Luận văn Nghệ thuật xây dựng nhân vật hà tiện qua vở kịch “lão hà tiện” của Moliere và tiểu thuyết “Eugenie Grandet” của H.Balzac

Qua việc phân tích tư liệu, tổng hợp và phân loại tư liệu đã nhận ra được những đặc điểm giống nhau và khác nhau của hai nhân vật H’Arpagon và Grandet. Họ đều là những nhân vật tiêu biểu cho thời kì xã hội mà họsinh ra, có những đặc điểm chung đều là hai con người keo kiệt, hà tiện mặc dù rất giàu có. thế nhưng H’Arpagon và Grandet là sản phẩm sáng tạo của hai nhà văn, ở hai thế kỉ khác nhau, trong những hoàn cảnh xã hội không giống nhau, bịchi phối bởi những tư tưởng của thời đại. Chính vì vậy, H’Arpagon được Moliere xây dựng dưới góc độ một nhân vật hài kịch tính cách với đặc điểm nổi bật nhất là hà tiện. Còn Grandet xây dựng theo quan điểm của chủ nghĩa hiện thực phê phán “nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình”. Bên cạnh tính hà tiện thì Grandet còn được xây dựng rất cụ thể trong những hoạt động đời thường từ việc buôn bán làm ăn, tới việc xây dựng những mối quan hệ xã hội. Grandet đã được hiện thực hóa một cách sinh động. Grandet – điển hình của giai cấp tư sản Pháp thế kỉ XIX.

pdf56 trang | Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 4810 | Lượt tải: 4download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Nghệ thuật xây dựng nhân vật hà tiện qua vở kịch “lão hà tiện” của Moliere và tiểu thuyết “Eugenie Grandet” của H.Balzac, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
tồn tại như một bản năng”. Lão già yếu nhưng sở thích không hề thay đổi “bình thường lão có vẻ mê mẩn nhưng cứ đến ngày giờ thu thuế, tính sổ với tá điền, làm giấy biên nhận thì ông tỉnh lại”. Vàng, bạc là vật duy nhất có giá trị với Grandet “được món gì ông cũng chuyển hóa ra vàng, ra bạc và vàng bạc cứ bí mật vào xếp trong buồng kín, bên cạnh những bao chất đống từ trước”. Rõ ràng là keo kiệt và hám vàng chẳng khác H’Arpagon nhưng từ H’Arpagon đến Grandet ta đã thấy có sự chuyển dịch rất lớn, càng ngày những con người keo kiệt đại diện cho xã hội tư sản càng trở nên tàn nhẫn hơn, đáng sợ hơn nhiều. Họ bất chấp danh dự của mình để đánh đổi lấy niềm say mê yêu thích đến mức tôn thờ một cách mù quáng vàng và bạc. Grandet được mọi người kính phục, kính phục bởi nhiều lẽ khác nhau. Ông ta không nợ ai. Vì ông đã là thợ đóng thùng lâu năm, trồng nho lâu năm. Ông ngày càng trở nên tinh ranh hơn.về phương diện tài chính. Ông Grandet vừa giống một con hổ vừa giống một con trăn, ông biết cách nằm, cách thu hình lại, rình miếng mồi rất lâu và nhảy ra vồ đúng lúc, rồi há mõm túi tiền ra nuốt chửng một đống vàng, xong lại nằm im lìm như con trăn đang tiêu hóa, thản nhiên, lạnh lùng, có cách thức”. Grandet xứng đáng là một đại diện tiêu biểu cho giai cấp tư sản Pháp thế kỉ XIX. 2. Điểm khác nhau giữa hai nhân vật 2.1. H’Arpagon – tính cách hà tiện Xây dựng H’Arpagon, Moliere đã tập trung miêu tả nét tính cách cơ bản của nhân vật, làm cho H’Arpagon trở thành một điển hình độc đáo, tiêu biểu cho thói hà tiện. Mọi nét tính cách khác đều xoay quanh thói hà tiện, do hà tiện sinh ra và có tác dụng làm nổi bật nét tính cách xấu này. Đó chính là thành công xuất sắc của Moliere theo phương pháp điển hình hóa của chủ nghĩa cổ điển. H’Arpagon là một cái tên có tính tượng trưng. Trong tiếng gốc Hilạp nó có nghĩa là tham lam và trong gốc Latinh nó có nghĩa là ăn cắp. Thế kỉ XVI, một vở hài kịch Italia đã chế giễu một anh hà tiện tên là Acpagô (Arpago). Có lẽ Moliere đã tổng hợp tất cả những yếu tố trên trong nhân vật chính của vở kịch Lão hà tiện. Cái tên đã nói ngay lên bản chất, tính cách của nhân vật, một con người hà tiện và keo kiệt. Tính cách keo kiệt được khắc họa ngày một rõ hơn ở nhân vật H’Arpagon qua diễn biến 5 hồi của vở kịch. Ở hồi I, tính cách ấy bộc lộ rõ chỗ lão định chọn con trai một bà góa giàu có, chọn cho con gái một ông già “không đòi của hồi môn” và chọn cho mình cô Mariane nghèo nhưng tằn tiện. Sang hồi II, tính keo kiệt ở lão cũng thể hiện ở thói cho vay nặng lãi và hám tiền. Đây là nét mới so với vở Cái nồi của Plaute, H’Arpagon đã mang bóng dáng của giai cấp tư sản Pháp thế kỉ XVII. Cảnh cho vay nặng lãi lại xảy ra giữa cha và con H’Arpagon. Đến hồi III, nhà văn tô đậm tính hà tiện của H’Arpagon qua việc lão sai gia nhân sửa soạn bữa tiệc thết đãi Mariane, với những món ăn “độc nhất vô nhị”, chưa ăn đã thấy no. Tính hà tiện keo kiệt bộc lộ đến cao điểm ở hồi IV khi lão lồng lộn lên vì mất tráp bạc. Đến hồi V, nhà văn lại tìm thấy được khía cạnh làm nổi rõ hơn tính cách của lão : lão đồng ý nhường Mariane lại cho con trai để thu về tráp bạc, mặc dù yêu Marianee nhưng lão còn yêu tráp bạc hơn. Lão hà tiện, Tartuffe hay Trưởng giả học làm sang là những tác phẩm hài kịch quan trọng trong gia tài hài kịch của Moliere, là những hài kịch tính cách. Những hài kịch này, đi sâu vào nghiên cứu tâm lí tự nhiên của con người theo chủ nghĩa cổ điển. Để làm rõ tính cách khiến chúng đạt tới mức điển hình trong khuôn khổ của sân khấu cổ điển, Moliere đã chọn cho mình một con đường riêng. Ông tập trung cao độ vào tính cách, thậm chí vào nét cơ bản nhất trong tính cách. Ông tước bỏ những chi tiết phụ, rắc rối, đối lập, không lợi cho sự chú ý theo dõi và sự xác định tính cách. Trong hài kịch tính cách của Moliere chỉ còn thấy một tính cách cụ thể dễ nhận, dễ phân biệt. Mỗi nhân vật đều là hiện thân của một tính cách nhất định.Những tính cách nếu có đều nhằm phục vụ cho tính cách chủ yếu. Là sản phẩm của hài kịch cổ điển và chịu ảnh hưởng nhiều của chủ nghĩa duy lí của Descartes, H’Arpagon cũng được xây dựng với tính cách nổi bật nhất là hà tiện. Tính hà tiện được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau từ chỗ chọn vợ gả chồng cho con cái ở hồi I đến thói cho vay nặng lãi và hám vàng ở hồi II, ngày càng thể hiện rõ hơn ở hồi III và IV với việc thết đãi Mariane, mất cắp tráp bạc. Cuối cùng là màn trao đổi độc đáo lấy tiền nhường tình. Sáng tạo lớn của Moliere biểu hiện tập trung ở ý nghĩa xã hội sâu rộng của tính cách, ở khuynh hướng trào phúng chua cay và thể loại hài kịch. Trong tác phẩm của Moliere, H’Arpagon không tình cờ trở nên giàu có, lão vốn là kẻ chuyên cho vay nặng lãi. Tiền đối với lão là một thứ của luân chuyển có giá trị sinh sản. Điển hình H’Arpagon có một ý nghĩa xã hội rất rõ: tiêu biểu cho giai cấp tư sản Pháp phát triển kinh tế bằng con đường cho vay nặng lãi, không còn bó hẹp trong ý nghĩa gia đình chật hẹp như xưa. H’Arpagon là con người của một thời đại mà vàng có thế lực to lớn và đang thống trị hết thảy. Phương pháp làm giàu của H’Arpagon thực chất là phương pháp tích lũy sơ khai của tư bản. H’Arpagon là hiện thân của giai cấp tư sản Pháp đang mải miết chạy theo tiền tài, sẵn sàng chà đạp lên tất cả. H’Arpagon hiện lên trước mắt người đọc, người xem như một anh hề. Chính tính bủn xỉn, keo kiệt đã tạo cho lão một chỗ đứng trên sàn diễn. H’Arpagon bị chế giễu, lên án vì thói học đòi quí tộc, địa vị của lão bắt buộc lão phải trang bị những vật dụng đi kèm như nhẫn kim cương, đầy tớ, xe ngựa. Thế nhưng không gì bần tiện hơn bằng kẻ giàu có mà tìm cách cắt xén lương của gia nhân, tính toán bẩn thỉu một bữa ăn thết khách, tham lam, tính quẫn trong việc dựng vợ gả chồng cho con, nhẫn tâm gán đồ vật thổ tả cho người đi vay lãi. Đi đâu cũng bị người ta chê cười, chế giễu. Để cho đầy tớ bắt được tận tay khi lẻn vào ăn cắp thóc ngựa. Lão thì ra sức chắt bóp, tằn tiện thì con trai lại là một kẻ “phá gia chi tử”. Cuộc đời quả thật “trớ trêu” với H’Arpagon. Tính cách hà tiện được khắc họa dần bằng những nét khác nhau, ở những cấp độ khác nhau, sự khắc họa đó ở hồi sau tăng hơn hồi trước, tô đậm dần thành một tính cách hà tiện cụ thể, điển khiển và kết tinh thành con người H’Arpagon khệ nệ ôm tráp bạc sinh động. Để xây dựng thành công tính cách H’Arpagon, Moliere đã sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau. Ở những hồi đầu tác giả liên tục để tính cách H’Arpagon phát triển, qua những lời nhận xét của quản gia, tiếp đó là của chính hai đứa con lão.Valer nhận xét: “tính hà tiện quá đáng của ông cụ, tính khắc nghiệt của cụ trong cuộc sống với các con…”, “kẻ thích nịnh hót” (lớp 1 hồi I), hay “chỉ vì tính tằn tiện của người cha mà anh ở tình trạng bất lực”, “người ta có thể nào thấy cái gì tàn nhẫn hơn tính tằn tiện khắc nghiệt đối với chúng ta, tính chi li kì lạ làm chúng ta mệt mỏi”, “đã từ lâu tính keo kiệt không chịu nổi giam hãm chúng ta” (lớp 2, hồi I). Những nhận xét này được cụ thể hóa bằng hành động của H’Arpagon chửi mắng om sòm, quát tháo đày tớ, xua đuổi đầy tớ, ngôn ngữ phù hợp với tính cách của lão: quân ăn cắp, thổ tả, đồ chết treo…, kèm theo những hành động bỉ ổi đòi khám bàn tay thứ ba, thứ tư, vừa hăm dọa vừa dỗ dành, vừa mềm dẻo vừa cứng rắn. Tính cách hà tiện được triển khai thêm bằng khoản yêu đương của lão. Việc nói cho hai con hiểu về hôn nhân, không lúc nào lại trở nên khó khăn như bây giờ “có một khó khăn nho nhỏ, cha sợ, với đám này, ta sẽ không được lắm của mà ta có thể trông chờ” và “thì cố mà gỡ gạc ở cái khác”. Ngay trong việc “yêu đương” lão cũng đưa lên cân nhắc, tính toán. Càng nực cười hơn khi nét hà tiện tiếp tục được phác họa thêm bằng việc hỏi cho con trai một bà góa giàu có, con gái một ông già gần 50 tuổi với lí do khá quan trọng với lão “không của hồi môn”. Sự khai triển các nét tính cách hà tiện được phát triển ở các khía cạnh khác nhau trong các hồi khác nhau. Nó làm cho bản chất của H’Arpagon được mổ xẻ, khắc họa rõ ràng và sinh động hơn. Mọi biểu hiện khác nhau hòa nhập vào nét đặc trưng chủ yếu, phát triển theo hướng làm sáng tỏ, tô đậm nét chủ yếu. Những biểu hiện trong tính cách của H’Arpagon như hách dịch, xảo quyệt, nham hiểm kèo theo thói ân nghĩa giả dối, thói xu nịnh lố bịch hay tính hào phóng giả tạo, đều không ngoài mục đích làm nổi bật tính cách hà tiện, keo kiệt, bủn xỉn và bần tiện, bẩn thỉu của lão. Những nét tính cách phức tạp còn được Moliere phóng đại, cường điệu. Đây cũng là một biện pháp quen thuộc mà Moliere hay sử dụng. Biện pháp này thể hiện rất rõ khi miêu tả hành động nghi ngờ đầy tớ ăn cắp và hắn đã khám xét họ. H’Arpagon khám hai bàn tay còn cho là chưa đủ mà còn khám cả “những bàn tay khác”, hà tiện tới mức không dám dùng chữ “cho”, mặc dù chỉ là một cái bắt tay thông thường. Lão hỏi con về cô gái Mariane và khả năng các mặt của cô gái: hình thức, đức hạnh, khả năng quán xuyến công việc gia đình nhưng vẫn phàn nàn vì “không được lắm của” và khi nghe bà mối Phrôdin tán tỉnh xu nịnh, lão say mê đi nhưng vẫn đòi “phải đóng góp chút đỉnh”, “phải chịu tốn đôi tí”, “bởi vì xưa nay, chẳng ai lấy một người con gái mà cô gái không mang gì về” nghĩa là mặc dù có yêu Mariane nhưng bản chất hà tiện vẫn đòi phải “kiếm cái gì sờ mó được”. Ở H’Arpagon ta thấy được một con người hà tiện sinh động, không chỉ hà tiện mà còn si tình, một con người sợ lau bàn mạnh quá gỗ sẽ bị mòn, biết tính toán rằng tám người ăn đủ thì mười người ăn cũng đủ, nhưng vẫn không từ bỏ ý định lấy Mariane. Lão chỉ nhượng bộ khi cái tráp tiền của lão bị mất cắp, nghĩa là lão yêu Mariane nhưng còn yêu tiền hơn một tí. Tất cả mọi chi tiết được cường điệu phóng đại đã tô đậm tính cách hà tiện của H’Arpagon. Moliere sử dụng biện pháp phóng đại là tập trung làm nổi bật nét chủ yếu của tính cách nhân vật so với các nét khác. Việc cường điệu hay phóng đại là bắt nguồn từ trong lịch sử. Ở Lão hà tiện với nhân vật H’Arpagon đó là nét hà tiện. Ở nhân vật H’Arpagon, cái si mê Mariane chỉ là một biểu hiện của tính cách hà tiện. Lão đã si mê một cách thật hà tiện, thể hiện rất rõ trong buổi tiệc đãi Mariane. Bên cạnh đó, tính cáu gắt, cục cằn thô lỗ của lão cũng là một trong những nét biểu hiện khác nhau của tính cách hà tiện. Việc sử dụng nghệ thuật cường điệu hay phóng đại không chỉ xuất hiện trong từng hồi mà ngay trong từng lớp của vở kịch. Màn thết tiệc ở lớp 1 hồi III là một ví dụ tiêu biểu: lão H’Arpagon cắt việc cho mọi người làm, mỗi người với những nhiệm vụ khác nhau. Bà Clote lau bàn ghế, chuẩn bị chai lọ. Braindasvoa và La Merluse chuẩn bị hầu bàn bằng quần thủng đít và áo bị dầu loang. Con gái Elize phải quán xuyến mọi việc nội trợ. Con trai Cleante phải mặt tươi tỉnh, còn bác Jack phải chuẩn bị một bữa ăn và chuẩn bị xe ngựa đi chợ phiên. Lão phân công công việc rất rõ ràng. Nhưng lão luôn nhắc lại nếu vỡ chai lọ thì phải trừ vào tiền công, rượu phải pha thêm thật nhiều nước lã vào và chỉ khi nào người ta gọi mới rót, làm thực đơn tám người nhưng mười người ăn đủ và phải nấu những món mà người ta không ăn được, nhìn thấy no trước khi ăn với những thủ thuật như độn thật nhiều hạt dẻ vào trong thịt, đậu hột thật béo. Một bức chân dung hoàn mĩ về hình ảnh người keo bẩn được bổ sung bằng những thủ đoạn như cho in lịch riêng trong đó tăng gấp đôi những ngày ăn chay, tìm mọi cách để bớt xén ngày nghỉ của gia nhân, kiện một con mèo hàng xóm ăn vụng một mẩu thịt cừu ăn thừa, ăn cắp thóc ngựa của chính mình…Thật đáng tội nghiệp biết bao khi lão bị kết luận bằng “những cái tên hà tiện, keo kiệt, đểu giả, vắt cổ chày ra nước”. H’Arpagon với những nét tính cách này đã làm cho vở hài kịch trở nên sinh động và hấp dẫn hơn rất nhiều. Tính cách nhân vật H’Arpagon một phần thể hiện rõ là nhờ một biện pháp nghệ thuật khác đó là giới thiệu tính cách qua nhận xét của những nhân vật khác. Tính cách của nhân vật chính được giới thiệu ngay từ đầu nhưng nhân vật chưa xuất hiện có tác dụng chuẩn bị dư luận cho khán giả, đồng thời tăng hứng thú chờ đợi nhân vật chính của người xem. Ở hồi I lớp 1 H’Arpagon được giới thiệu qua lời nói của quản gia Valer là hà tiện quá đáng, là khắc nghiệt, là kẻ ưa nịnh hót. Các nét tính cách hà tiện lại được giới thiệu một lần nữa qua đứa con trai: tằn tiện một cách tàn nhẫn, chi li kì lạ, keo kiệt không chịu nổi. Bên cạnh việc dùng nhiều cách để giới thiệu tính cách nhân vật chính, Moliere còn dùng cả nhân vật chính để tự bộc lộ tính cách của mình. Lúc này nhân vật chính trở thành trung tâm của các hoạt động kịch. Mối quan hệ giữa nhân vật chính với các nhân vật phụ làm nổi bật tính cách nhân vật chính. Bên cạnh đó tính cách nhân vật còn được thể hiện qua sự mâu thuẫn, qua tâm trạng lo lắng, nghi ngờ thường xuyên của lão với những gia nhân, đày tớ, con trai, con gái. Lão lẩm bẩm một mình về món tiền lão có, lão sợ khi nghe tiếng chó sủa, khi có người hỏi thì lão kêu bận, nhưng khi nghe người ấy mang tiền đến thì lão lập tức ra ngay, lúc này dường như có hai con người trong một con người H’Arpagon vậy. Cách xây dựng nhân vật chính như vậy đã tạo ra một tiếng cười sâu sắc, có ý nghĩa xã hội cao. H’Arpagon là sản phẩm của một thời đại mà sự tha hóa của đồng tiền đã hủy hoại ở con người lão tình cha con, tình yêu, tình chủ tớ, tình đồng loại. H’Arpagon nhân vật chính của một vở hài kịch, với chức năng chủ yếu để mua vui cho khán giả đằng sau đó là chế giễu thói hà tiện của người đời. Thói hà tiện của H’Arpagon ta có thể gặp ở bất cứ thời đại nào (HiLạp cổ đại, văn học Phục Hưng, văn học hiện thực phương Tây thế kỉ XIX, văn học dân gian Việt Nam…). Vở kịch kết thúc, khán giả thấy ghét H’Arpagon nhiều hơn là cảm thông, thương xót, chia xẻ. Ở H’Arpagon, một con người keo kiệt và hám vàng, ngoài ra không còn một gì khác. Tình cảm thân thiết đã bị đánh rơi để đổi lấy ham muốn hám vàng, yêu Mariane nhưng hắn còn yêu tráp vàng của lão hơn. H’Arpagon hà tiện, keo kiệt, hám vàng một cách lộ liễu, trơ trẽn. Con trai, con gái phải lên tiếng. Người ở và gia nhân trong nhà phải mượn tiếng người ngoài để phê phán, lên án. Lão ăn cắp thóc của ngưa để cho anh đánh xe ngựa bắt được và phang cho mấy cái. Mọi biểu hiện của thói keo kiệt ở H’Arpagon đều bị phát hiện và bị tác giả bóc trần. H’Arpagon với thói hà tiện ít có tính tiêu biểu, ý nghĩa xã hội không cao. H’Arpagon mang tính chất nguyên phiến và bất động. Là một nhà cổ điển chủ nghĩa, Moliere tuân thủ nguyên tắc sáng tác của mĩ học và triết học duy lí một cách sáng tạo, tự nhiên, không gò bó. Ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh có giá trị nghệ thuật cao, giàu giá trị thẩm mĩ. Ông rất coi trọng vấn đề kết cấu tác phẩm. Ông đã sắp xếp tổ chức kết cấu tác phẩm, biến kết cấu thành một không gian chứa đựng và nuôi dưỡng tiếng cười. Mỗi một tác phẩm đều có những kết cấu khác nhau, góp phần thể hiện nội dung tác phẩm, điều quan trọng đối với một vở hài kịch là làm nổi bật tính cách hài kịch của nhân vật chính. Kết cấu kịch cổ điển thường có 5 hồi được phân chia thành : lời giới thiệu (giao đãi), hồi phát triển, hồi cao trào, hồi đột biến và hồi cởi nút. Kết cấu của vở kịch Lão hà tiện này tương đối đầy đủ, tính cách nhân vật rõ nét dần qua các hồi, trong mỗi hồi. Chẳng hạn ở hồi I thì chỉ mới giới thiệu tính cách hà tiện của H’Arpagon thông qua quản gia và con trai lão. Hồi II, III tính hà tiện được bộc lộ rõ qua việc cho vay nặng lãi và thết tiệc khách. Hồi IV là hồi cao trào của vở kịch cũng là hồi mà H’Arpagon tự bộc lộ bản chất hà tiện và hám vàng của mình, màn độc thoại H’Arpagon mất của. Hồi V (hồi cởi nút) tính hà tiện được bổ sung bằng cuộc trao đổi tình yêu lấy tráp vàng mặc dù H’Arpagon có yêu Mariane. Moliere vận dụng những thủ pháp nghệ thuật quen thuộc của thể loại kịch, đúng hơn là hài kịch cổ điển cộng với khả năng sáng tạo đã xây dựng nên một nhân vật có thói hà tiện tiêu biểu trong sân khấu hài kịch Pháp thế kỉ XVII. Nó là cơ sở cho những Grandet sau này. 2.2. Lão Grandet – nhân vật hà tiện Grandet không đơn thuần là một người có tính keo kiệt bình thường, lão là một điển hình sinh động của giai cấp tư sản thế kỉ XIX. Eugenie Grandet ra đời năm 1833, thời kì của nền quân chủ tháng 7, thời kì mà giai cấp tư sản thực sự phát triển và lớn mạnh. Qua tác phẩm, Balzac muốn cho chúng ta thấy rằng việc chạy theo lợi nhuận đã làm mờ đi vẻ đẹp tâm hồn con người. Người đọc hình dung ra cách thức làm giàu của giai cấp tư sản Pháp thế kỉ XIX. Grandet ngoài tính keo kiệt, hà tiện và hám vàng còn là một người biết trọng danh dự. Nguời em trai vỡ nợ ở Paris đang cầu cứu. Người cháu trai phải trở về Saumur. Vì danh dự dòng họ, Grandet đã tìm mọi cách hoãn nợ cho em trai, để tránh bị tòa tuyên bố phá sản và truy tìm người thừa kế. Bởi lẽ, nếu người em trai chết đi ngoài đứa con trai là người thừa kế chính thức thì Grandet là người thừa kế thứ hai. Nhưng trong hoàn cảnh này, Charles không có khả năng trả nợ. Và như vậy đương nhiên Grandet phải gánh nợ thay em trai. Grandet tìm cách hoãn nợ là vừa không để ảnh hưởng tới danh dự dòng họ, vừa tránh phải trả nợ cho em trai. Grandet đưa Charles sang Ấn Độ cũng là một kế sách khôn ngoan, một phần để kéo dài thời gian trả nợ và phần nữa cũng để cho rảnh nợ. Như vậy, Grandet đã giải quyết được một chuyện quan trọng mà không ảnh hưởng gì tới danh dự và lợi ích riêng tư của dòng họ và của lão. Grandet không sống đến nỗi cạn hết tình nghĩa. Và bất chấp cả danh dự như H’Arpagon. Mặc dù keo kiệt nhưng Grandet cũng rất trọng danh dự. Lão không đành tâm tuyên bố từ bỏ em trai khi phải ra toà án sử phá sản.Vì vậy đã tìm cách hoãn nợ cho em trai. Grandet cũng để lại trong lòng mụ Nanon một chút tình cảm của lòng biết ơn. Grandet sinh động hơn H’Arpagon rất nhiều, ít ra cũng biết trong danh dự, mọi công việc làm ăn đều được tính toán gắn với thực tế xã hội. Grandet keo kiệt, hà tiện nhưng khôn ngoan, mọi biểu hiện của tính keo kiệt đều được che giấu bởi lối sống giản dị trong sinh hoạt hằng ngày, trang trí nhà cửa, việc tiếp đãi khách ngoại giao. Grandet keo kiệt nhưng rất ít người có thể nhận ra ngoại trừ vợ con và mụ Nanon. Grandet không những trọng danh dự, khôn ngoan trong làm ăn mà còn là một con chim ngoan đạo. Grandet quan hệ ngoại giao với linh mục để thể hiện tấm lòng kính chúa và cũng để giữ danh tiếng cho gia đình. Nhưng chính lòng khát vàng đi kèm với tính keo kiệt làm mất dần những bản chất tốt đẹp của con người lão. Lão phát tiền dè xẻn cho mụ Nanon, cầu thang trong nhà thì chỉ khi nào hỏng thì mới sửa. Lão thấy vàng như hổ đói gặp mồi “mắt ông cũng lấp lánh ánh sắc của đồng tiền vàng” và đối với lão “đồng tiến cũng sống, cũng nhốn nháo như con người: nó đi , nó lại, nó đổ mồ hôi, nó sinh sôi nảy nở”. Không những mê mà còn nghiện vàng nữa. Tới lúc, lão sắp rời xa cõi đời mà lòng hám vàng cũng không hề suy giảm “khi cha xứ đến rửa tội cho ông, cặp mắt ông đã chết đờ từ lâu bỗng sáng lên lúc nhìn thấy cây thánh gía, đôi đèn cái lọ nước thánh bằng bạc. Ông nhìn chằm chằm những thứ ấy và chóp mũi của ông động đậy lần cuối. Khi ông cố đạo đưa cây thánh giá mạ vàng kề môi ông để ông hôn hình đức chúa Jesu thì ông vùng lên một cách khủng khiếp để chụp lấy cây thánh giá. Sự gắng sức cuối cùng này đã làm ông kiệt sức”. Cả cuộc đời được nhìn ngắm và tích lũy vàng dường như chưa thỏa mãn được sở thích độc đáo của Grandet. Balzac đã sử dụng bút pháp cường điệu để nhấn mạnh tính cách ham tiền của Grandet (ảnh hưởng của kiểu sáng tác hài kịch cổ điển thế kỉ XVII). Grandet không còn đơn giản là một nhân vật có tính cách hà tiện nữa. Chọn mụ Nanon cũng rất “tinh tế”, lão cho rằng tuy xấu xí nhưng khỏe mạnh tin như vậy Nanon sẽ trung thành. Mặt khác, Nanon là một người dân nông thôn nên coi trọng và trung thành, tận tụy với lão. Sống trong ngôi nhà được bao bọc bởi tính giản dị của Grandet khiến Eugenie cũng bị ảnh hưởng. Eugenie phải sống trong một cuộc sống tằn tiện, xã giao ít, một con chim ngoan đạo. Grandet đã dạy cho Eugenie cách giữ gìn những đồng tiền vàng, nhớ tất cả những đồng tiền và niên đại của chúng. Đến năm 21 tuổi, Eugenie đã tích lũy được một túi với đủ các loại tiền nhưng với Eugenie thì đó chỉ là một túi đồ chơi. Mỗi lần cho tiền Eugenie, Grandet thường giảng giải cho cô về giá trị của những đồng tiền đó. Grandet còn tranh thủ đưa ra để ngắm nghía và thưởng thức. Về đối ngoại, Grandet sống thu mình và rất ít giao thiệp, có người mời thì nghĩ có điều xấu và lão luôn tìm cách từ chối. Nếu lão có ý định mời ai thì lợi dụng mới mời. Grandet mời linh mục, bởi lẽ linh mục quan trọng với gia đình lão, thân thiết với linh mục chỉ vì danh tiếng. Lão tiếp xúc với trưởng khế vì có liên quan tới đất đai, thuế má. Chánh án De Bonfons, ông De Grasins là những mối làm ăn quan trọng của Grandet, họ thay mặt Grandet phát triển những mối làm ăn ở Saumur. Grandet đã biết vận dụng tối đa những tài lẻ của mình cũng như những kinh nghiệm vốn có trong việc làm ăn, kiếm được thật nhiều lãi, tích lũy được nhiều của cải. Tác giả viết “ông Grandet vừa giống một con hổ, vừa giống một con trăn: ông biết cách nằm, cách thu hình lại, rình miếng mồi rất lâu và nhảy vồ ra đúng lúc, rồi há mõm túi tiền ra nuốt chửng một đồng vàng, xong lại nằm im lìm như một con trăn đang tiêu hóa, thản nhiên, lạnh lùng, có cách thức”. Lão đã biết sức mạnh của đồng tiền như bao tên tư bản khác “vị thần tiền là vị thần hiện đại duy nhất mà người ta tín ngưỡng”. Có một đầu óc hết sức thực tế trong việc kinh doanh, đầu cơ, đối phó với kẻ thù, cả việc thuê mụ Nanon làm người ở. Càng giàu có thì lão càng trở nên keo kiệt, không ai có thể đoán biết được tài sản thực sự của lão là bao nhiêu. Keo kiệt và mang nặng tính gia trưởng : tất cả những chi phí sinh hoạt trong nhà đều do lão quản lí, vợ con lão hoàn toàn phụ thuộc vào lão khiến họ trở thành những con người hết sức đáng thương và tội nghiệp. Không phải mua bất kì một thứ gì từ bánh mì, bơ thịt đến rau quả, củi đốt, hắn bắt tá điền phải cung cấp cho hắn. Điều mà Balzac muốn nêu bật lên qua hình tượng Grandet là lòng hám vàng đã giết chết ở lão những tình cảm thân thiết nhất. Vợ con, em cháu đối với những người ruột thịt ấy, lão chỉ có một ý nghĩ là xem thái độ của họ đối với của cải của mình như thế nào để tìm cách đối phó. Tỏ vẻ xoắn xít, âu yếm Eugenie chỉ vì cô đồng ý nhường quyền thừa hưởng gia tài của mẹ cho lão mà thôi. Đối với Grandet, ở đời chỉ có đồng tiền là có nghĩa. Thấy Charles khóc lóc khi nghe tin bố tự tử, Grandet phàn nàn với vợ con: “thật cái thằng thanh niên này chẳng ra làm sao, nó chú ý đến người chết hơn tiền bạc”. Có lần lão còn trắng trợn tuyên bố với người ở: “chúng ta không ăn thây ma là gì ? Gia tài thừa tự là gì đó nếu không phải là thịt người chết”. Lòng hám vàng không phải là bản chất bẩm sinh của Grandet, mà đó chính là sản phẩm của việc làm giàu của lão, của thời đại lão sống. Lịch sử làm giàu của Grandet gắn chặt với thực tế nước Pháp những năm sau cách mạng 1789, từ đẳng cấp thứ ba ngoi lên hàng ngũ giai cấp tư sản. Trong thời kì cách mạng, lão được coi là một người can đảm, một chiến sĩ cộng hòa nhưng thực ra lão không phải là một chiến sĩ chân chính: một mặt lão có khuynh hướng thỏa hiệp với bọn quí tộc nhưng mặt khác lại bán rượu cho quân đội cộng hòa và nằn nỉ được trả bằng “những đám cỏ tốt của một tu viện nữ giới”. Như vậy thời kì cách mạng và những năm nội chiến là một dịp để Grandet phất lên làm giàu. Rồi cái xã hội Pháp sau cách mạng lại đưa Grandet đi xa hơn, đã xem lão như một vị “anh hùng”, xem những thủ đoạn làm tiền của lão như “một sự kiêu hãnh ái quốc”, và “của cải của ông làm thành một bức màn vàng bao bọc bất cứ hành động nào của ông”. H’Arpagon là một nhân vật của chủ nghĩa cổ điển mà Moliere muốn khái quát thành tính keo kiệt phổ biến, còn Grandet là nhân vật sinh động của thế kỉ XIX sau khi giai cấp tư sản Pháp giành được địa vị thống trị. Trong khung cảnh của thời đại mà Moliere khắc họa H’Arpagon do dục vọng hám vàng và keo kiệt, một nhân vật của hài kịch đã trở nên đối tượng của sự chê cười. Còn Balzac đã xây dựng một điển hình tư sản chiến thắng, vươn lên từ đẳng cấp thứ ba sau cách mạng 1789, một nhân vật của tiểu thuyết, một con người của thị trấn nhỏ Saumur biết lợi dụng thời cơ cách mạng để làm giàu, chiếm hữu ruộng đất, phát mại và đầu cơ… Grandet là “bậc thầy của sự keo kiệt mà trước đó tưởng tượng của con người chưa sáng tạo ra được”. Biết lợi dụng tất cả các hoàn cảnh để tăng nhanh của cải. Đối với Balzac, ông luôn tôn trọng sự thật với quan niệm “lịch sử nó thực như vậy thì làm thế nào được ?”. Grandet là một “con người hùng” của thời đại, khác hẳn tính thụ động của H’Arpagon. Balzac đã nhận định về nhân vật của mình “đó không phải là một người keo kiệt bình thường và dục vọng của nó chắc chắn đã che giấu một niềm lạc thú sâu xa, những quan niệm thầm kín”. Grandet luôn khéo léo che giấu thói hà tiện bằng nếp sống giản dị từ những sinh hoạt đời thường đến cả việc trang trí nhà cửa. Chỉ những người trong nhà mới nhận ra thói hà tiện của lão mà thôi. Còn H’Arpagon hoàn toàn khác hẳn, mọi biểu hiện của thói hà tiện đều rất lộ liễu trắng trợn, trơ trẽn khiến đày tớ, gia nhân và cả con trai, con gái phải lên tiếng, hàng xóm đồn đại. Grandet luôn có những quan niệm sống của riêng mình “đời là một công việc làm ăn”, một con người hăng say làm giàu, ý thức được sức mạnh đó trên cơ sở ý thức chiếm hữu trọn vẹn của cải, tự đắc về những quan niệm của lão: “ta đã tìm thấy cái đó, chính ta. Những cái đó là dành cho những đồng tiền của ta. Tất cả những bọn ấy, chỉ là những miếng mồi mà ta dùng để câu”. Grandet đã tìm thấy lạc thú duy nhất trong việc giữ trọn chiếm hữu vàng, tích lũy vàng, tăng số vàng lên và keo kiệt để giữ trọn tiền và vàng. Và cả đời lão càng hám vàng, càng trở nên keo kiệt, hai nét tính cách này tác động lẫn nhau, bổ sung cho nhau, keo kiệt để có vàng, hám vàng nên keo kiệt. Grandet là một nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Thông qua việc xây dựng nhân vật Grandet, Balzac đã giáng một đòn mạnh mẽ vào xã hội tư sản Pháp thế kỉ XIX và chế độ tư bản nói chung. Trời tối thì mọi vật đều xẫm bóng, nhưng dưới ngòi bút chân thực, can đảm của Balzac, cả một xã hội thối nát được phơi bày ra ánh sáng. Bóc trần bản chất sự vật, tác phẩm Eugenie Grandet góp phần “làm rung chuyển niềm lạc quan của giai cấp tư sản về tính chất bất biến của trật tự hiện hành”. Đọc tác phẩm của Balzac, chúng ta càng hiểu thêm cái xấu xa, bỉ ổi của xã hội tư sản. Goocki đã nói về Balzac như sau: “sự rộng lớn trong kế hoạch của ông, sự dũng cảm trong tư tưởng và những tiên đoán tài tình về tương lai mà ngày nay những tiên đoán đã được chứng thực – tất cả những cái ấy đã làm cho Balzac trở thành một trong những nhà văn vĩ đại của thế giới”. Kết thúc tiểu thuyết, người đọc cảm thấy thương Grandet nhiều hơn là ghét. Lão cũng biết trọng danh dự, tìm cách để giữ danh dự cho gia đình, dòng họ. Lão không để cho Eugenie cảm thấy thiếu thốn. Để lại trong lòng Nanon một thứ tình cảm của lòng biết ơn “ông sắm quần áo, giầy guốc cho chị ta, và sai bảo chị ta không đến nỗi cục cằn quá. Được thu nhận như thế, chị Nanon hộ pháp thầm vui sướng đến phát khóc và sinh ra gắn bó với ông Grandet”. Grandet, một nhân vật phụ của tiểu thuyết Eugenie Grandet và chỉ là một trong rất nhiều nhân vật được Balzac xây dựng theo phương pháp điển hình. Bên cạnh sự thành công của những nhân vật “vỡ mộng”, Balzac thể hiện tài năng của một thiên tài qua nhân vật Grandet. Balzac xây dựng thành công không kém gì những nhân vật “vỡ mộng”. Gandet một nhân vật của tiểu thuyết hiện thực, nhân vật hà tiện sinh động, đại biểu tiêu biểu của giai cấp tư sản Pháp thế kỉ XIX. Quá trình làm giàu của Grandet gắn liền với quá trình làm giàu của giai cấp tư sản Pháp. Cách mạng 1789 đã mang lại cơ hội làm giàu cho Grandet cũng như đã mang lại cho giai cấp tư sản. Họ lợi dụng cách mạng làm giàu gắn liền với lịch sử nước Pháp lúc bấy giờ. Những biểu hiện trong tính cách của Grandet mang đặc điểm chung của giai cấp tư sản Pháp thế kỉ XIX. Rõ ràng Grandet đã sinh động và hiện thực hơn nhiều so với H’Arpagon, tiêu biểu hơn và có ý nghĩa xã hội rộng lớn hơn. Grandet là nhân vật của chủ nghĩa hiện thực, được xây dựng theo phương pháp “nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình”. Balzac đã hoàn thành vai trò và nhiệm vụ của một người thư kí như ông đã từng nói “xã hội Pháp là nhà sử học còn tôi chỉ là người thư kí” (Lời nói đầu). 3. Cách nhìn của mỗi nhà văn đối với nhân vật hà tiện 3.1. Moliere Moliere đã sáng tạo ra một vở hài kịch tính cách khá thành công, nhân vật H’Arpagon nổi bật với thói hà tiện, hám vàng. Thói hà tiện của H’Arpagon mang tính phổ biến ở con người trong mọi thời đại. H’Arpagon là một trong những nhân vật được xây dựng thành công nhất của Moliere. Lão hà tiện là một vở hài kịch lớn, nêu lên một loạt vấn đề xã hội và nghệ thuật hài kịch.Tác giả thông qua nhân vật của mình để phê phán một người làm giàu một cách lạc hậu và tàn nhẫn trong cách đối xử với những người xung quanh, sự tha hóa suy đồi về mặt đạo đức của những giai cấp tầng lớp trên, sức phá hoại của đồng tiền trong xã hội tư sản buổi đầu. Và như vậy, bằng một nghệ thuật đa đạng, pha lẫn kịch hề, bi kịch, hài kịch, kịch cổ đại, kịch Italya Moliere đã tạo cho mình một phong cách độc đáo. Bản chất bóc lột dã man, thủ đoạn bóc lột xảo quyệt của bọn tư sản sống bằng nghề cho vay nặng lãi đã được phản ánh rất chân thật, cụ thể ở H’Arpagon. Đặc điểm lịch sử (thời kì tích lũy của tư bản) làm cho bọn tư sản mới lên khát vàng, hung ác, hiểm độc có thêm nét tính cách thứ hai tham lam, bần tiện, luôn luôn vắt óc suy nghĩ, chắt chiu từng đồng xu nhỏ để làm giàu. H’Arpagon mang cung cách của một anh nhà giàu mới phất, còn rơi rớt lại thói bóc lột, ti tiện và thói keo bẩn kiểu phong kiến, địa chủ. Thói tham lam, keo kiệt đã dẫn H’Arpagon tới chỗ vô lương tâm, vô liêm sỉ. Lão chẳng bận tâm gì đến hạnh phúc của cô con gái đã đến tuổi lấy chồng, chỉ một mực lo mất của hồi môn. Lão đã tàn nhẫn ép duyên con trai, con gái. Con lão đánh bạc, lão chẳng băn khoăn chút nào về đạo đức của con trai, còn vạch cho con mang tiền đi cho vay nặng lãi. Lão thấy con đi vay lãi, lo mất của lão mạt sát con hết lời. Với H’Arpagon thì tiền bạc quan trọng hơn tình cảm. Lý tưởng sống vì tiền của H’Arpagon vì tiền đã bộc lộ rõ trong hồi V, hồi mất tráp bạc. Cuối cùng, H’Arpagon đã rơi vào tình trạng hoàn toàn cô đơn, không có hạnh phúc. Moliere đã phê phán đồng tiền tư bản, nó đã hủy hoại tư cách, bóp chết tình cảm cắt đứt những quan hệ của H’Arpagon. Đồng thời, cũng chính đồng tiền ấy đã làm nảy nở thêm những nét mới trong tính cách H’Arpagon thói ham muốn kệch cỡm, thói lừa lọc ranh ma, sự hạ thấp nhân cách. Qua ngòi bút của Moliere, H’Arpagon mang bóng dáng của giai cấp tư sản Pháp thế kỉ XVII. Để có tiền, thu nhiều lãi H’Arpagon đã bất chấp tất cả kể cả danh dự của mình. Đối với các quan hệ xã hội, lão đã “xé bức màn tình cảm phủ lên những quan hệ gia đình làm cho những quan hệ ấy chỉ còn là những quan hệ tiền nong” (Tuyên ngôn của Đảng cộng sản). H’Arpagon đã làm ra tiền, nhưng ngược lại lão lại bị đồng tiền chi phối một cách nghiệt ngã, trở thành nô lệ của nó. Mọi bản chất tốt đẹp đã bị tha hóa, không còn một chút vương vấn nào trong con người của lão. Xây dựng H’Arpagon, Moliere đã tập trung miêu tả nét tính cách cơ bản của nhận vật, làm cho H’Arpagon nổi bật, tiêu biểu cho thói xấu của con người ở mọi thời đại. Mọi nét tính cách khác đều xoay quanh thói hà tiện, do hà tiện mà sinh ra, và có tác dụng làm nổi bật tính xấu này. Vạch trần những thói xấu trong con người H’Arpagon cũng là vạch trần những thói xấu của giai cấp tư sản ngay ở giai đoạn lịch sử đầu tiên của nó. Thể hiện cái nhìn tinh tế và tiến bộ của Moliere. Chế giễu thói hà tiện không phải là một đề tài mới. Chúng ta có thể gặp rất nhiều trong Văn học dân gian hay văn học bác học ở Phương Tây, Châu Á, ngay trong kho tàng Văn học Việt Nam. Riêng với Moliere hài kịchLão hà tiện cưởi thói hám tiền đáng sợ của giai cấp tư sản – sản phẩm của thời kì tích lũy sơ khai của tư bản. Moliere góp thêm một tiếng nói tố cáo tác hại của đồng tiền trong tay những con người tư sản ích kỉ, tham lam, vô liêm sỉ. Xây dựng nên một điển hình nghệ thuật bất hủ về thói hà tiện, làm cho H’Arpagon trở thành cái tên quen thuộc trong đời sống xã hội góp phần khẳng định vai trò quan trọng của Moliere đối với sự phát triển văn học nghệ thuật cổ điển nói riêng và văn học thế giới nói chung. 3.2. H.Balzac Trong lời tựa Tấn trò đời, Balzac viết: “Nhà nghệ thuật là người mà tâm hồn là tấm gương phản chiếu cả vũ trụ”, “Xã hội Pháp là nhà sử học, còn tôi chỉ là người thư kí”, “Trong khi miêu tả những điều xấu và những điều tốt, trong khi tập hợp những sự kiện chính của dục vọng, trong khi miêu tả những tính cách, trong khi lựa chọn những sự kiện trong xã hội, trong khi xây dựng những điển hình, bằng cách tập hợp của nhiều tính cách tương tự, có lẽ tôi có thể viết được lịch sử đã bị các nhà sử học bỏ quên, đó là lịch sử của các tập quán…không phải chỉ có những con người mà còn những biến cố chính của xã hội cũng được đúc kết bằng những điển hình” (Lời nói đầu). Chắc hẳn qua những lời tâm sự vừa rồi chúng ta đã hiểu được phần nào phương châm sáng tác của H.Balzac cũng như các nhà văn hiện thực Tây Âu thế kỉ XIX. Không phải chỉ một lần nói đến phương châm sáng tác như thế nào. Ngay khi viết thư cho người em gái Balzac cũng lại một lần nữa khẳng định: anh sẽ là Balzac, anh sẽ không giống ai…đó là không bằng lòng miêu tả. Anh vạch ra những nguyên nhân và kết quả…và khi anh kể lịch sử của họ, anh sẽ chỉ ra cho mọi người những qui luật chi phối hưng thịnh của họ hôm nay, sự sụp đổ của họ ngày mai”. Với Tấn trò đời, Balzac đã tố cáo không thương tiếc toàn bộ xã hội tư sản. Tiểu thuyết Eugenie Grandet cũng không nằm ngoài qui luật ấy. Xây dựng một điển hình tiểu biểu của giai cấp tư sản–lão Grandet, tác giả cũng nhằm mục đích vẽ nên chân dung một con người tiêu biểu cho những ham muốn và những thói xấu xa của xã hội tư sản. Tác phẩm phơi bày sức mạnh nghiệt ngã của đồng tiền đã hủy hoại tâm hồn con người, đã giết chết những tình cảm thân thiết nhất và biến con người thành một kẻ vô tâm. Grandet chính là hiện thân của dục vọng tư sản, hiện thân của “vị thần hiện đại duy nhất mà người ta tín ngưỡng, vị thần tiền, với tất cả quyền uy của nó”. Lão được coi là “đương kim anh hùng”, là “khuôn vàng thước ngọc”, “niềm kiêu hãnh ái quốc” bởi lẽ lão xuất hiện đúng vào thời kì đồng tiền “đã thay thế thanh kiếm, trở thành đòn bẩy của quyền lực xả hội” (Engels). Gắn liền lối sống của Grandet với những đặc điểm của tình hình xã hội lúc bấy giờ của nước Pháp, Balzac đã biến cuộc cách mạng 1789–1794 như một bước nhảy vọt trong quá trình phát triển của giai cấp tư sản và cuộc cách mạng ấy đã đặt nền móng cho sự làm giàu của Grandet. Lịch sử của nhân vật gắn liền với hoàn cảnh bước đường tích lũy của cải của Grandet phát triển ở lão dục vọng của sự hám vàng, khát khao vàng và tính keo kiệt. Đó là đặc điểm của chủ nghĩa hiện thực Balzac trong những năm 30 của thế kỉ XIX khi mà phương pháp sáng tác đã đạt được những thành tựu quan trọng. Thông qua sáng tác của mình Balzac thể hiện sự tố cáo mạnh mẽ tính xấu xa, bỉ ổi của xã hội tư sản với quá trình tích lũy tư bản của chúng. Điều mà Balzac muốn nêu bật lên qua hình tượng Grandet là lòng hám vàng đã giết chết ỡ lão những tình cảm thân thiết nhất. Vợ, con, cháu, em – đối với những người ruột thịt ấy, lão chỉ có mỗi một ý nghĩa là xem thái độ của họ đối với tài sản của lão như thế nào mà thôi để lão tìm cách đối phó. Thực sự trái tim Grandet không đến lạnh lùng và sắt đá, không phải không có chút gì thương vợ, thương con nhưng chính lòng hám vàng đã đẩy lùi những tình cảm ấy, đã làm cho trái tim hắn khô cằn lại. Chỉ có ánh sáng của đồng tiền và những công việc làm ăn làm cho Grandet xúc động mà thôi. Ở Grandet người ta nhận ra ngay cốt cách quen thuộc của kiểu nhân vật Balzac, đó là dục vọng, gắn chặt với “những cảnh đời tỉnh lẻ”, nơi mà chủ nghĩa tư bản đang thay đổi nếp sống gia trưởng cũ kĩ và lối sống điền viên bắt đầu đô thị hóa. Ở Grandet vừa có những nét tính cách của một gã tư sản mới nổi lên, hung hăng, giẫm lên tất cả, y có thể “làm một con tính trên tờ báo đăng tin người em mới chết”, “lại vừa có cái khôn ngoan, thực tế của một bác phó thùng trước đây chưa xa lắm với cuộc sống vật chất, vất vả làm ăn”. Đặt cạnh những nhân vật hà tiện khác, lão Grandet trở nên sinh động, hiện thực hơn. Có lẽ vì vậy, tuy là con người mù quáng vì vàng, nhưng đôi khi lão tỏ ra rất thông minh, hóm hỉnh. Quá trình làm giàu của lão là cả một giai đoạn phát triển gắn liền với lịch sử xã hội Pháp. Khi đặt trong sự so sánh với H’Arpagon, chúng ta thấy H’Arpagon chỉ là một con người hà tiện không hơn không kém: nhân vật ở đây nguyên phiến, ít tính chất động. Khi so sánh điều này các nhà nghiên cứu mới chỉ giải thích bằng chủ nghĩa cổ điển, việc lựa chọn thể loại được quy định bởi nhu cầu thể hiện của nhà văn. Kinh nghiệm sống cùng khả năng lao động sáng tạo không ngừng đã làm nên thành công cho tài năng Balzac. Với Tấn trò đời, dường như Balzac đã hoàn thành vai trò của “người thư kí” thời đại. KẾT LUẬN 1. Tổng kết những luận điểm cơ bản Cả hai nhà văn Moliere và Balzac đã có những đóng góp quan trọng cho nền văn học Pháp và văn học thế giới. Moliere là người sáng lập hài kịch cổ điển Pháp, người đã có công xây dựng nền hài kịch Pháp từ chỗ là những hài kịch dung tục tiến lên nền đại hài kịch. Chính Moliere là người kết tinh được những lý tưởng xã hội tiến bộ, những truyền thống tốt đẹp của nhân dân và dân tộc Pháp, một tài năng trưởng thành trong rèn luyện và đấu tranh. Chính niềm đam mê nghệ thuật và khả năng lao động miệt mài đã tạo nên thành công của Moliere. Tài năng của Moliere gắn liền với hàng loạt những vở kịch có giá trị nghệ thuật cao và đặc biệt giá trị về mặt xã hội như: Tartuffe, Lão hà tiện, Trưởng giả học làm sang…những nhân vật hài kịch như H’Arpagon, Tartuffe, Don Juan đã để lại trong lòng người đọc nhiều xúc cảm nhất. Ở Balzac, ta lại thấy đó là một tấm gương sáng về lao động nghệ thuật cần cù, bền bỉ và dũng cảm. Một nhà văn hiện thực xuất sắc của Pháp thế kỉ XIX, một “người thư kí” trung thành của thời đại. Vốn sống và khả năng lao động không ngừng đã mang lại cho Balzac những thành công rực rỡ nhất. Ông đã từng nói: “tôi sống một cuộc đời lao động say mê. Lao động là tất cả đối với tôi”, khả năng lao động phi thường trong những năm tháng ngắn ngủi của cuộc đời đã tạo nên dấu ấn riêng khi nhắc tới tài năng Balzac, “vấn đề cuộc sống chẳng phải là ở thời gian dài hay ngắn của nó mà là ở tính chất lượng, tính đa dạng, ở số lượng chính xác của nó” đó chính là quan điểm khi sáng tác của thiên tài Balzac. Rõ ràng sự nghiệp sáng tác vĩ đại của Moliere và Balzac cũng như cả cuộc đời lao động sáng tạo bền bỉ với niềm đam mê nghệ thuật đã đóng góp tích cực và lớn lao vào nền văn học Pháp và văn học thế giới. Moliere trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời là những giây phút cống hiến cho nghệ thuật sân khấu trong vai trò của một diễn viên. Cuộc đời nghệ thuật gặp rất nhiều trắc trở, những phản ứng quyết liệt của những người của giai cấp trên (quí tộc, phong kiến, tư sản). Moliere ra đi trong sự lạnh lùng của xã hội. Vợ ông đã phải phục xuống chân nhà vua, hết lời cầu khẩn mới được phép chôn cất ông vào lúc đêm khuya ở nghĩa địa của Nhà thờ. Còn H.Balzac, cuộc đời cũng không bằng phẳng chút nào. Hơn 10 năm thử bút vẫn chưa thành công, chuyển qua kinh doanh và làm những công việc không đúng với tài năng của mình. Trong cuộc sống riêng tư cũng rất trắc trở, mơ ước có một đứa con để yêu thương, nâng niu chăm sóc nhưng cũng không đến với ông. Ông mất trong sự cô đơn giống như khá nhiều nhân vật của ông. Balzac cống hiến trọn đời cho sự nghiệp sáng tác văn học. Balzac ra đi trong những ngày Paris mưa gió. Đám tang không đông đảo, không bề thế không tương xứng với tài năng của ông. Với Tấn trò đời, Balzac đã khẳng định được vai trò và vị trí của mình trong văn học hiện thực phương Tây thế kỉ XIX. Tài năng và sự nghiệp sáng tác của Moliere và H.Balzac mãi mãi được thế giới ghi nhận và nhắc đến. H’Arpagon (Lão hà tiện) của Moliere và lão Grandet (Eugenie Grandet) của Balzac cũng như biết bao nhân vật hà tiện khác (Sailock – Shakespeare, Euclion – Plaute) đã tạo nên một sự đa dạng và phong phú của những nhân vật hà tiện. Hành trình của những nhân vật hà tiện có thể vẫn còn kéo dài nữa, bởi lẽ bất kì thời đại nào thì những thói hư tật xấu của con người như hà tiện, keo kiệt dẫn đến tham lam, độc ác, tàn nhẫn vẫn cứ tồn tại. Tuy nhiên, nó phát triển mạnh hay yếu còn phụ thuộc vào sự tiến bộ của xã hội và ý thức của con người. H’Arpagon và Grandet nối tiếp nhau ở một điểm: đều là những người giàu có nhưng lại hết sức keo kiệt và bệnh hám vàng. Họ bất chấp mọi lời đồn đại, không thèm đếm xỉa đến những tình cảm đối với người thân. Họ chỉ sống cho lý tưởng mà họ tôn thờ và suy lên làm thánh đó là tiền. Ánh sáng của kim tiền đã làm mờ mắt họ và đánh mất ở họ những xúc cảm cần thiết của tình yêu thương con người. Tuy thế khi xây dựng hai nhân vật H’Arpagon và Grandet, thì mỗi nhà văn, đều đứng trên lập trường quan điểm khác nhau. H’Arpagon là sản phẩm của văn học cổ điển và chính vì vậy bên cạnh sự sáng tạo của Moliere thì ít nhiều nó cũng chịu sự ảnh hưởng và chi phối bởi nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật của văn học cổ điển Pháp, chủ nghĩa duy lý của Descartes. Lấy cảm hứng từ trong văn học dân gian (hài kịch dân gian Pháp), từ chất liệu trong hiện thực cuộc sống và đặc biệt là từ Euclion (Plaute) cộng với những sáng tạo của riêng mình, Moliere đã tạo ra một H’Arpagon hoàn toàn mới, không giống bất kì một nhân vật hà tiện nào trong văn học trước đó. Tất cả những nét tính cách được xây dựng như giàu có, hám vàng, vô lương tâm, đạo đức giả, tàn nhẫn, cho vay nặng lãi đến cắt cổ…đều tập trung hội tụ và làm nổi bật tính cách duy nhất là hà tiện của H’Arpagon. Bên cạnh đó là việc sử dụng biện pháp cường điệu để khắc họa đậm nét hơn tính cách này. Những ngôn ngữ và hành động của H’Arpagon cũng là một trong những sáng tạo của Moliere. Lão hà tiện là một tác phẩm hài kịch, H’Arpagon là nhân vật tính cách, vai trò chủ yếu là để diễn và thưởng thức một cách trực tiếp. Chính vì vậy, khi tìm hiểu dưới góc độ là một văn bản thì sự cảm nhận về tính cách của nhân vật một cách toàn diện đã bị hạn chế đi rất nhiều. Tuy nhiên H’Arpagon cũng đã hiện lên trước mắt người đọc với sự lố lăng nhất, một con người chỉ biết dè xẻn và chắt bóp tiền bạc để thỏa mãn cảm giác được nhìn thấy vàng và được nắm lấy nó mà thôi. H’Arpagon và Grandet đều trở thành nạn nhân của của đồng tiền, đồng tiền đã chi phối và điều khiển mọi hoạt động và suy nghĩ họ. Grandet được coi là có sự kế thừa từ H’Arpagon. Thế nhưng không hoàn toàn là một sự rập khuôn máy móc. Qua Grandet, Balzac cũng đã nói lên được tiếng nói của mình với xã hội tư sản Pháp trong giai đoạn đỉnh cao của chúng. Một xã hội mà đồng tiền tư bản là trung tâm của mọi sự quan tâm. Grandet khác H’Arpagon, ngoài hà tiện, keo kiệt thì Grandet còn là một người biết tính toán một cách hết sức khôn ngoan và tỉnh táo. Grandet giàu có không phải trong một vài ngày. Đối với Grandet “đời là một công việc làm ăn”. Từ một người thợ đóng thùng với số vốn chỉ 200 đồng nhưng dưới bàn tay của Grandet thì rất có ý nghĩa. Nó là điểm khởi đầu cho sự nghiệp vĩ đại về sau của Grandet. Cách mạng 1789 đã mang lại cơ hội cho những người biết chớp thời cơ như Grandet. Một sự khôn ngoan trong việc chọn vợ, việc đoán biết được trong công việc mua bán rượu nho, đóng thùng và ngay cả tới việc làm chủ những đồn điền nho, những trang trại, ngôi nhà ông đang sống. Tất cả đều là biểu hiện của quá trình làm giàu của giai cấp tư sản Pháp thế kỉ XIX. Balzac không dừng lại ở tính cách hà tiện đơn giản mà bằng tài năng cộng với đặc điểm của thể loại mà ông lựa chọn đó là tiểu thuyết đã cho phép sự sáng tạo của Balzac thêm sinh động hơn. Grandet được xây dựng thành một nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Grandet tiêu biểu của giai cấp tư sản Pháp thế kỉ XIX, thế kỉ mà đồng tiền thống trị mọi lĩnh vực xã hội với quyền lực và sức mạnh tha hóa của nó. Balzac đã phản ánh cuộc đấu tranh sống còn giữa giai cấp quý tộc suy tàn và giai cấp tư sản đang lên ở đô thị và cả nông thôn, tuy “về mặt chính trị, Balzac là đảng viên chính thống, tác phẩm lớn của ông vẫn là một bản trường hận ca than thở sự tan rã không cứu vãn được của xã hội thượng lưu…” (Engels). H’Arpagon và Grandet mang những dấu ấn riêng thời đại mà họ sinh ra vẫn mãi tồn tại cùng thời gian bởi những ý nghĩa xã hội mà nó tạo ra. Một lần nữa nó góp phần khẳng định vai trò và vị trí của Moliere và H.Balzac trong nền văn học Pháp nói riêng và văn học thế giới nói chung. 2. Kết quả đạt được Qua việc phân tích tư liệu, tổng hợp và phân loại tư liệu đã nhận ra được những đặc điểm giống nhau và khác nhau của hai nhân vật H’Arpagon và Grandet. Họ đều là những nhân vật tiêu biểu cho thời kì xã hội mà họ sinh ra, có những đặc điểm chung đều là hai con người keo kiệt, hà tiện mặc dù rất giàu có. thế nhưng H’Arpagon và Grandet là sản phẩm sáng tạo của hai nhà văn, ở hai thế kỉ khác nhau, trong những hoàn cảnh xã hội không giống nhau, bị chi phối bởi những tư tưởng của thời đại. Chính vì vậy, H’Arpagon được Moliere xây dựng dưới góc độ một nhân vật hài kịch tính cách với đặc điểm nổi bật nhất là hà tiện. Còn Grandet xây dựng theo quan điểm của chủ nghĩa hiện thực phê phán “nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình”. Bên cạnh tính hà tiện thì Grandet còn được xây dựng rất cụ thể trong những hoạt động đời thường từ việc buôn bán làm ăn, tới việc xây dựng những mối quan hệ xã hội. Grandet đã được hiện thực hóa một cách sinh động. Grandet – điển hình của giai cấp tư sản Pháp thế kỉ XIX. Từ việc so sánh nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật hà tiện H’Arpagon và Grandet , cho ta có cái nhìn cụ thể hơn về nền văn học Pháp trong hai thế kỉ XVII và XIX. Ở đó ít nhiều giúp cho người đọc thấy được đặc điểm khác nhau cơ bản trong hoạt động nghệ thuật sáng tạo của mỗi nhà văn, cũng như nghệ thuật xây dựng của Văn học cổ điển và Văn học hiện thực phê phán Pháp thế kỉ XIX. Đứng trên lập trường khác nhau, mỗi nhà văn cũng đã có những cách nhìn khác nhau về xã hội mà họ đang sống. Moliere thông qua những nhân vật hài kịch của mình để phê phán gay gắt không phải một người hà tiện chung chung, trừu tượng hoặc tính hà tiện của một con người mà ông phê phán một con người tư sản, làm giàu một cách lạc hậu và tàn nhẫn trong cách đối xử với những người xung quanh. Phê phán một số mặt như việc suy đồi về đạo đức, sức phá hoại của đồng tiền trong xã hội tư sản ban đầu. Balzac xây dựng Grandet gắn chặt với “những cảnh đời tỉnh lẻ” – nơi chủ nghĩa tư bản đang đổi thay nếp sống gia trưởng cũ kĩ và lối sống điền viên bắt đầu đô thị hóa. Grandet vừa có những nét tính cách của một gã tư sản mới nổi lên hung hăng, dẫm lên tất cả. Lão có thể “làm một con tính trên tờ báo đăng tin người em trai mới chết”, lại vừa có cái khôn ngoan, thực tế của một bác phó thùng trước đây, chưa xa lắm với cuộc sống chật vật, vất vả làm ăn. Tác giả phê phán sự làm giàu một cách tàn nhẫn của giai cấp tư sản. 3. Hạn chế của luận văn Nội dung chính của luận văn đề cập “nghệ thuật xây dựng nhân vật hà tiện của hai tác phẩm” nhưng do tài liệu tham khảo ít cộng với hạn chế về kiến thức và khả năng phân tích văn bản cũng như kinh nghiệm của một sinh viên năm IV nên không tránh khỏi những thiếu sót về tri thức, những yếu kém về năng lực. Vì vậy, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp của quí thầy cô và các bạn đồng môn để luận văn ngày càng được hoàn thiện hơn. 4. Hướng phát triển của đề tài Thời gian sau, khi đã hoàn thiện hơn về tri thức chuyên môn cũng như kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời được tạo điều kiện nghiên cứu tôi sẽ phát triển đề tài này thành: “So sánh nghệ thuật xây dựng nhân vật trong văn học cổ điển, văn học hiện thực phê phán phương Tây thế kỉ XIX và văn học hiện thực Mĩ thế kỉ XX”. HẾT Long xuyên 5/ 2007 Sinh viên thực hiện Hà Tố Uyên TÀI LIỆU THAM KHẢO (xếp theo tên tác giả). 1. Lê Nguyên Cẩn, Hợp tuyển văn học Châu Âu, tập 2 (NXB ĐHQG Hà Nội, 2002) 2. Minh Chính, Văn học phương Tây giản yếu (NXB ĐHQG TP’ Hồ Chí Minh, 2002) 3. Đỗ Đức Dục, Chủ nghĩa hiện thực phê phán trong văn học phương Tây (NXB KHXH Hà Nội, 1981) 4. Lê Tiến Dũng, Giáo trình lí luận văn học (phần Tác phẩm văn học) (NXB ĐHQG TP’ Hồ Chí Minh, 2003) 5. Đỗ Đức Hiểu, Lão hà tiện (L’Aveare) (NXB ĐH – TH chuyên nghiệp Hà Nội, 1978) 6. Phùng Hoài Ngọc, Giáo trình văn học phương Tây 2 (ĐH An Giang, 2002) 7. Lê Hồng Sâm & Đặng Thị Hạnh, Văn học lãng mạn & hiện thực phương Tây thế kỉ XIX (NXB ĐH – TH chuyên nghiệp Hà Nội, 1981) 8. Huỳnh Lý, Ơgiêni Grăngđê (Tủ sách văn học Pháp) (NXB Văn nghệ TP’ Hồ Chí Minh, 2000) 9. Phê bình, bình luận văn học Balzac & V.Huygô (NXB tổng hợp Khánh Hòa, 1991) 10. Từ điển văn học (Bộ mới) NXB Thế Giới.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfsv_3385.pdf
Luận văn liên quan