chợt đến như một gợi ý cho riêng tôi, vì gắn tới chuyên môn [32] , là vì sao ngài Asaba vốn xuất thân trong gia đình thầy cúng ở đền mà mộ lại được táng trong nghĩa trang của nhà chùa?
Thác bản (gồm mặt trước, mặt sau) và bản khôi phục nguyên văn của tấm bia được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu địa phương tại thị trấn Asaba (Mặt sau của bia có ghi: 大正七年三月。賛成員 岡本三治郎、岡本節太郎、浅羽義雄)
Hình ảnh Phan Bội Châu bên tấm bia trong buổi lễ khánh thánh vào một ngày xuân năm 1918, và người cháu nội của người đang đọc lời cảm tưởng trong “Lễ kỉ niệm tròn 85 năm lập bia tưởng niệm” được tổ chức tại chùa Thường Lâm vào ngày 27.7.2004.
Hậu kí Các hình ảnh và tư liệu trên đây (thác bản và bản khôi phục) được công khai trên trang web sau Vào ngày 27 tháng 7 năm 2004, dưới sự chủ trì của Hiệp hội Xây dựng quê hương thị trấn Asaba 浅羽町まちおこし協会(thực chất là ủy ban phát triển du lịch của thị trấn), Lễ kỉ niệm tròn 85 năm lập bia tưởng niệm (buổi sáng) và Lễ kỉ niệm tròn 85 năm quan hệ hữu nghị Asaba – Việt Nam (buổi chiều) đã được tổ chức long trọng tại thị trấn Asaba tỉnh Shizuoka. Người cháu nội của Phan Bội Châu đã tới dự và phát biểu cảm tưởng. Tuy nhiên, cần lưu ý, bản khôi phục được công khai trên trang web này thiếu và nhầm một số chữ.
Bản khôi phục của các nhà nghiên cứu Nhật Bản
Bản khôi phục mà tôi đã nhận được từ nhà nghiên cứu Nhật Bản, như đã nhắc đến trong phần đầu bài viết, thì thiếu một chữ, nên sau đây, tôi sẽ khôi phục một bản mới (bổ sung chữ thiếu này). Tokyo, tháng 10. 2005 - một trăm năm sau ngày Phan Bội Châu tới Nhật Tác giả Chu Xuân Giao thuộc Viện Nghiên cứu Văn hóa (trước 2005 là Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian) thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, hiện là Nghiên cứu sinh (Ph.D.Candidate) tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Nhật Bản. © 2005 talawas
[1]Phan Bội Châu, Tự phán, Nxb Nhân chủ học xã, California, 1987, tr. 66. Đây là tài liệu hiện lưu tại Khoa Tiếng Việt thuộc Đại học Ngoại ngữ Tokyo. Do chấp bút tại Tokyo, hiện chúng tôi không có điều kiện để đối chiếu với bản Phan Bội Châu niên biểu, Phạm Trọng Điềm và Tôn Quang Phiệt dịch, Nxb Văn Sử Địa, 1957. Chúng tôi đã chỉnh cụm “Triệu Quân Chiếu liệu” và “Hán Văn” trong bản in trên thành “Triệu Quân chiếu liệu” và “Hán văn”. “Hoành Tân” là âm đọc Hán Việt của Yokohama. Theo lời giới thiệu bìa ở bìa 2 của bản in Nxb Nhân chủ học xã thì “tập hồi kí này, nguyên bản bằng chữ Hán được viết vào khoảng 1927-1929, và sau đó chính cụ Phan dịch ra chữ quốc ngữ, kể lại chính cuộc đời cụ từ lúc thiếu thời cho đến 1925”.[2]Hội thảo này được diễn ra từ 2 giờ đến 4 giờ chiều ngày 16 tháng 4 năm 2005 tại phòng 115 tầng 1, giảng đường Fuchu, Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Nhật Bản. Người dẫn chương trình là Giáo sư Imai Akio, Khoa tiếng Việt. Có 5 báo cáo đã được trình bày (bằng tiếng Nhật), gồm: 1. Trần Đức Giang, Hoạt động của Phan Bội Châu ở Trung Quốc; 2. Mori Tatsuya, Người anh hùng đã bị quên lãng - về ngoại hầu Cường Để ; 3. Trần Đức Thanh Phong, Ngoại hầu Cường Để và phong trào Đông Du; 4. Miyazawa Chihiro, Phong trào chống Pháp của người Việt Nam tại Nhật Bản sau thời kì Đông Du; 5. Shiraishi Masaya, Hoạt động tại Nhật Bản của lưu học sinh Việt Nam trong thời kì phong trào Đông Du. Ngoài Đại học Ngoại ngữ Tokyo, các diễn giả trên còn tới trình bày ở một số nơi khác trên nước Nhật trong thời gian tháng 4 năm 2005.[3]Rất tiếc là bản khôi phục này vẫn thiếu một chữ so với nguyên bản. Nguyên bản là du du thử tâm, nhưng ở bản khôi phục là du thử tâm. [4]Vĩnh Sính, Việt Nam và Nhật Bản - Giao lưu Văn hóa, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Nxb Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, tr. 217-230. [5]Đây là một tài liệu được phát cho thính giả đến tham dự hội thảo ngày 16 tháng 4 năm 2005 tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo đã nói ở trên. Tập giới thiệu chương trình này gồm có 12 trang khổ A4, đánh số trang bìa, được in cả bằng tiếng Nhật và tiếng Việt. Bản dịch có thể là do tác giả Đỗ Thông Minh thực hiện trong thời gian chuẩn bị hội thảo, tức đầu năm 2005, nhưng có thể thấy đó là bản chép lại từ bản cụ Phan tự dịch.[6]Có thể nghĩ ngay đến bản dịch của nhóm tác giả Phạm Trọng Điềm và Tôn Quang Phiệt, hay của tác giả Chương Thâu (người đã dày công biên soạn Phan Bội Châu toàn tập gồm 10 cuốn). Qua trích dẫn trong bài của tác giả Vĩnh Sính thì chúng tôi tham khảo được bản dịch tiếng Việt của nhóm tác giả Phạm Trọng Điềm và Tôn Quang Phiệt (xin xem mục 2 ở bài viết này, và trang 224 trong bài viết của Vĩnh Sính).[7]Tác giả Vĩnh Sính đã tìm hiểu về thân thế của ngài Asaba thông qua tư liệu của một số nhà nghiên cứu Nhật Bản và chuyến thăm Iwata để viếng mộ ngài Asaba vào mùa hè năm 1989 (xem chú thích 1 trang 219, trong Vĩnh Sính, Việt Nam và Nhật Bản - Giao lưu Văn hóa. Nhưng có thể thấy rằng, đó mới chỉ là một “tìm hiểu thêm”, mà chưa phải là việc khảo cứu kĩ lưỡng, tác giả đã không làm tốt nhiệm vụ của một người khảo cứu sử liệu (xin xem tiếp trong phần bản dịch của Vĩnh Sính). Các công bố tư liệu mới trong bài trên, Vĩnh Sính chủ yếu dựa vào tài liệu của nhà nghiên cứu địa phương Shibata Shizuo, trong cuốn Waga kyodo no konjaku我が郷土の今昔 (Quê ta xưa và nay), Hợp tác xã Nông nghiệp thị trấn Asaba xuất bản, 1988.[8]Các tấm ảnh, thác bản và bản khôi phục này được công bố trên mạng (bằng tiếng Nhật), xin xem ở địa chỉ [9]Dẫn lại theo chú thích 1 trang 217 bài viết của Vĩnh Sính (Sđd).[10]Không rõ đây là phiên âm của chính Phan Bội Châu hay của người biên tập Nxb Nhân chủ học xã. [11]Theo phân tích của Vĩnh Sính thì đây là một khoản tiền rất lớn, tương đương với khoảng 30 triệu Yên ngày nay, tức hơn 20 vạn Mỹ kim - năm 1990 chăng? – chú thích của người viết bài này. Lương của ông hiệu trưởng trường tiểu học Higashi-Asaba lúc bấy giờ là 18 Yên (Vĩnh Sính, Sách đã dẫn, tr. 221 và chú thích 1 thuộc trang này)[12]Phan Bội Châu, Sđd, tr. 134 -137.[13]Phan Bội Châu, Sđd, tr. 137-138; Vĩnh Sính, Sđd, tr. 218-222. [14]Phan Bội Châu, Sđd, tr. 139, nhấn mạnh là bởi chúng tôi. [15]Quốc Phủ Tân (Kofutsu) là nơi mà bệnh viện của Asaba tọa lạc, nó nằm vùng duyên hải, không khí trong lành, xung quanh có cây cối xanh mát, vừa thích hợp cho việc điều dưỡng, vừa tiện đường giao thông vì Quốc Phủ Tân ở ngay giữa đường từ quê ông (Umeyama) lên Tokyo, nơi cha ông cư ngụ (Vĩnh Sính, Sđd, tr. 219).[16]Đại Ôi tức là Đại Ôi Trọng Tín (Ohkuma Shigenobu, 1838-1922), Khuyển Dưỡng tức Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoshi, 1855-1932), là hai chính khách Nhật mà Phan Bội Châu đã từng tiếp xúc (Vĩnh Sính, Sđd, trang 222-223).[17]Phan Bội Châu, Sđd, tr. 139. [18]Phan Bội Châu, Sđd, tr. 140-142.[19]Vĩnh Sính, Sđd, tr. 229. Trong hồi kí của Hoàng Văn Hoan - cuốn Giọt nước trong biển cả, Nxb Tin Việt Nam, 1986 - có nhắc đến Nguyễn Thái Bạt: “Bạt là một người xuất dương vào hồi Đông Du, sau về hàng Pháp. Bạt không thi Hương mà được Nam triều cho thi Hội, đỗ Hoàng Giáp, rồi làm quan, được ít lâu thì Bạt chết. Khi còn bị giam, có người con gái hàng cơm thường đưa cơm cho y, sau được ra tù, rồi lấy nhau.” Nếu ghi chép này là chính xác thì có thể suy đoán rằng Nguyễn Thái Bạt đã về nước trước năm 1918 (trước kì thi theo lối khoa cử cuối cùng) một thời gian khá lâu, vì còn bị giam, được thả, rồi đi thi Hội. Như vậy thì có thể trong thời gian cụ Phan dựng bia cho Asaba thì Nguyễn đã ở Việt Nam rồi. Cụ Phan cũng không hề nhắc đến Nguyễn trong đoạn nói về quá trình dựng bia. Lý Huy Lượng và Nguyễn Thái Bạt là hai người khác nhau chăng? [20]Thói quen dịch văn bản Hán văn của Việt Nam (đặc biệt không thể thiếu là khi dịch thơ chữ Hán) là thường có kèm phiên âm Hán Việt bên cạnh bản dịch nghĩa (nếu là dịch thơ thì có thêm bản dịch thơ). Thói quen này được tất cả các dịch giả Hán văn mặc nhiên chấp nhận. Khi giảng dạy chữ Hán thì ngôn ngữ dùng trong lớp phải là âm Hán Việt, không thể khác được.Thế nhưng, có một số người phản đối sự tồn tại của việc phiên âm Hán Việt, chẳng hạn Nguyễn Duy Hinh (Phó Giáo sư, Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), ông chủ trương là, việc này gây phiền toái, “nên bỏ quách đi”! Chúng tôi ghi điều này không có nghĩa là đồng tình hay phản đối với quan điểm của Nguyễn Duy Hinh mà chỉ có mục đích phản ánh hiện thực. Về việc có cần thiết nữa hay không của thói quen phiên âm Hán Việt trong khi dịch Hán văn (xin đừng nhầm là: âm Hán Việt có cần thiết trong tiếng Việt nữa hay không), xin chờ những trao đổi của các nhà chuyên môn. [21]Phan Bội Châu, Sđd, tr. 139. Vĩnh Sính sử dụng bản phiên âm Hán Việt trong Tự phán (bản của Nxb Anh Minh, Huế, 1956), và có sửa lỗi chính tả trong đó, thành bản như sau (những chỗ in nghiêng là chữ được sửa lại): “Dư đẳng dĩ quốc nạn, bôn Phù Tang, công ai kỳ chí, chửng ư ách bất kế sở thù, cái cổ chi kỳ hiệp giã. Kim dư lai thử, công dĩ thệ hỹ, phủ ngưỡng tứ cố, huých kỳ vô nhân, thương mang hải thiên, thử tâm thùy tố, toại lắc sở cảm vu thạch. Minh viết: Hào không cổ kim, nghĩa cái trung ngoại, công thí dĩ thiên, ngã thụ dĩ hải. Ngã chí vị thành, công bất ngã đái, du thử tâm, kỳ ức vạn tái. Việt Nam Quang Phục hội đẳng nhân lặc” (Vĩnh Sính, Sđd, tr. 223).[22]Phan Bội Châu, Sđd, tr. 139-140.[23]Phan Bội Châu niên biểu, tr. 121-122. Chúng tôi dẫn lại theo Vĩnh Sính, Sđd, tr. 224. [24]Vĩnh Sính, Sđd, tr. 224.[25]Theo Vĩnh Sính, tác giả Okakura Koshiro trong cuốn Toyu undo igo no Nihon to Betonamu no kankei 東 遊運動以後の日本とベトナムの関係(Quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam từ sau phong trào Đông Du), 1982, đã giới thiệu nguyên bản chữ Hán của tấm bia và trình bày những điểm khác biệt so với bản ghi trong Phan Bội Châu niên biểu (Vĩnh Sính, Sđd, chú thích 1 thuộc trang 225). Bản phiên âm và dịch Việt tiếp theo đây của Vĩnh Sính có lẽ là dựa vào bản chữ Hán trong nghiên cứu của Okakura Koshiro. [26]Vĩnh Sính, Sđd, tr. 224. In nhấn mạnh là bởi chúng tôi.[27]Vĩnh Sính, Sđd, tr. 224-225.[28]Vĩnh Sính, Sđd, tr. 225.[29]Chúng tôi có một số nghi vấn đối với cách xử lí văn bản và bản dịch An Nam cung dịch kỉ sự (Chu Thuấn Thủy, Hán văn) và Oku no hosomichi (Matsuo Basho, thơ Haiku) của Vĩnh Sính. Nếu điều kiện cho phép, xin trao đổi với dịch giả ở một bài khác.[30]Tấm hình này cũng đã được Vĩnh Sính cho đăng trong bài viết trên. Ngoài ra, ông còn cho đăng ảnh chụp chiếc quạt mà Lý Trọng Bá đã tức cảnh đề thơ tứ tuyệt bằng chữ Hán khi thấy trời rơi tuyết, và ảnh chụp năm 1907 của Lý Huy Lượng. Đây đều là những tư liệu chuyển dẫn từ nghiên cứu của tác giả Shibata.[31]Đây là nhận định của tác giả Chương Thâu, chúng tôi đã đọc từ khi còn học phổ thông cơ sở và nhập tâm một cách tự nhiên. Lần đầu gặp tác giả, khi mới tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội và có ý liên hệ công việc tại Viện Sử học - nơi Chương Thâu công tác - để thay cho lời chào, tôi đã kể cho ông nghe, như là một báo cáo của một học trò với một người thầy, về ấn tượng của mình ở tuổi hơn mười khi đọc tuyển tập văn thơ Phan Bội Châu do ông tuyển chọn và viết lời giới thiệu. Quả thực, ở thế hệ của chúng tôi, sinh trước khi chiến tranh Việt Nam kết thúc một chút xíu, tức là thế hệ ngang với tuổi con cháu của Chương Thâu, và chắt chút của Phan Bội Châu, ở tuổi niên thiếu (những năm trước đổi mới) vẫn hừng hực khi đọc văn thơ khích lệ lòng yêu nước thương nòi của người, huống chi khi mà “nước còn mất, nhà còn tan” thời đầu thế kỉ 20. [32]Cũng xin ghi chú thêm rằng chuyên môn hiện nay của tôi là Nhân loại học Văn hóa (Cultural Anthropology) và Văn hóa dân gian (Dân tục học, Folklore), mà không phải là Lịch sử Nhật Bản hay Hán văn (Hán Nôm học).
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Góp thêm một bản dịch tiếng Việt cho bài văn bia tưởng niệm bác sĩ Asaba Sakitaro của Phan Bội Châu - Chu Xuân Giao.doc