Luận văn Nhân vật Chèo truyền thống dưới góc nhìn văn hóa

Riêng về đào tạo đội ngũ diễn viên, phải đặc biệt lưu ý sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và các nhà hát Chèo để tạo cho học sinh có được một môi trường nghệ thuật, giúp các em có thể kiểm nghiệm hàng ngày những kiến thức đã được học tập trên phương diện lý thuyết. Nên chăng cần tuyển sinh và đào tạo các em từ khi còn nhỏ tuổi ở trình độ trung cấp, rồi mới lên đại học (như các trường năng khiếu Xiếc, Múa, hoặc như Nhạc viện Hà Nội) chứ không phải cứ tuyển sinh như hiện nay là thi vào đại học. Đến tuổi 17 -18 thì đâu còn khả năng rèn luyện hình thể như ý muốn.

pdf117 trang | Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 4667 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Nhân vật Chèo truyền thống dưới góc nhìn văn hóa, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
dịu dàng, khoan thai đĩnh đạc theo kiểu chữ chi, đứng theo kiểu chữ bát; bước đi của nam ngang phải mạnh mẽ, khỏe chắc, ưỡn ngực, ngửa mặt và nghênh ngang; bước đi của nữ chín phải nhẹ nhàng, uyển chuyển, kín đáo theo hình chữ chi nhưng đứng lại theo kiểu chữ nhất, của nữ lệch thì nhanh, rộn ràng, khúc khuỷu, lả lướt…. Còn có loại động tác hàm chứa cả ý nghĩa xã hội, nói lên được phần nào thân phận của nhân vật. Bước đi của hề bao giờ cũng nhấc cao và đi theo hình quả trám có thể múa gậy (hề gậy) múa bằng mồi lửa (hề mồi), Cũng với động tác say: dáng đi lảo đảo, chuếnh choáng nhưng chỉ với động tác đảo chân khác nhau mà biểu hiện được nhân vật Mãng Ông là một lão nông dân yêu đời, còn nhân vật Sùng Ông lại là đại diện cho tinh thần bạo ngược của giai cấp phong kiến đang suy đồi. Nhân vật Phú Ông thì lại thấy hình ảnh mạnh mẽ của tầng lớp phú nông đang vươn lên nắm quyền thế. Hoặc bằng vài điệu bộ bất ngờ, phẩy cái quạt từ trên cao rồi gập người xuống theo. Dáng đi khệnh khạng quay ngoắt sang bên phải rồi sang bên trái, đưa thật nhanh chiếc quạt ra đằng sau lưng phe phẩy, miệng cười nhếch mép, khán giả nhận ra ngay đó chính là loại kép ngang như Trần Phương hoặc Sở Khanh. 3.1.3. Đặc sắc trong phục trang và hóa trang nhân vật Điều quan trọng để con người tồn tại sau ăn là các trang phục (nói một cách nôm na là mặc). Nó giúp cho con người ứng phó được với môi trường tự nhiên (nóng, lạnh, mưa, gió...). Người Việt xưa quan niệm về cái mặc rất thiết thực: Ăn lấy chắc, mặc lấy bền, hoặc Cơm ba bát, áo ba manh, đối không xanh, rét không chết... Nhưng mục đích của việc mặc (trang phục) thực ra không chỉ để ứng phó với môi trường, mà còn có ý nghĩa xã hội rất quan trọng. Nó trở thành cái không thể thiếu được trong mục đích trang điểm, làm đẹp của con người: Người đẹp về lụa/ Lúa tốt về phân; Chân tốt về hài, tai tốt về hoa... Mỗi một dân tộc có một cách ăn mặc và trang sức riêng, vì vậy, cái mặc trở thành biểu tượng của văn hóa dân tộc. Tìm về với lịch sử, ta có thể thấy rõ mọi âm mưu "đồng hóa" của kẻ xâm lược thường thì đều bắt đầu bằng việc đồng hóa cách ăn mặc (từ thời nhà Hán cho đến các triều đại Tống, Minh, Thanh) đều kiên trì tìm đủ mọi biện pháp buộc dân ta ăn mặc theo kiểu phương Bắc, song chúng luôn thất bại. Trở lại với văn hóa trang phục các nhân vật trên sân khấu Chèo, ta có thể thấy: về cơ bản, trang phục Chèo vẫn giống những bộ quần áo thường mặc hàng ngày của những người dân quê, những bộ quần áo mới mặc trong các dịp hội hè, lễ tết, tuy nhiên có tinh giản và làm đẹp hơn, những trang phục này được may bằng nhiều chất liệu khác nhau (lụa, nhiễu) để khi lên sân khấu,có ánh đèn chiếu vào thì màu sắc dương như được mỹ lệ hóa hơn, thông qua ngôn ngữ màu sắc đặc trưng của hội họa. Lối xử lý màu sắc trên trang phục của nhân vật theo kiểu tượng trưng cả ý đã được các tác giả dân gian Chèo đặc biệt chú ý. và điều đó đã đem đến cho người xem những cảm xúc thẩm mỹ. Theo chủng loại và chức năng trang phục gồm có đồ mặc ở phía trên, đồ mặc ở phía dưới, đồ đội đầu, đồ đi chân và đô trang sức. Đồ mặc phía trên của các nhân vật nữ là yếm (vốn là đồ mặc của phụ nữ Việt dùng để che ngực, cho nên nó trở thành biểu tượng của nữ tính). Yếm có nhiều màu phong phú: yếm nâu, yếm trắng, yếm hồng, yếm đào, yếm thắm... Yếm của nhân vật mẹ thường là yếm nâu, các nhân vật nữ chín yếm trắng hoặc yếm hồng... Riêng các nhân vật nữ lệch thì mặc yếm thắm (ví dụ: cái yếm thắm gợi tình khao khát yêu đương của Thị Mầu). Đồ mặc của các nhân vật nữ còn phải kể đến tấm áo dài. áo tứ thân và áo năm thân. Ngoài ra còn hay mặc áo lối mớ ba, mớ bảy, tức là mặc nhiều áo lồng vào nhau. Đồ mặc phía trên của các nhân vật nam còn giản đơn hơn, thường là những chiếc áo sơ mi (loại nhân vật nghèo), tấm áo dài (những nhân vật thư sinh)... Nếu như đồ mặc phía dưới của các nhân vật nữ thường là cái váy (váy có hai loại: váy mớ là một mảnh vải quấn quanh thân, váy kín được khâu lại thành hình ống...) thì đồ mặc của các nhân vật nam là chiếc quần lá tọa. Ngoài ra, các nhân vật còn được "trang bị" cả thắt lưng. Thắt lưng với mục đích ban đầu là giữ cho đồ mặc dưới khỏi tuột, rồi giữ áo dài cho gọn và tôn tạo cái đẹp cơ thể của phụ nữ. Và trên đầu thường đội khăn (vấn tóc bằng một mảnh vải dài cuộn lại để trên đầu, đuôi tóc để thòi ra một ít gọi là đuôi gà). Người xưa rất chú ý đến việc sử dụng kiểu cách trang phục cũng như cách xử lý màu sắc trên trang phục để phân biệt các vai chín, lệch đối với đào và chính, ngang đối với kép. Nhân vật nữ chín thường mặc áo dài cặp sa mớ ba mớ bảy, những nhân vật nữ lệch thường xuất hiện với tấm áo dài tứ thân màu sắc sặc sỡ. Phục trang của Thị Kính - nữ chín trong lớp Vu Quy và phục trang của Thị Mầu - nữ lệch trong lớp Thị Mầu lên chùa (vở Quan Âm Thị Kính): cả hai đều vấn khăn đuôi gà, mặc yếm, áo cánh, váy dài chấm gót, thắt lưng buộc ngang người, nhưng ở Thị Kính chiếc áo dài năm thân màu hồng được lồng dưới một lớp sa đen trông thật đằm thắm, kín đáo, nền nếp, còn Thị Mầu với tấm áo dài tứ thân mầu cánh sen rực rỡ (không lồng lớp sa đen), thả vạt. Các nhân vật nữ lệch trang phục diêm dúa hơn nhân vật nữ chín, nhất là mầu sắc của trang phục thường rực rỡ để phù hợp với tính cách của loại nhân vật này. Nhân vật lệch thường có dáng đi uốn lượn theo làn sóng, mắt nhìn lúng liếng, đưa đẩy, tay cầm quạt giấy khi khép, khi mở rất linh hoạt theo từng động tác múa, hát. Phục trang tiêu biểu cho vai nữ lệch là phục trang của vai Thị Mầu. Nhân vật Đào Huế (vở Chu Mãi Thần) không mặc trang phục áo dài tứ thân quen thuộc của các vai nữ lệch mà mặc áo dài cài khuy màu tím Huế, quần lục trắng sai gót, chân dận hài, tóc búi khăn hồng thắt ngược từ gáy bao đầu buộc xếch trán, tay cầm quạt giấy khi khép, khi mở, giọng nói trại tiếng Huế. Họa sĩ NSƯT Dân Quốc trong công trình về mỹ thuật Chèo truyền thống đã tả về nhân vật Mụ: … Ta thấy Mụ Sùng - một bà mẹ chồng phong kiến đanh ác với cặp áo năm tà lồng, tung lụa mỡ gà, ngoài phủ lụa tơ tằm vân bóng, màu bã trầu, thắt lưng sồi đen, trắng trên đầu đọi chiếc khăn vuông thắt gọn ghẽ. Bộ mặt dư thừa, ít ra nắng. Con mắt luôn đảo qua đảo lại soi mói, môi thâm ăn trầu cắn chỉ. Bên hông là bộ xà tích bao gồm: ống vôi, têm trầu, quyệt vôi, quả đào đựng thuốc lào, lược, trâm… mỗi lần di chuyển kêu leng keng. Chỉ qua trang phục, người xem cũng biết được bà Sùng thuộc loại giầu sang có của ăn của để. Đôi dép cong được uốn lượn với những bước đi chắc nịch của cái thân hình to béo, đài các, tuy tuổi già nhưng vẫn còn cố níu kéo cái "oai phong" điều binh khiển tướng theo kiểu "Tề gia - Trị quốc - bình thiên hạ" [38]. Trong các vở Chèo cổ, ta thấy kép chính có Thiện Sĩ (Quan Âm Thị Kính): Trương Viên (Trương Viên); Tống Trân (Tống Trân - Cúc Hoa); Kim Nham (Kim Nham); Kim Trọng (Kiều), v.v… Các nhân vật kép chính thường xuất hiện trên đầu đội khăn lượt màu đen, hoặc màu tím Tam Giang được vấn một cách cầu kỳ, kỹ lưỡng, mặc áo dài may bằng lụa tơ tằm màu vàng mỡ gà, bên ngoài lồng một lớp sa đen hoặc xanh lam; quần thường là loại quần ống sớ may bằng vải Chúc bâu, hoặc vải Cát bá màu vàng mỡ gà; chân đi guốc, hoặc hài; tay cầm quạt giấy màu tím, hoặc màu trắng có in chấm thủng hình hoa lá, chim phượng. Giống như nhân vật kép chính, phục trang của nhân vật kép ngang cũng tương tự, nhưng về mầu sắc có đôi chỗ được xử lý khác để phù hợp với tính cách của nhân vật. Ví dụ phục trang cho nhân vật Trần Phương - cựu phú tỉnh Bắc, thuộc "phường trăng hoa" (Kim Nham): áo dài may bằng vải lụa tơ nằm nhưng không phải là màu vàng mỡ gà mà là màu đỏ, ngoài phủ sa đen. Chiếc quạt cầm trên tay Trần Phương là màu hồng hoặc màu xanh - phản ánh tính chất lẳng lơ của y khác với chiếc quạt tím - tiêu biểu cho tính cách chín chắn, nghiêm túc của Kim Nham. Trai làng thường mặc áo năm thân; quần ống sớ; trên đầu thường thắt khăn đầu rìu ở chính giữa hoặc buộc lệch sang bên; chân đi đất hoặc guốc, hài. Gái làng trên đầu thường vấn khăn đuôi gà; bên trong mặc yếm đào, bên ngoài mặc áo cánh, ngoài cùng mặc áo dài cặp hoặc áo tứ thân các màu; váy đen dài quá gối hoặc chùm gót; thắt lưng nhiều màu khác nhau phụ thuộc vào màu áo; chân đi đất hoặc dép lá đa; tay cầm quạt giấy. Nhìn chung, phục trang nhân vật trên sân khấu Chèo cổ có nhiều nét gần gũi với phục trang đời thường, ít cách điệu, tuy nhiên nó đã được ước lệ, mĩ lệ hóa để phù hợp với vai diễn và sân khấu nên đã khiến cho các nhân vật đẹp đẽ một cách kín đáo, tế nhị. ở đây cần nhấn mạnh một điều là, mặc dù phục trang Chèo gần với phục trang đời thường, nhưng nó, phục trang ấy đã được nghệ thuật hóa, đúng hơn là văn hóa hóa. Cùng với phục trang, hoá trang cũng có vai trò rất quan trọng trong việc định dạng nên tính cách một số loại vai tiêu biểu: đào, kép, hề, lão, mụ. Hóa trang Điểm qua các nhân vật trong những vở Chèo, ta thấy phần lớn các nhân vật có hóa trang rất gần với thực tế ngoài đời, để tạo cảm giác gần gụi giữa các nhân vật trên chiếu Chèo với người xem xung quanh. Nếu như nhân vật của Tuồng thường được hóa trang theo các nan vẽ trên mặt mang hình của một con vật nào đó (nan vẽ con hổ, nan vẽ con chim, nan vẽ con ếch...) và dụa trên cấu tạo các cơ, xương mặt để xử lý các nan vẽ nhằm diễn tả tuổi tác, tính cách của nhân vật theo một mô hình ước lệ cao... thì nhân vật Chèo chỉ cần hóa trang theo cách thông thường như: đánh phấn, tô môi, kẻ lông mày, lông mi, đánh má hồng, vẽ râu, tạo nếp nhăn, vẫn tóc, đeo râu... theo đặc trưng của từng loại nhân vật. Nữ chín thì lông mày ngang, đôi mắt tròn to luôn nhìn thẳng, gương mặt phúc hậu. Nữ lệch thì lông mày cong, mắt có đuôi dài, môi mỏng bóng... Đặc điểm hóa trang mang tính cách nhân vật rõ nhất là những vai phản diện, như những vai mụ (Tú Bà, Mụ Quán…), những vai mang tính chất hài (hề, phù thủy, thày bói) và một số vai lão. Nghệ nhân hài Lý Mầm lại có cách riêng của mình thu hút khán giả vào các nhân vật hề do ông diễn, đó là cách hóa trang khuôn mặt rất độc đáo: ông dùng ngón tay trỏ miết vào đáy nồi rồi đặt in lên mặt tạo thành đôi lông mày trông rất ấn tượng. Trong vai Vợ quỷ (Trương Viên), nghệ nhân Đào Thị Na lại dùng phẩm điều để tạo nên "má hồng chôn niêu" trông vừa bi vừa hài". Như vậy, phục trang và hóa trang nhân vật trong Chèo cổ ít ước lệ, cách điệu, tượng trưng, mà giữ ở dạng tôn vinh những nét đẹp dân gian, dân dã gần với thực tế cuộc sống ngoài đời. Các nhân vật trong Chèo cổ ăn mặc giống như những người dân ở làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ trong những ngày lễ hội, tết nhất dưới thời phong kiến. Đó là những bộ quần áo sang trọng nhưng dân dã, chính điều này đã làm cho nghệ thuật Chèo được người dân yêu quý, bởi bọ thấy hình ảnh chính mình được tái hiện trên sân khấu với những nét chấm phá hồn nhiên, giản dị và gần gũi… Phục trang của các nhân vật trong Chèo cổ với những sắc hồng, sắc vàng, sắc nâu xồng ấm áp, cùng với đỏ hoa đào, xanh hoa lí, rực rỡ màu cánh sen v.v… đó chính là những gam màu đồng quê được phản ánh trên tranh dân gian Việt Nam. Điều này càng thấy trang phục của Chèo cổ rất gần gũi với phong cách dân gian, dân tộc, nó không thể lẫn với bất cứ trang phục của một dân tộc nào khác trên thế giới. Đó chính là nét đặc trưng, truyền thống tốt đẹp của nghệ thuật Chèo trong tạo hình cho nhân vật, nó cần được gìn giữ và kế thừa, ứng dụng trong quá trình làm Chèo mới. Hóa trang phục trang Chèo, như đã nói ở trên, không đơn thuần chỉ là sự ăn mặc của các nhân vật, mà đã trở thành một yếu tố văn hóa trong bộ mặt và cơ thể văn hóa Chèo. Ngoài tác dụng diễn tả phục trang hóa trang như là một yếu tố mỹ thuật, nó còn cho người xem cảm giác về những con người của xã hội đương thời. Từ đó có thể góp phần tạo cho Chèo một lối bỏ ngỏ để xã hội hóa về mặt nội dung. Chính nét đặc sắc này đã khiến cho Chèo có nhiều điều kiện để tiếp nhận đời sống và ngược lại. Đó chính là sự tác động của hình thức đối với nội dung. 3.2. Dấu ấn văn hóa trong nghệ thuật biểu diễn qua một số nhân vật chèo tiêu biểu 3.2.1. Đặc sắc trong nghệ thuật biểu diễn Như trên ta đã biết, nhân vật Chèo được xây dựng qua các trò diễn, lối tự sự kể chuyện tạo nên phong cách riêng cho Chèo, cũng do đó phong cách biểu diễn là do làm trò, người diễn viên không tái hiện hiện thực, không hóa thân vào nhân vật mà chỉ mượn cớ để trình bày trò diễn. Nghệ thuật biểu diễn bị chi phối bởi phong cách Chèo. Trước hết, phải nói đến tính chất tự sự, kể chuyện, một đặc trưng của Chèo. Lối kể chuyện tạo nên phong cách riêng cho Chèo. Cũng do đó nhân vật Chèo được trình bày theo lối trò diễn, phong cách biểu diễn là do làm trò, người diễn viên không tái hiện hiện thực, không hóa thân vào nhân vật mà chỉ mượn nó làm cớ để trình bày trò diễn. Để tạo nên những trò diễn ngoạn mục ấy phải kể đến vai trò số một của người nghệ sĩ. Khi bàn đến vấn đề này, PGS.TS Trần Trí Trắc nhấn mạnh: Nghệ thuật biểu diễn đã giúp cho khán giả nhận thức được đầy đủ nhất, toàn diện nhất, đúng đắn nhất về cái thẩm mỹ trong đời sống hàng ngày của mình và tìm thấy hứng thú trong cái thẩm mỹ nghệ thuật qua cái đã biết lại được biết nhiều hơn, cái đã hiểu lại được hiểu sâu hơn, cái đã nghĩ lại được nghĩ đúng hơn... [45. tr. 197]. Người diễn viên Chèo làm cho nhân vật sống không phải bằng cách hòa nhập vào nhân vật mà bằng cách nắm vững tính cách, số phận của nhân vật rồi điều hòa tâm hồn của mình theo "tần số" của tâm hồn nhân vật. Bằng cách hiểu nhân vật, người diễn viên phải tìm cho mình một chìa khóa qua việc sử dụng các yếu tố hỗ trợ như âm nhạc, múa, phục trang để mở cánh cửa sáng tạo nhân vật. Sự cộng hưởng giữa tâm hồn tỉnh táo của người diễn viên và nhân vật càng sâu sắc bao nhiêu thì nhân vật họ thể hiện càng có sức sống. Đó cũng chính là một trong những bí quyết sáng tạo hình tượng. Nếu như diễn viên kịch trong đa số các trường hợp phải hóa thân vào vai diễn ngay từ trong cánh gà thì diễn viên Chèo có thể xử lý nhập vai và thoát vai một cách biện chứng. Trong những đoạn tự sự có tính chất dẫn truyện hay giới thiệu nhân vật thì chủ yếu là thoát vai; trong những đoạn kịch tính cao (hoặc đối thoại hoặc độc thoại) thì chủ yếu là nhập vai; ở những đoạn này thường tập trung những làn điệu hay nhất, những khuôn múa đẹp nhất, chẳng những có khả năng lôi cuốn diễn viên mà thậm chí còn lôi cuốn cả khán giả. Nghệ thuật sắm vai đòi hỏi người nghệ sĩ phải tinh thông những thủ pháp của nghệ thuật biểu diễn Chèo như: hát, sử dụng các kỹ thuật (cách cầm quạt, các động tác chân- những trình thức vốn có của từng loại vai) người diễn viên là người mô tả nhân vật phải căn cứ vào hoàn cảnh, vai trò của câu chuyện kể, tính cách nhân vật. Người diễn viên không phải chỉ khoe giọng hát hay của mình mà phải làm sao cho giọng hát đó lột tả được đến tận cùng tình cảm của câu hát, của tâm trạng nhân vật bằng tất cả sự rung động của trái tim người nghệ sĩ và bằng cả quá trình khổ luyện để tìm ra được cách biểu hiện tốt nhất. Những kỹ thuật: gieo câu nhả chữ, ngừng lặng, luyến láy... đều là kết quả bởi sự xúc động tình cảm sâu sắc của người hát. Bằng hát và múa, người diễn viên phải lấy việc truyền đạt nội dung nhân vật làm mục đích cuối cùng. Diễn viên phải mô tả nhân vật sao cho"nét". Không bao giờ ở trạng thái nhập vai. Với tư cách là người kể chuyện, kể lại câu chuyện, kể về nhân vật của câu chuyện đó bằng các thủ pháp mô tả. Trong khi diễn kể nhân vật, người diễn viên phải luôn chú ý theo dõi xem cách kể (mô tả) của mình bằng những thủ pháp đó đã thật hay chưa và người xem có tán thưởng không. Luôn luôn tỉnh táo khi diễn để có thể chủ động sử dụng các thủ pháp mô tả nhân vật, không bao giờ quên cái tôi của người diễn (kể lại) để hòa vào cái tôi của nhân vật, dù có sự đồng cảm với tâm trạng của nhân vật. Cũng vì thế mọi cách diễn tả nội tâm của nhân vật phải được mô tả trên nét mặt bằng các kỹ xảo sao cho nội tâm ấy được phơi bày một cách rõ nét, không dấu giếm, hơn nữa còn phải làm cho nội tâm ấy phóng đại hơn... 3.2.2. Vai diễn Thị Mầu Sân khấu trống trơn, từ góc dưới của cánh gà bên trái, Thị Mầu tiến ra sân khấu bắt đầu từ cái nhún chân. áo tứ thân mầu cánh sen tươi rói, chiếc yếm thắm chói lên mầu lửa, thắt lưng một màu xanh hoa lý, váy den cài cánh hoàng yến, cành hoa trắng cài trên mái tóc vấn đuôi gà, tay cầm quạt che mặt, những bước đi uyển chuyển đầy tinh nghịch trong giai điệu nói lệch: "Nay mười tư mai đã mười rằm Ai muốn ăn oản thì năng lên chùa" Rồi cô hỏi: "Các già lên chùa từ bao giờ nhỉ?" Có tiếng đế: "Mười tư rằm!" Thị Mầu hát tiếp: "Thế mà tôi mang tiếng lẳng lơ, đò đưa cấm gió…." Hát đến đây dường như không kìm nổi mình, một nét đảo tay bất ngờ, chiếc quạt được hát ra lộ gương mặt đẹp với đôi mắt lúng liếng đầy lửa. Tà áo bay lơ lửng, cô liếc ngang, liếc dọc rất nhanh, cùng điệu hát dồn nhịp; rồi, tay phẩy quạt một cái nói: "Tôi lên chùa từ mười ba…" như muốn khoe cùng khán giả: "Thấy chưa tôi đẹp không nào?". Và cô bắt đầu trình diễn toàn bằng các đường sóng lượn - đường của cái đẹp - đường cong của thân thể, đường xiến của đôi chân, dáng hoa tay mềm mại. Tất cả chan chứa khát vọng và tình yêu cuộc sống. Mỗi bước đi nhún nhảy của Thị Mầu đều như muốn hất, muốn khoe cả cái tuổi xuân phơi phới của mình với khán giả. Con mắt liếc của Thị Mầu không chỉ chăm chú vào thầy Tiểu mà còn như tình tứ với bao đôi mắt khác trong đám người xem. Thị Mầu xưng danh nói về lòng mộ đạo nhưng chỉ là cái cớ để đùa cợt, khoe khoang vẻ đẹp của mình. Bắt đầu từ bài Cấm giá - bái hát tiêu biểu của các vai nữ lệch trong Chèo, rồi những nét quạt, những đường hoa tay, những đong đưa của đô mắt, nét gợi cảm của thân hình quyện theo giai điều hát tạo thành một sức mạnh quyến rũ mời chào yêu đương vừa tinh tế, vừa táo bạo. Lúc đầu cô nói đến những "cành tre", "trúc xinh", "mẫu đơn",.. những thứ đầy chất thơ của văn học dân gian. Nhưng tiếng gõ mõ vẫn đều đều nơi thầy tiểu như không biết không hay… khiến cô buộc phải ví mình như "gái dở" còn thầy tiểu như "táo rụng sân đình" …Tiếng mõ gõ gấp gáp hơn theo nồng độ mỗi lúc mỗi tăng trong tình cảm của Thị Mầu. Vò hai vạt áo, rón rén trong nhịp đập gấp gáp của con tim khát yêu, cô ném quả táo vừa rụng vào cái mõ mà thầy tiểu đang gõ và chuyển cách xưng hô: "Cau non tiễn chũm lòng đào Trầu têm cánh phượng thiếp trao cho chàng…" Thầy tiểu hoảng quá bỏ chạy. Cô bèn tìm cách nấp để ròi phải nắm được "tận tay thầy tiểu"… Bàn tay Thị Mầu lần tìm bàn tay Thị Kính trên cán chổi với niềm say mê đến mức nắm phải tay của chính mình mà không biết. Chi tiết này đã thành một hình ảnh diễn rất đẹp, đầy sức thuyết phục, không thể thay thế bằng hình ảnh khác. Trong nghệ thuật Chèo, nhân vật nào cũng thường là những vai diễn đầy mầu sắc. Đào Chèo càng nhiều màu sắc hơn: màu của trang phục, màu của sự tinh tế luôn luôn được biến đổi trong hát, trong múa, trong các phương tiện biểu hiện. Nhưng đào lẳng Thị Mầu lại thường phải diễn nhiều mầu sắc hơn cả. Các cụ nghệ nhân xưa đòi hỏi các diễn của Thị Mầu là phải khoe màu thược dược. Và có lẽ do nhiều màu sắc mà nhân vật đào lẳng Thị Mầu thường nổi hơn, có lúc dường như nhấn chìm cả nhân vật đào chín Thị Kính chăng? Mỗi một nghệ sĩ có một cách sáng tạo Thị Mầu riêng biệt, nhiều nghệ sĩ chú ý đến diễn tả cái vẻ đẹp bên ngoài của nhân vật nên chú ý đến việc khoe các đường nét cơ thể tạo nên những Thị Mầu khát khao hạnh phúc một cách thực dụng (gợi dục). Những cũng có những nghệ sĩ lại chú ý diễn tả Thị Mầu như là một tâm hồn lẳng lơ, khát khao hạnh phúc. Điển hình của lối diễn thứ hai này, theo giáo sư Hà Văn Cầu phải kể đến tài nghệ của cụ Trần Văn Toái - một nghệ nhân ở Xuân Trường Nam Định. Vào vai Thị Mầu trong hình dáng của một ông già để nguyên râu tóc - nhưng từ con mắt đến cái cổ lắc lư rồi bước đi, dáng tay cầm quạt…đều đượm một vẻ lẳng lơ vừa kín đáo, vừa tỏ ra cao môn lệnh tộc. Chả thế mà ngày còn trẻ, biết rõ người đóng là trai mà trai làng vẫn chết mê chết mệt Thị Mầu của cụ, theo phường của cụ hết làng này sang làng khác. Rồi Thị Mầu của các bậc thầy như NSND Hoa Tâm, NSND Dịu Hương…Thị Mầu của NSND Hoa Tâm lẳng lơ níu giữ, quấn quýt, ao ước mà vẫn giữ được bóng dáng xa xôi của một thời cổ điển; Thị Mầu của NSƯT Bạch Tuyết trào lộng, quyến rũ sắc sảo, lanh lẹn; Thị Mầu của NSƯT Thanh Trầm ngoa ngoắt đằm thắm sôi sục khát khao đòi hỏi; Thị Mầu của NSƯT Thúy Hiền khát khao cháy bỏng vừa đằm thắm sâu sắc từ cái liếc mắt sắc như dao cau, vừa có cái gì tử tủi hận đến nổi loạn; Thị Mầu của Thu Phong hồn nhiên với đôi mắt to tròn chứa chan khát vọng yêu đương và những khuôn múa đẹp như trong mơ... Còn nữa, Thị Mầu của Huyền Thanh, NSƯT Thúy Mơ… NSƯT Vân Quyền, NS An Chinh, NS Thu Huyền… đều để lại những ấn tượng sáng tạo đặc biệt bởi lối diễn sinh động và đầy ắp sắc màu làm xiêu lòng bao thế hệ khán giả trong và ngoài nước. 3.2.3. Vai diễn Súy Vân Vai trò của người nghệ sĩ biểu diễn trong xây dựng hình tượng nhân vật nhiều khi còn có thể làm đổi thay tư tưởng của nhân vật từ tích trò như trường hợp nhân vật Súy Vân vở Kim Nham. Qua tài nghệ của các nghệ nhân, Súy Vân con người "bạc dạ" không được như nhiều bằng Súy Vân con người mang nhiều chứa chất trong tâm trạng. Bằng một sự cảm thông cao độ các nghệ nhân đã gia công sáng tạo, trau chuốt cho hình tượng Súy Vân trở thành những viên ngọc quý của nghệ thuật Chèo. Bao nhiêu làn hát hay, điệu múa đẹp đã được Súy Vân phô ra một cách rực rỡ. Súy Vân đã hát những lời thơ cô đọng, óng ả, kết tinh được những đặc trưng của văn nghệ dân gian. Tâm trạng của Súy Vân đã được giãi bày một cách tài tình phát triển từ thấp đến cao quyến rũ người xem một cách kỳ diệu. Những câu thơ súc tích lắng trong những làn điệu chọn lọc tuyệt tác, tiếng lòng của Súy Vân vang lên đủ làm xiêu lòng những khán giả cứng rắn nhất. Giai điệu âm nhạc đã làm rõ tính chất vui buồn, hờn giận. Màn Vân dại giàu sức biểu hiện hơn khi được hòa quyện với những điệu múa giàu sức sáng tạo của các nghệ nhân tài hoa. Ví như: sân khấu im lặng, điệu con gà rừng hót lảnh lót: Con gà rừng (tinh tinh tinh chát) Con gà rừng ăn lẫn (qua lối nọ) mấy công kia kia (tinh tinh tinh tinh chát) Ba tiếng "con gà rừng" cất lên nhẹ nhàng rồi ngắt lặng gây cho người xem một cảm giác chới với. Đồng thời với những bước chân nhẹ nhàng, uyển chuyển và những điệu hát độc đáo: hát xuôi, hát ngược, hát con gà rừng, hát sắp cá rô…. mà mỗi lời, mỗi câu trong đó đều chứa đựng những diễn biến tâm trạng phức tạp, đa dạng của một con người giả điên, nhiều câu còn miêu tả những động tác cần thiết cụ thể (đánh, van xin, gọi đò, xe chỉ…) tạo thành những tiền đề cho người nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu. Trong lớp Vân Dại, Súy Vân chạy ào vào chiếu diễn với tiếng cười ré lên, dáng điệu bơ phờ, tóc rối buông xõa với những bông hoa dại dắt trên đầu, tay cầm cành tre xơ xác, mắt đờ dại, long lên từng lúc cất lên điệu nói lệch cay đắng: "Đau thiết thiệt van, than cùng bà nguyệt". Với lớp Chèo này, tâm trạng phức tạp những mâu thuẫn nội tâm được bộc lộ. Chuỗi cười điên dại vừa sắc lạnh vừa chói chang vang lên rồi đột ngột đứt ngang. Đôi mắt to, long lanh ướt đẫm nhìn trừng trừng phía trước. Người xem thấy được tâm trạng của người con gái dám thách đố cuộc đời mình vào tấn kịch này, đã bất chấp tất cả rồi sao còn hoảng sợ. Súy Vân bề ngoài giả điên nhưng trong lòng có lẽ hoang mang điên dại thật. Hoang mang nhưng đã quyết định rồi: Phải phá tung cái lồng để tim cách bay lên! Nàng mong muốn một cuộc sống khác, một chân trời khác, mối tình với Trần Phương là con đò đưa nàng đến bến bờ khác. Điệu Quá giang hối hả thiết tha, Súy Vân ngắt từng chiếc lá buông rơi như buông rơi từng niềm hi vọng. Rồi không kiên nhẫn được nữa, nôn nóng đến cuống cuồng, Súy Vân ném từng cành lá dại. Điệu Con gà rừng vang lên chập chờn mê sảng, bước chân dậm xuống, đôi mắt thảng thốt đổi thay và điệu múa bỗng chuyển sang nhịp nhàng tươi sáng bình dị, yên lành. Tà áo súy Vân phấp phới như một ngọn lửa trắng, như con chim muốn bay lên mà không thể nào bay được, đau đớn vì đôi cánh của chính mình. Súy Vân rắc dâu, chăn tằm, xe sợi, đưa thoi, gỡ chỉ nướng vào tóc rối, tìm chiếc kim đánh mất… bao nhiêu tình cảm trái ngược xô đẩy nhau, sôi nổi, hồi hộp, đau đớn vui tươi... GS Trần Bảng đã nói về lối diễn của bà Sửu - nghệ nhân và lối diễn của NSND Dịu Hưong như sau: Lối diễn của bà Sửu có vẻ đẹp thanh thoát và bình lặng của phong cách tự sự còn giữ nhiều dạng đơn thuần. Lối diễn xử lý nhiều loại động tác minh họa lời, động tác bắt chước, nhại lại những động tác điên dại ngoài đời và đặc biệt là xử lý nhiều loại động tác trang sức, một loại động tác không nội dung, chỉ có chức năng làm đẹp diễn xuất như những hoa văn làm đẹp cho một bức tranh vậy. Lối diễn của Dịu Hương lại khác, không tạo ra vẻ đẹp bình lặng mà ngược lại những ấn tượng sôi nổi và mãnh liệt. Cũng vẫn chuỗi cười điên dại, cũng vẫn động tác hất lá, vò áo, van lạy, Dịu Hương không dừng lại ở minh họa, ở bắt chước mà qua đó tìm cách biểu hiện những xung đột trong tâm trạng, xung đột giữa một bên là ý định rời bỏ nhà chồng, một bên lạ đe dọa của dư luận xã hội. Súy Vân không chỉ giả điên mà có phần thực sự hoảng loạn tinh thần. Là con nhà Chèo nòi lại thêm có nghề tuồng điêu luyện Dịu Hương với kỹ thuật vũ đạo cao và đặc biệt với kỹ xảo đảo mắt, vận dụng mái tóc đã đưa yếu tố kịch vào tạo nên một hình tượng Súy Vân sâu sắc về nội dung, có tầm vóc cao về nghệ thuật. Súy Vân của bà Sửu có vẻ đẹp của một hình tượng nghệ thuật mang tính dân gian. Súy Vân của Dịu Hương có vẻ đẹp của một hình tượng nghệ thuật mang tính bác học, tính chuyên nghiệp [7, tr. 69-70]. Thế hệ chúng tôi lớn lên chẳng còn được xem các nghệ nhân biểu diễn. Nhưng chúng tôi bị hút hồn vào vai diễn Súy Vân của NSƯT Diễm Lộc với trích đoạn Súy Vân giả dại. Chỉ với 23 phút một lớp múa hát diễn đẹp như châu ngọc của sân khấu Chèo hiện lên - nàng Súy Vân xe tơ, dệt vải, vá áo, kim đâm vào tay, mất kim, lần tìm nó với bao nhiêu động tác của một người phụ nữ chăm chỉ, nết na. Khán giả thấy qua Diễm Lộc một cô thôn nữ Việt Nam thắt đáy lưng ong, đảm đang đáng yêu đáng quý như vậy với biết bao tâm sự chứa chất trong lòng... Súy Vân của NSƯT Diễm Lộc đã mang tính chuyên nghiệp cao: tính cách nhân vật được thể hiện qua những động tác kỹ thuật chuẩn mực (đảo mắt, hất tóc, xiến, cười, khóc, những nét hoa tay) tất cả quyện vào nhau trong một chuỗi tiết tấu khi thong dong, khi kịch liệt tạo nên một sức hấp dẫn, sức truyền cảm mạnh mẽ... Mỗi đêm diễn Súy Vân đối với nghệ sĩ ưu tú Diễm Lộc là một đêm diễn sáng tạo, dường nhu bản thân cuộc đời nhân vật là cuộc đời của chính mình, nên bà đã trút cả nỗi lòng, tâm trạng của mình vào từng động tác, cử chỉ, đầu mày, cuối mắt... để hy vọng, thảng thốt lo âu rồi lại hy vọng và cuối cùng là thất vọng, là tự oán trách mình. Vai diễn Súy Vân còn phải kể đến những sáng tạo của các nghệ sĩ tiếp theo: NSƯT Lương Duyên (Chèo Hà Nam) NSƯT Mai Khanh (Chèo Hà Tây), NSƯT Thúy Ngần (Nhà hát Chèo Việt Nam), NSƯT Hồng Minh (Chèo Hải Phòng)... 3.2.4. Vai diễn Hề Có những nghệ nhân có duyên sân khấu đến lạ lùng, chỉ cần xuất hiện là khán giả đang nhốn nháo bỗng lập tức im bặt - như danh hài Bắc Kỳ Tư Liên chẳng hạn. Khán giả như bị ông hút mất hồn, ông nói gì, làm bất cứ động tác gì là khán giả cũng phải cười lên với một tình cảm trìu mến, đồng cảm và đầy hứng thú... Trên sân khấu Chèo cổ có nhiều nghệ nhân thành công với vai hề này bằng những sáng tạo, khám phá của riêng mình đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng các thế hệ khán giả của Chèo. Nghệ nhân hài Lý Mầm lại có cách riêng của mình thu hút khán giả vào các vai hề do ông diễn, đó là cách hóa trang khuôn mặt rất độc đáo: ông dùng ngón tay trỏ miết vào đáy nồi rồi đặt in lên mặt tạo thành đôi lông mày trông rất ấn tượng. Trong vai Vợ quỷ (Trương Viên), nghệ nhân Đào Thị Na lại dùng phẩm điều để tạo nên "má hồng chôn niêu" trông vừa bi vừa hài". Có lẽ đáng chú ý nhất là bộ mặt hóa trang của vai thày Phù thủy. Nhiều thế hệ nghệ nhân đã sắm vai thày Phù thủy, mỗi người có cách sáng tạo phục trang, hóa trang riêng để thể hiện vai diễn này, nhưng đáng chú ý nhất là vai diễn của nghệ nhân Năm Ngũ. Ông kể: Về hóa trang, Phù thủy là một vai hề trong Chèo, nên không thoát ra ngoài khuôn phép chung của cách bôi mặt hề Chèo, hai cái ria mép trễ xuống hai bên, bôi một vệt trắng ở giữa sống mũi cho nó dị dạng, một cục đất thó dính làm dử mắt tỏ sự lười biếng, mất vệ sinh. Nhưng Phù thủy thường là hay ăn tham, nên cho râu chùm mép và bôi trắng môi dưới. Thực tế thì họ không đeo cờ, quàng kiếm, họ chỉ có một chiếc cờ lệnh đuôi nheo, khi bắt tà ma thì đưa ra phất, cùng chiếc kiếm là vật để ở giá, lúc cần mới rút ra quát tháo. Muốn bộc lộ bằng ngoại hình tính khoe khoang của bọn này, tôi cho họ đeu đầy người như "ông tướng Quảng Lạc" cả kiếm, cờ rất nhiều sau lưng, nom nó lòe loẹt, đồng bóng khác với các vai cùng đóng… [36, tr. 89]. Khi diễn vai phù thủy trên sân khấu, nghệ nhân Năm Ngũ có cách: Cười thâm trầm, mưu mô, bịp bợm, khi thì toét mồm, nhe răng, môi trên che kín lợi lộ rõ hai hàm răng và chiếc môi dưới bôi trắng toát, khi thì nhếch mép nham hiểm đầy mưu mô kiếm lợi, khi thì cười nửa miệng trái, khi thì cười nửa miệng phải phối hợp với da mặt co giãn và đôi mắt đưa phải, đưa trái, mở to hay ti hí… Thỉnh thoảng có những tiếng cười thành tiếng như là một tiếng thét: A ha! với cái miệng rộng hóa trang ngoắc đến tận mang tai, bộc lộ uy quyền bịp bợm của thày Phù thủy sai âm binh… [36, tr. 88]. Nhân vật Phù thủy được nghệ nhân Năm Ngũ biểu diễn nhiều lần, lần sau hay hơn lần trước, ông đã đem đến cho nhiều thế hệ khán giả của Chèo một hình tượng nhân vật Phù thủy đặc sắc, ghi đậm dấu ấn sáng tạo độc đáo của một bậc thầy trong làng Chèo. Vẻ mặt ngộ nghĩnh, nghịch ngợm, thầy phù thủy Mạnh Phóng (NSƯT - Nhà hát Chèo Việt Nam) xuất hiện ở sân khấu với hai chấm trắng ở đầu mắt bằng hạt ngô, một vệt trắng từ mũi vắt qua môi, hai má đỏ tròn xoe, áo thụng mầu đỏ, quần ống thấp ống cao, tay ôm ba cái trống lớn nhỏ nhỡ được khoác qua cổ và sau lưng giắt đầy cờ xí, những là bùa… bước ra sân khấu tay nào, chân ấy tạo nên một thế nghịch mắt rất ngộ nghĩnh và cuốn hút khán giả ngay từ phút đầu. Nhân vật Phù thủy được đặt vào những hoàn cảnh cụ thể, trái khoáy để bộc lộ tính cách - một thầy phù thủy sợ ma nhưng lại hay nói khoác: Thầy và thần thánh của thầy đã từng đi qua "chín tầng địa võng thiên la" và được "Phật Bà ban cho ba mươi sáu tay ấn quyết, thầy Đường Tăng cho chín chục pho khinh"… vậy mà thầy ế ẩm đến mức: Làm thầy từ năm mười một Đến năm nay là sáu mươi mốt mới có một người mời! Nhưng khi được người ta mời thì thầy lại sợ, lại run vì nghe nói con ma mộc ấy "biết ăn thịt người". Nó nuốt cả người "râu ria kềnh càng như thầy". Thầy ra sức từ chối nhưng không xong, tiếng đế xui thầy thách to lễ, thầy đòi: Lá đa mặt nguyệt đêm rằm Răng nanh thằng Cuội, râu cằm ông Thiên lôi Gan ruồi, mỡ mỗi cho tươi Lại thêm chín chục con rơi góa chồng! Tưởng rằng nhà chủ thấy lễ quá khó sẽ không lo nổi mà bỏ đi mời thầy khác. Nhưng không ngờ nhà chủ lại thuận tình lo đủ lễ, khiến cho thầy chỉ còn biết nhắm mắt đưa chân. Thầy bắt đầu vào lễ, càng lễ, càng khấn thì cái chân tướng lừa bịp của thầy càng lúc càng bộc lộ rõ cho đến lúc thầy phải nhờ dàn nhạc: "Anh em ơi có thầy nó (con ma) ra thì làm ơn bảo tôi nhé! Dưới cái lốt của thầy phù thủy - Mạnh Phóng tung hoành trên chiếu Chèo, ngộ nghĩnh đến đáng yêu mặc dù anh diễn tả một đối tượng bị châm biếm. Anh đã biết kết hợp được chặt chẽ trò và trò nhời, kết hợp giữa những động tác cử chỉ khoa trương cường điệu với ngữ khí đài từ. Qua lời nói của phù thủy, chuyện đời thói đời được phanh phui, chế nhạo, từ nội dung câu nói lời hát đến cách buông hơi nhả chữ, cách phát âm đều tạo nên tiếng cười. Từ ánh mắt đến giọng nói, hình dáng. Mạnh Phóng tránh được lối diễn tùy tiện, sơ lược. Anh biết luôn luôn biến đổi một cách tài tình những động tác cử chỉ của mình để biểu hiện những né chủ yếu trong tính cách nhân vật phù thủy: Yểm bùa gọi ma để dọa thiên hạ nào ngờ tưởng ma hiện lên thật và quay ra dọa chính mình mà thất kinh hồn vía. Với vai Phù thủy, lối diễn của Mạnh Phóng vừa giữ được tinh hoa của nghệ thuật truyền thống, vừa mạnh dạn tiếp thu những yếu tố mới (như yếu tố tâm lý của nhân vật). Và anh đã thực sự có đóng góp khi ổn định hóa được một số đoạn diễn của nhân vật phù thủy này. NSUT Vũ Ngọc (Nhà hát Chèo Việt Nam) cũng đã có những sáng tạo đặc sắc. Thầy Phù Thủy đang vừa say sưa thực hiện nhiệm vụ của mình, khấn: "Nam mô, chồng còng mà lấy vợ còng...." vừa giao lưu phân trần với dàn đế: "Làm thầy thì mỗi người mỗi khoa, biết đâu mà đâm vào"... thì bị Súy Vân phát hiện ra. Súy Vân tay cầm cành cây quyệt vào má phù thủy hét lên:"Đi đâu?" /Phù thủy:"Dạ thưa bà con đi đóng cối". Rồi cuống quýt dùng bàn tay xóa những hóa trang trên mặt mình đi, lúc đầu là một tay, sau cuống quýt cả hai tay, cố gắng xóa đi không để còn một dấu vết nào. Chỉ với chi tiết "xóa" đầy sáng tạo này, NSƯT Vũ Ngọc đã nâng tầm hình tượng nhân vật Phù thủy. Phù thủy không chỉ hài hước bởi cái vẻ bên ngoài, bởi lời ăn tiếng nói mà còn hài hước ở sâu xa bản thân mình muốn phủ nhận chính con người mình. NSND Mạnh Tuấn với vai hề theo thầy Trần Phương cũng có những sáng tạo đáng ghi nhận. Nắm vững cung cách hài hước hóa cuộc đời của Chèo thông qua các vai hề, NSND Mạnh Tuấn xuất hiện trong vai hề Trần Phương, dáng nhỏ nhỏ nhưng nhanh nhẹn, lối diễn thông minh đầy sáng tạo trong từng tiết diễn, không lạm dụng ngoại hình để kiếm tiếng cười tầm thường, dễ dãi. Hề xuất hiện cùng Trần Phương ở cảnh Trần Phương đang tìm cách đưa Súy Vân vào tròng. Bằng lối diễn hồn nhiên, vui tươi, hề bóc trần bộ mặt của Trần Phương: - ối giời ơi! Bác đang tính chuyện trăng hoa thì lại bảo lòng ta đau xót! Như thế chằng hóa ra khẩu phật tâm xà, cho nên thơ của bác chỉ là màu mỡ riêu cua... Ông chớp chớp mắt, khéo léo lia đôi chân xoay người hát tiếp: Dưới bóng phật từ bi Bác xăm xăm tuần rằm lẩn khuất ấy đi về tìm ai bâng khuâng đêm ngày Khéo chải chuốt khoe tài Tài lại khoe tài... Nhưng đến màn cuối, khi Trần Phương bỏ rơi Súy Vân, hề phải làm cái nhiệm vụ thông báo tàn nhẫn ấy cho Súy Vân, cho cả người xem... thì bản lĩnh và tài năng của người nghệ sĩ hài nơi ông dường như được thăng hoa. Trong bóng đêm dày đặc, một tay giơ ngọn đuốc, một tay run run tờ thư của Trần Phương, ông cất giọng: Ta đây là khách thích đùa hoa Nhắn nhủ cô nàng chớ trách ta Nhẹ dạ tin người chừa đi nhé Trăng thề vẫn đó mặt còn trơ! Giọng ngâm vừa đẫm nước mắt cảm thông với nàng Súy Vân tội nghiệp lại vừa như phải ghìm nén nỗi uất ức về nhân tình thế thái... Rồi ông khóc cho chính mình, cho cái nỗi đời. Ông phải uống rượu để lấy "chất say" cho bớt nỗi đau trong lòng Ôi bác mẹ tôi ơi! Sao sinh tôi ra cái miệng tôi đòi ăn Cho nên tôi phải nhăn răng ra cười Nhưng khi tôi chán sự đời Tôi làm một cút Tôi ngủ một giấc Rồi mai tôi lại quên hết, tôi mới lại bán cười Bán cười tôi mới lại nhăn răng.. Hề lại còn muốn xoa dịu nỗi đau cho cả nàng Súy Vân bị phụ tình nữa thì quả là lòng nhân ái đong đầy. Cái "say" tưởng chừng phảng phất mà lại chí tình, chí nghĩa, cảm động đến rơi nước mắt như thế... Qua từng ánh mắt, động tác đến giọng ngâm... NSND Mạnh Tuấn đã tạo nên được sức cuốn hút mỹ cảm kỳ diệu mãi để lại những ấn tượng không thể phai mờ trong lòng người xem dù chỉ một lần... Chúng tôi chỉ điểm qua tài năng diễn xuất của một số nghệ sĩ qua một số vai mà chúng tôi đã được xem, nhất là một số vai diễn đã gây nên ở chúng tôi những ấn tượng không thể phai nhòa. Có thể - đúng hơn là chắc chắn - còn nhiều vai diễn do các nghệ nhân nghệ sĩ tài danh khác biểu diễn... mà chúng tôi không có dịp được xem, được chiêm ngưỡng, thưởng thức. Điều đó thật là một thiếu sót. Song dù cho có như vậy, thì những vai diễn do các nghệ nhân nghệ sĩ mà chúng tôi vừa trình bày ngắn gọn sơ lược ở trên... cũng đã đủ nói lên một điều rằng: nghệ thuật diễn xuất của Chèo đã trở thành một truyền thống được kế thừa, gìn giữ, phát triển và thăng hoa qua các thế hệ nghệ nhân Chèo, nghệ sĩ Chèo. Và quan trọng hơn, nghệ thuật diễn xuất ấy đã trở thành văn hóa biểu diễn, nó góp phần đáng kể vào quá trình tạo nên toàn bộ văn hóa Chèo Việt Nam. * * * Như thế, chúng tôi đã trình bày một số đặc sắc của nghệ thuật Chèo - xét từ góc độ văn hóa học, đương nhiên là những đặc sắc thể hiện trong những yếu tố thi pháp qua nhân vật Chèo, và cũng chỉ là một số yếu tố mà chúng tôi coi là tiêu biểu nhất, những yếu tố làm nên bản sắc độc đáo của Chèo... Chúng tôi hoàn toàn không có ý cho rằng những yếu tố thi pháp - thông qua các biện pháp mỹ học này chỉ là đặc sản của Chèo. Chẳng hạn, biện pháp xây dựng nhân vật thông qua trò (trò diễn và trò nhời) thì ở Tuồng, Cải lương... cũng có, đôi khi có với đặc sắc của mình..., nhưng đó lại là việc của Cải lương, của Tuồng... mà chúng tôi không bàn ở đây. kết luận 00. Tiến trình lịch sử và văn hóa Việt Nam, trải qua các thời đại, từ văn hóa Đông Sơn, qua các thời kỳ chống nô dịch và tiếp xúc văn hóa Hán ngàn năm Bắc thuộc, đến văn hóa Đại Việt và qua tiếp xúc với văn hóa phương Tây đến một nền văn hóa mới Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay... là một tiến trình chứng tỏ sức sống kỳ diệu, tiềm tàng, tiểm ẩn của nền văn hóa Việt. Tìm hiểu nhân vật Chèo truyền thống từ góc nhìn văn hóa, luận văn chỉ nhằm dẫn tới một kết luận: Chèo là một hiện tượng độc đáo của Việt Nam; cụ thể hơn, sáng tạo Chèo - từ khâu chế tích đến khâu tạo trò, từ viết kịch bản đến biểu diễn sân khấu - là một hành vi, một hành động văn hóa. Những nét văn hóa đặc thù của Chèo không phải là những ngẫu nhiên tùy hứng, mà chính là những đặc thù cơ bản, khoa học, đảm bảo cho nghệ thuật Chèo tồn tại và phát triển. 01. Bởi thế cho nên, chúng tôi đã đưa ra một khái niệm chung về văn hóa, và chốt lại bằng định nghĩa rút từ Từ điển Bách khoa Việt Nam, trong đó đáng chú ý nhất là một bản sắc dân tộc - ẩn giấu trong lòng sâu văn hóa. Từ đó chúng tôi đã khảo sát Chèo, một nghệ thuật dầy bản sắc dân tộc Việt Nam, từ góc độ văn hóa, đặc biệt là khảo sát nhân vật Chèo - hình bóng trung tâm của toàn bộ nghệ thuật Chèo từ góc nhìn văn hóa ấy. 02. Để khảo sát được nhân vật Chèo từ góc độ văn hóa, chúng tôi đã buộc phải khảo sát các yếu tố cấu thành nhân vật Chèo, từ kịch bản đến vở diễn Chèo, đặc biệt là các yếu tố của một nghệ thuật tổng hợp mà nghệ thuật diễn xuất là trung tâm - để cho xoay quanh nó, kết hợp nhuần nhuyễn với nó là các nghệ thuật ngôn từ, hát, múa, phục trang, hóa trang... và qua sự khảo sát đó, chúng tôi đi đến kết luận về một thực thể văn hóa tổng hợp của Chèo. 03. Những đặc sắc Chèo - thể hiện qua nhân vật luôn luôn tiến triển theo sự tiến triển của nền văn hóa dân tộc. Chính nhiều thế hệ nghệ nhân - nghệ sĩ Chèo... đã tạo nên cái thưc thể văn hóa đó, và đến lượt mình, cái thực thể văn hóa đó khi nó phát triển trong quá trình sáng tạo của nhiều thế hệ nghệ nhân nghệ sĩ Chèo, thì nó trở thành động lực cho sự phát triển của nghệ thuật Chèo. 04. Bằng những hệ giá trị và các chuẩn mực xã hội, văn hóa có thể điều tiết và là động cơ cho sự phát triển của xã hội theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn. Nằm trong dòng chảy của văn hóa, nghệ thuật Chèo đã có khả năng tác động đến con người một cách mạnh mẽ, sâu sắc bởi những đặc trưng ngôn ngữ mang tính đặc thù của loại hình nghệ thuật này. Là một thực thể văn hóa tổng hợp, hội đủ trong đó những bản sắc của văn hóa lúa nước, những phong tục tập quán, những ứng xử đạo đức tinh thần của người Việt... một thực thể văn hóa tổng hợp đã có vị thế vững chắc và tình cảm thiêng liêng trong tâm thức cộng đồng. Trong sự vận động và phát triển không ngừng của xã hội, Chèo cần phải đổi mới, sáng tạo, nhưng để sáng tạo cách tân đạt được hiệu quả mong muốn thì ngoài nhận thức, quan điểm đúng, cần phải có một bản lĩnh văn hóa vững vàng. Nhìn vào lịch sử của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia sẽ dễ dàng nhận thấy những nhà văn lớn, những kịch tác gia lớn bao giờ cũng là những nhà văn hóa lớn. Các sáng tạo của họ khi đạt đến các chuẩn mực nghệ thuật đích thực thì đồng thời cũng đạt đến các chuẩn mực văn hóa. Trong lĩnh vực nghệ thuật Chèo, tác giả Tào Mạt với bộ ba Bài ca giữ nước - tác phẩm đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình. Bản sắc dân tộc chính là "sự đảm bảo bằng vàng" cho sáng tác Chèo trên chặng đường đi tới. Không ai khác ngoài các nghệ sĩ Chèo có trách nhiệm lớn nhất và giữ vai trò quyết định nhất trong việc giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc ở lĩnh vực nghệ thuật của mình. Mỗi vở diễn Chèo luôn là sự kết hợp trong đó cả văn chương và nghệ thuật, cả vai trò cá nhân và tập thể. Do đó, cần thiết phải có một thái độ văn hóa. Thái độ đó phải được thể hiện ở tất cả các khâu sáng tạo và tiếp nhận nghệ thuật. Trước hết, trong ngành quản lý lãnh đạo là thái độ hiểu biết và tôn trọng đặc thù, đặc trưng của văn hóa biểu diễn. Tiếp theo là trong hoạt động sáng tạo, đó là ý thức chiếm lĩnh đỉnh cao bằng những sáng tạo mới trên cơ sở vẫn giữ được bản sắc Chèo. Cuối cùng là khâu tiếp nhận nghệ thuật - phải có chiến lược giáo dục thẩm mỹ cho khán giả ngay từ khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông. Các giải pháp cụ thể: 1. Một mặt, tạo môi trường văn hóa làng xã cho Chèo; mặt khác, đưa Chèo lên xu thế bác học hóa. Có thể chia ra làm hai khối: khối dân gian (các đoàn địa phương) và khối bác học (các nhà hát). Nhà nước cần có sự đầu tư đáng kể cho việc bảo tồn và phát triển theo hướng này. 2. Về tổng thể tác phẩm Chèo, theo chúng tôi, cần nhớ rằng Chèo truyền thống từ cội nguồn là sân khấu dân gian, là sân khấu dân tộc mang đậm tính dân gian, cho nên cần đặc biệt chú ý đến tính chất dân gian của Chèo. Tuy nhiên, ở một bình diện cao hơn - bình diện hiện đại, thì cái chất dân gian ấy phải được nâng cao trong xu thế bác học hóa. Tuy nhiên, chúng tôi nói là xu thế bác học hóa, chứ không phải là bác học hóa một cách toàn diện. Vả lại, bác học hóa không phải là hiện đại hóa trong ý nghĩa thô thiển của khái niệm này. Và để thực hiện được điều đó cần phải tìm hiểu Chèo cho đến nơi đến chốn, là phải tìm hiểu trên cơ sở văn hóa thì sự bảo tồn mới có thể vững chắc được. Và nghệ sĩ - những thành phần tham gia sáng tạo Chèo phải phấn đấu để có tầm của những nhà văn hóa. Đặc biệt chú ý đến khâu đào tạo. Phải đào tạo cho được một đội ngũ cán bộ nghệ thuật (tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ, nghiên cứu, diễn viên...) vừa am hiểu về Chèo lại vừa có vốn hiểu biết xã hội và có trình độ văn hóa cao. Riêng về đào tạo đội ngũ diễn viên, phải đặc biệt lưu ý sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và các nhà hát Chèo để tạo cho học sinh có được một môi trường nghệ thuật, giúp các em có thể kiểm nghiệm hàng ngày những kiến thức đã được học tập trên phương diện lý thuyết. Nên chăng cần tuyển sinh và đào tạo các em từ khi còn nhỏ tuổi ở trình độ trung cấp, rồi mới lên đại học (như các trường năng khiếu Xiếc, Múa, hoặc như Nhạc viện Hà Nội) chứ không phải cứ tuyển sinh như hiện nay là thi vào đại học. Đến tuổi 17 - 18 thì đâu còn khả năng rèn luyện hình thể như ý muốn. Vả lại, chỉ bốn năm học, do sức ép về thời gian và số lượng bài vở nên học sinh không thể có điều kiện để tìm hiểu, rèn luyện sâu bất cứ một vấn đề gì từ diễn, hát và làm giàu kiến thức về văn hóa Chèo. Có thể giải pháp tình thế trước mắt là mở ngay các trại nghiên cứu và sáng tác Chèo (để có những kịch bản Chèo hay); mở các lớp tập huấn về nghề và nâng cao trình độ văn hóa cho diễn viên của 18 đoàn nghệ thuật Chèo trong cả nước. 05. Một kết luận cuối cùng đương nhiên được rút ra ở đây là phải kiên quyết loại trừ những biểu hiện thiếu văn hóa, phi văn hóa, thậm chí vô văn hóa trong kế thừa, gìn giữ, phát triển - tức là trong sáng tạo Chèo hiện đại. danh mục tài liệu tham khảo 1. Ph.Ăngghen (1961), Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước, Nxb Sự thật, Hà Nội. 2. Đào Duy Anh (1950), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Bốn phương. 3. Trần Bảng, Chèo một hình thức sân khấu dân gian, Tư liệu in Roneo - Nhà hát Chèo. 4. Trần Bảng (1979), "Mấy cảm tưởng về sân khấu dân gian", Tuần báo Văn nghệ, (229). 5. Trần Bảng (1993), Chèo - Một hiện tượng sân khấu dân tộc, Nxb Sân khấu, Hà Nội. 6. Trần Bảng (1999), Nói chuyện về Chèo, Tư liệu in Roneo. 7. Trần Bảng (2006), Nghệ thuật đạo diễn Chèo, Công trình nghiên cứu khoa học cấp bộ, Hà Nội. 8. Hà Văn Cầu (1976), Hề Chèo chọn lọc, Nxb Văn hóa, Hà Nội. 9. Hà Văn Cầu (2002), Tổng tập văn học dân gian người Việt, tập 17, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 10. Hà Văn Cầu (2004), Công trình nghiên cứu khoa học cấp bộ, NHC. 11. Hà Văn Cầu, Lịch sử nghệ thuật Chèo, Tư liệu in Roneo. 12. Nguyễn Từ Chi (2003), Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội. 13. Cao Huy Đỉnh (1976), Tiến trình văn học dân gian Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 14. Lê Quý Đôn (1962), Vân Đài loại ngữ, Nxb Văn hóa, Hà Nội. 15. Lê Quý Đôn (1997), Kiến văn tiểu lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 16. Trần Hùng Được - Lê Chí Dũng (1963), Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời, Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội. 17. Nguyễn Văn Hạnh (2002), Văn học văn hóa - vấn đề và suy nghĩ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 18. Phan Thu Hiền (2006), "Văn hóa học nghệ thuật như một chuyên ngành văn hóa học", Văn hóa nghệ thuật, (10). 19. Phạm Đình Hổ (1960), Vũ trung tùy bút, Nxb Văn hóa, Hà Nội. 20. Phạm Đình Hổ (1972), Vũ Trung tùy bút, Nxb Văn học, Hà Nội. 21. M. Kagan (1983), "Tiếp cận văn hóa để nghiên cứu nghệ thuật sân khấu", Nghiên cứu nghệ thuật, (3). 22. Đinh Gia Khánh (1995), Dư địa chí văn hóa dân gian Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, Nxb Sở Văn hóa thông tin, Hà Nội. 23. Vũ Khiêu (1996), Bàn về văn hiến Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 24. Vũ Khắc Khoan (1974), Tìm hiểu sân khấu Chèo, Nxb Lửa thiêng, Sài Gòn 25. Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 26. Lời giới thiệu tuyển tập Chèo cổ (1999), Nxb Sân khấu, Hà Nội. 27. Đặng Văn Lung (1978), Diễn xướng sân khấu - Diễn xướng dân gian và nghệ thuật sân khấu, Tư liệu in rônêô, Viện Nghệ thuật. 28. C. Mác - Ph. Ăngghen (1962), Tuyển tập, tập 2, Nxb Sự thật, Hà Nội. 29. Tú Mỡ (1960), Bước đầu viết Chèo, Nxb Phổ thông, Hà Nội. 30. Phan Ngọc (1985), Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong truyện Kiều, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 31. Trần Đức Ngôn (2006), "Chức năng nghệ thuật của không gian và thời gian trong Chèo cổ", Tập san Nghệ thuật sân khấu và điện ảnh, (10), tr. 47-52. 32. Trần Việt Ngữ - Hoàng Kiều (1967), Bước đầu tìm hiểu tiếng cười trong Chèo cổ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 33. Trần Việt Ngữ (1984), Cách viết một vở Chèo, Nxb Văn hóa, Hà Nội. 34. Nhà hát Chèo Việt Nam, Quan âm Thị Kính, Kịch bản Chèo cổ, Tư liệu in roneo, Hà Nội. 35. Nhiều tác giả (1963), Giới thiệu Thánh Tông di cảo, Nxb Văn hoá, Hà Nội. 36. Nhiều tác giả (1987), Kiến thức sân khấu phổ thông, Viện Sân khấu, Hà Nội. 37. Mịch Quang (2004), Khơi nguồn mỹ học dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 38. Dân Quốc (2004), Mỹ thuật Chèo truyền thống, Công trình nghiên cứu khoa học cấp bộ, Hà Nội. 39. Tất Thắng (2001), Đi tìm bản sắc dân tộc trong Chèo, Nxb Sân khấu, Hà Nội. 40. Tất Thắng (2002), Sân khấu truyền thống từ chức năng giáo huấn đạo đức, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 41. Tất Thắng (2006), "Đào tạo nhà văn hóa trong nghệ sĩ kịch hát dân tộc", Thông tin khoa học Nghệ thuật sân khấu và điện ảnh, (8). 42. Trần Ngọc Thêm (1994), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 43. Nguyễn Đăng Thục (1997), Thiền học Việt Nam, Nxb Thuận Hóa, Huế. 44. Trần Trí Trắc (1996), Hình tượng sân khấu và nghệ sĩ sáng tạo, Nxb Sân khấu, Hà Nội. 45. Trần Trí Trắc (2003), Sân khấu và nghệ sĩ sáng tạo, Nxb Sân Khấu, Hà Nội. 46. Đôn Truyền (2001), Đến với nhạc Chèo, Viện Sân khấu, Hà Nội. 47. Từ điển Bách Khoa Việt Nam, tập 4, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội. 48. Tuyển tập Chèo cổ (1976), Nxb Văn hóa, Hà Nội. 49. Viện Sân khấu (1970), Kịch bản Chèo trước cách mạng, tập 1, Tư liệu in roneo, Hà Nội. 50. Viện Sân khấu (1970), Kịch bản Chèo trước cách mạng, tập 2, Tư liệu in roneo, Hà Nội. 51. Trần Quốc Vượng - Đinh Xuân Lâm (1966), "Về nguồn gốc lịch sử tuồng Chèo Việt Nam", Văn học, (4). 52. Trần Quốc Vượng (1978), "Hội hè dân gian với làng quê đổi mới", Nghiên cứu nghệ thuật, (1). 53. Trần Quốc Vượng (1996), Theo dòng lịch sử, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. 54. Trần Quốc Vượng (2000), Văn hóa Việt Nam - tìm tòi và suy ngẫm, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật xuất bản. 55. 56. mục lục 57. 58. Trang Mở đầu 1 Chương 1: nghệ thuật Chèo từ cội nguồn văn hóa 7 1.1 Từ định nghĩa về văn hóa 7 1.2. Những đặc điểm của nền văn hóa Việt Nam 8 1.3. Nghệ thuật Chèo - từ cội nguồn văn hóa 16 Chương 2: Nhân vật Chèo từ góc nhìn văn hóa 36 2.1 Nhân vật Chèo - sự phản ánh sinh hoạt cộng đồng của văn hóa làng xã 36 2.2 Nhận vật Chèo - tinh thần lạc quan (văn hóa trào lộng) của người 47 Việt 2.3. Nhân vật Chèo hình thành và phát triển theo sự tiến triển của văn hóa Việt 57 Chương 3: bản sắc văn hóa tiềm ẩn qua nhân vật chèo 66 3.1. Đặc sắc trong nghệ thuật xây dựng nhân vật - sáng tạo trò diễn 67 3.2. Dấu ấn văn hóa trong nghệ thuật biểu diễn qua một số nhân vật Chèo tiêu biểu 100 Kết luận 115 danh mục tài liệu tham khảo 119 59.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLUẬN VĂN- Nhân vật Chèo truyền thống dưới góc nhìn văn hóa.pdf
Luận văn liên quan