Trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) ngoài hợp đồng được quy định khá cụ thể trong BLDS 2005. Tuy nhiên, trách nhiệm này không phải trong mọi trường hợp đều được đặt ra cho người trực tiếp gây thiệt hại. Việc tìm hiểu những quy định của pháp luật về vấn đề này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thuộc về ai trong từng trường hợp cụ thể, đảm bảo nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời, bảo vệ lợi ích cho người bị thiệt hại.
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU
NỘI DUNG
A. TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG
1. Khái niệm
2. Điều kiện làm phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng
3. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
B. NĂNG LỰC CHỊU TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI CỦA CÁ NHÂN DO GÂY THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG
I – Cá thể hóa trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
II - Năng lực bồi thường thiệt hại của người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ
III - Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên
1. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi
2. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi
III - Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người được giám hộ
1. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người được giám hộ là người chưa thành niên
2. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người được giám hộ là người mất năng lực hành vi dân sự
IV - Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi và người mất năng lực hành vi dân sự trong thời gian trường học, bệnh viện, tổ chức khác quản lí
KẾT LUẬN
21 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3558 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân do gây thiệt hại ngoài hợp đồng – Một số vấn đề lí luận và thực tiễn, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) ngoài hợp đồng được quy định khá cụ thể trong BLDS 2005. Tuy nhiên, trách nhiệm này không phải trong mọi trường hợp đều được đặt ra cho người trực tiếp gây thiệt hại. Việc tìm hiểu những quy định của pháp luật về vấn đề này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thuộc về ai trong từng trường hợp cụ thể, đảm bảo nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời, bảo vệ lợi ích cho người bị thiệt hại.
NỘI DUNG
A. TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG
Khái niệm
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử phát triển của pháp luật thế giới cũng như pháp luật Việt Nam. Kế thừa những quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong Bộ luật Hồng Đức, Bộ luật Gia Long, pháp luật dân sự ngày nay đã có những quy định khá chi tiết về vấn đề này, cụ thể tại Điều 307 về trách nhiệm bổi thường thiệt hại nói chung và chương XXI về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, trong cả hai phần này đều không nêu rõ khái niệm BTTH mà chỉ nêu lên căn cứ phát sinh trách nhiệm, nguyên tắc bồi thường, năng lực chịu trách nhiệm,…
Tiếp cận dưới góc độ khoa học pháp lí, ta có thể hiểu trách nhiệm BTTH là một loại trách nhiệm dân sự mà theo đó thì khi một người vi phạm nghĩa vụ pháp lí của mình, gây tổn hại cho người khác thì phải bồi thường những tổn thất mà mình gây ra ThS. Nguyễn Minh Oanh – Khoa pháp luật dân sự, Đại học Luật Hà Nội, Khái niệm chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phân loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại
.
Trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm BTTH. Khái niệm về trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng cũng chỉ được xây dựng dưới dạng quan điểm mà chưa được ghi nhận chính thức trong bất cứ một văn bản pháp luật nào. Theo đó, trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng được hiểu là một loại trách nhiệm dân sự theo đó, người có hành vi trái pháp luật dân sự phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng phát sinh khi chủ thể luật dân sự có hành vi vi phạm nói chung như xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Ngoài ra, trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng còn phát sinh ngay cả khi hai bên có quan hệ hợp đồng trong trường hợp gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng hoặc các bên có quan hệ hợp đồng nhưng thiệt hại xảy ra không liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.
Là một loại trách nhiệm dân sự nên ngoài những đặc điểm của trách nhiệm dân sự nói chung, trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng còn có những đặc điểm riêng như:
Trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng chỉ đặt ra khi thỏa mãn những điều kiện nhất định do pháp luật quy định, giữa các bên không có quan hệ hợp đồng, thiệt hại xảy ra không liên quan đến hợp đồng.
Thiệt hại xảy ra rất đa dạng.
Trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng là trách nhiệm tài sản, hậu quả pháp lí mà người gây thiệt hại phải gánh chịu là hậu quả bất lợi về tài sản.
Người gây thiệt hại phải bồi thường trong một số trường hợp không có lỗi.
Điều kiện làm phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng
Trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đủ các điều kiện do pháp luật quy định. Các điều kiện đó là: có thiệt hại xảy ra; hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật; có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và thiệt hại xảy ra; có lỗi. Lỗi không phải là điều kiện bắt buộc làm phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng, trong một số trường hợp, trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng phát sinh ngay cả khi người gây thiệt hại không có lỗi (Khoản 3 Điều 623, Điều 624 BLDS 2005).
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
Việc BTTH ngoài hợp đồng phải tuân theo các nguyên tắc sau:
Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.
Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi mức bồi thường.
B. NĂNG LỰC CHỊU TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI CỦA CÁ NHÂN DO GÂY THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG
I - Cá thể hóa trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Người gây thiệt hại có thể là bất cứ chủ thể nào: cá nhân, pháp nhân, cơ quan nhà nước,… Nhưng việc bồi thường thiệt hại phải do người có “khả năng” bồi thường và chính họ phải tham gia vào quan hệ nghĩa vụ, mặc dù hành vi gây ra thiệt hại có thể không phải do chính họ thực hiện. BLDS quy định về năng lực chịu trách nhiệm BTTH của cá nhân (Điều 606) mà không quy định về năng lực bồi thường của các chủ thể khác. Bởi vậy, các chủ thể khác được mặc nhiên coi là có năng lực chịu trách nhiệm BTTH. Việc xác định cá nhân nào có năng lực chịu trách nhiệm BTTH và phải BTTH trong trường hợp nào có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại.
Trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng phát sinh dựa trên các điều kiện do pháp luật quy định. Khi có thiệt hại xảy ra, thiệt hại xảy ra do hành vi trái pháp luật, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra, có lỗi thì trong đa số trường hợp, người gây thiệt hại phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau như người gây thiệt hại bị mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, không có tài sản hoặc có tài sản nhưng không đủ để thực hiện trách nhiệm bồi thường mà người gây thiệt hại không thể trực tiếp bồi thường cho người bị thiệt hại. Vậy, câu hỏi đặt ra là ai sẽ là người có trách nhiệm bồi thường trong những trường hợp trên?
Pháp luật cũng đã dự liệu cách giải quyết cho những tình huống này. Trong từng hoàn cảnh cụ thể, luật dân sự xác định trách nhiệm BTTH thuộc về cha, mẹ của người gây thiệt hại là người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi, người giám hộ của người gây thiệt hại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự,… Cá thể hóa trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là việc xác định người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại chính trong từng trường hợp gây thiệt hại cụ thể bất luận người đó có phải là người trực tiếp gây ra thiệt hại hay không.
Việc cá thể hóa trách nhiệm bồi thường chính là việc quy trách nhiệm bồi thường cho một chủ thể cụ thể. Đây là việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong vấn đề BTTH ngoài hợp đồng. Cá thể hóa trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ giúp cho việc giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại diễn ra dễ dàng hơn, xác định đúng người có trách nhiệm bồi thường sẽ tạo ra tính khả thi cho công tác thi hành án sau này; cá thể hóa trách nhiệm để xác định trách nhiệm thuộc về ai giảm bớt nguy cơ việc lạm dụng việc mất năng lực hay không đầy đủ khả năng nhận thức của người khác mà kích động họ gây thiệt hại cho người khác và thu lợi bất chính, đồng thời nâng cao tinh thần, trách nhiệm của những người có nghĩa vụ trông nom, giáo dục những người không có năng lực hành vi hoặc có năng lực hành vi một phần.
Cá thể hóa trách nhiệm bồi thường có thể dựa trên những tiêu chí nhất định như độ tuổi và trình độ nhận thức. Cụ thể:
Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ gây thiệt hại thì phải tự mình BTTH.
Người dưới 18 tuổi là người chưa thành niên, do đó khi người chưa thành niên gây thiệt hại cần lưu ý:
Nếu người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại bằng tài sản của mình; nếu tài sản của cha mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.
Nếu người từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
Người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại trong thời gian trường học, bệnh việc, tổ chức khác trực tiếp quản lí thì các tổ chức này phải BTTH. Nếu tổ chức này chứng minh được mình không có lỗi thì cha mẹ người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự phải BTTH.
II - Năng lực bồi thường thiệt hại của người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ
Khoản 1 Điều 606 BLDS 2005 quy định: “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường”, tuy nhiên, qua việc xem xét mối liên hệ giữa quy định này với quy định tại Khoản 3 Điều 606 thì thấy rằng cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì phải tự bồi thường nếu gây thiệt hại.
Điều 19 về năng lực hành vi dân sự của người thành niên quy định: “Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ trừ trường hợp quy định tại Điều 22 và Điều 23 của Bộ luật này”. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Người thành niên nếu không bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình mà bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự; không nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình mà bị Tòa án tuyên hạn chế năng lực hành vi dân sự thì được coi là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Ở mỗi con người bình thường đều có khả năng hình thành và phát triển ý thức và tự ý thức. Nhưng phải qua quá trình hoạt động và giáo dục trong điều kiện xã hội, khả năng đó mới có thể trở thành hiện thực. Những người đáp ứng đủ các điều kiện trên, xét về cơ bản tâm sinh lí của họ đều đã phát triền một cách hoàn thiện. Họ hoàn toàn có đầy đủ khả năng để nhận thức về sự vật, sự việc, và tự quyết định về hành động của mình, hoàn toàn có khả năng nhận biết được thế giới khách quan. Họ có nghĩa vụ phải biết trước những hành vi của mình sẽ đem lại những hậu quả như thế nào, hành vi đó có xâm phạm đến lợi ích của các chủ thể khác hay không từ đó lựa chọn cách xử sự phù hợp, đảm bảo cân bằng giữa lợi ích cá nhân, lợi ích của các chủ thể khác và xã hội.
Việc xác định người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ phải bồi thường cho những thiệt hại mà mình gây ra là hoàn toàn phù hợp. Bởi lẽ, người từ đủ mười tám tuổi trở lên có đủ điều kiện tham gia vào các quan hệ pháp luật do vây, họ hoàn toàn có năng lực để tham gia và trở thành chủ thể của quan hệ BTTH và nếu là người gây thiệt hại thì họ hoàn toàn có đủ năng lực để thực hiện trách nhiệm bồi thường. Ở độ tuổi này, họ đã có khả năng lao động, có thể tạo ra thu nhập, hình thành khối tài sản riêng của mình.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một bộ phận không nhỏ trong số những người từ đủ mười tám tuổi trở lên là những người mới trưởng thành, họ vẫn còn đi học, chưa có công việc làm, chưa có thu nhập hay tài sản đáng kể, vẫn sống phụ thuộc vào cha, mẹ. Vậy, trong trường hợp những người từ đủ mười tám tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nhưng không có tài sản riêng gây thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thuộc về ai? Nếu họ vẫn là những người phải chịu trách nhiệm BTTH thì họ phải thực hiện trách nhiệm đó như thế nào? Nếu họ không thực hiện được thì phải chăng họ phải gánh chịu những hậu quả pháp lí bất lợi và những người bị thiệt hại cũng không được bồi thường? Đây là một tình huống xảy ra khá phổ biến trong những vụ về xác định trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng. Nếu Tòa án áp dụng một cách tuyệt đối và cứng nhắc những quy định của pháp luật thì sẽ phải hoãn việc thi hành án cho đến khi người gây thiệt hại là người mới trưởng thành có việc làm, có thu nhập. Tuy nhiên, việc làm này lại trái với nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời, không đảm bảo khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc khắc phục thiệt hại một cách nhanh nhất, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người bị thiệt hại trước khi bị xâm phạm. Vậy nên chăng trong trường hợp này Toà án có thể chủ động giải thích, khuyến khích cha mẹ người thành niên đó tự nguyện bồi thường thiệt hại do người mới trưởng thành gây ra. Toà án có thể công nhận sự tự nguyện đó, những về mặt pháp lý, không thể quyết định cha mẹ họ phải bồi thường. Ngoài ra, trong trường hợp người thành niên có thu nhập, còn ở chung và chung kinh tế với cha mẹ, mà gây thiệt hại thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng phần thu nhập thường xuyên của bản thân và phần tài sản chung với cha mẹ. Toà án cần triệu tập cha mẹ họ đến phiên toà với tư cách là dự sự.
Năng lực bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại do tài sản của vợ chồng gây ra
Liên quan đến vấn đề năng lực BTTH của người đã thành niên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, theo ý kiến chủ quan, em xin được đề cập đến vấn đề BTTH ngoài hợp đồng do tài sản của vợ chồng gây ra. Trên thực tế, có không ít những trường hợp tài sản gây thiệt hại là tài sản thuộc sở hữu chung hoặc riêng của vợ chồng trong thời kì hôn nhân. Việc xác định trách nhiệm BTTH thuộc về ai trong những trường hợp này vẫn còn được ít được nhắc tới.
Căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành về tài sản, tài sản của vợ chồng bao gồm vật, tiền và các quyền tài sản. Tài sản của vợ chồng có thể là động sản hay bất động sản… Tất cả các tài sản này dựa vào các căn cứ khác nhau mà được phân thành tài sản chung và tài sản riêng; việc xác định đâu là tài sản chung, đâu là tài sản riêng của vợ, chồng là cơ sở để giải quyết các vấn đề liên quan đến trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng khi có thiệt hại xảy ra.
Việc xác định trách nhiệm BTTH trong trường hợp thiệt hại do tài sản của vợ chồng gây ra, bên cạnh việc xem xét các yếu tố để xác định trách nhiệm BTTH còn phải căn cứ vào các loại tài sản cụ thể để xác định trách nhiệm BTTH. Chính vì vậy, trách nhiệm BTTH do tài sản của vợ chồng gây ra cần phải được xem xét trên những khía cạnh sau:
Thứ nhất, cần phải xác định có căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng hay không khi tài sản của vợ chồng gây thiệt hại. Điều này được xác định dựa trên các căn cứ phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng, cụ thể: có thiệt hại xảy ra, có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra, có lỗi (không phải điều kiện bắt buộc).
Thứ hai, cần xác định xem tài sản gây thiệt hại là tài sản chung hay tài sản riêng của vợ, chồng. Đây là vấn đề quan trọng để chúng ta xác định trách nhiệm BTTH là trách nhiệm của một bên vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng. Chính vì thế, việc xác định một cách chính xác trách nhiệm của vợ chồng đối với việc BTTH trong trường hợp này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của vợ chồng, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của người bị thiệt hại.
Thứ ba, mặc dù là trách nhiệm BTTH được xác định là của một bên vợ, chồng nhưng bên kia đã tự nguyện dùng tài sản chung của vợ chồng để bồi thường hoặc có khi dùng tài sản riêng của mình để bồi thường cho phía bị thiệt hại, điều này hoàn toàn được chấp nhận, miễn là thiệt hại được bồi thường toàn bộ và kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.
Theo nguyên tắc trách nhiệm thuộc về chủ sở hữu tài sản, trong trường hợp tài sản gây thiệt hại là tài sản chung của vợ chồng thì trách nhiệm BTTH phát sinh là trách nhiệm của cả hai vợ chồng. Điều này hoàn toàn phù hợp vì đối với tài sản chung hợp nhất của vợ chồng thì vợ, chồng hoàn toàn bình đẳng về căn cứ tạo lập tài sản, bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Vì lẽ đó, cả hai vợ chồng phải có trách nhiệm BTTH bằng tài sản chung của mình.
Cũng theo nguyên tắc nói trên, khi vợ, chồng có tài sản riêng gây thiệt hại thì trách nhiệm BTTH lúc này chỉ phát sinh đối với một bên vợ, chồng. Tuy nhiên, trong đời sống hôn nhân gia đình, thiệt hại này cũng có thể được vợ chồng thỏa thuận bồi thường bằng tài sản chung của vợ chồng. Trường hợp này được thể hiện khá rõ trong tình huống tài sản riêng của vợ, chồng là nguồn nguy hiểm cao độ nhưng lại do bên còn lại sử dụng và trong thời gian đó gây thiệt hại cho người khác. Khoản 2 Điều 623 quy định: “Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Cũng liên quan đến vấn đề này, Nghị quyết 03/2006/NQ – HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS 2005 về BTTH ngoài hợp đồng bổ sung: “Nếu chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đã giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác mà gây thiệt hại thì phải xác định trong trường hợp cụ thể đó người được giao nguồn nguy hiểm cao độ có phải là người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hay không để xác định ai có trách nhiệm bồi thường thiệt hại”. Quan hệ giữa chủ sở hữu tài sản và người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp trong trường hợp này phải được thể hiện dưới dạng một hợp đồng thuê, mượn tài sản. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của quan hệ hôn nhân và gia đình, thông thường hai bên vợ chồng thường không có thỏa thuận cụ thể về vấn đề này mà một bên để mặc cho bên kia sử dụng tài sản này vì lợi ích chung. Thực tế, việc xác định trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tài sản là nguồn nguy hiểm cao độ gây ra ở đây rất khó. Vì vây, nên chăng trong trường hợp này nên xác định trách nhiệm BTTH là trách nhiệm chung của vợ chồng, trừ trường hợp người kia sử dụng tài sản riêng của một bên không vì nhu cầu chung của gia đình mà gây thiệt hại hoặc vợ chồng thỏa thuận người sử dụng tài sản sẽ phải BTTH khi tài sản gây thiệt hại cho người khác, bất luận tài sản đó là chung hay riêng.
Xác định trách nhiệm BTTH của vợ, chồng trong các trường hợp tài sản của vợ, chồng gây thiệt hại cho đến nay còn khá nhiều phức tạp. Bình thường trong cuộc sống vợ chồng, ranh giới giữa tài sản chung và tài sản riêng rất mờ nhạt. Khi cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, người ta ít phân định “của anh – của tôi” mà thường “hòa làm một” vì lợi ích của gia đình. Tuy nhiên, khi động chạm đến quyền lợi, người ta lại ý thức rất rõ về cái chung, cái riêng để tránh thua thiệt. Vì vậy, việc xác định trách nhiệm BTTH khi tài sản của vợ chồng gây thiệt hại cần được xem xét một cách thấu đáo và đặt trong từng trường hợp cụ thể.
III - Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên
Điều 18 BLDS 2005 quy định: “Người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa thành niên”. Người chưa thành niên là những người bắt đầu có sự nhận thức về hành vi của mình, tuy nhiên sự nhận thức này vẫn còn những hạn chế nhất định. Căn cứ vào độ tuổi và trình độ nhận thức và khả năng chịu trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng, pháp luật dân sự Việt Nam phân chia người chưa thành niên thành hai nhóm: những người dưới 15 tuổi và những người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi. Theo đó, năng lực chịu trách nhiệm BTTH của hai nhóm này cũng không giống nhau.
Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi
Khoản 2 Điều 606 BLDS 2005 quy định: “Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 621 Luật này”. Như vậy, trách nhiệm BTTH do người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại trước tiên được xác định cho cha, mẹ của người đó.
Căn cứ vào sự phát triển về khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của cá nhân dựa tên cơ sở về độ tuổi, người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi được phân thành hai nhóm:
Cá nhân chưa đủ 6 tuổi. Những người thuộc nhóm tuổi này không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, được coi là những người không có năng lực hành vi dân sự. Họ không thể tự mình thực hiện các giao dịch dân sự do không nhận thức được hành vi của mình và hậu quả pháp lí của những hành vi đó. Vì vậy, giao dịch dân sự của người chưa đủ 6 tuổi phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện. Cá nhân ở độ tuổi này cũng ít có năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác và hầu như không có năng lực để thực hiện trách nhiệm BTTH do mình gây ra, vì vậy, cha, mẹ của những người ở độ tuổi này là những người đại diện đương nhiên với tư cách bị đơn dân sự trước tòa.
Cá nhân từ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi là những người có năng lực hành vi dân sự một phần. Những người thuộc nhóm tuổi này chưa phát triển đầy đủ về thể chất cũng như về tâm – sinh lí, trình độ nhận thức còn hạn chế vì vậy khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi. Pháp luật không quy định thế nào là giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi, tuy vậy, cần phải hiểu đó là những giao dịch có giá trị không lớn, nhằm thỏa mãn nhu cầu học tập, sinh hoạt vui chơi trong một giới hạn tài sản nhất định phù hợp với điều kiện sinh hoạt tại địa phương nơi cá nhân đó sinh sống. Nếu cá nhân từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi tham gia các giao dịch dân sự có giá trị lớn, không được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật thì người đại diện theo pháp luật có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó vô hiệu. Như vây, ta có thể thấy, sự phụ thuộc của những người chưa thành niên trong độ tuổi này vào bố mẹ - người đại diện theo pháp luật hợp pháp vẫn còn rất lớn.
Điều này một mặt xuất phát từ tính chất nhân đạo của pháp luật đối với những người chưa thành niên phạm tội hoặc gây những thiệt hại khác, mặt khác đề cao vai trò quản lí, giáo dục người chưa thành niên của cha mẹ. Cha me, hay nói một cách khái quát hơn là gia đình có vai trò rất lớn trong việc giáo dục, quản lí người chưa thành niên. Bên cạnh đó, đây cũng là đối tượng rất được sự quan tâm của nhà trường và toàn xã hội. Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi, do chưa phát triển đầy đủ về mặt thể chất cũng như nhận thức nên thường là những đối tượng dễ uốn nắn, dễ bị ảnh hưởng, tác động từ bên ngoài. Sự giáo dục của cha mẹ trong giai đoạn này có tính chất quyết định đến việc định hình nhân cách của người chưa thành niên sau này. Người đó sẽ trở thành một công dân tốt hay xấu phần lớn phụ thuộc vào sự phát triển trong giai đoạn này. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định vấn đề BTTH do con dưới mười lăm tuổi gây ra tại Điều 40 như sau: “Cha mẹ phải bồi thường thiệt hại cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự gây ra theo quy định tại Điều 611 của Bộ luật dân sự năm 1995”. Ngoài ra, Điều 17 Luật Bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em ngày 12/08/1991 cũng quy định: “Cha mẹ, người đỡ đầu phải chịu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự về những thiệt hại do hành vi của những đứa trẻ mình nuôi dạy gây ra”. Kết hợp với các quy định tại Điều 609 BLDS 2005 có thể thấy, pháp luật nước ta rất coi trọng trách nhiệm và nghĩa vụ của cha mẹ trong việc BTTH do hành vi trái pháp luật của con từ dưới mười lăm tuổi gây ra. Chính vì thế, cha mẹ của những người gây thiệt hại trong độ tuổi này có tư cách bị đơn dân sự, có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ cho thiệt hại do hành vi trái pháp luật của con, trong khi chính cá nhân gây thiệt hại lại hoàn toàn không có trách nhiệm bồi thường.
Tuy nhiên, pháp luật cũng dự liệu những trường hợp mà cá nhân gây thiệt hại là người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi, cha mẹ lại không có hoặc không đủ khả năng bồi thường. Trong trường hợp này, nếu con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường. Quy định này không nhằm loại trừ trách nhiệm của cha mẹ. Thực tế, dù cha mẹ có lấy tài sản riêng của con để bồi thường trong trường hợp tài sản của cha mẹ không đủ hoặc không có tài sản cũng không có nghĩa là trách nhiệm BTTH đã chuyển sang cho người con. Giả sử người con không có tài sản riêng để thực hiện nghĩa vụ cho phần còn thiếu thì trách nhiệm vẫn luôn thuộc về cha mẹ. Như vậy, trong mọi trường hợp gây thiệt hại trái pháp luật mà không có căn cứ loại trừ trách nhiệm BTTH theo quy định của pháp luật, người bị thiệt hại đều được bồi thường, vấn đề là trách nhiệm bồi thường đó thuộc về ai mà thôi. Cần phải nói thêm, một lí do tham khảo nữa khiến luật quy định như vậy là do người chưa thành niên ở độ tuổi này không có hoặc chưa có khả năng lao động. Pháp luật hiện hành quy định độ tuổi lao động từ đủ mười lăm tuổi trở lên, trừ những công việc liên quan đến năng khiếu, nghệ thuật như múa, xiếc,… thì mới có người lao động dưới mười lăm tuổi, nhưng hợp đồng lao động giữa họ và người sử dụng lao động phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật cho họ. Chính vì thế, đa số người dưới mười lăm tuổi không có thu nhập hoặc tài sản riêng để thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho người bị thiệt hại
Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi
Khoản 2 Điều 606 quy định: “Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình”. Như vậy, cùng một điều luật quy định về năng lực chịu trách nhiệm BTTH của người chưa thành niên nhưng lại có sự khác nhau cơ bản giữa trách nhiệm của người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi và người chưa thành niên từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi. Nếu người dưới mười lăm tuổi, trách nhiệm BTTH được đặt ra trực tiếp với cha, mẹ của cá nhân gây thiệt hại, cá nhân gây thiệt hại không có trách nhiệm bồi thường thì người từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi lại phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho những thiệt hại do hành vi của mình gây ra.
Quy định này trước hết xuất phát từ trình độ phát triển về mặt thể chất và nhận thức của những cá nhân ở độ tuổi này. Cùng ở trong lứa tuổi chưa thành niên nhưng những cá nhân từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi đã có sự phát triển hơn hẳn những cá nhân dưới 15 tuổi. Cụ thể, những người chưa thành niên ở lứa tuổi này đã có sự nhận biết khá hoàn chỉnh về thế giới khách quan, có khả năng nhận biết được hành vi nào không gây thiệt hại và hành vi nào gây thiệt hại cho xã hội, từ đó, lựa chọn cách xử sự hợp lí, phù hợp với lợi ích cá nhân và lợi ích của các chủ thể khác. Những người trong độ tuổi từ đủ 15 đến dưới 18 đã cơ bản hình thành về mặt nhân cách, nhận thức, không còn dễ uốn nắn và tác động như người chưa thành niên dưới 15 tuổi. Bên cạnh đó, người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có tài sản riêng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Như vậy, ta có thể thấy, cá nhân từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi đã có sự độc lập tương đối so với cha mẹ - những người đại diện theo pháp luật.
Một lí do nữa lí giải cho quy định này đó là người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, theo quy định của pháp luật hiện hành thì đã có khả năng lao động. Những người này, không chỉ về suy nghĩ, nhận thức đã có sự tách biệt tương đối với cha mẹ mà ngay cả tài sản cũng bắt đầu có sự độc lập, tuy sự độc lập này là không lớn. Cá nhân từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi đã có thể tự mình lao động, từ đó có thu nhập riêng, có tài sản riêng. Tài sản của họ phần nào đó đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ trong những giao dịch dân sự do chính bản thân họ xác lập và thực hiện, đồng thời, tạo điều kiện cho năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại được hoàn thiện hơn.
Tuy nhiên, do những người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi vẫn là những người chưa thành niên. Xét về mặt năng lực hành vi dân sự thì họ vẫn chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Vì vậy, trong trường hợp người chưa thành niên, chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ gây thiệt hại thì không thể loại trừ trách nhiệm của cha mẹ, người đại diện theo pháp luật. Khoản 2 Điều 606 còn quy định thêm người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại, nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình. Quy định này, một mặt nhằm rằng buộc trách nhiệm pháp lí của cha, mẹ trong việc giáo dục, quản lí đối với con chưa thành niên, mặt khác, nhằm đảm bảo lợi ích cho người bị thiệt hại trong trường hợp người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi gây thiệt hại nhưng không đủ khả năng bồi thường toàn bộ.
III - Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người được giám hộ
Điều 58 BLDS quy định: “Giám hộ là việc cá nhân, tổ chức (sau đây gọi là người giám hộ) được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự (sau đây gọi chung là người được giám hộ)”. Tuy nhiên, giám hộ ngoài việc thực hiện những nghĩa vụ theo luật định đối với người được giám hộ thì còn có trách nhiệm trong việc BTTH do hành vi trái pháp luật của người được giám hộ gây ra. Người được giám hộ theo khoản 2 Điều 58 bao gồm: “a. Người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế quyền của cha ,mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu; b. Người mất năng lực hành vi dân sự”.
Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người được giám hộ là người chưa thành niên
Người chưa thành niên theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 thì cần có người giám hộ. Do vậy, với người chưa thành niên vẫn còn cha, mẹ và cha, mẹ của họ không rơi vào các trường hợp nêu trên thì họ đương nhiên là đại diện cho con và thiệt hại do người chưa thành niên gây ra sẽ được cha mẹ bồi thường theo cách thức bồi thường phân tích ở mục 2.
Nếu cha, mẹ của người chưa thành niên rơi vào các trường hợp nêu ở điểm a khoản 2 Điều 58, người chưa thành niên gây thiệt hại phải bồi thường thì trách nhiệm pháp lí trong khi thực hiện việc giám hộ của người giám hộ được đặt ra, trong đó có trách nhiệm BTTH.
Người giám hộ được chia thành hai loại: giám hộ đương nhiên và giám hộ cử. Người giám hộ đương nhiên được xác định dựa trên mối quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng nhằm ràng buộc trách nhiệm giữa những người thân thích, ruột thịt trong gia đình với nhau. Người giám hộ đương nhiên không có quyền từ chối trách nhiệm giám hộ của mình, họ phải chịu trách nhiệm về những hành vi do người được giám hộ gây ra. Thứ tự các thành viên trong gia đình được pháp luật quy đinh làm người giám hộ đương nhiên cho người chưa thành niên, có nghĩa vụ chăm sóc, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người được giám hộ, có trách nhiệm trong việc để người được giám hộ gây thiệt hại phải bồi thường sẽ được thực hiện như sau:
Trước hết là trách nhiệm của anh cả, chị cả đã thành niên đủ điều kiện làm người giám hộ. Nếu anh cả, chị cả không đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông, bà nội, ông, bà ngoại là người giám hộ. Trong trường hợp tất cả những người nêu trên không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ. Nếu không có người giám hộ đương nhiên thì sẽ phải cử người giám hộ. Việc cử người giám hộ phải được sự đồng ý của người đó để đảm bảo họ luôn thực hiện tốt trách nhiệm giám hộ trên tinh thần tự nguyện, tự giác. Theo quy định tại khoản 3 Điều 606 thì khi người được giám hộ gây thiệt hại cho người khác, người giám hộ có trách nhiệm dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường thiệt hại, chỉ trong trường hợp người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải lấy tài sản của mình để bồi thường. Quy định này được thực hiện để bảo đảm nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời, khôi phục thiệt hại của người bị thiệt hại, đồng thời ràng buộc trách nhiệm của người giám hộ trong việc giám hộ.
Tuy nhiên, quy định về trách nhiệm BTTH của người chưa thành niên từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi có người giám hộ lại khác về cơ bản so với quy định về trách nhiệm BTTH của người chưa thành niên từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi còn cha mẹ. Ở trường hợp người gây thiệt hại là người chưa thành niên từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi còn cha mẹ thì trách nhiệm bồi thường trước tiên thuộc về người đó; nếu người đó không có tài sản hoặc tài sản không đủ để bồi thường thì trách nhiệm bồi thường mới được đặt ra với cha, mẹ. Ngược lại, ở trường hợp người gây thiệt hại là người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có người giám hộ thì trách nhiệm BTTH trước tiên lại thuộc về người giám hộ, sau đó mới là người chưa thành niên gây thiệt hại. Vậy phải chăng có gì đó không thỏa đáng trong tình huống này?
Một điểm khác biệt nữa khi quy định về trách nhiệm BTTH do hành vi trái pháp luật của người chưa thành niên gây ra đó là: “nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường” trong khi đó vấn đề lỗi không được đặt ra đối với trường hợp người gây thiệt hại là người chưa thành niên còn cha mẹ, tức là cha mẹ vẫn phải bồi thường ngay cả khi không có lỗi. Vậy trong trường hợp người gây thiệt hại là người chưa thành niên, không có tài sản hoặc tài sản không đủ để bồi thường, người giám hộ không có lỗi trong việc giám hộ thì trách nhiệm bồi thường sẽ thuộc về ai?
Thực tiễn áp dụng trách nhiệm BTTH trong trường hợp này vẫn có những tình huống xảy ra mà luật không dự liệu trước, khiến cho các thẩm phán tại các tòa án gặp nhiều khó khăn trong công tác xét xử. Điều này được dẫn giải trong ví dụ sau: A là người chưa thành niên dưới 15 tuổi có cha mẹ nhưng cha mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự nên B là người giám hộ đương nhiên cho A trong các giao dịch dân sự. Một ngày, sau khi đi học về, A chơi đá bóng trên đường với một nhóm bạn cùng lớp. Trong lúc thể hiện chân sút đá bóng với các bạn, trái bóng của A đã bay thẳng vào cửa kính xe hơi của ông C làm kính vỡ tan. Thiệt hại ông C đi thay kính mới hết 8 triệu đồng. Trách nhiệm bồi thường cho ông C thuộc về B vì B có lỗi không quản lí A để A chơi đá bóng trên đường phố gây thiệt hại. Như vậy, theo quy định của pháp luật thì sẽ lấy tài sản của A để bồi thường, nếu tài sản của A không đủ thì lấy tài sản của B để bồi thường phần còn thiếu. Tuy nhiên, cả A và B đều không có tài sản bồi thường cho ông C. Vậy thì theo luật, C sẽ phải chấp nhận rủi ro, không được BTTH? Giả sử bố mẹ của A mất năng lực hành vi dân sự nhưng lại được thừa kế số tiền là 100 triệu đồng thì có lấy số tiền đó của bố mẹ A để bồi thường cho ông C không, luật cũng không quy định rõ vấn đề này.
Năng lực chịu trách nhiệm BTTH của người được giám hộ là người mất năng lực hành vi dân sự
Người mất năng lực hành vi dân sự là người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, bị tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự theo yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan. Người mất năng lực hành vi dân sự cần phải có người giám hộ, người giám hộ sẽ là người đại diện cho họ trong các giao dịch dân sự. Người mất năng lực hành vi dân sự có thể là bất kì ai và ở bất kì độ tuổi nào, do vậy mà tùy từng trường hợp khác nhau mà việc quy định trách nhiệm BTTH do người được giám hộ là người mất năng lực hành vi dân sự gây ra cũng khác nhau. Cụ thể:
Nếu người mất năng lực hành vi dân sự là người chưa thành niên mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ chính là người giám hộ. Họ có phải chăm sóc và quản lí người mất năng lực hành vi dân sự. Trong quá trình chăm sóc và quản lí người mất năng lực hành vi dân sự, nếu người giám hộ để người được giám hộ gây thiệt hại cho người khác thì họ phải có trách nhiệm bồi thường. Vì người giám hộ trong trường hợp này là cha, mẹ của người mất năng lực hành vi dân sự là người chưa thành niên nên trách nhiệm BTTH cũng giống như trách nhiệm BTTH của cha, mẹ đối với con chưa thành niên gây thiệt hại.
Trong trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự đã có vợ (hoặc chồng) thì người vợ (hoặc chồng) có đủ điều kiện sẽ là người giám hộ (Khoản 1 Điều 62 BLDS 2005). Người giám hộ được lấy tài sản của người được giám hộ để thực hiện trách nhiệm BTTH. Nếu như tài sản của người được giám hộ không đủ để bồi thường thì phải phân định tài sản chung của vợ chồng sau đó mới xác định trách nhiệm bồi thường. Sau khi xác định tài sản chung mà tài sản chung vẫn không đủ để bồi thường thì người giám hộ mới phải lấy tài sản của mình để thực hiện nghĩa vụ bồi thường phần còn thiếu.
Trường hợp cả cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người bị mất năng lực hành vi dân sự nhưng người kia không đủ điều kiện để làm người giám hộ thì người con cả phải là người giám hộ. Nếu người con cả không đủ điều kiện để làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện sẽ là người giám hộ. Nếu cha, mẹ mà gây thiệt hại cho người khác thì người con đang giám hộ cha, mẹ sẽ lấy chính tài sản của cha, mẹ để thực hiện nghĩa vụ BTTH cho người bị thiệt hại. Sau khi lấy tài sản của cha, mẹ để bồi thường nhưng vẫn còn thiếu thì người con đang giám hộ có trách nhiệm dùng tài sản của mình bồi thường phần còn thiếu.
Trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự là người đã thành niên và đã có vợ, chồng, con nhưng vợ, chồng, con đều không đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ có đủ điều kiện phải làm người giám hộ cho họ. Nếu họ gây thiệt hại về tài sản cho người khác thì cha, mẹ sẽ lấy tài sản riêng của người được giám hộ để thực hiện trách nhiệm BTTH. Nếu tài sản đó không đủ để bồi thường thì người giám hộ mới phải lấy tài sản của mình để bồi thường. X¸c ®Þnh tr¸ch nhiÖm båi thêng nèt phÇn cßn thiÕu do thiÖt h¹i cña ngêi ®îc gi¸m hé g©y ra cña ngêi gi¸m hé ë ®©y cÇn ph¶i ph©n lµm hai trêng hîp: NÕu c¶ cha cha, mÑ cïng lµ ngêi gi¸m hé th× sÏ lÊy tµi s¶n chung vî chång cña cha, mÑ ®Ó thùc hiÖn nghÜa vô båi thêng phÇn cßn thiÕu cho ngêi ®îc gi¸m hé; nÕu chØ cã cha hoÆc mÑ lµm ngêi gi¸m hé th× sÏ kh«ng lÊy tµi s¶n chung mµ lÊy phÇn tµi s¶n riªng trong khèi tµi s¶n chung cña vî chång ®Ó thùc hiÖn nghÜa vô båi thêng phÇn cßn thiÕu cña ngêi ®îc gi¸m hé.
IV - Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi và người mất năng lực hành vi dân sự trong thời gian trường học, bệnh viện, tổ chức khác quản lí
Điều 621 quy định trách nhiệm BTTH trong trường hợp người chưa thành niên dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự đang được nhà trường, bệnh viện hoặc các tổ chức khác quản lí mà gây thiệt hại thì nhà trường, bệnh viện và các tổ chức này phải bồi thường. Trách nhiệm BTTH được xác định dựa trên yếu tố lỗi của nhà trường, bệnh viện, các tổ chức và được thể hiện trong nghĩa vụ quản lí người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự không cẩn trọng, không chu đáo, thiếu biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn mà để họ gây thiệt hại. Thời gian quản lí là thời hạn trong đó nhà trường theo quy định nghề nghiệp có nghĩa vụ giáo dục mà họ không thực hiện tốt chức năng của họ; bệnh viện có nghĩa vụ chăm sóc, điều trị nhưng do lỗi quản lí không tốt để người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác (ví dụ: nhà trường tổ chức đi thăm quan, dã ngoại nhưng không có các biện pháp bảo đảm an toàn; bệnh nhân bị tâm thần vượt hàng rào, tường bao bọc xung quanh ra ngoài gây thiệt hại cho người khác;…). Lúc đó, cha mẹ, người giám hộ của người chưa thành niên dưới 15 tuổi, người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự không có trách nhiệm bồi thường. Quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm của nhà trường trong việc quản lí học sinh đang trong thời gian học tập tại trường theo thời khóa biểu văn hóa chính khóa, ngoại khóa hoặc lao động, vui chơi, giải trí do nhà trường tổ chức; trách nhiệm của bệnh viện, các tổ chức khác trong việc chăm sóc, quản lí bệnh nhân trong thời gian bệnh nhân điều trị tại bệnh viện. Pháp luật quy định xét trách nhiệm của nhà trường, bệnh viện, tổ chức khác phải có yếu tố lỗi nên trong trường hợp họ chứng minh được không có lỗi trong thời gian quản lí để người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại thì cha, mẹ, người giám hộ của người dưới 15 tuổi, người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường.
Ví dụ:
- Cô giáo chủ nhiệm lớp 5A trường THCS X bị ốm đột xuất nên lớp trống tiết. Cô Y là hiệu trưởng của trường lên thông báo cho học sinh lớp 5A nghỉ buổi học hôm đó, trước khi cho học sinh ra về, cô Y đã gọi điện cho từng phụ huynh thông báo về việc này, trao trả học sinh cho gia đình. Trên đường về, M đá bóng cùng các bạn, không may sút bóng vào đúng cửa sổ nhà ông N làm vỡ kính. Trường hợp này, nhà trường không có trách nhiệm BTTH do hành vi của M gây ra do thời gian M gây thiệt hại không thuộc sự quả lí của trường.
- A bị tâm thần, đã được Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự đang được điều trị tại bệnh viện Y. Tết năm 2009, gia đình A muốn A về nhà ăn tết nên đã làm đơn xin bệnh viện cho A được về nhà 1 tuần và hứa sẽ quản lí A trong thời gian 1 tuần đó. Bệnh viện đồng ý cho A về nhà ăn tết. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian 1 tuần về nhà, A đã gây thiệt hại cho người khác phải bồi thường. Trường hợp này, bệnh viện không có trách nhiệm bồi thường cho thiệt hại mà A gây ra do bệnh viện không có lỗi trong việc quản li A.
Quy định trong BLDS 2005 có sự khác biệt cơ bản trong BLDS 1995. Điều 625 BLDS 1995 quy định: “Trường học, bệnh viện, các tổ chức khác nếu có lỗi trong việc quản lí thì phải liên đới cùng cha, mẹ, người giám hộ BTTH cho người chưa đủ 15 tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự gây ra cho người khác trong thời gian trường học, bệnh viện, các tổ chức khác trực tiếp quản lí những người đó”. Vậy theo quy định tại BLDS 1995, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường đối với cha, mẹ, người giám hộ hay trường học, bệnh viện, các tổ chức khác trực tiếp quản lí vì nghĩa vụ dân sự liên đới theo khoản 1 Điều 304 BLDS 2005 là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và người có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Tuy nhiên, trong BLDS 2005 thì cụm từ “liên đới cùng với cha mẹ, người giám hộ” không được quy định và người bị thiệt hại chỉ có thể đòi yêu cầu BTTH đối với trường học, bệnh viện, các tổ chức khác trực tiếp quản lí nếu họ có lỗi trong việc giáo dục. Theo em, quy định này là chưa hợp lí đối với trường hợp người gây thiệt hại là người chưa thành niên dưới 15 tuổi. Bởi lẽ, hầu hết các hành vi gây thiệt hại của các trẻ em trong thời gian học tập tại trường không đơn thuần là kết quả của quá trình giáo dục riêng của nhà trường, mà là sản phẩm của quá trình giáo dục của cả nhà trường và cha mẹ, trong đó, vai trò của cha mẹ rất quan trọng. Vì vậy, để tránh tình trạng phó thác việc giáo dục học sinh cho một bên, nên quy định nghĩa vụ liên đới của cha mẹ và nhà trường trừ các trường giáo dưỡng vì tính đặc thù của học viên trong loại hình trường này.
Một điểm nữa chưa hợp lí, theo ý kiến của em là quy định tại khoản 2 Điều 621: “Người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viện, tổ chức khác trực tiếp quản lí thì bệnh viện, tổ chức khác phải bồi thường thiệt hại xảy ra”. Theo quy định của pháp luật, một người chỉ được coi là mất năng lực hành vi dân sự khi có đủ ba điều kiện:
Do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.
Người có quyền và lợi ích liên quan yêu cầu tòa án tuyên bố người bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác đó mất năng lực hành vi dân sự .
Tòa án tuyên bố người bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác đó mất năng lực hành vi dân sự.
Tuy nhiên, trên thực tế, những bệnh nhân mắc bênh tâm thần hoặc bệnh khác khiến không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình đang được điều trị tại bệnh viện hoặc được quản lí tại các tổ chức khác hầu như chưa được Tòa án tuyên bố là mất năng lực hành vi dân sự. Vậy trong trường hợp những người này gây thiệt hại trong thời gian bệnh viện, các tổ chức khác trực tiếp quản lí thì ai là người có trách nhiệm bồi thường? Nên chăng quy định này nên sửa thành: “Người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viện, tổ chức khác trực tiếp quản lí thì bệnh viện, tổ chức khác phải bồi thường thiệt hại xảy ra”.
KẾT LUẬN
Tuy đã được quy định khá cụ thể và rõ ràng trong BLDS 2005 và các văn bản pháp luật khác có liên quan nhưng các nhà làm luật vẫn chưa thể dự liệu hết các trường hợp phát sinh trên thực tế. Điều này đã gây ra không ít khó khăn cho các tòa án trong việc xét xử các trường hợp kiện đòi BTTH ngoài hợp đồng. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là các nhà làm luật cần sớm bổ sung, thay đổi những quy định cho phù hợp với sự phát triển của xã hội, bên cạnh đó, tòa án cũng cần áp dụng các quy định của pháp luật một cách linh hoạt hơn.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân do gây thiệt hại ngoài hợp đồng – Một số vấn đề lí luận và thực tiễn.doc