Luận văn Từ ngữ địa phương trong tác phẩm của bình Nguyên Lộc

Ngôn ngữ, trước hết là một phương tiện biểu đạt. Một tác phẩm văn chương được xem là hay và có giá trị không thể không kể đến vai trò và giá trị biểu đạt của ngôn ngữ mà nhà văn sử dụng trong tác phẩm. Đến với tác phẩm của Bình Nguyên Lộc, người đọc sẽ thấy rằng, bên cạnh những từ ngữ toàn dân, tác giả đã sử dụng số lượng rất lớn từ ngữ Nam Bộ và chính nó đã tạo nên nét đẹp đặc trưng của văn chương Nam Bộ trong kho tàng văn học Việt Nam. Việc sử dụng từ địa phương cho thấy Bình Nguyên Lộc am hiểu lời ăn tiếng nói hằng ngày của người dân Nam Bộ. Đọc tác phẩm của ông, người đọc như được sống trong không gian Nam Bộ với những cảnh vật, con người sinh hoạt thật gần gũi, thân quen. Chính vì thế, tác phẩm của ông dễ dàng tìm được sự đồng cảm, đồng điệu từ độc giả nơi đây

pdf95 trang | Chia sẻ: phamthachthat | Lượt xem: 2972 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Luận văn Từ ngữ địa phương trong tác phẩm của bình Nguyên Lộc, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
nh Nguyên Lộc, Sơn Nam thuộc lớp nhà văn đàn em, nhưng cũng có thể xem ông như là một trong những nhà văn cùng thời với Bình Nguyên Lộc, người có một đặc điểm ngôn ngữ miền Nam có thể so sánh với Bình Nguyên Lộc. Sơn Nam là nhà văn lớn của Nam Bộ. Sáu mươi năm viết văn, Sơn Nam đã tiếp nối được truyền thống văn xuôi Nam Bộ của lớp nhà văn đi trước như: Nguyễn Trọng Quản, Phú Đức, Hồ Biểu Chánh, Hơn thế nữa, ông còn làm được nhiều hơn những nhà văn đi trước là không chỉ dừng lại ở những sáng tác văn chương, mà còn quan tâm tới lĩnh vực biên khảo, một lĩnh vực mà các nhà biên khảo miền Nam cũng có những đóng góp lớn, như: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Lê Ngọc 64 Trụ, Vương Hồng Sển...Những đóng góp to lớn của Sơn Nam cho văn học miền Nam nói riêng, cho văn học nước nhà nói chung xứng đáng để người đời gọi ông là một “ Nhà Nam Bộ học” Bên cạnh việc tái hiện lại vùng đất và con người Nam Bộ qua các công trình khảo cổ, sự tài tình trong việc biểu thị tính cách nhân vật hoàn toàn phù hợp với đặc trưng của con người Nam Bộ, điều quan trọng hơn cả để thiên hạ gọi ông là“Nhà Nam Bộ học” chính là văn phong của ông. Văn phong của ông đã kế thừa và phát huy được tốt văn phong của những nhà văn Nam Bộ tiền bối hoặc đàn anh, đặc biệt là ở ngôn ngữ kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật. Nó mang những đặc trưng đầy đủ về phương ngữ Nam Bộ ở cả các bình diện: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và cả phong cách diễn đạt. Nhưng ở trong khuôn khổ này, chúng tôi chỉ dừng lại ở từ ngữ Nam Bộ trong sáng tác của Sơn Nam mà thôi 3.2.1. Việc dùng từ ngữ trong văn bản khoa học, hành chính đòi hỏi sự chuẩn mực toàn dân; nhưng việc dùng từ ngữ trong sáng tác văn chương thì cần phải có chất liệu đời sống mà điều này thì cần phải có một lối diễn đạt thích hợp. Chất liệu của đời sống là những gì nhà văn quan sát, tai nghe mắt thấy và hơn nữa là sự trải nghiệm. Ngôn ngữ văn chương của ông làm sống lại trước mắt người đọc một vùng đất phía Nam của Tổ quốc với sự trù phú, đa dạng về sản vật tự nhiên nhưng cũng vô cùng khắc nghiệt. 3.2.1.1. Theo khảo sát của Nguyễn Nghiêm Phương trong “ Màu sắc Nam Bộ trong ngôn ngữ truyện, ký của Sơn Nam”, tác phẩm của Sơn Nam có sự phong phú đến mức cực đại những từ ngữ riêng của phương ngữ Nam Bộ, không thấy xuất hiện ở những phương ngữ khác như: - Từ ngữ miêu tả các địa hình chứa nước: rạch, kinh, mương, đìa, bàu, lung, đầm, hồ, láng, doi, gành, - Từ ngữ chỉ phương tiện đi lại trên sông, rạch: ghe, xuồng, xuồng cui, xuồng ba lá, tàu, tàu lặn, đò, ghe bầu, ghe ngo, xuồng tam bản - Từ ngữ miêu tả sự vận động của con nước: nước ròng, nước lớn, nước đứng, nước cạn, nước vọt, nước bò, nước rút, nước nổi, nước leo, nước chuyển, nước ngập, nước dậy, nước trở mình, 65 - Từ ngữ chỉ tên gọi về nước: mặt nước, dòng nước, ngọn nước, mí nước, sóng nước, bọt nước, giọt nước, - Từ ngữ gọi tên động và thực vật: cua, ốc, tôm, cá sấu, rùa, diệc, le le, già sói, cò, vạc, giang sen, chàng bè, bồ nông, cáo, chồn, khỉ, nai, vượn, heo rừng, cọp, chuột; cóc kèn, ô rô, choại, mốp. lau, sậy, đế, tràm, mái dầm, Trên đây là chất liệu từ đời sống mà nhà văn đã tái hiện trong tác phẩm của mình. Sự phong phú của những từ ngữ riêng Nam Bộ đã giúp cho văn của Sơn Nam không lẫn với văn của các nhà văn tiền bối và đàn anh. Bởi lẽ, điều kiện tự nhiên, môi trường sinh sống là một yếu tố luôn để lại dấu ấn riêng trên trang văn của mỗi tác giả. 3.2.1.2. Ngôn ngữ của người dẫn truyện trong tác phẩm của Sơn Nam hấp dẫn và mang đậm sắc thái Nam Bộ Ngôn ngữ dẫn truyện trong các tác phẩm của ông, có những đoạn có thể xem là tiêu biểu của lối “văn nói Nam Bộ”, lối văn thường gồm những câu ngắn gọn, có nhiều từ ngữ Nam Bộ trong giao tiếp bằng lời được thể thành văn viết như: Đoạn nói về tình cảnh “gà trống nuôi con” của Tư Thính: Tư Thính day lại. Đứa con gái vừa lên tám tuổi bưng chén cơm đến gần. Chú vuốt tóc con, bùi ngùi thương xót. Mẹ nó mất hồi năm ngoái. Ngày nào cũng vậy, trước khi ra ruộng, chú bới sẵn chén cơm, gắp khứa cá để trong cái dĩa nhỏ. Khi thức dậy, đứa con ăn cơm một mình rồi ra ngồi ở góc sân, trông ra ruộng.” (Bà Chúa Hòn) Đoạn nói về tình cảnh cha con Hai Lến: “Nó chưa hiểu tại sao cha nó chiều nay bỏ qua thời tụng kinh chiều. Là người cư sĩ tu tại gia, cha nó luôn luôn đi chùa Phù Dung vào ngày sóc, ngày vọng và năm sáu năm liên tiếp, chưa bao giờ bỏ qua thời kinh chiều, dẫu là khi đau ốm. Ba nó lên bàn thờ ông Bổn để làm gì? Nó không dám hỏi, sợ bị rầy. Từ trên cao, giọng khàn khàn của lão Hai Lến khấn vái nghe mơ hồ. Thằng Mến nghiêng tai nhưng chẳng tài hiểu rõ vì ba nó khấn vái lâm râm, tiếng to, tiếng nhỏ đứt quãng...” (Xóm Bàu Láng) 66 Đoạn nói về những trăn trở của Tư Lập khi quyết định rời khỏi khu rừng U Minh, mảnh đất lập nghiệp ban đầu của mình: “Hôm sau, chú viện cớ ra đi lúc mùa bông tràm nở trắng rực. Chú không thèm làm nghề ăn ong nữa. Hàng trăm tấm kèo bằng cây mun, chú giao lại cho ông hương giáo. Chú về Long Xuyên. Nhưng hương rừng có ma lực quyến rũ. Lúc mới đến thì vui. Ở lâu lại sanh buồn. Xa cách lâu ngày thì đâm ra nhớ không nguôi, không trở lại không được. Chú lại trở về“. (Hương rừng trích trong Hương rừng Cà Mau ) Đoạn miêu tả đặc điểm ở một địa hình sông nước có nhiều lục bình: “Dông dài lắm. Chỗ này kêu là “giáp nước”, do Tây đào kinh xáng gây ra. Nước lớn phía Cần Thơ dồn qua, nước lớn phía Rạch Giá dồn lại. Hai ngọn nước gặp nhau tại đây. Suốt ngày đêm, nước đứng tại chỗ. Xa biển, ngoài biển vừa ròng, thỏm nỏm, chưa rút hết thì đứng lại, rồi nước lớn. Bởi vậy, từ mấy chục năm rồi, nó sanh đẻ tại chỗ, dày bịt, quy tụ nào xác chó, rắn nước, cá tôm. Giống như cái trấp ở U Minh, trên mặt cứng, phía dưới nước lõng bõng, coi như bơi xuồng được, nhưng rốt cuộc là chịu thua, sa lầy.” (Vẹt lục bình trích trong Biển cỏ miền Tây) 3.2.1.3. Ngôn ngữ đối thoại, hay ngôn ngữ nhân vật trong truyện Sơn Nam là ngôn ngữ thường nhật của người dân Nam Bộ. Nó thể thiện được tính cách và tâm lý ứng xử của người Nam Bộ đó là sự bộc trực, mộc mạc, dân dã, tính hào hiệp, trọng nhân nghĩa... Đoạn đối thoại giữa những người trong gia đinh chú Tư trong “Mùa len trâu”, có thể làm ngạc nhiên vì cách ăn nói có vẻ quá “bình đẳng, dân chủ” trong một gia đình, làm người nghe hơi khó chịu vì nó thiếu tính “lễ nghi, thứ bậc, tình cảm” cần có của một gia đình, nhưng trong cách nói năng của người Nam Bộ thì điều ấy cũng bình thường. Vì theo họ, cái chính là sự chân thật trong tình cảm của các thành viên. Ta hãy nghe họ nói chuyện: “Chú Tư Đinh lại vấn điếu thuốc thứ nhì, mỉm cười khi thấy từ chân trời một cơn mưa to hơn sắp kéo đến: - Ừ! Mưa hoài đi. Ông trời năm nay biết điệu, thuận mùa, thuận tiết... Thím Tư như phản đối chồng: 67 - Mưa vài đám nữa thì có môn leo lên nóc nhà mà ở. Ba cái lu, cái hũ trôi lểnh nghểnh trong nhà rồi, ba nó chưa hay sao? Gạo hết, tiền hết... Chú Tư chờ thằng Nhì vào nhà. Nó cởi cái áo ướt mem quăng trên sàn: - Xung quanh đây hết cỏ rồi. Làm sao bây giờ hả ba? Trâu đói nữa, con mắt nó đổ ghèn hoài. Chú nói: - Bên giòng cát Sóc Xoài... Mày có qua tới đó không? - Có. Mà hết cỏ rồi. Mấy lõm cỏ sau chùa không đủ cho trâu bò ở đó ăn, đâu có dư tới mình. Trâu mình ốm nhiều. Từ đây tới nước giựt còn trên ba tháng nữa, làm sao chịu nổi? - Hồi đầu mùa, tao biểu giao trâu cho họ len đi miệt khác kiếm cỏ. Má mày ngăn cản. Bây giờ tới nước này rồi...”. Đoạn đối thoại tình cảm giữa thằng Lợi và con Lài, con của hai ông thầy thuốc rắn, trong Cây huê xà, cũng dân dã, mộc mạc; không hoa mĩ, trau chuốt như lớp thanh niên thành thị, cố tìm những lời hay ý đẹp cho vừa lòng nhau: “Thằng Lợi day lại cười: - Đi đâu vậy cô hai... rắn bông súng? Con Lài sực nhìn chiếc áo có bông đang mặc. Nó e thẹn, liếc thằng Lợi: - Em giống như con rắn bông súng. Còn anh, áo đen mốc như con rắn hổ đất. Cười em làm chi. - Rắn đâu dám cười rắn. - Nó vừa nói vừa nắm tay con Lài.” 3.2.1.4. Điều đặc sắc trong ngôn ngữ của Sơn Nam là ông đã vận dụng rất nhiều thành ngữ, tục ngữ phản ánh môi trường thiên nhiên Nam Bộ trong sáng tác. Với bút pháp tả thực và ngôn ngữ mộc mạc, dung dị, Sơn Nam đã tái hiện một cách sinh động thiên nhiên, đất trời Nam Bộ của những ngày còn hoang sơ. Nhưng để có được kết quả đó còn phải nói đến sự đóng góp của các thành ngữ, tục ngữ mà ông sử dụng. Có thể kể ra một số thành ngữ như: cây nhà lá vườn, chim kêu vượn hót, đồng không mông quạnh, nước mặn đồng chua, chim trời cá nước, cò bay thẳng cánh, khỉ ho cò gáy, hải giác thiên nhaiChính nhờ những thành ngữ này mà vẻ nguyên sơ của một số vùng đất ở Nam Bộ như huyền hoặc, hấp dẫn hơn: 68 “Sau khi rời khỏi ghế trường quận, tuy thi rớt bằng sơ học nhưng hắn vẫn bình tĩnh. Ở chốn khỉ ho cò gáy, kẻ thi rớt sơ học nghiễm nhiên là nhà thông thái” (Mối tình đầm lai, tr. 613) “Cô gái ở Rạch Giá thèm đời sống ở miệt vườn “Mẹ mong gả thiếp về vườn; Ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh”, cô gái miệt vườn lại e ngại khi lìa quê, theo chồng tận chốn chim kêu vượn hú” (Văn minh miệt vườn, tr. 387). Không dừng lại ở đó, những đặc điểm về khí hậu, thổ ngơi, tính chất hoang sơ, vắng vẻ tiềm ẩn nhiều hiểm nguy đối với người đi khai hoang của vùng đất này cũng được nhà văn miêu tả qua nhiều thành ngữ, tục ngữ. Chẳng hạn: “Phía Rạch Giá - Cà Mau là đất xấu, xưa kia ít vườn tược, nước mặn đồng chua, con người “chân cẳng đóng phèn, quần áo mốc thích (thếch)” (Đồng bằng sông Cửu Long - nét sinh hoạt xưa, tr. 13) “Sống bằng nghề vườn ít dầm mưa dãi nắng như nghề ruộng, gặp mưa to nắng cháy thì cứ vô nhà mà nghỉ. (Văn minh miệt vườn, tr. 308) “Nhiều vùng hoang vắng, tưởng như chưa ai đến nhưng thấy rải rác năm ba nấm mồ vô chủ, tự bao giờ, chưa kể những kẻ hùm tha sấu bắt chết ngoài sông cái, giữa rừng hoang” (Đồng bằng sông Cửu Long- Nét sinh hoạt xưa, tr. 45) Tác giả Dương Thị Thúy Hằng đã nhận xét về việc sử dụng thành ngữ, tục ngữ trong tác phẩm của Sơn Nam như sau: “Quả thật cùng với những đoạn tả cảnh nhẹ nhàng dung dị, những thành ngữ, tục ngữ trong sáng tác của Sơn Nam đã góp phần không nhỏ trong việc tái hiện hình ảnh của thiên nhiên, đất trời Nam Bộ một thời mở cõi với tất cả những chi tiết, đường nét sinh động của nó. Đó là một miền Nam hãy còn ngủ yên trong hoang sơ, vắng vẻ, nơi còn tiềm ẩn biết bao nguy hiểm và thách thức đối với con người. Nhưng đất ấy, thiên nhiên ấy cũng thật thơ mộng và đầy hứa hẹn, hoàn toàn có thể sưởi ấm tâm hồn xa xứ của những lưu dân bằng một cuộc sống ấm no và đầy đủ”. [27; 34] Tóm lại: Với những đóng góp to lớn của Sơn Nam cho nền văn học miền Nam nói riêng và nền văn học nước nhà nói chung, ông xứng đáng là một Nhà Nam Bộ học. Đóng góp lớn của ông không chỉ thể hiện ở việc tái hiện lại thiên nhiên và cuộc 69 sống của con người Nam Bộ từ thời khai hoang lập ấp mà còn thể hiện ở ngôn ngữ mang đậm sắc thái địa phương Nam Bộ trong từng trang viết của ông. 3.2.2. Cùng một thế hệ với nhà văn Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc cũng sử dụng từ ngữ địa phương Nam Bộ để sáng tác. Có thể nói, ngôn ngữ của Bình Nguyên Lộc cũng là ngôn ngữ đặc trưng của văn chương và cuộc sống miền Nam. 3.2.2.1. Nét đặc trưng Nam Bộ được thể hiện trong việc sử dụng từ ngữ Nam Bộ để tái hiện khung cảnh nông thôn Nam Bộ Nếu như Sơn Nam đã dựng lên bức tranh thiên nhiên miền Tây Nam Bộ với những từ ngữ riêng thì Bình Nguyên Lộc cũng có những bức tranh tương tự. “Rừng mắm” là truyện ngắn hay, miêu tả cuộc chiến đấu với thiên nhiên, lấn biển để giành đất sống của những con người mới ở vùng đất xa xôi, tận cùng của Tổ quốc. Có nhiều đoạn văn hay miêu tả cái thiên nhiên hoang sơ của vùng đất này: - “ Sau lưng thằng Cộc là những rặng tràm bị cháy xém dưới trận lửa khai hoang, không chết cháy, nhưng chết nhát, cứ mỗi năm chết lần mòn thêm vài mươi cây. Mấy hàng tràm đầu nám đen và trụi nhánh như cột nhà cháy, căm hận nhìn chiếc chòi lá xa tít mù dưới mé rạch đang chứa chấp kẻ thù đã lấn đất của chúng, đã sát hại chúng. Sau đó, rừng tràm dày mịt, chằng chịt những dây bòng bong, dây choại bò từ thân cây này sang thân cây khác. Thằng Cộc lắng tai nhưng không nghe tiếng động nào cả. Nó đánh bạo chen qua những cây bình bát, cây ráng, mọc xen với tràm, để đi tới đích. Một ổ chồn cộc bỗng chạy qua trước mặt nó khua lên một cái roạch, làm nó giựt mình, nhưng tiếng người trên Ô Heo cách đó chừng hai hàng cây giúp nó vững dạ” [38; 647] Hay là: - “ Đủ thứ là cò: cò ma, cò lông bông, cò quắm, cò hương thân mật nhìn gia đình bốn người gặt lúa nhà. Đây là bốn người độc nhứt mà chúng thấy mỗi ngày ở vùng hoang vắng này; ban đầu chúng sợ hãi họ, nhưng về sau thấy họ hiền từ quá, chúng làm quen với họ đã được ba, bốn thế hệ cò rồi” [38; 655] 70 Các từ ngữ chỉ động và thực vật của Nam Bộ cũng được tìm thấy trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc, nhưng không phong phú và đa dạng như trong tác phẩm của Sơn Nam. Điều này hẳn có lý do. Ngôn ngữ, suy cho cùng, nó là một phương tiện biểu đạt, nhằm thể hiện nội dung mà tác giả muốn đề cập. Trong sáu mươi năm cầm bút, các sáng tác của Sơn Nam đều tập trung vào một chủ đề lớn: tái hiện lại quá trình mở mang bờ cõi của những lưu dân miền Bắc và Trung ở vùng đất mới. Do đó, nội dung sáng tác của Sơn Nam là thiên nhiên, tập quán sinh hoạt và cá tính của con người Nam Bộ trong suốt quá trình sống, chiến đấu với tự nhiên của họ. Chính nội dung ấy, chính chủ đề ấy đã chi phối phương tiện ngôn ngữ mà tác giả sử dụng. Còn Bình Nguyên Lộc, bên cạnh đề tài khai hoang, mở đất, ông còn khai thác nhiều đề tài khác; bên cạnh việc tái hiện lại thiên nhiên và con người Nam Bộ, ông còn tái hiện thiên nhiên và con người ở thành thị, đó là Sài Gòn - Gia Định. Sự đa dạng về đề tài đã góp phần phân tán những từ ngữ mà tác giả sử dụng để sáng tác. Vì thế, sự phong phú hơn về lớp từ ngữ này trong tác phẩm của Sơn Nam so với tác phẩm của Bình Nguyên Lộc là điều dễ hiểu. Nhưng khác với vùng Tây Nam Bộ, bên cạnh những bức tranh sông nước, Bình Nguyên Lộc còn khắc họa một nông thôn Đông Nam Bộ với hình ảnh, màu sắc đặc trưng của những cây dầu lông vùng Tân Uyên, quê ông: “ Nếu cây trắc giống như người già háp, lâu lớn, cằn cỗi, cây sao giống một người mạnh mẽ, vừa tầm thì cây dầu giống một anh cao lỏng khỏng, y phục lại đơn sơ.[] Rừng dầu thưa, thân suôn đuồn đuột vươn mình lên cao mãi tận đâu.[] Trên lớp lá dầu tròn, xòe ra như cánh quạt bông dầu nhuộm hồng cả khu rừng. Bông dầu lông đỏ lợt, lấm tấm những điểm trắng rất đẹp. Họ đạp lên những lá dầu kêu rôm rốp. Trên đầu họ, ong kêu vù vù là muôn ngàn người đương trò chuyện trên ngọn cây. Những miệng dầu bị đốt, hả miệng đen ngòm dưới ngọn cây”[39 ; 46] Ở đây, những cây trắc, cây sao, cây dầu hiện lên sinh động với những gam màu hồng, xanh, trắng và đen, những âm thanh vù vù, rôm rốp. Đặc biệt, bằng việc sử dụng những từ ngữ sắc thái hóa cao: cao lỏng khỏng, suôn đuồn đuột, đen ngòm, 71 Bình Nguyên Lộc đã dựng lên trước mắt người đọc một rừng cây dầu quê ông. Những ai chưa từng nhìn thấy cây dầu một lần cũng có thể hình dung được qua trang văn của tác giả. Bởi lẽ, bản thân những từ ngữ sắc thái hóa trên đã giới thiệu một cách rõ nét, cụ thể về đối tượng mà chúng biểu đạt. Còn đây lại là một góc quen thuộc nữa của làng quê Đông Nam Bộ, nhưng không thấy ở làng quê Tây Nam Bộ: “ Rừng cao su dày mịt hai bên đường đuổi cả nắng ở đây không còn sót một giọt. Những cây cao su già cỗi trồng ven đường giao nhành lại với nhau kết thành một vòm xanh che kín mít” [39 ;28] Ấn tượng về một rừng cao su mang đặc trưng của vùng Đông Nam Bộ là sự dày mịt, kín mít. Hai tính từ chỉ mức độ cao này đã diễn tả được mật độ của những cây cao su, cây này nối tiếp và đan xen với cây kia che mát cả một không gian rộng lớn mà nói như tác giả là chúng “đuổi cả nắng ở đây không còn sót một giọt”. Bên cạnh không gian nông thôn, Bình Nguyên Lộc còn khắc họa một không gian đô thị. Không gian đô thị trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc là không gian của một Sài Gòn, Sài Gòn trong hiện tại và cả một Sài Gòn trong tâm tưởng của tác giả. Sài Gòn trong con mắt của nhà văn là Sài Gòn của những hàng me, “ những hàng me chứa chấp cô Mùa, một cô gái quê ít dám héo lánh đến thành phố. Chính trên mớ tóc xanh biến màu theo thời tiết của người mà khách yêu thiên nhiên tìm dấu chân Mùa hàng năm len lén đến vài lần nơi thành phố”[ 38;818] và đây là những chi tiết miêu tả về chính hàng me ấy: “ Me vốn đẹp với thân cây đều đặn, không cao lỏng khỏng như dầu, không lùn tịt như xanh, đẹp với cỏ cây cằn cỗi những cội tùng già bên chùa cổ trên một sườn non, với rêu xanh non mởn bám trên vỏ sậm đen, đẹp như non bộ dày sương dạn gió, với tàn không thưa, không xơ rơ như tàn sầu riêng, không dày mịt như măng cụt, vốn nó đã đẹp ở ngoài thiên nhiên rồi, mà trồng trên vỉa hè đá, bên cạnh những ngôi nhà xi măng cốt sắt, khô, nắng và buồn, thì nó đẹp hơn biết bao!” [38; 817] 72 Sài Gòn trong tâm tưởng của tác giả còn là dòng sông Ông Lãnh, “ con sông gợi tình, thỉnh thoảng màu nước xanh biến ra vàng sậm vì từ lòng cạn vẩn lên phù sa gợi nhớ Thủy Chân Lạp hoang vu, nê địa, gợi nhớ cuộc đổ xô vào Nam, gợi hình ảnh đẹp đẽ của đoàn người chiến đấu với thiên nhiên để khai thác đất mới” [38; 820] Sài Gòn không chỉ có những hàng me, những con sông gợi tình mà có cả một nghĩa địa của những hồn ma cũ. “ Đi trên vỉa hè, phố Bùi Chu đến góc Bùi Chu – Bùi Thị Xuân bạn bỗng nghe một cảm giác là lạ dưới chơn. Vỉa hè đất thịt bằng phẳng bỗng gập ghềnh và làm cho tiếng giày của bạn vang lên. Nhìn xuống, bạn mới nhận ra dấu vết của một mả vôi trám cả bề rộng khá lớn của vỉa hè” và bạn khám phá ra “ thành phố của ta xây cất trên một bãi tha ma minh mông” [38; 873] 3.2.2.2. Nét đặc trưng Nam Bộ thể hiện trong cách đặt tên riêng của nhân vật Đọc tác phẩm của Bình Nguyên Lộc, ta thấy rất nhiều nhân vật hiện lên với cái tên “ rặt Nam Bộ”. Chỉ cần đọc tên là biết người dân của miền nào: Cậu Hai Qườn, anh Xòn ( Đò dọc), thằng Cộc, con Thôi ( Rừng mắm), anh Nhánh ( Không một tiếng vang), con Nhộng ( Má ơi! Má! ), con Dừa ( Cây Đào lộn hột), thằng Bò, thằng Mận, thằng Nhóm, thằng Ngộ, ông Hương cả Mộc, anh thợ cày Mừng, bác thợ rèn Nứa, thầy giáo Rô ( Tiếng vang trễ muộn) 3.2.2.3. Đặc biệt, nét riêng Nam Bộ còn được thể hiện trong cách vận dụng từ ngữ và cách diễn đạt rất điển hình của quần chúng bình dân miền Nam. Chẳng hạn: “ – Gì đó chị Sáu? – Chú Tư Ngộ hỏi. - Huhuhu, bà con ơi, anh Nhánh ảnh lặn mất rồi - Từ bao lâu? - Độ tàn hai điếu thuốc. - Dữ hôn? Sao không đợi tới chiều hãy la làng cầu cứu.” [37; 112] Cách nói của nhân vật là cách diễn đạt rất điển hình của người bình dân Nam Bộ. Cụm từ “ độ tàn hai điếu thuốc” là những từ ngữ thể hiện cách xác định không gian rất đặc trưng của người bình dân Nam Bộ. Thời gian ở đây không qui định một 73 cách chính xác, mà nó tùy thuộc vào cảm nhận chủ quan của người nói.. Ngoài việc dùng thời gian tàn điếu thuốc để đo lường thời gian, người Nam Bộ còn dùng con nước, con bóng để xác định thời gian: “ – Nước gần đứng lớn chưa? - Mới có nửa con nước, còn lâu mà. - Nửa con nước, nhưng ta chưa đầy nửa ghe cát. - Khi mạnh khỏe thì khác, giờ bệnh hoạn thì khác chớ! Mình cứ muốn đầy ghe trong một con nước sao được?” [37; 110] “ – Mày đi đâu mà tới đứng bóng mới về?- Má thằng Cộc hỏi. - Tôi đi lượm lông chim lông ô. - Lông đâu? - Mà kiếm hoài hổng có. - Mồ tổ cha mày, nhiều chuyện. Chim lông ô đời xưa chứ đời nay đâu còn nữa. Mai gặt nghe không? Ăn cơm khuya rồi xuống đồng cho sớm, đừng đi đâu hết” [38; 651] Cách đo độ dài của không gian cũng thế. Người miền Nam thường đo độ dài không gian ước lượng bằng dặm hú : “ Trọn vùng này, ông nội nó đặt tên là Ô Heo. Nhưng trong gia quyến của nó thì Ô Heo chính hiệu là một cái gò xa ở tận trên kia, cách mé rạch đến hai dặm hú” [38; 645] Cách đo thời gian, không gian như thế cho thấy đặc điểm, tính cách phóng khoáng của người dân Nam Bộ. Họ không cần dùng đến những cách đo lường chính xác tuyệt đối chỉ cốt làm sao thể hiện được điều mình muốn nói, đồng thời người nghe cũng lĩnh hội được điều đó là được. Là một người con của đất Nam Bộ, Bình Nguyên Lộc đã thể hiện điều đó thật hay trong tác phẩm. Nếu truyện của Sơn Nam có nhiều đoạn đối thoại để lại nhiều ấn tượng cho người đọc về đối đáp mộc mạc, chân tình, nhưng rất duyên dáng của người Nam Bộ thì trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc cũng có không ít những đoạn đối thoại như vậy. Chúng ta hay nghe cuộc trò chuyện của bốn chị em của Thái Huyên Trang với cậu Hai Qườn trong tiểu thuyết Đò dọc: 74 “ – Độ rày cậu làm gì cậu Hai? – Hoa lại hỏi. - Cũng hổng cần làm gì. À, mà tui có tự túc một bầy gà Huê Kỳ, coi bộ tương lai quá khứ. . - Tự túc là gì cậu? – Hương hỏi thật tình - Tự túc là nuôi, chớ là gì? - Vậy hà, còn “ tương lai quá khứ”? - Tương lai là tương lai, còn quá khứ là quá xá. Tiếng mới mà. Tui nghe họ nói hay quá, nên tui bắt chước dùng theo. Thí dụ phạm tội họ nói phạm vi. Thù vặt họ nói cá nhân, nghe hay quá khứ. Hoa và Qúa núp sau lưng hai chị mà cười đến chảy nước mắt. Cô Qúa, mặt mày đỏ rần, bước ra khỏi chỗ núp nói: - Hôm nay cậu mặc đồ xanh trông đẹp trai quá khứ, nhưng cậu lại phạm vi về đôi dép. Dép phải quai màu đỏ mới ăn với màu xanh nầy. Tui tính thiệt nói ngay, cậu đừng có cá nhân tui nghen! - Tui người quân tử mà, ai lại cá nhân cô” [39; 67] Hay cuộc đối thoại sau đây trong “ Hai buổi giậm cù”: “ – Ra đây chơi anh. Ở miệt trển chắc mấy anh ăn cực lắm? - Thì đành là kham khổ rồi. Có khi chúng tôi chỉ ăn muối sả. - Ở đây thì tôm cá ê hề. Biết rõ tình cảnh mấy anh, có khi nhớ tới chúng tôi nuốt không vô. Bữa nay tôi tính đãi anh một bữa thịt chuột. - Sướng a, chuột rô ti! Mà làm sao có? - Thì đi bắt đây. - Bắt chuột bằng đó? Tôi tưởng anh đi bắt cá chớ! - Anh quên rồi sao? Giậm cù mà. - Ờ phải, tôi mau quên quá. - Mau đâu, hai mươi năm rồi, còn gì nữa” [37; 326] Dù chú ý sử dụng từ ngữ địa phương bình dân, giản dị nhưng Bình Nguyên Lộc không hề lạm dụng nó để làm nổi bật sắc thái địa phương mà tùy đối tượng, tùy 75 chủ đề tác phẩm mà ông sử dụng . Bên cạnh việc thể hiện cách nói của người bình dân, trong tác phẩm, chúng ta còn bắt gặp cách nói của người đô thị, của tầng lớp trí thức. Điều đó được nhận biết bằng cách ông sử dụng nhiều từ ngữ vay mượn từ tiếng Pháp và việc sử dụng kết hợp giữa những từ tiếng Việt chuẩn và những từ ngữ Nam Bộ trong cách dẫn truyện cũng như lời đối thoại của nhân vật. “- Có bao giờ anh Lưu đưa chị đi xi nê không? - Anh mà xấu quá! Chắc ảnh để dành xe đặng chở bạn gái chớ gì? - Ai biết đâu. Hình như là ảnh không có bạn gái.” [40; 1025] Hay: -“ Từ ngày xóm tiếp nhận nữ khách mới thì cậu xức nước hoa chế tạo ở Chợ Lớn mà nhét mù soa nhỏ có thêu chéo xanh xanh, đỏ đỏ, trên miệng túi pi gia ma” [39; 65] “- Chàng không đi thăm Liễu nữa, bụng bảo dạ để Liễu tự do lựa chọn, vì biết đâu đêm ra ngoài xã hội mà người Pháp nói là vào xã hội, nuốt mất đi hai tiếng mô đen, biết đâu đêm đầu tiên ấy nàng đã gặp ngay người lý tưởng” [40; 1067] “ Qúa cầm chiếc nhà non bộ giữa hai ngon tay rồi hô lên: - Búp bê lô- canh, không bằng nhựa mà bằng đất hầm” [39; 240] “ Nỗi khổ của tôi bắt đầu từ hôm pic nic ấy”.Tôi có mang theo bánh mì, lạp xưởng và nước trà nóng đựng trong bình thủy nên khỏi phải làm việc. Chính anh Minh, ba của con bé Liên của chúng tôi, đã đòi hỏi như vậy, anh ấy cho rằng ăn bánh mì tuy không ngon bằng ăn cơm nhưng anh ấy không muốn thấy tôi cực nhọc cả trong ngày nghỉ cuối tuần nữa” [38; 959] 2.2.4. Bên cạnh ngôn ngữ giản dị, trong sáng dễ hiểu, ngôn ngữ trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc còn mang nét dí dỏm, thông minh và không thiếu những triết lý sắc sảo. Đây là điểm khác so với ngôn ngữ của Nhà Nam Bộ học, Sơn Nam Sự dí dỏm, thông minh trong cách nói của nhân vật cũng như trong cách dẫn truyện chính là sự khéo léo trong cách vận dụng từ ngữ của tác giả. Người đọc cảm thấy hứng thú và bị lôi cuốn khi đọc văn ông. Để đạt được điều đó, nhà văn đã rất 76 chắt lọc, tìm tòi những từ ngữ hay nhất trên cái nền của từ ngữ địa phương Nam Bộ. Chúng ta hãy nghe những cuộc trò chuyện của những người trong gia đình ông Nam Thành về việc phân công lao động giữa các thành viên ngay sau khi họ vừa chuyển từ Sài Gòn đến một vùng nông thôn hẻo lánh: “ - Ở nhà quê phải vậy. Có nhậu mới có tới lui xóm giềng được. À, thay phiên nhau đi chợ, rồi thay phiên nhau mà giặt dịa. - Bàn ủi điện má bán rồi, còn đâu mà - Má mầy bán là phải, ở đây lấy đâu ra điện. Mà không cần mặc đồ ủi nữa. Có muốn làm dáng hãy tự ủi lấy. - Ủi điện? - Phải, ủi điện, mà là điện trời, nghĩa là vuốt cho thẳng, xếp tử tế rồi để dưới gối nằm đè lên đó, thì nó sẽ láng như là Cả nhà cười ngả nghiêng ngả ngửa Ông Nam Thành lại tiếp: - Thay phiên nhau giặt dịa, rồi áp nhau mà làm vườn. - Đi chợ rồi nghỉ, giặt dịa rồi nghỉ, làm vườn rồi nghỉ, rửa chén rồi nghỉ,, cho heo ăn rồi nghỉ, phải không ba? – Cô Hoa ranh mãnh hỏi cha như vậy. - Đúng! - Ứ hự! - Còn chị Hai, ba? - Con Hai làm bếp. Nên nói rõ chi tiết. Làm vườn gồm có những công việc sau đây: nhổ cỏ, kéo nước tưới cây, bắt sâu, cho heo, cho gà ăn, - Ba trộn lộn chăn nuôi và trồng trọt. Đó là hai khoa khác nhau. Con học ở trường họ dạy như vậy. - Hay là con Ba biệt phái chăn nuôi. Hai đứa kia làm vườn – Ông Nam Thành đề nghị sau lời cãi lý của Hoa. - Không đâu, con muốn chăn nuôi hè! - Con cũng vậy! - Ừ, oẳn tù tì, đứa nào thắng là được chăn nuôi. 77 - Thôi, đừng cà rỡn nữa. Phận sự của bốn đứa bây đã rõ rồi. Còn bà, bà kiểm soát, nhắc nhở chúng nó, và xuất phát tiền bạc. - Còn ông? - Tôi ấy à? Tôi thì tôi làm tất cả các công việc còn lại chưa ai nhận lãnh. - Đâu còn công việc gì, ba – Hoa cãi. - Ba ăn gian quá! Quá phàn nàn. - Sao lại không còn? Tiếp khách nè, đi thăm xóm giềng nè - Nhậu nè, - Bà Nam Thành vừa xỉa thuốc sống, vừa tiếp lời chồng và bốn cô con gái đều cười rộ lên. - Nói chơi chứ ba sẽ làm tất cả công việc nặng mà mẹ con bây không làm nổi. Nội hai việc sau đây, thử hỏi đứa nào dám đảm đương không? Đó là việc canh ăn trộm và coi chừng ma cho bây ngủ” [39; 34-35] Đôi khi, ngôn ngữ địa phương trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc đã đem đến những triết lý sâu sắc, những điều giản dị nhưng người ta lại bỏ quên. Nhà văn Tạo, nhân vật chính trong truyện ngắn “ Nhốt gió” đã nhận ra được một chân lý: không thể nhốt những tư tưởng mới mẻ của lớp trẻ khi chúng ta đang sống trong một xã hội luôn luôn vận động và phát triển, sau khi anh vô tình bắt gặp hình ảnh một thằng bé đang cố hết sức để kìm giữ gió làm sập nhà chòi của nó, nhưng không sao làm được: “ Chàng đâm ra hoài nghi. Phải chăng lòng và trí người luôn thay đổi và cái văn hóa phương Tây mà chàng hấp thụ được và tưởng là bât di, bất dịch cũng đương biến chuyển mà chàng không dè. Có thể như vậy lắm. Là vì chàng đã luyện con theo óc của chàng, chàng không cổ hủ, mà sự xung đột lại bắt đầu Chàng có thể cấm thằng Kiệt bỏ chàng lại sau chăng? Không! Chàng biết lịch sử nhân loại. Không có một thí dụ nào chứng tỏ rằng người ta có thể ngăn cản tư tưởng được hết. Nó như làn sóng vỡ bờ, lôi cuốn tất cả mọi chướng ngại vật. Và như làn sóng, nó sẽ chết đi nơi bờ bến nào đó, trong khi những làn sóng khác tiếp nhau mà rượt nó. Nó sẽ chết như vậy, và chỉ như vậy” [37; 259] 78 Bằng những từ ngữ Nam Bộ trong sáng, kết hợp với lối so sánh chính xác hợp lý, Bình Nguyên Lộc đã mang đến những triết lý vừa mới mẻ vừa rất giản dị trong cuộc sống hằng ngày. Còn đây là những dòng văn đầy triết lý khác được rút ra bằng những lời độc thoại nội tâm của Nhâm. Nhân vật Nhâm đã tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống hiện tại khi chàng vừa bước qua ranh giới của những hoài niệm về một thời thơ dại. Nơi đó chất chứa kỉ niệm trong sáng về người yêu, về những ngày tươi đẹp đã qua đi không bao giờ trở lại. “ Hiện tại có thiệt là tốt đẹp chăng?” – Nhâm lặp lại trong trí câu hỏi đó. Chắc chắn là không, vì chàng đang nghe khó chịu. “ Nhưng cái gì mới thật tốt đẹp chớ?” . Nhâm rối trí, điên đầu. “ Ngày mai, ừ, ngày mai sẽ tốt đẹp chăng?”. Hôm nay đã là ngày mai của quá khứ, mà nó không đẹp thì ngày mai của hôm nay lại đẹp gì hơn? Thế thì mình không bao giờ yên lòng được à? Hay là mình sẽ ráng làm sao cho ngày mai trở nên tươi đẹp? Ừ, có thể lắm đó chớ!” [37; 318] Có một điều thú vị từ trong ngôn từ của Bình Nguyên Lộc đó là tuy mang tính triết lý nhưng vẫn gần gũi và dễ hiễu với người đọc. Bởi lẽ, các nhân vật trong tác phẩm của ông là những con người hết sức bình thường, và những điều ông muốn gửi gắm cũng không ở đâu xa mà ở ngay trong cuộc sống bình thường xung quanh ta. Cũng vì hết sức bình thường như vậy nên mới dễ làm người đọc thấy rằng truyện của Bình Nguyên Lộc rất gần gũi và điều ông muốn gửi gắm lại nhận được sự đồng cảm của rất nhiều độc giả, không cứ là người nhiều chữ hay ít chữ. Đó là một thành công lớn trong việc sử dụng ngôn từ của Bình Nguyên Lộc. Tóm lại: Cùng là nhà văn Nam Bộ, cùng sử dụng một chất liệu ngôn ngữ Nam Bộ để sáng tác nhưng ngôn ngữ của Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam như hai nhánh rẽ từ một con sông: một nhánh đi về hướng Đông Nam Bộ, một nhánh đi về hướng Tây Nam Bộ. Cả hai cùng bổ sung cho nhau làm nên nhiều màu sắc, hương thơm cho ngôn ngữ văn chương Nam Bộ. 79 3.3. Nhận định chung về đặc điểm ngôn ngữ của Bình Nguyên Lộc Trong lịch sử văn học miền Nam, với chủ trương thể hiện tinh thần yêu chuộng thứ tiếng nói nôm na, bình dị của quê hương, các nhà văn miền Nam đã đưa ngôn ngữ Nam Bộ vào trong sáng tác và đã tạo nên màu sắc riêng cho vườn hoa văn học nước nhà. Khoảng 1930 đến 1975, văn học miền Nam phát triển mạnh mẽ với sự xuất hiện của nhiều tên tuổi được người đọc biết đến. Có những tác giả sinh ra ở miền Bắc nhưng cuộc đời và sự nghiệp sáng tác gắn liền với Nam Bộ, sáng tác của họ là sự pha trộn giữa ngôn ngữ miền Bắc và ngôn ngữ miền Nam như Lê Văn Trương, Nguyễn Hiến Lê. Cũng có những tác giả sinh ra, sống và sáng tác ở miền Nam nhưng sáng tác hoàn toàn theo ngôn ngữ miền Bắc như Đông Hồ, Mộng Tuyết. Đọc tác phẩm của họ,chúng ta hoàn toàn không thể phân biệt với các tác phẩm của các tác giả miền Bắc. Bên cạnh đó có những tác giả sử dụng thứ ngôn ngữ đặc sệt chất Nam Bộ như Sơn Nam, Phi Vân. . . Bình Nguyên Lộc lại có một cách vận dụng ngôn ngữ Nam Bộ khác. Không chỉ là nhà văn mà còn là nhà nghiên cứu ngôn ngữ, Bình Nguyên Lộc từng viết một số công trình khảo cứu đặc sắc như “Lột trần Việt ngữ”, “Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt”, thể hiện những tìm tòi, hiểu biết sâu rộng của ông về thứ tiếng mẹ đẻ thân thương của mỗi con người Việt Nam. Am tường tiếng Việt, yêu tha thiết quê hương Nam Bộ, Bình Nguyên Lộc đã sử dụng ngôn ngữ Nam Bộ làm chất liệu chính cho tác phẩm của mình. Tuy nhiên, ngôn ngữ Nam Bộ trong truyện ngắn của ông là sự giao thoa văn hóa giữa hai miền Nam và Bắc. Bởi lẽ sử dụng ngôn ngữ Nam Bộ, nhưng Bình Nguyên Lộc vẫn luôn giữ tác phong tỉ mỉ, chu đáo của một nhà nghiên cứu khi thường hay đệm vào tác phẩm của mình những dẫn giải, so sánh ngôn ngữ hai miền Nam Bắc. Nhìn chung, ngôn ngữ Nam Bộ trong truyện ngắn Bình Nguyên Lộc có được sự kết hợp nhuần nhuyễn, tinh tế giữa sắc thái phương ngữ Nam Bộ đậm đà và chất trau chuốt, mượt mà của tiếng Việt phổ thông. Đặc điểm này thể hiện qua các yếu tố sau: 80 3.3.1. Ngôn ngữ kể chuyện mang màu sắc địa phương Nam Bộ sinh động, giàu âm thanh, hình ảnh Cùng với giọng điệu hóm hỉnh, duyên dáng, ngôn ngữ kể chuyện của Bình Nguyên Lộc còn đặc biệt hấp dẫn bởi cách sử dụng tối đa các từ ngữ gợi hình ảnh, âm thanh vô cùng phong phú và độc đáo. Ông thường sử dụng những từ đa tiết: ong óng, lầm rầm, lụp cụp, lổn rổn,để diễn tả đặc điểm, tính chất của sự vật, hiện tượng. Trong sáng tác, Bình Nguyên Lộc có thói quen quan sát và lắng nghe mọi âm thanh của đời sống. Mọi thứ đều được ghi nhận trong tư duy của nhà văn, và được diễn đạt lại bằng vốn từ địa phương phong phú của ông. Bình Nguyên Lộc nghe được những thứ âm thanh lạ lùng mà rất gần gũi với đời sống: tiếng đất hấp hối, quằn quại, nặng nề; tiếng trở mình của lá chết; tiếng “đồng hồ bụng” của anh Chím Rắc; tiếng hát của người phổ ky trong tiệm ăn Tàu, tiếng tre nứa gặp lửa nổ lắc rắc, tiếng ruồi bay vù vù. . . Truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc như những cuốn phim có âm thanh nổi được dựng bằng ngôn ngữ. Mặc dù Bình Nguyên Lộc không phải là người đầu tiên, cũng không phải là người duy nhất sử dụng ngôn từ tái hiện âm thanh cuộc sống: trước ông có Hồ Biểu Chánh, sau có Phi Vân, Sơn Nam cũng có những đoạn văn “nổi” về âm thanh như thế. Tuy nhiên, Bình Nguyên Lộc vẫn có cái đặc sắc của riêng mình khi dùng âm thanh cuộc sống chuyển tải qua ngôn ngữ làm nên giọng văn đa dạng, sống động cho tác phẩm của mình. “Hồi bảy giờ rưỡi, thình lình một tiếng đá rơi trên ngói nghe chát chúa. Mợ của Hén rủa: “Quân dịch vật, ban đêm mà cũng bắn giàn thun cho bể ngói của người ta hết. Cậu của Hén cũng có mặt ở dưới nhà bếp, chỉ làm thinh thôi, nhưng châu mày suy nghĩ. Trẻ con bắn giàn thun bằng sỏi nhỏ cỡ ngón tay cái. Sỏi ấy rơi xuống ngói rồi thì lăn đi, kêu rổn rổn, nghe như cả mái ngói đều bể hết, nhưng không sao cả. Trong trường hợp này, tiếng chạm rất ngắn, nghe biết ngói bể, nhưng chỉ bể vài tấm thôi rồi cái vật này nằm yên nơi chứ không lăn xuống dốc mái nhà, chứng tỏ nó nặng lắm.” [38; 1018] Hoặc: 81 “Một tiếng súng. Trả lời tiếng súng ấy, mấy mươi chiếc phèng la đánh lên một lượt, rồi mấy trăm người hô lên một lượt để ra hiệu khởi hành: Phèng! -Hè! Phèng! -Hè! Bây giờ sông nổi sóng. Mũi ghe rẽ nước vo vo. Giầm chém xuống mặt sông làm bắn nước lên trắng như bọt thác. Phèng! -Hè!” [38; 785] Một hòn sỏi nhỏ rơi trên mái ngói, những tiếng phèng la, tiếng người, tiếng ghe rẽ nước được tác giả chọn lựa từ ngữ miêu tả thật chuẩn xác: rổn rổn, phèng, hè, vo voĐiều này chứng tỏ nhà văn có một đôi tai vô cùng tinh nhạy. Cùng với việc sử dụng từ ngữ tượng thanh, Bình Nguyên Lộc lại tài tình sử dụng những cách thức so sánh để tô đậm âm thanh trong tác phẩm của mình, lối so sánh độc đáo, chính xác và tài hoa: “...khà một tiếng dài như rắn hổ” [38; 781] Không chỉ âm thanh được chú ý tô đậm trong truyện ngắn Bình Nguyên Lộc, mà cả hình ảnh cũng thế. Tác giả cũng sử dụng nhiều từ ngữ gợi hình, nhiều cách thức so sánh để làm nổi bật hình ảnh thiên nhiên, con người. Những tác phẩm của Bình Nguyên Lộc thực sự là những bức tranh cuộc sống và con người muôn màu, muôn vẻ. Bình Nguyên Lộc thường hay “hình tượng hóa” tâm trạng của con người: “lòng tôi đã tơi bời như áo mục phơi trước gió to” [38; 705]; “ ...khi mà mùi hương nặc danh kia như bấm một cái nút điện làm hoạt động cả bộ máy kí ức của chàng”[38; 679].Tác giả cũng có những phát hiện thật sống động và đẹp đẽ về thiên nhiên, như khi miêu tả cảnh con chim thằng chài lao mình xuống nước bắt cá trong “Rừng mắm”: “Chim thầy bói nghiêng đầu dòm xuống mặt rạch giây lát rồi như bị đứt dây treo, nó rơi xuống nước mau lẹ như một hòn đá nặng. Vừa đụng nước nó lại bị bắn tung trở lên như một cục cao su bị tưng, miệng ngậm một con cá nhỏ”[38; 643]. So sánh động tác nhanh lẹ, chuẩn xác của chim bói cá bằng hình ảnh “cục cao su” thì quả là tài tình. Còn hình ảnh nào sống động và hợp lí hơn thế? 82 Hoặc khi tả hình ảnh đoàn ghe thắng cuộc trong “Đồng đội”, Bình Nguyên Lộc lại liên tưởng tới một con rít khổng lồ: “Ba mươi chiếc giầm sơn đỏ của ghe An Thịt bỗng giơ cao lên một lượt để chào quan khách trong bờ. Khán giả có ấn tượng như thấy một con rít chạy tới đó rồi ngã lăn đùng ra, đưa mấy trăm chân lên trời.” [37; 790]. Sinh động, phong phú là điểm đặc sắc trong ngôn ngữ truyện kể của Bình Nguyên Lộc. Cách thức dùng ngữ âm diễn tả âm thanh, dùng từ ngữ, lối so sánh để làm nổi bật hình ảnh một cách tài hoa khiến cho Bình Nguyên Lộc được xem là nhà văn có khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách điêu luyện, thậm chí có nhà nghiên cứu còn gọi Bình Nguyên Lộc là “nhà ảo thuật về ngôn từ”(Nguyễn Quốc Trụ) Xét trên bình diện ngôn từ, Bình Nguyên Lộc đã dùng nhiều từ ngữ Nam Bộ rất đắt. Ngoài những từ thông dụng, thường nhật, ông còn sử dụng vốn từ Nam Bộ đặc thù, không phải nhà văn Nam Bộ nào cũng dùng. Trong tác phẩm “ Rừng mắm”, ta thấy xuất hiện những từ như: trù xa (lo tính xa), dặm hú (khoảng đường đo bằng tiếng hú), chết nhát (chết lần mòn), quá mùa hò ( qua thời con gái), rị (ghì lại), đứng bóng ( xế trưa); trong tác phẩm “ Ma rừng” ông sử dụng những từ như : hàng đen (trâu bò trộm được), hàng trắng ( trâu bò mua hợp pháp), bò bu ( bò lớn con), nằm cát ( bò lười); trong “ Không một tiếng vang” những từ ngữ như: đứng ròng (nước chuẩn bị ròng), đứng lớn (nước chuẩn bị lớn) đã được ông sử dụng; trong “ Tì vết tâm linh” ta thấy xuất hiện những từ như: nê địa ( bùn đất), giấy kiếng ( giấy trong có thể nhìn xuyên qua được), xẹt ( đi nhanh), nuối ( kéo dài sự sống), hay trong “ Đồng đội” tác giả dùng từ như: xà bát (người cầm giầm lái), dồn cục ( kẹt ứ đọng),...Lớp từ này làm phong phú them lối diễn đạt theo văn phong Nam Bộ. Trên những trang văn của Bình Nguyên Lộc, nhiều từ ngữ Nam Bộ độc đáo đã được lưu giữ cho đến ngày hôm nay. 3.3.2. Ngôn ngữ nhân vật đa dạng về tính cách, đậm phong cách Nam Bộ Bình Nguyên Lộc hết sức chú ý đến việc dùng ngôn ngữ để giới thiệu và khắc họa trình độ văn hóa, giai cấp xã hội, hoàn cảnh – nghề nghiệp của nhân vật. Nhờ thế, mỗi con người trong truyện ngắn Bình Nguyên Lộc đều hiện ra với những nét tính cách riêng biệt, với thói quen ngôn ngữ cũng riêng biệt. Người Nam Bộ có thói 83 quen nói năng mộc mạc, chân chất. Cái chất mộc mạc ấy thể hiện ở cách xưng hô dễ dãi, buông tuồng có thể làm cho người ta hiểu lầm: cha mẹ thường xưng hô với con cái là “mầy/bây- tao”, ngược lại con cái xưng hô với cha mẹ, ông bà là “ba(má), ông/bà – tui”Cách xưng hô đó được sử dụng như một cách nói thân mật, xuề xòa trong gia đình người bình dân, hầu như không có ý diễn tả sự giận dữ, hay thái độ xấc xược (Rừng mắm, Phân nửa con người,). Thậm chí, trong một số gia đình nông thôn Nam Bộ, chồng cũng gọi vợ là “mày”, xưng “tao” một cách bình thường (Không một tiếng vang, Không có thứ thiệt). Với những gia đình trí thức ở thị thành thì cách xưng hô của họ có phần lịch sự và trau chuốt hơn (Lửa tết, Bức thư đến trễ, Ho lao muôn năm) Xưng hô buông tuồng, thô ráp, người Nam Bộ lại có kiểu nói bị đánh giá là “cộc lốc”, đặc biệt trong ngôn ngữ đối thoại, Bình Nguyên Lộc hay sử dụng những câu ngắn, hoặc những câu tỉnh lược để diễn đạt tập quán ngôn ngữ này của người Nam Bộ như một vài ví dụ sau đây: “- Chị đã đỡ bớt hay chưa? –Anh hỏi bậy cho có chuyện. - Có uống mẹ gì đâu mà đỡ bớt. - Chị nghe trong mình làm sao? - Không biết. Nhưng nếu ăn được một chén cháo thì khỏe.” [38; 685] - Nội nè, hồi mới tới, giữa mùa nắng, mình uống nước gì, tui quên rồi? . . . - Uống nước đọng trên lung, trên rừng, chớ uống nước gì. - Sao mình tới đây ông nội? - Đã nói cho mầy biết rồi. Trên xứ mình không có ruộng, làm công cả đời, khổ lắm. - Ở đây, mình có ruộng nhưng cũng khổ cả đời.”[38; 652] Lời ăn tiếng nói mộc mạc như chính tâm hồn người bình dân Nam Bộ. Không cầu kì, không văn hoa bóng bẩy, ngôn ngữ của họ thể hiện tính cách thẳng thắn, tấm lòng chân thành với con người và cuộc sống chung quanh mình. Thế nhưng cũng có 84 khi, những người bình dân ấy trở nên sâu sắc, trầm ngâm với những suy nghĩ, những lí lẽ thấm đượm nghĩa tình: “Ông với lại tía của con là cây mắm, chơn giẫm trong bùn. Đời con là tràm, chơn vẫn còn lấm bùn chút ít, nhưng đất đã gần thuần rồi. Con cháu của con sẽ là xoài, mít, dừa, cau. Đời mắm tuy vô ích, nhưng không uổng. Như lính ngoài mặt trận vậy mà. Họ ngã gục cho con cháu của họ hưởng.”[38; 660] Với người trí thức ở thành thị, Bình Nguyên Lộc đặt vào miệng họ một thứ ngôn ngữ pha trộn. Đó là sự pha trộn giữa ngôn ngữ bình dân Nam Bộ, ngôn ngữ chải chuốt, văn hoa xen lẫn một ít từ ngữ vay mượn có nguồn gốc Pháp, Mĩ, Trung Hoa. . . là bằng chứng của quá trình hội nhập và giao lưu văn hóa giữa các ngôn ngữ cùng tồn tại ở đô thị miền Nam trước 1975. Ngôn ngữ của họ mang tính triết lí hơn, cũng mượt mà hơn, thể hiện vốn sống phong phú, khả năng chiêm nghiệm đời sống: “Chuyện con chim Phượng không phải là tin nhảm. Đó là giấc mơ trẻ thơ. Không một người lớn nào làm nên sự nghiệp gì đáng kể, nếu thưở bé họ không mơ những giấc mơ kì thú như Phượng, họ không nuôi nấng những ảo ảnh huyền hoặc nào.” [38; 980] “Ai lại chẳng biết rằng việc học chăm đến đâu cũng không giỏi bằng thợ, rằng ta hà tiện vải đến đâu, áo may cũng không rẻ bằng áo mua, họ may hàng nghìn cái nên giá vốn rất hạ. Nhưng khi may áo cho con, em sẽ để tấm lòng thương yêu con vào đó, em sẽ cố gắng và sẽ mến được cái qui phạm may áo và ngày kia em được đưa vào nếp nội trợ, em làm nội trợ một cách vui thích, nhớ công việc nội trợ như các cô đào nhớ đèn sân khấu mỗi đêm.” [38; 964] Tóm lại, vận dụng ngôn ngữ Nam Bộ là một thành công của Bình Nguyên Lộc. Tính địa phương trong ngôn ngữ của ông không đặc sệt như Sơn Nam, Phi Vân, mà nó thể hiện sự kết tinh hòa hợp văn hóa ngôn ngữ giữa các vùng miền, đạt đến mức nhuần nhuyễn, điêu luyện. Qua ngôn ngữ, Bình Nguyên Lộc thể hiện được toàn bộ bối cảnh, con người, và cá tính Nam Bộ. Đồng thời, qua đó chúng ta cũng có thể cảm nhận sâu sắc hơn về tình cảm tha thiết mà nhà văn dành cho lời ăn tiếng nói của quê mẹ thân thương. 85 TIỂU KẾT CHƯƠNG 3 Khi nhắc đến các nhà văn cận đại tiêu biểu của miền Nam, các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam có thể có những nhận định không đồng nhất với nhau về phương pháp luận, về cách phân chia những khuynh hướng và trào lưu văn học, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng ba cây bút tiêu biểu cho ngôn ngữ miền Nam là Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam. Cùng sử dụng một chất liệu là ngôn ngữ địa phương Nam Bộ để sáng tác, nhưng do sống trong những giai đoạn lịch sử khác nhau và xuất phát từ những mục đích sáng tác không giống nhau, nên ngôn ngữ văn chương của ba tác giả vừa có những điểm tương đồng, vừa có những điểm khác biệt nhất định. Cùng với Hồ Biểu Chánh và Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc đã góp thêm một hương vị mới cho vườn hoa văn học miền Nam nói riêng và đóng góp cho văn học Việt Nam nói chung. Từ ngữ địa phương trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc có sự kết hơp hài hòa giữa cái mộc mạc, giản dị, trong sáng, dễ hiểu và sự trau chuốt, mượt mà, cái sâu sắc, thâm thúy, đầy triết lý từ ngôn ngữ dẫn truyện cho đến ngôn ngữ của nhân vật. Với thành công này, Bình Nguyên Lộc đã bước thêm những bước dài, chắc chắn trong việc đưa văn chương Nam Bộ hội nhập với văn chương cả nước. Đồng thời nêu bật vai trò của phương ngữ Nam Bộ trong tiến trình phát triển và hành chức của tiếng Việt. Sự thành công của các tác giả Nam Bộ, trong đó có Bình Nguyên Lộc đã chứng minh rằng sự phát triển của phương ngữ Nam Bộ đã để lại những dấu ấn nhất định trong văn học viết của Nam Bộ nói riêng và của văn học Việt Nam nói chung. 86 KẾT LUẬN Ngôn ngữ, trước hết là một phương tiện biểu đạt. Một tác phẩm văn chương được xem là hay và có giá trị không thể không kể đến vai trò và giá trị biểu đạt của ngôn ngữ mà nhà văn sử dụng trong tác phẩm. Đến với tác phẩm của Bình Nguyên Lộc, người đọc sẽ thấy rằng, bên cạnh những từ ngữ toàn dân, tác giả đã sử dụng số lượng rất lớn từ ngữ Nam Bộ và chính nó đã tạo nên nét đẹp đặc trưng của văn chương Nam Bộ trong kho tàng văn học Việt Nam. Việc sử dụng từ địa phương cho thấy Bình Nguyên Lộc am hiểu lời ăn tiếng nói hằng ngày của người dân Nam Bộ. Đọc tác phẩm của ông, người đọc như được sống trong không gian Nam Bộ với những cảnh vật, con người sinh hoạt thật gần gũi, thân quen. Chính vì thế, tác phẩm của ông dễ dàng tìm được sự đồng cảm, đồng điệu từ độc giả nơi đây. Không chỉ thế, những từ ngữ Nam Bộ trong sáng tác của Bình Nguyên Lộc nói riêng và của các tác giả Nam Bộ nói chung cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa tác phẩm văn chương miền Nam hội nhập với văn chương cả nước. Nó giúp cho độc giả ở những vùng, miền khác trên cả nước hiểu thêm về thiên nhiên Nam Bộ, tập quán sinh hoạt và cá tính của con người Nam Bộ, đặc biệt là hiểu hơn về vốn từ ngữ của người miền Nam. Nó là một chiếc cầu nối hữu hiệu để những người nói tiếng Việt trên cả nước có thể xích lại gần nhau hơn. Phương ngữ Nam Bộ là một vấn đề đã và đang được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Nghiên cứu vấn đề “ Từ ngữ địa phương trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc” chỉ là một đóng góp nhỏ trong rất nhiều những công trình nghiên cứu về phương ngữ Nam Bộ. Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng luận văn này không tránh khỏi những thiếu sót. Những đặc điểm về cách sử dụng ngôn ngữ của Bình Nguyên Lộc chưa được nghiên cứu ở độ sâu cũng như việc đối chiếu với nhiều tác giả Nam Bộ khác để làm nổi bật phong cách ngôn ngữ của Bình Nguyên Lộc chưa được rộng rãi. Những vấn đề còn tồn tại trong khuôn khổ luận văn này chắc chắn sẽ được nghiên cứu ở mức độ sâu hơn, toàn diện hơn ở những công trình nghiên cứu khác. 87 TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hồ Trường An, (2008), “ Tổng quan văn chương vùng đất Đồng Nai – Bình Nguyên Lộc”, 2. Nguyễn Văn Ái, (1994), Từ điển phương ngữ Nam Bộ, NXBGD, Hà Nội. 3. Thái Văn Chải, (1986), Những từ ngữ gốc Khơ-me trong phương ngữ Nam Bộ, NXB GD, 4. Đỗ Hữu Châu, ( 2000), “ Tìm hiểu văn hóa qua ngôn ngữ”, Ngôn ngữ, số 10. 5. Hoàng Thị Châu,( 2004), Phương ngữ học tiếng Việt, NXB ĐHQG, Hà Nội 6. Hải Dân, (1982), “ Yếu tố cà trong phương ngữ Nam Bộ”, Ngôn ngữ, số 1. 7. Trần Phỏng Diều, (2008), “ Sự giao lưu về ngôn ngữ giữa các dân tộc ở Nam Bộ”, Ngôn ngữ, số 2. 8. Đỗ Thị Thùy Dung, ( 2011), Ngôn ngữ sông nước của người Việt miền Tây Nam Bộ, ĐHKHXH&NV, TP. HCM. 9. Nguyễn Đức Dương, (1974), “Về hiện tượng kiểu ổng, chỉ, ngoải”, Ngôn ngữ, số 1. 10. Nguyễn Văn Đông, ( 2005), Văn hóa và con người Nam Bộ trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc, ĐH.KHXH & NV, TP. HCM. 11. Nguyễn Thiện Giáp, (1998), Từ vựng học tiếng Việt, NXBGD, Hà Nội. 12. Nguyễn Thiện Giáp, ( 2009), Các phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ, NXBGD, Hà Nội. 13. Nguyễn Thiện Giáp, (2010), 777 khái niệm ngôn ngữ học, NXBĐHQG, Hà Nội 14. Cao Xuân Hạo, ( 1998), Tiếng Việt, mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, NXBGD, Hà Nội. 15. Cao Xuân Hạo, (1998), Hai vấn đề âm vị học trong phương ngữ Nam Bộ, NXBGD, Hà Nội. 16. Phạm Thanh Hùng, (2011), “ Phong cách truyện ngắn Bình Nguyên Lộc”, 17. Nguyễn Thị Huyền, ( 2007), “Về việc tạo nghĩa mới trong quá trình thâm nhập của từ địa phương vào vốn từ vựng toàn dân”, Ngôn ngữ & đời sống, số 5. 88 18. Nguyễn Thúy Khanh, (2004), “ Sự thâm nhập của từ ngữ địa phương vào ngôn ngữ toàn dân”, Ngôn ngữ, số 7. 19. Nguyễn Bình Khang, (2009), Phương ngữ Nam Bộ trong các sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư, ĐH KHXH & NV, TP. HCM 20. Nguyễn Lương Hải Khôi, (2004), Đặc trưng văn xuôi nghệ thuật Bình Nguyên Lộc, ĐHSP, TP. HCM. 21. Trần Thị Ngọc Lang, (1982), “Từ láy trong phương ngữ Nam Bộ”, Ngôn ngữ, số 3. 22. Trần Thị Ngọc Lang, (1986), Sự tiếp xúc giữa các phương ngữ ở thành phố Hồ Chí Minh, NXB KHXH, Hà Nội. 23. Trần Thị Ngọc Lang, (1985), Phương ngữ Nam Bộ, NXB KHXH, Hà Nội 24. Trần Thị Ngọc Lang, (1995), Phương ngữ Nam Bộ - Những khác biệt từ vựng – ngữ nghĩa so với phương ngữ Bắc Bộ, NXB KHXH Hà Nội. 25. Trần Thị Ngọc Lang, (1991), “Về các yếu tố chỉ mức độ của tính từ trong phương ngữ Nam Bộ”, Khoa học xã hội, số 10. 26. Trần Thị Ngọc Lang, (2002), “ Sự khác biệt về ngữ nghĩa của một số kiểu từ địa phương Nam Bộ so với từ toàn dân”, Ngôn ngữ, số 2. 27. Dương Thị Thúy Hằng, Nguyễn Văn Nở, (2012), “Môi trường tự nhiên, văn hóa và con người Nam Bộ trong tác phẩm Sơn Nam”, 28. Vũ Văn Ngọc, (2011), Nam Bộ nhìn từ văn hóa, văn học và ngôn ngữ, NXB KHXH, Hà Nội. 29. Đỗ Thị Kiều Oanh, (2012), Phương ngữ Nam Bộ trong văn học dân gian, ĐHSP, TP.HCM. 30. Nguyễn Văn Nở, Huỳnh Thị Lan Phương, (2012), “ Vài nét về ngôn ngữ tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh”, 31. Nguyễn Nghiêm Phương, (2009), Màu sắc Nam Bộ trong ngôn ngữ truyện ký Sơn Nam, ĐHSP, TP. HCM. 32. Vương Hồng Sển, (1993), Tự vị tiếng Việt miền Nam, NXB ĐHQG, Hà Nội. 89 33. Dương Thị Thanh, (2001), Phong cách truyện ngắn Bình Nguyên Lộc, ĐHKHXH & NV, TP. HCM. 34. Đào Thản, (2001), “ Phương ngữ Nam Bộ - tiếng nói của quê hương ở vùng cực Nam của Tổ quốc”, Ngôn ngữ và đời sống, số 1, 2. 35. Nguyễn Kim Thản, (1964), “ Thử bàn về một vài đặc điểm của phương ngữ Nam Bộ”, Văn học, số 8. 36. Nguyễn Q. Thắng, (1998), Tiến trình văn nghệ miền Nam, NXB Văn học. 37. Nguyễn Q. Thắng, (2001), Tuyển tập Bình Nguyên Lộc, tập 1, NXB Văn học. 38. Nguyễn Q. Thắng, (2001), Tuyển tập Bình Nguyên Lộc, tập 2, NXB Văn học. 39. Nguyễn Q. Thắng, (2001), Tuyển tập Bình Nguyên Lộc, tập 3, NXB Văn học. 40. Nguyễn Q. Thắng, (2001), Tuyển tập Bình Nguyên Lộc, tập 4, NXB Văn học. 41. Trần Minh Thương, (2012), “ Tiếng Việt gốc Khmer trong ngôn ngữ bình dân ở miền Tây Nam Bộ - nhìn từ gốc độ ca dao”, Ngôn ngữ, số 7. 42. Huỳnh Công Tín, (1999), Đặc điểm ngữ âm của tiếng Sài Gòn so với phương ngữ Hà Nội và các phương ngữ khác ở Việt Nam, ĐH KHXH &NV, TP.HCM. 43. Huỳnh Công Tín, ( 2006), Cảm nhận bản sắc Nam Bộ, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội. 44. Huỳnh Công Tín, (2009), Từ điển từ ngữ Nam Bộ , NXBCTQG. 45. Nguyễn Thế Truyền, (1999), “ Cách xưng hô của người Nam Bộ”, Ngôn ngữ và đời sống, số 12. 46. Nguyễn Như Ý, (1996), Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học, NXBGD, Hà Nội.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdftu_ngu_dia_phuong_trong_tac_pham_cua_binh_nguyen_loc_1043.pdf
Luận văn liên quan