Ngày nay, hiện tượng xung đột pháp luật ngày càng gia tăng do nhiều nguyên nhân
như toàn cầu hóa, sự phụ thuộc lẫn nhau của các nền kinh tế, lưu thông hàng hóa và
hiện tượng di cư . Những nhân tố này tất yếu làm nảy sinh các vấn đề đặc thù trong
pháp luật về thừa kế.
Sự không trùng nhau giữa nơi người để lại di sản chết và nơi có tài sản, hoặc giữa nơi
có tài sản và nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản, là những yếu tố chính làm
phát sinh quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài.
Người hoạt động thực tiễn về pháp luật sẽ gặp phải tình huống có nhiều hệ thống pháp
luật khác nhau cùng được áp dụng. Đối với một vụ thừa kế, nếu như cơ quan tư pháp
của hai hay nhiều nước được yêu cầu can thiệp trong việc kiểm tra di chúc, xác định
phạm vi quyền của người thực hiện di chúc là người nước ngoài, v.v., thì chắc chắn sẽ
có nhiều hệ thống pháp luật có thể được áp dụng. Bởi vì không chỉ các yếu tố làm căn
cứ xác định thẩm quyền xét xử có thể khác nhau (nơi có tài sản, nơi cư trú của người
để lại di sản, v.v.) mà các yếu tố được sử dụng để xác định luật áp dụng cũng khác
nhau: quốc tịch của người để lại di sản, nơi cư trú của người để lại di sản, nơi có tài
sản.
Bên cạnh đó, các phương thức giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế cũng rất đa
dạng: một số nước cho phép áp dụng nhiều hệ thống pháp luật đối với một quan hệ
thừa kế (luật nơi có tài sản đối với bất động sản; luật nơi cư trú hoặc luật của nước mà
người để lại di sản mang quốc tịch đối với động sản); một số nước khác lại chỉ cho
phép áp dụng một hệ thống pháp luật thống nhất đối với quan hệ thừa kế, là luật của
nước mà người để lại di sản mang quốc tịch hoặc luật nơi cư trú của người để lại di
sản.
Hơn nữa, phạm vi các vấn đề chịu sự điều chỉnh của pháp luật được dẫn chiếu cũng
khác nhau giữa các nước: ở các nước theo hệ thống common law, pháp luật được dẫn
chiếu để điều chỉnh quan hệ thừa kế không được áp dụng đối với vấn đề quản lý hoặc
chuyển giao tài sản sản thừa kế, vì các vấn đề này chủ yếu chịu sự điều chỉnh của
pháp luật của nước nơi có tòa án giải quyết vụ việc. Ngoài ra, giữa các nước cũng còn
nhiều khác biệt lớn về các chính sách pháp luật trong nước, nhất là chính sách liên
quan đến việc bảo vệ những người có quan hệ họ hàng, huyết thống với người để lại di
sản, hoặc liên quan đến một số tài sản.
Trong trường hợp cho phép áp dụng nhiều hệ thống pháp luật đối với cùng một quan
hệ thừa kế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc dự kiến và ý nguyện của người để lại
di sản không được tôn trọng và từ đó nảy sinh sự bất bình đẳng (Phần I). Trên thực
tế, giữa những người thừa kế thường có sự thỏa thuận để giải quyết những khó khăn
lớn nảy sinh. Làm thế nào để tránh xảy ra tình trạng này? Giải pháp áp dụng một hệ
thống pháp luật thống nhất cho quan hệ thừa kế sẽ giúp cải thiện đáng kể tình hình,
nhất là khi hệ thống pháp luật đó là do người lập di chúc lựa chọn (Phần II). Dù sao,
chúng cũng cần xem xét một số vấn đề thực tiễn liên quan đến di chúc có yếu tố nước
ngoài (Phần III) và thu thập chứng cứ (Phần IV).
14 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 5508 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một số vấn đề thực tiễn về quan hệ thừa kế trong tư pháp quốc tế, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỘT SỐ VẤN ĐỀ THỰC TIỄN VỀ QUAN HỆ THỪA KẾ TRONG TƯ PHÁP QUỐC TẾ
Ngày nay, hiện tượng xung đột pháp luật ngày càng gia tăng do nhiều nguyên nhân
như toàn cầu hóa, sự phụ thuộc lẫn nhau của các nền kinh tế, lưu thông hàng hóa và
hiện tượng di cư... Những nhân tố này tất yếu làm nảy sinh các vấn đề đặc thù trong
pháp luật về thừa kế.
Sự không trùng nhau giữa nơi người để lại di sản chết và nơi có tài sản, hoặc giữa nơi
có tài sản và nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản, là những yếu tố chính làm
phát sinh quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài.
Người hoạt động thực tiễn về pháp luật sẽ gặp phải tình huống có nhiều hệ thống pháp
luật khác nhau cùng được áp dụng. Đối với một vụ thừa kế, nếu như cơ quan tư pháp
của hai hay nhiều nước được yêu cầu can thiệp trong việc kiểm tra di chúc, xác định
phạm vi quyền của người thực hiện di chúc là người nước ngoài, v.v., thì chắc chắn sẽ
có nhiều hệ thống pháp luật có thể được áp dụng. Bởi vì không chỉ các yếu tố làm căn
cứ xác định thẩm quyền xét xử có thể khác nhau (nơi có tài sản, nơi cư trú của người
để lại di sản, v.v.) mà các yếu tố được sử dụng để xác định luật áp dụng cũng khác
nhau: quốc tịch của người để lại di sản, nơi cư trú của người để lại di sản, nơi có tài
sản.
Bên cạnh đó, các phương thức giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế cũng rất đa
dạng: một số nước cho phép áp dụng nhiều hệ thống pháp luật đối với một quan hệ
thừa kế (luật nơi có tài sản đối với bất động sản; luật nơi cư trú hoặc luật của nước mà
người để lại di sản mang quốc tịch đối với động sản); một số nước khác lại chỉ cho
phép áp dụng một hệ thống pháp luật thống nhất đối với quan hệ thừa kế, là luật của
nước mà người để lại di sản mang quốc tịch hoặc luật nơi cư trú của người để lại di
sản.
Hơn nữa, phạm vi các vấn đề chịu sự điều chỉnh của pháp luật được dẫn chiếu cũng
khác nhau giữa các nước: ở các nước theo hệ thống common law, pháp luật được dẫn
chiếu để điều chỉnh quan hệ thừa kế không được áp dụng đối với vấn đề quản lý hoặc
chuyển giao tài sản sản thừa kế, vì các vấn đề này chủ yếu chịu sự điều chỉnh của
pháp luật của nước nơi có tòa án giải quyết vụ việc. Ngoài ra, giữa các nước cũng còn
nhiều khác biệt lớn về các chính sách pháp luật trong nước, nhất là chính sách liên
quan đến việc bảo vệ những người có quan hệ họ hàng, huyết thống với người để lại di
sản, hoặc liên quan đến một số tài sản.
Trong trường hợp cho phép áp dụng nhiều hệ thống pháp luật đối với cùng một quan
hệ thừa kế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc dự kiến và ý nguyện của người để lại
di sản không được tôn trọng và từ đó nảy sinh sự bất bình đẳng (Phần I). Trên thực
tế, giữa những người thừa kế thường có sự thỏa thuận để giải quyết những khó khăn
lớn nảy sinh. Làm thế nào để tránh xảy ra tình trạng này? Giải pháp áp dụng một hệ
thống pháp luật thống nhất cho quan hệ thừa kế sẽ giúp cải thiện đáng kể tình hình,
nhất là khi hệ thống pháp luật đó là do người lập di chúc lựa chọn (Phần II). Dù sao,
chúng cũng cần xem xét một số vấn đề thực tiễn liên quan đến di chúc có yếu tố nước
ngoài (Phần III) và thu thập chứng cứ (Phần IV).
I. ÁP DỤNG NHIỀU HỆ THỐNG PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI MỘT QUAN HỆ THỪA KẾ: MỘT
SỐ VẤN ĐỀ THỰC TIỄN
A. LÝ DO ÁP DỤNG NHIỀU HỆ THỐNG PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI QUAN HỆ THỪA KẾ
Trong nội luật của các quốc gia có hai quan điểm chính về thừa kế. Theo quan điểm
thứ nhất, quan hệ thừa kế là quan hệ nhân thân giữa người để lại di sản và người thừa
kế. Do đó, các quy phạm pháp luật tập trung vào yếu tố nhân thân của người để lại di
sản và di sản được coi như một khối tài sản. Quan điểm thừa kế mang tính nhân thân
này được thể hiện trong tư pháp quốc tế bằng việc áp dụng một hệ thống pháp luật
duy nhất đối với quan hệ thừa kế. Quan điểm thứ hai, chủ yếu ở các nước theo hệ
thống common law, thì có cách tiếp cận mang tính thực tiễn hơn, theo đó thừa kế là
một phương thức chuyển giao tài sản. Theo quan điểm này, các quy phạm pháp luật
tập trung vào các hành vi lần lượt tác động đến mỗi tài sản, xảy ra suốt trong quá
trình chuyển giao tài sản đó. Trong tư pháp quốc tế, quan điểm thừa kế mang tính tài
sản được thể hiện bằng việc áp dụng nhiều hệ thống pháp luật đối với một quan hệ
thừa kế (cơ chế chia nhỏ quan hệ thừa kế), bởi lẽ người ta cố gắng tuân theo nguyên
tắc áp dụng luật nơi có tài sản vì đó là pháp luật điều chỉnh thực sự mỗi loại tài sản.
Thực ra, trong số các cách tiếp cận trên, không có cách tiếp cận nào phát triển một
cách triệt để. Chẳng hạn như ở các nước theo quan điểm áp dụng một hệ thống pháp
luật duy nhất, người ta vẫn chấp nhận trường hợp ngoại lệ nếu tài sản thừa kế là bất
động sản, bởi vì phải căn cứ trên cơ sở thực tiễn và hơn nữa, luật nơi có tài sản vẫn có
quyền kiểm soát tài sản đó. Điều 833a Bộ luật Dân sự Việt Nam (sửa đổi) thể hiện rất
rõ xu hướng này. Thực vậy, khoản 1 Điều này quy định quyền thừa kế (ngầm hiểu là
thừa kế động sản) chịu sự điều chỉnh của pháp luật nước có người để lại di sản là công
dân; trong khi theo quy định tại khoản 3 Điều này, "quyền thừa kế đối với bất động
sản (giả định rằng việc chuyển dịch tài sản cũng áp dụng cơ chế như vậy) phải tuân
theo pháp luật của nước nơi có bất động sản. Tương tự như vậy, nhìn chung các nước
cho phép áp dụng nhiều hệ thống pháp luật đối với một quan hệ thừa kế cũng không
đi đến mức chấp nhận áp dụng hệ thuộc luật nơi có tài sản đối với thừa kế động sản,
do cách tiếp cận này thường dẫn đến những rắc rối nghiêm trọng (trường hợp xung
đột pháp luật động, v.v.); các nước này cho rằng động sản nằm ở nơi cư trú của người
để lại di sản hoặc coi vấn đề này thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật nước có
người để lại di sản là công dân nhằm đi đến thống nhất một phần luật áp dụng đối với
quan hệ thừa kế.
B. NHỮNG KHÓ KHĂN DO VIỆC ÁP DỤNG NHIỀU HỆ THỐNG PHÁP LUẬT
Khi cho phép áp dụng nhiều hệ thống pháp luật khác nhau để điều chỉnh quan hệ thừa
kế cũng có nghĩa là có bao nhiêu khối tài sản thừa kế độc lập với nhau và chịu sự điều
chỉnh của các hệ thống pháp luật khác nhau thì cũng có bấy nhiêu quan hệ thừa kế
khác nhau. Giải pháp này sẽ không có vấn đề gì nếu tất cả tài sản thừa kế đều nằm ở
một nước, nhưng nếu trong trường hợp ngược lại, tức là trường hợp thừa kế có yếu tố
nước ngoài, thì sẽ phát sinh nhiều hệ quả mà người để lại di sản không dự kiến trước
và đôi khi không công bằng đối với những người thừa kế hoặc người có quyền thừa kế.
Sau đây là một vài ví dụ minh họa.
1. Bảo vệ quá chặt chẽ hoặc không có biện pháp bảo vệ
Một người tên là John qua đời và có nơi cư trú cuối cùng ở Manitoba (Canađa). Người
này để lại di sản bao gồm: các động sản và bất động sản ở Manitoba trị giá 150.000$
và một bất động sản ở California trị giá 50.000$. Giả sử pháp luật bang California quy
định rằng trong trường hợp người chồng (hoặc vợ) qua đời thì người vợ (hoặc chồng)
còn sống có quyền hưởng phần tài sản thừa kế bắt buộc theo quy định pháp luật là
75.000$ cùng với 50% trị giá phần di sản còn lại. Nhưng theo quy định của pháp luật
bang Manitoba, người vợ (hoặc chồng) còn sống có quyền hưởng phần tài sản thừa kế
bắt buộc là 50.000$ và 50% trị giá phần di sản còn lại.
Nếu áp dụng chặt chẽ quy phạm xung đột cho phép áp dụng nhiều hệ thống pháp luật
đối với cùng một vụ thừa kế, thì trong trường hợp trên, với di sản thừa kế có tổng trị
giá 200.000$, người vợ sẽ được nhận 150.000$, trong đó: 50.000$ là phần tài sản
thừa kế bắt buộc tính trên tài sản nằm ở Manitoba, 50.000$ là tương ứng với 50% trị
giá phần tài sản còn lại ở Manitoba (do pháp luật bang Manitoba được áp dụng đối với
thừa kế động sản ở Manitoba với tư cách là luật nơi cư trú của người để lại di sản, và
đối với thừa kế bất động sản ở Manitoba với tư cách là luật nơi có tài sản), và 50.000$
là phần thừa kế bắt buộc tính trên bất động sản ở California (do pháp luật bang
California được áp dụng để điều chỉnh thừa kế bất động sản ở bang này với tư cách là
luật nơi có tài sản). Có nghĩa là người vợ sẽ được nhận 3/4 trị giá di sản thừa kế, còn
các con chỉ được nhận 1/4 còn lại. Như vậy, nếu áp dụng cả hai hệ thống pháp luật
này thì quyền lợi người thừa kế này được bảo vệ quá chặt chẽ trong khi quyền lợi của
người thừa kế kia lại không được bảo vệ.
Tình trạng bảo vệ quá chặt hoặc không bảo vệ quyền thừa kế của người vợ hoặc
chồng còn sống cũng có thể xuất phát từ sự khác nhau trong quy định giữa các luật
được áp dụng đối với quan hệ thừa kế và các yếu tố tài chính khác liên quan như chế
độ tài sản giữa vợ và chồng. Ví dụ, giả sử luật của 2 nước A và B cùng được áp dụng
đối với quan hệ thừa kế: pháp luật nước A không quy định về phần tài sản thừa kế bắt
buộc theo luật định, mà bảo vệ quyền thừa kế của người vợ hoặc chồng còn sống
thông qua chế độ cộng đồng tài sản; trong khi đó, pháp luật nước B lại có quy định về
phần tài sản thừa kế bắt buộc dành cho người vợ hoặc chồng còn sống và áp dụng chế
độ tách riêng tài sản.
Áp dụng thống nhất một hệ thống pháp luật để điều chỉnh quan hệ thừa kế, chế độ tài
sản và các quan hệ tài chính khác giữa vợ và chồng (hợp đồng ủy thác – trust, hợp
đồng bảo hiểm, v.v.) là một việc nên làm và có thể làm được nếu vợ và chồng được
phép lựa chọn luật áp dụng đối với quan hệ thừa kế (luật đó sẽ trùng với luật áp dụng
đối với chế độ tài sản giữa vợ và chồng).
2. Phần tài sản thừa kế bắt buộc
Quy định về phần tài sản thừa kế bắt buộc theo luật nơi người để lại di sản cư trú
(hoặc luật của nước mà người để lại di sản mang quốc tịch), chẳng hạn, 2/3 theo pháp
luật Việt Nam, sẽ được áp dụng đối với thừa kế động sản nhưng không được áp dụng
đối với bất động sản ở Québec, bởi vì thừa kế bất động sản ở Québec sẽ được điều
chỉnh bởi pháp luật Québec là luật nơi có tài sản, mà luật Québec không có quy định
về phần tài sản thừa kế bắt buộc. Hơn nữa, tỷ lệ tài sản thừa kế bắt buộc theo pháp
luật Pháp được áp dụng đối với bất động sản ở Pháp (giả thiết là 1/3) sẽ khác với tỷ lệ
tài sản thừa kế bắt buộc được áp dụng đối với bất động sản ở Việt Nam (2/3); trong
khi đó, bất động sản ở Québec không phải chịu sự điều chỉnh của bất kỳ quy định nào
về phần tài sản thừa kế bắt buộc. Thực tế này có thể dẫn đến một tình huống bất bình
đẳng và không được dự kiến trước, nếu như người lập di chúc tưởng rằng mọi bất
động sản của mình sẽ đều chịu cùng một tỷ lệ và do đó, đã sắp xếp ưu tiên để bù đắp
cho một người thừa kế nào đó. Nếu chúng ta tính giá trị của phần tài sản thừa kế bắt
buộc (2/3) không chỉ trên cơ sở các bất động sản chịu sự điều chỉnh của luật nơi có tài
sản và có quy định về phần tài sản thừa kế bắt buộc (bất động sản ở Việt Nam), mà
còn trên cơ sở các bất động sản khác, thì về nguyên tắc chúng ta sẽ vi phạm quy
phạm xung đột về thừa kế bất động sản.
3. Quyền nhận hoặc từ chối nhận di sản
Trong trường hợp cho phép áp dụng nhiều hệ thống pháp luật đối với quan hệ thừa kế,
người thừa kế sẽ có thể từ chối nhận di sản là động sản ở nước này (giả sử việc nhận
di sản này không có lợi cho họ), nhưng đồng ý nhận di sản là bất động sản nằm ở một
nước khác. Bằng cách đó, người thừa kế sẽ thu lợi nhiều nhất từ việc thừa kế tài sản
nằm ở 2 nước này, nhưng giải pháp này không phải lúc nào cũng công bằng đối với
những người có quyền đối với di sản thừa kế. Dù sao, người thừa kế cũng sẽ chú ý sao
cho hành vi của mình liên quan đến một khối tài sản thừa kế không bị coi là việc ngầm
đồng ý hoặc từ chối nhận thừa kế liên quan đến các khối tài sản khác, và sẽ phải tuân
thủ các quy định của luật áp dụng đối với mỗi khối tài sản đó về thể thức đồng ý hoặc
từ chối nhận di sản (thời hạn, v.v.).
4. Thu hồi phần di sản đã tặng cho
Trường hợp một người khi còn sống đã tặng cho con trai A của mình một bất động sản
nằm ở nước X (Italia), đồng thời tặng cho con trai B một bất động sản nằm ở nước Y
(Québec), thì đến khi người đó qua đời và vấn đề thừa kế được đưa ra Tòa án Québec
giải quyết, người con trai A sẽ phải giao hoàn giá trị tài sản mình được tặng cho vào
khối di sản chịu sự điều chỉnh của luật nước X (Italia), nhưng người con trai B sẽ
không phải giao hoàn giá trị tài sản mình được tặng cho vào khối di sản X, vì tài sản
tặng cho này không chịu sự điều chỉnh của luật nước X, đồng thời B cũng không nhất
thiết phải giao hoàn tài sản mình được tặng cho vào khối di sản chịu sự điều chỉnh của
luật nước Y (luật Québec). Kết quả sẽ là một tình trạng bất bình đẳng, trừ phi người
cho tặng đã dự kiến trước như vậy.
5. Thanh toán tài sản nợ
Nếu trong tư pháp quốc tế, chúng ta cũng coi những vấn đề như xác định người có
nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ do người để lại di sản để lại, phạm vi nghĩa vụ đối
với các khoản nợ đó và phân chia nợ giữa những người có nghĩa vụ thanh toán, là
những vấn đề của thừa kế giống như trong pháp luật dân sự trong nước, thì việc áp
dụng nhiều hệ thống pháp luật đối có thể sẽ dẫn đến bế tắc. Như vậy, cần áp dụng
một hệ thống pháp luật thống nhất, tức là một phương pháp tính duy nhất, đối với vấn
đề phân chia nợ giữa những người thừa kế.
6. Xung đột về quyền quản lý di sản
Ở các nước theo hệ thống common law, quản lý di sản là một thủ tục tư pháp theo đó
Tòa án căn cứ vào quy định của pháp luật nước mình để chỉ định một người quản lý di
sản: người quản lý di sản có quy chế là người được ủy thác di sản (trustee), có nghĩa
là được chuyển giao quyền sở hữu đối với tài sản thừa kế. Ngược lại, ở các nước theo
hệ thống dân luật và cũng có thể ở Việt Nam, việc quản lý di sản đương nhiên được
giao cho những người thừa kế hoặc người được chỉ định trong di chúc, do đó, những
người thừa kế hoặc người được chỉ định quản lý di sản trong di chúc là những người có
quyền quản lý di sản. Xung đột về quyền quản lý di sản có thể nảy sinh trong trường
hợp một công dân Việt Nam, cư trú tại Việt Nam nhưng chết ở Québec, để lại di sản
bao gồm các động sản ở Québec, New York và Việt Nam. Đối với các tài sản ở Québec,
luật của Việt Nam được áp dụng với lý do đó là luật nơi cư trú của người để lại di sản
và Québec không chấp nhận việc dẫn chiếu ngược; vì vậy, theo luật Việt Nam, những
người thừa kế sẽ có quyền quản lý di sản. Đối với các tài sản ở Québec và ở Việt Nam
thì không có vấn đề gì, nhưng liên quan đến tài sản thừa kế nằm ở New York thì xung
đột có thể nảy sinh giữa những người thừa kế với người quản lý di sản được Tòa án chỉ
định ở New York theo pháp luật tố tụng của New York.
C. GIẢI PHÁP
1. Dẫn chiếu ngược
Chính trong lĩnh vực thừa kế đã xuất hiện án lệ chấp nhận cơ chế dẫn chiếu (chủ yếu
là dẫn chiếu cấp độ 1, tức là dẫn chiếu từ pháp luật nước ngoài đến pháp luật của
nước nơi có tòa án giải quyết vụ việc). Cơ chế này đã được pháp luật Việt Nam chấp
nhận tại Điều 827 BLDS Việt Nam. Trong một số trường hợp, cơ chế dẫn chiếu sẽ cho
phép áp dụng một hệ thống pháp luật duy nhất đối với quan hệ thừa kế. Ví dụ trong
trường hợp luật nơi cư trú của người để lại di sản được áp dụng đối với thừa kế động
sản là luật của Đức, còn luật áp dụng đối với thừa kế bất động sản là luật của Việt
Nam: nếu Tòa án phát hiện ra rằng trên thực tế, luật của Đức dẫn chiếu trở lại luật
của Việt Nam (chẳng hạn theo hệ thuộc luật của nước mà người để lại di sản mang
quốc tịch), thì luật của Việt Nam sẽ có thể được áp dụng chung cho toàn bộ quan hệ
thừa kế.
Nhưng đây chỉ là giải pháp nhất thời và chưa đủ. Người lập di chúc vẫn không dự kiến
trước được luật áp dụng, bởi vì nó phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố ngẫu nhiên. Giải
pháp này cũng khó sử dụng đối với những người hoạt động thực tiễn về pháp luật và
Tòa án thụ lý vụ việc, vì họ buộc phải hiểu biết rõ các quy phạm xung đột của pháp
luật nước ngoài và buộc phải tuân theo quy định của pháp luật nước mình cho phép
dẫn chiếu ngược. Ví dụ, theo quy định của pháp luật Québec, về nguyên tắc, việc dẫn
chiếu ngược bị cấm tại Điều 3080 BLDS Québec, nhưng trong trường hợp đặc biệt, nếu
căn cứ theo Điều 3082 BLDS Québec thì Tòa án Québec vẫn có thể phải chấp nhận
dẫn chiếu ngược.
2. Trích khấu tài sản bắt buộc
Nhằm tránh những giải pháp giải quyết thừa kế không công bằng, bên cạnh việc viện
dẫn trật tự công, một số nước còn cho phép áp dụng cơ chế trích khấu tài sản bắt
buộc. Ví dụ, Điều 2 Luật ngày 14/7/1819 của Pháp quy định:
"Trong trường hợp phân chia di sản thừa kế giữa những người đồng thừa kế là công
dân Pháp với người đồng thừa kế là công dân nước ngoài, người đồng thừa kế là công
dân Pháp được quyền trích khấu một phần tài sản nằm tại Pháp theo giá trị tương
đương với phần tài sản nằm ở nước ngoài mà họ không được hưởng theo quy định của
pháp luật và tập quán nước đó vì bất kỳ lý do gì."
Xin lấy ví dụ như sau: một người Canađa cư trú ở Québec lập di chúc để lại toàn bộ tài
sản của mình cho người vợ mang quốc tịch Canađa mà không cho người con trai mang
quốc tịch Pháp hưởng di sản. Tổng giá trị di sản để lại là 200.000$ nhưng số động sản
của người này nằm ở Pháp trị giá 100.000$. Pháp luật Québec sẽ tôn trọng di chúc của
người để lại di sản và sẽ giao toàn bộ phần di sản ở Québec cho người vợ, bởi vì trong
pháp luật Québec không có quy định về phần tài sản thừa kế bắt buộc, áp dụng đối
với thừa kế động sản (trong điều kiện người để lại di sản không lựa chọn luật áp dụng
đối với quan hệ thừa kế). Tuy nhiên, đối với những động sản ở Pháp, người con trai có
thể viện dẫn quyền trích khấu tài sản bắt buộc mà Luật năm 1819 dành cho mình và
bởi vì pháp luật Pháp có quy định về phần tài sản thừa kế bắt buộc, nên người con trai
sẽ có thể được hưởng toàn bộ phần di sản ở Pháp trị giá 100.000$.
Giải pháp trên góp phần lập lại sự công bằng nhất định giữa những người thừa kế.
Nhưng quan điểm phản đối thì cho rằng giải pháp này mang tính phân biệt đối xử và
không tôn trọng ý chí của người để lại di sản (mà đây lại chính là mục đích của các
quy định trong lĩnh vực này). Hơn nữa, nó có thể dẫn đến những biện pháp trả đũa.
Chẳng hạn như trong các vụ việc khác, nếu có thể, người ta sẽ làm thế nào đó để
người vợ nhận được phần thừa kế có trị giá lớn hơn trên các tài sản nằm ở Québec.
Điều 3100 BLDS Québec cũng quy định:
"Trong trường hợp không thể áp dụng pháp luật được dẫn chiếu để điều chỉnh quan hệ
thừa kế đối với phần di sản nằm ở nước ngoài, có thể tiến hành điều chỉnh đối với các
tài sản nằm ở Québec, thông qua các biện pháp chủ yếu như chia lại các suất thừa kế,
phân chia lại các khoản nợ hoặc trích khấu bắt buộc trong khuôn khổ việc chia bổ
sung."
Như vậy, giải pháp hiệu quả hơn trong bối cảnh hiện nay là áp dụng một hệ thống
pháp luật thống nhất đối với quan hệ thừa kế và có thể cho phép người để lại di sản
lựa chọn luật áp dụng.
II. ÁP DỤNG MỘT HỆ THỐNG PHÁP LUẬT THỐNG NHẤT ĐỐI VỚI QUAN HỆ THỪA KẾ GIẢI PHÁP VÀ CÁC VẤN ĐỀ NẢY SINH TỪ VIỆC CHO PHÉP NGƯỜI ĐỂ LẠI DI SẢN LỰA CHỌN LUẬT ÁP DỤNG
Trong phần trước, chúng ta đã xem xét phân tích một số khó khăn nảy sinh trực tiếp
từ việc áp dụng nhiều hệ thống pháp luật đối với cùng một quan hệ thừa kế, từ đó dẫn
đến những giải pháp không thể dự kiến trước, có thể gây bất bình đẳng giữa những
người thừa kế (quy định về phần tài sản thừa kế bắt buộc không được áp dụng đối với
toàn bộ di sản, tập trung nhiều ưu tiên cho một người thừa kế, xung đột về quyền
quản lý di sản, thu hồi một cách không công bằng phần di sản đã tặng cho, v.v.).
Ngoài ra còn có một số khó khăn bắt nguồn từ sự khác biệt giữa các hệ thống pháp
luật được áp dụng đối với quan hệ tài sản giữa vợ và chồng (tập trung nhiều ưu tiên
cho một người thừa kế, quy định khác nhau giữa luật áp dụng đối với quan hệ ủy thác
- trust - và quan hệ thừa kế, v.v.). Để khắc phục các vấn đề trên, hiện nay có hai xu
hướng:
1. Chỉ cho phép áp dụng một hệ thống pháp luật duy nhất đối với quan hệ thừa kế;
2. Cho phép người để lại di sản được lựa chọn luật áp dụng đối với vấn đề thừa kế
của mình.
Tuy nhiên, hai xu hướng này lại gặp phải hai hạn chế khác. Thứ nhất, việc áp dụng
thống nhất một hệ thống pháp luật đối với quan hệ thừa kế cũng không thể loại trừ
được hoàn toàn hệ thuộc luật nơi có bất động sản (mặc dù luật nơi có bất động sản
không thể trở thành luật áp dụng đối với toàn bộ di sản thừa kế); điều này có thể dẫn
đến hậu quả trở lại tình trạng áp dụng nhiều hệ thống pháp luật đối với một phần di
sản. Thứ hai, trường hợp người lập di chúc lựa chọn luật áp dụng cũng không thể giúp
tránh được các quy định có tính chất bảo vệ quyền lợi của những người có quan hệ
huyết thống với người để lại di sản, như quy định về phần tài sản thừa kế bắt buộc; do
đó cần có những hạn chế về phạm vi lựa chọn luật áp dụng của người để lại di sản.
Quá trình cải cách phương thức giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế nhằm đồng
thời đạt tới nhiều mục tiêu là bình đẳng giữa những người thừa kế hoặc người có
quyền thừa kế, khả năng dự kiến được luật áp dụng, tôn trọng ý chí của người để lại di
sản và bảo vệ một số người thừa kế hoặc một số tài sản thừa kế. Nhìn chung có hai
hướng cải cách như sau: Thứ nhất là giải pháp của Công ước La Hay năm 1989 về xác
định luật áp dụng đối với quan hệ thừa kế (A): đây là giải pháp có tính chất triệt để
hơn, theo đó luật áp dụng đối với quan hệ thừa kế sẽ là một hệ thống pháp luật thống
nhất được xác định theo tiêu chí khách quan, hoặc tiêu chí chủ quan (sự lựa chọn của
người để lại di sản) nhưng với một số hạn chế như chấp nhận ngoại lệ hoặc có thể trở
lại áp dụng nhiều hệ thống pháp luật. Thứ hai là giải pháp của Québec, chịu ảnh
hưởng của pháp luật Thụy Sỹ và mang tính dung hòa hơn (B), bởi vì pháp luật Québec
vừa cho phép áp dụng nhiều hệ thống pháp luật nếu căn cứ theo tiêu chí khách quan
của quan hệ thừa kế, vừa chấp nhận áp dụng một hệ thống pháp luật thống nhất theo
sự lựa chọn có hạn chế của người để lại di sản.
A. GIẢI PHÁP TRIỆT ĐỂ ÁP DỤNG MỘT HỆ THỐNG PHÁP LUẬT THỐNG NHẤT THEO TIÊU CHÍ KHÁCH QUAN HOẶC CHỦ QUAN (CÔNG ƯỚC LAHAY 1989)
Theo Điều 3 của Công ước, luật được xác định theo tiêu chí khách quan để áp dụng đối
với quan hệ thừa kế là luật nơi thường trú của người để lại di sản vào thời điểm chết,
nếu nước nơi thường trú cũng là nước mà người để lại di sản có quốc tịch. Ví dụ như
trường hợp một người Việt Nam thường trú ở Việt Nam vào thời điểm chết. Trong
trường hợp nước nơi thường trú không trùng với nước mà người để lại di sản mang
quốc tịch, thì luật áp dụng cũng là luật nơi thường trú của người để lại di sản vào thời
điểm chết, nếu người để lại di sản đã thường trú tại nước đó trong thời gian 5 năm
ngay trước khi chết. Ví dụ, luật Việt Nam sẽ có thể được áp dụng để giải quyết vấn đề
thừa kế của một người có quốc tịch Lào nếu người đó thường trú tại Việt Nam được 5
năm cho đến khi chết. Tuy nhiên, luật của nước mà người để lại di sản mang quốc
tịch, tức là luật của Lào, cũng sẽ có thể được áp dụng trong trường hợp ngoại lệ, nếu
luật nước này có quan hệ gắn bó với vấn đề thừa kế (chẳng hạn như nếu phần lớn di
sản là bất động sản nằm ở Lào). Ngoài ra, nếu không sử dụng được tiêu chí nào trong
các tiêu chí trên (người có quốc tịch Lào chỉ cư trú tại Việt Nam trong 3 năm), thì luật
áp dụng sẽ là luật của nước mà người để lại di sản mang quốc tịch (luật của Lào), trừ
trường hợp luật của nước khác có quan hệ gắn bó hơn với vấn đề thừa kế (ví dụ, bất
động sản nằm ở Campuchia, thì áp dụng luật của Campuchia).
Bên cạnh những nguyên tắc tương đối phức tạp nói trên, Công ước La Hay còn quy
định một số ngoại lệ (Điều 6: trường hợp di chúc nêu rõ các quy định của một luật
khác được áp dụng để điều chỉnh một số tài sản thừa kế, như bất động sản; Điều 15:
bảo vệ một số chế độ thừa kế dành cho một số người hoặc một số tài sản; Điều 16:
quy chế áp dụng đối với di sản không có người nhận thừa kế).
Điểm mới thứ hai của Công ước La Hay thể hiện ở hệ thuộc electio juris, có nghĩa là
cho phép người để lại di sản được lựa chọn luật áp dụng đối với toàn bộ quan hệ thừa
kế (Điều 5). Với khả năng này, về nguyên tắc, luật áp dụng đối với quan hệ thừa kế sẽ
là một hệ thống pháp luật thống nhất, hơn nữa lại có thể dự kiến trước. Tuy nhiên,
phạm vi lựa chọn bị bó hẹp trong 2 hệ thống pháp luật mà người để lại di sản thường
chọn áp dụng: luật của nước mà mình mang quốc tịch hoặc luật nơi thường trú vào
thời điểm lập di chúc hoặc vào thời điểm chết (căn cứ này làm cho việc dự kiến luật áp
dụng trở nên không rõ). Hơn nữa, theo quy định tại Điều 6, người để lại di sản có thể
lồng vào di chúc những quy định của một hoặc một số luật mà mình lựa chọn để điều
chỉnh một số tài sản thừa kế nhất định (khả năng lập nhiều di chúc). Trường hợp này
sẽ dẫn đến việc quay trở lại áp dụng nhiều hệ thống pháp luật, nhưng là theo ý
nguyện của người để lại di sản, nếu như hệ thuộc luật nơi có bất động sản không bị
loại trừ vì lý do tiện cho việc áp dụng. Ngoài ra còn có một số hạn chế khác, như hạn
chế quy định tại Điều 15 (các chế độ thừa kế cụ thể, v.v.).
Tuy mang nhiều ý tưởng mới, nhưng Công ước La Hay vẫn chưa đạt được thành công
lớn. Đó vẫn là một văn bản phức tạp, với nhiều điều khoản ngoại lệ. Đó là kết quả thu
được sau quá trình thảo luận với những ý kiến trái ngược nhau từ các nước thành viên
và trong đó, một số nước vẫn còn tỏ rõ sự thận trọng trước việc cho phép người để lại
di sản lựa chọn luật áp dụng đối với quan hệ thừa kế. Những bất đồng quan điểm gay
gắt này có thể chính là nguyên nhân giải thích vì sao Công ước vẫn chưa nhận được sự
hưởng ứng rộng rãi mặc dù các nước đàm phán đã rất cố gắng để đi đến những giải
pháp tương đối hài hòa.
B. GIẢI PHÁP DỤNG HÓA CỦA PHÁP LUẬT QUEBEC: ÁP DỤNG MỘT HỆ THỐNG PHÁP LUẬT THỐNG NHẤT THEO SỰ LỰA CHỌN CỦA NGƯỜI ĐỂ LẠI DI SẢN
Trong khi chờ đợi Công ước La Hay được áp dụng rộng rãi trên thế giới, Québec đã
chọn cho mình một giải pháp riêng nhưng mang tính dung hòa trên cơ sở dựa theo giải
pháp của pháp luật Thụy Sĩ, nhằm đáp ứng kịp thời phần lớn các vấn đề do thực tiễn
đặt ra.
Điều 3098 khoản 1 BLDS Québec khẳng định lại khả năng áp dụng nhiều hệ thống
pháp luật đối với quan hệ thừa kế theo quan điểm truyền thống:
Thừa kế động sản được điều chỉnh bởi luật nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản;
thừa kế bất động sản được điều chỉnh bởi luật nơi có tài sản.
Nhưng khoản 2 Điều này có điểm mới hơn:
Tuy nhiên, một người có thể thông qua di chúc, chỉ định luật áp dụng đối với vấn đề
thừa kế của mình với điều kiện đó phải là luật của quốc gia mà mình mang quốc tịch,
hoặc luật nơi mình cư trú vào thời điểm lập di chúc hoặc vào thời điểm chết, hoặc luật
nơi có bất động sản mà mình sở hữu, nhưng luật nơi có bất động sản chỉ được áp dụng
đối với bất động sản đó.
Như vậy, việc cho phép người để lại di sản lựa chọn một hệ thống pháp luật áp dụng
thống nhất tạo điều kiện bảo đảm sự bình đẳng và khả năng dự kiến trước của giải
pháp giải quyết thừa kế. Nhưng phạm vi lựa chọn vẫn bị hạn chế một cách hợp lý:
1. Người để lại di sản chỉ được lựa chọn trong số luật của nước mà mình mang quốc
tịch hoặc luật nơi cư trú vào thời điểm chết hoặc thời điểm lập di chúc (giống với quy
định của Công ước La Hay).
2. Người để lại di sản có thể lựa chọn luật nơi có bất động sản, nhưng luật này chỉ
được áp dụng đối với bất động sản đó. Như vậy, khả năng này có thể dẫn ngược trở lại
tình huống áp dụng nhiều hệ thống pháp luật đối với quan hệ thừa kế, theo chủ ý của
người để lại di sản. Điều khoản này có phần tương tự như Điều 6 của Công ước La
Hay. Tuy nhiên, khác với quy định tại Điều 6 của Công ước, đây không phải là trường
hợp lồng vào di chúc một số quy định của luật nơi có tài sản, mà thực sự là việc lựa
chọn một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, nhằm loại trừ việc áp dụng các quy định có
hiệu lực áp dụng bắt buộc của hệ thống luật được dẫn chiếu theo tiêu chí khách quan.
3. Bảo vệ một số người thừa kế hoặc một số tài sản.
Căn cứ theo Điều 3099 BLDS Québec, quan hệ thừa kế lại được điều chỉnh bởi nhiều
hệ thống pháp luật được xác định theo tiêu chí khách quan. Quy định tại Điều này giúp
tránh trường hợp nếu áp dụng luật do người để lại di sản lựa chọn thì sẽ không áp
dụng được những quy định nhằm bảo vệ một số người hoặc một số tài sản được coi là
cơ bản trong luật được xác định theo tiêu chí khách quan. Điều 3099 quy định:
Việc lựa chọn luật áp dụng đối với quan hệ thừa kế của người để lại di sản sẽ không có
hiệu lực trong trường hợp việc áp dụng luật được lựa chọn làm cho người vợ hoặc một
người con của người để lại di sản mất một phần lớn quyền thừa kế mà lẽ ra họ được
hưởng nếu như luật đó không được chọn áp dụng. Việc lựa chọn luật áp dụng của
người để lại di sản cũng không có hiệu lực trong trường hợp việc áp dụng luật đó gây
phương hại đến các chế độ thừa kế áp dụng đối với một số tài sản theo quy định pháp
luật của nước nơi có tài sản vì lý do các tài sản đó phục vụ lợi ích kinh tế, gia đình
hoặc xã hội.
C. ƯU ĐIỂM VÀ NHƯỢC ĐIỂM CỦA GIẢI PHÁP CHO PHÉP NGƯỜI ĐỂ LẠI DI SẢN LỰA CHỌN MỘT HỆ THỐNG PHÁP LUẬT THỐNG NHẤT ĐỂ ĐIỀU CHỈNH QUAN HỆ THỪA KẾ
Giải pháp cho phép người để lại di sản lựa chọn một hệ thống pháp luật thống nhất để
điều chỉnh quan hệ thừa kế, chẳng hạn như luật nơi cư trú của người để lại di sản vào
thời điểm lập di chúc, có nhiều ưu điểm. Thứ nhất, sẽ không xảy ra tình trạng bảo vệ
quá chặt hoặc không bảo vệ quyền lợi của một người thừa kế nào đó như trong trường
hợp áp dụng nhiều hệ thống pháp luật theo hệ thuộc luật nơi có tài sản; ở đây, nếu
người thừa kế nào được ưu tiên thì cũng chỉ được hưởng một phần ưu tiên duy nhất
tính trên tổng giá trị di sản. Thứ hai, nếu áp dụng một hệ thống pháp luật thống nhất
theo lựa chọn của người để lại di sản đối với vấn đề phần tài sản thừa kế bắt buộc (trừ
trường hợp áp dụng Điều 3099 BLDS Québec), thì kết quả tính toán sẽ chính xác hơn,
bởi vì phần tài sản thừa kế bắt buộc được tính trên tổng giá trị của toàn bộ di sản và
sẽ được tuân thủ một cách toàn diện. Thứ ba, nếu áp dụng một quy định thống nhất
về quyền nhận hoặc từ chối nhận di sản, thì chắc chắn là người thừa kế sẽ không được
linh hoạt như trước, nhưng giải pháp này sẽ công bằng hơn đối với những người có
quyền đối với di sản thừa kế. Thứ tư, việc áp dụng một quy định thống nhất về việc
thu hồi phần di sản đã tặng cho cũng sẽ bảo đảm công bằng hơn giữa những người có
quyền thừa kế. Thứ năm, giải pháp này cũng sẽ giúp đơn giản hóa rất nhiều việc tính
toán để phân chia nợ giữa những người có quyền thừa kế, bởi vì sẽ chỉ có một khối tài
sản nợ duy nhất. Vấn đề công bằng cũng sẽ được bảo đảm hơn bởi vì luật được chọn
áp dụng cũng sẽ điều chỉnh việc xác định tài sản thừa kế để xử lý thanh toán các
khoản nợ do thừa kế. Thứ sáu, giải pháp này cũng góp phần làm giảm xung đột về
quyền quản lý di sản, mặc dù trên thực tế, xung đột vẫn có thể xảy ra nếu tài sản
thừa kế nằm ở một nước theo hệ thống common law, bởi vì theo quy định pháp luật
của các nước này, vấn đề quản lý di sản vẫn là một vấn đề thuộc lĩnh vực tố tụng, do
Tòa án phụ trách; khi đó sẽ còn phải áp dụng cả pháp luật của nước sở tại. Cuối cùng,
giải pháp cho phép người để lại di sản chọn một hệ thống pháp luật để áp dụng thống
nhất đối với cả vấn đề thừa kế, chế độ tài sản giữa vợ và chồng, hợp đồng trust lẫn
hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, v.v., sẽ giúp cho việc giải quyết vấn đề thừa kế được dễ
dàng và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nổi bật như trên, giải pháp này vẫn có một số bất
cập liên quan đến phạm vi lựa chọn luật áp dụng đối với quan hệ thừa kế.
Ví dụ, liệu người để lại di sản có thể lựa chọn áp dụng nhiều hệ thống pháp luật hay
không? Giả sử câu trả lời là có, thì chúng ta sẽ quay trở lại trường hợp một quan hệ
thừa kế được điều chỉnh bởi nhiều hệ thống pháp luật, với tất cả những vấn đề khó
khăn của nó. Liệu chúng ta có thể công nhận quyền lập nhiều di chúc hay không? Kỹ
thuật pháp lý tương đối phổ biến ở các nước theo hệ thống common law này sẽ tạo
điều kiện để chúng ta chấp nhận áp dụng luật nơi có bất động sản như một thực tế
không thể tránh khỏi, ít nhất là đối với một số vấn đề về chuyển giao tài sản thừa kế.
Việc lập nhiều di chúc cũng giúp tránh được trường hợp trong đó di chúc duy nhất
không có hiệu lực pháp luật toàn bộ, và sẽ giảm được chi phí dịch thuật. Nhưng việc
áp dụng nhiều hệ thống pháp luật đối với quan hệ thừa kế như vậy sẽ khiến cho việc
giải quyết trên thực tế trở nên phức tạp do phải xử lý hài hòa giữa nhiều bản di chúc
đó. Trong trường hợp sửa đổi bổ sung di chúc thì phải xem xét lại tất cả các bản di
chúc và tiến hành kiểm tra, xác minh trước nhiều cơ quan có thẩm quyền ở nhiều
nước; như vậy chi phí sẽ tăng.
Liệu có thể đưa vào di chúc một điều khoản theo đó áp dụng cố định các quy định
pháp luật hiện hành vào thời điểm lập di chúc? Hiệu lực của điều khoản này có lẽ phụ
thuộc vào luật được chọn áp dụng, mặc dù nếu áp dụng pháp luật của Tòa án thì có
thể có lợi. Cần giải quyết như thế nào nếu theo quy định của luật được chọn áp dụng
thì di chúc bị vô hiệu? Về nguyên tắc, trong trường hợp này (di chúc bị vô hiệu), vẫn
phải tuân thủ quy định của luật được lựa chọn áp dụng và khi di chúc bị vô hiệu thì
việc thừa kế đó sẽ được giải quyết theo luật được dẫn chiếu theo tiêu chí khách quan.
Ngoài những nội dung trao đổi trên, tôi xin trình bày một số vấn đề liên quan đến di
chúc có yếu tố nước ngoài và vấn đề chứng cứ trong lĩnh vực thừa kế.
III. THỪA KẾ THEO DI CHÚC: XUNG ĐỘT PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN HIỆU LỰC VỀ
MẶT HÌNH THỨC CỦA DI CHÚC
Xung đột pháp luật liên quan đến hiệu lực về mặt hình thức của di chúc có vẻ ít gặp
trong thực tiễn và nhìn chung, việc giải quyết cũng tương đối dễ dàng nếu tư pháp
quốc tế có một quy phạm xung đột đưa ra nhiều khả năng lựa chọn như quy định tại
Điều 3109 BLDS Québec (dựa theo Công ước La Hay năm 1961 về xung đột pháp luật
về hình thức di chúc):
3109. Hình thức của hành vi pháp lý được điều chỉnh bởi luật nơi xác lập hành vi đó.
Tuy nhiên, hành vi vẫn có hiệu lực nếu được xác lập theo hình thức quy định trong luật
được dẫn chiếu để điều chỉnh về nội dung của hành vi, hoặc luật nơi có tài sản là đối
tượng của hành vi vào thời điểm xác lập hành vi, hoặc luật nơi cư trú của một trong
các bên vào thời điểm xác lập hành vi. Ngoài ra, di chúc có thể được lập theo hình
thức quy định trong luật nơi cư trú hoặc luật của nước mà người lập di chúc mang
quốc tịch vào thời điểm lập di chúc hoặc vào thời điểm chết.
Tuy nhiên, còn một vấn đề liên quan đến hiệu lực của di chúc chung của vợ, chồng,
như trường hợp quy định tại Điều 666 BLDS Việt Nam. Pháp luật một số nước cấm các
loại thỏa thuận về thừa kế trong tương lai nên di chúc chung cũng bị cấm. Do đó, việc
xác định hiệu lực của di chúc chung phụ thuộc vào việc định danh quan hệ: quan hệ
đó thuộc phạm trù nội dung hay phạm trù hình thức của di chúc? Về điểm này, án lệ
Québec đã có hai cách giải thích khác nhau. Chúng tôi cho rằng tất cả đều phụ thuộc
vào tính chất pháp lý của quan hệ: Một số di chúc có thể là di chúc chung về mặt hình
thức, nếu như chúng được lập trong cùng một bản; hiệu lực của các di chúc đó sẽ
được điều chỉnh bởi luật được dẫn chiếu theo Điều 3109 BLDS Québec. Ngược lại, đối
với các di chúc bao gồm những điều khoản có quan hệ qua lại với nhau, phụ thuộc lẫn
nhau, thì về cơ bản, đó là di chúc chung và việc xác định hiệu lực của chúng phải căn
cứ theo luật áp dụng đối với nội dung của các thỏa thuận về thừa kế trong tương lai
(luật được dẫn chiếu để điều chỉnh quan hệ thừa kế hoặc quan hệ hợp đồng).
Tuy nhiên, ngay cả khi chúng ta chấp nhận quy phạm xung đột đưa ra nhiều khả năng
lựa chọn như trên, thì tòa án thụ lý giải quyết vụ việc thừa kế vẫn còn một khó khăn
là phải tìm hiểu nội dung của các luật có thể được áp dụng để điều chỉnh về hiệu lực
của di chúc. Chính vì vậy, Công ước Washington ngày 26/10/1973 về quy phạm pháp
luật thống nhất về hình thức của di chúc có yếu tố nước ngoài đã ra đời theo đề xuất
của tổ chức UNIDROIT. Quy định trong Công ước là quy phạm pháp luật thống nhất về
hình thức di chúc mà tất cả các quốc gia thành viên đều chấp nhận áp dụng trực tiếp,
không cần phải xác định luật áp dụng thông qua quy phạm xung đột. Tuy nhiên, Công
ước không quy định về di chúc chung của vợ, chồng, vì các nhà soạn thảo không thể
thống nhất được với nhau về tính chất pháp lý của loại di chúc này.
IV. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ CHỨNG CỨ LIÊN QUAN ĐẾN THỪA KẾ CÓ YẾU TỐ NƯỚC
NGOÀI
A. KIỂM TRA DI CHÚC LẬP Ở NƯỚC NGOÀI
1. Di chúc tự tay viết hoặc có người làm chứng
Nếu di chúc được lập ở nước ngoài dưới hình thức tự tay viết hoặc có người làm chứng,
và chưa được công chức, chứng thực ở nước ngoài, thì cần kiểm tra di chúc đó như đối
với di chúc lập ở trong nước, nhằm bảo đảm di chúc đó tuân thủ đúng quy định về
hình thức và là bản di chúc lập sau cùng, để trên cơ sở đó, làm thủ tục đăng ký gửi giữ
di chúc và cấp bản sao. Nhưng nếu bản di chúc đó đã được công chứng, chứng thực ở
nước ngoài, thì hiệu lực pháp luật của di chúc đó ở trong nước sẽ phụ thuộc vào quy
định về việc công nhận và cho thi hành quyết định của cơ quan công quyền nước
ngoài. Các nước thường có quy định riêng về việc công nhận và cho thi hành quyết
định của cơ quan công quyền nước ngoài. Chẳng hạn ở Québec, quyết định của cơ
quan công quyền nước ngoài có thể được trực tiếp sử dụng làm chứng cứ. Ví dụ, Điều
2822 BLDS Québec quy định như sau:
Văn bản công chứng thư
2822. Văn bản do nhân viên công quyền có thẩm quyền của nước ngoài lập có giá trị
xác thực về nội dung trong mọi trường hợp, mà không cần phải chứng minh năng lực
lập hoặc chữ ký của nhân viên công quyền đó. Tương tự như vậy, bản sao một văn
bản do nhân viên công quyền nước ngoài giữ cũng được coi là phù hợp với bản gốc và
có giá trị thay thế bản gốc trong mọi trường hợp, nếu bản sao này do chính nhân viên
công quyền đó cấp.
Tuy nhiên, trong trường hợp có tranh chấp, người nào muốn viện dẫn văn bản nào thì
phải chứng minh tính xác thực của văn bản đó.
2. Di chúc có chứng nhận của công chứng viên (công chứng thư)
Đối với di chúc lập theo hình thức công chứng thư thì không cần kiểm tra bởi vì công
chứng viên đã thực hiện thủ tục này. Do đó, theo quy định của Điều 2822 BLDS
Québec, di chúc dưới hình thức này sẽ có quy chế ở Québec là văn bản công chứng
thư. Hệ quả của quy chế này được quy định cụ thể tại điều 2824 như sau:
2824. Các văn bản, bản sao và giấy ủy quyền quy định tại Mục này có thể được gửi
công chứng viên lưu giữ để công chứng viên cấp bản sao. Bản sao do công chứng viên
cấp được coi là phù hợp với văn bản gửi giữ và có giá trị thay thế văn bản gửi giữ.
B. TRƯỜNG HỢP MỞ THỪA KẾ Ở NƯỚC NGOÀI: CHỨNG MINH VỀ TƯ CÁCH PHÁP LÝ
VÀ THẨM QUYỀN CỦA NGƯỜI ĐẠI DIỆN THỪA KẾ ĐƯỢC CHỈ ĐỊNH Ở NƯỚC NGOÀI
Ở các nước theo hệ thống common law, quyền quản lý di sản được trao cho một người
quản lý di sản theo quyết định của Tòa án. Với quy chế là người được ủy thác di sản
(trustee), người quản lý di sản đó có quyền hợp pháp đối với tài sản thừa kế, đồng
thời có nghĩa vụ quản lý và chuyển giao tài sản thừa kế cho những người có quyền
thừa kế. Trong trường hợp di chúc có chỉ định người thực hiện di chúc, thì Tòa án cấp
giấy công nhận tư cách đó cho người đại diện thừa kế. Còn trong trường hợp di chúc
không chỉ định người thực hiện di chúc hoặc vụ thừa kế mở tại nước ngoài là thừa kế
theo pháp luật, thì Tòa án cấp giấy chỉ định người quản lý di sản.
Các quyết định trên của Tòa án ít khi gây tranh chấp trên thực tế. Nhưng trong trường
hợp có tranh chấp thì giải quyết theo quy định về thủ tục công nhận và cho thi hành
bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài. Nếu không có tranh chấp thì các quyết
định đó sẽ đương nhiên có hiệu lực ở một số nước như Pháp hoặc Québec (xem Điều
2822 BLDS Québec trích ở trên). Điều 58 Bộ luật tố tụng dân sự Québec quy định:
"Người nào có quyền đại diện, theo quy định của pháp luật nước ngoài, cho một người
khác đã chết tại nước đó hoặc đã lập di chúc tại nước đó nhưng để lại di sản ở Québec,
thì có quyền khởi kiện trước tòa án ở Québec với tư cách là người đại diện thừa kế".
C. TRƯỜNG HỢP MỞ THỪA KẾ Ở TRONG NƯỚC NHƯNG CÓ TÀI SẢN THỪA KẾ NẰM Ở
NƯỚC NGOÀI : GIẤY XÁC NHẬN VÀ GIẤY CÔNG NHẬN
Xin lấy một ví dụ minh họa cho những vấn đề được đề cập ở đây: một vụ thừa kế mở
tại Québec (nơi cư trú của người để lại di sản là ở Québec) nhưng có một số tài sản
thừa kế nằm ở nước ngoài hoặc ngoài bang Québec, chẳng hạn như ở một nước thuộc
hệ thống common law.
Để chứng minh nội dung của pháp luật Québec ở nước ngoài, Tòa án Québec có thể
cấp giấy xác nhận. Trong trường hợp thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc, giấy
xác nhận của Tòa án Québec sẽ có chức năng chứng minh về quyền và căn cước của
những người có quyền thừa kế, sự tồn tại của di chúc và về việc đó là bản di chúc sau
cùng, hợp pháp cả về nội dung lẫn hình thức, trên cơ sở luật được dẫn chiếu theo quy
phạm xung đột của pháp luật Québec, cũng như chứng minh về tư cách pháp lý và
quyền hạn của người thực hiện di chúc theo pháp luật Québec. Giấy xác nhận này
cũng có giá trị như một quyết định xác nhận di chúc của tòa án Québec trong trường
hợp di chúc do người để lại di sản tự viết tay hoặc có người làm chứng, hoặc như một
biên bản xác nhận của công chứng viên nếu di chúc được lập dưới hình thức công
chứng thư.
Trong trường hợp một số tài sản thừa kế nằm ở một nước theo hệ thống common law,
để bảo vệ những người có quyền đối với tài sản thừa kế ở nước đó, cần tiến hành thủ
tục thứ hai: yêu cầu tòa án đóng thêm dấu vào giấy công nhận (resealing of Grants of
Probates), nhằm trao cho người quản lý di sản được chỉ định quản lý các tài sản nằm ở
nước đó quyền chiếm hữu tài sản và giao lại cho những người có quyền thừa kế. Giấy
xác nhận do tòa án Québec cấp có thể có giá trị như "giấy chỉ định người quản lý di
sản" ở nước có tài sản, theo một thủ tục rút gọn được quy định riêng (như ở bang
Ontario).
Còn trong trường hợp giấy xác nhận do tòa án một nước không theo hệ thống
common law cấp, tất nhiên, có thể yêu cầu tòa án nơi có tài sản cấp giấy chỉ định
người quản lý di sản ở nước đó.
Nếu vụ thừa kế có di chúc được lập dưới hình thức công chứng thư, có thể sử dụng thủ
tục cấp giấy công nhận (Letters Probate) ở các nước theo hệ thống common law, theo
đó có thể trực tiếp yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ở nước nơi có tài sản (theo hệ
thống common law) xác nhận di chúc bằng công chứng thư lập ở nước ngoài
(Québec), theo quy định của pháp luật của nước nơi có tài sản. Trên thực tế, thủ tục
này sẽ do một cơ quan đồng nghiệp ở nước nơi có tài sản thực hiện sau khi được
chuyển cho những tài liệu liên quan (bản sao công chứng của bản di chúc gốc, v.v.).
KẾT LUẬN
Thừa kế có yếu tố nước ngoài là một lĩnh vực dễ phát sinh xung đột pháp luật và gây
nhiều khó khăn trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Do đó, những vấn đề như chuyển
giao di sản cho người có quyền thừa kế, quản lý di sản và chuyển giao tài sản thừa kế
là hàng loạt vấn đề hóc búa đối với người thực hiện việc giải quyết thừa kế, nếu như
muốn tôn trọng ý chí của người lập di chúc hoặc người để lại di sản cũng như các
chính sách bảo vệ một số đối tượng có quyền thừa kế hoặc một số tài sản. Có hai giải
pháp giúp cho việc xử lý những vấn đề trên trở nên đơn giản hơn, mà lại có lợi cho tất
cả các bên: đó là áp dụng một hệ thống pháp luật thống nhất đối với toàn bộ quan hệ
thừa kế và cho phép người lập di chúc lựa chọn luật áp dụng. Tuy nhiên, vẫn cần phải
quy định một số hạn chế và phải thừa nhận rằng dù có áp dụng giải pháp nào thì
những khó khăn khác vẫn còn tồn tại. Theo logic, vấn đề đặt ra phức tạp thì giải pháp
xử lý cũng phức tạp. Vì vậy, những người hoạt động thực tiễn về pháp luật cần nâng
cao hiểu biết của mình về lĩnh vực này.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Một số vấn đề thực tiễn về quan hệ thừa kế trong tư pháp quốc tế.doc