Một vài suy nghĩ về mô hình hộ gia đình và tổ hợp tác trong bộ luật Dân sự nước ta năm 2005

Hiện nay, xã hội không ngừng vận động, phát triển mọi mặt mọi mặt, nền kinh tế thị trường thúc đẩy sự thay đổi không ngừng mọi mặt của đời sống con người, hoạt động của tất cả các chủ thể pháp luật. Trong đó, đối tượng điều chỉnh của Luật dân sự cũng luôn vận động dưới mọi hình thức, đòi hỏi bộ luật Dân sự nước ta cũng phải “vận động” để kịp thời tác động và điều chỉnh. Hộ gia đình và tổ hợp tác là các chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, nó cũng “vận động” và nhu cầu giao dịch dân sự ngày càng mở rộng; do đó Luật chúng ta cũng cần phải chỉnh sửa những điểm hạn chế và bất cập, bổ sung những cái thiếu sót, ngày càng mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các loại chủ thể này.

doc4 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3575 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Một vài suy nghĩ về mô hình hộ gia đình và tổ hợp tác trong bộ luật Dân sự nước ta năm 2005, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
I. Khái quát về hộ gia đình và tổ hợp tác Điều 106,BLDS năm 2005 nước ta qui định: “Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật qui định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này”. Điều 111 qui định: “Tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn của từ ba cá nhân trở lên, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm là chủ thể trong các quan hệ dân sự”. II. Nội dung Hiện nay, đang có 2 quan điểm trái ngược về việc BLDS nước ta có nên quy định hộ gia đình và tổ hợp tác như một chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự hay không. Theo đánh giá chủ quan của bản thân em thì hiện nay việc qui định hộ gia đình và tổ hợp tác là chủ thể trong quan hệ pháp luật Dân sự vẫn phù hợp, và không nên hủy bỏ các qui định này. Ở nước ta, hộ gia đình chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi và bổ sung năm 2001) đã khẳng định tại Điều 21 là kinh tế hộ gia đình cần được khuyến khích, phát triển. Kinh tế hộ gia đình ngày càng phát triển, và có sự đóng góp lớn hơn vào sự phát triển nền kinh tế chung của cả nước. Cho nên sẽ không tránh khỏi việc hộ gia đình tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự mà ở đó hộ gia đình với tư cách là một chủ thể nhằm đảm bảo tính hợp thức và thuận lợi trong các giao dịch dân sự, đồng thời cũng để đảm bảo lợi ích chung của các thành viên trong hộ gia đình. Thực tiễn cho thấy việc hình thành và phát triển của kinh tế hộ gia đình với các hình thức sản xuất vừa và nhỏ, trong các lĩnh vực nông, lâm sản, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là phổ biến và là một thực tế khách quan. Bên cạnh đó, kể từ khi có luật đất đai năm 1993, vai trò chủ thể của hộ gia đình trong quan hệ sử dụng đất đã thể hiện đậm nét. Xuất phát từ tình hình thực tiễn trên đây, BLDS năm 1995 đã quy định hộ gia đình là một chủ thể đặc biệt, hay còn gọi là chủ thể hạn chế trong quan hệ dân sự. Mặt khác, ở Việt Nam, hộ gia đình tồn tại như một yếu tố thể hiện truyền thống của dân tộc, việc tồn tại hộ gia đình ở Việt Nam mang tính chất bền vững, nó bị chi phối bởi yếu tố truyền thống và đạo đức con người…Do đó việc qui định hộ gia đình là một chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự là phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thực trạng hiện nay và cũng phù hợp với truyền thống đạo đức của dân tộc. Về tổ hợp tác, đây là một mô hình rất phù hợp với nước ta trong giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay. Việc tham gia vào các giao dịch dân sự là nhu cầu thiết yếu để các tổ hợp tác phát triển. Tổ hợp tác là mô hình kinh tế linh hoạt, thích hợp với trình độ sản xuất của kinh tế hộ ở nhiều vùng, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn, có phương thức tổ chức hoạt động kinh tế phù hợp với đông đảo quần chúng nhân dân lao động. Thông qua tổ hợp tác, người lao động có điều kiện tham gia vào quá trình phân công lao động xã hội và hưởng lợi từ các thành quả phát triển kinh tế, sử dụng có hiệu quả hơn nguồn lực về đất đai, lao động, vật tư và tiền vốn, góp phần phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) cũng đã định hướng việc lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp với trình độ, khả năng và nhu cầu hợp tác của người dân: “tiếp tục phát triển rộng rãi kinh tế hợp tác với nhiều hình thức, quy mô, trình độ khác nhau trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn có điều kiện”. Từ đó, cho thấy việc Luật dân sự nước ta qui định tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự hiện nay là phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhận xét về các qui định về hộ gia đình và tổ hợp tác trong bộ luật Dân sự nước ta năm 2005: Điều 107 BLDS qui định: "1.chủ hộ là đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự vì lợi ích chng của hộ.Cha mẹ hoặc một thành viên khác đã thành niên có thể là chủ hộ”. "2. Giao dịch dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện vì lợi ích chung của hộ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả hộ gia đình". Tuy nhiên nhưng quy định này có một số bất cập: Đó là dễ làm cho đối tác của hộ gia đình cũng như những người trong hộ khó nhận biết được cụ thể thời gian một người có còn hay không còn tư cách chủ hộ. BLDS không có quy định nào liên quan đến việc thay đổi, chấm dứt tư cách của chủ hộ gia đình, không quy định về thủ tục xác lập chủ hộ cho nên việc xác định ai là chủ hộ hiện nay chỉ dựa trên sự cảm nhận của các bên tham gia, mà không được thể hiện bằng một thủ tục pháp lý nào. Mặt khác theo quy định của BLDS về chủ hộ gia đình cho phép một hộ gia đình có thể do nhiều người trong hộ đứng tên chủ hộ tùy theo từng nơi từng lúc, trong giao dịch dân sự này do người này đứng tên chủ hộ, nhưng trong giao dịch dân sự khác do người khác đứng tên chủ hộ. Như vậy sẽ rất khó cho các chủ thể đối tác xác định tư cách của người tham gia giao dịch dân sự có phải chủ thể hay không.   Ví dụ: Trong hoạt động tín dụng ngân hàng đã xảy ra không ít trường hợp một hộ đi vay nhiều ngân hàng, một hộ đi vay nhiều lần một ngân hàng nhưng do đứng tên chủ hộ từng lần vay vốn khác nhau và việc ngân hàng đăng ký mã số khách hàng theo hộ tên chủ hộ, vì vậy vô hình chung một hộ gia đình trở thành nhiều hộ vay khác nhau, rất khó cho công tác quản lý khách hàng và dư nợ của từng hộ, nhất là việc quản lý về tài sản bảo đảm tiền vay, mức cho vay tối đa một hộ không phải bảo đảm tài sản.  BLDS đưa ra hai điều luật có nội dung không thống nhất nhau. Theo khoản 2 điều 107 quy định: " giao dich dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện vì lợi ích chung của hộ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả hộ gia đình", nhưng theo khoản 1 điều 110 thì: " hộ gia đình phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện nhân danh hộ gia đình". Như vậy, theo khoản 1 điều 110 thì chỉ cần giao dịch dân sự do người đại diện hộ tham gia là làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình. Nhưng theo khoản 2 điều 107 thì ngoài giao dịch do người đại diện tham gia thì còn phải vì lợi ích chung của hộ. Vấn đề không thống nhất của hai điều luật dẫn đến tranh chấp và viện dẫn khác nhau.   Trong BLDS không qui định về điều kiện thành viên của hộ gia đình và các mối liên quan cần thiết để tạo lập nên quan hệ đó. Mặc dù, trong giáo trình luật dân sự trường Đại học luật Hà Nội nói rằng: xuất phát từ pháp luật về hôn nhân và gia đình, những qui định của BLDS và phong tục tập quán, thì thành viên hộ gia đình là những người trong gia đình có các quan hệ huyết thống nuôi dưỡng và hôn nhân; tuy nhiên vấn đề này theo em cần phải được qui định một cách rõ ràng trong bộ luật Dân sự. Vì luật không qui định nên vẫn có thể xảy ra trường hợp quan hệ giữa những người trong hộ gia đình là quan hệ làm ăn kinh tế đơn thuần chứ không phải là quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng...và một vấn đề đặt ra trong trường hợp này là ai sẽ đại diện cho người chưa thành niên trong mối quan hệ với các thành viên khác của hộ nếu có các tranh chấp dân sự xảy ra, căn cứ vào cơ sở pháp lý nào để giải quyết…? hoặc cũng có thể sẽ xảy ra thắc mắc, hộ gia đình là các thành viên theo sổ hộ khẩu hay hộ gia đình bao gồm các thành viên có quan hệ huyết thống và quan hệ hôn nhân. Khoản 2 Điều 109 qui định: "Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất,tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý ; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý"; quy định này sẽ bộc lộ một nhuợc điểm lớn khi có một thành viên trong hộ gia đình từ đủ 15 tuổi trở lên không đồng ý ký tên vào văn bản bán căn nhà của hộ gia đình và xảy ra một trường hợp pháp luật vì bảo vệ quyền của một người ( một thành viên trong hộ gia đình ) mà cản trở một số đông người khác ( các thành viên còn lại trong hộ gia đình ) không thực hiện được quyền của mình đây chính là điều bất cập.  Do vậy, em đồng ý với ý kiến đề nghị (diễn đàn các doanh nghiệp Việt Nam) có thể quy định lại nội dung của khoản 2 này như sau : " Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn và các loại tài sản chung khác của hộ gia đình phải được đa số thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý " Về tổ hợp tác, Luật Dân sự qui định hợp đồng hợp tác của tơ hợp tác phải có chứng thực của Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn; nhưng trên thực tế là các tổ hợp tác phần lớn chưa thực hiện đăng ký chứng thực (gần 80% số tổ đang hoạt động hiện nay), tư cách pháp lý không rõ ràng. Luật bắt buộc hợp đồng hợp tác của THT phải chứng thực ở UBND cấp xã, phường, thị trấn là hợp lý; nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là chưa có chế tài xử phạt tổ chưa đăng ký (tổ hợp tác mà hợp đồng hợp tác chưa có chứng thực của Ủy bân nhân dân xã, phường, thị trấn). Vậy nên theo em trong bộ luật Dân sự vẫn còn thiếu một qui định rõ ràng liên quan đến việc vô hiệu hóa các giao dịch dân sự do người đại diện tổ hợp tác không có đăng ký này thực hiện. Bởi trên thực tế chúng ta thấy các tổ chưa đăng ký chưa gặp nhiều vướng mắc trong hoạt động; đời sống xã hội dân sự lấy chữ tín, niềm tin đặt lên trên, lấy thoả thuận dân sự để ứng xử. 3. Kết luận Hiện nay, xã hội không ngừng vận động, phát triển mọi mặt mọi mặt, nền kinh tế thị trường thúc đẩy sự thay đổi không ngừng mọi mặt của đời sống con người, hoạt động của tất cả các chủ thể pháp luật. Trong đó, đối tượng điều chỉnh của Luật dân sự cũng luôn vận động dưới mọi hình thức, đòi hỏi bộ luật Dân sự nước ta cũng phải “vận động” để kịp thời tác động và điều chỉnh. Hộ gia đình và tổ hợp tác là các chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, nó cũng “vận động” và nhu cầu giao dịch dân sự ngày càng mở rộng; do đó Luật chúng ta cũng cần phải chỉnh sửa những điểm hạn chế và bất cập, bổ sung những cái thiếu sót, ngày càng mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các loại chủ thể này.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docMột vài suy nghĩ về mô hình hộ gia đình và tổ hợp tác trong bộ luật Dân sự nước ta năm 2005-.doc
Luận văn liên quan