Luận văn Đặc điểm thơ Sijo từ góc nhìn cảm thức thẩm mỹ

Bước vào thế giới của saseol sijo chính là bước vào thế giới của những điều khôi hài, nơi đó người ta không thể ngăn được tiếng cười sảng khoái để phá tan những quy tắc luân lý và những rào cản làm cuộc sống tẻ ngắt. Cái sảng khoái mà nụ cười này mang lại khác hẳn khoái cảm tinh thần trong sijo truyền thống. Trong sijo truyền thống người ta gặp niềm vui thú mang tính chất thanh cao, tao nhã, còn ở saseol sijo người ta gặp tiếng cười hả hê không cần ý tứ trước những điều tầm thường, thậm chí là vô đạo đức, như chuyện ông lão ân ái với đứa bé giữa ruộng dưa, chuyện bà lão vượt đường xa để nhuộm tóc đen về quyến rũ những chàng trai trẻ, thế nhưng lại gặp mưa làm trôi hết màu, mái tóc trở lại thành trắng.

pdf88 trang | Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 3194 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Đặc điểm thơ Sijo từ góc nhìn cảm thức thẩm mỹ, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Quốc” [5, 68]. Nhưng nếu nhìn trong suốt lịch sử văn học, thì các tác phẩm cuối thời Koryeo- đầu thời Choseon là thể hiện rõ tình- hận hơn hết, bởi vì đây là thời kỳ Tống Nho ảnh hưởng mạnh mẽ nhất, lại có nhiều biến động chính trị tạo nên nỗi đau cho những người ưu quốc. Sijo nở rộ trong thời kỳ đó, nên sijo chính là thể thơ của tình và hận. Về phương diện bày tỏ tình-hận, sijo có ưu điểm hơn thơ Đường luật, bởi thi luật của sijo tự do hơn thơ Đường rất nhiều nên nhà thơ không phải gò ép mình, cảm xúc có thể tự do tuôn trào, và sijo được sáng tác để hát lên nên dễ dàng thể hiện những cung bậc tình cảm hơn. Sijo cũng có thế mạnh bày tỏ tình- hận hơn thể thơ phổ biến thời Koryeo là “cảnh ky thể ca”, bởi “cảnh ky thể ca” là những bài ca thể hiện niềm “tự hào cuồn cuộn” về cuộc sống của sĩ phu, không cho phép nói lên nỗi hờn oán. Có thể nói, trong bối cảnh thơ Đường và “cảnh ky thể ca” đang được ưa chuộng, sijo ra đời ban đầu nhằm mục đích để giới sĩ phu có nơi chốn gửi gắm tình- hận của mình. Trong sijo từ khởi thủy đến hiện đại, có rất nhiều bài thơ là lời thì thầm gửi gắm tình cảm đến “người” (nim): Thân này dù có chết Chết, chết đến trăm lần Dù xương dần hóa bụi Dù linh hồn biến tan Vẫn nồng nàn tha thiết Hướng về người biết chăng ? (Bản dịch nghĩa: Thân thể này dù có chết và chết đến trăm lần Dù xương trắng hóa thành cát bụi, dù linh hồn còn hay không Vẫn chân thành hướng về người, người ở phương nao.) (Jeong Mong Ju) Quạ đen dầm mưa tuyết Màu lông hóa trắng ngần Đêm mấy lần nguyệt rạng Rồi sẽ thành đêm đen Lòng này gửi người thương Tấm chân tình có đổi? (Bản dịch nghĩa: Con quạ dầm mưa tuyết, sắc đen hóa trắng Đêm trăng sáng ngần cũng sẽ trở thành đêm tối Là tấm chân tình hướng về phía người thương, liệu có đổi thay.) (Bak Paeng Nyon) Muốn gạt nỗi lòng Thành trăng rong chơi Hài hòa vời vợi Giữa trời bao la Tìm nhà người ấy Sáng ngời ta soi (Bản dịch nghĩa: Tôi muốn vứt bỏ tấm lòng và trở thành mặt trăng Treo một cách hài hòa trên bầu trời cao Đi đến nơi người thương đang ở và chiếu ánh sáng) (Jeong Cheol) Mộng thương nhớ người yêu Hồn ta liều hóa dế Thu lê thê đêm lạnh Cho ta ghé khuê phòng Người quên ta, mộng đẹp Dế sẽ nhắc tên này! (Bản dịch nghĩa: Thương nhớ người yêu, ta biến thành chú dế Ghé qua phòng người thương trong một đêm thu dài Đánh thức người đã quên ta ra khỏi giấc ngủ sâu.) (Park Hyo Gwan) Từ “người” trong tất cả các bài thơ trên trong nguyên tác đều là “nim” đại từ chỉ người ở ngôi thứ ba. Nếu hiểu “nim” là người yêu, thì tất cả những bài thơ trên đây đều là những bản tình ca nồng nàn: Jeong Mong Ju khẳng định dù có chết đến trăm ngàn lần vẫn mãi mãi thủy chung; Bak Paeng Nyon nói với người tình rằng dù vạn vật trên thế gian đổi dời, đen thành trắng, ngày thành đêm chăng nữa thì tình anh cho em vẫn luôn nồng nàn không hề đổi khác; Jeong Cheol thể hiện ước mơ được hóa thân thành mặt trăng để đến soi sáng phòng của người thương; và Park Hyo Gwan có ước muốn thật đáng yêu: biến thành một chú dế chui vào phòng người yêu trong đêm đông dài, để nếu người quá vô tâm, ngủ say chẳng hề nhung nhớ, thì chú dế sẽ ca hát để đánh thức người, khiến người luôn nhớ ta. Nhưng tất cả những bài thơ trên đây đều có một tầng nghĩa khác. “Nim” là đại từ chỉ ngôi thứ ba, không xác định rõ ngôi thứ, nên không chỉ là người yêu mà còn có thể hiểu theo nghĩa trang trọng hơn, nhất là khi dựa vào tư cách là những trung thần vĩ đại của những nhà thơ trên đây, thì hoàn toàn có thể hiểu “nim” là “Quân vương”. Jeong Mong Ju (鄭夢周, 1337– 1392) là một vị quan đại thần quyết không thay lòng đổi dạ thờ hai chủ. Khi vương triều Koryeo sụp đổ, ông cự tuyệt không làm quan cho vương triều Lý và đã bị sát hại. Jeong Mong Ju đã thấy cái chết của mình từ trước khi tai họa ập đến, nhưng ông không trốn tránh. Hai chương đầu của bài thơ nhắc đi nhắc lại về cái chết tiên cảm ấy bằng điệp từ “chết” được lặp lại hai lần liên tiếp và những từ cùng trường nghĩa với “chết”: “xương trắng”, “linh hồn”. Trợ từ “cho dù”/ “cũng” đi cùng những cụm từ chỉ sự tiêu vong: “xương trắng hóa thành cát bụi”, “linh hồn còn hay không” đã nhấn mạnh dù bất cứ hoàn cảnh nào, dù trải qua bao nhiêu lần chết, tan biến thì tấm lòng hướng về nhà vua cùng vương triều Koryeo vẫn luôn luôn tồn tại. Bak Paeng Nyon (朴彭年, 1417 – 1456) là một trong “ Tử lục thần” (sáu vị đại thần bị tử hình vì nổi loạn thời Sejo). Căn nguyên việc nổi loạn của Bak Paeng Nyon chính là vì lòng trung với vua Dan-jong: Khi Dan-jong bị chú mình cướp ngôi, ông cùng những vị đại thần lỗi lạc khác đã chống đối nhằm khôi phục vương vị cho Dan-jong. “Quạ đen hóa trắng”, “đêm trăng sáng thành đêm đen” chính là những hình ảnh ẩn dụ chỉ thời cuộc biến đổi, trong triều nhiều kẻ đổi trắng thay đen, chân lý không còn, chỉ có toàn dối trá. Nhưng cho dù cả thế gian dối trá thì tấm lòng tác giả vẫn nhất định kiên trung, dù biến thiên dâu bể thế nào vẫn kiên quyết hướng về vua Dan-jong- người duy nhất chính đáng ở trên ngai vàng. Tác giả khẳng định tấm chân tình của mình sẽ mãi mãi không đổi dời, và ông đã dùng cái chết để chứng minh điều ấy. Trường hợp của Jeong Cheol và Park Hyo Gwan cũng vậy, họ đều là những trung thần thời Choseon, và “người thương” của họ không ai khác chính là nhà vua. Truyền thống dâng hiến lòng trung và những khúc ca thiết tha của mình cho “nim” vẫn được tiếp nối cho đến tận thế kỷ XX, lên đến đỉnh cao tư tưởng và nghệ thuật ở nhà thơ Choi Nam Seon, bút danh là Yuk-dang. Thơ Choi Nam Seon là những khúc tụng ca gửi đến “người” với tất cả niềm sùng kính: CON ĐƯỜNG XUÂN (1) Cành liễu rủ đu đưa Hạt mưa xuân lấp lánh Dù cơn mưa lạnh lẽo Có tình yêu của Người Thấm vào trong từ trước Ai người thất bại đâu! ÔM CHẶT (1) Vì người, trăng cũng tỏa sáng Vì người, hoa cũng nở tươi Thật sự, nếu không phải vì người Cớ sao mật ong lại ngọt, ngải lại đắng? Nhờ mặt trời mà thế gian bừng sáng Điều đó cũng là do người ÔM CHẶT (3) Dù thế nào cũng là người Có ở trên mặt trời cũng hãy thử so sánh Sự cô đơn và bóng tối Nếu có thể cũng nhanh chóng đi qua Dù mùa đông có dài Thì cũng nhanh chóng có bóng râm “Người” trong thơ Choi Nam Seon là cội nguồn sự sống. “Người” có thể làm bung nở niềm vui cũng như làm dịu nhẹ nỗi đau. Nhà thơ Hong Myung Hee đã làm rõ ý nghĩa của từ “Người”: “Ngài/ Người của Yuk Dang thật ra là ai? Tôi chỉ phỏng đoán mà thôi. Tên của ngài có lẽ là Choseon”. [42, tr.25] Yi Kwang Soo cũng nói về thơ của Yuk Dang như sau “Dáng vẻ như là thơ tình ái, nhưng nếu ngẫm kỹ thì lại thể hiện lòng yêu nước, nếu xem xét tường tận thì cũng giống với thơ của nhà thơ Kabir ở Ấn Độ” [42, tr.25]. Từ “người” là nhà vua trong sijo trung đại đến “người” là đất nước trong thơ Choi Nam Seon đã có một bước tiến dài về tư tưởng, nhưng về căn bản vẫn có cùng bản chất là “tình” đối với đất nước. Sijo là thể thơ trữ tình cá nhân, nhưng nó không dừng lại ở tình cảm riêng tư nhỏ hẹp, mà mang vẻ đẹp cao quý của tình yêu đất nước. Vì tình quá sâu đậm, nên trong sijo cũng tràn đầy nỗi “hận” mất nước, nỗi “hận” vương triều sụp đổ, và nỗi “hận” khi quân vương đi sai đường. Sijo dòng “Huekoka” đầu thời Choseon là tiếng lòng của những cựu thần xót xa trước thời cuộc. Mang “tình” sâu đậm với vương triều Koryeo, khi triều Choseon thành lập, họ không thể thay đổi được thời cuộc nên không thể giải mối “hận” mất nước, chỉ có thể gửi nỗi “hận” ấy vào thi ca. Nhà thơ Yi Saek (李穡, 1328 ~1396) là một trung thần nắm giữ vận mệnh quốc gia thời Goryeo, nên luôn tiếc nuối vì đã không ngăn được sự suy thoái của Goryeo. Sau khi triều Choseon thành lập ông đã treo ấn từ quan. Bài thơ sau đây là tiếng lòng của Yi Saek: Tuyết tan nơi hẻm núi Những đám mây sần sùi Tìm cánh mai vui tươi Biết nơi nào hoa nở? Một mình ta lỡ bước Đơn độc trước hoàng hôn (Bản dịch nghĩa: Nơi ngõ nhỏ tuyết đã khô, mây lấp đầy Hoa mai vui vẻ nở nơi nao Một mình đứng trước hoàng hôn không biết đi đâu.) Khung cảnh thiên nhiên trong bài thơ chính là bức tranh thời cuộc. Hình ảnh “tuyết tan” ở chương đầu ngụ ý thời kì thịnh vượng của đất nước đang dần tan biến khi vương triều Koryeo sụp đổ, “mây” ám chỉ bầu không khí ảm đạm với những thế lực mới xuất hiện. Bài thơ chứa đựng tâm trạng của tác giả: oán trách thời cuộc, không biết đặt mình vào đâu khi vương triều suy vong, xót xa khi những trung thần (như hoa mai) ngày càng hiếm hoi. Tác giả ví mình như người lữ hành cô độc trong ánh chiều tà, để bài thơ khép lại với nỗi buồn đơn côi và tiếng lòng day dứt trước tương lai của đất nước. Cũng mang tấm lòng hướng về vương triều cũ như thế, nhà thơ Won Cheon Seok (元天錫, 1330~?) đã sáng tác bài sijo: Nước cứ thăng trầm chảy Dù có đến vạn niên Vương nghiệp năm trăm năm Biến thiên bao chìm nổi Hoàng hôn buông ngập lối Khách bước, kìa lệ rơi! (Bản dịch nghĩa: Nước chảy thăng trầm dù là vạn năm Vương nghiệp năm trăm năm trải qua bao chìm nổi Trong bóng hoàng hôn, người khách vừa đi vừa cố kìm nước mắt.) Bài thơ xây dựng dựa trên sự đối lập của thiên nhiên vĩnh hằng với nền chính trị biến thiên dâu bể, và ngụ ý thời đại mình đang sống là buổi hoàng hôn u buồn của đất nước. Chương cuối có sự gặp gỡ, đồng vọng với thơ của Yi Saek: người trung thần như kẻ lữ hành đơn côi, nước mắt tuôn rơi, chẳng biết đưa bước chân về đâu. Tứ thơ đó còn trở đi trở lại trong nhiều bài sijo khác của dòng thơ “Huekoga”, chẳng hạn như tác phẩm sau đây của Gil Chae (1353 – 1419)- vị quan đại thần đã về ở ẩn ngay sau khi vương triều Koryo sụp đổ: Ta một mình một ngựa Về chốn cố đô xưa Núi vẫn như ngày trước Người hùng lạc bước chân Thái bình ngày tháng ấy Bây giờ vẫn còn mơ. (Bản dịch nghĩa: Một mình một ngựa trở lại thủ đô năm trăm năm Núi non vẫn y nguyên nhưng người hùng lại không có nơi để đi Vẫn mơ ước ngày tháng thái bình.) Bài thơ khắc họa hình ảnh một người hùng thưở xưa nay tìm về chốn cố đô, thấy núi non vẫn như cũ mà thời cuộc đã đổi thay, trước thiên nhiên vĩnh hằng, con người thất thế thấy mình cô độc, lạc lõng, vẫn muốn níu kéo hoài niệm về một thuở thái bình. Nếu như những trung thần triều Koryeo khóc cho mối “hận” vương triều sụp đổ, thì sijo của nhiều vị quan trong triều Choseon lại là tiếng khóc vì “hận” quân vương trước những việc làm sai trái. Những cuộc tranh giành vương vị trong triều Choseon đã khiến nhiều trung thần kẻ bị sát hại, kẻ bị lưu đày. Nhiều bài thơ đã thể hiện nỗi đau thời cuộc ấy: Đêm qua nước thác ghềnh Vừa trôi vừa nức nở Bây giờ ta thử ví Là tiếng khóc người thương Muốn nước chảy ngược dòng Ta gửi lòng qua lệ (Bản dịch nghĩa: Đêm qua nước thác ghềnh đã vừa khóc một cách đau đớn vừa chảy qua. Bây giờ thử suy nghĩ đó là tiếng người yêu vừa khóc vừa đi Muốn nước chảy ngược dòng, nếu vậy tôi cũng khóc và gửi tấm lòng của mình.) Won Ho (元昊, 1397- 1463) Đây là bài thơ được Won Ho sáng tác khi cả dòng tộc ông bị lưu đày vì vương vị. Tác giả sử dụng phép liên tưởng thay đổi dần từ tiếng khóc của “thác ghềnh” trong câu đầu trở thành “tiếng khóc của người yêu” trong câu thứ hai rồi lại trở thành “tiếng khóc của tôi” trong câu cuối. Tôi cũng khóc, người cũng khóc, thác cũng khóc...là tâm trạng đau đớn biết bao. Tác phẩm chứa đầy tình yêu và sự chân thành đối với “người yêu” (thực ra là ẩn dụ cho vương nghiệp). Nước mắt được ví với nước, nhưng không phải là nước sông suối bình thường, mà là “nước thác ghềnh” ào ào tuôn chảy, để diễn tả nỗi đau đớn, giận dữ cuồn cuộn. Chủ thể trong bài thơ này không chấp nhận thời cuộc, mà mạnh mẽ hơn, muốn thay đổi thời cuộc, kéo ngược lại trật tự đã mất: “muốn nước chảy ngược dòng”, song bản thân lại biết đó là điều bất lực. Vì không thể chống đối, nên chỉ biết ôm “hận” mà thôi. Thực tế, bản thân tác giả Won Ho đã đau đớn đến mức cứ ở mãi trong phòng, không bước chân ra bên ngoài. Tiếng thác từ bên ngoài vọng vào đã cộng hưởng với tiếng lòng nức nở tạo nên âm điệu đau đớn dữ dội cho bài thơ. Nhưng cho dù có đau đớn thế nào đi nữa, thì “hận” vẫn luôn gắn chặt với “tình”. Nhiêu bài sijo cho thấy dù nhà vua sai trái gây nên bao đớn đau, nhưng những trung thần vẫn luôn hướng về nhà vua, không chỉ với nỗi oán hận mà bằng cả tình cảm thiết tha, muốn dùng lời nói của mình để lay chuyển, thức tỉnh nhà vua: Ngày gió sương phủ lối Đóa cúc vàng nở tươi Hái hoa ta gửi tới Điện ngọc ngập bụi vàng Hoa mang theo lẽ phải Ai người chẳng thấu đâu! (Bản dịch nghĩa: Hoa cúc vàng nở vào ngày gió sương phủ kín lối đi Gửi đến điện ngọc ngập tràn bụi vàng Lẽ phải hoa mang đến đâu ai cũng hiểu) (Song Soon) Tuyết rơi trong rừng thông Từng nhánh thông đâm chồi. Mong ngắt được một nhánh Để gửi đến vua tôi. Dù hoa có úa tàn Sau khi người nhìn qua (Bản dịch nghĩa: Tuyết rơi trong rừng thông, từng nhánh thông đâm chồi. Ước gì ngắt được một nhánh để gửi đến người. Cho dù hoa có tàn sau khi vua nhìn thấy nhánh thông của tôi.) (Cheong Cheol) Mây nghỉ ngơi chốc lát Ở trên đỉnh non cao Gặp kẻ khóc oán hờn Mây thu vào mưa lệ Qua bệ rồng, mây hỡi Mưa trút thời sẽ sao? (Bản dịch nghĩa: Những đám mây nghỉ ngơi chốc lát trên trên đỉnh núi cao ngất Biến nước mắt oán giận của những người cô đơn thành mưa rồi lại bay đi Nếu rơi vào cung điện sâu thẳm nơi nhà vua đang ở thì sẽ làm thế nào?) (Yi Hang Bok) Các tác gia Song Soon (1493 – 1583), Cheong Cheol (鄭澈, 1536- 1593), Yi Hang Bok (李恒福, 1556- 1618) làm quan dưới ba đời vua khác nhau, nhưng họ giống nhau ở chỗ đều là những kẻ thất chí, chịu nhiều oan khuất, không được nhà vua thấu hiểu. Song Soon về ở ẩn, Cheong Ch’ol và Yi Hang Bok bị lưu đày, nhưng họ vẫn hướng về nhà vua. Song Soon dùng hình ảnh đóa cúc vàng nở tươi trong ngày gió sương giăng kín để ngụ ý tấm lòng mình vẫn luôn thắm nồng dù trong hoàn cảnh thế nào đi nữa. Khi nói đóa cúc vàng mang theo lẽ phải, tác giả muốn ngụ ý rằng mình luôn ngay thẳng, chính trực, tấm lòng ấy nhất định nhà vua sẽ hiểu. Cũng như vậy, Cheong Cheol gửi lòng mình vào nhánh thông trong ngày bão tuyết mong gửi đến nhà vua để vua thấu hiểu. Không chỉ trong tác phẩm trên đây, Cheong Cheol còn gửi lòng mình đến vua trong nhiều bài sijo khác nữa: khi thì là cánh chim (bài thơ 28), khi thì là dòng chảy của sông Hàn ngang qua thủ đô (bài thơ 29), hoặc là mặt trăng (bài thơ 30) để ông có thể chiếu xuống, soi sáng và điều chỉnh trái tim nhà vua. Yi Hang Bok thì sáng tác trên đường đi lưu đày đến Buk Cheong, Ham Kyung Do, vượt qua nhiều ngọn núi cao. Ông muốn gửi nước mắt oán hờn của mình vào đám mây, mong mây mang đến kinh thành, trút thành mưa xuyên thấu qua cung điện, thấm vào lòng nhà vua Kwang Hae Gun- người đã làm bao điều sai trái, tàn ác- để gột rửa, thay đổi trái tim vua. Những tiếng lòng trên đây vừa thể hiện hận-tình không thể tách rời, vừa có tác dụng phúng thích, thể hiện trách nhiệm của người quân tử trước vận mệnh đất nước. Sijo không chỉ chứa đựng tình-hận của người quân tử, mà còn có cả tình-hận của người nhi nữ. Tình- hận biệt ly trong sijo chính là sự tiếp nối truyền thống thơ ca Korea từ khởi thủy. Nhà nghiên cứu Deo Dae Seok khi viết về dân ca cổ đã cho rằng: “Tâm tình về nỗi biệt ly là một trong những truyền thống của thơ ca cổ điển Hàn Quốc, được coi là đặc tính về mặt tình cảm của dân tộc Hàn được tiếp nối từ “Công vô độ hà ca”, “Tây kinh biệt khúc”, sijo của Hwang Chin-I và “Sự trầm mặc của Người” của Han Yong- Un.” [5, 106]. Các tác gia nữ sáng tác sijo hầu hết đều là kisaeng (kỹ nữ), nên thơ của họ tràn ngập ái tình, nhưng không bao giờ là những mối tình trọn vẹn, hạnh phúc. Có nhiều người đàn ông ghé qua cuộc đời, song không có ai là của riêng mình, không có ai ở lại mãi mãi, thế nên tình của kisaeng đã chứa hận biệt ly ngay khi vừa chớm nở. Ngay cả Hwang Chin-I (黃眞伊, 1522-1565)- người kỹ nữ tài danh nhất- cũng không thể giữ nổi bước chân người yêu thương: Núi vẫn là núi ấy Nước đâu là nước xưa Suốt đêm ngày chảy mãi Hỏi sao hoài thủy chung? Người anh hùng như nước Cất bước là mãi đi. (Bản dịch nghĩa: Núi là núi cũ, nhưng nước đâu phải là nước xưa Đêm ngày chảy mãi, sao có thể còn nguyên nước cũ Anh hùng cũng như nước, có ra đi nhưng không có trở về) Núi xanh như ý em Nước biếc- lòng ai đó Nước đi là đi mãi Núi thì tình sao phai? Nước… Cũng hoài thương núi Khóc sụt sùi khi trôi (Bản dịch nghĩa: Núi xanh như ý em, nước biếc là tình người Nước biếc trôi đi, nhưng lòng núi có thể thay đổi? Nước xanh cũng không quên được núi, nên vừa khóc vừa chảy đi Trong hai bài thơ này, tác giả sử dụng cặp biểu tương quen thuộc trong thi ca: “núi” và “nước”. “Núi xanh” là “cái không thay đổi” và được đồng nhất với “tôi”. “Nước xanh” là “cái thay đổi”, tượng trưng cho “người ấy”. Trong bài thơ thứ nhất, mượn quy luật của tự nhiên: nước chảy là chảy mãi không bai giờ quay ngược dòng lại, Hwang Chin-I nói lên nỗi hận biệt ly: người anh hùng như nước, gặp một lần rồi cất bước đi mãi mãi, để lại người con gái như núi ngàn năm mòn mỏi đợi chờ. Bài thơ thứ hai, nếu chỉ dừng ở hai chương đầu, thì ý nghĩa về tấm lòng “người đi- kẻ ở” chưa có gì mới lạ so với bài thơ thứ nhất. Nhưng đến chương thứ ba, với ba âm tiết của nhịp đầu: “녹 수 도” (“nước xanh cũng”), tác giả đã tạo nên một bước chuyển ý, đem lại sự mới mẻ cho cặp biểu tương quen thuôc này: không chỉ có “núi” chung thủy, mà “nước” cũng nặng lòng: “Nước xanh cũng không quên được núi, nên vừa khóc vừa chảy đi”. Bài thơ vừa thể hiện tấm lòng chung thủy của chủ thể trữ tình, vừa thể hiện mong muốn người thương yêu cũng đáp lại sự thủy chung ấy. Niềm mong ước thật dịu dàng ấy thể hiện nỗi khát khao của người con gái luôn phải làm “núi” chứng kiến bao dòng nước chảy qua, nay thèm được nhận lại tình yêu và nỗi nhớ như mình đã cho đi. Nỗi tình- hận biệt ly của người kỹ nữ luôn thể hiện qua nỗi nhung nhớ, ngóng chờ trong tuyệt vọng: Có bao giờ em không chung thủy? Có bao giờ em dối người chăng? Đêm canh ba vầng trăng vằng vặc Chẳng bóng hình, dẫu có hoài mong Trong thu phong lá rơi xào xạc Xao xác hoài, xao xuyến lòng em! (Hwang Chin-i) (Bản dịch nghĩa: Có bao giờ em không chung thủy? Có bao giờ lừa dối người thương? Đêm trăng sáng, giữa canh ba, người không trở lại, chẳng chút bóng hình Trong gió thu, lá rơi xào xạc, xao xuyến lòng em.) Chương đầu của bài thơ là hai câu hỏi: “Có bao giờ em không chung thủy? Có bao giờ lừa dối người thương?”. Hỏi, nhưng thực ra là để khẳng định: em luôn thủy chung, chưa từng lừa dối, em không đáng bị người bỏ rơi như thế. Chương cuối nhấn mạnh âm thanh (소리):Tiếng gió thu, tiếng lá rơi, ngầm thể hiện tiếng thở dài của người con gái đã mòn mỏi trong nỗi ngóng trông. Cũng như vậy, nàng kỹ nữ Gye Rang (Quế Nương) trong nỗi hận biệt ly đã sáng tác bài sijo: Hoa lê rơi như mưa Túm chặt tay áo khóc Lệ bao nhiêu cho vừa Ngày đôi ta từ tạ Giờ đây thu trút lá Người có còn nhớ ta? Giấc mơ cô lẻ quá Mãi trở đi trở lại Nghìn dặm đường cách xa! (Bản dịch nghĩa: Túm chặt tay áo khóc chia tay người trong màn hoa lê rơi như mưa. Lúc này khi lá rụng trong gió thu, liệu người còn nhớ đến tôi không? Giấc mơ cô đơn trở đi trở lại trên con đường nghìn dặm cách xa.) Gye Rang là người kỹ nữ nổi tiếng thời Choseon. Nàng từng có mối tình thiết tha với nhà thơ, đồng thời là học giả đức độ Cho Un- Yu Hee Kyung. Thế rồi Cho Un lên kinh. Người đã đi là đi biền biệt, không trao gửi tin tức gì, bỏ lại nàng trong nỗi sầu muộn. Hồi tưởng lại giây phút chia tay trong khung cảnh đẹp như bức tranh tuyệt bích, hoa lê rơi dày như cơn mưa, nàng không sao quên nổi mối tình cũng đẹp như bức tranh ấy. Thế mà người nỡ lãng quên! Gặp gỡ rồi chia ly, một người yêu đương, một người quên lãng, đó là nỗi buồn thấm trong thơ của bất cứ người kỹ nữ nào. Chờ đợi cũng chẳng được gì, thế nên đôi khi họ xoa dịu mình bằng những giấc mộng yêu thương: Người gặp gỡ trong mơ Tình tuy không là thực Nhưng bước ra ngoài mộng Nhung nhớ biết làm sao? Hỡi người, tuy là mộng Xin hãy gặp thường xuyên! (Bản dịch nghĩa: Người gặp trong mơ tuy không có niềm tin và tình nghĩa. Nhưng ngoài giấc mơ gặp thế nào khi nhớ nhung không chịu được? Hỡi người, đừng nghĩ đó là giấc mơ mà hãy gặp thường xuyên.) Tác phẩm trên đây là lời của kỹ nữ Myung Ok (?), tên thường gọi là Hwasung. Người con gái trong bài thơ khao khát yêu đương đến nỗi níu kéo cả giấc mộng trong đó có người thương, nàng năn nỉ người trong giấc mộng ấy, tuy chẳng là thực, nhưng xin đừng rời bỏ nàng. Tình cảnh ấy thể hiện nỗi cô đơn xót xa đến tận cùng của những người kỹ nữ chuyên làm công việc đem đến niềm vui cho người khác, riêng mình thì mãi mãi đơn côi. Đó là tình, mà cũng là hận, hận những người đàn ông đã từng cùng mình trao gửi bao tình ái rồi rời xa, hận cho kiếp sống trớ trêu của mình. Như vậy, thơ sijo không chỉ “tải đạo”, mà còn là thể thơ thấm đẫm tình cảm. Tình trong sijo luôn hòa lẫn với “hận” do đặc trưng tình cách “ôm hận”, “nuốt hận” của dân tộc Hàn. Sijo của nam giới thường thể hiện tình-hận với vương triều, với đất nước, trong khi sijo của nữ nhi thấm đẫm tình-hận lứa đôi. Có thể mượn bài thơ của Shin Heum (신 흠 , 1566- 1628) để nói thay tiếng lòng đầy yêu thương, hơn oán của những người nghệ sĩ sáng tác sijo: Người nghệ sĩ hay hát Nỗi lòng càng đa đoan Hờn oán chẳng thành lời Mượn đờn ca để gởi Nếu hát rồi vơi nhẹ Ta cũng sẽ ca này! (Bản dịch nghĩa: Người sáng tác khúc hát nhiều thì ưu phiền cũng nhiều Không thể nói hết thành lời chỉ có thể hát để giải tỏa Nếu hát rồi có thể bộc lộ chân tình tôi cũng sẽ thử hát) 3.3 “Phong lưu” và “Khoái lạc” Phong lưu (p'ungryu風流) là một từ Hán. Tuy vậy, từ xưa, người Korea đã thường xuyên sử dụng từ này. Từ thời Silla, Choi Chi Won (857-~) đã nói rằng: “Phong lưu chính là “Hyeon mo chi to” (Huyền mẫu chi đạo)” của thế gian [43, tr.7]. Để minh họa cho tinh thần “phong lưu”, ông có câu thơ: “Nhắm mắt lại, mọi điều như có ánh trăng chiếu vào Dù không đến được Tây Phương cũng vẫn vô cùng đẹp.” [43, tr.7] Trong “Từ điển lời nói” của Korea giải thích rằng phong lưu là: “Gạt bỏ hết những vướng mắc trong lòng, có cảnh đẹp, có việc để vui thú” [43, tr.7]. Nhưng cái “vui thú” của người phong lưu là hoàn toàn tao nhã, thuần khiết, không gắn với dục vọng và bất cứ một biểu hiện thô thiển, tục tĩu nào. Để cảm thấy mình “phong lưu”, chủ thể phải thoát khỏi những lo toan, vướng bận trong đời, thấy mình ung dung tự tại, đón nhận tất cả với niềm vui, với nụ cười nhẹ nhõm. Người “phong lưu” biết hưởng thụ thú vui ở đời, nhưng những thú vui đó chủ yếu trong tinh thần chứ không phải thể xác. Nó là một kiểu hưởng thụ nhưng không chiếm hữu, vô tư và thanh tao. Để có thể “phong lưu”, người ta phải đủ thông thái để đạt đến trạng thái “tri túc thường lạc”. Phong lưu là một trong những cảm thức thẩm mỹ chủ đạo trong pyeong sijo (chứ không phải là saseol sijo), đặc biệt là trong sijo dòng “seok kuyng si” nhàn nhã yên bình đầu thời Choseon, trong sijo của trường phái Yong Nam và Yi I, cũng như trong thơ của các tác gia “ở ẩn” trung kỳ và hậu kỳ Choseon. Phong lưu- đó là khi thấy cuộc sống đủ đầy, đáng sống, tràn niềm vui. Nhà thơ Maeng Sa Seong thể hiện ý vị “phong lưu” trong tác phẩm “Giang hồ tứ thời ca”: cả bốn mùa đều thư thái an nhàn bên sông hồ, mùa xuân tận hưởng “hương thơm tràn ngập không gian”, “Uống rượu gạo và nhấm nháp chú cá tươi bắt trong suối”, mùa hạ đón “những đợt sóng mang đến cơn gió mát như thể làm quên đi cái nóng oi bức”, mùa thu “mang theo chiếc lưới trên con thuyền nhỏ, trôi bồng bềnh theo cơn sóng”, mùa đông “đội nón tre nghiêng qua một bên và mặc áo chiếc áo choàng vào”, cảm thấy không hề lạnh... Mỗi mùa một thú vui, mùa nào cũng dễ chịu, đó chính là bởi con mắt nhìn vạn vật đều là bạn, đều là niềm vui: [1] Bên hồ, xuân mới chớm Chẳng cưỡng nổi hương thơm Bắt cá tươi trong suối Nhắm với rượu, tuyệt thay! Thân này thư thái thế Đều nhờ ơn vua a! [2] Bên hồ mùa hạ ghé Thư nhàn chẳng việc chi Sóng mang theo gió mát Quên đi nắng oi nồng Thân này mát mẻ thế Đều nhờ ơn vua a! [3] Bên hồ, mùa thu đến Cá cũng to tròn lên Mang lưới trên thuyền nhỏ Trôi bồng bềnh sóng sông Thân này vui thú thế Đều nhờ ơn vua a! [4] Bên hồ, mùa đông đến Tuyết rơi dày đặc lên Đội nón tre nghiêng nghiêng Mặc áo choàng thêm nữa Thân này không thấy lạnh Đều nhờ ơn vua a! Bản dịch nghĩa: [1] Bên sông hồ, mùa xuân đến, hương thơm tự động tỏa ra không thể nào cưỡng nổi Uống rượu gạo và nhấm nháp chú cá tươi bắt trong suối thì thật là tốt. Việc cơ thể cảm thấy nhẹ nhàng như thế cũng đã là ân huệ của đức vua. [2] Bên sông hồ, mùa hè đến, không có việc để làm Những đợt sóng mang đến cơn gió mát như thể làm quên đi cái nóng oi bức Việc cơ thể cảm thấy mát mẻ như thế cũng là ân huệ của đức vua [3] Bên sông hồ, mùa thu đến, mỗi chú cá đều to hơn lên Mang theo chiếc lưới trên con thuyền nhỏ, trôi bồng bềnh theo cơn sóng Việc cơ thể cảm thấy thú vị như thế cũng là ân huệ của đức vua. [4] Bên sông hồ, mùa đông đến, tuyết rơi dày đặc Đội nón tre nghiêng qua một bên và mặc áo chiếc áo choàng vào Việc cơ thể không cảm thấy lạnh cũng là ân huệ của đức vua.) (Maeng Sa Seong) Các nhà thơ đặc biệt yêu thích đóng vai người ngư phủ để ca hát giữa sóng sông, có cá tươi làm mồi nhắm, có bầu rượu kề bên, có con thuyền làm nhà, chu du khắp đó đây. Nhà thơ Yi Hyeon Bo (李賢輔, 1467 ~ 1555) cũng thể hiện thú phong lưu của người ngư phủ trong năm bài “Ngư phủ ca”: [1] Vô lo giữa đời thường Cuộc đời người ngư phủ Thuyền nhỏ trôi mênh mông Trên triền miên biển rộng Vì đã quên hồng trần Biết thời gian trôi a? [2] Nhìn xuống nước biếc trôi Nhìn quanh bao đồi núi Cách biệt với thế gian Bụi hồng trần che phủ Làng ven sông trăng sáng Chẳng gợn âu lo a! [3] Gói cơm trong lá sen Xiên cá qua cành liễu Buộc con thuyền nhỏ lại Đám lau sậy đầy hoa Niềm vui bình dị ấy Ai biết được chăng a! [4] Mây lững lờ đỉnh núi Mòng biển lượn mặt sông Thân thiết không tính toán Chỉ chúng là cặp đôi Quên lo lắng giữa đời Vui đùa với nhau a! [5] Quay về hướng kinh thành Cung vua xa ngàn dặm Dẫu nằm trên thuyền câu Có quên chăng việc nước? Nếu ta không lo lắng Thiếu kẻ giúp đời sao? (Bản dịch nghĩa [1] Không có sự lo âu giữa cuộc sống đời thường đó là cuộc sống của người đánh cá. Con thuyền nhỏ trôi trên biển rộng mênh mông Vì đã quên thế giới con người nên có biết thời gian đang trôi qua? [2] Nhìn xuống bên dưới thấy nước trong xanh đang chảy, nhìn xung quanh thấy núi non trùng điệp bao quanh. Được bao phủ bằng bao nhiêu lớp bụi hồng? Ánh trăng chiếu sáng ở ngôi làng ven sông nên trong lòng không có bất kì sự lo âu nào. [3] Gói cơm trong lá sen xanh và xiên cá qua cành liễu, Buộc con thuyền vào một đám lau sậy đầy hoa, Ai biết được niềm vui bình dị ấy. [4] Mây lững lờ trôi trên đỉnh núi, con mòng biển đang lượn trên mặt nước. Chỉ có hai hình ảnh này là thân thiết với nhau không tính toán. Quên đi nỗi lo lắng của cuộc đời và vui đùa với các bạn. [5] Quay về hướng kinh thành, cung điện ở xa ngàn dặm. Dù nằm trên thuyền câu nhưng có quên được việc nước? Dù tôi không lo lắng nhưng sẽ không có hiền nhân cứu giúp thế gian sao?) (Yi Hyeon Bo) Trong bốn bài thơ đầu, tác giả khắc họa cuộc sống tự do, thơ mộng, không vướng bận suy tư (“vô lo giữa đời thường”, “chẳng gợn âu lo”, “không tính toán”, “quên hồng trần”, “quên lo lắng giữa đời”…). Không gian ấy như ốc đảo tách hẳn khỏi cuộc đời (“Nhìn quanh bao đồi núi, cách biệt với thế gian”). Bài thơ cuối là lời tuyên bố vứt bỏ những mối lo âu triều chính. Cuộc đời trở nên giản dị, nhẹ tênh. Nhà thơ Yoon Seon Do (尹善道 ; 1587-1671) có tới bốn mươi bài sijo trong chuỗi tác phẩm “Ngư phủ tứ thời ca”, con thuyền nhỏ của tác giả chở niềm vui không cùng suốt bốn mùa xuân- hạ- thu- đông, tác giả thể hiện thú phong lưu khi ngắm mặt trời lên, khi thấy cành mẫu đơn trôi theo dòng nước, khi đám trẻ làng chài bám lấy tay...Tác giả nhìn thiên nhiên với cặp mắt ngỡ ngàng, mê say và ngập tràn hạnh phúc: Đâu đây trong rừng thẳm vang tiếng chim cúc cu Chèo nhanh, chèo nhanh nữa! Những làng ngư ẩn hiện trong sương mù giăng giăng Chi-kuc-chong, chi-kuc-chong, ơ-sa-oa... Dưới hồ sâu trong vắt đàn cá lội tung tăng (“Ngư phủ tứ thời ca”, Xuân ca, bài thứ 4) Thu lại về với biển, cá kéo đến hàng đàn Neo thuyền, neo thuyền lại Cùng vui đùa thỏa thích nơi nước biển trong xanh Chi kuc chong, chi kuc chong, ơ-sa-oa Quay lại nhìn trần gian, càng cách xa chốn ấy, càng tuyệt vời biết bao! (“Ngư phủ tứ thời ca”, Thu ca, bài thứ 2) Trong thế giới thơ ca của Yoon Seon Do, bản ngã và tự nhiên trở thành một thể thống nhất. Người đọc tìm thấy trạng thái bản ngã hoàn toàn chìm đắm trong tự nhiên. Tự nhiên là tôi. Tôi là tự nhiên. Bài thơ này là một tác phẩm thể hiện tâm trạng lâng lâng khi đắm mình trong thiên nhiên, chính là biểu hiện tột đỉnh của “phong lưu”. Cảm thức “phong lưu” trong sijo được thể hiện trong mọi hoàn cảnh. Ngay trong căn nhà tranh, thi nhân cũng vẫn thấy mình giàu có, an nhiên tự tại, như thái độ trong tác phẩm sau đây của nhà thơ Sin Heum (Thân Khâm): Đừng cười chê mái nhà dột nát Cột nhà tôi cái ngắn, cái dài Túp lều tranh của tôi xiêu vẹo Ánh trăng tràn trên những cành cây Những ngọn đồi bao quanh nơi ấy Là của tôi, chỉ của mình tôi! (Bản dịch nghĩa Xin đừng cười nếu mái nhà tôi dột nát, cột nhà dài hay ngắn, mái nhà tranh của tôi xiêu vẹo. Ánh trăng đổ xuống những cành nho, những ngọn đồi bao quanh, Là của tôi và chỉ của riêng tôi mà thôi.) Hoặc như trong những câu thơ của Yi Hyeonbo: “Gió mát và trăng non vẫn đợi, Vào ra túp lều cỏ của tôi.” Ngay cả khi đóng vai người nông dân, các tác gia sijo vẫn ca hát với tinh thần phóng khoáng, thấy cuộc sống này đáng sống, đáng vui: Những hạt dẻ đang rơi Trong thung lũng táo đỏ Những chú cua đang bò Đồng mùa trơ gốc rạ Rượu ủ vừa chín tới Người bán lọc rượu qua Ta mua về lọc uống! (Bản dịch nghĩa Trong thung lũng táo rực đỏ, làm sao để hạt dẻ rụng xuống? Cánh đồng trơ gốc lúa những con cua phải làm sao để bò? Rượu đã chín kẻ bán lọc rượu ngang qua, tiện đây mua về lọc rượu làm sao để uống?) (Hwang Hue) Bài thơ trên đây của Hwang Hue (黃喜 , 1363- 1452) khắc họa cảnh sống ở đồng quê sau mùa gặt (những cây lúa chỉ còn trơ gốc), thung lũng rực đỏ màu táo chín, báo hiệu một cuộc sống no đủ, bình yên. Người đọc như ngửi thấy cả hương táo quyện với hương rượu gạo vừa chín tới, và như nghe tiếng rao của người bán đồ lọc rượu, cùng tiếng gọi của chủ nhân- tất cả thể hiện một hương vị cuộc sống thần tiên. Trong bài viết “The Mot of the Choson Sonbi”, tác giả Choi Seung- beom đã liệt kê những thứ làm nên thú “phong lưu” của một người trí thức bao gồm thơ, rượu, ca, vũ và mỹ nhân [47] , trong đó đặc biệt nhất có lẽ là rượu. Rượu xuất hiện nhiều trong sijo, để đem đến cho ta cảm nhận lâng lâng, phóng khoáng: Cậu bé, hãy dẫn bò về Bắc thôn, Để ta thử chút rượu mới. Khuôn mặt đỏ bừng vì rượu, Ta sẽ trở lại trên lưng bò dưới ánh trăng. A ha! Tối nay ta là Phục Hy, Vinh quang xưa ở đầu ngón tay ta. Bài thơ trên nằm trong tác phẩm yeon-sijo bốn bài có chủ đề “Gọi một cậu bé” của Cho Chon Seong (1554-1628) mô tả về cảnh nhổ cỏ, câu cá, cày ruộng, và trở về nhà uống rượu. Rượu khiến tác giả thấy mình được trở thành thần tượng mà mình mơ ước- vua Phục Hy trong thần thoại Trung Hoa. Nếu như Cho Chon Seong nhờ rượu biến mình thành Phục Hy, thì nhà thơ Yi Teo Khyeong (1561-1613) đã cho rượu và trăng quyện hòa, để biến mình thành Lý Bạch trong bài sijo sau: Trăng treo trên bầu trời, sáng tỏ, tròn vành vạnh Từ lúc hoàng hôn, Trăng đã gặp gió và sương, Trăng sẽ sớm lặn. Nhưng không, hãy chờ và chiếu sáng Trên chén vàng của vị khách say sưa. Cái “phong lưu” mà rượu đem về rất thơ, nó hoàn toàn khác với cơn say túy lúy. Rượu khiến cuộc sống có một chút men, nhưng sijo kịp dừng ở một chút đó, đủ để làm nên ý vị cho cuộc đời. Khuôn mặt “phong lưu” tiêu biểu nhất trong sijo là nhà thơ Im Je (Lâm Đễ 林悌1549 – 1584. Im Je không chỉ nổi danh về văn chương mà còn nổi danh về những mối tình tuyệt đẹp thời Choseon. Một trong những mối tình ấy là với nàng Han Wo (Hàn Vũ)- người kỹ nữ nổi danh ở đất Pyeong Yang. Một ngày đến gặp nàng, Im Je mắc mưa, đã mượn cơn mưa lạnh để ướm dò tình cảm của Hàn Vũ: Bầu trời phương bắc sáng trong Ta đi mà chẳng mang phòng áo tơi Ai ngờ lên núi tuyết rơi Cánh đồng mưa ngập trắng trời buốt căm Hôm nay Hàn Vũ gặp rồi Toàn thân buốt lạnh, phải nằm xuống a! (Bản dịch nghĩa: Bầu trời phương bắc trong sáng, ta ra đi mà không áo mưa Trên núi tuyết đã rơi, cánh đồng cũng ngập trong nước mưa lạnh Hôm nay đã mắc mưa lạnh, toàn thân lạnh buốt phải ngủ mau thôi ) Trong bài thơ này, Im Je đã nói về hoàn cảnh của mình “ngấm mưa lạnh”. Vì “mưa lạnh” chính là tên của nàng kisaeng, nên câu thơ cũng có nghĩa là đã gặp, đã vì nàng Hàn Vũ mà chịu ướt lạnh. Đêm nay phải đi vào giấc ngủ buốt căm, chẳng biết nàng có thấu chăng? Thế rồi Hàn Vũ họa lại: Trời sao lạnh buốt thế này? Làm sao vỗ nổi đêm nay giấc nồng? Sao người ngủ giữa tuyết đông? Đâu rồi chăn ngọc, gối hồng uyên ương? Hôm nay mưa ướt giữa đường Cho em xin sưởi người thương giấc nồng! (Bản dịch nghĩa: Không biết vì sao lạnh lẽo thế này, ngủ bằng cách nào đây? Người đã bỏ đi đâu tấm chăn màu ngọc bích và chiếc gối thêu hình uyên ương để định ngủ trong cơn ớn lạnh? Hôm nay người đã đội mưa lạnh (hàn vũ) đến đây, xin được sưởi ấm cho giấc ngủ của người.) Thông qua biểu hiện của Hàn Vũ muốn sưởi ấm cho Im Je đã phải đội mưa lạnh, có thể theo dõi bước tiến của tình yêu thiết tha mà họ dành cho nhau. Nhiều từ ngữ trong bài thơ là những lời liên quan tới chuyện chăn gối, nhưng lại không làm vẩn lên những suy nghĩ ấy, đó chính là tính “phong lưu”. Nếu chỉ đi xa hơn một bước nữa thôi với rượu và phụ nữ, cảm thức đó sẽ không còn là “phong lưu” mà trở thành “khoái lạc”. Nếu những cảm thức thẩm mỹ đạo và mỹ, tình và hận là những cảm thức tưởng chừng đối lập nhưng luôn đi song hành với nhau, thì ngược lại, phong lưu và khoái lạc không thể cùng tồn tại, mà chúng triệt tiêu nhau. Đã phong lưu thì không phải là khoái lạc, mà đã có khoái lạc, dù chỉ một chút thôi, thì sẽ không còn là phong lưu nữa. Phong lưu là hưởng thụ trên phương diện tinh thần, còn khoái lạc thì nghiêng về thể xác. Phong lưu là hưởng thụ nhưng không chiếm hữu, còn khoái lạc thì gắn liền với sự chiếm hữu, tận hưởng. Phong lưu thể hiện trong sijo truyền thống, còn khoái lạc chỉ có trong saseol-sijo. Nếu như sijo truyền thống là thể thơ của tầng lớp yang-ban, mang tính chất cao quý, thì saseol sijo lại là thể thơ của người bình dân, mang tính đại chúng. Thế nên saseol sijo không chịu ảnh hưởng của mỹ học Nho gia, mà đi theo truyền thống mỹ học của văn học dân gian. Saseol sijo có thể xem là sự tiếp nối dòng chảy của Tục dao thời Koryeo. Tục dao là những bài thơ tràn đầy tình ái và cả tình dục, vì bị kiểm duyệt gắt gao nên đã chết vào thời Choseon. Đến hậu kỳ Choseon, tư tưởng thực học và văn hóa thị dân đã làm thay đổi bộ mặt xã hội. Trong bối cảnh ấy, những khát vọng sống, khát vọng yêu đương và hưởng thụ bị đè nén quá lâu đã có cơ hội bùng dậy một cách mãnh liệt. Những khát vọng ấy được thể hiện sinh động trong saseol sijo. Mỹ học của saseol sijo giống hệt mỹ học của văn học phục hưng phương Tây, về căn bản là hướng đến tiếng cười và thể hiện khát vọng của con người, đầy tính nhân văn. “Khoái lạc” chính là từ chính xác nhất gọi ra cái hồn của saseol sijo. Nếu như văn học phục hưng phương Tây cười nhạo giới tu sĩ và những quy tắc đạo đức Thiên Chúa giáo, thì saseol sijo của Korea cười nhạo những kẻ học thức, mô phạm rởm trong giới quý tộc và sĩ phu Nho giáo: Này mọi người làm nghề muối cua! Này Changsu kia ơi! Đồ dùng của ngươi sao cứ kêu lanh canh lên thế? Hãy bắt đầu đi! Bên ngoài là xương, bên trong là thịt, hai mắt nhìn lên trời, đi lên đằng trước, đi xuống đằng sau Có tám cái càng bé, có hai cái càng lớn, đổ tương vào chính là cua muối. Changsu ơi! Đừng nói khó hiểu như thế, làm cua muối đi nào! Bài thơ này tuy bề mặt là tả con cua, nhưng hàm ý thực chất nói về những kẻ giả tạo. Câu thơ “Bên ngoài là xương, bên trong là thịt, hai mắt nhìn lên trời, đi lên đằng trước, đi xuống đằng sau” sử dụng biện pháp chơi chữ, cũng có thể hiểu là: “Bên ngoài thì cứng, bên trong mềm, hai con mắt hướng lên trời, đi lên đi xuống”, ngụ ý chê cười loại người bên ngoài đàng hoàng tĩnh chính, thanh cao tao nhã với đủ mọi quy tắc đạo đức, nhưng bên trong rỗng tuếch, yếu đuối nhu nhược. Đó là loại người vô dụng chỉ biết hướng hai con mắt lên trời mà đi lên đi xuống, chẳng được việc gì cả, đã vậy lại cứ khua động rộn ràng: “sao cứ kêu lanh canh lên thế?”. Sau khi mô tả “con cua”- những kẻ mô phạm rơm như vậy, tác giả dân gian đã tạo tiếng cười sảng khoái bằng hành động “đổ tương vào” “con cua” ấy, biến nó thành “cua muối”. Đó chính là sự “hạ bệ” những thần tượng của một thời, tạo nên sự bình đẳng trong xã hội. Người dân bây giờ có quyền cười vào cả những thứ mô phạm nhất. Saseol sijo cười tất cả, cười những chuyện hết sức “tào lao” trong đời: Những cây kim cỡ vừa, cỡ nhỏ rơi xuống giữa biển khơi, Họ nói rằng với một cây cọc dài bằng chân, mười hai người chèo thuyền dán mắt vào mỗi cây kim. Ôi người tình, người tình của em, xin đừng tin những gì anh nghe được khi người ta kể anh nghe hàng trăm chuyện bịa đặt.[1] Và cười cả chính mình, như cô gái tự nhạo việc mình chờ người yêu lén đến trong đêm: Chớp nhoáng ngoài cửa sổ rồi nhanh chóng vụt mất Chẳng phải là anh yêu mà em đang chờ đợi, chỉ là bóng mây đi qua ánh trăng mờ lừa dối em đấy thôi! Thật may là buổi đêm, nếu là ban ngày sẽ bị người ta cười chê! Bước vào thế giới của saseol sijo chính là bước vào thế giới của những điều khôi hài, nơi đó người ta không thể ngăn được tiếng cười sảng khoái để phá tan những quy tắc luân lý và những rào cản làm cuộc sống tẻ ngắt. Cái sảng khoái mà nụ cười này mang lại khác hẳn khoái cảm tinh thần trong sijo truyền thống. Trong sijo truyền thống người ta gặp niềm vui thú mang tính chất thanh cao, tao nhã, còn ở saseol sijo người ta gặp tiếng cười hả hê không cần ý tứ trước những điều tầm thường, thậm chí là vô đạo đức, như chuyện ông lão ân ái với đứa bé giữa ruộng dưa, chuyện bà lão vượt đường xa để nhuộm tóc đen về quyến rũ những chàng trai trẻ, thế nhưng lại gặp mưa làm trôi hết màu, mái tóc trở lại thành trắng. Khoái lạc trong saseol sijo còn thể hiện ở sự thỏa mãn những khao khát bản năng. Chẳng ngại ngần, tác giả dân gian miêu tả trực tiếp cả cảnh nam nữ ái ân: Nhà Gak-ssi ơ, hãy mua những cái nóng nào. Cái nóng tháng Năm tháng Sáu, cái nóng nhiều năm dồn lại, cái nóng muộn, cái nóng sớm, cái nóng mà gặp người thương yêu trên phản gỗ có trăng chiếu sáng ôm riết lấy mà nằm thẳng, không biết làm việc gì mà ngũ tạng hừng hực vừa toát mồ hôi hột vừa thở hổn hển, và cái nóng vào đêm dài của tháng đông chí ở trong vòng tay người thương trong chăn dày ở sàn nhà nóng ấm phía đầu lò sưởi hai thân quyện làm một làm cái này cái kia khi chân tay bí bối cổ họng khô rát uống ừng ực nước cơm cháy lạnh để phía cuối lò sưởi. Nhà Gak-ssi ơ, nếu muốn mua cái nóng như thế thì hãy mua theo những gì nhìn thấy đi! Ông bán hàng ơi, trong sáu cái nóng của ông hai cái nóng gặp người thương yêu ai mà không thích. Đừng bán cho ai hãy bán cho tôi! (Bản dịch của Trần Thị Bích Phượng trong sách Những bài giảng văn học Hàn Quốc [5, tr.538]) Bài thơ kể một câu chuyện hài hước: người bán hàng đi rao bán “cái nóng”, ông chào hàng tất cả sau loại “cái nóng”, bốn “cái nóng” đầu là nóng của mùa hè, nóng nhiều năm dồn lại, nóng muộn và nóng sớm- là những cái nóng của tự nhiên. Người mua vẫn im lặng. Nhưng sau khi ông “quảng cáo” nốt hai “cái nóng” còn lại là cái nóng vì ân ái với người tình trên phản gỗ đêm trăng và trên sàn ấm đêm đông, thì người mua vội vã cất lời, rằng hai cái nóng ấy “ai mà không thích”, “Đừng bán cho ai hãy bán cho tôi!”. Người đọc cười về nỗi người rao hàng thật tinh quái, và người mua cũng thật tham lam đòi mua cho hết hai cái nóng gặp người yêu, chẳng chừa cho ai khác. Nhưng đáng cười nhất vẫn là những lời ông lão bán hàng tả hai cái nóng gặp người tình với những từ ngữ táo bạo: vì “ôm riết lấy”, “hai thân quyện làm một” mà khiến người ta “ngũ tạng hừng hực” “toát mồ hôi hột”, “thở hổn hển”, “chân tay bí bối”, “cổ họng khô rát”, “uống ừng ực nước cơm”, cho thấy mức độ say đắm của việc ái ân. Sự thắng thắn khơi gợi khoái cảm đến vậy chỉ có thể có trong saseol sijo. Như vậy, nếu như “phong lưu” là một trong những nền tảng mỹ học cơ bản của sijo truyền thống, thì sang đến saseol sijo, “khoái lạc” mới chính là nguyên tắc mỹ học. “Phong lưu” và “khoái lạc” là hai thái độ hoàn toàn khác biệt nhau trước cuộc đời, điều đó tạo nên nét khác biệt lớn lao về mặt nội dung trong sijo truyền thống và saseol sijo. Tóm lại, khi nghiên cứu đặc điểm sijo từ góc nhìn cảm thức thẩm mỹ, có thể thấy sijo là thể thơ của những cảm thức thẩm mỹ vừa đối lập, vừa hài hòa với nhau: đạo và mỹ, tình và hận, phong lưu và khoái lạc. Những cảm thức này là kết quả của sự hòa trộn giữa bản sắc Korea với ảnh hưởng của tư tưởng lý luận văn học dòng Nho gia Trung Hoa. Sijo đã thể hiện rõ nét tâm hồn người Korea. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO A. Tài liệu tiếng Việt 1. Andrew C.Nahm, (Nguyễn Kim Dân dịch), 2005: Lịch sử và văn hóa bán đảo Triều Tiên, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội. 2. Nguyễn Long Châu, 1997: Nhập môn văn học Hàn Quốc, NXB Giáo dục, Hà Nội. 3. Nguyễn Long Châu, 2000: Tìm hiểu văn hóa Hàn Quốc, NXB Giáo dục, Hà Nội. 4. Phan Nhật Chiêu, 2010: “Hàn Long Vân và Hàn Mặc Tử: Thơ ca của niềm im lặng”, in trong sách Văn học cận đại Đông Á – từ góc nhìn so sánh, NXB Tổng Hợp TP.HCM. 1. Cho Dong Il, Seo Dae Seok, Lee Hai Soon, Kim Dae Haeng, Park Hee- Byoung, Oh Sae Young, Cho Nam Hyon, (Trần Thị Bích Phượng dịch), 2010: Những bài giảng văn học Hàn Quốc, Nxb Văn học, Hà Nội. 2. Đoàn Lê Giang: Tư tưởng lý luận văn học Trung Quốc cổ điển (chuyên luận dùng cho học viên cao học), Khoa Văn học và Ngôn ngữ, ĐHQG T.P. Hồ Chí Minh. 3. Đoàn Lê Giang, 2011: “Con đường hiện đại hoá văn học của các nước Khu vực văn hoá chữ Hán”, in trong sách Văn học cận đại Đông Á – từ góc nhìn so sánh, NXB Tổng Hợp TP.HCM. 4. Gina L. Barnes, Huỳnh Văn Thanh dịch, 2004: Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản, đỉnh cao văn minh Đông Á, NXB Tổng Hợp T.P. Hồ Chí Minh. 5. Phan Thu Hiền (viết chung với Lê Chí Quế), 2004: “Huyền thoại lập quốc Korea và Việt Nam” - Tạp chí Vietnam Studies, Seoul, Korea, 5 / 2004; Tạp chí Văn hoá dân gian, 12 / 2004 6. Phan Thu Hiền, 2011: “Yếu tố nội sinh và ngoại sinh trong sự hình thành, phát triển “Văn học mới” Korea từ những phối cảnh nghiên cứu”, in trong sách Văn học cận đại Đông Á – từ góc nhìn so sánh, NXB Tổng Hợp TP.HCM. 7. Phan Thị Thu Hiền, 2012: “Sự hình thành bản sắc Korea qua hương ca (hyangga)”, Kỷ yếu hội thảo khoa học Hoàng thúc Lý Long Tường và mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Korea từ quá khứ đến hiện tại, Đại học Ngoại ngữ- Tin học TP. HCM , tháng 5- 2012. 8. Lê Đăng Hoan, 2011: “Dịch tập thơ "Sự im lặng của tình yêu" và một vài cảm nhận về tình yêu nhân dân và yêu tổ quốc của Han Yong-un”, in trong sách Văn học cận đại Đông Á – từ góc nhìn so sánh, NXB Tổng Hợp TP.HCM. 9. Hwang Gwi Yeon- Trịnh Cẩm Lan, 2002: Tra cứu văn hoá Hàn Quốc, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. 10. Han Yong Un, Lê Đăng Hoan dịch, 2006: Sự im lặng của tình yêu (tuyển tập thơ), NXB Văn học, Hà Nội. 11. KimYoung Rang, Lê Đăng Hoan dịch, 2007: Đến khi hoa mẫu đơn nở (tuyển tập thơ), NXB Văn học, Hà Nội. 12. Komisook- Jungmin- Jung Byung Sul, Jeon Hye Kyung- Lý Xuân Chung dịch 2006: Văn học sử Hàn Quốc từ cổ đại đến cuối thế kỷ XIX, NXB Đại học quốc gia Hà Nội. 13. Thanh Liêm, 2001: Triều Tiên ( trong bộ sách Đối thoại với các nền văn hóa), NXB Trẻ, Hà Nội. 14. Đặng Văn Lung (chủ biên), 2002: Tiếp cận văn hoá hàn Quốc, NXB Văn hoá- Thông tin, Hà Nội. 1. Hà Văn Lưỡng, 2009: “Những nét tương đồng và dị biệt của thơ sijo (Hàn Quốc) và thơ haiku (Nhật Bản)- nhìn từ đặc trưng thể loại”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á , Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á. 2. Đặng Đức Siêu, 2007: Tinh hoa văn hóa Phương Đông : Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản , NXB Giáo dục, Hà Nội. 3. Vũ Thị Thanh Tâm, 2010: “Những đóng góp của Yi Kwang-su cho văn học Triều Tiên đầu thế kỷ XX”, in trong sách Văn học cận đại Đông Á – từ góc nhìn so sánh, NXB Tổng Hợp TP.HCM. 4. Vũ Thị Thanh Tâm, 2011: “Dấu ấn của quan niệm văn chương Trung Hoa đến quan niệm văn chương Korea thời Choseon (1392-1910)”, Kỷ yếu hội thảo khoa học Quốc tế Việt Nam và Korea trong phối cảnh Đông Á, ĐH KHXH-NV TP.HCM, tháng 6 năm 2011, Bình luận văn học – niên giám 2011. 5. Thái Bá Tân dịch, 1990: Thơ cổ Triều Tiên và Nhật Bản, NXB Lao động, Hà Nội. 6. Trần Ngọc Thêm, 2004: “Vai trò của tính cách dân tộc trong tiến trình phát triển ở Hàn Quốc”, Tạp chí Nghiên cứu con người, số 6-2004. 7. Lê Quang Thiêm, 1998: Văn hóa văn minh và yếu tố văn hóa truyền thống Hàn, NXB Văn học, Hà Nội. 8. Nguyễn Quang Thiều, 2002: Năm nhà thơ hiện đại Hàn Quốc, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội. 9. Trần Thúc Việt, 2006: Văn học Korea, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. 10. Woo Han Yong- Park In Gee- Chung Byung Heon- Choi ByeongWoo- Yoon Bun Hee, bản dịch của Đào Thị Mỹ Khanh, 2009: Văn học cổ điển Hàn Quốc, Nhà xuất bản Văn nghệ, Hà Nội. B. Tài liệu tiếng Anh 1. David Richard McCann, 1988 : Form and freedom in Korean poetry, copyright by E.J.Brill, Leiden, The Netherlands. 2. David Richard McCann, 2000: Early Korean literature : Selections and introductions, Publisher: Columbia University, New York. 3. In-sŏb Zŏng, 1983: A guide to Korean literature, Publisher: Hollym International Corporation. 4. Kevin O'Rourke (Translated and edited), 2002: The books of Korean Shijo, Publisher: Harvard university, Asia Center, Honolulu. 5. Kim Hunggyu ; R. J. Fouser translated, 1997: Understanding Korea literature, Publisher: M. E. Sharpe, New York. 6. Michael D. Shin (2001): “Interior Landscapes: Yi Kwangsu’s “The Heartless” and the Origins of Modern Literature”, in Colonial Modernity in Korea, Publisher: Havard University. 7. Peter H. Lee, 2002: The Columbia Anthology of Traditional Korean Poetry, Publisher: Columbia University Press. 8. Peter H. Lee, 2003: A history of Korean literature, Publisher: Cambridge University press, Cambridge. 9. Richard Rutt (Translated and edited), 1998: The Bamboo Grove: An Introduction to Sijo, Publisher: The University of Michigan press. C. Tài liệu tiếng Hàn 38. 김명준, 2009:한국 고전 시가 의 모색 (Tìm hiểu thơ ca cổ điển Hàn Quốc), 보고사. 1. 김대행, 1986: 시조유형론 (Loại hình sijo), 이화여자대학교출판부. 40. 김대행, 2009:한국의 고전 시가 (Thi ca cổ điển Hàn Quốc), 이화여자대학교출판부. 41. 고미숙, 임형택, 1997: 한국고전시가선: Thi ca cổ điển Hàn Quốc tuyển chọn), 창작 과 비평사. 1. 송정란 , 2003, 한국 시조시학의 탐색 (Nghiên cứu về thi pháp sijo Hàn Quốc), 문학아카데미. 1. 전재강 , 2007: 시조문학의 이념과 풍류 (Ý niệm và phong vị của sijo), 보고사. 1. 이정자 , 2003: 시조 문학 연구론 (Nghiên cứu về Sijo), 국학자료원. 1. 이정자 , 1998: 한국 시가의 아니마 연구 (Nghiên cứu anima trong thơ ca Hàn Quốc), 백문사. D. Tài liệu từ Internet 1. Phan Nhật Chiêu: “Hoàng Chân Y và Hồ Xuân Hương & Huyền thoại người nữ”, ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&i d=2322%3Ahoang-chan-y-va-h-xuan-hng-a-huyn-thoi-ngi- n&catid=64%3Avn-hc-nc-ngoai-va-vn-hc-so- sanh&Itemid=108&lang=vi 2. Choi Seung-beom, 1998: “The Mot of the Choson Sonbi”, Koreana, Autumn 1998 Vol.12 No.3, 3. Kevin O'Rourke,1998: “Demythologizing Mot”, Koreana, Autumn 1998 Vol.12 No.3, 1. Kim Hunggyu, Trần Hải Yến lược dịch, 1997: “Văn học Triều Tiên: Lịch sử và vấn đề”, www.evan.com.vn . 1. La Mai Thi Gia (2011): “Sijo, thể thơ truyền thống của người Triều Tiên”, hoc/SIJO-the-tho-truyen-thong-cua-nguoi-Trieu-Tien-497.vnqd 2. Park Kyong-li (1998): “Mot: The Natural Rhythm of Life and Soul”, Koreana, Autumn 1998 Vol.12 No.3, 1. Thái Bá Tân (dịch),: “124 bài thơ sijo” 122&Itemid=32 1. 시조(時調) , update.htm 1. “Triết học về lý-khí”, khi.html [1] Dịch lại từ bản dịch tiếng Anh của Peter H. Lee [35] MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 2. Lịch sử nghiên cứu đề tài: 3. Mục đích và nhiệm vụ của đề tài 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 5. Phương pháp nghiên cứu 6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài: 7. Kết cấu của đề tài: Chương 1. Đặc điểm thơ sijo từ điểm nhìn lịch sử văn học 1.1 Vị trí sijo trong nền văn học Korea 1.2 Nguồn gốc thơ sijo 1.3 Bối cảnh ra đời và phát triển thơ sijo 1.3.1 Bối cảnh lịch sử- chính trị 1.3.2 Bối cảnh tư tưởng - văn hóa 1.4 Tiến trình thơ sijo 1.4.1 Sijo cuối thời Koryeo 1.4.2 Sijo thời Choseon 1.4.3 Sijo hiện đại Chương 2. Đặc điểm sijo từ góc nhìn thể loại 2.1 Phân loại sijo 2.1.1 Phân loại theo độ dài của lời thơ: 2.1.2 Phân loại theo đặc điểm âm nhạc 2.2.3 Phân loại theo vùng miền 2.2 Thi luật của sijo 2.2.1 Pyeong sijo 2.3.2 Eot sijo và Saseol sijo 2.3.3 Sijo hiện đại Chương 3. Đặc điểm thơ sijo từ góc nhìn cảm thức thẩm mỹ 3.1 “Đạo”và “Mỹ” 3.2 “Tình” và “Hận” 3.3 “Phong lưu” và “Khoái lạc” KẾT LUẬN DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdflv_ngon_ngu_hoc_8__6331.pdf