Luận văn Hoàn thiện pháp luật về thừa kế ở Việt Nam hiện nay

Thừa kế là một trong những quan hệ xã hội ra đời và phát triển cùng với sự xuất hiện và phát triển của xã hội loài người. Trong bất kỳ chế độ xã hội có giai cấp nào, vấn đề thừa kế cũng có vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật và bản thân nó cũng phản ánh phần nào bản chất của chế độ xã hội đó, thậm chí còn phản ánh được tính chất từng giai đoạn trong quá trình phát triển của một chế độ xã hội. Ở Việt Nam, từ khi hình thành cho đến nay, PLVTK luôn được xây dựng và hoàn thiện phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội qua từng giai đoạn nhất định. PLVTK ở giai đoạn sau thường kế thừa và tiếp tục phát huy những quy định có nội dung tiến bộ của giai đoạn trước, đồng thời bổ sung những quy định mới cho phù hợp với yêu cầu của xã hội lúc bấy giờ. Điều này được minh chứng từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, Nhà nước ta luôn bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế của công dân. Từ đó đến nay, các quy định PLVTK không ngừng hoàn thiện; mở rộng, phát triển để đảm bảo cho quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

pdf106 trang | Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 6541 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Hoàn thiện pháp luật về thừa kế ở Việt Nam hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
đại diện cho lợi ích của các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội vào quá trình dự báo hoạch định chính sách pháp luật cũng như quá trình xây dựng các văn bản pháp luật cụ thể. Đồng thời phải đảm bảo phát huy quyền sáng kiến lập pháp của các đại biểu quốc hội, thực hiện đầy đủ nguyên tắc dân chủ công khai trong các giai đoạn, soạn thảo, thảo luận, thông qua và công bố các dự án, tổ chức khác có thẩm quyền. Mặt khác, cần phải quy định cụ thể hơn về quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của tất cả các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương. Không chỉ quy định xây dựng các luật mà cả các văn bản dưới luật, trong đó có các văn bản của các bộ, ngành cũng phải được quy định một cách rõ ràng, đầy đủ trong luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật coi đó là khuôn mẫu để các cơ quan nhà nước thực hiện. Hơn nữa, đổi mới cách thức phân công soạn thảo và thẩm định dự án luật, pháp lệnh và các nghị định trong đó có các văn bản pháp luật quy định về thừa kế khi có sáng kiến pháp luật, quốc hội hay chính phủ cần lập tiểu ban soạn thảo các văn bản luật hay dưới luật độc lập với bộ hay với ngành có liên quan. Chuyên gia xây dựng dự thảo phải là người có chuyên môn thực sự, đồng thời làm việc hoàn toàn độc lập, khách quan, không chịu sự "chỉ đạo" của thủ tướng. Khi đó tính khách quan, tính đồng bộ pháp luật mới có cơ hội được đảm bảo. Song song với quá trình xây dựng luật, pháp lệnh, phải triển khai luôn việc xây dựng các nghị định hướng dẫn cụ thể để khi các văn bản ra đời thì sẽ được triển khai một cách đồng bộ, rõ ràng khắc phục tình trạng luật hay pháp lệnh bị vô hiệu hoá hoặc bị ngừng trệ bởi văn bản cấp dưới [58, tr.100]. Như vậy nếu chúng ta có một quy trình xây dựng luật một cách hợp lý, hiệu quả, phát huy tính dân chủ, công khai và tinh thần trách nhiệm của các cơ quan và người có thẩm quyền trong lĩnh vực này, thì chắc chắn việc hoàn thiện PLVTK sẽ đạt kết quả tốt đẹp trong thời gian tới. Trên đây là những quan điểm cơ bản hoàn thiện PLVTK ở Việt Nam hiện nay. Việc hoàn thiện phải được nhìn nhận một cách tổng quát kết hợp với việc hoàn thiện cơ chế xây dựng và thực hiện pháp luật, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, phong tục tập quán trong nước, điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào quá trình toàn cầu hoá nền kinh tế thế giới. Kết hợp được những yếu tố trong nước với các điều kiện quốc tế, phù hợp với xu thế thời đại để xây dựng và hoàn thiện PLVTK vừa là mục tiêu vừa là nhiệm vụ của nhà nước ta. Các quan điểm đó phải được thể hiện xuyên suốt và phải được định hướng cho các giải pháp hoàn thiện PLVTK ở Việt Nam. 3.2. Các giải pháp hoàn thiện pháp luật về thừa kế ở Việt Nam hiện nay 3.2.1. Rà soát, hệ thống hoá thường xuyên và có chất lượng các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến thừa kế Việc rà soát, hệ thồng hoá các quy định hiện hành về thừa kế ở Việt Nam là một công việc hết sức cần thiết và không thể thiếu trong quá trình hoàn thiện PLVTK. Một hệ thống pháp luật muốn phát huy tốt hiệu lực thì không thể không coi trọng đến công tác rà soát và hệ thống hoá các văn bản pháp luật hiện hành. Đây là một khâu có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần tích cực vào việc hình thành một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh thống nhất và đồng bộ. Thông qua rà soát và hệ thống hoá cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới phát hiện những sai sót bất cập, mâu thuẫn và chồng chéo để làm cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật cho phù hợp [72, tr.87]. Thực tế trong những năm qua, công tác rà soát và hệ thống hoá các văn bản PLVTK ở nước ta đã đạt được những thành tựu đáng kể. Nhiều quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, lỗi thời đã được loại ra khỏi hệ thống pháp luật. PLVTK ở Việt Nam không ngừng được hoàn thiện và phát triển tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong viêc ghi nhận và bảo vệ quyền thừa kế của công dân. Tuy vậy, như đã trình bày ở trên, vì nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, pháp luật trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Để cho PLVTK không tụt hậu mà luôn luôn theo kịp, phản ánh đúng các quan hệ xã hội thì nó phải thường xuyên sửa đổi, bổ sung. Để có cơ sở sửa đổi, bổ sung các quy định PLVTK thì điều đầu tiên chúng ta tiến hành một cách thường xuyên và có chất lượng, việc rà soát và hệ thống hoá các văn bản pháp luật trong lĩnh vực này. Thông qua đó các cơ quan ban hành pháp luật không những tìm thấy những hạn chế trong pháp luật thực định mà còn thấy cả những khoảng trống của pháp luật để tiếp tục khắc phục những điểm yếu của pháp luật hiện hành, xây dựng những quy phạm để điều chỉnh được đầy đủ các quan hệ về thừa kế đã và đang phát sinh và có thể dự báo được những quan hệ sẽ phát sinh trong thời gian tới. Để có chuẩn mực trong việc rà soát, đánh giá, qua đó hoàn thiện các quy định về thừa kế, phải dựa trên quan điểm hiện nay của Đảng và nhà nước về xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dân sự, về quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, về hội nhập quốc tế. Về thực tiễn, thước đo để đánh giá sự đúng đắn của các quy phạm chính là nhu cầu cần được ghi nhận và bảo vệ quyền thừa kế và thực trạng áp dụng, thực hiện bộ phận pháp luật này trong cuộc sống. Khi rà soát pháp luật, các chủ thể có thẩm quyền phải luôn bám sát các tiêu chí để hoàn thiện pháp luật, đó là tính đồng bộ, phù hợp và tính khoa học trong kỹ thuật pháp lý. Chẳng hạn, để tính đồng bộ của pháp luật được đảm bảo cần tìm ra tất cả các quy phạm mâu thuẫn và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý như yêu cầu sửa lại điểm b, Khoản 4, Điều 10, Nghị định 81/2000/NĐ-CP theo hướng cho người nước ngoài được quyền thừa kế nhà ở để phù hợp với quy định tại nghị định 60/CP, 61/CP năm 1994 và BLDS 2005 để đảm bảo tính phù hợp của pháp luật, cần tìm ra và đề nghị bãi bỏ những quy định lạc hậu (ví dụ như quy định thừa kế quyền sử dụng đất, thừa kế thế vị con nuôi...). Để đảm bảo kỹ thuật pháp lý đạt trình độ cao, phải rà soát nhằm phát hiện và xử lý những văn bản quy định về thừa kế còn yếu kém về mặt kỹ thuật, sai sót về diễn đạt, ngôn ngữ sử dụng... để đảm bảo tính tương thích với pháp luật quốc tế thì cần phải có sự so sánh, đối chiếu với các cam kết, chuẩn mực trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã hoặc sẽ tham gia nhằm hài hoà các quy định pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế, đảm bảo cho việc xây dựng và thực hiện chương trình thể chế hoá gia nhập WTO. Chẳng hạn, trong lĩnh vực thừa kế và yếu tố nước ngoài, cần sự rà soát lại các quy định thừa kế quyền sử dụng đất để phù hợp với các nguyên tắc của các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia... Để công tác rà soát pháp luật được tiến hành một cách toàn diện, đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều lực lượng với nhiều phương thức khác nhau trước hết, cần phải nâng cao năng lực của bộ tư pháp cơ quan chủ quản trong việc rà soát văn bản pháp luật. Cần xây dựng kế hoạch cụ thể, có chương trình rà soát cả ngắn hạn và dài hạn. Thu hút các nhà khoa học, chuyên gia những người hoạt động thực tiễn và nhân dân vào quá trình rà soát PLVTK. 3.2.2. Sửa đổi, bổ sung những quy định chưa phù hợp của pháp luật về thừa kế PLVTK đã thể chế hoá một cách khá đầy đủ và cụ thể đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước về quyền con người, tạo ra hành lang pháp lý vững chắc cho công dân thực hiện quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế của mình. Tuy nhiên, trong điều kiện hội nhập quốc tế và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, một số quy định PLVTK chưa rõ ràng, chưa thực sự phù hợp và rất khó áp dụng trên thực tế, cần phải hoàn thiện trong quá trình triển khai thực hiện cụ thể gồm những vấn đề sau: * Về xác định thời điểm mở thừa kế: Đây là vấn đề hết sức quan trọng không những liên quan đến hiệu lực di chúc nói riêng mà còn liên quan đến nhiều nội dung quan trọng khác của thừa kế nói chung, như xác định người thừa kế. Theo quy định tại K1 Điều 633 BLDS "thì thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết, trong trường hợp toà án tuyên bố một người đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định theo quy định tại K2. Điều 81 BLDS. Tuy nhiên, trong thực tế việc xác định mốc thời gian là việc không đơn giản. Đối với trường hợp một người chết bình thường (chết sinh học). Thì thời điểm mở thừa kế tính theo phút được xác định rất đơn giản. Nhưng đối với trường hợp do biến cố (thiên tai, tai nạn máy bay, mất tích...) thì thời điểm mở thừa kế tính theo phút rất khó khăn, phức tạp. Một câu hỏi đặt ra, thời điểm mở thừa kế được tính theo đơn vị phút, giờ, hay ngày, pháp luật hiện hành vẫn chưa quy định. Do vậy, để đảm bảo tính khách quan chính xác cũng như yêu cầu quan trọng khác theo quy định chung của pháp luật, theo chúng tôi nên quy định thời điểm chết được xác định theo đơn vị ngày. Điều đó sẽ tránh được hoài nghi, thắc mắc của nhân dân đối với việc xét xử của toà án trong những trường hợp cụ thể. Hơn nữa nếu xét về truyền thống pháp luật chúng ta thấy rằng các bộ dân luật của Việt Nam trước đây đều xác định thời điểm mở thừa kế "thời điểm chết của người để lại di sản, theo ngày" (Điều 311. Bộ dân luật Bắc Kỳ) về phong tục tập quán, từ xa xưa khi nói đến cái chết của một người, nhân dân ta thường lấy đơn vị ngày làm mốc xác định. Người ta thường xác định bố mẹ, ông bà mất vào ngày nào để từ đó xác định ngày làm giỗ, chạp để tưởng nhớ người đã khuất. Mặt khác, nhiều BLDS trên thế giới khi xác định thời điểm mở thừa kế đều xác định theo ngày. BLDS của Cộng hoà liên bang Nga năm 2002 quy định tại Điều 1114 như sau: “Ngày mở thừa kế là ngày người để lại di sản chết. Trong trường hợp bị tuyên bố chết thì ngày mở thừa kế sẽ là ngày quyết định của toà án về việc tuyên bố chết có hiệu lực pháp luật. Còn trong trường hợp có căn cứ để xác định ngày chết thì ngày mở thừa kế là ngày toà án đã xác định trong bản án. Những người chết trong cùng một ngày được coi là chết cùng thời điểm”. Vì vậy, chúng tôi thấy cần phải quy định lại thời điểm mở thừa kế cho phù hợp với thực tế, với phong tục tập quán của dân tộc cũng như xu hướng hội nhập luật pháp quốc tế. * Về việc từ chối nhận di sản: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 642 BLDS năm 2005 thì “người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác”. Tuy nhiên, việc từ chối nhận di sản của người thừa kế không dễ dàng vì phải trải qua một loạt các thủ tục: “phải thể hiện bằng văn bản, người từ chối phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc UBND xã phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản” (Khoản 2, Điều 642 BLDS 2005). Quy định này không những làm phức tạp hoá vấn đề mà còn không phù hợp với thực tiễn. Bởi lẽ, thực tiễn xét xử cho thấy thường là chỉ cần đương sự khai báo rõ ràng việc từ chối hưởng di sản mà không nhằm trốn tránh nghĩa vụ khác đều được toà án chấp nhận. Hơn nữa, theo quan niệm của người dân cũng như nguyên tắc tự định đoạt của chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự, việc từ chối hưởng di sản mà phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt thủ tục trên có phần thiếu thuyết phục. Do vậy, BLDS năm 2005 cần quy định lại thời hạn thủ tục từ chối nhận di sản, để đảm bảo việc từ chối nhận di sản thuộc quyền quyết định của người được nhận di sản. Đồng thời quy định hạn cuối cùng của sự từ chối nhận di sản là thời điểm chia di sản. * Về nhường quyền hưởng di sản: BLDS Việt Nam chưa quy định về người nhường quyền thừa kế mà chỉ quy định người từ chối quyền hưởng di sản do người chết để lại. Trong thực tiễn, giải quyết tranh chấp về thừa kế, nhiều trường hợp người thừa kế nhường phần thừa kế của mình cho người thừa kế khác. Trong trường hợp này, toà án vẫn chưa chấp nhận cho họ được nhường kỷ phần bởi trong quan hệ dân sự, quyền tự định đoạt của đương sự là quyền luôn được tôn trọng và là nguyên tắc được quy định tại Điều 4 - BLDS năm 2005. Khi người thừa kế từ chối quyền hưởng thừa kế thì phần di sản này sẽ được phân chia theo pháp luật cho những người thừa kế khác. Còn khi người thừa kế nhường kỷ phần thừa kế của mình cho người thừa kế khác thì về mặt pháp lý, họ đã nhận phần di sản của mình và đã nhường cho người khác (với tư cách là tặng cho người khác). Để có cơ sở pháp luật, thiết nghĩ nên quy định cụ thể về vấn đề nhường quyền hưởng di sản thừa kế trong BLDS cụ thể như sau: + Người thừa kế có thể nhường quyền hưởng di sản thừa kế của mình cho những người khác. Việc nhường quyền hưởng di sản phải được lập thành văn bản. + Người được nhường quyền hưởng di sản phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại trong phạm vi di sản mà mình được nhường, trừ trường hợp thoả thuận khác. *Về thừa kế thế vị: Khoản 1 Điều 634 BLDS 2005 quy định về hành vi của người không có quyền hưởng thừa kế của người để lại di sản. Vấn đề đặt ra, trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản nhưng con đó khi còn sống đã bị kết án một trong những hành vi theo quy định của Khoản 1 Điều 643 BLDS 2005 thì cháu có đựơc thừa kế thế vị không? Pháp luật hiện hành chưa có điều luật quy định cụ thể về vấn đề này, nhưng theo cách hiểu từ trước đến nay và suy luận trên tinh thần điều luật thì con của người đó không được hưởng thừa kế thế vị. Để đảm bảo quyền lợi, lợi ích của các cháu của người để lại di sản cũng như cho việc áp dụng PLVTK được thuận lợi, thiết nghĩ nên quy định rõ ràng cụ thể trong trường hợp cha và mẹ của cháu khi còn sống đã bị kết án về một trong những hành vi theo quy định tại Khoản 1 Điều 643 BLDS 2005. Vì xét theo quan hệ thân thuộc, cháu không có lỗi và không chịu trách nhiệm về hành vi độc lập của cha mẹ. Tham khảo pháp luật của một số nước trên thế giới, thấy rằng trong trường hợp cha hoặc mẹ của cháu (chắt) khi còn sống bị pháp luật tước quyền thừa kế do những hành vi vi phạm thì cháu (chắt) vẫn được hưởng di sản thừa kế của ông bà hoặc cụ. Do vậy, cần phải bổ sung trường hợp những người bị tước quyền thừa kế theo Điều 643 BLDS 2005 thì con cháu họ vẫn được hưởng thừa kế thế vị, trừ khi chính con, cháu họ cũng vi phạm Khoản1 Điều 643 BLDS 2005. Khi nghiên cứu về thừa kế thế vị, còn một vấn đề đặt ra mà nhiều chuyên gia pháp lý đang tranh luận sôi nổi, đó là quyền thừa kế thế vị của con riêng. Theo Điều 677 BLDS, người thừa kế thế vị phải là người cùng huyết thống với người để lại di sản và người đáng lẽ ra được hưởng di sản nhưng lại chết cùng thời điểm hoặc chết trước người để lại di sản. Cụ thể, cha chết để lại di sản cho con, nhưng con lại chết trước cha, thì cháu được thừa kế thế vị. Còn vợ của người con là con dâu, lại không được thừa kế thế vị đối với phần di sản đó, vì con dâu và bố chồng cũng như vợ và chồng là những người không cùng huyết thống. Trong khi đó theo Điều 679 BLDS, con riêng lại được hưởng thừa kế thế vị thay bố dượng. Mặc dù, giữa họ không có quan hệ huyết thống và cũng chẳng có mối quan hệ pháp lý ràng buộc nào cả. Mặt khác, khi bố dượng đã chết, về nguyên tắc mối quan hệ giữa con riêng và bố dượng được coi là chấm dứt. Thế thì, tại sao con riêng lại được hưởng thừa kế thế vị thay bố dượng. Tôi thiết nghĩ các cơ quan thẩm quyền nên xem xét lại Điều 679 BLDS, nên chăng huỷ bỏ thừa kế thế vị đối với con riêng. * Về những người thừa kế được sinh ra theo phương pháp khoa học hiện đại. PLVTK hiện hành ở nước ta chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Trong xã hội phát triển, trên thế giới cũng như Việt Nam, ngày càng có nhiều người mong muốn được sinh con theo phương pháp khoa học hiện đại. Do vậy, vấn đề công nhận cha cho những đứa trẻ sinh ra theo phương pháp thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm hết sức quan trọng. Điều đó không những có ý nghĩa trong việc đảm bảo quyền lợi cho những đứa trẻ mà còn mang lại tình thương yêu, tạo ra những suy nghĩ tốt đẹp trong việc hình thành nhân cách trẻ thơ. Ngược lại, nếu xảy ra tranh chấp xuất phát từ vấn đề này sẽ hình thành những suy nghĩ không tốt và gây những vết thương lòng cho những đứa trẻ vô tội. Vì vậy, tôi nghĩ trong thời gian tới cần phải bổ sung vấn đề những người thuộc diện thừa kế được sinh ra theo phương pháp khoa học hiện đại một cách cụ, thể rõ ràng. Trong trường hợp con sinh ra theo phương pháp khoa học thì giữa con và cha, mẹ thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được xác định như cha mẹ đối với con đẻ và họ có quyền thừa kế di sản của nhau. Người con sinh ra theo phương pháp khoa học không được quyền yêu cầu thừa kế, quyền được nuôi dưỡng đối với người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi. Có như vậy, khi phát sinh tranh chấp về thừa kế liên quan đến những người này thì những nhà áp dụng luật mới có cơ sở để giải quyết một cách thấu tình đạt lý, nâng cao công tác xét xử và tạo niềm tin vào pháp luật trong lòng nhân dân. * Về người làm chứng cho việc lập di chúc (Điều 654): Theo quy định của Điều 654, mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây: 1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc. 2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; 3. Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự. Để đảm bảo di chúc được lập ra theo đúng ý chí của người để lại di sản, không bị tác động bởi người vì lợi ích của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật, theo chúng tôi cần bổ sung thêm một trường hợp không được làm chứng cho việc lâp di chúc (Khoản 4 Điều 654) đó là: "người có cha, mẹ, vợ, chồng, con là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật". Bổ sung thêm khoản này sẽ làm cho Điều 654 được chặt chẽ hơn đồng thời cũng tạo ra sự thống nhất giữa Điều 654 và Điều 659 BLDS năm 2005 (những người không được công chứng, chứng thực di chúc). * Về người viết hộ di chúc: BLDS năm 1995 và BLDS năm 2005 không quy định người viết hộ di chúc phải có những điều kiện gì, những đối tượng nào không được viết hộ di chúc... vì vậy để đảm bảo việc thống nhất khi áp dụng pháp luật cũng như người viết hộ thấy được vai trò của mình và trách nhiệm trong trường hợp người viết hộ trốn tránh pháp luật khi họ thông đồng với người làm chứng viết không đúng ý muốn đích thực của người lập di chúc, theo chúng tôi pháp luật nên quy định những điều kiện đối với người viết hộ di chúc, diện những người được viết hộ di chúc theo hướng: "những người viết hộ di chúc phải đảm bảo các điều kiện như người làm chứng cho di chúc được quy định tại Điều 654 BLDS năm 2005. * Về việc thừa kế có yếu tố nước ngoài: hiện nay trong xu thế hội nhập quốc tế, quan hệ mọi mặt giữa nước ta và các nước ngày càng phát triển, công dân nước ngoài ở nước ta cũng như công dân nước ta ở nước ngoài ngày càng đông, tài sản của họ ở nước ngoài ngày càng nhiều. Với tình hình đó, nhất định sẽ phát sinh mối quan hệ PLVTK có yếu tố nước ngoài. Trong lúc đó, do bản chất chế độ chính trị, kinh tế mỗi nước, do tình hình, đặc điểm của mỗi dân tộc, nội dung PLVTK của mỗi nước sẽ khác nhau như về quyền thừa kế, về năng lực lập di chúc, về hình thức và nội dung lập di chúc về diện và hàng thừa kế, về xác định khối di sản... ví dụ về năng lực lập di chúc, theo pháp luật nước ta cũng như pháp luật của đại đa số các nước quy định người có quyền lập di chúc phải là người đạt tuổi trưởng thành có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Tuy vậy theo pháp luật của một bang ở Mỹ lại quy định là người 14 tuổi đã được quyền lập di chúc. Hoặc theo pháp luật một số nước khác, người đạt 14, 15 tuổi đã được lập di chúc: Câu hỏi được đặt ra là: Công dân nước ngoài dưới 18 tuổi xin lập di chúc ở cơ quan có thẩm quyền nước ta theo pháp luật của nước ngoài này, thì đương sự đủ điều kiện lập di chúc. Vậy cơ quan có thẩm quyền nước ta chấp thuận hay từ chối trong việc công chứng? Công dân nước ta dưới 18 tuổi xin lập di chúc ở cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài và đã được cơ quan nước này chấp nhận. Vậy pháp luật nước ta coi di chúc hợp lệ hay không hợp lệ? Hoặc về hình thức: Nhìn chung, pháp luật đại đa số các nước quy định có loại di chúc mật, pháp luật nước ta lại không quy định loại di chúc này. Di chúc mật là loại di chúc, mà sau khi người lập di chúc viết xong, tự bỏ di chúc này vào phong bì, có hai người làm chứng và được gián kín lại. Công chứng viên chỉ tiến hành công chứng ngoài phong bì. Câu hỏi đặt ra là: Công dân nước ta xin lập di chúc mật ở cơ quan thẩm quyền ở nước ngoài và được cơ quan này chứng nhận vậy pháp luật nước ta có coi di chúc mật này là hợp lệ hay không? Công dân nước ngoài xuất trình di chúc mật với cơ quan có thẩm quyền nước ta để nhận di sản ở nước ta. Vậy pháp luật nước ta có chấp nhận di chúc mật này không? Để giải quyết bất đồng nói trên, trong nội luật các nước có những quy phạm xung đột PLVTK. Theo Điều 768 BLDS 2005 Việt Nam, năng lực lập di chúc được điều chỉnh theo pháp luật của nước người lập di chúc "là công dân" hình thức của di chúc phải tuân theo pháp luật của nước "nơi lập di chúc" trong khi đó theo pháp luật Liên Xô lại quy định năng lực lập di chúc được xác định theo pháp luật nơi thường trú" pháp luật một số nước khác lại quy định "theo luật quốc tịch"... Vậy, để giải quyết xung đột PLVTK chúng ta nên áp dụng công thức nào cho thích hợp, vừa đảm bảo tính nguyên tắc, vừa đảm bảo tính tự nguyện cho người lập di chúc, vừa phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Theo chúng tôi cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng các quy phạm xung đột về thừa kế, tiếp tục tham gia các công ước đa phương hoặc ký kết hiệp định song phương để giải quyết vấn đề này. * Về cấu trúc và sử dụng từ ngữ trong một số quy phạm PLVTK: Xét về mặt kỹ thuật pháp lý PLVTK hiện hành vẫn còn những quy định chưa lôgích, một số từ ngữ sử dụng chưa khoa học, chưa chính xác nên cần thiết phải khắc phục, chẳng hạn cần sửa đổi một số từ trong Khoản 3 Điều 654 BLDS năm 2005. Bởi vì trong trường hợp người chưa đủ 18 tuổi, theo quy định tại Điều 18,19,20,21,22 thì người chưa đủ 18 tuổi gọi là người chưa thành niên được chia thành hai nhóm: nhóm từ đủ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi là nhóm năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ và nhóm chưa đủ 6 tuổi là nhóm không đủ năng lực hành vi dân sự. Do đó tại Khoản 3 điều này quy định: "người chưa đủ 18 tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự" là chưa chính xác. Vì vậy, cần sửa đổi : "người không có năng lực hành vi dân sự" thành người "mất năng lực hành vi dân sự" tức là những người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức hoặc làm chủ được hành vi của mình. Sự sửa đổi này sẽ làm cho quy định của điều luật được chặt chẽ thống nhất với Điều 19, 20, 21, 22, 23, 24 BLDS 2005, Hoặc những quy phạm pháp luật xung đột về thừa kế tại Điều 767 và Điều 768 BLDS 2005 cũng cần chỉnh lý lại một số từ ngữ cho thích hợp. Ví dụ: "thừa kế theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch trước khi chết" (17, Điều 767). Theo ý kiến chúng tôi, quy phạm pháp luật xung đột này phải được diễn đạt lại "thừa kế theo pháp luật được điều chỉnh hoặc được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản là công dân". “Hình thức của di chúc phải tuân theo pháp luật của nước nơi lập di chúc” 17, Điều 768, theo ý kiến chúng tôi, quy phạm pháp luật xung đột này được diễn đạt như sau: hình thức di chúc được điều chỉnh, hoặc được xác định theo pháp luật của nước nơi lập di chúc. Ngoài ra, cấu trúc các điều luật trong một số chương không hợp lý, ví dụ như chương thừa kế theo di chúc có những điểm không hợp lý với nội dung cũng như việc sắp xếp các điều luật, điều đó không tạo ra sự liền mạch về cùng một vấn đề gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật. Theo chúng tôi, những quy định về di chúc và các loại di chúc quy định hết ở phần đầu của chương này gồm các Điều 646 (di chúc), Điều 647 (người lập di chúc), Điều 648 (quyền người lập di chúc) và các điều tiếp theo là thế nào là di chúc hợp pháp, hiệu lực pháp luật của di chúc, người thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc, người làm chứng di chúc... sau đó mới quy định các hình thức di chúc. * Về luật tố tụng: Theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 toà án nhân dân cấp huyện thụ lý và giải quyết tất cả các vụ án dân sự, kinh tế, thương mại. Điều này không những không đảm bảo được tính chuyên nghiệp của toà án mà còn kéo theo tình trạng án sửa, án huỷ, án tồn đọng hàng năm. Quan hệ thừa kế có những nét đặc thù riêng, nó khác nhau về bản chất so với quan hệ pháp luật khác, và khi giải quyết các quan hệ thừa kế toà án cũng phải dựa trên các nguyên tắc khác nhau. Vì vậy, việc xây dựng các cơ sở pháp lý cho các thẩm phán chuyên trách về thừa kế là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay góp phần giúp các thẩm phán có thời gian và điều kiện tập trung chuyên môn sâu hơn về lĩnh vực thừa kế, hạn chế việc sửa án và huỷ án, đồng thời làm giảm thiểu tình trạng án tồn đọng. Ngoài ra, cần sớm sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật tố tụng để tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc giúp toà án giải quyết chính xác, hiệu quả các tranh chấp về thừa kế, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. 3.2.3. Kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn về thừa kế Xây dựng luật là công việc hết sức khó khăn nhưng để luật đi được vào cuộc sống, phát huy giá trị trong cuộc sống còn khó khăn hơn gấp bội. Để luật đi được vào cuộc sống, điều chỉnh một cách hiệu quả các quan hệ xã hội thì công tác hướng dẫn thi hành luật có ý nghĩa vô cùng quan trọng [72, tr.100]. Như chúng tôi đã phân tích ở các phần trước thì các quy định về thừa kế hiện hành còn khái quát cô đọng nhưng thực tiễn lại hết sức đa dạng phong phú và không ngừng biến đổi. Đặc biệt, trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thu nhập của nhân dân ta không chỉ đủ để chi phí sinh hoạt hàng ngày mà còn có điều kiện tích luỹ để lại cho con cháu sau này, rồi đây di sản thừa kế không chỉ đơn thuần là tài sản có thể xác định ngay được ở thời điểm mở thừa kế, mà còn là giá trị phần trăm, cổ phần, sở hữu đối với một công ty, một tập đoàn kinh tế... Do đó, để áp dụng pháp luật đạt hiệu quả không chỉ dựa vào các văn bản đã được pháp điển hoá thành bộ luật mà còn dựa vào các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Vấn đề này đã được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội về việc hướng dẫn thi hành BLDS 2005 như sau: "Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình hướng dẫn thực hiện BLDS ". Qua quá trình nghiên cứu lý luận và thực tiễn áp dụng chúng tôi thấy những vấn đề sau đây cần có hướng dẫn cụ thể để áp dụng thống nhất : * Về quan hệ thừa kế giữa con riêng với bố dượng, mẹ kế: Điều 679 BLDS 2005 quy định: “Con riêng và bố dượng mẹ kế đều có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và được thừa kế theo quy định tại Điều 676 và Điều 677 Bộ luật này”. Trên tinh thần Điều 679 thì tiêu chí để xác định con riêng với bố dượng, mẹ kế có được hưởng thừa kế của nhau hay không là dựa trên quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng lẫn nhau. Nếu hai phía không có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng thì không được thừa kế của nhau. Tuy nhiên “quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng” là một phạm trù rất trừu tượng, không thể xác định một cách cụ thể, rõ ràng. Vậy, dựa vào tiêu chí đâu để đánh giá “chăm sóc nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con?” Mức độ như thế nào? Thời gian bao lâu? Nếu chỉ quan hệ một chiều, một bên chăm sóc nuôi dưỡng, còn bên kia không chăm sóc nuôi dưỡng thì có được hưởng thừa kế không? Pháp luật có đòi hỏi con riêng và bố dượng sống chung nhà hay không?... Như vậy, nếu không có sự hướng dẫn kịp thời của cơ quan có thẩm quyền thì việc xác định quyền thừa kế giữa con riêng và cha, mẹ kế là một vấn đề rất phức tạp, sẽ có nhiều quan điểm khác nhau trong việc áp dụng quy phạm này để giải quyết tranh chấp. Trên thực tế, tuỳ theo cách hiểu của thẩm phán, có trường hợp toà án cho hưởng thừa kế, nhưng có trường hợp chỉ trích công sức nuôi dưỡng lo ma chay và thậm chí không chấp nhận yêu cầu của họ. Lúc đó quyền lợi con riêng với bố dượng, mẹ kế khó có cơ sở pháp lý để bảo vệ, khi xung quanh họ có rất nhiều người, có quan hệ thân thuộc, gần gũi trong diện thừa kế. Vì vậy, chúng tôi đề nghị cơ quan thẩm quyền cần phải có một văn bản hướng dẫn cụ thể Điều 679, để cơ quan chức năng nhất quán thi hành. Theo tác giả, khi xây dựng điều luật về vấn đề thừa kế theo pháp luật giữa con riêng với cha kế, mẹ kế thì phải quy định cụ thể về tiêu chí xác định "quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng nhau như cha con mẹ con" như về thời gian chăm sóc, mức độ chăm sóc, căn cứ xác định... có quy định cụ thể như vậy, không những thuận tiện cho việc áp dụng quy phạm để giải quyết những tranh chấp về quyền thừa kế mà còn phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội và truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. * Về sự đồng ý của cha mẹ đối với con từ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi lập di chúc. Để đảm bảo quyền tự định đoạt của những người ở độ tuổi này, pháp luật nước ta vẫn quy định cho họ được lập di chúc dù họ chưa thành niên. Tuy nhiên, vì sự nhận thức của họ còn hạn chế nên trong Khoản 2 Điều 652 BLDS2005 đã quy định việc lập di chúc của những người này phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Do hiện nay pháp luật chưa quy định cụ thể về thời điểm cũng như hình thức đồng ý của cha mẹ người giám hộ là đồng ý về việc lập di chúc hay là đồng ý về sự định đoạt trong nội dung di chúc, nên còn có những ý kiến khác nhau trong khoa học pháp lý. Về nguyên tắc thì do chưa có văn bản nào khác ngoài quy định BLDS 2005, nên cha mẹ có thể đồng ý bất kỳ ở giai đoạn nào của quá trình lập di chúc; Trước, trong, sau khi lập di chúc. Nếu để cha, mẹ có ý kiến sau khi di chúc đã được lập thì sẽ không đảm bảo được tính khách quan. Nếu như di chúc không có lợi cho cha, mẹ thì việc để cha, mẹ đồng ý là vấn đề rất khó, vì người cha, mẹ chỉ cần không đồng ý thì di chúc đương nhiên không có hiệu lực, di sản được chia theo pháp luật, cha mẹ sẽ là người ở hàng thừa kế thứ nhất của người con chưa thành niên. Nếu hiểu sự đồng ý là đồng ý việc định đoạt nội dung di chúc thì vô hình dung pháp luật đã can thiệp đến quyền tự định đoạt, ý chí tự nguyện của người lập di chúc, trong lúc đó ý chí tự nguyện là một trong những điều kiện để di chúc được xem là hợp pháp. Từ những lý lẽ trên, chúng tôi cho rằng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi ban hành các văn bản để giải thích luật hoặc để hướng dẫn thi hành Đ 652 BLDS 2005 thì cần phải quy định cụ thể theo hướng sau: Sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ là ý kiến của họ về việc cho hay không cho người trên 15 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi lập di chúc chứ không can thiệp sự định đoạt của họ trong nội dung của bản di chúc. ý kiến của những người nói trên phải được thể hiện trong một văn bản riêng và phải thể hiện trước khi di chúc được lập. Nếu di chúc đã được lập mà cha, mẹ hoặc người giám hộ của người lập di chúc không có ý kiến gì thì coi như họ đã đồng ý cho lập di chúc và vì vậy di chúc đó sẽ được coi là hợp pháp. Nếu những người nói trên không đồng ý việc lập di chúc của người chưa đủ 18 tuổi sau khi đã nắm bắt nội dung của di chúc vì sự định đoạt trong nội dung di chúc ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người không đồng ý thì di chúc đó vẫn được coi là có hiệu lực pháp luật. * Về di chúc miệng: hình thức di chúc miệng vốn là một trong những tập quán hình thành từ lâu đời của người Việt Nam. Đó là sự bày tỏ bằng lời nói ý chí của mình cho người khác sau khi chết. Cho tới nay pháp luật vẫn ghi nhận thừa kế theo hình thức di chúc miệng. Tuy nhiên, đây là hình thức di chúc được thực hiện "bằng lời nói" nên thực tế rất khó khăn cho việc ghi nhận sự thật cũng như xác định tính khách quan của di chúc. Do vậy Điều 651 BLDS 2005 đã quy định di chúc miệng chỉ được coi là hợp pháp khi nó đáp ứng được những yêu cầu cụ thể: Trước hết, việc lập di chúc miệng chỉ được áp dụng trong trường hợp khi tính mạng của một người bị cái chết đe doạ do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản. Hai là người lập di chúc phải thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Ba là sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng bị huỷ bỏ. Bốn là trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực. Chúng tôi cho rằng, những quy định trên về di chúc miệng là quá sơ sài, đơn giản. Dả dụ như việc ghi ngày, tháng, năm lập di chúc là một quy định bắt buộc đối với di chúc bằng văn bản được quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 656 BLDS 2005 thì đối với di chúc miệng cũng không thấy nêu gì vấn đề này. Mặt khác, khi những người làm chứng ghi lại nội dung di chúc miệng cũng cần tuân theo các quy định của di chúc văn bản (Điều 653 BLDS 2005). Hơn nữa, những người nào được mang di chúc miệng đi chứng nhận, chứng thực hay chỉ người làm chứng và trách nhiệm của họ khi không thực hiện việc đi chứng nhận chứng thực cũng là vấn đề cần quy định. Theo BLDS Nhật Bản thì quy định rất cụ thể về người viết cũng như người đi chứng nhận, chứng thực di chúc miệng, các căn cứ cơ quan có thẩm quyền xác định di chúc Điều 976. Vì vậy, để việc áp dụng pháp luật được thống nhất chúng tôi đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có hướng dẫn kịp thời về hình thức di chúc này, người viết lại di chúc miệng, trách nhiệm của người mang di chúc miệng đi công chứng, chứng thực... 3.2.4. Tăng cường năng lực lập pháp của Quốc hội Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp trong đó có quyền ban hành các quy phạm pháp luật về thừa kế. Do đó, Quốc hội phải nắm bắt được ý chí nguyện vọng của nhân dân trước những vấn đề mà cuộc sống đang đòi hỏi cần có sự điều chỉnh của pháp luật nói chung và vấn đề thừa kế nói riêng nhằm ban hành, sửa đổi hoặc bổ sung kịp thời những quy định của pháp luật. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này đòi hỏi phải giải quyết những vấn đề cơ bản sau: - Trước hết, kiện toàn tổ chức bộ máy chuyên trách giúp Quốc hội trong công tác lập pháp, kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản pháp luật và giám sát các hoạt động xây dựng pháp luật của các cơ quan cấp dưới. - Thứ hai, tăng cường số lượng đại biểu chuyên trách để đại biểu quốc hội có đủ điều kiện tham gia hoạt động lập pháp và kiểm tra, giám sát các hoạt động lập pháp, lập quy. Các đại biểu phải nắm bắt sâu sắc nhiều vấn đề trong đó có vấn đề thừa kế. - Ba là, cần có cơ chế phù hợp, đặc biệt là bộ máy giúp việc và kinh phí, trang thiết bị để tạo điều kiện cho đại biểu quốc hội thực hiện tốt nhiệm vụ trong hoạt động xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong đó có pháp luật về thừa kế và thực hiện quyền kiến nghị về luật ra trước Quốc hội, - Bốn là, cần trang bị kỹ năng về lập pháp cho đại biểu quốc hội. Mặc dù, đại biểu quốc hội là những nhà hoạt động chính trị nhưng trong sự nghiệp của mình thì việc thực hiện nhiệm vụ lập pháp được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Trong khi đó, không phải bất kỳ ai trở thành đại biểu quốc hội cũng được trang bị kỹ năng này. Do đó, tăng cường công tác đào tạo và bồi dưỡng về kỹ năng lập pháp nhằm có đủ phẩm chất và năng lực thực hiện công việc là việc có ý nghĩa quan trọng. Đồng thời, bảo đảm việc cung cấp thông tin cần thiết cho đại biểu quốc hội, thông tin phải đa dạng, nhiều chiều, được cập nhật thường xuyên và có độ tin cậy cao. Đồng thời thường xuyên tạo điều kiện cho các đoàn đại biểu quốc hội sang thăm và làm việc tại nước ngoài nhằm trao đổi nghiệp vụ, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao khả năng chuyên môn của các nhà lập pháp. Tiếp tục đổi mới cách thức và phạm vi các nội dung thảo luận của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội về dự án luật, pháp lệnh cũng như các văn bản pháp luật về thừa kế. Quốc hội chỉ tập trung thảo luận những vấn đề thuộc về đường lối, chính sách, các nội dung cơ bản và những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án luật. Quốc hội tăng thời gian cho hoạt động lập pháp, đồng thời xây dựng cơ chế để phát huy vai trò và trách nhiệm của đại biểu quốc hội chuyên trách, của các cơ quan giúp việc Quốc hội trong hoạt động lập pháp và giám sát. Ngoài ra, cũng cần phải tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, quy trình lập pháp, lập quy của chính phủ, hiệu quả văn bản giải thích pháp luật về thừa kế của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các bộ, cơ quan ngang bộ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao... tăng cường vai trò của cơ quan tổ chức nghiên cứu chuyên ngành trong hoạt động xây dựng PLVTK, hiện đại hoá phương thức và phương tiện xây dựng pháp luật... Kết luận chương 3 Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa của PLVTK cũng như yêu cầu sự nghiệp đổi mới, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, nhu cầu hội nhập quốc tế hiện nay, việc đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện PLVTK là một yêu cầu tất yếu khách quan. Trên cơ sở định hướng các quan điểm của Đảng, Nhà nước, và thực trạng PLVTK, tác giả phát hiện những quy định pháp luật thiếu tính khái quát, tính đồng bộ, toàn diện và từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện PLVTK được nêu ở mục 3.2 chương 3. Kết luận Thừa kế là một trong những quan hệ xã hội ra đời và phát triển cùng với sự xuất hiện và phát triển của xã hội loài người. Trong bất kỳ chế độ xã hội có giai cấp nào, vấn đề thừa kế cũng có vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật và bản thân nó cũng phản ánh phần nào bản chất của chế độ xã hội đó, thậm chí còn phản ánh được tính chất từng giai đoạn trong quá trình phát triển của một chế độ xã hội. ở Việt Nam, từ khi hình thành cho đến nay, PLVTK luôn được xây dựng và hoàn thiện phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội qua từng giai đoạn nhất định. PLVTK ở giai đoạn sau thường kế thừa và tiếp tục phát huy những quy định có nội dung tiến bộ của giai đoạn trước, đồng thời bổ sung những quy định mới cho phù hợp với yêu cầu của xã hội lúc bấy giờ. Điều này được minh chứng từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, Nhà nước ta luôn bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế của công dân. Từ đó đến nay, các quy định PLVTK không ngừng hoàn thiện; mở rộng, phát triển để đảm bảo cho quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, so với sự vận động mạnh mẽ của nền kinh tế đang chuyển đổi và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền. Hiện trạng PLVTK ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cả về mặt nội dung và hình thức. Thế giới luôn vận động và phát triển nên các quy định của PLVTK không thể nào bất biến và mãi mãi trường tồn. Thực tiễn của cuộc sống đang đặt bộ phận pháp luật này trước yêu cầu khách quan phải hoàn thiện. Để việc nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về thừa kế đạt kết quả tốt, điều đầu tiên phải đánh giá một cách khách quan những thiếu sót, hạn chế, bất cập trong PLVTK hiện hành. Cần phải quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện PLVTK. Ngoài ra, cũng cần phải biết kế thừa và phát huy những thành quả đã có, những điểm tiến bộ, còn phù hợp đồng thời biết tham khảo có chọn lọc những kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là những nước xây dựng thành công rất sớm bộ phận pháp luật này như nước cộng hoà Pháp, Nhật Bản... Để thực hiện được mục tiêu trên, đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ. Trước hết cần phải rà soát và hệ thống hoá lại toàn bộ các quy phạm, tìm ra các điểm bất cập để tiếp tục hoàn thiện. Đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định về thừa kế thế vị, con sinh ra bằng phương pháp khoa học, các điều kiện có hiệu lực di chúc... phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế. Mặt khác, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn về các điều khoản chưa rõ ràng, cụ thể để tránh những cách hiểu không đồng bộ, tạo sự thống nhất trong cách giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế xây dựng PLVTK, cũng là một biện pháp hữu hiệu trong quá trình hoàn thiện PLVTK. Tuy nhiên, các giải pháp này không thể hoàn thành trong một sớm một chiều mà phải có một thời gian nhất định, với một lộ trình phù hợp. Hy vọng rằng, với sự nỗ lực của cơ quan xây dựng pháp luật, PLVTK ở Việt Nam sẽ ngày càng hoàn thiện, góp phần tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế, xã hội đất nước. danh mục tài liệu tham khảo 1. Toan ánh (1998), Phong tục thờ cúng trong gia đình Việt Nam, Nxb Đồng Tháp. 2. Ph.Ăngghen (1961), Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà n- ước, Nxb Sự thật, Hà Nội. 3. Ph.Ăngghen, Tuyển tập, Tập 16, Nxb Sự thật, Hà Nội. 4. Bản thuyết minh về dự thảo Bộ luật Dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2005). 5. Trần Hữu Biền và TS. Đinh Văn Thanh (1995), Hỏi đáp về pháp luật về thừa kế, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. 6. Bộ Chính trị (2005), Nghị quyết 48 về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010. 7. Bộ dân luật Bắc Kỳ 1931 (1988), Nxb Văn hoá. 8. Bộ dân luật Trung Kỳ 1936 (Hoàng Việt Trung Kỳ Hộ luật). 9. Bộ luật giản yếu (3-10-1883). 10. Bộ luật Sài Gòn năm 1972. 11. Bộ luật Dân sự Nhật Bản (1995), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 12. Bộ luật Dân sự thương mại Thái Lan (1995), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 13. Bộ luật Dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2005), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 14. Bộ luật Dân sự Pháp (1998), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 15. Bộ Quốc triều hình luật 1428 (1991), Nxb Pháp lý, Hà Nội. 16. Bộ Tư pháp (1995), Tài liệu tham khảo cho Ban soạn thảo Bộ luật Dân sự 1995, Bộ luật Dân sự bang Quebec Canada. 17. Bộ Tư pháp, Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý (1998), Một số vấn đề về pháp luật dân sự Việt Nam từ thế kỷ XV đến thời Pháp thuộc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 18. Bộ Tư pháp, Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý (2001), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 19. Các Nghị quyết của Trung ương Đảng 1996-1999 (2000), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 20. Cải cách ruộng đất ở Việt Nam (1968), Nxb Khoa học, Hà Nội. 21. Chính quyền thuộc địa ở Việt Nam (1968), Nxb Sử học, Hà Nội. 22. Đỗ Văn Chỉnh (10-2006), "Di sản không có người thừa kế hoặc từ chối nhận di sản - vấn đề cần có hướng dẫn", Tạp chí Tòa án nhân dân, (20). 23. Phan Huy Chú (1992), Lịch triều Hiến chương loại chí, Bản dịch XLII, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 24. Chính phủ (1996), Nghị định số 76/CP, ngày 29-11-1996 hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự. 25. Chính phủ (1999), Nghị định về phương thức trả nhà ở số 25/1999/NĐ-CP, ngày 19-10-1999. 26. Chính phủ (2000), Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về đăng ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/2000/QH10 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình. 27. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 28. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 29. Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X , Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 30. Chế Mỹ Phương Đài (1997), Thừa kế theo pháp luật trong Bộ luật Dân sự, Luận văn thạc sĩ Luật, Viện Nghiên cứu Nhà nước và pháp luật. 31. Nguyễn Ngọc Điện (2001), Bình luận khoa học về thừa kế trong Bộ luật Dân sự, Nxb Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh. 32. Trần Ngọc Đường (1998), Lý luận chung về nhà nước pháp luật, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 33. Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam (1999), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. 34. Giáo trình Luật dân sự (1999), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. 35. Giáo trình Luật La Mã (2001), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. 36. Giáo trình Luật dân sự (2006), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. 37. Giáo trình lý luận chung nhà nước và pháp luật(2006), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. 38. T.S Dương Đăng Huệ (2000), Hoàn thiện pháp luật về hợp đồng ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ Luật, Đại học luật Hà Nội. 39. Trần Thị Huệ (2006), "Một số vấn đề về xác định di sản thừa kế", Tạp chí Tòa án nhân dân, (16), tr.2. 40. Trần Thị Huệ (2006), "Di sản thừa kế trong pháp luật dân sự của một số nước trên thế giới", Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (10), tr.78. 41. Thái Công Khanh (8-2006), "Những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện điều 679 Bộ luật Dân sự về quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố d- ượng, mẹ kế", Tạp chí Tòa án nhân dân, (16), tr.17. 42. Thái Công Khanh (10-2006), "Phương pháp giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế", Tạp chí Tòa án nhân dân, (20), tr.42. 43. Dã Lan - Nguyễn Đức Dụ (1992), Gia phả, khảo du và thực hành, Nxb Văn hóa, Hà Nội. 44. Ngô Sỹ Liên (1994), Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, 2, 3, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 45. Trần Đức Linh (1974), Danh từ pháp luật lược giải, Nxb Khai Trí, Sài Gòn. 46. Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (1980), tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 47. Lịch sử Việt Nam (1971), tập I, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 48. Lịch sử Việt Nam (1971), tập II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 49. Lịch sử Việt Nam 1954-1965 (1995), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 50. C.Mác - Ph.Ăngghen (1984), Tuyển tập, tập 6, Nxb Sự thật, Hà Nội. 51. C.Mác - Ph.Ăngghen (1986), Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Nxb Sự thật, Hà Nội. 52. Vũ Văn Mẫn (1970), Cổ luật Việt Nam lược khảo, Nxb Sài Gòn. 53. Vũ Văn Mẫn (1972), Cổ luật Việt Nam thông khảo, Nxb Sự thật, Hà Nội. 54. Vũ Văn Mẫn (1972), Dân luật lược giảng, Quyển I, Khoa Luật Đại học Sài Gòn, Nxb Sài Gòn. 55. Vũ Văn Mẫn (1975), Cổ luật Việt Nam và tư pháp sử diễn giảng, Quyển I, Tập 1, Nxb Sài Gòn. 56. Nguyễn Hồng Nam (2005), Các điều kiện có hiệu lực của di chúc, Luận văn thạc sĩ Luật, Đại học quốc gia Hà Nội. 57. Pháp lệnh thừa kế, 30-8-1990. 58. Phạm Thị Phượng (2004), Hoàn thiện pháp luật về quyền sở hữu có yếu tố n- ước ngoài, Luận văn thạc sĩ Luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. 59. Lê Kim Quế (1994), 90 câu hỏi - đáp pháp luật về thừa kế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 60. Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1946), Hiến pháp 1946. 61. Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1959), Hiến pháp 1959. 62. Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1980), Hiến pháp 1980. 63. Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2001), Hiến pháp 1992 và sửa đổi 2001. 64. Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1959), Luật Hôn nhân và gia đình. 65. Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1986), Luật Hôn nhân và gia đình. 66. Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1993), Luật Đất đai. 67. Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1998), Luật Đất đai. 68. Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2003), Luật Đất đai. 69. Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1995), Bộ luật Dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 70. Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2000), Luật Hôn nhân và gia đình. 71. Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2000), Nghị quyết số 35/2000/QH10, ngày 9-6-2000 về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình. 72. Trần Văn Quý (2006), Hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam, Luận văn thạc sĩ Luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. 73. Quyền thừa kế của công dân (1989), Nxb Pháp lý, Hà Nội. 74. Sắc lệnh số 97/SL, ngày 22-5-1950 sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật. 75. Lê Minh Tâm (2003), Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, Sách chuyên khảo, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. 76. Phùng Trung Tập (2001), Thừa kế theo pháp luật của công dân Việt Nam, Luận án tiến sĩ Luật, Đại học Luật Hà Nội. 77. Ngô Trung Thành (2006), Hoàn thiện pháp luật về trưng cầu ý dân, Luận văn thạc sĩ Luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. 78. Tòa án Nhân dân tối cao (1959), Chỉ thị số 772-CT/TATC về việc đình chỉ áp dụng luật lệ của đế quốc và phong kiến. 79. Tòa án Nhân dân tối cao (1968), Thông tư số 594-NCPL, ngày 27-8-1968 hư- ớng dẫn giải quyết tranh chấp về quyền thừa kế. 80. Tòa án Nhân dân tối cao (1972), Thông tư số 02-TATC, ngày 2-8-1972 về thừa kế di sản của liệt sĩ. 81. Tòa án Nhân dân tối cao (1981), Thông tư số 81-TANDTC, ngày 24-7-1981 hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thừa kế. 82. Tòa án Nhân dân tối cao (2005), Báo cáo tổng kết công tác tòa án toàn quốc năm 2005 và phương hướng nhiệm vụ ngành Tòa án năm 2006. 83. Phạm ánh Tuyết (2003), Thừa kế theo di chúc trong Bộ luật Dân sự Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật, Đại học Luật Hà Nội. 84. Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh (1999), Luật La Mã. 85. Trường Đại học Luật Hà Nội (1999), Từ điển giải thích luật ngữ luật học Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. 86. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (1998), Nghị quyết về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1-7-1991, số 58/1999/NQ-UBTVQH10. 87. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (1999), Thông tư liên tịch số 01/1999/TTLT- TANDTC, hướng dẫn một số quy định tại Nghị quyết số 58/1998/NQ- UBTVQH10. 88. Viện Nhà nước và Pháp luật (1994), Tập bài giảng Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam. 89. Nguyễn Thị Vĩnh (1996), Thừa kế theo pháp luật trong Bộ luật Dân sự Việt Nam, Luận văn thạc sĩ luật, Trường Đại học Luật Hà Nội.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdf150_1565.pdf
Luận văn liên quan