Luận văn Những đóng góp của thơ ca tùng thiện vương trong văn học trung đại Việt Nam

Đến Tùng Thiện Vương, sau năm thế kỉ, những thành tựu nghệ thuật mà các nhà thơ đi trước đã làm được thì Vương đều kế thừa và phát triển thêm. Ông đã thành công trong việc sử dụng rộng rãi các thể trường thiên, ca, ngâm, từ, hành, khúc, dao, lục ngôn. Đọc hành, dao, ca, từ của ông, người ta nhận thấy có sự đan xen hòa quyện giữa bút pháp tự sự và trữ tình nhuần nhã, tinh tế. Bên cạnh đó, Tùng Thiện Vương còn là một bậc thầy trong việc trong việc sử dụng ngôn ngữ, sáng tạo hình tượng. Chính điều đó đã khiến cho thơ Vương không đơn điệu, sáo mòn, xa rời mà gần gũi, sâu sắc và chân thành. Nhìn chung lại, ngoài những hạn chế về nội dung mang tính thời đại, hoàn cảnh cá nhân, và dù thơ chữ Hán không thể có giá trị phổ biến rộng rãi trong xã hội thì thơ chữ Hán của Tùng Thiện Vương vẫn xứng đáng có một vị trí vẻ vang trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam. Các sáng tác của Vương đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng đẹp về một nhà thơ hoàng tộc tài ba, tiến bộ, giàu lòng nhân ái, rất đáng được mến mộ.

pdf137 trang | Chia sẻ: builinh123 | Lượt xem: 2416 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Những đóng góp của thơ ca tùng thiện vương trong văn học trung đại Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đọc hai câu này ta hiểu tình cảm thiết tha giữa hai anh em, không chỉ là tính khí hợp nhau mà còn là bạn làng thơ với nhau. Đó là những hồi ức đẹp đẽ mà hẳn không bao giờ ông hoàng Mười quên được. Trong câu trần thuật hiện tại, đáng chú ý là câu trần thuật ở dạng phủ định, với sự xuất hiện của các từ vô (không), bất (không), vị (chưa), phi (không), nan (khó), mạc (đừng, chớ). Có nhiều dạng phủ định nhưng thường xuất hiện nhất là những câu miêu tả cảnh vật, sự vật, sự việc hay con người ở trạng thái không của nó. Loại câu này chiếm khá nhiều. Có khi là sự nhận thức, đánh giá, đúc kết về sự vật, hiện tượng, đối tượng. Thiên địa chi đại Hữu vãng tất phục Nhật nguyệt chi minh Vô vi bất chúc. (Dẫn thanh ca) (Trời đất thì lớn/ Có qua tất lại/ Mặt trời mặt trăng thì sáng/ Không gì nhỏ mọn mà chẳng thấu). Nhìn giữa vũ trụ, có mấy điều làm cho con người phải ngạc nhiên và khâm phục, trên trời dưới đất mênh mông, vạn vật đều biến chuyển không ngừng, ngày đêm vẫn có ánh sáng mặt trời, mặt trăng. Lớn lao như thế người ta trông thấy là lẽ dĩ nhiên, lại còn có những thứ rất bé nhỏ, người ta cũng trông thấy được. Tùng Thiện Vương ở vào một thời đại và trong một hoàn cảnh không tiếp xúc với triết học và khoa học phương Tây, chỉ đem trí ra suy nghĩ, đem tài thi sĩ ra cảm xúc đã có những ý tưởng triết lý về hai cái vô cùng: vô cùng lớn và vô cùng nhỏ, lớn đến đâu và nhỏ cỡ nào người ta cũng có thể thấu suốt. Thật đáng trọng biết bao! Cũng có khi câu trần thuật phủ định là để nói đến những mong muốn nhưng chưa thực hiện được: Tâm can báo quốc toàn vô địa - Đối tửu (Lòng dạ muốn báo đền ơn nước nhưng hoàn toàn không có đất (để thi thố). Trong cuộc đời mình, điều khiến cho Tùng Thiện Vương suy nghĩ nhiều nhất và cảm thấy mặc cảm nhất chính là không đạt được cái tâm nguyện “báo đền ơn nước”. Ông tự thấy mình phải có trách nhiệm, phải làm được gì đó nhưng thực tế thì là ông không thể làm gì, hơn thế còn bị vướng vào vụ án con rể Đoàn Trưng. Cả phần đời còn lại ông sống trong mặc cảm, không dám gặp ai, u uất và cô độc. Câu trần thuật phủ định xuất hiện nhiều trong thơ Tùng Thiện Vương cũng chứng tỏ dưới mắt ông cuộc đời còn nhiều bất công ngang trái, những phi lí, bế tắc Con người dường như bị chặn lại, bị đè nén không lối thoát, trước mắt chỉ thấy những phũ phàng, nhưng điều không như ý. Câu nghi vấn: Trong thơ Tùng Thiện Vương, câu nghi vấn xuất hiện nhiều (81 câu). Dấu hiệu để nhận biết câu nghi vấn là căn cứ vào dấu chấm câu hay sự xuất hiện của các từ thùy, thùy chiêu, tùy tương, tùy thanh; kỷ, kỷ nhân, kỷ độ; hà, hà nhân, hà sự, hà thời, hà dụng; vị, vị thùy, vị để; khởi, khởi vô, khởi vị; nại, nại hà; vấn, vấn tà, tự vấn Trong 81 câu mang ý nghi vấn thì có 52 câu có hình thức nghi vấn. Như vậy đa số các câu mang ý nghi vấn có hình thức nghi vấn. Điều đó chứng tỏ Vương luôn có ý thức khi đặt câu hỏi. Ông cần một lời giải đáp, một câu trả lời ở hình thức nghi vấn này, thậm chí ông hỏi để tự mình nghĩ ngợi, tự mình tìm đường cho mình. Bởi vậy, đối tượng nghi vấn của ông rất rộng. Nói chung là tất cả những gì đang xảy ra, đang tác động đến ông. Ông hỏi người, hỏi đời, hỏi chính mình Những câu hỏi của ông xuất hiện mọi vị trí, đầu, giữa, cuối bài thơ. Có khi câu hỏi hướng đến đối tượng bạn bè, người thân, người quen, người xưa. Mã thủ đông lai phùng cố nhân Thông thông nhất tiếu hốt triêm cân Như kim hà xứ vô binh hỏa? Nỗ lực gia sơn thả thực bần. (Phùng cố nhân) (Cưỡi đầu ngựa, từ phương đông, đến gặp bạn cũ/ Vội vàng nở một nụ cười, bỗng nhiên lại ướt khăn tay/ Như ngày nay, nơi nào lại không có chiến tranh?/ Gắng sức chịu nghèo nàn ở chốn quê hương). Vương gặp lại người bạn tri kỉ. Vừa vui vì được gặp bạn nhưng nhớ đến tình cảnh nước nhà đang trong khói lửa mà phải rơi lệ. Nỗi đau thương của ông là nỗi đau thương của một ông hoàng tử và của một người dân. Nỗi đau ấy dồn vào một câu hỏi “Như kim hà xứ vô binh hỏa?” Câu hỏi không đợi câu trả lời, mà để kìm giữ bớt xúc cảm trong lòng. Xót xa không sao kể xiết khi nhìn chốn chốn đao binh. Nếu hiểu không đi đâu vì đâu cũng có chiến tranh, thôi đành phải ở lại quê nhà thì thật tầm thường. Nhưng nếu hiểu là nước nhà bị chinh chiến, khắp nơi trong vòng khói lửa nên mình chẳng còn nghĩ đến việc đi đâu, một lòng ở lại quê nhà thì mới thấu cho tấm lòng của một bậc ái quốc trung quân. Có khi hỏi mình, chất vấn mình những vấn đề của bản thân. Tiểu phụ mỗi ưu mích cú Lương bằng đa khuyến phế thư Tự vấn thể trung kiện phủ Thần hàn cốt trọng hà như? (Bài hài thể) (Vợ nhỏ lo lắng mình cứ làm thơ/ Bạn tốt cứ khuyên đừng đọc sách/ Tự hỏi trong người có khỏe chăng/ Tinh thần lạnh lẽo, xương cốt nặng nề thế nào?) Trong chỗ tâm phúc, vì thương yêu, sợ nhà thơ phải mệt nhọc, nên vợ lo cho ngài phải tìm ý tìm chữ để làm thơ, những người bạn tốt thì khuyên nghỉ việc đọc sách. Thấy người ta có lòng lo lắng khuyên bảo, mình mới tự hỏi mình, xem thử có nên nghe theo chăng, chứ thực ra ngâm thơ và đọc sách là những thú vui của ông. Đọc hai câu sau quả thấy Vương đa cảm đa tình, cảm kích những lời khuyên mà xem lại sức khỏe mình. Có khi đau đáu hỏi trời, hỏi đời Tân khổ bần gia tử Niên niên hàn phục cơ Hao trường sơ thế phạn Đống cốt hỏa vi y Biến địa do binh giáp Mân thiên thả tật oai Chu môn lạc hà sự Dạ ẩm đạt triêu huy. (Bần gia) (Cay đắng thay con nhà nghèo/ Năm năm đã rét lại đói/ Ruột trống, ăn rau thế cơm/ Xương đông, lấy lửa làm áo/ Khắp đất còn có chiến tranh/ Đầy trời vẫn đủ tai ương/ Nhà giàu sang sao cứ vui?/ Ban đêm tiệc mãi đến sáng) Tả cảnh tình thân phận con nhà nghèo đủ muôn nghìn cay đắng. Năm này qua năm khác, chỉ biết đói và rét. Đã thế còn chịu giặc giã khắp nơi và tai ương liên tiếp. Nghĩ đến cảnh nhà giàu, lầu son gác tía, sao có thể vui chơi, yến tiệc suốt đêm đến sáng? Hình như tác giả khóc thương thân phận con nhà nghèo đầy đủ trăm nghìn đau khổ, thiếu thốn và trách ai gây nên chinh chiến, trách trời sao gieo tai ương. Có thể bắt gặp tâm trạng và những câu hỏi đau đáu này trong bài Trác một điểu: Xi xi diệc hà liêu? Nhất sinh bất năng độ. (Bầy sâu biết nhờ vào đâu?/ Một đời không thể cứu vớt) Con số câu hỏi này khá nhiều. Nó biểu lộ tâm tư tình cảm day dứt, băn khoăn đến đau lòng của ông hoàng Mười. Ấn tượng nhất là những câu hỏi ở vị trí đầu và kết bài. Câu hỏi ở vị mở đầu bài thơ thường nêu vấn đề hay thắc mắc. Chúng thường nêu vấn đề của toàn bài như một sự day dứt, bức xúc không thể kìm nén nổi ngay từ đầu. Nó có thể ở câu đầu tiên hay câu thứ hai của bài thơ. Những câu hỏi mở đầu bài thơ tạo ấn tượng mạnh cho người đọc, đồng thời thấy rõ thái độ, cảm xúc của tác giả. Giai kì nhất hà diểu? (Hữu sở tư) (Kì hẹn tốt đẹp sao mịt mờ?) Không gây ấn tượng mạnh như câu hỏi đầu bài, câu hỏi cuối bài có sắc thái riêng của nó. Đó là nó tiếp tục mở ra như một vòng tròn luẩn quẩn không thấy kết thúc, không thấy lời giải của những khúc mắc, những tình cảm, những nỗi niềm, xoáy vào tâm trí, tình cảm người nghe Câu hỏi cuối bài thường không chốt lại ý mà mở ra những trăn trở suy tư, những rung động vương vấn. Hữu tửu hữu tửu Chủy quang kỳ cầu Thiên thu chi hạ Thùy tri ngã ưu? (Trường ca hành) (Rượu kia vẫn sẵn/ Chén sừng có quai/ Ngàn thu về sau/ Ai biết ta sầu?) Tuy có sẵn thứ tiêu khiển, có rượu có chén, nhưng ông hoàng Mười cũng chẳng thể nào tiêu khiển. Sau khi nghĩ đến lòng người, sự vật, người dại, người khôn, thi sĩ thấy rõ tư tưởng của mình, rồi lại ngại ngùng không biết về sau, người ta có thấu nổi hồn sầu của mình hay không? Ngu tướng cùng sầu thư mạc trứ Trần vương bạc mệnh túy không ca Cổ kim bất thiểu đăng lâm hận Kiến thử mang mang nại nhĩ hà. (Long Thọ cương vãn vọng) (Ngu tướng sầu rũ không gì hơn là viết sách/ Trần vương mệnh bạc say hát suông/ Xưa nay không ít người vướng vào rừng hận/ Thấy mịt mờ như thế ngươi đối phó thế nào?) Những đối tượng nghi vấn có thể là lớn lao nhưng cũng có khi chỉ vụn vặt tầm thường liên quan đến cá nhân. Tuy vậy nó có sức vang lớn trong bài thơ, nhất là ở những câu hỏi kết bài. Câu cảm thán: Câu cảm thán trong thơ Tùng Thiện Vương chiếm số lượng đáng kể (75 câu), sau câu trần thuật, câu nghi vấn. Dấu hiệu để nhận biết loại câu này thông qua hình thức dấu chấm than cuối câu hay sự xuất hiện của các từ ô hô, liên, thán, đốt đốt, trù, trướng, thảm thê, vô hạn, oán Câu cảm thán thường diễn tả những lời than, những thương xót, nuối tiếc hay những xúc động tình cảm Sự xuất hiện của nó làm cho cảm xúc trong thơ dâng trào, đặc biệt khi kết hợp với những thán từ. Đó là lời reo vui trước cảnh trời đất hiền hòa, hữu tình hữu ý, là cảm xúc hân hoan khi gặp bạn bè anh em: Ỷ tiết oanh hoa thâm hạng tịch Xuân âm phố tự mộ sơn hư Bàn xan đẩu tửu tầm thường sự Tri nhữ tương qua hứng bất sơ. (Tân tuế Vĩ Dã quá) (Hoa xiên, oanh hót trong hẻm sâu, vắng/ Xuân im mát ở bến sông Tự, chiều tối trên núi trống trải/ Mâm cõ, đấu rượu chỉ là chuyện tầm thường/ Biết chú qua thăm hứng thú không ít) Hay có khi là thi hứng dào dạt trước phong cảnh hữu tình: Cửu hỹ vô giai hứng Thu tiêu hốt bất câm Trúc phong bình thử khí Hồ nguyệt cảnh thi tâm. (Thu tiêu ngẫu đắc) (Đã lâu không có cảm hứng tốt/ Đêm thu bỗng không thể nín nhịn được/ Gió trúc làm hạ khí nóng/ Trăng hồ khơi động lòng thơ). Nhưng đó cũng có khi, và nhiều khi là lời than trước những nỗi niềm, tình cảnh của bản thân, của gia đình, hay là những thương cảm cho số phận lầm than của chúng dân: Ai tai Quảng Nam tứ huyện dân Ngưỡng thiên hô thiên tố dân khổ Lôi thanh điền điền chấn thiên cổ Hắc vân mạn không đạo trung vũ (Lưu dân thán) (Thảm thay cho dân bốn huyện Quảng Nam/ Ngửa mặt lên trời, kêu trời tỏ nỗi dân đau khổ/ Tiếng sấm rần rần đội vang trời/ Mây đen kéo đến, mưa sa xuống giữa đường) Chưa nghĩ tới tác giả là ai, đọc lên bài thơ này cũng không khỏi ngậm ngùi cảm phục một người biết khóc thương tình cảnh đau khổ của người dân nghèo lâm nạn, tả rõ từng chi tiết với một tâm hồn cùng rung động trước những nỗi tang thương. Khi biết thi sĩ là một ông hoàng tử, càng thấy những lời than thở kia phải xuất phát từ một cõi lòng chan chứa yêu thương, chân thực mà sâu xa, đằm thắm mà thống thiết. Đoạn này, dường như có ý trách trời. Người dân đau khổ ngửa mặt kêu trời, lại gặp sấm sét, mây mưa. Trời đã không cứu giúp, sao nỡ dồn thêm đau khổ? Lời than thơ ai oán, thương tâm! Người dân đói khổ cùng đường vậy mà vẫn bị bọn cường hào, quan lại, sai nha tàn nhẫn hà hiếp, chiếm đoạt của cải, không chịu trả tiền. Xót xa trước cảnh ấy, Vương nói thay, than thay lời người bán tre về nỗi uất hận của mình qua bài Mại trúc dao (Bài hát bán tre) Môn nội trúc như sơn Môn ngoại tiền bất hoàn Bất ngôn nhất hà khổ Ngôn chi trường tiên, thả tiên nhữ Y, ta ta ! Quy khứ lai hề, lệ bàng đà Tòng kim nhi hậu vật phạt trúc Cơ ngọa trúc gian tử diệc túc. (Trong cửa tre như núi/ Ngoài cửa tiền không chịu trả/ Không nói, khổ biết bao!/ Nói ra thì roi dài cứ vụt vào người/ Ôi, than ôi!/ Bước chân về chừ, nước mắt như mưa/ Từ nay về sau không nên đốn tre nữa/ Đói nằm trong tre chết cũng đáng). Có khi là nỗi sầu muộn vô biên vì thương nhớ, không kìm giữ được cảm xúc Như vậy, với sự xuất hiện của nhiều câu cảm thán trong các sáng tác, thơ Tùng Thiện Vương bộc lộ rõ một tâm hồn thi sĩ nhạy cảm tinh tế trước thiên nhiên vạn vật, và đa sầu đa cảm trước cuộc đời. Những cảm xúc ấy có khi được dồn nén, khi lại bật ra thành những tiếng kêu than nghe ai oán não nề. Người đọc ấn tượng và thêm trân trọng trái tim đa sầu đa cảm của Vương. Bởi lẽ, Vương không chỉ biết khóc cho mình, cho gia đình, người thân, bạn bè, mà hơn hết, với nỗi đau khổ lầm than của chúng dân, Vương vẫn thấu hiểu, vẫn cảm và viết bằng tình yêu thương chân thành nhất tự trái tim mình. Thiết nghĩ, với địa vị của một ông hoàng Mười, đó quả là điều thật cảm kích và tiến bộ biết bao! Câu cầu khiến: Câu cầu khiến trong thơ Tùng Thiện Vương ít nhất (32 câu). Dấu hiệu để nhận biết loại câu này là sự xuất hiện của các từ tu, mạc, thỉnh, khuyến, còn lại là căn cứ vào nghĩa của câu. Không chỉ xuất hiện khiêm tốn, ngay cả ý cầu khiến trong các câu này cũng khá mờ nhạt. Ví dụ như trong bài Thương hà bạch lộ đường: Kiêm hà tương bạch lộ Trung hữu u nhân đường Tự hứa ngư ông thức Tương tầm thủy nhất phương. (Lau sậy cùng với móc trắng/ Trong đó có ngôi nhà của người u nhàn/ Tự cho phép mình là ngư ông/ Nếu có tìm thì hãy tìm nhau nơi sông nước) Câu cuối bài khuyên người tìm mình thì hãy tìm nơi sông nước nhưng ý khuyên nhủ thì ít mà chủ yếu là thể hiện cái hồn mình. Đó là tấm lòng yêu mến cuộc sống bình dị, thảnh thơi, gần gũi với thiên nhiên vạn vật. Còn trong bài Ký thưởng viên dạ tập thị chư đệ cũng có câu cầu khiến, và ý cầu khiến đó cũng chính là niềm vui của Vương trong khi gặp gỡ các anh em, lưu luyến không muốn rời nên mong các anh em nán lại để cuộc vui còn dài: Lương thời giới kim tịch Quan cái tương truy phan Tứ diên thử liệt tọa Phủ cảnh hữu dư hoan Nguyện tử thả an tọa Bạch câu ca vị lan. (Tối nay trời đẹp, thời tiết mát mẻ/ Mũ dù tìm nhau kết giao/ Tiệc bày xin tùy tiện ngồi/ Cảnh phủ vui vẻ có thừa/ Mong rằng các em thong thả ngồi nán thêm/ Vì khúc ca Bạch câu chưa hết). Ý cầu khiến thể hiện rõ nhất trong các bài Đông viên hoa, Tặng Bổn Giác hòa thượng, Tống nhân Bắc du, Tống nhân Nam hành. Sở sở đông viên hoa Mạc hỷ xuân phong tác Kim nhật tha xuy khai Minh nhật tha xuy lạc. (Đông viên hoa) (Phơi phới hoa vườn đông/ Chớ mừng gió xuân đến/ Ngày nay nó thổi nở/ Ngày mai nó thổi rơi). Nhìn hoa trong vườn, Tùng Thiện Vương nghĩ đến việc đời, nói lên mấy lời nhắn nhủ. Sau khoảng mùa đông giá lạnh, gió xuân đem lại ấm áp cho cành cây, người chủ vườn không khỏi vui mừng. Nhưng Tùng Thiện Vương lại thấy cùng một ngọn gió xuân, nay làm cho hoa nở, mai lại làm cho hoa rụng. Không phải là trách ngọn gió, nhưng khuyên người ta không nên vui buồn theo ngoại vật. Sự vật nào cứ theo bản năng sự vật ấy, như gió thổi, như mưa sa, như tuyết rơi, lợi hay hại cho con người là vẫn tùy vào con người, có hiểu biết và có sức lực mà đối phó và sử dụng hay không, chứ không phải chỉ do sự vật. Như hoa đang thời kì kết nhụy, có ngọn gió thì nở ra; đến lúc tàn tạ, gặp ngọn gió thì rụng xuống. Lỗi ấy không nói tại gió hay tại hoa, vì hoa là loại vô tri vô giác. Nhưng con người có tri thức và ý chí, có thể hiểu biết, đề phòng, đối phó và sử dụng ngoại cảnh Qua mấy câu thơ vắn tắt mà Vương đã gửi gắm triết lý sâu xa thâm thúy vô cùng. 3.2.2 Từ ngữ Từ ngữ trong thơ Tùng Thiện Vương rất phong phú và đa dạng. Nó chịu ảnh hưởng của nghệ thuật trung đại nói chung và sự sáng tạo của cá nhân nói riêng. Từ ngữ trong thơ ông làm rõ cho phương thức tự sự và phương thức trữ tình trong chiếm lĩnh đối tượng và bộc lộ cảm xúc của nhà thơ. Tính biểu cảm: Cái gốc của thơ là từ những rung cảm trước đối tượng mà có thơ. Cảm xúc đó có thể là vui, buồn, giận, hờn, ham muốn, phẫn nộ Từ ngữ diễn đạt cảm xúc trong thơ Tùng Thiện Vương rất nhiều, cả những từ thiên về cảm hứng trước vũ trụ lẫn những từ thể hiện xúc cảm trước cuộc đời, trước những thực tế mắt thấy tai nghe hay cả những nỗi niềm riêng tây của bản thân. Có thể thấy sự xuất hiện của các từ trù trướng, liên, hoài, ức, cảm, oán, than, khổ, thương, hận, tiếu, sầu, thảm thê Tùng Thiện Vương dùng những từ này biểu thị cảm xúc của bản thân. Đó là những suy nghĩ, nhận xét, thương cảm Ông không chỉ thương cho bản thân mà thương cho cả cuộc đời này. Thế nên, ông trăn trở, oán giận những gì làm cho đời mình, cuộc sống này trở nên vô nghĩa, tù túng, khổ sở; lại khát khao, hi vọng một ngày mai tươi sáng cho đời mình, cho cuộc sống. Với một con người đa sầu đa cảm, lại mang cái tâm bệnh như Tùng Thiện Vương thì những cảm xúc ấy lại càng dễ nhận biết trong từng câu chữ. Tùng Thiện Vương thương mình cuộc đời rủi ro, sầu muộn: Tam thập niên hoa bán thị sầu Kỷ đa thường điệu tổng du du Ưng Lưu điêu tạ thương thư tử Tiều tụy Trần vương tự bạch đầu. (Tam thập kiến bạch phát, I) (Ba mươi tuổi đúng là đã nhuốm nửa sầu/ Âm điệu thông thường gộp lại nhiều bao nhiêu/ Chàng Lưu suy bại tàn tạ chết chậm rãi lúc non trẻ/ Trần vương tiều tụy tự thân bạc đầu). Ông cũng thương cho người khi trước mắt lắm điều trái ngang, lắm cảnh cùng khổ: Sinh trưởng phú quý trung Vị tằng giai cơ khách Xúc mục bội thê thiết Lữ vị tư thiểu thường Lao khổ bất nan thuyết (Quảng Lộc dạ phát) (Sinh trưởng chốn giàu sang/ Đói khát chưa từng biết/ Mắt trông thêm thảm thiết/ Đường xa tít lúc đi/ Nhọc nhằn không nói hết) Nhờ những chuyến đi xa thế, tiếp cận với thực tế, với nhân dân lao động, ông hoàng Mười mới nhận ra cuộc sống còn nhiều khổ đau, đắng cay và nhà thơ hoàng tộc này đã phản ánh những điều này trong những trang viết của mình, từ ngữ không cầu kì mà chân thành, đầy trắc ẩn, xót thương Nỗi buồn có khi là một tiếng ngâm, một ngọn gió hoặc chỉ là những ưu tư phiền muộn không sao giải tỏa được khi chứng kiến đất nước dưới gót giày xâm lược Pháp. Có thể thấy, Tùng Thiện Vương sử dụng từ biểu cảm rất linh hoạt và phong phú. Ví như để diễn tả ý xót thương, Tùng Thiện Vương không chỉ dùng từ thương mà còn sử dụng cả từ liên từ bi; diễn tả ý buồn ông không chỉ dùng sầu mà còn dùng du du, ưu, trù trướng; diễn tả nỗi nhớ ông dùng ức, hoài, ưu, niệm Điều này làm cho việc phối hợp vần điệu của câu thơ, bài thơ dễ dàng hơn, bên cạnh đó nó còn giúp cho người đọc hiểu thêm về tài năng và tấm lòng của ông. Tóm lại, Tùng Thiện Vương rất có ý thức khi sử dụng vốn từ biểu cảm để bày tỏ cảm xúc của lòng mình. Điều đó làm cho cảm xúc trong thơ của ông sâu sắc hơn, mãnh liệt hơn, lôi cuốn người đọc hơn. Một kẻ sĩ có trách nhiệm với đời hẳn không thể thiếu những cảm xúc chân thành trong thơ. Lớp từ biểu cảm đã cho chúng ta hình dung dễ dàng hơn, cảm nhận dễ dàng hơn một ông hoàng Mười đa sầu đa cảm trước cuộc đời. Tính hàm súc và đa nghĩa: Tác phẩm thơ với tư cách là một văn bản thông tin nằm trên một diện tích ngôn ngữ hẹp mà lại cần phải cung cấp cho người đọc những lượng thông tin cao, không dư thừa. Chính vì vậy mà ngôn ngữ thơ có tính hàm súc và đa nghĩa. Trong thơ Tùng Thiện Vương, ta càng thấy rõ điều này. Một là do ông sáng tác bằng chữ Hán, hai là do tài năng sáng tạo ngôn ngữ của nhà thơ tài hoa này. Ví như trong bài Trác mộc điểu, Tùng Thiện Vương mượn chuyện chim gõ kiến mà kết án hạng người làm hại nước hại dân là sâu mọt. Thường khi nói sâu mọt là nói hạng kí trùng bám vào, không làm ích gì mà chỉ làm hại. Ông phàn nàn sao có thứ chim để ăn loài sâu mọt hại cây, còn loài sâu mọt hại nước, tội nặng hơn, lại vẫn cứ bình yên, không có thứ gì hại đi. Cũng bằng hình ảnh ẩn dụ kín đáo, thông qua hình tượng đàn chim sẻ bay kiếm mồi trên đồng ruộng, không trộm cắp lúa gạo trong kho, có thể sống no đủ, chỉ lo sợ gặp bọn cú diều nhưng cú diều to cũng chưa đáng sợ bằng lưới giăng của người thì hết đường bay – người dân đen hèn mọn trước bọn cường hào, quan lại, Vương đã mỉa mai, lên án tệ tham nhũng bót lột người dân lành khốn khổ qua bài Tước phi đa (Đàn chim sẻ bay) Trong bài Đại mông quả (Qủa xoài tượng), Vương đã bộc lộ hết sức khéo léo và xúc động tâm trạng của mình qua những câu chữ hàm súc: Đại mông thục ý thử triều thường Gia định tha niên tải cự hàng Hạnh thác hà phù phân tích cống Hốt sầu sơn dịch viễn huề tương Nhung Tru cửu dĩ lao thần toán Thổ vật do lai xuất ngoại hương Thâm quý ngô sinh đồ khẩu phúc Quốc ân gia huống cọng triêm thường (Trái xoài tượng ai đã có ngày thử nếm/ Ở Gia Định, năm kia đã chở một thuyền lớn/ May mình được gửi vào như chút bèo bọt mà được phần của dâng hiến/ Chạnh buồn cho người trạm núi phải từ xa đưa đến/ Binh cơ lâu nay vẫn được vua trù tính/ Vật thổ sản từ xưa vốn là của quê bên ngoại/ Thẹn cho đời ta chỉ lo về ăn uống/ Ơn nước tình nhà thêm ướt áo.) Lấy việc xoài tượng vừa nói đến mình, đến người, đến nhà, đến nước. Chính mình là ai mà đã có ngày được nếm trái xoài tượng, vốn là của từ trong Nam gửi ra triều cống, lại nghĩ đến công người dịch trạm chốn núi non phải vất vả chuyên chở, khiến mình cảm lòng. Vương càng đau xót khi nghĩ đến đất nước đang trong nạn ngoại xâm, mất một phần đất miền Nam. Nhưng không dám trách vua vì vua vẫn trù tính việc binh cơ. Xoài tượng là thổ sản miền Nam, ngoại hương của vua, thành ra càng hiểu lòng vua đau xót nhường nào. Chỉ mấy tiếng mà diễn tả tài tình được cái tâm hồn xao xuyến, lo âu, buồn tủi của một ông hoàng ái quốc trung quân Tính khái quát, ước lệ và và cụ thể trực quan: Do hầu hết thơ Vương được làm theo thể Đường luật bác học nên ngôn từ mang tính khái quát, ước lệ. Chính tính khái quát, ước lệ này góp phần làm cho ngôn từ thơ trở nên hàm súc và giàu sức gợi. Điều này, được GS. Nguyễn Thị Bích Hải nhấn mạnh: “Bí quyết của thơ Đường: nói thật ít để gợi thật nhiều. Mà để có thể nói ít gợi nhiều thì một phương tiện có hiệu lực là ước lệ. Đó là bút pháp chung của thơ, hội họa và tuồng cổ.”[27,54] Tính khái quát được thể hiện ở chỗ: lời thơ gói ghém vào những từ như: điểu, hoa, thụ, thủy, phong, vân, nhật, nguyệt, thiên, địa, giang, sơn Thời gian được dồn vào mấy khái niệm chỉ mùa như xuân, hạ, thu, đông; tiết như lập xuân, cuối thu, đầu đông. Về tính ước lệ, đây một đặc trưng thi pháp của văn học trung đại. Đặc trưng thi pháp này hình thành từ bối cảnh lịch sử xã hội phong kiến và cảm quan thẩm mỹ của tầng lớp nghệ sĩ Hán học. Xã hội phong kiến là một xã hội đẳng cấp, lắm nghi thức công thức. Xã hội bị lễ nghĩa trói buộc, nên văn chương tất phải ước lệ. Sáng tác văn học là hình thức trước thư lập ngôn, nên văn chương ước lệ mới đẹp, mới sang trọng. Tính ước lệ của ngôn từ trong thơ Vương được thể hiện ở việc dùng nhiều lần những hình ảnh quen thuộc trong thơ cổ. Nói đến nỗi sầu, các nhà thơ dùng hình ảnh “bạch phát”, “bạch đầu”: Ưng Lưu điêu tạ thương thư tử Tiều tụy Trần vương tự bạch đầu. (Tam thập kiến bạch phát) (Chàng Lư suy bại tàn tạ chết chậm rãi lúc non trẻ/ Trần vương tiều tụy tự thân bạc đầu) Lão bệnh xâm tầm duyệt tuế hoa Lãng bằng thi tửu tống sanh nha (nhai) Cảm vân bạch phát duyên ưu quốc Nan đắc thanh sơn tiện khiết gia (Lão bệnh) (Bệnh già xâm nhiễm dần dần từ thuở hoa niên/ Nương nhờ thơ, rượu mà sinh sống/ Đâu dám nói tóc bạc vì lo nghĩ việc nước/ Khó tìm được núi xanh tiện mang nhà lên) Hay nói về cái lạnh, Vương dùng hình ảnh “thu phong”, “đông phong”: Đông phong tạc dạ xuy hà xứ Cánh nhạ tân sầu thướng hiểu mi. (Liễu) (Gió từ phương đông thổi về xứ nào/ Càng gợi nỗi sầu mới trên nét mày sáng nay) Tính khái quát ước lệ trong thơ chữ Hán dễ gây cho người đọc cảm giác sáo mòn, nặng tính sách vở, xa rời lời nói hàng ngày. Tuy nhiên, ngôn từ trong thơ Vương không đơn điệu như thế. Tồn tại bên cạnh tính nghi thức, trang nhã, mẫu mực là tính cụ thể, tự nhiên của ngôn từ. Trong mảng thơ hiện thực, ngôn từ cụ thể, đời thường đậm đặc trong thơ Vương. Tính hàm súc của ngôn từ khái quát, ước lệ không thể vẽ được một cách tỉ mỉ tường tận cuộc đời cơ cực, lầm than của người dân nghèo khổ nên nhà thơ phải dùng tới những từ cá biệt cụ thể của đời thường để tạo nên những bức kí họa. Có lẽ lần đầu tiên, người ta thấy trong thơ chữ Hán những hình ảnh cụ thể, thảm thiết như thế này: Thổ tích dục đa, xa úy chiết Cơ lai cầu xan, bất đắc yết Xa như phong, hãn như tuyết Dạ lương do thắng trú chi nhiệt (Thổ xa dao) (Đất muốn chở nhiều, xe sợ gãy/ Đói đến muốn ăn, không nuốt được/ Xe chạy như gió, mồ hôi ra như tuyết/ Đêm mát còn có thể chịu đựng được hơn là ngày nóng bức) Từ tự xưng: Cũng giống như những đại thi hào lớn của dân tộc Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Tùng Thiện Vương cũng luôn có khuynh hướng thể hiện mình, khẳng định bản thể trước cuộc đời này. Vì thế, lớp từ tự xưng xuất hiện nhiều trong thơ ông. Cụ thể là trong 316 bài thơ được khảo sát thì có đến 176 lần tác giả trực tiếp hoặc gián tiếp dùng từ tự xưng. Lớp từ tự xưng trong thơ Vương rất đa dạng. Thơ Vương vẫn thường dùng những từ tự xưng như trong thơ truyền thống với mục đích xưng hô như: ngã, ngô, ngô thân, thân, ngô nho, nhất thân, nhân, nhân lão, khách, lữ khách, hành nhân Những từ này thơ trung đại vẫn thường dùng. Tùng Thiện Vương luôn ý thức cái tôi bản ngã của mình. Thế nên ông hay nói về chính mình, về mối quan hệ của mình trong xã hội và trong trời đất. Đó là những khát vọng, hoài bão, ước muốn, suy tư, trăn trở, đau khổ, thất vọng, hào hứng, niềm tin Cái tôi xuất hiện hàng loạt trong thơ ông. - Khởi công vị ngã tái phấn kiện bút vi trường ca (Bạch Hào Tử ca) - Ky nhân trung tuế hạnh bình an (Thôn cư tạp vinh) - U nhân tảo khỉ hoành cầm tọa (Sơn cư tảo khởi) - Đồ lê tiếu ngã du hà kịch (Sơn trung hiểu bộ quá Tuệ Lâm tự) - Thủy trúc dung ngô lại (Quy viên ngẫu đắc) - Thâm quí ngô sinh đồ khẩu phúc (Đại mông quả) - Ngã niệm ngã mẫu (Bệnh trung tư mẫu) Thông thường, các nhà thơ gọi mình là khách, du khách, du nhân, du tử cốt để cho cái tâm được nhẹ nhàng và thanh thản hơn: Đoản đỉnh liễu biên khách điếu (Nhàn cư lục ngôn) Khi bộc bạch nỗi niềm thế sự, riêng tây, Vương dùng ngã, ngô, nhân: Ngã niệm ngã mẫu Khởi tri ngã bệnh Tích ngã hữu bệnh Nhân nhi vô dưỡng (Bệnh trung tư mẫu) Vương bày tỏ lòng nhớ mẹ của mình. Trong lòng Vương, nỗi nhớ không lúc nào nguôi ngoai. Nhớ nên nằm ngủ cũng tưởng đến bóng hình mẹ, nụ cười mẹ. Tấm lòng của con đối với mẹ thể hiện qua niềm tiếc nhớ những ngày tháng có mẹ bên cạnh chăm sóc mình, nay mẹ đi xa nhưng tác giả vẫn tin mẹ luôn bên cạnh, dõi theo và phù hộ nên con mới mau lành bệnh. Tác giả lại đau xót như chưa phụng dưỡng mẹ được bao lâu, hổ thẹn với loài chim quạ kia. Lòng hiếu thảo ấy của Vương khiến ta xúc động không chỉ bởi tình cảm sâu sắc mà còn chính vì nó quá đỗi chân tình. Trong Đoản ca hành, Vương thể hiện quan niệm, cái tôi của mình trước cuộc đời. Quá khứ thì đã đi qua, có làm gì cũng không bao giờ thay đổi được, còn tương lai thì chưa đến, vô định trước mắt, nên Vương sẽ sống trọn vẹn những phút giây đang có: Ngã tắc cao ca Tử hòa dĩ phẩu Kim giả bất lạc Lai nhật đại nan Ca dĩ vịnh chi Khó để khẳng định Vương lạc quan, nhưng có lẽ đây là một cách sống thích ứng thiết thực, không ghét đời mà cũng không ham đời. Vương sống trong hiện tại với kinh nghiệm quá khứ và xây dựng tương lai. Đôi khi, Vương còn muốn giãi bày một nỗi sầu muộn thường trực trong lòng bởi không biết bao nhiêu là căn nguyên: Thiên thu chi hạ Thùy tri ngã ưu? (Trường ca hành) Khi muốn bày tỏ một cách mạnh mẽ, khắc họa cái tôi cô đơn, trôi nổi nơi đất khách, nhà thơ dùng từ thân, nhất thân, độc, lữ thứ - Độc du Tiên Phước tự (Dã hứng thứ tạ mậu thái vận) - Độc tự trung lưu kích tiếp ca (Giang đầu tuyệt cú) Khi muốn bày tỏ tình cảm một cách mạnh mẽ hơn, Vương dùng từ độc, cô. Đó là những trường hợp nội tâm nhà thơ đang có sự giằng xé hoặc những nung nấu khó giãi bày, để trong lòng thì khó chịu. Vương còn dùng hình ảnh có liên hệ mật thiết với quê hương để chỉ cá nhân mình. Lớp từ tự xưng cho thấy Tùng Thiện Vương cũng là một con người rất cá tính, ý thức cá nhân cao độ. Ở mỗi trường hợp, Vương dùng từ tự xưng cho thích hợp. Lớp từ tự xưng còn thể hiện rõ con người cá nhân qua những lời đối thoại mang tính tự sự, những lời độc thoại nội tâm. Vương đã đối thoại với chính mình trong nỗi cô đơn, lo toan, ngẫm nghĩ. Vương cũng đã đối thoại với con người trong niềm cảm thông chia sẻ Như vậy, chúng ta thấy Vương rất có ý thức trong việc khẳng định mình và bộc lộ một cái tôi trữ tình trọn vẹn với đầy đủ những cung bậc cảm xúc. Điều này làm cho thơ ông gần gũi hơn, chân thành hơn, do vậy mà lôi cuốn người đọc hơn. 3.3 Giọng điệu Giọng điệu là một phương tiện cơ bản cấu thành hình thức nghệ thuật của tác phẩm văn học, là thước đo để xác định tài năng và phong cách độc đáo của nghệ sĩ. Bởi văn chương trước hết là nghệ thuật ngôn từ, là cách nói bằng ngôn từ mà gắn liền với cách nói là thái độ, giọng điệu của nhà văn ẩn sau các kí hiệu, các mã nghệ thuật. Có thể nói, trong các tác phẩm nghệ thuật ưu tú, giọng điệu bao giờ cũng mang tính chất lượng, là sản phẩm sáng tạo đích thực của nghệ sĩ. Sáng tác của Tùng Thiện Vương có hai giọng điệu chính: 3.3.1 Giọng điệu trữ tình Đây là giọng điệu chủ yếu trong những bài thơ thuộc mảng đề tài thiên nhiên, tình cảm với người thân, bạn bè hay nỗi niềm riêng của Tùng Thiện Vương. Ông gửi gắm tâm trạng mình trước thiên nhiên; ông bộc bạch niềm yêu thương của mình với người thân, bạn bè và ông giãi bày những sầu muộn u hoài trên mỗi trang viết. Tất cả đều rất xúc động, chân thành và khắc họa rõ nét tâm hồn ông. Thiên nhiên trong thơ Miên Thẩm trở nên sinh động, hài hòa biết bao. Với một người vốn sẵn cái hồn đa cảm lại thêm cái lòng yêu mến thì thiên nhiên không chỉ là những cảnh đẹp, thiên nhiên còn chính là những người bạn tri âm. Vì vậy mà viết về thiên nhiên, bao giờ Miên Thẩm cũng dành cho một tấm chân tình sâu sắc. Điều đó thể hiện trong chính giọng điệu lúc như reo vui, lúc như tha thiết Tuổi trẻ trong sáng hồn nhiên, Miên thẩm nghe thấu mọi tiếng vọng từ thiên nhiên cây cỏ. Tất cả đều trong lành đến lạ. Tất cả như pha lê và thơ cũng “trong”, “bóng” khác thường. Sô tranh u vận thống la tùng Lạp lý duyên hồi thính bất cùng Nhất lộ thanh sơn vô vũ khí Hành nhân khước tại thủy thanh trung (Nam khê tuyệt cú) (Vần thơ thánh thót vờn quanh khóm cỏ/ Tiếng giày đi vòng nghe không dứt/ Một con đường núi xanh không có hơi mưa/ Người đi trong tiếng suối reo) Bài thơ như tiếng reo vui hân hoan gợi ta liên tưởng đến một cuộc chơi núi của những người trẻ. Âm thanh không ồn ã, chỉ đủ gợi một không khí hân hoan và những tiếng lòng đang vui. Những lúc cô đơn, Miên Thẩm cũng trải lòng vào cảnh vật, những bài thơ lúc này nghe buồn đến não nề. Thiên nhiên lúc này cũng mang cái dáng dấp của một tâm hồn nhạy cảm, u hoài. Ta bắt gặp điều này trong bài Giang thượng vọng Thương Sơn của ông: Giang thượng quần phong đạm dục vô Thiều thiều thiên nhận vọng trung cô Nhược vi khất đắc Duy Ma bút Trích thủ Thương Sơn tác họa đồ (Muôn núi trên sông mờ nhạt như không còn có/ Xa xa nghìn nhận trông nó cô đơn trong dãy/ Nếu mượn được bút của Vương Duy/ Giành lấy Thương Sơn mà vẽ một bức tranh) Đối với Tùng Thiện Vương, “cơ dân” và “lưu dân” là những người dân bất hạnh nhất trong thời Nguyễn. Viết về họ, giọng thơ ông hoàng Mười có gì đó như nghẹn lại, xót xa, chực dâng trào mãnh liệt. Thật khó tìm thấy sự cảm thông, thương quý đến thế từ một ông hoàng, vậy mà ta lại bắt gặp hầu hết trong các bài thơ của Vương về đề tài người dân lao động. Giọng điệu ở đây không phải của một người bề trên nhìn xuống những “dân đen con đỏ” rồi xuýt xoa tội nghiệp cho họ, mà rõ ràng là giọng cảm thông, sẻ chia. Trong dòng người dân đau khổ lũ lượt ngắc ngoải chờ chết, ông như thấy rõ từng người, từng hoàn cảnh làm ăn và từng phút giây thoi thóp trước lúc họ chết. Ông thấy rõ lắm, miêu tả chân thực lắm, giọng điệu của ông cũng không phải là giọng tội nghiệp của người đứng trên, hay đứng ngoài mà rõ ràng là giọng của người trong cuộc, cảm thông đến thế là cùng. Ông như cũng đang đi theo họ trên những con đường xa lắc để tìm một miếng ăn, một việc làm qua ngày. Cuộc sống thực tế của người dân – như ông đã quá quen thuộc – được ông nói ra thật thiết tha, xúc động. Người nông dân có một nỗi lo thường xuyên và hãi hùng vì thời tiết. Lụt, bão, hạn là những tai ương, khó nhọc, nguy khốn mà người nông dân thường gặp phải. Viết về nỗi khổ vì thời tiết, Tùng Thiện Vương có một tấm lòng không khác người nông dân. Bài Lạo (lụt) được viết với cảm xúc chân thật, giọng điệu cảm thông và cũng rất nông dân của Vương: Nguyệt hắc phố yên bạch Thuyền cao sa thụ đê Cơ dân quần tị địa Hoang thú loạn chinh bề Vãn hoạch kiêm tao thử Năng vô tẩm đạo khuê (Trăng mờ khói tỏa trên đê trắng/ Cây thấp thuyền dâng bãi cát cao/ Từng đoàn dân đói đi phiêu dạt/ Lính gác đồn xa đánh trống lâu/ Vụ gặt đến nơi liền gặp lụt/ Nước ngâm lúa thối hết còn đâu?) Tùng Thiện Vương có tấm lòng của người nông dân, hiểu thấu những nỗi cơ cực của họ. Ông thấy hoàn cảnh ấm êm của mình có gì bất nhẫn. Ông rơi vào tâm trạng đau xót. Có vần thơ nào tha thiết hơn thế này: Cử mục thương sinh khổ Hung trung vô sở thi (Vịnh hoài) (Mở mắt thấy dân khổ/ Lòng chưa biết làm gì.) Khi viết về người thân, bạn bè, giọng thơ Vương cũng dâng lên những cảm xúc tha thiết nhất. Bệnh trung tư mẫu là bài thơ dung dị về tình mẫu tử. Tính chất nhân từ, điềm đạm toát lên từ câu chữ, giọng điệu bài thơ gợi nhớ đến một người mẹ “từ ái bất xả” của nhà thơ. Lời lẽ dịu dàng đắm thắm như chính tình cảm dành cho mẹ. Tình mẹ vượt cả không gian, vượt cả cõi cách ngăn sống chết. Trong cảm xúc thương nhớ mẹ, ông đã thấy được nhan sắc và tâm hồn, vẻ mặt và tình thương của mẹ. Làm nên giọng điệu này phải kể đến sự góp mặt đáng kể của kiểu câu cảm thán. Đây là loại câu tối ưu trong việc bày tỏ cảm xúc, đúng như cái tên gọi của nó. Vương rất có ý thức khi sử dụng kiểu câu này để bày tỏ nỗi lòng mình. Điều đó làm cho cảm xúc trong thơ của ông trữ tình, tha thiết hơn. Câu cảm thán trong thơ Vương có khi thể hiện lời reo vui hân hoan trước thiên nhiên hữu tình, khi được hội ngộ anh em bạn bè; có khi bày tỏ niềm thương nhớ những kỉ niệm đã qua bên những người Vương yêu quý; cũng có khi là nỗi sầu muộn vô biên không biết than thở cùng ai; và nhiều khi lời than xót trước cuộc sống tội nghiệp của người dân. Sự xuất hiện của kiểu câu này làm cho cảm xúc trong thơ dâng trào, đặc biệt khi kết hợp với những thán từ. Như vậy, với sự xuất hiện của nhiều câu cảm thán trong các sáng tác, thơ Tùng Thiện Vương bộc lộ rõ một tâm hồn thi sĩ nhạy cảm tinh tế trước thiên nhiên vạn vật, và đa sầu đa cảm trước cuộc đời. 3.3.2 Giọng điệu phê phán Đối với mảng đề tài hiện thực, giọng thơ Vương bỗng hóa gay gắt quyết liệt. Tùng Thiện Vương không ngần ngại chỉ tay vạch ra nguyên nhân đẩy nhân dân vào cuộc sống cơ cực lầm than. Ông lên án lũ quan lại sâu bọ đục nước hại dân. Ông cũng bày tỏ niềm căm phẫn xót xa trước cảnh gót giày xâm lược Pháp giày xéo quê hương. Tùng Thiện Vương đã chọn cuộc sống hiện thực của người dân làm đề tài cho thơ thì ông đứng vững trên trận tuyến đấu tranh phanh phui tất cả mọi khổ đau, hoạn nạn, chết chóc, bất hạnh mà người dân phải chịu trong một đất nước đang có vua, đang có chủ quyền! Thực sự là vua quan đã bỏ rơi dân. Còn đâu thời vua sáng tôi hiền! Là người trong hoàng tộc Nguyễn, đề tài này vừa là nỗi đau xót, thẹn thùng của Vương vừa là lời tố cáo rất mực thẳng thắn, đầy khí phách của ông. Ông nói đến những người nông dân, rồi người kéo gỗ, người mò hến, người kéo xe đất, người bán tre, Họ đều cực khổ, bần hàn, và cái chết chực chờ. Tùng Thiện Vương đã miêu tả cái xã hội mà người dân khốn cùng như thế. Xã hội ấy thật rối ren, lộn xộn, hoang tàn và đâu đâu cũng là những bất trắc hiểm nguy. Không phải chỉ là cái hiểm nguy của thiên tai địch họa, mà còn là hiểm nguy ngay chính ở những kẻ được coi là “phụ mẫu” của dân Tùng Thiện Vương phê phán gay gắt tệ quan lại ở địa phương tham lam vơ vét của dân. Khoản tiền trầu cau vào cửa quan là một sự bóc lột tinh vi và hiểm độc. Những người dân hữu sự hoặc bị sách nhiễu vào cửa quan là phải khốn đốn vì “tiền trầu”. Có khi họ phải tan nát gia đình, ly tán vợ con như đôi vợ chồng trong bài thơ Phù lưu tiền hành (Bài hành tiền trầu cau). Rồi Tùng Thiện Vương liên hệ tình hình miền Nam đang mất dần vào tay xâm lược Pháp. Ông cảnh cáo: Chính chi xúc bách lự hà cập? (Làm chính trị áp bức lo sao cho kịp?). Ông mong muốn nhà vua suy nghĩ và sửa đổi chính sách. Ông coi thiên tai và áp bức phong kiến là một. Ông lên án sự tham tàn của tầng lớp thống trị. Trong bài Trác mộc điểu (Chim gõ kiến), giọng thơ ông luận tội đanh thép như những đòn giáng mạnh thẳng thừng: Đố mộc tín hữu tội Hà như bỉ bang đô (Mọt cây đúng là có tội/ Sao bằng mọt nước kia!) Ông coi bọn đại thần gian tham hại nước hại dân là kẻ ăn người. Trong bài Sát hổ hành (Bài hành giết cọp), sau khi nêu lên thái độ thích thú của người thay mặt dân trị cọp dữ, ông kết luận: An đắc tự nhĩ hảo thân thủ Thượng vị quốc gia tru thử thần. (Nào ai tài giỏi như chàng An/ Vì nước vì nhà giết đứa gian). Rồi ông liên hệ tình hình miền Nam đang mất dần vào tay xâm lược Pháp, rồi cảnh cáo: Chính chi xúc bách lự hà cập (Làm chính trị áp bức lo sao cho kịp?). Ông phơi bày hiện thực đen tối của đất nước, tình cảnh thống khổ của người dân, và ông quyết liệt gay gắt buộc tội những kẻ đã đẩy “dân đen con đỏ” vào cảnh này: Bất nhiên thử hàn vưu khả nghi Nhân súc lục cốc câu vị tri Dưỡng tặc nhục mệnh thùy sở vi? (Không thế, rét này đáng ngại thay!/ Vật, người, lúa, má biết sao đây?/ Nuôi giặc, nhục nước, tội về ai?) Tuy xuất thân hoàng tộc song Tùng Thiện Vương vẫn hòa được vào tiếng nói chống phong kiến phi nhân, hướng về cuộc sống của nhân dân lao động bị áp bức, bất hạnh và trở về với cuộc sống bình dị, nguyên sơ. Giọng điệu này phần lớn còn được thể hiện qua kiểu câu hỏi. Những câu hỏi không cần câu trả lời vì ai cũng biết thủ phạm khiến cuộc sống lầm than của người dân thêm khốn cùng là bọn cường hào ác bá, tham quan sách nhiễu; cũng không hỏi để hy vọng vào một lối thoát nào cho người dân vì họ chẳng có con đường nào mà đến được ấm no, bình an nói chi đến hạnh phúc. Những câu hỏi của Vương giàu sức nhấn, sức xoáy, gợi lên trong lòng người đọc mối động tâm tha thiết, nỗi bất bình: “Dưỡng tặc nhục mệnh thùy sở vi?” hay “Hà như bỉ bang đô” và “Tốt phùng điêu tử đương nại hà” Đó chính là những câu trách móc, lên án, luận tội dõng dạc, đanh thép hơn bao giờ hết xuất phát từ niềm thương cảm sâu xa của Vương trước cuộc đời khốn khó của người dân nghèo và lòng căm phẫn tột cùng trước những thế lực xấu xa đang đẩy họ đến bước đường cùng. Để thấy được sự chuyển đổi, vận động, đóng góp của nghệ thuật thơ chữ Hán của Tùng Thiện Vương, chúng tôi so sánh với thơ chữ Hán trung đại tính từ Nguyễn Trãi đến Tùng Thiện Vương. Với Nguyễn Trãi, Ức Trai thi tập thể hiện sự nhuần nhuyễn của tác giả trước các thể quen thuộc theo luật Đường. Từ thời Lý – Trần đến thời Nguyễn Trãi thì Ức Trai thi tập là tập thơ tiêu biểu nhất của một thi sĩ Việt Nam khi sử dụng thể tài ngoại nhập. 97/99 bài của tập thơ được làm theo thể ngũ ngôn, thất ngôn, tứ cú và bát cú. Chỉ có 2/99 bài là theo thể trường thiên. Đến Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bạch Vân Am thi tập của ông hầu như chỉ có các thể Đường luật. Bùi Duy Tân khẳng định: “đã thấy xuất hiện một số bài trường thiên cổ thể, dùng cả phương thức tự sự xen vào phương thức trữ tình triết lý”. Tỉ lệ thơ trường thiên của Bạch Vân Am thi tập là 10/81 bài. Với Nguyễn Du, ngay trong tập thơ đầu Thanh Hiên thi tập, ngũ ngôn trường thiên chiếm tỉ lệ 4/78 bài, Nam trung tạp ngâm là 2/40 bài. Chưa thấy hành, ca, từ xuất hiện. Ở Bắc hành tạp lục, ngay từ đầu, Nguyễn Du đã thể hiện sự chuyển thể. Số bài vượt khỏi khuôn khổ thơ Đường là 21/131 bài. Cao Bá Quát qua các tập thơ của mình (Mẫn Hiên thi tập, Cúc Đường thi tập, Chu Thần thi tập, Cúc Đường thi thảo) đã chuyển đổi khá mạnh về thể loại. Thành công nhất của ông chính là làm cho các thể ca và hành vừa gần như nhạc phủ vừa gần với thơ tự sự. Đến Tùng Thiện Vương, sau năm thế kỉ, những gì mà các nhà thơ đi trước đã làm được thì Vương đều kế thừa và phát triển thêm. Ông đã thành công trong việc sử dụng rộng rãi các thể trường thiên, ca, ngâm, từ, hành, khúc, dao, lục ngôn... Đọc hành, dao, ca, từ của ông, người ta nhận thấy có sự đan xen hòa quyện giữa bút pháp tự sự và trữ tình nhuần nhã, tinh tế. Bên cạnh đó, Tùng Thiện Vương còn là một bậc thầy trong việc trong việc sử dụng ngôn ngữ, sáng tạo hình tượng. Từ ngữ trong thơ Vương giàu tính biểu cảm, tính hàm súc đa nghĩa, tính khái quát ước lệ và tính cụ thể trực quan. Chính điều đó đã khiến cho thơ Vương không đơn điệu, sáo mòn, xa rời mà gần gũi, sâu sắc và chân thành. Để viết cho cùng cuộc đời cơ cực, lầm than của người dân nghèo khổ, Vương phải dung tới những từ cá biệt cụ thể nhất. Do vậy mà ngôn ngữ trong thơ Vương đa dạng, phong phú vô cùng. Hai giọng điệu cơ bản trong thơ Vương là giọng trữ tình tha thiết và giọng phê phán gay gắt. Đây cũng không phải là những điều mới mẻ trong văn học trung đại dân tộc bấy giờ. Nhưng thành công và đóng góp của Vương chính là ở chỗ, trên phương diện nào, Vương cũng đã vận dụng hài hòa thể tài, ngôn ngữ, để làm nổi bật giọng điệu của tác phẩm. Cho dù thơ chữ Hán không thể có giá trị phổ biến rộng rãi trong xã hội vì khoảng cách quá lớn giữa nền văn hóa hàn lâm và bộ phận văn hóa đại chúng thì thơ chữ Hán của Tùng Thiện Vương vẫn xứng đáng có một vị trí vẻ vang trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam. Với những đặc điểm riêng biệt về thể tài, ngôn ngữ, giọng điệu... Vương đã chứng tỏ thơ chữ Hán dân tộc vẫn đáp ứng được những yêu cầu của thời đại bấy giờ. PHẦN KẾT LUẬN Những nét riêng về cá tính, về tư tưởng, về tình cảm, về phẩm chất, về phong cách sống được phản ánh rõ nét trong thơ Vương. Có thể nói suốt cuộc đời, từ lúc còn là cậu bé chín, mười tuổi cho đến lúc là ông già năm mươi và mãi cho đến lúc sắp xuôi tay nhắm mắt trên giường bệnh, Tùng Thiện Vương làm thơ không biết mệt mỏi. Thơ như là niềm an ủi, như là chỗ dựa của Vương trước cuộc sống. Thơ Vương bày tỏ thái độ sống của một ẩn sĩ, xa lánh phồn hoa đô hội, xa lánh danh lợi, muốn sống cuộc đời bình dị, nhàn tản, tiêu sái thanh cao đồng thời cũng thể hiện một tấm lòng ưu thời mẫn thế, ái quốc trung quân. Thơ Vương diễn tả những khắc khoải suy tư về kiếp người hữu hạn, về nhân tình thế thái. Thơ Vương thấm đẫm những cảm xúc chân thành, thắm thiết về tình cảm mẹ con, anh em, bạn bè; những rung động tinh tế trước vẻ đẹp của giang sơn Việt Nam cẩm tú, của quê hương xứ Huế thơ mộng dấu yêu của mình. Thơ Vương cũng thấm đẫm những xót xa thương cảm trước cuộc sống khổ đau của người dân lành; những bất bình, căm tức trước tệ tham nhũng của một phận không ít quan lại của triều đình. Chọn khuynh hướng hiện thực là chủ yếu trong sáng tác của mình, Vương đã đứng trên cùng một trận tuyến với các nhà thơ nhà văn lớn của dân tộc để phanh phui mọi khổ đau, áp bức, bất công mà người dân phải chịu. Đến Tùng Thiện Vương, người đọc mới được tiếp xúc với cuộc sống người dân lao động rộng rãi, chân thực và đa dạng đến thế. Dù có một hoàn cảnh xuất thân đầy ràng buộc nhưng Vương vẫn hòa vào được tiếng nói chống phong kiến phi nhân, hướng về cuộc sống của nhân dân lao động bị áp bức bất hạnh. Phải khẳng định rằng Tùng Thiện Vương thật sự là một nghệ sĩ chân chính, có những nét tiến bộ vượt bậc khi đi theo tiếng gọi lương tri của con người và tư tưởng mới của thời đại. Ông đã thể hiện qua thơ mình khuynh hướng hiện thực rõ nét và chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc. Con người cá nhân đã manh nha trong văn học trung đại từ sớm. Vương đã chảy cùng mạch nguồn ấy để thể hiện trong thơ mình một con người cá tính với ý thức cá nhân cao độ. Vương ý thức trong việc khẳng định mình và bộc lộ một cái tôi trữ tình trọn vẹn với đầy đủ những cung bậc cảm xúc. Con người cá nhân của Vương hiện lên với trăn trở trước vận mệnh đất nước, đau đáu trước nỗi thống khổ của người dân và u uất trước những ưu hoạn trong đời mình. Đến Tùng Thiện Vương, sau năm thế kỉ, những thành tựu nghệ thuật mà các nhà thơ đi trước đã làm được thì Vương đều kế thừa và phát triển thêm. Ông đã thành công trong việc sử dụng rộng rãi các thể trường thiên, ca, ngâm, từ, hành, khúc, dao, lục ngôn... Đọc hành, dao, ca, từ của ông, người ta nhận thấy có sự đan xen hòa quyện giữa bút pháp tự sự và trữ tình nhuần nhã, tinh tế. Bên cạnh đó, Tùng Thiện Vương còn là một bậc thầy trong việc trong việc sử dụng ngôn ngữ, sáng tạo hình tượng. Chính điều đó đã khiến cho thơ Vương không đơn điệu, sáo mòn, xa rời mà gần gũi, sâu sắc và chân thành. Nhìn chung lại, ngoài những hạn chế về nội dung mang tính thời đại, hoàn cảnh cá nhân, và dù thơ chữ Hán không thể có giá trị phổ biến rộng rãi trong xã hội thì thơ chữ Hán của Tùng Thiện Vương vẫn xứng đáng có một vị trí vẻ vang trong lịch sử văn học trung đại Việt Nam. Các sáng tác của Vương đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng đẹp về một nhà thơ hoàng tộc tài ba, tiến bộ, giàu lòng nhân ái, rất đáng được mến mộ. Dù sinh ra và lớn lên trong sự ưu đãi của chế độ phong kiến, trong phú quý cao sang nhưng Tùng Thiện Vương không tự cao tự đại về thân thế quý tộc của mình. Tâm hồn ông đã vượt lên cách nghĩ, cách sống thường tình, vượt lên các giáo điều để hòa vào cuộc sống bình dị, để thấu hiểu những cảnh đời không may, để góp một tiếng nói khát khao quyền sống, hạnh phúc trong dòng chảy thời đại. Tùng Thiện Vương quả là một nhà thơ hoàng tộc tài năng, tiến bộ giữa thế kỉ XIX. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Phúc Ưng Trình và Nguyễn Phúc Bửu Dưỡng, Tùng Thiện Vương – Tiểu sử và thi văn, Nhà in Sao Mai, Châu Bình, Thủ Đức, 1970. 2. Ngô Văn Phú tuyển chọn, sưu tầm,Thơ Tùng Thiện Vương, Nxb Văn học, 1991. 3. Lương An (tuyển chọn và giới thiệu), Thơ Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1994. 4. Nguyễn Phước Bảo Quyến, Tùng Thiện Vương – Đời và Thơ, Nxb Thuận Hóa, 2008. 5. Lương An, Miên Thẩm – một nhà thơ hoàng tộc tiến bộ giữa thế kỷ XIX, Tạp chí văn học số 3 – 1981. 6. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Bốn phương, Sài Gòn, 1951. 7. Thuần Phong, Phạm Tú Châu, Nguyễn Đổng Chi, Ngô Gia Văn Phái, Nguyễn Gia Thiều, Lý Văn Phức, Nguyễn Miên Thẩm, Ngô Thì Nhậm : Tuyển chọn và trích dẫn những bài phê bình - bình luận văn học của các nhà văn và các nhà nghiên cứu Việt Nam, Nxb Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, 1999. 8. Trần Như Thổ sưu tầm, thẩm cứu, dịch giải, Bức mật thư Đất - Nước - Gió - Mưa trong Thương Sơn thi tập, Nxb Văn hoá Thông tin, 2005. 9. Ngô Văn Chương, Phân tích những khuynh hướng tình cảm, đạo lý, xã hội trong thi ca Tùng Thiện Vương, Phủ Quốc vụ Khanh đặc trách văn hoá, 1973. 10. Ngô Thời Đôn, Giá trị nhân văn trong Thương Sơn thi tập của Miên Thẩm, Luận án tiến sĩ ngữ văn, Chuyên ngành Văn học Việt Nam, Mã số: 5.04.33, Hà Nội, 2000. 11. Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, Bộ Giáo dục, Trung tâm học liệu xuất bản, Sài Gòn, 1968. 12. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Tân Việt xuất bản, Sài Gòn, 1964. 13. Lương An, Qua tập thơ Thương Sơn, thử tìm hiểu về tư tưởng yêu nước của Miên Thẩm, Sông Hương 13/1985. 14. Lương An, Hai bài xướng họa – thêm một tư liệu mới về tình bạn giữa Miên Thẩm và Cao Bá Quát, Sông Hương 23/1987. 15. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Bốn Phương, Sài Gòn, 1951. 16. Nguyễn Huệ Chi, Mấy vẻ mặt thi ca Việt Nam thời cổ cận đại, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1983. 17. Nguyễn Huệ Chi (Chủ biên), Nguyễn Bỉnh Khiêm – danh nhân văn hóa, Bộ văn hóa thông tin, Nxb Hà Nội, 1991. 18. Nguyễn Khuê, Tâm trạng Tương An Quận Vương qua thi ca của ông, Tủ sách văn học, Nxb Sài Gòn, 1970. 19. Nguyễn Hữu Sơn, Vấn đề con người cá nhân trong văn học cổ - nhìn từ góc độ lí thuyết, Nxb Văn học, 1993. 20. Bùi Duy Tân, Vấn đề thể loại trong văn học Việt Nam thời cổ, Nxb Văn học, 1976. 21. Bùi Duy Tân, Mối quan hệ về thể loại giữa văn học Trung Quốc và văn học Việt Nam thời trung đại: tiếp nhận – cách tân – sáng tạo, Nxb Văn học, 1992. 22. Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân giới thiệu, dịch và tuyển chọn, Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, tập 1 Nxb Văn học, Hà Nội, 1983. 23. Bùi Văn Nguyên chọn dịch, chú thích, giới thiệu, Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, tập 2, thơ chữ Hán, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1992. 24. Lê Trí Viễn, Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996. 25. Lê Trí Viễn, Đặc điểm lịch sử văn học Việt Nam, Nxb ĐHTHCN, Hà Nội, 1987. 26. Trần Đình Sử, Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2005. 27. Nguyễn Thị Bích Hải, Thi pháp thơ Đường, Nxb Thuận Hóa, 1995. 28. Viện sử học, Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb KHXH, Hà Nội, 1976. 29. Trương Chính, Lê Thước, Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb Văn học, Hà Nội, 1978. 30. Nguyễn Huệ Chi, Mấy vẻ mặt thi ca Việt Nam thời cổ cận đại, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội, 1983. 31. Phương Lựu, Trần Đình Sử, Lê Ngọc Trà, Lí luận văn học, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1986. 32. Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII- nửa đầu thế kỉ XIX, tập 1, Nxb ĐHTHCN, Hà Nội, 1976. 33. Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII- nửa đầu thế kỉ XIX, tập 1, Nxb ĐHTHCN, Hà Nội, 1978. 34. Bùi Văn Nguyên, Các thể thơ ca và sự phát triển của hình thức thơ ca trong văn học Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội, 1968. 35. Vũ Khiêu và các tác giả tuyển dịch, Thơ chữ Hán Cao Bá Quát, Nxb Văn học, Hà Nội, 1976. 36. Nguyễn Tài Thư, Cao Bá Quát- con người và tư tưởng, Nxb KHXH, Hà Nội, 1980. 37. Trần Như Uyên, Mấy vần thơ mang tinh thần xã hội của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, Đặc san Văn khoa Huế, 1973. 38. Lê Thu Yến, Cao Bá Quát - một tiếng thơ về lòng chung thủy, Kỷ yếu Khoa Ngữ Văn Trường ĐHSP Tp. HCM, 1993. 39. Lê Thu Yến, Đặc điểm nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb Thanh Niên Tp. HCM, 1999. 40. Lê Thu Yến (chủ biên), Văn học Việt Nam, Văn học Trung đại - Những công trình nghiên cứu, Nxb Giáo Dục, Tp. HCM, 2000. Các trang thông tin điện tử: 1. 2. 3. 4. 5.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfnhung_dong_gop_cua_tho_ca_tung_thien_vuong_trong_van_hoc_trung_dai_viet_nam_1601.pdf
Luận văn liên quan