Trên cơ sở những phân tích trên, luận văn đưa ra các giải pháp mang
tính tổng thể, gắn liền với phương án quy hoạch sử dụng đất của tỉnh nhằm
mục đích vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời
tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trên địa b àn hiện
nay để từng bước hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp trong
thời gian tới có tính khả thi.
104 trang |
Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 2947 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Quy hoạch, sử dụng đất nông nghiệp để phát triển cây công nghiệp ở tỉnh Kon Tum, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
bằng các biện pháp
lâm sinh khác, các khu rừng đặc dụng, đặc biệt là bảo vệ nghiêm ngặt các khu
vực có nguồn gen quý hiếm.
- Đất có rừng tự nhiên:
+ Đất có rừng tự nhiên sản xuất: giảm 36906 ha, trong đó chuyển sang
đất nông nghiệp 5092,36 ha, đất chuyên dùng 763,38 ha và chuyển sang đất
rừng tự nhiên phòng hộ 31050 ha. Diện tích đến năm 2010 chỉ còn 274374 ha.
+ Đất có rừng tự nhiên phòng hộ: Giảm 10389 ha, chuyển sang đất có
rừng tự nhiên đặc dụng 3456 ha, đất chuyên dùng 433,07 ha. Đồng thời tăng
31050 ha, được chuyển từ đất rừng tự nhiên sản xuất. Diện tích đến năm 2010
là 227432 ha, tăng tuyệt đối so với năm 2000 là 20661 ha.
+ Đất có rừng tự nhiên đặc dụng: giảm 143,65 ha, do chuyển sang mục
đích chuyên dùng, đồng thời tăng 3456 ha từ đất rừng tự nhiên phòng hộ.
Diện tích năm 2010 là 79364 ha, tăng tuyệt đối so với năm 2000 là 3312 ha.
Tính đến năm 2010 diện tích rừng tự nhiên là 581170,48 ha giảm
12932,46 ha so với năm 2000 [35, tr.83].
- Đất có rừng trồng:
+ Đất có rừng trồng sản xuất: giảm 87,15 ha, chuyển sang mục đích
chuyên dùng 67,65 ha, đất ở 19,50 ha. Đồng thời tăng 120704,2 ha do trồng
mới 120700 ha, lấy vào đất chưa sử dụng, trong đó chủ yếu và rừng nguyên
liệu giấy, đưa diện tích đất rừng trồng sản xuất đến năm 2010 là 124414,31
ha, tăng tuyệt đối so với năm 2000 là 120617,05 ha.
+ Đất có rừng trồng phòng hộ: Giảm 27,40 ha chuyển sang mục đích
chuyên dùng. Trồng mới 10800 ha trên đất chưa sử dụng và 85,10 ha chuyển
từ đất rừng đặc dụng. Đưa diện tích đất rừng phòng hộ đến năm 2010 là
25876,94 ha tăng tuyệt đối so với năm 2000 là 17357,7 ha.
+ Đất có rừng trồng đặc dụng đến năm 2010 là 34450,00 ha, trong đó giảm
đi 81,50 ha do chuyển sang đất rừng phòng hộ, khoanh nuôi tái sinh 3000 ha.
Tính đến năm 2010 diện tích rừng trồng sẽ là 153436 ha, tăng 140888
ha so với năm 2000. Như vậy, diện tích đất lâm nghiệp có rừng đến năm 2010
sẽ là 734621 ha tăng 127952 ha so với năm 2000, độ che phủ rừng 76,41%.
Trong đó: rừng tự nhiên là 581170,48 ha; rừng trồng là 153436,25 ha; đất
ươm cây giống là 15 ha.
Phương án chu chuyển đất lâm nghiệp trong thời kỳ quy hoạch như sau
(phụ biểu 4): diện tích tăng tuyệt đối là 127952 ha; chuyển sang mục đích
khác là 6547,01 ha (đất nông nghiệp: 5092,36 ha; đất chuyên dùng: 1435,15
ha; đất ở: 19,50 ha); lấy từ đất đồi núi chưa sử dụng: 134500 ha [35, tr.83].
3.2. NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM HOÀN THIỆN QUY HOẠCH,
SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP ĐỂ PHÁT TRIỂN CÂY CÔNG NGHIỆP Ở TỈNH
KON TUM ĐẾN NĂM 2010
Trên cơ sở phân tích thực trạng quy hoạch, sử dụng đất nông nghiệp
hiện nay. Luận văn đề xuất hai nhóm giải pháp lớn có tính tổng hợp nhằm
hoàn thiện quy hoạch, sử dụng đất nông nghiệp để phát triển cây công nghiệp
ở tỉnh Kon Tum:
Nhóm giải pháp thứ nhất gồm các giải pháp có liên quan đến công tác
quy hoạch, tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá từ cây
công nghiệp nhằm hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp.
Nhóm giải pháp thứ hai gồm các giải pháp về tạo điều kiện đảm bảo
thực hiện thành công quy hoạch, sử dụng đất nông nghiệp để hình thành và
phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp ở tỉnh Kon Tum.
3.2.1. Nhóm các giải pháp về quy hoạch, tổ chức sản xuất, chế biến
và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá từ cây công nghiệp để hình thành các
vùng chuyên canh cây công nghiệp
3.2.1.1. Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, sử dụng đất nông nghiệp
Việc xây dựng và thực hiện quy hoạch, sử dụng đất đai nói chung và
đất nông nghiệp nói riêng là nội dung quan trọng trong công tác quản lý nhà
nước về đất đai mà các cấp chính quyền phải thực hiện. Trên cơ sở quy hoạch
sử dụng đất nông nghiệp, đảm bảo sự thống nhất trong việc quản lý nhà nước
về đất nông nghiệp, phát huy được tính tự chủ và nâng cao hiệu quả sử dụng
đất của những tổ chức cá nhân được giao quyền sử dụng đất.
Quy hoạch, sử dụng đất nông nghiệp tạo ra sự ổn định về mặt pháp lý
cho việc quản lý nhà nước đối với đất đai, làm cơ sở cho việc giao quyền sử
dụng đất, cho thuê đất, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển
dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thực hiện nhiệm
vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Quy hoạch, sử dụng đất nông
nghiệp là công cụ hữu hiệu để nhà nước nắm chắc quỹ đất nông nghiệp và xây
dựng chính sách sử dụng đất nông nghiệp đồng bộ có hiệu quả, hạn chế sự
chồng chéo trong quản lý đất đai, ngăn chặn các hiện tượng chuyển mục đích
sử dụng tuỳ tiện, hiện tượng tiêu cực, tranh chấp, lấn chiếm, huỷ hoại đất đai,
phá vỡ sự cân bằng sinh thái.
Để thực hiện tốt công tác quy hoạch, sử dụng đất nông nghiệp cần phải
chú ý các nội dung sau:
Một là, cần thực hiện tốt công tác dự báo và quy hoạch, sử dụng đất
nông nghiệp từ địa bàn cơ sở là xã, phường, thị trấn. Thường xuyên thống kê
về hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp theo tháng, theo quý, theo năm, căn cứ
vào đó để dự báo kịp thời về nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp. Căn cứ theo
quy hoạch tổng thể về sử dụng đất của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt nhằm điều chỉnh việc sử dụng đất nông nghiệp trên phạm vi toàn tỉnh
cho phù hợp, gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng trên một đơn vị diện tích đất
canh tác.
Hai là, các cấp huyện, thị cần xây dựng quy hoạch, sử dụng đất nông
nghiệp trong phạm vi quản lý của đơn vị mình. Việc quy hoạch đó phải đảm
bả được các mục tiêu quy hoạch phát triển của ngành nông nghiệp trên địa
bàn từng cấp. Việc triển khai xây dựng hoặc điều chỉnh, bổ sung phương án
quy hoạch, sử dụng đất nông nghiệp phải phù hợp với mục tiêu phát triển toàn
diện, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc không phá vỡ khung khống chế đất đai
theo phương án quy hoạch sử dụng đất đai của toàn tỉnh.
Ba là, căn cứ vào phương án quy hoạch sử dụng đất đai chung và các
chỉ tiêu về nhu cầu sử dụng đất của các ngành, các cấp, các huyện, thị xã.
UBND tỉnh cần cụ thể hoá bằng kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp hàng năm
cho phù hợp với tình hình tiến độ phát triển của các ngành theo hướng phát
triển kinh tế hàng hoá, thúc đẩy xu thế công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đảm
bảo được từng bước thực hiện sự chu chuyển đất đai đến năm 2010 và xa hơn
nữa như quy hoạch đề ra.
Bốn là, quy hoạch, sử dụng đất nông nghiệp của tỉnh cần phải căn cứ
vào nhu cầu sử dụng đất, nhu cầu các loại sản phẩm trên thị trường, tính toán
khả năng kinh tế, điều kiện môi trường mà quy hoạch lại diện tích đất nông
nghiệp cho phù hợp. Quy hoạch đất nông nghiệp phải gắn với quy hoạch phát
triển kinh tế - xã hội và quy hoạch các khu dân cư theo hướng phát triển.
Quy hoạch đất nông nghiệp để xây dựng và hình thành các vùng chuyên
canh cây công nghiệp gắn với việc xây dựng hệ thống công nghiệp chế biến
trên địa bàn tỉnh.
Năm là, quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp ở Kon Tum phải gắn với
việc xây dựng kết cấu hạ tầng, khai thác các nguồn tài nguyên, tạo điều kiện
thuận lợi cho công tác định canh định cư có hiệu quả. Quy hoạch cụ thể đất và
rừng của các nông lâm trường, đất sản xuất và đất ở cho đồng bào dân tộc
thiểu số tại chỗ, đất cho đồng bào các tỉnh đồng bằng đi kinh tế mới và đất
cho đồng bào di cư tự do. Do điều kiện khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng và địa
hình phức tạp nên công tác quy hoạch phải tính toán kỹ trên những căn cứ
khoa học. Quy hoạch phải tạo điều kiện phân bố lại lao động, dân cư khai thác
các nguồn lực đất đai và lợi thế của tỉnh có hiệu quả, phát triển vùng đồng bào
dân tộc thiểu số theo hướng sản xuất hàng hoá.
Sáu là, hoàn chỉnh công tác quy hoạch các vùng chuyên canh cây
công nghiệp. Đến năm 2005, tỉnh đã nhiều lần quy hoạch quy mô diện tích
của một số loại cây công nghiệp ở các vùng chuyên canh. Tuy nhiên, trong
thực tế đã có khoảng cách khá lớn giữa diện tích dự kiến trong quy hoạch
và thực tế. Do vậy, trong thời gian tới, cần rà soát lại các quy hoạch đã xây
dựng, bao gồm cả quy hoạch theo từng loại cây và quy hoạch của từng
vùng kinh tế - sinh thái. Cần có sự khớp nối giữa quy hoạch từng loại cây
trồng và quy hoạch ở mỗi vùng.
Khi rà soát lại quy hoạch, cần quán triệt quan điểm phát triển nền kinh
tế nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà
nước. Theo quan điểm này, việc quy hoạch chỉ mang tính định hướng, không
mang tính áp đặt hành chính. Tuy nhiên, cần lưu ý thêm rằng, chủ trương của
Đảng ta là phát triển nền kinh tế thị trường, nhưng phải theo định hướng xã
hội chủ nghĩa. Để đảm bảo được định hướng đó, cần chú trọng trước hết đến
vai trò quản lý của Nhà nước, đồng thời cũng phải thấy được vai trò định
hướng của Nhà nước thông qua xây dựng cơ cấu các thành phần kinh tế,
thông qua thực hiện các chính sách kinh tế, thông qua việc đầu tư xây dựng hệ
thống hạ tầng kỹ thuật ở từng vùng.
3.2.1.2. Thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng theo hướng hình
thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp.
Đất đai từ xa xưa đã luôn gắn bó với người nông dân, là vấn đề mà mọi
thời đại đều quan tâm. Ngày nay, trong quá trình chuyển sang cơ chế mới,
phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị
trường có sự quản lý của nhà nước, thì đất đai lại càng có vị trí quan trọng.
Do vậy, phải từng bước hoàn thiện công tác giao đất, giao rừng cho các hộ
nông dân và các thành phần kinh tế có điều kiện để khai thác đất đai có hiệu
quả.
Thời kỳ trước khi Đảng ta thực hiện công cuộc đổi mới từ năm 1986 về
trước, hộ gia đình nông dân chưa được coi là đối tượng trực tiếp giao đất, giao
rừng, mà đất có rừng và các loại đất canh tác đều được giao cho các lâm
trường quốc doanh và hợp tác xã quản lý. Do những yếu kém về công tác
quản lý các lâm trường quốc doanh và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nên
trong một thời gian đất đai không được khai thác và sử dụng có hiệu quả.
Từ năm 1987, theo tinh thần đổi mới của cơ chế quản lý kinh tế của
Đảng và Nhà nước, vấn đề giao đất giao rừng cho các hộ nông dân bước đầu
thực hiện. Đến khi có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về "khoán hộ" đã khẳng
định việc giao đất canh tác cho các hộ xã viên là hợp lý, đồng thời đưa ra các
phương thức sử dụng đất đai, khoán thầu, đấu thầu... Nghị quyết đã nhanh chóng
đi vào cuộc sống, tạo những biến chuyển tích cực trên mặt trận nông nghiệp.
Việc thừa nhận hộ nông dân là đơn vị tự chủ, được trao quyền sử dụng
ruộng đất lâu dài, là động lực thúc đẩy cho kinh tế hộ nông dân giữ vai trò
quyết định với sản xuất nông nghiệp. Điều này có mặt tích cực, đất đai đã có
người chủ cụ thể, trực tiếp - đó là các hộ gia đình nông dân. Từ đó, làm cho
kinh tế hộ có tư cách pháp nhân, có quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh
trên ruộng đất của mình. Nó là động lực kích thích các hộ nông dân đầu tư
sức người, sức của để thâm canh, tăng năng suất cây trồng, khai hoang tăng
vụ, phát triển ngành nghề trong nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Nó làm
cho người nông dân từ chỗ lao động một cách thụ động theo sự quản lý, điều
hành của hợp tác xã, trở thành người vừa tham gia lao động sản xuất, vừa tổ
chức quản lý quá trình sản xuất của mình.
Để phát huy được hết lợi thế tiềm năng đất nông nghiệp của tỉnh việc
giao đất, giao rừng cho các hộ nông dân cần được quy hoạch, định hướng phát
triển thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp. Có chính sách giao quyền
sử dụng đất lâu dài cho người trồng cây công nghiệp lâu năm và cho các tổ
chức, cá nhân có nhu cầu trồng mới cây công nghiệp lâu năm. Khuyến khích
người nông dân trồng cây công nghiệp trên đất đã được giao và đất quy hoạch
trồng cây lâu năm bằng các biện pháp hỗ trợ về giá, cung cấp giống cây...
trong thời gian những năm chưa có sản phẩm.
Hình thành một số vùng chuyên canh tập trung trồng cây công nghiệp:
Cây cà phê như xã Đắk Uy, xã Hà Môn, xã Ngọc Vang của huyện Đăk Hà
và xã Ya Chiêm, xã Vinh Quang của thị xã Kon Tum... định hình diện tích cây
cà phê toàn tỉnh đến năm 2010 là 10000 ha với sản lượng khoảng 20000 tấn.
Cây cao su như: xã Pô Kô, Tân Cảnh - huyện Đăk Tô; xã Đăk Môn,
Đăk Long, Đăk Roong - huyện Đăk Glei; xã Ngọc Vang - huyện Đăk Hà; xã
Đăk Tờre - huyện Kon Rẫy; xã Ya Chiêm, Hoà Bình, Vinh Quang - thị xã
Kon Tum; xã Sa Sơn, Sa Nhơn, Mo Ray, Rờ Kơi - huyện Sa Thầy; xã Đăk
Sú, thị trấn Plei Kân - huyện Ngọc Hồi. Đến năm 2010 diện tích cao su đạt
37500 ha, trong đó cao su kinh doanh đạt 22200 ha, sản lượng khai thác đạt
33.300 tấn mủ nước.
Tập trung phát triển cây sắn ở thị xã Kon Tum, huyện Đắk Tô, huyện
Đắk Hà, huyện Đắk Glei và huyện Sa Thầy. Dự kiến đến năm 2010 diện tích
sắn đạt 11636 ha.
Diện tích mía dự kiến đến năm 2010 là 5000 ha, chủ yếu trồng tập
trung ở thị xã Kon Tum và huyện Sa Thầy.
Đồng thời, thực hiện ngay các giải pháp khắc phục tình trạng không có
đất hoặc thiếu đất để sản xuất đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại
chỗ.Khai hoang mở rộng diện tích ở những vùng có điều kiện, điều chỉnh lại
đất của các nông lâm trường, nhận giao khoán đất của các nông lâm trường.
Tại Kon Tum, trong mấy chục năm vừa qua tình trạng đất đai của các
dân tộc thiểu số tại chỗ, đã có những biến động mạnh mẽ. Trong xã hội
truyền thống ở Kon Tum, mỗi hộ thường có ít nhất từ 10-15 ha đất rừng để
luân phiên nương rẫy. Từ sau năm 1990 đến nay, do chính sách đẩy mạnh
khai phá đất đai gắn với sự chiếm dụng đất quá lớn của các nông lâm
trường quốc doanh, hiện tượng di dân gắn với tình trạng mua bán đất nên
nhiều hộ dân tộc thiểu số lâm vào cảnh thiếu đất sản xuất, buộc phải trở
thành người làm thuê hoặc lùi vào rừng sâu, tiếp tục phá rừng làm nương
rẫy. Do đó, một trong những bức xúc của Kon Tum là giải quyết đất sản
xuất và đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Thực hiện Quyết định
132 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Kon Tum cấp đất ở, đất sản xuất cho
đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nhưng còn ít, chưa căn bản. Hiện tại một
bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu đất, vì vậy cần tiếp tục cấp đất
cho đồng bào. Do đó, tỉnh cần phải xác định số hộ đồng bào dân tộc thiểu số
không có đất và thiếu đất. Phải tổ chức tốt việc giải quyết đất nông nghiệp
cho đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng gắn với việc hình thành vùng
chuyên canh cây công nghiệp, hướng dẫn họ cách sản xuất, cho vay vốn, tiêu
thụ nông sản phẩm nhằm giúp cho đồng bào có cuộc sống ổn định, định canh
định cư, không còn du canh, du cư phá rừng, phát nương làm rẫy.
Trên cơ sở quy hoạch, sử dụng đất nông nghiệp, tiếp tục khai hoang diện
tích chưa sử dụng. Đến năm 2005, diện tích đất chưa sử dụng là 148403,49 ha,
cần khai hoang, cải tạo để cấp cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
Thu hồi phần đất dư thừa ở các nông, lâm trường để cấp cho đồng bào
tại chỗ sử dụng. Trước mắt, thu hồi diện tích ruộng nước, diện tích cây hàng
năm, cây lâu năm mới trồng và diện tích không sử dụng của các nông lâm
trường để cấp cho đồng bào dân tộc.
Trường hợp đất nông nghiệp trước đây của dân, nhất là của đồng bào
dân tộc khi vào nông lâm trường giao cho các nông lâm trường quản lý, sử
dụng nhưng trong quá trình thực hiện tổ chức sắp xếp lại sản xuất, một bộ
phận lao động là công nhân phải nghỉ việc theo chế độ hoặc không còn tham
gia lao động ở nông trường nên không có đất để sản xuất, thì nông lâm trường
phải giao lại cho số lao động này một diện tích đất hợp lý hoặc giao khoán đất
để người dân có đất sản xuất bảo đảm cuộc sống.
Nhà nước nên dùng ngân sách mua lại diện tích đất của người Kinh
trong phạm vi liền kề buôn làng của đồng bào dân tộc thiểu số để cấp cho họ.
Việc làm này được coi như là đầu tư phát triển, đầu tư xây dựng kết cấu hạ
tầng ở vùng miền núi.
Tạo điều kiện để chuyển một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số sang
kinh doanh nghề rừng và các ngành nghề khác, thu hút một bộ phận lao động
vào làm ở các nông lâm trường.
Giải quyết vấn đề đất sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực
sự là vấn đề khó khăn. Các chính sách đòi hỏi vừa phải có tính toàn diện, vừa
phải phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, với tập quán của đồng bào từng
vùng, đồng thời phù hợp với khả năng và nguồn lực của Nhà nước.
Tại Kon Tum, việc chính quyền buộc các doanh nghiệp nhà nước san
sẻ lại đất cho đồng bào dân tộc thiểu số là biện pháp trước mắt. Giải pháp lâu
dài hơn phải là kết hợp chặt chẽ biện pháp hỗ trợ họ kinh doanh có hiệu quả
trên đất; từng bước tổ chức sản xuất theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, bằng
không thì hậu quả là quay lại chu kỳ luẩn quẩn, vì nghèo đói họ sẽ lại phải
bán mảnh đất và trở thành đối tượng cần được hỗ trợ về đất đai.
Nghiêm cấm việc mua bán, chuyển nhượng trái phép đất nông nghiệp,
nhất là đất của đồng bào dân tộc thiểu số. Giải quyết dứt điểm những vụ việc
nổi cộm về khiếu kiện tranh chấp đất đai giữa dân với dân, giữa dân với
doanh nghiệp và tổ chức của nhà nước.
Ở đây, cũng cần nên xem lại vấn đề giao đất cho từng hộ hay là làng.
Nếu giao cho từng hộ thì chẳng khác nào lặp lại cái sai dẫn đến những hậu
quả mua đi bán lại... đã từng xẩy ra. Đất đai được giao cho các "tổ chức xã
hội" nhưng làng lại không được coi như là một "tổ chức xã hội". Trong khi sự
cố kết của cộng đồng làng vẫn còn, rất bền chặt, dân bầu ra già làng và hội
đồng làng. Trong thực tế, các trưởng thôn của chính quyền, các bí thư chi bộ
Đảng ở làng muốn làm bất kỳ việc gì đều phải xin ý kiến già làng, không có
sự đồng tình của già làng thì không việc gì có thể thành công. Như vậy, đất và
rừng nên trả lại cho làng, chứ không nên trả trực tiếp cho hộ. Đồng thời, nếu
là đất thuộc quy hoạch phát triển cây công nghiệp thì khi giao đất cho làng,
cần có những hướng dẫn về tổ chức sản xuất và khuyến khích, hỗ trợ đồng
bào dân tộc thiểu số kinh doanh cây công nghiệp theo kế hoạch phát triển
vùng chuyên canh cây công nghiệp.
3.2.1.3. Đa dạng hoá các loại hình tổ chức sản xuất chuyên canh cây
công nghiệp
Cần mở rộng và thực hiện đa dạng hoá các loại hình chuyên canh sản
xuất cây công nghiệp. Tỉnh cần khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia
vào việc trồng, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ cây công nghiệp. Trong
đó, khuyến khích phát triển kinh tế nông hộ và kinh tế trang trại nhằm khai
thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, vốn, tay nghề, tạo ra nhiều sản
phẩm hàng hóa đa dạng, có chất lượng và giá trị ngày càng cao; đồng thời
thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, cơ cấu kinh tế trong từng
nông hộ, xoá dần cơ cấu kinh tế tự cấp tự túc.
Phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã, khuyến khích các hộ nông dân
phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, gắn kinh tế hợp tác với tổ nhân dân tự
quản nhằm có sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Phát triển các hình thức kinh tế
hợp tác đa dạng của kinh tế hộ làm nền tảng cho sự phát triển của hợp tác xã .
Khuyến khích các hợp tác xã nông nghiệp tham gia trồng, chế biến và tiêu thụ
các nông sản phẩm từ cây công nghiệp.
Tăng cường vai trò của kinh tế Nhà nước trong nông nghiệp, nông
thôn; khuyến khích các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế Nhà nước thực
hiện hình thức ký hợp đồng với nông dân tiêu thụ nông sản phẩm và làm dịch
vụ vốn, vật tư phục vụ cho sản xuất, trước hết các doanh nghiệp sản xuất kinh
doanh dựa vào vùng nguyên liệu của dân để chế biến nông, lâm sản, xây dựng
phương thức tổ chức đồng bộ sản xuất - chế biến - tiêu thụ trong quá trình
phát triển sản xuất hàng hoá trong cơ chế thị trường.
Đặc biệt cần giúp đỡ các hộ dân tộc thiểu số tổ chức sản xuất theo mô
hình các hợp tác xã kiểu mới để phát triển và kinh doanh cây công nghiệp,
đây cũng chính là hình thức tổ chức sản xuất giúp những hộ đồng bào dân tộc
tại chỗ giữ được đất của mình trong cơ chế thị trường. Về vấn đề này
Ph.Ăngghen đã chỉ ra trong tác phẩm “ Vấn đề nông dân ở Đức và Pháp ”
rằng:
Nhiệm vụ của chúng ta đối với tiểu nông trước hết là phải
hướng nền kinh doanh cá thể và sở hữu của họ vào con đường kinh
doanh hợp tác, không phải bằng bạo lực mà bằng những tấm gương
và bằng sự giúp đỡ của xã hội...Dù sao thì điều chủ yếu cũng vẫn là
phải là làm cho nông dân hiểu rằng chúng ta chỉ có thể cứu vãn và
bảo tồn được tài sản của họ bằng cách biến tài sản đó thành tài sản
hợp tác xã và thành những doanh nghiệp hợp tác xã [23, tr.736-738].
Mỗi một mô hình kinh tế sẽ có những ưu điểm nhất định trong quá
trình sử dụng đất nông nghiệp. Điều này tuỳ thuộc vào từng điều kiện cụ
thể, điều kiện tập quán canh tác, thực lực kinh tế và quyền lực lựa chọn của
các chủ thể sử dụng đất. Do đó, không nhất thiết phải xây dựng mô hình
kinh tế thuần nhất mà nên đa dạng hoá loại hình chuyên canh sản xuất cây
công nghiệp.
Để thúc đẩy các vùng chuyên canh cây công nghiệp của tỉnh phát
triển cần phải thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện quy hoạch, có thể nói việc
quy hoạch phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp là rất phức tạp,
là công việc khó khăn. Nhiều nơi, quy hoạch một đường, thực hiện một
nẻo. Nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm chỉ
đạo hình thành và duy trì vùng chuyên môn hoá sản xuất cây công nghiệp
trong điều kiện kinh tế thị trường. Do đó, để tổ chức và quản lý có hiệu quả
các vùng chuyên canh sản xuất cây công nghiệp cần phải thường xuyên
kiểm tra, hướng dẫn, điều chỉnh quy hoạch; kèm theo các biện pháp hỗ trợ
về vốn, kỹ thuật, đào tạo lao động, tổ chức chế biến và tìm kiếm thị trường
tiêu thụ sản phẩm.
Hai là, tổ chức tốt các dịch vụ cung ứng các yếu tố đầu vào cho sản
xuất, trong đó các loại giống cây, có ý nghĩa rất quan trọng. Sau khi xây dựng
xong quy hoạch vùng chuyên canh và khuyến cáo, tuyên truyền, tổ chức các mô
hình trình diễn và giới thiệu thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra có triển vọng, thì
tự các hộ nông dân sẽ huy động các nguồn lực cho phát triển sản xuất sản phẩm
chuyên canh của mình mà Nhà nước đã định hướng. Khi đó, việc cung ứng các
yếu tố đầu vào là nhân tố quan trọng của vùng chuyên canh sản xuất cây công
nghiệp. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, phải đề phòng xu thế tăng trưởng “quá nóng”
của quá trình mở rộng quy mô vùng chuyên canh. Tức là đề phòng xu thế tăng
quá nhanh, dẫn đến mất cân đối trong việc giải quyết nhiều vấn đề về kinh tế -
xã hội... mà chi phí để giải quyết những hậu quả đó có khi còn lớn hơn kết
quả tăng trưởng “quá nóng” của vùng chuyên canh đem lại.
Ba là, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ khi rủi ro xảy ra đối với những
người sản xuất chuyên canh cây công nghiệp. Chẳng hạn, địa phương có thể
thực hiện chính sách bảo hiểm, hỗ trợ cho những người sản xuất khi thị
trường suy thoái, mà chỉ những người sản xuất theo quy hoạch mới được
hưởng chính sách đó. Điều này giúp cho vùng chuyên môn hoá có thể phát
triển ổn định trong điều kiện kinh tế thị trường, đồng thời khuyến khích hộ
nông dân cũng như doanh nghiệp bố trí sản xuất phù hợp với quy hoạch của
tỉnh về vùng chuyên canh sản xuất cây công nghiệp.
3.2.1.4. Gắn sản xuất, chế biến với việc tìm kiếm mở rộng thị trường
và tổ chức tiêu thụ sản phẩm từ cây công nghiệp
Tiến hành đồng bộ giữa xây dựng vùng chuyên canh cây công nghiệp
và xây dựng các doanh nghiệp công nghiệp chế biến. Đối với các vùng
chuyên canh sản xuất cây công nghiệp, cả về lý luận cũng như thực tiễn đã
chứng minh vai trò hạt nhân của các doanh nghiệp công nghiệp chế biến.
Điều này đồng nghĩa với việc giải quyết vấn đề thị trường sản phẩm đầu ra
cho các vùng chuyên canh sản xuất cây công nghiệp.
Việc gắn sản xuất chế biến với việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản
phẩm có một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển sản xuất nông
phẩm hàng hoá. Vì chế biến nông sản phẩm sẽ góp phần làm tinh giản nông
sản về mặt số lượng, đồng thời nâng cao được giá trị cũng như sức cạnh tranh
của nông sản hàng hoá, giảm được chi phí vận chuyển, bảo quản được lâu
hơn, khắc phục được những mặt hạn chế khi xuất khẩu sản phẩm thô.
Tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư mới và nâng cấp các nhà
máy chế biến sản phẩm từ cây công nghiệp, đặc biệt là các nhà máy chế biến
cao su và cà phê( hiện tỉnh có 3 nhà máy sơ chế mủ cao su và 4 nhà máy chế
biến cà phê), có như vậy thì mới nâng cao được chất lượng cũng như năng lực
cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường.
Hơn nữa, kinh tế thị trường đòi hỏi sản xuất ra sản phẩm là để bán trên
thị trường, chính thị trường là nơi thực hiện nhiệm vụ đó. Bởi vì, thị trường là
lĩnh vực của trao đổi mà trao đổi thì không thể hoàn toàn độc lập, tách biệt
với sản xuất. C.Mác đã từng viết: "cường độ của trao đổi, tính chất phổ cập
của những hình thái trao đổi là do sự phát triển và kết cấu của nền sản xuất
quyết định" [24, tr.293]. Sản xuất nông sản hàng hoá càng phát triển, thì nhu
cầu trao đổi, tiêu thụ nông sản hàng hoá càng tăng lên. Ngược lại, thị trường
nông sản hàng hoá càng mở rộng, việc tiêu thụ hàng hoá nông sản càng được
thực hiện trôi chảy, thì sản xuất hàng hoá nông sản càng phát triển. Đúng như
C.Mác đã viết: "Khi thị trường, nghĩa là lĩnh vực của trao đổi mở rộng ra, thì
quy mô của sản xuất cũng tăng lên và sự phân công trong sản xuất cũng trở
nên sâu sắc hơn" [24, tr.293].
Sản xuất hàng hoá nông sản ở Kon Tum trong những năm qua đã có
bước phát triển nhất định. Tuy nhiên, việc tiêu thụ một số hàng hoá nông sản
còn gặp nhiều khó khăn. Do thu nhập của đại bộ phận dân cư trong tỉnh còn
thấp, thị trường trong nước và ngoài nước chưa được mở rộng; hoặc có thị
trường tiêu thụ, nhưng giá cả lại thấp, không có lợi cho nông dân. Bên cạnh
đó giá vận chuyển cao, cũng ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản hàng hoá,
nhất là đối với những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ đó tác động tiêu cực đến sự phát triển sản xuất nông sản hàng hoá. Thậm
chí có nơi, có lúc người nông dân đã phá bỏ đi diện tích sản xuất một số cây
trồng như cà phê, mía, tiêu...
Để giúp cho người nông dân chuyên tập trung vào phát triển cây công
nghiệp, tỉnh cần quan tâm tới chính sách tiêu thụ hàng hoá nông sản.
Trước hết, phải gắn việc tổ chức chế biến cây công nghiệp với việc tính
toán tìm thị trường đầu ra cho nông sản hàng hoá bao gồm cả thị trường trong
nước trong và ngoài nước. Khuyến khích mở rộng việc giao lưu hàng hoá
giữa các vùng trong và ngoài tỉnh. Hỗ trợ thị trường vùng sâu, vùng xa, vùng
đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Một số mặt hàng quan trọng như
cà phê, cao su cần tiếp tục duy trì mối quan hệ với bạn bè truyền thống, đồng
thời xúc tiến tìm kiếm các đối tác mới, từ đó sẽ khuyến khích mở rộng thêm
diện tích các cây công nghiệp chủ lực của tỉnh.
Thực hiện đồng bộ các khâu tiếp thị, quảng cáo, thiết lập mạng lưới
phân phối, cung cấp các thông tin thị trường cho người nông dân. Xây dựng
các chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích xuất khẩu nông sản phẩm. Cần tạo
điều kiện hình thành thị trường hàng hoá ở nông thôn bằng việc phát triển
mạng lưới những người mua gom và bán buôn ở nông thôn, khuyến khích
phát triển các chợ và tiến tới hình thành các trung tâm buôn bán nông sản
hàng hoá ở các thị trấn, thị tứ ở nông thôn.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác dự báo và phổ biến rộng rãi thông tin
thị trường nông sản cho nông dân cả về giá cả, dung lượng thị trường và thị hiếu
người tiêu dùng, cũng như những khả năng biến động của thị trường trong nước
và trên thế giới để họ chủ động và có những quyết định sản xuất đúng đắn.
3.2.2. Nhóm các giải pháp đảm bảo thực hiện thành công quy hoạch,
sử dụng đất nông nghiệp để phát triển cây công nghiệp ở tỉnh Kon Tum
3.2.2.1. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh
quan hệ ruộng đất
Để đảm bảo hướng tới hàng hoá và thị trường hoá quyền sử dụng đất
nông nghiệp thì việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, tuyên truyền sâu rộng
trong quần chúng nhân dân và tổ chức triển khai thực hiện Luật đất đai năm
2003 và Nghị định số 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành Luật đất
đai năm 2003 sẽ tạo ra hành lang pháp lý cho việc kết hợp có hiệu quả các
nguồn lực hiện có để thúc đẩy phát triển sản xuất nông sản hàng hoá, để đất
nông nghiệp được sử dụng một cách tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí và
theo đúng pháp luật. Để thực hiện được điều này cần phải:
Một là, căn cứ vào Luật đất đai năm 2003 và Nghị định 181/2004/NĐ-
CP của Chính phủ về thi hành Luật đất đai 2003 đã được Quốc hội thông qua,
căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất đai của tỉnh đến năm 2010 đã được Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh,
xây dựng các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện để điều chỉnh kịp thời các
quan hệ phát sinh trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp của tỉnh.
Hai là, thực hiện việc thẩm định, xét duyệt dự án, giao đất theo đúng
quy hoạch và quy định của pháp luật. Đặc biệt chú ý đến hiệu quả sử dụng đất
của các ngành, lĩnh vực và người sử dụng đất, tạo cơ sở để giải quyết cơ bản
tình trạng tranh chấp đất đai, đẩy nhanh tiến độ giao đất, cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất nhất là đất nông nghiệp trong thời gian tới.
Ba là, ban hành các chính sách về đất nông nghiệp phù hợp với các quy
định của Nhà nước và tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó chú trọng
các chính sách về đầu tư xây dựng hạ tầng, về hạn mức giao đất trên cơ sở độ
phì và các điều kiện cụ thể về khai thác sử dụng đất, các chính sách khuyến
khích khai hoang, thâm canh tăng vụ, khai thác sử dụng đất trống đồi núi trọc,
chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ...
Để thực hiện tốt các nội dung trong thực tiễn cần thực hiện các biện
pháp sau:
Tỉnh cần cụ thể hoá Luật đất đai năm 2003 và Nghị định số 181/2004/NĐ-
CP của Chính phủ về thi hành Luật đất đai 2003 vào thực tiễn địa phương,
trên cơ sở đó tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để mọi người nắm được
và chủ động thực hiện. Thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các chỉ
thị, nghị quyết làm cho các chỉ thị, nghị quyết về nâng cao hiệu quả sử dụng
đất nông nghiệp phát huy được tác dụng trong đời sống thực tiễn.
Tăng cường công tác tư vấn pháp luật, thông qua các tổ chức Đảng và
Đoàn thể tuyên truyền rộng rãi đến các thành viên của tổ chức này về chủ
trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về sử dụng
đất nông nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện Luật
đất đai. Kịp thời xử lý và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm Luật
đất đai. Rà soát và kiện toàn lại đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật.
3.2.2.2. Xây dựng kết cấu hạ tầng để thúc đẩy sản xuất phát triển
Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng cho chuyển dịch
cơ cấu kinh tế và xu hướng phát triển của ngành sản xuất nông nghiệp nhằm
sử dụng đất nông nghiệp một cách hiệu quả nhất. Để thực hiện tốt việc xây
dựng kết cấu hạ tầng cần thực hiện các biện pháp cụ thể sau:
Tổ chức xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho sản xuất nông
nghiệp, trong đó, phải ưu tiên phục vụ sự phát triển của sản phẩm chuyên
canh cây công nghiệp. Tùy đặc điểm thực tế ở mỗi vùng mà cần tập trung ưu
tiên xây dựng yếu tố nào trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Có nơi đó là hệ
thống kênh mương tưới, tiêu nước; có nơi đó lại là hệ thống hồ đập tạo nguồn
nước tưới vào mùa khô; có nơi lại là hệ thống đường nội đồng... Kinh nghiệm
thực tiễn cho thấy, việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật có ý nghĩa
dẫn đường cho vùng chuyên canh cây công nghiệp hình thành và phát triển.
Việc này cần phải có bàn tay của Nhà nước từ công tác quy hoạch, thiết kế
đến tổ chức huy động vốn, tổ chức xây dựng công trình, tổ chức khai thác và
quản lý công trình.
Chú trọng phát triển mạng lưới giao thông nông thôn nhằm thúc đẩy
việc sử dụng đất ngày càng có hiệu quả hơn. Bởi vì, giao thông là cầu nối
giữa sản xuất và tiêu dùng, thực tế đã chứng minh, những khu vực có mạng
lưới giao thông phát triển thì khu vực đó các lĩnh vực kinh tế đều phát
triển. Vì vậy việc mở rộng các tuyến đường giao thông và nâng cấp các
tuyến đường hiện có là nhiệm vụ đặt ra hàng đầu trong đầu tư và phát triển
hạ tầng nông thôn.
Tăng cường đầu tư phát triển thuỷ lợi, ông cha ta có câu: "nhất nước,
nhì phân, tam cần, tứ giống" là kinh nghiệm được đúc kết từ nghề làm nông từ
bao đời nay. Vì vậy, phát triển kết cấu hạ tầng nói chung và phát triển phục vụ
thủy lợi phục vụ tưới tiêu là giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình phát
triển cây công nghiệp ở địa phương.
Cần đầu tư phát triển mạng lưới điện cũng như mạng lưới bưu chính
viễn thông phục vụ cho phát triển nông nghiệp vùng nông thôn. Đây là yếu tố
rất quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy quá trình phát triển sản xuất nông
sản hàng hoá, đồng thời thông qua hệ thống thông tin liên lạc giúp cho người
nông dân kịp thời nắm bắt được thông tin thị trường, từ đó có sự định hướng
phát triển sản xuất hợp lý góp phần vào việc khai thác sử dụng có hiệu quả đất
nông nghiệp.
3.2.2.3. Huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất và chế
biến sản phẩm từ cây công nghiệp
Vốn là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển cây công
nghiệp cũng như nâng cao được hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Để huy động
được tối đa các nguồn vốn cho đầu tư phát triển cây công nghiệp ở tỉnh cần
phải:
Một là, thu hút đầu tư theo luật đầu tư nước ngoài và luật khuyến khích
đầu tư trong nước. Xây dựng và ban hành các quy định cụ thể và rõ ràng về
cơ chế để khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh, bao gồm các quy định về
phạm vi, đối tượng áp dụng, chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi đầu tư, trách
nhiệm của các cơ quan liên quan trong tỉnh. Cần chú ý đến các yếu tố đặc thù
của tỉnh để xin phép chính phủ cho áp dụng một số cơ chế đặc biệt, nhất là
trong lĩnh vực trồng và chế biến nông sản.
Rà soát lại các dự án kêu gọi đầu tư trước đây để điều chỉnh bổ sung
cho sát với thực tế hiện nay của địa phương, lập lại các dự án mới, giới thiệu
tiềm năng, triển vọng và cơ hội đầu tư vào phát triển cây công nghiệp.
Hai là, thu hút đầu tư qua ngân hàng. Cần mở rộng hình thức tổ chức
tín dụng nhân dân, đặc biệt ở vùng nông thôn để huy động được nguồn vốn
nhàn rỗi trong nhân dân, đồng thời cho các hộ nông dân vay vốn để phát triển
sản xuất, xoá bỏ tình trạng cho vay nặng của tư thương hiện nay.
Gắn tín dụng với đầu tư phát triển, để hỗ trợ đắc lực cho các doanh
nghiệp trong việc xây dựng các dự án trồng cây công nghiệp có hiệu quả,
chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá,
gắn với công nghiệp chế biến.
Ba là, huy động sự đóng góp của nhân dân cho nhu cầu đầu tư phát
triển, kể cả huy động vốn và công lao động theo phương châm "Nhà nước và
nhân dân cùng làm" để xây dựng đường giao thông nông thôn, thuỷ lợi nội
đồng, nước sạch, lưới điện, trường học, trạm xá...
3.2.2.4. Giải pháp về khoa học công nghệ
Tỉnh cần có chế độ thật sự ưu đãi đối với những người làm công tác
chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Khuyến khích cán bộ có trình độ về
địa phương công tác.
Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức dịch vụ
nông lâm nghiệp nhất là dịch vụ về vật tư, giống thuỷ lợi, bảo vệ thực vật
mạng lưới khuyến nông, khuyến lâm đến từng xã (nhất là các vùng đồng bào
dân tộc) nhằm đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đáp ứng tốt các điều kiện
sản xuất của nông dân.
Đẩy mạnh việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học về giống có
năng suất cao, chất lượng phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng. Tổ
chức nhân giống và kiểm soát chặt chẽ việc nhập và nhân các giống cây
công nghiệp.
Tăng cường liên kết với các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học
trong nước, nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ về công nghệ và kỹ thuật đối với
các ngành chủ đạo, ưu tiên các lĩnh vực như: chế biến nông lâm sản, nghiên
cứu các mô hình sản xuất có hiệu quả trong điều kiện đặc thù của tỉnh.
Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu thị trường và triển khai ứng dụng theo
hướng tập trung yêu cầu đổi mới thiết bị, công nghệ, đưa nhanh các thành tựu
của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản
hàng hoá trên thị trường.
Tỉnh cần sớm ban hành các chính sách khoa công nghệ phù hợp với điều
kiện cụ thể của tỉnh để bảo đảm phát triển khoa học gắn chặt với sản xuất. Có
chính sách tạo điều kiện miễn giảm thuế đối với các đơn vị đổi mới công nghệ,
sản xuất sản phẩm mới với công nghệ hiện đại. Xác lập một số lĩnh vực ưu tiên
cần sự hỗ trợ ngân sách của nhà nước, để khoa học công nghệ thực sự gắn kết
với phát triển kinh tế xã hội. Có chính sách ưu đãi bằng nguồn vốn nhà nước
đối với các cơ quan nghiên cứu triển khai các dự án thử nghiệm và đưa vào các
công nghệ mới; đối với đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp, nhất là
các xí nghiệp vừa và nhỏ, các xí nghiệp công nghiệp ở nông thôn.
3.2.2.5. Đào tạo nguồn nhân lực cho các vùng chuyên canh sản xuất
cây công nghiệp
Trong sản xuất nông nghiệp, con người vừa là chủ thể sử dụng đất,
đồng thời vừa là người trực tiếp hay gián tiếp hưởng thụ những thành quả
lao động mà họ tạo ra từ quá trình sử dụng đất nông nghiệp. Do phân công
lao động xã hội, mỗi người phải tự lựa chọn một ngành để bảo đảm thu nhập
và ổn định cuộc sống của mình, trong bối cảnh nền kinh tế của tỉnh còn nặng
tính chất thuần nông thì việc nâng cao trình độ nguồn nhân lực trong việc sử
dụng đất nông nghiệp là việc làm hết sức cần thiết xuất phát từ yêu cầu của
thực tiễn việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh cần chú trọng
các vấn đề sau:
Coi trọng việc phát triển nguồn nhân lực địa phương: lực lượng lao động
của tỉnh Kon Tum hiện nay đang thiếu về số lượng lại yếu về chất lượng, lao
động thủ công là chủ yếu. Vì vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực là một trong
những yêu cầu cấp bách của tỉnh, vì đây là động lực đặc biệt để phát triển. Trong
những năm tới tỉnh cần tập trung giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, có
chính sách khuyến khích nguồn lao động có kỹ thuật cao từ nơi khác đến. Đặc
biệt ưu tiên và có kế hoạch đào tạo đồng bào dân tộc ít người. Tập trung vào việc
chuẩn bị các điều kiện để thu hút lao động phục vụ cho các ngành như: cao su,
cà phê, nguyên liệu giấy. Đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề phục vụ
cho công nghiệp chế biến giấy, gỗ, cao su, cà phê, tinh bột sắn, đường...
Tiếp nhận các nguồn dân từ các tỉnh khác đến phải chú ý đến trình độ
dân trí, khả năng tiếp thu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của dân
kinh tế mới, tránh tình trạng xoá nghèo cho tỉnh khác nhưng lại là gánh nặng
cho tỉnh mình.
Có chính sách khuyến khích mọi tổ chức, mọi cá nhân đầu tư vào sản
xuất dịch vụ để tạo việc làm. Thực hiện có hiệu quả các đầu tư hỗ trợ tạo việc
làm trong xã hội. Thực hiện chính sách ưu đãi trong lĩnh vực giáo dục đào
tạo, không phân biệt loại hình đào tạo. Chú trọng việc đào tạo lại và bồi
dưỡng thường xuyên lực lượng lao động hiện đang làm việc để thích ứng yêu
cầu mới về nhân lực. Tổ chức việc dạy nghề cho thanh niên nông thôn để đẩy
nhanh quá trình chuyển đổi kinh tế hộ.
Đặc biệt, phải có nguồn vốn cho hoạt động khoa học và chính sách hỗ
trợ cho cán bộ nghiên cứu khoa học, nếu giải quyết tốt sẽ là động lực thúc đẩy
khoa học kỹ thuật phát triển đúng hướng và có hiệu quả.
3.2.2.6. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của chính
quyền địa phương trong quy hoạch, sử dụng đất nông nghiệp để phát triển
cây công nghiệp
Tổ chức việc xây dựng và thực hiện quy hoạch, sử dụng đất nông
nghiệp. Công tác xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch, sử dụng đất nông
nghiệp trên toàn tỉnh và từng vùng chuyên canh cây công nghiệp cần được
quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa, trong đó cần chú trọng chất lượng xây dựng
quy hoạch, sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn từng vùng.
Tỉnh cần thực hiện tốt quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp theo
quy hoạch và đúng đích sử dụng. Khẩn trương lập hồ sơ địa chính và cấp giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhất là
đất nông nghiệp chuyên sản xuất cây công nghiệp.
Bên cạnh việc hình thành hệ thống chính sách, pháp luật đất đai phù
hợp với giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, công tác
kiểm tra, thanh tra việc quy hoạch, sử dụng đất nông nghiệp cần được đẩy
mạnh để chấm dứt tình trạng vi phạm luật đất đai đang phổ biến như hiện nay.
Công tác thanh tra, kiểm tra về quy hoạch, sử dụng đất nông nghiệp cần
hướng vào hai trọng tâm. Thứ nhất, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp
luật đất đai, việc thực hiện trách nhiệm quản lý của Uỷ ban nhân dân các cấp,
nhất là trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với việc
phát hiện, ngăn chặn các vi phạm pháp luật về đất nông nghiệp trên địa bàn;
xử lý các trường hợp lạm quyền, thực hiện trái thẩm quyền, tham nhũng của
các cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước trong quản lý đất đai. Thứ hai, kiểm
tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai của người sử dụng đất; xử lý
những trường hợp sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích, sử dụng đất không
có hiệu quả, đầu cơ đất đai, thực hiện sai quyền được pháp luật cho phép,
không thực hiện các nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về chủ trương,
đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong sử dụng đất
nông nghiệp. Phối kết hợp giữa các cơ quan, đoàn thể trong tăng cường công
tác thanh tra, kiểm tra tình hình tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch nhằm
đôn đốc các chủ thể sử dụng đất đúng mục đích, đúng quy hoạch đảm bảo
tính kinh tế và tính bền vững trong khai thác và sử dụng đất nông nghiệp.
KẾT LUẬN
Luận văn "Quy hoạch, sử dụng đất nông nghiệp để phát triển cây công
nghiệp ở tỉnh Kon Tum" được xây dựng trên cơ sở phân tích lý luận và thực
tiễn về quy hoạch, sử dụng đất nông nghiệp ở tỉnh Kon tum. Qua đó đánh giá
thực trạng quy hoạch, sử dụng đất nông nghiệp để phát triển cây công nghiệp
trong những năm qua; đồng thời, so sánh sự biến động của đất nông nghiệp
qua các thời kỳ, cũng như việc thực hiện quy hoạch, sử dụng đất nông nghiệp
của tỉnh Kon Tum đến nay. Trên cơ sở đó, chỉ ra những thế mạnh hiện có về
đất nông nghiệp của Tỉnh và triển vọng khai thác sử dụng đất nông nghiệp
trong tương lai, làm cơ sở định hướng cho việc quy hoạch sử dụng đất nông
nghiệp hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp.
Từ phân tích về quy hoạch, sử dụng đất nông nghiệp để phát triển cây
công nghiệp của tỉnh Kon Tum . Cho thấy, bên cạnh những kết quả, thành tựu
đạt được; thực trạng công tác quy hoạch, sử dụng đất nông nghiệp để phát
triển cây công nghiệp của tỉnh Kon Tum trong thời gian qua còn bộc lộ những
yếu kém và diễn biến phức tạp. Tình trạng sử dụng đất nương rẫy luôn tăng,
ngược với chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong khi đó diện tích rừng phòng hộ lại
giảm sút ảnh hưởng lớn đến các công trình thuỷ lợi thuỷ điện trên địa bàn
tỉnh. Trong những năm qua tỉnh vẫn chưa khai thác có hiệu quả những lợi thế
vốn có, hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp để phát triển cây công nghiêp còn
thấp. Diện tích đất nông nghiệp dành cho cây hàng năm còn chiếm tỷ lệ cao
so với diện tích cây lâu năm. Chưa hình thành được nhiều vùng chuyên canh
sản xuất tập trung, chuyên môn hoá với một số cây công nghiệp mũi nhọn.
Sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo cơ chế thị trường chưa có sự chuyển
biến mạnh, chưa tạo ra được sự gắn kết giữa sản xuất với chế biến tiêu thụ
nông sản hàng hoá một cách có hiệu quả.
Trên cơ sở những phân tích trên, luận văn đưa ra các giải pháp mang
tính tổng thể, gắn liền với phương án quy hoạch sử dụng đất của tỉnh nhằm
mục đích vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời
tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn hiện
nay để từng bước hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp trong
thời gian tới có tính khả thi.
Để thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp
cũng như giải quyết những tồn tại trong quá trình thực hiện sử dụng đất nông
nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp
để phát triển cây công nghiệp của tỉnh, trước mắt cần phải triển khai thực hiện
một số công việc cần thiết sau đây:
Rà soát lại một số chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp không còn
phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn hiện
tại. Đồng thời, điều chỉnh kịp thời những bất hợp lý ( do các nguyên nhân chủ
quan và khách quan) trong quá trình thực hiện quy hoạch, sử dụng đất nông
nghiệp. Từ đó, đề xuất với lãnh đạo địa phương các biện pháp cụ thể để điều
chỉnh quy hoạch chi tiết trong thời gian tới.
Trên cơ sở những dự báo phát triển trong vòng 10 năm tới, kết hợp hệ
thống chỉ tiêu sử dụng đất cho Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành xây dựng
chỉ tiêu sử dụng đất nông nghiệp cụ thể, chi tiết phù hợp với địa phương. Quy
định các giải pháp bảo vệ đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng cây công nghiệp.
Quy định những chế tài cụ thể trong công tác giám sát, kiểm tra việc
thực hiện quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp để phát triển cây công nghiệp
(phân công trách nhiệm người giám sát, các chỉ tiêu quản lý giám sát, quy trình
kiểm tra...) xử phạt nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm quy hoạch, sử
dụng đất nông nghiệp để phát triển cây công nghiệp đã được quy hoạch.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Adam Smith (1997), Của cải của các dân tộc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
2. Triệu Văn Bé (2005), "Quản lý và sử dụng đất đai vùng đồng bào dân
tộc thiểu số", Tạp chí Cộng sản, (6), tr.42-44.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2000), Tây Nguyên 25 năm phát triển và hướng
đến 2010, Nxb Thống kê, Hà Nội.
4. Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2003), Báo cáo
Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất đai cả nước đến năm 2010.
5. Cục Thống kê Kon Tum (2006), Niên giám thống kê 2005.
6. Lê Quốc Doanh (2003), Nông nghiệp vùng cao, thực trạng và giải pháp,
Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
7. Vũ Thị Mai Duyên (2000), Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất
nông nghiệp tại nông trường Tây Hiếu I - Nghệ An, Luận văn cử
nhân chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ IX, Hà Nội.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện hội nghị lần thứ bảy Ban
Chấp hành Trung ương khoá IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
10. Bùi Huy Đáp, Nguyễn Điền (1998), Nông nghiệp Việt Nam bước vào
thế kỷ XXI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
11. Vũ Minh Điều (2002), "Chính sách thuế đối với đất trong lĩnh vực nông
nghiệp, nông thôn", Kinh tế phát triển, (6), tr.32-34.
12. Trần Đức (1998), Mô hình kinh tế trang trại vùng đồi núi, Nxb Nông
nghiệp, Hà Nội.
13. Ngô Xuân Hoàng (2003), Giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả
sử dụng đất nông, lâm nghiệp ở huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn,
Luận án tiến sĩ Kinh tế, Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội.
14. Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam (1999), Về chính sách đất đai hiện nay
ở nông thôn, Hà Nội.
15. Lê Văn Khoa (2001), Nông nghiệp và môi trường, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
16. Nguyễn Đình Kháng - Vũ Văn Phúc (2000), Một số vấn đề lý luận của
Mác và Lênin về địa tô, ruộng đất, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
17. Phạm Thanh Khiết (2005), "Kinh tế xã hội vùng đồng bào các dân tộc
thiểu số ở Tây Nguyên - Thực trạng và giải pháp phát triển",
Nghiên cứu kinh tế, (328), tr.48-49.
18. Nguyễn Tiến Khôi (1999), Khai thác tiềm năng đất đai nông nghiệp để
phát triển kinh tế hàng hóa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Luận văn
thạc sĩ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
19. Kon Tum trên đường phát triển (2005), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
20. Luật đất đai (1993), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
21. Luật đất đai (2003), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
22. C.Mác (1971), Góp phần phê phán kinh tế chính trị học, Nxb Sự thật,
Hà Nội.
23. C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, tập22, Nxb Chính trị quốc gia,
Hà Nội
24. C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 25 phần 2, Nxb Chính trị
quốc gia, Hà Nội.
25. Võ Thị Bé Năm (2003), "Sử dụng hợp lý tài nguyên đất trong sản xuất
nông nghiệp bền vững", Nông nghiệp và phát triển nông thôn, (3),
tr.11-13.
26. Hà Trung Nghĩa (2004), Sử dụng đất nông nghiệp ở tỉnh Sơn La hiện
nay, Luận văn thạc sĩ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
27. Nguyễn Ngọc, Đỗ Đức Định (2002), Một số vấn đề phát triển nông
nghiệp và nông thôn, Nxb Thống kê, Hà Nội.
28. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum (2000), Rà soát điều chỉnh quy
hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum giai đoạn
1999 - 2010.
29. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum (2005), Biến động diện tích
đất theo mục đích sử dụng năm 2005 với năm 1995 và năm 2000.
30. Nguyễn Xuân Thảo (2004), Góp phần phát triển bền vững nông thôn
Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
31. Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và môi trường - Đại học Quốc gia Hà
Nội (2005), Quản lý và phát triển bền vững tài nguyên miền núi,
Tài liệu hội thảo 9/2005, Hà Nội.
32. Trường Đại học Nông nghiệp I (2006), Giáo trình quy hoạch sử đất,
Nxb nông nghiệp, Hà Nội.
33. Trường Đại học Kinh tế quốc dân (2000), Giáo trình kinh tế tài nguyên
đất, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
34. Trường Đại học Kinh tế quốc dân (2002), Giáo trình kinh tế nông
nghiệp, Nxb Thống kê, Hà Nội.
35. Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum (2002), Báo cáo tổng hợp quy hoạch sử
dụng đất đai tỉnh Kon Tum đến năm 2010.
36. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XIII tháng
12/2005.
37. Nguyễn Thị Kim Vân (2001), "Tìm hiểu tình hình sở hữu đất đai và
kinh tế nông nghiệp ở Gia Lai - Kon Tum trước năm 1954", Tạp
chí Khoa học xã hội, (5), thành phố Hồ Chí Minh.
38. Viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp (2002), Đề án chuyển đổi cơ
cấu cây trồng, vật nuôi tỉnh Kon Tum đến năm 2010.
39. Hoàng Việt (1999), Vấn đề sở hữu ruộng đất trong nền kinh tế hàng hóa
nhiều thành phần ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Luận văn- Quy hoạch, sử dụng đất nông nghiệp để phát triển cây công nghiệp ở tỉnh Kon Tum.pdf