Luận văn Tìm hiều đặc trưng ngôn ngữ trong truyện kí của Nguyễn Tuân

Nhắc đến Nguyễn Tuân, người đọc thường nghĩ tới một nhà văn xông xáo, luôn tìm tòi trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ những điều bất ngờ, mãnh liệt. Ông đi nhiều nơi để tìm thực phẩm cho tâm hồn, thay thực đơn cho các giác quan. Tìm “cái say của rượu tối tân hôn”. Với vốn hiểu biết phong phú nhiều lĩnh vực, với năng lực thẩm mĩ sắc sảo và lối viết tài hoa, những tác phẩm của ông đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng độc giả. Với Nguyễn Tuân, ngôn từ không chỉ là chất liệu mà còn là văn chương và nhà văn đã có ý thức “lạ hóa” nó, để tạo dấu ấn độc đáo cho riêng mình đồng thời lôi cuốn người đọc. Và con người tài hoa ấy không bao giờ chấp nhận sự hời hợt, bằng phẳng; không thích những khuông sáo gò bó, sự lặp lại đến nhàm chán. Chính vì thế mà trong văn chương, Nguyễn Tuân luôn tìm đến sự đặc sắc. Do đó, vẻ đẹp của trang viết Nguyễn Tuân là kết quả tất yếu từ một cách viết mang chiều sâu, bề rộng và tầm cao văn hóa. Lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, đặc biệt biểuhiện ở thái độ thành kính trân trọng tiếng mẹ đẻ và các giá trị truyền thống chính là động lực bên trong, thôi thúc ông không ngừng tìm tòi, khơi nguồn vốn cũ và sáng tạo nên giá trị mới. Ông xứng đáng được mệnh danh là “chuyên viên cao cấp tiếng Việt”, là “người thợ kim hoàn của chữ” (theo ý kiến của Tố Hữu). Trong lâu đài văn chương nghệ thuật dân tộc Việt Nam thế kỉ XX, rất dễ nhận ra phần chạm trổ tinh xảo của người nghệ sĩ ngôn từ Nguyễn Tuân.

pdf111 trang | Chia sẻ: builinh123 | Lượt xem: 2896 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Tìm hiều đặc trưng ngôn ngữ trong truyện kí của Nguyễn Tuân, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
. Cụ Hồ Viễn – con người từng trải và kì lạ ấy – đã dạy cậu Chiêu những lời đáng nhớ: “Đánh cờ tức là người đấy. Rồi cậu cứ nghiệm mà xem, mười kẻ tầm thường nhút nhát, không khoáng đạt thì có đến chín người nghểnh tượng ở nước đầu”. Thông qua nước cờ để đánh giá được nhân cách của một con người, người chơi ít ra cũng không xem đánh cờ là một trò chơi thuần túy. Và qua một ván cờ, cụ già đã cho chàng trai trẻ một bài học đáng giá về nguyên nhân thua cuộc của chàng: “Cậu thua vì đã khinh thường con tốt biên của tôi và để nó lọt qua hà. Rồi nó lại được nhập vào cung. Nhất là độ hà, bán xa chi lực. Ở đời không nên khinh thường cái gì. Con tốt mà sang hà, tức là đứa tiểu nhân đã đắc thế. Tha hồ mà phá phách. Mang nó đổi lấy quân nào nó cũng lấy làm sở nguyện rồi kia mà”. Ai cũng biết trong bàn cờ tướng, quân xe là quân cơ động có tác dụng quyết định thế thắng thua của cuộc cờ. Còn quân tốt là quân ít có tác dụng nhất so với các loại quân khác. Do đó, khi chơi cờ, người ta ít khi đi quân tốt để tiến công đối phương mà chỉ đi nó khi thế cờ còn cầm chừng chưa có cơ hội để phản công (cờ bí gí tốt). Và trong bàn cờ, nếu ai từng chơi thì hiều được rằng, mỗi con cờ có một nhiệm vụ riêng và được quy định những bước đi riêng. Từ bài học ấy, Nguyễn Tuân đã tạo ra một đường dây liên tưởng mới theo hướng vận động nghĩa để mở cho từ và cấu trúc ngôn ngữ những khả năng diễn đạt sinh động, sâu sắc, đó là:“Sự tri nhận về tình thế trong cuộc sống thông qua sự xoay vần của thế cuộc trên bàn cờ”. Cuộc đời như bàn cờ biến ảo khôn lường! Đầy những bất ngờ! Ngồi trước bàn cờ bé nhỏ nhưng không hề đơn giản, con người có thể học hỏi được biết bao điều: người nóng nảy sẽ biết cách để bình tĩnh hơn, người nóng vội sẽ biết kiên nhẫn có giá trị ra sao. Đến với cờ là đòi hỏi sự tỉnh táo và bản lĩnh. Ở đây, ta thấy rõ hai con đường tư duy của người lập mã hình tượng (tác giả) và người giải mã hình tượng (người đọc) đi theo hướng ngược chiều nhau. Người lập mã thì coi những cái trừu tượng như một đối tượng cụ thể, còn người giải mã lại đi từ đối tượng cụ thể để đi tìm cái trừu tượng ban đầu. Ván cờ đã trở thành cuộc đời với bài học nhân sinh sâu sắc. Nó là sự tổng kết những kinh nghiệm thực tế để đúc rút thành lý luận về cuộc sống: con người sống trên đời luôn cần sự cẩn trọng, cần biết người biết ta để mỗi bước đi trong đời là một ván cờ đúng đắn, không vì khinh suất mà lỡ cả ván cờ. Mặt khác, nếu biết khéo léo cư xử với thời cơ mình có được thì chuyện đảo ngược thế cờ cũng không phải là khó. Đây mới chính là chỗ sâu sắc, là giá trị nhân sinh mà người đánh cờ thực thụ tìm kiếm trong mỗi ván cờ. Cách nhận thức đó hoàn toàn không chỉ là sự liên tưởng ngẫu nhiên mà là sự tổng kết của nhận thức về quy luật của cuộc sống mang bản chất của vận động, nghĩa là sự di chuyển của quân cờ là cách vận động của con người. Chính vì thế, nó còn có chiều sâu của tư tưởng triết học. Ngẫm lại mới thấy người xưa thật hay, nếu phương Tây có bàn cờ vua thì phương Đông lại có bàn cờ tướng, những ván cờ gói gọn cuộc đời của những con người. Chỉ có bấy nhiêu con cờ mà có đến hàng ngàn hàng vạn nước đi, mỗi ván cờ mỗi khác. Trên bàn cờ tướng, mỗi con cờ có những sở trường và cũng có những hạn chế riêng, vì thế, đòi hỏi người chơi phải thật sự là một vị tướng tài ba mới có thể “hô phong hoán vũ”, làm chủ ván cờ. Các nước đi trong bàn cờ như bước đi trong đời người. Nó phản ánh rõ tính cách của người chơi và nó dạy người ta biết cách giải quyết các vấn đề trong cuộc sống: có nhường nhịn, có tranh giành, có tiến, có lùi, có hy sinh, mất mát, có thử thách bản lĩnh, Khảo sát những trang truyện kí của Nguyễn Tuân, người đọc dễ dàng nhận thấy, phương thức ẩn dụ nói chung và ẩn dụ tri nhận nói riêng luôn là các phương thức được Nguyễn Tuân thường xuyên vận dụng một cách độc đáo, sáng tạo không giống với bất kì nhà văn nào khác. Các hình ảnh được đưa vào mối quan hệ liên tưởng để tạo ra ẩn dụ tri nhận rất đa dạng, phong phú nhưng luôn là những hình ảnh gần gũi với cuộc sống của nhân dân và tư duy dân tộc. Vì thế, nó dễ đi sâu vào lòng người làm cho người ta tiếp nhận nó một cách tự nhiên. Đúng như nhiều nhà nghiên cứu đã nhận xét: “Sức mạnh của ẩn dụ là nhận thức”. Ẩn dụ đem đến cho văn chương những cái mới trong cảm nhận thế giới và mở ra cho con người những khả năng tìm tòi, khám phá về các mối liên hệ, quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng. Nó làm cho trí tưởng tượng thêm phong phú, bay bổng, thoát khỏi sự phản ánh các sự kiện bằng lối cấu trúc ngôn ngữ thông thường. Thông qua ẩn dụ, người đọc có thể nhận ra phong cách cá nhân của mỗi nhà văn cùng những sáng tạo nghệ thuật được xây dựng từ một cái nền riêng của văn chương dân tộc. Chính vì vậy, có người nói “ẩn dụ, từ cội nguồn đã có tác dụng nhận thức luận, vào văn chương, nó giúp cho người ta nhận thức sự vật một cách thẩm mỹ, góc độ hình tượng – cảm xúc qua một từ mới lại được nhà văn sáng tạo theo tinh thần của thi pháp”. Có thể nói, vấn đề thành công của Nguyễn Tuân là ở chỗ “liên tưởng bất ngờ, lạ hóa”. Hiện thực xã hội thì luôn luôn đa dạng, nhiều chiều, chọn lựa những hình ảnh tiêu biểu, tinh tế ở một đối tượng, một tình huống, một trạng thái tâm lý để khi đưa vào hiện thực ngôn ngữ có thể diễn đạt một cách toàn diện về quy mô và điển hình về chiều sâu liên tưởng để sự vật được hiện ra một cách trọn vẹn là một thành công lớn trong văn chương Nguyễn Tuân. Vấn đề là chọn hình ảnh nào, chi tiết nào để phản ánh một cách chân thật, tập trung và toàn diện. Đó chính là nghệ thuật của một nhà văn. 2.3.2.3. Tương phản Thủ pháp tương phản là thủ pháp được Nguyễn Tuân sử dụng thành công trong những trang truyện kí của ông. Trước Cách mạng, ông hay dùng thủ pháp tương phản để làm nổi bật cái tôi cá nhân của mình. Những năm sau Cách mạng, Nguyễn Tuân thường dùng biện pháp nghệ thuật này, nhưng là để chiêm nghiệm giữa cái cũ và cái mới, bóng tối của bọn đế quốc và ánh sáng của nhân dân, của cách mạng. Trong Chữ người tử tù, chúng tôi nhận thấy Nguyễn Tuân đặc biệt thành công với bút pháp tương phản, rõ nhất là ở đoạn cho chữ cuối tác phẩm. Trước hết, đó là sự đối lập giữa cái đẹp đẽ, trong sáng và cái nhơ bẩn, đen tối hay giữa bóng tối và ánh sáng. Cho chữ vốn là một thú chơi tao nhã, thanh cao với mực thơm, giấy trắng lại được diễn ra ngay trong “buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”. Thật cảm xúc trước cảnh “một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang đậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục vội khúm núm cất những đồng tiềnkẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng, và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run rung bưng chậu mực”. Tiếp đó là sự tương phản giữa cái thiên lương và cái bạo tàn của nhà tù, giữa tình người ấm áp và không gian lạnh lẽo, tù tội, giữa bản chất lương thiện và nhà tù tàn bạo. Khí tiết của Huấn Cao, thiên lương của viên quản ngục, dưới “nét vẽ” của Nguyễn Tuân đã tạo nên những gam màu nóng ấm, tươi sáng trong cảnh nhà tù nhơ nhớp, bạo lực; và bức tranh ấy còn tỏa ra hương thơm cả chậu mực lấn át cái lạnh lẽo, hôi thối của nhà tù. Những đối lập gay gắt ấy đã góp phần khắc sâu vào tâm khản độc giả cái bi tráng của cảnh tượng “xưa nay chưa từng có” mà ý nghĩa của nó là sự chiến thắng của nhân cách và tài hoa đối với cái xấu xa, thấp hèn. Không những thế, Nguyễn Tuân còn thường tạo ra sự đối lập giữa cái thiện và cái ác, giữa bóng tối và ánh sáng, giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa kẻ thù cướp nước và quân dân ta, đồng bào ta trong những tác phẩm sau cách mạng của ông. Đây là đoạn mà Nguyễn Tuân đã phơi bày trước mắt chúng ta bản chất xâm lược của kẻ thù: “Trong túi thằng giặc bay nào cũng có một bản cầu kinh mà hai bàn tay thật của mỗi thằng thì toàn là để cắt bom phá, bom bi, tên lửa và chúng giết người Việt Nam gồm cả những người Việt Nam cùng thờ một đức Chúa với lũ chúng”. Bóng tối và Ánh sáng dường như đã trở thành hình ảnh tượng trưng, hai hình ảnh tương phản quen thuộc trong tác phẩm Nguyễn Tuân: “Nâng cốc rượu khai xuân cùng anh em đại biểu công nhân nhà máy, thấy rượu như có cái gì như là rượu tượng trưng, chúc mừng cho ánh sáng cả Hà Nội càng năm mới càng đánh tan mọi bóng tối Hoa Kỳ và Thiệu Kỳ”. “Ở quê hương Việt Nam yêu dấu, bóng tối chưa đi hết , tất cả đang lao hết vào mà đánh Mỹ, nhưng lòng mọi người bừng sáng hơn cả bất cứ lúc nào trong lịch sử chống ngoại xâm của người Việt Nam”. Thủ pháp tương phản còn đắc dụng trong việc thể hiện thái độ của nhà văn với quân xâm lược. Đây là những câu mà Nguyễn Tuân hàm ý châm biếm, mỉa mai một cách nhẹ nhàng mà sâu cay: “và để sáng danh Chúa trên các tầng trời cao, không biết bao nhiêu là trực thăng Mỹ lắp súng, nạp đạn vè vè vù vù trên đầu trên lưng bọn quỷ sứ lâu la viễn chinh Mỹ đang cúi mừng sự giáng sinh hàng năm của một Đấng sinh ra để cấm giết người”. Thủ pháp tương phản không chỉ thể hiện ý nghĩa, chủ đề của tác phẩm mà còn làm cho câu văn trở nên giàu hình tượng cũng như sự cân đối, hài hòa trong cách diễn đạt: - Chúng ta cầm súng, diệt những thứ dục vọng hạ cấp để đạt tới những khát vọng cao thượng của con người. - Lúc ấy hình như giời sinh ra là chỉ có Tây được bay trên trời và chỉ thân phận ta là bò dưới đất. 2.3.2.4. Liệt kê tăng cấp Liệt kê tăng cấp thực chất là loạt liệt kê, tức là phương thức xếp đặt một loạt các khái niệm, sự vật, hình ảnh cùng loại một cách hàng loạt nhưng được sắp xếp theo trình tự tiệm tiến nhằm diễn tả nhiều sắc thái, khía cạnh phong phúcủa sự vật, hiện tượng. Trong nghệ thuật miêu tả, phép tu từ liệt kê tăng cấp giúp Nguyễn Tuân có cách diễn tả quá trình chuyển biến của màn đêm bằng phép liệt kê với ba tính ngữ gợi hình: “Đêm tờ mờ đen rầm hẳn lại, rồi đen ngòm, rồi đen kịt”. Cũng là tiếng cười nhưng với việc sắp xếp liên tiếp ba bốn tính từ vừa có số âm tiết như nhau, vừa gần nghĩa nhau làm thành phần định ngữ thì tiếng cười được đặc tả với nhiều sắc độ: “Những tiếng cười khê, nặc, dâm, ngấy”. Để đặc tả tình cảnh thê thảm, cơ cựccủa người nông dân trong tầng bậc bức tử sự sống của chế độ phong kiến Nguyễn Tuân dùng ba cụm từ chỉ hoạt động sắp xếp nối tiếp: “Nhiều lần đi cày về đã muộn, mà nó còn bắt anh Vịt một mình xúc cả một đống thóc. Vừa ăn, vừa nhìn trời, vừa chạy thóc”. Thủ pháp này cũng cực tả nỗi cô đơn, cảm giác mòn mỏi đến cực độ trong thân phận của kẻ Thiếu quê hương trong câu: “Góa vợ con, thân thích, anh em bạn, góa nhân loại, góa tất cả” []. Hiu quạnh sống trong người mình và chung quanh mình, cáigì cũng chỉ gợi đến những ý xa vắng, lạnh và cũ, mỏi và ngừng hết”. Trước kẻ thù, Nguyễn Tuân bao giờ cũng dành cho chúng những từ ngữ châm biếm, đả kích sâu cay: “Chao ôi, hoa xi-sê-đê-lích người ta cầm nơi tay trong cuộc động đất chính trị phản chiến tại Mỹ vừa rồi, đó là thứ hoa gì ? Nó đại khái giống giống như thứ hoa gì ở chợ Tết Hà Nội mà ba phi công Mỹ xóa tội kia đã được nhìn tận mắt, ngửi tận mũi và sờ tận tay”. Với bút pháp đặc tả và vốn từ giàu có của mình, Nguyễn Tuân đã dùng thú pháp liệt kê tăng cấp để thể hiện cảm xúc dồn dập, mở rộng trường liên tưởng cho độc giả. Nhà văn sử dụng bảy cụm từ được cấu tạo bằng những động ngữ đồng cấu trúc khiến ta cảm nhận được cái ghê gớm của gió: “Nó thổi lộng óc, thổi cả mùa nóng, thổi cả mùa lạnh, thổi cả ngày, thổi cả đêm, thổi cả tháng, thổi cả năm, năm ấy và năm khác quanh chỗ lầu Tây” hay cảm nhận được tính chất khốn khổ, cơ cực của người nông dân chị Dậu: “quanh cái thẻ sưu thuế người, cả một hệ thống thiên la địa võng bóc lột sự sống, ăn hiếp sự sống, bức tử sự sống”. Về kết cấu, phép liệt kê tăng cấp được cấu tạo hầu hết là sự sắp xếp liên tiếp các danh ngữ, động ngữ, tính ngữ: - Nhà cửa, trâu dê, bò, lợn, hoa màu bị ngâm nước cứ hàng tuần trăng một, rồi chết, rồi nẫu, rồi rữa, rồi tan theo với ngọn nước rút, tiếng nước xiết réo lên như thiên binh vạn mã. - Nó sẽ được đi mành; con thuyền ấy sẽ rập rờn trên sóng ngòi, sóng kênh, sóng sông cái, sóng biển rộng. - Gần mỗi vị trí giặc, dòng sông thấp bị vấp lại thì rẽ sang phải sang trái mà tườn lên, tườn ngày, tườn đêm, tườn mãi mãi. Những cứ liệu trên là những dẫn chứng tiêu biểu cho một trong những bút pháp nghệ thuật đặc sắc của Nguyễn Tuân. Với thủ pháp liệt kê tăng cấp, ta thấy được sự sáng tạo của ông trong việc thể hiện hiện thực khách quan muôn màu muôn vẻ. 2.3.2.5. Tiểu kết Tóm lại, có thể thấy rằng trong cách nhìn của ngôn ngữ học tri nhận, ẩn dụ có vai trò vô cùng quan trọng trong ngôn ngữ đời thường hàng ngày và đặc biệt nó là một công cụ tri nhận mạnh mẽ để ý niệm hoá các phạm trù trừu tượng. Nếu trước đây ngôn ngữ học truyền thống quan niệm rằng ngôn ngữ mở cánh cửa đi vào thế giới khách quan quanh ta thì nay, với sự xuất hiện và phát triển của ngôn ngữ học tri nhận, ngôn ngữ giờ được coi là cánh cửa bước vào thế giới tinh thần cũng như trí tuệ của con người cũng như là phương tiện nhằm khám phá ra những bí mật của quá trình tư duy mà trước đây bị coi là không thể thấu đạt được của con người. Ý nghĩa của ngôn ngữ không hạn chế trong nội bộ hệ thống ngôn ngữ mà nó có nguồn gốc sâu xa từ kinh nghiệm được hình thành trong quá trình con người và thế giới tương tác với nhau. Bởi thế, nhờ ngôn ngữ học tri nhận, người ta hiểu rõ hơn, nắm bắt rõ hơn về quá trình ẩn dụ, nhờ đó, hé mở cánh cửa nhằm hiểu sâu sắc hơn các tầng bậc ngôn ngữ cũng như chính bản thân mình. Và điều đó đã được chứng minh một cách thuyết phục qua văn phong của Nguyễn Tuân, một khái niệm vốn rất trừu tượng, khó nắm bắt bằng những cảm giác thông thường thì nó lại trở nên gần gũi, có xương có thịt, có đời sống tư duy. Từ ngoại hình có vóc dáng đi đứng, có cả vẻ đẹp nên thơ đến suy nghĩ bên trong xen lẫn tình cảm khi vui, khi buồn, khi phấn khởi trò chuyện và cũng có khi trầm lắng, suy tư 2.4. Tổ chức văn bản 2.4.1. Một vài vấn đề chung về việc tổ chức văn bản Một văn bản nói chung và một văn bản nghệ thuật nói riêng bao giờ cũng có những đặc điểm cơ bản: tính hoàn chỉnh, tính liên kết và tính cấu trúc. Tính hoàn chỉnh là một đặc điểm quan trọng nhất của văn bản. Hoàn chỉnh được hiểu là hoàn chỉnh cả về nội dung lẫn hình thức. Tính hoàn chỉnh về nội dung được thể hiện ở chỗ văn bản luôn thống nhất và nhất quán về chủ đề. Trong đó, các ý lớn nhỏ có thể được mô hình hóa bằng các thông số nội dung. Văn bản dài, ngắn, đơn giản, phức tạp ở những mức độ khác nhau nhưng đều xoay quanh một chủ đề nhất định, hay phải đề cập đến một sự vận động của chủ thể nhất định. Ngoài sự hoàn chỉnh về nội dung văn bản cần hoàn chỉnh về hình thức. Chúng ta có thể mô hình hóa được. Tuy nhiên, yếu tố nội dung quan trọng hơn yếu tố hình thức. Vì một văn bản có thể hoàn chỉnh về hình thức nhưng chưa chắc đã hoàn chỉnh về nội dung. Nhưng một văn bản đã hoàn chỉnh về nội dung thì sẽ hoàn chỉnh về mặt hình thức. Tính liên kết trong văn bản cũng là một đặc điểm quan trọng. Nó là tập hợp các mối quan hệ giữa các phát ngôn, các phần, các chương, các đoạn thành một mạng lưới quan hệ chằng chịt. Liên kết là các mối quan hệ được đánh dấu bằng các phương tiện ngôn ngữ. Tính cấu trúc là một đặc điểm cơ bản của văn bản. Cấu trúc chính là tính hệ thống. Hệ thống là tập hợp bao gồm nhiều yếu tố mà chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Mỗi văn bản chính là một hệ thống. Mỗi văn bản có một bố cục riêng vì nhiều lí do khác nhau. Chúng ta có thể mô hình hóa cấu trúc của từng văn bản, mô hình đó chính là cấu trúc. Văn bản nghệ thuật là một trong những văn bản phổ biến. Bố cục của văn bản nghệ thuật rất phức tạp nhưng thú vị. Mỗi văn bản đều có cách mở đầu, cách triển khai vấn đề, kết thúc vấn đề rất đa dạng. Với phần mở đầu, trong văn bản nghệ thuật có một số kiểu mở bài tiêu biểu như sau: a. Theo trật tự tuyến tính: chuyện gì xảy ra trước nói trước, chuyện gì xảy ra sau nói sau. Theo thi pháp phương Đông thì gọi là “thắng đầu quan thông”. b. Mở đầu bằng một triết lý nhân sinh hay đảo trình tự thời gian bằng cách đưa kết thúclên trước rồi lùi về quá khứ qua biện pháp hồi chỉ. Rồi qua các hoạt động của nhân vật để hướng tới các sự kiện ở hiện tại hoặc tương lai. Cách này gọi là “khai môn kiến sơn”. Bên cạnh đó, văn bản nghệ thuật có thể mở đầu bằng một chi tiết lịch sử đã xảy ra nhưng thực chất là nó muốn giải quyết những vấn đề của hiện tại. Đây là cách nói “mượn xưa nói nay”. Thi pháp phương Đông gọi là “tả kim luận cổ”. Ngoài ra, mở bài còn có thể bắt đầu chuyện bên Tây bên Tàu nhưng thực chất là phản ánh những vấn đề của nước mình: “mượn người nói ta” hay còn gọi là “tả phân luận kỉ”. Phần thân bài được triển khai đa dạng nhưng phụ thuộc nhiều vào mở bài. Nếu mở bài là trật tự tuyến tính thì thân bài được phân thành các chương. Mỗi chương, đoạn là một sự kiện trung tâm. Bố cục như thế có thể coi là bố cục đường thẳng. Nếu mở bài là đảo trật tự thời gian thì thân bài có hai dạng: - Quá khứ - hiện tại - tương lai: tức là lùi sự kiện về quá khứ và khai thác hồi ức, độc thoại nội tâm. - Không phân lập quá khứ - hiện tại - tương lai mà các tuyến thời gian, không gian hòa quyện với nhau. Phần kết bài thường có hai dạng: kết thúc đóng và kết thúc mở. Kết thúc đóng là chỉ ra dấu hiệu đã kết thúc truyện. Kết thúc mở là bỏ lửng để người đọc liên tưởng qua các hình ảnh biểu tượng. 2.4.2. Việc tổ chức văn bản của Nguyễn Tuân Cách tổ chức văn bản của Nguyễn Tuân rất đa dạng. Chúng tôi xin được trình bày sự đa dạng đó trong một vài tác phẩm cụ thể sau đây. Trước hết, chúng tôi khảo sát trong các tác phẩm ký. Trong bài ký Suối quặng, Nguyễn Tuân giới thiệu ngay hình ảnh trung tâm của tác phẩm - hình ảnh con suối: “Có cái suối ngỏ chỉ ba bước đã lội qua, có con suối to như một dòng sông mỗi lúc sang ngang lại phải lụy đò. Và đứng trước một con suối, cũng nhiều cách nhìn khác nhau, Ví dụ anh chuyên viên giao thông thủy bộ nhìn con suối không giống anh địa chất của các đội tìm kiếm”. Tác giả tiếp tục triển khai mạch kể bằng cách hồi tưởng những kỉ niệm gắn bó với anh bộ đội địa chất đi khảo sát những con suối, anh bộ đội giặt áo, giặt giày bên khe suối ... và kết thúc cũng lại bằng hình ảnh con suối trong nỗi nhớ thương của tác giả, mơ tưởng về một ngày mai có: ‘những ống tuyếc bin chạy điện trắng của nhà máy lọc quặng luyện kim trên những con suối ấy.” Đây có thể coi là một cách triển khai theo kết cấu đầu cuối tương ứng. Tuy nhiên, đây là cách triển khai vấn đề khá đơn giản. Có nhiều tác phẩm như bài kí Một bài thơ Đường mà cách dẫn dắt vấn đề khá dài dòng. Mở đầu là giới thiệu một chuyến bay đi công tác với những suy nghĩ miên man nào là hình ảnh mây, trời, rồi tác giả nghĩ lùi về “20 năm trước đây, 10 năm trước đây” về chiến thắng của quân dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa đã bắn phá bao nhiêu tàu của giặc. Đúng là cách giới thiệu vấn đề có vẻ dài dòng (22 câu) nhưng lại có vẻ phù hợp với đặc trưng thể loại Kí của Nguyễn Tuân, muốn tìm hiểu đến tận cùng của sự vật, hiện tượng, của suy nghĩ. Tiếp theo, nhà văn đẩy lùi các sự kiện về quá khứ theo trình tự thời gian. Đầu tiên là hồi tưởng về những gian khổ và thắng lợi của quân dân ta trước giặc Pháp. Sau đó, là các sự kiện theo dòng thời gian từ mùa mưa năm 1958 với những cuộc hành trình vượt sông, vượt suối để hành quân và chiến đấu. Rồi lại đến mùa xuân những năm 1960 - 1964 với sự kiện những cây cầu sắt hoàn thành bắc qua những con suối sâu để: “Không lo gì lũ suối mùa mưa tắc xe vào xe ra nữa.”. Kết thúc bài kí là hình ảnh “Một con đường mới có khác gì một cái đòn gánh dài”, hình ảnh “hai mái ngói đỏ đình chợ huyện miền núi”. Mái ngói đỏ là hình ảnh như một kết thúc mở báo hiệu cho một cuộc sống mới đang thay da đổi thịt. Trong khá nhiều bài kí, Nguyễn Tuân đã mở đầu văn bản bằng cách triển khai mạch kể ghi chép của mình bằng những cuộc đối thoại. Bài kí Cô Tô cũng là một bài như vậy. Mở đầu tác phẩm, nhà văn gợi nhớ lại cuộc gặp gỡ giữa tác giả và một vị lãnh đạo sau đó mới giới thiệu về hình ảnh trung tâm của bài kí - Cô Tô. Nói về Cô Tô và con người nơi đây tác giả đã triển khai dòng suy tưởng theo trục thời gian từ ngày thứ nhất đến ngày thứ sáu trong chuyến thăm đảo Cô Tô. Ngày thứ nhất, tác giả gợi lại hình ảnh “những người tìm ngọc trong lòng biển”. Ngày thứ hai, kể lại cuộc hành trình tìm những viên trân châu “tươi ánh thanh khiết”. Ngày thứ ba, thứ tư, đó là cảnh cơn bão đến, mặt biển Cô Tô nổi sóng. Ngày thứ năm, thứ sáu, lại một ngày “trong trẻo, sáng sủa” nước biển “xanh như cái màu xanh của ngọc bích”. Mỗi ngày một đặc điểm, một sự kiện nhưng đều nằm trong một trục thời gian và xoay quanh một chủ đề. Nguyễn Tuân kết thúc bài kí bằng hình ảnh “đoàn thuyền sắp ra khơi”, hình ảnh người phụ nữ Cô Tô “địu con, thấy nó dịu dàng như hình ảnh biển cả là mẹ hiền mớm cá cho lũ con lành”. Kết thúc cho thấy một tương lai sáng sủa của vùng hải đảo dù cuộc sống hiện tại có nhiều khó khăn, khắc nghiệt. Đối với các truyện ngắn, cách tổ chức văn bản có sự khác biệt so với kí từ cách dẫn dắt, triển khai đến kết thúc mạch kể. Trong truyện Khoa thi cuối cùng, mở đầu tác phẩm người đọc bắt gặp một không gian buồn, ảm đạm: “Mùa mưa dầm tháng chín chỉ là những giọt than vãn triền miên của kỳ ngâu còn kéo dài mãi đến bây giờ. Xứ đồng chiêm Sơn Nam hạ đã biến thành một vùng nước rộng nhấp nhô những con đò đồng li ti ... Làng mạc vùng quê Nam Định nhoi lên khỏi làn nước trắng lạnh như những quần đảo xanh một màu hoang vu”. Sau đó, tác giả mới giới thiệu nhân vật ông Đầu Xứ Em và ông Đầu Xứ Anh trong khoa thi Mậu Ngọ - khoa thi mà “từ sau khoa thi này chỉ còn là một thứ xa xỉ phẩm trong học vấn của một lớp người”. Câu chuyện được triển khai theo mạch kể đan xen giữa quá khứ và hiện tại của nhân vật được quy chiếu trong kì thi năm trước và kì thi năm cuối cùng. Tuy khác nhau về không gian nhưng bối cảnh không gian, cảnh vật đều thê lương, ảm đạm và đều chịu chung một kết cục bi thảm, thê lương của cuộc đời khoa cử “học tài thi phận”. Kết thúc câu chuyện là hình ảnh ông Đầu Xứ Em “uống cạn ba bình rượu cúc... vào một đêm dài nhất trong một đời người...” - một kết thúc thật đáng buồn của một kẻ sĩ. Điều đáng chú ý là mở đầu tác phẩm là một thời gian, không gian thê lương và kết thúc cũng là một không gian buồn thảm để lại trong lòng người đọc nỗi buồn thê thiết. Có thể nói đây là kiểu kết thúc vòng tròn - cuộc đời nhân vật chỉ quẩn quanh trong cái vòng tròn khắc nghiệt của số phận. Một câu chuyện khác cho thấy kết cấu triển khai không gian mở đầu tác phẩm và không gian cuối tác phẩm có mối tương quan với nhau làm nền cho những thông điệp mà tác giả truyền tải đến người đọc là kết cấu thường thấy trong truyện của Nguyễn Tuân. Trong truyện Bữa rượu máu, ta bắt gặp một không gian quạnh hiu với hình ảnh những cây chuối bị chặt đứt đến thảm hại “Phía tây thành Bắc Ninh, trên một nền đất rộng đồ sát vào chân thành cho lần gạch ngoài được thêm vững chãi, lũ cây chuối mật tha hồ mặc sức mà mọc ... nhựa bị không khí làm se lại, kết nên những khối keo quyện lấy bụi cỏ gà”. Theo trật tự tuyến tính của thời gian, nhà văn tiếp tục triển khai bố cục bằng hình ảnh đao phủ Bát Lê vừa hát vừa chém chuối như chém đầu người. Tiếp đó là cảnh áp giải tử tù và cảnh hành quyết. Kết thúc truyện như là một kết thúc dự báo khi xuất hiện hình ảnh quan Công Sứ đi qua chỗ hành quyết thì bỗng nhiên “nổi lên một cơn gió xoắn giật, hút cát bụi lên, xoay vòng quanh đám tử thi và đuổi theo các quan đang về. Cái mũ trắng ở trên đầu quan công sứ bị cơn lốc dữ dội lật rơi xuống bãi cỏ lăn lộn mấy vòng...” - một kết thúc mở nhằm khơi gợi cho người đọc suy tưởng về hậu cảnh chém tử từ, phải chăng đó là sự hoán cải số phận ? Nhiều câu chuyện của Nguyễn Tuân có kết cấu theo trật tự tuyến tính, một kết cấu thường thấy trong truyền thống ngữ văn phương Đông, nhưng qua ngòi bút Nguyễn Tuân nó vẫn có một sức hấp dẫn riêng nhờ cách tổ chức văn bản độc đáo. Truyện ngắn Chữ người tử tù - một trong những truyện ngắn hay nhất của Nguyễn Tuân cũng được triển khai theo bố cục như vậy. Câu chuyện bắt đầu bằng việc giới thiệu hoàn cảnh xuất hiện nhân vật Huấn Cao qua cuộc đối thoại giữa thầy thơ lại và viên quan coi ngục.” Tiếp theo đó là viên quan coi ngục biệt đãi người tù “đầu đội trời, chân đạp đất” khiến người tù cảm động. Và cuối cùng là cảnh cho chữ “xưa nay chưa từng có”: “Trong không khí khói tỏa như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ. Khói bốc tỏa cay mắt, họ dụi mắt lia lịa”. Câu chuyện kết thúc bằng một câu nói của viên quan coi ngục: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh” báo hiệu một cuộc đời mới của một thân phận “lầm đường lạc lối”. Xem xét nhiều truyện khác, chúng tôi thấy cách tổ chức văn bản của Nguyễn Tuân khá phong phú. Trong nhiều truyện ngắn kết cấu đan xen giữa các yếu tố thời gian: hiện tại - quá khứ; quá khứ - hiện tại thường được nhà văn sử dụng một cách đa dạng. Như trong truyện Thả thơ bắt đầu bằng cách giới thiệu hoàn cảnh éo le của hai cha con cụ Phủ và cô Tú: “Cụ Phủ bà vừa mất vào quãng đầu xuân, cỏ xanh chưa đủ che kín mặt nấm mộ mới, thì cuối xuân năm ấy cậu Chiêu cũng lại qua đời ...”. Sau đó, tác giả hồi tưởng lại chuyện hai cha con tổ chức cuộc thi thả thơ hàng đêm “để người ta sát phạt nhau bằng tiền, đem cả cái may rủi cả vào đến cõi văn thơ và trên mặt nước sông thu, tiếng ngâm một câu thơ được cuộc, tiếng ngâm một câu thơ thua cuộc mất ăn tiền, những tiếng đó đều âm hưởng trên làn nước lạnh, thanh âm nghe trong trẻo, du dương và thái bình như tiếng vang của một hội Tao Đàn nào”. Tuy nhiên, kết thúc câu chuyện vẫn là cái kết thúc thường đem lại cảm giác buồn nơi độc giả. Cụ Phủ cuối cùng không cho cô Tú theo cha đi thả thơ để thỏa cái đam mê chữ nghĩa nữa và còn “hay bị thua luôn”. Kết thúc ấy cho chúng ta một thông điệp: giữa đồng tiền và tâm hồn tao nhã dường như không thể tồn tại song hành trong cuộc sống mà cơm áo gạo tiền luôn là một vật cản lớn lao. Số phận của khá nhiều nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Tuân đều có cái kết cục buồn như thế. Trong Những chiếc ấm đất, cụ Sáu - một người phong lưu sành uống trà, tôn thờ trà cuối cùng phải bán đi những chiếc ấm quý cuối cùng. Còn với nhân vật ông Phó sứ - một viên quan đa tình, lãng tử trong truyện ngắn Đánh thơ cuối cùng cũng chết ở chân Đèo Ngang vì một cơn gió độc. Có thể nhận định rằng, xây dựng kết cấu nghệ thuật, xây dựng bố cục theo trật tự tuyến tính hay kết hợp đan xen giữa các yếu tố thời gian, hay kết cấu vòng tròn không có gì là lạ. Tuy nhiên, với việc sắp xếp hợp lý các tình tiết, ngôn ngữ kể chuyện tài tình, cuốn hút, Nguyễn Tuân đã làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn người đọc. Truyện Xác ngọc lam - một câu chuyện có yếu tố “liêu trai” là một ví dụ tiêu biểu. Mở đầu câu chuyện nhà văn giới thiệu về truyền thống làm nghề giấy lâu đời của họ nhà Chu: “Thời ấy nhà vua xuống chiếu cho quan địa phương phải làm sổ đệ dâng về những môn bách nghệ trong nước và tên họ của những người có cái thủ công trong các môn ấy, về các phường làm giấy bán giấy, một hạt Hà Đông, nhà họ Chu được đứng vào đầu sổ kê khai bách nghệ”. Tiếp theo, tác giả giới thiệu giá trị đặc biệt, độc đáo của giấy dó truyền thống Chu Hồ “một lối biểu dương của riêng một phái quý tộc trong làng văn mạc” bằng việc miêu tả một cách tỉ mỉ loại giấy đặc biệt này từ màu sắc, chất liệu, khổ giấy, khối lượng, mùi vị, ... Câu chuyện tiếp nối với việc tác giả hồi tưởng về một lịch sử vinh quan của giấy do nhà họ Chu khi nó được triều đình chọn làm giấy sử dụng trong cung. Sau đó, Nguyễn Tuân lại miên man suy nghĩ về tảng đá xanh - một vật dụng dùng để nghè giấy cho phẳng mặt. Tiếp đó là cả một lịch sử kì lạ, bí ẩn của loại giấy này. Bắt đầu bằng hình ảnh cây Dó cổ thụ - cây Dó thần trong rừng thẳm với hình ảnh tiếng hát thì thầm của cô Dó. Câu chuyện tiếp diễn với sự việc có anh chàng họ Chu mà sau này chính là ông cụ tổ ba đờicủa ông cụ họ Chu, thích thúvới câu chuyện cô Dó nên quyết tâm vào rừng xem thực hư của câu chuyện. Qua nhiều ngày thì cuối cùng hai người cũng gặp nhau và nên duyên chồng vợ. Họ cùng trở về nhà nhưng cô Dó là người cõi âm nên phải sống trong hòn đá xanh để nghè giấy giúp chồng. Hai vợ chồng sống với nhau mà không ai biết vì âm dương cách biệt. Kết thúc câu chuyện người chồng mất, còn cô Dó vẫn ở lại giúp con cháu nhà họ Chu giữ gìn nghề giấy. Có lẽ nhờ một câu chuyện hư cấu trong dân gian mà Nguyễn Tuân đã viết nên câu chuyện hấp dẫn này, nhưng có lẽ điều mà nhà văn muốn truyền tải đó là giá trị cổ truyền của những làng nghề xưa trên đất nước chúng ta. Trong các trang truyện kí của Nguyễn Tuân, theo chúng tôi, có lẽ đáng chú ý là truyện ngắn Chùa đàn - một tác phẩm đã ghi lại dấu ấn phong cách cá nhân Nguyễn Tuân sau Cách mạng. Truyện có kết cấu khá độc đáo, chia thành ba phần: Phần 1 : Dựng Phần 2: “Tâm sự của nước độc” Phần 3: Mưỡu cuối Tuy chia thành ba phần nhưng tác phẩm có sự liên kết rất chặt chẽ. Thứ nhất, về nhân vật, có bốn nhân vật chính nhưng thực ra là hai nhân vật được đưa vào một cốt truyện li kì: Lịnh - Lãnh; Cô Tơ - thầy Tuệ Không. Phần một nói về nhân vật Lịnh - một tù nhân chính trị “người trí thức say đắm cùng với công cuộc, vướng lụy vì hoài bão, đưa Cách Mệnh lên thành một thứ tôn giáo, và trong cảnh đày ải tù tội, tinh thần lúc nào cũng vững vàng như cái thái độ bất diệt của bậc chân tu chuyên nhất trong niềm đạo hạnh”. Cuộc đời của Lịnh trong quá khứ cũng như trong hiện tại nhà tù được đan xen kể với những kỉ niệm với tác giả một cách vừa bí ẩn, vừa gần gũi. Kết thúc phần một là việc Lịnh đưa cho tác giả cuốn nhật ký “Tâm sự của nước độc” do anh đang viết dở. Câu chuyện đó chính là cái gạch nối bố cục nghệ thuật giữa phần một và phần hai. Phần hai là một câu chuyện lí thú qua cách tường thuật sáng tạo, hấp dẫn của Nguyễn Tuân. Câu chuyện bắt đầu bằng hình ảnh một người đàn ông tên Lãnh - sống trong ấp Mê Thảo. Người vợ bị chết trong một tai nạn lật tàu. Từ đó khiến người chồng u buồn, chán ghét tất cả những thứ liên quan đến máy mọc và sống trong cảnh u ám, buồn tẻ. Mọi việc của ấp chỉ trông cậy vào Bá Nhỡ - một quản gia trung thành, tận tụy lại có biệt tài đàn hát. Lãnh mê tiếng hát của Cô Tơ - một danh ca góa phụ. Sau đó, câu chuyện lại tập trung xoay quanh cuộc gặp gơ duyên mệnh giữa Lãnh và Cô Tơ. Lúc đó, Bá Nhỡ phải đứng trước một quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời mình. Nếu Bá Nhỡ đàn cho Cô Tơ hát thì phải nhận lấy cái chết. Cuối cùng vì lòng trung thành Bá Nhỡ đành chấp nhận. Kết thúc cuộc hội ngộ là cái chết của Bá Nhỡ bên cây đàn rướm máu. Kết thúc phần này là việc Lãnh sang lại ấp Mê Thảo cho người khác, còn Cô Tơ thì trông coi Chùa Đàn - ngôi chùa được xây dựng ngay trên ấp Mê Thảo sau cái chết của Bá Nhỡ. Phần ba - “Mưỡu cuối” tiếp nối phần hai bằng việc tác giả đẩy câu chuyện trở về thực tại. Lãnh sau khi bán ấp Mê Thảo đã đi theo cách mạng. Sau đó bị kẻ thù bắt giam. Còn Cô Tơ lại chính là thầy Tuệ Không - người cai quản Chùa Đàn. Nội dung chủ yếu trong phần ba là cuộc độc thoại của tác giả với những lời tâm sự của mình. Kết thúc truyện như một lời nhắn nhủ mang tính chủ đề: Hãy sống với thực tế, hãy sống với nhân dân, hãy là Cô Tơ mang tiếng hát của mình phục vụ cho đời sống kháng chiến của dân tộc: “Trước hát cho dăm bảy kẻ nghe trong một khung cảnh ích kỷ ốm yếu. Giờ hát cho cả một quê hương đang vi vu gió mới và lồng lộng một trời cao rộng chói lòa”. Lý tưởng phụng sự cho quê hương cũng chính là lý tưởng của người chiến sĩ Nguyễn Tuân. Kết thúc này cũng chính là một lời nhắn nhủ tới những ai đang sống trong u mê cá nhân hãy tỉnh dậy và sống với đời sống lớn của dân tộc và quê hương. 2.4.3. Tiểu kết Qua một vài ngữ liệu ở trên, chúng tôi nhận thấy cách tổ chức văn bản của Nguyễn Tuân khá đa dạng với những cách mở đầu, triển khai cũng như kết thúc văn bản. Dù cách tổ chức ấy không phải là mới mẻ song nó tăng hiệu quả lên bội phần chính là nhờ sự khéo léo trong việc tổ chức mạch kể và ngôn ngữ nghệ thuậ của tác giả Trên đây là một vài nhận xét về cách tổ chức văn bản của Nguyễn Tuân mà trong khuôn khổ của luận văn, chúng tôi có thể tìm hiểu. Chắc chắn sẽ còn nhiều vấn đề thú vị về cách tổ chức văn bản trong những thể loại khác của ông. Tuy nhiên, vấn đề này khá mới và tương đối khó nên chúng tôi chỉ xin đưa ra một vài dẫn chứng như là một sự gợi mở khi nghiêncứu về đặc điểm ngôn ngữ trong truyện kí của Nguyễn Tuân. KẾT LUẬN Phong cách nghệ thuật là một khái niệm khá rộng, dùng để chỉ đặc điểm sáng tác của nhà văn trên nhiều lĩnh vực, nhiều phương diện. Luận văn không có tham vọng đi tìm hiểu phong cách theo hướng toàn diện đó mà chỉ đi sâu vào phương diện ngôn ngữ để từ đó tìm ra những nét nổi trội nhất về phong cách ngôn ngữ trong thể loại truyện kí của Nguyễn Tuân. Trong công trình này, người viết đã tiến hành khảo sát, thống kê những cấp độ biểu hiện ngôn ngữ trong các tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Tuân so sánh với những biểu hiện tương tự trong các tác phẩm của một số nhà văn cùng thời khác. 1. Phong cách ngôn ngữ là phương diện khá quan trọng để khẳng định phong cách nghệ thuật của một tác giả, đó là điều rõ ràng. Phong cách ngôn ngữ được thể hiện một cách cụ thể ở mọi cấp độ ngôn từ của tác phẩm như: từ, ngữ, câu, các biện pháp tu từ, cấu trúc văn bản, Tuy nhiên, không phải ở cấp độ nào cũng thể hiện rõ nét những đặc điểm của phong cách nhà văn. Chính vì vậy, luận văn chỉ đề cập đến những dấu hiệu có tính lặp lại để từ đó tìm ra những đặc sắc trong ngôn ngữ truyện kí Nguyễn Tuân. Qua việc khảo sát các tác phẩm truyện kí Nguyễn Tuân, người viết nhận thấy có một vốn từ vựng hết sức phong phú và đa dạng, được tích lũy từ nhiều nguồn. Điều mà người viết luận văn tâm đắc nhất là những trường từ vựng – ngữ nghĩa xuất hiện dày đặc trong các truyện kí của Nguyễn Tuân mang đậm nét riêng của ông, đó là những từ độc đáo đôi khi còn hơi cầu kì thường xuất hiện trong giới thượng lưu và nghệ sĩ. Có thể nói rằng, các trường từ vựng trong truyện kí Nguyễn Tuân đã góp phần định hình phong cách ngôn ngữ của ông, mặt khác, các trường từ vựng này cũng nói lên được phần nào quan điểm của nhà văn về lý tưởng, về cuộc đời, về phương diện thẩm mĩ, Có thể khẳng định, Nguyễn Tuân đã rất thành công trong việc sử dụng từ Hán Việt trong tác phẩm của mình. Ông sử dụng từ Hán Việt không chỉ thuần thục mà còn rất thành công và đầy sáng tạo, đạt đến trình độ điêu luyện. Có thể nói, ít có nhà văn nào có biệt tài phục chế không khí xưa giỏi như Nguyễn Tuân. Qua đó, ta hiểu được cái tài hoa, trang trọng trong phong cách ngôn ngữ và cả con người Nguyễn Tuân. Không những thế, sự linh hoạt và sáng tạo trong việc vận dụng phương ngữ, thành ngữ và hàng loạt các từ đồng nghĩa đã giúp cho câu văn của ông giàu màu sắc biểu cảm, gần gũi với đời sống đạt được hiệu ứng nghệ thuật cao, diễn tả được nhiều cung bậc cảm xúc của nhân vật. Và với cách dùng từ, ngữ mới lạ, độc đáo như thế đã làm nên một phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân: phá cách, lệch chuẩn, thoát khỏi cái vỏ bọc cũ kĩ, sáo mòn. 2. Bên cạnh từ ngữ, câu cũng là đơn vị có vai trò quan trọng trong việc thể hiện phong cách tác giả. Dù ngữ pháp là những quy tắc chung của một thứ tiếng và có tính ổn định cao, song không vì thế mà nó chối từ mọi nỗ lực sáng tạo của nhà văn và đã có rất nhiều những nhà văn để lại dấu ấn của riêng mình trong lĩnh vực cú pháp và Nguyễn Tuân là một trường hợp như thế. Những đặc sắc về câu trong truyện kí Nguyễn Tuân thể hiện ở hai phương diện cấu tạo ngữ pháp và những biện pháp tu từ cú pháp. Nhìn từ góc độ cấu tạo, những hiệu quả nghệ thuật mà Nguyễn Tuân đạt được trong lĩnh vực cú pháp, chủ yếu bằng hai con đường: câu đơn tích lũy nhiều thành phần và câu đơn phức tạp hóa bằng tổ hợp câu con. Với kiểu câu đặc trưng này trong văn phong Nguyễn Tuân giúp ông thể hiện được chiều sâu trong việc miêu tả hiện thực cũng như tâm lý nhân vật. Nét riêng này được thể hiện một cách nhất quán, dù trên tiến trình sáng tạo, ông có những thay đổi về tư tưởng, bút pháp và thể loại. 3. Có thể nói rằng, với mỗi biện pháp tu từ chuyển nghĩa, Nguyễn Tuân có một giá trị nghệ thuật đặc sắc riêng. Biện pháp tu từ so sánh, qua liên tưởng đã tạo nên một hình tượng cụ thể đối với các khái niệm trừu tượng, giúp người đọc dễ hình dung hơn. Tài hoa là ở chỗ tác giả đã cụ thể hóa, cụ thể đến mức người đọc có thể cảm nhận được sức sống, sức lay động toát ra từ các hình tượng. Nét tài hoa của Nguyễn Tuân còn được thể hiện ở chỗ: từ những từ ngữ vốn rất bình thường nằm trong kho từ vựng của tiếng Việt, nhưng thông qua những phương thức chuyển nghĩa, những từ ấy trong tương tác với ngữ cảnh trở nên mới hẳn, sáng hẳn. Ngôn từ ẩn dụ trong văn Nguyễn Tuân đa dạng, nhiều chiều. Sự chuyển nghĩa của một từ, một nhóm từ để tạo ra một nghĩa mới là cả một quá trình lựa chọn trong sáng tác nghệ thuật. Cách chuyển nghĩa luôn luôn hình thành trên nền tảng của các tiêu chí hình thành nền văn hóa dân tộc. Nguyễn Tuân đã thành công trong việc phản ánh hiện thực với nhiều đề tài khác nhau trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Nói như Ferdinand de Saussure, ngôn ngữ tồn tại là một hiện thực hoàn chỉnh, khách quan trên một kết cấu của trục kết hợp và trục liên tưởng thì ngôn ngữ trong truyện kí của Nguyễn Tuân đã đáp ứng được yêu cầu đó. Bởi vì trong bất cứ tình huống nào, Nguyễn Tuân cũng phản ánh có chọn lọc những hình ảnh tiêu biểu, hợp tính thẩm mĩ đến mức ta khó tìm ra một đơn vị ngôn từ tương đương nào để thay thế. Điều đó chính là thế mạnh, và cũng là cơ sở để khẳng định phong cách ngôn ngữ Nguyễn Tuân. Hình tượng trong văn Nguyễn Tuân là một hệ thống đan kết chặt chẽ. Do tính chất sáng tạo của các biệp pháp tu từ nên văn Nguyễn Tuân luôn tác động đến cảm xúc của người đọc. Sự lựa chọn hình ảnh, hình tượng trong văn chương là cả một quá trình lao động nghệ thuật, đòi hỏi nhà văn phải đạt trình độ nhuần nhuyễn như thế nào đó, như am hiểu vững chắc về ngôn từ; nội dung phản ánh, thì mới có thể mô hình hóa bức tranh cuộc sống theo khả năng tri nhận thành thế giới khái niệm theo cách cảm chủ quan của nhà văn. Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, Nguyễn Tuân thật xứng đáng ở tầm cỡ nhà văn lớn. Đối với ông, văn chương trước hết phải là văn chương, nghệ thuật trước hết phải là nghệ thuật, và đã là nghệ thuật thì phải có phong cách độc đáo. Đọc văn ông, người đọc không chỉ có khoái cảm thẩm mỹ từ nghệ thuật ngôn từ mà còn được bồi dưỡng thêm tri thức về nhạc, họa, điêu khắc, kiến trúc, lịch sử, địa lý, điện ảnh, Thực tế ấy chứng tỏ, Nguyễn Tuân là một tài năng phong phú, có năng lực ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Nhưng Nguyễn Tuân, xét từ bản chất, không phải là người theo chủ nghĩa hình thức. Tài phải đi đôi với tâm. Ấy là "thiên lương" trong sạch, là lòng yêu nước thiết tha, là nhân cách cứng cỏi trước uy quyền phi nghĩa và đồng tiền phàm tục. Nói đến ông là nói đế một giá trị hiển nhiên, gợi nhắc một vùng trời riêng, xôn xao thanh âm ngôn ngữ dân tộc. Các sáng tác của ông tồn tại vừa như những giá trị thẩm mỹ độc lập, vừa gợi ý; vừa kích thích tìm tòi, sáng tạo nên các giá trị mới rất mực tài hoa và độc đáo. Không thể tưởng tượng nổi sẽ lạnh lẽo và tiêu điều tới mức nào nếu đại ngàn văn chương dân tộc thiếu vắng nghệ sĩ ngôn từ bậc thầy như Nguyễn Tuân. Nhắc đến Nguyễn Tuân, người đọc thường nghĩ tới một nhà văn xông xáo, luôn tìm tòi trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ những điều bất ngờ, mãnh liệt. Ông đi nhiều nơi để tìm thực phẩm cho tâm hồn, thay thực đơn cho các giác quan. Tìm “cái say của rượu tối tân hôn”. Với vốn hiểu biết phong phú nhiều lĩnh vực, với năng lực thẩm mĩ sắc sảo và lối viết tài hoa, những tác phẩm của ông đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng độc giả. Với Nguyễn Tuân, ngôn từ không chỉ là chất liệu mà còn là văn chương và nhà văn đã có ý thức “lạ hóa” nó, để tạo dấu ấn độc đáo cho riêng mình đồng thời lôi cuốn người đọc. Và con người tài hoa ấy không bao giờ chấp nhận sự hời hợt, bằng phẳng; không thích những khuông sáo gò bó, sự lặp lại đến nhàm chán. Chính vì thế mà trong văn chương, Nguyễn Tuân luôn tìm đến sự đặc sắc. Do đó, vẻ đẹp của trang viết Nguyễn Tuân là kết quả tất yếu từ một cách viết mang chiều sâu, bề rộng và tầm cao văn hóa. Lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, đặc biệt biểu hiện ở thái độ thành kính trân trọng tiếng mẹ đẻ và các giá trị truyền thống chính là động lực bên trong, thôi thúc ông không ngừng tìm tòi, khơi nguồn vốn cũ và sáng tạo nên giá trị mới. Ông xứng đáng được mệnh danh là “chuyên viên cao cấp tiếng Việt”, là “người thợ kim hoàn của chữ” (theo ý kiến của Tố Hữu). Trong lâu đài văn chương nghệ thuật dân tộc Việt Nam thế kỉ XX, rất dễ nhận ra phần chạm trổ tinh xảo của người nghệ sĩ ngôn từ Nguyễn Tuân. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Alain Laurent (1999), Lịch sử cá nhân luận, Phan Ngọc dịch, Nxb Thế giới. 2. Biện Minh Điền (2004), Vấn đề tác giả và loại hình tác giả trong văn học trung đại Việt Nam, in trong sách Những vấn đề Văn học và Ngôn ngữ học, Nxb ĐHQG Hà Nội, tr 61-75. 3. Bùi Minh Toán (1989), “Những mối quan hệ hệ thống của ngôn ngữ và việc phân tích ngôn ngữ nghệ thuật của tác phẩm văn học trong giảng dạy tiếng Việt và văn học”, Tạp chí Ngôn ngữ số 3, tr. 29-38. 4. Cao Xuân Hạo (1991), Tiếng Việt – Sơ thảo ngữ pháp chức năng, Nxb Khoa học xã hội. 5. Cao Xuân Hạo (1999), Tiếng Việt, mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, Nxb Giáo dục. 6. Cao Xuân Hạo (2001), Tiếng Việt, văn Việt, người Việt, Nxb Trẻ. 7. Ch.Bally (1972), Tu từ học tiếng Pháp, bản dịch tiếng Việt của trường Đại học Sư Phạm Vinh. 8. Cù Đình Tú, Lê Anh Hiền, Võ Bình, Nguyễn Thái Hòa (1982), Phong cách học tiếng Việt, Nxb Giáo dục. 9. Cù Đình Tú (1982), Khảo sát từ vựng tiếng Việt theo bình diện phong cách ngôn ngữ, Nxb Khoa học xã hội. 10. Cù Đình Tú (2001), Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, Nxb Giáo dục. 11. Diệp Quang Ban (1995), “Một hướng phân tích câu từ mặt sử dụng, ý nghĩa, ngữ pháp”, Tạp chí Ngôn ngữ số 4, tr.25-32. 12. Đái Xuân Ninh (1978), Hoạt động của từ tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội. 13. Đặng Anh Đào (1994), Tài năng và người thưởng thức, Nxb Hội nhà văn. 14. Đặng Đức Siêu (1989), Từ Hán Việt nhìn từ góc độ tiếp xúc văn hóa”, Phụ san Tạp chí Ngôn ngữ, tr.94-100. 15. Đoàn Minh Tuấn (1998), Với bác Nguyễn, Nxb TP Hồ Chí Minh. 16. Đỗ Hữu Châu (1973), “Khái niệm trường” và việc nghiên cứu hệ thống từ vựng”, Tạp chí Ngôn ngữ số 2, tr.45-53. 17. Đỗ Hữu Châu, Bùi Minh Toán (1996), Đại cương Ngôn ngữ học, tập 2, Nxb Giáo dục. 18. Đỗ Hữu Châu (1995), Giáo trình giản yếu về ngữ dụng học, Nxb Giáo dục. 19. Đỗ Hữu Châu (1997), Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng, Nxb Giáo dục. 20. Đỗ Đức Hiểu (2000). Thi pháp hiện đại, Nxb Hội nhà văn. 21. Đinh Trọng Lạc (1994), Phong cách học văn bản, Nxb Giáo dục. 22. Đinh Trọng Lạc (1998), 300 bài tập phong cách học tiếng Việt, Nxb Giáo dục. 23. Đinh Trọng Lạc, Nguyễn Thái Hòa (1995), Phong cách học tiếng Việt, Nxb Giáo dục. 24. Đinh Văn Đức (1986), Ngữ pháp tiếng Việt – từ loại, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp. 25. Đinh Văn Đức (1993), Một vài cảm nhận về ngữ pháp chức năng và cách nhìn về ngữ pháp tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ số 3, tr.40-43. 26. Đinh Văn Đức (2004), Sự biến đổi và phát triển của ngôn ngữ văn học Việt Nam thế kỉ XX, in trong sách Văn học Việt Nam thế kỉ XX, Nxb Giáo dục. 27. F.D.Saussure (1973), Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, Hoàng Phê dịch, Nxb Khoa học xã hội. 28. Hà Công Tài (1999), Ẩn dụ và thơ, Nxb Khoa học xã hội Hà Nội, 1999. 29. Hà Văn Đức (1992), “Nguyễn Tuân”, Giáo trình văn học Việt Nam 1930-1945, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp. 30. Hà Văn Đức (2000), Nguyễn Tuân, một bậc thầy về ngôn từ, Báo Văn nghệ số 9, ngày 26/02/2000. 31. Hà Văn Đức (2003), “Quan điểm thẩm mĩ qua một số hình tượng nghệ thuật trong tùy bút Nguyễn Tuân”, Tạp chí Văn học số 4, tr. 8-15. 32. Hoàng Tuệ (2001), Tuyển tập ngôn ngữ học, Nxb Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh. 33. Hoàng Ngọc Phiến (2003), Văn học gần và xa, Nxb Giáo dục. 34. Hoàng Ngọc Phiến (2003), Nhập môn văn học và phân tích thể loại, Nxb Đà Nẵng. 35. Hoàng Xuân tuyển soạn (1997), Nguyễn Tuân, người đi tìm cái Đẹp, Nxb Văn học. 36. Hoàng Văn Hành (1989), “Đặc điểm vốn từ của phong cách ngôn ngữ văn bản khoa học (trong sự đối sánh với phong cách ngôn ngữ văn bản nghệ thuật)”, Tạp chí Ngôn ngữ số phụ, tr.74-81. 37. Hoàng Văn Hành (1991), Từ ngữ tiếng Việt trên đường hiểu biết và khám phá, Nxb Khoa học xã hội. 38. Hoàng Ngọc Phiến (1991), “ Thi pháp của truyện”, Báo Văn nghệ số 31 ra ngày 03/08/1991. 39. I.R.Galpern (1987), Văn bản với tư cách đối tượng nghiên cứu ngôn ngữ học,Nxb Khoa học xã hội. 40. Mak Halliday (2001), Dẫn luận ngữ pháp chức năng, Nxb Đại học Quốc gia Hà nội. 41. M.Bakhtin (2003), Lí luận và thi pháp tiểu thuyết, Phạm Vĩnh Cư tuyển dịch và giới thiệu, Nxb Hội nhà văn. 42. M.B.Khrapchenkô (1987), Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học, Lê Sơn, Nguyễn Minh dịch, Nxb Tác phẩm mới. 43. M.B.Khrapchenkô (2002), Những vấn đề lí luận và phương pháp nghiên cứu văn học, Trần Đình Sử dịch, Nxb Đại học Quốc gia Hà nội. 44. Nguyễn Đăng Mạnh (1996), Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của một nhà văn, Nxb Giáo dục. 45. Nguyễn Đăng Mạnh (1999), Những bài giảng về tác giả văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 46. Nguyễn Đăng Mạnh (2003), Nhà văn Việt Nam hiện đại, chân dung và phong cách, Nxb Văn học. 47. Nguyễn Đăng Mạnh sưu tầm, biên soạn (1999), Nguyễn Tuân bàn về văn học nghệ thuật, Nxb Hội nhà văn. 48. Nguyễn Đức Dân (1998), Ngữ dụng học, tập 1, Nxb Giáo dục. 49. Nguyễn Đức Dân, Đặng Thái Minh (1999), Thống kê ngôn ngữ học, một số ứng dụng, Nxb Giáo dục. 50. Nguyễn Đức Dân (2000), “Hiện tượng đa thanh từ góc nhìn ngôn ngữ học”, Tạp chí Văn học số 3, tr.27-32. 51. Nguyễn Đức Tồn (2007), “Bản chất của ẩn dụ”, Tạp chí Ngôn ngữ số 10 + 11 52. Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Văn Hiệp (1998), Thành phần câu tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 53. Nguyễn Minh Thuyết (chủ biên), Nguyễn Văn Hiệp (1999), Tiếng Việt thực hành, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 54. Nguyễn Phan Cảnh (2000), Ngôn ngữ thơ, Nxb Văn hóa thông tin. 55. Nguyễn Tài Cẩn (1973), “Xuất phát điểm của hệ thống vần Hán Việt”, Tạp chí Ngôn ngữ số 4, tr.35-41. 56. Nguyễn Tài Cẩn (1999), Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. 57. Nguyễn Thái Hòa (1997), Dẫn luận phong cách học, Nxb Giáo dục. 58. Nguyễn Thái Hòa (2000), “Suy nghĩ trên chính câu văn Nguyễn Tuân”, Báo Văn nghệ Trẻ số 08/2000. 59. Nguyễn Thái Hòa (2000), Những vấn đề thi pháp của truyện, Nxb Giáo dục. 60. Nguyễn Thái Hòa (2005), Từ điển tu từ - Phong cách – Thi pháp học, Nxb Giáo dục. 61. Nguyễn Thế Lịch 91989), “Từ ngữ có sắc thái văn chương”, số phụ san Tạp chí ngôn ngữ, tr.38-55. 62. Nguyễn Thế Lịch (1991), “Từ so sánh đến ẩn dụ”, Tạp chí Ngôn ngữ số 3, tr.19-31. 63. Nguyễn Thế Lịch (1998), “Về các tính chất của ngôn ngữ nghệ thuật”, Tạp chí Ngôn ngữ số 4, tr.22-23. 64. Nguyễn Thị Ninh (2005), “Ngôn từ nghệ thuật trong sáng tác của Nguyễn Tuân, Luận án Tiến sĩ Ngữ Văn, Đại học Sư Phạm Hà Nội. 65. Nguyễn Thiện Giáp (2002), Từ vựng học tiếng Việt, Nxb Giáo dục. 66. Nguyễn Thiện Giáp (2003), Dẫn luận ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục. 67. Nguyễn Văn Tu (1986), Từ và vốn từ tiếng Việt hiện đại, Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp. 68. Nguyễn Như Ý (1998a), Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học, Nxb Văn hóa thông tin. 69. Nguyễn Tuân (1986), Chuyện nghề, Nxb Tác phẩm mới. 70. Nguyễn Tuân (2000), Nguyễn Tuân toàn tập, Nxb Văn học (tập 1, 2, 3, 4, 5 do Nguyễn Đăng Mạnh biên soạn). 71. Nguyễn Tuân (2006), Vang bóng một thời, Nxb Đà Nẵng. 72. Lưu Vân Lăng (2008), Những vấn đề ngữ pháp tiếng Việt hiện đại, Nxb Khoa học xã hội. 73. Phan Mậu Cảnh (1996), Các phát ngôn đơn phần tiếng Việt, Luận án Phó tiến sĩ Ngữ Văn, Bộ GD& ĐT, Đại học Quốc gia Hà Nội. 74. Phan Ngọc (1989), Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Nxb Khoa học xã hội. 75. Phan Ngọc (2000), Thử xét văn hóa, văn học bằng ngôn ngữ học, Nxb Thanh Niên. 76. R.Jakobson (1998), “Chủ âm”, Đỗ Lai Thúy dịch, Tạp chí Văn học nước ngoài số 1, tr.204-208. 77. Roland Barthes (1997), Độ không của lối viết, Nguyên Ngọc dịch và giới thiệu, Nxb Hội nhà văn. 78. Trần Đình Sử (1998), Giáo trình Dẫn luận thi pháp học, Nxb Giáo dục. 79. Trần Đình Sử (1999), Một số vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb Giáo dục. 80. Trần Đình Sử (2002), Thi pháp Truyện Kiều, Nxb Giáo dục. 81. Trần Ngọc Hưởng (1998), Luận đề về Nguyễn Tuân, Nxb Thanh Niên. 82. Trần Ngọc Thêm (1996), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tp.Hồ Chí Minh. 83. Trần Ngọc Thêm (1999), Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt, Nxb Giáo dục. 84. Trương Chính (1987), “Nguyễn Tuân và vang bóng một thời”, Tuyển tập Trương Chính, tập 2, Nxb Văn học. 85. Trương Chính (1990), “Từ ngôn ngữ đến văn chương: dùng từ”, Tạp chí Ngôn ngữ số phụ, tr.23-26. 86. Trương Đăng Dung (1998), Từ văn bản đến tác phẩm văn học, Nxb Khoa học xã hội. 87. Trương Đăng Dung (2003), Tác phẩm văn học như là quá trình, Nxb Khoa học xã hội. 88. Tôn Thảo Miên tuyển chon (1998), Nguyễn Tuân, về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục. 89. Vương Trí Nhàn (2000), “Sự biến hóa của cái Đẹp trong văn Nguyễn Tuân”, Báo Thể thao và Văn hóa số 55, ngày 11/07/2000. .

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdftim_hieu_dac_trung_ngon_ngu_trong_truyen_ki_cua_nguyen_tuan_4705.pdf
Luận văn liên quan