Chế định về quyền thừa kế là một chế định lớn trong Bộ luật dân sự. Chế định này
nhằm để điều chỉnh những nguyên tắc chung về quyền thừa kế, về hình thức thừa kế theo
di chúc và theo pháp luật, về thời hiệu khởi kiện. Những điều kiện có hiệu lực của di chúc
được quy định trong Bộ luật dân sự, như những tư tưởng chỉ đạo và là cơ sở pháp lý có
hiệu lực điều chỉnh cao trong việc xác định giá trị pháp lý và hiệu lực pháp luật của di
chúc. Những quy định về các điều kiện có hiệu lực của di chúc được quy định trong các
văn bản pháp luật trước đây đã dần dần được thay đổi, xây dựng, củng cố, bổ sung theo
hướng ngày một hoàn thiện và phù hợp hơn với nhu cầu của xã hội
104 trang |
Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 4311 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
thẩm 7 vụ chiếm 13,21%;
sửa toàn bộ bản án sơ thẩm 1 vụ chiếm 1,89%; hủy và đình chỉ tố tụng 4 vụ chiếm 7,55%; hủy
án giao sơ thẩm lại 11 vụ chiếm 20,75% [47].
Năm 2003 Tòa án nhân dân cấp huyện đã xét xử sơ thẩm được 1.870 vụ/ 3.156 vụ
chiếm 59,25% (tỷ lệ giải quyết sơ thẩm án dân sự nói chung của Tòa án nhân dân cấp
huyện 74,11%), còn lại 1.286 vụ chiếm 40,75%. Do có kháng cáo, kháng nghị, Tòa án
nhân dân cấp tỉnh đã xử phúc thẩm được 627 vụ/ 771 vụ chiếm 81,32% (so với tỷ lệ giải
quyết án dân sự nói chung là 80%); cho rút kháng cáo, kháng nghị 21 vụ chiếm 2,72%;
còn lại 15,95%. Trong số các vụ án đã giải quyết thì giữ nguyên bản án, quyết định sơ
thẩm 167 vụ chiếm 26,63%; sửa một phần bản án sơ thẩm 245 vụ chiếm 39,07%; sửa toàn
bộ bản án, quyết định sơ thẩm 39 vụ chiếm 6,22%; hủy và đình chỉ tố tụng 33 vụ chiếm
5,26%; hủy giao sơ thẩm lại 127 vụ chiếm 20,26%; bác kháng cáo, kháng nghị do không hợp
lệ 5 vụ chiếm 0,8%; hòa giải thành 7 vụ chiếm 1,12%; tạm đình chỉ 4 vụ chiếm 0,64%.
Năm 2003 Tòa án nhân dân tỉnh đã xét xử sơ thẩm được 220 vụ/ tổng số 373 vụ
chiếm 58,98% (so với án dân sự nói chung là 63,05%); còn lại 153 vụ chiếm 41,02%. Do có
kháng cáo, kháng nghị, các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử phúc thẩm
được 86 vụ/114 vụ chiếm 75,44% (so với tỷ lệ giải quyết theo thủ tục phúc thẩm đối với án
dân sự nói chung là 71,63%); cho rút kháng cáo, kháng nghị 5 vụ chiếm 4,39%; còn lại 23
vụ chiếm 20,18%. Trong số các vụ đã giải quyết thì giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm
52 vụ chiếm 60,47 %; sửa một phần bản án sơ thẩm 11 vụ chiếm 12,79%; sửa toàn bộ bản
án sơ thẩm 4 vụ chiếm 4,65%; hủy án và đình chỉ tố tụng 2 vụ chiếm 2,33%; hủy án sơ
thẩm, giao sơ thẩm lại 14 vụ chiếm 16,28%; bác kháng cáo, kháng nghị vì không hợp lệ 1
vụ chiếm 1,16%; hòa giải thành 1 vụ chiếm 1,16 %; tạm đình chỉ 1 vụ chiếm 1,16%.
Qua các số liệu trên có thể cho thấy: Tỷ lệ giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc
thẩm của Tòa án nhân dân các cấp đối với các vụ án tranh chấp thừa kế còn thấp so với tỷ
lệ giải quyết án dân sự nói chung. Nguyên nhân của tình trạng này là do các vụ án tranh
chấp thừa kế thường khó khăn vì có nhiều các đương sự (so với các vụ án dân sự nói
chung) nên việc triệu tập để lấy lời khai, hòa giải…mất nhiều thời gian. Nhiều đương sự
(đặc biệt là bị đơn) gây khó khăn cho Tòa án: Không đến Tòa theo giấy triệu tập, không ký
vào các biên bản lấy lời khai... Vì vậy, tỷ lệ án tồn đọng còn nhiều.
Vấn đề thứ hai là tỷ lệ các vụ án thừa kế bị hủy, bị sửa cũng chiếm tỷ lệ không
nhỏ. Nguyên nhân của tình trạng bị hủy là do án sơ thẩm vi phạm tố tụng hoặc việc điều
tra của Tòa án không đầy đủ (theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm
1989).
Số lượng các vụ án được Tòa án hòa giải thành không nhiều. Nguyên nhân chính
là do các Thẩm phán không kiên trì hòa giải, động viên đương sự hòa giải với nhau. Mặt
khác, một nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng, đó là: Việc tính chỉ tiêu 1 vụ xét
xử bằng 1 vụ hòa giải thành đã tạo ra cho Thẩm phán thói quen xét xử, chứ không kiên trì
hòa giải.
Việc hủy án để chuyển cho các cơ quan nhà nước khác giải quyết vẫn còn, điều này
một mặt thể hiện trình độ của Thẩm phán còn có những điểm bất cập, nhưng cũng cần phải
công nhận rằng hệ thống các văn bản pháp luật về tố tụng của Nhà nước ta trước khi có Bộ luật
tố tụng dân sự năm 2005, còn nhiều hạn chế.
3.2. Một số loại tranh chấp về thừa kế theo di chúc cụ thể
3.2.1. Tranh chấp về việc hiểu nội dung của di chúc: Cho hay cho sử dụng tài
sản
Giải quyết tranh chấp về thừa kế theo di chúc thì việc hiểu đúng nội dung di
chúc có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chỉ khi hiểu đúng nội dung di chúc, các cấp Tòa
án mới có thể giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật.
Trong việc giải quyết tranh chấp về thừa kế theo di chúc, có quan điểm cho rằng di
chúc phải định đoạt cho ai, cho ai bao nhiêu tài sản… thì di chúc đó mới có hiệu lực.
Nhưng cũng có quan điểm khác cho rằng, định đoạt được hiểu theo nhiều khía cạnh khác
nhau: Có thể là cho, nhưng cũng có thể chỉ cho sử dụng, cho hưởng lợi đến một giai đoạn
nào đó...
Chúng tôi xin nêu ví dụ:
Cụ Phan văn Đờn và cụ Nguyễn Thị Kẻo có một con chung là ông Phan Văn Cư.
Năm 1975, ông Cư rời Việt Nam, sang sinh sống tại Mỹ. Cụ Đờn và cụ Kẻo ở Việt Nam,
được các cháu trông nom, chủ yếu là ông Phan Văn Đấu. Cụ Đờn và cụ Kẻo tạo lập được
căn nhà trên thửa đất có diện tích 1.442,6 m2 tại số nhà 23/5 Lê Hồng Phong, phường Phú
Hòa, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ngày 25-12-1993, ủy ban nhân dân thị xã Thủ
Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 300 m2 đất thổ cư,
583,2 m2 đất nông nghiệp cho cụ Phan Văn Đờn. Ngày 14-3-1996, cụ Đờn lập di chúc có
nội dung: Để lại ngôi nhà trên đất thổ cư và đất nông nghiệp có diện tích 883,2 m2 cho ông Phan
Văn Đấu được toàn quyền sử dụng, bảo quản ngôi nhà và diện tích đất để ở, không được
bán, chuyển nhượng, trao đổi với người khác. Di chúc có chữ ký, điểm chỉ của cụ Đờn, có
xác nhận của chính quyền địa phương.
Tháng 2-1997, cụ Kẻo chết. Tháng 10-1997, cụ Đờn chết. Ngày 19-7-2000 ủy ban nhân
dân tỉnh Bình Dương đã cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở 300
m2 cho ông Phan Văn Đấu và vợ là bà Võ Thị Quế.
Ông Cư cho rằng di chúc của cụ Đờn chỉ giao cho ông Đấu giữ hộ nhà đất. Ông
Cư yêu cầu hưởng toàn bộ di sản của cụ Đờn và cụ Kẻo vì ông Cư là người thừa kế duy
nhất. Ông Cư đồng ý trả công chăm sóc, nuôi dưỡng… hai cụ cho ông Đấu từ 40 triệu
đồng đến 70 triệu đồng và đồng ý thanh toán giá trị các công trình mà ông Đấu đã xây
dựng trên đất của cụ Đờn và cụ Kẻo.
Ông Đấu không đồng ý trả nhà đất cho ông Cư vì cho rằng cụ Đờn đã viết di chúc
cho ông Đấu nhà đất và ông Đấu đã được ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cấp giấy
chứng nhận quyền sở hữu nhà năm 2000.
Tại bản án sơ thẩm số 07/DSST ngày 12-6-2003 Tòa án nhân dân tỉnh B đã hủy một
phần nội dung di chúc do cụ Phan Văn Đờn lập ngày 14-3-1996. Công nhận di sản thừa kế
của cụ Kẻo để lại được xác định trong khối tài sản chung của cụ Đờn, cụ Kẻo trị giá
819.987.400đ.
Ông Phan Văn Cư được sở hữu 1/2 di sản thừa kế của cụ Kẻo là 409.993.700đ do
ông Đấu giao lại bằng giá trị.
Ông Phan Văn Đấu được thừa hưởng di sản thừa kế của cụ Đờn theo ý chí di chúc
lập ngày 14-3-1996. Ông Phan Văn Đấu được sở hữu, quản lý, sử dụng toàn bộ di sản bao
gồm nhà, đất, cây trồng tọa lạc tại ấp Phú Thuận, Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình
Dương, nhưng ông Đấu phải thanh toán cho ông Cư 409.993.700đ.
Bản án còn tuyên án phí và quyền kháng cáo.
Ngày 15-6-2001 ông Cư kháng cáo: Ông mang quốc tịch Mỹ nhưng là người Việt
Nam định cư tại nước ngoài có đầu tư về Việt Nam làm ăn, nên ông xin hưởng toàn bộ
hiện vật vì ông không công nhận di chúc.
Ngày 21-6-2003 ông Đấu kháng cáo yêu cầu hưởng toàn bộ nhà đất, không đồng ý
thanh toán cho ông Cư.
Tại bản án phúc thẩm số 281/ DSPT ngày 25-8-2003, Tòa phúc thẩm M đã xác định
di chúc không có hiệu lực, sửa bản án sơ thẩm:
- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phan Văn Cư. Ông Phan Văn Cư được hưởng
toàn bộ khối di sản của cụ Phan Văn Đờn và cụ Nguyễn Thị Kẻo để lại gồm: Căn nhà số
23/5 Lê Hồng Phong, phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương trên diện
tích đất 1.442,6 m2 gồm 300m2 đất thổ cư và 1.142,6 m2 đất nông nghiệp, tổng trị giá
1.639.974.800đ.
Ông Phan Văn Cư có quyền lập ủy quyền cho người đại diện nhận toàn bộ khối di
sản trên do ông Phan Văn Đấu giao lại. Ông Phan Văn Cư được quyền liên hệ với chính
quyền địa phương và cơ quan thi hành án để thực hiện việc nhận thừa kế khối di sản trên
theo quy định tại Nghị định số 81/2001/NĐ-CP ngày 5-11-2001 của Chính phủ.
Buộc ông Phan Văn Đấu phải giao lại toàn bộ khối di sản do cụ Phan Văn Đờn và
cụ Nguyễn Thị Kẻo để lại cho đại diện của ông Phan Văn Cư nhận cả phần diện tích nhà,
vật kiến trúc khác mà ông Đấu đã xây dựng nguyện trạng theo biên bản định giá ngày 23-
10-2002.
Buộc ông Phan Văn Cư phải hoàn lại cho ông Phan Văn Đấu giá trị nhà, vật kiến
trúc khác trên đất với số tiền 131.664.000đ.
Hủy giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số
295/GCN/2000 ngày 19-7-2000 do ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã cấp cho ông Phan
Văn Đấu và bà Võ Thị Quế về sở hữu nhà số 23/5 Lê Hồng Phong, phường Phú Hòa, thị
xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương và 300m2 đất ở và các loại giấy tờ khác đã cấp cho ông
Phan Văn Đấu có nguồn gốc từ di sản của cụ Phan Văn Đờn và cụ Nguyễn Thị Kẻo để lại.
Bản án còn tuyên án phí.
Sau khi xét xử phúc thẩm, ông Phan Văn Đấu có nhiều đơn khiếu nại yêu cầu
được xem xét theo trình tự giám đốc thẩm.
Qua vụ án trên, thấy rằng: Việc hiểu nội dung di chúc, đánh giá hiệu lực pháp luật
di chúc của Tòa án hai cấp có sự khác nhau. Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng di chúc của cụ
Đờn đã định đoạt cho ông Đấu toàn bộ di sản là tài sản chung của cụ Đờn và cụ Kẻo là
không đúng, nhưng cũng có hiệu lực đối với phần di sản của cụ Đờn. Vì vậy, 1/2 nhà đất
tại 23/5 Lê Hồng Phong, phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương thuộc sở
hữu của ông Đấu theo di chúc của cụ Đờn, còn 1/2 thuộc sở hữu của ông Cư (hưởng phần
di sản của cụ Kẻo).
Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng, di chúc của cụ Đờn không phát sinh hiệu lực vì cụ
Đờn chỉ cho ông Đấu sử dụng nên thực chất là ông Đấu chỉ có quyền quản lý di sản. Vì
vậy, khi ông Cư (người thừa kế theo pháp luật duy nhất của cụ Đờn) yêu cầu thì ông Đấu
phải trả lại di sản.
Qua nghiên cứu vụ án trên, chúng tôi thấy rằng: Di chúc đề ngày 14-3-1996 của cụ Đờn
có nội dung để lại ngôi nhà 23/5 Lê Hồng Phong, phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một,
tỉnh Bình Dương cho ông Đấu được toàn quyền sử dụng, bảo quản ngôi nhà và diện tích
đất để ở, không được bán, chuyển nhượng cho người khác. Với nội dung di chúc trên, cụ
Đờn đã tự nguyện chuyển một số quyền tài sản của mình cho ông Đấu sau khi cụ Đờn
chết. Cụ Đờn vừa ký, vừa điểm chỉ vào di chúc, có xác nhận của chính quyền địa phương,
do vậy, di chúc của cụ Đờn đủ điều kiện là di chúc hợp pháp. Mặc dù di chúc của cụ Đờn
không trao quyền định đoạt cho ông Đấu, nhưng sự hạn chế này không trái pháp luật. Theo
di chúc thì ông Đấu chỉ được chiếm hữu, sử dụng phần tài sản thuộc quyền sở hữu của cụ
Đờn cho đến khi ông Đấu chết. Sau khi ông Đấu chết, di sản của cụ Đờn sẽ được giải
quyết theo quy định của pháp luật. Bản án phúc thẩm cho rằng di sản của cụ Đờn chưa
được định đoạt bởi di chúc nên đã không chấp nhận di chúc, chia toàn bộ di sản của cụ
Đờn theo pháp luật là chưa áp dụng đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, di chúc của
cụ Đờn đã định đoạt toàn bộ tài sản chung của cụ Đờn và cụ Kẻo là không đúng. Do vậy,
di chúc của cụ Đờn chỉ có hiệu lực một phần tương ứng với phần di sản của cụ Đờn.
3.2.2. Tranh chấp khi một người để lại nhiều di chúc khác nhau
Thực tế cho thấy, không phải ai khi chết cũng để lại di chúc. Tuy nhiên, cũng có
những người để lại nhiều di chúc định đoạt một loại tài sản. Khi có tranh chấp xảy ra thì
di chúc sau cùng của người lập di chúc có giá trị pháp lý.
Chúng tôi xin nêu ví dụ:
Cụ Lê Thị Mẹo có một con trai là Lê Vinh Sang. Ông Sang (chết năm 1975) có vợ
là Lan và có 3 con chung là: Lê Thị Ngọc ánh, Lê Thị Ngọc Mỹ và Lê Thị Bạch Tuyết. Cụ
Mẹo tạo lập được thửa đất 1.972,9 m2 gồm 100m2 đất thổ cư và 1.872,9 m2 đất nông nghiệp
trồng cây hàng năm tại phường Đức Long, thành phố P, tỉnh B có giá trị 31.979.000đ. Năm
1975, cụ Mẹo đứng tên xây dựng nhà cấp 2B trị giá 174.722.000đ và tường bao quanh trị
giá 18.816.000đ.
Cụ Mẹo chết ngày 4-5-2001, để lại 4 di chúc:
- Di chúc thứ nhất ngày 20-4-1993: Cụ Mẹo để lại căn nhà 692 đường Trần Hưng
Đạo, phường Đức Long, thành phố P và đất vườn cho Tòa giám mục thành phố P.
- Di chúc thứ hai ngày 20-2-1995: Hiện tôi (Mẹo) là chủ mảnh đất thổ cư và đất
vườn tại phường Phước Long với diện tích 1840 m2. Tôi (Mẹo) đã được Sở Xây dựng B
xét cấp giấy phép cho xây dựng một ngôi nhà kiên cố để ở trên diện tích 100 m2 nhà chính,
chưa kể nhà phụ. Nhưng bản thân tôi không đủ khả năng tài chính để thực hiện ý định của
mình, đồng thời không thể sống tự lập trong tuổi già, có thể chết bất ngờ. Do đó, tôi làm
chúc thư giao cho Đức giám mục Huỳnh Văn Nghi và Giáo hội công giáo được toàn quyền
sở hữu chủ toàn bộ nhà đất. Sau khi tôi qua đời, Giáo hội được quyền bán hoặc sang nhượng.
Bù lại, tôi kính xin Đức giám mục và Giáo hội giúp đỡ tôi xây dựng một căn nhà
theo thiết kế đã được xét duyệt, nâng đỡ cuộc sống tuổi già của tôi cho đến chết…
Di chúc được cụ Mẹo ký tên, có xác nhận của công chứng nhà nước.
- Di chúc thứ 3 (ngày 21-7-1996): Xin dâng cúng cho xứ đạo hiện do linh mục
Nguyễn Tiến Huynh làm chứng toàn bộ tài sản của tôi (Mẹo) gồm:
1 mảnh đất thổ cư + đất vườn 1804m2, 1 căn nhà xây kiên cố 200m2 và của cải trong nhà
và trong vườn. Linh mục Nguyễn Tiến Huynh và các linh mục kế vị đại diện giáo xứ sở
hữu chủ toàn quyền sử dụng phục vụ lợi ích chung...
Người thay mặt tôi (Mẹo) đứng ra thực hiện di chúc này là linh mục Nguyễn Văn
Lạc. Linh mục Lạc có thể ủy quyền cho bất cứ linh mục nào nếu được sự đồng ý của Đức
giám mục P...
Di chúc có lăn tay của cụ Mẹo, có 2 người làm chứng, có chữ ký của người đánh
máy, có xác nhận của Phòng Công chứng nhà nước số 1.
- Di chúc thứ 4 được cụ Mẹo lập ngày 17-2-2000 có nội dung: Cụ Mẹo giao toàn
bộ tài sản gồm 1.840m2 đất và vườn cùng ngôi nhà xây 100m2 cho bà Lê Thị Bạch Tuyết.
Bà Tuyết được toàn quyền định đoạt số tài sản này.
Các giấy tờ định đoạt nhà đất ghi trước chúc thư này đều không có giá trị.
Di chúc được cụ Mẹo lăn tay, ký, có xác nhận của ủy ban nhân dân phường Đức
Long.
Sau khi cụ Mẹo chết, Tòa giám mục thành phố P yêu cầu: Được thừa kế theo di
chúc 1995, 1996 của cụ Mẹo, hưởng toàn bộ di sản của của Mẹo.
ý kiến bà Tuyết: Cụ Mẹo có di chúc lập ngày 17-2-2000 cho bà được hưởng toàn
bộ nhà đất. Vì vậy, bà Tuyết đề nghị bác yêu cầu của nguyên đơn.
Bản án sơ thẩm 09/DSST ngày 18-4-2003 của Tòa án nhân dân thành phố P đã
nhận định:
- Mọi thủ tục xin xây dựng nhà đều đứng tên cụ Mẹo nên nhà thuộc sở hữu của cụ
Mẹo.
- Ba bản di chúc của cụ Mẹo cho Tòa giám mục thành phố P hưởng di sản không
có giá trị vì cụ Mẹo có di chúc thứ 4 lập ngày 17-2-2000.
- Phía nguyên đơn cho rằng di chúc thứ 4 vô hiệu vì bản giám định sức khỏe của cụ
Mẹo được thực hiện không đúng các thủ tục, các giấy tờ xác nhận của Hội đồng giám định
pháp y sử dụng là không có giá trị vì không đúng theo mẫu là không có căn cứ để bác di chúc
ngày 17-2-2000.
Bản án sơ thẩm đã bác yêu cầu của nguyên đơn yêu cầu hưởng di sản là nhà đất
của cụ Mẹo.
- Bà Tuyết được hưởng nhà đất của cụ Mẹo và có nghĩa vụ hoàn tất thủ tục theo
quy định của pháp luật.
Ngày 19-4-2003 ông Lương Vĩnh Phú (đại diện Tòa giám mục thành phố P) kháng
cáo: Di chúc 17-2-2000 của cụ Mẹo có nhiều khiếm khuyết mà Tòa sơ thẩm công nhận là
sai.
Bản án phúc thẩm số 24/DSPT ngày 7-1-2004 Tòa án nhân dân tỉnh B nhận định:
Việc nguyên đơn cho rằng di chúc ngày 17-2-2000 có nhiều khiếm khuyết là không đúng
vì có xác nhận của y tế, có xác nhận của ủy ban nhân dân phường. Tòa án cấp sơ thẩm bác
yêu cầu của Tòa giám mục, công nhận di chúc 17-2-2000 cho bà Tuyết được hưởng di sản
của cụ Mẹo là đúng pháp luật.
Bản án phúc thẩm đã y án sơ thẩm.
Như vậy, trong vụ án trên cụ Mẹo đã có tới 4 bản di chúc định đoạt một loại tài
sản là nhà đất tại phường Đức Long, thành phố P, tỉnh B. Di chúc ngày 17-2-2000 được cụ
Mẹo lập sau cùng, được cụ Mẹo lăn tay và ký, có xác nhận của ủy ban nhân dân phường
Đức Long, thành phố P. Trước khi lập di chúc này, cụ Mẹo có đi khám sức khỏe, có xác
nhận của cơ quan y tế về việc cụ Mẹo đầy đủ sức khỏe để lập di chúc. Tòa án hai cấp sơ
thẩm và phúc thẩm đã công nhận di chúc này là đúng pháp luật.
3.2.3. Di chúc của người không biết chữ
Hiện nay, do nền giáo dục của nước ta phát triển, nên đại đa số nhân dân đều đã
biết chữ. Tuy vậy, cũng có một số người còn chưa biết chữ. Những người này thường là
những người tuổi đã cao. Đã có một số người lập di chúc bằng hình thức nhờ người khác
viết hộ. Tuy nhiên, đã có những di chúc không đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của pháp
luật. Khi có tranh chấp xảy ra, thì Tòa án các cấp cũng có những đánh giá khác nhau về
giá trị của
di chúc.
Chúng tôi xin nêu ví dụ:
Cụ Đỗ Văn Chiều và cụ Vũ Thị Lê có 5 con chung gồm các ông, bà: Đỗ Văn
Tùng, Đỗ Thị Hảo, Đỗ Văn Hiếu, Đỗ Thị Khiếu và Đỗ Thị Hiểu. Khoảng năm 1977, cụ Lê
và cụ Chiều ly hôn.
Năm 1987, cụ Lê và ông Tùng trực tiếp đi giao dịch mua bán 232 m2 đất trên có
một số cây lâu năm tại 42/2/4 Trần Phú, phường 1, thành phố V của ông Nguyễn Văn Ngà.
Năm 1990, vợ chồng bà Hảo có xin ông Tùng cho về ở nhờ trên đất, có viết giấy
xin ở nhờ.
Ngày 5-1-1994 cụ Lê có nhờ ông Trịnh Văn Thân viết hộ di chúc do cụ Lê không
biết chữ; sau đó, cụ Lê nhờ ông Trần Công Khanh và bà Nguyễn Thị Tạnh làm chứng. Di
chúc có nội dung cụ Lê cho bà Hảo toàn bộ nhà đất tại 42/2/4 Trần Phú, phường 1, thành
phố V. Di chúc không được chứng nhận, chứng thực. Khi lập di chúc cụ Lê đã bị bệnh, sức
khỏe yếu nhưng vẫn tỉnh táo, minh mẫn.
Bà Hảo yêu cầu hưởng toàn bộ nhà đất theo di chúc của cụ Lê. Ông Tùng không
công nhận di chúc.
Ông Trịnh Văn Thân (người viết hộ di chúc) khai: Cụ Lê và bà Hảo có nhờ ông
viết hộ di chúc vì cụ Lê không biết chữ. Lúc ông Thân viết di chúc thì có mặt bà Tạnh và
ông Khanh.
Ông Trần Công Khanh (người làm chứng di chúc) khai: Di chúc đã được viết từ
trước. Ông Khanh có đọc nội dung di chúc và ký do cụ Lê nhờ làm chứng. Lúc đó cụ Lê
còn khỏe, khoảng 3 tháng sau mới chết.
Bà Nguyễn Thị Tạnh khai: Theo bà Tạnh biết thì đất này ông Ngà bán cho cụ Lê
và ông Tùng. Di chúc do ông Thân viết từ trước. Khi viết di chúc không có mặt bà Tạnh.
Sau khi di chúc được viết xong, cụ Lê có mời bà Tạnh sang làm chứng. Lúc đó bà Tạnh và
ông Khanh cùng ký vào di chúc, nhưng không đọc nội dung. Vài ngày sau khi lập di chúc,
cụ Lê chết.
Bản án sơ thẩm số 02/DSST ngày 7-1-1997 của Tòa án nhân dân thành phố V đã
công nhận nhà đất tại tỉnh B là do ông Tùng và cụ Lê cùng mua vì giấy tờ mua đứng tên 2
người; không công nhận di chúc vì cụ Lê không biết chữ mà di chúc không được chứng
thực theo quy định của Điều 655 Bộ luật dân sự năm 1995.
Bà Hảo kháng cáo: Yêu cầu công nhận di chúc.
Bản án phúc thẩm số 18/DSPT ngày 9-4-1997 Tòa án nhân dân tỉnh B đã công
nhận di chúc là hợp lệ, giao cho bà Hảo nhà đất theo di chúc của cụ Lê.
Ngày 30-6-1997, ông Tùng khiếu nại không đồng ý việc Tòa án cấp phúc thẩm
công nhận di chúc.
Tại quyết định số 71/KN-VKSTC-V5 ngày 5-11-1997 Viện kiểm sát nhân dân tối
cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm trên bởi vì di chúc của cụ Lê không hợp pháp do nhà
đất không phải toàn bộ của cụ Lê mà cụ Lê định đoạt toàn bộ cho bà Hảo là sai và các con
cụ Lê đều thừa nhận cụ Lê không biết chữ nhưng di chúc của cụ Lê lại không có chứng
thực hay chứng nhận của cấp có thẩm quyền là vi phạm Điều 655 Bộ luật dân sự năm
1995.
Tại quyết định giám đốc thẩm số 50/GĐT-DS ngày 24-3-1998 Tòa D đã cho rằng
ngày 5-1-2001, cụ Lê có nhờ ông Trịnh Văn Thân viết hộ di chúc thể hiện ý chí của cụ Lê,
có chữ ký, điểm chỉ của cụ Lê và di chúc có 2 người làm chứng nên di chúc trên hợp lệ.
Quyết định giám đốc thẩm đã bác kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Sau khi nghiên cứu vụ án trên, chúng tôi thấy cụ Lê là người không biết chữ
nhưng di chúc của cụ Lê lại không có chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng
thực của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nên di chúc không phát sinh hiệu lực theo
quy định tại khoản 3 Điều 655 Bộ luật dân sự. Mặt khác, cả hai người làm chứng đều khai
là không có mặt khi ông Thân viết di chúc, nên không phù hợp với quy định tại Điều 659
Bộ luật dân sự về việc người làm chứng cho di chúc phải có mặt khi lập di chúc.
Bản án sơ thẩm và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao xác định di chúc
không phát sinh hiệu lực là đúng. Bản án phúc thẩm và quyết định giám đốc thẩm lại cho
rằng di chúc hợp lệ là sai.
3.2.4. Người làm chứng cho di chúc
Cụ Đỗ Thới Kiệt (chết ngày 2-3-1998) và cụ Nguyễn Thị Biết (chết ngày 14-1-
2001) có hai con chung là bà Đỗ Minh Thuyết và bà Đỗ Thị Nguyệt. Cụ Kiệt và cụ Biết để lại
tài sản gồm một ngôi nhà và vườn cây ăn trái trên diện tích 6.278 m2 tọa lạc tại ấp Bình
Phước, xã Bình Nhâm, huyện T, tỉnh B. Diện tích đất này, hai cụ đã được cấp giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất năm 1997.
Theo bà Nguyệt khai: Ngày 15-9-2000 cụ Biết lập di chúc cho vợ chồng bà Nguyệt,
ông Thủy toàn bộ tài sản trên. Nội dung di chúc do cụ Biết thảo, bà Nguyệt mang đi đánh
máy. Sau đó cụ Biết ký trước mặt ông Sinh. Ông Sinh xác nhận vào di chúc. Ngày 16-9-
2000 bà Nguyệt đưa bản di chúc cho cho bà Lê Thị Diệu và ông Võ văn Tư ký tên xác
nhận.
Bà Nguyệt, ông Thủy yêu cầu được hưởng thừa kế toàn bộ di sản của cụ Kiệt và
cụ Biết.
Theo bà Thuyết khai: Ngày 16- 9-1997 cụ Kiệt lập tờ ủy quyền cho cụ Biết được
toàn quyền quyết định trong các giao dịch dân sự đối với những tài sản thuộc quyền sở hữu
của cụ Kiệt. Tờ ủy quyền này được ủy ban nhân dân huyện T xác nhận.
Ngày 20-9-1997, cụ Biết lập tờ truất quyền hưởng di sản với nội dung: Cụ Biết được cụ
Kiệt giao quyền định đoạt tài sản theo tờ ủy quyền ngày 16-9-1997. Cụ Biết truất quyền
hưởng di sản thừa kế của bà Nguyệt cùng chồng và con nuôi của bà Nguyệt đối với những
tài sản riêng và chung của cụ Kiệt, cụ Biết. Cụ Biết di tặng tài sản riêng và chung của vợ
chồng bà cho 3 đứa cháu ngoại là Hùng, Diễm, Hoàng (ba con của bà Thuyết). Tờ truất
quyền có chữ ký và lăn tay của cụ Biết.
Ngày 3-1-2001 cụ Biết lập di chúc có nội dung: Sau khi cụ qua đời thì bà Thuyết
được toàn quyền thừa hưởng phần tài sản ngôi nhà và đất vườn cây là tài sản của cụ Kiệt
và cụ Biết. Di chúc này cụ Biết nhờ ông Nguyễn Văn Thắng viết hộ. Cụ Biết ký tên và lăn
tay. Ông Nguyễn Văn Thắng và ông Lương Văn Dầm làm chứng ký tên.
Bà Thuyết yêu cầu được thừa kế toàn bộ di sản của cụ Kiệt và cụ Biết theo di chúc
lập ngày 3-1-2001 hoặc đề nghị cho anh Hùng, chị Diễm, anh Hoàng (3 con của bà
Thuyết) được thừa hưởng di sản của cụ Kiệt và cụ Biết theo tờ truất quyền lập ngày 20-9-
1997.
Bản án sơ thẩm số 55/DSST ngày 14-11-2002 của Tòa án nhân dân huyện T quyết
định:
- Bác yêu cầu khởi kiện của bà Nguyệt về việc yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ
Kiệt và cụ Biết theo di chúc lập ngày 15-9-2000.
- Chấp nhận yêu cầu của bà Thuyết về việc chia di sản thừa kế của cụ Kiệt và cụ
Biết theo di tặng lập ngày 20-9-1997.
Ông Hùng, bà Diễm, ông Hoàng được đồng thừa hưởng chung di sản của cụ Kiệt
và cụ Biết theo di tặng ngày 20-9-1997 gồm toàn bộ nhà đất là di sản của cụ Kiệt và cụ
Biết.
Ngày 25-11-2002 bà Nguyệt kháng cáo.
Bản án phúc thẩm số 48/DSPT ngày 21-4-2003 Tòa án nhân dân tỉnh B đã nhận
định:
- Đối với tờ truất quyền hưởng di sản của cụ Biết được lập ngày 20-9-1997 với nội
dung truất quyền hưởng di sản của vợ chồng, con cái bà Nguyệt, di tặng tài sản cho 3 con
của bà Thuyết, nhưng các con bà Thuyết (người được di tặng) đã không thực hiện việc
đăng ký theo quy định của pháp luật về tặng cho tài sản là bất động sản theo quy định của
Điều 463 Bộ luật dân sự năm 1995 nên giấy này không còn giá trị.
- Đối với di chúc ngày 15-9-2000 có chữ ký của cụ Biết, nhưng cụ Biết chỉ ký
trước mặt có một nhân chứng là ông Sinh, nên di chúc không phát sinh hiệu lực.
- Đối với di chúc ngày 3-1-2001: Ông Nguyễn Văn Thắng là người viết hộ di chúc
cho cụ Biết, lại đồng thời là người làm chứng cho di chúc nên không đủ độ tin cậy đối với
di chúc. Di chúc không có hiệu lực.
Bản án phúc thẩm trên đã phân chia di sản của cụ Kiệt và cụ Biết theo pháp luật.
Sau khi nghiên cứu vụ án trên, chúng tôi thấy rằng, việc cụ Biết di tặng toàn bộ nhà
đất cho 3 con bà Thuyết là không phù hợp với quy định của Điều 674 Bộ luật dân sự năm 1995.
Mặc dù có nhận định chưa chính xác về việc di tặng, nhưng bản án phúc thẩm vẫn không công
nhận việc di tặng của cụ Biết là đúng pháp luật. Đối với di chúc ngày 3-1-2001, Bản án
phúc thẩm cho rằng, ông Nguyễn Văn Thắng là người viết hộ di chúc thì không được làm
chứng cho di chúc là không đúng theo quy định tại Điều 657 Bộ luật dân sự quy định về
người làm chứng cho việc lập di chúc.
3.2.5. Di chúc giả
Cụ Nguyễn Văn Tam (chết năm 1957) và cụ Phan Thị Dần (chết năm 1983) có 10
con chung gồm các ông, bà: Nguyễn Thị Mạnh, Nguyễn Thị Ba, Nguyễn Thị Tư, Nguyễn
Thị Tốt, Nguyễn Thị Hấn, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Thị Chăm, Nguyễn Hữu Hạnh,
Nguyễn Tấn Tài và Nguyễn Văn Chích. Di sản của cụ Tam và cụ Dần để lại gồm 1 căn
nhà trên 502 m2 đất thổ cư, 12 cây dừa, 1 cây gòn, 1 cây bát, 1 tủ đứng, 1 tủ thờ. Năm
1997, khi Nhà nước làm sân vận động có thu hồi 350 m2 đất là di sản của cụ Tam và cụ
Dần và đền bù 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh (nguyên đơn) khai: Cụ Tam và cụ Dần chết, không có di
chúc. Ông yêu cầu chia thừa kế.
Bà Nguyễn Thị Chăm (bị đơn) cho rằng năm 1993, cụ Dần có di chúc cho bà
Chăm toàn bộ nhà đất, nên bà Chăm không đồng ý chia thừa kế.
Bản án 201/DSST ngày 10-12-1997 của Tòa án nhân dân thị xã Long Xuyên và
bản án số 126/DSPT ngày 3-4-1998 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang đã hủy di chúc
năm 1993 do bà Chăm xuất trình; chia thừa kế theo pháp luật.
Như vậy, trong vụ án này, bà Chăm xuất trình di chúc của cụ Dần mà bà Chăm
cho rằng cụ Dần đã lập năm 1993. Lời khai và tài liệu do bà Chăm xuất trình mâu thuẫn
với sự kiện: Cụ Dần chết năm 1983. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã hủy
di chúc do bà Chăm xuất trình là đúng pháp luật vì cụ Dần đã chết năm 1983 thì không thể
lập di chúc vào năm 1993.
3.2.6. "Định cho" có được coi là định đoạt tài sản hay không?
Cụ Đào Văn Luận và cụ Đinh Thị Mộc là vợ chồng, có 3 con chung là ông Đào
Đăng Khoa, ông Đào Đức Bảng và bà Đào Thị Kim Thịnh. Cụ Đinh Thị Mộc chết tháng
1-1995, không có di chúc. Cụ Đào Văn Luận chết tháng 11-1995. Cụ Luận và cụ Mộc để lại
một ngôi nhà cấp 4 trên diện tích 1.000 m2 tại tổ 18, phố Minh Hà, Tiên Cát, thành phố V,
tỉnh P.
Ông Đào Đức Bảng hy sinh năm 1976, có con là Đào Mạnh Phú. Ông Đào Đăng
Khoa chết năm 2003, có vợ là bà Hoàng Thị Thanh.
Từ khi hai cụ mất, di sản do bà Hoàng Thị Thanh quản lý.
Bà Đào Thị Kim Thịnh, anh Đào Mạnh Phú yêu cầu chia di sản thừa kế là nhà đất
của cụ Luận và cụ Mộc.
Bà Hoàng Thị Thanh xuất trình bản di chúc do cụ Luận lập năm 1982, có chữ ký
của cụ Luận, có 2 người làm chứng. Bà Thanh cho rằng di chúc của cụ Luận cho vợ chồng
bà toàn bộ tài sản nên không đồng ý chia thừa kế. Di chúc viết: "… tôi định cho vợ chồng
Khoa và Thanh toàn bộ nhà đất".
Bản án số 07/DSST ngày 13-1-2004 Tòa án nhân dân thành phố V đã quyết định:
Bác di chúc của cụ Luận do bà Thanh xuất trình, chia di sản thừa kế theo pháp luật.
Bà Thanh kháng cáo yêu cầu chia thừa kế theo di chúc.
Bản án phúc thẩm số 17/DSPT ngày 25-4-2004 Tòa án nhân dân tỉnh P đã nhận
định: Bản di chúc của cụ Luận được các bên thừa nhận chữ ký trong di chúc là của cụ
Luận, nhưng khi cụ Luận viết di chúc năm 1982 thì cụ Mộc vẫn còn sống. Đến năm 1995
cụ Mộc chết, nhưng cụ Mộc vẫn không hề có ý kiến gì về di chúc này. Mặt khác, mặc dù
đã viết di chúc năm 1982, nhưng sau đó cụ Luận đã nhiều lần viết thư đề nghị bà Thịnh
thảo hộ cụ bản nháp di chúc khác. Tại các thư này, cụ Luận viết là cụ viết di chúc năm
1982 là để vợ chồng bà Thịnh giữ lấy nhà đất. Như vậy, về hình thức bản di chúc không có
chữ ký của cụ Mộc người đồng sở hữu tài sản với cụ Luận. Về nội dung, cụ Luận viết
không nhằm mục đích chia di sản. Do vậy, bản di chúc năm 1982 của cụ Luận đã không
đúng cả nội dung và hình thức nên không thể thỏa mãn nội dung kháng cáo của bà Thanh
được.
Bản án phúc thẩm đã y án sơ thẩm.
Chúng tôi thấy rằng, bản án phúc thẩm trên lập luận chưa đúng, bởi vì: Dù cụ Mộc
không có ý kiến vào di chúc của cụ Luận thì di chúc của cụ Luận cũng có hiệu lực đối với
phần di sản của cụ Luận bằng 1/2 tài sản chung vợ chồng. Tuy nhiên, di chúc của cụ Luận
mới chỉ "định cho " nên chưa thể coi là cụ Luận đã định đoạt tài sản. Vì vậy, di chúc không
phát sinh hiệu lực.
3.2.7. Hiệu lực của di chúc
Cụ Nguyễn Thiện Chơn và cụ Võ Thị Thành có hai con là ông Nguyễn Thiện
Nhơn và bà Nguyễn Thị Trực đều đang định cư tại Mỹ. Ông Nhơn có con là chị Nguyễn
Thị Phương Oanh; bà Trực có con là chị Nguyễn Thị Kim Hoa. Cụ Chơn chết năm 1972,
không có di chúc. Năm 1973, cụ Thành phá nhà cũ (của cụ Chơn và cụ Thành), làm nhà mới
trên đất của cụ Chơn và cụ Thành.
Ngày 28-1-1997 cụ Thành lập di chúc giao toàn bộ tài sản của cụ Chơn và cụ Thành
tại ấp Thạnh Yên, xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây, tỉnh T cho chị Oanh gồm: 0,8 ha đất
canh tác, 0,42 ha đất màu và một ngôi nhà tổ xây tường lợp ngói cùng một hồ nước mưa.
Di chúc của cụ Thành có hai người làm chứng, có xác nhận của Công an ấp và ủy ban
nhân dân xã Thạnh Trị.
Cụ Thành chết ngày 30-6-1998. Di sản của hai cụ do chị Hoa quản lý.
Chị Oanh xin hưởng toàn bộ di sản thừa kế theo di chúc.
Chị Hoa xuất trình hai tài liệu: Một tài liệu ghi ngày 28-3-1997, một tài liệu ghi
ngày 28-5-1997 mà chị Hoa cho rằng đó là di chúc của cụ Thành, có nội dung: Cụ Thành
để lại toàn bộ tài sản cho hai con là Trực và Nhơn. cả hai tài liệu này đều có 2 nhân chứng
xác nhận, có chữ ký ghi là "Thành".
Do chị Oanh không công nhận hai tài liệu do chị Hoa xuất trình, nên Tòa án cấp sơ
thẩm phải trưng cầu giám định. Tại công văn số 297/ĐN-PC21 ngày 16-6-1999 Tổ chức
giám định kỹ thuật hình sự Công an tỉnh T đã kết luận không đủ yếu tố tiến hành giám
định, đề nghị thu thêm mẫu chữ ký của cụ Thành. Tuy nhiên, chị Hoa không thu thêm
được mẫu chữ ký.
Bản án 16/DSST ngày 6-10-1999 Tòa án nhân dân tỉnh T đã quyết định:
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị Nguyễn Thị Phương Oanh.
Công nhận di chúc do cụ Võ Thị Thành lập ngày 28-1-1997 là hợp pháp. Chị
Oanh được hưởng toàn bộ di sản.
Chị Hoa kháng cáo: Cụ Thành định đoạt cả phần tài sản của cụ Chơn là sai, cụ
Thành lập di chúc 28-1-1997 khi cụ Thành đã 96 tuổi, không còn đủ sự minh mẫn, mà
chưa có xác nhận của bác sĩ nên di chúc không đủ độ tin cậy. Hơn nữa, sau khi lập di chúc
ngày 28-1-1997, cụ Thành còn lập thêm 2 di chúc nữa vào ngày 28-3-1997 và 28-5-1997.
Tòa án cấp sơ thẩm công nhận di chúc của cụ Thành ngày 28-1-1997 là sai.
Tại quyết định số 14/QĐ-KN ngày 18-10-1999 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh T đã
kháng nghị bản án sơ thẩm với lý do: Di chúc ngày 28-1-1997 chưa bày tỏ được ý chí của
cụ Thành. Sau đó cụ Thành còn lập thêm 2 di chúc nữa vào ngày 28-3-1997 và 28-5-1997,
cụ Thành lập di chúc không có y chứng của bác sĩ, di chúc ngày 28-1-1997 của cụ Thành
định đoạt cả phần tài sản của cụ Chơn là không đúng.
Tại bản án phúc thẩm số 86/DSPT ngày 29-3-2000 Tòa phúc thẩm H đã quyết
định:
- Bác đơn kháng cáo của chị Nguyễn Thị Kim Hoa và kháng nghị số 14/QĐ-KN
ngày 18-10-1999 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh T và y án sơ thẩm.
Trong vụ án này, nảy sinh các vấn đề cần trao đổi sau:
- Trong số 3 di chúc trên, di chúc nào có độ tin cậy: Cụ Thành lập 3 di chúc trong
khoảng thời gian 4 tháng, nhưng chỉ có di chúc đầu tiên ngày 28-1-1997 do bà Oanh xuất trình
có xác nhận của ủy ban nhân dân xã, nên đáng tin cậy. Đối với di chúc ngày 28-3-1997 và
di chúc ngày 28-5-1997 do bà Hoa xuất trình lại không có xác nhận của cơ quan nhà nước
có thẩm quyền, bà Oanh lại không công nhận 2 di chúc này. Tòa án cấp sơ thẩm đã giám
định và không đủ cơ sở để kết luận có đúng cụ Thành ký vào 2 di chúc này hay không. Vì
vậy, hai di chúc này không đủ độ tin cậy.
- Hiệu lực pháp luật của di chúc: Tại di chúc ngày 28-1-1997, cụ Thành đã định đoạt
toàn bộ tài sản chung của cụ Thành và cụ Chơn (định đoạt cả tài sản của người khác), nên
di chúc này chỉ có hiệu lực đối với phần di sản của cụ Thành. Tòa án hai cấp đã công nhận
di chúc này có hiệu lực toàn bộ là sai.
- Về việc có cần thiết phải có y chứng của bác sĩ hay không: Theo quy định của
pháp luật thì chưa có quy định bắt buộc người ở độ tuổi bao nhiêu, trạng thái tinh thần như
thế nào, sức khỏe ra sao phải đi khám sức khỏe trước khi lập di chúc. Hơn nữa, nếu phải đi
khám sức khỏe thì phải khám tại những cơ sở nào mới được coi là hợp pháp thì pháp luật
chưa có quy định. Vì vậy, cụ Thành mặc dù đã 96 tuổi, nhưng việc không có y chứng của
bác sĩ trước khi cụ Thành lập di chúc vẫn không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của di chúc.
3.3. Hướng hoàn thiện những quy định pháp luật về các điều kiện có hiệu lực
của di chúc
3.3.1. Sự đồng ý của cha, mẹ đối với con từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười
tám tuổi cần có trước khi người con lập di chúc, sự đồng ý đó phải bằng văn bản và khi
cha mẹ đã đồng ý rồi thì không có quyền thay đổi
Do hiện nay pháp luật chưa quy định cụ thể sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ
của con từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi lập di chúc về thời điểm đồng ý,
hình thức đồng ý và khi đã đồng ý rồi có được thay đổi hay không nên còn có những ý
kiến khác nhau trong khoa học pháp lý. Về nguyên tắc thì do chưa có văn bản nào khác
ngoài quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 nên cha mẹ có thể đồng ý ở bất cứ giai đoạn
nào của quá trình lập di chúc: Trước, trong, sau khi lập di chúc. Hình thức đồng ý có thể là
văn bản riêng, có thể là xác nhận của cha, mẹ, người giám hộ thể hiện sự đồng ý vào di
chúc. Tuy nhiên, để đảm bảo quy định này đi vào thực tiễn, đảm bảo quyền tự định đoạt
của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi lập di chúc, chúng tôi thấy rằng:
Cha mẹ là người thừa kế theo pháp luật ở hàng thừa kế thứ nhất của người con chưa thành
niên (từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi), nên nếu để cha, mẹ có ý kiến sau
khi di chúc đã được lập thì sẽ không đảm bảo được tính khách quan trong việc "đồng ý"
hay "không đồng ý" của cha, mẹ. Nếu như di chúc có lợi cho người cha hoặc những người
khác thì việc để người mẹ đồng ý là việc khó vì người mẹ chỉ cần không đồng ý thì di chúc
đương nhiên không có hiệu lực pháp luật. Ngược lại, nếu như di chúc có lợi cho người mẹ
và những người khác thì việc để người cha đồng ý là việc khó có thể xảy ra. Tương tự như
vậy, đối với người giám hộ thì cũng chỉ khi nội dung di chúc có lợi cho họ thì họ mới đồng
ý nếu cho họ có quyền thể hiện sự đồng ý sau khi có di chúc. Vì vậy, chúng tôi cho rằng,
các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần hướng dẫn việc đồng ý của cha, mẹ, người giám
hộ phải trước khi người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi lập di chúc.
Như đã phân tích trên, thì ý chí của cha, mẹ, người giám hộ có thể thay đổi phụ
thuộc vào việc họ được hay không được hưởng thừa kế theo di chúc, nếu được hưởng thì
được hưởng nhiều hay ít… Vì vậy, việc đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ phải có trước
di chúc. Tuy nhiên, về hình thức thể hiện sự đồng ý có cần thiết bằng văn bản riêng hay chỉ
cần cha mẹ ký vào di chúc. Nếu như để cho cha mẹ ký vào di chúc thì đương nhiên khi đó
di chúc đã được lập và cha, mẹ đã biết rõ về nội dung di chúc, nên việc để cha mẹ đồng ý
là việc khó khăn nếu di chúc không đảm bảo quyền lợi cho cha mẹ. Vì vậy, để đảm bảo
quyền định đoạt của người dưới mười lăm tuổi nhưng chưa đến mười tám tuổi lập di chúc,
cần quy định sự đồng ý của cha mẹ phải bằng văn bản riêng, có trước khi người con lập di
chúc. Khi đã thể hiện sự đồng ý bằng văn bản riêng, thì người đồng ý đó (cha, mẹ hoặc
người giám hộ) sẽ có trách nhiệm hơn với ý kiến của mình, tránh tình trạng "khẩu thiệt vô
bằng".
Một vấn đề nữa cần đặt ra là: Khi đã đồng ý việc lập di chúc và người từ đủ mười
lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã viết di chúc, thì người đã đồng ý (cha, mẹ, người
giám hộ) có quyền thay đổi bằng hành vi không đồng ý hay không. Cũng tương tự như
phân tích về việc để hạn chế sự can thiệp của người cha, mẹ hoặc người giám hộ vào nội
dung của di chúc thì chúng tôi đề nghị cần có quy định: Khi cha, mẹ, người giám hộ đã
đồng ý cho người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi lập di chúc và người
chưa đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã lập di chúc rồi thì cha, mẹ, người
giám hộ không còn quyền thay đổi nữa.
Trường hợp cha mẹ, người giám hộ thể hiện sự đồng ý trong hoặc sau khi người từ
mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi lập di chúc thì đương nhiên được pháp luật công
nhận. Tuy nhiên, trường hợp này chỉ xảy ra khi quyền lợi của cha mẹ, người giám hộ được
đảm bảo theo di chúc.
3.3.2. Về di chúc miệng
Di chúc miệng chỉ phát sinh khi một người không thể lập di chúc bằng văn bản, đó
là trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên
nhân khác thì có thể lập di chúc miệng. Di chúc miệng chỉ được coi là hợp pháp, nếu người
di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và
ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Sau ba tháng,
kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc
miệng bị hủy bỏ. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí
cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.
Chúng tôi cho rằng, những quy định trên về di chúc miệng là quá sơ sài, đơn giản.
Giả dụ như việc ghi ngày, tháng, năm lập di chúc là một quy định bắt buộc đối với di chúc
bằng văn bản được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 656 Bộ luật dân sự thì đối với di chúc
miệng cũng không thấy nêu gì về vấn đề này. Chúng tôi cho rằng, khi những người làm chứng
ghi lại nội dung của di chúc miệng cũng cần tuân theo các quy định của di chúc bằng văn bản
(Điều 653 Bộ luật dân sự năm 2005). Hơn nữa, những người nào được mang di chúc miệng đi
chứng nhận, chứng thực hay chỉ những người làm chứng cũng là vấn đề cần quy định.
3.3.3. Về tên gọi của di chúc
Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự năm 2005 không quy định di chúc phải
có tên gọi như thế nào. Trong thực tiễn đã xuất hiện nhiều di chúc định đoạt tài sản với tên
gọi khác nhau: Giấy ủy quyền, lời dặn, tờ tương phân, di chúc… Tuy với nhiều loại tên gọi
khác nhau nhưng nội dung của những giấy tờ này đều thể hiện việc chuyển dịch tài sản cho
người khác sau khi chết. Nhiều loại giấy tờ đã được cơ quan công chứng, chứng thực. Vậy
có nhất thiết phải ghi tiêu đề là "Di chúc" mới được coi là di chúc hay không. Thực tiễn
xét xử tại Tòa án nhân dân cho thấy: Dù tên tiêu đề là gì, nhưng nội dung chuyển dịch tài
sản cho người khác sau khi chết đều được coi là di chúc.
Theo Bộ luật dân sự của Cộng hòa Pháp thì bất cứ tên gọi nào thể hiện ý chí của
một người nhằm chuyển dịch tài sản cho người khác thì đều gọi là thừa kế hoặc di tặng
(Điều 967 Bộ luật dân sự Pháp).
Vì vậy, để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, chúng tôi đề nghị các cơ quan
nhà nước có thẩm quyền cần có hướng dẫn về tên gọi tiêu đề của di chúc theo hướng dù có
tiêu đề là gì nhưng nội dung nhằm chuyển dịch tài sản cho người khác sau khi chết, phù
hợp với Phần thứ tư Bộ luật dân sự năm 2005 thì đều là di chúc, tránh những cách hiểu
khác nhau.
3.3.4. Về người viết hộ di chúc
Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự năm 2005 không quy định về người
viết hộ di chúc phải có những điều kiện gì, những đối tượng nào không được viết hộ di chúc…
Vì vậy, việc áp dụng pháp luật có những ý kiến khác nhau như hai ví dụ nêu trên. Chúng tôi
cho rằng, người viết hộ di chúc có ý nghĩa quan trọng đến việc thể hiện đúng hay không đúng
nội dung của di chúc. Vì vậy, việc quy định những điều kiện đối với người viết hộ di chúc,
diện những người được viết hộ di chúc là cần thiết. Tuy nhiên, do Bộ luật dân sự năm 2005
đã được thông qua, nên chúng tôi đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần hướng dẫn
thực hiện Điều 656 Bộ luật dân sự năm 2005 về người viết hộ di chúc theo hướng: Những
người viết hộ di chúc phải đảm bảo các điều kiện như người làm chứng cho di chúc được
quy định tại Điều 654 Bộ luật dân sự năm 2005.
3.3.5. Về việc hủy bỏ di chúc
Theo quy định tại khoản 3 Điều 662 Bộ luật dân sự năm 2005 thì: "Trong trường
hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ". Như
vậy, pháp luật quy định có một hình thức hủy bỏ di chúc. Từ phân tích ở phần trên, chúng
tôi cho rằng, việc quy định trên là chưa dự đoán hết các tình huống xảy ra trên thực tế, ví
dụ: Trường hợp người lập di chúc thực hiện hành vi xé, đốt, tiêu hủy di chúc (có lập văn
bản xác nhận sự kiện này xảy ra) có được coi là họ đã hủy bỏ di chúc hay không? Hoặc sau
khi lập di chúc, người lập di chúc lập văn bản tuyên bố hủy bỏ di chúc, có xác nhận của cơ
quan nhà nước có thẩm quyền thì có được coi là người lập di chúc đã hủy bỏ di chúc hay
không?... Những trường hợp này đều cần phải được coi là người lập di chúc đã hủy bỏ di
chúc.
Vì vậy, để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, chúng tôi đề nghị các cơ quan
nhà nước có thẩm quyền cần hướng dẫn cho phù hợp.
Kết luận chương 3
Những tranh chấp về thừa kế di sản nói chung và thừa kế theo di chúc nói riêng
luôn luôn là vấn đề phức tạp do chính nội dung của vụ việc và còn do những quy định của
pháp luật về vấn đề này chưa thật triệt để và cũng chưa thật sự phù hợp với đời sống xã
hội. Thực trạng giải quyết tranh chấp về hiệu lực của di chúc còn là vấn đề phức tạp, hơn
nữa vì nó liên quan đến những điều kiện của di chúc do pháp luật quy định, nhưng không
phải bao giờ và khi nào người lập di chúc cũng nhận thức được rõ và cụ thể những quy
định của pháp luật về vấn đề này. Hơn nữa, do thời điểm phát sinh hiệu lực của di chúc,
mà việc giải quyết những tranh chấp về hiệu lực của di chúc càng trở nên phức tạp hơn.
Những tranh chấp phổ biến giữa những người thừa kế được Tòa án nhân dân giải quyết có
không ít những tranh chấp liên quan đến hiệu lực của di chúc và phổ biến là về việc hiểu
nội dung của di chúc đều là những tranh chấp phức tạp, do những chứng cứ để chứng minh
không phải bao giờ cũng xác định được cụ thể và rõ ràng. Những quy định của pháp luật
về điều kiện có hiệu lực của di chúc ở mức độ khái quát cao, lại không có văn bản dưới
luật hướng dẫn thực hiện đã dẫn đến những nhận thức khác nhau giữa những người có
thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong các cơ quan xét xử. Những kiến nghị, đề xuất của
tác giả luận văn với mong muốn góp một phần nhỏ bé vào quá trình nhận thức trong việc
hoàn thiện pháp luật về thừa kế nói chung và những quy định về điều kiện có hiệu lực của
di chúc nói riêng.
Kết luận
Chế định về quyền thừa kế là một chế định lớn trong Bộ luật dân sự. Chế định này
nhằm để điều chỉnh những nguyên tắc chung về quyền thừa kế, về hình thức thừa kế theo
di chúc và theo pháp luật, về thời hiệu khởi kiện. Những điều kiện có hiệu lực của di chúc
được quy định trong Bộ luật dân sự, như những tư tưởng chỉ đạo và là cơ sở pháp lý có
hiệu lực điều chỉnh cao trong việc xác định giá trị pháp lý và hiệu lực pháp luật của di
chúc. Những quy định về các điều kiện có hiệu lực của di chúc được quy định trong các
văn bản pháp luật trước đây đã dần dần được thay đổi, xây dựng, củng cố, bổ sung theo
hướng ngày một hoàn thiện và phù hợp hơn với nhu cầu của xã hội.
Với đề tài: "Các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của Bộ luật dân
sự", tác giả luận văn đã nghiên cứu để làm sáng tỏ về hiệu lực của di chúc theo những quy
định trong Bộ luật dân sự. Đề tài luận văn đã được tác giả nghiên cứu và phân tích, có sự
so sánh với những quy định tương ứng trong những quy định pháp luật của Cộng hòa
Pháp, Nhật Bản, đồng thời cũng có sự so sánh với những quy định tương ứng trong các Bộ
luật dân sự của chế độ thực dân - phong kiến ở Việt Nam để nhằm làm nổi bật tính độc lập
và hiện đại của pháp luật Việt Nam xã hội chủ nghĩa, quy định về các điều kiện có hiệu lực
của di chúc. Mặt khác, qua nghiên cứu đề tài, tác giả luận văn đã chỉ rõ những quy định
của pháp luật nhằm hạn chế quyền tự định đoạt của người lập di chúc trong trường hợp cụ
thể, để làm nổi bật tính nhân văn sâu sắc và bản chất nhân đạo của pháp luật thừa kế Việt
Nam dưới chế độ mới quy định về những người được thừa kế không phụ thuộc vào nội
dung của di chúc. Thừa kế theo di chúc, những hình thức đa dạng của di chúc, đã được tác
giả phân tích, làm rõ để minh chứng cho những quy định cụ thể của pháp luật thừa kế Việt
Nam về vấn đề này. Các điều kiện có hiệu lực của di chúc đã được tác giả phân tích, nhận
định theo hệ thống những quy định của pháp luật, để qua đó chỉ ra những quy định còn bất
cập, chưa đáp ứng được những đòi hỏi của đời sống xã hội trong thừa kế theo di chúc nói
chung và điều kiện có hiệu lực của di chúc nói riêng. Đề tài luận văn được nghiên cứu trên
cơ sở lý luận và có những viện dẫn thực tế để xác định mức độ phù hợp của pháp luật và
hiệu quả điều chỉnh của pháp luật về các điều kiện có hiệu lực của di chúc. Những hạn chế
của những quy định pháp luật về các điều kiện có hiệu lực của di chúc, thực trạng giải
quyết những tranh chấp về thừa kế theo di chúc, về điều kiện có hiệu lực của di chúc đã
được tác giả luận văn trình bày có hệ thống, để qua đó nhấn mạnh việc xác định hiệu lực
của di chúc là một việc quan trọng và cần thiết. Trên cơ sở những căn cứ, điều kiện xác
định tính hiệu lực của di chúc, cũng đồng thời là biện pháp ngăn chặn những hành vi trái
pháp luật do lạm dụng quyền dân sự để định đoạt tài sản và hưởng di sản trái đạo đức xã
hội. Những kiến nghị trong luận văn đều được dựa trên pháp luật thực định, để qua đó cơ
quan lập pháp có cơ sở khoa học trong việc sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp
luật, để những quy định đó ngày càng phù hợp hơn với sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước
ta trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai.
danh mục Tài liệu tham khảo
1. Ph. Ăngghen (1961), Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước,
Nxb Sự thật, Hà Nội.
2. Bản thuyết minh về Dự thảo Bộ luật dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam.
3. Trần Hữu Biền và Tiến sĩ Đinh Văn Thanh (1995), Hỏi đáp về Pháp luật thừa kế, Nxb
Công an nhân dân, Hà Nội.
4. Bộ dân luật Sài Gòn năm 1972.
5. Bộ luật dân sự của nước Cộng hòa Pháp (1998), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
6. Bộ luật dân sự năm 1995.
7. Bộ luật dân sự năm 2005.
8. Bộ luật dân sự Nhật Bản (1995), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
9. Bộ luật Gia Long.
10. Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, (2000).
11. Bộ luật Hồng Đức.
12. Chính phủ (1998), Nghị định về đăng ký hộ tịch số 83/1998/NĐ-CP, ngày 10-10-1998.
13. Chính phủ (2000), Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về đăng ký kết hôn theo
Nghị quyết số 35/2000/QH10 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và
Gia đình.
14. Dân luật Bắc kỳ 1932.
15. Dân luật Trung kỳ 1936 (Hoàng Việt Trung kỳ Hộ luật).
16. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội.
17. Đảng Cộng sản Việt Nam (2000), Các Nghị quyết của Trung ương Đảng 1996-1999,
Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
18. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nxb
chính trị quốc gia, Hà Nội.
19. Nguyễn Ngọc Điện (1999), Một số suy nghĩ về thừa kế trong Bộ luật Dân sự Việt
Nam, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
20. Nguyễn Ngọc Điện (2001), Bình luận khoa học về thừa kế trong Bộ luật Dân sự, Nxb
Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh
21. Giáo trình Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam (1999), Nxb Công an nhân dân, Hà
Nội.
22. Giáo trình Luật La Mã (2001), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
23. Hiến pháp năm 1946.
24. Hiến pháp năm 1959.
25. Hiến pháp năm 1980.
26. Hiến pháp năm 1992.
27. Trần Đức Linh (1974), Danh từ pháp luật lược giải, Nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1974.
28. Luật Đất đai năm 1987.
29. Luật Đất đai năm 1993.
30. Luật Đất đai năm 2003.
31. Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959.
32. Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986.
33. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.
34. Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối
cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế.
35. Pháp lệnh thừa kế năm 1990.
36. Quốc hội (2000), Nghị quyết số 35/2000/QH10, ngày 9-6-2000 về việc thi hành Luật
Hôn nhân và Gia đình.
37. Lê Kim Quế (1994), 90 câu hỏi - đáp pháp luật về thừa kế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà
Nội.
38. Sắc lệnh số 97/SL ngày 22-5-1950 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.
39. Tòa án nhân dân tối cao (1959), Chỉ thị số 772-CT/TATC về việc đình chỉ áp dụng luật
lệ của đế quốc và phong kiến.
40. Tòa án nhân dân tối cao (1968), Thông tư số 594-NCPL ngày 27-8 hướng dẫn giải
quyết tranh chấp về quyền thừa kế.
41. Tòa án nhân dân tối cao (1974), Thông tư số 15-TATC, ngày 27-9-1974 hướng dẫn xử
lý một vài loại tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình.
42. Tòa án nhân dân tối cao (1978), Thông tư số 60-TATC ngày 22-2 hướng dẫn giải quyết
các tranh chấp về hôn nhân và gia đình.
43. Tòa án nhân dân tối cao (1981), Thông tư số 81-TANDTC ngày 24-7 hướng dẫn giải quyết
các tranh chấp về thừa kế.
44. Tòa án nhân dân tối cao (2001), Báo cáo thống kê của ngành Tòa án nhân dân năm 2000, Hà
Nội.
45. Tòa án nhân dân tối cao (2002), Báo cáo thống kê của ngành Tòa án nhân dân năm 2001, Hà
Nội.
46. Tòa án nhân dân tối cao (2003), Báo cáo thống kê của ngành Tòa án nhân dân năm 2002, Hà
Nội.
47. Tòa án nhân dân tối cao (2004), Báo cáo thống kê của ngành Tòa án nhân dân năm 2003, Hà
Nội.
48. Tòa án nhân dân tối cao (2005), Báo cáo thống kê của ngành Tòa án nhân dân năm 2004, Hà
Nội.
49. Trường Đại học Luật Hà Nội (2004), Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Nxb Công an
nhân dân, Hà Nội.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 40_5865.pdf