Luận văn Những đặc điểm truyền thống của con người Việt Nam trong qúa trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước

Nhưng mặt khác, chế độ giáo dục, thi cử theo mô hình Nho giáo ấy thường rập theo khuôn mẫu Trung Quốc, nhất là khuôn mẫu Đường - Tống. Nội dung giáo dục chủ yếu là kinh, sử, thơ, phú, lối học mang nặng tính chất từ chương xa rời thực tế đất nước, xa rời khoa học kỹ thuật. Tuy cũng có một vài nhà vua muốn cải cách ít nhiều chế độ giáo dục (như Hồ Quý Ly, Quang Trung) và cũng có lúc có những đề thi, nhất là thi đình, đòi hỏi thí sinh phát biểu ý kiến về những vấn đề bức xúc đang đặt ra cho đất nước, nhưng nói chung, tính chất từ chương vẫn chi phối.

pdf77 trang | Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 2941 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Những đặc điểm truyền thống của con người Việt Nam trong qúa trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ng học ở miền Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tr. 127. Chương 3 Mặt hạn chế của di sản truyền thống 1. Đặt vấn đề và vài quan điểm chung 1.1. Lịch sử lâu đời của dân tộc Việt Nam dùng với những điều kiện, hoàn cảnh và nội dung cụ thể của nó đã tạo ra và để lại một di sản truyền thống phong phú với nhiều giá trị tốt đẹp. Có thể nghĩ rằng cơ sở của thực tế đó bao gồm mấy mặt chủ yếu sau đây: - Thứ nhất, trải qua hàng nghìn năm tồn tại, dân tộc ta đã tạo lập được một nền văn hóa bền vững có bản sắc riêng và cội rễ sâu xa trong cơ sở kinh tế - xã hội và trong ý thức, tâm lý của nhân dân. Đó là một nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước và một kết cấu cộng đồng dựa trên nền tảng liên kết chặt chẽ giữa nhà - làng - nước, một thiết chế chính trị sớm mang tính tập quyền và thống nhất. - Thứ hai, dân tộc Việt Nam sớm hình thành trong một quá trình thống nhất quốc gia - dân tộc tương đối bền vững. Từ thời các vua Hùng, vua Thục, quốc gia Văn Lang - Âu Lạc đã liên kết được hai nhóm tộc người Việt chủ yếu là Lạc Việt và Âu Việt và bao trùm một lãnh thổ khá rộng ở Bắc Việt Nam ngày nay. Trải qua hơn nghìn năm Bắc thuộc, lãnh thổ đó hầu như được giữ vững ở thế kỷ X, sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng khỏi ách đô hộ của các triều đại phương Bắc. Từ các thế kỷ XI - XII, lãnh thổ Đại Việt được mở rộng thêm về phía Nam và dù trải qua thời kỳ phân liệt Lê - Mạc (Nam - Bắc triều) và Trịnh - Nguyễn (Đàng Trong - Đàng Ngoài) kéo dài trên 200 năm trong thế kỷ XVI - XVIII, cư dân nước Đại Việt lúc đó mà nòng cốt là người Kinh (Việt), vẫn là một cộng đồng thống nhất với ý thức sâu sắc về cội nguồn chung, về ngôn ngữ, văn hóa chung, về vận mạng chung. Đó là cơ sở căn bản để khôi phục quốc gia thống nhất vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX khi mà kinh tế hàng hóa có phát triển hơn trước nhưng chưa đủ sức tạo ra thị trường cả nước, chưa tạo lập ra một nền tảng mới cho sự thống nhất dân tộc cận đại. - Thứ ba, do vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, nhân dân Việt Nam đã phải đấu tranh liên tục chống thiên tai và phải tiến hành nhiều cuộc kháng chiến chống xâm lược đẻ bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, bảo vệ những di sản văn hóa của Tổ Tiên. Những cuộc đấu tranh đó là một trong những nhân tố quyết định phá vỡ tính cô lập làng xã, thúc đẩy sự liên kết cộng đồng, sự cố kết dân tộc, phát triển tinh thần yêu nước, ý thức quốc gia dân tộc ở con người Việt Nam. Trong hoạt động nghiên cứu lịch sử và con người Việt Nam lâu nay, do yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và kháng chiến, việc tìm hiểu và phát hiện các di sản truyền thống tích cực, tốt đẹp về mọi mặt của con người Việt Nam đã đạt những thành tựu lớn, thực sự có ý nghĩa và giá trị thực tiễn. Nhưng xu hướng nghiên cứu một chiều như vậy cùng với thắng lợi vang dội của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước dễ đẻ ra tâm lý chủ quan, tự mãn. Trước hết cần khẳng định, đất nước ta, dân tộc ta trường tồn cho đến nay, đã vượt qua thắng lợi biết bao sóng gió, bão táp do thiên tai và đặc biệt do giặc ngoại xâm gây ra, sự thật lịch sử đó cho thấy rõ sức sống, bản lĩnh, bản sắc bền vững cùng những truyền thống tốt đẹp có ý nghĩa chi phối của dân tộc. Nhưng giờ đây, đất nước đã trở lại với cuộc sống hòa bình và đang thực hiện công cuộc đổi mới, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đầy triển vọng và thách thức. Nhiều quan niệm cũ không còn phù hợp nữa và khi nhìn ra thế giới một cách rộng rãi với hàng loạt thông tin khác nhau, với mong muốn hòa nhập một cách chủ động và bình đẳng, chúng ta nhận biết sâu sắc rằng đất nước mình đang ở diện các nước nghèo và lạc hậu nhất thế giới. Trong sự nghiệp xây dựng đất nước, khắc phục nghèo nàn lạc hậu, vươn lên văn minh hiện đại, con người giữ vai trò quyết định và chúng ta cần biết con người Việt Nam, bên cạnh những truyền thống tốt đẹp cần phát huy, còn mang những truyền thống tiêu cực, những mặt hạn chế gì của di sản truyền thống cần cải biến hay xóa bỏ. Vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, phát hiện và đánh giá đúng hơn những giá trị truyền thống, việc nghiên cứu những mặt hạn chế và tiêu cực trong di sản truyền thống của dân tộc cần được đặt ra. Trong cuộc hội thảo khoa học của chương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước KX-07 tại thành phố Hồ Chí Minh tháng 7-1993, chính GS Trần Văn Giàu đã nêu lên vấn đề này và vui lòng nhận lời nghiên cứu. Nhưng tiếc rằng sức khỏe và nhiều công trình khoa học khác đang cần hoàn thành gấp, không cho phép Gs thực hiện được ý định của mình. Do đó, đề tài KX-07-02 phải lo đảm nhiệm việc nghiên cứu vấn đề này với một yêu cầu khiêm nhường là bước đầu nêu lên vấn đề và đưa ra một số phân tích, đáh giá những hạn chế và tiêu cực trong di sản truyền thống tinh thần để có một cái nhìn và nhận thức toàn diện hơn về truyền thống Việt Nam và góp phần cắt nghĩa, khắc phục những tác hại của nó trong sự nghiệp xây dựng đất nước tiến lên văn minh, hiện đại. 1.2. Nnư chúng ta đều biết, để trở thành người hiện đại hay người khôn ngoan (homo - sapiens), con người phải trải qua hơn 2 triệu năm tồn tại và cải tạo (dù theo giả thiết mới cũng vậy) trong một môi trường khác so với các loài động vật, cái mà sau này gọi là xã hội loài người, nghĩa là trải qua một quá trình xã hội hóa lâu dài. Vì vậy, dù cho môi trường xã hội đó chưa có gì khác lắm so với cái không gian tự nhiên của mọi sinh vật, quan niệm tính bản thiện hay bẩm sinh ác vẫn là những nhận xét về tính cách của những con người đã xã hội hóa này, những con người đã khác xa tổ tiên của mình ở buổi ban đầu. Nhân tố chủ yếu tạo nên sự tiến hóa đó là sự tác động qua lại giữa hoàn cảnh và con người. Mối tương tác này trở nên mạnh mẽ và sâu sắc hơn trong thời kỳ của người hiện đại, nghĩa là thời kỳ mà con người bắt đầu ý thức về cái chung và cái riêng trong nội bộ và với môi trường sinh hoạt. Bên cạnh tác động qua lại giữa hoàn cảnh - con người, phát triển tác động qua lại giữa người - người thể hiện trong quy ước, đời sống kinh tế - xã hội, cách ứng xử. Cũng từ đây, tùy theo hoàn cảnh địa lý mà nảy sinh sự khác nhau về sinh hoạt vật chất, trình độ nhận thức và đời sống tinh thần v.v... và tất cả những nhân tố này hợp lại thành những sắc thái văn hóa khác nhau của các tộc người bắt đầu hình thành từ cuối thời đại đá cũ. Tiến thêm một bước vào thời đại văn minh, nghĩa là khi con người ý thức được một cách chủ động vai trò của văn hóa trong sự phát triển của xã hội và bản thân mình; tác động của các nhân tố nói trên trở nên đặc biệt rõ rệt và cụ thể. Giờ đây, bên cạnh những ảnh hưởng có tính chất vô thức của hoàn cảnh, xuất hiện những thế lực chi phối chủ quan, có ý thức, tư biện. Tính cách, tình cảm và năng lực trí tuệ của con người trở thành những sản phẩm của sự tác động qua lại giữa hoàn cảnh và con người đó, cái mà có nhà triết học gọi chung là thời đại. Nhà thơ Đức nổi danh của thế kỷ XIX là H.Heine đã có lý khi nhận định: "Mọi người đều là con đẻ của thời đại mình, xung quanh họ có cái gì và họ được cổ vũ bởi cái gì thì họ trở thành cái đó"1. F. Engels nhận xét dè dặt hơn: "Tất cả những gì thúc đẩy người ta hành động đều tất nhiên phải thông qua đầu óc họ, nhưng cái đó mang hình thức nào trong đầu óc họ thì phần lớn là tùy ở hoàn cảnh"2. Có thể nói thêm, hoàn cảnh càng ít thay đổi với thời gian thì tác dụng của nó đối với con người càng mạnh vì bên cạnh những nhân tố đương đại còn có hàng loạt nhân tố của quá khứ bị ngưng đọng lại do được lặp đi lặp lại nhiều lần và hầu như không thay đổi giá trị, mang tính bảo thủ. Trong tình trạng như vậy, nhiều khía cạnh trong tính cách, tình cảm, lý trí của con người hoặc trở thành truyền thống tích cực hoặc trở thành những sợi dây ràng buộc, kìm hãm. Có thể đương thời, chúng không gây nên những tác dụng lợi hay hại đáng kể đối với xã hội, nhưng một khi xảy ra những biến động lớn làm thay đổi các mối quan hệ xã hội hoặc những điều kiện thuận lợi, chúng dễ dàng bộc lộ tất cả những mặt tốt, mặt xấu của mình. Như vậy, không phải lúc nào, dưới góc độ nào, người ta cũng phân biệt được những mặt tích cực hay tiêu cực của các di sản truyền thống, cũng như không thể nhìn nhận chúng một cách chủ quan không cần quan tâm đến hoàn cảnh lịch sử đã tạo nên chúng. Trong lịch sử của một dân tộc, một tộc người, thậm chí một con người có biết bao nhiêu sự kiện tác động đến sự hình thành tính cách, tâm lý, tình cảm và trí tuệ của họ, không lẽ gì tất cả đều là những giá trị tốt đẹp, tích cực phù hợp với bất kỳ thời đại nào, hoàn cảnh nào, thời điểm nào. Nói một cách khác, cần phải nhận thấy tính tương đối trong các giá trị truyền thống (trong quan hệ với hoàn cảnh cũng như trong nội dung của giá trị) cũng như cần hiểu đúng bối cảnh kinh tế - xã hội của sự hình thành và lưu truyền của truyền thống, tính hai mặt của nó. Việc phân tích và đánh giá những mặt hạn chế và tiêu cực trong các truyền thống Việt Nam được đặt ra và nhìn nhận trong bối cảnh hiện nay của đất nước và thời đại. Phương pháp tiếp cận chủ yếu cũng không phải là nêu lên từng điểm, từng mặt rời rạc mà nghiên cứu trên cơ sở những nền tảng kinh tế - xã hội, những thiết chế chính trị, tư tưởng đã sản sinh và bảo lưu những hạn chế và tiêu cực đó. 2. Nhìn từ cơ sở kinh tế nông nghiệp và kinh tế tiểu nông 2.1. Sau khi nảy sinh từ văn hóa Hòa Bình, nền nông nghiệp nguyên thủy đã phát triển trong hậu kỳ thời đại đá mới và đến giai đoạn văn hóa Đông Sơn đã chuyển thành nông nghiệp dùng cày với những lưỡi cày đúc bằng đồng thau và sức kéo của trâu bò. Qua hàng ngàn năm, Việt Nam là một nước nông nghiệp trồng lúa nước trên châu thổ các con sông lớn bên bờ biển Đông kết hợp với kinh tế vườn và nương rẫy. Dĩ nhiên, nền kinh tế nông nghiệp đó không dẫm chân tại chỗ mà đã phát triển dần dần với quá trình tích lũy kinh nghiệm của người nông dân, với những cải tiến và sáng chế công cụ lao động, với việc xây đắp hệ thống đê điều, các công trình thủy lợi, với những thành tựu trong khẩn hoang, ngăn mặn, cải tạo đất, mở rộng diện tích canh tác trên nhiều thế dất khác nhau, tăng nhanh giống lúa nếp, lúa tẻ v.v... Trên bình diện phát triển của phương Đông và thế giới, nền nông nghiệp Việt Nam phát triển tương đối sớm và có thời đã đạt trình độ cao, nhất là về phương diện thâm canh, tăng năng suất. Nhưng từ thế kỷ XVIII - XIX, nền văn minh công nghiệp đã ra đời ở phương Tây và vào nửa sau thế kỷ XX đang chuyển sang nền văn minh hậu công nghiệp. Thế mà cho đến giữa thế kỷ XX này, Việt Nam vãn là một nước nông nghiệp lạc hậu với "lưỡi cày chìa vôi", vẫn "con trâu đi trước, cái cày theo sau". Và cho đến tận ngày nay, tuy đã đạt được nhiều thành tựu trong đổi mới, Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp ở tình trạng tiền công nghiệp. Việt Nam cũng như nhiều nước phương Đông khác đã lâm vào tình trạng trì trệ và chậm tiến trong một thời gian khá dài. Về tư tưởng kinh tế thì các vương triều luôn luôn áp dụng chủ trương "trọng nông ức thương", hạn chế sự phát triển của công thương nghiệp, nhất là thương nghiệp đường dài và ngoại thương. Công thương nghiệp, do đó, tuy có phát triển vẫn chủ yếu mang tính chất địa phương, tự túc tự cấp. Thành thị hầu như không phát triển. Có thời như thế kỷ XVII - XVIII, kinh tế hàng hóa khởi sắc lên với sự ra đời của một số đô thị, thương cảng và tiếp nhận việc buôn bán của các thuyền buôn nước ngoài, kể cả một số nước phương Tây. Nhưng, có lẽ sự phồn vinh nhất thời đó là kết quả của các tác nhân phi kinh tế và ngoại lại nhiều hơn là những tác nhân kinh tế nội tại. Vả lại, số lượng đô thị đó quá ít so với một đất nước trải dài trên hàng ngàn cây số bờ biển đông. Sự mỏng mảnh của nền kinh tế hàng hóa đó không tạo nên một sự thay đổi lớn trong cơ cấu kinh tế của đất nước và do đó chóng tàn lụi, một khi các tác nhân nói trên không cò phát huy tác dụng nữa. Các thương nhân và giáo sĩ phương Tây vào Việt Nam hồi đó đã phát hiện được những nhược điểm của nền kinh tế hàng hóa đương thời. Thương nhân Anh là W.Dampier đã nhận xét: "Nhưng xứ ấy [Đàng Ngoài] nghèo lắm, đến nỗi các thương nhân phải chờ 3, 4 tháng mới nhận được hàng đã trả tiền trước, vì khi có tàu ngoại quốc đến người ta mới có công việc cho những người thợ nghèo túng làm và với số tiền nhận được, họ mới có khả năng làm việc"3. Thương nhân P.Poivre thì kể: "Tôi đã tìm gặp một thợ đang dệt một tấm sa tanh, vải nhẹ và nhiều chỗ bị hỏng. Tôi hỏi người ấy tại sao lại... dệt một thứ hàng xấu thế. Người ấy trả lời... biết rõ những chỗ xấu, hỏng của tấm sa tanh. Nhưng tấm đó vẫn cứ được bán ra và coi như tốt đẹp, người trong xứ không có tính như tôi đâu. Sau đó, tôi có nói với người ấy về hàng tơ dệt của người Trung Quốc... và hỏi người ấy có thể làm được như thế không. Người ấy trả lời rằng làm được, nhưng... sẽ có hai điều hại: một là sẽ không có ai mua cả... hai, quan trọng hơn là... ngay lập tức người ta sẽ đến tóm cổ anh đi để bắt anh suốt đời làm cho chúa..."4 v.v... Thương nghiệp cũng không có điều kiện phát triển mạnh mẽ, số phú thương ít, chủ yếu buôn chuyến theo thuyền từ tỉnh này sang tỉnh khác. Số này tăng lên ở thế kỷ XIX được ít nhiều thì lại bị nhà nước trưng dụng thuyền. Do đó, buôn bán chủ yếu diễn ra ở các chợ làng, chợ huyện, thị tứ, mang nặng tính tự túc tự cấp trong từng vùng. Sinh hoạt công thương nghiệp đó không tạo điều kiện cho sự hình thành một tầng lớp thợ thủ công, thương nhân có tính độc lập trong xã hội, tiền đề của phương thức sản xuất mới. Việt Nam có bờ biển dài, gần những đường hàng hải quốc tế quan trọng, nhưng do trình độ thấp kém của kinh tế công thương nghiệp trong nước nên cũng không tận dụng được bao nhiêu và hướng phát triển ra đại dương là mặt yếu kém của kinh tế Việt Nam. Tóm lại, nông nghiệp là nền kinh tế chi phối lâu dài toàn xã hội và trở thành nền tảng của văn hóa Việt Nam (văn minh nông nghiệp). Tư duy của người Việt Nam đương thời, trước hết là tư duy nông nghiệp. Tình trạng chậm tiến kéo dài của kinh tế so với những xu thế mới của thời đại tạo thành cơ sở của một loạt tư tưởng và truyền thống trở nên lỗi thời. 2.2. Trong nền kinh tế nông nghiệp, sản xuất gia đình của nông dân là đơn vị và cơ sở. Nền kinh tế tiểu nông đó thường kết hợp với nghề thủ công và buôn bán nhỏ, là hình thái gần như chi phối tuyệt đối trong lịch sử nông nghiệp Việt Nam. Nền kinh tế tiểu nông đó đã phát huy vai trò to lớn, có thể nói là quyết định sự phát triển của nền nông nghiệp cổ truyền và từ đó tạo nên nhiều truyền thống tốt đẹp của người nông dân Việt Nam như tinh thần lao động cần cù, tính cần kiệm trong cuộc sống, đầu óc thực tế, coi trọng kinh nghiệm, sống hòa đồng và thích ứng với thiên nhiên... Nhưng đến một bước phát triển nào đó, nhất là khi chuẩn bị đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thì tâm lý tiểu nông để lại và bộc lộ không ít mặt hạn chế và tiêu cực trong truyền thống của con người Việt Nam. Trong điều kiện trình độ sức sản xuất thấp kém, kinh tế tiểu nông lệ thuộc nặng nề vào thiên nhiên, vào những thay đổi thất thường của thời tiết, khí hậu, vào hạn hán, lũ lụt, bão tố... Con người phải biết thích ứng với thiên nhiên nhưng cũng cảm thấy nhỏ bé và bất lực trước thiên nhiên trong cảnh sản xuất cá thể: Trên đồng cạn, dưới đồng sâu Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa Do đó dù đã tổng kết biết bao nhiêu kinh nghiệm về thời vụ, về sản xuất, con người vẫn không thể nào làm chủ được nền sản xuất và kết quả lao động của mình. Có khi mùa màng đang tốt tươi, hứa hẹn một vụ bội thu, nhưng chỉ một nạn lũ lụt, bão táp... là có thể mất sạch. Từ đó người nông dân luôn luôn phải "trông trời, trông đất, trông mây", cầu mong sự phù trợ của "Trời", "Phật", "Thần Thánh" và nảy sinh tâm lý cầu may, được mùa nào hay mùa nấy, lo toan nhưng không dám tin chắc vào thành quả lao động. Sản xuất nông nghiệp phải thực hiện theo chu kỳ của thời vụ, theo quá trình sinh trưởng của cây lúa. Ví dụ ở đồng bằng Bắc Bộ, trước đây mỗi năm có hai vụ, vụ chiêm cấy vào tháng 12, 1 và thu hoạch vào tháng 4, 5; vụ mùa cấy vào tháng 5, 6, thu hoạch vào tháng 9, 10 theo lịch trăng. Vào những dịp cày cấy, gặt hái, người nông dân phải tập trung tất cả thời gian và lao động của gia đình, làm việc không tiếc công, tiếc sức. Trong điều kiện kỹ thuật thủ công thô sơ, người ta tính ra cần khoảng 250 ngày công cho 1 ha ruộng vụ chiêm và 220 ngày công cho 1 ha ruộng vụ mùa. Một gia đình nông dân khá giả nếu có 2 lao động chính, cày cấy 1 mẫu ruộng (3.600 m2) thì mỗi năm chỉ sử dụng hết khoảng 170 ngày công cho hai vụ5. Nhưng giữa hai thời vụ lại có một thời gian gọi là "nông nhàn". Gia đình nông dân thường tận dụng thời gian này để làm thêm các nghề phụ hay buôn bán theo lối "chạy chợ" nhằm tăng thêm thu nhập. Nhưng cũng có vùng gần như độc canh, người nông dân không có việc làm và đánh sống trong cảnh đói nghèo. Chu kỳ thời vụ tạo ra nhịp điệu của văn hóa xóm làng, văn hóa nông nghiệp. Các hội hè, đình đám truyền thống thường tổ chức vào dịp mùa xuân và mùa thu, nhất là trong dịp nông nhàn hoặc sau thu hoạch. Chu kỳ và nhịp điệu làm ăn tự nhiên đó cũng tạo ra tâm lý dựa vào trời đất, bản thân người nông dân không thể đặt ra kế hoạch và lường tính được nền kinh tế của mình. Kinh tế tiểu nông chủ yếu dựa vào sức lao động của các thành viên trong gia đình, lại mang nặng tính tự cung tự cấp. Viẹc thuê mướn thêm nhân công hay phát canh thu tô là phương thức sản xuất của nông dân khá giả và của địa chủ. Sản xuất nhỏ theo đơn vị gia đình là nguồn gốc của phong cách làm việc tùy tiện, không kế hoạch, không giờ giấc của người Việt Nam xưa, kể cả trong nông nghiệp và thủ công nghiệp. Thể hiện rõ nhất của hạn chế này là trong lao động trên đồng ruộng hay làm thủ công gia đình. Buổi sáng, thức dậy lúc nào thì đi làm lúc ấy vì chỉ cần cày xong ruộng rồi về. Trong khi cày bừa, hay đan lát, kéo tơ, dệt vải... lúc nào mệt hay thèm điếu thuốc thì dừng tay. Họ không có quan niệm về kế hoạch sản xuất và kỷ luật lao động, cũng không có ý thức về kinh doanh hạch toán trong kinh tế, dĩ nhiên trong điều kiện kinh tế hàng hóa tiền tệ chưa phát triển cao. Họ sẵn sàng giúp nhau cấy gặt ngày mùa cho kịp thời vụ hoặc họp thành phường đi cấy thuê, cày mướn, xong việc ai về nhà nấy. Phong cách đó được thể hiện cả trong cuộc sống hàng ngày, trong vui chơi, giải trí và được đem theo mình khi người nông dân hay thợ thủ công ra thành thị sinh sống. Sử sách đã thường nói đến các phường thủ công ở thành thị cũng như các làng thủ công ở địa phương, mỗi phường mỗi làng có mặt hàng riêng của mình. Nhiều làng thủ công nổi tiếng cả nước. Song cho đến thế kỷ XIX, các phường và các làng thủ công đó đều là tập hợp những cộng đồng gia đình nhỏ vừa làm thủ công vừa ít nhiều làm nông nghiệp, xen kẽ với các gia đình nông dân và địa chủ. Không xuất hiện một quy chế phường hội nào kiểu như phương Tây trung kỳ trung đại. Cũng như người nông dân, người thợ thủ công sản xuất theo những mẫu hàng truyền thống, cha truyền con nối. Kinh nghiệm là nguồn tri thức quan trọng nhất của họ. Từ tôn trọng kinh nghiệm đi đến chỗ tôn kính người già giàu kinh nghiệm. Truyền thống trọng "già làng", "trọng xỉ" này bên cạnh mặt tốt đẹp của nó, cũng chứa đựng mặt hạn chế của chủ nghĩa kinh nghiệm, đẻ ra tâm lý "sống lâu lên lão làng", tư tưởng "lão trị", tinh thần tự mãn, ý thức bảo thủ. Nó hạn chế và có khi kìm hãm sự nảy nở và phát triển của những tài năng trẻ, sự đề xuất những sáng kiến mới mẻ và táo bạo. Mỗi khi xã hội có những chuyển biến mạnh mẽ thì hạn chế này dễ làm nảy sinh mâu thuẫn giữa thế hệ già và trẻ, và không phải ngẫu nhiên mà từ lâu trong nhân dân ta đã xuất hiện quan niệm đối lập phù hợp với quy luật tiến hóa hơn: "tre già măng mọc", "con hơn cha là nhà có phúc". Đời sống của nông dân cũng như thợ thủ công phần lớn là thấp kém. Cuộc sống của họ đơn giản, tằn tiện và không có nhu cầu nhiều về sản phẩm hàng hóa, nhất là hàng hóa có chất lượng cao. Người nông dân cho đến giữa thế kỷ XX vẫn bằng lòng với những bát đĩa thô xấu, những quần áo vài thô nâu đen nội địa. Họ thích "ăn chắc mặc bền" và hầu như không quan tâm lắm đến chất lượng hay sự thay đổi chất lượng sản phẩm. Vấn đề chủ yếu đối với họ là có hàng và giá cả hợp với túi tiền ít ỏi. Hậu quả tất nhiên của tình trạng đó là người sản xuất thủ công hầu như không có quan niệm về sự chuẩn hóa và cải tiến sản phẩm, trừ những thời gian có nhu cầu của ngoại thương, có đơn đặt hàng và sự cạnh tranh của hàng nước ngoài. Không quy chế, không có kiểm tra chất lượng trong sản xuất, không có cạnh tranh, tính chất nhỏ, cá thể của sản xuất là điều kiện nảy sinh những hạn chế trong tâm lý và lề thói suy nghĩ, làm ăn khi chuyển sang cơ chế thị trường với yêu cầu chất lượng và cạnh tranh cao. Hạn chế này càng nặng nề hơn khi nó được bổ sung bằng chủ nghĩa bình quân nông dân. Tư tưởng bình quân chủ nghĩa là sản phẩm tất nhiên của nền sản xuất nhỏ mang tính chất gia đình của người nông dân làng xã, cũng là sản phẩm của tình trạng tiền công nghiệp, phi khoa học - kỹ thuật. Quen với chế độ công điền, công thổ, quen với cách phân chia bình quân từ ruộng đất đến phần ăn trong ngày hội làng, lại bị khép kín trong các lũy tre làng, người nông dân sống gần như giống nhau, nếu có hơn kém cũng chỉ chút ít mà thôi. Trừ một số địa chủ, hào lý có quyền thế, mọi người dân lao động đều gần như nhau từ đời này qua đời khác, làm sao người này lại giàu hơn, hưởng thụ cao hơn người khác được. Chủ nghĩa bình quân kiểu nông dân và công xã còn sinh ra tâm lý "cao bằng", ganh tỵ và ghen ghét những ai hơn mình về một phương diện nào đó. Quan niệm đó xuất phát từ nông thôn rồi cũng được du nhập vào thành thị, vì cư dân đô thị phần lớn cũng từ nông dân, thợ thủ công tứ xử nhóm họp lại mà quá trình đô thị hóa kiểu Việt Nam và rộng ra nhiều nước phương Đông thời tiền công nghiệp, chưa đủ sức thay đổi tâm lý của họ. Nhòm ngó trong ăn mặc, ganh ghét nhau trong sinh hoạt, "trâu buộc ghét trâu ăn", vườn có thể rộng nhưng nhà không được cao hơn nhau v.v... Kiếm được tiền, dù nhiều cũng để tích trữ, cất giấu chứ không dám đem ra kinh doanh vì giàu sang - nếu không phải là vua, quan, thì dễ bị người đời ghen ghét. Trong lịch sử, trường hợp những người làm ăn giỏi như Giang huyền, Chu Danh Hổ (những nhà giàu đã bỏ vốn ra kinh doanh khai mỏ thế kỷ XVIII, XIX)... không có mấy và cũng chỉ nổi lên một đời. Tâm lý bình quân chủ nghĩa và những hệ quả của nó là những cản trở rất lớn cho sự phát triển của tài năng, sự kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và nhân cách con người. 3. Nhìn từ thiết chế xóm làng 3.1. Xóm làng Việt Nam hình thành từ rất sớm, muộn nhất là cùng với sự ra đời của nông nghiệp lúa nước. Từ thời Văn Lang, các xóm làng đã giữ địa vị đơn vị kinh tế xã hội cơ sở mang tính phổ biến. Trải qua hơn 1000 năm Bắc thuộc, địa vị đó của xóm làng càng được củng cố và là cơ sở cho cuộc đấu tranh bảo tồn di sản và bản sắc văn hóa, đồng thời là nơi tập hợp lực lượng dấy lên những cuộc khởi nghĩa chống chính quyền đô hộ, giải phóng đất nước. Bước sang thời kỳ độc lập từ thế kỷ X, xóm làng dần dần trở thành những đơn vị hành chính cơ sở của Nhà nước. Nói chung ở phương Đông, như nhận xét của C.Mác về xã hội ấn Độ cổ truyền, Nhà nước chuyên chế đã được dựng trên một hệ thống làng xã như vậy. Tất nhiên không thể hiểu nhà nước phong kiến Việt Nam như nhà nước ấn Độ trung đại, nhưng dầu sao thì làng hay làng xã với cái mẫu xa xưa của nó vẫn luôn luôn là đơn vị hành chính và kinh tế - xã hội cơ sở của nhà nước Trung ương tập quyền. Làng và chủ yếu là làng nông nghiệp cổ truyền tồn tại bền vững như những mô hình mẫu cho tất cả những cộng đồng hình thành trong các thế kỷ độc lập, tự chủ, dù là điền trang của quý tộc thời Trần hay là ấp, lý doanh điền thời nguyễn. Cho đến đầu thế kỷ XIX, chính vua Gia Long cũng thừa nhận: "Nước là hợp các làng mà thành. Từ làng đến nước, dạy dân mến tục, vương chính lấy làng làm trước"6. Củng cố làng tức là củng cố nước, làng - nước trở thành một thứ thuật ngữ biểu đạt quốc gia. Cuộc sống làng xã chi phối cuộc sống của mọi người dần Việt Nam. Có thể nói: tỉnh, phủ, huyện là của Nhà nước, của giai cấp thống trị, còn làng là của dân, mà "sống ở làng, sang ở nước". Do sự phát triển chậm chạp và hạn chế của công thương nghiệp nên làng chi phối cả đô thị. Hãy bỏ qua những đô thị nhất thời như Phố Hiến, Hội An, Thanh Hà v.v..., Thăng Long là đô thị xuất hiện từ thế kỷ XI với tư cách trung tâm chính trị, kinh tế - văn hóa lâu dài của cả nước; thế nhưng bản thân nó cũng được chia thành huyện - phường. Phường ở đây chẳng qua là một cách gọi khác của làng, một loại làng có ít nhiều cơ sở thủ công, thương nghiệp. Cho đến thế kỷ Xĩ, sinh hoạt làng xã vẫn chen vào sinh hoạt của phố, phường Thăng Long. Có lẽ do tính chặt chẽ của làng mà người thợ thủ công ở các phường Thăng Long chưa tạo nên được một quy chế phường hội như kiểu ở phương Tây trong thời trung đại. Sang thế kỷ XIX, khi các đô thị suy tàn, làng lại bao trùm lên tất cả và tạo thành một quá trình tái nông thôn hóa một số đô thị. Sự chi phối của làng xóm càng làm cho tính tự túc tự cấp thêm vững chắc. Đến như các sinh hoạt văn hóa tinh thần cũng mang nặng tính làng xã. Một lễ hội , dù thuộc loại "quốc tế", trước hết cũng là của một làng hay một liên làng nhất định, sau đó mới là của khu vực, của cả nước. Mồng 7 hội Khám, mồng 8 hội Dâu Mồng 9 đâu đâu cũng về hội Gióng Làng chi phối cả thủ công nghiệp và thương nghiệp. Người thợ thủ công không chạy ra các tụ điểm ven ngã tư đường để dựng nên các thị trấn như phương Tây trung đại mà ở lại làng quê hương, vừa làm thủ công vừa làm nông nghiệp. Họ vẫn là dân làng, hoặc làng thủ công như làng Bát Tràng, làng Thổ Hà, làng Hương Canh, làng Nho Lâm v.v... hoặc làng buôn như làng Phù Lưu, làng Đa ngưu, làng Báo đáp, làng Đan Loan v.v... Do yêu cầu liên kết để đắp đê, làm thủy lợi, để giao lưu văn hóa, nhất là để chống ngoại xâm, giữ làng giữ nước, làng Việt Nam không hoàn toàn cô lập và mang tính khép kín nặng nề. Trái lại giữa các làng hình thành những quan hệ liên làng, quan hệ kết nghĩa, từng cụm làng hình thành những chu kỳ họp chợ bảo đảm trong vùng ngày nào cũng có phiên chợ... Thiết chế xóm làng đó cũng đã tạo nên tính bền vững của xã hội, củng cố nhiều quan hệ cộng đồng tốt đẹp và là nền tảng của nền văn hóa dân gian Việt Nam. Nhưng sự bảo tồn lâu dài và sự chi phối của thiết chế xóm làng với kết cấu kinh tế - xã hội cộng đồng của nó, đến một bước phát triển nào đó cũng gây ra những di hại cho sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. 3.2. Trong tổ chức cộng đồng và thiết chế của làng xã, giữ vai trò quan trọng nhất là gia đình gắn liền với dòng họ, giáp và hương ước Những cộng đồng và thiết chế nói trên tuy bảo tồn lâu dài trong xã hội có giai cấp trải qua nhiều biến chuyển, nhưng lại tồn tại chằng chéo với những tàn dư của xã hội nguyên thủy, tạo thành những sợi tơ tằm đan xen nhau bảo vệ sự bền vững của làng xóm. ở đây, như nhiều người đã ca ngợi, có người tìm thấy "tổ ấm gia đình", "tình cảm quê hương", "nghĩa bạn bè", "tính cộng đồng"... đúng là "tình làng, nghĩa xóm". Đó là những điều cực kỳ quý giá đối với con người, làm cho con người không bao giờ cảm thấy bơ vơ, cô độc, ít nhiều có được một sự đùm bọc của những người thân (theo nghĩa rộng). Trong lúc vào những lúc khó khăn, đói kém, dù vương triều có quan tâm cứu giúp thì "cái ơn mưa móc" đó đã họa hoằn, lại nhiều khi không đến "người dân đen". Trong lúc đó, ý thức nhường cơm, xẻ áo là ý thức chung của cộng đồng. Hàng loạt kho xã thương hay nghĩa thương ra đời vào thế kỷ XVIII, thế kỷ XIX là một dẫn chứng. Tuy nhiên, do bản thân các thiết chế xã hội nói trên là sản phẩm của một trạng thái tĩnh tương đối lâu đời của cộng đồng làng xã, giờ đây được duy trì và gìn giữ lâu dài trong một khung cảnh xã hội hầu như không thay đổi về bản chất kinh tế - xã hội, nên chúng đã tác động không nhỏ đến con người. Trong lúc đó, nhà nước quân chủ trong làng thế kỷ tồn tại vẫn không thể nào trực tiếp quản lý chặt được làng, vẫn phải coi làng xã là đơn vị hành chính đồng thời là đơn vị kinh tế - xã hội với quyền tự trị tương đối. Trước hết, nó đóng khung con người lại trong một không gian hẹp, hạn chế tầm suy nghĩ của con người. Mỗi người dân làng khó có thể nghĩ đến một cái gì cao xa vượt ra ngoài những nhu cầu hạn hẹp, đơn giản của làng mình, nếu như bản thân họ chỉ sống ở làng. Vào thế kỷ XVIII, khi kinh tế hàng hóa đã phát triển, một số đô thị, thương cảng đã ra đời và một số luồng buôn bán xa đã hình thành, người nông dân có ít nhiều tham gia buôn bán mới dám ước mơ: "Làm trai cho đáng nên trai, Phú Xuân phải trải Đồng Nai phải từng". Hơn nữa, những điều họ suy nghĩ được cũng chủ yếu phục vụ dân làng, củng cố vị trí của làng mình. Những quan hệ cộng đồng quá chặt chẽ và chồng chéo trong làng làm cho họ mất đi cái "cá nhân" vì họ chỉ có ý nghĩa khi là thành viên của một dòng họ, một giáp, một làng. Trong tính tích cực của cộng đồng lại chứa đựng mặt hạn chế và tiêu cực là quan hệ cộng đồng bao trùm và chi phối tất cả, con người chỉ được chấp nhận và bảo vệ khi là thành viên của cộng đồng và làm tròn nghĩa vụ đối với cộng đồng, con người cá nhân không bao giờ được coi là một thực thể độc lập. Tình trạng đó hạn chế sự phát triển tính cách của cá nhân và có khi kìm hãm sự sáng tạo của con người khi nó vượt quá quan niệm chung của cộng đồng và lệ làng. Đến một trình độ phát triển nào đó của kinh tế hàng hóa và ý thức cá nhân, hạn chế này dễ dẫn đến mâu thuẫn giữa cá nhân và cộng đồng. Tình trạng này đã bộc lộ khá rõ trong cuộc sống hiện nay. Một mặt, con người Việt Nam vẫn quý mến và trân trọng tình cảm cộng đồng, đi xa vẫn nhớ về quê hương, làng xóm và lâu lâu muốn về thăm quê, ở đâu cũng muốn lập hội đồng hương theo cấp tỉnh, huyện, có khi cấp xã và duy trì những hoạt động tương thân tương ái. Những mỗi khi có va chạm hay xung đột về quyền lợi, địa vị thì tính cộng đồng tỏ ra rất mong manh và lập tức bị tan vỡ, nhường chỗ cho những hành vi và mưu toan cá nhân nhưng lại nấp dưới danh nghĩa cộng đồng. Tác động qua lại giữ làng xóm - con người và con người - làng xóm trong tổ chức cộng đồng của nó, càng làm tăng thêm sự tách biệt giữa các làng xã. Dĩ nhiên, làng xã Việt Nam không hoàn toàn khép kín như công xã nông thôn một số nước phương Đông khác. Giữa các làng có những mối quan hệ với nhau trong vùng mang tính liên làng và quan hệ với nước trong quan niệm "làng - nước", "tình làng nghĩa nước". Kết quả nghiên cứu địa bạ năm 1805 của 5 huyện thuộc tỉnh Hà Đông cũ cho thấy số "phụ canh" tức chủ sở hữu là người làng khác nhưng có ruộng đất tư hữu trên địa phận làng này, chiếm một tỷ lệ đáng kể. Số chủ sở hữu phụ canh đó chiếm 21,26% tổng diện tích tư điền và 29,01% tổng số chủ sở hữu ruộng đất7. Như vậy là làng, ít nhất từ thế kỷ XVIII - XIX, không có địa vực mang tính lãnh thổ biệt lập, bất khả xâm phạm đối với những làng khác. Đặc biệt đứng trước nạn xâm lược của nước ngoài, tinh thần đoàn kết dân tộc được phát huy cao độ và làng - nước kết thành một khối trong tư tưởng và chiến lược truyền thống "giữ làng giữ nước". Trên cơ sở đó, có nhà khoa học đã coi làng là "pháo đài xanh giữ nước của Việt Nam" và có biết bao nhiêu tấm gương về "làng chiến đấu" tiêu biểu. Nhưng rồi khi hòa bình trở lại, cuộc sống cũng trở lại như cũ, con người trở về với những gì đã có của mình nếu như không có dịp nhắc nhở nhau nhớ lại cái thời oanh liệt xưa thông qua các chuyện kể dân gian như trường hợp "người lính già đầu bạc kể mãi chuyện Nguyene Phong" và các đền thờ cùng lễ hội tôn sùng những người anh hùng. Do đó, làng xã vẫn mang trong cuộc sống cộng đồng của nó tư tưởng địa phương, cục bộ và có khi coi là lệ làng hơn phép nước, đặc biệt là khi phép nước động chạm đến những lợi ích thiết thân của làng. Làng ấp ở Nam Bộ dù có thoáng đạt hơn cũng không tránh khỏi tính cục bộ địa phương ấy. Sử biên niên còn ghi lại nhiều hiện tượng tranh chấp ruộng đất, đình chùa, Thành hoàng.. giữa các làng, có khi dẫn đến kiện cáo, xung đột. Lệ phạt đuổi ra khỏi làng và sự phân biệt đối xử khắt khe với "người ngụ cư" biểu thị khá rõ nét tính cục bộ nặng nề của làng xã. Ngay cả khi những quan hệ hàng hóa - tiền tệ được mở rộng, hình thành các chợ làng, chợ huyện, con người mở cửa làng giao lưu với những đồng bào của mình ở các làng xung quanh. Cùng với hiện tượng đó, các lễ hội có tính khu vực hay quốc gia cũng là dịp gia tăng sự giao lưu văn hóa giữa các làng, làm cho làng "mở" hơn. Lý ra, sự kiện đó làm cho đầu óc con người trở nên phóng khoáng hơn, rộng rãi hơn, nhưng tính cục bộ vẫn được bảo tồn với quan niệm ta và họ. Ta ở đây không phải là cái tôi cá thể mà là cái tôi làng xã. Họ đây đồng nghĩa với thiên hạ, người làng khác. Từ chỗ phân biệt ta - họ đến chỗ đối lập ta - họ. Ta về ta tắm ao ta Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn hoặc: Trâu ta ăn cỏ đồng ta Tuy rằng cỏ cụt nhưng mà cỏ thơm Tất nhiên dù có xấu cũng là mình và điều đó không phải không có ý nghĩa nếu như không xuất phát từ tư tưởng đối lập kiểu: Khôn ngoan ở đất nhà bay Dù che ngựa cưỡi đến đây cũng hèn. Trong quan niệm cổ truyền, con người thích sống ở làng mình vì rời làng ra đi nếu không phải để làm quan thì bị coi như một sự việc bất đắc dĩ, chẳng hay ho gì cái cảnh "tha phương cầu thực". Bám lấy làng mà sống (với cả nghĩa tốt lẫn nghĩa xấu), muốn vậy phải từ bỏ những suy nghĩ cá nhân và chấp nhận những phong tục, tập quán truyền thống của làng. Các thiết chế giáp, họ và đặc biệt là hương ước góp sức cho điều đó. Phải biết đồng nhất lợi ích cá nhân với lợi ích của làng, phải tôn trọng những gì làng đã khẳng định trong hương ước. Và như trên đã nói, đôi khi phải đặt lợi ích của làng lên trên lợi ích của nước. Điều này nếu được lặp đi lặp lại nhiều lần hoặc phát triển quá mức thì sẽ dẫn đến chỗ xem thường "phép nước", một thứ quan niệm gần như "vô chính phủ". Sự phổ biến của hương ước có phần tích cực, nhưng trong điều kiện kiểm soát yếu ớt của nhà nước lại dẫn đến chỗ làm cho con người không biết đến quốc luật hoặc không quan tâm đến pháp luật. Tư tưởng pháp chế của giai cấp thống trị có lúc rất phát triển như thời Lê Thánh Tông với công việc tập đại thành các luật lệ của vương triều, xây dựng thành bộ Luật Hồng Đức khá hoàn chỉnh và tiến bộ. Nhưng tư tưởng pháp chế đó rát khó thâm nhập vào con người Việt Nam ở làng quê đương thời dù cho Lê Thánh Tông đã từng soạn Hai mươi bốn điều giáo huấn để truyền bá rộng rãi quan niệm đạo lý và pháp luật của Nhà nước trong làng xã. Một quốc gia thống nhất và văn minh nhất thiết phải có kỷ cương, phép nước nghiêm minh và được tôn trọng, thực thi trong cả nước. Tính cục bộ trong lệ làng có khi đi trái với khuynh hướng phát triển đó. Trong làng xã, thiết chế họ cũng phát huy tác dụng. Quan hệ họ hàng là một thứ quan hệ huyết thống có cội nguồn sâu xa và ăn sâu vào tiềm thức con người: - Một giọt máu đào hơn ao nước lã. - Đắng cay cũng thể ruột rà Ngọt ngào cho lắm cũng là người dưng. Từ đó dẫn đến chỗ "nặng tình, nhẹ lý", "chín bỏ làm mười" và đó là cơ sở của tình trạng "một người làm quan cả họ được nhờ". Dĩ nhiên, trong hoàn cảnh ở xa làng, người ta buộc phải "bán anh em xa, mua láng giềng gần" để sống với những người láng giềng mới. Khi sự phân hóa xã hội trong làng xã đã phát triển thì từ quan hệ họ hàng và đẳng cấp của thiết chế làng xã lại đẻ ra tệ nạn cường hào và cảnh lợi dụng của công để ăn uống xa hoa chốn đình trung. Tình trạng này được phản ánh khá đậm nét trong các bộ sử biên niên và trong văn hóa dâ gian thời cuối Lê sang Nguyễn với biết bao nhiêu thủ đoạn vừa trắng trợn vừa tinh vi. Những kẻ có thế lực thường liên kết với nhau trong quan hệ bà con họ hàng để thao túng mọi hoạt động của làng xã và nhân danh quản lý cộng đồng để thâu tóm quyền lợi, "chiếm công vi tư" và ức hiếp, đè nén dân nghèo. Thế kỷ XIX, Nguyễn Công Trứ đã từng nhận xét: "Cái hại quan lại là một, hai phần mười, cái hại cường hào đến tám, chín phần mười, bởi vì... cái hại cường hào, nó làm cho con cái người ta thành mồ côi, vợ người ta thành góa bụa, giết cả tính mạng người ta, hết cả gia tài người ta mà việc không lộ cho nên cứ công nhiên không kiêng sợ gì"8. Những tệ nạn này không những làm tha hóa một số người mà còn gây ảnh hưởng xấu đến nhiều truyền thống của làng xã. Nói đến làng, không thể không nói đến tác động của tín ngưỡng Thành hoàng. Thành hoàng là một vị thần bảo hộ của làng vừa có ý nghĩa cộng đồng vừa có ý nghĩa cá nhân. Cũng như các thiết chế xã hội nói trên, tín ngưỡng Thành hoàng tượng trưng cho sự thống nhất vận mệnh chung của làng, sự thống nhất ý thức cộng đồng. Có lẽ vì thế, ban đầu và phần lớn Thành hoàng là những người có công với đất nước, với làng, những vị tổ khai canh. Tự hào về vị thần bảo hộ làng, mỗi con người tự thấy gắn bó với quê hương hơn, ý thức sâu sắc về việc bảo vệ quê hương và nảy sinh ý thức giữ mình trong sạch vì đó là danh dự của làng. Nhưng rồi số làng ngày càng tăng lên trong lúc cuộc sống tâm linh của con người không có thay đổi đáng kể. Hơn thế nữa, cuộc sống trong những thế kỷ XVII - XVIII trở nên bấp bênh trước những biến động kinh tế, xã hội lúc bấy giờ. Và thế là số lượng Thành hoàng bỗng tăng lên. Một làng không chỉ có một mà có hai ba, có khi đến bốn, năm Thành hoàng khác nhau. Nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên cho biết, trong thời Pháp thuộc, tỉnh Bắc Ninh có 595 làng nhưng lại thờ 770 vị Thành hoàng, trong đó 496 là nhân thần. Điều đáng suy nghĩ nữa là, trong số 496 nhân thần này có 419 vị là người sống trước thế kỷ XIII. Sự thực này vừa thể hiện tính chất cổ của đất Bắc Ninh nhưng cũng thể hiện tâm lý cạnh tranh giữa cư dân các làng. Tục thờ Thành hoàng cũng như các tín ngưỡng dân gian khác, không tránh khỏi sự xen lẫn của những yếu tố mê tín dị đoan. Trong các vị Thành hoàng có không ít là trẻ con, người ăn xin, anh bán lợn, người chết đuối, phụ nữ tà dâm, rắn rết, những người "bất đắc kỳ tử" v.v... Tục "hèm" ra đời là một hình thức gắn chặt số phận con người vào Thành hoàng, vào làng, vì đó cũng là vận mệnh chung. Và mỗi khi luật nước, giáo dục v.v... yếu đi thì đó cũng là lúc "hèm" phát huy tác dụng. Tín ngưỡng khi đã kết hợp và phát triển theo hướng mê tín dị đoan thì nó góp phần hạn chế lý trí con người trong những khuôn khổ chật hẹp nhất, làm cho họ trở thành công cụ ngoan ngoãn của mê tín. Như vậy, tín ngưỡng Thành hoàng vốn là tiêu biểu cho niềm tin và ý chí của cộng đồng, vừa là thiết chế điều tiết tinh thần của cộng đồng làng xã, vừa là liều thuốc ru ngủ, trói buộc lý trí và tình cảm con người, biến con người thành nô lệ của chính sản phẩm hư ảo do mình tạo ra. Phải chăng điều đó làm cho con người mất dần khả năng tự chủ về cuộc sống tâm linh một khi xã hội biến động, một thực tế đã diễn ra trong các thế kỷ XVIII - XIX. 4. Nhìn từ thiết chế nhà nước quân chủ 4.1. Bản thân đời sống nông dân không chỉ bị chi phối bởi cộng đồng gia đình và xóm làng, mà còn chịu tác động và ảnh hưởng của thiết chế chính trị của chế độ quân chủ tập quyền với hệ thống pháp luật và hệ tư tưởng của nó. Nhà nước Việt Nam theo thể chế quân chủ đã hình thành rất sớm, từ khi dựng nước nghĩa là từ khi xuất hiện hình thái nhà nước đầu tiên. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, nhà nước đó ngày càng được hoàn thiện, tăng cường củng cố về hệ thống tổ chức và quy chế vận hành. Nhà nước quân chủ tập quyền Việt Nam trong thời kỳ phát triển và thịnh đạt của các vương triều, đã giữ vai trò rất quan trọng trong công việc xây dựng và củng cố quốc gia thống nhất, quản lý đất nước về mọi mặt, trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc. Nhà nước đó cũng đã góp phần quan trọng vào việc tạo lập và phát huy nhiều truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trong cuộc sống, con người Việt Nam không chỉ chịu tác động thường xuyên và mạnh mẽ của môi trường sống nhỏ hẹp của các cộng đồng xóm làng, mà còn chịu ảnh hưởng khá sâu sắc của các thiết chế nhà nước. Nghĩa vụ đi lính, đi lao dịch, nộp thuế, học hành thi cử v.v... đã buộc người nông dân ở xóm làng phải nghĩ đến những điều vượt ra ngoài phạm vi cộng đồng nhỏ bé của mình. Khác với các nhà nước phong kiến các nước châu Âu mà thành phần quan chức chủ yếu là quý tộc lãnh chúa, khác với ấn Độ, nơi mà tầng lớp (đẳng cấp) Ksatrya nắm mọi quyền hành chính trị, quân sự và là một đẳng cấp đóng kín..., ở Việt Nam ngay từ sớm, tầng lớp thống trị là một giai tầng xã hội "mở". Trong thời Lý và đầu Trần, chế độ quân chủ mang tính chất quý tộc và dựa chủ yếu vào Phật giáo. Nhưng trong thời kỳ này, từ thế kỷ XI, chế độ giáo dục và thi cử theo mô hình Nho giáo cũng đã được tổ chức và một số Nho sĩ cũng đã được tham gia chính quyền, kể cả một số chức vụ trọng yếu của vương triều Trung ương. Sang thế kỷ XV, chế độ quân chủ chuyển dần sang mô hình Nho giáo và hệ tư tưởng Nho giáo được nâng lên địa vị quốc giáo. 4.2. Dưới ảnh hưởng của Nho giáo, Việt Nam là nước có chế độ giáo dục và thi cử ra đời và phát triển vào loại sớm. Trên nguyên tắc, việc học hành và thi cử không phải là đặc quyền của một đẳng cấp hay tầng lớp xã hội nào, mà luôn luôn mở rộng cửa cho mọi người trong xã hội miễn là không phạm tội với nhà vua và không thuộc "loại xướng ca". Trong quan niệm cổ truyền, xã hội chia làm bốn hạng người là sĩ, nông, công, thương. Nhưng do chính sách "trọng nông ức thương" của nhà nước và tâm lý "dĩ nông vi bản" của nhân dân, nên hai hạng người chủ yếu của xã hội là sĩ và nông. Giữa hai hạng người này, dù nhà nước coi trọng sĩ hơn, nhưng trong dân gian lại hầu như không có sự phân biệt lớn: Nhất sĩ nhì nông, Hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ. và Văn chương phú lục chẳng hay, Trở về làng cũ học cày cho xong. Chính chế độ giáo dục, thi cử lâu đời với quan niệm rộng mở đó đã khuyến khích mọi người đi học và đi thi, tạo lập nên truyền thống hiếu học và đạo lý tôn sư trọng đạo của nhân dân Việt Nam. Chế độ giáo dục, thi cử đó cũng đã đào tạo nên một đội ngũ trí thức khá đông, trong đó có nhiều người trở thành những nhà văn hóa lớn của dân tộc với những công trình nghiên cứu và sáng tạo làm phong phú di sản văn hóa dân tộc. Cũng qua chế độ giáo dục và thi cử này, Nho giáo truyền bá rộng vào Việt Nam và để lại một số ảnh hưởng tích cực. Nhưng mặt khác, chế độ giáo dục, thi cử theo mô hình Nho giáo ấy thường rập theo khuôn mẫu Trung Quốc, nhất là khuôn mẫu Đường - Tống. Nội dung giáo dục chủ yếu là kinh, sử, thơ, phú, lối học mang nặng tính chất từ chương xa rời thực tế đất nước, xa rời khoa học kỹ thuật. Tuy cũng có một vài nhà vua muốn cải cách ít nhiều chế độ giáo dục (như Hồ Quý Ly, Quang Trung) và cũng có lúc có những đề thi, nhất là thi đình, đòi hỏi thí sinh phát biểu ý kiến về những vấn đề bức xúc đang đặt ra cho đất nước, nhưng nói chung, tính chất từ chương vẫn chi phối. Cho đến thế kỷ XVIII - XIX, những nội dung tối thiểu về khoa học kỹ thuật vẫn xa lạ với chế độ giáo dục, thi cử Việt Nam. Nếu có những trí thức nào đó đạt đến những hiểu biết sâu sắc về thực tế và những kiến thức mới mẻ về những thành tựu khoa học kỹ thuật phương Tây, thì đó là do kết quả nghiên cứu học tập và tích lũy kinh nghiệm cá nhân, không phải là sản phẩm của nền giáo dục chính thống. 4.3. Mục tiêu chủ yếu của giáo dục và thi cử là làm quan. Người ta đua nhau đi học và đi thi, tất nhiên không phải tất cả, nhưng đại bộ phận là để kiếm một quan chức trong bộ máy nhà nước hay ít ra là có một địa vị trong làng xã. Quy trình và nguyên tắc của chế độ giáo dục, thi cử gắn liền với chế độ quan liêu là: học hành - thi đỗ - làm quan - có chức, có quyền - có tiền tài bổng lộc. Dĩ nhiên có một số trí thức đứng ngoài con đường hoạn lộ tầm thường đó, họ muốn hiến dâng tất cả tài năng của mình cho sự nghiệp ích nước lợi dân, cho những sáng tạo văn hóa. Thiết chế giáo dục và chính trị đó đưa đến xu hướng và tâm lý tiêu cực là quan liêu hóa tầng lớp trí thức. Chế độ quân chủ quan liêu còn dẫn đến những tệ nạn quan liêu và tham nhũng. Tệ nạn này đã có từ thời Trần và đặc biệt phát triển nguy hại thời cuối Lê và thời Nguyễn. Thời Trần, nhà vua đã bắt các quan phải thề "vi quan thanh bạch" trong hội thề hàng năm. Nhưng nhà Nho Nguyễn ứng Long đã than thở: Lưới chài quan lại còn vơ vét Máu thịt nhân dân cạn nửa rồi Vào nửa sau thế kỷ XV, chưa đầy nửa thế kỷ sau ngày giải phóng Tổ quốc, vua Lê Thánh Tông đã phải thốt lên: "Khoảng nắm Thái Hòa (1443 - 1453), Diên Ninh (1454 - 1459) trên thì tể tướng, dưới đến các quan, mưu lợi lẫn nhau, bừa bãi hối lộ hoặc các quan trong ngoài, đua nhau kiếm lợi"9. Thế kỷ XVI, dưới thời Mạc, trong lời sớ của Trạng nguyên Giáp Hải có viết: "Nay quan trên, quan dưới, người không ham lợi mười phần chỉ được hai, ba, còn ngoài ra đều đắm đuối về lợi, nào nhũng lạm quan tước, nào chiếm đoạt ruộng đất... không việc bậy gì là không làm"10. Đầu thế kỷ XVII, thời Lê - Trịnh, lời khải của Nguyễn Duy Thì viết: "Những người thừa hành... chỉ chăm bạo ngược, đua nhau xa xỉ, cai trị một huyện thì khốn khổ cho dân một huyện... nhũng nhiễu hà lạm, việc gì cũng làm..."11. Thế kỷ XIX, vua Minh Mạng đã từng giận dữ: "các quan xử án, coi pháp luật như hư văn, xoay xở nhiều vành, chỉ cốt lấy tiền, không được thì buộc tội" hoặc vua Tự Đức than vãn: "Quan vui thì dân khổ... nhân đoán ngục dùng thẩm hình mà dụng ý buộc tội cho người để đòi hỏi đút lót..."12. Một viên quan thanh bạch đương thời là Đặng Huy Trứ đã soạn tập sách Từ thụ yếu quy khuyên các quan về việc nhận quà và với nhận xét chung "người làm quan, phần nhiều nóng lòng mưu cầu giàu sang"13. Tham nhũng, ăn hối lộ một cách bừa bãi hầu như trở thành một tệ nạn truyền thống của lớp người làm quan. Dĩ nhiên cũng có không ít những viên quanh thanh liêm, trong sạch, tâm huyết với cuộc sống của nhân dân, thương yêu nhân dân v.v... nhưng thường như vậy, họ đều sống nghèo, mà từ thế kỷ XV Nguyễn Trãi đã nói: Giàu người họp, khó người tan Hai ấy hằng lề sự thế gian Và ai cũng biết "phú tại sơn lâm hữu khách tầm", cũng như nào có ai muốn nhận lấy cái cảnh: Ra đường võng giá nghênh ngang Về nhà hỏi vợ cám rang đâu mày? Xưa học hành, thi cử là mộng công danh thì dần dần công danh đã thành danh lợi, giàu mới sang, phú quý mới có lễ nghĩa. Con đường dẫn đến tham nhũng, hối lộ là hệ quả tất nhiên của chế độ quan liêu. Dĩ nhiên, mọi người đều biết điều mà vua Tự Đức khẳng định: "quan coi dân như kẻ thù, dân sợ quan như sợ cọp, quan mưu tính cho đầy túi tham, ngày đục tháng khoét... dân điêu tàn là gốc của nước lay động"14, hay như tục ngữ dân gian: Con ơi mẹ bảo con này Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan. Chế độ quân chủ quan liêu cùng với những tệ nạn của nó, để lại nhiều di hại nặng nề trong một số truyền thống tiêu cực của Việt Nam. 5. Kết luận Tồn tại và phát triển trong khung cảnh một xã hội nông nghiệp xóm làng, lấy nền kinh tế cá thể, gia đình nhỏ làm cơ sở, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, con người Việt Nam không chỉ tạo ra những truyền thống tích cực tốt đẹp. Trong di sản truyền thống tinh thần của người Việt Nam xưa, sự tồn tại của những mặt hạn chế và tiêu cực mang tính tất yếu. Nếu như khung cảnh xã hội tiến triển chậm chạp, có lúc hầu như đứng yên tại chỗ, là cơ sở và điều kiện hình thành các mặt hạn chế và tiêu cực đó thì đồng thời nó cũng là cơ sở và điều kiện duy trì, bảo lưu chúng như những giá trị được cộng đồng chấp nhận. Một khi trong xã hội xảy những biến động lớn, điều tất nhiên là thế hệ đương đại phải xem xét lại các giá trị đó, nghĩa là xảy ra một sự chuyển đổi giá trị. Thực tế những thập niên đầu thế kỷ XX, khi Việt Nam bắt đầu tiếp xúc rộng rãi hơn với nền kinh tế thị trường và giao lưu kinh tế - văn hóa thế giới, dù có rất nhiều hạn chế do sự thống trị của chủ nghĩa thực dân, chúng ta đã chứng kiến một sự đánh giá lại di sản truyền thống, trong đó có những giá trị của quá khứ bị đã bị lên án, phê phán. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới với những biến đổi có ý nghĩa cách mạng trong nước kết hợp với chủ trương "mở cửa" giao lưu và hội nhập với cộng đồng khu vực và thế giới, đất nước đang trải qua những chuyển biến lớn lao, đòi hỏi chúng ta phải đánh giá lại toàn bộ di sản truyền thống tinh thần một cách toàn diện và khách quan, bao gồm cả mặt hạn chế và tiêu cực. Chỉ trên cơ sở nhận thức và đánh giá đúng chỗ mạnh và chỗ yếu của mình để phát huy mặt mạnh, khắc phục mặt yếu và tiếp nhận thêm những thành tựu văn hóa thế giới, chúng ta mới có thể vươn lên văn minh, hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Chú thích 1. Hein H.: dẫn theo Mùa xuân của một thiên tài của Prođep, Bản dịch của Trần Khuyến, Hà Nội, 1971, tr. 14. 2. Mác - Ăngghen tuyển tập, T.II, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1962, tr. 640. 3. Dampier W.: Những chuyến đi và những điều khám phá, London 1931, bản dịch của Đỗ Trọng Quang. 4. Poivre P.: dẫn theo La geste francaise en Indochine của Taboulet. 5. Bùi Huy Đáp, Cây lúa Việt Nam, Hà Nội, 1980. 6. Đại Nam thực lục, T. III, Hà Nội, 1963, tr. 162. 7. Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang, Vũ Văn Quân, Phan Phương Thảo, Địa bạ Hà Đông, Hà Nội, 1996, tr. 609. 8. Đại Nam thực lục, T. IX, Hà Nội, 1962, tr. 105. 9. Đại Việt sử ký toàn thư, Bản dịch, T. III, Hà Nội, 1968, tr. 190. 10. Lịch triều tạp kỷ, T.I, Hà Nội, 1960, tr. 209. 11. Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, T. IV, Hà Nội, 68, tr. 238. 12. Đại Nam thực lục, Sđd, T. VIII, Hà Nội, 1964, tr. 75. 13. Đặng Huy Trứ, Từ thụ yếu quy, Hà Nội, 1994. 14. Dẫn theo Lịch sử Việt Nam, T. II, Hà Nội, 1980, tr. 370.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLUẬN VĂN- Những đặc điểm truyền thống của con người Việt Nam trong qúa trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.pdf
Luận văn liên quan